Sông Đà trữ tình, thơ mộng

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Nguyễn Tuân là một nhà văn tài ba và uyên bác. Trước Cách mạng tháng Tám, ông đi tìm vẻ đẹp của một thời vang bóng". Sau Cách mạng tháng Tám, ta nhận ra diện mạo của một nhà văn Nguyễn Tuân mới mẻ, khát khao được hòa nhập với đất nước và cuộc đời. Ông tới miền Tây Bắc rộng lớn, xa xôi không chỉ để thoả mãn cái thú tìm đến miền đất lạ cho thỏa niềm khát khao "xê dịch" mà chủ yếu để tìm chất vàng của thiên nhiên và tâm hồn của người lao động, chiến đấu trên miền sông núi hùng vĩ và thơ mộng đó. "Người lái đò sông Đà" là một áng văn trong tập tùy bút sông Đà. Nổi bật trong tác phẩm là hình tượng thơ mộng, trữ tình.

"Người lái đò sông Đà" là một trong những áng văn chính luận đặc sắc nhất của Nguyễn Tuân. Tác phẩm được rút ra từ tập tuỳ bút "Sông Đà" của Nguyễn Tuân, xuất bản lần đầu năm 1960. Tập tuỳ bút có 15 bài tuỳ bút cùng một bài thơ dưới dạng phác thảo. "Sông Đà" là kết quả của chuyến đi thực tế Tây Bắc của Nguyễn Tuân. Những năm 1958 - 1960, Đảng và Nhà nước có một cuộc vận động lớn nhân dân đi xây dựng quê hương mới trên Tây Bắc. Hưởng ứng cuộc vận động này đã có rất nhiều nhà thơ nhà văn lên đường. "Sông Đà" chính là một nhánh của dòng chảy văn học đổ về Tây Bắc trong giai đoạn này. Tuỳ bút "Sông Đà" được Nguyễn Tuân viết với cảm hứng chính là ngợi ca vẻ đẹp của Tây Bắc - một vùng đất vừa hùng vĩ vừa thơ mộng. Vẻ đẹp của những con người lao động nơi đây, cái mà Nguyễn Tuân gọi là chất vàng mười của tâm hồn vùng Tây Bắc, thứ vàng mười đã qua thử lửa.

Chính nhà văn Nguyễn Tuân đã viết: "Tôi có bay tạt ngang qua sông Đà mấy lần, và thấy đó cũng là thêm cho mình một góc độ nhìn, một cách nhìn về con sông Tây Bắc hung bạo và trữ tình". Nhìn từ xa sông Đà giống như mọi con sông khác là sợi dây thừng ngoằn ngoèo. Khi hạ thấp độ cao sông Đà bất ngờ hiện ra như một tiên nữ giáng trần "Con sông Đà tuôn dài như một áng tóc trữ tình, đầu tóc chân tóc ẩn hiện trong mây trời Tây Bắc bừng nở hoa ban hoa gạo tháng hai và cuồn cuộn mù khói núi Mèo đốt nương xuân". Đẹp biết bao khi ngắm nhìn những làn mây mùa xuân bay trên sông. Nước sông Đà cũng thay đổi theo mùa, mùa xuân, dòng sông xanh màu ngọc bích, màu xanh trong và thanh mà ta không thể tìm thấy ở nơi sông Gâm và sông Lô. Để rồi theo thời gian sang mùa thu nước sông Đà lừ lừ chín đỏ như da mặt một người bầm đi vì rượu bữa. Trong cảm hứng về sông nước Hoàng Phủ Ngọc Tường cũng mang lại những cảm nhận về sự thay đổi màu sắc của các dòng sông khi ông đắm mình vào dòng sông Hương với sắc nước thay đổi theo ngày "sớm xanh, trưa vàng, chiều tím". Con sông Đà có lúc hung bạo là thế, dữ dội là thế nhưng có lúc lại là một âm thanh rung lên những cảm xúc lắng sâu trong lòng mỗi con người. Với Nguyễn Tuân, sông Đà tìm vào với danh nghĩa như một cố nhân tri kỉ trong tâm trạng đằm đằm, ấm ấm khi gặp lại người bạn "Chao ôi, trông con sông vui như nối lại chiêm bao vừa đứt quãng". Nỗi niềm ngạc nhiên vui sướng vỡ òa trong cảm xúc của nhà văn. Trong cảm hứng dạt dào nhà tùy bút cũng muốn trở thành thi sĩ. Ông thấy "lai láng thêm cái lòng muốn đề thơ vào sông nước". Từ những chạm khắc gân guốc, từ những màu sắc gây ấn tượng mạnh, Nguyễn Tuân chuyển sang những đường nét thanh thoát, dịu dàng, thơ mộng. Nhà văn đã sử dụng ngôn ngữ thơ để diễn đạt những điều không thể nói đến hết văn xuôi.

Nhà văn tập trung khắc họa nét tính cách trữ tình của sông Đà khi miêu tả cảnh bờ sông. Lúc này, thuyền đang bồng bềnh thưởng ngoạn trên sông nước. Nếu như ở thượng nguồn, cảnh vật chìm trong hoang sơ, kì vĩ thì tại hạ lưu, không khí trở nên "lặng tờ". Đó là sự im lìm không một tiếng động, gợi cảm giác thanh bình, yên tĩnh của sông Đà, nhưng đồng thời là không khí chung của đất nước sau khi kết thúc cuộc chiến tranh đầy gian khổ ở miền Bắc. Nguyễn Tuân đã đặc biệt nhấn mạnh: "Hình như từ đời Lý đời Trần đời Lê" quãng sông này cũng lặng tờ đến thế mà thôi". Ông hướng đến lịch sử lâu đời của những buổi đầu dựng nước. Trải qua một quãng thời gian dài, khung cảnh không hề mất đi mà ngược lại, vẫn giữ được vẻ đẹp cổ kính và trang trọng. Đó còn là vẻ đẹp nguyên sơ đúng như tác giả đã so sánh: "Bờ sông hoang dại như một bờ tiền sử. Bờ sông hồn nhiên như một nỗi niềm cổ tích tuổi xưa. Dường như tại đây chưa bao giờ in xuống dấu chân vạn vật vẫn tồn tại giống như thuở đầu tạo hóa đã sinh ra. Phép độc đáo dùng không gian để gợi mở thời gian làm nổi bật vẻ đẹp hồn nhiên trong sáng, nguyên thủy của buổi sơ khai. Nguyễn Tuân như đã phủ lên bề mặt con sông Đà một lớp sương khói huyền ảo, mơ hồ, xa xăm, đẹp và thơ mộng lạ kì. Nhà văn đang đắm chìm trong khung cảnh đẻ cảm nhận nét trữ tình rất khác ở nơi đây. Vẫn miên man trong dòng cảm xúc, ông đã bắt gặp sự xuất hiện của thực vật và muôn thú. Với cảnh lặng như tờ của thiên nhiên, dường như sương chưa tan hết, thuyền trôi qua "một nương ngô nhú lên mấy lá ngô non đầu mùa mà tịnh không một bóng người. Cỏ gianh đồi núi đang ra những nõn búp". Cảnh vật còn gây ấn tượng bởi "một đàn hươu cúi đầu ngốn búp cỏ gianh đẫm sương đêm". Vẻ đẹp ấy thật đầy chất thơ, chất họa. Một loạt những hình ảnh, màu sắc khiến người đọc như thấy tận mắt cảnh bờ sông gợi cảm. Từ "nõn búp" hay "búp cỏ gianh" đều gợi tả một cái gì rất tươi non, e ấp hay "con hươu thơ ngộ" cũng là cái ban đầu, nguyên sơ. Cảnh vật hoàn toàn không có sự can thiệp của con người, tự nhiên phát triển. Và đằng sau những thực tế, màu sắc, hình ảnh ấy, người đọc còn cảm nhận một sức sống ngồn ngộn, trẻ trung, tươi rói đang ngầm sinh sôi, chuyển động. Bắt được cái hồn của cảnh vật, Nguyễn Tuân đã truyền cho độc giả cảm xúc vô cùng chân thật. Dường như nhà văn đã hòa mình vào thiên nhiên, vào non nước sông Đà để hoàn toàn khám phá vẻ đẹp non sơ, nguyên bản nơi đây. Có thể thấy, phần lớn từ ngữ trong đoạn trích sử dụng thanh bằng tạo cảm giác êm đềm, nhẹ nhàng như nhịp chèo khoan thai của con thuyền bồng bềnh trên sông nước. Lí giải cho dòng chảy lững lờ của con sông, nhà văn mượn hai câu thơ của Tản Đà:
"Dải sông Đà bọt nước lênh đênh
Bao nhiêu cảnh bấy nhiêu tình"

Dường như dòng sông đang nhớ thương những hòn tác đá xa xôi để lại trên thượng nguồn Tây Bắc nên mới trữ tình, lặng lẽ như vậy. Trong đoạn trích này, Nguyễn Tuân sử dụng chủ yếu kiến thức về địa lí, lịch sử, văn hóa, du lịch đẻ tái hiện vẻ đẹp thơ mộng mà tràn đầy sức sống của sông Đà. Dòng sông có tình, có hồn, bởi vậy mà để lại niềm lưu luyến, sự vấn vương cho những ai từng có dịp đến với sông Đà.

Đọc tùy bút "Người lái đò sông Đà", ta vui thú thấy Nguyễn Tuân đã "để thơ vào sông nước". Ông đã khai phá sự vật - con sông Đà, ở phương diện văn học nghệ thuật, đã miêu tả, nhận diện con người - ông lái đò - ở phương diện thi hoa, nghệ sĩ. Tả cảnh thì biến hóa trong bốn mùa, trong mọi thời gian. Nói về thác ghềnh thì đa thanh, phức điệu, bằng tất cả cảm giác tinh tế, bao liên tưởng đầy thi vị, với bao cảm giác mạnh đầy màu sắc và góc cạnh với một kho từ ngữ giàu có, sáng tạo. Văn của Nguyễn Tuân đúng là những giọt mật của con ong yêu hoa, cần mẫn và sáng tạo, đem thơm thảo cho đời.

Với "Người lái đò sông Đà" này, Nguyễn Tuân đã ghi dấu ấn không trộn lẫn của mình ở thể loại tùy bút, bám sát hiện thực, say mê khám phá những nét ấn tượng, những vẻ đẹp tiềm ẩn của hiện thực. Hơn thế nữa, tác phẩm còn đánh dấu sự vững vàng trong tư tưởng tình cảm của nhà văn, sự nhạy cảm tinh tế của một tâm hồn nghệ sĩ yêu đất nước, yêu con người lao động, yêu và tin vào Cách Mạng, và con đường dân tộc đang hướng tới. Tấm lòng ấy, tài năng ấy của Nguyễn Tuân thật đáng trân trọng.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro