toan tap ve vitamin

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

VITAMINA

Sinh tố A (Retinol) là tác chất được phát hiện đầu tiên trong nhóm sinh tố tan trong chất béo. Từ nhiều ngàn năm trước công nguyên, dù chưa có khái niệm về cấu trúc hóa học của sinh tố A, thầy thuốc đời xưa đã biết dùng dầu gan cá để chữa chứng quáng gà.

Nếu so sánh các báo cáo y học về sinh tố thì sinh tố A là thành phần được đề cập hàng đầu, thường chỉ đứng sau sinh tố C. Kết quả nghiên cứu trong thập niên gần đây cho thấy sinh tố A không những chỉ cần thiết cho quy trình tăng trưởng, cho thị lực và da niêm, mà còn có công năng quan trọng để phòng chống bệnh ung thư và tim mạch.

Trong ý nghĩa đó, chế độ dinh dưỡng có đầy đủ sinh tố A giữ vai trò tối quan trọng cho mục tiêu phòng bệnh. Theo báo cáo của Tổ chức Sức khỏe Thế giới (WHO), hiện vẫn còn hàng triệu người trong các nước chậm tiến mang bệnh do thiếu sinh tố A. Hàng năm, vẫn có không dưới nửa triệu trẻ con bị mù vì thiếu sinh tố A, trong số đó hơn 2/3 là trường hợp tử vong oan uổng, vì trên thực tế, phương thức phòng ngừa tình trạng thiếu hụt sinh tố A tương đối đơn giản.

Sinh tố A chi phối nhiều quy trình sinh lý của cơ thể. Một cách tóm lược, có thể minh họa chức năng đa dạng của sinh tố A như sau:

• Bảo vệ cấu trúc của da niêm trong toàn cơ thể.

• Yểm trợ thị giác trong quy trình phân biệt vùng sáng và bóng tối.

• Xúc tác sự phóng thích kích tố sinh dục và hưng phấn quá trình thụ thai.

• Phát triển sự tăng trưởng của nhau và bào thai.

• Hưng phấn quy trình kiến tạo xương tủy.

• Ức chế độc chất sinh ung thư và gây xơ cứng tế bào.

• Tăng cường khả năng đề kháng của cơ thể

Triệu chứng đầu tiên của tình trạng thiếu hụt sinh tố A là dấu hiệu quáng gà, nghĩa là tình trạng giảm sút thị lực vào buổi tối. Nếu nguồn dự trữ sinh tố A không được bù trừ, các triệu chứng khác như da khô, rụng tóc, gãy móng tay sẽ lần lượt xuất hiện. Tình trạng thiếu hụt sinh tố A nếu tiếp tục kéo dài sẽ dẫn đến hậu quả mất hẳn thị giác. Thêm vào đó là khuynh hướng bội nhiễm trầm trọng trên đường hô hấp, vì thiếu sinh tố A thì niêm mạc khí quản bị khô và tạo điều kiện thuận tiện cho vi trùng tác hại.

Nguồn cung cấp sinh tố A chủ yếu là thực phẩm xuất xứ từ nguồn gốc động vật như: gan, cá biển, bơ, sữa, trứng... Thành phần sinh tố A trong thực phẩm động vật có thể đảm nhiệm hoàn hảo phần lớn các chức năng liệt kê ở đoạn trên, nhưng lại không có khả năng phòng chống hiện tượng ung thư và xơ cứng tế bào, vì khả năng này không được đảm nhiệm trực tiếp bởi sinh tố A mà thông qua một tác chất tiền thân của sinh tố A: beta-carotin, còn gọi là tiền sinh tố A. Chất này lại chỉ có trong thực phẩm rau trái như: rau dền, cà rốt, cải broc-coli, bí rợ, cà chua, ớt bị, đu đủ, gấc, dưa hấu, khoai ta... Tiền sinh tố A là thành phần làm trái cây có màu vàng cam, rau cải có màu xanh thẫm. Thành phần này đảm nhiệm trong cơ thể con người ba chức năng quan trọng:

• Tiền sinh tố A được dự trữ trong mô mỡ của cơ thể và được gan sau đó biến thành sinh tố A. Cơ thể nếu có đủ lượng dự trữ tiền sinh tố A đương nhiên không rơi vào tình trạng thiếu sinh tố A một cách đột ngột. Cường độ biến đổi sinh tố A thay đổi tùy theo nhu cầu của cơ thể nên quy trình này còn có lợi điểm là không gây hậu quả tích lũy sinh tố A.

• Tiền sinh tố A phong bế độc chất sinh ung thư, đặc biệt là độc chất dưới da do ảnh hưởng của tia tử ngoại trong ánh sáng mặt trời. Các nhà nghiên cứu đã chứng minh là đối tượng có đầy đủ tiền sinh tố A ít bị nhiễm ung thư da cho dù phải tiếp xúc thường xuyên với tia tử ngoại. Hàng trăm công trình thống kê cho thấy người theo chế độ dinh dưỡng dồi dào tiền sinh tố A thường không gặp vấn đề với ung thư phổi, thực quản, ruột già, vòm miệng và bàng quang. Kết quả nghiên cứu vào giữa thập niên 90 ở Phần Lan cho thấy tỉ lệ nhiễm ung thư phổi của người vừa hút thuốc vừa thiếu tiền sinh tố A cao gấp 7 lần số người tuy cũng hút thuốc nhưng không thiếu thành phần này trong cơ thể nhờ biết cách dinh dưỡng. Kết quả tương tự cũng đã được ghi nhận qua một cuộc khảo sát thống kê quy mô ở Hoa Kỳ với hơn 50.000 đối tượng hút thuốc. Một công trình nghiên cứu khác trên 9 quốc gia ở châu Âu cho thấy tỷ lệ nhiễm bệnh nhồi máu cơ tim của số người có đầy đủ tiền sinh tố A trong cơ thể chỉ bằng phân nửa số người không biết cách tiếp tế cho cơ thể bằng tặng vật của thiên nhiên.

• Tiền sinh tố A hưng phấn sức đề kháng của cơ thể bằng cách thúc đẩy sự sản xuất bạch huyết cầu và thực bào để tăng cường khả năng tiêu diệt mầm bệnh ngoại lai và độc chất sinh ung thư.

Lượng sinh tố A cần thiết mỗi ngày trung bình không quá 0,6mg cho trẻ con và 1mg cho người trưởng thành. Lượng này phải tăng thêm 30% cho thai phụ và 100% cho người đang cho con bú. Người ăn uống kiêng khem làm ốm cần khoảng 1,5mg sinh tố A mỗi ngày. Cơ thể bệnh nhân đang dùng thuốc tiểu đường, người nghiện rượu, bệnh nhân bị viêm tụy, viêm ruột mãn tính nên được cung ứng đều đặn mỗi ngày với khoảng 2mg sinh tố A.

Trọng lượng Thực phẩm Lượng sinh tố A

100g

100g

100g

100g

100g

100g

100g Gan bò

Gan heo

Trứng gà

Rau dền

Cà rốt

Cà chua

Cải broccoli 6mg

4mg

0,5mg

1mg

1,2mg

0,6mg

0,8mg

Bảng chiết tính hàm lượng sinh tố A nêu trên cho thấy thực phẩm nguồn gốc động vật là nguồn cung cấp sinh tố A chủ yếu. Nhưng nếu áp dụng đơn thuần và thường xuyên thì phản ứng tai hại do thành phần độc chất trong thực phẩm động vật thậm chí nhiều khi nghiêm trọng hơn tác dụng hữu ích của sinh tố A. Để thỏa đáp nhu cầu sinh tố A thường ngày thì thành phần rau cải không thua trứng, thịt mà lại ít độc. Chỉ trong trường hợp cần gia tăng số cung của sinh tố A vì nhu cầu cấp bách của cơ thể mới cần phải chú trọng kết hợp thịt, cá trong thực đơn thường ngày. Bên cạnh đó, thực phẩm nguồn động vật không cung cấp cho cơ thể tiền sinh tố A. Trong điều kiện nuôi trồng ở Việt Nam, có vài loại thực phẩm cần được chú trọng vì tuy bình dân nhưng lại cung cấp dồi dào tiền sinh tố A, đó là khoai lang ta, rau dền và đu đủ.

Nhu cầu về tiền sinh tố A của cơ thể trung bình vào khoảng 25.000 IU (International unit), trong khi:

• Một củ cà rốt loại trung có thể cung cấp tối thiểu 20.000 IU tiền sinh tố A.

• 100g khoai lang ta cung cấp khoảng 27.000 IU tiền sinh tố A.

• 100g rau dền cung cấp không dưới 7.000 IU tiền sinh tố A.

Chỉ cần quán triệt thêm một chút về khoa dinh dưỡng, người ta có thừa phương tiện để phòng bệnh xây dựng trên thực phẩm bình dân rẻ tiền.

Để tận dụng nguồn tiền sinh tố A trong rau cải, cần lưu ý:

• Nếu dùng cà rốt dưới dạng ăn sống thì đừng ăn nguyên củ mà nên xay nhừ thành bột nhão, hoặc cắt sợi, hoặc cắt lát để ly trích tối đa thành phần tiền sinh tố A.

• Nếu hấp cà rốt, cải xanh thì khi ăn nhớ cho chút dầu để tăng khả năng hấp thu sinh tố A trên đường ruột.

• Cà rốt, rau cải luộc đến chín nhừ thì chỉ còn thành phần chất bã, tuy có lợi điểm nhuận trường nhưng thành phần tiền sinh tố A thì đã bị nhiệt độ hủy hoại hoàn toàn.

Sinh tố A được tích trữ lâu dài trong cơ thể. Lạm dụng sinh tố A có thể đưa đến tình trạng nhiễm độc với triệu chứng tổn thương ngoài da, viêm khớp, đau bắp thịt, nôn mửa, rụng tóc và viêm gan. Do đó, đừng quá tin vào quảng cáo hấp dẫn để uống thuốc sinh tố A mỗi ngày nhằm mục tiêu phòng ngừa ung thư. Thuốc sinh tố A thường được định lượng theo thành phần tiêu chuẩn quốc tế IU với 1mg sinh tố A = 3.000 IU. Thuốc sinh tố A liều cao từ 10.000 IU là dược phẩm đặc hiệu và chỉ nên áp dụng một cách giới hạn theo đúng hướng dẫn của thầy thuốc chuyên khoa cho bệnh nhân đang có vấn đề với thị lực, đang đối đầu với chứng mụn dưới dạng nặng hoặc thường gặp tình trạng bội nhiễm trên đường hô hấp. Độc giả cũng nên lưu ý là sinh tố A trong dầu cá không có tác dụng phòng ngừa ung thư, cũng không có khả năng ngăn ngừa bệnh mắt cườm như nhiều người lầm tưởng. Chỉ có thành phần tiền sinh tố A trong rau cải, trái cây mới có khả năng phòng bệnh.

(Trích "Khỏe vì sinh tố mạnh nhờ khoáng tố"BS. Lương Lễ Hoàng)

VITAMINB1

Sinh tố Thiamin còn có tên thông dụng là sinh tố B1 vì là sinh tố đầu tiên được xác định trong nhóm sinh tố B. B1 là thành phần thường được đề cập hàng đầu trong 6 loại sinh tố B do tác dụng điều trị chuyên biệt. Sinh tố B1 còn được định danh là "sinh tố của hệ thần kinh" vì sinh tố này có ái tính cao với cấu trúc thần kinh và vì dấu hiệu phản ảnh tình trạng thiếu hụt sinh tố B1 biểu lộ qua triệu chứng đau nhức và bại liệt.

Nói một cách tượng hình, sinh tố B1 giữ vai trò nến lửa của động cơ máy nổ. Thiếu sinh tố B1 thì thành phần chất đường trong thực phẩm không thể đi đúng vào quy trình thoái biến để cung cấp năng lượng cho cơ thể, đặc biệt cho nhu cầu vận động bắp thịt và dẫn truyền thần kinh. Cơ quan trong cơ thể có đặc tính nhạy cảm với tình trạng thiếu năng lượng chính là não bộ. Thiếu B1 thì hoạt động của não bộ bị xáo trộn.

Dấu hiệu thường thấy khi nguồn dự trữ sinh tố B1 không được bù trừ thỏa đáng là triệu chứng tê tay chân với cảm giác kiến bò ngoài da. Nếu bệnh nhân không được điều trị kịp thời, triệu chứng bệnh lý sẽ biến hình thành dạng mệt mỏi, liệt tay chân, cứng khớp, viêm thần kinh ngoại biên, co thắt bắp thịt, rối loạn tâm thần và cuối cùng là tình trạng trụy tim mạch. Bệnh beri-beri do thiếu sinh tố B1 đến nay vẫn còn tác quái ở vùng Đông Nam Á, nơi người dân có thói quen ăn gạo chà quá trắng nên dễ thiếu sinh tố B1, vì thành phần này được tiềm trữ chủ yếu trong phần vỏ lụa của hột gạo.

Sinh tố B1 hầu như có mặt trong đủ loại thực phẩm với hàm lượng đáng kể trong thịt và trong ngũ cốc như: nếp, lúa mì, đậu xanh, đậu nành. Nhu cầu lý tưởng mỗi ngày của sinh tố B1 là 1,2mg. Vì mối liên hệ mật thiết với quy trình chuyển hóa chất đường, nhu cầu về sinh tố B1 phải gia tăng trên người thích ăn ngọt. Người cần nhiều năng lượng như vận động viên, công nhân làm việc nặng phải cần thêm tối thiểu 50% hàm lượng sinh tố B1.

Vì dễ đào thải qua nước tiểu nên tổng lượng dự trữ của sinh tố B1 trong cơ thể không quá 25mg, nghĩa là dễ lâm vào cảnh thiếu thốn nếu cơ thể không được tiếp tế sinh tố B1 trong thời gian đôi ba tuần. Tình trạng thiếu hụt nguồn dự trữ sinh tố B1 thường xảy ra trong trường hợp của người theo chế độ dinh dưỡng kiêng khem lâu ngày, người ăn chay trường, người lớn tuổi không ăn được nhiều, người nghiện rượu vì rượu gây tiêu hao trầm trọng lượng sinh tố B1, người bị bệnh đường tiêu hóa mãn tính vì quy trình hấp thụ nguồn sinh tố B1 bị trì trệ.

B1 là một sinh tố rất nhạy cảm. Chỉ cần ngâm rửa quá lâu, nấu quá chín, thì phần lớn thành phần sinh tố B1 trong thực phẩm đã bị phá hủy. Sau khi ra lò chỉ cần hâm nóng lần thứ hai thì gần phân nửa lượng sinh tố B1 trong bánh mì đã bị thất thoát. Một số thực phẩm như bắp cải, bông cải, nếu ăn sống thì một chất men có sẵn trong cải sẽ phá hủy sinh tố B1.

Ngược lại, khả năng cung ứng sinh tố B1 được cải thiện khi dùng rau cải chung với dầu thực vật hay trái cây tươi có nhiều sinh tố C. Bảng so sánh hàm lượng sinh tố B1 dưới đây cho thấy không nhất thiết phải dùng cao lương mỹ vị mới cung cấp đủ sinh tố B1, mà rất thường khi chỉ cần nắm xôi trong bữa ăn.

Trọng lượng Thực phẩm Lượng sinh tố B1

100g

100g

100g

100g

100g

100g

100g

100g Men bia

Thịt heo

Thịt gà

Khoai tây

Đậu xanh

Đậu nành

Nếp

Gạo 12mg

0,7mg

0,1mg

0,3mg

1mg

1,8mg

0,4mg

Dược phẩm có sinh tố B1 với liều cao từ 100mg chỉ nên dùng như dược phẩm điều trị chuyên biệt chứng đau nhức và tê liệt thần kinh. Trên thị trường hiện có nhiều dược phẩm được sản xuất theo công thức B1 + B6 + B12. Do ảnh hưởng hưng phấn trên hoạt động bắp thịt, sinh tố B1 còn có tác dụng cải thiện chức năng của cơ tim.

Tuy vậy, không nên quan niệm dược phẩm sinh tố như loại thuốc bổ có thể dùng dài lâu, cho dù phản ứng phụ bất lợi với dược phẩm có sinh tố B1 rất hiếm thấy trên thực tế.

(Trích "Khỏe vì sinh tố mạnh nhờ khoáng tố BS. Lương Lễ Hoàng)

VITAMINB2

Nếu so sánh với các sinh tố kháng độc như: C, E, A thì sinh tố B2 (Riboflavin) tuy không nổi bật về chức năng trung hòa độc chất sinh ung thư, nhưng mặt khác lại rất cần thiết cho chu trình chuyển hóa nội tế bào để cung cấp năng lượng cho cơ thể. Thêm vào đó sinh tố B2 còn đảm nhiệm vai trò:

• Thúc đẩy quy trình sản xuất hồng huyết cầu.

• Trợ giúp chức năng giải độc của gan.

• Hưng phấn quá trình phát triển của bào thai.

• Bảo vệ cấu trúc thần kinh, đặc biệt là thần kinh thị giác.

Bệnh chứng do khiếm khuyết đơn thuần sinh tố B2 hầu như không có trên thực tế. Tình trạng thiếu hụt sinh tố B2 thường đi kèm với hiện tượng khiếm khuyết sinh tố B1, B12 và niacin. Triệu chứng thường thấy do thiếu sinh tố B2 là dấu hiệu mệt mỏi, khó tập trung tinh thần, rối loạn thị giác. Người bệnh cũng có thể bị viêm mạc vòm miệng, lở mép, khô da.

Bên cạnh sữa, trứng, cá, sinh tố B2 là thành phần dễ tìm trong ngũ cốc, men bia. Men bia là nguồn cung cấp dồi dào các loại sinh tố B. Điểm bất lợi của men bia là không thể dùng dài lâu như thực phẩm vì dễ sinh chứng sạn khớp. Bảng hàm lượng dưới đây cho thấy khả năng cung ứng sinh tố B2 của vài loại thực phẩm thông dụng.

Trọng lượng Thực phẩm Lượng sinh tố B2

100g

100g

100g

100g

100g

100g Gan heo

Men bia

Cá thu

Cải broccoli

Rau dền

Đậu nành 3mg

3,5mg

0,4mg

0,3mg

1mg

0,7mg

Nhu cầu về sinh tố B2 nằm trong khoảng 1,5mg mỗi ngày. Trên thực tế chỉ cần không hơn 1mg sinh tố B2 mỗi ngày đã đủ để ngăn chặn bệnh chứng do thiếu sinh tố này. Riêng đối tượng kiêng cữ để làm ốm hoặc người ăn chay trường nên có tối thiểu 1,5mg sinh tố B2. Người nghiện rượu, hút thuốc, dùng thuốc ngừa thai, dùng thuốc an thần nên bổ túc thường lệ nguồn sinh tố B2 bằng ly sữa đậu nành. Trên thực tế, chế độ dinh dưỡng xây dựng thuần túy trên thực phẩm rau đậu, như trong trường hợp ăn chay trường, không hoàn toàn lý tưởng để bảo đảm nguồn dự trữ sinh tố B2 trong cơ thể. Khuyết điểm này có thể được khắc phục dễ dàng nếu người trọng đạo biết kết hợp trong quy trình dinh dưỡng mỗi ngày 1 ly sữa.

Sinh tố B2 có khả năng chịu được nhiệt độ cao nhưng lại dễ bị phá hủy với ánh sáng. Sữa đậu nành vô chai hấp dẫn mà lại phơi nắng nhiều ngày thì không còn chút nào sinh tố B2. Do đó dạng sữa sản xuất trong hộp giấy, hay đúng hơn nữa, trong hộp giấy nhôm cản ánh sáng là hình thức sản phẩm có cơ sở khoa học về sinh tố.

(Trích "Khỏe vì sinh tố mạnh nhờ khoáng tố BS. Lương Lễ Hoàng)

VITAMINB3

Niacin còn gọi là sinh tố B3, là thành phần có ái tính chuyên biệt với phân tử nước trong hơn 200 phản ứng chuyển hóa của cơ thể, để vừa phóng thích năng lượng, vừa cung cấp tác chất kiến tạo cho tế bào. Trên quan điểm chuyển hóa, niacin và biotin là cặp bài trùng sát cánh, đóng trọn vai trò xúc tác để biến thực phẩm thành hoạt chất hữu ích cho cơ thể.

Khuynh hướng thiếu hụt sinh tố niacin thường liên hệ mật thiết với chế độ dinh dưỡng thiếu chất đạm. Bệnh chứng đặc thù do thiếu niacin là bệnh pellagra, với triệu chứng điển hình như mệt mỏi, chóng mặt, nhức đầu, viêm da, tiêu chảy, nôn mửa, rối loạn tâm thần, kinh phong. Bệnh này hiện nay vẫn còn hoành hành trên các nước còn gặp nạn đói kinh niên, đặc biệt ở châu Phi, nơi cư dân vì hoàn cảnh kinh tế vừa thiếu ăn, vừa thường khi vì không có phương tiện nấu nướng phải ăn bắp sống. Điểm trớ trêu là trong bắp lại không có nhiều sinh tố niacin. Thêm vào đó thành phần niacin trong bắp chưa nấu chín không thể được cơ thể hấp thu vì trong bắp còn sống lại có tác chất phong bế sinh tố niacin!

Muốn tận dụng nguồn niacin trong bắp nên dùng bắp dưới dạng nướng hoặc hấp, vì ở dạng luộc lâu bắp sẽ không còn bao nhiêu niacin. Thêm một điểm bất lợi của niacin là hàm lượng của sinh tố này trong thực phẩm tương đối thấp, mặc dầu niacin là thành phần phân phối rải đều trong hầu hết các dạng thực phẩm. Dù vậy, cơ thể trong điều kiện dinh dưỡng bình thường ít khi bị thiếu hụt niacin vì thành phần này có thể được sản xuất trong cơ thể qua một tác chất tiền thân mang tên tryptophan có nhiều trong sữa, trứng, thịt, men bia, đậu và nấm.

