Toilet & Giuong

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Toilet

~ Phan An~

1. Tôi đang ngồi ở Toilet. Đó là một quán bar. Khi đỗ xe, cậu bảo vệ hỏi: “Anh chị vào Toilet ạ?”. Em bụm miệng cười. Suy cho cùng vào Toilet là điều hết sức tự nhiên, có gì đáng phải cười? Nếu phải nghĩ một slogan cho quán Bar này, có thể lấy câu: Nơi tất cả mọi người hàng ngày phải đến. Nhưng suy cho cùng, Toalet cần gì slogan?

Nội thất của quán được nhấn bởi những chậu tiểu treo trên tường, quầy bar là một cái bồn tắm và chỗ của DJ có hình một cái xí bệt. Những cuộn giấy vệ sinh được treo khắp nơi. Tôi bỗng nhớ câu nói ai đó viết lên tường trong ký túc xá sinh viên: “Toilet là nơi duy nhất ta được là chính mình”.

Em lấy máy điện thoại ra nhắn tin rủ bạn: “Len Toilet đi” và cười thích chí khi bạn hỏi lại: “Toilet nao???”. “Bar Toilet o 198 Tran Nhat Duat”...Em bảo: “Rủ bạn em lên cho vui, có hai anh em mình buồn lắm”. Tôi bỗng nhớ lý do khiến tôi bẵng đi một thời gian dài không gọi điện cho em – vì em kêu buồn mỗi khi đi với tôi. Thế hệ 8x là vậy đấy, tàn nhẫn như mưa nhiệt đới.

Trong tiếng nhạc ầm ầm, mỗi khi nói gì phải ghé sát vào nhau, có cái gì thầm kín, thân mật.

Em kể về một anh bạn, bị vợ bỏ. Đàn ông thế hệ 7x bây giờ kể xấu vợ thành thần, đồng thời khoe khoang là mình chiều chuộng vợ từng ly từng tý thế nào và không quên than thở về nỗi cô đơn không người chia sẻ. Em chép miệng: “Tội cho anh ấy quá, người giỏi như thế mà phải khổ”. Tôi cười chẳng biết nói gì. Nhớ lại 3 chiêu thức tán gái: tán gái kiểu sư tử - để gái theo và cung phụng, tán gái kiểu voi - lao tâm khổ tứ, tán gái kiểu chuột -luôn tỏ vẻ tội nghiệp để gái rủ lòng thương. Chẳng lẽ bây giờ mình lại xoay ra tán gái kiểu chuột?

2. Tôi đang ngồi ở Toilet. Bạn tôi bảo đây là quán bar của học sinh, sinh viên. Có lẽ trong quán này anh là người già nhất. Anh đã cố xắn tay áo sơ mi lên mà vẫn có vẻ nghiêm túc như một cán bộ phòng thuế. Ở Toalet mọi người toàn mặc áo phông, hoặc ít nhất là sơ mi hoa.

Tôi cũng không hiểu tại sao lâu lắm rồi mới thấy gọi điện, bảo là muốn mời tôi đi ăn tối. Tôi trả lời ngay: “Vâng, em đang đói đây”. Tôi thấy háo hức như sắp sửa được đi phá kho thóc Nhật. Anh là người tẻ nhạt thứ nhì trên Trái đất này (người tẻ nhạt thứ nhất tôi chưa được gặp) nhưng đi với anh cũng vui vì anh cho tôi chọn đi đâu ăn gì mà tôi muốn, và tôi có thể gọi mấy đứa bạn đến chứng kiến và cùng vui.

Tôi nhắc đến chuyện Công ty anh đang tuyển người, anh bảo: “Được thôi nhưng làm việc nhận lương mỗi tháng hai triệu chán chết. Mà trong Công ty bọn anh muốn làm nghiêm túc”. Công nhận là buồn cười, kể ra hai triệu một tháng chẳng đủ cho tôi trả tiền điện thoại và tiêu vặt nhưng ở nhà tiêu tiền mẹ cho lâu lâu cũng buồn. Anh bảo đi làm chán chết nhưng lại đề nghị tôi làm một việc chán chết hơn là viết văn. Viết để kể về chính tôi, về thế hệ tôi, thế hệ 8x. Có gì để kể đây?

Anh hỏi: “Thực sự em muốn làm nghề gì?”. Tôi trả lời đại khái là: “Em muốn làm bác sỹ tư vấn tâm lý”. Anh gật gù tỏ vẻ đồng tình: “Công nhận em biết lắng nghe người khác”. Chứ lại còn không à? Chỉ riêng việc chịu đi chơi với anh và nghe anh nói đã đủ để tôi được cấp bằng bác sỹ tư vấn tâm lý.

Tôi hỏi: “Thực sự anh tâm đắc với quyển sách nào nhất?”. Anh trả lời đầy nghiêm túc về một quyển nào đó có bối cảnh là thời Chiến tranh thế giới thứ II, khi con người cận kề với cái chết, lúc đó chỉ có tình bạn và tình yêu là đáng kể...”Buồn cười nhỉ, thế còn tiền? Chẳng lẽ tiền lại không có giá trị sao?” Tôi chỉ nghĩ vậy mà không nói ra. Dường như đoán được ý nghĩ của tôi, anh bảo lúc đó lạm phát rất ghê nên tiền không có giá trị mấy. Anh hỏi lại tôi: “Thực sự em tâm đắc với quyển sách nào nhất?”. Tôi định bảo: “Em chưa thấy tâm đắc với quyển nào (vì em đã đọc quyển nào đâu)” nhưng chợt nhớ lời đề nghị khiếm nhã của anh về việc tôi viết sách, tôi bảo: “Quyển sách tâm đắc nhất của em là quyển em sẽ viết ra”.

À tôi nhớ ra rồi , lý do anh rủ tôi đi ăn tối là vì anh vừa đi xa về. Cứ làm như là chuyện đó có can hệ đến tôi nhiều lắm.

3. Khi đi xa về, khi trở lại cuộc sống thường ngày của mình, người ta thường mong có sự thay đổi, người ta thường mong có gì đó mới mẻ.

Tôi đang ngồi ở Toilet. Trong Bar Toilet, toilet sẽ được gọi là gì? Là Kho vàng. Nghe rất triết. Kho vàng – nơi mỗi người vào đó, để lại những gì vàng ngọc của mình.

Tại sao tôi lại ngồi đây? Có một người hẹn gặp tôi rồi không thấy gọi điện lại và tôi gọi điện cho em. Dù tôi cố tình không trả lời tin nhắn chúc Tết của em, dù gần cả năm không gặp, em vẫn như ngày xưa – nghĩa là vẫn ở Hà Nội và đồng ý đi ăn với tôi.

Ngày xưa, tôi đã bảo là tôi rất thích em, nhưng cũng cố kìm lòng để được thanh thản. Tôi vẫn nghĩ một cách đầy tự tin là để trở nên thân thiết với em là không khó nhưng sau đó dường như tôi sẽ bị bắt làm tù binh, tôi sẽ bị lệ thuộc. Tôi vẫn nhớ có lần đánh bài với em, em thua hết số tiền em dành để trả tiền điện thoại nhưng tôi vẫn thản nhiên cầm số tiền đó trả tiền nước cho cả hội bạn - để chứng tỏ giữa tôi và em là vô tư, chẳng có chuyện gì...Ngày xưa, tôi và em đã lang thang qua bao quán cafe, mà lòng tôi dửng dưng. Sau chuyến đi xa về có gì khác không?

Tại sao tôi lại ngồi đây? Tại sao tôi gọi cho em? Có gì mà phải nghĩ nhiều đâu?

Trong tiếng nhạc ầm ầm, giữa những người xa lạ, không hiểu sao tôi vẫn có cảm giác yên bình, như ở nhà mình. Tôi nhớ lại nỗi cô đơn khôn xiết khi một mình giữa phố phường xa lạ, những ngôi nhà xa lạ. Mưa - những cơn mưa quen thuộc thế ở nơi khác cũng có gì khang khác...Tôi nhớ những căn phòng đã ở cả tháng mà chẳng hề muốn sắp xếp lại đồ đạc và chẳng nhớ bức tranh trên tường có hình gì. Trong những chuyến đi xa, tôi thường mua rất nhiều sách, chất đống sách trên bàn, như thể để tìm chút hơi ấm.

Không biết em nói thật hay là bộ, em có vẻ cũng quan tâm đến sách. Và em đang luôn miệng hỏi tôi: “Anh thấy ở đây thế nào?...Anh có vui không?...Anh có mệt không?”.

Ở cuối căn phòng dài và hẹp như một toa tàu của Bar Toilet có đặt một bàn bi a. Những gã trai mặc áo may ô, quần bé như mượn của em trễ xuống giữa hông đang thành thạo lùa những viên bi a vào lỗ, và nhân tiện lùa cả những em mặc quần cộc để khoe đôi chân dài miên man đang cầm chai bia đứng xem. Những gã đó là hiện thân cho sự sành điệu? Mốt bây giờ là mặc những cái quần bé tý, như thể nói với mọi người rằng tôi sẽ không bao giờ lớn. Chúng ta có ai thích trở thành người lớn không? Chẳng ai thích cả nhưng nhiều người không dám nói ra. Có những gã dám nói thẳng ra những điều người ta ngại nói, làm những gì người ta ngại làm – dù chỉ là một biểu hiện nhỏ như mặc một chiếc quần lạ kiểu và vì thế được các em ngắm nhìn với vẻ ngưỡng mộ.

4. Tôi vẫn ở Hà Nội, dù có dự định đi đâu đó - gần nhất là đi Trung Quốc nhưng tôi vẫn chưa đi đâu. Hàng ngày tôi ngủ dậy muộn, đi ăn sáng, vào mạng Internet lang thang. Và hình như tôi cũng mong có sự thay đổi, mong có gì đó mới mẻ.

Tôi đang ngồi ở Toilet. Hôm nay buồn buồn, tôi muốn uống nhiều và vì thế hay phải vào Kho vàng. Khi đi xuyên qua đám người đang đứng uốn éo theo tiếng nhạc, tôi biết nhiều ánh mắt đang dán vào tôi. Cũng có thể vì thế tôi hay vào Kho vàng.

Tại sao tôi lại ngồi đây? Tôi không ngồi đây thì ngồi đâu. Nếu ngày mai có Bar nào mới mở và là mốt, tôi sẽ lại ngồi đó. Các quán Bar mở ra là để cho người ta ngồi mà. Đi với anh hay đi với ai chuyện đó đâu có quan trọng.

Ngày xưa, anh bảo là anh rất thích tôi. Hình như đấy không phải là một lời tỏ tình. Tôi đã đi với anh qua bao quán cafe, thấy anh thấy anh nửa như muốn gần lại với tôi, nữa như muốn lảng xa ra. Chẳng biết anh muốn gì nữa và chuyện này thật là tẻ nhạt...Tẻ nhạt như thể mỗi ngày của tôi bây giờ và tôi muốn có cái gì đó thật là khác, thật là mãnh liệt...như thể con sóng, cuốn tôi đi.

Tôi muốn cười phá lên. Anh hay nói: “Suy cho cùng...” còn tôi hay nói: “Hình như...”. Kể cũng đúng, tôi còn rất trẻ mà anh như thể đã quá già. Tôi biết anh thích sách và tôi nói chuyện sách với anh. Hình như sách là chỗ dựa của anh nhưng cũng là rào cản của anh. Có những khoảng khắc mệt mỏi buông xuôi, tôi cũng muốn được anh nắm tay dắt đi, được dựa vào anh...Có lẽ anh cũng đoán ra nhưng dường như anh cố tình không biết điều đó.

Anh hỏi: “Sinh nhật em thích được tặng gì?”. Tôi bảo: “Anh thử đoán xem em thích được tặng gì?”. Anh bảo: “Trong sách bảo những người tuổi Thiên Bình như em thích được tặng nước hoa”. Thấy chưa, lại sách. Tôi thích được tặng gì ư? Tôi thích được tặng điện thoại Nokia loại mốt nhất, được tặng máy tính xách tay Vaio, được tặng xe SH, được tặng căn hộ ở đường Nguyễn Chí Thanh...Nếu nói thích được tặng gì, ai cũng thích như tôi thôi, không cứ tuổi Thiên Bình, tại sao sách không kể những cái đó? Sách của anh sai hay tôi sai đây? Anh là người khá thông minh và chắc anh cũng đoán được những gì tôi thích và ai cũng thích, tại sao anh còn phải hỏi tôi và phải giở sách ra - như thể tất cả chân lý nằm trong đó.

Nhìn bọn con trai đang nhún nhảy điên cuồng hay đang chọc bi a trong Bar Toilet, tôi cười đầy sảng khoái. Tôi soi thấy mình trong đó, soi thấy tuổi trẻ của mình trong đó nhưng không phải là tôi ngưỡng mộ bọn đó. Tôi dẫu sao cũng đã lớn rồi, đôi khi trong Toilet này tôi thấy mình là người già thứ nhì sau anh và tôi biết bọn đó như thể những con thiêu thân, như thể là những ánh đèn chói loà trong đêm rồi tắt, vậy thôi. Anh thì tẻ nhạt như bóng đèn 60W ở khu nhà của tôi, cứ sáng bền bỉ đêm ngày...Thật ra tôi cũng chẳng biết thế nào nữa. Ai đó bảo: “Thà một phút huy hoàng rồi vụt tắt, còn hơn buồn le lói suốt trăm năm”. Mẹ tôi thì không cho là như thế và tôi cũng đồng ý với mẹ.

5. Tôi đang ngồi ở Toilet, nơi có đầy những cô bé con nhà lành cố làm ra vẻ mình là cave và đầy những cô cave cố làm ra vẻ mình là con nhà lành. Tôi rơi vào trạng thái trống rống mãn tính khi một ngày đi qua, lại thấy buồn thê thảm.

Tôi đã ngoài 30 tuổi, đã cảm thấy hơi thở nặng nề của cái gọi là khủng hoảng giữa cuộc đời, khi tôi biết tôi sẽ chẳng thể trở thành Bộ trưởng hay Đại biểu Quốc hội như tôi đã từng hứa với một người. Mà tôi cũng chẳng cần giữ lời hứa bởi người ấy đã chết vì bệnh ung thư. Ước mơ về một tương lai hạnh phúc đã lùi xa? Sự mở đầu rất sáng sủa, hai lần nhận học bổng và tấm bằng tiến sỹ nhưng cuộc sống như thể đã bị đem ra tiêu xài phung phí.

Công việc của tôi như thể là hát xẩm, những ngày của tôi ngày nào cũng giống ngày nào...Những người thân dường như sống trong một thế giới khác, xa lạ với tôi. Tôi thấy nặng nề, tôi muốn nói ra điều gì đó. Có thể tôi sẽ nói với bạn, nói với bác sỹ tư vấn tâm lý, có thể tôi sẽ viết blog.

Tôi có ít bạn, có những người được gọi là bạn chỉ hoàn toàn do thói quen, nhưng người mà ta gọi đến khi muốn có người chơi cùng, ăn cùng, uống cùng - vậy thôi. Tôi chọn cách viết lên mạng. Tôi viết cho mình và chẳng hề có ảo tưởng gì. Vấn đề là làm sao để tất cả mọi người đều vui vẻ. Nếu phải lên án ai và cái gì đó, tôi muốn lên án sự trống rỗng. Có những người chẳng biết làm gì, đi uống bia hay xem bóng đá, để qua ngày đoạn tháng.

Nhân vật của tôi không phải là chính tôi, mà chỉ có một số những tương đồng với tôi về cái nhìn... Có ai đó thấy mình cũng suy nghĩ như tôi về một số vấn đề, có ai đó thấy Bar Toilet là có thật, có ai đó thấy sự nghiệp và tiền bạc đôi khi chẳng mang lại hạnh phúc trên đời.

Chẳng ai viết 100% sự thật. Nhất là khi viết về tình yêu. Khi người ta không yêu, có thể dễ dàng viết về tình yêu. Có một cái gọi là hội chứng sợ tình yêu. Khi không yêu, mọi thứ trở nên dễ dàng hơn. Nhưng dẫu sao, tôi cũng mong đợi tình yêu, mong đợi sự dịu dàng, lãng mạn để tôi có thể chìm vào đó, nhẹ nhàng như ngày nào bé được mẹ đắp chăn. Những hồi tưởng đẹp đẽ ở sâu trong tôi, được gọi lên để che lấp những gì tồi tệ của ngày hôm nay...

Có cái gì gọi là tương lai tươi sáng không? Đối với đàn bà mọi chuyện có vẻ dễ dàng hơn: lấy được người mình yêu, tổ chức đám cưới linh đình, tuần trăng mật, chụp nhiều ảnh...

Có thể em cũng đang sống với những ảo tưởng về cuộc sống tươi đẹp trong tương lai, dolce vita với biệt thự, xe ô tô và những biểu hiện khác của cuộc sống giàu sang thấy nhan nhản trên các cuốn phim truyền hình.

22h30, các bạn của em đến. Em giới thiệu là người mẫu. Bây giờ ai chả là người mẫu. Tôi bảo: “Anh cũng là người mẫu”. Mấy cô bé nhìn tôi có vẻ ngạc nhiên. Tôi bảo: “Anh làm mẫu cho Xưởng phim hoạt hình”.

Mấy cô bé hét lên hỏi nhau: “Hôm nay ngày bao nhiêu, hôm nay thứ mấy”. Bây giờ có mốt tỏ vẻ không biết hôm nay thứ mấy, như thể cả tuần chỉ toàn ngày chủ nhật. Như thể thời gian dừng lại và lúc nào cũng là mùa xuân, lúc nào cũng là glamour - quyến rũ. Bây giờ có mốt cái gì cũng khen quyến rũ quá...Kể cả Bar Toilet này.

Nếu tôi không ngồi đây, giờ này tôi sẽ làm gì? Có lẽ tôi sẽ ngủ. Tất cả chúng ta đều thiếu ngủ, tất cả chúng ta đều vội vàng, mặc dù chẳng nhớ hôm nay là thứ mấy.

6. Tôi đang ngồi ở Toilet, những gì tôi đã uống làm tôi vui lên một chút, dường như cả ngày hôm nay của đã trôi qua, tẻ nhạt, vô ích và bây giờ mới thực sự là sống. Tôi hoà mình vào đám thanh niên đang lắc lư theo tiếng nhạc, tôi như quên đi tất cả những gì khó chịu trong ngày, trong tuần, trong tháng, trong năm và trong đời. Tôi thấy tôi cũng đang như mọi người, bây giờ chỉ còn làm một việc duy nhất là uống và nhảy. Toilet chật cứng, như thể hai người bây giờ chỉ được nhảy bằng một chân.

Tôi mới ngoài 20 tuổi và tất cả đối vơi tôi còn ở phía trước. Nếu chuyện tôi với anh chẳng đi đến đâu thì cũng không hề hấn gì, có thể tôi sẽ gặp được một người khác, giàu hơn, đẹp trai hơn, lịch sự hơn, đỡ tẻ nhạt hơn. Anh uống rất ít, uống như thể trong anh có một cái cốc chia độ và sự bình thản của anh lúc này giữa đám người đang quay cuồng cũng khiến tôi thấy tẻ nhạt. Dường như anh chẳng bao giờ say và như thế cũng có nghĩa là anh sẽ chẳng bao giờ điên lên vì tôi, chẳng bao giờ hy sinh tất cả vì tôi. Đôi khi người ta cần phải say mà anh thì cân bằng quá mức. Sự rụt rè của anh khiến tôi thấy mình không glamour – không quyến rũ chút nào.

Anh ngồi trầm ngâm như đang đánh cờ hay đang nghĩ đến tình hình Một Răng, Một Rắc gì đó - cứ như thể tình hình chính trị thế giới ảnh hưởng đến việc làm ăn của Công ty anh nhiều lắm.

Anh gọi điện thoại cho bạn, rủ lên Toilet. Tôi biết anh gọi bạn lên chỉ cốt để thấy anh vẫn giữ phong độ, vãn đi uống, đi nhảy với cả mấy em xinh đẹp. Tôi hỏi anh: “Bạn anh ở đâu?”. Anh bảo: “Ở trên mạng”. Tôi biết thừa về những vĩ nhân trên mạng. Ngoài đời, đó chỉ là những gã thất bại, những gã bất tài – không thể hiện nổi mình trong đời thực và đành thể hiện mình trên mạng. Cũng phải thôi, mỗi người đều muốn chứng tỏ điều gì đó, con người mà.

Tôi đã hiểu. Tôi biết mình cần ai và cần cái gì. Có lẽ không phải là anh và những cái xa vời của anh như là viết văn. Cái tôi cần là ở đây, Bar Toilet và bây giờ: thêm một ly Gin và Tonic.

Cũng có thể tôi sẽ viết, câu chuyện của tôi bao giờ cũng sẽ bắt đầu từ một quán Bar nào đó, giống như phim “Bố già” nào cũng bắt đầu từ một cuộc hội hè. Quán Bar – nơi người ta gặp nhau, nơi người ta sống, nơi người ta thể hiện mình. Không chỉ tôi, không chỉ anh, ai cũng vào Toilet trước khi đi ngủ. Rồi người ta có thể ngủ, ngủ say không mộng mị hay có thể trằn trọc. Hình như...hay đúng hơn là: suy cho cùng, ngày mai là một ngày mới.

Giường

1. Có Bar Toilet tại sao lại không có Cafe Giường? Đó là quán cafe trong một ngõ nhỏ yên tĩnh và thay vì bàn ghế người ta kê những chiếc giường tre có thành xung quanh và đặt những chiếc gối lụa để tựa lưng. Có loại giường một, giường đôi và giường bốn. Tôi đưa em qua cửa và bảo: “Cho một giường đôi”. Em bụm miệng cười. Cậu phục vụ bảo: “Anh chị vào giường một hộ em, chật càng vui”. Tôi bảo: “Vui là vui thế nào. Bây giờ có hai người, chốc nữa còn mười hai người nữa đến”. Trên giường đôi có thể nửa nằm nửa ngồi, gọi thêm một bàn đèn. Bàn đèn ở đây là bàn đèn shisha - một loại thuốc lá nhẹ của người arab, có thể chọn loại thuốc lá vị táo, vị đào hay vị bạc hà...Đèn lờ mờ. Không khí như trong các ổ hút thuốc phiện ngày xưa.

Em bảo: “Anh viết truyện cứ như đánh cờ, bàn cờ là quán bar hay quán cafe, hết một ván lại chuyển sang một quán mới...”. Tôi bảo: “Ý em nói: Quân cờ là anh và em, thế thì là đánh cờ người à?”. Tôi và em vừa đi xem Triển lãm Văn hoá Trung quốc ở Thư viện quốc gia về. Nhân tiện lên tầng ba xem không khí đọc sách của thanh niên. Em bảo: “Ở Thư viện Quốc gia không biết có truyện “Cô giáo Thảo không?”. Tôi bảo: “Chắc chỉ có chuyện Chú Kim”, trong bụng thầm khen em là người hiểu biết. Với những người hiểu biết dễ nói chuyện hơn, kể cả chuyện đánh cờ người.

Em bảo: “Truyện anh viết chẳng có tình tiết gì cả...”. Tôi bảo: “Em cứ làm như trong đời mỗi người có nhiều tình tiết lắm”. Chuyện tôi và em có tình tiết gì bây giờ? Tôi đóng vai một gã suốt ngày sách vở nhưng cứ đưa em hết vào Toilet lại Giường. Em đang đóng vai gì đây? Tôi thích câu: “Đời là một vở kịch lớn mà mỗi người cố đóng một vai trong đó”.

Em hỏi: “Những gì anh viết là có thực hay không?”. Tôi bảo: “Không có thực đâu, mọi sự trùng hợp chỉ là ngẫu nhiên. Vì ở ngoài đời mọi thứ kinh khủng hơn”. Ngoài đời mọi thứ kinh khủng hơn hay tẻ nhạt hơn?

Giữa tôi và em có cái gì đó như thể hẹn hò, hay như thể hai người cùng đi xem một vở kịch, cùng ngồi nhìn cuộc sống diễu qua. Có tình tiết gì bây giờ? Có thể bịa ra tôi là một kẻ thích khổ sở và đi với em để nhận từng liều, từng liều đau khổ như được tiêm thẳng vào máu. Có thể bịa ra chuyện một cô bạn gái của em đến đánh ghen với tôi. Em bảo: “Em thích tất cả cái gì đẹp và em thích con gái đẹp”.

Tôi bảo: “Anh sắp đi vùng sâu vùng xa. Đem ánh sáng về làng bản. Nhưng không phải là mắc điện mà là dạy học”. Em bảo: “Em cũng thích đi du lịch nhưng bố mẹ em không cho”.

2. Buổi trưa, bố mẹ đi vắng, tôi đang định ra ngoài cửa ăn bún chả thì anh gọi điện mời đi ăn trưa. Tôi nghĩ bụng “Thích thì chiều, yêu thì cưới”. 15 phút sau anh gọi điện, hỏi lại địa chỉ nhà tôi. Tôi và anh thường gặp nhau vào buổi tối, anh chỉ quen nhìn khu nhà tôi ở vào buổi tối. Đến vào buổi trưa, anh thấy lạ - Hà Nội nở phình ra vào buổi trưa với những hàng quán. Đến buổi tối, Hà Nội khép gọn, lại trở lại thon thả, duyên dáng.

Buổi trưa, anh đề xuất hai lựa chọn: “Nắng Sài Gòn” cho mát hoặc “Giường” mới mở chắc tôi chưa vào đấy. Tôi chọn Giường vì tò mò, lúc sau mới thấy hối hận vì không thể kể với bạn kiểu: “Hôm qua vừa lên Giường với anh...”

Buổi trưa, “Giường” khá đông người, người ta vào để ngả lưng. Ai gọi cơm, người ta sẽ bê ra những chiếc chõng tre con con để ăn ngay trên giường. Tôi gọi cơm cá và nước ngô. Anh gọi cơm rang Singapore và Coca cola. Những người ngồi trên những chiếc giường nhìn nhau, như thể mỗi chiếc giường là một chiếc thuyền. Giày dép để dưới sàn bỗng thành những chiếc lá trôi.

Trong lúc chờ dọn cơm, anh đưa cho tôi đọc bản demo truyện Toilet . Tôi cười rung cả giường. Công nhận nhiều đoạn cũng buồn cười, nhất là đoạn kể về món quà tôi thích được nhận nhân ngày sinh nhật. Trong những thứ liệt kê ra còn thiếu nhẫn kim cương. Tôi bảo: “Có ai đó bảo: “Kim cương là bạn tốt nhất cuả đàn bà”. Anh bảo: “Đàn bà là bạn tốt nhất của con người”.

Tôi đã kịp kể về anh cho bạn tôi nghe, bạn tôi bảo: “Anh này cũng buồn cười, yêu thì tặng nhẫn kim cương xong mời sang anh Cừ là xong việc gì phải dền dứ”.

Tôi hỏi anh đang làm gì? Anh lúng búng trả lời rằng nếu in card chắc phải in vào tờ A4 vì anh có nhiều chức danh quá. Tôi hiểu, chắc anh chẳng làm gì hết, cũng suốt ngày lang thang đánh bóng mặt đường như tôi.

Anh khoe cả đống tin nhắn của bọn học sinh từ vùng sâu vùng xa, có tin nhắn đại để là: “Em đang đi ăn kem, hai tay cầm hai que kem, vừa ăn vừa nhớ đến thầy...”. Tôi phá lên cười, hai tay cầm hai que kem mà còn nhắn tin cho thầy được, thế thì nhắn bằng chân à. Công nhận đàn ông thích đi vùng sâu vùng xa, ở đó các anh thấy mình có giá, thấy mình được quan tâm...

Không biết đi vùng sâu vùng xa gặp ai anh có đề nghị người ấy viết văn không. Tôi chợt nhớ ra, anh khoe là có thời gian anh làm ở VINAPIMEX 25A Lý Thường Kiệt - Tổng công ty Giấy gì đó. Đề nghị mọi người viết văn hình như là thói quen nghề nghiệp của anh - để tiêu thụ được nhiều giấy.

Tôi chắc tôi không có đủ kiên nhẫn như anh đề nghị: chỉ cần bỏ ra ba tháng mỗi ngày viết ba trang – sáng một trang, trưa một trang, chiều tối một trang, ba tháng là chín mươi ngày sẽ được một cuốn sách hơn hai trăm trang. Ba tháng là bao nhiêu thời gian trong đời người. Ba tháng là đủ để gặp ai đó và làm đám cưới.

Tuần trước tôi vừa đi ăn cưới đứa em con ông cậu. Đứa em tôi gầy guộc bỗng trở nên già dặn trong bộ váy cưới, tóc tết như bó hoa, đẹp không thể tưởng tượng nổi.

3. Trong phim Hàn Quốc đến đoạn này thể nào cũng phát hiện ra tôi và em là anh em cùng cha khác mẹ hay cùng mẹ khác cha, hoặc ít nhất là phát hiện ra hoặc tôi hoặc em bị bệnh ung thư. Trong truyện Nhật đến đoạn này thể nào em hay con mèo của em cũng đột ngột biến mất để tôi phải đi tìm để rồi phát hiện ra bao sự thật phũ phàng. Nhưng rất tiếc, cả bố mẹ tôi và bố mẹ em đều là những người chỉn chu đến mức nửa đêm dậy đi vào toilet cũng chải đầu nghiêm chỉnh. Tôi và em cứ hiện diện sờ sờ ra đó, gần một năm không gặp, gọi điện em nhấc máy ngay từ hồi chuông thứ nhất.

Sau bữa trưa, trên giường người ta hay nói với nhau những chuyện gì? Và thực sự là tôi muốn gì? Tôi muốn xxx, muốn đọc và muốn viết. Nói như thể tôi chỉ cần một cái giường, một giá sách và một cái bàn. Thật ra, trong cuộc đời người ta cần nhiều thứ hơn thế.

Tôi đã gửi bản demo truyện Toilet lên mạng Internet. Có người bảo: “Chúng ta dõi theo không chỉ hai nhân vật trong truyện mà dõi theo chính mình”. Có người bảo: “Tôi chỉ quan tâm xem cuối cùng nhân vật nam có xơi được nhân vật nữ không”.

Thật ra, tôi cũng đã thử viết như tôi đề nghị với em: sáng một trang, trưa một trang, chiều tối một trang. Tôi không thể viết được đều đặn như thế. Nhưng người ta hay khuyên, hay đề nghị người khác làm những gì mà chính mình không làm được.

Năm nay, tôi chơi là chính. Nhiều ông bố, bà mẹ, nhiều bà vợ và bà người yêu cấm con, chồng, người yêu của mình giao du với tôi. Như thể trong tôi chứa một loại virut nguy hiểm.

Tôi bảo với em là tôi đang tu ở Chùa Trầm. “Chùa Trầm toạ lạc ở khu vực thắng cảnh núi Trầm thuộc thôn Long Châu, xã Phụng Châu, huyện Chương Mỹ, tỉnh Hà Tây. Chùa còn có tên gọi là chùa Long Tiên, được xây dựng vào năm Cảnh Trị thứ 7 (1669). Chùa đã qua nhiều lần trùng tu nhưng vẫn còn giữ được nhiều pho tượng Phật mang phong cách nghệ thuật thế kỷ 18-19 với những nét chạm khắc công phu, tinh tế. Trên nền cao tam cấp bằng đá của chùa, ở phiến đá chính giữa có chạm nổi hai con thằn lằn rất đẹp”. Thật ra về Chùa Trầm, theo cuốn “Non nước Việt nam”, tôi chỉ biết có thế nhưng nghe tên Chùa Trầm rất gợi cảm.

Tôi bảo với em là tôi đang tu, tôi mua cuốn Thiền Luận ở một hiệu sách cũ ở Sài Gòn về đọc. Tôi thích đoạn: “Phước Châu Đại An hỏi: Tôi khao khát tìm hiểu pháp Phật, muốn hiểu nó như cái gì. Bách Trượng đáp: Hệt như cưỡi trâu tìm trâu. Hỏi: Hiểu rồi thì như thế nào? Đáp: Như người cưỡi trâu về nhà...”. Tôi hiểu pháp Phật là ở trong mỗi chúng ta.

Dẫu sao tôi cũng là người được bình chọn và được một giải thưởng gì đó vì thành tích “Không chạy nhưng luôn tiến lên phía trước”. Tôi không ngạc nhiên. Tôi được phát tờ giấy chứng nhận rằng chỉ có một số người cũng bằng tôi, ít ra trong buổi tối phát giải thưởng. Lễ phát giải thưởng diễn ra vui vẻ và có nhiều rượu. Tôi có lên phát biểu, đại ý chân thành cám ơn Jonhny Walker và những người kế tục sự nghiệp của ông.

Sự nghiệp là cái gì đó hết sức to tát. Dạo này tôi hay phải đi đám ma. Nhiều người chết vì ung thư. Quàn ở Nhà tang lễ quốc gia, quàn ở Nhà tang lễ Bệnh viện Việt Xô, quàn ở Nhà tang lễ Thành phố. Nghe đọc tiểu sử lúc truy điệu, tôi thấy mình là kẻ què quặt về đạo đức – chính xác hơn là què quặt lòng kiên trì. Những tấm gương phấn đấu từ một công nhân bình thường, đi học rồi được bổ nhiệm là phó phòng, trưởng phòng, phó giám đốc, giám đốc...Bao nhiêu thăng trầm. Nụ cười ranh mãnh từ trên tấm ảnh thờ, như thể còn có một cái nháy mắt: Choáng chưa?

Tôi chẳng nhớ được năm nay tôi đã làm gì để đến nỗi được giải thưởng. Tôi nằm ở Giường với em và tôi thấy rất dễ chịu. Tôi không động chạm gì đến em mà em cũng không động chạm gì đến tôi. Tôi không động chạm gì đến thế giới và thế giới cũng không động chạm đến tôi. Người ta gọi đấy là hoà bình.

4. Dường như giữa tôi và anh có mối liên hệ vô hình nào đó. Bẵng đi bao lâu không gặp, chiều ở nhà buồn buồn và lười nấu cơm, tôi vừa nghĩ đến anh thì anh gọi điện, thiêng thế.

Cậu phục vụ bê hai đĩa cơm ra hỏi: “Ai là cá?”. Anh cười, chỉ sang tôi: “Chị này là cá”.

Không hiểu sao đang ăn, tôi lại đòi anh xem tay, anh cười, bảo chưa bao giờ anh xem tay cho một người mà tay kia vẫn còn cầm đũa gắp gắp. Chưa bao giờ thì bây giờ. Tôi muốn gì thì tôi làm ngay và chưa bao giờ thì tôi sẽ là người đầu tiên. Anh bảo tay tôi nát và tôi là người vất vả. Tôi chẳng thấy mình vất vả gì cả. Tôi thấy mình nhàn nhã, vô tư, xinh xắn, dễ thương như cái nick của tôi là pigxinh. Tại sao lại phải vất vả? Nhưng quả thực là tôi đang muốn đi làm, tôi muốn làm một việc gì đó, một cái gì đó. Thực sự là tôi muốn gì? Tôi muốn thay đổi không khí, muốn được giao tiếp với mọi người và muốn có tiền. Có thể tôi sẽ gặp được ai đó thú vị, dám yêu và dám trách nhiệm.

Tôi chẳng biết tôi có thể làm được việc gì. Tôi biết tôi không thể nào làm được công việc gò bó, tẻ nhạt. Tôi, nói như quảng cáo là luôn sôi động, ngọt ngào, nồng nhiệt…

Tôi có thể viết không? Tôi muốn viết nhưng sợ là không có gì để kể với mọi người. Tôi sẽ viết gì nhỉ? Về thế giới xung quanh tôi, về bạn bè của tôi, về những nỗi sợ hãi của tôi, những niềm vui của tôi. Ai cũng có những nỗi sợ hãi: sợ nghèo, sợ thất bại, sợ mất danh dự, sợ mất niềm tin, sợ bị trở thành người thừa…

Anh im lặng. Tôi bỗng cảm thấy cuộc sống của anh có gì bức bối, tôi có cảm giác anh cần rất nhiều sự âu yếm

4. Tôi nửa nằm, nửa ngồi trên giường tre, kê xung quanh là những chiếc gối lụa. Tôi thấy mình như là nàng công chúa trong truyện cổ tích Công chúa và hạt đậu. Rất tiếc anh không phải là hoàng tử - anh chẳng thừa kế vương quốc nào hết. Trên mạng, buồn cười cực, có một dạng đàn ông sở hữu được một căn hộ chung cư, một chiếc máy giặt có bốn bánh hiệu là Matiz và lương tháng được dăm ba triệu gì đó mà cứ tưởng mình là hoàng tử.

Tôi nhớ có lần anh kể cho tôi về một dạng hoàng tử khác, Hamlet xứ Đan Mạch, lúc nào cũng đăm chiêu suy nghĩ: “Two beer or not two beer”. Tôi bảo: “Công nhận bia Đan Mạch ngon”

Tôi nhìn lên trần. Trên đó treo đầy nhưng công cụ bắt cá: cái nơm để úp cá, cái lờ để cá vào rồi không ra được, cái đó để thả thính dụ tôm cá vào rồi vợt lên. Tôi nghĩ: “Sao chẳng có công cụ gì để bắt người?”. Tôi đang cần bị ai đó bắt hoặc sẽ phải bắt ai đó. Giá có công cụẵn để bắt người thì hay. Đằng này mất công quá.

Anh bảo: “Đàn ông cần ba người đàn bà: để cưới làm vợ và sinh con đẻ cái, để làm bạn và để lên giường”. Không biết anh xếp tôi vào loại nào. Chắc là loại để làm bạn, vì thấy anh cứ nằm yên đọc báo, chẳng có động tĩnh gì. Anh giống như người vừa cãi nhau với cả vợ và người yêu, đầy oán hờn bản thân, oán hờn đàn bà và thế giới.

Anh hỏi: “Ông bạn em dạo này thế nào rồi?”. “Ông bạn nào?”. “Ông bạn giàu giàu, giỏi giỏi mà khổ khổ ấy”. “Dạo này chẳng hiểu đi đâu anh ạ, em nhắn tin mà không thấy trả lời”. Đàn ông, buồn cười cực, có lúc săn săn đón đón như thể mình là công chúa, có lúc lặn một hơi như thể mình là con hủi. Tôi kể lần cuối cùng tôi gặp anh ấy là trước sinh nhật tôi, anh ấy cũng hỏi tôi muốn mua quà tặng gì, thanh minh cho câu hỏi sỗ sàng của mình bằng câu chuyện về bọn Tây trước sinh nhật hay trước ngày cưới thường đưa ra một danh sách dài những thứ muốn được tặng, ai tặng gì thì cứ theo danh sách ấy mà đăng ký. Tôi thấy cũng ngại, tôi và anh ấy mới quen nhau mà anh ấy cứ nài nỉ nhiệt tình. Tôi bảo những thứ nhỏ nhỏết rồi, bây giờ tôi chỉ muốn được tặng máy Nokia 3250 - để vừa chụp ảnh, vừa quay phim, vừa nghe nhạc.

Anh cười phá lên: “Thế em với ông bạn ấy đã táy cổ năm chưa?”. “Táy cổ năm nghĩa là gì?”. “Trong quan hệ giữa đàn ông và đàn bà có mấy giai đoạn, táy cổ năm nghĩa là nắm cổ tay - là một trong những giai đoạn đầu tiên”.“Chưa anh ạ”. Anh chép miệng: “Tội nghiệp thằng bé. Đàn ông Việt nam mọi rợ cực, ăn nhậu một bữa mất vài vé thì không tiếc nhưng mua cho gái lọ nước hoa hơn năm chục đô là suy nghĩ. Ăn nhậu được coi là một cách đầu tư còn mua quà cho gái thì bị coi như ném tiền qua cửa sổ.”.

Khi người ta nằm và không trông thấy người đối thoại, người ta dễ nói thật với nhau, như lúc vừa uống rượu, như lúc nói chuyện với bác sỹ tâm lý, để trút ra nhưng buồn bực trong lòng. Tôi kể cho anh nghe về con bạn thân, tôi lo lắng cho nó mà nó chẳng hề quan tâm gì đến tôi, nó lại còn ghen tỵ với tôi vì tôi được nhiều anh để ý đến hơn nó. Anh kể cho tôi nghe chuyện hai người đàn bà đi mua mũ, chẳng bao giờ đàn bà cho bạn mình lời khuyên tốt cả. Đàn bà với đàn bà luôn là đối thủ trong cuộc cạnh tranh để giành đàn ông, vì cuộc đời đàn bà phụộc vào đàn ông rất nhiều...

Tôi bỗng thấy đằng sau cái vẻ ngoài cười cợt của anh là cái gì đó buồn buồn. Tôi gợi chuyện để anh kể về công việc của mình, về nhưng mối tình của mình, và anh đã kể. Tôi vẫn tự cho mình có khả năng của bác sỹ tư vấn tâm lý mà. Tôi hiểu anh hơn. Chân dung một người đàn ông dần dần hiện lên, và bỗng làm tôi chán ngán vô cùng. Chẳng biết anh nói thật hay nói đùa nữa. Anh vừa bảo: “Hà Nội này không tin được ai” rồi lại bảo: “Anh cực thích em...”. Anh chìa tay sang phía tôi định vuốt tóc tôi rồi lại rụt tay về. Có lẽ chính anh cũng chẳng biết mình muốn gì nữa. Còn tôi hôm nay muốn có một sự thay đổi, tôi đã chuẩn bị tinh thần, nếu hôm nay ở Giường, anh nói yêu tôi, tôi sẽ nhận lời. Nhưng rốt cuộc anh nói lảm nhảm những gì đó mà tôi không còn đủ sức để hiểu nữa. Tôi không chịu nổi những người quá đơn giản nhưng những người quá phức tạp như anh thì y học cũng bó tay.

ph Có lẽ những ngày cùng anh lang thang chẳng có mục đích gì sẽ chấm dứt. Tôi nghĩ sẽải khác đi. Tôi sẽ đi làm, hoặc có thể tôi sẽ đi học. Chuyện viết văn, chuyện nằm ngả ngốn ởường sẽ trở thành dĩ vãng.

5. Có người hỏi tác giả viết chuyện này có dụng ý gì? Chẳng có dụng ý gì hết, chỉ là để kể lại những cuộc lang thang của một cô gái trẻ và của người đàn ông có lẽ đã không còn trẻ. Đây chỉ là những mảnh ghép cho một câu chuyện lớn lớn, đây chỉ là những khoảng khắc trong đời người - rất dài mà cũng rất ngắn ngủi. Có người cười phá lên bảo: “Tất cả các trò hát hò, thơ văn đều chỉ nhằm mục đích để tán gái”.

Câu chuyện về Giường kết thúc ở trên một chiếc giường khác. Rất tiếc, đó chỉ là chiếc giường massage. Em đã nói đúng khi nhận xét là có lẽ tôi cần rất nhiều sự âu yếm.

Buổi tối sau khi ra khỏi Giường, tôi bỗng thấy mệt mỏi rã rời, như thể bị hút hết sinh lực. Ở giường đã diễn ra một trận vật lộn nhưng rất tiếc không phải là cuộc vật lộn giữa em và tôi. Khổ thân em đã phải chứng kiến cuộc vật lộn đó. Tôi biết trong tôi có hai con người vật lộn với nhau: một - chiều theo những gì em muốn, hy vọng em sẽ hiểu...và một - vẫn cố giữ sựản, sự tự do của mình. Rốt cuộc chẳng đi đến đâu cả.

Hoá ra trong quan hệ tình cảm của chúng ta, như đi trên đường, chúng ta chờ đợi rất nhiều tín hiệu, như thể chờ đợi những chiếc đèn xanh đèn đỏ. Hôm đến sinh nhật em, tôi mang đến những hoa hồng trắng được bó rất cầu kỳ và còn có một sợi dây chuyền vàng với mặt hình trái tim cất trong xe. Mặc dù tặng em hồng trắng với ngụ ý là tôi chẳng hy vọng gì nhưng tôi vẫn chờ đợi một tín hiệu nào đó từ phía em. Nhưng em chẳng phát ra tín hiệu nào hết, lúc đó em đang bận dọn nhà để đón bạn bè. Điều đó cũng đúng thôi vì dường như là có cái gì đó cản trở tôi, dường như là vô thức xúi giục tôi cố tình đến từ chiều và không báo trước...

Ở Giường, tôi cũng chờ đợi một tín hiệu, một cử chỉ âu yếm từ phía em. Còn em, có lẽ em cũng chờ đợi một tín hiệu rõ ràng từ phía tôi. Hoặc có thể em tự đặt cho mình một quy ước, có thể em sẽ chấp nhận tôi nhưng ở một khung cảnh khác chứ không phải ở Giường... Ở giường, tôi đã kể cho em nghe nhiều chuyện và có thể qua đó, em thấy tôi là một gã hết sức nhảm nhí và vớ vẩn. Lẽ ra để chiếm được tình cảm của em, tôi sẽ phải kể khác đi. Nhưng chẳng sao cả, dẫu sao tôi vẫn là tôi - vừa kéo em vào lại vừa đẩy em ra.

Tôi cũng đặt cho mình một quy ước là mọi chuyện phải được quyết định dứt khoát trong buổi chiều hôm đó...Tại sao chúng ta cứ tự đặt cho mình những quy ước như vậy? Chỉ vì chúng ta vẫn chưa sẵn sàng đến với nhau. Tôi và em là thế...

Ra khỏi Giường, với em tôi biết tôi đã đọc bài thơ tuyệt mệnh của Exenin: “Thôi chào nhé bạn ơi chào nhé/Bạn thân yêu tôi mang bạn giữa lòng/Cuộc ly biệt tự bao giờ định sẵn/Chẳng hẹn ngày tái ngộ chờ mong...”. Hoá ra giữa tôi và em sẽ không xảy ra điều gì là chuyện đã được định sẵn tự bao giờ? Tôi bấm điện thoại điên cuồng gọi cho bạn. Bây giờ có một câu xuất phát từ trò chơi “Ai là triệu phú” đang được thịnh hành là “Chúng ta được phép gọi điện cho bạn”. Đến cú điện thoại thứ ba, thứ tư gì đó tôi phát hiện ra một quy luật là hôm nay sẽ chẳng gặp được ai hết, tất cả đều bận hoặc đều không nhấc máy...Có những ngày như vậy đấy. “Vừa chán vừa buồn đưa tay không người bắt/Trong những phút lòng hiu hắt quặn đau...”.

Cô nhân viên massage tự hào khoe là mình chỉ nặng có 39 kg và đấm tôi rất đau. Tôi bảo: “Ngày xưa Mỹ - Nguỵ tra tấn các chiến sỹ cách mạng cũng chỉ đến mức thế này. Anh hoàn toàn không có lỗi trong việc em chỉ nặng có 39 kg”. Cô nhân viên massage vẫn không nương tay. Tôi bảo: “Em cần anh khai gì anh sẽ khai ngay, không cần phải đấm như thế. Hay cần anh phải nộp tiền, thì đây anh nộp tiền ngay...”. Nộp tiền xong quả nhiên là tôi được đấm nhẹơn. Tôi nằm đầy khoái trá nghe các giường bên cạnh người ta bị đấm thùm thụp, đúng là “đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn”. Tôi hỏi thêm: “Hình như các em ở đây ai cũng học võ”...Phát hiện ra một điều là trên giường massage, ở một số động tác nếu làm nhân viên massage cười thì sẽ có thêm tác dụng như máy rung.

Tất cả chúng ta đều cần sự âu yếm, tất cả chúng ta đều cần có ai đó nghĩ đến mình, quan tâm đến mình, có điều chúng ta có bộc lộ nhu cầu đó ra hay không. Trên giường massage chúng ta nhận được sự quan tâm mua được bằng tiền. Đơn giản vậy thôi.

Chúng ta bắt đầu cuộc đời mình trên giường, một phần ba đời người của chúng diễn ra trên giường, và chúng ta cũng kết thúc cuộc đời mình trên giường. Trên giường, chúng ta cũng hay kể chuyện đời mình.

Em gọi điện lại cho tôi, nói là đang đi uống nước với ai đó nên không nghe được điện của tôi. Tôi cố tỏ ra là mình vẫn ổn, cố tỏ ra là mình biết cách giải quyết chuyện của mình bằng cách kể là đang đi massage.

Em nhắn tin chúc tôi ngủ ngon. Lúc đó tôi đã ngủ ngon rồi. Cô nhân viên massage nói đúng, bây giờ anh đau nhưng lát nữa anh sẽ ngủ ngon.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro