To those who mourn

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

 trang nhà l trang sách l bản tin l thiền học l tiểu sử l trang thơ l hình ảnh l bài vở 

CÙNG AI BI KHÓC

(TO THOSE WHO MOURN)

Tác giả: C. W. LEADBEATER

Dịch giả: NGUYỄN THỊ HAI

LỜI TỰA

Phù sinh như tấc bóng chiều,

In như bọt nước phập phều ngoài khơi;

Kết tinh rồi lại rã rời,

Thân người tuy có, có rồi huờn không;

Xưa nay mấy bậc anh hùng,

Sắc tài rồi cũng trong vòng tử sinh;

Tử là để phát tánh linh,

Đề mang xác mới vào mình kiếp sau;

Cho hồn sống được dồi dào,

Cho người càng tiến, càng cao tinh thần;

Hương tình vẫn mãi thanh xuân,

Mất chăng chỉ có xác thân rã mòn;

Tiếc chi khi nó héo don,

Như nhà sụp đỗ, đâu còn giúp ai ?

Chết là tô điểm ngày mai,

Bình minh trổi dậy, xây đài vinh quang;

Hiểu rồi lòng đặng hân hoan,

Tử thần là Bạn, chỉ Đàng Nhàn Du . . .

Xuân cười điểm nét ngàn thu . . .

CÙNG AI BI KHÓC

Trên đời này, chẳng mấy ai là không khóc cảnh tử biệt, sanh ly, không đau lòng xót dạ trước sự im hơi lặng tiếng của người mình thương yêu, quí mến. Thử hỏi có sự hãi hùng nào hơn, khi tưởng nhớ đến chính mình đây, một ngày kia cũng sẽ nằm trong lòng đất lạnh, phó mặc cho côn trùng rút rỉa thịt xương? Dường thể tử thần đi đến đâu là gieo rắc sự đau thương, khốn khổ đến đó !

Bởi muốn an ủi những kẻ nát lòng vì tử biệt, một nhà bí học trứ danh, có huệ nhãn, là Đức Giám Mục  C. W. Leadbeater mới viết ra quyển “CÙNG AI BI KHÓC” (To those who mourn) bằng Anh văn vào năm 1913 và đã xuất bản nhiều lần trên mấy trăm ngàn cuốn. Quyển sách ấy đem lại cho người đời nhiều sự hiểu biết quí báu về cõi vô hình. Nay kẻ hậu sanh này, rán dịch nó ra Việt ngữ, mong góp công mọn với đời trong muôn một !

Những điều mà  Đức C. W. Leadbeater viết ra đây là thuộc về giáo lý Thông Thiên Học. Ngài đã dùng huệ nhãn kinh nghiệm chúng nó rất kỹ lưỡng. Ngài không đòi hỏi ai phải nhắm mắt tin càn những chân lý đó. Ngài chỉ trình bày chúng nó với một dạ chơn thành, yêu thương và giúp đỡ những người đau khổ hầu an ủi họ, đem đến cho họ một chút ánh sáng hi vọng chánh đáng trước sự thật.

Sự chết chẳng có gì đáng phải hãi hùng. Người chết là người đang ngủ một giấc ngủ không bao giờ thức; để rồi một ngày kia, trổi dậy dưới một chiếc áo mới, điểm hoa màu, tươi tốt. Người xưa ví sự chết như sự cổi áo cũ để mặc áo mới, đẹp đẽ hơn.

Đứng trước tử thần, người ta kinh khủng, hãi hùng: vì không rõ cách diễn tiến của sự tử là thế nào. Có phải chết là chấm dứt đời đời sự sống chăng? Có phải chết là tan ra mây khói chăng? Nếu không biết chơn lý thì sự chết quả là khủng khiếp thật ! Nếu ta muốn an ủi người  bớt cơn sầu muộn, mà không cho họ cái đức tin hiểu biết thì lời của ta sẽ hóa ra vô bổ ! Một khi người hiểu được chết là gì, hiểu được những hiện tượng xảy ra sau khi chết, thì tự nhiên hết kinh sợ và đau khổ nữa, mà trái lại còn có đầy hi vọng vui tươi ở tương lai sáng lạn đang chờ mình !

Thông Thiên Học quả quyết rằng: Con người là một Linh hồn bất tử. Chỉ có cái xác là chết mà thôi. Người chết là gì? Người chết là người đi từ cõi hồng trần lên cõi Trung giới để tiếp tục con đường tiến bộ của mình. Vậy thân nhơn của ta có tạm thời từ giã ta để sang qua “cửa Tử”, thì ta cũng sẽ gặp họ lại trên cõi Trung giới, trong lúc ta ngủ hoặc sau khi ta bỏ xác.

Ta nên biết rằng: lòng yêu thương, mến tiếc thực sự của ta đối với người chết vẫn còn mãi mãi và không hề mất được. Mà tại cõi Trung giới, nó còn mãnh liệt hơn là lúc ở cõi trần; vì nơi đây, nó không còn bị sự trở ngại của xác thân làm giảm bớt đi.

Theo giáo lý Thông Thiên Học thì trên Địa cầu có 7 giống dân. Giống dân thứ nhứt và giống dân thứ nhì, vì hình thể quá thô sơ nên ngày nay đã tiêu mất. Giống dân thứ ba chỉ còn lại một ít mà thôi. Đó là giống dân da đen, tóc quăn quíu, môi dày, mũi xẹp (les Lémuriens) thuộc về những đồng bào ở rừng núi, còn dã man, lạc hậu. Giống dân thứ tư là giống dân da vàng. Giống dân thứ năm là giống dân da trắng. Giống dân thứ sáu mới ra đời một số ít mà thôi và giống dân thứ bảy chưa ra đời. Mỗi giống dân chánh đều có bảy nhánh. Tỷ như người Nhật Bản thuộc về nhánh thứ bảy của giống dân chánh thứ tư. Còn người Anh thuộc về nhánh thứ năm của giống dân chánh thứ năm v. v. . .

Khi nhân loại tiến đến giống dân chánh thứ sáu và thứ bảy, thì sự “Tử” không còn làm chủ nữa. Dưới đây là một đoạn sách trích trong quyển “Con người từ đâu đến, và đi về đâu ?” do tác giả C. W. Leadbeater, đã dùng huệ nhãn quan sát tư cách của người thuộc về giống dân thứ sáu trước “Tử thần”, một cách rất là lý thú ! [1]

Người thuộc về giống dân chánh thứ sáu sẽ không bịnh hoạn. Hầu hết đều chết già. Nhiều người sống trên trăm tuổi; và trước 80 tuổi, họ chưa có vẻ gì già cả. Thường thường người ta chết là tự ý mình muốn bỏ xác khi thấy nó hết hữu ích nữa, chớ không phải bị bịnh hoạn hay ốm đau mà chết như người bây giờ. Khi người nào thấy xác mình già yếu và vô dụng, và đi tìm một người cha và một người mẹ tương lai cho kiếp tới. Nếu hai người này ưng thuận thì kẻ sắp chết trao cho họ một bửu bối thấm nhuần từ điển của y; thường là một món nữ trang và quần áo mà y muốn lưu lại kiếp sau. Đoạn y dọn mình bước qua âm cảnh. Y bèn nhắm mắt lại, tỏ ý muốn chết; rồi trong giấc ngủ ấy, y lìa khỏi xác một cách êm ái an lành, không chút gì đau đớn. Thường thường y đến nhà cha mẹ tương lai của y (mà y đã chọn) đặng chết.

Người ta không cử hành đám táng; thậm chí những người thân bằng quyến thuộc cũng không đến dự nữa, vì người ta cho sự chết là một sự hết sức thường tình, tỷ như chiếc áo mặc vào cổi ra, không có chi là lạ cả và không cần mời ai dự kiến. Xác chết nhờ chất toan thủy và một thứ điển lực giống như điển khí làm tiêu tan ra tro bụi !

Chúng tôi mong sao những lời chỉ dẫn vô cùng quí báu trong quyển “Cùng Ai Bi Khóc” này sẽ trở thành những đóa hoa hồng tuyệt đẹp tỏa lên một mùi hương thơm dịu, thấu đượm cõi lòng khô héo và mang đến cho ai một nụ cười hi vọng !

Sài gòn, tháng 9 năm 1962

NGUYỄN THỊ HAI

     Thưa Huynh,

Tử thần vừa cướp mất của huynh một người mà huynh yêu mến thiết tha – một người mà có lẽ huynh quí nhất đời – và cõi thế hiện giờ đối với huynh xem dường rỗng tuếch ! Hình như huynh cho rằng: kiếp trần gian không còn đáng sống nữa. Huynh cảm thấy sự vui mừng không bao giờ trở lại với huynh, và từ đây, cõi đời, đối với huynh không có gì cả, nếu không phải là một sự buồn rầu vô hi vọng; nó không còn chi cả, nếu không phải là một sự khát vọng đau thương để tìm lại “sự chạm của một bàn tay đã mất và một tiếng nói đã lặng câm !” Huynh đang nghĩ nhiều nhất về huynh và sự tổn thất vô vãn hồi [2] của huynh. Nhưng huynh cũng còn một điều buồn phiền khác nữa. Sự đau khổ của huynh bị tăng cường: bởi vì huynh không chắc người mà huynh tha thiết yêu đương đó đang lâm vào tình trạng nào? Huynh biết rằng: người ấy đã đi rồi mà huynh không biết là đi đâu? Huynh tha thiết mong sao người ấy được mọi sự an lành ! Nhưng khi huynh nhìn quanh mình thì huynh thấy trống trơn ! Khi huynh kêu khóc thì không ai đáp lại ! Và rồi sự thất vọng, sự nghi ngờ đè nặng lên người huynh, tạo ra một đám mây che khuất huynh trước Ngôi Mặt Trời không bao giờ lặn. Cái tâm trạng của huynh là một sự tự nhiên thật. Tôi là người viết ra (quyển sách này) hiểu được nó một cách hoàn toàn và lòng tôi có đầy thiện cảm đối với những ai đã bi thảm như huynh. Nhưng tôi mong sao: tôi có thể làm nhiều hơn là tỏ lòng thiện cảm của tôi; tôi mong sao đem được cho huynh một sự an ủi. Hàng ngàn người trong tình cảnh bi đát của huynh đã gặp đặng sự giúp đỡ và sự an ủi này, thì tại sao chúng nó không đến với huynh?

Huynh nói: “Làm sao điều đó an ủi tôi được? hoặc giả: “Tôi còn hi vọng gì chớ”.

Có hi vọng an ủi được huynh: bởi vì nỗi ưu tư của huynh căn cứ vào sự hiểu lầm: huynh buồn rầu vì một chuyện mà thật ra không có xảy ra. Khi huynh hiểu được sự thật, thì huynh sẽ hết đau khổ.

Huynh trả lời rằng: “Làm sao ông giúp được tôi? Thật ra chỉ trừ khi nào ông trả người chết của tôi lại cho tôi thôi !”

Tôi hiểu tâm trạng của huynh một cách hoàn toàn. Nhưng tôi xin huynh nhẫn nại một chốc, và rán hiểu ba điều chánh đại mà tôi sắp trình bày cho huynh, trước tiên chỉ một cách tổng quát, rồi sau, mới đến chi tiết xác chứng.

1.- Cái mất của huynh chỉ là một sự kiện bề ngoài mà thôi – bề ngoài đối với quan điểm của huynh. Tôi muốn đưa huynh đến một quan điểm khác. Sự đau khổ của huynh là do cái kết quả của một ảo giác vĩ đại – do sự thiếu hiểu biết luật Trời. Huynh hãy để cho tôi giúp huynh trên đường hiểu biết ấy bằng cách dẫn giải một vài chơn lý đơn giản mà huynh có thể khảo xét về sau nếu huynh muốn.

2.- Huynh không cần phải lo lắng hay ngờ vực về thân phận của người mà huynh yêu mến đó: bởi vì đời sống sau “Cửa Tử” không còn là một sự bí mật nữa. Cái thế giới bên kia “Cửa Tử” cũng bị đặt dưới những định luật tự nhiên, giống như những định luật mà ta biết, và chúng nó đã được tham cứu và quan sát với một sự đúng đắn của khoa học.

3.- Huynh không được khóc than: bởi vì sự bi đát của huynh làm hại cho người mà huynh thương mến. Nếu một khi mà huynh hiểu được sự thật rồi thì huynh không còn khóc nữa.

Có lẽ huynh cảm thấy đó chỉ là những lời đoán ngôn mà thôi. Nhưng huynh hãy để cho tôi hỏi huynh: dù tư tưởng của huynh hiện hữu là ra sao đi nữa, huynh đặt nó trên nền tảng nào? Huynh cho rằng: huynh tin tưởng nó bởi vì có vài Giáo hội đã dạy như thế hoặc cho nó là căn cứ vào lời của vài thánh kinh nào đó, hoặc vì lẽ nó là điều tin tưởng chung của những người xung quanh huynh và là một ý kiến đã được thời đại huynh chấp nhận. Nhưng nếu huynh muốn cố gắng cởi mở trí của huynh những thành kiến, thì huynh sẽ thấy rằng: tư tưởng đó cũng chỉ căn cứ vào lời đoán ngôn mà thôi: bởi vì Giáo hội dạy nhiều cách khác nhau; và những lời trong thánh kinh có thể và đã giải thích bằng nhiều lối không giống nhau. Cái ý kiến được thời đại huynh nhìn nhận không căn cứ vào sự hiểu biết xác đáng nào; nó chỉ là lời phong văn suông mà thôi. Những vấn đề này dính líu với ta rất nhiều, và mật thiết với ta cũng lắm nên chúng nó quá ư quan trọng; không thể bỏ liệt chúng nó vào cái giả thuyết suông hay là vào một sự tin tưởng mơ hồ nào được. Chúng nó đòi hỏi một sự đích xác của khoa học tham cứu và phân tích. Sự tham cứu này đã được thực hành; sự phân tích kia đã được hoàn tất; và chính cái kết quả của mấy điều đó mà tôi muốn đưa ra trước huynh. Tôi không đòi hỏi sự tin tưởng mù quáng. Tôi trình bày những gì mà chính tôi biết là có thật, và tôi mời huynh quan sát chúng nó.

Ta hãy quan sát những luận đề này từ cái một. Để làm đề tài được rõ rệt cho huynh, tôi phải nói với huynh về sự cấu tạo con người thêm một tí nữa, mà thường thường những người không có khảo cứu đặc biệt về đó chẳng biết được. Huynh đã nghe nói một cách mơ hồ rằng: con người có một cái gì trường tồn gọi là linh hồn, nó được giả định là còn sống sau khi cái xác chết. Tôi muốn huynh gạt ra một bên sự mơ hồ này và hiểu rằng: điều đó có thật đi nữa, nó cũng là một sự kiện kém khuyết mà thôi ! Chớ nói rằng: “Tôi ao ước có một linh hồn”. Mà nói: “Tôi biết rằng: tôi là một linh hồn”. Bởi vì đó là một chơn lý đúng đắn. Con người là một linh hồn và có một xác thân. Xác thân không phải là con người. Nó chỉ là y phục của con người mà thôi. Điều mà huynh gọi “chết” là sự cổi một cái áo cũ; và đó không phải là sự cáo chung của đời sống con người, cũng như không phải là sự cáo chung của đời sống huynh, khi huynh cổi chiếc áo choàng ra. Vậy, huynh không có mất người bạn của huynh đâu; huynh chỉ không thấy đặng chiếc áo choàng mà huynh quen thấy người bạn của huynh mặc đó thôi. Chiếc áo choàng đã mất, nhưng người mặc nó vẫn còn: chắc chắn là huynh thương người chớ không phải thương y phục.

Trước khi huynh hiểu được tình trạng của bạn huynh, thì huynh phải hiểu tình trạng của chính huynh đã. Huynh rán thấu rõ điều này: huynh là một sinh linh bất tử; bất tử với tinh túy của huynh vốn thiêng liêng, bởi vì huynh là tia sáng của chính “Ngọn Lửa Thiêng”. Huynh đã sống nhiều thế kỷ, trước khi huynh mang vào người huynh chiếc áo này mà huynh gọi là xác thân; và huynh sẽ còn sống nhiều thế kỷ sau khi xác thân đó tan ra tro bụi. “Trời sinh ra con người để giống với Hình Ảnh Bất Diệt của chính Ngài”. Đó không phải là một cái giả thuyết hoặc một sự tín ngưỡng do lòng thành kính mà ra đâu. Nó là một sự kiện khoa học đã xác định; khả dĩ chứng minh được như huynh có thể thấy đặng trong sách vở nói về vấn đề này, nếu huynh chịu khó đọc nó. Cái gì mà huynh đã cho là đời sống của huynh, thật ra, chỉ là một ngày trong kiếp sống thực sự của linh hồn và điều này cũng thật đối với người yêu của huynh; bởi vậy, y không có chết đâu, y chỉ cởi bỏ cái xác của y mà thôi.

Tuy nhiên, huynh chớ tưởng người chết như là một hơi thở suông, không có hình dạng chi cả, hoặc như là kém khuyết hơn lúc y còn sanh tiền về một phương diện nào. Cũng như Thánh Paul có nói từ lâu: “Có một cái thể hiện vật và có một cái thể tinh thần”. Người ta hiểu lầm lời xét biệt này vì cho rằng: những thể đó nối tiếp với nhau chớ không biết được rằng: dù là hiện giờ tất cả chúng ta đều có cả hai một lượt. Huynh là người đọc mấy hàng này, huynh có một lượt : a) một thể hiện vật hay là xác thân mà huynh thấy đặng, b) và một thể khác mà huynh thấy không đặng: ấy là cái thể tinh thần theo danh từ của Thánh Paul. Và khi huynh bỏ xác thì huynh còn giữ lại cái thể kia thanh nhẹ hơn: huynh mặc vào nó. Nếu ta tượng trưng xác thân như là một chiếc áo mặc ngoài hay là một chiếc áo khoác, thì ta có thể cho cái thể tinh thần này như là chiếc áo thường người ta mặc trong nhà, dưới lớp áo ngoài.

Nếu giờ đây, huynh hiểu rõ được ý tưởng này thì chúng ta hãy bước tới thêm một bước nữa. Chẳng phải chỉ khi mà huynh gọi là “Chết” thì huynh mới cởi chiếc áo ngoài làm bằng chất dày nặng này đâu. Mỗi đêm lúc huynh ngủ, thì huynh cổi nó ra một lát, và đi vẩn vơ trên Trung giới trong cái thể tinh thần của huynh; đối với cõi trần dày nặng này, thì thấy nó không được, nhưng đối với người bạn kia, khi họ dùng cái thể tinh thần của họ cùng trong lúc đó, thì họ thấy được nó rõ ràng. Bởi vì mỗi thể chỉ thấy được cái gì thuộc về cõi riêng của nó mà thôi. Thể xác của huynh chỉ thấy được những thể xác khác; thể tinh thần của huynh chỉ thấy được những thể tinh thần khác mà thôi. Khi huynh mặc lại chiếc áo choàng của huynh nghĩa là khi huynh trở về với cái thể dày nặng hơn của huynh và thức dậy (hay là tỉnh giấc) tại cõi hạ giới này, thì có khi huynh nhớ lại một đôi điều (thường biến hình rất nhiều) mà huynh đã thấy đặng trong lúc huynh ở nơi khác; và rồi huynh gọi đó là điềm chiêm bao rõ rệt. Vì vậy mà giấc ngủ được mô tả như là một lối “chết tạm”, có khác là ở chỗ chiếc áo ngoài chẳng hoàn toàn lìa hẳn người của huynh cho đến đỗi không mặc nó lại được.

Vậy khi huynh ngủ, huynh cũng lâm vào tình cảnh giống như tình cảnh của người mà huynh yêu mến đó. Chính cái tình cảnh này mà hôm nay tôi muốn giải thích ra sao?

Hiện giờ, có nhiều thuyết nói về đời sống sau khi chết, mà đa số lại căn cứ một cách sai lầm vào những văn tự xưa. Có một lúc, giáo lý ghê tởm về sự hình phạt đời đời, kiếp kiếp đã được gần trọn cả Âu châu nhìn nhận, mặc dù ngày nay không ai còn tin tưởng ở nó nữa; chỉ trừ người thiếu hiểu biết, vô hi vọng cải sửa, mới tin nó mà thôi. Nó căn cứ vào sự phiên dịch một cách sai lầm vài lời gọi là của Đức Christ; và những thầy tu đời Trung cổ củng cố sự tin tưởng này như một “ông kẹ” tiện lợi để nhát đám người dốt cho họ làm lành.

 Dần theo sự tiến bộ của thế giới, con người khởi thấy rằng: cái nguyên lý đó chẳng những xúc phạm thần thánh mà còn buồn cười nữa. Bởi thế cho nên, những vị tín giáo tân tiến mới thay vào đấy những dẫn ý nào hữu lý hơn. Nhưng thường thường chúng nó rất mập mờ và xa với sự đơn giản của chơn lý. Tất cả Giáo hội đều làm cho giáo lý mình trở nên phức tạp: bởi vì người ta rị vào cái khởi điểm của một tín điều phi lý và vô căn cứ, do một vị thần linh độc ác và nóng nảy muốn làm hại dân sự của mình. Họ du nhập cái tín điều ghê tởm từ đạo Do Thái Thượng cổ, trong khi họ phải nghe theo lời dạy của Đức Christ là: “Đức Chúa Trời là một Đức Cha giàu lòng thương mến”. Người nào hiểu được sự thực căn bản là: “Trời vốn Bác ái và võ trụ của ngài được điều khiển bằng những định luật minh triết, bất di bất dịch” thì đã khởi biết rằng những định luật đó phải được tuân theo “Bên Kia Cõi Tử” cũng như tại cõi này vậy. Nhưng đến ngày nay, những sự tin tưởng vẫn còn mơ hồ. Người nói với ta về một thiên quốc viễn cách, về một ngày phán xét xa xăm ở tương lai, còn về chuyện xảy ra hiện thời thì ít dạy cho chúng ta biết. Mấy nhà truyền giáo này cũng không mong mỏi có được sự kinh nghiệm riêng nào về trạng huống sau khi chết. Họ không nói với ta điều gì chính mình họ biết mà chỉ nói điều gì họ nghe kẻ khác nói lại. Thế làm sao thỏa mãn đặng chúng ta?

Sự thật là: thời kỳ tin tưởng mù quáng đã qua. Chúng ta đang sống trong kỷ nguyên hiểu biết khoa học và chúng ta không còn chịu thu nạp được nữa những ý tưởng trái với lý trí và lương tri. Không có lý do nào mà không dùng phương pháp khoa học để làm sáng tỏ những vấn đề khó hiểu mà xưa kia đã hoàn toàn bỏ phú cho tôn giáo. Thật ra những phương pháp này đã được Hội Thông Thiên Học và Hội Nghiên Cứu Tâm Linh áp dụng rồi. Và chính cái kết quả của sự tham cứu theo tinh thần khoa học này mà tôi muốn trình bày cho huynh hôm nay. Chúng ta là những linh hồn. Mà chúng ta sống trong cõi vật chất, nhưng chúng ta chỉ biết có một phần cõi này mà thôi ! Tất cả điều hay, biết của chúng ta về cõi đó đều xuyên qua giác quan của chúng ta. Mà những giác quan này thật là bất toàn. Chúng ta thấy đặng vật đặc; chúng ta thường thấy đặng vật lỏng (chỉ trừ khi vật lỏng hoàn toàn trong trẻo mới thấy không đặng mà thôi). Nhưng trong đa số trường hợp, chúng ta không thấy đặng chất hơi. Sự tham khảo cho biết rằng: còn có nhiều thứ chất khác thanh nhẹ hơn chất khí loảng nhất; nhưng giác qian vật chất của chúng ta không ứng đáp được với chúng nó; vì vậy mà chúng ta không biết gì về chúng nó bằng những phương tiện vật chất.

Tuy nhiên, chúng ta có thể giao thông với chúng nó được; chúng ta có thể tham cứu chúng nó được. Nhưng chúng ta chỉ có thể làm đặng điều đó là nhờ cái thể tinh thần (đã đề cập ở trước) bởi vì cái thể này cũng có giác quan của nó giống y như của xác thịt vậy. Đa số người chưa học cách dùng chúng nó: nhưng đó là một cái quyền năng mà con người có thể đạt được. Chúng ta biết sự này có thể có được, bởi vì nó được thực hiện rồi. Và những người nào đã đạt được quyền năng đó thì có thể tự thấy nhiều điều mà mắt người thường thấy không đặng. Họ được biết rằng: cõi chúng ta ở đây có nhiều sự kỳ lạ hơn mà chúng ta không thể tưởng tượng được, ví dầu con người có sống nơi cõi đó cả ngàn năm đi nữa, thì đa số cũng vẫn không biết tí gì về cái cảnh thanh cao hơn và tốt đẹp hơn của nó. Đường lối sưu tầm – mà tôi đang đề cập đây – đã mang đến nhiều kết quả kỳ diệu, và mỗi ngày nó mở trước mắt ta những tầm thấy mới mẻ. Có thể sự tra cứu này được ghi chép trong văn hóa Thông Thiên Học. Nhưng ở đây, chỉ có một phần liên hệ đến ta mà thôi – nó để trước mắt ta sự hiểu biết mới mẻ như về đời sống “Bên Kia Cửa Tử” mà ta gọi là “chết” và về thân phận của những người đang vui sống trên cõi đó.

Điều tra cứu thứ nhứt mà ta học là: chết không phài là sự cáo chung của kiếp sống như ta đã tưởng vì thiếu hiểu biết. Mà chết chỉ là một bước, đi từ giai đoạn sống này đến giai đoạn sống khác. Tôi đã nói rằng: chết là cởi chiếc áo choàng ngoài ra, nhưng sau khi đó, con người vẫn còn thấy mình mặc chiếc áo thường ở trong - ấy là cái thể tinh thần. Mà dẫu cái thể ấy – được Thánh Paul gọi là thể tinh thần – có thanh nhẹ hơn nhiều đi nữa nó cũng vẫn còn là một cái thể - tức nhiên là làm bằng vật chất, dù là thứ vật chất đó rất tinh vi hơn bất câu vật chất nào mà ta thường biết. Xác thân phụng sự linh hồn như là một phương tiện giao thông với cõi trần. Không có xác thân này làm khí cụ thì linh hồn không thể giao thông được với cõi đó, để chính mình ảnh hưởng nó hoặc thọ ảnh hưởng của nó. Ta thấy cái thể tinh thần cũng phục dịch tôn chỉ đúng y như vậy. Nó làm trung gian giữa linh hồn và cõi tinh thần cao hơn. Nhưng cõi tinh thần này không phải là một cái gì mơ hồ, xa xôi và không thể vói tới được. Nó chỉ là một cõi cao hơn cõi chúng ta đang ở đây mà thôi. Không một lúc nào mà tôi phủ nhận những cõi khác cao hơn và xa hơn nữa. Tôi chỉ nói rằng: điều gì mà người ta thường gọi là “chết” không ăn thua gì với những cõi ấy, và “chết” chỉ là một di chuyển từ giai đoạn này đến giai đoạn khác, hay từ trạng thái này đến trạng thái khác tại cõi trần, mà tất cả chúng ta đều quen thuộc. Có thể nói là: người nào di chuyển như vậy thì hóa ra “vô hình” đối với huynh, nhưng nếu huynh chịu suy nghĩ về đó thì huynh sẽ thấy rằng: con người (thật) luôn luôn “vô hình” đối với huynh và cái mà huynh quen thấy đó chỉ là cái thể của con người tá túc mà thôi. Bây giờ đây, con người tá túc trong một cái thể khác thanh nhẹ hơn, mắt thường thấy không được; nhưng, bất tất không vì một lẽ nào mà nó quá với đối với huynh.

Điều cần biết trước hết là những người mà ta gọi là “chết” đó không xa lìa ta đâu. Ta đã bị đào tạo trong một tín ngưỡng phức tạp, nó ám chỉ rằng: mỗi một cái chết là một sự chia ly và một phép mầu kỳ diệu và khi linh hồn từ giã xác thân, thì bằng cách này hay cách khác, nó biến tiêu trong thiên quốc, ngoài tinh tú. . . chớ không chỉ dẫn, (một cách như máy móc) cái phương pháp nào để bước qua không gian kỳ dị đó. Sự tác động của Hóa Công, chắc chắn là huyền diệu và lắm khi ta không hiểu nổi; nhưng không bao giờ chúng nó trái nghịch với lý trí và lương tri. Khi huynh cổi áo choàng của huynh tại tiền phòng, thì huynh không thấy mình, bất thình lình biến xa trên đỉnh núi. Huynh, vẫn ở đúng chỗ cũ của huynh trước đây dù hình dáng bên ngoài của huynh có đổi khác. Cũng đúng y như vậy, khi một người lìa bỏ xác, thì y cũng vẫn ở đúng chỗ cũ của y trước đây. Thật ra huynh không còn thấy y được nữa. Nhưng đó không phải là lý do rằng: y đã đi xa rồi; mà là tại mắt phàm của huynh không thấy đặng cái thể của y đang mặc đó thôi.

Chắc huynh cũng biết rằng: mắt chúng ta chỉ ứng đáp được với một số rung động tối thiểu đang có trong võ trụ. Và bởi thế, nên những chất mà chúng ta thấy được là chỉ những thứ phản chiếu đặng những làn sáng đặc biệt này. Sự thấy “cái thể tinh thần” của huynh cũng là một việc phản ứng của làn sóng rung động nữa, nhưng nó thuộc về một loại khác hẳn, do một thứ chất thanh nhẹ hơn nhiều. Nếu tất cả điều này đem lại cho huynh sự hứng thú, thì huynh có thể tìm gặp chúng nó trong văn hóa Thông Thiên Học diễn giải một cách tỉ mỉ.

Còn hiện giờ, mọi sự liên hệ với chúng ta là: nhờ phương tiện của xác thân mà huynh chỉ rờ được và thấy được cõi phàm mà thôi, nhưng nhờ cái “thể tinh thần” huynh mới thấy đặng và rờ đặng những vật tại cõi tinh thần. Và huynh nên nhớ rằng: cõi tinh thần đó không có nghĩa gì là một cõi khác với cõi trần, mà nó chỉ là một phần thanh nhẹ hơn cõi trần này thôi. Tôi nói một lần nữa là: có nhiều cõi khác hơn nhưng chúng nó không quan hệ đến ta hiện thời. Người mà huynh tưởng đã đi mất rồi, thật ra, vẫn còn ở với huynh. Khi cả hai dựa kề bên nhau, huynh thì ở trong xác thịt còn y thì ở trong cái “thể tinh thần”. Huynh không biết được sự hiện diện của y: bởi vì huynh không thấy y. Nhưng khi huynh ngủ, huynh bỏ cái xác lại, huynh đứng dựa bên y, huynh tri thức được y một cách đầy đủ và hoàn toàn. Và sự phối hợp giữa đôi đàng được toàn vẹn như xưa trong mọi phương diện. Vậy trong giấc ngủ, huynh được vui sướng gần người mà huynh thương mến; chỉ trong giờ huynh thức, huynh mới cảm thấy sự chia ly mà thôi.

Rủi thay, đối với đa số chúng ta, có một sự đứt đoạn giữa tri thức của thể tinh thần. Vậy, tuy rằng: ở trong “thể tinh thần” chúng ta có thể nhớ lại một cách hoàn toàn sự tri thức của xác thịt. Nhiều người chúng ta khi thức giấc, thấy mình không thể nào nhớ lại được việc làm của linh hồn lúc nó đi ra khỏi xác đang ngủ. Nếu sự nhớ này được hoàn hảo, thì thật ra đối với ta, sự chết sẽ không còn nữa ! Vài người đã có cái  tri thức liên tục này rồi, và tất cả chúng ta đều có thể đạt được nó dần dần: bởi vì đó là một phần việc phát triển tự nhiên của quyền năng linh hồn. Nhiều người đã khởi mở những quyền năng ấy rồi; và lúc thức, họ nhớ lại được những chuyện vụn vặt. Nhưng người ta có khuynh hướng cho những chuyện đó toàn là những chuyện chiêm bao, tức là vô giá trị ! Cái khuynh hướng ấy đặc biệt biểu lộ giữa những người không có nghiên cứu về vấn đề chiêm bao và không hiểu thực sự chúng nó ra thế nào.

Nhưng, trong khi chỉ thiểu số có được sự thấy và sự nhớ toàn vẹn (về cõi Trung giới) thì nhiều người lại cảm được sự hiện diện của những kẻ mà họ thương yêu, dù họ không thấy được; và có những người khác nữa, dầu không nhớ đặng rõ ràng nhưng lúc thức giấc, họ cũng thấy một sự an tĩnh và phúc lạc. Đó là kết quả của điều đã xảy ra trên cõi cao hơn đó.

Huynh hãy luôn luôn nhớ rằng: cõi trần của chúng ta đây là cõi thấp, cõi kia là cõi cao hơn; và trong trường hợp này, cõi cao bao trùm cõi thấp. Ở trong trí thức tinh thần, huynh nhớ lại hoàn toàn những gì đã xảy ra tại cõi (trần) này; bởi vì khi huynh ngủ, huynh đi từ cõi vật chất đến cõi tinh thần, huynh thoát khỏi một chướng ngại vật tức là sự cản trở của xác thân thấp kém. Nhưng khi (thức giấc) huynh trở về đời sống ở cõi thấp này, thì huynh lại nhận lấy cái gánh nặng đó. Và trong khi huynh nhận lấy nó, thì huynh che khuất những quan năng cao hơn, nhơn đó mà huynh nhớ không đặng. Vì vậy, nếu huynh muốn chuyển đạt vài tin tức gì cho người bạn quá cố của huynh, thì huynh chỉ tưởng cái tin đó một cách rõ rệt trong trí của huynh trước khi ngủ, với ý định rằng: huynh sẽ nói với y điều đó, thì rất chắc chắn là huynh sẽ làm như thế liền khi huynh gặp y. Đôi khi có thể huynh muốn hỏi ý kiến y về một điểm nào; và trong trường hợp đó, sự đứt đoạn giữa hai trạng thái tâm thức thường không cho huynh nhớ lại câu trả lời rõ ràng. Nhưng dù huynh không thể nhớ được rõ ràng đi nữa, chớ đôi phen huynh sẽ thức giấc với một cảm tưởng mạnh mẽ như đó là ý muốn hay là sự quyết định của người ấy, và thường thường huynh có thể xem nó như là một cảm tưởng đúng đắn. Đồng thời huynh nên hỏi ý kiến người chết ít chừng nào hay chừng nấy, bởi vì như ta sẽ thấy ở sau sự làm rộn họ trên cõi cao hơn của họ với những công việc thuộc về địa phận của đời sống (trần gian) mà họ đã thoát ly thì quả là một việc không thể dung nạp được.

Điều này đưa ta đến sự quan sát đời sống của người quá cố. Trong đời sống đó có rất đông và nhiều hạng khác nhau. Nhưng ít ra, nó luôn luôn gần như phúc lạc hơn là đời sống ở cõi trần. Như bản kinh xưa đã nói: “Linh hồn của mỗi người ngay chánh ở trong tay Đức Thượng Đế; và nơi đây không có sự thống khổ nào chạm đến họ được. Dưới mắt người vô minh, thì dường thể họ là người chết; sự ra đi của họ được coi như là một tai họa, và sự họ lìa xa chúng ta là một điều tiêu diệt hoàn toàn ! Nhưng họ được bình an !” Chúng ta hãy tự tỉnh ngộ trước những ý thuyết cũ mèm ấy đi. Người chết không phải thình lình nhảy vọt một cái lên tới trời được; hoặc rơi xuống địa ngục được; điều đó lại còn vạn nan hơn. Thật ra không có địa ngục theo ý nghĩa ghê tởm xưa của nó, và không có địa ngục ở đâu tất cả; dù hiểu theo ý nghĩa nào cũng vậy, chỉ trừ cái địa ngục do con người tạo lấy cho mình mà thôi. Huynh hãy rán hiểu rõ rằng: sự chết không thay đổi gì trong con người cả. Người chết không phải thình lình trở thành một vị đại thánh hay một vị thiên thần đâu. Người chết cũng không phải thình lình mà được ban cho tất cả sự minh triết của thế hệ đâu. Y cũng thấy liền rằng: Kẻ nào biết điều và đoan chánh thì sau khi chết sẽ được hạnh phúc hơn trước vô cùng: bởi vì y có rộng ngày giờ, chẳng phải chỉ để hưởng thú vui, mà cũng để thực hiện sự tiến hóa cho thật vừa ý, theo đường lối thích nhất của y.

- Vậy không có ai khổ não trên cõi ấy sao?

- Có chớ, bởi vì đời sống trên đó cần phải nối tiếp đời sống dưới thế gian và người chết cũng giống in như lúc chưa bỏ xác; y không khác về một phương diện nào. Nếu dưới thế gian, thú vui của y thấp hèn và ô trược, thì trên cõi Trung giới, y khó lòng toại dục được. Một người nghiện rượu sẽ khổ não vì không ngớt khát rượu: bởi y không còn xác thân để uống cho thỏa tình. Người láu ăn sẽ mất đi sự khoái lạc ăn uống. Người bỏn xẻn sẽ không còn có vàng để chất chứa. Người nào trong lúc sanh tiền chìu theo tình dục thấp hèn thì sẽ bị sự đòi hỏi của chúng nó rút rỉa. Người đam mê nhục dục sẽ tiếp tục thèm muốn mà không bao giờ được thỏa mản. Người ghen tương còn bị tánh ghen dày vò, và nhất là từ đây, y không còn xen vào công việc của người mà y ghen tức đó được nữa. Những kẻ như thế phải chịu khổ não rõ ràng, nhưng chỉ là những người ưa thích và đam mê vật chất bỉ ổi mà thôi. Và dù vậy, vận mạng của họ tuyệt nhiên vẫn còn trong tay họ. Họ chỉ chế ngự những thị dục này thì họ hết đau khổ liền; mà nguyên nhân của sự đau khổ là sự ham muốn ấy. Huynh nên nhớ luôn luôn rằng: mấy điều này không phải là sự trừng phạt đâu, mà chỉ là cái “kết quả” tự nhiên của một “nguyên nhân” nhất định nào đó; nên huynh chỉ tẩy đi cái “nhân” thì cái “quả” sẽ dứt. Không phải luôn luôn là nó dứt liền được, nhưng hễ mãnh lực của cái “nhân” vừa cạn thì cái”quả” mới tiêu.

Có nhiều người không mắc phải những tật xấu ấy. Nhưng lúc sanh tiền, họ đã có một đời sống “phù hoa”, không thích gì hơn là “cuộc đời” cùng những tập tục của nó. Họ không lo nghĩ gì khác hơn là những chuyện vui chơi của họ. Mấy người ấy không đau khổ một cách tích cực trên cõi tinh thần, nhưng họ thường thấy nó cô quạnh và thời giờ dài quá. Họ có thể tựu hội được với nhữhng người đồng hạng với họ; nhưng thường họ thấy mấy người này hơi vô thú vị. Và giờ đây, họ không còn có sự cạnh tranh về y phục, hoặc đại khái, một sự khoe khoang nào; còn những người tốt hơn và giỏi hơn mà họ muốn với tới thì thường bị mắc vào công việc nào khác, nên hơi khó mà gặp được. Nhưng ai có vài sự ham thích về lý trí hay về mỹ thuật, thì sẽ thấy mình thật vô cùng sung sướng mà thoát ra ngoài xác thịt hơn là ở trong đó. Và nên nhớ rằng: trong cõi tinh thần, con người luôn luôn có thể mở mang một sở thích hợp lý nào, nếu có đủ khôn ngoan để muốn làm việc ấy.

Nhà nghệ sĩ và nhà trí thức đều được sung sướng cực điểm trong đời sống mới này. Nhưng, tôi tưởng họ còn ít sung sướng hơn là những người chú tâm một cách nồng nhiệt đến đồng bào của họ, những người đặt hạnh phúc lớn nhất của mình trong sự giúp đỡ, cứu trợ và dạy dỗ. Bởi vì trên cõi tinh thần ấy, dầu không còn có sự nghèo nàn, đói khát hay lạnh lẽo nữa, nhưng còn có những kẻ buồn rầu cần được an ủi, những kẻ dốt nát cần được dạy dỗ. Chính vì ở phương Tây người ta ít biết về đời sống bên kia cửa tử, nên ta thấy, tại cõi trần, nhiều người cần được dạy bảo như về những năng tính của đời sống mới này. Như vậy, thì người hiểu biết có thể truyền rải xung quanh mình sự hi vọng và những tin vui tại cõi đó cũng như ở cõi này. Nhưng ta hãy nhớ mãi rằng: “cõi đó” hay “cõi này” chỉ là danh từ dùng theo sự mù quáng của chúng ta mà thôi bởi vì “cõi đó” vẫn ở đây, nó vẫn gần quanh chúng ta đây, bất cứ lúc nào; và chúng ta chớ bao giờ cho là nó xa vời hay khó đến gần.

Người ta có thể hỏi rằng: “Vậy người chết có thấy chúng ta không? Người chết có nghe chúng ta nói không?”

- Chắc chắn là họ thấy chúng ta theo cách họ nhận thức luôn luôn sự hiện diện của chúng ta; họ biết chúng ta sung sướng hay khổ cực, nhưng họ không nghe được lời nói của chúng ta, hoặc tri thức được một cách tỉ mỉ những hành vi chúng ta tại cõi trần. Một chút suy gẫm sẽ cho chúng ta biết cái tầm thấy của họ tới đâu. Họ đang ở trong một cái thể mà ta gọi là “cái thể tinh thần” – một cái thể vẫn có trong người của ta; về sắc diện bên ngoài của nó thì nó giống in xác thân. Nhưng khi ta thức, thì tâm thức của ta chỉ chú vào xác thân mà thôi. Ta đã nói rằng: chính có xác phàm mới tri giác được chất phàm, và cũng chỉ có thể cao hơn mới tri giác được chất khí của cõi tinh thần mà thôi. Nhơn đó mà, người chết chỉ thấy ta trong cái thể tinh thần của ta, và cái thể ấy, y nhìn ra không khó. Khi ta ngủ, tâm thức của ta dùng cái thể tinh thần đó. Như vậy, đối với người chết, ta là kẻ đang thức. Nhưng khi ta dời tâm thức của ta qua xác thịt, thì dường thể người chết cho là ta ngủ: bởi vì dẫu y còn thấy ta, nhưng ta không còn để ý gì đến y nữa; hoặc giả ta không còn liên lạc được với y. Khi một người bạn còn sống đang ngủ, ta nhận thức hoàn toàn sự hiện diện của y, nhưng ta không liên lạc với y được lúc đó. Tình trạng ấy giống hệt như tình trạng của người còn sống (trong lúc thức) trước mắt người chết. Bởi vì thường khi thức, ta không thể nhớ được những gì mà ta đã thấy lúc ngủ. Ta có ảo ảnh rằng: ta đã mất những người quá cố của ta. Nhưng mấy người quá cố này không bao giờ họ có ảo ảnh rằng: họ mất chúng ta; bởi vì họ có thể thấy đặng chúng ta bất câu lúc nào. Đối với họ chỉ có một điều khác là: ta ở với họ lúc ban đêm và xa họ lúc ban ngày. Còn khi họ xuống trần ở với ta, thì trường hợp đổi ngược lại.

Giờ đây cái thể mà ta gọi theo Thánh Paul là: “Thể Tinh Thần” – (Người ta gọi nó là thể Vía thường hơn) vốn đặc biệt để dùng làm khí cụ cho tình cảm và mối cảm động của ta. Nhơn đó mà chúng nó tự biểu lộ một cách rõ rệt hơn hết, trước mắt người chết. Nếu ta vui mừng họ liền lưu ý; nhưng họ không cần biết nguyên nhân của sự vui mừng ấy. Nếu sự phiền não đến với ta, họ biết liền và chia sớt nó; dù có thể họ không biết vì đâu ta buồn. Thật ra, tất cả điều này thuộc về những giờ ta thức. Khi ta ngủ, họ nói chuyện với ta cũng như thuở xưa ở tại cõi trần. Nơi đây, trong đời sống dưới trần, ta có thể che đậy tình cảm của ta đặng. Trên cõi cao hơn, thì điều này không thể làm được vì chúng nó tự hiện hình ra liền. Bởi có rất nhiều tư tưởng của ta liên kết chặt chẽ với tình cảm ta, nên đa số chúng nó cũng biểu lộ lẹ làng trên cõi đó. Những tư tưởng nào thuộc về thứ trừu tượng thì còn chưa thấy đặng.

Huynh sẽ nói rằng: “Tất cả điều này không mấy giống với cõi Thiên đàng và Địa ngục mà người ta truyền dạy cho ta thuở bé?” Tuy nhiên, chính đó là một sự kiện mà sự thật ẩn sau những câu chuyện thần thoại này. Thật ra, không có Địa ngục. Song le, người nghiện rượu và người đam mê nhục dục đang chuẩn bị cho mình một tình trạng rất giống như Địa ngục. Nhưng cái tình trạng ấy không phải là vĩnh viễn; nó chỉ kéo dài cho tới chừng nào sự ham muốn của y đã bị hao mòn. Bất câu lúc nào, y cũng có thể chấm dứt tình trạng ấy được; nếu y có đủ sức mạnh và có đủ sự khôn ngoan để chế ngự những sự khao khát về cõi trần và để tự vươn mình lên trên chúng nó một cách hoàn toàn. Đó là cái chơn lý ẩn sau tín điều của Thiên Chúa Giáo về “luyện ngục” (purgatory) với ý nghĩ rằng: sau khi chết, những tánh xấu trong con người phải bị một số đau khổ nào thiêu hủy trước khi con người hưởng đặng lạc thú của trời.

Có một giai đoạn thứ nhì, cao hơn trong đời sống bên kia cửa tử. Nó rất tương xứng với ý niệm hữu lý về cõi trời. Khi tất cả sự ham muốn thấp kém hay ích kỷ đã hoàn toàn lặng mất thì con người mới đến cõi cao hơn ấy được. Bấy giờ, con người lâm vào tình trạng mê mẩn trước đạo lý hoặc đang linh hoạt về tri thức bậc cao tùy theo bẩm tính của con người và đường lôi mà con người đã chú lực vào lúc sanh tiền. Chính đó là thời kỳ phúc lạc nhất của con người, là thời kỳ hiểu biết thật trọng đại hơn, gần kề với thực tại hơn. Nhưng niềm vui này đến cho tất cả mọi người, chớ chẳng phải dành riêng cho những người thành kính đặc biệt đâu.

Không có lý do gì cho đó là một phần thưởng mà (một lần nữa) nên xem đó như là cái kết quả không thể tránh của tánh tình đã tiến hóa trong kiếp sống dưới trần. Nếu người kia tràn đầy tình thương và vô tư, hoặc có lòng sùng tín mà mở được trí tuệ hay khiếu mỹ thuật một cách cao độ thì cái kết quả (không thể tránh được) của sự phát triển này sẽ là cái phúc lạc mà ta vừa nói đó. Nên nhớ rằng: điều này là những giai đoạn liên tiếp của một kiếp sống. Cũng như nết hạnh “thuở thiếu thời” của một người kia tạo nên một phần lớn cái địa vị của y trong lúc trưởng niên; thì nết hạnh của kẻ sống dưới thế gian hạn định thân phận y trong những giai đoạn bên kia cửa tử này.

Huynh sẽ hỏi:

- Cái tình trạng phúc lạc ấy có vĩnh cửu chăng?

- Không, bởi vì như tôi đã nói, đó là cái kết quả của kiếp sống dưới thế gian; và một cái “nhân” hạn định không bao giờ tạo nên một cái “quả” vô hạn định được đâu.

Đời sống con người rất trường cửu hơn và rất vĩ đại hơn là huynh đã tưởng Tia sáng do Trời sanh ra phải trở về trời; và chúng ta còn rất xa vời với sự Hoàn Thiện của Trời.

Mọi sự sống đều đang tiến hóa vì đó là luật Trời và con người đều tiến hóa chậm chạp một cách chắc chắn cùng với các loài khác. Điều mà người ta thường gọi là kiếp sống của con người thật ra chỉ là một ngày của kiếp sống thực sự và lâu dài hơn của y mà thôi. Trong kiếp sống thường này, con người, mỗi buổi sáng, thức dậy, mặc y phục và ra đi để làm công việc hằng ngày. Và khi màn đêm rủ xuống, người lại cởi y phục ra và nghỉ ngơi để sáng hôm sau lại thức dậy nữa, và lại tiếp tục làm cái công việc bị bỏ dở đó. Cũng đúng y như vậy, khi con người sanh xuống cõi trần, thì mặc vào mình cái thể xác, và khi giờ làm việc đã mãn thì lại cởi y phục ấy ra một lần nữa (mà huynh gọi là chết) rồi bước vào một trạng thái tươi tỉnh hơn như tôi đã miêu tả. Và khi nghỉ ngơi xong, con người lại mặc vào mình chiếc áo xác thân một lần nữa, và khởi sống lại một ngày mới của kiếp sống dưới trần để tiếp tục sự tiến hóa nơi mức mà mình đã bỏ dở. Và kiếp sống ấy chính là kiếp sống của con người; nó kéo dài cho tới chừng nào con người đạt được quả vị thiêng liêng mà Trời đặt để cho.

Tất cả mấy điều này có thể mới mẻ đối với huynh; và bởi chúng nó mới mẻ nên chúng nó được xem là kỳ dị và phi lý. Tuy nhiên, tất cả điều tôi nói có thể dẫn chứng được, và chúng nó đã được chứng minh nhiều lần rồi. Nhưng nếu huynh muốn hiểu rõ hết mọi sự này thì huynh hãy nghiên cứu những sách vở nói về cái đó: bởi vì trong một quyển sách nhỏ, ngắn, với một đề tài đặc biệt như thế này, tôi chỉ nói lên được những sự kiện mà thôi, và tôi không thể cố gắng trưng thêm những bằng chứng được.

Có lẽ huynh sẽ hỏi rằng: người chết có bị xáo trộn vì lo lắng cho những người mà họ để lại cõi trần không?

- Đôi khi cũng có như vậy, và sự lo lắng đó làm trễ bước tiến hóa của họ. Bởi vậy chúng ta rán hết sức tránh tạo cho họ những cơ hội lo lắng này. Người chết phải hoàn toàn giải thoát mọi sự ưu tư thuộc về cõi mà y vừa từ giã để sống trọn vẹn cuộc đời mới mà y đã bước vào. Nhơn đó những kẻ nào xưa kia đã ỷ lại vào lời dạy của người quá cố thì bây giờ hãy rán tự suy nghĩ lấy và tự dắt dẫn lấy mình; e rằng: khi dùng trí mà dựa vào người chết thì sẽ thắt chặt mối dây liên lạc cột người ấy với cõi mà y vừa ngoảnh đi lúc này. Ấy vậy, săn sóc trẻ con mà người chết để lại là một hành vi luôn luôn đặc biệt tốt đẹp: bởi vì chẳng những nó có lợi cho trẻ con mà nó còn cất gánh lo lắng cho người cha mẹ đã từ trần và trợ giúp người ấy trên con đường đi lên.

Nếu trong lúc sanh tiền, người chết đã thọ những giáo điều sai quấy và xúc phạm thần thánh, thì đôi khi, y đau khổ vì lo âu cho số mạng sẽ tới của mình. May thay, trên cõi tinh thần, có nhiều người lấy đó làm trách nhiệm tìm những ai bị ảo ảnh như vậy và giải thoát dùm họ bằng cách giải nghĩa cho họ hiểu những sự kiện một cách hợp lý. Chẳng những có người chết làm việc này mà cũng có nhiều người còn sống. Mỗi đêm trong lúc xác thân ngủ, hiến thời giờ để phụng sự người quá cố, rán sức giải thoát cho họ khỏi sợ sệt hay khổ não bằng cách cắt nghĩa cho họ hiểu chơn lý trong mọi khía cạnh tốt đẹp của nó. Mọi sự đau buồn đều do vô minh mà ra. Hãy làm tan đi sự vô minh thì nỗi đau buồn sẽ dứt.

Một trong những trường hợp buồn thảm nhất (về sự mất mát bên ngoài đó) là khi một đứa bé qua đời và cha mẹ của nó nhìn thấy chỗ của nó trống không, chẳng nghe đặng tiếng nói đỏ đẻ đáng yêu của nó. Vậy cái gì xảy đến cho trẻ con trong cõi tinh thần mới lạ và kỳ dị này? Trong mấy người bước vào cõi tinh thần đó, có lẽ trẻ con là sung sướng nhất, và được thư thái một cách hoàn toàn và mau lẹ nhất. Huynh hãy nhớ rằng: chúng nó không mất cha mẹ, anh chị, bạn bè mà chúng nó yêu mến đâu. Có một điều khác là chúng nó chỉ có những người ấy để chơi trong một lúc, (mà ta gọi là) ban đêm chớ không phải trong lúc ban ngày. Vì vậy mà chúng nó không cảm thấy chia ly hay mất mát gì cả. Trong buổi ban ngày của ta, chúng nó không bao giờ bị bỏ lẻ loi: bởi vì trên cõi đó hay chốn này, trẻ con gom nhau lại và chơi chung với nhau; chúng chơi trong cảnh Thiên đường đầy lạc thú hiếm có. Ta biết tại cõi trần đây, một em bé “chơi giả bộ” cách nào; nó đòi biểu dương tánh này hay tánh khác trong truyện – nó đóng vai chánh trong tất cả chuyện thần tiên kỳ diệu hoặc trong những chuyện ngắn phiêu lưu. Trong chất khí thanh nhẹ hơn của cõi tinh thần này, những tư tưởng tự hiện hình và vì vậy đứa bé tưởng tượng nó là một vị anh hùng nào thì nó liền tạm  lấy diện mạo hiện thời của vị anh hùng ấy. Nếu nó muốn có một đền lầu tiên thuật thì tư tưởng của nó có thể dựng lên được cái đền lầu đó. Nếu nó muốn có một đạo binh để điều khiển thì đạo binh ấy hiện lên tức thì. Và bởi thế, nên trong mấy người chết đám trẻ con luôn luôn đầy vui vẻ. Thật ra, đôi khi sự vui vẻ này cũng là quá độ !

Và những đứa trẻ khác có bản tính bất đồng, những đứa trẻ có tư tưởng quay về tôn giáo một cách tự nhiên hơn thì không bao giờ thất vọng trong sự tìm kiếm những điều mà chúng nó mong ước. Bởi vì những vị thần thánh trong truyện xưa đều có thật. Các Ngài chẳng phải do trí tưởng tượng của các nhà mộ đạo bịa đặt ra đâu. Và những ai cần đến các Ngài, tin tưởng nơi các Ngài, thì chắc chắn được dẫn đến các Ngài và thấy các Ngài dễ thương hơn, chói sáng hơn, mà trí tưởng tượng không bao giờ nghĩ ra nổi. Có những đứa con nít muốn gặp chính ông Trời – một ông Trời trong hình thể vật chất. Nhưng dù vậy, chúng nó cũng không thất vọng: vì những vị giáo chủ dịu dàng nhất và âu yếm nhất dạy chúng nó rằng: “Tất cả hình dạng đều là hình dạng của Trời, bởi vì Trời ở khắp cùng. Và kẻ nào muốn phụng sự và giúp đỡ - dù là một sinh linh thấp kém nhất của Ngài - cũng là phụng sự và giúp đỡ Ngài một cách thực sự vậy.” Trẻ con thích được hữu dụng; chúng ưa giúp đỡ và an ủi. Trên cõi cao ấy và giữa những người thiếu hiểu biết, một sân trường giúp đỡ và an ủi như thế trải ra trước chúng nó. Và trong khi chúng nó lưu động khắp không gian sáng lạn để thực hành những công việc giúp đỡ nhỏ nhặt của lòng từ bi và tình thương mến, thì chúng nó học cái chơn lý của lời dạy xưa tốt đẹp này: “Hỡi các Huynh Đệ của Ta ơi, cái gì mà các Người đã làm cho một đứa em nhỏ nhất trong những kẻ này là các Người đã làm cho Ta vậy.”

- Còn những trẻ con nhỏ xíu – nhưng đứa còn bé quá, chưa chơi được thì sao?

Huynh đừng sợ cho chúng nó. Bởi vì, trên âm cảnh có nhiều bà mẹ rất nồng nhiệt đợi chờ để ôm chúng nó vào lòng, tiếp rước chúng nó, và thương yêu chúng nó như đứa con ruột của mình. Thường thường những đứa bé đó ngơi nghỉ trên cõi tinh thần chỉ một thời gian ngắn mà thôi và rồi chúng nó lại trở xuống cõi trần một lần nữa; lắm khi chúng nó đến với cha mẹ cũ của chúng nó. Những tăng sĩ thời Trung cổ có bịa một chuyện đặc biệt độc ác gớm ghê, cho rằng: đứa trẻ nào (chết) mà không có rửa tội, thì nó sẽ biệt ly đời đời những người thương yêu chúng nó ! Sự rửa tội là một bí tích thực sự. Nó có sự hữu ích của nó. Nhưng không ai được thiếu óc khoa học cho đến đỗi tưởng tượng rằng: sự bỏ sót cái hình thức bên ngoài đó có thể ảnh hưởng được những định luật vĩnh cửu của Trời., hoặc biến đổi được Ngài, từ một ông Trời Bác ái trở thành một vị nhẫn tâm tàn bạo.

Từ trước tới giờ, ta chỉ nói về cái khả năng tiếp xúc với những người chết bằng cách tiến lên vị trí của họ, trong lúc ngủ; đó là đường lối thông thường và tự nhiên. Thật ra cũng có phương pháp dị thường và không tự nhiên của Thần linh học. Với cách ấy, người chết lại khoác lên mình, trong chốc lát, một chiếc màn vật chất. Và nhơn đó, y hiện hình một lần nữa cho mắt phàm của ta thấy được. Những nhà học giả Huyền môn không khuyên làm như thế: 1) một là cách ấy thường làm cho vong linh trễ bước trên đường tiến hóa của họ. 2) hai là bởi trong đó có nhiều điều mơ hồ, vì vậy, nó rất có thể đưa đến sự thất vọng và sự phỉnh gạt [3]. Vấn đề này quá minh mông, không thể gom nó vào khuôn khổ của quyển sách nhỏ như thế này được. Nhưng tôi đã giải tỉ mỉ về đó trong một quyển sách nhan đề “The Other Life of Death”. Trong đó, người ta cũng sẽ thấy nhiều thí dụ chứng tỏ người chết tự nhiên trở về hạ giới và tự biểu lộ bằng nhiều cách khác nhau – bởi thường thường họ muốn chúng ta làm cái gì cho họ. Trong mọi trường hợp như vậy, tốt nhất là rán tìm hiểu ý muốn của họ sớm chừng nào hay chừng nấy, rồi làm cho họ thỏa mãn, nếu có thể được để cho linh hồn họ được an tĩnh.

Nếu huynh đồng hóa được những điều mà tôi đã nói, thì bây giờ huynh hiểu rằng: dẫu ta buồn rầu về sự chết của những người thân yêu ta là một lẽ tự nhiên đi nữa, sự buồn rầu này cũng là một sự lầm lạc và một điều tai hại. Ta phải chế ngự nó. Có chi cần phải buồn rầu về họ: bởi vì họ đã bước sang qua một đời sống rộng rãi hơn và sung sướng hơn. Nếu ta buồn rầu về sự chia ly tưởng tượng đó, thì trước nhất, ta khóc về một ảo tưởng: bởi thật ra, mấy người ấy không có cách biệt ta đâu; và hai là, ta hành động theo sự ích kỷ: vì ta đang nhớ đến điều mất mát bên ngoài của ta nhiều hơn là cái thắng lợi vĩ đại và thực sự mà người chết đã đạt được. Ta phải rán hoàn toàn vô tư, như tất cả tình thương; thật ra là phải vô tư mới được. Ta phải nhớ đến họ, chớ chẳng phải nhớ đến chính mình ta, chẳng phải nhớ đến điều gì ta muốn hoặc cảm; mà chỉ nhớ đến cái gì tốt nhất cho họ và cái gì trợ giúp họ hơn hết trên đường tiến hóa của họ.

Nếu ta bi lụy, nếu ta để sự buồn rầu và sự ngã lòng xâm chiếm, thì ta phóng từ người của ta một đám mây nặng trĩu, nó làm cho đen tối cõi trời của họ. Tình thương yêu tha thiết của họ, tính thiện cảm dồi dào của họ đối với ta làm cho họ tiếp nhận một cách dễ dàng cái ảnh hưởng xấu xa đó. Nếu ta chỉ muốn, thì ta có thể dùng mãnh lực tình thương của họ đối với ta đó mà giúp đỡ họ. Nhưng làm được điều ấy cần phải can đảm và hi sinh. Ta phải quên mình trọn vẹn trong ý muốn nồng nàn, tha thiết giúp đỡ hết sức đắc lực người chết của ta. Mỗi tư tưởng, mỗi tình cảm của ta đều ảnh hưởng họ. Vậy ta phải thận trọng đừng có một tư tưởng nào không quảng đại và trợ giúp, không tăng cao phẩm giá và tinh lọc.

Nếu chắc chắn người chết có thể cảm thấy rằng: họ có vài ưu tư về ta thì hãy nhất quyết vui lên. Như thế, ta có thể làm cho họ an tâm không cần phải lo lắng về ta. Nếu trong lúc sanh tiền, họ không được chỉ dẫn một cách tỉ mỉ và đúng đắn về đời sống bên kia cửa tử, thì ta phải lập tức tự mình rán sức thâm hiểu những lời chỉ dẫn đó và truyền lại cho họ trong câu chuyện đàm thoại giữa ta và họ lúc ban đêm. Bởi tư tưởng và tình cảm của ta rất dễ phản ảnh trong tư tưởng và tình cảm của họ; nên ta hãy coi chừng sao cho chúng nó luôn luôn được cao thượng và phấn khởi. “Nếu các người biết những chuyện này và đem chúng nó ra thực hành thì có phải các người là những kẻ hữu phước không?”

Huynh hãy rán hiểu sự duy nhất của vạn vật. Chỉ có một ông Trời. Và vạn vật đều duy nhất trong tâm Ngài. Nếu ta thấy rõ được sự duy nhất của “Tình Thương Vĩnh Cửu” này thì sự buồn rầu sẽ không đến với ta nữa; bởi vì ta hiểu được điều đó chẳng phải để riêng cho chính mình ta, mà để cho những người mà ta thương mến; ví dù sanh hay tử, ta cũng thuộc về Ngài. Và ở trong Ngài, ta sống, hoạt động và có đời sống riêng của ta tại cõi này hay cõi tương lai. Cái thái độ bi khóc là cái thái độ thiếu tin tưởng, thiếu hiểu biết. Ta biết nhiều chừng nào thì đức tin của ta càng đầy đủ chừng nấy: bởi vì ta sẽ cảm thấy một cách hoàn toàn chắc chắn rằng: ta và những người chết của ta đều ở trong tay của “Quyền Năng và Minh Triết Hoàn Toàn do Tình Bác Ái Hoàn Toàn điều khiển”.

CHUNG

[1] Ông C. W. Leadbeater có huệ nhãn nên thấy đặng bản đồ thiêng liêng đã vẽ sẵn trên Thiên Đình.

Quí vị nào muốn biết rõ về các giống dân trên dãy Địa cầu xin xem quyển “Võ trụ và Con người” do tác giả Nguyễn văn Huấn và Nguyễn thị Hai.

[2] Sự tổn thất vô vãn hồi là sự mất không thể đền được.

[3] Giải thích: Những vong linh nhập cốt, hay xuống cơ có thể dối gạt người phàm rằng họ vốn là ông Tiên, bà Chúa v. v. . . .

 trang nhà l trang sách l bản tin l thiền học l tiểu sử l trang thơ l hình ảnh l bài vở 

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro