Đoạn 2 Tây Tiến

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Quang Dũng được biết đến là một nghệ sĩ đa tài. Ông vẽ tranh, sáng tác nhạc, viết văn xuôi nhưng được biết đến trước hết ở tư cách một nhà thơ. Ông là một nhà thơ chiến sĩ trưởng thành từ kháng chiến chống Pháp. Thơ Quang Dũng vừa hồn nhiên vừa tinh tế, mang vẻ đẹp phóng khoáng, hào hoa và đậm chất lãng mạn. Ông được ví như con chim sơn tiêu trên nền trời thơ hiện đại Việt Nam. Chiếc lông đỏ rực mà nó đánh rơi ấy phải chăng là bài thơ "Tây Tiến". Đọc đoạn 2 của bài thơ ta ấn tượng sâu sắc về những kỉ niệm và nỗi nhớ qua đó tác giả thể hiện sinh động vẻ đẹp lãng mạn hào hoa của chiến sĩ Tây Tiến.

Bài thơ có tên là "Tây Tiến" - tên của một quân đội có nhiệm vụ đánh và tiêu hao lực lượng địch, tuyên truyền, vận động nhân dân kháng chiến, phối hợp với bộ đội Lào bảo vệ biên giới. Địa bàn hoạt động đơn vị là nơi núi rừng hiểm trở, điều kiện sinh hoạt kham khổ, thiếu thốn. Quang Dũng từng là một thành viên của binh đoàn Tây Tiến. Ông là một đại đội trưởng nhưng đã chia tay đơn vị trước khi quân đội giải thể. Ông viết bài thơ này khi đã rời xa binh đoàn. "Tây Tiến" không chỉ là tên của một đơn vị quân đội mà còn là hướng hành quân của đơn vị, nó còn đồng thời là tiếng gọi tha thiết từ nỗi nhớ của nhà thơ.

Từ một chất liệu hiện thực quen thuộc, Quang Dũng với phong cách thơ tài hoa, lãng mạn của mình đã tái hiện lại khung cảnh và không khí của một đêm hội hoa đăng rực rỡ ánh sáng, rộn ràng náo nức âm thanh:
"Doanh trại bừng lên hội đuốc hoa"

Động từ mạnh "bừng" nói về sự xuất hiện đột ngột của một luồng ánh sáng có cường độ mạnh. Ngoài nghĩa "bừng sáng", câu thơ Quang Dũng còn gợi cho người đọc cảm giác bừng tỉnh. Nói đến núi rừng, người ta thường nghĩ tới một không gian rậm rạp, âm u. Đây là giây phút rừng núi bừng tỉnh và mang một gương mặt rạng ngời. Có người đã liên tưởng những chàng trai Tây Tiến như những chàng hoàng tử. Họ đã đến và đánh thức những công chúa ngủ trong rừng. "Đuốc hoa" theo nghĩa tiếng Hán là nến thắp trong phòng vợ chồng đêm tân hôn. Trong câu thơ của mình, Quang Dũng dùng từ này nói về những ngọn đuốc trong đêm liên hoan của doanh trại. Những ngọn đuốc giống như những bó hoa lửa di chuyển trong đêm tạo nên một khung cảnh rực rỡ lại huyền bí
"Kìa em xiêm áo tự bao giờ"

Câu thơ giống như một tiếng kêu, một lời thốt lên vừa ngỡ ngàng lại thích thú. Đó là cảm xúc của các chàng trai Tây Tiến khi được chiêm ngưỡng vẻ lộng lẫy, yêu kiều của những thiếu nữ miền Tây trong áo xiêm rực rỡ. "Xiêm áo" là cách nói mỹ lệ hoá của nhà thơ về trang phục áo của các đồng bào dân tộc. Trong hai câu thơ tiếp:
"Khèn lên man điệu nàng e ấp
uNhạc về Viêng Chăn xây hồn thơ"

Hai câu thơ nói về âm nhạc trong đêm hội.  m thanh được tạo ra từ tiếng khèn - một loại nhạc cụ truyền thống của các dân tộc Tây Bắc có đặc tính vừa dìu dặt, tha thiết, tình tứ, vừa mạnh mẽ và có phần hoang dại. Hai chữ "man điệu" Quang Dũng sử dụng trong câu thơ đã thể hiện rất rõ điều đó. Có  hình dung không khí đêm hội lúc này: các chàng trai Tây Tiến say đắm trong điệu khèn tiếng nhạc, các thiếu nữ miền sơn nước e ấp trong vũ điệu mềm mại, duyên dáng. Câu thơ đã in đậm dấu ấn lãng mạn của hồn thơ Quang Dũng. Tâm hồn vốn đã hào hoa của các chàng trai Tây Tiến được không khí lễ hội nâng đỡ càng trở nên bay bổng. Nó đưa tâm hồn họ từ biên giới Việt - Lào về tận Viêng Chăn. Những câu thơ Quang Dũng xây dựng ở đoạn này quả thực tràn đầy chất thơ và nhạc. Kí ức của Quang Dũng về binh đoàn cũ gắn với miền Tây không chỉ hùng vĩ, dữ dội mà còn mỹ lệ, nên thơ. Bức tranh sông nước miền Tây dưới đây mình chứng cho điều đó:
"Người đi Châu Mộc chiều sương ấy
Có thấy hồn lau nẻo bến bờ
Có nhớ dáng người trên độc mộc
Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa"

Để tái hiện sự hùng vĩ của núi rừng miền Tây trong đoạn một, Quang Dũng đã dùng những nét vẽ bạo, khoẻ, rắn rỏi, gân guốc. Giờ đây để tái hiện bức tranh sông nước miền Tây, bút pháp vẽ tranh của ông đã có những thay đổi: đường nét nhỏ, mềm, tinh tế. Bốn câu thơ gợi ra vẻ đẹp của một bức tranh được vẽ trên chất liệu lụa. Đặc điểm chung của bức tranh được vẽ bằng ngôn ngữ ở đây là nó mờ nhoè, hư ảo. Lau không được miêu tả chi tiết với cây cành hay hoa mà chỉ có "hồn" phơ phất. Người được phác hoạ bằng đúng một nét "dáng", "hoa" cũng chỉ hiện lên trong một trạng thái "đong đưa". Tác giả Tây Tiến đã sử dụng bút pháp chấm phá để tạo nên bức tranh bài thơ này. Không coi trọng đường nét, ông chỉ cốt gợi ra hồn của sự vật. Toàn bộ khung cảnh sông nước miền Tây được nhà thơ phủ trong một cái mờ hư ảo của sương chiều. Không chỉ là sương khói của núi rừng, đó còn là khói sương ký ức - tất cả những gì nhà thơ nói đến ở đây đều thuộc về thế giới của kỉ niệm. Hình ảnh được gợi ra trong câu thơ "Có nhớ dáng người trên độc mộc" hẳn là những thiếu nữ miền Tây thướt tha, duyên dáng. Cái dáng người ấy hoà quyện, ăn nhập tuyệt vời với dáng hoa, cả hai cùng mềm mại. Miêu tả hoa trên dòng nước lũ, Quang Dũng không dùng từ "đung đưa" theo cách thông thường mà chọn "đong đưa". Sự khác biệt về mặt ngôn từ rất nhỏ nhưng hiệu quả mà nó đem lại cho câu thơ thì rất lớn. "Đong đưa" cũng giống như "đung đưa" - nói về cuộc đời nhẹ nhàng trước tác động của những dòng nước, của những bông hoa nhưng nó đã đưa thêm vào trong câu thơ cái duyên dáng, mềm mại, tình tứ mà "đung đưa" không thể có được. Với hai tiếng "đong đưa", câu thơ Quang Dũng lập tức biến thành một phép nhân hoá đặc sắc. Ở đó, hoa cũng giống như người, cũng biết làm duyên. Câu thơ viết về hoa này tưởng chẳng có gì này lại thể hiện rất rõ nét tài hoa của ngòi bút Quang Dũng. Hiệu quả nghệ thuật mà hai chữ "đong đưa" đem lại khiến chúng ta nghĩ đến nỗi gian truân nhọc nhằn của người nghệ sĩ trong lao động nghệ thuật. Những câu thơ được viết dưới hình thức đối thoại và có sự trở đi trở lại của câu hỏi "Có thấy", "Có nhớ" có sức khơi gợi cảm xúc rất lớn. Nó làm sống dậy, làm tươi mới lại những ký ức trong lòng Quang Dũng nói riêng và bình đoàn Tây Tiến nói chung

Tám câu thơ của khổ hai đã vẽ nên khung cảnh thiên nhiên, con người miền tây với vẻ đẹp mĩ lệ, thơ mộng, trữ tình. Chất nhạc, chất họa, chất mơ mộng hoà quyện chặt chẽ với nhau trong đoạn thơ tạo nên một thế giới của cái đẹp. Từng nét vẽ của Quang Dũng đều mềm mại, tinh tế, uyển chuyển. Đây là đoạn thơ bộc lộ rõ nhất sự tài hoa, lãng mạn của Quang Dũng trong tổng thể bài thơ.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro