Phần 2

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

2
Một buổi sớm mùa thu dịu mát, cô Cương dẫn chúng tôi vào trường cấp một. Trường là một khu đình núp dưới mấy cây bàng cổ thụ xanh ngắt.
Buổi khai trương trường đầu tiên này tôi vô cùng bỡ ngỡ. Lẫn giữa đám đông chưa quen biết, hàng mấy trăm con người đang ồn ào huyên náo, tôi cứ tưởng mình đang đi trong mơ. Lạ lùng đến nỗi tôi đâm ra sợ sệt khép nép không dám rời cô Cương nửa bước. Dường như hiểu tâm trạng tôi nên đi đâu, đứng đâu cô Cương cũng dắt tôi theo.
Bỗng một hồi còi lanh lãnh rít lên. Cô Cương dẫn chúng tôi vào hàng. Tập hợp xong đâu đấy, cô liền đi đến một chỗ thầy giáo đang đứng trước hàng chúng tôi. Sau này tôi mới rõ đó là thầy Mộc dạy lớp Một chúng tôi đấy. Không hiểu cô nói gì với thầy. Một lát sau cô lại ngồi xuống bên chỗ tôi, nghiêng sát đầu vào tai tôi, nói nhỏ:
-Thôi em ở đây, chốc nữa sẽ nhận thầy giáo mới. Từ mai cô không dạy em nữa. Vào lớp mới, em cố gắng học cho ngoan nhé.
Cô lại quay sang bảo Bằng và mấy bạn cùng xóm ngồi cạnh tôi:
-Chốc nữa các em nhớ dẫn Ký về với. Buổi đầu có bỡ ngỡ đấy nhưng sẽ quen dần. Các em nhớ bảo nhau giúp đỡ Ký, nhất là Bằng. Bây giờ cô về. Xa các em, cô mong các em cố gắng học tập, đoàn kết thương yêu giúp đỡ nhau hơn năm vừa rồi.
Lúc này tôi xúc động quá. Tôi muốn đưa tay giữ cô Cương lại. Tôi muốn nói với cô:"Cô ơi, cô đừng về nhé. Cô ở lại đây với chúng em một lát nữa!". Thế nhưng tôi không sao nói lên được một tiếng. Cô Cương đứng lên định bước đi. Không, cô vẫn chưa đi. Cô lại ngồi xuống bên chỗ tôi. Một phúc im lặng trôi qua. Cô Cương lại đứng dậy. Lần này thì cô lặng lẽ quay gót bước đi thật.Tôi ngẩng đầu đảo mắt nhìn theo. Cô cũng quay lại chớp mắt nhìn tôi và các bạn một lần nữa. Khi bóng cô Cương khuất hẳn giữa cánh đồng lúa xanh mênh mông, tôi mới lặng lẽ cúi đầu.
Trên lễ đài, tiếng thầy hiệu trưởng dõng dạc vang lên. Tất cả các bạn đều chăm chú lắng nghe. Riêng tôi không còn lòng dạ nào theo dõi nữa. Tất cả tâm trí tôi đang hướng về cô Cương. Tôi làm sao quên được buổi học đầu tiên cô đến tận nhà dẫn tôi đến lớp, những cái bút chì xanh đỏ cô đã cho, những lần cô tự tay tập cho chân tôi viết...
Tôi đã ăn xong bữa cơm sáng mà trận mưa vẫn chưa ngớt. Từ hôm vào học đến nay, không buổi nào mà trời lại không mưa thế này. "Chết thật, sao muộn rồi mà Bằng vẫn chưa đến đón mình đi học? Mình phải mau sửa soạn sách vở để đi thôi". Tôi thầm nghĩ và nhìn ra sân. Mưa vẫn xối xả. Nước từ hồi nhà, từ mảnh vườn phía sau cứ cuồn cuộn đổ vào như một dòng suối.
-Mưa thế này hôm nay không đi học được đâu con ạ. Ở nhà nghĩ một buổi vậy- Bố tôi ngó ra cửa và quay vào nói với tôi.
-Không sao đâu, con cứ đi đây –Tôi đáp quả quyết.
-Đừng có liều. Mưa gió thế này đi với đứng gì, ngã một cái thì chết. Trường lại ở mãi trong xã chứ có phải ở xóm như trước nữa đâu mà bảo đi mấy bước là tới –Mẹ tôi lo lắng lườm tôi và bảo.
-Thế sao chúng nó đi được!
-Chúng nó có tay chúng nó chống được gậy, khi ngã còn gường dậy được, chớ con thì...-Mẹ tôi vừa nói đến đó, bỗng ngoài ngõ có tiếng người gọi. Bằng lù lù khoác áo tơi bước vào sân.
-Đi học thôi Ký ơi, muộn rồi đấy.
Từ ngày vào lớp một, sáng nào Bằng cũng đến gọi tôi cùng đi học. Có lẽ sáng nay trời mưa quá nên Bằng đến hơi muộn đây. Không do dự gì, tôi liền bảo Bằng cứ bỏ chung sách vào cái túi dết của tôi. Biết không giữ được tôi ở nhà, mẹ tôi liền mở tủ lấy chiếc áo mưa quàng cho tôi và nói:
-Mày thật chẳng ăn lời. Mưa như nước đổ thế này, bảo ở nhà nghĩ một buổi cũng nhất định không chịu. Mới học có một lớp mà cứ làm như đã học đến lớp năm, lớp sáu chả bằng... Thôi chờ một lát rồi hãy đi. Khi đi anh em nhớ dắt ngay thế nào cho khỏi ngã. Bằng nhớ giúp Ký với cháu nhé!
-Chúng con phải đi ngay đây không muộn mất.
Nói rồi tôi cùng Bằng lôi ra sân mặc cho mưa vẫn sầm sập đổ xuống quanh mình.
Đi hết con đường ngang trong xóm, chúng tôi đã đến con đường dọc chạy thẳng vào trường. Đoạn đường này dài hơn một cây số. Đường toàn đất thịt nên rất trơn. Bằng phải hai tay chống gậy mà vẫn trượt luôn. Đi ngược chiều gió, chiếc áo mưa của tôi cứ bay tốc lên. Chốc chốc Bằng phải dừng lại kéo xuống hộ tôi. Nhưng chỉ được một lát nó lại cuốn lên như cũ. Cuối cùng không biết làm thế nào hai tôi đành trú ở một nhà ven đường. Bằng gửi lại chiếc áo tơi rồi khoác chung áo mưa với tôi, ra đi tiếp, cốt sao cả hai đừng ướt sách và đầu là được. Có lúc tôi bị ngã kéo luôn cả Bằng ngã theo. Hai đứa lúng túng trong áo mưa, một lát sau mới lồm cồm bò dậy được. Đến lớp quần áo dính bùn bê bết, Bằng lại đưa tôi ra rột rửa. Thấy tôi ướt át khắp người, thầy Mộc khuyên:
-Ký có lạnh lắm không em? Về nhà thay quần áo rồi nghỉ ngơi cho đỡ mệt em ạ. Từ mai nếu ngày nào mưa quá em cứ nghỉ ở nhà. Còn bài vở thầy sẽ bảo Bằng về nói lại và chép cho.
Nói thế thôi chứ đời nào tôi chịu quay về. Tôi thấy học tập đã đem lại cho mình nguồn vui, nguồn ham thích vô hạn.
Ở nhà chưa bao giờ vì ham chơi mà tôi quên bài vở cả. Mọi bài tập thầy cho, tôi đều miệt mài làm bằng hết. Cả quyển sách tập đọc, bất kể là thơ hay văn xuôi, cứ đọc ở lớp đến đâu là tôi học thuộc lòng đến đấy.
Trong tất cả các môn học từ lớp một đến lớp bốn, có lẽ thủ công là môn tôi gờm nhất. Ấy thế nhưng tôi rất thú nó đấy.
Hôm ấy có giờ thủ công. Vâng lời thầy Mộc dặn hôm trước, tôi cũng mang đầy đủ dao, tre đến lớp để đan vỉ ruồi. Mấy thanh tre này bố tôi chẻ sẵn từ trước định đưa cho ông ngoại tôi khoáy mấy chiếc hom giỏ. Thấy tôi hỏi xin, bố tôi đã buộc chặt lại đeo vào túi dết cho tôi mang đến lớp.
Sau khi hướng dẫn chung trước lớp, thầy Mộc xuống từng bàn, chỉ bảo tỉ mỉ cho chúng tôi từ cách vót nan đến cách đan thế nào cho đẹp.
Thầy dừng lại ở chỗ tôi khá lâu.
-Liệu Ký có đan được không em? –Thầy từ từ ngồi xuống bên tôi khẽ hỏi.
-Dạ được thầy ạ!
Tôi trả lời có vẻ cả quyết nhưng thực ra trong bụng vẫn chưa tin là mình làm được. Ngồi đã gần nửa giờ mà tôi vẫn chưa vót được nan nào. Ấy là chưa nói đến đan đấy. Các bạn cầm dao trong cứ dễ như trò chơi. Vót đến đây là tre cứ đi tuồn tuột đến đấy. Còn tôi kỳ cục mãi vẫn chưa thế nào cầm cho chắc được con dao nhíp. Vừa cặp lấy thanh tre, mới kịp đụng dao vào là dao đã rời khỏi chân và thanh tre cũng tuột mất. Mãi sau tôi mới chịu đưa Bằng chẻ nan hộ. Còn cái khoản vót thì tôi định cố gắng làm lấy. Nhưng cũng không ổn. Ngón chân ngắn quá, tôi biết tỳ vào đâu để vót được. Lát sau tôi liền nghĩ cách đặt nan tre xuống chiếu (vì hồi đó sáng nào đi học tôi cũngđeo theo một chiếc chiếu nhỏ đặt xuống sàn lớp để viết). Nhưng rồi loay hoay mãi tôi vẫn chưa vót được nan nào. Lưỡi dao trượt trên thanh tre như trêu tức tôi. Hay mình cầm dao không đúng cách? Nghĩ thế tôi liền cặp con dao cho đứng lưỡi lại. Nhưng rủi thay, lần này lưỡi dao lại bập xuống sâu quá làm đứt đôi cả nan tre. Thấy thế thầy Mộc liền cầm mấy thanh tre vót hộ nan cho tôi.
Có nan rồi tôi bắt đầu tập đan. Chà, đây mới là lúc khó nhất. Chiếc vỉ ruồi đã nhỏ, ngón chân lại to thành ra tôi không thể luồn qua các kẽ nan dọc để đan được. Tôi phải đặt nó xuống chiếu đan như đan rổ. Mỗi khi đến chỗ gập nan là tôi lại thấy lúng túng. Tôi không thể dùng chân để xoắn nan lại mà gập dễ dàng được. Cứ mỗi lần như vậy là chiếc nan bị gãy. Vừa đan được chừng hai nan thì chiếc nan dọc ở giữa cũng gãy nốt. Tôi bần thần cả người, ngồi thừ ra tiếc rẻ. Thầy Mộc lắc đầu khuyên:
-Chẳng đan được đâu em ạ. Thôi thầy miễn cho đấy. Giờ thủ công sau em không phải đem vỉ ruồi đi nộp nữa.
Không chịu thất bại, về nhà tôi mày mò tìm cách đan bằng được chiếc vỉ ruồi.
Tôi nhờ Bằng ra bờ tre sau nhà chặt về một cây tre thưa đốt. Bằng lanh lẹ chẻ nan rồi hì hụi đi mài con dao nhíp cho tôi. Tôi bắt đầu vót nan và đan. Lần này đã có kinh nghiệm. tôi không tì nan xuống chiếu nữa. Tôi chồng ba quyển sách cho cao vừa tầm chân. Tôi đặt mảnh bìa cứng lên và đặt chiếc nan tre lên đó mà vót. Tôi chú ý vót rất cẩn thận. Chân trái giữ tre, chân phải cầm dao, khe khẽ đưa nhẹ lưỡi dao vót từng tí một. Tôi không vót to như những nan ở lớp. Nan nào cũng nhỉn hơn chiếc tăm một ít, vì nan nhỏ như vậy khi đan đến chỗ gập cũng không bị gãy. Hơn nữa nhờ nan nhỏ tôi đã dễ dàng luồn được nó qua các nan dọc.
Sáng hôm sau mang chiếc vỉ ruồi đến nộp cho thầy, tôi được điểm bảy. Đó là một trong ba chiếc vỉ ruồi đạt điểm cao nhất được thầy nên trước lớp.
Sau lần đan vỉ ruồi tôi nghĩ mình có thể đan được nhiều thứ khác. Hôm đến chơi nhà ông ngoại, tôi mê mẩn ngắm nhìn ông lúi húi đan một cái rổ. Ông tôi đã ngoài tám mươi tuổi. Cả mái tóc và chòm râu đều trắng như cước. Lưng ông đã gù, khi đan lại phải cuối xuống. Chắc ông mỏi lắm. Vừa ngồi xem ông đan, tôi vừa hỏi ông những chuyện đời xưa. Ông kể ngày xưa làng tôi chỉ là một bãi biển, sau đó biến thành một cánh đồng cói. Cách đây khoảng vài trăm năm mới có người đến ở. Họ chỉ chuyên làm nghề quay tơ, dệt  chiếu. Có lẽ vì thế nên làng tôi có tên là làng Cồn Quay. Sau đấy người ta bắt đầu phá cói trồng lúa. Nhưng vì đất rất nhiều cỏ gấu, phần lớn lại do bọn địa chủ phú nông chiếm giữ nên dân làng phải phiêu bạt các nơi sinh sống. Chính ông tôi phải ra tận Xuân Hà làm nghề cất vó kiếm ăn. Sau Cách mạng tháng Tám và nhất là sau khi hoà bình lập lại, dân làng lũ lượt kéo nhau về. Từ đó làng ta mới trở thành trù phú đông đúc như ngày nay...
Tôi cũng tỉ tê khoe với ông những chuyện học tập của mình. Lát sau tôi mạnh dạn nói:
-Ông ơi, cho cháu đan thử một tí nhé!
Ông toi cười khà khà, xoa đầu tôi:
-Cháu cũng đan được à?
-Cháu đan được. Ông cứ để cháu thử một tí thôi.
Ông chiều tôi liền ngồi tránh sang bên và cầm một chiếc nan đưa cho tôi.
-Ừ, thử đan xem nào!
Thật bối rối quá. Tôi để ý ngồi theo dõi  ông đan từ nãy và tưởng đã nắm chắc cách đan rồi. Không ngờ bây giờ tôi lại quên khuấy. Tôi lúng túng không biết cất nan nào đè nan nào. Chỉ sợ ông lại đòi thì nguy mất. Tôi đánh liều cứ bật hết nan này đến nan khác đan phứa vào, làm ra vẻ ta đây thành thạo lắm. Chẳng ngờ vừa đan xong một nan ông đã lắc đầu:
-Cái thằng, đan thế này à!
Ông thong thả chỉ rõ tôi cách đan. Đúng rồi, phải cất hai đè hai. Tôi vừa đan vừa lẩm bẩm theo lời ông dặn. Quả thật lúc sau tôi đã đan xong một nan.
-Đúng rồi cháu cứ đan như thế là được đấy.
Được ông khen tôi sướng quá ngồi mê mải đan tiếp nan thứ hai rồi thứ ba...
Như vậy là cháu biết đan rồi. Thôi chạy đi chơi đi, để ông đan cho .Ông lên giường nằm cho đỡ đau lưng ông ạ!-Tôi lên giọng người lớn khẩn khoản nói với ông. Được ông đồng ý, tôi khoái chí miệt mài ngồi đan một mạch. Vừa đến bữa cơm trưa thì chiếc mê rổ cũng chỉ còn vỏn vẹn mười nan nữa là xong. Vâng lời ông tôi đứng dậy chạy về ăn cơm, lòng khấp khởi lạ thường. Từ đấy rổ rá trong nhà thường không phải mua. Tre sẵn ngoài bờ. Bố tôi chặt về tranh thủ những lúc rỗi việc đồng chẻ nan cho tôi. Thấy tôi cặm cụi ngồi đan, mẹ tôi tìm cách can ngăn:
-Thôi con ạ! Cái rổ đáng giá dăm ba hào chỉ chứ đáng giá gì mà hì hục mãi cho mệt. Đứng dậy đi con. Các bạn đang gọi đi chơi ngoài kia kìa.
Tôi không chịu đứng dậy, vẫn mải mê ngồi đan:
-Con chẳng đi đâu cả. Ngồi đan thế  này con thấy thích hơn cơ. Bằng cho tôi một con sáo. Tôi chỉ việc kiếm lồng là bắt về. Tôi ngỏ ý xin tiền mẹ mua cái lồng quả chuông. Mẹ tôi định lấy tiền cho. Bố tôi liền nói:
-Bà chỉ chiều con thôi. Nó thì sáo siếc gì mà cũng lồng với chạn.
Tôi buồn quá bỏ đi ngay. Sau, chờ lúc bố tôi vắng nhà, mẹ lại đưa tiền cho tôi. Tôi không nhận nữa.
Một hôm đi chơi về tôi rất ngạc nhiên thấy có chiếc lồng quả chuông đặt ở cửa. Đúng là chiếc lồng mới đan, còn nặng mùi tre ngâm. Của ai đây nhỉ?...Tôi đang sửng sốt thì mẹ tôi từ trong bếp bước ra:
-Chiếc lồng bố vừa nhờ ông con đan cho đấy.Thôi, nuôi tạm bằng chiếc lồng ấy, đừng mua nữa con nhé!
Chao ôi, còn gì sướng hơn nữa. Tôi mừng quá muốn nhảy cẫng lên được. Tôi hăm hở sang nhà Bằng xin ngay sáo về nuôi.
Mấy ngày sau trông các bạn có những chiếc lồng đan công phu rất đẹp, tôi lại thấy chán chiếc lồng của mình. Làm thế nào có chiếc lồng đẹp hơn chúng nó mới được. Tôi định sẽ đóng một chiếc lồng vuông. Nuôi sáo trong lồng vuông mới đẹp.
Sau gần một tuần hí hoáy đóng đi sửa lại, tôi đã đóng xong chiếc lồng vuông vừa ý. Tôi phải hì hục vót một trăm bốn mươi mốt nan tre, dùi đến sáu trăm sáu mươi lỗ. Làm xong lồng tôi mới biết ngón chân cái của mình đã sưng rộp lên. Nhưng vì say sưa với con sáo, nhìn nó nhảy nhót trong chiếc lồng xinh xắn, tôi quên cả đau nhức.
Những ngày đầu tôi nhờ Bằng cho sáo ăn hộ. Sau tôi tự cho ăn lấy. Tôi dùng chân vạch mỏ, mớm cơm cho nó. Khoái nhất là tôi đã dạy được nó theo người. Đi đâu về, mở cửa lồng ra, huýt nhẹ một tiếng là nó bay vút ra đậu trên vai tôi. Tôi âu yếm vuốt ve nó như người thân thiết. Mẹ về chợ mua quả chuối, tôi cũng không quên dành cho nó một nửa. Mỗi lần đến chơi, Bằng, Oánh, Thuỷ rất thích con sáo và cái lồng của tôi.
Những giờ thủ công đan lát đã hết. Chúng tôi chuyển sang tập khâu vá. Món này cũng gay lắm đây. Ngay việc tập xâu kim cho được cũng không dễ. Vừa cặp đến chiếc kim là ngón chân đã run rồi, còn nói gì đến việc luồn chỉ nữa. Mắt lại phải nhìn xa, thấy được cho rõ mũi kim là đã hoa cả mắt.
-Đưa t xâu cho. Hì hục mãi làm gì cho khổ -Bằng nói rồi cầm luôn lấy cây kim hộ tôi.
"Đã bảo tập làm thủ công lại đi nhờ người làm hộ thì còn ra gì nữa", tôi thầm nghĩ và quyết định phải tập xâu lấy. Bằng ngồi bên cạnh vuốt đầu chỉ cho tôi xâu. Một lần chưa được tôi cứ cặm cụi tập đi tập lại như thế rất nhiều. Cuối cùng tôi đã xâu được kim. Khi khâu tôi thường đặt miếng vải xuống chiếu, tỉ mỉ khâu từng mũi một. Về sau quen dần, tôi cầm vải lên chân và khâu liền một lúc ba bốn mũi như các bạn.
Những bài thủ công khâu vá ấy tôi cũng thường đạt bảy, tám.
Nghe tin tôi khâu vá được, các bạn trong xóm rất lạ.
Một hôm tôi cùng Bằng đến nhà bác Sơn chơi, gặp lúc bác đang làm bướm treo áo. Thấy tôi vào, bác bảo ngay:
-Bác nghe nói cháu khâu vá được, nhờ cháu xâu kim và đơm vào hộ bác một tý nhé. Rồi cháu muốn gì, bác sẽ thưởng cho.
Đúng rồi, bác Sơn muốn thử tôi đây. Thú thật tôi thấy ngại cái món biểu diễn này lắm. Đã nhiều lần gặp người lạ, họ cứ bảo tôi viết nhưng hầu như chẳng bao giờ tôi chịu viết cả. Tôi cứ ngường ngượng thế nào ấy.
Tôi đang lưỡng lự định từ chối thì Bằng đã nói:
-Cứ làm đi Ký ạ.Nếu được đòi bác thưởng cho con bướm đẹp nhất đóng ở cột kia kìa.
Con bướm bằng gỗ, hai cánh sơn đen có khắc nổi rất tuyệt. Hai cái râu bằng thép cuộn lại vểnh lên như hai dấu ngã. Trông mê lắm.
-Ừ, bác sẽ thưởng cho cháu.
Tôi ngần ngừ mãi rồi mới nhân lời.
Bác Sơn liền ngừng tay chạy đến ngồi trông tôi làm.
Cầm kim khâu xong, tôi bắt đầu đơm cúc. Quả là đơm cái cúc khó hơn khâu vá bình thường. Cái cúc nhỏ quá, dùng một chân vừa cặp vải vừa giữ đã là khó, đằng này lại phải giữ nó ở vị trí chính xác, phải lật úp lật ngửa để luồn kim qua lỗ thì còn khó biết bao! Có lần kim xuyên không trúng lỗ cúc mà xuyên ngay vào ngón chân nhức nhối.
Một lúc sau tôi đã đơm được chiếc cúc.
- Xong rồi đấy bác ạ!
Bác Sơn cầm chiếc áo, xoáy xoáy cái cúc rồi  cười xoà. Bác đứng dậy tháo con bướm xuống. Tôi liền bỏ chạy luôn về nhà.
Vừa về đến ngõ, tôi bỗng thấy Bằng tay cầm con bướm giật giật phía sau:
-Ký ơi! Bác Sơn cho con bướm thật đây này. Sướng nhé!
Thế là các môn từ đan lát đến khâu vá tôi đều làm được. Nay chúng tôi lại bước vào một môn thủ công mới. Đó là môn cắt chữ. Đối với tôi, có lẽ đây là môn khó nhất.
Tôi không biết cầm kéo thế nào cả. Vì ngón chân ngắn như vậy, tôi không thể nào luồn ngón chân trỏ và ngón chân cái vào hai mắt kéo để cắt như các bạn được. Tôi đổi sang cầm kéo bằng hai chân. Mỗi chân cầm một mắt kéo. Cắt thấy hơi đứt giấy, tôi phấp phỏng mừng thầm. Nhưng cả hai chân cầm kéo rồi còn biết lấy gì cầm giấy được. Tôi đang luống cuống bỗng có tiếng thầy Khiêm ở sau:
-Khó quá, thôi đừng cắt nữa em ạ. Việc gì em cũng làm được rồi, riêng cắt chữ không được cũng chẳng sao.
Mấy tiếng ồn ào cũng tiếp luôn:
-Đấy mà, tao bảo có sao đâu. Cắt thế nào bằng chân được kia chứ.
Giờ thủ công, cả lớp hồi hộp chờ thầy khiêm trả bài, cả lớp đều ồn ào khen đẹp khi thầy căng khẩu hiệu "Hồ Chủ tịch muôn năm!" lên bảng. Chiếc khẩu hiệu được cắt bằng giấy màu. Ba chữ "Hồ Chủ tịch" bằng giấy đỏ, hai chữ "muôn năm" bên dưới bằng giấy xanh. Nền khẩu hiệu là một băng giấy trắng bóng.
-Các em có biết của ai đây không? –Thầy Khiêm hỏi cả lớp.
-Thưa thầy, của bạn Bằng ạ!
-Thưa thầy, của bạn Huấn ạ!
-Thưa thầy, của bạn Thượng ạ!
-Không phải, thầy Khiêm lắc đầu và mỉm cười nhìn xuống lớp.
Cả lớp háo hức muốn biết ngay là bài của ai.
-Thưa thầy không biết ạ!
Thầy Khiêm thong thả nói từng tiếng:
-Đây chính là của em Ký.
Cả lớp ồn ào liền im bặt. Bỗng có tiếng ai cất lên:
-Thưa thầy bạn Ký nhờ ai cắt hộ ạ!
Thầy Khiêm bỏ câu khẩu hiệu xuống bàn, điềm tĩnh nói:
-Câu khẩu hiệu này do chính em Ký cắt. Thầy đã tự mắt trông thấy em Ký tự cắt ở nhà. Thấy khó khăn thầy đã miễn cho Ký. Nhưng với tinh thần tự giác, Ký đã tập và cắt được. Thầy cho Ký điểm mười. Còn em nào chưa tin, xin mời đến nhà, Ký sẽ cắt cho xem.
Không khí trở lại bình thường. Bỗng ở cuối lớp lại có tiếng nói rộ lên:
- Thưa thầy thế tại sao lần trước thu bài không có bài của bạn Ký ạ?
Đầu đuôi là thế này:
Sau giờ thủ công hôm ấy, về nhà tôi suy nghĩ mãi chả lẽ mình chịu cái môn cắt chữ này thất ư?
Không, các bạn cắt được, sao mình lại không cắt được.Tôi nghĩ vậy nên lại lục giấy kéo ra ngồi tập. Nhưng rồi tập mãi tôi vẫn không sao cầm được chiếc kéo. Nản quá, tôi liền vơ luôn cả dao kéo tống vào mốt xó.
Giữa lúc ấy tôi bất chợt nhìn lên tấm ảnh Bác treo giữa nhà. Tôi chợt nghĩ ra là sắp đến ngày sinh nhật của Bác.Thảo nào một tháng nay trường tôi đã phát động phong trào thi đua học tập và lao động thật tốt để lấy thành tích mừng thọ Bác Hồ. Ngày sinh nhật của Bác sắp đến mà tôi vẫn chưa có thành tích nào để mừng thọ Bác cả. Đúng rồi, tôi phải tập cắt chữ cho bằng được. Và tôi sẽ cắt khẩu hiệu "Hồ Chủ tịch muôn năm!" để dán ở dưới ảnh Bác dưới nhà kia.
Thế là ngay buổi chiều ấy ăn cơm vừa xong tôi lại lấy giấy kéo ra ngồi tập cắt. Nhưng tập mãi vẫn chưa cắt được chữ nào. Tôi trách mẹ tôi mua kéo cùn quá nên cắt không đứt giấy.Tôi bỏ vào giường nằm khóc. Bố tôi phải cầm chiếc kéo đi mài. Trông chiếc kéo đã sáng loáng tôi laị dậy ngồi cắt tiếp. Lần này tôi tin là sẽ được. Không ngờ giấy vẫn trượt đi không đứt. Tôi biết không phải do kéo mà do chân mình cầm kéo quá ngờ nghệch, làm hai lưỡi kéo không sít lại vơi nhau nên giấy không đứt. Tôi không cầm kéo bằng hai chân nữa mà đổi sang lồng một mắt kéo vào ngón chân cái và ngón chân trỏ,còn mắt kia để tựa xuống phản. Tôi bẻ cong hai lưỡi kéo sít lại với nhau. Chân phải cầm kéo, chân trái cầm giấy. Chà, thế là được rồi. Tôi đã cắt thành hình chữ H, chữ T, và cả chữ N nữa rồi.
Chưa từng cắt dán một chữ nào bao giờ nay phải cắt dán cả một khẩu hiệu quả là khó khăn và bỡ ngỡ vô cùng. Từ cách gấp, cách cắt các nét to, nhỏ, tôi mày mò xem mãi ở các chữ in mẫu mới tìm ra được. Ngồi cắt, thỉnh thoảng ngước nhìn lên ảnh Bác tôi lại thấy như Bác thầm nhắc tôi phải cắt thật đẹp. Tôi cẩn thận đưa nhát kéo từng tí một.Khó nhất là cắt các chữ có nét vòng như chữ O. Khi lượn kéo theo những nét ấy, ngón chân tôi thường bị chuột rút co quắp, đau điếng. Nhiều chữ cắt gần xong, tôi lại làm rách mất. Tôi đã có ý định thôi không cắt chữ có nét vòng theo kiểu bình thường nữa. Tôi định cắt chúng theo kiểu chữ vuông, vì như vậy tôi sẽ toàn được cắt nét thẳng cả. Ồ, nhưng không được. Trông chữ nào cũng vuông chành chạnh, thật chán quá! Đã định cắt khẩu hiệu mừng ngày sinh nhật của Bác mà lại cắt xấu như thế thì còn ra gì nữa. Nghĩ vậy, tôi lại tập cắt lại các chữ có nét vòng như bình thường.
Nhiều lần đã cắt và dán xong, nhưng chỉ có một chữ dán còn lệch tôi cũng bỏ đi cắt lại. Thành ra mê mải suốt một tuần tôi mới hoàn thành câu khẩu hiệu này. Tình cờ hôm đó tôi cắt đến hai chữ "muôn năm" thì thầy Khiêm đến chơi. Tôi vội vàng định thu giấu đi. Nhưng không kịp, thầy đã trông thấy rồi. Thầy rất ngạc nhiên, xoa đầu khen ngợi tôi. Thầy ngồi xuống giúp tôi dán xong hai chữ cuối cùng của câu khẩu hiệu. Sau đó tôi nộp luôn khẩu hiệu ấy cho thầy...
Nhận bài về, tôi liền nhờ
Bằng dán ngay dưới ảnh Bác. Mỗi lần nhìn chiếc khẩu hiệu này là tôi lại thấy như Bác đang mỉm cười âu yếm nhìn và bảo tôi: "Cố gắng nữa lên cháu nhé!"
Sau lần cắt câu khẩu hiệu ấy, tôi được kết nạp vào đội thiếu niên tiền phong cùng Bằng. Từ hôm ấy, tôi cảm thấy mình như lớn hẳn. Tôi quý chiếc khăn quàng đỏ vô cùng. Lúc nào đến lớp tôi cũng quàng ở cổ. Khi về nhà tôi tháo ra gấp cẩn thận. Sợ nó bị nhàu nát hay cũ đi, tôi đem bỏ nó vào chiếc hộp bìa cứng tự làm rồi cất trong tủ.
Hồi đó tôi học gần hết lớp Ba.
Một năm học nữa lại thấm thoắt trôi qua. Tôi sung sướng được nhận bằng tốt nghiệp lớp Bốn.
Lúc này tôi bỗng nhớ lại câu nói của một bạn hồi tôi đang học lớp Một:
-Ký cố gắng thì lên được lớp Hai. Đến lớp Ba, lớp Bốn, người ta viết nhanh lắm, Ký chẳng theo được đâu mà học.
Đúng, các bạn nói vậy không phải có ý doạ tôi đâu. Chính tôi cũng lo như thế. Viết chân thì nhanh thế nào bằng viết tay được.
Nhưng rồi nỗi lo ấy không thể ám ảnh tôi mãi. Trước mắt tôi chỉ còn những tháng ngày say mê ham thích học tập.
Bây giờ nỗi lo ấy bỗng trở về với tôi. Song không phải tôi lo mình có lên được lớp Ba hay lớp Bốn nữa. Vì tôi đã tốt nghiệp cấp một rồi. Tôi lo khi nghĩ đến những năm học cấp hai chắc sẽ có nhiều khó khăn đến với tôi.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro