End.

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng


Tôi đã tình cờ tự tử.

Trong một thời gian dài, cái ý định tự kết liễu bản thân trở nên hoang hoải trong tôi, như một kẻ chết khô trên sa mạc cầu mong một dòng suối, cặn. Cái suy nghĩ đó cứ nhởn nhơ, dai dẳng, âm ỉ như tàn lửa cháy thành tro trong lư hóa vàng đêm ba mươi, trong khi trên bầu trời pháo hoa cứ nở rồi lại lụi tắt. Thỉnh thoảng, những tiếng thúc giục thầm thì bên tai cứ khẩn thiết van nài như "lửa châm nhà đã cháy, như chuông reo trước sợi mành sắp đứt, như thòng lọng siết vào cổ người ta."

Tôi

biết rằng khi người ta nhảy từ trên cầu xuống dòng nước chảy siết, họ không thể bơi lên bờ bởi một vài chiếc xương đã gãy khi va đập vào bề mặt nước từ một độ cao lớn. Và thế là người ta chìm xuống.

Tôi

biết rằng người ta cắt cổ tay trong nhà tắm, và ngâm chiếc tay với những giọt màu đang rịn xuống thành đường cong vào dòng nước ấm, bởi vì như thế máu sẽ không bị đông lại. Và người ta trượt dài trên nền gạch phòng tắm, lịm tắt.

Tôi

biết rằng người ta dùng thòng lọng siết cổ, thì sẽ treo mình ở một nơi xa, hay một nơi không ai tìm được họ, vào một thời điểm người khác không nghĩ tới, bởi sẽ không ai cứu họ cả, không một ai cả. Và người ta cứ như vậy với một sợi thừng của Naoko.

Tôi biết cả ngàn cách tự vẫn khác, khi mà những chuyện đó xảy ra thường người, với người này hay người kia, đôi khi kênh thời sự đưa tin, đôi khi thì báo chí đề cập. Đôi khi tôi gọt hoa quả, và ướm thử lưỡi dao vào cổ tay nhỏ bé, tròn lẳn, không một vết xước của mình, cảm thấy chúng thật hoàn hảo, thật thích hợp. Lại có đôi khi tôi đang đưa những mũi kéo trên tờ giấy, trong vô thức tôi lại lấy nó ướm vào bụng mình, rồi nhanh chóng đặt kéo xuống, lùi về sau.

Trong một khoảnh khắc tôi đã thấy bản thân nằm đó, bất lực, mắt trợn tròn, da trắng bệnh, thái dương xanh xao, môi thì tím ngắt, kéo cắm giữa bụng và máu cứ nhạt nhòa chảy ra, thấm ướt những kẽ hở vữa trắng trên nền nhà.

Một vài lúc đột nhiên tôi phá lên cười rồi ôm lấy mặt, thật khó khăn, khi mọi chuyện đều khiến tôi đau đớn, thì tôi muốn một cái chết thật nhanh chóng, một lần và mãi mãi. Vì vậy tôi cũng không chọn thuốc ngủ, những viên thuốc rẻ tiền vớ vẩn không xứng với cái chết đáng trọng của tôi.

Tôi, thế mà lại rất sợ đau, khi ý thức được cái suy nghĩ méo mó và đáng thương của bản thân, khi soi mình vào gương và thấy những quầng thâm hiện rõ, thì tôi sợ, ngay đến cả chính mình còn muốn làm đau bản thân thì thật là không công bằng. Thế nên tôi chưa một lần muốn làm thân với dao rọc giấy, ôi dào cái thứ dao vớ vẩn không xứng với cổ tay xinh đẹp của tôi, được như dao gọt hoa quả. Tôi ghét những vết cắt chi chít trên tay, khi mà người ta bảo người ta làm thế để thích nghi với những nỗi đau, để tô màu lên những nỗi đau khác, thì không, tôi thì không, tôi không có thời gian, cũng như lòng can đảm để nhận thêm nỗi đau nào nữa.

Như vậy là quá đủ

cho một con người.

Tôi, thế mà lại chọn nhảy lầu. Vì như thế tôi sẽ không có đủ thời gian để mà hối hận, còn người ta cũng không đủ thời gian để mà cứu tôi. Xời, ai mà thèm cứu tôi cơ chứ, tôi đã gào lên khản cả giọng, với những giọt nước mắt đau khổ, nhưng người ta ngại ngần khi chìa tay ra.

Thật là xấu tính, có phải như thế không?

Tôi đã tình cờ tự tử như thế.

Rơi xuống từ một tòa cao tầng, khi gió rít gào bên tai, khi ánh nắng trở nên chói lòa trong mắt, mọi dây thần kinh tôi căng ra kiểm tra từng chuyện một. Tôi đã mặc bộ quần áo đẹp nhất mà tôi thích, đi ăn cháo vịt một lần nữa mà tôi thích, đến nhà bà già cuối phố và tặng hoa cho bà, khen rằng chiếc khăn vấn tóc ca rô của bà rất đẹp, rằng là có lẽ bà không biết tôi nhưng mỗi ngày đi học về, tôi đều thấy bà dắt chó đi dạo và cùng ngồi bên bờ hồ. Có lẽ bà không biết nhưng tôi rất mến bà, thế rồi bà mỉm cười và vuốt lưng tôi. Tôi cũng mua tặng bản thân một bó hoa mắt xanh, tuy chỉ là hoa giả thôi vì đời nào hoa đấy nở mùa này cơ chứ, thế nhưng nó cũng đã cố hết sức để xinh đẹp rồi.

Và tôi đứng trên tầng thượng, với bó hoa mắt xanh trên tay, tôi xoay lưng lại với vực thẳm kia rồi từ từ ngã nhào về sau. Ước gì tôi không hề tự tử, tự tử vốn là điều xấu, Chúa sẽ giận tôi cho mà xem. Ước gì tôi gặp tai nạn, hay đột nhiên mắc bạo bệnh mà qua đời, ước gì, nhỉ?

Khi thân thể tôi chạm đất, tôi cam đoan rằng cảm giác rất lạ lùng, như mọi uất ức nén lại thành nắm đấm, chèn chặt cổ họng tôi, như một nhát khoan hướng thẳng qua trái tim tôi, vặn vẹo những giọt nước mắt cuối cùng tràn khỏi khóe mắt. Có lẽ sọ tôi đã nứt vỡ, xương tôi đã tan tành, có thể máu tôi đang tan ra, thấm vào gạch vỉa hè, thấm vào bộ quần áo xinh đẹp hôm nay tôi mặc, té lên cả bó hoa mắt xanh.

Và thế là tôi chết, kết thúc một đời người, tôi khép mắt lại. Chỉ là một sự tình cờ thôi, chết cũng như vậy, như sự sống, chợt đến rồi chợt đi.

Tôi thấy bóng ma của Thần Chết hấp háy bên tôi, giữa đám đông những con người xúm về cạnh tôi, họ hét lớn, kêu cầu sự giúp đỡ, gọi cho xe cứu thương, bây giờ trông họ thật tội nghiệp, vì họ chỉ là những người xa lạ không may trông thấy tôi. Có lẽ họ cũng sợ tôi bắt vạ họ lắm. Thần Chết, chỉ là một con mèo đen có phần to lớn hơn bình thường, nhưng nó trừng mắt nhìn tôi, cái nhìn chăm chú lạ lùng, nghiêm khắc như nhìn một con người tội lỗi đã tự tìm đến cái chết.

"Sau cùng tự tử vẫn là một tội."

"Tội lỗi của một kẻ ích kỉ."

"Này, không phải trước khi chết, người ta sẽ nhìn thấy một tia sáng lóe lên rồi mọi kỉ niệm đẹp trong đời của họ chợt nhanh chóng vụt qua sao?"

"Đúng vậy, cũng sắp rồi."

"Không ngờ lại có thật. Tôi có thể có một điều ước trước khi chết được không? Như trong phim vẫn hay có đấy?"

"Có thể."

"Vậy thì tôi muốn từng chuyện một trong cuộc đời tôi lần lượt được tái hiện lại."

"Kể cả những chuyện không vui?"

"Kể cả những chuyện không vui."

Con mèo đen dẫn tôi đi, không, là dẫn hồn tôi đi, bước ra khỏi cái xác đáng thương kia, xuyên qua những con người lạnh lùng, và tôi thấy trái tim họ đang đập từng nhịp thổn thức. Có phải một câu chuyện cảm động về cái chết sẽ trở nên rất nổi tiếng không? Rồi người ta sẽ thương xót tôi sao, có phải là như thế không? Rồi cả thế giới này sẽ bỗng nhiên yêu thương tôi, có phải là như thế không?

Tôi không nhìn họ nữa, tôi ngoảnh mặt đi, hóa ra từ biệt bản thân cũng thật buồn. Tôi chỉ muốn nói với bản thân rằng, ngay cả khi nằm ở đó, cậu cũng rất xinh đẹp.

Hoa mắt xanh, nghĩa là tôi tha thứ cho cậu. Ngay cả khi cậu tự vẫn, ngay cả khi cậu chết đi, mọi thứ, tôi đã tha thứ cho cậu rồi.

Tôi được dẫn qua một con phố, nơi mà tại một tiệm sửa giày cũ có một ông chú bụng bia mỗi sáng sớm đều mở nhạc Modern Talking bằng dàn loa rất to nhà ổng, tôi vẫn luôn tò mò vì sao tiệm sửa giày cũ lại có dàn loa đáng ngưỡng mộ như vậy, mãi đến tận lúc này tôi vẫn chưa biết lí do. Ông chú ấy chỉ dừng nhạc Morden Talking vào một ngày duy nhất, chính là ngày Quốc Khánh, và lúc đó thì tôi được nghe nhạc cách mạng. Việc này như trở thành một thói quen, kể cả sau này khi đã chuyển trường, tôi vẫn cố ý đi đường vòng để được ngang qua con phố đó, kịp giờ nghe nhạc của ông chú kia. Thế nhưng có lần khi đi học tôi không còn nghe tiếng nhạc nữa, hỏi ra mới biết một gã tài xế xe tải say rượu đã mất đà khiến xe tông thẳng vào tiệm sửa giày kia, khiến bộ loa kia nứt vỡ nặng, thật may là ông chú không hề gì, nhưng từ đó tôi không còn đi con đường này nữa.

Lại đi thêm một đoạn phố nữa, tôi thấy một căn nhà lớn, trông rất đẹp đẽ và sang trọng, với những khóm thu hải đường bên hàng rào và một cây mưng rất to trước cửa nhà. Mùa mưng nở, một chị nọ, hình như là người trong nhà, luôn cầm chổi quét gọn hoa mưng đỏ dịu dàng thành một nhóm gọn gàng và tưới nước cho những bông hoa. Đột nhiên có một thời gian ôn thi vất vả, khi tôi nhận ra thì mùa hoa mưng lại nở rồi, và người quét mưng đã vô tư biến mất. Bà bán xôi gần đấy kể với tôi rằng người nhà kia vỡ nợ phải đưa cả gia đình đi trốn ở tận trên miền núi, nghe đâu căn nhà này giờ được rao bán rồi. Thế nhưng hoa mưng trước cửa nhà như vụn vỡ, nương vào gió, lủi thủi cuốn vào trong, bừa bãi kì lạ.

"Vì sao vậy nhỉ?"

"Chuyện gì?"

"Tôi có biết rằng con người sau khi chết được một thời gian nhất định thì sẽ được chọn tiếp tục chuyển kiếp, bắt đầu một cuộc đời mới và sau đó họ được uống nước lãng quên và quay trở lại trần gian."

"Đúng là như thế."

"Vậy, vì sao người ta không chọn làm một bông hoa mà lại tiếp tục làm một con người. Cuộc sống này vốn rất khổ đau vậy mà họ vẫn tiếp tục làm một con người?"

"Bởi vì họ vẫn chưa thực hiện được mong muốn kiếp trước."

Con mèo đen dẫn tôi về đến nhà. Nhà của tôi. Rồi bóng con mèo tan vào trong gió, như một làn bụi được phủi đi, tan tành. Tôi đứng trân trối trước cửa nhà mình, đột nhiên cảm thấy hàng rào thật mới mẻ, ngay cả hoa giấy cũng nở đỏ hồng cả một góc, chiếc cổng vàng cũng chưa từng tróc sơn, cờ sao vàng treo đỏ chói trước cửa, nắng vờn nhẹ chiếu vào trong nền sân gạch còn mới. Mùi vữa, mùi sơn của căn nhà mới xây.

Tiếng còi xe đỗ xịch lại trước cửa, rồi mẹ tôi bước xuống đầu tiên, với một bé con còn đỏ hỏn trên tay, mẹ tôi vấn tóc cao với vài sợi tóc con lòa xòa bên thái dương, má đỏ hồng và da trắng mịn, mẹ tôi còn trẻ quá. Tiếp đến là một thằng cu độ bốn tuổi, xoắn xuýt quấn quýt cạnh mẹ tôi, với lên cao để chạm vào đôi tay tí xíu của bé con đáng yêu kia. Ba tôi bước xuống sau cùng, ba mở cốp xe, khiêng ra nào bỉm nào phích nước, ấm siêu tốc, quần áo, tã lót, sữa,... và cả tá những thứ linh tinh khác. Tôi đã hít thật sâu, nhắm mắt lại rồi mở mắt ra, trông ba tôi cũng thật bảnh bao khi mà râu được cạo nhẵn, nét nhíu mày còn chưa sâu, ba chẳng cằn nhằn mà vui vẻ cười với mẹ. Gia đình họ mở cửa và cùng đi vào nhà. Hóa ra ba mẹ tôi đã từng tươi tắn và xinh đẹp như trong ngày cười, ngày tuyệt vời nhất đời họ khi bế tôi từ bệnh viện trở về. Hóa ra hàng hoa giấy trước cửa nhà lại có thể tươi nguyên, giòn giã đến như vậy vào những ngày giữa hạ.

Hóa ra, tôi cũng

đã từng được yêu thương.

Thoắt cái, bỗng dưng tôi đứng trước cổng trường mẫu giáo, thì ra hàng cây bên đường đã từng xanh trong như vậy, bác bán bánh bao và cháo trẻ em bên vỉa hè đối diện trường nom cũng thật trẻ trung. Khi mà đột nhiên trời thì xanh trong và cái không khí mùa thu cứ mơn mởn trên da tôi, thì từ đằng xa mẹ bồng bế tôi đến trường ngày đầu tiền. Tôi không chắc nữa nhưng tôi thấy bản thân đã khóc rất ghê, với những giọt nước mắt và nước mũi nhợt nhạt, mặt mày thì méo xẹo và cái má phúng phính đến là thương. Và em bé lúc ba tuổi cứ giãy đành đạch khi được mẹ nắm tay dẫn vào trường, trong mắt em cứ long lanh lấp lánh bao cảnh tượng mới mẻ, với những màu sắc rực rỡ chói lòa trước mắt, em đã quên cả phải khóc như thế nào. Thế nên mẹ tôi ôm tôi, vuốt tóc tôi và bảo mẹ biết tôi là đứa trẻ ngoan, tôi nhất định sẽ làm tốt và trao tay tôi cho một cô giáo trẻ măng. Cô có cái nhoẻn cười đẹp và dịu dàng, cô ôm tôi và cho tôi một chiếc kẹo.

Thoắt cái, tôi lại thấy bản thân đứng trong công viên thành phố sáng rỡ đèn bảy màu nhấp nhảy trên không trung, với xung quanh là những tượng hình con vật dễ thương, những xích đu, thú nhún, mấy khu trung tâm cần vé mới vào được, mấy dàn hoa hay những khóm cây được cắt tỉa rất cẩn thận và rất nghệ. Ba mẹ đang dẫn hai anh em tôi vào khu nhà bóng, những đứa trẻ bé tí thấy trò chơi là mặt mày tươi rói, cười sang sảng rồi nhanh hơn cả ba mẹ, hai anh em tôi bám lên lan can đu mình vào trong chiếc nhà bóng mà trước kia tôi đã từng thấy rộng lớn như một thế giới khác. Bây giờ được tận mắt nhìn lại thì thấy nó cũng bé thôi, bé tí vậy. Chúng tôi cùng nhau ngồi xuống những bàn ghế nhựa bé ti ti trên bãi cỏ xanh, ba mẹ kiên nhẫn chờ anh hai tôi tô tượng một con sư tử và đợi chờ tôi rắc cát bảy sắc lên tranh dán giấy hình một công chúa xinh đẹp.

Trông họ thật giống một gia đình hạnh phúc.

Nhưng bây giờ công viên này đã không còn hưng thịnh như trước nữa, nó gần như bỏ hoang dù cho chiếc cổng vẫn sáng lấp lánh đèn mỗi lần tôi vô tình đi ngang, như đang hỏi tôi về những kỉ niệm, rốt cuộc đáng giá bao nhiêu?

Thoắt cái, tôi thấy bản thân trong ngày nhập học vào lớp một. Ngay đến cả bộ quần áo cũng lạ lẫm với tôi kia mà. Mẹ nắm tay tôi vào sân trường, hôn tạm biệt, động viên rồi đẩy tôi về phía trước và chỉ trông theo bóng tôi lẫn vào trong những em học sinh bằng tuổi. Mẹ vẫy tay với tôi và khi thực sự đứng gần như lúc này, tôi mới thấy mắt mẹ loang loáng nước mắt. Rồi hai bạn gái xinh xắn ngồi cạnh tôi hoan hỉ bắt chuyện cùng tôi, là cái Tuệ và cái Nhi. Tôi thở dài, ngồi xuống hàng ghế phía sau đám trẻ, trông thật kĩ khuôn mặt các em, và cả tôi, tôi đã thấy các em rất dễ thương, trong trỏe như giọt nước đầu thu, đều rất háo hức và mừng vui trong ngày tựu trường, đôi khi một vài em không kìm được mà òa khóc, những giọt nước mắt của bé con khi một lần nữa tiếp tục đến một môi trường mới.

Kể cả sau này, khi kinh tế gia đình ép buộc ba mẹ tôi phải chuyển trường, tôi cũng đã khóc, đã khóc như chú chim con ngã khỏi tổ, mãi mãi gãy cánh chẳng còn vươn mình bay cao được nữa.

Tôi thấy cái Tuệ, cái Nhi và cả tôi bắt đầu lớn lên như những cây đậu thần của Jack, các em vẫn giữ được vẻ trong sáng đáng yêu của tuổi búp măng, khi mà những người bạn cùng nhau chơi nhảy sạp trong giờ ra chơi, hay cùng đạp xe tấp vào lề đường để ăn sữa chua gói. Những người bạn đã bên nhau như thế, khi cùng viết nhật kí truyền tay, cùng hát một bài ca mỗi sáng sớm, đứng cạnh nhau trong hàng mỗi giờ chào cờ, lắng nghe tiếng hát Quốc ca của nhau, và tôi biết, chúng ta là một đội. Những người bạn đã cùng nhau dắt xe về nhà sau mỗi giờ học, sẽ ở cạnh nhau mỗi lần khóc trước một bài kiểm tra đạt điểm thấp, sẽ đợi cho hoa phượng đầu tiên rơi xuống để lấy về ép lên vở. Những người bạn đã ngồi cùng nhau trong giờ ăn trưa, cùng nói câu "chúng em mời cô ăn cơm, mình mời các bạn cùng ăn" và đợi cho người cuối cùng ăn xong để cùng đi cất bát.

Những người bạn ấy, đã mỉm cười như thế, đã ôm nhau như thế, trong sân trường cấp hai và thủ thỉ với nhau rằng sau rốt thì chúng mình lại được học chung một trường, sau rốt thì chúng mình vẫn sẽ thân nhau, có phải như thế không?

Tôi đứng đó, từ rất xa, nghiền ngẫm cảnh tượng kia, khắc sâu vào tâm trí mình từng đường nét một. Sau rốt thì tôi cũng kiệt sức, không thể tiếp tục được nữa, tôi ngồi xuống, bó gồi lại rồi úp mặt sâu vào cánh tay. Những kỉ niệm chết tiệt vớ vẩn, bây giờ thì chúng đang đâm vào tôi, cứa lên da thịt tôi những đường sắc lẹm mà ngay cả dao gọt hoa quả cũng không thể làm được, không thể nào. Từng giọt nước mắt tràn ra khỏi hốc mắt, từ từ lăn thành đường trên má, rịn xuống cánh tay và cứ nhòe đi ở đó mãi. Vì lẽ gì mà ngay cả những thứ xinh đẹp này cũng muốn làm tôi đau đớn, thật không công bằng.

"Cậu còn muốn xem tiếp hay không, dù sao tiếp theo cũng không tốt đẹp gì, hay là mình cứ đi thôi?"

Tôi hé mặt để nhìn thấy Thần Chết qua khóe mắt mờ nước.

"Không, có phải tôi rất ích kỉ khi chỉ muốn được nhìn lại những kỉ niệm hay không?"

"Rất ích kỉ."

Tôi đứng dậy, quệt nước mắt. Con mèo đen lại bị gió thổi thành tro, quét đi đâu mất. Lại chỉ còn một mình tôi, trơ trọi đừng ở trước cửa nhà, giữa đêm tối, khi mà trời cao thì đặc quánh mây, ánh trăng cũng không tìm ra một kẽ hở mà rọi xuống. Ngay cả những vì sao cũng không thể vì tôi mà mở mắt. Vậy mà tôi lại thấy rất rõ cái nhà của tôi, một cái nhà của tôi. Nó không còn ở con phố cũ nữa, vị hàng xóm mới cũng chẳng thân thiện bằng bà già bán tạp hóa trước kia, người vẫn hay mỉm cười móm mém với tôi và cho tôi mấy cây kẹo khi tôi còn bé. Mọi thứ vẫn rất quen thuộc, từ con đường xám nhựa đến mấy cái cây xanh san sát nhà dân, không cần nhìn tôi cũng thấy một cánh cửa màu tro xanh ngoét, đôi chỗ lở loét những mảng sơn chồng chéo. Mấy cây hoa cỏn con trồng trong sân nhà cũng đã leo lét héo tàn, vậy mà, tôi ghét cả cái cách những bông hoa sắp chết kia cũng còn có cái vẻ đẹp riêng, vẻ đẹp kiêu hãnh khiên tôi ghen tị mỗi lần vô tình để ý. Cửa nhà phía trong lại đóng chặt, đèn phòng tầng trên cũng chẳng bật sáng, cảnh tượng thật ảm đạm, thiếu sức sống đến cùng kiệt. Không một cây đèn đường nào dám rọi vào nhà tôi, không một cây đèn đường nào cả. Đó là nhà của tôi, một ngôi nhà mà gia đình chúng tôi ở sau khi công ty ba tôi phá sản.

Tôi ngần ngại, tôi đã định vào nhà, nhưng tôi đã không. Tôi lẳng lặng đi về đầu ngõ, có lẽ ngay cả khi trở thành một hồn ma, tôi

cũng chẳng muốn về nhà đâu.

Thế nhưng đột nhiên tôi thấy một dáng người quen thuộc, à, ra là ba tôi. Ông ấy bước xuống từ xe taxi, hôn tạm biệt một người phụ nữ lạ mặt vận một bộ đầm lòe loẹt và cách trang điểm phóng khoáng. Bà ta nhoẻn miệng cười, nhưng tôi lại thấy khó chịu với nụ cười đó, sau rốt, tôi vẫn không ưa bất kì người phụ nữ nào của ba tôi, kể cả mẹ tôi. Ba tôi lảo đảo nói vài câu gì đó với người đàn bà kia, cả hai chào tạm biệt và chiếc taxi đưa cô ta đi về một nơi nào đó mà thực sự tôi chưa từng biết. Và thế rồi ba tôi loạng choạng bước về phía tôi, ông ấy suýt vấp ngã vài lần nhưng may sao vẫn còn đứng vững. Có lẽ ông ấy đã say, nhưng nhìn vẻ mặt ông thì có lẽ hôm nay là một ngày tồi tệ, khi mà hai mày ba tôi cau lại như sâu chiếu oặn mình, khi mà cái miệng ba tôi méo xẹo, vằn vện quanh những nếp nhăn trên khuôn mặt xế chiều. Con mắt ba đỏ nhừ, với những hơi men ám vào cổ áo, thẩm thấu vào từng tấc da thớ thịt của ba. Cái mùi hôi hám của nước chè, mùi của cồn và cả thuốc lá.

Hơn tất thảy là mùi người, tại cái nơi mà ba tôi vung tiền vào.

Ba tôi dựa vào một cây đèn đường, thở những hồi tuột dốc. Và tôi thấy, mái tóc ông bạc màu xơ xác.

"Ba nói xem, rốt cuộc hôm nay có phải ba lại thua tiền nữa phải không?"

Ấy thế mà ba tôi chẳng nghe thấy tôi nói lời nào cả, chẳng hề nghe.

"Thế rồi, những khoản nợ nhà chúng mình lại nhiều hơn ngày hôm qua, có phải không ba? Nhưng ba sẽ không hề hổ thẹn, mà ba sẽ mắng mỏ mẹ của tôi, đánh đập mẹ của tôi, và cả tôi nếu ba cần. Nhưng ba sẽ không hổ thẹn, mà ba sẽ ném vỡ những chiếc đĩa còn lại trên tủ bếp, hét lên những lời lẽ khó nghe đến đáng buồn mà tôi đã thuộc nằm lòng còn hơn cả bảng cửu chương. Nhưng ba sẽ không hổ thẹn, và mọi chuyện cứ thế lặp lại như một vòng tròn không có đường ra." – Tôi đứng cạnh ông, dùng một giọng điệu bình tĩnh đến độ tôi cũng không ngờ tới để chất vấn ba tôi. Thế nhưng ba tôi chẳng nghe thấy tôi nói lời nào cả, chẳng hề nghe.

"Mỗi ngày mỗi ngày, ba đều về nhà như một kẻ chết dẫm nát rượu chui ra từ xó xỉnh nào đó, và ba tức giận nói rằng ngày hôm nay lại mất trắng? Vì sao hả, vì sao lại đem sự giận dữ vô cớ đó đổ lên đầu chúng tôi, những người mà phải đào bới lấy những hậu quả của ba, để mà lấp đầy lại? Còn cả cả vạn cách trên đời để vực lại gia đình khi rơi vào đường cùng ngõ cụt, sao cứ phải chọn đỏ đen? Còn những người đàn bà kia, vì cớ gì mà ba lại hôn tạm biệt bọn họ mà không tặng cho họ một cái tát và quát rằng, hôm nay ba lại mất trắng? Như ba đã làm với mẹ và tôi?"

Tôi ngồi khụy xuống, cứ thế trên một nền đất lạnh lẽo, trong một con ngõ ít đèn đường. Ngay cả khi chết rồi tôi vẫn bị vô vàn câu hỏi dày xéo tâm can, rỉa rói từng mạch máu trên cơ thể, hét văng vẳng bên tai mỗi khi định gạt nó đi. Tôi nhìn xuống đất, những dấu tròn sẫm màu hiện lên, tôi cứ ngỡ là mưa, nhưng rồi hóa ra đó lại vẫn chính là nước mắt của tôi. Tôi chưa từng đủ dũng cảm để hỏi ba tôi những câu này, tất cả những câu hỏi này chỉ quẩn quanh trong trí óc tôi, xéo xắt mãi ở đó.

Đột nhiên tôi thấy bản thân đứng trong nhà, trong nhà của tôi. Với sàn nhà dưới chân rất chân thực, những màu sơn trắng đã hoen ố trên tường, trần nhà, phòng khách, phòng bếp. Ngay cả chén nước trên bàn cũng như đang chào đón tôi trở về nhà. Và cánh cửa kia chợt mở ra, trái tim tôi như thực sự chùng xuống, bắt đầu gióng lên những nhịp đập liên hồi đầy sợ hãi, run rẩy trong lồng ngực như con mèo bị thương đang ướt mưa. Là ba tôi, say xỉn, bết bát, nghiêng ngả đi vào nhà với đôi mắt hằn học những tia máu, trong một khoảnh khắc, khi đôi mắt ông ấy nhìn tôi, tôi đã suýt ngất đi với ý nghĩ, ra là tôi vẫn chưa chết, tôi chỉ là còn sống, và đang ở đâu, thực sự sống khi ba về nhà, và sau đó sẽ thực sự chết đi.

Nhưng ba tôi lại không, ông lướt qua tôi và tiếp tục lê lết vào trong nhà, lớn tiếng gọi mẹ tôi và tôi, bắt đầu trút những nắm đấp, cái tát vào người thân ông ta, tiếng bát đĩa vang lên, va vào tường và vỡ nát ở đâu đó. Mẹ tôi ré lên những hồi dài, và bà quỳ xuống để hắt lên những tiếng van nài.

Tôi, kể cả khi đã chết rồi thì nỗi sợ hãi vẫn rình rập ở đó, mỗi lần ba tôi đánh mẹ và tôi, nỗi sợ sẽ biến thành một con quái vật to lớn, nuốt lấy tôi, tiêu hóa tôi. Tôi lùi lại, tựa lưng vào cửa nhà, bó gối và ôm tai, sợ sệt ngước lên. Tôi nhìn thấy bản thân ngồi ở kia, lặng thinh, đau đớn, chịu đựng những nỗi đau từ da thịt và cả tinh thần. Vệt tay năm ngón lằn lên khuôn mặt, những vết rạch từ bát đĩa vỡ, rồi máu rỉ giọt từ khóe môi. Sau rốt, kể cả khi bản thân tôi được chứng kiến tất cả, tôi vẫn không đủ dũng cảm để lao lên bảo vệ chính mình, tôi chỉ có thể ngồi thu lu trong góc, hết sức ôm lấy bản thân và bịt chặt mắt lại.

Sẽ không sao cả, mọi chuyện rồi sẽ qua thôi.

Tôi giật mình mở mắt khi những tiếng ồn kia chợt dứt, bản thân lại trở lại trên con ngõ, khi mà tôi đứng đó, cạnh ba tôi dưới cây đèn đường rọi sáng. Những giọt nước mắt như nhăn nhúm lại, lạnh tanh trên má tôi, đôi mắt tôi như rơi vào bóng tối, không có đường ra.

"Vì sao ba lại đánh con?" – Mọi sự tủi thân trong lòng tôi chợt trào ra, nhuốm vào lời lẽ và ứ đọng ở đó. Khi mà ngay chính bản thân tôi cũng chẳng hề dám làm tổn thương mình, thì cớ gì mà ba dám đánh tôi? – "Không phải ba là ba của con sao?"

Lời nói tôi trở nên méo xẹo, đan lẫn trong nước mắt và cả giọng gầm gừ.

Thế mà ba tôi chẳng nghe thấy tôi nói lời nào cả, chẳng hề nghe.

Tôi giận dữ lao về những bước chân xiêu vẹo của ba, nắm lấy cổ áo ông ta nào kéo, mà xốc, mà nắm, mà vò.

"Hãy trả lời đi, rốt cuộc ba còn là ba của con hay không? Hay chỉ đơn giản ba là kẻ hèn nhát, khi mỗi lần ba thua bạc, ba chỉ là kẻ hèn nhát, khi mỗi lần trút giận lên người khác? Hở ba? Chúng ta không thể tiếp tục là một gia đình giàu có, chẳng lẽ nào chúng ta không thể làm một gia đình yêu thương nhau sao? Chẳng lẽ nào ước muốn được hạnh phúc của con quá đỗi ích kỉ hay sao?" – Và ba tôi, đã đi xuyên qua cái nắm tay giận dữ của tôi, tiếp tục cuộc hành trình trở về nhà của ông ta. Bóng ba nghiêng ngả trên đường, càng xa lại càng nhỏ bé, chìm vào bóng của tôi. Và tôi, một lần nữa phải quỳ xuống nền đất lạnh, một mình.

"Thực ra ba còn là con người không ba? Là con người, thế thì đáng sợ quá." – Tiếng tôi khóc rấm rứt ngày một lớn, rồi chẳng kìm được mà bật thành thinh không. Như một thói quen, tôi liền đưa tay bưng lấy miệng, răng tôi siết lấy môi những đường hằn đau đớn, và móng bàn tay còn lại từ từ ép sâu vào lòng bàn tay. Tôi chưa từng sử dụng dao cá nhân, nhưng có những lúc phải có một cái gì đó khiến tôi bình tĩnh lại chứ, giả như là cấu thật mạnh vào tay hay là cắn môi. Từ lâu tôi đã quen khóc trong thinh lặng, khi mà khóc là điều cuối cùng người ta không thể cằn nhằn và oán trách tôi. Người ta cũng bảo trên đời này có hai nơi mà bạn có thể an tâm bật khóc, thứ nhất là buồng tắm, thứ hai là trong lòng một người cha. Nhưng tôi chẳng còn gì cả.

Tôi ngồi đợi một hồi lâu, con mèo chẳng xuất hiện nữa. Nếu như nó một lần nữa hỏi tôi có muốn đi cùng nó chưa thì tôi sẽ không ngại ngần mà trả lời có, tôi mệt rồi, không thể tiếp tục nữa. Có lẽ nếu đã quyết định tiếp tục thì phải đi đến cuối, không một kẻ nào rảnh rỗi để mà chiều chuộng những ý định của tôi. Mùi thịt kho tàu của nhà bác Liên đầu ngõ vẫn thơm như ngày nào, à, ra là nhà bé Mi hôm nay có cá kho tộ, cả thịt gà nữa ngửi chút là ra.

Bởi vì không còn chỗ nào để đi, đôi chân lại vô thức đưa tôi trở về nhà. Khi một lần nữa đứng trước cổng, tôi vẫn chẳng thể kìm được mà bất giác run sợ, cái cảm giác trở về nhà này luôn khiến tôi cảm thấy vừa chán nản, vừa chán ghét.Tất cả những ảnh niệm về trận đánh ban nãy cứ chao đảo trong tôi như con chim bị trúng đạn xoay niềng niệng xuống từ trên không.

Thế nhưng, tôi thấy ba tôi đứng trước cổng, ông ấy vẫn đứng ở đây rất lâu, hút từng điếu thuốc một, vứt bừa bãi xuống rồi lấy giày di nát tàn thuốc thành những vệt đen. Những vết nhăn trên trán ba cứ sâu hơn, co rúm lại, mắt ông đầy những vệt chân chim và hốc mắt thì trũng sâu, tròng mắt đục ngầu. Sau rốt thì ba tôi cũng vào nhà, khép cửa lại và ánh sáng yếu ớt hắt ra từ bên trong cứ nhỏ dần rồi biến mất.

Hít một hơi thật sâu như gom hết mọi khí lạnh mà hóa thành dũng khí để bước qua chiếc cổng sắt, tôi dỏng tai nghe. Tiếng thời gian chậm chạp lê qua những tiếng thình thịch từ trái tim tôi, thế nhưng, hôm nay ba trông đánh đập ai, hay cái gì cả.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro

#suicide