Toi Mot Tuoi Nao

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Hai người dẫn xe đi dọc theo hè đường, con đường quen thuộc của những hôm đi về tự nhiên hôm nay có một vẻ gì khác lạ. Không phải do hương thơm sực nức của hoa hoàng lan trong vườn nhà ai đưa tới, ướp đầy một khoảng không gian cao rộng, lẫn vào trong tóc, trong áo... mà chính trong khoảnh khắc này, ở đây, không gian như chợt lắng xuống đằm đằm một thứ thời tiết chuyển mùa, lay động đến từng cành lá mỏng manh. Hai người cứ dắt xe đi như thế và im lặng suốt một khoảng đường dài, không ai nói với ai lời nào. Nhưng rồi Khuyên cảm thấy sự im lặng như đè nặng lồng ngực mình khiến cô nghẹt thở. Cuối cùng, Khuyên ngước mắt hướng sang Thức, khẽ hỏi:

- Anh quyết định không thi vào đại học à?

- Không.

Tiếng không đơn độc, ngắn gọn như rơi hẩng ở đâu đó chứ không tồn tại thành một âm vang nhức buốt trong lòng Khuyên. Cô thảng thốt:

- Em chịu.

- Có gì mà em có vẻ khổ tâm thế. Không thi đại học là có lý do của anh. Nó cũng chẳng chết chóc gì, anh vẫn sống nhăn răng...

- Ðó là anh đã nói liều.

- Nhưng thôi, liều hay không thì chuyện cũng qua rồi. Ít ngày nữa anh đi.

- Chuyện đó thì anh đã nói rồi, em cũng đã biết trước khi anh nói. Có lẽ anh đi vì muốn vui với mấy người bạn. Nghĩ cũng hay, đang ôn thi đại học rồi cùng bỏ, cùng rủ nhau đi vào thanh niên xung phong.

- Như vậy càng vui chứ sao.

Khuyên làm thinh, chứ không lẽ lại đi nói chỉ có mình anh vui. Hai người lại tiếp tục im lặng, nỗi im lặng ngụy tạo trong sự dè dặt của cả hai phía. Khuyên ngước mắt nhìn lên khoảng không gian trên đầu, trên ấy là những vòm lá xanh. Qua vài cơn mưa đầu mùa, không gian trở nên tươi mát như được gột rửa sạch sẽ, và cây lá thay màu. Hương thơm của hoa vì thế mà tỏa rộng ra, bay suốt tới các khoảng đường tối. Thành phố những đêm như đêm nay trở nên tuyệt đẹp. Nhưng rồi Khuyên chạnh lòng khi nghĩ đến mai đây, những ngày sẽ tới, chỉ còn mình cô đi về trên những khoảng đường vắng này, không còn Thức bên cạnh nữa. Lúc đó Thức đã ở xa rồi.

- Hình như em không khuyến khích anh đi?

- Có sự ra đi nào mà được khuyến khích đâu anh?

- Nhưng ở đây thì khác, anh không thể ở lại thành phố trong khi các bạn đều lần lượt rủ nhau đi. Người ta ít ra phải có một chuyến đi xa trong đời mình Khuyên ạ. Huống chi đây là một chuyến đi xa đầy thú vị và hữu ích. Ít nhất cũng cho anh.

- Anh nói như một nhà thơ, đầy lãng mạn.

- Nếu không lãng mạn sao làm thơ được cô bé. Người ta cũng không sống được nếu không lãng mạn.

- Cãi với anh chỉ thêm nhức đầu. Bác và em gái anh đã hay chưa?

- Dĩ nhiên là chưa, anh không rảnh để về quê cho bà già hay, nhưng khi tới đơn vị rồi anh sẽ viết thư.

Khuyên cúi nhặt một chiếc lá bàng to tướng héo da rơi tự bao giờ dưới chân đi. Chiếc lá thật đẹp trong cái màu vàng úa như màu nắng, soi chiếc lá dưới ánh đèn đường Khuyên thấy lờ mờ những đường gân nhỏ, run rẩy. Chiếc lá muốn nói điều gì trong bàn tay của Khuyên? Nó có thể nào ngân lên một lời hát để nói về một cuộc tình chia tay không?

- Em vẫn giữ ý định thi vào đại học sư phạm chứ?

Khuyên gật. Thức nói đầy vẻ khuyến khích:

- Mong em sẽ thi đậu và trở thành một cô giáo.

- Em cũng rất mong như vậy. Nhưng em vào sư phạm không phải do ham vui mà đi theo bạn bè đâu nhé. Mấy nhỏ bạn của em mỗi đứa đều chọn một hướng.

Thức bỗng cười:

- Hay lắm. Bốn năm để thử thách, anh và em sẽ ở hai môi trường khác nhau, nhưng cùng chung một thử thách. Ðó là sự chịu đựng và thời gian đợi chờ.

- Anh ở môi trường gian khổ hơn em nhiều chứ. Dù sao trong bốn năm học làm cô giáo em vẫn ở thành phố. Còn anh chưa biết ở đâu.

- Ở khắp cùng trời đất. Nơi nào gian khổ đã có thanh niên xung phong. Em nghe nói thế chưa?

Khuyên lại gật. Nhưng bây giờ cô kèm theo một tiếng thở dài giấu lại trong lồng ngực. Hình như trời đang chuyển mưa, đâu đó trong bầu trời đêm đen thẳm có những tiếng gầm vang vọng của sấm, nổi vài ánh chớp lóe sáng, kéo vắt qua nền trời. Mấy cơn gió mạnh xao xác thổi tới.

- Sắp mưa rồi anh Thức.

- Em lên anh chở đi tìm một ngôi quán nào đó chờ qua cơn mưa. Bây giờ về nhà không kịp đâu, mưa ướt hết.

Khuyên ngoan ngoãn leo lên bót-ba-ga chiếc xe đạp của Thức chở. Ðây là lần đầu tiên Khuyên đi chơi buổi tối với Thúc, đúng hơn phải nói là đi chơi ban đêm. Tâm lý tự nhiên của một cô gái ở tuổi Khuyên là rụt rè, lo ngại một cái gì đó không xác định được, nhưng đồng thời lại thấy tò mò muốn đi với người bạn trai của mình tới chỗ anh vẫn thường đến, thường giới thiệu như một thói quen phân trần:

- Ði đâu vậy anh?

- Tới quán cà phê của một người bạn. Anh chàng nghệ sĩ anh vẫn thường nói với em. Anh ta nói chuyện vui lắm, và bán cà phê cũng ngon tuyệt.

- Em đâu có uống được cà phê mà anh quảng cáo dữ vậy.

- Không uống cũng phải uống. Tối nay anh muốn em thức để nhớ anh. Ðược không?

Dĩ nhiên là được quá đi chớ, nhưng thay vì câu trả lời, Khuyên thay vào bằng một nụ cười giấu ở phía sau lưng Thức. Và Thức vui vẻ đặt chân lên bàn đạp, chiếc xe đạp già leo dốc chậm chạp chở Khuyên đi qua những khu phố loáng thoáng có những ngôi nhà nằm khuất dưới cây. Một thứ hương thơm người ta chỉ nghe được bằng cảm giác thôi, bỗng nhiên tỏa rộng cả một không gian đầm ấm. Cái mùi hương tiềm ẩn trầm lặng này đâu có phải ai cũng nghe thấy được.

Quán cà phê của anh bạn Thức không phải là một cái quán đâu, đó chỉ là một căn phòng nhỏ vuông vức vài mét, ngăn ra từ một ngôi đình ở phía trước, bày một cái bàn trên để thùng thuốc lá, cạnh đó là bếp, mấy cái bếp lò nhỏ xíu đang đỏ lửa và trên những cái bếp ấy là ấm nước sôi, trên ấm nước sôi bốc khói là những cái lon gui-go đun cà phê. Khuyên khịt khịt mũi trước mùi cà phê bốc ra, toả lan trong "ngôi quán bên đường" này, mùi thơm cà phê tưởng như có thể bay xa tận dãy phố đằng kia. Trong ngôi quán nhỏ xíu ấy còn bày được hai cái bàn, nhưng không ai thích ngồi trong quán cả, khách uống cà phê ngồi tủa cả ra lề đường trước quán thành một dọc dài. Thức và Khuyên ngồi ở chiếc bàn nhỏ, khiêm nhường cạnh cây cột điện. Cây cột điện này ngày xưa chắc có mắc bóng đèn, nhưng bây giờ không còn thấy chiếc bóng nào nữa, trên đó là một khoảng không của đêm tối. Trời hình như đang chuyển mưa.

Anh bạn chủ quán cà phê của Thức là một người có tật bẩm sinh ở chân, nên anh đi bằng nạng. Thật không phụ với lời quảng cáo của Thức, ông chủ quán đón hai người với một lời chào và một câu nói ngụ ý chắc chỉ có hai người mới hiểu:

- Ôi, chào người đẹp thân mến và có thêm một người đẹp phía trước ngực.

Khuyên đá vào chân Thức, hỏi nhỏ:

- Ảnh nói gì vậy anh?

- À, cái thằng bạn anh nó nói nhiều thứ lắm, nhưng ít khi anh hiểu hết.

- Chắc là ảnh muốn chọc em.

- Em thì nhiều người muốn chọc lắm chứ đâu có phải một mình nó. Em uống gì?

- Anh uống gì em uống thứ đó. Bữa nay em gan mà.

- Hoan hô.

Thức kêu hai ly cà phê đen. Khuyên ngồi nhìn chất cà phê đen sậm nhểu từ đáy phin xuống miệng tách, từng giọt nhỏ tự nhiên thấy lạ lùng quá sức, mặc dù sáng nào Khuyên cũng thức dậy pha cà phê cho ba uống. Có lẽ tại vì lần đầu tiên Khuyên thấy cà phê đang nhểu xuống miệng tách từ một ngôi quán mà Khuyên đang ngồi bên cạnh một người khác, một người đàn ông khác chứ không phải là ba.

Hiệp - anh bạn chủ quán của Thức hình như vừa giải quyết xong một việc gì đó, tiến tới bàn của hai người. Anh kéo ghế ngồi tự nhiên như... chủ quán, và phát vào vai Thức, cười:

- Mày đi đâu biệt tăm, lâu quá mới thấy tới.

Cùng với câu nói là cái nhìn sang Khuyên. Dĩ nhiên không còn cách nào trốn thì Khuyên phải gật đầu chào. Thức giới thiệu:

- Hiểu thế nào là tuỳ người đối diện.

Hai ông bạn thân cùng cười làm Khuyên mắc cỡ sượng trân. Bối rối quá Khuyên lấy cái phin cà phê đặt xuống bàn, khuấy muỗng vào tách, nhấp một ngụm, eo ơi! đắng nghét. Lúc này Khuyên mới nhớ là cà phê chưa bỏ đường.

- Em quen uống cà phê không cần đường hả?

- Xì, người ta quên chớ bộ. Anh bỏ đường cho em đi. Ngọt.

- Ngọt quá sẽ thành chè cà phê chứ ngon lành gì.

- Uống đắng em không uống được đâu.

- Nên uống đắng một chút xíu để thấy anh quảng cáo không sai, cà phê ở đây số một.

Hai ông bạn lại cười. Hiệp hỏi một câu nghiêm chỉnh:

- Ðộ này mày bận hả?

- Lu bu quá trời quá đất.

- Có Khuyên xác nhận điều này giùm tôi.

Khuyên đỏ mặt, lắc đầu cười, chiếc muỗng cắn giữa hai hàm răng trắng bóng.

- Chẳng những bận mà sắp đi xa.

- Ði đâu?

- Cũng chưa biết, nhưng chắc chắn là xa khỏi thành phố, tạm biệt thành phố yêu dấu.

- Cô Khuyên biết Thức đi đâu không? Nói chơi hay nói... đùa vậy bạn?

Khuyên ngó Thức, anh điềm nhiên rít thuốc, thở những vòng khói trắng. Trời bỗng nổi gió, những cơn gió lạnh kéo tới như từ phái bên kia đường sang. Khuyên rùng mình, những giọt mưa rơi xuống hắt vào mặt Khuyên. Chiếc bàn được kéo dịch vào bên trong để tránh mưa. Cơn mưa to dần, đan kín con đường trước mặt và nước chảy thành dòng mang theo những chiếc bong bóng mưa rượt đuổi nhau trước khi tan vỡ. Người ta nói mưa có bong bóng sẽ rất dai. Khuyên lo lắng liếc xem đồng hồ tay, nhưng Khuyên biết dù có muốn về ngay cũng không được.

- Mưa lớn quá ta.

Hiệp nhìn ta ngoài mưa và kêu lên ngạc nhiên như chưa bao giờ thấy một cơn mưa như thế. Hai người đốt một lượt thuốc khác, cùng rít hơi dài và cùng thở khói.

- Mày sắp đi xa thật à?

Thức gật. Bây giờ Khuyên nói như giằng dỗi với cả hai người:

- Thức bốc đồng bỏ thi để đi thanh niên xung phong đó anh.

- À, chuyện này lạ.

- Bây giờ người ta thích làm những chuyện lạ.

- Anh đâu có làm chuyện lạ, anh làm chuyện người khác đã làm rồi.

Hiệp cười:

- Hai bạn có vẻ gay cấn. Ôi, những người gay cấn trên cõi đời này lại thường... yêu nhau.

Câu nói đùa của Hiệp làm Thức và Khuyên phải phì cười. Nhưng thật ra có phải đúng như thế không? Khuyên nghiệm rằng từ khi hai người "chơi thân" với nhau, giữa Khuyên và Thức chưa hề có một ngày êm ả. Không gặp nhau một tuần lễ thì ray rứt, quay quắt, nhưng gặp nhau chừng năm phút thì quay ra... đấu khẩu nhau. Khuyên bỗng giật mình, không chừng câu nói đùa của Hiệp vậy mà đúng mới chết.

Thức khen Hiệp:

- Câu nói của bạn đúng là... khuôn vàng thước ngọc để những người yêu nhau có tật giật mình.

- Cô Khuyên có tật đó không?

Khuyên lắc đầu cười, giấu đi những bối rối thoáng qua của mình. Khuyên im lặng nhìn hai người đàn ông hút thuốc, cái đốm lửa nhỏ ở đầu điếu thuốc trong cơn mưa này bỗng nhiên mang cho Khuyên cái cảm giác tạo được hơi ấm để sưởi bớt không khí giá lạnh do cơn mưa mang lại. Khuyên bỗng nhìn ra mưa rồi quay lại nói với Thức:

- Thôi mình đi về anh.

- Còn mưa.

- Cũng phải vê thôi. Em không thể đi chơi khuya hơn được đâu.

Thức gật đầu.

- Thế thì đành chịu.

Kèm theo câu nói là một nụ cười không phát ra thành tiếng. Cho nên, có thể đó là một nụ cười buồn của Thức. Khuyên nghĩ thầm "đành chịu thôi", Khuyên cũng không biết nói gì hơn là ngước đôi mắt thoáng buồn nhìn Thức, nhưng anh đã gọi tính tiến và bắt tay Hiệp.

- Khi nào yên ổn chỗ tớ sẽ viết thư cho cậu, bạn thân ạ. Còn bây giờ thì chia tay luôn thôi. Mai tớ đi sớm rồi không ghé đây uống cà phê đâu.

- Mày đi thiệt à, cứ tưởng là nói chơi thôi chứ.

- Thời buổi khó khăn, ai mà nói chơi, bạn.

Hai người bạn cùng cười. Khuyên cũng phải cười theo, mặc dù Khuyên không ý thức rõ nụ cười của mình biểu hiện điều gì. Mưa vẫn không ngớt hột. Hai người lại đèo nhau đi dưới mưa. Chiếc xe đạp già nua của Thức chậm chạp vượt qua những khoảng đường tối, cây lá ướt đẫm, tóc tai, mặt mũi hai người cũng ướt đẫm... Khuyên nghe Thức hát nhỏ một bài hát nào đó, nhưng tiếng hát chợt đứt khoảng, nghe không rõ, mơ hồ rơi hẫng đâu trong mưa. Khuyên bỗng cảm thấy hơi lạnh chợt ào tới, cào lướt như một cơn bão qua da thịt. Khuyên rùng mình, nhận ra cái ngõ nhà quen thuộc của mình ở phía trước mặt ngập ngựa ánh đèn hắt sáng ra trong cơn mưa.

o0o

Một ngày nghỉ hiếm hoi của đại đội, nhưng mưa kéo dài từ sáng sớm, những chàng thanh niên xung phong vai áo vừa bạc màu nắng gió, từng dầm mình trong mưa "bắn len" trên dòng kinh mới được tạo dáng chạy thẳng tắp về phía trước mặt, vậy mà đối với những cơn mưa thối đất ở xứ nước mặn này cũng phải kiêng dè. Ðó là tâm trạng buồn bã chợt nhói lên trong lòng khi thức dậy nhảy xuống đất nghe cái mùi ẩm mốc lưu niên chợt bốc lên mùi, nhìn ra ngoài cánh đồng trống bao la mờ mịt trong màn mưa dày đặc, cảm thấy một nỗi nhớ nhà ghê gớm. Thức đã bắt gặp cái cảm giác này bao nhiêu lần rồi, nhưng không hiểu sao sáng hôm nay lại ngậm ngùi đến thế.

- Ê, Thức nháy đâu rồi, bài thơ của mày xong chưa mau đưa tao "in" vào báo chứ. Ðịnh đánh bài "xù" sao thi sĩ?

Giọng nói oang oang của Phái và nhóm bạn làm báo tường ở phòng kế bên làm Thức giật mình, nhớ lại nhiệm vụ được giao là phải có ngay tờ báo tường của đại đội sắp hoàn thành trong buổi trưa. Bài thơ Thức đã cặm cụi làm suốt đêm hồi hôm mới được có 4 câu, buồn ngủ quá phải chui vô mùng định sáng nay thức sớm làm tiếp, nhưng mà mới sáng ai làm thơ cho nổi. Nhất là lại ở trong thời tiết này, người ta sống giữa không khí hoài niệm lãng đãng đấy, nhưng dể có được một "chất" thơ thì đành chịu. Thức cười lớn:

- Chờ cho tới giờ cơm đi. Bụng đầy mới làm thơ được, đói thơ không ra đâu. Mưa buồn quá xá, thơ cũng trốn tao chạy mất rồi.

- Không lẽ tờ báo tường lại nằm chờ duy nhất một bài thơ của mày sao con?

- Thì mày cứ việc vẽ... gương mặt mày vào đó là xong ngay.

- Ðồ quỷ sứ. Thôi, thơ không ra thì mày cho anh em nghe một bài hát nào đó đi, cho đỡ buồn trong khi chờ đợi. Chẳng lẽ tụi tao ngồi không?

- Hát nghe còn tạm có lý.

Thức vớ lấy cây đàn cũ treo trên vách, cây đàn anh đã mang theo từ lúc gia nhập đơn vị, trải qua những năm tháng đi theo anh qua khắp các "chiến trường". Ðộ cũ của nó cũng như những vết chai sần sùi ở hai bên tay, ở gan hai bàn chân, màu gỗ chuyển theo từng thời tiết, mùa màng, âm thanh khi trầm ấm khi khàn đặc như giọng nói của Thức. Nó đã dứt dây biết bao lần, và bộ dây mới nhất là của Khuyên gởi cho anh trong tuần trước. Cầm cây đàn, bấm hờ hững hợp âm cung mi thứ, Thức bỗng nhớ Khuyên da diết, nhớ Khuyên với đôi mắt to, sáng, mở rộng như một khoảng không gian xanh biếc, gương mặt hơi nghiêng, tóc dài xõa lưng, và giọng hát nhỏ nhẹ, mềm mại, trong suốt ngọt ngào với bài " Maman" mà Thức từng đệm cho Khuyên hát.

Thức hỏi vọng sang:

- Bài gì đây quí vị hay làm khó khăn cho anh em?

Vẫn cái giọng ồn ào của Phái:

- Hò leo núi đi.

- Mới sáng leo núi mệt thấy bà. Người đi xây hồ Kẽ Gỗ cho nhẹ nhàng hơn tí chút.

- Thôi đừng có giỡn mấy cha nội, để cho thằng Thức nó hát. Bài ruột đi Thức ơi.

- Vậy thì Maman nhé?

- Nhất xứ rồi ông Hai củ ơi...

Mấy người bạn vưa tán đồng, vừa vỗ tay lốp bốp. Thức bắt vào bài hát quen thuộc từng tập cho Khuyên với tất cả nỗi nhớ của một thời xa vắng. Thức hát và nhìn ra mưa, thấp thoáng trong cánh đồng ruộng mênh mông, lẫn khuất trong màn mưa dày đặc, gương mặt thân yêu cuả Khuyên như ẩn hiện.

Bỗng có tiếng đập vào cánh cửa, Thức ngưng bặt, quay ra. Gương mặt Lẫm văn thư nhòa nhạt trong mưa, nhưng nó vẫn nhăn răng cười, nói lớn:

- Ngoài trạm gọi điện vào báo ông có người nhà lên, mau ra mà rước chứ ở đó rên rỉ một hồi thằng khác rước thì trào máu.

Thức buông đàn, ngạc nhiên hỏi:

- Nói chơi hay nói thiệt đó bạn?

- Trời mưa gió thế này, ai ở không mà nói chơi.

- Mấy thằng ở ngoài trạm không có việc gì làm dám cà khịa chơi cho vui lắm à.

- Tin hay không là quyền của ông.

Lẫm văn thư có vẻ giận dỗi, quay đi ngay. Thức nhấp nhỏm, nửa tin nửa ngờ. Ðường từ đây ra ngoài trạm đâu phải là con đường tráng nhưạ bóng loáng sạch sẽ, cũng đâu phải gần. Ít nhất là một cây số lội bộ trên bùn sình trơn trợt, rồi một cây số rưỡi chèo ghe trên con kênh ngoằn ngoèọ Trời mưa gió lạnh buốt. Cứ nghĩ đoạn đường gian nan đó Thức cũng đâm ngán ngẩm, nếu dầm mình đi ra trạm, không có ai, chỉ tổ làm trò cười cho mấy thằng bạn dã tâm, thích cười trên sự đau khổ của người khác.

Giọng thằng Quân cà khịa:

- Sao, nếu mày không đi để tao đi thay cho.

Rồi thằng Phái lên giọng dọa:

- Trời mưa gió thế này, người lặn lội lên tới cái xứ khỉ ho cò gáy này chỉ có thể là " em " thôi chứ không ai khác. Nếu mày không đi, tao đi liền. Chừng đó chỉ còn nước ngồi bờ kênh mà khóc ròng con ơi.

Dĩ nhiên Thức cũng đoán người lên thăm Thức chỉ có thể là Khuyên thôi chứ không còn ai khác, vì mẹ Thức và đứa em gái ở dưới quê xa lắc xa lơ, chẳng đời nào lên tới đây cho được. Nhưng tại sao lại là Khuyên? Nếu đúng Khuyên thực, đó là điều chẳng bao giờ Thức ngờ tới. Ðúng hơn là mơ ước tới. Trong thư Khuyên chưa bao giờ đề cập tới chuyện này. Thức lấy cái áo mưa cũ choàng vào người, xắn quần cao lên đầu gối, tiện tay lấy luôn cây gậy chống bước ra cửạ Ði ngang qua " phòng báo chí " mấy gương mặt vắt hất lên ngó Thức cười nhăn nhở. Giọng thằng Phái chua như giấm:

- Chúc cho chàng mã đáo thành công, rước nàng vô đây cho chúng tớ chiêm ngưỡng dung nhan.

Thức giơ giơ cây gậy lên doạ rồi băng đi trong mưa. Ðúng là một con đường gian khổ như bọn Thức vẫn thường gọi. Bởi vì trước đây, nó chỏ là một cái bờ đê nhỏ hẹp, khi đại đội của Thức về " trấn " ở đây, cái bờ đê mới thành con đường, mùa nắng đất rắn, nứt nẻ đầy lỗ chân trâu, trầy trật bước thấp bước cao chứ chẳng dễ dàng gì. Mùa mưa tới con đường lầy bùn, trơn trợt, bước phải bấm chân và thủ thế, giữ tấn đàng hoàng mới khỏi té. Thức vừa chống gậy đi vừa tức cười, người khác thấy Thức trong cảnh này chắc nghĩ Thức là một ông già đi thăm đồng hơn là một chàng trai trẻ đi rước người yêu.

Ðúng là Khuyên chứ không ai khác, cô bé đang ngồi bó gối trước một giỏ xách to kềnh, áo pull quần jeans xắn lai, đôi dép da đã lột ra cột trên quai giỏ, mái tóc ướt nước, gương mặt gần giống như nhòa trong nước mắt. Nước mắt hay nước mưa? Thức cũng chưa kịp hiểu đã vội bay xuồng tấp vào bờ con kênh, nắm vội một bụi cỏ rồi nhảy phóc lên trước cửa trạm. Thằng bạn thân đứng chống nạnh, tố ngay một tràng:

- Ôi, ông nội ơi, ông làm gì chết dí ở trỏng? Chúng con gọi điện đến đứt hơi luôn. Vừa lo cho ông nội, vừa năn nỉ người đẹp, sợ cô ấy khóc rồi bỏ về, mai mốt ông nội biết được ông nội hành hạ chúng con.

Thức cười trừ:

- Tớ mới nghe gọi điện, thằng văn thư tới bào là tớ ba chân bốn cẳng vọt ra ngay. Dù sao cũng cám ơn.

- Cám ơn suông sao được.

- Yên chí. Bạn bè lâu ngày có việc nhờ, đừng làm khó nhau nữa mà.

Cả bọn cười xòa. Khuyên thấy không khí cởi mở có lẽ đã lấy lại được bình tĩnh nên bạo dạn nắm tay Thức, nói như sắp khóc:

- Tưởng anh đi đâu, chờ mười phút nữa anh không ra tới chắc em phải quay về quá. Lần đầu tiên em tới nơi này. Sao mà gian nan quá vậy anh?

Thằng bạn thân lại được dịp mở đài:

- Cô Khuyên ơi, người ta thương nhau mấy núi cũng trèo, mấy sông cũng lội, mấy đèo cũng qua. Như thế mà nhằm nhò gì.

Thức phải giơ nắm đấm ra dọa, nó mới chịu im. Thức không biết làm gì, đành nói một câu... ngớ ngẩn:

- Em lên bất ngờ quá, anh không nghĩ ra được.

- Chính em còn không nghĩ ra được nữa là anh, nhưng chỉ trong một đêm suy nghĩ em quyết định lên tận đây gặp anh. Và thế là em đi. Em hỏi thăm từng khoảng đường, từng trạm xe, riết rồi cũng tới nơi. Em đi từ sáng sớm mà giờ này mới tới.

Thức chỉ còn cách vuốt mớ tóc ướt của Khuyên cười gượng:

- Anh biết rồi. Em đi như vậy là giỏi hơn anh, nếu anh, đi một ngày chưa chắc đã tới.

- Xạo hoài cha nội ơi. Trời cao thăm thẳm ông còn đi tới nữa là.

Thức lại giơ nắm đấm lên dọa Thịnh:

- Ðúng mày là thằng Thịnh lém, không sai.

Thịnh nhăn răng cười, Thức thấy trong giỏ xách của Khuyên có một cây thuốc Mai, Thức xé bao lấy ra hai gói thảy cho Thịnh và Tiếp:

- Tặng cho mỗi đứa một "nàng" Mai, hút bể phổi luôn.

Tiếp mập đế liền:

- Lo lót phải cho nó đáng không mang tiếng chết bạn ạ.

- Tạm vậy, bước đầu chỉ có thế. Thôi chào, tối có thể gặp nhau.

- Ðừng có mời kiểu xã giao vậy bạn, mời phải cho thật thà. Bạn bè đừng gian dối.

Thức cười xòa:

- Tụi này đâu có trốn được ở cái xứ khỉ ho cò gáy này. Cho nên tha hồ, bạn nào cũng có thể tới chơi bất cứ giờ phút nào.

Thức nắm tay Khuyên, cây gậy bây giờ làm cái đòn gánh, Thức mói giỏ đồ lên vai gánh đi. Thịnh lém chạy theo kêu lên:

- Ê, khoan lui thuyền, tớ về trại lấy cơm ra cho thằng mập kẻo nó đói tội nghiệp.

- Vậy anh bạn chịu khó chèo nghen. Hôm nay tớ được ưu tiên.

- Khỉ, đừng có làm biếng cha nội ơi.

Tuy nói thế nhưng Thịnh cũng phóng xuống thuyền, cầm lấy mái chèo, nó chống vào bờ đất đẩy mạnh lấy trớn, con thuyền nhỏ xuôi theo dòng kênh đào nước đục ngầu. Cơn mưa vẫn lất phất, dai dẳng như không bao giờ muốn tạnh. Thức choàng chiếc áo mưa rộng che cho cả hai người. Khuyên ngồi nhìn những khóm hoa lục bình dập dềnh trôi theo mạn thuyền, những đoá hoa màu hồng tím, nổi lên trên màu nước đục ngầu giữa cảnh trời đất mênh mông bạt ngàn như một bức tranh.

Khuyên bỗng nắm tay Thức, bấm mạnh:

- Cảnh đồng quê đẹp quá nhỉ.

- Nhưng đảm bảo ở đây vài ngày em sẽ khóc vì buồn.

- Ở đây cũng có nữ thanh niên xung phong vậy chớ bộ. Ðã có cô nào khóc chưa?

- Anh chưa thấy cô nào khóc.

- Vậy nên em ở đây cũng chẳng bao giờ khóc.

Thịnh lém đùa:

- Chưa có cô nào khóc, nhưng tôi hồi mới lên đây chiều nào cũng ra bờ kênh ngồi khóc ròng vì nhớ nhà, nhớ má.

- Ðừng có xạo bạn, mày mà biết nhớ ai.

- Làm như chỉ có ông mới là người biết lễ nghĩa. Có người yêu bên cạnh đừng có vội làm tàng.

Cả ba cùng cười vui vẻ. Khuyên vừa ngượng trước câu nói của Thịnh, vừa bấm cổ tay Thức một cái nhói đau:

- Anh có mấy người bạn tếu quá.

- Thanh niên xung phong ai nấy đều vui vẻ thế cả.

- Bởi vậy cho nên anh mới quên em.

Khuyên với tay vớt một khóm hoa lục bình bỏ lên thuyền, cô ngắt một cái bông mau hồng tím xoay trong bàn tay và ngắm nghía một cách say mê.

- Ở đây bọn anh chỉ có một mùa hoa, đó là mùa hoa lục bình. Không biết ở phương trời nào đổ về mà cứ đến mùa mưa lũ lục bình cứ theo nước lớn ròng đơm những cánh hoa màu hồng tím gợi nhớ gợi thương ấy tràn ngập miền đất cỗi cằn này. Bọn anh gọi đó là mùa xuân về trên đất chết.

- Bật đèn màu...

- Ðồ quỷ bắt.

- Ông ơi, ngoài tài làm thơ bây giờ tôi mới biết ông có tài xuất khẩu thành... văn nữa.

- Sao hôm nay mày hại bạn bè hoài vậy Thịnh lém?

- Lâu lâu mới có dịp hại bạn bè, hại được lúc nào mình hại chớ sợ gì.

Khuyên cười:

- Mình đi thuyền như vầy hoài hả anh?

- Chút nữa em sẽ được lội sình. Ðừng lo.

Thịnh lại được diệp lém lỉnh:

- Có người yêu thanh niên xung phong sẽ được biết thế nào là cảnh đất rộng trời cao, đường đi thăm người yêu có đủ cả thủy lẫn bộ. Khuyên đừng về thành phố "tuyên truyền" mà bọn này sẽ ế vợ cả đám. Tội nghiệp lắm.

- Ðâu có anh Thịnh, các cô gái thành phố lại càng thích. Lần sau lên đây nữa, em sẽ dẫn theo nhỏ bạn để giới thiệu với anh nghen.

- Em nói thế, từ giờ trở đi đêm nào ngủ nó cũng nằm mơ thấy nàng Giáng Hương xuống trần.

- Thôi huề nghen ông. Tụi mình ký hiệp ước hoà bình đi.

Thịnh lém đã ủi thuyền vào bờ kênh. Thức nhìn thấy đôi mắt Khuyên tròn xoe, mở lớn trước con đường đỏ lầy lội kéo dài tưởng chừng như vô tận.

Thịnh giữ mũi thuyền để Thức nắm tay Khuyên bước lên bờ. Thức nói:

- Em phải xắn quần cao lên nữa vì phải lội sình ít nhất là một tiếng đồng hồ mới tới chỗ anh đóng quân. Và phải bám chắc vào anh không thì ngã đấy. Ở đây bọn anh gọi ngã như vậy là "chụp ếch".

- Nếu Khuyên không đi được thì Thức nó sẽ cõng. Lo gì.

Khuyên cười, bặm môi nhìn suốt con đường hun hút nói:

- Như vậy thì chắc chắn em phải rán mà đi thôi.

- Giỏi lắm, đừng làm mất mặt anh, cô bé.

Và Khuyên đã đặt những bước chân nhỏ nhắn, mềm mại với đôi gót trắng hồng của cô xuống con đường lầy lội trơn trợt để đi theo Thức. Phía sau Thịnh lém cười khịt khịt mỗi lần bị sẩy chân suýt ngã, chẳng biết anh chàng vui sướng điều chi mà thỉnh thoảng lại huýt sáo miệng theo một điệu nhạc hùng tráng của bài ca tập thể thanh niên xung phong mỗi sáng sớm vác len ra hiện trường.

Phải nói là gần như tất cả những thằng bạn thân đều có mặt sẵn để chờ đợi "chuyện lạ". Bởi vậy nên khi Thức dẫn Khuyên về tới, vừa bước vào căn phòng trống trải tiếng vỗ tay rào rào đã nổi lên như diễn viên ăn khách vừa bước lên sân khấu trình diễn. Thức vừa tức cười, nhưng cũng thực sự cảm động, còn Khuyên, tuy bị ướt đẫm nước mưa, nhưng gương mặt cũng đỏ lên vì ngượng ngùng. Thức quay lại nói nhỏ vào tai Khuyên:

- Bây giờ em là "ngôi sao" ở đây.

Khuyên nhéo vào hông Thức một cái đau điếng. Tiếng thằng Phát ồm ồm như chuông vỡ:

- Tụi này vỗ tay hoan hô một người dũng cảm đội gió đội mưa tới tận nơi đây, một miền đồng chua nước mặn.

- Sao tụi bây không hoan hô tao?

Giọng thằng Thịnh lém nhão nhòe như giận dỗi. Nó ném cái giỏ đựng thức ăn xuống trước mặt đánh phịch mà lúc nãy cao hứng đã giành lấy theo cho Thức một đoạn đường.

- Mày thì ngày nào cũng thấy mặt mà hoan hô cái nỗi gì. Có hoan hô thì hoan hô cái giỏ thức ăn kìa. Chà chà, chắc cô bạn của ông Thức vác cả chợ Bến Thành lên đây chắc, nặng dữ.

Thằng Quân chẳng hiểu nghĩ sao, vội buông một câu bất ngờ như khi người ta hô "vào" lúc Maradona sút bóng vào lưới:

- Ðể tớ đi xách nước cho người yêu ông Thức rửa chân. Ðó là cử chỉ lịch sự có ý nghĩa nhất trần đời.

Và nó chạy vụt đi giữa tiếng cười của những cái mồm ngoác ra rất ư là vui sướng. Thức lúng túng không biết để Khuyên ngồi đâu. Lẫm văn thư nhanh nhẹn nhảy phóc xuống đất, nhường cái ghế đang ngồi cho Khuyên. Nhưng Khuyên ngượng quá dúi dúi hai bàn chân bám đầy bùn trên đất, có lẽ Khuyên đang tìm một khoảng trống nào đó để chui xuống đất trốn đám bạn nhộn thái quá của Thức chăng? Thức đành dõng dạc tuyên bố:

- Cuộc đón rước long trọng đến đây tạm chấm dứt, ai về nhà nấy, hẹn tối gặp. Bây giờ để cho người ta sắp xếp nội bộ mấy cha nội ơi.

- Có gì đâu mà sắp xếp, mày đừng có bày đặt đuổi khéo anh em, ở đây gồm toàn những người thiện chí.

- Như tao chẳng hạn, lúc này đã từng làm "người hầu giả danh" theo "hộ giá" hoàng tử và công nương.

Cả bọn lại được một mẻ cười ra trò.

Tuy nói thế nhưng cũng có vài đứa tản dần. Riêng thằng Phái trước khi rút lui không quên nhiệm vụ thúc bài cho tờ báo tường:

- Bây giờ nàng thơ đã tới, chắc thi sĩ sẽ có ngay một bài thơ thật mùi cho kịp "lên khuôn" báo tường chứ?

- Yên chí, nếu không có thì thằng Quân sẽ vẽ gương mặt đẹp trai của mày vào đó.

- Ðùa thế chứ bây giờ trả tự do lại cho hai anh chị, nhưng tối nay bọn này sẽ kéo sang uống trà và vui văn nghệ. Nghe đồn Khuyên hát hay lắm, thế nào cũng trổ tài cho bọn này biết tay nhé.

Phái nheo mắt, rút êm. Thức dẫn Khuyên ra bờ kênh rửa chân nhưng thằng Quân đã xách đầy một xô nước về tới.

- Khoan khoan, có ngay đây.

Và nó bắt Khuyên đứng yên ngay trước cửa, xối nước cho Khuyên rửa chân. Thằng Quân phải xách đầy ba xô nước mới xối sạch bùn trên hai bàn chân của Khuyên. Xong nó cười toe, vẻ hân hoan:

- Tớ đã hoàn thành xuất sắc vai "tì nữ " rửa sạch chân cho công nương.

Thức đấm thằng Quân một cái khiến nó chúi nhủi và vụt bỏ chạy giữa tiếng cười của những thằng bạn đứng trước cửa vào các phòng đuổi theo. Khuyên run quá, nói:

- Bạn anh đùa hoài, chắc em trốn về ngay quá.

- Yên chí, vào đây rồi không ai về được nếu không có người hướng dẫn đường.

- Vậy tối nay em ngủ đâu?

- Một chút anh sẽ đưa em qua trại nữ, gởi cho mấy cô bạn thân bên ấy.

- Anh mang thức ăn trong giỏ chia ra chia cho các bạn đi. Em mua lung tung, nhưng chẳng biết thứ nào cần.

- Em đừng lo, tối các bạn anh sẽ kéo đến chật phòng. Ở đây thường như vậy, có quà gia đình cho đều liên hoan chung theo kiểu còn ăn hết nhịn, xả láng sáng về sớm.

- Anh cũng là chúa đùa, còn trách gì mấy ông bạn.

- Thanh niên xung phong đều là những người thích đùa cả. Không đùa sao chịu nổi.

- Lên thăm anh một lần em tởn tới già. Lần sau em chẳng dám dại dột như vậy nữa đâu.

- Trước lạ, sau quen. Nhiều cô lên thăm người yêu lần đầu cũng nói như em, nhưng thấy vui quá rồi tình nguyện ở luôn không chịu về nhà nữa.

Khuyên lại nhéo Thức một cái đau đến lịm người. Thức đưa Khuyên sang phía trại nữ, vào căn lán của mấy cô bạn thân. Ở đây cũng đã biết Khuyên lên chơi, ngoài thủ tục xã giao, con gái thường có sự tò mò cố hữu nên cả ba cô bạn Cúc, Kim và Ngân đều có mặt trong lán với vẻ chờ đợi.

Thấy Thức dẫn Khuyên vào, Cúc nói ngay:

- Người đẹp của ông đấy hả?

- Chẳng lẽ người đẹp của bà sao, hỏi gì kỳ.

- Sao bây giờ mới ra mắt bọn này?

- Mới tới dẫn qua ngay đó, tôi có giấu được chỗ nào đâu. Cho cô bạn tôi ở đây với nhé.

Ba cái miệng con gái cùng kêu lên một lượt:

- Không cho.

- Không cho tôi dẫn nàng ra bờ kênh biểu tình ngồi à. Ðừng có bắt nạt người ta trong hoàn cảnh khó khăn này.

Kim có đôi mắt một mí, gương mặt bầu bĩnh, da hơi ngăm đen nhưng rất có duyên.

Cô cười:

- Ở tới Tết hay ở bao lâu?

- Vui ở, buồn về. Ăn thua mình gan. Xấu đẹp tùy người đối diện.

- Thôi đi ông ơi, nhiệm vụ của ông xong rồi, giờ tới nhiệm vụ của chúng tôi. Ông biến đi để cho người ta chăm sóc nàng. Lạnh run rồi kia kìa.

Thức cười, nói với Khuyên:

- Em yên tâm rồi chứ gì, ở đây gồm toàn những con người uy tín. Anh về phòng sáng tác ngay bài thơ cho ông bạn làm báo tường, không thì nó kêu réo hoài không yên được đâu, chút anh sang.

- Biến lẹ đi cha nội ơi!

Chỉ chờ cho mấy cô bạn đuổi khéo là Thức có lý do chính đáng để chuồn. Ðúng vậy, nhiệm vụ chăm sóc Khuyên bây giờ là của các cô, con gái với nhau đỡ lúng túng và bối rối trong mọi sinh hoạt, nhất là ở một nơi thiếu nhiều tiện nghi so với thành phố của Khuyên:

Vừa về tới lán của mình, Phái đã đập vách dọa:

- Phải xong ngay bài thơ trước giờ cơm chiều. Không có ông nện cho một trận dập mũi đấy ông thi sĩ ạ.

- Rồi, có ngay.

- Ðừng có làm ẩu, trả nợ, không được đâu. Ông là một người hạnh phúc nhất trần gian rồi, thơ sẽ tuôn ra lai láng.

Có lẽ Thịnh đã lấy cơm mang ra ngoài trạm cho Tiến mập. Phiên đi phép chưa lên, Toàn và Trọng đi liên hệ công tác ở đơn vị bạn cũng chưa về.Căn phòng trống trải với mấy chiếc giường lò ô đơn sơ. Thức nhìn quanh với buổi chiều đang xuống trong mưa đục. Thức đang là người hạnh phúc thật không? Hay bên cạnh nỗi vui chợt đến đã có cùng một nỗi lo khác len vào. Chắc chắn Khuyên lặn lội lên đây không phải chỉ duy nhất với một mục đích là thăm Thức, mẹ Khuyên rất khó khăn, không bao giờ cho Khuyên đi khỏi nhà, đi một nơi xa, và ở lại đêm. Phải có chuyện quan trọng gì đây... Nhưng thôi, rồi Khuyên cũng sẽ nói. Thức vuốt mấy sợi tóc ướt đẫm nước mưa tìm một chiếc ghế con ngồi vào bàn với tờ giấy trắng trải ra trước mặt.

oOo

Hội trường của đại đội nằm giữa ba dãy lán trại, đêm cuối tuần nào cũng theo nếp sinh hoạt thường xuyên: "văn nghệ cây nhà lá vườn". Hôm nay không khí có vẻ chộn rộn hơn và sự có mặt của Khuyên được quan tâm nhất, và đêm văn nghệ này được hiểu lầm là dành cho "đôi trẻ" Thức-Khuyên. Từ chiều Phái đã lãnh nhiệm vụ trưởng ban tổ chức và anh chàng đã khéo vận động mấy chị nuôi cho mượn... củi để tổ chức lửa trại với lý do trời mưa không đi kiếm củi "trời cho" được. Dĩ nhiên mấy chị nuôi cũng biết tỏng rằng, Phái mượn củi sẽ không bao giờ trả. Nhưng phải công nhận Phái có tài "ăn nói", khó như " Phình chị nuôi" mà cũng phải siêu lòng.

Hãy nghe anh chàng Phái tán "Phình chị nuôi":

- Ðồng chí Phình ơi, dạo này thấy đồng chí ốm bớt vài ký lô rồi, người thon thả ra, anh em ai nấy đều mừng.

- Vô duyên, mập ốm là quyền người ta mắc mớ chi đến các ông mà mừng hay khổ.

- Khổ lắm chứ.

- Khổ ở cái "khổ" nào? - Phình đang ngồi trên mép giường vá cái áo bạc màu cong môi hỏi.

Phát cười cầu tài:

- Ðại đội mình đâu có bao nhiêu nữ, ai đẹp, ai xấu các đại đội bạn đã thuộc nằm lòng từng gương mặt. Các đồng chí nữ là những bông hoa biết nói, làm tươi đẹp đời cho những chàng trai sương gió nắng mưa...

- Thôi đi ông... đạo nhà trời ơi, muốn gì thì nói đại đừng nhập đề kiểu ấy, xưa như trái đất rồi.

- Phình cho bọn mình mượn ít củi đốt lửa trại chơi văn nghệ đi, trời mưa quá bọn này không đi kiếm củi được. Mượn một trả mười, bảo đảm Phình sẽ lời to.

- Xì, tôi không ham đâu. Nhưng ông mượn có bao giờ trả mà lời với lỗ?

- Lâu lâu trả một lần cho nó tiện. Lần này bảo đảm.

- Ông thề có con rái cá dưới kênh nó tin chứ chị em chúng tôi thì không rồi.

- Chưa trả chứ không phải là không trả. Từ "chưa" tới "không" là vấn đề còn phải xét lại. Tối này thằng Thức nháy nó sẽ đọc tặng các "bà" một bài thơ hay hết ý, đặc biệt bài thơ có mấy vần nói về Phình chị nuôi.

- Sao ông biết?

- Người ta làm báo thì cái gì lại không biết? Bài thơ thằng Thức tôi đang biên tập đây.

- Mắc mớ gì ông Thức nói về tôi?

- Ai biết đâu. Ðó là chuyện riêng của người ta tôi đâu dám tìm hiểu.

Phình đỏ mặt, nhưng từ chỗ cau có với Phái nãy giờ Phình tỏ ra nhẹ nhàng hơn:

- Sao tuần nào cũng tổ chức văn nghệ mà mấy ông không lo dự trữ củi?

- Ai biết được ông trời mưa lúc nào mà dự trữ. Ðàn ông con trai vậy đó, bởi thế nên mới cần có đàn bà trên đời này chứ.

- Thôi củi ở dưới nhà bếp kìa, xuống mà ôm về đi.

Phái nhăn răng cười:

- Ôm mấy "ôm"?

- Muốn mấy ôm thì mấy.

Chừng như biết bị "hố" bởi câu trả lời vừa rồi, Phình hoảng quá vụt bỏ chạy, mang theo cả chiếc áo đang vá dở. Phái mỉm cười đi xuống nhà bếp ôm một ôm củi thật to đi về hội trường. Vừa đi, Phái vừa huýt sáo miệng như để ca ngợi sự chiến thắng của mình.

- Có gì vui mà huýt sáo như con nhồng mới lột lưỡi vậy ông? - Thức đứng ở cửa hội trường nãy giờ chờ Phaí về vội hỏi.

Phái ném bỏ củi xuống đất thở khì một tiếng rồi đáp:

- Rầu rã ruột đây chớ vui sướng nỗi gì. Ai vui đâu không biết, chỉ biết tớ đi năn nỉ nàng Phì mập mượn củi, phải tán bở hơi tai mới mượn được ôm củi đây.

- Ông mà tán được chị Phình mập kể ra phải được phong làm thầy.

- Thầy gì?

Thức cười không trả lời. Ai chứ thằng Phái phải để cho nó nếm mùi đau khổ vì sự thắc mắc chất chứa trong bụng nó mới ngán. Phái đã bị Thức hạ mấy lần như vậy, nhưng vốn tính mau quên nên thất bại vẫn diễn ra với anh chàng như thường.

Thấy Thức đứng im cười trừ, Phái tức quá trợn mắt:

- Bộ vui lắm sao mà cười?

- Vui lắm chứ. Mày mà đi về phép cùng với Phình mập rước đèn ở phố Lê Lợi thì tài tử giai nhân ở đấy họ phục lăn.

Phái nhảy tới đấm cho Thức một cái đau điếng. Thức xoa xoa bả vai nhăn nhó. Phái hỉ hả hỏi:

- Bài thơ đâu?

- Mày đối đãi với "thi sĩ" như vậy đó hả, lần sau có năn nỉ gãy lưỡi tao cũng không thèm làm.

- Ðưa bài thơ đây, không nói dông dài.

Thức móc túi đưa cho Phái bài thơ. Anh chàng cận thị nặng nên phải sửa lại gọng kiếng hai ba lần trước khi đọc. Phái vỗ đùi khen:

- Hay quá. Ðúng là tao có tài tiên tri. Mày làm thơ đúng theo ý tao.

- Trời đất.

- Chứ sao - Phái hãnh diện cười rạng rỡ bởi vì bài thơ có đoạn cảm khái về bữa cơm chiều ở trại, cái này đúng là mày tán Phình chị nuôi rồi còn chi nữa. Hay quá.

- Thôi đi cha nội ơi, đừng có cận thị, trông gà hoá vịt rồi nói sai sự thật. Tao chỉ chẳng mắc mớ gì đi tán Phình chị nuôi. Mày mượn củi "em" nên đã "cảm sốt" Phình chị nuôi rồi chăng?

- Bài thơ này tối nay mày phải ngâm cho bà con nghe.

- Mày có khoái tặng Phình mập thì mày ngâm đi.

Nói xong Thức bỏ đi. Phái cầm bài thơ ngẩn ngơ một lúc chậm rãi xếp lại bỏ vào túi áo. Không hiểu sao Phái tủm tỉm cười hoài.

Ðêm lửa trại bắt đầu từ bảy giờ tối. Gần như tất cả đại đội đều có mặt ở hội trường, số tới trước ngồi ở trên, gần "sân khấu", người tới sau ngồi phía dưới, rất ít người ngồi ghế, vả lại cũng không có đủ ghế để ngồi, người ta thích ngồi dưới đất cho thoải mái và đám đông quây thành vòng tròn rộng, chính giữa là đống củi. Khi Thức và Khuyên bước vào Phái đang chế dầu vào những thanh củi phía dưới cùng và rồi mồi lửa được châm vào, những thanh củi bắt đầu cháy. Phái phụ trách chương trình đêm văn nghệ, nhưng trước khi phần văn nghệ bắt đầu là sinh hoạt thường lệ, anh chàng đại đội trưởng cao lòng khòng như cây tre miễu đứng lên tằng hắng lấy giọng rồi "báo cáo" hoạt động của đại đội trong tuần vừa qua với nhận xét đánh giá "chung" và nhận xét đánh giá "riêng". Cái chung là trong tuần rồi mưa quá nên đại đội gần như nghỉ xả hơi sau những ngày hoạt động căng thẳng với khối lượng công việc nặng nhọc chưa từng thấy so với điạ bàn khác. Tuy nhiên, dù trời mưa rầm nhưng cũng có những A hoàn thành công tác xuất sắc với tuyến kinh dài hơn hai cây số rưỡi. Lập tức có tiếng các cô thắc mắc ngay, giọng khào khào như bị cảm của Ngàn:

- Anh Quí ơi, hơn hai hoặc bằng ba chớ sao lại hơn hai rưỡi, ai biết đâu mà tính.

- Không tính được thì để anh tính cho. Một giọng mũi của anh chàng nào đó cất lên.

Ðám đông bật cười vang. Anh Qúi cao khều vỗ tay vào nhau "xin các đồng chí im lặng cho" rồi anh bắt qua nhận xét cá nhân, có mấy anh chàng được nêu tên giữa " ba quân" với thành tích lẽ ra... phải giấu. Lại có vài anh được biểu dương thật sự, cuối cùng anh Quí cao khen mấy chị nuôi, nhờ tài tháo vát và tính phòng xa nên mặc dù trời mưa dầm mà đại đội vẫn ăn cơm chín vì có củi dự trữ để nấu thoải mái. Một người đã "Phình" rồi bây giờ nghe thế lại càng "phình" to hơn. Ðó là ai? Là Phình chị nuôi chớ ai. Một vài giọng cười khúc khích trong đám con gái và mấy cây "tếu" của đại đội hỏi rồi đố nhau rồi cười phá lên làm Phình đỏ lừ mặt vì ngượng. Phình như cố thu người lại, ngồi chen vào giữa các bạn tránh các cặp mắt đang đổ dồn về phía mình, nhưng ác nỗi mấy cô cố đẩy Phình ra ngoài không cho chen vào. Thế là Phình chịu trận, cô cứ giả bộ ngước nhìn những ánh lửa bập bùng phía trước mặt, làm nghiêm. Thỉnh thoảng lại được mấy bàn tay phía sau thụi vào lưng thùm thụp. Mặc, Phình chỉ việc đưa lưng ra đỡ. Anh Quí cao cũng giới thiệu một số thân nhân của anh em lên thăm và dự văn nghệ, có hai ba bà cụ, bốn cô gái và hai anh thanh niên. Trong bốn cô gái đó có Khuyên. Và liền đó Khuyên được anh Quí cao đặc biệt giới thiệu, chắc là do Phái cận "gà" trước nên anh Quí cao mời Khuyên hát, còn người đệm đàn không ai khác hơn là Thức.

Khuyên ngó Thức thầm hỏi ý kiến. Thức ghé vào tai Khuyên nói khẽ:

- Ðã được anh Quí cao kều giới thiệu ưu ái như vậy rồi thì không từ chối được đâu.

- Nhưng bài hát gì đây anh, em run quá.

- Bài nào nữa, bài ruột của em đó, Maman.

- Hát ở đây sợ không hợp.

- Ồ em khỏi lo, thiên hạ sẽ yêu cầu em hát lại ít nhất là bốn lần.

Thế là Khuyên đứng lên, Thức đi theo phía sau. Tiếng vỗ tay rào rào động viên. Phái trao cho Thức cây đàn ghi-ta cũ kỹ kèm theo một nụ cười bí hiểm. Thức dạo đàn và nói khẽ với Khuyên:

- Ðừng run. Em run anh sẽ run theo đó.

Khuyên bật cười, và cơn sợ hãi tan biến đâu mất, cô trở nên dạn dĩ hơn. Và thật là xúc động khi Khuyên hát bài Maman với phần lời Việt sau khi đã hát bằng tiếng Pháp. Giọng Khuyên ngọt ngào và truyền cảm quá. Cả hội trường im phắc, lắng nghe. Bài hát dứt người ta vỗ tay không ngớt và yêu cầu hát lại. Khuyên sung sướng hát lại lần nữa. Cuối cùng Khuyên chấm dứt bài hát bằng cảm tưởng của mình. Một câu ngắn gọn:

- Hát bài này tôi nhớ mẹ tôi quá. Và tôi tin các bạn cũng vậy.

Quán cà phê nằm trên bờ kênh. Người ta không biết tên thật của ông chủ quán là gì, nhưng tất cả mọi người ở đây đều gọi ông bằng một cái tên thân mật là "ông Năm". Ðó là một ông già nam bộ chính cống, vợ ông bị máy bay trực thăng bắn chết ngay trên cánh đồng trước mặt quán lúc còn chiến tranh, ông Năm và đứa con trai nhỏ không vì thế mà sợ hãi rời bỏ căn chòi xiêu vẹo của mình, ông tiếp tục bám trụ giữ vững đường dây giao liên cho cách mạng và nuôi giấu cán bộ hoạt động vùng ven cho đến ngày giải phóng. Và khi những người thanh niên xung phong đầu tiên đặt chân tới vùng đất hoang dại này, quán cà phê của ông Năm cũng dựng lên trên bờ kênh lộng gió để "những chàng trẻ tuổi xa nhà" có nơi tâm sự và nhấm nháp hương vị của "thành phố" sau những giờ lao động mệt nhọc ở hiện trường.

Tối nay bạn bè có ý dành riêng cho Thức và Khuyên tâm sự, nên những người bạn thân nhất đều lần lượt rút lui về trại. Ông Năm cũng thế, ngoài vai trò chủ quán, thường ngày cũng là một người bạn vong niên của Thức - Ông cũng tinh ý, mang tới cho Thức một bình trà nóng rồi nheo mắt rút lui sau khi buông một câu nói đầy chân tình:

- Bạn đời yên chí, tối nay quán này không đóng cửa.

Thức mỉm cười, thầm cám ơn người chủ quán tốt bụng và quay sang nói với Khuyên:

- Chừng nào em buồn ngủ nói anh đưa về trại. Còn nếu muốn thức thì cứ ở đây, ông Năm đã nói tối nay quán không đóng cửa.

- Em muốn thức tới sáng - Khuyên cười.

- Nói thế chứ em cũng nên ngủ một giấc trước khi những con gà ở lán chị nuôi rộ lên gáy báo hiệu bình minh.

- Em không buồn ngủ thì sao?

- Không buồn ngủ cũng vờ nhắm mắt. Không thôi cô Phình và băng ở lán nữ cười anh chết mất.

- Mấy chị ấy dễ thương và tốt bụng quá. Ðúng là những cô gái vui tính và yêu đời.

- Có thế mới là thanh niên xung phong chứ.

- Anh Thức này, em muốn nói với anh một chuyện...

- Nói nhiều chuyện cũng được, anh sẵn sàng nghe.

- Chuyện quan trọng chứ không phải giỡn đâu - Khuyên có vẻ phụng phịu.

- Thì anh có bảo là em đùa đâu?

- Vậy anh ngồi nghiêm túc lại đi.

Thức cười, anh sửa lại tư thế ngồi. Thật ra có gì mà phải sửa. Thức chỉ đốt một điếu thuốc, ngậm trên môi và ngồi dựa đầu cây cột tràm lim dim ra vẻ chăm chú lắng nghe những điều Khuyên nói. Dĩ nhiên, Thức cũng đoán biết từ hôm qua, mục đích cuối cùng của Khuyên lên đây thăm anh và chờ đợi những điều ấy như là một thứ tin xấu mang đến cho tình yêu và đời sống của mình.

- Gia đình buộc em phải đi nước ngoài. Em rất khổ tâm trước sự chọn lựa này. Sau nhiều đêm thức trắng, đào sâu những suy nghĩ của mình, em phải đánh bạo lên đây tìm gặp anh để cầu cứu. Anh giúp cho em một ý kiến quyết định. Hoặc em theo gia đình qua Mỹ theo sự bão lãnh của người thân bên ấy, hoặc em sẽ ở lại một mình với sự từ bỏ của gia đình. Anh không biết em khổ sở đến mức nào đâu, ngày nào mẹ em cũng nói, anh em cũng nói. Em thương mẹ nhất trên đời, nếu xa mẹ, em không tưởng tượng mình sẽ sống ra sao?

Thức ngó sững Khuyên trong một thoáng và anh thật không ngờ câu chuyện lại xảy ra như vậy. Nếu gia đình bắt buộc Khuyên cắt đứt quan hệ với Thức, hoặc là đi lấy chồng, có thể anh dễ dàng có ý kiến hơn. Ðằng này lại là một câu chuyện ngoài dự kiến của Thức và anh cũng chẳng chuẩn bị gì trước câu chuyện quá bất ngờ này. Tại sao Khuyên gặp hoàn cảnh này chứ không là ai khác?

- Sao anh im lặng thế? - Khuyên dè dặt hỏi.

- Biết phải nói gì với em đây?

- Anh đừng nói như vậy.

- Em đã đặt cho anh một câu hỏi mà không có câu trả lời nào thỏa đáng hết, em biết không?

- Không.

Ðột nhiên Thức phá ra cười. Khuyên ngạc nhiên:

- Sao anh lại cười?

- Chứ không lẽ anh phải khóc.

- Nếu chuyện đáng phải khóc thì cũng có thể khóc lắm chứ. Em đã từng khóc nhiều đêm như trước khi lên đây tìm anh.

- Anh khóc trong lòng. Khóc chẳng ai hay, khóc chẳng ai biết. Khóc một mình.

- Không chịu đâu - Khuyên phụng phịu như sắp khóc.

- Em đã khóc rồi, anh không thể khóc nữa, vì như vậy sẽ tạo thành dải sông Ngân thứ hai, ngập lụt cả trần gian này làm sao?

- Thôi, em không đùa đâu. Em đang nói chuyện nghiêm túc.

- Thì anh cũng đang nói chuyện nghiêm túc chứ bộ.

- Nghiêm túc mà anh cười...

- Thôi anh không cười nữa. Ðược chứ?

- Ðược.

Lần này người cười lại là Khuyên. Và người ngồi trầm ngâm gặm nhấm nỗi buồn của mình là Thức. Anh rít thuốc từng hơi dài, ngó những sợi tóc đen nhánh của Khuyên chảy trên vai áo, ngọn đèn bão treo giữa quán buông một vùng ánh sáng mơ hồ xuống chỗ ngồi, làm hai cái bóng của Khuyên và Thức cũng lung linh trên vách lá. Ðêm nay trời không mưa, nhưng gió lại nổi từng cơn, thổi thốc từ cánh đồng mang tới cái lạnh giá đặc biệt của vùng đất kỳ quặc này. Khuyên vòng hai tay trước ngực kêu lên:

- Ồ, gió lạnh quá.

- Càng về khuya gió càng lạnh, lẽ ra em phải mang theo áo len để mặc.

- Em có biết được là lạnh thế này đâu.

- Chắc ở lán của mấy cô có đốt lửa. Cánh con gái siêng hơn bọn con trai của anh nhiều.

- Anh đừng đánh trống lảng để cho... qua cầu. Em không chịu đâu.

Thức cười:

- Trong khi trả lời, người ta cũng được quyền suy nghĩ chứ?

- Suy nghĩ chứ không tìm cách lãng chuyện. Anh khôn thấy mồ đi.

Cuối cùng rồi Thức cũng phải đối diện với Khuyên bằng ánh mắt không thể lẫn trốn được của mình. Anh nhìn thẳng vào mặt người yêu, đôi mắt Khuyên mở lớn, đen thẳm và u buồn như mắt con thỏ bị thương đang ngó anh cầu cứu. Thức rít dài một hơi thuốc, ém khói đầy lồng ngực, thở ra với những vòng tròn khói trắng, anh nói:

- Khuyên này, em cũng biết là anh mong em ở lại biết chừng nào, nhưng anh không đủ lời lẽ thuyết phục em bằng những câu nói sáo rỗng, phô trương. Anh chỉ có một trái tim và cuộc sống như hiện tại em thấy. Nếu anh được quyền nghĩ theo lý lẽ của mình - có khi còn gọi là lý lẽ của trái tim - thì, thiết tưởng em đã tìm lên đây gặp anh, đặt bàn chân khuê các của em xuống dấu bùn lầy lội trên con đường hằng ngày anh và bạn bè đi qua, chắc em đã tìm cho mình một câu trả lời. Còn ngược lại, cũng là một điều dễ dàng dễ hiểu thôi, em chẳng có gì đáng trách, anh chẳng có gì đáng trách. Nói tóm lại cả chúng ta không có ai đáng trách.

- Anh khôn lắm. Em mà khuê các cái nỗi gì, anh nói thấy ghê.

- Uống trà đi, cô bé - Thức rót trà vào ly cho Khuyên, nói.

- Trà ngon quá. Ông Năm kiếm ở đâu ra được trà ngon như thế này anh nhỉ?

- Anh làm sao biết được, nhưng chắc chắn anh biết được một điều, những người khách quí ông Năm mới đãi trà này.

Vừa nói Thức vừa nhìn về phía người chủ quán. Vẫn như mọi đêm, khi những người khách quen thuộc cuối cùng ra về, ông Năm với cái dáng lặng lẽ của mình, ngồi nhìn ra cánh đồng trước mặt với điếu thuốc sâu kèn cháy đỏ trên môi. Chiếc áo bành tô màu cứt ngựa, đã bạc màu vì sương gió và mồ hôi muối, cái quần kaki xám ống lỡ tới đầu gối để trơ ra hai bắp chân gân guốc đen bóng, ông Năm đăm đăm nhìn về phía trước mặt, thỉnh thoảng cái sẹo dài, vắt ngang gò má trái giật giật trong một cơn xúc động hồi tưởng nào đó làm gương mặt ông càng đanh lại một sắc thái dữ dằn với đôi mày sâu róm, đen sậm cụp xuống. Ông thường bảo với Thức rằng phía những bờ mương mà các anh trồng thơm là bóng dáng của vợ tôi, có những đêm tôi ngồi ở đây, thấy bóng bả ngã xuống bởi những viên đạn từ trên phi cơ trực thăng bắn xuống còn rực lửa. Thức hiểu ra những ám ảnh khôn nguôi của ông Năm và chia sẻ với ông những hình ảnh đau thương đó. Bây giờ ông lại ngồi im, nhìn sững ra cánh đồng, ngoài đó, rẫy thơm đã lên cao sắp sửa cho mùa trái chín đầu tiên không biết ông có nhìn thấy hình ảnh của vợ mình bị máy bay bắn nữa không.

- Cám ơn ông Năm đã cho uống trà ngon.

Thức nói lớn và cùng Khuyên đứng lên rời quán. Ông Năm bây giờ mới quay lại nói:

- Ủa, cô Khuyên về à?

- Dạ.

- Ừ, mà cũng nên về ngủ sớm, mai về lại thành phố. Bao giờ cô lại trở lên đây?

- Dạ, cháu cũng chưa biết được.

- Cô nào cũng có một câu trả lời giống như vậy. Nhưng với cô, tôi mong là sẽ có một ngày nào đó cô lại trở lại đây, cô Khuyên nhé.

- Dạ...

Thức nghe Khuyên đáp lại với một giọng nghẹn ngào gần như sắp khóc. Anh vội kéo tay Khuyên đi ra cửa quán. Phía trước hai người là cây cầu khỉ bằng cây lồ ô bắc qua con kênh rộng, ban ngày dòng nước đỏ ngầu, nhưng ban đêm chỉ thấy đen thẳm. Giờ này con kinh đang dâng nước, cây cầu đã bị chìm ngập dưới dòng nước chảy xiết. Thức nắm tay Khuyên dò từng bước, Khuyên vừa đi vừa run, hay cây lồ ô phía dưới chân Thức cũng run theo.

- Coi chừng đấy, bước trật chân là rơi tõm xuống kinh uống nước no bụng.

- Em không biết bơi - Khuyên thì thào với nỗi sợ hãi.

Nhưng rồi cuối cùng hai người cũng qua được bờ bên kia. Khuyên rét cóng, cô vòng tay ôm lấy ngực run lập cập. Thức choàng tay ôm Khuyên và dìu cô đi trên bờ kênh lồng lộng gió. Một ánh đèn pin chợt lóe lên, hai ba bóng đen lướt qua, một giọng nói quen thuộc hỏi:

- Thức hả?

- Biết rồi còn hỏi.

- Về khuya thế?

- Giờ này mà khuya gì.

- Ðưa nàng về dinh hả?

Hai ba giọng cười cất lên rồi sau đó mất hút trong bóng đêm. Thức nói với Khuyên:

- Các bạn anh đi gác đêm đấy.

- Thanh niên xung phong cực quá hả anh?

- Tức nhiên rồi.

- Ở thành phố, em thấy mình sướng thiệt. Thảo nào anh đã chẳng gọi em là cô tiểu thư khuê các.

- Vậy cũng để bụng giận anh à?

- Ðâu có. Nhưng anh gọi vậy người khác nghe tưởng em cái thứ gì.

- Thôi, không gọi nữa.

- Nếu mai mốt anh không gặp được em nữa thì sao?

- Thì coi như em đã đi khỏi mãi mãi chứ sao.

- Anh khóc chứ? - Khuyên hỏi rồi cười khúc khích.

- Dám lắm á.

Thức đưa Khuyên về tới lán nữ, đèn bên trong vẫn còn sáng và Thức nghe có tiếng nói chuyện rầm rì xen lẫn với giọng cười khúc khích. Thức tằng hắng mấy tiếng, giọng cười im bặt và ai đó cất tiếng the thé:

- Ai đó?

- Người rất thân thiết đây mấy bà ơi.

- Ông Thức nháy đưa người đẹp về - Giọng cười lại cất lên rầm rộ.

Tranh thủ giữa lúc các cô mắc cười, Thức kéo Khuyên sát vào người, đặt lên môi Khuyên một cái hôn thật dài. Khuyên bất ngờ trước sự kiện này, cô phản ứng bằng cách huơ hai tay trong không khí nhưng không lẫn tránh được cặp mắt tham lam và ấm áp của Thức, và Khuyên kiễng người lên chịu trận đến khi cánh cửa lán sơ sài bật mở và bóng Cúc thù lù hiện ra.

- Làm cái gì ngoài đấy ông Thức?

- Chuyện bí mật, đừng có hỏi.

- Sao không vào?

- Chưa được mời ai dám vào. Mấy bà dữ như chằn.

- Vậy thì mời hoàng tử - Cúc khòm người xuống, vòng tay ngang ngực bắt chước một kiểu mời khách của người... Ả Rập.

Thức và Khuyên ngượng ngùng bước vào giữa giọng cười rúc rích của mấy cô gái. Họ đã ngồi bật dậy trước đống lửa bập bùng giữa lán.

Kim chớp đôi mắt một mí và thắc mắc:

- Ðêm chia ly bộ lâm ly lắm sao mà ông bà ở biệt ngoài quán của ông Năm vậy, tụi này định kéo tới phá một trận nhưng nghĩ tình tha cho đó.

- Ông Thức ơi là ông Thức, ông dụ dỗ con gái người ta bỏ nhà bỏ cửa lặn lội lên chốn khỉ ho cò gáy này tìm ông mà ông phụ rẫy người ta thì tội lắm nghen.

Ngân kéo Khuyên ngồi xuống bên cạnh mình, cười:

- Nãy giờ ông Thức nói những gì Khuyên thuật lại hết cho tụi này nghe đi, ông ta giở "mánh" là không được với chị em mình đâu.

- Khổ lắm mấy bà ơi, tội lắm mấy bà ơi, xin cho tôi hai chữ bình an.

- Năn nỉ tụi này đi, lâu lâu mới có dịp ăn hiếp ông Thức một lần nên ông chỉ có nước... năn nỉ để xin tha mới mong thoát được.

Thức buông người ngồi xuống mép giường giơ hai tay lên trời, giọng thiểu não:

- Tui đầu hàng mấy bà vô điều kiện.

- Như vậy mới được chứ.

Tức khắc mấy giọng cười ré lên, vẻ khoái trá. Khuyên không biết làm gì khác hơn là cúi đầu nhìn xuống bàn chân lạnh cóng của mình. Cô không ngờ các cô gái ở đây đùa dai và bạo miệng đến như vậy. Khuyên nghe các cô trêu chọc mà lòng tan nát, đúng là một hoàn cảnh oái ăm, dở khóc dở cười. Giữa lúc Khuyên lo âu, nhức buốt cho hoàn cảnh riêng của mình và anh Thức, các cô lại tưởng lầm hai người đang sống trong hạnh phúc nên tha hồ trêu chọc chứ đâu biết rằng Khuyên đang chọn lựa cho mình một con đường trước ngã rẽ với tất cả sự khó khăn ray rứt đè nặng lên tâm trí của cô.

Thức đứng lên nói:

- Thôi, tôi xin kiếu để mấy bà ngủ. Cho gởi cô bạn tôi đêm cuối cùng nữa nhé.

Cúc cất giọng rè rè ca:

- Ðêm cuối cùng... buồn lắm anh ơi.

Thức xá Cúc một cái rồi đi thật nhanh trước những giọng cười ném ra, tan vỡ vào bóng đêm. Thức đi về phòng mình, các bạn đã ngủ say, anh lặng lẽ lên giường nằm nối những điếu thuốc trong bóng tối. Những con muỗi đốt đánh hơi người bay tới kêu vo ve, Thức đập muỗi luôn tay và biết rằng đêm nay anh sẽ khó mà chợp mắt được.

- Thức đó hả?

- Ừ.

- Sao không ngủ?

- Ngủ không được.

- À, tớ hiểu rồi...

Phái nói một câu ngái ngủ và đầy vẻ thông cảm giữa những tiếng đập muỗi của Thức, xong anh chàng quay ra ngủ tiếp. Thức buột miệng nói thầm: Ðúng là một thằng cha vô tư lự.

Không ngờ Phái chưa ngủ, nó cằn nhằn:

- Chứ ai như ông, yêu làm chi cho khổ. Nghe tiếng ông đập muỗi chát chúa cũng thấy ngay là đêm nay ông sẽ thao thức cho đến sáng. Cứ như tôi, lúc nào cũng tỉnh khô, ngủ ngon lành không hề mộng mị.

- Nói chuyện với con người có trái tim bằng nylông thà... chết sướng hơn.

Quả nhiên, Thức không tài nào chợp mắt được, dù anh có rúc vô mùng tránh những con muỗi đói, Thức vẫn trằn trọc, lăn lộn dõi theo những suy nghĩ của mình về quyết định không dứt khoát với Khuyên. Tại sao Thức không nói thẳng là anh muốn Khuyên ở lại, có phải Thức không đủ can đảm để nói những ý nghĩ của mình? Và cứ như vậy, Thức nằm nhìn lên đỉnh mùng cho tới khi ngoài trời có một cơn mưa nhẹ đổ xuống làm không khí trong căn lán bốc lên mùi ẩm mốc quen thuộc. Thức bàng hoàng nhớ ra chỉ còn vài tiếng đồng hồ nữa anh có thể mất Khuyên vĩnh viễn.

oOo

Cuối cùng rồi Khuyên cũng không thể tránh gặp mặt anh Ðồng. Vừa ngủ dậy, Khuyên đã bị anh Ðồng "mời" ra ngoài phòng khách. Gương mặt anh không vui, một câu hỏi ném ra thẳng duột không cần rào đón.

- Bữa nay Khuyên hãy trả lời dứt khoát, có đi hay không?

Khuyên cắn môi, một lúc khẽ hỏi:

- Bộ gấp lắm sao anh?

- Chứ còn gì nữa. Cả nhà đang bấn cả lên, trong khi đó Khuyên lại nhởn nhơ đi chơi, sướng thiệt.

- Em khổ tâm lắm chứ sung sướng gì đâu.

- Nếu khổ tâm cũng chỉ tại em thôi. Tự nhiên lại sinh ra chuyện lẩn thẩn, đòi ở lại.

- Em có suy nghĩ của riêng em. Dù sao, em cũng đã lớn rồi.

- Em lớn với ai trong nhà này? - Anh Ðồng trừng mắt hỏi.

- Em lớn theo nghĩa khác.

- Không có nghĩa nào khác cả. Em không thể tách rời khỏi gia đình. Mẹ đã khổ tâm rất nhiều trong chuyện này, nếu em không chịu đi, mẹ sẽ buồn biết bao nhiêu.

Lẽ dĩ nhiên không cần đợi anh Ðồng phải nói ra điều đó mà chính Khuyên cũng đã biết điều ấy từ lâu và không có sự khổ tâm nào hơn khi Khuyên phải ngồi đối diện với mẹ. Trong ngôi nhà này, khỏang một tháng trở lại đây Khuyên đã sống gần như một người xa lạ với anh Ðồng và mẹ. Mỗi bữa cơm, nếu không thể tránh mặt được, bắt buộc Khuyên phải cùng ăn, nhưng cô luôn luôn im lặng và ăn càng nhanh càng tốt để sớm được về phòng mình. Mẹ cô biết điều đó và thường chỉ nhìn Khuyên thở dài. Anh Ðồng thì không thế, anh giận dữ chất vấn Khuyên đủ mọi chuyện và có lúc, Khuyên với anh ấy cãi nhau lớn tiếng. Sau đó Khuyên vào phòng đóng cửa nằm khóc một mình. Không khí trong gia đình càng ngày càng trở nên lạnh lẽo, mỗi người lui vào thế giới riêng của mình và sẵn sàng gây gổ nhau về bất cứ vấn đề gì. Mới đầu Khuyên định biên thư cho ba để nói rõ ý định của mình, nhưng sau đó Khuyên nghĩ không cần thiết nữa và thật tâm mà nói rằng Khuyên đã có ý nghĩ ông bão lãnh Khuyên đi nước ngoài cũng chỉ là bổn phận mà thôi chứ chưa chắc ông đã yêu thương gì Khuyên. Trước ngày ông ra đi, giữa Khuyên và ba cũng ít có sự gần gũi, thông cảm, nhiều lúc Khuyên có cảm tưởng ông cũng chẳng biết có Khuyên ở trên đời này, hay không. Sau những năm dài xa cách, hình bóng của ông càng trở nên mờ nhạt như ngày nào ông đã đi về trong ngôi nhà này như một cái bóng. Mẹ Khuyên đã chịu đựng hết nửa cuộc đời của bà trong sự chờ đợi ấy, Khuyên đã nhìn thấy mẹ với những giọt nước mắt trước sự tàn nhẫn của ba. Ông đánh bà trong những cơn say và bỏ đi về nhà vợ bé. Khuyên không thể hình dung nổi cuộc sống của ba mẹ con cô khi qua bên đó ra sao, dấu ấn của người cha vô trách nhiệm vẫn còn ám ảnh mãi trong tâm trí của Khuyên khiến cô lo sợ.

Khuyên nói:

- Anh có chắc gì qua bên đó anh sống sung sướng không, hay lại tiếp tục khổ sở như những năm trước. Em thì sao cũng được, nhưng em không thể chịu đựng được khi nhìn thấy mẹ phải khổ vì ba lần thứ hai trong nửa cuộc đời còn lại của bà.

Anh Ðồng cười nhạt:

- Chà, cô lại tỏ ra là một đứa con hiếu thảo lúc nào vậy?

- Anh đừng mai mỉa như vậy. Em muốn nói chuyện nghiêm túc. Vì chúng ta không còn đủ thời gian để nói chuyện nữa đâu.

- Cô đừng dạy khôn tôi, và đừng ngụy biện cho sự ở lại của mình.

- Như vậy thì anh đừng hỏi gì em nữa.

- Cô sẽ phải trả cái giá rất đắt cho quyết định rồ dại của mình. Một đứa em cứng đầu.

Anh Ðồng giận dữ bỏ đi, Khuyên ngồi lại một mình trong ghế nhìn khung ảnh của mẹ treo trên tường. Gương mặt hiền từ của mẹ, đôi mắt đã quen với những giọt nước mắt khổ đau ấy như đang nhìn cô. Ðôi mắt mẹ lúc nào cũng chất chứa một nỗi u buồn, ngay trong lúc bà có niềm vui cũng thế. Nhiều người đã nói Khuyên có đôi mắt rất giống mẹ, điều này làm Khuyên vừa hãnh diện vừa bàng hoàng lo sợ. Bởi vì đó là đôi mắt báo trước một điều đau khổ.

Anh Ðồng lặng lẽ dắt xa Honda ra cửa và phóng vụt đi không thèm nói với Khuyên lời nào. Cô buồn bã thở dài. Cũng may mẹ đi công việc chưa về, Khuyên còn một khoảng thời gian để suy nghĩ và tìm cách khéo léo để nói chuyện với mẹ.

Có tiếng chuông gọi cổng, Khuyên ra mở và cô hết sức vui mừng khi thấy Nguyệt. Khuyên reo lên:

- Eo ơi, đang buồn muốn chết thì Nguyệt đến. Vào đây mi ơi.

- Thôi, hai đứa tìm một gốc cây nào trong căn nhà ngồi nói chuyện thích hơn. Bộ nhà đi vắng hết rồi hả?

- Ðã bảo Khuyên ở nhà có một mình mà.

- Còn ông Ðồng đi đâu rồi?

- Vừa phóng Honda ra phố rồi, chẳng biết đi đâu. Mình và ông ấy vừa mới cãi nhau một trận kịch liệt.

- Sao lại cãi nhau?

- Về cái chuyện đi hay không đi ấy mà.

- Thôi, hiểu rồi.

Hai đứa đi tới gốc mận bên hông nhà. Ðây là cây mận dòi, nghe nói mẹ trồng hai cây mận sát nhau để kỷ niệm ngày cưới của ba mẹ, lớn lên hai cây mận ngả đầu vào nhau, tàn lá xum xuê, trái trĩu cành khó phân biệt cây nào nhiều trái hơn, do đó nó có tên là cây mận dòi. Khuyên thường ngồi dưới gốc mận hồng mát và nghe những con chim sâu líu lo gọi nhau, và dĩ nhiên với lồng móc và chén muối đặt sẵn ở dưới chân. Loại mận này hình như được trồng bằng nhánh, không có hột, khi chín trái trắng xanh, căng bóng và rất ngọt. Bạn bè trong lớp học rất thích ăn mận của Khuyên mang vào và thỉnh thoảng mấy đứa trong nhóm bạn thân kéo tới nhà Khuyên để "viếng" cây mận. Ðứa thì dùng lồng móc, đứa leo lên hái, đứa rung nhánh cho mận rớt xuống rồi chia nhau ăn, chia nhau bỏ đầy túi xách mang về nhà. Mỗi lần có một cuộc "viếng thăm" cây mận như vậy Khuyên phải quét lá rụng đến mỏi lưng và nhìn cây mận trơ lại những cành mà tiếc hùi hụi. Nhưng rồi bẵng đi một tuần không để ý, cây mận lại đầy trái làm như trong truyện cổ tích. Khuyên lại hái mang vào lớp chia cho các bạn.

Nguyệt là đứa bạn thân nhất của Khuyên, mỗi lần tới chơi Nguyệt thường rủ Khuyên ra ngồi dưới gốc mận. Nhưng xui cho nhỏ bạn, mùa này cây mận chỉ có hoa chứ không có trái. Con nhỏ ngước nhìn lên cây mận, ước:

- Mận ơi mận, sao không mau ra trái cho ta nhờ.

- Không có trái thì tạm ngửi mùi thơm của hoa vậy - Khuyên cười trêu bạn.

- Ta thích ăn chứ không thích ngửi. Mùi thơm là cái gì rất trừu tượng, còn trái ních vào bụng mới cụ thể. Ta là con nhỏ thích những gì cụ thể.

- Vậy thì Nguyệt hãy cố gắng chờ... mùa trái năm sau.

- Năm sau biết Khuyên còn ở đây không?

Câu nói của Nguyệt vô tình gợi lại câu chuyện nan giải trong gia đình. Và Khuyên vẫn chưa tìm được câu trả lời nào khéo léo để sẵn sàng đối diện với mẹ. Khuyên thở dài:

- Ði thăm ông Thức về lẽ ra phải vui lắm chứ sao lại thở dài?

- Vừa vui vừa buồn. Vui buồn lẫn lộn nên mới thành ra một tiếng thở dài.

- Nghe Khuyên thở dài ta tưởng đâu... trận gió mùa thu mẹ ru con ngủ chớ. Ðừng thở dài nhỏ ơi, thở ngắn được rồi.

Khuyên đập lên vai Nguyệt một cái thật mạnh. Con nhỏ tuy đau nhưng cũng ráng nở một nụ cười héo hắt.

- Ði thăm chàng thanh niên xung phong dũng cảm về có gì vui kể nghe với.

- Dĩ nhiên là vui rồi, nhưng làm sao kể cho Nguyệt nghe được?

- Tại sao vậy? A, hay là niềm vui chỉ để người ta hưởng một mình, còn nỗi buồn mới chịu chia sớt? Khuyên khôn quá trời.

- Không phải vậy đâu.

- Chứ là cái gì?

- Tại Khuyên chưa thể kể bây giờ được, chỉ có thể nói tóm tắt là rất vui. Thanh niên xung phong là những con người vui nhộn, yêu đời. Cứ lên trên đó một lần là... muốn ở luôn, không về.

- Eo ơi, ta hiểu rồi. "Người ơi người ở đừng về".

Khuyên thụi vào hông Nguyệt một cái, con nhỏ gập người lại cười nắc nẻ.

- Vui thì có vui, nhưng buồn lắm Nguyệt ơi.

- Sao vậy?

- Thức vẫn chẳng nói gì với mình. Nói cho đúng hơn là chẳng khuyên mình quyết định như thế nào. Ði hay ở lại.

Nguyệt cười:

- Xời ơi, vậy mà Khuyên cũng không hiểu nữa sao?

- Hiểu cái gì mới được chứ?

- Anh chàng Thức của Khuyên khôn thấy mồ. Im lặng là nói rất nhiều đó. Anh chàng nói: Em thân yêu ơi hãy ở lại. Ðó, anh chàng Thức đã nói như vậy.

Khuyên mơ màng:

- Ðó là Nguyệt đoán vậy thôi, chứ thật ra Thức chẳng nói gì cả.

- Có những vấn đề người ta nói bằng sự im lặng. Eo ơi sao Khuyên... khờ quá vậy?

Ðúng rồi, có lẽ Khuyên khờ thật. Nguyệt đã giúp cho Khuyên hình dung được thái độ e dè của Thức lúc chia tay. Hai người ngồi ở ngôi quán bên đường để đón xe, Thức liên tiếp hút thuốc và thở khói thành những vòng tròn trước mặt với dáng điệu trầm ngâm lặng lẽ. Bên ngoài có cơn mưa nhẹ, bầu trời mờ đục và không khí giá băng, Khuyên ngồi co ro như con mèo nhỏ trong ghế, thỉnh thoảng ngước đôi mắt u buồn lặng lẽ nhìn Thức. Bốn mắt chạm nhau và cùng bối rối.

"Khuyên ạ,

Chỉ còn vài phút nữa chuyến xe sẽ ghé lại đây mang em về thành phố. Chỉ còn anh ở lại với cơn mưa và khồng khí lạnh giá. Ngày tháng rồi sẽ nối nhau như những giọt mưa ngoài trời và mất tăm đâu đó trong cuộc sống chập chùng mê mải. Nhưng còn em, rồi em có mất tăm, xa biệt khỏi vòng tay anh để thành một nỗi nhớ cho cả một đời người, hay em mãi mãi ở lại và chờ anh như người ta sinh ra để chờ nhau kiếp kiếp? Anh sẽ không khuyên em ở lại hay ra đi. Chẳng phải vì anh thiếu dũng cảm hay thiếu trách nhiệm trong lời khuyên của mình mà chính vì anh muốn em tìm thấy câu trả lời đúng nghĩa nhất bằng tiếng nói của trái tim..."

Hình như Khuyên đã nghe được những điều đó trong sâu thẳm lòng cô và từ một buổi sáng mưa trước lúc chia tay. Khi chuyến xe mang Khuyên rời xa ngôi quán, rời xa những cái cây trên dòng kinh có bóng Thức chơ vơ trong mưa lạnh. Khuyên đã bật khóc và hiểu rằng mình phải quyết định như thế nào.

- Anh chàng Thức của Khuyên khóc chứ?

Câu hỏi của Nguyệt cắt đứt dòng hồi tưởng của Khuyên. Cô giật mình, nhìn bạn trả lời:

- Khoẻ và tếu nữa.

- Có viết thơ cho anh ấy nhớ cho Nguyệt "ăn theo" mấy lời hỏi thăm nhé.

Khuyên cười, háy mắt nhìn bạn hỏi:

- "Ăn theo" như thế nào mới được chứ?

- Viết như thế này - Nguyệt tằng hắng lấy giọng tiếp - "Anh Thức ơi, Nguyệt tuy có cảm tình với anh nhưng chắc chắn không thể tha thứ cho anh được nếu anh cướp mất cô bạn thân yêu của Nguyệt, chấm hết".

Nguyệt buông ra một tràng cười tinh nghịch trong trẻo làm Khuyên ngượng cứng người. Cô đấm vai bạn, mặt đỏ bừng, trách:

- Hỏi thăm người ta mà lời lẽ "móc lò" như vậy hả?

- Thì ta hỏi thăm đàng hoàng chứ bộ. Nhưng là hỏi thăm... sức khỏe.

Khuyên trêu lại bạn:

- Nếu Nguyệt muốn làm quen với những anh chàng thanh niên xung phong đẹp trai, vui tính thì Khuyên bảo Thức làm mai giùm cho. Chỉ cần Khuyên giới thiệu sơ sơ vài dòng về Nguyệt sẽ có khối anh chàng... xung phong đăng ký làm quen ngay thôi.

- Nhỏ nói thiệt hay nói đùa đấy?

- Nói thiệt hoàn toàn.

- Vậy thì nhanh lên kẻo Nguyệt... sang ngang bây giờ.

- Sang ngang chưa được đau. Sẽ có khối anh chàng nhảy xuống sông kêu thuyền lại đấy.

Cả hai phá ra cười. Tiếng cười làm Khuyên tạm vơi đi nỗi buồn đang đè nặng trong lòng cô. Nguyệt bỗng cầm tay Khuyên nhình thẳng vào mắt bạn, hỏi giọng nghiêm túc:

- Khuyên này, Nguyệt hỏi thật, Khuyên đã quyết định chưa?

- Quyết định gì?

- Thôi đừng có làm bộ, chuyện đi hay ở đó mà.

Khuyên thở ra:

- Anh Ðồng cũng vừa hỏi Khuyên như vậy.

- Và Khuyên trả lời ra sao?

- Chưa trả lời.

- Bạn bè trong chi đoàn cũng đang chờ câu trả lời dứt khoát của Khuyên đấy. Dĩ nhiên là các bạn sẽ ủng hộ Khuyên hết mình.

- Còn Nguyệt thì sao?

- Nguyệt ấy à? - Nguyệt chớp mắt nhìn Khuyên nói trong xúc động - Nếu Khuyên đi Nguyệt sẽ bỏ cơm nước ngồi ủ rũ như con mèo ướt và sau đó thì "nghỉ chơi" với Khuyên chứ sao.

Trong câu nói của người bạn gái có một cái gì đó vừa ngây ngô vừa tràn đầy sự chân thật làm Khuyên mủi lòng. Có thể người khác sẽ cho Nguyệt "xạo" nhưng với tình bạn của hai đứa Khuyên biết là Nguyệt nói thật. Cách đây một năm, Khuyên và Nguyệt đã từng tiễn một nhỏ bạn được bão lãnh đi nước ngoài cùng với gia đình. Nhỏ bạn cũng không tha thiết chuyện đi, nhưng vì gia đình thúc ép nên phải nghe theo cho nên trong bữa tiệc thay vì vui mừng, nhỏ bạn ấy lại khóc như mưa như gió. Mặc dù chơi thân với nhau nhiều năm, học cùng lớp, ngồi cùng bàn nhưng Nguyệt tuyên bố một câu xanh dờn:

- Tuyết ạ, ta biết mi khóc bữa nay là khóc thật chứ không phải khóc cho người ta xúc động theo. Nhưng dù khóc thật hay khóc giả ta cũng đành phải... xa nhau thôi. Và như vậy, là mình cắt đứt luôn, không phải vì mi ở xa tổ quốc mà chính vì mi đã ở xa ta. Ðừng biên thư, gởi "thùng" chi cho mất công, ta không trả lời đâu.

Ai cũng tưởng là Nguyệt nói đùa, "dọa" bạn chơi, nào ngờ Tuyết qua Mỹ được vài tháng biên thư về cho từng đứa bạn thân, Nguyệt không trả lời thật. Không trả lời lấy một chữ.

- Còn nhớ nhỏ Tuyết không Nguyệt? - Khuyên ôm vai nhỏ bạn hỏi.

- Nhớ chứ sao không. Nhưng ta nhớ mà quên. Thôi đừng nhắc chuyện ấy nữa. Bộ Khuyên muốn trở thành "Tuyết California" sao?

Khuyên cười. Nụ cười bất chợt và chắc chắn không ai hiểu nỗi trừ Khuyên.

oOo

Sau bữa cơm tối, hai mẹ con ra ngoài khu vườn nhỏ bên hông nhà ngồi trên chiếc băng đá dưới gốc mận nói chuyện. Ở chổ này ánh đèn không hắt tới nên chung quanh tràn ngập bóng tối. Khuyên ngước nhìn lên tàn mận cao ngang tầm cửa sổ phòng mình, cô không thấy gì ngoài tiếng động của những cánh dơi bay chập choạng và nghe hương thơm đậm đặc của hoa mận vào không khí se lạnh tỏa xuống.

- Khuyên ạ, mẹ rất buồn nếu con quyết định ở lại không đi với mẹ. Ba con dù sao cũng đã nghĩ tới mẹ con mình sau những năm xa cách. Ông ấy muốn gia đình đoàn tụ và không thiếu một ai, nhất là con. Có lẽ ông ấy đã hối hận vì sự cô đơn nơi đất khách quê người và biết thương yêu mẹ con ta rồi.

Thế là cuộc nói chuyện không thể tránh khỏi giữa hai mẹ con đã bắt đầu bằng giọng nói khàn khàn giống như bị cảm của mẹ. Bà vẫn thế, bao giờ cũng chậm rãi và dịu dàng, ngay trong giọng nói cũng toát ra sự chịu đựng, đôi khi Khuyên có cảm tưởng bà đã nhẫn nhục quá đáng. Khuyên thương mẹ vô cùng, cô không nhìn rõ gương mặt bà trong bóng tối, nhưng gương mặt ấy đã quen thuộc với cô bằng sự yêu thương và những năm tháng dài. Mẹ không còn trẻ nữa rồi, ở cái tuổi 50 con người ta đã sống hết nửa đời người theo tuổi tác và hơn nửa đời chập choạng trong nỗi đau đã đẻ lại những vết nhăn hằn lên năm tháng. Nhất là người đàn bà, vốn sinh ra đã chịu thiệt thòi nhiều qua cuộc phiêu lưu bất tận trong việc đi tìm hạnh phúc của mình. Khuyên thoáng nhìn lên gương mặt mẹ trong bóng tối, cô bắt gặp ở đó cả một chuỗi ngày dài hy sinh cho chồng, cho con và niềm vui ít hơn nỗi buồn. Khuyên muốn ngả vào lòng mẹ như ngày nào cô còn nhỏ, nhưng Khuyên không làm thế được...

- Mẹ ạ, con hiểuu là cuộc nói chuyện cuối cung giữa mẹ và con sẽ phải diễn ra, do đó từ khoảng một tháng nay con cố tránh, nhưng rồi việc gì đến nó phải đến. Tối nay con khổ tâm vô cùng, nhất là buổi chiều lại vừa gây gổ với anh Ðồng. Ðúng hơn là anh Ðồng gây gổ với con - nhưng còn mẹ, con biết là chỉ có những giọt nước mắt.

- Mẹ cố sẽ không khóc và phải giữ bình tĩnh. Nhưng mẹ không muốn con trả lời khác với điều mong ước của mẹ.

- Rất tiếc mẹ ạ, con không thể trả lời khác với quyết định của con, dù biết rằng mẹ sẽ rất buồn. Con đã xin ở lại. Lý do thì con đã nhiều lần nói với mẹ trước đây rồi, xin mẹ đừng hỏi con nữa.

- Con...

Người bật khóc trước tiên là Khuyên, cô bật dậy với tiếng nức nở và vùng bỏ chạy vào nhà. Trong khi chạy lên cầu thang Khuyên nghe tiếng mẹ cô gọi với theo bằng một giọng hoảng hốt, tràn ngập thương cảm. Nhưng Khuyên chạy thẳng về phòng mình, đóng sập cửa lại.

Khuyên nằm vật trên giường, mặt úp xuống gối. Một lúc Khuyên nghe có tiếng cánh cửa xịch mở, tiếng chân bước vào phòng và bàn tay ấm áp của mẹ đặt lên đoi vai run rẩy của cô:

- Mẹ biết bây giờ con đã lớn, con có quyền suy nghĩ độc lập, nhưng đừng quên rằng dưới con mắt của người mẹ, con cái lúc nào cũng vẫn còn khờ dại, nhỏ bé, như thuở mẹ vẫn bồng ẵm trên tay, ru hát cho con ngủ. Con gái của mẹ cũng vậy thôi.

Khuyên càng khóc dữ, cô úp mặt mình trên chiếc gối, đôi vai khẽ rung lên từng chập. Khuyên cố kềm giữ cơn xúc động để tỉnh táo vượt qua con dốc, mà chính cô đã biết rằng, nếu chỉ vì một phút yếu lòng, cô sẽ chùn bước, buông trôi, và không bao giờ vượt qua được.

- Biết làm sao được hả mẹ? Do đó, mẹ đừng bắt con phải đi theo con đường của mẹ chọn. Con chưa hình dung cuộc sống của con sau này sẽ ra sao, nhưng con đang mơ ước được sống trung thực với mình.

Người mẹ buồn bã hỏi:

- Như vậy là con đã quyết định rồi sao?

- Xong rồi mẹ ạ.

- Con suy nghĩ kỹ lại đi, sau này sẽ hối tiếc. Lúc đó mọi việc đã muộn rồi.

- Con không hối tiếc đâu.

Người mẹ lắc đầu, buông ra một tiếng thở dài nặng nhọc.

Một lúc sau Khuyên ngước đôi mắt đỏ hoe, nhưng không còn những giọt nước mắt nào nhìn mẹ nói:

- Mẹ có biết không, con cũng không bao giờ muốn làm người lớn với mẹ cả. Không có gì ngu ngốc bằng một đứa con gái muốn làm người lớn với mẹ nó. Con muốn nằm trong vòng tay ấm áp của mẹ hoài thôi, nhưng...

- Con ở lại sẽ sống bằng cách nào?

- Mẹ đừng lo - Khuyên đột nhiên mỉm cười.

- Sao mẹ lại không lo được. Hồi mẹ ở tuổi con bây giờ, mẹ không sống một mình.

- Mẹ sống với ai - Khuyên hỏi rất ngây thơ.

Mẹ cười:

- Mẹ sống với gia đình, ông bà ngoại chứ với ai. Và ngày đó mẹ vẫn còn là một đứa con gái ngu ngơ, chưa biết gì. Còn con bây giờ...

- Con bây giờ thì sao hả mẹ?

- Con rất khác xa với mẹ hồi đó.

- Cái thời của mẹ khác, thời của con bây giờ khác.

- Ðối với tình cảm của người mẹ, chẳng bao giờ khác cả, con ạ.

- Mẹ! - Khuyên kêu lên thảng thốt và quay lại ôm lấy người bà - Con cũng chẳng bao giờ muốn nhìn mẹ khác đi.

- Nhưng con đã chẳng nhìn mẹ bằng một tấm lòng và đôi mằt khác đi rồi sao?

- Không có đâu mẹ ạ.

- Con đừng chối, chính mẹ đã nhìn thấy điều đó lâu nay. Nhưng biết làm sao được.

Quả thật Khuyên có nhìn mẹ mình bằng đôi mắt khác xưa không? Khuyên có nghĩ về mẹ mình bằng tấm lòng khác vời ngày còn bé không? Khuyên không hiểu rõ lắm, nhưng chưa bao giờ Khuyên nghĩ rằng đến một lúc nào đó cô phải xa mẹ, xa mẹ vĩnh viễn, Khuyên và mẹ mỗi người ở một phương trời. Ý nghĩ ấy làm cô yếu lòng, như một áng mây chỉ tình cờ chụp xuống, làm lòng Khuyên giá băng, u ám.

Khuyên vuốt ve bàn tay của mẹ, cô hỏi:

- Mẹ giận con lắm phải không?

- Không, mẹ chỉ thương con mà thôi.

- Mẹ đừng giận con, mẹ nhé - Khuyên van cầu.

Người mẹ lắc đầu, hai giọt nước mắt ứa ra, lăn trên hai gò má. Và bà im lặng nhìn theo một áng mây trôi ngoài cửa sổ.

- Ở lại đây một mình con vẫn sống được, vẫn học tập được, vẫn thương mẹ và nghĩ về mẹ suốt đời.

- Con làm sao mà sống?

- Con đi dạy đàn, kèm trẻ em, và mẹ biết không, con còn có một giọng hát tốt, con có thể trở thành... ca sĩ.

Người mẹ cười vuốt tóc con gái:

- Thôi di cô nương, con đừng có mơ mộng.

- Phải mơ mộng chứ mẹ, nếu người ta không mơ mộng thì làm sao mà sống cho được.

- Nhưng đừng mơ mộng viễn vông. Con phải thực tế, Khuyên ạ. Mẹ rất thực tế, chính vì vậy mà mẹ mới sống nổi.

- Con không cãi mẹ đâu, nhưng thực tế của mẹ buồn quá. Mẹ có cuộc sống thật buồn.

Người mẹ giật mình:

- Sao con lại có nhận xét như vậy?

- Thì chình cuộc sống thực tế của mẹ đã nổi lên điều đó. Con đâu phải là người xa lạ với hoàn cảnh của mẹ trong ngôi nhà này.

- Con có lý.

- Mẹ biết không, nếu đặt tình cảm của con lên giữa bàn cân, hỏi rằng con yêu thương ba và mẹ ai hơn ai, con sẽ nghiêng về mẹ nhiều hơn.

- Nhưng tại sao con không chịu đi với mẹ?

- Con có cuộc sống của con, không ai sống bên mẹ mình suốt đời được.

- Con đừng trách ba, ông ấy cũng có một hoàn cảnh khó xử. Bây giờ ông ấy đã biết lỗi, mẹ thấy con không nên có thành kiến với ba nữa, gia đình mình hãy đoàn tụ bên ấy. Mẹ ra đi, về bên ấy sum họp vời ba, cũng chính vì mẹ nghĩ tới các con mà thôi. Mẹ già rồi...

Khuyên nằm nhìn lên trần nhà, đôi mắt cô mở lớn như nhìn vào cõi mông lung nào đó. Sau cơn xúc động, cô bình tĩnh trở lại và vẫn cương quyết với chọn lựa của mình.

Khuyên nói:

- Con có muốn mẹ già đâu, nhưng con người không ai dừng lại ở cái tuổi mà mình mơ ước, sống trọn vẹn với giấc mơ đẹp của mình. Mẹ già, nhưng con còn trẻ. Con đường của mẹ đi thu ngắn dần, còn con đường của con đã rộng mở và xa thêm.

- Ở tuổi mẹ cần có sự yên tĩnh, nghỉ ngơi. Và nhất là cần có một cuộc sống bình yên, đừng xáo trộn. Mẹ có bệnh đau tim, cuộc sống ở đây vất vả và phải lo nghĩ nhiều quá, mẹ cảm thấy thời gian qua tóc mẹ bạc thêm nhiều và tuổi già như càng đổ bóng xuống nhanh hơn.

- Biết làm sao được hả mẹ? Do đó, mẹ đừng bắt con phải đi theo con đường của mẹ chọn. Con chưa hình dung được cuộc sống của con sau này sẽ ra sao, nhưng con đang mơ ước được sống trung thực với mình.

Người mẹ buồn bã hỏi:

- Như vậy là con đã quyết định rồi sao?

- Xong rồi mẹ ạ.

- Con suy nghĩ kỹ lại đi, sau này sẽ hối tiếc. Lúc đó mọi việc đã muộn rồi.

- Con không hối tiếc đâu.

Người mẹ lắc đầu, buông ra một tiếng thở dài nặng nhọc.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro

#eterhr