Nhu cầu về sinh tố niacin trung bình mỗi ngày là 15mg. Bảng liệt kê hàm lượng niacin dưới đây có thể làm độc giả hoang mang, vì lẽ nào mỗi ngày phải ăn đến 300g nấm để có đủ niacin?! Nhận định như thế là không đúng trong thực tế, vì như đã giải thích ở trên, sinh tố niacin được cung ứng phần nào cho cơ thể gián tiếp qua tác chất khác trong thực phẩm.

Cơ thể người trẻ tuổi cũng như thai sản phụ cần khoảng 20mg niacin mỗi ngày. Nhu cầu về niacin chỉ tăng nhiều, đến 30mg mỗi ngày trên vận động viên cử tạ, người phải khuân vác nặng, và trong trường hợp bội nhiễm có đi kèm triệu chứng sốt nhiều ngày. Đối tượng thường dùng thuốc giảm đau, thuốc an thần cũng cần lưu ý bổ túc kho dự trữ niacin của cơ thể.

Trọng lượng Thực phẩm Lượng sinh tố niacin

100g

100g

100g

100g Cá thu

Đậu xanh

Nấm rơm 8mg

10mg

3mg

5mg

Nhờ công năng đa dạng, niacin hiện là thành phần tá dược của nhiều loại thành phẩm để hỗ trợ tác dụng:

Kháng viêm trên đường ruột và da niêm.

• Hưng phấn tế bào thần kinh trung ương.

• Cải thiện huyết áp.

• Chống co thắt phế quản.

• Yểm trợ quy trình tạo huyết.

• Chống thấp khớp.

• Hạ lượng mỡ trong máu.

Dù vậy, không nên áp dụng cường điệu dược phẩm có niacin với lượng cao nếu không có giám định của nhà điều trị chuyên khoa vì thuốc có niacin dễ đưa đến nhiều phản ứng phụ như: dị ứng, viêm dạ dày, viêm gan.

(Trích "Khỏe vì sinh tố mạnh nhờ khoáng tố BS. Lương Lễ Hoàng)

VITAMINB5

Sau phát kiến của Harris vào năm 1940, sinh tố pantothen (pantothenin) (sinh tố B5) thường được quan niệm như yếu tố tối cần thiết cho cấu trúc lành mạnh của tóc và da, dựa trên nhận xét trong thực nghiệm là súc vật thử nghiệm nếu thiếu pantothen dễ bị viêm da và bạc màu lông.

Trong quy trình chuyển hóa của toàn bộ chất đạm, chất đường và chất béo, sinh tố B5 đảm nhiệm vai trò ngọn đèn xanh đỏ nơi ngã tư để điều hành tự động tình trạng lưu thông. Tùy theo sự hiện diện của pantothen mà nhiều phản ứng sinh hóa trong cơ thể sẽ được phát động hay trì hoãn cho phù hợp với nhu cầu của cơ thể.

Bệnh chứng chuyên biệt do thiếu pantothen hầu như không có trong thực tế. Trên mô hình thực nghiệm, khi cố ý phong bế sinh tố B5 thì đối tượng thử nghiệm bị mệt mỏi, mất ngủ, chóng mặt, buồn nôn, run tay và co thắt bắp thịt. Trên thực tế, tình trạng khiếm khuyết nguồn dự trữ sinh tố B5 chỉ biểu lộ qua hình thức dễ rụng tóc, da khô, nứt nẻ gót chân.

Pantothen theo ngôn ngữ cổ Hy Lạp có nghĩa là "khắp nơi", vì sinh tố này hầu như hiện diện trong đủ loại thực phẩm, đặc biệt trong thịt và ngũ cốc (xem bảng hàm lượng đính kèm). Nhược điểm của pantothen là dễ bị phá hủy với nhiệt độ. Nhu cầu trung bình và lý tưởng về sinh tố B5 là 6mg mỗi ngày. Trên thực tế chỉ cần 2 mg mỗi ngày đã đủ phòng tránh hiện tượng bệnh lý do thiếu pantothen. Tình trạng căng thẳng thần kinh là yếu tố gia tăng nhu cầu tiêu thụ sinh tố pantothen, vì sinh tố này sẽ bị tiêu hao nhiều khi tuyến thượng thận gia tăng hoạt động.

Trọng lượng Thực phẩm Lượng sinh tố pantothen

100g

100g

100g

100g

100g

100g Cá thu

Gan bò

Măng tây

Cải broccoli

Dưa gang

Nấm rơm 0,8mg

8mg

0,6mg

1mg

1,6mg

2mg

Sinh tố B5 hiện được ứng dụng rộng rãi trong nhiều thành phẩm dùng ngoài thuộc lãnh vực nhãn khoa, tai mũi họng, thẩm mỹ. Kết quả nghiên cứu trong thực nghiệm cũng như trên lâm sàng cho thấy pantothen thúc đẩy quy trình làm lành vết thương và ngừa sẹo. Một số nhà điều trị hiện có khuynh hướng dùng pantothen với liều cao để chữa chứng viêm da dây thần kinh ngoại biên trên bệnh nhân tỉểu đường.

(Trích "Khỏe vì sinh tố mạnh nhờ khoáng tố BS. Lương Lễ Hoàng)

VITAMINB6

Vào năm 1934, nhà nghiên cứu sinh tố Szent-Gyoergyi đã ghi nhận khả năng cải thiện bệnh chứng ngoài da của men bia trên súc vật thí nghiệm, cho dù súc vật thử nghiệm trước đó được nuôi dưỡng đầy đủ với các loại sinh tố B1 và B2. Szent-Gyoergyi đã qua đó đưa ra giả thuyết là trong men bia phải còn có loại sinh tố nào khác. Bốn năm sau người ta đã xác định được cấu trúc của sinh tố B6 (Pyridoxin).

Nói một cách tóm lược, sinh tố B6 là yếu tố cần thiết cho hàng trăm phản ứng chuyển hóa để phân tích chất đạm trong thức ăn thành các nhân tố cơ bản cần thiết cho quy trình hồi phục và tân tạo tế bào.

Thiếu sinh tố B6 thì nhiều phản ứng tiến biến trong cơ thể bị đình trệ, đặc biệt trong hệ thần kinh. Một bằng chứng cụ thể là trẻ con bị chứng động kinh thường thiếu sinh tố B6. Tình trạng thiếu hụt sinh tố B6 nếu không được bổ túc kịp thời sẽ dẫn đến triệu chứng biếng ăn, nôn mửa, tiêu chảy, viêm da. Sinh tố B6 cũng có ảnh hưởng trên quy trình tạo huyết, vì B6 xúc tác phản ứng tổng hợp huyết cầu tố.

Sinh tố B6 hầu như có thể tìm thấy trong đủ loại thực phẩm, đặc biệt trong cá, thịt. Sinh tố B6 cũng có nhiều trong khoai, đậu, cà-rốt, cải, chuối. Sữa và sản phẩm dẫn xuất từ sữa tương đối có ít sinh tố B6.

Nhu cầu trung bình về sinh tố B6 là 1,7mg cho cơ thể người trưởng thành. Nhu cầu sinh tố B6 trên thực tế thay đổi tùy theo tỷ lệ chất đạm trong chế độ dinh dưỡng. Người ăn nhiều thịt, cá cần nhiều sinh tố B6 hơn người chú trọng vào thực đơn xây dựng trên thành phần rau cải, ngũ cốc, trái cây. Cơ thể đang có nhu cầu kiến tạo như ở người trẻ tuổi, người kiêng khem, thai phụ, người cho con bú, bệnh nhân đang hồi phục cần tối thiểu 2,5mg sinh tố B6 mỗi ngày.

Nhu cầu về sinh tố B6 đặc biệt tăng cao trên đối tượng dùng thuốc ngừa thai, thuốc lao, thuốc trụ sinh, trên người nghiện rượu, hút thuốc. Nói cách khác, các đối tượng vừa liệt kê dễ bị thiếu sinh tố B6 nếu nguồn dự trữ không được bổ túc thường xuyên. Bảng so sánh dưới dây cho thấy hình thức dinh dưỡng lý tưởng để cung ứng đầy đủ sinh tố B6 là hình thức phối hợp rau cải với hải sản.

Trọng lượng Thực phẩm Lượng sinh tố B6

100g

100g

100g

100g

100g

100g

100g

100g

100g

100g

100g Cá mòi

Cá thu

Giá sống

Gan

Thịt gà

Chuối

Khoai tây

Trái bơ

Ớt bị

Rau dền

Bắp 1mg

0,9mg

1,2mg

0,8mg

0,3mg

0,4mg

0,2mg

0,6mg

0,3mg

0,3mg

0,3mg

Sinh tố B6 với liều cao từ 250mg thường được áp dụng như dược phẩm đặc hiệu để điều trị nhiều bệnh chứng thần kinh thông qua cơ chế phục hồi cấu trúc tế bào thần kinh. Sinh tố B6 còn tỏ ra hữu ích để giảm thiểu các triệu chứng nhức đầu, buồn nôn, mệt mỏi trên bệnh nhân đang được điều trị bằng phương pháp xạ trị. Thêm vào đó, sinh tố B6 có tác dụng trợ lực cơ tim cho vận động viên, người làm việc nặng.

Ở liều cao, sinh tố B6 còn là thuốc chống buồn nôn khi du hành bằng máy bay, tàu thủy. Kết quả nghiên cứu gần đây cho thấy sinh tố B6 có thêm chức năng bảo vệ ngà răng. Sinh tố B6 có thêm một lợi điểm khi so sánh với các sinh tố B khác là: B6 ít gây tình trạng nhiễm độc trong cơ thể, như trong trường hợp phải dùng lâu dài dược phẩm có sinh tố B6.

(Trích "Khỏe vì sinh tố mạnh nhờ khoáng tố BS. Lương Lễ Hoàng)

VITAMINB7

Tên gọi nguyên thủy của sinh tố này có nghĩa là yếu tố thiết yếu cho đời sống, dựa vào nhận xét trên thực nghiệm từ đầu thế kỷ 20 là một thành phần nào đó trong men bánh mì rất cần thiết cho quy trình tăng trưởng của cơ thể. Phải đợi đến 35 năm sau, Koegl và Toennis mới kiểm định được cấu trúc hóa học của biotin. Sinh tố này còn có tên là sinh tố B7 hay sinh tố H.

Sinh tố B7 được tặng cho biệt danh "vị thuốc của sức sống" vì biotin là thành phần không thể thiếu sót trong quy trình chuyển hóa chất đường để tạo ra năng lượng cho cơ thể. Biotin giữ nhiệm vụ chuyên chở và phân phối thán khí, để qua đó các phản ứng hoán chuyển chất đường thành chất đạm hay nhiều chất béo có thể được thực hiện hoàn chỉnh và tối đa.

Thiếu sinh tố B7 thì người ăn ngọt bao nhiêu cũng vẫn gầy còm. Thông qua cơ chế ảnh hưởng trên sự chuyển hóa chất đạm, sinh tố B7 giữ vai trò quan trọng trong quy trình tăng trưởng và phát triển của huyết cầu, thần kinh, tóc và da.

Bệnh chứng do khiếm khuyết sinh tố biotin thường biểu lộ qua triệu chứng buồn chán, mệt mỏi, đau nhức bắp thịt, biếng ăn, buồn nôn và viêm da. Bệnh thiếu sinh tố B7 trên thực tế không nguy hiểm vì có thể điều trị nhanh chóng và hiệu quả với dược phẩm có biotin.

Sinh tố B7 có mặt trong hầu hết các loại thực phẩm, dù nguồn gốc động vật hay thực vật. Biotin có lợi điểm là hàm lượng cần thiết mỗi ngày cho cơ thể rất thấp, chỉ cần 30 microgram trong điều kiện sinh hoạt bình thường và có thể tăng lên đến 100 mcrogram cho thai phụ, người làm việc nặng, người bệnh lâu ngày.

Để phòng tránh hiện tượng thiếu hụt nguồn dự trữ biotin, chỉ cần phối hợp chế độ dinh dưỡng bằng rau cải một cách định kỳ với thực phẩm sữa, trứng. Bệnh nhân bị xơ gan cũng như người nghiện rượu là đối tượng dễ bị thiếu sinh tố B7. Tình trạng thiếu biotin cũng có thể trở nên trầm trọng trên bệnh nhân không thể ăn uống và được nuôi dưỡng bằng dịch truyền không có thành phần biotin. Đây là một thực tế cần được nhà điều trị lưu ý.

(Trích "Khỏe vì sinh tố mạnh nhờ khoáng tố BS. Lương Lễ Hoàng)

VITAMINB9

Nghiên cứu kéo dài 19 năm của Mỹ cho thấy, những người dùng ít nhất 300 microgam (mcg) axit folic (vitamin B9) mỗi ngày giảm được 20% nguy cơ đột quỵ và 13% nguy cơ bệnh tim so với những người dùng dưới 136 mcg/ngày.

Tuy nhiên, việc sử dụng 2 cốc rượu mỗi ngày có thể làm tăng 10 lần nguy cơ bị những dạng đột quỵ nặng nề.

Đây là lần đầu tiên người ta chỉ ra lợi ích của vitamin B9 với đột quỵ. Kết luận này được các nhà khoa học tại Đại học Sức khỏe Cộng đồng và Y tế Nhiệt đới Tulane đưa ra sau khi tiến hành nghiên cứu trên gần 10.000 nam và nữ tuổi 25-74. Các tác giả cũng nhận thấy, những người dùng chế độ ăn giàu axit folic có huyết áp và hàm lượng cholesterol trong máu thấp hơn một chút so với những người dùng ít chất này. Họ nhất trí rằng, hàm lượng axit folic cần dùng cho mỗi người là 300-400 mcg/ngày. Nghiên cứu đăng trên tờ Đột quỵ: Tạp chí của Hội Tim mạch Mỹ số ra ngày 3/5.

Axit folic có trong rất nhiều thực phẩm như các quả có vị chua, rau lá xanh, cà chua, các loại đậu, gạo, mỳ, và các sản phẩm từ hạt như bánh mì, ngũ cốc ăn sáng. Gan cũng chứa nhiều axit này. Kể từ năm 1998, Mỹ đã bổ sung axit folic vào bột mì nhằm cung cấp thêm khoảng 100 mcg chất này mỗi ngày vào chế độ ăn.

B9 được coi là có tác dụng chống xơ vữa động mạch giống như B6 và B12 thông qua giảm nồng độ homocysteine - chất gây tổn thương thành mạch - trong máu.(Theo WebMD)

VITAMINB12

Cho đến đầu thế kỷ 20, người ta vẫn chưa hiểu rõ nguyên nhân chứng bệnh thiếu máu (Pernicious anemia) với triệu chứng điển hình như: da mét, mệt mỏi, viêm lưỡi, tê liệt tứ chi. Phải đợi đến thập niên 30, bác sĩ Minot, sau khi ghi nhận mối liên quan giữa chứng thiếu máu và bệnh gan, mới đi lần đến vai trò quan trọng của sinh tố B12 (Cobalamin), đề tài sau đó đã mang lại cho Minot giải thưởng Nobel về y học.

Sinh tố B12 là yếu tố quyết định cho nhiều phản ứng chuyển hóa cơ bản. Nhưng vai trò nổi bật của sinh tố B12 là chức năng hưng phấn quy trình sản xuất hồng huyết cầu trong tủy xương. Ngoài ra, sinh tố B12 còn cần thiết cho sự tăng trưởng của cơ thể trẻ con. Thêm vào đó, sinh tố B12 là điều kiện sinh học thiết yếu cho quy trình tái tạo phục hồi cấu trúc của dây thần kinh.

Nguyên nhân gây ra thiếu sinh tố B12 rất ít khi là vì sai lầm trong chế độ dinh dưỡng, mà thường do rối loạn tiêu hóa vì hậu quả của bệnh đường ruột, hoặc vì độc tính của dược phẩm như: thuốc ngừa thai, thuốc chống co thắt, thuốc lao, thuốc trụ sinh, thuốc phong thấp. Các nguyên nhân kể trên cản trở quy trình hấp thu sinh tố B12 qua đường tiêu hóa và đưa lần đến tình trạng khiếm khuyết nguồn dự trữ sinh tố B12 trong cơ thể.

Thành phần sinh tố B12 trong rau trái tương đối thấp. Sinh tố B12 chủ yếu có nhiều trong gan, thịt, cá, trứng, sữa, men bia. Dạng thực phẩm nguồn gốc thực vật nên được lưu ý nếu muốn cơ thể đừng thiếu B12 là món cải chua. Cho dù muốn tránh thịt mỡ cũng nên chủ động kết hợp thực phẩm sữa, trứng trong chế độ dinh dưỡng để bảo đảm số cung của sinh tố B12 (xem bảng hàm lượng sinh tố B12).

Tình trạng khiếm khuyết sinh tố B12 thường gặp trên đối tượng ăn chay trường lại kiêng luôn trứng, sữa. Có một điểm người tiêu thụ cần lưu ý: quy trình hấp thu sinh tố B12 và sinh tố C qua đường tiêu hóa có tính chất tương tranh. Vừa ăn hai trái cam cho có sinh tố C rồi uống ngay ly sữa với hy vọng bổ túc sinh tố B12 thì hoàn toàn lãng phí, vì lượng sinh tố B12 trong sữa sẽ không dừng chân ghé lại cho cơ thể tâm sự đôi lời mà lại buông tay theo dòng đào thải.

Trọng lượng Thực phẩm Lượng sinh tố B6

100g

100g

100g

100g

100g

100g Gan heo

Cật heo

Cá thu

Thịt heo

Sữa 3,5%

Trứng gà 40 microgram

25 microgram

12 microgram

5 microgram

1,5 microgram

2 microgram

Sinh tố B12 được dự trữ rất lâu trong cơ thể. Thời gian tồn trữ trong gan có thể kéo dài đến hơn 3 năm. Lượng sinh tố B12 tối thiểu cần thiết cho hoạt động bình thường của cơ thể lại rất thấp, không đầy 3 microgram. Trên nguyên tắc chỉ cần uống mỗi ngày 1 ly sữa đã đủ cung ứng sinh tố B12 cho cơ thể. Chỉ có 1 trường hợp cần đặc biệt lưu ý: trẻ sơ sinh bú sữa mẹ có thể thiếu sinh tố B12, nếu người mẹ ăn chay trường và không uống sữa.

Trên đối tượng bị đau nhức cũng như viêm dây thần kinh, nhiều nhà điều trị có khuynh hướng dùng sinh tố B12 với liều cao trong khoảng 1000-5000 microgram, nghĩa là cao gấp 300-1500 lần nhu cầu thông thường. Trong trường hợp này, nhu cầu về sinh tố B12 vượt hẳn ra ngoài khả năng cung ứng của thực phẩm. Người bệnh vì thế phải dùng dược phẩm theo đúng phác đồ điều trị của thầy thuốc chuyên khoa.

(Trích "Khỏe vì sinh tố mạnh nhờ khoáng tố BS. Lương Lễ Hoàng)

VITAMINC

Sinh tố C (Acid Ascorbic) rất thường được đề cập qua các phương tiện truyền thông y học. Trong cổ thư y học, vào thế kỷ thứ hai trước Công nguyên, người ta đã tìm được tài liệu mô tả bệnh chứng tương tự trường hợp thiếu sinh tố C trên thủy thủ sau nhiều chuyến ra khơi. Dù vậy, cho đến thế kỷ 17 các nhà y học mới bắt đầu lần ra manh mối của vấn đề. Từ đó người ta hiểu rõ hơn về vai trò dự phòng và điều trị của rau trái tươi. Tuy vậy phải hơn 300 năm sau, vào đầu thập niên 30 của thế kỷ 20, người ta mới xác định được cấu trúc hóa học của sinh tố C.

Trong hai thập niên gần đây, sinh tố C đã được đề cao như dược phẩm có giá trị trong quy trình phòng chống ung thư thông qua cơ chế vô hiệu hóa độc chất sinh ung thư. Trên khía cạnh phòng bệnh, sinh tố C có tác dụng cộng hưởng với sinh tố E và tiền sinh tố A để ngăn ngừa ung thư vòm miệng, thanh quản, dạ dày, tụy tạng, trực tràng và cổ tử cung. Sinh tố C đặc biệt còn có ảnh hưởng ngăn ngừa chứng mắt cườm. Nhiều nhà điều trị hiện đang đề xướng phương pháp áp dụng sinh tố C với liều cực cao trong liệu trình điều trị và phòng ngừa ung thư. Bên cạnh chức năng kháng độc, sinh tố C còn có nhiều khả năng hữu ích như:

• Sinh tố C là thành phần cần thiết cho quy trình kiến tạo mô liên kết. Thiếu sinh tố C thì vết thương, vết loét khó lành.

• Sinh tố C cải thiện tình trạng chuyển hóa chất sắt bằng cách đẩy mạnh quy trình hấp thu chất sắt qua đường tiêu hóa cũng như dự trữ chất sắt trong gan, lá lách và tủy xương. Thiếu sinh tố C thì chức năng tạo hồng huyết cầu bị đình trệ.

• Sinh tố C hưng phấn hoạt tính của bạch huyết cầu và gia tăng sự thành lập kháng thể. Thiếu sinh tố C thì cơ thể dễ bị bội nhiễm. Kết quả nhiều công trình nghiên cứu cho thấy sinh tố C ở liều cao, khoảng 500mg mỗi ngày, có khả năng thu ngắn thời gian nhiễm cúm.

• Sinh tố C cần thiết cho hoạt động của tuyến thượng thận để bài tiết kích tố chống tình trạng căng thẳng thần kinh (stress). Thiếu sinh tố C thì tuyến thượng thận không thể hoạt động tối đa. Cơ thể người không đủ sinh tố C vì thế khó chịu đựng lâu dài tình trạng căng thẳng. Điều đó cũng có nghĩa là ở người thường xuyên bị căng thẳng thần kinh phải được kịp thời cung ứng đầy đủ sinh tố C.

• Sinh tố C yểm trợ chức năng giải độc của gan. Sinh tố C hưng phấn quy trình đào thải các kim loại nặng như chì. Thiếu sinh tố C thì cơ thể dễ bị dị ứng với thuốc men, thực phẩm, hóa chất. Thêm vào đó, cơ thể người không có đủ sinh tố C thường có khuynh hướng bị tăng chất béo cholesterol.

Triệu chứng khiếm khuyết sinh tố C tiến hành tuần tự qua 3 giai đoạn, mau hay chậm tùy theo mức độ thiếu hụt, trước khi bị bệnh Scorbut do thiếu sinh tố C thực sự hội đủ điều kiện thành hình:

• Giai đoạn 1: mệt mỏi, căng thẳng thần kinh, buồn ngủ, đau nhức cơ khớp.

• Giai đoạn 2: chảy máu nướu răng, dưới da, da niêm.

• Giai đoạn 3: biến dạng xương khớp, vết thương không lành, hư răng, bội nhiễm.

Trái cây tươi là nguồn cung ứng chủ yếu sinh tố C, đặc biệt là dâu, chang, bưởi, ổi, cam, xoài, đu đủ, dưa hấu. Một loại trái cây quen thuộc ở Úc châu nên được nông gia Việt Nam lưu ý hội nhập là trái kiwi, vì đó là nguồn cung cấp dồi dào sinh tố C. Thành phần rau cải có nhiều sinh tố C là ớt bị, cải broccoli, bắp cải, cà chua. Trong đa số trường hợp, chế độ dinh dưỡng với rau trái tươi đủ đảm bảo hàm lượng sinh tố C cho cơ thể. Bảng dưới đây cho thấy tỷ lệ hàm lượng của sinh tố C trong các loại rau trái khác nhau, qua đó quan niệm ăn cam mới có sinh tố C không còn đứng vững, vì trên cùng trọng lượng thì ớt bị có hàm lượng sinh tố C cao gần gấp 3 lần lượng sinh tố C trong trái cam.

Trọng lượng Thực phẩm Lượng sinh tố C

100g

100g

100g

100g

100g

100g

100g

100g

100g

100g

100g

100g

100g

100g

100g Bắp cải

Cải broccoli

Ớt bị

Cam

Bưởi

Dâu tây

Xoài

Ổi

Đu đủ

Dưa hấu

Khoai tây

Măng tây

Cà chua

Ngò

Kiwi 45mg

110mg

140mg

50mg

60mg

60mg

50mg

90mg

120mg

60mg

40mg

50mg

80mg

150mg

100mg

Độc giả cần lưu ý một điểm quan trọng: lượng sinh tố C được cơ thể hấp thu và dự trữ không tỷ lệ thuận với hàm lượng sinh tố trong thực phẩm, thậm chí còn giảm thiểu khi lượng sinh tố C trong thực phẩm quá cao. Nói một cách cụ thể, người vì hết lòng với sinh tố C nếu có thể ăn liền một lúc nửa chục cam sành thì phần lớn sinh tố C sẽ bị đào thải một cách hoang phí trong nước tiểu. Trong trường hợp này, dù tốn tiền, lượng sinh tố C hữu ích cho cơ thể vẫn thấp hơn ở người khôn khéo chỉ ăn một trái cam thôi, nhưng đều đặn sau mỗi bữa ăn.

Nhu cầu về liều lượng sinh tố C không có chỉ tiêu cố định.

• Lượng sinh tố C tối thiểu cần thiết cho cơ thể để ngăn ngừa bệnh Scorbut chỉ là 10mg mỗi ngày.

• Nhu cầu về sinh tố C trung bình cho người không phải làm việc nặng là 75mg/ngày.

• Thai sản phụ có nhu cầu sinh tố C cao hơn, khoảng 100-130mg mỗi ngày.

• Bệnh nhân có nhu cầu chống bội nhiễm, dự phòng ung thư, kháng dị ứng sẽ cần tối thiểu 150mg sinh tố C mỗi ngày.

Người nghiện thuốc lá, vận động viên, bệnh nhân trong giai đoạn hồi phục, công nhân lao động nặng nên được tiếp tế mỗi ngày với 200mg sinh tố C.

Sinh tố C là nguồn dược liệu thiên nhiên cần thiết cho quy trình phục hồi và phòng bệnh xủa cơ thể. Chỉ cần bảo vệ kho dự trữ sinh tố C bằng cách tiếp tế đều đặn sinh tố C cho cơ thể, con người có thể ngăn chặn nhiều bệnh chứng trầm trong qua phương tiện đơn giản với thực phẩm rau trái.

(Trích "Khỏe vì sinh tố mạnh nhờ khoáng tố BS. Lương Lễ Hoàng)

VITAMIND

Nếu theo sát định nghĩa về sinh tố thì sinh tố D (Calciferol) không được liệt kê vào danh mục sinh tố, vì cơ thể có thể tự tổng hợp thành phần này qua tác dụng của tia tử ngoại trong ánh sáng mặt trời. Quy trình tổng hợp sinh tố D được tiến hành tuần tự như sau: một tác chất mang tên là tiền sinh tố D được gan tổng hợp từ thành phần chất béo trong thực phẩm và mang ký gởi dưới da. Dưới tác dụng của ánh sáng mặt trời, chất này sẽ được hoán chuyển thành sinh tố D.

Chức năng chủ yếu của sinh tố D tập trung vào quy trình kiến tạo xương, thông qua cơ chế phân phối chất vôi và phosphor. Sinh tố D hưng phấn khả năng hấp thụ hai loại muối khoáng này qua đường tiêu hóa và đồng thời yểm trợ quy trình dự trữ trong mô xương. Lượng sinh tố D đầy đủ trong cơ thể là điều kiện thiết yếu để vôi và phosphor được giữ chặt trong mô xương. Nói một cách tượng hình, thiếu sinh tố D thì cấu trúc của xương bị loãng hoặc không đồng bộ. Ngoài ra, sinh tố D còn ảnh hưởng trên sự phân hóa tế bào trong chiều hướng ngăn chặn hiện tượng biến thể cấu trúc tế bào sinh ung thư. Kết quả thống kê cho thấy bệnh nhân được điều trị với sinh tố D sau quy trình xạ trị ít bị tái nhiễm ung thư, khi so sánh với nhóm bệnh nhân không có sinh tố D trong phác đồ điều trị. Nhiều công trình nghiên cứu đã chứng minh là sinh tố D có tác dụng giảm thiểu tỷ lệ nhiễm ung thư da gây ra do tia tử ngoại và độc chất trong không khí.

Bệnh chứng điển hình do thiếu sinh tố D là bệnh còi xương với triệu chứng xương dễ gãy, biến dạng xương ức, xương sọ, đốt sống và xương hàm. Trên thực tế, bệnh này hiện nay chỉ còn xuất hiện trên quốc gia nghèo đói, trên trẻ sơ sinh chỉ bú mẹ mà người mẹ lại bị suy dinh dưỡng trầm trọng.

Sinh tố D có nhiều trong cá biển, thịt, trứng, nấm. Liều sinh tố D cần thiết cho mỗi ngày là 5 microgram. Sinh tố D, không như nhiều người lầm tưởng, có rất ít trong sữa! Do đó các bà mẹ còn thiếu kinh nghiệm nuôi con cần lưu ý bổ túc loại sinh tố này cho trẻ sơ sinh. Vì sinh tố D được cơ thể tổng hợp qua ánh sáng mặt trời nên nếu chế độ dinh dưỡng cung ứng đầy đủ thành phần chất béo cho gan và nếu đối tượng có dịp phơi nắng thì ít khi cơ thể rơi vào tình trạng thiếu hụt sinh tố D. Bảng so sánh hàm lượng sinh tố D đính kèm dưới đây cho thấy người ăn chay trường rất dễ thiếu sinh tố D, vì hình thức dinh dưỡng xây dựng hoàn toàn trên rau cải khó đáp ứng nhu cầu về sinh tố D. Đây cũng là lý do tại sao phần lớn người ăn chay trường dễ bị chứng loãng xương. Với đối tượng theo đuổi hình thức ăn chay thì nấm là dạng thực phẩm đáng chú trọng, vì trong nấm có nhiều sinh tố D.

Cơ thể người nghiện thuốc lá cũng có nhu cầu về sinh tố D cao hơn bình thường. Người lớn tuổi nếu ít vận động, ít phơi nắng, lại thêm khuynh hướng giới hạn thức ăn thịt cá rất dễ thiếu sinh tố D. Ngược lại, người dầm mưa dãi nắng quá nhiều dễ bị biến dạng xương khớp do rối loạn chuyển hóa sinh tố D. Chỉ cần 15 phút dưới ánh nắng gắt thì cường độ của tia tử ngoại đã đủ để hưng phấn quy trình sản xuất sinh tố D kéo dài 24 giờ... Người phải làm việc thường xuyên dưới trời nắng gắt vì thế phải được bảo vệ đúng mức với mũ áo che kín, hay tốt hơn nữa với các loại kem bảo hộ lao động có tác dụng ngăn chặn tia tử ngoại.

Trọng lượng Thực phẩm Lượng sinh tố D

100g

100g

100g

100g Cá thu

Gan bò

Trứng gà

Nấm rơm 15 microgram

1 microgram

2 microgram

2 microgram

Sinh tố D được dự trữ khá lâu trong cơ thể nên tình trạng tích lũy có thể dẫn đến hiện tượng nhiễm độc với triệu chứng biếng ăn, nôn mửa, nhức đầu, viêm thận và đặc biệt là sạn thận vì lượng sinh tố D quá cao trong cơ thể sẽ gây tác dụng hồi nghịch vận chuyển chất vôi từ xương đến thận và tích lũy trên đường tiết niệu. Dược phẩm có sinh tố D vì thế chỉ nên được áp dụng theo đúng chỉ dẫn và dưới sự kiểm soát của thầy thuốc. Tác dụng của sinh tố D được hỗ trợ bởi sinh tố C, B6 và khoáng chất vôi. Trên cơ sở vừa trình bày, nên chọn dược phẩm sinh tố D có đi kèm các thành phần vừa kể trong trường hợp phải dùng thuốc.

(Trích "Khỏe vì sinh tố mạnh nhờ khoáng tố" - BS. Lương Lễ Hoàng)

VITAMINE

Vào năm 1922, các nhà nghiên cứu Evans, Scott và Bishop đã ly trích và xác định được cấu trúc của sinh tố E.

Sinh tố E còn mang tên tocopherol, có nghĩa là nữ hộ sinh, dựa vào nhận xét về tác dụng tăng cường khả năng sinh sản của sinh tố E trong thực phẩm ngũ cốc trên súc vật thí nghiệm. Nhiều công trình nghiên cứu trong thời gian gần đây cho thấy sinh tố E là yếu tố cần thiết để ngăn ngừa tình trạng hiếm muộn. Nhưng chức năng quan trọng hàng đầu của sinh tố E là khả năng phòng ngừa hiện tượng ung thư và xơ cứng tế bào thông qua cơ chế trung hòa độc chất oxy hóa tích lũy trong cơ thể.

Sinh tố E, ngoài ra, còn cống hiến cho cơ thể tác dụng bảo vệ thành tế bào và thành mạch máu. Dưới sự hiện diện của sinh tố E, tế bào ít khi lâm vào tình trạng phân hóa một cách bừa bãi, mạch máu khó bị xơ cứng. Kết quả thống kê cũng cho thấy đối tượng có hàm lượng sinh tố E không đầy đủ trong cơ thể thường nhiễm bệnh ung thư.

Thêm vào đó, sinh tố E còn có khả năng bảo vệ và phục hồi da niêm trong chiều hướng cộng hưởng tác dụng với sinh tố A. Dựa trên đặc tính đó, nhiều loại mỹ phẩm hiện nay được sản xuất với hỗn hợp sinh tố E và A. Sinh tố E có hiệu năng đa dạng, một mặt bảo vệ làn da tránh tổn hại vì tia tử ngoại trong ánh nắng mặt trời, mặt khác chủ động phục hồi cấu trúc đàn hồi của da.

Trong phạm vi hệ tuần hoàn, sinh tố E điều hòa độ loãng của máu và qua đó cải thiện chức năng tuần hoàn trong hệ thống vi mạch. Ngoài ra, sinh tố E còn hưng phấn quy trình hấp thu dưỡng khí và qua đó bảo vệ các cơ quan trọng yếu như: gan, phổi, da, phòng tránh tình trạng viêm nhiễm và thoái biến. Gần đây, nhiều nhà nghiên cứu đã báo cáo là sinh tố E còn có khả năng xúc tác phản ứng thành lập kháng thể và nhờ đó, góp phần gián tiếp tiêu diệt mầm bệnh ngoại lai.

Trên thực tế, hầu như không có bệnh chứng chuyên biệt do thiếu sinh tố E. Nhà thống kê đã từ lâu ghi nhận mối liên hệ giữa đối tượng có lượng sinh tố E trong máu rất thấp với các chứng bệnh thời đại như: nhồi máu cơ tim, ung thư, dị ứng. Triệu chứng điển hình thường gặp khi nguồn dự trữ sinh tố E bị thiếu hụt là khuynh hướng mỏi cơ, rối loạn thị lực, co thắt bắp thịt, suy nhược, hay quên.

Sinh tố E có nhiều trong các loại dầu thực vật, trong đậu, mè cũng như trong một số rau cải như: rau dền, củ su hào. Bảng so sánh hàm lượng sinh tố E dưới đây cho thấy vai trò quan trọng của các loại dầu ăn dẫn xuất từ đậu phộng, đậu nành, hoa hướng dương.

Trọng lượng Thực phẩm Lượng sinh tố E

100g

100g

100g

100g

100g

100g

100g

100g

100g

100g Cá thu

Thịt gà

Dầu phộng

Dầu đậu nành

Dầu hướng dương

Măng tây

Đậu xanh

Hột điều

Trái bơ

Khoai lang ta 1,2mg

2mg

150mg

15mg

50mg

2mg

3mg

20mg

3mg

15mg

Nhu cầu lý tưởng của sinh tố E là 12mg mỗi ngày. Trong điều kiện sinh hoạt bình thường, chỉ tiêu này có thể được đáp ứng dễ dàng với chế độ dinh dưỡng có trọng điểm là nguồn thực phẩm rau cải, khoai lang ta và dầu thực vật. Nhu cầu về sinh tố E gia tăng trong trường hợp có thai, trên đối tượng đang cho con bú, với người đang trong tình trạng căng thẳng thần kinh, người không quen dùng dầu ăn thực vật. Bệnh nhân ung thư và tim mạch nên được tiếp tế với lượng sinh tố E cao gấp 5 lần hàm lượng bình thường mà không sợ bị nhiễm độc vì bệnh chứng do tích lũy sinh tố E trong cơ thể hầu như không có trong thực tế, trừ khi đối tượng có đủ phương tiện để tự đầu độc với liều sinh tố E tối thiểu 800mg mỗi ngày và trong nhiều tháng liên tục.

(Trích "Khỏe vì sinh tố mạnh nhờ khoáng tố BS. Lương Lễ Hoàng)

VITAMINK

Hiện tượng tự động đông huyết khi gặp thương tích là phản ứng phòng vệ vô cùng hữu ích của cơ thể. Chức năng này trên thực tế là kết quả của một chuỗi phản ứng sinh hóa với sự tham gia của nhiều thành phần gọi là yếu tố đông máu. Phần lớn yếu tố đông máu trong cơ thể chỉ có thể hoạt động hiệu quả khi có đủ sinh tố K. Thiếu sinh tố K thì thời gian để máu đông sẽ kéo dài và vô tình tiếp tay cho tình trạng xuất huyết.

Trong điều kiện dinh dưỡng bình thường, rất hiếm gặp hiện tượng thiếu hụt sinh tố K vì sinh tố này được tổng hợp trên nền ruột. Cơ thể chỉ rơi vào tình huống thiếu sinh tố K trong trường hợp môi trường vi sinh trên đường ruột bị xáo trộn, chẳng hạn do dùng thuốc trụ sinh lâu ngày và không nhớ bổ túc nguồn sinh tố K. Triệu chứng thường gặp do thiếu sinh tố K là dấu hiệu chảy máu mũi, rong kinh, chảy máu nướu răng, chảy máu đáy mắt, vết thương khó cầm máu.

Sinh tố K có nhiều trong thực phẩm rau cải. Nhu cầu trung bình về sinh tố K trên lý thuyết là 70 microgram mỗi ngày. Bảng so sánh hàm lượng sinh tố K dưới đây cho thấy cơ thể khó thiếu loại sinh tố này nếu biết áp dụng chế độ dinh dưỡng với thực phẩm rau cải. Cần lưu ý là trẻ sơ sinh lại dễ bị thiếu sinh tố K vì trong sữa mẹ có rất ít sinh tố K và nền ruột của trẻ sơ sinh phát triển chưa đủ để cung ứng sinh tố K cho cơ thể.

Trọng lượng Thực phẩm Lượng sinh tố K

100g

100g

100g

100g

100g

100g

100g Thịt bò

Giá đậu nành

Đậu xanh

Rau dền

Bông cải

Cải broccoli

Cà chua 110 microgram

180 microgram

300 microgram

250 microgram

2600 microgram

800 microgram

700 microgram

Trong phạm trù điều trị dược phẩm với sinh tố K, chỉ nên áp dụng giới hạn cho đối tượng bị xuất huyết vì thiếu sinh tố K, hoặc để tái lập quân bình quy trình đông máu trên bệnh nhân đang dùng thuốc làm loãng máu.

(Trích "Khỏe vì sinh tố mạnh nhờ khoáng tố BS. Lương Lễ Hoàng)

KHOÁNG CHẤT

BORON

Khi phân tích thành phần khoáng tố trong các cơ quan, người ta phát hiện sự hiện diện của một tác chất có nhiều trong xương cũng như trong lá lách và tuyến giáp trạng: boron.

Khoáng tố boron có cơ chế tác dụng tương tự như molybdan, nghĩa là ảnh hưởng gián tiếp trên quy trình chuyển hóa nhiều loại khoáng tố khác. Boron đóng vai trò tương tự như chip trong máy vi tính để điều hòa sự hấp thu và phân phối các khoáng tố đa lượng. Thiếu boron thì vôi, phosphor và magnesium không thể cống hiến tối đa tác dụng hữu ích, cho dù có mặt đầy đủ trong cơ thể, vì các thành phần này sẽ bị đào thải qua đường tiết niệu. Thân xương khi đó sẽ bị loãng và dễ gãy. Khớp xương ngược lại dễ bị đóng chất vôi và dẫn đến tình trạng cứng khớp. Hiện tượng này rất thường gặp trên phụ nữ bước vào tuổi tắt kinh.

Một công trình nghiên cứu chuyên đề ở Hoa Kỳ cho thấy đối tượng ở thời kỳ tiền mãn kinh nếu được điều trị kết hợp với boron thì hàm lượng kích tố estrogen sau đó sẽ được cải thiện. Thêm vào đó, hiện tượng mất chất vôi trong xương cũng giảm thiểu rõ rệt. Trên cơ sở vừa trình bày, thuốc có chất vôi cũng như dược phẩm điều kinh nên có thành phần boron đi kèm. Kiến thức về khoáng tố là cơ sở khoa học để xí nghiệp dược phẩm trong nước bắt tay hoàn chỉnh và sản xuất nhiều loại thuốc mới, tuy xây dựng trên căn bản của sản phẩm đang lưu hành nhưng với tác dụng toàn diện hơn.

Nhu cầu về boron thay đổi trong khoảng 1-7mg mỗi ngày, tùy theo thành phần chất vôi trong bữa ăn. Người thường ăn rau cải thì cơ thể khó thiếu boron, vì khoáng tố này có nhiều trong trái cây, lá cải, đậu, bia và rượu chát. Sau nhiều công trình nghiên cứu, thầy thuốc ở phương Tây đã khuyên các bà bắt đầu lứa tuổi 50 nên mỗi ngày nhâm nhi một ly rượu chát đỏ. Bên cạnh giải pháp dinh dưỡng, các bà cũng nên tiến hành theo dõi định kỳ hàm lượng boron trong máu để qua đó kịp thời ngăn chặn nhiều biến chứng tâm thể của hội chứng mãn kinh.

(Trích "Khỏe vì sinh tố mạnh nhờ khoáng tố" BS. Lương Lễ Hoàng)

CANXI

Không có khoáng tố nào gây được ấn tượng kiến tạo cho bằng canxi (chất vôi -calcium). Calci là chiếc áo phủ ngoài của muôn ngàn vật thể; từ tảng đá cẩm thạch cứng như thép đến lớp vỏ trứng mong manh. Khi bàn luận đến khoáng tố trong cơ thể thì Calci đáng được đề cập trước tiên, vì không có thành phần nào cống hiến nhiều chức năng đa dạng như Calci.

Tổng lượng Calci trong cơ thể khoảng hơn 1kg, trong đó 99% tích lũy trong xương răng và phần còn lại phân phối rải đều trong cấu trúc của tế bào. Quy trình chuyển hóa Calci trong cơ thể con người có điểm đặc biệt như sau: Calci sau khi được hấp thu từ thực phẩm sẽ theo máu đến xương răng nhưng không nằm ỳ thụ động. Sau một thời gian, Calci lại được huy động trở lại dòng máu tuần hoàn, để nhờ đó xương có cấu trúc luôn luôn đổi mới. Nhưng ngược lại, cấu trúc của xương vì thế mà không có độ vững bền cố định. Khuynh hướng huy động Calci thay đổi tùy theo loại xương, nên có xương cứng cáp như xương đùi, có xương bọng hơn như xương bả vai. Xương dễ thất thoát Calci là xương hàm, vì thế nhà điều trị thường căn cứ trên hình quang tuyến xương hàm để chẩn đoán và so sánh mức độ tiến triển của bệnh loãng xương.

Calci không chỉ có chức năng kiến tạo giới hạn trong phạm vi xương răng. Calci là thành phần cần thiết để trấn an não bộ và xoa dịu hệ thần kinh ngoại biên. Cùng với hai khoáng tố natrium và kalium, calci chi phối hoạt động dẫn truyền tín hiệu thần kinh. Lo sợ vô cớ, buồn rầu quá độ, ưu tư thái quá cũng như hiện tượng co giật bắp thịt là dấu hiệu báo động cho tình trạng thiếu hụt calci. Cơ thể cần phải có hàm lượng canxi ổn định trong dòng máu lưu thông nếu muốn tránh tình trạng căng thẳng thần kinh. Calci vì thế là khoáng tố cần được đặc biệt chú trọng trong các dạng bệnh tâm thể (psychosomatic diseases).

Vì calci mà trái thận phải chịu nhiều điều đắng cay. Để phòng ngừa hiện tượng rối loạn calci, thận phải làm việc liên tục để thanh lọc thành phần calci trong máu, để tái cung cấp calci cho cơ thể. Bên cạnh đó, hàng tá kích tố, sinh tố và chất dẫn truyền thần kinh cũng góp phần điều chỉnh hàm lượng calci. Trong trường hợp cơ thể cần dùng quá nhiều calci cho hoạt động của hệ thần kinh và nếu hình thức dinh dưỡng không cung ứng đủ calci, thì cơ thể bắt buộc phải huy động khoáng tố này từ xương. Bệnh loãng xương khi đó có cơ hội bộc phát.

Tình trạng thiếu hụt khoáng tố calci thường gắn liền với chế độ dinh dưỡng sai lầm. Hiện tượng này cũng có thể xuất hiện do rối loạn quy trình hấp thu calci trong khung ruột, hoặc do hiện tượng thất thoát quá nhiều calci qua nước tiểu. Tùy theo mức độ thiếu hụt, dấu hiệu khiếm khuyết calci thường bắt đầu với triệu chứng vọp bẻ, tê tứ chi, cảm giác kiến bò, đau khớp, mạch chậm. Nếu không được bù trừ kịp thời, người bệnh sau đó sẽ bị hồi hộp, hư răng, mất ngủ, dễ chảy máu. Ở mức độ trầm trọng hơn, cơ thể sẽ biểu lộ triệu chứng bại liệt, lo sợ thái quá, xương dễ gãy và rối loạn tăng trưởng trên trẻ con.

Nói một cách tóm lược, calci cần thiết cho cấu trúc của xương răng, cho tiến trình vận động của bắp thịt và quy trình đông máu. Calci giúp làm lành vết thương, điều hòa chức năng của tim, điều hòa trung khu điều khiển giấc ngủ, đồng thời đảm bảo tình trạng êm dịu thần kinh. Calci góp phần ổn định quân bình kích tố, yểm trợ hoạt động của men và giữ vai trò quan trọng trong chu trình chuyển hóa chất sắt.

Calci có nhiều trong sữa và phó sản của sữa, trong hột điều, lòng đỏ trứng, bắp cải, rau dền, đậu xanh. Calci là khoáng tố chịu nhiều ganh ghét. Con đường hấp thu calci từ ruột vào máu luôn luôn gặp cảnh chông gai. Hình thức dinh dưỡng có đủ calci chưa hẳn là điều kiện để calci được hấp thu tối đa.

Trước hết, calci dễ bị thành phần chất đệm trong thực phẩm rau cải kết dính và kéo ra ngoài cơ thể theo đường bài tiết. Do đó, khi uống sữa thì cùng lúc đừng ăn nhiều rau. Thêm vào đó, sự hiện diện ưu thế của khoáng tố magnesium và sắt trong thực phẩm cũng có khuynh hướng ngăn chặn sự hấp thu calci. Các bà nuôi trẻ cần lưu ý, dạng bột khuấy là nguyên nhân hàng đầu gây thất thoát calci. Ngược lại, muốn tận dụng calci trong sữa thì khi cho trẻ uống sữa nên pha thêm chút đường.

Thuốc có khoáng tố calci hiện có khá nhiều trên thị trường. Nhưng không mấy người tiêu thụ được giải thích cặn kẽ về cách sử dụng. Khả năng hấp thu canxi trong dược phẩm tùy thuộc vào lượng nước chua trong dạ dày. Uống thuốc có calci trong lúc bụng đói thì cũng bằng không, vì thành phần vôi nếu không gặp dịch vị sẽ xuống thẳng ruột và bị đào thải. Tốt nhất là pha thuốc trong sữa tươi. Ly sữa có nhiều calci chỉ hữu ích khi được uống từng ngụm trong bữa ăn, vì khi đó trong dạ dày có đủ dịch vị và calci có thời gian lưu lại trong dạ dày lâu hơn.

Người ăn quá nhiều thịt, tưởng để cung cấp calci cho cơ thể, là người quan niệm sai lầm. Khi lượng chất đạm trong cơ thể quá cao thì thận sẽ phải gia tăng bài tiết calci. Trong trường hợp này, calci vừa không đủ cho nhu cầu cơ thể, vừa có dịp tích lũy trên đường tiết niệu và sinh sạn!

Hàm lượng calci trong cơ thể có mối liên hệ trực tiếp với thành phần khoáng tố phosphor. Tùy theo tỷ lệ giữa calci và phosphor mà canxi sẽ được ký gởi trong xương hay bị huy động vào máu. Tỷ lệ lý tưởng giữa phosphor và calci là 1,5. Phosphor có nhiều trong thịt, cá, nước uống đóng hộp, trong sữa đặc có đường, bột nổi, bột ngọt. Lượng phosphor trong máu càng tăng cao do dinh dưỡng sai lầm thì cơ thể càng phải huy động calci từ xương để cố giữ tỷ lệ quân bình giữa hai khoáng tố, nghĩa là xương càng dễ loãng vì mất calci.

Đối tượng bước vào tuổi mãn kinh dễ có vấn đề với calci, vì khả năng hấp thu calci từ thực phẩm đột ngột giảm thiểu vào thời kỳ này, và vì calci bị bài tiết nhiều hơn trong nước tiểu dưới ảnh hưởng của kích tố phái tính, vốn có khuynh hướng bị rối loạn trong giai đoạn phức tạp của đời người phụ nữ.

Cà phê và trà cũng là hai yếu tố thúc đẩy quy trình bài tiết canxi. Người uống mỗi ngày hơn hai tách cà phê hay hơn 4 tách trà khó tránh khỏi hiện tượng thiếu hụt calci. Tình trạng này cần lưu ý cho người lớn tuổi có thói quen rãnh rỗi ngồi chơi xơi nước.

Khả năng hấp thu calci vào máu và sau đó ký gởi trong mô xương được hưng phấn dưới ảnh hưởng của ánh sáng mặt trời, của kích tố tuyến giáp trạng, sinh tố D và nhiều khoáng tố khác như: đồng, kẽm, mangan, fluor, silicium và boron. Tập hợp các yếu tố vừa kể có tác dụng hưng phấn sự phân hóa tế bào trong mô xương, để mở rộng dàn bê-tông cho cơ thể tráng đều lên đó lớp xi-măng làm bằng calci và phosphor. Hiện tượng này rất quan trọng trên cơ thể người trưởng thành vì giúp xương bền chắc.

Từ lứa tuổi 30, cơ thể cần mỗi ngày tối thiểu 20 phút với ánh sáng thiên nhiên để hoàn chỉnh quy trình chuyển hóa calci. Người không ra nắng thì dù có ráng uống cho nhiều sữa tươi cũng chỉ hữu ích cho... trại nuôi bò. Quy trình kiến tạo xương được tiến hành liên tục. Sau mỗi cử động, cơ thể đều nhận được tín hiệu để tân trang mô xương. Người phải vận động nhiều vì thế nên lưu ý thành phần calci trong chế độ dinh dưỡng để xương đừng loãng, chậm già, để bảo vệ chức năng vận động, để bảo tồn hình ảnh của tuổi vẫn còn xuân.

(Trích "Khỏe vì sinh tố mạnh nhờ khoáng tố"BS. Lương Lễ Hoàng)

CHLOR

Khoáng tố chlor tuy không ảnh hưởng trực tiếp trên quy trình chuyển hóa của tế bào nhưng vẫn giữ vai trò quan trọng trong cơ thể. Chlor dưới dạng kết hợp với natrium là thành phần căn bản trong muối ăn. Muối lại có tính chất quyết định cho tình trạng cân bằng nước và điện giải, cho môi trường thể dịch trong cơ thể. Môi trường nước bên ngoài tế bào là địa bàn của hàng trăm ngàn phản ứng sinh hóa, đồng thời là phương tiện vận chuyển tác chất dinh dưỡng để cung ứng cho tế bào. Hỗn loạn quân bình nước và chất điện giải đồng nghĩa với tình trạng tế bào bị bỏ đói vì phản ứng sinh hóa không thể tiến hành, cho dù nguồn thực phẩm dự trữ vẫn dồi dào. Trong mối liên hệ vừa trình bày, chlor là thành phần không thể thiếu cho sinh hoạt bình thường của cơ thể.

Người ta có thể thất thoát khoáng tố chlor như trong trường hợp đổ mồ hôi quá nhiều, nôn mửa, tiêu chảy, suy thận. Khoáng tố chlor còn là thành phần trọng yếu của dịch vị. Thiếu chlor sẽ kéo theo thiếu dịch vị. Tình trạng ổn định của dịch vị là điều kiện tiên quyết cho quy trình hấp thu tác chất dinh dưỡng kể cả sinh và khoáng tố, đặc biệt với chất đạm, vôi và sắt. Do đó, tình trạng thiếu chlor bao giờ cũng gắn liền với rối loạn chuyển hóa nhiều thành phần sinh và khoáng tố khác. Mức độ sản xuất dịch vị của cơ thể có khuynh hướng giảm thiểu khi bắt đầu vào lứa tuổi 40. Đối tượng bị viêm dạ dày mãn tính cũng thường gặp tình trạng rối loạn dịch vị, khi nhiều khi ít không tương xứng với nhu cầu tiêu hóa. Hiện tượng này dễ dẫn đến một số hậu quả do thiếu chlor như dị ứng, đau nhức thần kinh, nhiễm trùng đường ruột, khó tiêu, tiêu chảy.

(Trích "Khỏe vì sinh tố mạnh nhờ khoáng tố" BS. Lương Lễ Hoàng)

CHROM

Khi đối đầu với một tình huống bất ngờ, người ta có nhiều phản ứng khác nhau về quy cách cũng như mục tiêu. Xin đơn cử một ví dụ cụ thể: đứng trước ngọn lửa vừa phựt lớn trong bếp sẽ có người run như cầy sấy, la làng chói lói nhưng không màng nghĩ đến giải pháp chữa cháy! Người khác thì bình tĩnh hơn và nhanh tay dập tắt ngọn lửa. Nhưng cũng có người đứng chết trân nhìn ngọn lửa lan dần mà không biết phải phản ứng ra sao!

Hình thức phản ứng sở dĩ khác biệt chỉ vì mức độ nhạy cảm thần kinh không thể tiêu chuẩn hóa trên cơ thể con người. Khả năng phản ứng mau hay chậm tùy thuộc vào tiến trình cung ứng năng lượng kịp thời cho tế bào thần kinh ngay trong thời điểm xảy ra vấn đề. Nếu diễn đạt dưới khía cạnh sinh hóa, vận tốc phản xạ trong từng trường hợp cá biệt tùy thuộc vào hàm lượng chất đường được huy động từ máu vào trong tế bào, để sau đó theo chu trình chuyển hóa mà sinh năng lượng cho tế bào.

Loại tế bào đặc biệt nhạy cảm với lượng đường trong máu vì phải phản ứng nhanh hơn nháy mắt chính là tế bào não bộ. Người có phản ứng tuy nhanh như máy nhưng lại thiếu chính xác có thể vì lượng đường trong máu quá cao, như người bị bệnh tiểu đường. Người ngược lại có thái độ chậm chạp khó lường có thể chỉ vì lượng đường trong máu quá thấp. Người có quyết định sáng suốt trên thực tế là người may mắn có lượng đường trong máu đúng với chỉ số lý tưởng cho hoạt động dẫn truyền của tế bào thần kinh. Đúng hay sai, khéo léo hay vụng về, nhanh trí hay chậm nghĩ, chẳng qua là biểu tượng của vận tốc chuyển hóa chất đường.

Trong ý nghĩa đó, phản xạ có giá trị quyết định sống còn có thể so sánh như bức liễn bằng gỗ quý nhưng đong đưa theo sợi chỉ treo mong manh. Quy trình chuyển hóa chất đường được điều chỉnh thông qua sự hiện diện của một khoáng tố với thành phần rất thấp trong cơ thể: chất chrom!

Cho đến cuối thập niên 80 người ta mới bắt đầu thông hiểu về chức năng và tác dụng của chrom. Các nhà điều trị đầu tiên ghi nhận là triệu chứng bệnh tiểu đường dễ phát triển trên bệnh nhân được điều trị nội trú bằng dịch truyền tuy đủ thành phần khoáng tố nhưng lại thiếu chất chrom. Khi kết hợp thành phần này trong phác đồ điều trị thì dấu hiệu bệnh lý biến mất như với phép lạ!

Các nhà nghiên cứu nhận xét là loài chuột sống trên sa mạc vùng California luôn luôn giấu trong góc hang ít cụm khoáng chất. Loài chuột này khi mang về nuôi trong phòng thí nghiệm, dù tẩm bổ bao nhiêu vẫn mắc bệnh thiếu đường trong máu. Nếu cho chuột khoáng tố chrom thì chuột lại khỏe mạnh như khi sống ngoài sa mạc. Khi phân tích cụm khoáng chất trong hang chuột người ta chỉ tìm thấy ròng khoáng tố chrom! Hai dẫn chứng nêu trên cho thấy tác dụng hai chiều của chrom nhằm điều chỉnh lượng đường trong cơ thể.

Khoáng tố chrom đảm nhiệm vai trò điều hòa khối lượng giao thông của chất đường trên trục mạch máu - tế bào. Thiếu chrom thì tế bào thiếu năng lượng, vì đường không vào tế bào mà chỉ nghỉ mát trong mạch máu. Đối tượng thiếu chrom sinh ra mệt mỏi, chán chường, mất ngủ, đãng trí, bồn chồn không yên, chóng mặt, nhức đầu. Người thiếu chrom thèm ngọt và vừa ăn ngọt thì thấy nhẹ tinh thần. Người thiếu chrom dễ đi vào đường nghiện rượu, vì rượu vừa cung cấp chất đường vừa trấn an hệ thần kinh đang xao xuyến vì cạn nguồn năng lượng. Nhiều nhà điều trị giải nghiện đã chứng minh là hầu hết đối tượng nghiện rượu có lượng đường trong máu rất thấp, và tối thiểu 70% có thể bỏ rượu sau thời gian điều trị vài tuần nếu lượng đường trong máu được ổn định qua khoáng tố chrom.

Quy trình hấp thu khoáng tố chrom từ thực phẩm tùy thuộc vào hàm lượng khoáng tố sắt, vì chrom như lữ khách cạn túi phải quá giang theo chất vận chuyển của khoáng tố sắt. Nếu trong cơ thể có quá nhiều chất sắt chiếm hết chất vận chuyển thì xe đò không còn chỗ trống, chrom phải ngậm ngùi theo đường đào thải. Cơ thể thành ra thiếu chrom và bắt đầu có vấn đề với chất đường. Khả năng hấp thu chrom bị giảm thiểu rõ rệt từ lứa tuổi 40. Thêm vào đó, kích tố hạ đường huyết insulin của tụy tạng cần có chrom mới có thể hoạt động bén nhọn. Đây có thể là lý do tại sao bệnh tiểu đường thường bộc phát từ sau tuổi trung niên. Nói cách khác, nên lưu ý bổ túc khoáng tố chrom trước khi tóc bắt đầu điểm muối tiêu.

Khoáng tố chrom có nhiều trong men bia, ngũ cốc, tiêu đen, nấm, atiso, măng, mận Đà Lạt. Sữa và đa số trái cây tươi lại có rất ít chrom. Cơ thể chỉ cần mỗi ngày không hơn 0,006mg chrom. Nhu cầu về chrom thay đổi tùy theo hoạt động tư duy và vận động của cơ thể. Đối tượng phải sống luôn luôn căng thẳng sẽ cần nhiều chrom hơn người giữ được cuộc sống thanh tịnh. Hình thức dinh dưỡng đơn điệu với thực phẩm công nghệ thiếu hẳn rau cải, ngũ cốc là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tình trạng thiếu chrom. Thực phẩm bánh kẹo là kẻ thù của chrom vì cản trở quy trình hấp thu và đồng thời hưng phấn vận tốc đào thải khoáng tố này. Thêm vào đó, tình trạng vận động thái quá của cơ thể (nghề nghiệp, thể thao) cũng như bệnh nhiễm trùng kéo dài là yếu tố gây thất thoát nguồn dự trữ khoáng tố chrom.

Trong cuộc sống máy móc của xã hội cơ giới hóa, chrom là khoáng tố có ý nghĩa quan trọng về mặt phát triển xã hội. Ở một số nước tiên tiến, người ta đã tiến hành chương trình kiểm soát lượng đường trong máu định kỳ và hàng loạt cho công nhân viên. Tại sao có lắm viên chức cau có, khó chịu, tại sao có nhiều nô bộc của nhân dân ngồi tựa bàn viết như pho tượng với tinh thần "ngu gì mà làm", trong khi có người trán đẫm mồ hôi, áo vắt ra nước nhưng vẫn vui cười phục vụ?

Tinh thần và thái độ làm việc đương nhiên chịu sự chi phối của nhiều yếu tố, nhưng biết đâu nhiều "thủ phạm" trên thực tế chỉ là "nạn nhân" của tình trạng rối loạn chuyển hóa chất đường chưa được phát hiện? của nguyên nhân thiếu hụt khoáng tố chrom vì sai lầm trong dinh dưỡng? Thử hỏi bao nhiêu tai nạn xảy ra hằng ngày chỉ vì tài xế phản ứng quá nhanh hay quá chậm, chỉ vì tài xế hoặc thừa hoặc thiếu đường trong máu? Bệnh tiểu đường, bệnh thiếu đường và khoáng tố chrom là vấn đề quan trọng của thời đại, vì bộ mặt ổn định và cấu trúc lành mạnh của xã hội phải chăng là biểu tượng định lượng của số thành viên còn giữ được hàm lượng chất đường trong giới hạn lành mạnh?

(Trích "Khỏe vì sinh tố mạnh nhờ khoáng tố" BS. Lương Lễ Hoàng)

COBALT

Bạn hãy thử đặt câu hỏi: điều gì sẽ xảy ra nếu cơ thể không có B12. Bạn hãy thử phác họa hình ảnh khủng khiếp như sau: cơ thể khi đó sẽ không có huyết cầu tố. Hồng huyết cầu sẽ không còn màu đỏ. Con người sẽ tái xanh như sinh vật từ hành tinh khác trong phim khoa học giả tưởng.

Trên thực tế, máu người vẫn đỏ nhờ cơ thể còn có sinh tố B12. Tổng lượng sinh tố B12 trong cơ thể không nặng hơn một... hạt gạo. Mỗi phân tử sinh tố B12 chỉ có cấu trúc toàn vẹn để cống hiến khả năng hoàn chỉnh khi khoáng tố cobalt hiện diện trong trung tâm công thức, với tổng lượng trong cơ thể không nặng hơn một... hạt cát! Không có hạt cát cobalt thì cả khối cơ thể nặng hàng chục kilogam không thể tồn tại, vì nhiều chuỗi phản ứng chuyển hóa có liên quan với sinh tố B12 sẽ bị đồng loạt xáo trộn.

Bên cạnh chức năng góp phần tạo huyết, cobalt còn có ảnh hưởng quan trọng trên hoạt động của tuyến giáp trạng. Đối tượng có vấn đề với tuyến giáp vì thế nên lưu ý thành phần cobalt bên cạnh khoáng tố iod.

Cơ thể hấp thụ trung bình khoảng 0,001mg cobalt từ thành phần rau cải, ngũ cốc. Nông phẩm canh tác với phân bón hóa học có rất ít cobalt. Bên cạnh đó còn có thêm một điểm bất lợi: quy trình hấp thụ cobalt có tính tương tranh với khoáng tố sắt. Hình thức dinh dưỡng không cung cấp đủ chất sắt là điều kiện thuận lợi cho tình trạng tích lũy cobalt và dẫn đến hậu quả là bệnh bướu cổ do suy kiệt chức năng tuyến giáp.

Bệnh chứng do thừa khoáng tố cobalt thì ngược lại, tương đối hiếm thấy, dù là có thể xảy ra do lạm dụng dược phẩm sinh tố B12, hoặc trên đối tượng nghiện rượu. Phương pháp phòng ngừa hữu hiệu tình trạng rối loạn cobalt chính là hình thức dinh dưỡng chú trọng vào chất đạm từ rau cải, với điều kiện là thực phẩm phải được đảm bảo chất lượng sinh học.

(Trích "Khỏe vì sinh tố mạnh nhờ khoáng tố BS. Lương Lễ Hoàng)

ĐỒNG

Theo kinh nghiệm dân gian vùng Đông Âu, vòng đeo tay, kiềng đeo cổ bằng đồng không chỉ phục vụ mục tiêu trang sức mà còn có tác dụng phòng bệnh. Dưới lăng kính khoa học đồng là thành phần quan trọng trong cấu trúc nhiều loại men.

Tổng lượng đồng trong cơ thể vào khoảng 120mg, trong đó, gần 75% phân phối trong móng tay, móng chân, xương và bắp thịt, khoảng 10% trong gan, 5% trong thận và 10% trong não bộ.

Khoáng tố có mối liên hệ mật thiết với đồng là kẽm. Đồng và kẽm hoạt động tay trong tay rất tâm đầu ý hợp. Không có kẽm thì đồng cũng không buồn làm việc mà chỉ tìm chỗ nghỉ ngơi. Hình thức dinh dưỡng thiếu chất kẽm vì thế là yếu tố gây thuận tiện cho tình trạng tích lũy khoáng tố đồng, đặc biệt trong não bộ, và sau đó đưa đến nhiều dạng rối loạn thần kinh, từ nhẹ như chứng buồn chán (depression), đến nặng như bệnh thay đổi cá tính.

Thực phẩm có nhiều đồng là men bia, mạch nha, gạo, tôm, cua, hàu, hến, các loại đậu, cải bẹ xanh, gan, thận, cà chua, nấm rơm, khoai lang. Một loại trái nên được lưu ý là trái bơ vì có rất nhiều đồng, trong khi sữa và phó sản của sữa lại chứa rất ít kim loại này. Trong điều kiện sinh hoạt bình thường, cơ thể khó thiếu hụt khoáng tố đồng vì nhu cầu hằng ngày tương đối thấp, chỉ vào khoảng 0,5-0,8mg.

Đồng là một khoáng tố có tính đồng đội. Khả năng hấp thu đồng liên quan mật thiết với các khoáng tố khác và ngược lại. Khi cơ thể thiếu đồng thì sắt sẽ nằm trụ trong gan. Kết quả là quy trình tạo hồng huyết cầu bị trì trệ. Ngược lại, nếu cơ thể có thừa sắt, như trong trường hợp lạm dụng dược phẩm chống thiếu máu, thì đồng lại không được cơ thể hấp thu. Tình trạng này cũng xảy ra khi cơ thể có thừa chất kẽm. Người tiêu thụ vì thế không nên áp dụng bừa bãi dược phẩm có kẽm hay sắt vì sẽ gián tiếp gây rối loạn chất đồng. Hình thức dinh dưỡng quán triệt với ngũ cốc đa dạng như: gạo, nếp, đậu,... là phương tiện hữu hiệu và rẻ tiền để đảm bảo thế quân bình của ba loại khoáng tố kẽm, đồng và sắt.

Đồng là một khoáng tố hữu ích vì đồng ở dạng sinh học có tác dụng yểm trợ khả năng của kẽm để trung hòa độc chất sinh ung thư. Thêm vào đó, nhờ sự hiện diện của đồng mà sắt được ký gởi trong tủy xương để tham gia quy trình tạo huyết. Trong phạm vi mô liên kết, đồng đóng vai trò chất keo cho lớp sợi đàn hồi. Nhờ có đồng mà mạch máu không giòn như bánh tráng. Do có đồng trong cấu trúc mà nước da mặn mà màu bánh ít, mắt có màu nâu hiền hòa và tóc bóng mượt như thoa dầu. Thiếu đồng là một trong các nguyên nhân làm tóc mau bạc. Dưới ảnh hưởng của tia tử ngoại, thành phần đồng dự trữ dưới da một mặt tuy làm tăng sắc tố trong lớp da, nhưng mặt khác thì lại giúp lượng đồng tích lũy trong hệ thần kinh được giải tỏa. Người có nước da trắng nếu ra nắng dễ bị tàn nhang thì đừng vội buồn. Đó có thể là dấu hiệu chứng tỏ khoáng tố đồng đang được huy động ra ngoài da. Cơ thể nhờ vậy mà không bị ngộ độc vì đồng.

Đồng không chỉ cần thiết cho nét đẹp bên ngoài. Khoáng tố đồng còn có công năng ức chế tác chất gây dị ứng viêm nhiễm và qua đó gián tiếp yểm trợ hệ thống miễn nhiễm. Đồng có vị trí quyết định trong phản ứng sinh năng cho cơ tim và não bộ. Trong hệ thần kinh trung ương, đồng ảnh hưởng trên quy trình phóng thích các chất dẫn truyền tạo cảm giác lạc quan, yêu đời. Đồng hưng phấn quy trình phóng thích kích tố chống căng thẳng tinh thần của tuyến thượng thận. Tùy theo hàm lượng trong cơ thể mà đồng có tác dụng bảo vệ cấu trúc thần kinh, nhưng đồng cũng có thể là nguyên nhân sinh chứng viêm thần kinh, như trong trường hợp cơ thể quá thừa chất đồng, như trên đối tượng chỉ tiêu thụ toàn thực phẩm thịt mỡ, bánh kẹo. Đây là lý do tại sao người tiêu thụ cần chú ý vào các chu kỳ dinh dưỡng "giải độc" với trọng điểm là nguồn thực phẩm rau trái, ngũ cốc.

Tình trạng nhiễm độc đồng bao giờ cũng kéo theo khuynh hướng tích lũy các khoáng tố độc như: chì, cadmium, thủy ngân... Thuốc lá, thuốc ngừa thai, thuốc kích tố thai kỳ là những yếu tố gây thuận lợi cho hậu quả nhiễm độc đồng với triệu chứng như: cao huyết áp, viêm thận và rối loạn tâm thần. Người mặn miệng với món cháo lòng nên lưu ý là gan, tim, cật, dồi trường chứa rất nhiều khoáng tố đồng. Thai phụ vốn dễ thiếu chất sắt, chất kẽm trong thai kỳ nên tránh món này vì tình trạng tích lũy đồng trong não bộ là nguyên nhân sinh chứng suy nhược thần kinh hay tâm thần phân liệt sau khi lâm bồn. Hạnh phúc gia đình có thể đổ vỡ chỉ vì thừa chất... đồng!

(Trích "Khỏe vì sinh tố mạnh nhờ khoáng tố" BS. Lương Lễ Hoàng)

FLOUR

Tương tự như đồng và selen, khoáng tố fluor có tác dụng hai chiều, qua đó chức năng hữu ích hay ảnh hưởng độc hại của thành phần này tùy thuộc vào sự khác biệt rất mong manh về liều lượng.

Cùng với chất vôi, fluor là thành phần cơ bản để xương được chắc, để răng được bền với lớp ngà răng láng đẹp. Trên cơ sở đó, fluor là khoáng tố cần được lưu ý cho đối tượng bước vào tuổi mãn kinh vì khuynh hướng dễ bị loãng xương do rối loạn kích tố phái tính. Fluor cũng quan trọng cho trẻ con vì cơ thể phải đối đầu thường xuyên với tình trạng hư răng.

Fluor có nhiều trong hải sản, thịt và trà. Fluor được hấp thụ dễ dàng qua đường ruột. Phân nửa lượng fluor sau đó sẽ được vận chuyển đến xương và răng. Khả năng hấp thu fluor tùy thuộc và tỷ lệ thuận với thành phần chất vôi trong bữa ăn. Nói một cách cụ thể, món trà pha sữa của người Anh không chỉ để phục vụ khẩu vị mà còn là hình thức phối hợp hoàn hảo hai thành phần fluor và vôi. Fluor không chỉ có công năng thụ động nhằm ngăn ngừa sâu răng. Fluor còn có khả năng phục hồi tái tạo răng đã bị hư. Khoáng tố này vì thế rất cần thiết cho người thích ăn ngọt. Có lẽ vì thế mà người phương Đông có thói quen ăn bánh mì uống trà để răng vẫn tốt.

Như con dao hai lưỡi, lượng fluor quá cao trong cơ thể sẽ trở thành có hại. Răng khi đó lại là đối tượng ưa chuộng của khoáng tố flour. Răng sẽ ngả màu nâu hay trắng nhám và dễ gãy, đặc biệt trên trẻ con. Ở người lớn thì xương mất cấu trúc bền chặt và dẫn đến chứng loãng xương, nguyên nhân thường gặp của tình trạng đau khớp và khuynh hướng dễ gãy xương. Do hậu quả gián tiếp trên tuyến giáp trạng mà trong cơ thể bị nhiễm độc fluor sẽ xảy ra hiện tượng huy động chất vôi theo chiều nghịch chuyển. Chất vôi khi đó không được rải đều trong mô xương như mong muốn, mà lại đóng khối trong khớp xương và trên gân cơ, gây giới hạn vận động và sinh đau nhức.

Tình trạng nhiễm độc fluor đồng thời gây ảnh hưởng bất lợi trên nhiều men cần thiết cho phản ứng thần kinh và nội tiết. Nguyên nhân nhiễm độc thường do nước uống có quá nhiều fluor. Các bậc phụ huynh nên lưu ý là trẻ con dễ bị nhiễm độc fluor chỉ vì thói quen nuốt... kem đánh răng. Kem đánh răng cho trẻ con mà sản xuất dưới dạng thơm hơn trái cây, ngon hơn kẹo dẻo thì chưa hẳn đã là ý kiến xuất sắc.

(Trích "Khỏe vì sinh tố mạnh nhờ khoáng tố" BS. Lương Lễ Hoàng)

IOD

Dù có kích thước và trọng lượng không bao nhiêu, chỉ khoảng 15-25g, tuyến giáp là thành phần giữ vai trò quyết định trong cơ thể. Nhiệm vụ chủ yếu của tuyến giáp trạng là sản xuất kích tố cần thiết cho sức chịu đựng, cho sự thoái biến chất béo và để hỗ trợ hoạt động tư duy. Không mấy người muốn có cơ thể béo phì, cử động chậm chạp, gương mặt buồn bã, ánh mắt u buồn, tinh thần chán nản. Nguyên nhân rất thường khi chỉ vì tuyến giáp trạng bị suy yếu chức năng. Đối tượng may mắn có tuyến giáp sung mãn thì phản ứng lẹ làng, tinh thần phấn chấn, sắc diện yêu đời, ánh mắt long lanh, hoạt động hăng hái. Hai hình ảnh đối nghịch một trời một vực có thể là hậu quả do sai biệt về hàm lượng của một khoáng tố trong cơ thể, của iod.

Để ổn định chức năng, tuyến giáp trạng phải liên tục tìm cách thu hút thành phần iod vừa được đưa vào cơ thể qua đường tiêu hóa. Nếu hàm lượng iod trong máu vì lý do gì đó bị giảm thiểu thì tuyến giáp phản ứng dưới hình thức hoạt động điên cuồng để lùng kiếm iod. Kết quả là tế bào tuyến giáp sau đó phình bụng biến dạng. Tuyến giáp lớn dần thành bướu cổ với khả năng gia tăng thể tích lên đến 400 lần kích thước bình thường. Muốn tuyến giáp ngủ yên trong khuôn khổ bình thường thì không có giải pháp nào tốt hơn là tìm cách trấn an tuyến giáp với nguồn tiếp tế chất iod một cách đều đặn.

Cơ quan chịu ảnh hưởng trực tiếp của tình trạng thiếu kích tố tuyến giáp là trái tim. Người bệnh vì thế trở nên dễ mệt mỏi vì tế bào không nhận đủ năng lượng, đồng thời ngộp thở vì thiếu dưỡng khí trong hệ thống tiểu tuần hoàn, hồi hộp vì tim phải cố gắng hoạt động bù trừ. Nhịp tim bị rối loạn trong khi huyết áp giảm thiểu, vì tim tuy đập nhanh nhưng lại đập yếu nên bơm máu không đủ. Do ảnh hưởng bất lợi trên hệ thần kinh, đối tượng bị suy tuyến giáp có khuynh hướng cau có, mất ngủ, quá nhạy cảm với nhiệt độ, với tiếng động và mất khả năng phán đoán. Vì quy trình chuyển hóa chất béo và chất đường bị rối loạn, người bệnh có khuynh hướng béo phì nhưng lại sợ lạnh. Trẻ con thiếu iod không thể tăng trưởng bình thường, người bị lùn với gương mặt già háp. Người lớn tuổi nếu không đủ iod sẽ mau già, khớp xương mau bị thoái biến. Tôi tự hỏi, phải chăng nước mắm, gia vị độc đáo của người Việt, nếu chỉ nhận xét trên khía cạnh khoáng tố, là liều thuốc giữ gìn tuổi xuân?

Khoáng tố iod có tác dụng ngăn chặn các loại men tổng hợp chất béo trong tế bào. Căn cứ trên khả năng hưng phấn quy trình thoái biến chất béo của kích tố tuyến giáp, một số nhà điều trị hiện có khuynh hướng ứng dụng thành phần này để giảm chất mỡ trong máu cũng như để giảm cân cho bệnh nhân bị béo phì, dù đây không phải là hình thức điều trị hoàn toàn lý tưởng. Với sự hiện diện của iod, cơ thể có khả năng chịu đựng hoàn cảnh căng thẳng vì hệ thống tim mạch và thần kinh được ổn định, vì tế bào có đủ năng lượng dự trữ. Iod ngoài ra còn hưng phấn quy trình phát triển của tóc, móng và da. Nói tóm lược, chỉ với một chút muốn biển, con người vừa đẹp vẻ ngoài, vừa khỏe tinh thần.

Tổng lượng của khoáng tố iod trong cơ thể con người không quá 0,0025g với phần lớn nằm trong tuyến giáp trạng. Nhu cầu mỗi ngày của cơ thể không hơn 0,000015g iod. Nguồn cung cấp khoáng tố iod chủ yếu là muối biển, cá biển, nghêu, sò, tôm, cua, rong biển. Đây là câu trả lời cụ thể cho thắc mắc, tại sao cư dân vùng cao nguyên cũng như ở địa phương ít tiêu thụ hải sản thường có khuynh hướng mắc bệnh tuyến giáp, vì muối mỏ không chứa iod như muối biển, vì thực phẩm trên đồng bằng không cung cấp khoáng tố cần thiết cho tuyến giáp. Thêm vào đó, cơ thể có thể lâm vào tình trạng thiếu hụt kích tố tuyến giáp, cho dù tuyến giáp vẫn còn hoạt động bình thường, chỉ vì kích tố tuyến giáp bị tiêu hao trầm trọng, nếu trong cơ thể có quá nhiều độc chất sinh ung thư. Do đó, trong mọi trường hợp, cần phải bảo vệ tuyến giáp cho bằng được qua hình thức dinh dưỡng cung cấp khoáng tố iod dưới dạng sinh học hữu dụng. Tôi đặt nhiều hy vọng là sản phẩm bột canh rong biển của Phân viện Nghiên cứu Vật liệu Nha Trang sớm được cổ động rộng rãi cho người tiêu thụ, để mảnh đất một thời mang tên Hòn ngọc Viễn Đông còn là quê hương của nụ cười.

(Trích "Khỏe vì sinh tố mạnh nhờ khoáng tố" BS. Lương Lễ Hoàng)

KALIUM

Nếu đặt tế bào thần kinh dưới kính hiển vi điện tử, người ta sẽ ghi nhận một hiện tượng ngoạn mục của thiên nhiên. Cấu trúc của tế bào có hình ảnh của một mạng lưới kênh đào chằng chịt, trong đó hàng trăm ngàn vi thể qua lại giao thương không biết mệt. Hệ thống kênh đào trong tế bào chỉ có thể hoạt động hữu hiệu khi tế bào có đủ dịch thể trong lòng từng con kênh. Nhu cầu đó chỉ được đảm bảo khi tế bào có đủ khoáng tố kalium!

Hàm lượng kalium bên trong tế bào cao đến 30 lần nhiều hơn lượng kalium bên ngoài tế bào. Sự khác biệt này là điều kiện sinh vật lý để tạo hiện tượng phân cực màng tế bào, tiền đề cho sự vận chuyển tác chất dinh dưỡng theo chiều từ ngoài vào trong tế bào. Khi thiếu kalium thì vận tốc cung cấp chất dinh dưỡng cho tế bào đương nhiên bị giảm thiểu. Tế bào sẽ không thể tồn tại lâu dài nếu tình trạng rối loạn kalium không được kịp thời điều chỉnh. Hiện tượng phân cực màng tế bào dưới sự hiện diện của kalium là cơ sở sinh học để hình thành tín hiệu sinh vật lý lan truyền dọc theo dây thần kinh. Rối loạn hàm lượng kalium đồng nghĩa với rối loạn dẫn truyền thần kinh. Khoáng tố kalium vì thế có ý nghĩa quan trọng cho hoạt động của trái tim, bắp thịt và thần kinh ngoại biên. Các thành phần này nếu không có hàm lượng kalium ổn định sẽ co thắt loạn nhịp, hoặc với cường độ thái quá hay với tần số bất cập.

Khoáng tố kalium kết tình bằng hữu thân thiết với natrium để qua cơ chế phân cực màng tế bào mà vận chuyển một cách chọn lọc chất bổ dưỡng vào tế bào và chất phế thải ra khỏi tế bào. Thiếu kalium thì chất bổ sẽ tích tụ bên ngoài tế bào trong khi chỉ có thành phần nước được tiếp tục bơm vào tế bào dưới ảnh hưởng của khoáng tố natrium. Tế bào sau đó bị ngập nước và chết ngộp. Biểu tượng của tình trạng thiếu kalium thường là triệu chứng nhức đầu, quạu quọ, mất ngủ, mệt mỏi, rối loạn nhịp tim, vọp bẻ, táo bón, da khô, nổi mụn, vết thương lâu lành.

Tổng lượng kalium trong cơ thể không quá 300g. Nhu cầu mỗi ngày của cơ thể trung bình là 2g. Chỉ tiêu này không có gì là quá đáng với hình thức dinh dưỡng xây dựng trên trái cây, rau cải vì kalium có nhiều trong trái bơ, chuối, táo tây, cải broccoli, bắp cải, khoai lang, măng, đậu xanh, đậu Hà Lan và trong sữa. Khoáng tố kalium bị thất thoát nhiều trong gạo trắng, bột mì, trong nông phẩm canh tác với phân bón hóa học, với hóa chất diệt trừ sâu bọ và trong thực phẩm công nghệ.

Tình trạng thiếu hụt kalium trên thực tế thường chỉ xảy ra trên đối tượng ăn quá mặn và tự gây rối tỷ lệ cân bằng giữa natrium và kalium. Khi đó thận tìm cách đào thải thành phần natrium trong muối ăn và vô tình tống khứ luôn anh chàng kalium vô tội. Khoáng tố kalium vì thế có ảnh hưởng gián tiếp trên chức năng bài tiết của thận. Quá nhiều hay quá ít kalium trong máu đều làm thận phản ứng sai lầm. Tình trạng này nếu kéo dài sẽ đưa đến hậu quả rối loạn thành phần chất điện giải trong máu với nhiều biến chứng trầm trọng. Bên cạnh đường tiết niệu, hiện tượng thất thoát trầm trọng kalium cũng là hậu quả thường gặp của chứng viêm ruột tiêu chảy.

Cho dù đang tỉnh thức hay gặp lúc ngái ngủ, tế bào thần kinh ngày cũng như đêm rất cần chất đường để biến đổi thành năng lượng vì hệ thần kinh phải luôn luôn phản ứng nhạy bén. Vận tốc cung cấp chất đường cho tế bào thần kinh tùy thuộc vào hàm lượng của hai khoáng tố: kalium và phosphor. Thiếu kalium thì phản ứng thần kinh trở nên chậm chạp. Nếu tình trạng thiếu hụt kalium kéo dài hay tái diễn thường xuyên thì tế bào thần kinh lâu dần sẽ mất tính bén nhạy, hay nói đúng hơn, tế bào thần kinh trở nên quen dần với vận tốc phản ứng thiếu nhạy cảm.

Tôi không hiểu tại sao nhiều bậc cha mẹ có thói quen nhắm mắt la càn đứa con chậm hiểu trong trường, dựa trên nhận xét một chiều của thầy cô. Tại sao các ông các bà không thử cho cháu mỗi ngày trong bữa điểm tâm thêm một trái chuối để trẻ đừng thiếu kalium, hay biết đâu sẽ còn hiệu quả hơn nữa, một trái chuối trong chế độ dinh dưỡng của cô, của thầy! Vì biết đâu trẻ không chậm hiểu mà chỉ vì các vị mải lo cầm thước gõ đầu trẻ quên lưu ý kiểm soát thành phần kalium trong chế độ dinh dưỡng của... chính thầy cô?!

(Trích "Khỏe vì sinh tố mạnh nhờ khoáng tố" BS. Lương Lễ Hoàng)

KẼM

Kẽm là một yếu tố vi lượng quan trọng, nó chịu trách nhiệm trong hoạt động của gen chứa thông tin ở các tế bào của chúng ta. Thiếu kẽm xảy ra nhiều hơn so với thiếu sắt. Cho đến bây giờ kẽm vẫn là một yếu tố vi lượng mà vị trí của nó bị đánh giá thấp hơn so với sự thật.

 Phát hiện

Đầu tiên, người ta nhận thấy tính cần thiết của nó trong đất trồng của một vài loại cây. Năm 1934, Gabrief Bertrand đã chỉ ra vai trò của nó ở chuột. Về sau, người ta còn nhận thấy, ngoài việc gây rụng lông và tóc, thiếu kẽm còn làm giảm hoạt tính của các chất xúc tác cho gan và thận, tức là nó can thiệp vào quá trình tổng hợp của các tổ chức này.

Ở lợn, khi thiếu hụt sẽ bị sừng hóa (dầy da). Mặc dù được phát hiện năm 1979, nhưng đến nhiều năm sau người ta mới xác định được sự tham gia của nó vào hầu hết các quá trình của tế bào.

Năm 1961, Anada Prasad phát hiện một sai lầm về gen khi hấp thụ kẽm sẽ đưa đến chậm phát triển cả về giới tính lẫn ức chế miễn dịch. Ông còn xác định được đặc điểm thiết yếu của kẽm ở người. Sau đó, nhiều xuất bản về giá trị của kẽm trong y học được tăng lên rất nhiều.

 Đặc điểm

Kẽm có trong tất cả các loài vật sống. Cơ thể người lớn chứa trung bình 2-3g kẽm. Tầm quan trọng của nó cũng như sắt, hơn một nửa kẽm nằm trong vỏ, một phần ba nằm trong xương. Đặc biệt, một vài mô có hàm lượng kẽm tăng cao: tuyến tiền liệt, tóc, mắt.

 Vai trò

Hơn 200 phản ứng sinh hóa được xác định có lệ thuộc vào kẽm. Do đó, kẽm can thiệp vào nhiều chuyển hóa: chuyển hóa carbohydrate, protein, và axit nucleic. Một trong những vai trò rõ nhất của nó là chứa chương trình gen trong axit nucleic. Thực vậy, kẽm rất cần thiết cho quá trình tổng hợp của gen, cho sự sao chép AND có sẵn để tế bào nhân lên. Thiếu kẽm sẽ ảnh hưởng lên tất cả những gì có liên quan đến hoạt động nhân đôi của tế bào, sinh sản, tăng trưởng, sự liền sẹo và đến tính miễn dịch.

Kẽm còn can thiệp vào khả năng thể hiện của gen và quá trình tổng hợp protein, cũng như trong chuyển hóa các axit béo khô no tạo ra màng tế bào. Xuất phát từ đây, các chất trung gian chủ yếu đi đến trương lực mạch máu, hoạt tính của tiểu cầu máu và bạch cầu.

Kẽm cần thiết cho cấu tạo thành phần hoạt động của hooc-môn sinh dục nam, testosteron, và đóng một vai trò quan trọng trong quá trình tổng hợp, cấu trúc, bài tiết nhiều hooc-môn khác: insulin, hooc-môn tăng trưởng, NGF (yếu tố tăng trưởng của dây thần kinh), thymulin, gestin,...

Nó cũng tác động đến những bộ phận thụ cảm có khả năng giải mã thông tin được lưu hành bởi một vài hooc-môn hay vitamin, giống như vitamin A. Những công trình gần đây còn cho thấy vai trò quan trọng của kẽm trong cấu trúc và hoạt động của tác nhân cơ bản trong việc ngừa ung thư, protein P53, cũng như ngăn chặn sự sinh sản của các tế bào bất thường, các tế bào mà AND của chúng bị hư hỏng bởi những gốc tự do và chất ô nhiễm.

Đặc biệt, ngoài đặc tính can thiệp vào cấu trúc và hoạt động hóa coenzyme của nhiều phân tử, kẽm cũng như ma-nhê, canxi, natri và kali còn tham gia vào hoạt động và sức khỏe của cơ thể. Nó được thu hút bởi nhóm thiols hay gốc lưu huỳnh của các axit amin, và bảo vệ chúng chống lại sự tấn công của các gốc tự do. Kẽm là một chất bảo vệ chống ôxy hóa. Nó chống lại các tác dụng của một vài chất độc, kim loại nặng như cadimi và các chất ô nhiễm khác.

 Nhu cầu

Lượng kẽm đề nghị

Lứa tuổi mg/ngày

Trẻ còn bú 6

Trẻ từ 1-9 tuổi 10

Trẻ từ 10-12 tuổi 12

Thanh thiếu niên từ 13-19 tuổi (nam) 15

Thanh thiếu niên từ 13-19 tuổi (nữ) 12

Người lớn nam 15

Người lớn nữ 12

Phụ nữ có thai 15

Phụ nữ cho con bú 19

Người già 12

 Nguồn cung cấp

Kẽm có trong thịt, cá, thức ăn biển giàu kẽm nhất là con hàu. Ngũ cốc, rau khô và hạt có dầu cũng chứa kẽm, nhưng như sắt, nó khó được hấp thu từ các thức ăn thực vật. Chất xơ trong bắp hạt, mầm đậu nành ngăn cản khả năng hấp thu kẽm.

Nguồn tự nhiên của kẽm (mg/100g thực phẩm)

Hàu 70

Gan 7,8

Sò 5,3

Thịt đỏ 4,3

Trứng 1,5

Sắt cũng là một chất ức chế mạnh khả năng hấp thu của kẽm. Không nên trộn lẫn kẽm và sắt để bổ sung.

Aspirin ức chế khả năng hấp thu sắt ở mức độ ít hơn so với kẽm. Rượu đỏ dường như cải thiện khả năng hấp thu.

 Dấu hiệu thiếu hụt.

Rất dễ nhận thấy: móng dễ gãy, hoặc chậm mọc và có những vết trắng. Da khô (biến đổi chuyển hóa axit béo) là một dấu hiệu gián tiếp. Những dấu hiệu bên ngoài thường được biểu diễn là gia tăng tính tổn thương với nhiễm trùng, ở trẻ em thì chậm phát triển, đàn ông giảm khả năng sinh sản, ở phụ nữ có thai gia tăng biến chững của thai nghẽn.

Phụ nữ có thai, thiếu kẽm có nguy cơ sinh non tăng gấp 3 lần. Sắt được cung cấp một cách hệ thống trong lúc có thai sẽ ngăn cản sự hấp thu kẽm và có thể làm mức độ thiếu kẽm nặng thêm. Ngoài ra, bổ sung kẽm còn làm giảm nguy cơ biến chứng lúc đẻ, giống như nhau khô sổ và mổ khi để.

Một khía cạnh quan trọng hơn nữa của kẽm là sự phát triển của trẻ. Thiếu kẽm ở bà mẹ trong lúc có thai sẽ đi kèm với nguy cơ thiếu cân lúc sinh, tăng nguy cơ biến dạng của hệ thần kinh hoặc kém phát triển tinh thần vận động của trẻ.

Kẽm và một số yếu tố khác như sắt, magie, canxi, axit folic, vitamin B6 đóng vai trò quan trọng ở thời kỳ mang thai, cho bà mẹ lẫn em bé.

Đối với người già, thiếu kẽm góp phần gây mất cân bằng đồng hóa với các tác nhân của lão hóa như gốc tự do và chất độc. Về lâu dài thiếu kẽm góp phần làm giảm độ dày của da, cũng như tan khối cơ và loãng xương.

Những dấu hiệu thiếu kẽm khác là: giảm sự ngon miệng, giảm vị giác, chậm liền sẹo, chậm mọc tóc và móng, hay dễ rụng tóc.

 Những nhóm nguy cơ

Trong thân thể người lành, 80% trẻ em và người lớn không nhận đủ từ thực phẩm hàng ngày nhu cầu của cơ thể. Tại Pháp, gần toàn bộ phụ nữ trong tuổi sinh đẻ bị thiếu kẽm, hơn 70% trong số họ không nhận được 2/3 nhu cầu khuyến nghị.

Kẽm không chỉ giữ vai trò quan trọng trong hoạt động của phần lớn các cơ quan và mô, mà nó còn có tầm quan trọng ở phụ nữ khi có thai, đặc biệt ảnh hưởng đến bà mẹ và trẻ em. Người ăn chay có nhu cầu cung cấp kẽm thấp hơn những người khác, người già hấp thu kẽm kém.

Trẻ em đang phát triển, phụ nữ có thai hay cho con bú, người bị phẫu thuật, bị chấn thương, bị đái tháo đường, uống rượu nhiều, người dùng sắt hay aspirin có nhu cầu tăng cao. Người đàn ông mỗi lần phóng tinh mất 1mg kẽm.

Người hút thuốc, tiếp xúc với cadimi cũng có nhu cầu tăng lên. Người ta phát hiện rằng thiếu kẽm thường xảy ra ở người chán ăn, bao gồm tinh thần, những bệnh nhân bị bệnh crohn, và phần lớn các bệnh đường ruột khác, sẽ đưa đến các rối loạn hấp thu, vảy nến, lở loét.

Theo Dr. Jean - Paul Curtay Josette Lyon

LITHIUM

Từ cuối thập niên 40, người ta đã ghi nhận vai trò quan trọng của lithium trong phác đồ điều trị nhiều bệnh chứng rối loạn tâm thần. Nhưng cơ chế tác dụng của lithium thực sự chỉ được phơi bày từng bước dưới ánh sáng khoa học trong hai thập niên vừa qua. Khoáng tố lithium quan trọng cho cơ thể con người vì có công năng bảo vệ tế bào thần kinh.

Lithium chi phối nhiều hoạt động tâm thần thông qua ảnh hưởng gián tiếp trên tác chất dẫn truyền thần kinh. Các nhà nghiên cứu đã xác định từ lâu là nhiều dạng bệnh tâm thần, từ chứng suy nhược thần kinh cho đến bệnh phân liệt cá tính, sở dĩ hình thành là do tác dụng của một số kích tố được phóng thích thái quá trong cơ thể. Lithium hữu ích cho cơ thể vì khoáng tố này ức chế hoạt tính của nhiều thành phần kích tố đang tồn đọng trong cơ thể. Nhờ sự hiện diện của lithium mà con người giữ được khả năng tập trung suy nghĩ, óc phán đoán khách quan, tinh thần yêu đời và đồng thời kiểm soát được phản ứng định kiến thái quá cũng như cảm xúc mù quáng.

Nếu không bị lạm dụng, lithium là dược phẩm hiệu quả để điều trị các bệnh tâm thần. Điều khó khăn cho các nhà điều trị là lithium sẽ hại thận nếu dùng quá liều, dù là khoáng tố này được bài tiết dễ dàng qua nước tiểu. Phương pháp điều trị với lithium do đó chỉ nên tiến hành qua nhà điều trị chẳng những thông hiểu liệu pháp với khoáng tố mà còn có sẵn phương tiện kiểm soát hàm lượng lithium trong cơ thể.

Bên cạnh ảnh hưởng trên hệ thần kinh, lithium còn có mối liên hệ mật thiết với hệ nội tiết. Các tuyến quan trọng như tuyến giáp trạng, buồng trứng, tuyến thượng thận và tuyến yên đều có khuynh hướng truy lùng và tàng trữ thành phần lithium khi quy trình dinh dưỡng không cung cấp đầy đủ khoáng tố này. Hiện tượng đó chứng tỏ lithium phải có giá trị đáng kể cho hoạt động của các tuyến nội tiết vừa liệt kê.

Lithium còn có khả năng hưng phấn quy trình sản xuất toàn bộ huyết cầu: hồng huyết cầu, bạch huyết cầu và tiểu huyết cầu. Lithium vì thế là khoáng tố cần thiết cho người bị thiếu máu, cho đối tượng dễ bị bội nhiễm.

Điều đáng tiếc là kiến thức về lithium hiện vẫn còn trong vòng giới hạn, cho dù chuyên gia ngành dinh dưỡng tối thiểu có thể xác định: nhu cầu hằng ngày của cơ thể chỉ vào khoảng 1mg lithium. Thành phần này hầu như chỉ có thể tìm thấy trong nguồn thực phẩm rau cải và ngũ cốc. Hình thức dinh dưỡng mù quáng và đơn điệu với thực phẩm công nghệ là nguyên nhân dẫn đến hậu quả thiếu hụt lithium. Điều này có lẽ là dữ kiện góp phần giải thích tại sao con số bệnh nhân tâm thần hiện nay lại quá cao trên các quốc gia tiên tiến!

(Trích "Khỏe vì sinh tố mạnh nhờ khoáng tố" BS. Lương Lễ Hoàng)

LƯU HUỲNH

Một phần tư cơ thể được xây dựng bằng chất đạm. Lưu huỳnh là thành phần khoáng tố thiết yếu cho quy trình tổng hợp chất đạm vì lưu huỳnh có mặt trong cấu trúc của hơn 20 loại chất đạm cơ bản của tế bào. Thêm vào đó, lưu huỳnh còn là thành phần không thể thiếu sót trong công thức nhiều loại sinh tố. Trong ý nghĩa tượng hình, lưu huỳnh giữ vai trò của ngọn đèn thắp sáng thường trực trong căn nhà tế bào. Thiếu lưu huỳnh thì ngôi nhà tối tăm, hoang vắng, lạnh lùng. Còn lưu huỳnh thì còn biểu tượng nồng ấm của sức sống.

Trên thực tế, khó có thể xác định một cách tuyệt đối nhu cầu về lưu huỳnh, vì con số này thay đổi tùy theo hàm lượng chất đạm trong quy trình dinh dưỡng. Lưu huỳnh có nhiều trong trứng, cá, thịt, sữa. Thành phần lưu huỳnh trong rau cải tương đối thấp. Người không ăn thịt, cá nếu kiêng luôn sữa, trứng thì khó tránh khỏi cảnh thiếu thốn khoáng tố lưu huỳnh.

Cơ quan đặc biệt cần có lưu huỳnh là khớp xương, vì lưu huỳnh giữ vai trò của lớp dầu tráng đều mặt trong của khớp. Nhờ đó, khớp xương vận động trơn tru. Người mà khớp xương hay tê cứng, dễ kêu răng rắc nên để ý kiểm soát hàm lượng của khoáng tố lưu huỳnh. Thiếu lưu huỳnh thì khớp dễ thoái biến. Phần lớn đối tượng có vấn đề với đốt xương sống thường chỉ vì gặp trục trặc với lưu huỳnh.

Một trong các chất đạm có chứa lưu huỳnh trong cấu trúc là methionin. Chất này có nhiệm vụ chuyên chở khoáng tố selen cần thiết cho hoạt động của hệ thống miễn nhiễm. Lưu huỳnh vì thế có ảnh hưởng gián tiếp trên chức năng phòng bệnh. Thiếu lưu huỳnh thì selen dù có cũng như không và cơ thể trở nên dễ bị bội nhiễm. Thêm vào đó, methionn còn có công năng trung hòa độc chất oxy hóa, hưng phấn chức năng giải độc của gan, bảo vệ mắt, mô liên kết và thành mạch máu. Người thiếu lưu huỳnh sớm muộn sẽ phải đối đầu với bệnh mắt cườm, cao huyết áp, nhồi máu cơ tim cũng như nhiều loại bệnh ngoài da.

Chuyên gia Đại học Harvard đã chứng minh là methionin có công năng hồi phục mạch máu đã bị xơ cứng. Trong thời gian gần đây methionin vì thế đã được đề cao cường điệu như dược liệu cải lão hoàn đồng. Điều này tương đối dễ hiểu vì methionin bảo đảm nước láng cho mái tóc, cho cấu trúc bền vững của móng tay, cho làn da tươi trẻ. Dưới ảnh hưởng của methionin, da giữ được độ ẩm lý tưởng. Ngoài ra, methionin thúc đẩy quy trình ký gởi chất kẽm vào mô liên kết để xây dựng lớp sợi đàn hồi giúp da không có nếp nhăn. Thiếu lưu huỳnh thì tóc cháy, móng tay dễ gãy, da khô nhăn nheo. Người không đủ nguồn dự trữ lưu huỳnh thì nét mặt mau già.

Methionin còn là thành phần cần thiết để kích tố chống căng thẳng thần kinh có thể hoạt động tối đa. Với sự hiện diện của lưu huỳnh, thông qua chất đạm methionin, hệ thần kinh không có phản ứng thái quá, con người nhờ vậy giữ được thái độ điềm tĩnh. Tôi tin chắc là nhiều độc giả cũng đã ghi nhận hiện tượng khó hiểu là một số không ít đối tượng càng ăn chay trường càng trở nên cáu kỉnh, quạu quọ, hoặc lo sợ vô cớ, trong khi mục tiêu của nguyện vọng chay trường là diệt dục, ngừa sân si. Hình ảnh vừa kể chẳng qua là dấu hiệu báo động cho tình trạng thiếu khoáng tố lưu huỳnh vì chế độ dinh dưỡng thiếu chất đạm. Đối tượng không có đủ lưu huỳnh vì không thể tận dụng kích tố chống căng thẳng thần kinh sản xuất từ tuyến thượng thận nên khó giữ được cá tính can trường, bình tĩnh và khách quan. Cơ thể của người không có đủ nguồn dự trữ lưu huỳnh vì thế sớm bước qua ngưỡng cửa của tuổi già, giai đoạn của lo sợ và bi quan, của buồn rầu và thất vọng.

(Trích "Khỏe vì sinh tố mạnh nhờ khoáng tố"BS. Lương Lễ Hoàng)

MANGAN

Nếu so sánh tế bào với cơ cấu một nhà máy, thì ở trung tâm mỗi tế bào là vị trí của máy phát điện, nơi tác chất dinh dưỡng như: chất đường, chất đạm, chất béo được luân phiên đốt cháy để cung cấp năng lượng cho nhà máy. Thiếu bộ máy phát điện thì bao nhiêu hệ thống sản xuất dây chuyền, dù tinh xảo bao nhiêu, cũng đành trơ mắt ếch! Tùy theo chức năng trong cơ thể mà tế bào có bộ máy phát điện với tầm vóc khác nhau. Khoáng tố mangan chính là động cơ của máy phát điện. Thiếu mangan thì nhiều phản ứng chuyển hóa bị tê liệt. Người đang thiếu mangan thì dù có bơm bao nhiêu sinh tố C cho cơ thể cũng bằng thừa, vì chỉ 20% lượng sinh tố C thu nhập có thể cống hiến tác dụng nếu không có sự hiện diện của mangan. Mangan vì thế được tàng trữ trong nhiều cơ quan trọng yếu như: gan, thận, tim, tụy tạng, não bộ, tuyến yên, tuyến giáp trạng, tuyến vú cũng như trong xương và hồng huyết cầu.

Mangan là thành phần có vai trò rất linh động trong quy trình chuyển hóa. Trên đường ruột thì mangan yểm trợ các loại men phân tích thức ăn thành dạng dễ hấp thụ. Trong tế bào thì mangan ngược lại thúc đẩy phản ứng tổng hợp chất đạm để bảo toàn cấu trúc của tế bào. Nhờ có mangan mà tế bào giữ được hình dạng trẻ trung, mạnh khỏe. Nhờ có mangan mà thành phần chất đạm trong tế bào được ổn định. Tế bào nhờ đó có thể sinh sản bình thường. Nói cách khác, tế bào ít bị ngẫu biến thành tế bào ung thư. Trên cơ chế vừa trình bày, mangan phải có mặt khắp nơi trong cơ thể, lúc thì tạo huyết cầu trong tủy xương, khi thì giúp xương răng tăng trưởng, giờ này góp tay hình thành kháng thể, phút khác thì thúc đẩy quy trình sản xuất kích tố. Mangan là thành phần khoáng tố vô cùng bận rộn vì phải đáp ứng nhu cầu đa dạng của cơ thể.

Cảm giác hạnh phúc, sung sướng mãn nguyện là biểu tượng ghi nhận và diễn dịch qua hệ thần kinh. Quá trình đó chỉ có thể hình thành qua trung gian của chất dẫn truyền thần kinh chuyên biệt. Thiếu chất xúc tác thần kinh thì dù vừa thi đậu con người cũng không vui. Trong tình trạng hỗn loạn chất dẫn truyền thần kinh, cơ thể thậm chí có thể phản ứng hoàn toàn sai lầm, như người điên đứng trước cảnh buồn mà lại vỗ tay reo mừng. Một trong các chất dẫn truyền có tính quyết định cho cảm giác yên vui là dopamin. Cơ thể khi đó sẽ mất khả năng cảnh giác, thiếu nhận xét bén nhạy, giảm ý chí kiên cường và tinh thần sáng tạo. Tác chất trung gian thần kinh dopamin chỉ được sản xuất khi cơ thể có đủ khoáng tố mangan. Điểm khác biệt giữa nghệ sĩ thiên tài và tay thợ vụng về, giữa anh hùng và tiểu nhân, giữa người cao trí và kẻ dại khờ phải chăng chỉ vì một chút... mangan?!

Khi đối đầu với hoàn cảnh éo le, người ta chỉ hơn nhau ở khả năng và vận tốc phản ứng. Để có được phản xạ cấp kỳ, tế bào cần có một hệ thống cung cấp năng lượng nhanh gấp trăm lần bình thường. Mangan chính là thành phần cốt yếu để bật lửa cho quy trình cung cấp năng lượng cấp cứu. Muốn cung cấp năng lượng thì cơ thể phải đốt cháy chất đường. Muốn tiêu hủy trọn vẹn chất đường, cơ thể cần có kích tố insulin của tụy tạng. Kích tố này lại chỉ hoạt động tối đa khi cơ thể có đủ mangan! Bên cạnh đó, mangan hưng phấn quy trình thoái biến chất béo và góp phần ngăn ngừa tình trạng xơ cứng mạch máu.

Một trong các nguyên nhân rất thường gặp của chứng liệt dương cũng như lãnh cảm, nhưng lại ít khi được chẩn đoán đúng là tình trạng thiếu hụt khoáng tố mangan. Người thiếu mangan thường có triệu chứng ù tai, sụt cân, bất lực, mệt mỏi, rụng tóc, da khô, đau khớp, mất ngủ, bi quan. Mangan ngoài ra còn có công năng thúc đẩy sự thành lập sắc tố melanin làm nước da có màu bồ quân hấp dẫn và nước tóc đen huyền óng ả.

Cơ thể mỗi ngày chỉ cần không hơn 5mg mangan. Mangan có nhiều trong đậu phộng, đậu xanh, hột điều, bo bo, rau dền, khoai lang. Loại trái có nhiều mangan dưới dạng sinh học dễ được cơ thể hấp thu là trái chanh. Khả năng hấp thu mangan qua đường ruột bị chèn ép dữ dội bởi các khoáng tố vôi, phosphor và sắt. Để phòng tránh hiện tượng này, chỉ cần uống thêm ly nước chanh sau bữa ăn. Thực phẩm nguồn động vật có thể cung cấp dồi dào mangan là lòng đỏ trứng gà, trứng vịt. Tôi có quen một người thích ăn món hột vịt muối hơn nhiều loại cao lương. Trên đường đời vạn nẻo đến nay, tôi chưa hề gặp được người nào dù trong hoàn cảnh tăm tối vẫn lạc quan và có khả năng kiên trì chịu đựng như anh ta.

(Trích "Khỏe vì sinh tố mạnh nhờ khoáng tố"BS. Lương Lễ Hoàng)

MAGNESIUM( MAGIÊ )

Khi so sánh thành phần các khoáng tố trong máu, người ta ghi nhận một hiện tượng lý thú là cơ thể rõ ràng tìm cách ổn định bằng mọi giá hàm lượng của khoáng tố magnesium. Có phải chăng vì chất lượng của hoạt động tế bào có liên hệ mật thiết với khoáng tố này?

Trong cấu trúc của loài thảo mộc, magnesium là thành phần thiết yếu của diệp lục tố, chất màu xanh của cây cỏ. Dưới ánh sáng mặt trời, diệp lục tố có thể ly trích dưỡng khí cho cây cỏ qua quy trình quang hợp. Các nhà nghiên cứu cũng đã xác định là magnesium luôn luôn hiện diện trong thành phần có vai trò truyền giống như trong hột, củ, rễ... Magnesium vì thế giữ vai trò trọng yếu cho sự tồn vong của sinh vật trên mặt địa cầu vì magnesium là nhân tố cần thiết cho quy trình phân hóa tế bào.

Trong cơ thể con người, magnesium có khuynh hướng tích lũy trong xương và bắp thịt. Magnesium có nhiều trong hột bí, hột điều, đậu phộng, đậu xanh, rau dền, giá sống, chuối, cà chua, khoai lang. Nhu cầu magnesium thay đổi tùy theo trọng lượng cơ thể theo chỉ tiêu khoảng 4mg magnesium cho mỗi kg.

Người phải sống trong cảnh căng thẳng thường cần lượng magnesium tối thiểu cao gấp 5 lần trường hợp bình thường. Người thích ăn quá béo nên lưu ý là chất mỡ trong thức ăn sẽ kéo theo magnesium qua đường ruột. Tình trạng tương tự cũng xảy ra trên người bị tiêu chảy, nôn mửa. Đối tượng nghiện rượu cũng thường thiếu hụt khoáng tố magnesium. Thực phẩm dưới dạng chế biến như gạo trắng, bột mì, mì sợi, bánh phở, bún, nui... có rất ít magnesium. Rau cải luộc quá lâu cũng không còn bao nhiêu magnesium.

Hình ảnh điển hình của hiện tượng thiếu magnesium là dấu hiệu tiêu chảy, buồn nôn, yếu cơ, rụng răng, rối loạn nhịp tim, tê tứ chi, đau xương và hiện tượng rối loạn tinh thần dưới nhiều hình thức: quạu quọ, lo sợ, thất thần, hoặc buồn chán.

Bên cạnh chức năng kiến tạo mô xương, bắp thịt và ngà răng, magnesium là thành phần không thể thiếu sót trong cấu trúc hàng trăm loại men, kích tố và chất dẫn truyền thần kinh. Khi đứng trước tình huống khẩn cấp, cơ thể sẽ tạo phản xạ trong ít phần triệu của một giây để huy động cấp kỳ chất đường từ gan vào máu nhằm mục tiêu cung cấp năng lượng cho quy trình sản xuất kích tố. Con người nhờ vậy trở nên cảnh giác và phản ứng bén nhạy ngay tức khắc. Chuỗi phản ứng vừa mô tả không thể thành hình nếu không có chất dẫn truyền thần kinh với magnesium trong cấu trúc hóa học.

Trên cơ sở nêu trên, magnesium chi phối hoạt tính của kích tố tuyến thượng thận cũng như quy trình tổng hợp chất đạm, cơ sở vật chất của các loại kích tố chống căng thẳng thần kinh. Người không đủ sức chịu đựng hoàn cảnh éo le không hẳn là người thiếu can đảm. Rất có thể chỉ vì cơ thể không có đủ magnesium. Nói cách khác, để chuẩn bị cho cơ thể trước mọi tình huống khó lường thì đừng quên bổ túc nguồn dự trữ magnesium.

Cơ quan tuy thường được đề cập khen dồi trong thơ văn nhưng trên thực tế chỉ là thành phần bạc phước vì phải cong lưng làm việc cho đến hơi thở cuối cùng chính là... con tim! Nếu trái tim biết nói tiếng người thì tim sẽ không thầm thì tiếng yêu thương như định kiến áp đặt của nhiều nhà thơ. Tim sẽ kêu gào thảm thiết xin viện trợ cho tim khoáng tố magnesium để tế bào mô tim giữ được lâu nét tươi trẻ. Magnesium là khoáng tố chuyên biệt cho hoạt động của trái tim vì magnesium là thành phần quyết định trong cấu trúc của các chất dẫn truyền thần kinh chi phối nhịp đập của con tim. Thiếu magnesium thì tim loạn nhịp, cơ tim yếu sức. Khoáng tố magnesium vì thế là thành phần không thể thiếu sót cho lần đầu gặp gỡ, để cái phút ban đầu lưu luyến ấy không có điểm tương đồng với tiếng trống múa lân trong lồng ngực của kẻ tập tễnh hẹn hò.(Trích "Khỏe vì sinh tố mạnh nhờ khoáng tố"BS. Lương Lễ Hoàng)

MOLYBDAN

Cơ thể cần mỗi ngày không hơn 0,2mg molybdan nhưng khoáng tố này lại giữ vai trò phải có của chiếc nến điện trong động cơ máy nổ. Bộ máy chiếc xe thượng hạng cũng đành câm nín như khối sắt vô tình nếu thiếu chiếc nến điện bé xíu. Trên bản chất thì molybdan không đảm nhiệm một cách trực tiếp chức năng nào nổi bật trong toàn bộ quy trình kiến tạo, nhưng thiếu molybdan thì vô số phản ứng sinh hóa của nhiều khoáng tố khác như sắt, đồng và lưu huỳnh sẽ bị đình trệ hoặc hỗn loạn.

Số bệnh nhân đang thiếu máu vì bệnh sốt rét hãy còn rất cao. Nhiều thầy thuốc có khuynh hướng ghi toa với khoáng tố sắt cho bệnh nhân thiếu máu. Nếu cơ tạng người bệnh không có đủ molybdan thì bao nhiêu thuốc sắt uống vào chỉ bổ cho... nhà sản xuất!

Trong ý nghĩa chuyển hóa thì molybdan là thành phần giữ vai trò quyết định cho phản ứng biến đổi chất đạm trong thực phẩm thành tác chất kiến tạo tế bào. Thiếu molybdan thì cơ thể khó hồi phục. Vì thế, molybdan là khoáng tố cần được lưu ý cho bệnh nhân sau cơn bệnh nặng, sau lần giải phẫu, sau đợt xạ trị.

Molybdan có nhiều trong các loại đậu. Giá đậu xanh, giá đậu nành là dạng thực phẩm cung cấp dồi dào thành phần molybdan. Thực phẩm chế biến dưới dạng đóng hộp, bánh ngọt, kẹo mứt cũng như thức ăn chiên xào hầu như không còn molybdan. Hình thức dinh dưỡng lâu ngày với thực phẩm công nghệ là nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiếu molybdan, trong khi giải pháp phòng ngừa lại rất đơn giản: một dĩa giá nảy mầm từ đủ loại đậu trong bữa ăn thường ngày!

(Trích "Khỏe vì sinh tố mạnh nhờ khoáng tố" BS. Lương Lễ Hoàng)

NATRIUM

Bạn có biết là 83% thành phần của dòng máu, 82% của trái thận, 75% của bắp thịt, 74% của bộ não, 69% của lá gan và thậm chí 22% của bộ xương trên bản chất chỉ là... nước? Con người có thể nhịn ăn hàng tháng nhưng thiếu nước không quá ít ngày thì cơ thể không còn mảy may hy vọng. Nước là thành phần tối quan trọng cho tế bào vì nước là môi trường tác động của hàng trăm triệu phản ứng sinh hóa. Toàn bộ hoạt động của tế bào lệ thuộc vào tình trạng quân bình giữa lượng nước bên trong tế bào và trong môi trường liên bào. Tế bào thiếu nước hay thừa nước cuối cùng đều có chung số phận: tế bào phải đi vào phút diệt vong!

Lượng nước phân phối bên ngoài và bên trong tế bào tùy thuộc hàm lượng của một khoáng tố: natrium, hay đúng hơn vào tỷ lệ giữa hai khoáng tố natrium và kalium. Hai thành phần này hợp tác chặt chẽ để hình thành một loại bơm nước tự động với cơ chế vận hành hai chiều: khi tế bào thiếu nước thì nước được huy động từ ngoài vào tế bào và ngược lại. Hình ảnh lý tưởng đó đương nhiên chỉ tồn tại khi thành phần natrium có hàm lượng nằm trong khuôn khổ hợp lý cho sinh hoạt của cơ thể. Thêm vào đó, một trong các điều kiện tiên quyết để phản ứng sinh hóa trong cơ thể có thể thao tác đúng mức chính là độ kiềm của máu. Nhờ có natrium mà tính kiềm của máu được ổn định.

Natrium là thành phần chủ yếu trong muối ăn. Cơ thể cần mỗi ngày khoảng 120g natrium. Dưới hình thức dinh dưỡng bình thường, cơ thể khó có thể thiếu natrium. Khoáng tố này cũng có nhiều trong nghêu, sò, tôm, cá, thịt khô, nước mắm. Ngược lại cơ thể cũng không dễ bị dư thừa natrium nếu thận hoạt động bình thường, vì lượng natrium nếu có thừa sẽ bị đào thải ngay qua nước tiểu. Điểm bất lợi cho cơ thể là thận khi loại bỏ natrium sẽ đồng thời phóng thích kalium. Người ăn quá mặn vì thế sẽ gặp nhiều vấn đề thứ cấp do thiếu hụt kalium (xem phần kalium).

Một trong các hậu quả trầm trọng là tình trạng rối loạn chức năng thận. Khi đó natrium sẽ không còn được bài tiết đúng mức và bắt đầu tích lũy trong cơ thể. Cán cân quân bình natrium/kalium sẽ bị đảo lộn. Tế bào không thể hoạt động bình thường vì tùy theo tỷ lệ giữa natrium và kalium mà tế bào hoặc trở thành khô héo nếu nước bị giữ bên ngoài tế bào, hoặc tế bào lâm vào cảnh phù nề nếu lượng nước bơm vào tế bào vượt quá giới hạn bình thường. Trong cả hai trường hợp, cơ thể chắc chắn sẽ vướng vào vòng bệnh tật đủ dạng, tâm thần cũng như vật thể.

Hiện tượng liên tục di chuyển ra vào tế bào của hai thành phần natrium và kalium tạo thành dòng điện lan truyền dọc theo màng tế bào. Hiện tượng này được định danh là sự phân cực của màng tế bào và là cơ sở sinh vật lý của dẫn truyền thần kinh. Trên cơ chế vừa trình bày, hệ thần kinh có thể sai khiến bắp thịt lúc thì co thắt khi lại giãn nở. Natrium vì thế có ảnh hưởng quan trọng trên toàn bộ hệ thống vận động với trọng điểm là cơ tim.

Do khả năng bơm nước từ tế bào vào dòng máu, và ngược lại, khoáng tố natrium còn có mối liên hệ mật thiết với huyết áp vì dung tích toàn bộ huyết tương chịu ảnh hưởng của natrium. Nếu lượng nước bị giữ lại trong mạch máu quá cao, như trong trường hợp người ăn quá mặn, huyết áp sẽ tăng cao. Ngược lại, muối ăn là phương tiện đơn giản để cải thiện huyết áp trên người có huyết áp thấp.

Cũng trên cơ chế bơm nước, natrium bắt tay với kalium để đảm nhiệm vai trò cần thiết cho sự hấp thu tác chất dinh dưỡng qua niêm mạc đường ruột. Trong trường hợp người ăn quá mặn thì một lượng nước đáng kể thay vì được hấp thu và theo máu đến thận, sẽ bị giữ lại trong lòng ruột cùng với nhiều tác chất dinh dưỡng. Người ăn mặn vì thế tiểu ít, tự làm hại thận và thường khát nước, nên phải uống nhiều và vòng lẩn quẩn cứ thế tiếp tục. Các bà có thói quen ăn mặn dễ mất vòng eo. Nhiều người ở phương Tây mỗi năm phải tốn không biết bao nhiêu tiền của để ráng làm ốm, trong khi giải pháp rất đơn giản: chỉ cần giảm thiểu thành phần natrium và gia tăng hàm lượng kalium trong quy trình dinh dưỡng để cơ thể có đúng số lượng dịch thể trong từng tế bào, thay vì khuynh hướng ưu tiên trữ nước bên ngoài tế bào.(Trích "Khỏe vì sinh tố mạnh nhờ khoáng tố"BS. Lương Lễ Hoàng)

NICKEL

Trong cuộc sống cơ giới hiện đại, nickel hiện có mặt khắp nơi: trong khói xe, bụi nhà máy, khói thuốc lá, pin điện, sản phẩm gia dụng... Trong cơ thể, nickel là thành phần thường tìm thấy trong lớp da, tủy xương, hạch bạch huyết, tinh hoàn và đặc biệt trong mồ hôi.

Khả năng hấp thu nickel của cơ thể tương đối cao. Nói cách khác, cơ thể thông thường khó lâm vào cảnh thiếu hụt nickel. Hiện tượng khiếm khuyết khoáng tố nickel thường chỉ do sai lầm trong dinh dưỡng như trường hợp áp dụng thái quá các loại thực phẩm thịt mỡ, bánh kẹo,... gây cản trở quy trình hấp thu nickel. Người quá trung thành với rau cải nên lưu ý là chế độ dinh dưỡng với ròng các loại cải xanh sẽ kéo theo nickel qua đường ruột. Đây là một dẫn chứng cụ thể cho thấy mọi hình thức dinh dưỡng đơn điệu đều không phù hợp cho nhu cầu sức khỏe. Lượng nickel cần thiết mỗi ngày chỉ trong khoảng 0,00002g. Nickel có nhiều trong đậu, ngũ cốc, hải sản và đặc biệt trong chocolate.

Từ nhiều thập niên, các nhà nghiên cứu đã ghi nhận hiện tượng huy động nickel từ nơi dự trữ vào máu và làm tăng hàm lượng nickel trong máu của đối tượng vừa qua lần vận động nặng, hoặc vừa bị chấn thương, vừa bị nhồi máu cơ tim hay tai biến mạch máu não. Cho đến đầu thập niên 80, người ta mới nắm vững được cơ chế tác dụng của nickel.

Nickel có ái tính rất cao với thành phần chất đạm trong cấu trúc của nhiều loại men quan trọng. Trên cơ chế đó, nickel chi phối chuỗi phản ứng sản xuất năng lượng cho tế bào, đặc biệt là quy trình chuyển hóa chất béo. Thiếu nickel thì quy trình hồi phục tế bào bị trì hoãn vì tế bào không có đủ dưỡng khí và thiếu chất kiến tạo. Thời gian hồi phục của bệnh nhân bị tai biến mạch máu não sẽ kéo dài nếu người bệnh không có đủ nickel. Xác suất sống sót của bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim được nâng cao rõ rệt nếu thầy thuốc biết nhìn xa lo bổ túc thành phần nickel trong phác đồ điều trị cấp cứu. Nạn nhân bị chấn thương mất máu sẽ thu ngắn thời gian nằm trên giường bệnh nếu thầy thuốc lưu tâm cho thêm nickel trong toa thuốc điều trị phục hồi.

Một số không ít bệnh nhân gặp nỗi khổ liệt dương chỉ vì cơ thể không có đủ nickel để kích tố sinh dục qua đó được hình thành. Nhưng hậu quả trầm trọng hơn của tình trạng thiếu nickel là ảnh hưởng trên chức năng gan. Khi cơ thể không có đủ nickel thì tế bào gan không còn hoạt động hữu hiệu, chất béo tụ lại trong mô gan, gan lâu dần bị hóa mỡ và suy kiệt.

Thêm vào đó, thiếu nickel thì hệ thống miễn nhiễm không tạo nổi kháng thể, cơ thể vì thế dễ bị bội nhiễm. Tình trạng thiếu nickel lâu dần sẽ biểu lộ qua triệu chứng: bứt rứt, đổ mồ hôi, mệt mỏi, biếng ăn, thiếu máu, suy tim, suy thận. Sau khi được chẩn đoán chính xác thì phương tiện điều trị lại rất đơn giản, vừa hiệu quả lại ngon miệng: mỗi ngày một thẻ chocolate, cho đến khi hàm lượng nickel trở lại trị số bình thường.

Trên thực tế trong nước hiện có nhiều loại chocolate sản xuất rập khuôn theo hàng ngoại quốc. Bỏ ra ngoài yếu tố lợi nhuận, đó còn là điều đáng tiếc vì phản ảnh tinh thần mất tự tin của "ta". Nhà sản xuất nên tận dụng phương tiện kỹ thuật sẵn có để nghiên cứu sản xuất cho bằng được dạng sản phẩm có cá tính trong nội dung và mới lạ về hình thức, như loại chocolate với mùi vị bảo đảm, nhưng đồng thời chú trọng thành phần khoáng tố nickel, để giới thiệu đến người tiêu thụ như món ăn vừa ngon miệng vừa phòng bệnh. Tại sao lại không sản xuất một loại chocolate dành riêng cho đối tượng bị cao huyết áp?

(Trích "Khỏe vì sinh tố mạnh nhờ khoáng tố" BS. Lương Lễ Hoàng)

PHOSPHOR

Phosphor là thành phần khoáng tố có hàm lượng trong cơ thể chỉ đứng sau chất vôi. 85% tổng lượng chất phosphor được tàng trữ trong mô xương, nơi phosphor và vôi cùng nhau đắp nền cho xương. Trong ý nghĩa vật chất, phosphor là khoáng tố lý tưởng cho mục tiêu kiến tạo. Nhờ có phosphor mà xương cơ bền chắc. Nhưng quan niệm phosphor như thành phần thuần túy vai u thịt bắp là nhận định sai lầm.

Phosphor không những cần thiết cho phản ứng sản xuất năng lượng mà còn là nhân tố cho hoạt động tâm thần cao cấp. Trí thông minh, óc nhận xét, tính lạc quan và khả năng nhận định khách quan gắn liền với hàm lượng phosphor trong cơ thể. Đối tượng thiếu phosphor không những bị loãng xương mà còn vướng phải nhiều dạng rối loạn tâm thần, như một số không ít quý bà trong thời kỳ mãn kinh. Triệu chứng thường gặp khi cơ thể thiếu phosphor còn là dấu hiệu biếng ăn, sụt cân, chậm lớn, hư răng, viêm khớp, mệt mỏi.

Phosphor là thành phần cơ bản của quá trình chuyên chở năng lượng cho tế bào. Không có phosphor thì con người không buồn cử động, thậm chí cây cỏ cũng không thể lả lơi theo chiều gió. Cơ thể người trưởng thành cần mỗi ngày khoảng 1,5g phosphor. Phosphor có trong hầu hết các loại thực phẩm thông dụng, kể cả dưới dạng chế biến hay thức ăn công nghệ. Thực phẩm có nhiều phosphor dưới dạng sinh học lý tưởng là trứng, đậu, ngũ cốc, sữa, cá biển, thịt, cải bẹ xanh.

Trên nguyên tắc, phosphor được hấp thu dễ dàng qua đường ruột, nghĩa là cơ thể khó rơi vào tình trạng thiếu hụt phosphor. Chỉ cần 2 lần trong tuần có 50g thịt trong bữa cơm thì cơ thể đã đủ phosphor. Điều đáng tiếc là quy trình hấp thu phosphor dễ bị phá bĩnh bởi nhiều yếu tố. Hình thức dinh dưỡng có quá nhiều chất đường và chất béo sẽ làm giảm thiểu mức độ hấp thu phosphor. Người dùng quá nhiều dược phẩm có chất sắt, magnesium, vôi và nhôm rất dễ bị thiếu hụt phosphor, vì các thành phần khoáng tố vừa kể luôn luôn tương tranh với phosphor.

Tình trạng rối loạn môi trường vi sinh trên nền ruột, như trong trường hợp dùng thuốc trụ sinh lâu dài, cũng là yếu tố gây trở ngại không ít cho sự hấp thu khoáng tố phosphor. Khả năng hấp thu phosphor tự động giảm thiểu trong trường hợp người lớn tuổi và do đó đưa đến hậu quả bất lợi trên xương và răng. Muốn tránh cảnh răng long gối mỏi thì đừng quên phosphor trong chế độ dinh dưỡng cho người đã ăn lễ lục tuần.

Mọi hình thức cảm xúc dù vui, buồn, giận, hờn, thương hay ghét... trên ý nghĩa thần kinh chỉ là hình thức khác biệt của quy trình dẫn truyền thần kinh. Phosphor là thành phần thiên vị cho cảm xúc vui vẻ, hạnh phúc. Đối tượng có đủ phosphor là người ít biết buồn, là người có óc khôi hài, là người dễ thích hợp với hoàn cảnh mới. Cùng với sinh tố B2 và B3, phosphor còn có chức năng bảo vệ cấu trúc của nhân tế bào. Hiện tượng này đặc biệt quan trọng trong phạm vi hệ thần kinh. Người đột ngột thay đổi tính tình rất có thể là đối tượng bị rối loạn phosphor. Khoáng tố phosphor không chỉ xây nền vững chắc cho cơ thể. Thành phần này còn dựng móng lâu bền cho hoạt động tâm lý để con người nhờ đó có thể giữ vững cá tính nguyên thủy.

(Trích "Khỏe vì sinh tố mạnh nhờ khoáng tố" BS. Lương Lễ Hoàng)

SẮT

Cơ thể con người có nhiều chức năng thua kém loài cây cỏ. Thảo mộc thông qua cơ chế quang hợp có thể tự cung cấp năng lượng. Tế bào trong cơ thể con người muốn hoạt động phải trông cậy hoàn toàn vào quy trình biến đổi tác chất dinh dưỡng để sinh năng lượng. Chuỗi phản ứng sinh hóa tạo năng lại chỉ có thể xúc tiến khi có đủ thành phần dưỡng khí. Toàn bộ quy trình chuyển hóa phức tạp và thiết yếu của cơ thể đâm ra lệ thuộc vào khả năng vận chuyển dưỡng khí, như động cơ máy nổ dù đủ xăng dầu mà không có dưỡng khí thì cũng nằm không.

Công việc cung cấp dưỡng khí cho hàng tỷ tế bào trong cơ thể được giao phó cho hồng huyết cầu. Trong số khoảng 35 tỷ hồng huyết cầu đang vận hành thường có tối thiểu 300 triệu mang trong mình cấu trúc thành phần huyết cầu tố để vận chuyển khoảng 1 tỷ phân tử dưỡng khí. Số huyết cầu này chạy rong trong mạng lưới mạch máu để giao hàng dưỡng khí tận nơi cho tế bào. Cấu trúc của huyết cầu tố vì thế chính là yếu tố quyết định cho khả năng cung ứng dưỡng khí cho tế bào. Cấu trúc của huyết cầu tố chỉ hoàn chỉnh khi có chất sắt. Nói cách khác, thiếu sắt thì tế bào ngộp thở. Thiếu sắt thì tế bào không có năng lượng. Vắng sắt thì tế bào đi lần vào tình huống xơ cứng, già nua và diệt vong.

Để ngăn ngừa tình trạng thiếu máu, tủy xương phải sản xuất trong mỗi giây đồng hồ hơn hai triệu hồng huyết cầu. Trên đối tượng đang bị thiếu máu thì tủy xương phải gia tăng hoạt động, có khi đến 6 lần cao hơn mức độ bình thường. Nếu ngay lúc đó, cơ thể lại không có sẵn chất sắt để xây dựng huyết cầu tố thì phần lớn hồng huyết cầu sau khi hình thành sẽ ăn không ngồi rồi vô tích sự, như trường đại học đào tạo thật nhiều sinh viên nhưng lại không có đủ việc làm, để trí thức chữ nghĩa đầy mình vẫn phải ngồi chơi xơi nước. Trong ý nghĩa vừa trình bày, cần phải lưu tâm với chế độ dinh dưỡng đủ cung cấp chất sắt một cách đều đặn.

Chất sắt có thêm lợi điểm là hồng huyết cầu sau khi cung cấp xong dưỡng khí sẽ mang sắt trở về gan và lá lách để chất sắt được ly trích và tái sử dụng. Thành phần sắt trong thực phẩm muốn được hấp thu cần có môi trường chua của dịch vị. Người có bệnh dạ dày dưới dạng thiếu dịch vị vì thế dễ bị thiếu sắt. Sắt tuy có nhiều trong rau cải nhưng lại dưới dạng khó hấp thu hơn thành phần sắt trong thực phẩm nguồn động vật. Muốn khắc phục khuyết điểm này nên ăn rau cải dưới dạng làm chua, ngâm giấm.

Khả năng hấp thu sắt cũng bị giảm thiểu khi bữa ăn có nhiều đậu hay tàu hũ. Người ăn chay do đó là đối tượng dễ bị thiếu sắt. Thêm vào đó, thuốc bao tử, cà phê, trà là những yếu tố cản trở quy trình hấp thu chất sắt. Ngược lại, sinh tố C là người bạn trung thành của chất sắt. Do đó, khi ăn thịt, cá nên tráng miệng với hoa quả tươi hay ly nước ép trái cây để tận dụng nguồn khoáng tố sắt.

Sắt có nhiều trong đồ lòng như: gan, tim, lưỡi, trong nghêu, sò, hột bí, khoai lang, bông cải, bắp cải, đậu xanh, cà rốt, cải broccoli, rau muống, rau dền, cà chua. Cơ thể cần mỗi ngày khoảng 10-12mg sắt. Phụ nữ trong chu kỳ kinh nguyệt phải thất thoát nhiều chất sắt nên có nhu cầu cao hơn, khoảng 25mg sắt mỗi ngày. Tình trạng thiếu sắt thường biểu lộ qua triệu chứng thiếu máu, mệt mỏi, móng tay dễ gãy, rụng tóc, da khô, táo bón, buồn nôn, nhức đầu, ngộp thở, hồi hộp, đổ mồ hôi trộm, lo sợ vô cớ, tê đầu ngón tay. Người làm việc nặng, đối tượng chơi thể thao nếu có khuynh hướng bị vọp bẻ, rất thường khi là do thiếu sắt.

Sắt có tác dụng cộng hưởng với khoáng tố lưu huỳnh. Cả hai thành phần này cần thiết cho quy trình hình thành nhiều loại men liên quan đến hệ thống xương khớp và bắp thịt. Dấu hiệu dễ nhận thấy do thiếu sắt là tình trạng mỏi cơ. Bên cạnh đó, thành phần kích tố gây cảm giác lạc quan cũng giảm thiểu trầm trọng trên đối tượng không có đủ chất sắt. Bạn hãy tự phác họa hình ảnh người luôn rã rượi buồn chán thì sẽ đánh giá đúng mức giá trị của chất sắt trong sinh hoạt thường ngày.

(Trích "Khỏe vì sinh tố mạnh nhờ khoáng tố" BS. Lương Lễ Hoàng)

SELEN

Khám phá vào cuối thập niên 70 về tác dụng phòng bệnh của khoáng tố selen đã thể hiện ngay một lợi điểm trước mắt. Hàng trăm ngàn chuyên viên sinh hóa, dinh dưỡng, dược lý ở phương Tây nhờ đó mà tìm được việc làm, vì hiếm có thành phần khoáng tố nào được nghiên cứu khẩn cấp trong hai thập niên vừa qua cho bằng selen.

Selen có nhiều điểm tương đồng với khoáng tố lưu huỳnh về mặt tác dụng. Selen và lưu huỳnh là thành phần thiết yếu để nhiều loại kích tố nội sinh có thể chuyển sang dạng tác động trong cơ thể, đặc biệt là kích tố tuyến giáp trạng. Thiếu selen thì kích tố dù có được sản xuất đầy đủ cũng như không, vì kích tố không có tác dụng trên thực tế. Trên cơ sở đó, selen giữ vai trò tối quan trọng cho hoạt động của hệ thống miễn nhiễm.

Cơ thể chỉ cần mỗi ngày khoảng 0,005-0,02mg selen. Selen có lợi điểm trên khía cạnh dinh dưỡng vì thành phần này phân phối đều trong nhiều loại thực phẩm: cá, tôm, cua, ngũ cốc, rau cải, sữa, trứng, thịt, đồ lòng, nấm, tỏi... Điểm bất lợi là hàm lượng selen thay đổi tùy theo chất lượng của sản phẩm. Thêm vào đó, thành phần selen trong thịt cá không phù hợp cho cơ thể bằng selen trong nông phẩm. Rau cải, ngũ cốc canh tác bằng phân bón hóa học, phát triển trong môi trường nước thải ô nhiễm, thực phẩm được chế biến, khuynh hướng chiên xào quá lâu là những yếu tố hủy hoại thành phần selen trong lương thực. Một ví dụ cụ thể: gạo lức có hàm lượng selen cao gấp 15 lần gạo trắng. Thực phẩm nên được đặc biệt lưu ý vì hàm lượng selen tương đối ổn định và vì có nhiều hoạt chất cộng hưởng với selen là tỏi.

Selen là thành phần căn bản trong cấu trúc của hệ thống men có nhiệm vụ lùng bắt độc chất "oxy-hóa". Không kể đến đối tượng phải làm việc nặng, tuy không muốn vẫn phải đổ mồ hôi để đổi chén cơm, người chơi thể thao thường nghĩ rằng càng vận động càng khỏe là quan niệm sai lầm. Cơ thể càng vận động càng dùng nhiều dưỡng khí để cung cấp năng lượng cho tế bào. Song song với quá trình tiêu thụ dưỡng khí, cơ thể cũng tự phóng thích nhiều độc chất "oxy-hóa". Cơ thể sau khi vận động chỉ khỏe về lâu về dài khi cơ thể có đủ nguồn dự trữ các hoạt chất có khả năng trung hòa độc chất "oxy-hóa" như khoáng tố selen.

Các nhà nghiên cứu đã ghi nhận từ lâu hiện tượng rất nhiều người tập thể hình thẩm mỹ (body building) lúc đầu có thân hình rất hấp dẫn như pho tượng trong truyền thuyết Hy Lạp, nhưng về sau lại dễ nhiễm nhiều bệnh nặng như: thấp khớp, ung thư. Các đối tượng này thường có hàm lượng selen rất thấp. Nói cách khác, cơ thể càng có đủ selen càng lâu già, lâu mòn. Nếu chơi thể thao mà cơ thể thiếu selen thì tốt hơn đừng đua đòi vận động. Selen vì thế là thành phần khoáng tố cần được lưu tâm chú trọng cho người lao động nặng, cho vận động viên.

Nhiều công trình nghiên cứu vào cuối thập niên 90 đã xác minh vai trò phòng bệnh mắt cườm và tắc động mạch vành tim của khoáng tố selen. Selen còn có tác dụng cộng hưởng với sinh tố E để chống hiện tượng máu quá đậm đặc trong mạch cũng như để giảm thiểu lượng mỡ trong máu. Selen yểm trợ chức năng sinh dục. Thiếu selen là một trong các nguyên nhân khiến nhiều ông không con nối dõi.

Thêm vào đó, selen hưng phấn quy trình đào thải các khoáng tố có hại cho hoạt động thần kinh như: thủy ngân, cadmium và bạc. Nhờ có selen mà tuyến giáp trạng hoạt động hăng hái, con người trở thành lạc quan yêu đời. Cơ thể thiếu selen thì thị lực bị giảm sút, vết thương khó lành, dễ bị bội nhiễm, rụng tóc, gãy móng tay, đau khớp, thiếu máu, mỏi cơ, người bệnh đâm ra đãng trí và mất dần khả năng tập trung tinh thần.

Theo quan điểm của nhiều thầy thuốc coi trọng trường phái sinh học, selen là phương tiện mang nhiều hứa hẹn của nền y học tương lai, là thành phần không thể thiếu sót trong quy trình điều trị dự phòng và hậu ung thư.

(Trích "Khỏe vì sinh tố mạnh nhờ khoáng tố BS. Lương Lễ Hoàng)

SILICIUM

Da là cơ quan lớn nhất của cơ thể với diện tích gần 2 mét vuông. Trên mỗi phân vuông của lớp da, người ta đếm được không dưới 13 triệu tế bào. Muốn da tươi mãi, muốn da đẹp hoài thì tế bào da phải được nuôi dưỡng đầy đủ với chất tạo hình, với nhiều loại sinh tố như A, E và đặc biệt với khoáng tố như silicium.

Silicium là thành phần thiết yếu cho quy trình kiến tạo mô liên kết và mô sụn. Thiếu silicium thì da không có đủ lớp sợi đàn hồi. Da khi đó sẽ mất tính mềm dẻo, thun giãn. Nếp nhăn trên da vì thế có cơ hội thành hình. Con người phải bắt đầu đối diện với hình ảnh của tuổi già. Cơ thể đối tượng còn vị thành niên, vì nhu cầu gia tăng diện tích của lớp da để theo kịp đà tăng trưởng, phải cần nhiều silicium hơn người đã trưởng thành.

Do ảnh hưởng toàn diện trên mô liên kết, chức năng của silicium không chỉ khu trú trên cấu trúc của da. Silicium còn giúp chân tóc phát triển để tóc mọc dài, để tóc tươi nhuận. Nhờ silicium mà mạch máu giữ được tính mềm dẻo, mạch tân dịch tránh được tình trạng chai khô. Silicium trên cơ chế vừa trình bày có khả năng phòng ngừa chứng xơ cứng mạch máu. Thêm vào đó, silicium tráng đều lớp nền của mô xương để cố định chất vôi và fluor. Nhờ silicium mà xương được bền vững. Ngoài ra, silicium thông qua cơ chế tương tranh còn có chức năng giải độc nhôm cho hệ thần kinh trung ương.

Cơ thể con người tùy theo tình trạng hoạt động, cần mỗi ngày trung bình 5-20mg silicium. Silicium có rất ít trong thực phẩm nguồn động vật. Dạng thực phẩm cung cấp dồi dào silicium là các loại cải và củ: cải bẹ xanh, cải ngọt, củ su hào, củ cải trắng. Phụ nữ phương Đông từ bao thế hệ đã có kinh nghiệm ăn cải để làm đẹp nước da. Hình thức dinh dưỡng thiếu rau, cải, đậu là nguyên nhân thường gặp của tình trạng khiếm khuyết khoáng tố silicium với hậu quả tai hại trên hệ thống mao mạch. Hiện tượng này cần được lưu ý trên người nghiện rượu, vì đệ tử của Lưu Linh có mấy người thích ăn rau cải!

(Trích "Khỏe vì sinh tố mạnh nhờ khoáng tố BS. Lương Lễ Hoàng)

THẠCH TÍN

Hai tiếng thạch tín thường chỉ gây ấn tượng hãi hùng qua hình ảnh chất độc hại người, không mùi, không vị trong phim hình sự, trong tiểu thuyết trinh thám. Trên thực tế, thạch tín là thành phần quan trọng của hàng trăm dược phẩm thông dụng từ thập niên 30 để điều trị sốt rét, hen suyễn, lao, phong thấp...

Thạch tín chỉ trở thành chất độc khi khoáng tố này hội đủ liều cao trong máu. Để ngăn ngừa hiểm họa này, cơ thể luôn luôn tìm cách tống khứ thạch tín ra da, tóc, móng tay, móng chân. Trên khía cạnh chuyển hóa, thạch tín có mối liên hệ mật thiết với khoáng tố selen trong ý nghĩa tương khắc.

Tình trạng thiếu hụt selen là điều kiện thuận tiện để thạch tín có cơ hội tích lũy trong cơ thể. Thành phần thạch tín trong môi trường ô nhiễm cũng có thể xâm nhập cơ thể qua da hay theo đường hô hấp. Cũng vì nước thải của nhà máy kỹ nghệ mà hải sản có thể nhiễm độc thạch tín. Dù vậy, cơ thể khó bị nhiễm độc thạch tín qua đường dinh dưỡng, vì cơ thể mỗi ngày không cần hơn 0,000015g thạch tín dưới dạng sinh học không gây hại từ thịt, cá và ngũ cốc.

Thạch tín có ảnh hưởng trên toàn bộ quy trình chuyển hóa chất đạm và đặc biệt chi phối cấu trúc của tín hiệu gene trong nhân tế bào. Nói cách khác, hiện tượng nảy sinh tế bào ung thư có thể liên hệ mật thiết với tình trạng thiếu hụt khoáng tố thạch tín. Bên cạnh đó, đối tượng không có đủ thạch tín trong cơ thể dễ gặp nhiều vấn đề như: yếu cơ, mệt mỏi, suy tim, hiếm muộn. Dựa vào tác dụng của thạch tín trên thành phần gene, nhiều nhà điều trị theo trường phái vi lượng đồng căn (homeopathy) ở châu Âu hiện có khuynh hướng áp dụng thạch tín ở liều pha thật loãng để điều trị ung thư sau khi xạ trị hay giải phẫu. Thạch tín tùy theo liều lượng mà lúc thì mang mặt ác nhân, khi lại khoác áo thiện lương.

(Trích "Khỏe vì sinh tố mạnh nhờ khoáng tố" BS. Lương Lễ Hoàng)

VANADIUM

Cho đến đầu thập niên 90, người ta vẫn còn quan niệm vanadium là khoáng tố không cần thiết cho cơ thể con người. Nhờ sự phát triển của kính hiển vi điện tử, người ta mới phát hiện được vai trò quan trọng của vanadium sau khi ghi nhận chức năng của thành phần này trong đời sống các loại vi sinh. Các nhà nghiên cứu đồng thời đúc kết trên thực nghiệm là tuyến giáp trạng của sinh vật nuôi bằng hình thức dinh dưỡng thiếu hẳn vanadium sẽ không còn khả năng sản xuất kích tố. Nói cách khác, tình trạng thiếu vanadium trong chế độ dinh dưỡng có thể là nguyên nhân của bệnh tuyến giáp.

Cơ thể không cần nhiều vanadium. Vanadium có nhiều trong nghêu, sò, tôm, cua, ốc, nấm, tiêu, ngò. Vanadium cũng là thành phần chủ yếu trong nấm linh chi. Chỉ cần tránh hình thức dinh dưỡng đơn điệu thì không thể thiếu vanadium. Hiện tượng nhiễm độc vanadium do ăn quá nhiều hải sản không có trên thực tế, vì khó có ai ngày ngày ăn sò thay cơm. Nhưng bụi khói nhà máy kỹ nghệ là nguyên nhân gây nhiễm độc vanadium, thường gặp dưới hình thức viêm phế quản, viêm giác mạc và viêm da.

Vanadium tuy hữu ích cho cơ thể nhưng lại gây hại một cách gián tiếp ở hàm lượng cao. Do đó, vấn đề còn tồn đọng cho người tiêu thụ là làm sao phòng tránh tình trạng tích lũy vanadium. Nhu cầu về vanadium mỗi ngày không nên nhiều hơn 0,0003mg vì lượng vanadium thu nhập nếu cao hơn 0,001g thì khoáng tố này sẽ tích lũy trong hệ thần kinh não bộ. Khi đó vanadium sẽ cản trở quy trình hấp thu các khoáng tố sắt, kẽm, chrom và dẫn đến nhiều hình thức rối loạn chuyển hóa theo phản ứng dây chuyền.

Sinh tố C có tác dụng hưng phấn vận tốc đào thải vanadium. Công nhân trong môi trường ô nhiễm, người phải thường xuyên căng thẳng thần kinh, đối tượng không có phương tiện dinh dưỡng thường lệ với rau cải tươi nên tiếp hơi cho cơ thể với sinh tố C ở liều cao để lượng vanadium nằm đúng khuôn khổ hữu ích. Bệnh nhân bị chứng thiếu máu và thiếu sắt cũng là đối tượng phải cẩn thận với khoáng tố Vanadium sẽ bội tăng bất ngờ khi cơ thể không có đủ chất sắt.

Trong thời gian gần đây, các nhà nghiên cứu đã xác định là vanadium có tác dụng hưng phấn quy trình tăng trưởng của xương, răng và sụn. Trên đối tượng có đủ khoáng tố vanadium thì xương gãy mau lành, răng lâu hư, khớp ít bị thoái hóa.

Vanadium vì thế là thành phần cần được chú trọng trong nha khoa và ngành chỉnh trực. Nhiều nhà điều trị khoa tim mạch cũng ghi nhận là vanadium yểm trợ và ổn định tác dụng hạ chất mỡ trong máu nếu khoáng tố này được kết hợp trong quy trình điều trị. Kiến thức khoa học về vanadium tuy hãy còn rất giới hạn nhưng khoáng tố này chắc chắn là phương tiện điều trị với nhiều triển vọng trong tương lai.

(Trích "Khỏe vì sinh tố mạnh nhờ khoáng tố" BS. Lương Lễ Hoàng)

NHU CẦU VITAMIN VÀ KHOÁNG CHẤT HÀNG NGÀY

(Theo số liệu Viện Dinh Dưỡng VN)

Dinh dưỡng 12 tuổi P.nữ Có thai P.nữ cho con bú

Vitamin A (mcg) 400 - 500 500 - 600 800 850

Vitamin C (mg) 30 - 40 40 - 45 55 70

Vitamin D (mcg) 5 5 - 10 5 5

Vitamin E (mg) 5 - 7.5 7.5 - 10 10 10

Vitamin B1 (mg) 0.5 - 1.1 1.1 - 1.2 1.4 1.5

Vitamin B2 (mg) 0.5 - 1.1 1.1 - 1.3 1.4 1.6

Vitamin B3 (mg) 6 - 16 14 - 16 18 17

Vitamin B5 (mg) 2 - 5 5 6 7

Vitamin B6 (mg) 0.5 - 1.3 1.3 - 1.7 1.9 2

Vitamin B9 (mcg) 160 - 400 400 600 500

Vitamin B12(mcg) 0.9 - 2.4 2.4 2.6 2.8

Canxi (mg) 500-1300 1000-1300 1200 1000

Sắt (mg) 6-15 15-19-33 48 48

Kẽm (mg) 2.4-19.2 4.2-14 3.4 - 20 4.3 - 19

Đồng (mg) 2-5 5 5 5

Ma-nhê (mg) 60-230 230-260 220 270

I-ốt (mcg) 75-135 110-130 200 200

Phốt-pho (mg) 400-1000 800-1200 1200 1200

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro

#minh