Phần 4

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

4
Tôi đã đạt nguyện vọng. Tôi được chuyển thẳng vào lớp Tám mà không phải thi. Song điều đáng buồn cho tôi là Tam, Phụ và Liễu không cùng được học. Trên con đường quê quen thuộc rợp bóng phi lao này, thế là từ nay tôi sẽ đi về có một mình. Rồi những sớm nắng chiều mưa, ai sẽ khoát hộ cho tôi một chiếc áo mưa, hay lấy hộ một chiếc mũ chẳng may lại rơi xuống ruộng. Trong lớp học, liệu tôi có tìm được người bạn thân nào như Bằng, Tam, Phụ không? Nếu không, ai sẽ giúp tôi những khó khăn trong sinh hoạt và học tập!...
Bước vào học, tôi mới nhận ra không đến nỗi đáng lo như thế. Thiếu Tam, Phụ, Liễu, tôi đã có  thêm nhiều bạn thân khác, trong đó có Nghiệp.
Chúng tôi thường hay gọi đùa Nghiệp là "Nghiệp đen", vì cu cậu quê ở vùng biển nên nước da đen ghê lắm, đen chẳng khác gì củ súng cả. Hôm khai giảng, vừa mới gặp tôi ở cổng trường, hai đứa chưa hề biết nhau, cu cậu đã nhảy bổ đến cầm chặt lấy cánh tay tôi lắc mạnh. "Thằng cha này ở đâu mà buồn cười thế này nhỉ?". Tôi thầm nghĩ và bực mình đến phát cáu khi Nghiệp vến tay áo tôi lên lặng lẽ đứng ngắm ngay giữa đám đông.
Ông bạn ngộ nghĩnh ấy không ngờ lại trở thành người bạn thân thiết của tôi trong những năm học cấp ba. Nghiệp ngồi ở đầu bàn cuối lớp, kề sát chỗ tôi, chỉ qua mấy buổi học đâu tiên, hai đứa đã tỏ ra tâm đầu ý hợp. Song có cái lạ, Nghiệp rất ít nói, thấy tôi cần gì là Nghiệp sẵn sàng giúp đỡ chứ không mấy khi hỏi hay chờ tôi yêu cầu.
Trời nóng, thấy tôi có mồ hôi là Nghiệp rút mùi-soa ra lau luôn. Chiếc dép của tôi bị đứt quai, lừa lúc tôi chăm chú ghi bài, Nghiệp rút ngay quai dép của mình thay vào. Cả mấy quyển vở tôi viết, Nghiệp cũng đóng hộ đấy. Chả là hôm ấy tôi mua được mấy thếp giấy ở cửa hàng tự giác của nhà trường bỏ vào túi dết. Nghiệp đã "xoáy" mất. Chiều hôm sau vừa đến lớp, Nghiệp se sẽ đặt ngay ngắn trước mặt tôi sáu quyển vở. Tôi ngẩn người quay lườm Nghiệp, vừa giận lại vừa thấy mến Nghiệp quá. Trông mấy quyển vở Nghiệp đóng thật cứ thích mê. Quyển nào cũng có bài đỏ lại xén rất bằng bặn.
Với lòng thương yêu nhiệt tình như vậy, Nghiệp dễ dàng nhận ra những khó khăn trong sinh hoạt của tôi. Hồi đó trường tôi phải học buổi chiều. Chiếc bàn của tôi đặt lọt thỏm giữa hai hàng bàn cao. Những ngày mùa đông trời tối sớm, đến giờ học cuối cùng, tôi không sao nhìn ra dòng kẻ nữa, phải phóng bút ghi bừa. Về nhà nhiều khi đọc không ra. Muốn mượn vở các bạn phải đi đến hai, ba ki-lô-mét. Tôi hiểu đây là một khó khăn cản trở không ít đến học tập của mình. Nhưng tôi đã nói việc này bao giờ đâu. Thế mà Nghiệp biết được mới tài chứ. Trong một giờ học,tôi đang ghi bài, Nghiệp quay sang hỏi vẻ lo ngại:
-Chỗ Ký viết tối lắm phải không?
Tôi ngẩng lên nói:
-Cũng tôi tối đấy, mắt tao cứ hoa lên chẳng  nhìn ra gì cả.
Từ buổi học hôm sau, ngày nào đến giờ học cuối cùng. Nghiệp cũng đi mở toan các cửa trong phòng. Rồi cùng với Minh, Bích, Tựu, Nghiệp chuyển tất cả các bàn lùi lên phía trên. Nhờ vậy ánh sáng từ cửa đã chiếu thẳng vào chỗ bàn tôi viết.
Một lần thầy hiệu trưởng vào thăm lớp. Thầy ngồi xuống cạnh bàn tôi, thân mật hỏi:
-Hiện nay trong học tập Ký gặp khó khăn gì nhất? Có cần đề nghị nhà trường giúp đỡ gì cứ nói thật em nhé!
Tôi còn đang lưỡng lự, Nghiệp đã thưa ngay:
-Thưa thầy, có lẽ Ký cần đóng lại cái bàn đấy ạ! Cái bàn ấy không nên đóng mặt bằng thế này nữa-Nghiệp đưa tay khẽ đập đập xuống cái bàn tôi đang ngồi-Nên đóng chỗ viết cao cao và nghiêng hơn chỗ ngồi một chút để khi viết Ký đỡ phải cúi thầy ạ!
Tôi không ngờ Nghiệp lại nghĩ ra cách cải tiến chiếc bàn của tôi như vậy. Chính tôi cũng chưa bao giờ nghĩ đến việc đó.
-Được thôi. Tưởng gì chứ có thế thì đơn giản quá. Ký về vẽ mẫu đi em nhé! Thầy sẽ đưa tổ mộc đóng hộ cho. Chỉ độ thứ hai tuần sau là em có bàn mới thôi.
Thầy đứng dậy cúi đo thử chiếc bàn của tôi. Đo xong thầy ngẩng lên cười bảo:
-Ký ngồi viết thế này chắc chật chội lắm em nhỉ? Bề ngang không đầy hai gang rưỡi, bề dài cũng chỉ hơn năm gang. Cái bàn này mới nên vẽ mẫu rộng hơn nữa em ạ! À, mà nên có chỗ dựa nữa cho thoải mái. Còn gỗ thì nhà trường khắc lo liệu, em cứ yên tâm. Thôi, trước mắt là ngay chiều mai em vẽ xong mẫu rồi đưa cho thầy.
Nghiệp đưa tay cài lại chiếc cúc áo cho tôi và dặn:
-Được, Ký cứ về vẽ phóng đi rồi mình sẽ vẽ lại cẩn thận cho.
Sáng thứ hai tôi vừa đến lớp đã thấy các bạn xúm quanh bên cái bàn mới của tôi. Mấy bạn đang tranh nhau ngồi lên viết thử. Thấy tôi vào, các bạn liền chạy ồ lại tíu tít.
-Đây, bàn mới của ông đây. Viết thử xem có vừa không nào. Chúng nó cứ cãi với tớ là khó hơn cái bàn cũ-Một bạn nhanh nhảu nói ra dáng hăm hở lắm.
-Ký thử tựa lưng vào chỗ dựa này xem có thoải mái không?-Một bạn đứng phía sau đỡ lưng tôi ngả vào chỗ tựa, nói liến thoắng.
-Chà chà, tuyệt lắm ông bạn ạ!
-Thôi thôi, mày thử bỏ túi dết xuống tầng dưới xem có tiện không?-Một bạn cúi xuống chỉ chiếc sàn dưới gầm bàn lát những thanh gỗ nhỏ, sốt sắng bảo tôi.
-Này, còn chỗ kê thế này đã tiện chưa, không để chúng tao kê lại cho.
Cùng với vẻ vồn vã nhiệt tình như các bạn, vừa nói Nghiệp vừa dang tay nhấc bổng cả cái bàn của tôi đặt lên phía trên. Thấy còn cập kênh, mấy bạn đứng quanh liền xúm đến kê lại.
Xong xuôi, tôi lấy vở ra đặt lên bàn viết thử. Thấy tôi viết có vẻ dễ dàng hơn trước, các bạn mừng lắm. Các bạn xuýt xoa đắc ý:
-Đấy, rõ ràng chữ Ký viết trên bàn mới tốt hơn nhiều.
Quả thật có bàn mới, việt viết lách của tôi đỡ vất vả. Tôi không phải cúi nhiều như trước nữa. Chỗ đặt chân viết bây giờ cao hơn chỗ ngồi một bậc. Khoảng cách giữa vở và mắt được thu ngắn. Khi viết, tôi nhìn rõ hơn. Lúc mỏi lưng lại có chỗ dựa thoải mái lắm.
Ngồi bên cạnh chỗ tôi, ngoài Nghiệp còn có Bích, bí thư chi đoàn kiêm lớp trưởng lớp 8C. Bích có dáng người thấp béo, khuôn mặt bầu bầu và đôi mắt dài hơi nhỏ. Thoạt nom, ai cũng tưởng Bích chậm chạp ít nói. Thực ra Bích lại là người rất sôi nổi, nhiệt tình. Nói chuyện với ai Bích cũng mỉm cười, hai cái má lúm đồng tiền trông "duyên" lắm.
Hồi học lớp Năm ở trường cấp hai Hải Hà tôi đã học một lớp với Bích. Hai năm trời xa bẵng, tình cờ nay lại được gặp nhau. Ngồi tâm sự, Bích thường vỗ vai tôi nói:
-Giá biết vậy, hồi ấy mình cũng xin về trường cấp hai Hải Phương học với Ký thì hay biết mấy.
Bích ở xã Hải Quang, nơi có những đầm sen rộng hàng chục mẫu. Hè về hương sen dâng lên ngào ngạt khắp xóm làng. Được bơi thuyền trên đó thì khoái vô cùng.
Hằng ngày đi học về Bích phải đi bộ theo con đường mòn qua xóm tôi. Hai chúng tôi vì thế đã trở thành đôi bạn đường thân thiết. Ngày nào đến lớp Bích cũng vào tận nhà tôi gọi tôi cùng đi. Bích sửa lại hộ tôi chiếc cổ áo, quàng lại cho tôi chiếc khăn đỏ.
-Chiếc khăn này chắc Ký quàng lâu lắm rồi nhỉ?-Bích nhẹ giọng hỏi tôi.
-Ừ, gần năm rồi đấy.
-Thế Ký đã nghĩ đến ngày sẽ thay nó bằng chiếc huy hiệu Đoàn chưa?
Tôi biết ngay là Bích có ý nói đến việc vào Đoàn của tôi. Tôi nhìn Bích, đáp nhỏ:
-Nhất định có chứ. Mình sắp hết tuổi đội rồi còn gì.
-Mình cũng mong Ký suy nghĩ và cố gắng để đến khi ra Đội sẽ được vào Đoàn ngay. Mình cũng như cả chi đoàn đều rất mong và tin ở cậu.
Thầy Chữ trong ban phụ trách Đội thiếu niên tiền phong của trường, một lần đến chơi nhà tôi, cũng cặn kẽ khuyên:
-Ký nên cố gắng phấn đấu em ạ! Được các thầy và các bạn chú ý chăm sóc,em càng phải cố gắng hơn nữa. Tuổi Đội của em sắp hết, em phải phấn đấu trở thành một Đoàn viên ngay khi ra Đội. Trước mắt, em phải khiêm tốn học hỏi bạn bè, giữ vững danh hiệu một học sinh tiên tiến.
Nghe thầy Chữ nói, tôi bỗng nhớ ngay đến chiếc huy hiệu Đoàn mà thầy Châu tặng. Tự suy nghĩ về mình, tôi cảm thấy ân hận. Quả thật gần hai tháng qua, từ khi bước vào lớp Tám, tôi học có phần sút hơn trước. Tôi bị một điểm ba về Toán. Tôi đã chủ quan. Tôi có phần tự phụ trong học tập rồi. Lời khuyên của thầy Chữ có ý nhắc nhở tôi điều này. Đúng rồi, tôi phải kịp thời sửa chữa ngay.
"Hãy phấn đấu. Hãy đừng để cho tuổi trẻ trôi đi hoài phí".
Sau khi suy nghĩ, tôi thầm nói với mình như vậy.
Tôi bắt đầu đề ra cho mình cách học mới.
Một hôm có giờ giảng văn. Tôi say sưa nghe thầy giảng. Đến một ý quan trọng, tôi định cầm bút ghi vào vở nhưng lạ thay, tôi không thấy quyển vở của mình đâu nữa. Tưởng gió cuốn xuống đất, tôi cúi xuống nhìn khắp các gầm bàn vẫn không thấy. Tôi đoán chắc là mấy ông bạn mình giấu đây. Tôi quay hỏi mấy bạn ngồi gần đấy, nhưng vẫn chẳng ai nhận ra. Tôi đành ngồi lặng nghe thầy giảng tiếp.
Hết giờ, cả lớp đứng dậy chào thầy. Thầy bước ra khỏi cửa, tôi quay nhìn lại cái bàn của mình. Thật kì lạ, quyển vở của tôi bỗng hiện ngay ngắn trên đó. Tôi vội mở ra xem và bỗng tròn mắt ngạc nhiên khi thấy trên trang vừa ghi dở bài học, ai đã ghi tiếp trọn cả bài hộ cho tôi rồi. Tất cả có hơn ba trang chứ không ít.
-Ông bạn nào buồn cười thế này. Lấy vở ghi hộ bài người ta chẳng nói gì. Ghi lại dài như bè luống thế này, học làm sao mà vào được-Tôi cười và quay sang hỏi mấy bạn chung quanh.
Nhưng các bạn cũng chỉ nhìn tôi cười. Chẳng ai nói gì cả.
Chăm chú nhìn lại nét chữ lần này, tôi bỗng nhận ra ngay chữ Nghiệp.
- Nghiệp! Đúng mày là "thủ phạm" rồi. Thế mà cứ im thin thít. Tao chẳng thích chơi thế đâu.
-Ừ, tao viết đấy. Có thế mà nhận mãi mới ra.
-Thế tao không ghi được bài hay sao mà mày phải làm thế.
-Vẫn biết mày ghi được. Nhưng hôm nay trời lạnh quá. Bọn tao ngồi viết mà cũng thấy cứng tay nữa là mày. Thấy mày mãi mới viết được mấy chữ, tao biết ngay là mày bị cóng chân không ghi được, nên tao làm thế.
-Không phải thế đâu Nghiệp ạ! Không phải vì lạnh quá mà mình không ghi được bài đâu. Đây là cách ghi bài nằm trong phương pháp học tập mới của mình đấy.
-Sao, lại có phương pháp học tập mới đấy à? Cho mình biết với nào?
Không giấu giếm gì, tôi thành thật kể cho Nghiệp nghe tất cả.
Tôi chủ trương ghi ít, nghe là chính. Trong giờ học, bao giờ tôi cũng đặt sách giáo khoa trước mặt. Khi thầy nhấn mạnh ý nào, tôi dùng bút chì gạch dưới ngay ý ấy trong sách. Tôi chỉ ghi tóm tắt những ý chính vào vở. Tôi cố gắng tập trung tư tưởng, nghe đến đâu là hiểu đến đấy.
Vì bài vở bây giờ đã nhiều hơn gấp bội so với những năm cấp hai. Mỗi buổi không còn học bốn tiết mà đã học năm tiết. Khi giảng, các thầy lại nói nhanh. Mỗi lần ghi xong bài, ngẩng lên là thấy lưng mỏi nhừ. Có khi ghi không kịp, phải bỏ trắng giữa bài.
Cách ghi mới này đã giúp tôi khắc phục được phần nào những khó khăn ấy.
Tôi tiếp tục kể cho Nghiệp nghe cách học ở nhà. Buổi tối đi học về, ăn cơm xong là tôi bắt đầu ngồi học. Để tập trung tư tưởng và học đều các môn, tôi quy định thời gian  học cụ thể cho từng môn một. Môn nào dễ thì ít giờ, môn nào khó sẽ nhiều giờ hơn.
Ví dụ hôm nay có năm môn: Toán, Lý, Ngoại ngữ, Sinh vật, Hoá. Môn Toán có nhiều chỗ chưa hiểu và phải làm nốt bài tập nữa, tôi quy định học từ bảy đến tám giờ. Môn Lý đơn giản hơn, chỉ cần học thuộc định luật và mô tả vài thí nghiệm, dàng cho nó nửa tiếng, từ tám giờ đến tám giờ rưỡi. Còn môn Ngoại ngữ, chà cái môn này mới gay đây! Thôi cho nó bốn mươi phút, từ tám rưỡi đến chín giờ mười vậy. Thế là chỉ còn năm mươi phút nữa là hết giờ học quy định rồi. Môn Sinh vậy lại vẽ hình nữa. Có lẽ để phần cho nó ba mươi nhăm phút. Ồ, thế thì môn hoá chỉ có mười lăm phút thôi ư? Không được, thôi cho sinh vật ba mươi phút, từ chín giờ mười đến mười giờ kém hai mươi. Còn môn hoá từ mười giờ kém hai mươi đến mười giờ vậy. Chia xong giờ học cụ thể cho từng môn, tôi liền ghi ra giấy, đặt trước bàn học bên cạnh chiếc đồng hồ. Khi kim đồng hồ chỉ hết giờ học môn nào là tôi chuyển ngay sang học môn khác. Do vậy, khi học bài tôi phải tập trung tư tưởng tìm mọi cách học bằng thuộc trong số giờ đã định sẵn.
Nghe tôi nói xong, Nghiệp gật đầu:
-Ừ, tốt đấy! Cách học này không những hợp với cậu mà còn hợp với bọn mình nữa. Nếu cậu cứ duy trì được mãi, mình tin là cậu sẽ đạt được kết quả tốt.
Học kỳ một đã hết. Niềm vui cũng đến với tôi. Đúng như lời Nghiệp nói, tôi vẫn giữ vững là học sinh tiên tiến của trường.
Nhưng vui hơn, phấn khởi hơn nữa là đến ngày mùng năm tháng tư năm một nghìn chín trăm sáu tư, tôi được kết nạp vào Đoàn thanh niên lao động Việt Nam cùng với Nghiệp.
Giây phút thiêng liêng đứng trước cờ Đoàn hôm ấy sao tôi thấy phấn chấn rạo rực quá. Tim tôi đập nhanh hơn người tôi như lớn hơn lên một chút. Tôi muốn nói nhiều lắm. Nhưng xúc động quá, tôi chỉ đọc được bài thơ mà hôm trước tôi đã thức suốt đêm để viết:
Tôi vào Đoàn

Còn gì hơn khi một con chim nhỏ
Đã đến ngày đủ cánh đủ lông
Được tung bay giữa trời xanh xứ sở
Cất tiếng trong lành ca ngợi quê hương.

Còn gì vui hơn một đứa trẻ như tôi
Hỏng tay rồi như cá nhỏ mất đuôi
Có Đảng, Bác, có tự do độc lập
Tôi được đến trường và lớn thêm mỗi lớp.

Ngày tiếp ngày ấm áp yêu thương
Bao thầy cô và các bạn muôn phương
Đã chỉ cho tôi con đường đi đúng đắn
Biết sống vì ai, biết đi tìm ánh sáng
...
Ôi chiếc huy hiệu Đoàn giữa ngực tôi lấp lánh
Từ hôm nay sẽ là đôi cánh
Thẳng chân trời tôi sung sướng bay đi
Có Đảng chỉ đường, tôi chẳng sợ gian nguy.
Có Đảng chỉ đường, tôi chẳng sợ gian nguy.
Ít ngày sau trên báo Đội có bài viết về tôi được vinh dự vào Đoàn. Tôi liền nhận rất nhiều thư từ các nơi gửi đến. Có lá từ Vĩnh Linh giới tuyến, có lá từ miền núi rừng Tây Bắc trùng điệp, lại có lá ở ngay trong huyện. Trước đây, hồi lớp Sáu lớp Bảy, tôi cũng đã nhận được nhiều thư như vậy. Nhiều lá thư có gửi cả ảnh và quà tặng. Một giảng viên đại học ở Liên Xô đã gửi cho tôi một bức thư, một chiếc áo pô-pơ-lin có cài huy hiệu tên lửa và huy hiệu Lê-nin. Anh Nguyễn Hữu Chỉnh, một giáo viên cấp ba ở Quảng Ninh, cũng gửi tặng tôi một đôi ủng có kèm theo một bức thư ngắn viết rất tình cảm:
"Em Ngọc Ký thân yêu của anh!
Từ ngày còn ngồi trên ghế đại học, anh đọc báo đã biết tên em và những việc làm của em. Đến nay xem báo Đội anh lại thấy tên em. Anh rất mừng và mến phục em...
Em đã trở thành một đoàn viên, một đồng chí của anh. Lẽ ra anh phải gọi em bằng đồng chí, nhưng anh thấy như thế không hay nên anh cứ gọi Ký bằng em. Em có đồng ý không?
... Ngọc Ký ạ! Khi mới biết em, anh đã định tặng em một vật gì làm kỷ niệm. Nhưng hồi ấy anh đang học nên chưa có điều kiện. Đến nay anh đã ra công tác. Anh biết em phải đi học đường xa, gặp trời mưa chắc vất vả lắm. Anh tặng em một đôi ủng với tất cả chân thành của anh, em vui lòng nhận lấy, đừng phiền hà nghĩ ngợi gì em nhé!
... Ủng anh mua hơi rộng, em đi có vừa không, viết thư cho anh nhé! Chúc em khoẻ, phấn đấu học giỏi hơn nữa. Cho anh gửi lời thăm thầy mẹ, các anh chị, các bạn và các thầy của em.
Anh của em
Nguyễn Hữu Chỉnh"
Cũng trong thời gian này tôi được gặp bác Lê Đức Thọ khi bác về thăm huyện tôi. Bác ân cần hỏi tôi những chuyện học tập, tu dưỡng và gia đình. Biết tin tôi vừa được kết nạp vào Đoàn, bác vui lắm. Bác cho tôi một cuốn sách "Vấn đề rèn luyện và phấn đấu vào Đảng của thanh niên" do bác viết. Bác mỉm cười xoa đầu tôi và bảo:
-Cháu như thế là tốt. Nhưng cháu cần khiêm tốn học hỏi mọi người, phải cố gắng phấn đấu nhiều nữa. Cháu hãy đọc kỹ cuốn sách này, hãy phấn đấu và trở thành một đảng viên.
Về nhà giở tập sách ra xem, tôi thấy trang đầu bác có viết dòng chữ: "Chúc cháu phấn đấu mau chóng trở thành một đảng viên Cộng sản trẻ tuổi". Bác còn cho tôi cả một tập ảnh dày cộp. Sau cùng bác bỏ vào túi tôi một số tiền và nói:
-Đây, bác cho cháu để cháu mua giấy bút học tập. Tôi còn được chụp ảnh chung với  bác. Trong ảnh, tôi đứng sát bên bác. Tôi xin nguyện theo Đảng, suốt đời phấn đấu không mệt mỏi cho lý tưởng Cộng sản quang vinh.
Đầu năm 1965, máy bay giặc Mỹ đánh phá quê hương tôi. Trường tôi phải chuyển sang học đêm. Hồi đó tôi đang học lớp chín. Cái bàn mới đóng của tôi rộng rãi đến vậy, thế mà trong những ngày học đêm này nó bỗng trở thành chật chội. Trên chỗ viết, ngoài chiếc đèn hoa kỳ, tôi thường chỉ đặt một quyển vở ghi. Đơn giản thế mà tôi vẫn thấy khó xoay xở. Gặp giờ kiểm tra toán phải dùng đến bảng số thì lại càng phiền phức. Chữ số trong bảng đã nhỏ, đèn dầu lại tù mù. Tôi phải ngoẹo người cúi đầu xuống gần sát mới nhìn rõ. Tuy vậy vẫn bị nhầm luôn. Thầy cho biết còn mười lăm phút nữa hết giờ mà tôi chỉ xong hơn có một nửa. Hoang mang quá, tôi mím môi mở hết tốc lực mong làm sao cho kịp giờ. Giữa lúc ấy chiếc đèn lại rơi xuống đất. Tôi cũng không hiểu là tại chân mình chạm vào hay vì sao nữa. Khi nghe "choang" một tiếng, tôi giật mình nhìn xuống  thì chiếc bóng đã tan rồi. Một bạn ngồi bàn trên vội cúi nhặt lên thắp hộ. Ngọn đèn không bóng cứ run run chựt tắt. Thấy thế, Nghiệp liền lấy bóng đèn của mình chụp vào. Tôi cúi xuống làm tiếp, chân cứ run run không sao viết thành chữ. Thật đã rối lại rối thêm. Tôi định bỏ không làm nữa, vì chả mấy phút là hết giờ nên làm cũng chẳng được bao nhiêu. Song, tôi đã kịp chấn tĩnh lại. Tôi lấy hết sức nín thở, lặng lẽ ngồi làm tiếp. Khi tiếng thước báo thu bài vừa gõ thì tôi cũng điền nốt con số cuối cùng vào bài.
-Chà, thật là một bài kiểm tra toán đáng ghi nhớ.
Tôi đứng dậy thở phào khoan khoái như vừa trút được một gánh nặng.
Nghiệp từ bàn bên kéo giật tôi ngồi xuống, vừa hỏi tôi vừa rút mùi-soa luồn vào áo lau mồ hôi cho tôi. Lúc này tôi mới nhận ra áo mình đã ướt đẫm từ bao giờ.
Tan học. Tôi định đeo túi xách ra về thì trời đổ mưa. Từng loạt chớp loá sáng. Tiếng sấm, tiếng gió, tiếng mưa cứ ầm ầm như xoay chuyển cả đất trời.Tất cả các ngọn đèn trong lớp đều bị gió thổi tắt ngấm. Nhìn mãi ngoài trời trong lòng thấy lo lo. Nếu cứ mưa mãi thế này mình đến không về được mất. Không, mình phải về bằng được để mai lấy sách mà học chứ.
Hơn nữa ở lại thì ngủ đâu bây giờ. Vừa lúc ấy Nghiệp ghé vào tai tôi thầm thì:
-Này, chốc nữa mày về nhà trọ tao ngủ nhé! Có lẽ trời này còn lâu mới tạnh đấy. Tao có mang áo mưa đây rồi.
Chà, thật không một băn khoăn nhỏ nào, một tâm sự kín nào của tôi mà Nghiệp không hiểu được. Phải chăng bộ óc của tôi cũng giống hệt của Nghiệp? Tôi thầm nghĩ và thấy không thể ở lại ngủ với  Nghiệp được, vì còn bao nhiêu những chuyện rầy rà trong sinh hoạt cá nhân. Tôi rất ngại phải nhờ Nghiệp giúp đỡ cả những việc ấy. Tỏ ý không bằng lòng thái độ của tôi, Nghiệp nói:
-Mày thì lúc nào cũng e ngại! Có ở lại ngủ một đêm rồi sáng về nhà cũng không chịu. Trời mưa lại khuya thế này, đến bọn tao chẳng dám về nhà xa thế nữa là mày.
-Này, hai cậu xì xào với nhau chuyện gì đấy?- Một bóng người từ phía trên tiến lại chỗ chúng tôi đang ngồi, hỏi đột ngột. Qua giọng nói tôi nhận ra ngay thầy hiệu trưởng.
Nghiệp quay sang phía thầy, đáp lễ phép:
-Dạ, thưa thầy chẳng có chuyện gì đâu ạ!
Tiếp lời Nghiệp, tôi hỏi:
-Thưa thầy đã mấy giờ rồi ạ?
Thầy giơ tay lên nhìn chiếc đồng hồ dạ quang:
-Ồ, thế mà gần mười hai giờ rồi đấy. Thôi liệu tìm cách nào mà về kẻo hết đêm mất. Quái quỷ, sao cứ mưa mãi thế này nhỉ?
Thầy ngừng lại đi ra phía cửa ngó nhìn trời. Tôi và Nghiệp cũng rời chiếc ghế đứng dậy. Thầy quay vào nói tiếp với chúng tôi:
-Ký và Nghiệp có áo mưa không?
-Chỉ mình em có- Nghiệp trả lời.
-Thế Ký ở lại đây ngủ với thầy nhé!
-Có lẽ em phải về thầy ạ!
-Chết, trời tối đường trơn thế này, em đi bốn năm cây số một mình sao được.
Được thể, Nghiệp lại tìm hết lời khuyên tôi phải ở lại. Nhưng trước sau như một, tôi nhất định từ chối. Sau cùng thầy phải nói:
-Nếu Ký nhất định không ở lại thì chuẩn bị về đi kẻo khuya em ạ! Nghiệp cũng đừng ép Ký nữa... Ồ, cũng đã ngơn ngớt rồi đấy. Thôi, Ký ở đây thầy về lấy áo mưa ra cho
Quàng xong áo mưa, hai chúng tôi ra đến cổng, thầy còn đứng ở cửa dặn với theo:
-Đường trơn lắm đấy nhê. Ký nhớ đi cho cẩn thận kẻo ngã đấy.
Ra khỏi cổng trường, Nghiệp còn đưa chân tôi một đoạn khá xa mới quay về.
-Trời tối thế này liệu mày có đi nổi không hả Ký? Hay quay trở lại nhà tao đi- Đã đi rồi, Nghiệp còn quay lại hỏi tôi.
Để Nghiệp an tâm, tôi đáp:
-Không lo đâu. Mình hỏng tay chứ hỏng mắt hỏng chân đây mà sợ.
Trên các bụi cây bên đường, mưa vẫn rào rạt rắc hạt. Về đến giữa đường, một trận mưa lớn lại ập đến. Từng làn mưa quất vào mặt rát như những ngọn roi. Bị tối tăm cả mặt mũi, tôi không sao đi được nữa. Đứng lại một lúc, sau nhờ có ánh chớp, tôi mới mờ mờ nhận ra con đường mòn quen thuộc. Đường trơn quá. Tôi không tài nào bấm chân được nữa. Không có đôi tay làm đà, tôi cứ nơm nớp sợ trượt ngã. Lúc nào tôi cũng căng mắt nhìn xuống chân, dò dẫm từng bước. Chiếc áo mưa gặp gió cứ bay tốc lên tận ngực. Chốc chốc tôi phải dừng lại đưa chân lên kéo chỗ áo mưa bị cuốn xuống. Nhưng chỉ được mấy bước, cơn gió bạc áo lại đến xô tung lên như cũ. Cả người ướt đẫm, tôi bắt đầu thấy lành lạnh. Phóng mắt nhìn về phía trước, tôi vẫn chưa nhận ra làng mình đâu, ngay đến một ánh đèn cũng không thấy. Chung quanh tôi lúc này chỉ có tiếng mưa sầm sập, tiếng gió rít vun vút và đêm tối mênh mông.
Dò dẫm đến chiếc cầu xây đầu xã thì mưa đã dần dần ngớt. Vừa đặt chân lên cầu, tôi đột nhiên bị vấp và ngã huỵch xuống. Thấy đau nhói ở cánh tay, tôi nhận ra mình bị gãy tay rồi. Giữa lúc ấy một bóng người tiến đến chỗ tôi. Bác xốc tôi lên vai và cõng thẳng về nhà. Nghe tiếng gọi, bố mẹ tôi từ trong nhà lật đật xô ra. Bố chạy đến gỡ lấy tôi trên lưng bác.
-Trời ơi! Sao thế này hở con! Mưa gió mà không ở lại ngủ với chúng nó, lặn lội về làm gì cơ chứ! – Bố tôi đỡ lấy cánh tay đã bị gãy gập lại như khuỷu gối của tôi, nói giọng than vãn lo âu.
Mẹ tôi tất tả xách chiếc đèn chạy đến chỗ tôi. Các chị tôi, các bác hàng xóm cũng chạy sang.
Mẹ tôi vén tay áo nhìn chỗ tay gãy của tôi. Nhưng mẹ vừa sờ vào, tôi đã vội kêu lên vì đau quá. Mẹ chép miệng nói dỗi:
-Học đêm học hôm gì mà làm khổ thằng bé thế này.
-Đấy, thì cũng chỉ tại cái thằng giặc Mỹ cả thôi- Bác hàng xóm nói chen vào.
Một lát sau chị tôi đi tìm y tá trở về. Bác y tá dùng nẹp tre băng tạm cánh tay gãy và đeo lên cổ cho tôi bằng một đoạn băng. Rồi bác viết giấy giới thiệu cho tôi sáng mai đi bệnh viện.
Mọi người đã ra về. Bố tôi đưa tôi vào giường ngủ. Lúc này tôi mới thực sự thấy nhức nhối ở cánh tay.
-Có đau lắm không con? Thôi cố mà chịu để ngủ lấy một chút cho đỡ mệt. Sáng mai còn đi bệnh viện sớm con ạ!- Thấy tôi thao thức mãi không ngủ, bố tôi khẽ đưa tay lên sờ chỗ tay đau của tôi, ấm giọng nói.
Tôi vẫn nằm im không nhúc nhích. Tôi suy nghĩ và thầm trách mình hay ương ngạnh quá. Giá lúc nãy nghe lời Nghiệp ở lại ngủ với nó thì đâu đến nỗi. Cả thầy hiệu trưởng khuyên ở lại, thế mà mình cứ khăng khăng ra về. Thật cứ giữ mãi tính ương dở thế này rồi có lúc nguy chứ chẳng chơi.
Sau ba ngày điều trị ở bệnh viện tỉnh, cánh tay tôi đã được bó bột. Về đến nhà, suy nghĩ đầu tiên của tôi là tiếp tục học thế nào cho theo kịp chương trình. Giữa những ngay cuối năm này, mỗi giờ học là một giờ vàng ngọc. Tôi phải nghĩ ba buổi, vậy là mất cả thảy mười lăm tiết học. Không thể chậm trễ được nữa, ngay buổi chiều hôm sau, nhân lúc bố mẹ đi vắng, tôi liền tìm chìa khoá mở trộm tủ lấy sách đi học. Chả là tối hôm qua vừa nghe tôi nói chuyện đi học, mẹ đã đe:
-Đấy, có giỏi mai mày cứ đi. Mày có biết thương bố mẹ thì ở nhà mấy buổi cho tay nó lành lành lại đã. Ai lại vừa về đến nhà đã học với hành. Khỏi rồi học chán con ạ, chả ai tranh mất phần đâu.
Cẩn thận hơn, mẹ tôi đem cất tất cả sách vở của tôi vào tủ khoá lại. Nhưng khi mẹ vừa ra khỏi ngõ, tôi đã sục sạo tìm khắp gian nhà. Cuối cùng tôi tìm ra chiếc chìa khoá ở ngay đầu cột cạnh cửa buồng. Không do dự, tôi bắc ghế giơ chân lấy ngay xuống.
Mở xong tủ. Tôi ngạc nhiên chỉ thấy sách giáo khoa chứ không thấy tăm hơi quyển ghi vở ghi nào. Đang lúc bối rối thì nghe ngoài cửa có tiếng động. Tưởng mẹ về, hoảng quá, tôi định đóng sập tủ lại. Ồ, không phải mẹ, hoá ra là Bích với Nghiệp. Cả hai vừa bước vào đến cửa đã cười nói vồn vã:
-À, mày đã về rồi à? Chỗ đau đỡ nhiều chưa?
-Chỗ gãy có nặng lắm không? Đến bao giờ cậu mới cắt bột được? Bọn mình thật có lỗi với cậu đấy. Đêm hôm ấy mưa gió thế mà để cậu đi về một mình – Bích vừa nói vừa đặt cặp sách xuống sập.
-Sao cậu nói thế! Mình ngã vì mình đi không cẩn thận chứ sao lại tại các cậu... À, mình có mấy quyển vở ghi đặt ở sập, không biết đứa nào vào lấy sạch, bây giờ không có vở mà ghi mới gay chứ!
Nghiệp liếc nhìn Bích mỉm cười rồi quay sang bảo tôi:
-Bích đấy chứ ai.
-Ồ, thế mà để tao tìm mãi đến bực cả mình. Bây giờ Bích có mang đây không? –Tôi hất hàm chỉ chiếc cặp sách của Bích nói.
-Có đây. Bọn mình đã thay nhau ghi đầy đủ các bài cho Ký rồi đây.
-Cảm ơn các cậu. Các cậu đối với mình tận tình quá! Thế cậu biết tin mình ngã từ hôm nào?
- Biết ngay từ hôm mẹ Ký xuống xin phép cho Ký nghỉ đi bệnh viện đấy. Xôn xao cả lớp, Ký ạ! Lúc nghe được tin, bọn mình cứ ngây cả ra, đứa nào cũng lo lắng cho Ký. Cuối buổi học, chi đoàn cử mình về lấy vở của Ký để đi ghi hộ bài – Nói xong Bích mở cặp lấy quyển vở của tôi đặt ngay ngắn giữa bàn.
-Nhưng hôm nay Ký đã đi học được đâu mà giữ vở. Để bọn mình mang đi ghi tiếp cho – Nghiệp vừa nói vừa nhè nhẹ phanh chiếc áo của tôi ra nhìn chỗ cánh tay bó bột trắng lốp.
-Sao lại không? Mình cũng đi chứ! –Tôi đáp.
Giữa lúc ấy, mẹ tôi đi làm về. Sợ thầy mẹ không cho đi, tôi liền hối hả giục Bích, Nghiệp:
- Đi đi thôi các cậu! Nhanh lên kẻo muộn đấy! – Vừa nói tôi vừa nhanh chóng bỏ sách vở vào túi dết đeo lên vai, xỏ dép đứng dậy.
Bích, Nghiệp không hiểu ý định của tôi, tưởng muộn thật liền vội vàng cầm sách ra sân. Nghiệp giật lấy chiếc túi dết tôi đang đeo, khoác vào vai mình.
-Ký, mày cũng đi học thật à? – Mẹ tôi nhìn tôi kinh ngạc hỏi.
-Vâng, con đi đây- Tôi đứng lại cười đáp cầu hoà với mẹ.
-Không được đâu con! Mẹ đã bảo ở nhà mà- Mẹ nói như ra lệnh.
-Ứ, con chẳng ở nhà. Đã có Bích, Nghiệp đi cùng với con đây rồi. Bố mẹ đừng lo.
Thấy không thể nào giữ tôi được, bố tôi nghiêm giọng nói:
-Thôi, nó đã nhất quyết đi thì bà cứ để cho nó đi – Bố tôi nói với mẹ tôi, rồi quay sang nói với tôi – Đã đi thì cứ đi đi. Tao và mẹ mày muốn giữ mày ở nhà là lo cái tay đau của mày vừa mới bó bột, giữa đường nhỡ ngã lần nữa thì khốn, chứ ai muốn cấm mày không được đi học... Đêm nay không có trăng, lúc về nhớ chờ mẹ mày đến đón, đừng vội vàng mà khổ nhé!
Bích đứng yên lặng từ nãy bây giờ mới nói:
-Vâng, hai bác đừng lo nhiều cho Ký. Lúc về bác gái cũng không phải đi đón Ký nữa. Chúng cháu đã bàn với nhau từ hôm qua rồi. Từ nay sau mỗi buổi học, chúng cháu sẽ có người đưa Ký về tận nhà cho hai bác.
-Ừ, thế thì bác đỡ lo. Thôi anh em đi đi kẻo muộn – Mẹ tôi bước lại gần Bích, hạ giọng nói.
Ba chúng tôi bước ra khỏi sân, nắng chiều vàng nhạt. Biết tôi đi không nhanh như mọi ngày, Bích để tôi đi giữa.
Vừa đến cổng trường thì gặp thầy hiệu trưởng. Thầy dẫn tôi về phòng riêng. Sau khi đã ân cần hỏi han mọi điều về bệnh tật của tôi, thầy mở va-li ra lấy một gói đường bảo  tôi:
-Thầy có mấy lạng đường cho Ký về bồi dưỡng đây. Nhớ lúc nào thấy mệt và đau quá thì nghỉ đi nhé. Liệu giữ sức để còn học lâu dài em ạ! Đừng thức khuya quá.
Tiếng trống báo giờ vào lớp vang lên. Từ phòng riêng, thầy hiệu trưởng dẫn tôi vào lớp. Thầy đưa gói đường cho Nghiệp và dặn mang về tận nhà cho tôi.
Tan học, Bích đưa tôi về đến nhà, thầy mẹ tôi vẫn thức chong đèn ngồi chờ. Bích ăn với tôi xong bát chè, rồi mẹ tôi tiễn Bích ra về.
Nhà Bích cách trường đến hơn tám ki-lô-mét. Nhưng vì mới mua được xe đạp nên cả những ngày học đêm này Bích cũng không ở trọ. Thường ngày Bích phóng xe đi về theo đường cái. Từ ngày tôi bị ngã, Bích thôi đi xe đạp. Hằng ngày Bích đi về với tôi theo đường mòn. Vừa đi Bích vừa bấm đèn pin soi cho tôi từng bước. Dường như sợ tôi bị ngã nên lúc nào Bích cũng đi song song với tôi, cánh tay luôn luôn ở tư thế sẵn sàng bất cứ lúc nào cũng có thể ôm chầm lấy tôi nếu tôi bị trượt.
Với sự giúp đỡ của Bích, của chi đoàn, mặc dù cánh tay tôi còn đeo bột nặng trịch, vừa nóng lại vừa khó chịu, tôi vẫn đến lớp đều đặn.
Nhưng có ngờ đâu mười ngày sau tôi lại bị ngã một lần nữa. Lần này tôi bị trượt ở cầu ao cũng vào một đêm đi học về. Bích vội nâng tôi dậy, hốt hoảng nói:
-Úi trời, có sao không?
Không muốn Bích phải lo lắng, tôi làm ra vẻ bình thường, đáp thản nhiên:
-May quá chẳng việc gì cả.
Sau đó tôi còn dặn Bích không được nói cho thầy mẹ tôi biết tôi bị ngã.
Khi Bích ra về, tôi vào nhà nằm vật xuống giường. Mẹ tôi cầm đèn đến hỏi, tôi cũng tìm cách giấu:
-Không sao đâu, con đi xa chỉ hơi mệt một tí thôi.
Đưa tay sờ lên trán tôi thấy vẫn bình thường, mẹ yên trí tắt đèn đi ngủ. Lúc đó tôi mới giở mình nằm quay mặt vào tường thầm khóc. Cánh tay bó bột của tôi bị gãy lại rồi chăng? Tôi cảm thấy nhức nhối ghê lắm, chẳng khác gì như có vô số mũi kim đang châm vào. Máu trong tay tôi và trong cơ thể tôi cứ chạy rần rật. Càng về khuya, cơn đau càng dữ dội. Tôi tưởng không thể nào trở mình được. Gà gáy sáng rồi tôi vẫn không sao chợp mắt.
"Nhất định không để cho thầy mẹ biết", tôi nghĩ thầm và vận hết sức lực vịn chân vào thành giường từ từ dậy.
Gắng gượng ăn xong bữa cơm, đợi thầy mẹ tôi đã đi làm đồng, tôi lại vào giường. Cơn đau vẫn không ngớt. Tôi định không nghĩ đến nó nữa  và tìm cách quên đi. Tôi liền nhẩm các con số từ 1 đến 100. Tôi lại đọc thơ, lại hát, nhưng rốt cuộc cơn đau vẫn chưa giảm. Nhưng rồi ngay lúc ấy hình ảnh Pa-ven lại hiện lên trước mắt tôi. "Hãy biết sống cả những khi cuộc đời trở nên không thể chịu được nữa". Câu nói của Pa-ven như tiếp thêm cho tôi một nghị lực mới. Tôi vùng dậy đi lục sách học bài. Để đỡ đau, vừa học tôi vừa cặp chiếc thước vào chân gõ gõ lên thành bột bó trên cánh tay gãy. Đến chiều Bích vào rủ đi học, tôi đeo túi sách đi ngay. Đau quá nhiều lúc tôi phải dừng lại nghỉ giữa đường. Bích định cõng nhưng tôi không nghe. Hơn nữa tôi chẳng bám vào cổ Bích được, nên cõng cũng khó khăn lắm. Vừa đến lớp gặp luôn giờ kiểm tra Nga văn, làm xong bài, tôi tưởng ngất đi được. Mấy hôm sau trả bài, tôi không ngờ lại đạt điểm 5.
Hết năm học lớp Chín, băng bột ở cánh tay tôi mới được cắt ra. Sức khoẻ của tôi giảm đi rõ rệt. Song không phải đến bây giờ mà ngay từ cuối hè lớp Bảy, tôi đã nhận ra điều đó.
Ngày ấy tôi nhận được giấy của bác sĩ Tôn Thất Tùng gọi lên bệnh viện Việt Đức để khám bệnh. Tại Hà Nội, trong đại hội "Thanh niên xung phong vượt mức kế hoạch 5 năm lần thứ nhất", tôi được gặp bác sĩ Tùng. Lần này gọi tôi lên khám có lẽ bác sĩ muốn xem kĩ đôi tay của tôi có còn cách nào chữa được nữa không. Nhưng khám xong, bác sĩ lắc đầu bảo tôi:
-Nếu biết trước năm sáu năm thì có thể chữa được. Bây giờ thì quá muộn rồi. Thôi cháu cứ yên tâm học tập. Dùng đôi chân thay đôi tay vậy.
Rồi bác sĩ giới thiệu tôi đến phong thử máu. Sau khi khám xong, tôi mới rõ là mình thiếu nhiều máu quá. Bác sĩ cho tôi đơn thuốc và dặn phải giữ gìn sức khoẻ. Theo lời bác sĩ, hằng ngày tôi không được thức quá mười giờ đêm để học. Khi thấy mệt mỏi phải đi nghỉ ngay.
Hai năm qua say mê học tập, tôi quên bẵng lời dặn của bác sĩ. Ngày mưa ngày nắng, cả những ngày cảm sốt, đầu nhức như búa bổ tôi vẫn đến lớp. Đêm đến có khi tôi vẫn thức đến mười một, mười hai giờ
Nhưng bây giờ, sau trận gãy tay, rõ ràng sức khoẻ của tôi không được bình thường nữa rồi. Ngồi học xong, đứng dậy tôi chuếnh choáng như người say rượu, mắt tối sầm lại. Ngồi đọc sách, trong đầu tôi cứ nghe như có tiếng ve kêu. Cánh tay vừa bị gãy, mỗi lần trở trời thấy vô cùng nhức nhối.
Năm tôi học lớp Mười, trường không học đêm nữa, chuyển sang học buổi sáng, nhưng phân tán đi nhiều cơ sở nhỏ. Lớp 10B chuyển đến học trong một ngôi đền cổ kính cách xa chỗ cũ chừng nửa ki-lô-mét. Phải đi quá xa, tôi cảm thấy mệt mỏi vô cùng. Trong nhà, lúc nào mẹ tôi cũng tranh thủ mua chanh để sẵn. Tôi rất thích ăn chua. Mỗi trưa học về là mẹ lại đưa tôi hai trái gọt vỏ sẵn. Tôi bỏ vào miệng nhai ngấu nghiến, vừa đỡ khát nước lại vừa đỡ mệt.
Những buổi tối ngồi học trong căn buồng che kín không cho ánh sáng lọt ra ngoài, nóng như hun lửa, muỗi nhiều như vãi trấu. Những ngày này mẹ thường thu xếp công việc, ngồi quạt cho tôi học suốt cả buổi tối. Nhiều lần thương mẹ quá, tìm  cách ngăn mẹ, nhưng mẹ tôi vẫn một mực không chịu nghe.
-Cứ im lặng ngồi mà học đi. Tao quạt cho mày cũng là tao quạt cho tao nữa. Trong cung cấm thế này mà không có quạt thì đến chết nực con ạ! Giá mày quạt được thì chẳng nói làm gì. Mẹ tôi nói vậy chứ thực ra tôi vẫn quạt được đấy. Có điều chỉ hơi khó khăn một tí, nhưng vẫn mát ra trò.
Các bạn trong lớp cũng rất lo cho sức khỏe của tôi. Nghiệp nhiều lần nói thật với tôi điều đó và khuyên tôi đi trọ cùng.
-Mình thấy năm nay cậu gầy đi nhiều quá Ký ạ. Không biết giữ sức có khi phải nghỉ học đấy. Để đỡ đi về vất vả, cậu thu xếp đến trọ cùng mình được không?
Tôi đã hiểu tấm lòng chân thật đó của Nghiệp. Song tôi vẫn thấy không thể nào nghe lời Nghiệp đi trọ học được. Những chuyện vặt trong đời sống từ trước đến nay chưa bao giờ tôi dám nhờ ai khác ngoài thầy mẹ, anh chị và các cháu tôi. Bây giờ đi học trọ, tất cả tôi phải nhờ Nghiệp ư! Không thể nào làm thế được.
Tất nhiên khi từ chối ý định của Nghiệp tôi không nói rõ những lý do ấy. Tôi chỉ trả lời Nghiệp một cách đơn giản:
- Mình không đi trọ với Nghiệp được đâu vì thầy mẹ mình không đồng ý.
Thú thật tôi chưa bao giờ nói vấn đề đi trọ với thầy mẹ cả. Để Nghiệp tin, tôi đành phải bịa ra như thế đấy. Và tôi chắc từ nay Nghiệp sẽ không bao giờ còn đả động đến việc học trọ của tôi nữa. Có ngờ đâu một tuần sau Nghiệp lại thổ lộ với tôi một ý định rất táo bạo:
-Mình định nay mai sẽ về trọ học ở nhà Ký đấy, cậy thấy thế nào?
Tưởng Nghiệp đùa, tôi mỉm cười đồng ý ngay:
- Thế thì còn gì bằng nữa.
Một buổi chiều, hai đứa ngồi hóng mát trên chiếc cầu, Nghiệp đã nói thật tất cả ý định của mình với tôi:
- Ký ạ, nếu cậu đồng ý thì thứ hai tuần sau mình sẽ dọn vào ở nhà cậu luôn đấy. Chẳng gì đây cũng là năm học phổ thông cuối cùng của chúng ta.  Rồi ra có thể một đứa sẽ đi một nơi, và biết đâu hai đứa không được gặp lại nhau nữa. Nếu trong những ngày có điều kiện gần nhau này mà chúng ta không biết tranh thủ sống chung với nhau thì đến khi đó hẳn sẽ ân hận biết chừng nào. Hơn nữa từ ngày Bích nhập ngũ đến nay, Ký đi về một mình, sức khoẻ lại không được bình thường, nên mình lo lắm. Bây giờ sống chung với nhau, chúng ta sẽ có điều kiện giúp nhau hoàn thành tốt năm học cuối cùng này. Rồi ngày mưa ngày nắng chúng mình đi về với nhau. Ký sẽ đỡ buồn và đỡ vất vả hơn... Đấy, Ký thấy có được không để hôm nào mình vào nói với mẹ thầy Ký.
Những lời chân thành của Nghiệp làm tôi xúc động. Tôi băn khoăn và khó nghĩ quá. Nghiệp về ở nhà tôi quả là một hiện tượng không bình thường. Có ai lại đi trọ học một nơi cách trường năm, sáu ki-lô-mét? Liệu gia đình Nghiệp có đồng ý không? Các bạn trong lớp có bàn tán gì không? Và tôi có nên để Nghiệp vì tôi mà chịu thiệt thòi thế không? Suy nghĩ mãi tôi định không nhận lời Nghiệp. Về sau thấy Nghiệp nhiệt tình quá, tôi không nỡ từ chối.
Thế là cho đến hết học kỳ một, Nghiệp ở nhà tôi. Thầy mẹ tôi thương yêu chúng tôi như anh em ruột thịt. Một củ lang bùi, một trái chanh chua hay một quả chuối ngọt, mẹ tôi đều để dành cho cả hai đứa.
Hai chúng tôi dùng chung một bộ sách giáo khoa. Đêm đến ngồi chung một ghế, học chung một bàn. Hằng ngày đi cũng như về không lúc nào hai chúng tôi không bên cạnh nhau. Một lá thư vừa bóc, một trang nhật ký chưa ráo mực, chúng tôi đều đưa cho nhau xem.
Vào học kỳ II, nhà trường quyết định mọi học sinh lớp Mười đều phải đi trọ học. Lần này Nghiệp lại khuyên tôi đi trọ. Tôi cũng cảm thấy đã đến lúc mình không thể không đi trọ học được vì chẳng mấy chốc nữa là thi tốt nghiệp. Quá trình học tập suốt mười năm qua sẽ quyết định trong mấy tháng ngắn ngủi này. Mình cần phải dồn tất cả thời gian, sức lực để giành lấy thắng lợi cuối cùng.
Chúng tôi ở nhà một bà cụ cách lớp chừng hai trăm mét. Ít ngày sau có thêm Minh và Phụng cùng đến trọ. Kể cũng hơi chật vì bốn đứa mà có một chiếc giường. Trong ngôi nhà tranh năm gian này bà chỉ ở có hai gian, còn ba gian bên kia thuộc về gia đình ông anh. Một gian bà làm buồng để ngủ, còn gian nhà ngoài có chiếc giường bà nhường cả cho chúng tôi. Bà mới hơn năm mười tuổi mà chúng tôi cứ đoán non đoán già là ít ra cũng ngoài sáu mươi. Vầng trán và gò má nhăn nheo hết cả rồi. Trông bà giống mẹ tôi quá. Hằng ngày chúng tôi ăn cơm chung với bà. Cứ cắp sách ở lớp về là thấy bà đang ngồi quạt những bát canh bốc khói đặt giữa giường. Thật đúng là một người mẹ hiền. Nhất là đối với tôi, bà thương yêu chăm sóc chẳng khác gì mẹ tôi. Ngay cả những việc nhỏ nhặt hàng ngày bà cũng lo liệu cho tôi. Lắm lúc tôi cảm động rớm nước mắt. Sống trong tình thương yêu của bà, tôi thấy thoải mái như chính ở nhà vậy.
Tôi không phải lo nhiều đến khó khăn trong sinh hoạt hằng ngày nữa. Vì không những Nghiệp, bà cụ mà cả Minh và Phụng cũng đều tận tình giúp đỡ và thông cảm. Hơn nữa phần lớn những sinh hoạt hằng ngày tôi đã tự làm được. Tôi tự rửa mặt, đánh răng và cả chải đầu nữa.
Cuộc sống trọ học đã đem lại cho tôi nhiều điều mới mẻ. Tôi yêu đời hơn, thoải mái hơn và khỏe hơn. Hằng ngày, từ tờ mờ sáng chúng tôi đã dậy tập thể dục. Khoảng đất dưới gốc cây bàng ở đầu ngõ với những làn gió mát từ cánh đồng thổi đến là bãi tập của chúng tôi. Tôi không tập được các động tác tay, nhưng những động tác chân, lườn, tôi đều tập như các bạn.
Buổi chiều, sau khi học bài xong, bốn chúng tôi lại rủ nhau lên cái hồ lớn gần đấy tắm và tập bơi.
Bề ngang hồ rộng đến hơn trăm mét. Bốn chúng tôi cứ thế thi nhau bơi đi bơi về. Tiếng quẫy nước, tiếng cười đùa vang dậy cả mặt hồ. Thường khi ánh trăng đã chiếu xuống mặt hồ sáng loáng, chúng tôi mới ùa nhau lên bờ và ra về.
Cuộc sống hồn nhiên vui vẻ ấy khiến tôi quên hết mọi mệt mỏi. Tôi mừng thầm thấy sức khoẻ của mình đã tạm ổn. Nhưng chưa lâu, bệnh tật vẫn chưa chịu buông tha tôi. Một lần nữa nó lại đến giày vò cơ thể tôi.
Vì ngồi nhiều nên hai bên mông tôi mọc mụn dày tịt. Đau quá, tôi không thể ngồi học bình thường được. Mỗi lần chỉ được năm mười phút là tôi đã phải đứng dậy rồi. Về sau mụn mưng mủ nhức nhối đến nỗi tôi không thể ngồi được nữa.
Giữa lúc ấy kỳ ôn thi tốt nghiệp đã tới. Rồi ngày thi cứ đến. Chỉ còn mười lăm ngày, mười ngày rồi bảy ngày nữa thôi. Trong khi đó, mụn ở mông tôi vẫn tiếp tục mưng mủ nhiều thêm. Nghiệp đã kiếm cho tôi một chiếc gối bông bằng đệm nhưng tôi cũng không thể nào ngồi được. Tôi phải để sách lên bàn cao đứng học. Đứng như vậy giờ này qua giờ khác, đến nỗi cả hai chân tôi bị mỏi nhừ như vừa đi bộ đường trường.
May sao sau khi tiêm khá nhiều pê-ni-xi-lin, tôi có thể ngồi và học được. Ngày thi tốt nghiệp cũng vừa tới.
Thi xong, tôi về quê nghỉ hè. Đây là mùa nghỉ hè cuối cùng trong đời học sinh phổ thông của tôi. Hơn tất cả những mùa hè khác, tôi cảm thấy thoải mái vô cùng.
Thế là mười năm học đã trôi qua. Tôi không ngờ đời học sinh của mình lại nhanh chóng đến thế. Những ngày tới đây tôi sẽ đi đâu và làm gì?
Trước đây ba năm thầy Chữ có khuyên tôi:
-Ký nên phấn đấu học tốt môn văn thì hay hơn em ạ! Em có nhiều khả năng về môn toán đấy. Song thầy nghĩ sau này học lên nữa, môn toán sẽ có nhiều vấn đề phức tạp lắm. Với đôi chân và điều kiện sức khoẻ có hạn, thầy lo em gặp khó khăn và sẽ ảnh hưởng không ít đến việc phục vụ và ước mơ hoặc nghiên cứu. Chính Pa-ven và Phạm Hồng Sơn đã chọn con đường này để phục vụ Tổ quốc. Đó là những tấm gương sáng chói, em cần suy nghĩ và học tập. Song muốn làm được như vậy, em phải chăm đọc sách, phải chịu khó tìm hiểu thực tế.
Nghe lời thầy Chữ, tôi cố gắng đọc và ghi chép những đoạn hay trong các tác phẩm thầy cho mượn. Tôi cũng rất hay mua sách về đọc. Mẹ cho được đồng nào tiêu vặt là tôi để dành mua sách hết.
Thấy tôi thích quyển truyện Kiều mà tìm mua mãi không được, Nghiệp xin được ở đâu một quyển đã sờn gáy liền đem đến tặng tôi.
Tôi rất mê truyện Kiều. Ngày nào tôi cũng đặt truyện Kiều ngay trên bàn học. Rảnh lúc nào là tôi lại học. Học đến đâu tôi cố nghiền ngẫm hiểu đến đấy. Từ nào bí quá, tôi đem bàn với Nghiệp hoặc đi hỏi thầy Chữ, thầy Lập và cô Dung. Chẳng bao lâu, khi gần hết lớp Chín, tôi đã học thuộc hai phần ba truyện Kiều.
Nghe lời thầy Chữ, tôi còn thường rủ Nghiệp đi chơi các nơi để xem phong cảnh và tìm hiểu thực tế. Có hôm chúng tôi rủ nhau xuống tận biển Hải Triều hoặc lên chùa Cổ Lễ cách xa hàng hai ba chục cây số.
Sau ba năm phấn đấu rèn luyện và tích luỹ, tôi thấy khả năng văn học của mình vẫn chưa được là bao.
Nhưng vì đã định từ trước lại được các thầy khuyên nên tôi cứ mạnh dạn nộp đơn xin vào học khoa Văn trường Đại học Tổng hợp.
Trời vừa mờ sáng. Ngoài sân đã nghe tiếng ông tổ trưởng đến báo bố mẹ tôi đi làm. Hôm đó nhà tôi có giỗ. Bố mẹ tôi xin nghỉ ở nhà.
- Thế đi làm việc gì hả bố? – Tôi nằm trong màn hỏi vọng ra.
- Đi dận phân xanh ấy mà.
-Dận phân xanh, thế mới gấp đấy. Sáng nay mà không đủ người dận cho xong là một tấn điền thanh cứ nỏ ra rác hết. Trời lại nắng như đổ lửa thế này. Để lại thì gay lắm – Với giọng đầy lo lắng, ông tổ trưởng nói như vậy.
Tôi liền vùng dậy:
-Được, bác để cháu đi dận thay bố cháu nhé!
Ông tổ trưởng cười nhìn tôi, nửa tin nửa ngờ hỏi lại:
-Có thật không?
-Thật đấy. Việc gì chứ việc này là cháu làm được.
-Được, thế thì cháu cứ cơm nước đi.
-Cháu nó nói thế chứ đi với đứng gì bác-Mẹ tôi chạy ra nói vội với ông tổ trưởng-Chân nó bây giờ là chân ăn chân viết chứ ai đi dậm phân giẫm đất! Lỡ mảnh sành mảnh sạn nó xẻ cho một cái thì khốn.
-Không, con đi thật.
-Thôi, tuỳ nó thích đi thì cứ để nó đi làm một buổi xem thế nào. Nhưng phải nhớ làm ăn cho cẩn thận.
Được bố đồng ý, ăn cơm xong tôi liền mặc quần đùi đội mũ lá ra thẳng cánh đồng ngoài mà ông tổ trưởng đã dặn. Vừa đến nơi, một chiếc thuyền chở đầy điền thanh cũng vừa tới.
-A, cậu Ký hôm nay cũng đi làm với cánh mình đấy à?
-Nào, lại bốc điền thanh rải xuống ruộng với bọn mình đi!-Một cô tinh nghịch vừa bốc điền thanh dưới thuyền rải xuống ruộng vừa cười nói.
-Thôi, các cô đừng đùa cậu ấy nữa-Bà Hoà quay lại lườm cô kia-Còn cậu Ký cứ dận đi để tôi rải ra cho.
Tôi bước xuống ruộng và ra sức dận lấy dận để. Nhưng lạ quá. Tôi cứ dận đến đâu thì chúng lại nổi lên đến đấy. Bà Khiết bước đến bảo khẽ:
-Dận thế không được đâu cháu ạ! Đầu tiên cháu phải dận hai đầu nó xuống đã. Sau dận ở giữa thì nó mới khỏi nổi.
Nghe lời bà Khiết, tôi liền làm theo. Từ đó dận đến đâu là được đến đấy.
Một hôm đi giữa đường tôi bỗng gặp bác chủ nhiệm. Bác vỗ vào vai tôi, giữ lại và niềm nở hỏi:
-Cháu lâu nay cũng tham gia sản xuất được với hợp tác xã, thế thì tốt lắm. Cháu đã nhận được giấy gọi đi đại học chưa?
-Chưa bác ạ, cháu định xin ở lại hợp tác xã. Bác xem có việc gì bố trí cho cháu làm với-Tôi vừa cười vừa nói với bácl
-Tốt quá. Cháu sẽ làm kế toán hợp tác xã nhé!
-Vâng, cháu xin sẵn sàng.
-Nghe đâu cháu hay làm văn làm thơ lắm phải không? Cháu tham gia vào ban văn hoá thông tin của hợp tác xã để động viên phong trào thì hay biết mấy.
Nhưng rồi tất cả những ý nghĩ ấy chưa kịp thực hiện thì ngày mùng chín tháng tám năm một nghìn chín trăm sáu mươi sáu tôi nhận được giấy báo của trường Đại học Tổng hợp. Tôi vừa sung sướng lại vừa thấy tiêng tiếc.
Sáng sớm ngày mùng ba tháng chín tôi lên đường đi học. Đưa chân tôi ra bến xe, ngoài thầy mẹ và các anh chị tôi còn có cả thầy Châu, thầy Chữ và khá đông các bạn bè. Xe sắp chạy rồi, tôi sắp phải xa tất cả những gì thân yêu: quê hương, bố mẹ, các thầy giáo và các bạn.
Bố tôi vịn vào thành xe,  xúc động nói:
-Thôi con đi nhé! Lên đường con nhớ chăm chỉ học cho bằng anh bằng em. Đến nơi con nhớ viết ngay thư về cho bố mẹ an tâm.
Xe từ từ chuyển bánh. Tôi ngoái lại nhìn. Mẹ tôi đưa tay gạt nước mắt. Những cánh tay giơ lên vẫy vẫy và những lời chào tạm biệt còn vang theo xe:
-Thôi đi nhé! Đi... nhé!
-Nhớ viết thư về Ký nhé, nhé...!
Xe lao đi. Qua cửa kính tôi chỉ còn thấy hai hàng thông xanh ngắt vun vút chạy theo như muốn níu tôi trở lại. Tất cả hình ảnh của những năm qua bỗng nhiên hiện về trong trí nhớ của tôi: Cô Cương, Thầy Châu, thầy Chữ, Bằng, Tam, Phụ, Liễu, Bích, Nghiệp và biết bao thầy, bạn thân yêu khác cứ liên tiếp hiện ra. Mỗi người một vẻ, mỗi người một kỷ niệm khác nhau nhưng tất cả đều chăm sóc tôi với lòng yêu thương vô hạn.
Nếu không có cách mạng, không có độc lập tự do, không có những người thầy, người bạn như vậy thì làm sao tôi có thể được đến trường, được lớn lên và sắp được ngồi trong trường đại học...
HẾT

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro