Phân tích bà cụ Tứ

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Kim Lân thuộc hàng những cây bút truyện ngắn tài năng của văn học Việt Nam hiện đại. Ông thường viết về nông thôn và những con người dân quê lam lũ, hồn hậu, chất phác mà giàu tình yêu thương. "Vợ nhặt" là một trong số những sáng tác tiêu biểu của ông. Tác phẩm đã khắc họa tình cảnh thê thảm của nhân dân ta trong nạn đói năm 1945 đồng thời khẳng định, ca ngợi tình yêu thương, đùm bọc, khát khao hạnh phúc, hướng đến tương lai của những người dân lao động. Trong đó nhân vật bà cụ Tứ được Kim Lân khắc họa rất sinh động, tinh tế, là một người mẹ nghèo khổ, trải đời, giàu tình yêu thương và có nội tâm phong phú, phức tạp.

"Vợ nhặt" được coi là kiệt tác trong sự nghiệp sáng tác của Kim Lân, cũng là một truyện ngắn xuất sắc của văn xuôi Việt Nam hiện đại. "Vợ nhặt" có tiền thân từ một cuốn tiểu thuyết tên là "Xóm ngụ cư". Kim Lân viết ngay sau khi Cách mạng tháng Tám thành công nhưng chưa kịp hoàn thành thì bản thảo thất lạc. Sau ngày hòa bình lập lại, nhà văn dựa vào cốt truyện cũ mà viết lại tác phẩm này. Truyện được in trong tác phẩm "Con chó xấu xí" xuất bản năm 1942. Tác phẩm không chỉ là một quá trình suy ngẫm, gọt giũa về cả nội dung và nghệ thuật mà còn mang âm hưởng lạc quan của thời đại mới trong thời điểm đất nước được giải phóng sau năm 1954. Tác phẩm đồng thời cũng nói lên được giá trị hiện thực và nhân đạo của truyện: tái hiện tình cảnh thê thảm, tích cực của biết bao người dân trong nạn đói năm 1945. Bật lên trong tình cảnh ấy là chiều sâu của tác phẩm: từ tia sáng của khát vọng hạnh phúc, tình yêu thương giữa người với người trong cái đói cái khổ.

Ngay khi vừa xuất hiện, bà cụ Tứ đã phải đối mặt với tình huống oái oăm của con trai, cũng là của chính gia đình bà: anh con trai nhặt về một cô vợ rách tả tơi ngay trong những ngày đói rách thê thảm. Thân phận bất hạnh cũng như vẻ đẹp trong tâm hồn, tính cách của bà cụ Tứ đã thể hiện qua những trạng thái tâm lí, cảm xúc, những cử chỉ, lời nói và hành động được nhà văn miêu tả thật chân thực và tinh tế. Khi thấy Tràng ra đón mẹ, lại thấy anh ta "reo lên như một đứa trẻ", thái độ vồn vã, khác thường của con trai đã khiến bà cụ Tứ phấp phỏng. Có lẽ bà cụ Tứ đã linh cảm thấy có một cái gì đó quan trọng và bất thường đang chờ đợi. Nhìn thấy một người đàn bà lạ đứng ngay đầu giường thằng con mình, lại chào mình là "u". Vẻ khép nép lạ lùng của thị khiến bà ngạc nhiên tột cùng. Sự ngạc nhiên được thể hiện qua những câu hỏi dồn dập trong dòng độc thoại nội tâm qua bước chân "lập cập", "run rẩy", qua việc bà đứng sừng sững lại, rồi thậm chí như không tin nổi vào mắt mình, bà "thấy mắt mình nhoèn ra thì phải". Chính sự ngạc nhiên tột cùng của bà cụ Tứ càng cho thấy cái nhìn tinh tường và trái tim nhạy cảm của người mẹ ngay lập tức đã nhận ra có một điều gì đó thiêng liêng, lớn lao đang đến với cuộc đời người con trai mình. Thái độ của bà cụ Tứ cũng đem đến nỗi xót xa cho thân phận con người khi chỉ vì nạn đói và cảnh ngộ gia đình mà người mẹ tội nghiệp không thể tin được những điều bà đang phỏng đoán.

Sau khi nghe lời giới thiệu của con trai: "Nhà tôi nó mới về làm bạn với tôi,...bà lão cúi đầu nín lặng... bà đã hiểu ra bao nhiêu là cơ sự". Có biết bao nhiêu thấu hiểu, bao nhiêu nỗi niềm trong cái cúi đầu nín lặng, trong sự chấp nhận ngậm ngùi của bà. Người mẹ từng trải đã hiểu tất cả những uẩn khúc, những éo le trong việc nhặt vợ của con, hình dung được cảnh ngộ của người vợ nhặt, đó là những cơ sự bà đã đoán ra mà không nỡ nói, những điều đang làm người đàn bà xa lạ, đói khát kia sợ hãi, tủi hổ, bẽ bàng. Trong hai chữ "cơ sự" ấy là tất cả những oái oăm, bi hài của cảnh ngộ, những cay đắng, trớ trêu của duyên kiếp - sự nín lặng của bà cụ Tứ không chỉ cho thấy sự từng trải mà còn là biểu hiện rõ nhất của trái tim nhân hậu.

Khác với anh con trai vô tâm, sự kiện Tràng nhặt vợ khiến bà cụ Tứ chìm đắm trong những nỗi niềm, vừa ai oán vừa xót thương, vừa tủi hận. Bà mừng vì con có được vợ mà vẫn trăn trở về bổn phận làm mẹ, vừa buồn tủi vì số kiếp đứa con mình thật bất hạnh khi chẳng được cha mẹ lo dựng vợ gả chồng cho đàng hoàng tử tế, nở mặt nở mày, phải đi nhặt vợ một cách éo le, chua xót lại càng lo lắng vì cảnh con lấy vợ giữa những ngày đói quay đói quắt, biết rằng chúng có nuôi nổi nhau sống qua được cơn đói khát này không. Trong lòng bà ngổn ngang với dòng hồi tưởng về những năm tháng dài dằng dặc của quá khứ, với những cay đắng chồng chất trong cuộc đời bà. Nhưng dù mừng hay tủi, buồn bã hay lo lắng, mọi ý nghĩ và nỗi niềm trong bà đều chỉ xuất phát từ tâm lòng thương yêu vô bờ bến. Từ chỗ xót xa cho con trai, bà cũng đồng thời thông cảm, xót thương cho cảnh ngộ của người đàn bà xa lạ nay đã trở thành con dâu của mình. Không một lời phản đối hay tra xét, cũng không hề rẻ rúng hay coi thường người đàn bà đói rách tả tơi theo không con trai mình, bà chỉ đăm đăm nhìn đứa con dâu đang bối rối vân vê tà áo đã rách bợt lòng đầy thương xót, ngay trong tâm tư, bà đã mặc nhiên công nhận "nó bây giờ là dâu là con trong nhà rồi". Sự chấp nhận ấy đã cho thấy bà đã bỏ qua không chỉ lễ giáo thông thường mà cả gánh nặng sẽ chồng chất thêm của sự đói khát, nỗi ám ảnh ghê gớm của chết chóc để đùm bọc kêu mang của một người con khốn khổ, nhất là để vun đắp cho hạnh phúc của con trai. Giống như Tràng, ý nghĩ của bà không chỉ là cảm thông, thấu hiểu mà còn gần như một người hàm ơn với người vợ nhặt của Tràng. Ngôn ngữ độc thoại nội tâm như đã hàm chứa sắc thái đối thoại, vừa như để bênh vực cho con dâu vừa như cố an ủi chính mình.

Những chi tiết miêu tả thái độ, cách nói năng, cư xử của bà cụ Tứ làm đậm thêm vẻ đẹp trong tấm lòng nhân hậu của bà. Từ cách bà khẽ dặng hắng một tiếng, nhẹ nhàng nói, rồi lại hạ thấp giọng xuống thân mật, nhất là cách dùng hai chữ "các con" như một biểu hiện chắc chắn của sự chấp nhận nàng dâu mới. Từ câu nói xót xa: "Chúng mày lấy nhau lúc này, u thương quá" cho đến lời giục nàng dâu "Con ngồi xuống đây, ngồi xuống đây cho đỡ mỏi chân" - đó là những cách cư xử cho thấy sự tinh tế và nhân hậu trong lòng người mẹ nghèo. Bà muốn bằng thái độ, giọng nói và cách xưng hô để làm vơi đi những căng thẳng, lo lắng cho con cái, nhất là những tủi hổ bẽ bàng của người đàn bà gặp cảnh éo le đói khát mà phải theo không con trai mình. Kim Lân miêu tả tới 3 lần dòng nước mắt của bà cụ Tứ - những dòng nước mắt của buồn vui, thương xót, tủi cực, nước mắt của tình người nhân hậu, vị tha.

Bà cụ Tứ là người thể hiện rõ nhất niềm tin, niềm hi vọng vào tương lai. Khốn khổ vì gánh nặng cuộc sống, không thể né được tiếng thở dài chua xót trước việc nhặt vợ của con, vậy mà bà vẫn đồng tình với việc làm có vẻ hoang phí, bốc đồng của con trai khi thấy Tràng mua dầu thắp đèn. Với câu nói " Thắp lên một tí cho nó sáng sủa", bà đã không chỉ thể hiện sự trân trọng với hạnh phúc của con cái mà có lẽ còn bộc lộ niềm tin dẫu là vu vơ, mơ hồ về sự " sáng sủa hơn" trong cuộc đời. Nét mặt "nhẹ nhõm", "tươi tỉnh" và dáng vẻ "xăm xắn" của bà trong sáng ngày hôm sau  khi cùng con dâu mới thu dọn, quét tước sân vườn, nhà cửa cho thấy ý thức vun đắp cho cuộc sống gia đình cùng niềm hi vọng mong manh mà mãnh liệt của bà về một sự thay đổi cho cuộc đời mấy mẹ con. Bà cũng là người chủ động, mang lại niềm vui nhiều nhất cho bữa ăn ngày đói. Mâm cơm lúc đầu, dù trông thật thảm hại khi "giữa cái mẹt rách có độc một lùm rau chuối thái rối và một đĩa muối ăn với cháo" nhưng dù sao vẫn là mâm cơm của con người, và bữa ăn của mấy mẹ con thật vui vẻ, đầm ấm. Bà cụ Tứ chỉ nói "toàn chuyện vui, toàn chuyện sung sướng về sau". Từ cách nói dân dã, quen thuộc đến cách bà dựa vào một triết lí dân gian đầy sức thuyết phục để gieo vào lòng các con niềm tin về sự đổi đời theo lẽ vần xoay trời đất thì "Ai giàu ba họ, ai khó ba đời". Bà đã động viên các con bằng những dự tính mà ai cũng biết là viển vông, xa vời trong lúc đó, những nghe cách nói của bà, vẫn thấy náo nức một hi vọng khi nghĩ rằng, nếu may mắn và cố gắng thì biết đâu họ có thể sống, có thể hạnh phúc. Và bà đã gắng gượng một cách dũng cảm khi cái đói hiện ra đau đớn ở nồi cháo cám. Tất cả những việc này, bà làm bằng thái độ ân cần, đon đả, với nét mặt tươi cười, với những lời nói cố tỏ ra vui vẻ: "chè khoán đấy, ngon đáo để". Rồi đến khi không thể kéo dài cảnh đầm ấm ở nửa đầu bữa ăn, không thể tiếp tục giữ cho các con cảm giác vui vẻ, hạnh phúc trong ngày đầu tiên của cuộc sống vợ chồng, cũng không thể trì hoãn giây phút cay đắng nhất của bữa ăn, không thể che giấu sự thật phũ phàng đã hiện lên trong bát cháo cám đắng chát, bà lại gắng gượng an ủi những đứa con đang tủi hổ cắm đầu ăn cho xong cháo cám. Chính sự dũng cảm và tình yêu thương mênh mông của bà cụ Tứ đã khiến thứ thức ăn của loài vật thấm đẫm tình yêu thương của con người, ngời sáng nhân cách con người, giúp các con bà vơi đi phần nào nỗi tủi hờn, chua xót khi thấu hiểu tình yêu thương, sự gắng gượng đầy bản lĩnh của mẹ, giúp họ có sức mạnh đối mặt với khốn khổ, vượt lên cái đói, cái ảm đạm để mà vui, để mà hi vọng.

Nhân vật bà cụ Tứ tưởng như không thể có được nhất là trong hoàn cảnh gia đình bà, sự tăm tối của xã hội. Ngọn lửa tình mẫu tử ấy cũng đã đủ nhóm lên giữ niềm tin hi vọng vào tương lai tươi sáng. Nét đẹp và nhân hậu vốn có trong bà được tác giả diễn tả tinh tế qua cách sử dụng ngôn ngữ chọn lọc trong diễn tả tâm lý nhân vật, góp phần khắc họa vẻ đẹp tâm hồn của người mẹ nghèo Việt Nam.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro