Phần I - Chương Hai

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Hồng Y Giáo Chủ

Từ trước tới giờ tôi chỉ nghe tên và xem thấy hình, nhưng chưa bao giờ có dịp gặp Đức Hồng y Trịnh Văn Căn. Do đó, tôi hơi bồn chồn khi cùng với hai người anh em kia bước theo thầy phòng bộ trong hành lang dẫn tới phòng của vị chức sắc cao cấp nhất của Giáo Hội Công Giáo Việt Nam. Phòng này nằm ở lầu hai trong tòa nhà chánh của Nhà Chung Hà Nội. Tới nơi, thầy phòng bộ bước lui để ba anh em tôi vào. 

 Khi nghe tiếng gõ cửa, vị Giáo Chủ bước ra tận nơi đón chúng tôi. Hồng y Trịnh Văn Căn, một người khá cao lớn, tuổi ngoài 60, nước da hồng hào, tóc bạc trắng, trên môi nở nụ cười tươi và dáng vẻ rất phúc hậu. Ngài mặc áo dòng đen có viền đỏ như các Giám mục vẫn mặc, cổ "côn" trắng chỉnh tề và chân mang giày da đen. Tôi đi đầu, theo sau là thầy Kỳ và anh Khuân. 

 Vừa thấy ngài, tôi lên tiếng: "Thưa Đức Hồng y, con là cha Lễ, thuộc giáo phận Vĩnh Long, cùng với thầy Kỳ và anh Khuân, chúng con xin chào Đức Hồng y." Ngài tươi cười đưa tay ra, tôi bắt tay vừa định quỳ gối hôn nhẫn thì ngài đỡ tôi dậy, kéo vào lòng và quàng tay trái ôm tôi khá lâu vừa nói: "Cha Lễ! Nghe tin cha về tôi mừng lắm. Tạ ơn Chúa! Tạ ơn Chúa!" Thái độ của ngài làm tôi vô cùng cảm động. Sau đó ngài bắt tay Kỳ và Khuân, và để cho hai người quỳ hôn nhẫn. Tôi giới thiệu Khuân là một giáo dân, còn thầy Kỳ thì ngài đã biết. Ngài tiếp chúng tôi rất niềm nở, cùng chúng tôi ngồi ở bộ ghế xa-lông giữa phòng. 

 Phòng làm việc của Đức Hồng y rất rộng, đơn sơ và ngăn nắp. Khi bắt đầu câu chuyện, tôi cám ơn ngài đã gửi quà cho các Linh mục trong tù và khi các cha về hết thì gửi cho tôi. Ngài nói có nhờ cha Mai lo việc đó vì ngài nghĩ là các cha trong miền Nam xa xôi quá. Ở đây ngài làm được gì để an ủi các Linh mục trong lúc tù đày thì ngài cố gắng làm. Ngài cũng nhắc tới Đức cha Thuận đang bị giam lỏng ở Giang Xá và ngài vẫn nhờ cha Mai lo gửi quà, nhưng lần vừa rồi trả lại khiến ngài lo lắng không biết Đức cha Thuận bây giờ ra sao. 

Giọng nói của ngài ấm, đơn sơ và truyền cảm. Ngài hỏi tôi về những cha còn lại trong tù, cách thức thăm nuôi làm sao, đời sống tinh thần các Linh mục và giáo dân trong tù thế nào. Ngài hỏi chuyện cả ba người nhưng nhiều nhất là tôi. Tôi nói số Linh mục miền Nam ra Bắc từ hơn 10 năm qua thì tôi là người ra về cuối cùng. Nhưng Linh mục miền Bắc mới bị vào tù sau này thì còn lại ba người là cha Thi, cha Vĩnh thuộc Giáo phận Bùi Chu và cha Hiểu thuộc Giáo phận Bắc Ninh. Có trường hợp cha Lý và cha Nghiêm thuộc Tổng Giáo phận Huế mới bị bắt hai năm cũng còn ở trại Nam Hà. Như vậy còn lại 5 Linh mục trong tù. Khi tôi nói các chi tiết này, Đức Hồng y đứng lên bước lại bàn lấy quyển sổ và bảo tôi nhắc lại để ngài ghi.

Sau đó ngài hỏi chừng nào chúng tôi về Nam và chương trình những ngày tới ra sao. Tôi cho biết là anh Khuân sẽ về trước còn tôi sẽ lưu lại miền Bắc nửa tháng để có dịp đi thăm viếng và ghi nhận tất cả những gì có thể ghi được, nhất là về tình trạng Giáo hội Công Giáo trong các giáo phận miền Bắc sau mấy chục năm dưới chế độ cộng-sản, để sau này nếu có dịp tôi sẽ viết lại những gì tôi đã thấy và tìm hiểu. 

Đức Hồng y rất tán thành ý định của tôi và ngài nói: "Cha cứ đi, nếu cần giới thiệu tới chỗ nào tôi sẽ giới thiệu. Hãy coi Nhà Chung này là nhà của cha. Bất cứ lúc nào cha trở lại cũng được, và nếu cần gì cứ bảo với hai thầy phòng bộ." Ngài quay sang hỏi anh Khuân về gia đình, vợ con và việc làm ăn sinh sống trong thời gian chồng đi tù. Đức Hồng y tiếp chúng tôi quãng nửa tiếng đồng hồ. Sau đo, chúng tôi đứng lên xin cáo lui để ngài làm việc. Trước lúc chúng tôi ra khỏi phòng, ngài dặn chúng tôi sang thăm và chào Đức cha phó là Giám mục Nguyễn Văn Sang. Tôi trả lời là đã nhờ thầy phòng bộ thông báo và chúng tôi sẽ tới chào ngay sau khi thăm Đức Hồng y. 

Tôi bước ra khỏi phòng Đức Hồng y Trịnh Văn Căn với sự cảm xúc và lòng kính mến sâu xa. Tôi rất mừng và hãnh diện về Giáo hội Công Giáo Việt Nam có được người lãnh đạo nhân từ, đầy lòng bác ái và quan tâm tới từng hoàn cảnh của mỗi người như thế.  


Vị Giám Mục Phó 

Chúng tôi đi xuống trở lại ngang nhà ăn và qua dãy nhà kế bên để tới phòng Giám mục Nguyễn Văn Sang nằm ngay ở đầu nhà. Tôi cũng chỉ nghe nói tới Giám mục Nguyễn Văn Sang, nhưng chưa gặp bao giờ. Lúc còn trong tù tôi nghe Linh mục Lê Đức Triệu, tức nhạc sĩ Hoài Đức, cũng là người gốc Giáo phận Hà Nội kể chuyện. Năm 1954, Linh mục Nguyễn Văn Sang đã di cư vào Nam rồi, nhưng sau đó lại trở lộn ra Bắc, không hiểu vì lý do gì. Nghe như thế tôi đã có sự khâm phục tinh thần của vị Linh mục chấp nhận trở lại miền Bắc dưới chế độ cộng-sản trong khi một số đông Linh mục đã di cư vào Nam. Sau đó cha Sang được chọn làm Giám mục phó Tổng Giáo phận Hà Nội một vài năm gì đó trước khi chúng tôi tới thăm. 

Chúng tôi gõ cửa khi Giám mục Sang đang ngồi tại bàn làm việc. Ngài vẫn ngồi yên tại chỗ khi ba anh em chúng tôi bước vào. Tôi lên tiếng khi thấy ngài: 

- Chào Đức cha, con là cha Lễ ở Vĩnh Long cùng với hai anh em, thầy Kỳ và anh Khuân là một giáo dân ở miền Nam. Chúng con vừa mới ra khỏi tù hôm nay và tới chào Đức cha. 

Giám mục Sang vẫn ngồi yên sau bàn làm việc, ngẩng đầu lên và quay ngang nhìn nhóm chúng tôi: 

- Thế à, cám ơn, cám ơn! Mấy anh em ngồi đi. 

Vừa nói vị chức sắc tôn giáo ngoài 50 tuổi này chỉ tay về hàng ghế đai sát trong vách. Tôi vừa ngồi vừa quan sát rất nhanh Giám mục Sang. Người ngài hơi thấp, da mặt bóng láng, mập béo và trắng trẻo. Tướng mạo ngài biểu hiện một sự sung mãn khá toàn diện. Ngài mặc áo dòng đen, không có cổ trắng. 

Ngài không đứng lên nên tôi không biết mang giày dép gì. Phòng làm việc của Giám mục Sang khá nhỏ, chỉ bằng phân nữa phòng Đức Hồng y. Trong phòng bề bộn những sách vở và đồ đạc nằm bề bộn, ngổn ngang. Sự tương phản quá bất ngờ trong thái độ đón tiếp giữa Đức Hồng y và Giám mục Sang làm tôi sượng sùng. 

Thấy bầu khí quá tẻ nhạt, tôi cố ý kéo dài việc xê dịch ghế và xoay đi sửa lại mấy lần trước khi ngồi yên, ra điều tôi chưa sẵn sàng để bắt đầu câu chuyện mà tôi đoán biết trước là sẽ rất nhạt nhẽo. Nhưng cuối cùng rồi tôi và hai anh bạn cũng đã ngồi yên đối diện với vị Giám mục phó Tổng Giáo phận Hà Nội. Ngài ngồi khoanh hai tay lại chống lên mặt bàn, cổ rụt xuống làm đôi vai nhô cao. Trong cách ngồi này tôi thấy hình dạng ngài trở nên thấp bé trong căn phòng bé nhỏ và bề bộn của ngài. 

Giám mục Sang ngồi yên nhìn chúng tôi không nói không rằng, gây cho tôi cảm tưởng là chúng tôi xuất hiện không đúng lúc. Trong giây phút đó tôi không biết tâm trạng thầy Kỳ và Khuân ra sao. Tôi đoán là họ cũng thấy đớ ra và thừa thãi như tâm trạng của tôi, nhưng dù sao họ cũng nhẹ nhàng hơn vì tôi là người phải đóng vai trò đại diện ăn nói. Trong một giây, tôi tự nói với mình: "Trời! Nếu biết như thế này thì vào đây để mà làm gì?!" 

Thấy tình thế kỳ dị quá, không lẽ cứ ngồi đây mà nhìn nhau cho tới giờ cơm chiều, tôi bèn hỏi một câu thừa thãi và rất ư là vô duyên: 

- Đức cha có khỏe không ạ? 

Vị chức sắc tôn giáo có thân hình tròn trịa ngồi yên một chút mới bắt đầu nói như rên: 

- Mới đi nghỉ mát ở Đồ Sơn về hôm qua, nghe sao trong người không được khỏe, có lẽ nắng ngoài đó to quá! 

Tôi không biết Giám mục Sang nói những lời nói giọng rè rè đó với chúng tôi hay tự than thở với chính mình. Dù vậy tôi buộc lòng phải hỏi thêm cho có chuyện nói: 

- Thế Đức cha mới đi tắm biển Đồ Sơn về à? 

- Mình mới về hôm qua. 

- Con nghe nói Địa phận Hải Phòng có nhà nghỉ mát ở Đồ Sơn, có phải Đức cha ra đó không? 

- Đâu có! Mình ở nhà nghỉ mát chính phủ. Mình đi là bên Mặt Trận Tổ Quốc tổ chức mời mình đi mà! 

Sau đó Giám mục Sang độc thoại một thôi một hồi về cuộc du hí vừa rồi, ăn làm sao, ở làm sao trong nhà khách chính phủ. Ngài ngon đà kể dài dòng về việc đó mà không một chút thương hại cho 6 cái lỗ tai của 3 tên tù khốn khổ mới được tha sáng nay và tới chào ngài. Chúng tôi tới đây không có ý để nghe chuyện du hí Đồ Sơn của vị Giám mục. 

Sau đó không biết tại sao và vào lúc nào ngài lại chuyển đề tài qua xe đạp Peugeot của Pháp. Vị Giám mục phó Hà Nội lại độc thoại một tràng về tính "ưu việt" của loại xe đạp này vì có người bên Pháp, hình như nói là cha Thiết, mới gởi về cho ngài 10 chiếc. Lúc đó tôi đã muốn kiếu từ nhưng không biết làm sao. Tôi mong cho có tiếng gõ cửa hay tiếng động gì để Giám mục Sang cắt đứt câu chuyện về xe đạp Peugeot, nhưng vẫn không có tiếng gõ cửa tôi mong đợi. Được một lúc, có thể vì nhận thấy chúng tôi không phải thuộc loại thính giả tốt, Giám mục Sang bèn ban cho chúng tôi một ân huệ. Đang nói nửa chừng, ngài vụt ngừng lại nhìn đồng hồ tay và nói: "Tôi phải có cái hẹn". Câu nói ngắn gọn đó đã giải thoát cho cả hai phía. Phía ba anh em tôi khỏi phải tiếp tục ngồi nghe những chuyện chúng tôi không muốn nghe, và phía ngài cũng khỏi phải tiếp tục ngồi đối diện với 3 người khách bất đắc dĩ trên trời rơi xuống. 

Ba anh em tôi đứng lên rời khỏi phòng Giám mục Sang và đi nhanh như bị ma đuổi, trong lúc ngài vẫn ngồi tại bàn ngoái đầu ra cửa nhìn theo. Lúc đi ngang nhà ăn, tôi coi đồng hồ, thấy đã 4 giờ 15, như vậy Giám mục Sang đã mất cho chúng tôi 15 phút, và tôi cũng thấy mình đã đánh mất chừng ấy thời gian một cách vô nghĩa! Tôi cảm thấy một nỗi chán chường làm nặng trĩu tâm can khi cả ba anh em yên lặng bước đi bên nhau trong hành lang cổ kính của Nhà Chung Hà Nội, được coi là con tim của Giáo hội Miền Bắc này. 

Thấy còn sớm, vì mãi 6 giờ chiều mới tới giờ ăn, tôi muốn lên phòng nằm nghỉ chốc lát nên tạm chia tay anh em lên buồng. Thầy Kỳ dặn với theo: "Cha nhớ xuống nhà cơm trước năm mười phút, đừng để Đức Hồng Y đợi, thầy Trạc dặn con như vậy, vì đức Hồng Y không bao giờ đọc kinh ăn cơm trước lúc có mặt đầy đủ mọi người." 

Tôi lần theo cầu thang lên phòng. Vừa bước vào tôi thấy trên bàn có cái phong bì màu trắng đề tên tôi. Mở phong bì ra thấy có một số tiền, kèm theo mảnh giấy nhỏ với huy hiệu của Đức Hồng y nằm bên góc trái ghi mấy chữ: 

"Cha Lễ, cầm ít tiền tiêu. Sau cơm chiều, mời cha đi bách bộ trên sân thượng. TVC." 

Đọc xong tôi đưa tờ giấy lên môi hôn. Ý tôi muốn hôn lên bàn tay của người viết mấy hàng chữ đó. Thì ra Đức Hồng y đã chu đáo và quan tâm tới người khác hơn tôi tưởng. Số tiền ngài cho tương đương với một vé xe lửa từ Hà Nội vô Sài Gòn.


Nét Truyền Thống

Còn 10 phút nữa tới 6 giờ, tôi đã có mặt ở phòng ăn. Lúc sắp bước vào phòng tôi cứ ngỡ là mình tới sớm, nhưng khi vào phòng đã thấy khá đông các cha các thầy, những người tôi chưa được gặp. Thầy Kỳ cũng đang đứng đó. Khi thấy tôi bước vào, thầy làm công việc giới thiệu tôi với những người khác. Có khoảng chừng 10 người vừa cha vừa thầy. Một vài cha rất lớn tuổi. Đa số các cha đều mặc áo chùng thâm, các thầy mặc đồ bình thường. 

Khi gần tới 6 giờ, có thêm mấy người nữa bước vào. Tôi có ý tìm Khuân nhưng không thấy đâu. Tôi e ngại anh tới nhà cơm muộn sẽ rất bất tiện nên hỏi Kỳ, vì hai người ở chung khu nhà bên kia. Hỏi ra mới biết vì là giáo dân nên Khuân không được ngồi chung với các cha các thầy, phải ngồi ăn riêng một mình một mâm dưới nhà bếp, mặc dù thức ăn y như nhau. Sự hiểu biết này làm tôi ngạc nhiên và nhận rõ hơn sự cổ kính của Nhà Chung Hà Nội ngay trong các chi tiết nhỏ như thế đó. Việc ba anh em chúng tôi được chia làm hai khu vực nhà khách khác nhau đã làm tôi ngạc nhiên rồi; bây giờ tới việc "giai cấp" trong phòng ăn lại càng làm tôi lạ lùng hơn, nhất là trong khi nhà ăn còn thừa rất nhiều chỗ. 

Chừng vài phút trước 6 giờ, tất cả đứng vào chỗ của mình chờ đợi. Có khoảng năm Linh mục đứng vào sau các ghế đai của chiếc bàn dài đủ chỗ cho mười người. Các thầy đứng vào hai bàn tròn kế bên. Tôi được xếp ngồi trên, vì mặc dù còn nhỏ tuổi nhưng chịu chức trước, các cha khác tuy già nhưng chịu chức sau tôi nên ngồi dưới. Đúng 6 giờ Đức Hồng Y xuống và đi thẳng vào chỗ của ngài giữa đầu bàn phía trong cùng, nhưng ngài chưa bắt đầu đọc kinh ăn cơm vì còn một chỗ trống bên tay phải của ngài mà tôi biết là chỗ của Đức cha Sang. Tất cả đứng chờ, kể cả Đức Hồng y cũng đứng yên tại chỗ và chờ đợi trong yên lặng. 

Chừng vài phút sau, tôi nghe tiếng dép lẹp xẹp trong hành lang từ đầu nhà phía bên cánh trái đi lại. Tiếng dép càng lúc càng rõ hơn. Khi gần tới, tôi nghe tiếng bước chân khá vội vã như của người đang cố đi nhanh kẻo nhỡ chuyến tàu. Mọi người đứng yên chờ đợi và chắc hẳn cũng biết chủ nhân của những tiếng dép đó là ai. Giám mục Sang bước vào nhà cơm với vẻ nhanh nhẹn khác thường, đi thẳng tới và đứng vào chỗ bên tay phải của Đức Hồng y. Vị Giáo Chủ nhân từ ngước mắt lên nhìn khắp lượt như để chắc chắn là không còn thiếu ai, lúc đó ngài mới bắt đầu.

Trước khi làm dấu đọc kinh, Đức Hồng y thay mặt cho tất cả chào mừng tôi và thầy Kỳ cùng với anh Khuân vừa được ra khỏi tù sáng hôm nay và ngài nói Nhà Chung Hà Nội rất vui khi được chúng tôi ghé thăm. Thái độ này của vị Giáo Chủ càng làm tôi cảm động và biết ơn. Trong khi đọc kinh, đứng bên này nhìn qua người đối diện tôi thấy được toàn diện con người Giám mục Sang lần đầu tiên. Trông ngài thấp và bé nhỏ hơn tôi tưởng. Nhất là lúc đứng cạnh bên Hồng y Trịnh Văn Căn, trông giống như một đôi đũa lệch.  

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro

#từ