tong hop khon ngoan hon

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Có những điều trong cuộc sống sẽ giúp bạn sáng suốt, khôn ngoan, thành công hơn. Bạn đừng nên bỏ qua...

1. Đừng quyết định gì khi bạn đang giận dữ. Khi giận dữ, những điều bạn nói ra có thể không có logic và sáng suốt. Hãy kiểm soát lại những cảm xúc của bạn. Đây là một trong những quy luật quan trọng nhất. Đừng quyết định bất cứ gì trong lúc bạn đang giận dữ, rất có thể bạn sẽ hối tiếc.

2. Giữ im lặng. Nếu bạn không có những điều khôn ngoan để nói, đừng nói gì cả. Nếu bạn phải nói... trong lúc chưa kịp nghĩ ra ý để nói, hãy nói ngắn gọn và đơn giản.

3. Đằng sau người đàn ông tuyệt vời là bóng dáng người phụ nữ tuyệt vời. Đây là một quy luật vàng dành cho phái nam. Nếu không có chỗ dựa từ gia đình (mà cụ thể là người phụ nữ), người đàn ông không bao giờ có thể là người đàn ông toàn diện. Tuy nhiên, một người vợ với quá nhiều khuyết điểm cũng sẵn sàng làm cho chồng mình mất đi những tiềm năng tiến xa trong công việc.

4. Không có gì là mãi mãi. Dù đó là tình yêu, là món đồ gỗ tốt, sự thành công trong công việc, dáng vẻ bên ngoài của bạn, hay mái tóc của bạn..., thì tất cả không có gì là tồn tại mãi mãi với thời gian. Đây là điều đã hiển nhiên rồi...

5. Khi nghi ngờ, hãy nghe theo sự dũng cảm của bạn. Bản năng thường cho chúng ta sự sợ hãi khi rơi vào tâm trạng ngờ vực điều gì đó. Hãy lắng nghe sự dũng cảm trong bạn, nó sẽ giúp bạn tránh khỏi sự tổn thương.

6. Đánh giá cao thời gian để làm điều gì đó và không đánh giá quá mức những phần thưởng nhận lại. Nhiều khi những kế hoạch tốt không đem lại kết quả như mong muốn. Hầu hết thời gian chúng ta phải làm việc để đạt được điều gì đó. Hãy đánh giá cao công việc và không lệ thuộc quá nhiều vào những phần thưởng nhận được, sẽ giúp bạn tránh đi sự thất vọng.

7. Để làm ra tiền, bạn phải chịu... mất tiền. Mất tiền ở đây chính là sự đầu tư khôn ngoan. Muốn có một nhân viên giỏi, bạn phải trả lương cao. Muốn có lời khuyên tốt bạn phải trả thù lao cao cho những chuyên gia giỏi... Đừng e ngại khi quyết định đầu tư. Tự bản thân đồng tiền có thể sẽ không sinh ra lợi nếu bạn không biết đầu tư đúng chỗ.

                                                                        (Theo AskMen)

II>

Làm thế nào để tạo sự tin tưởng khi giao tiếp

Nói dối rất đa dạng, chẳng hạn như nói dối theo kiểu phản xạ, nói dối đôi chút, nói dối không hại ai… Chúng có tác dụng rất khác nhau lên người tiếp nhận. Với người nói dối, hậu quả thấp nhất mà họ chắc chắn phải chịu chính là sự day dứt trong tâm hồn. Dưới đây, chúng ta đề cập đến nói dối vô hại hàng ngày chứ không xét nói dối như là một bệnh lý.

Tại sao chúng ta lại nói dối hoặc nói tránh sự thật, trong khi có nhiều cách giao tiếp khéo léo rất chân thật và đúng mực?

Đây là một số lý do: nói dối để tránh mâu thuẫn, tránh làm người khác nổi giận hay tránh tổn thương cảm xúc người khác hoặc khiến họ cảm thấy bị hạ thấp hay buồn phiền, để được kính trọng và nể phục, để có quyền lực, để tránh phiền toái, tránh nhận lỗi, tránh va chạm, để mọi việc được suôn sẻ...

Điều thú vị là những lí do để nói dối thường có mục đích tốt, trừ một số trường hợp xuất phát từ cái tôi cá nhân hay bản tính tự kiêu. Mặc dù vậy, cách mà những mục đích này được thực hiện thật khó mà chấp nhận được thậm chí nó còn làm cho các mối quan hệ trở nên miễn cưỡng cũng như gây ra sự không thanh thản trong tâm hồn.

Chúng ta có thể nói thật một cách khéo léo trong những tình huống nêu trên hay không? Thông thường, câu trả lời là có. Tuy nhiên, nó đòi hỏi phải thực tập thường xuyên và có suy xét.

Sau đây là một số lời khuyên giúp chúng ta bỏ được thói quen lảng tránh sự thật để có thể giao tiếp một cách chân thành và đúng mực.

THAY ĐỔI SUY NGHĨ

Chúng ta nói dối vì muốn kiểm soát được tình huống. Tuy nhiên đó lại là một lựa chọn thiếu khôn ngoan vì nói thật mới làm cho các khả năng cũng như kết quả của vấn đề được gợi mở và giải quyết.

Với những người đã quen nói dối, đầu tiên phải thay đổi suy nghĩ. Nói dối thường được hình thành trong thời thơ ấu hay thời gian trước đây nên cần có sự quan tâm, khéo léo và kiên trì để từ bỏ nó và thay bằng một thói quen mới, tốt hơn.

HIỂU ĐƯỢC KHI NÀO VÀ TẠI SAO CHÚNG TA NÓI DỐI

Động lực nào khiến ta cho rằng nói dối là giải pháp tốt nhất? Nỗi sợ hãi nào đang ẩn sau quyết định đó? Chẳng hạn như, sợ phạm sai lầm, sợ bị cho là không tốt hay thô lỗ nếu nói thật, sợ không đủ khéo léo để nói thật mà không làm tổn thương hay phiền lòng người khác...

Thử đặt câu hỏi, trong những tình huống như vậy, tại sao chúng ta lại tin là nói dối sẽ làm vấn đề tốt hơn, và tốt hơn cho ai? Hãy vận dụng hiểu biết của mình để gạt bỏ những quyết định không đúng cũng như xem xét và đưa ra câu trả lời đầy đủ cho những câu hỏi nêu trên. Một khi động cơ để nói dối của chúng ta không thỏa đáng, tốt hơn nên kìm lại và tìm cách giải quyết khác.

XEM XÉT MỌI KHẢ NĂNG TRƯỚC KHI HÀNH ĐỘNG

Nói dối có thể chỉ là một quyết định nhất thời, thiếu suy xét cẩn thận. Vì vậy, trước khi định nói dối hãy chờ đợi giây lát. Nói với người đối diện rằng chúng ta cần xem lại vấn đề hay nghĩ ngợi đôi chút. Khi đó, hãy xét kĩ vấn đề cũng như động cơ và giải pháp của bản thân.

Giữ tập trung bằng cách nhớ lại những hành động hay một ai đó khiến chúng ta thấy tin cậy và yên tâm. Việc ghi nhớ này rất có ích thậm chí chúng ta cũng có thể học theo những cử chỉ đó để giao tiếp hiệu quả hơn.

Thành thật tự hỏi "điều tệ nhất có thể xảy ra nếu nói ra sự thật là gì". Những kĩ thuật cơ bản này cho phép ta ứng xử khôn ngoan và tự tin hơn.

GIẢI PHÁP ĐỀ NGHỊ

Một trong những lợi thế vô giá của việc làm chủ tư duy và giao tiếp một cách khôn ngoan là đã có những chuẩn mực nhất định mà ta có thể sử dụng đa dạng để cải thiện khả năng. Vận dụng những cách xử sự khéo léo này để tránh nói dối vì những lí do đã nêu trên.

Cứ cho rằng chúng ta có thể là người đã gây nên sự việc hay nhận thức thực tế chưa chính xác. Việc đổ lỗi cho ai đó chỉ làm ta thanh thản trong nhất thời chứ không phải trong lâu dài. Đôi khi cảm tính hoặc chưa thật sự lắng nghe hoặc chủ quan tin vào kinh nghiệm…làm sai lệch trực giác cũng như khả năng thấu hiểu của chúng ta về các tình huống. Nếu cảm thấy thảo luận sẽ làm sáng tỏ vấn đề, hãy trình bày với những gợi ý sau:

- Có lẽ ban đầu tôi không đúng, xin hãy thứ lỗi cho tôi…

- Theo tôi vấn đề là... bạn có nghĩ như vậy không?

- Thứ lỗi cho tôi khi nói ra điều này…

Hãy tỏ ra thông hiểu cảm xúc người đối diện "tôi biết ông rất giận về…". Sau đó, trình bày quan điểm bản thân và nói rõ điều gì dẫn đến quyết định đó. Đề nghị giải pháp có thể áp dụng được.

Hãy thừa nhận những cảm xúc cá nhân và biểu hiện nó một cách lễ độ "tôi rất thất vọng khi được biết X không thể hoàn thành đúng thời hạn. Hẳn ông có thể thấy là tôi thất vọng như thế nào". Sau đó nêu lên dự định, mong muốn của bản thân và giải pháp "tất cả những gì chúng ta nên làm là một bản kế hoạch kinh doanh để đảm bảo".

Phác họa lại sự việc một cách rõ ràng và xác định nguồn gốc để có được kết luận đúng đắn. Nếu không, chúng ta sẽ dễ phạm sai lầm khi đưa ra những nhận xét như là "có lẽ…", "tôi đoán là…" dễ dàng dẫn đến sai lệch sự thật và hiểu lầm.

LỜI KHUYÊN ĐỂ CỦNG CỐ SUY NGHĨ

Từ bỏ thói quen nói dối cần thời gian tập luyện. Hãy đặt ra những nguyên tắc cho bản thân và cương quyết thực hiện chúng, từ đó hình thành nên những thói quen tốt. Ghi nhớ những nguyên tắc này và hành động để duy trì bí quyết giao tiếp tốt đẹp, chân thành và chuẩn mực.

Hãy nuôi dưỡng sự bình tĩnh - ghi nhớ những cách ứng xử khéo léo để tự khắc phục điểm yếu và nói sự thật một cách hiệu qủa, nhẹ nhàng hơn. Mọi việc sẽ dễ dàng hơn khi chúng ta bình tĩnh và tập trung, ngược lại nếu chúng ta căng thẳng, giận dữ hay nóng vội. Hãy học hỏi sự bình tĩnh từ những bậc thầy, nhà thông thái hay nhà lãnh đạo tài tình kết hợp với sự khéo léo của bản thân để làm chủ khi giao tiếp.

Nhận thức được vai trò của người đối diện – những phản ứng của họ là sự phản chiếu cách chúng ta nói ra sự thật. Họ có thể thất vọng, đau khổ hay giận dữ, và chúng ta cũng phải học cách để cùng giải quyết sự không hài lòng đó. Hãy rút kinh nghiệm từ những sai lầm của bản thân cũng như của người khác để tự hoàn thiện khả năng ứng xử khéo léo. Đặt mình vào hoàn cảnh người khác là bước quan trọng giúp chúng ta khéo léo hơn vì khi đó ta có thể hiểu được những gì người khác cảm nhận mà ứng xử cho phù hợp.

Lập kế hoạch - quản lí thời gian là nhân tố quyết định để giữ bình tĩnh. Nên biết rõ chúng ta mong đợi gì và khi nào cũng như lập kế hoạch và vạch ra các yêu cầu cần thiết. Hãy xem xét vấn đề một cách tổng quát, không ngần ngại hỏi để hiểu rõ, hơn là hiểu nhầm và sau đó là nói dối.

Hãy thoải mái nhận lỗi - đã bao nhiêu lần chúng ta nói dối chỉ đơn giản để tránh thừa nhận "tôi đã sai", "tôi hiểu nhầm" hay "xin lỗi, tôi đã làm hỏng nó". Khi phạm lỗi, hãy hít thở thật sâu và chấp nhận nó, nói "xin lỗi" cho những hành vi không đúng. Chúng ta không chỉ cảm thấy nhẹ nhõm hơn mà còn có cơ hội để sữa chữa sai lầm. Đồng thời, biết nhận và xin lỗi làm chúng ta mạnh mẽ và chân thật hơn, giúp ích cho cuộc sống của chúng ta trong tương lai.

Hãy thu thập những nguồn động viên khích lệ - những trích dẫn lịch sử hay dẫn chứng về con người và sử dụng chúng như những kinh nghiệm trong cuộc sống hàng ngày để có thêm sức mạnh cho tâm hồn và rèn luyện thói quen nói thật.

Tập trung vào những điều là quan trọng nhất đối với chúng ta - hãy sống có lí tưởng. Nó sẽ dẫn dắt chúng ta đến những việc làm và hành động đúng, thúc đẩy chúng ta giữ vững ý chí để đạt được lí tưởng đó.

Chào các bạn,

Có kiến thức (knowledge) không có nghĩa là bạn có khôn ngoan (wisdom). Rất nhiều người giỏi toán, hay kinh tế, hay vật lý, kiến thức kỹ thuật cùng mình, nhưng khả năng lại rất giới hạn trong đời sống với mọi người, không làm việc với ai tốt, không quản lý được ai tốt, không thông minh trong việc giải quyết các vấn đề liên hệ đến đời sống của mình và cùa người khác.

Wisdom, khôn ngoan hay thông thái hay trí tuệ, là khả năng của một người biết cách làm cho người khác tin vào mình, cùng đồng lòng với mình, cùng là bạn đồng hành của mình… là khả năng có thể thấy vấn đề giữa mọi người trước khi vấn đề đến, có thể đoán trước được một nhóm người sẽ đi đến đâu, sẽ gặp trở ngại gì, và làm sao để vượt qua… có khả năng hiểu được chiều sâu của quả tim mình và quả tim người khác…

 Chúng ta thấy rất thường xuyên nhiều người có kiến thức nhiều, nhưng rất ngớ ngẩn về chiều sâu của đời sống.

Trong khoa tâm l‎ý học ngày nay chúng ta có thể xem kiến thức là IQs (intelligent quotients, chỉ số thông minh) và trí tuệ là IQs cộng EQs (emotional quotients, chỉ số tình cảm). Người có IQs cao thì giỏi kỹ thuật , toán,v.v… nhưng nếu thiếu EQs thì chẳng hiểu gì về con người cả, cho nên rất ngớ ngẩn, chẳng thể làm gì khác hơn là chuyên viên trong lãnh vực kỹ thuật của mình. Người có EQs cao rất hiểu con người và liên hệ con người, có thể dùng IQs của mình một cách khôn khéo trong các công việc liên hệ đến con người (tức là 99% các công việc của thế giới).

Trong Phật gia, trí tuệ đến từ “vô ngã”, không còn cái tôi. Rất đúng, vì người không còn tôi thì yêu mọi người nhiều–tình yêu mình dồn hết cho mọi người vì chẳng còn cái tôi để tự yêu. Mà yêu mọi người nhiều đương nhiên là EQs (hay cái gì đó tương tự như EQs) rất cao.

Trong Thánh kinh, “Lòng kính sợ Chúa là đầu mối của khôn ngoan.” (Proverbs 9:10). Kính sợ Chúa thì không còn cái tôi nữa—trước mặt Chúa tôi chẳng nghĩa l‎ý gì cả. Khi cái tôi không còn như thế, thì ta yêu mọi người, và như thế EQs (hay cái gì đó tương tự như EQs) rất cao.

Các bạn, đi tìm kiến thức thì tốt, nhưng không đủ. Khôn ngoan mới là điều chính. Kiến thức thì chỉ như cái dao, cái đục trong tay mình. Sử dụng dao và đục như một nhà điêu khắc có thể tạo ra các bức tượng nghệ thuật đòi hỏi khôn ngoan. Một nhà điêu khắc giỏi không có dao, vẫn có thể dùng búa, không có búa vẫn có thể dùng dùi, không có dùi vẫn có thể dùng tay không. Có nghĩa là nếu bạn có khôn ngoan, bạn có thể sẽ tự tạo ra kiến thức nếu cần.

Và khôn ngoan trong đời sống đến từ hiểu người. Hiểu người đến từ yêu người. Yêu người đến từ “không tôi”.

Chúc các bạn một ngày khôn ngoan.

IV. KỸ NĂNG RA QUYẾT ĐỊNH

1. Kỹ năng ra quyết định là gì?

Kỹ năng ra quyết định là một loạt các kết luận và hoạt động của bản thân để đưa ra một quyết định đảm bảo đạt được một kết quả nào đó theo mong muốn của bản thân.

Những người thành công thích cảm giác tự tin do biết cách lựa chọn khôn ngoan thích hợp. Cùng với việc rèn luyện, bạn có thể cải thiện khả năng đưa ra những quyết định tốt cho mình trong mọi lĩnh vực của cuộc sống - riêng tư, tài chính và nghề nghiệp - vì cuộc sống bao gồm rất nhiều quyết định và những lựa chọn tốt nhất là chìa khoá cho sự thành công của bạn. Khả năng đưa ra quyết định tốt có thể giúp bạn:

Đạt được mục đích  đã đề ra trong học tập, trong cuộc sống ở gia đình và nhà trường cũng như cuộc sống tương lai của bạn.

Tránh được những sai lầm có thể để lại hậu quả không tốt cho bạn.

    Với  các bạn học sinh còn nhỏ tuổi, việc đưa ra một quyết định chín chắn là rất có lợi và đó là một trong những dấu hiệu bạn đã khôn ngoan hơn, trưởng thành hơn. Cho dù bạn đang học, đang làm việc, kiếm tiền hay đang đi chơi cùng bạn bè thì điều quan trọng là vẫn phải nghĩ về những hậu quả trước khi bạn đưa ra một quyết định.

Sau đây là một ví dụ:

Hãy tưởng tượng bạn đang đi chơi cùng bạn bè, một người bạn rủ bạn hút thử một điếu thuốc lá, bạn sẽ từ chối hay nhận lời? Hoặc vào một ngày nghỉ, vài bạn hàng xóm rủ bạn đi tắm ở suối, nhưng bạn không biết bơi. Bạn sẽ từ chối hay nhận lời, từ chối thế nào hay bạn phải nghĩ đến một giải pháp nào đó?

Cuộc sống là vậy đó! Chúng ta luôn phải đưa ra quyết định và phải có trách nhiệm với quyết định của mình. Quyết định là quá trình lựa chọn bạn phải làm gì bằng việc xem xét các hậu quả của những lựa chọn khác nhau mà có thể xảy ra.

2. Các bước để đưa ra một quyết định

Trong cuộc sống, có những quyết định rất đơn giản, chỉ cần một "tích tắc" là chúng ta đã có thể cho "ra đời" một quyết định đúng. Ví dụ như: sẽ quyết định hôm nay mình phải mặc bộ quần áo nào đến trường? ( Dù bạn mặc quần áo màu gì đến trường cũng không gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới cuộc sống của bạn).

 Nhưng cũng có những quyết định rất phức tạp đòi hỏi chúng ta phải suy nghĩ, có thể hàng ngày, hàng giờ và đôi khi còn cần phải tham khảo các ý kiến từ những người khác. Vậy với những quyết định phức tạp thì bạn sẽ làm gì để đưa ra một quyết định chín chắn cho mình? Trong trường hợp này, bạn hãy tham khảo và làm theo những  bước sau đây:

Bước 1: Hiểu vấn đề

Bạn phải quyết định điều gì?

Đảm bảo là bạn phải tập trung chính xác vào vấn đề mà gây ra sự rắc rối.

        Để hiểu rõ vấn đề, bạn hãy đặt câu hỏi: “Ta cần quyết định điều gì?” và tự trả lời. Ví dụ: Vấn đề cần quyết định của bạn là “Có nên bỏ đội bóng đá để tham gia đội cầu lông không?”

Bước 2: Nhận định các giải pháp

Những lựa chọn của bạn là gì?  ( Ví dụ: Bỏ đội bóng, sang đội cầu lông/ Không bỏ đội bóng mà vẫn tham gia đội cầu lông/ Duy trì tham gia đội bóng nhưng không tham gia đội cầu lông)

Nghĩ đến các cách mà bạn có thể giải quyết được vấn đề. ( Với mỗi lựa chọn kể trên, bạn sẽ phải làm gì để đạt được điều bạn mong muốn?)

Tham khảo ý kiến từ những người khác, có thể là bố mẹ, thầy cô, bạn bè hoặc những người mà bạn cảm thấy tin tưởng. 

Lắng nghe những ý kiến góp ý và phân tích trên cơ sở thực tế của bản thân.

Bước 3: Đưa ra các lý lẽ tán thành và phản đối của mỗi lựa chọn

Lựa chọn một số giải pháp thực thi. ( Ví dụ: Bạn chọn cả hai phương án là không bỏ đội bóng nhưng cũng không tham gia đội cầu lông và vừa tham gia đội bóng vừa tham gia đội cầu lông)

Suy nghĩ và so sánh đến ưu điểm, nhược điểm của từng giải pháp.

Xác định hậu quả tiềm tàng và các kết quả có thể đạt được cho mỗi lựa chọn và ảnh hưởng của nó đối với người khác.

Bước 4: Quyết định đâu là giải pháp tốt nhất, sau đó làm theo giải pháp đó

Kết hợp tất cả các thông tin để quyết định đâu là sự lựa chọn tốt nhất.

Quyết định và thực hiện.

Chịu trách nhiệm về quyết định và hành động của mình.

3.  Những điều “nên” và “không nên” khi ra quyết định.

3. 1. Những điều “nên”.

Trung thực trong việc xác định và đánh giá vấn đề

Chấp nhận trách nhiệm cho các quyết định trong cuộc sống của mình

Sử dụng thời gian một cách khôn ngoan khi bạn quyết định – Sử dụng tối đa thời gian mà bạn cần để không tạo thêm vấn đề mới

Có sự tự tin trong khả năng đưa ra quyết định của mình – và khả năng học hỏi từ những sai lầm của bạn nữa.

3. 2. Những điều “không nên”

Không nên có những mong muốn không thực tế cho bản thân bạn – chắc chắn sớm hay muộn bạn cũng sẽ có quyết định sai

Không nên vội vàng quyết định, trừ khi thật cần thiết. Cần tuân thủ theo 4 bước khi đưa ra quyết định .

Không nên làm những điều mà “làm cũng được, không làm cũng chẳng sao”.

Không lên lừa gạt bản thân mình bằng cách chọn những giải pháp dễ dàng và thuận lợi – nhưng không giải quyết được vấn đề.

Không nên né tránh, chần chừ khi cần ra quyết định. Bạn hãy dũng cảm ra quyết định cho bản thân và chịu trách nhiệm trước quyết định ấy. Không làm điều gì, không quyết định được một vấn đề gì… không phải là người “khôn ngoan” mà là người “chậm chạp”.

Ghi nhớ: Đưa ra quyết định thì dễ – Nhưng để đưa ra quyết định đúng yêu cầu phải có kiến thức và kỹ năng.

Mời bạn hãy đọc kĩ tình huống sau để hiểu rõ hơn về kĩ năng ra quyết định:

Huy là học sinh lớp 5. Huy có một người bạn thân tên là Hoàng đang học lớp 7. Hàng ngày hai bạn thường đi chơi, học nhóm cùng nhau. Bố mẹ Huy rất quý Hoàng vì thấy Huy và Hoàng thân thiết như hai anh em một nhà.

Một hôm Hoàng đưa cho Huy điếu thuốc lá và bảo : « Là con trai phải bíêt hút thuốc lá, nếu không thì là con gái ». Tuy rất nể Hoàng, nhưng Huy cũng đắn đo suy nghĩ, bởi Huy biết hút thuốc lá rất có hại cho sức khoẻ. Huy muốn từ chối, nhưng lại sợ Hoàng phật lòng. Chính Hoàng đã kèm cặp cho Huy từ một học sinh kém về môn Toán trở thành học sinh giỏi. Chính Hoàng đã dẫn dắt Huy tham gia đội bóng đá của trường và bảo vệ Huy khi có một số bạn lớn tuổi bắt nạt. Càng nghĩ, Huy càng khó quyết định.

Rồi Huy đem câu chuyện này hỏi Lan, một bạn gái thân học cùng lớp của Huy. Lan nói : « Thuốc lá không làm cậu trở thành con trai đâu. Có bao nhiêu người thanh niên trưởng thành, học giỏi, họ có hút thuốc đâu mà vẫn được mọi người yêu mến, kính trọng. Cậu chớ thử, lỡ may thành nghiện thì chết ».

Sau khi nhận được lời khuyên như vậy Huy đã quyết định sẽ không thử hút thuốc lá, cho dù Hoàng có giận hay không chơi với Huy chăng nữa. Huy cảm thấy thật thoải mái và tự tin hơn khi đã nói KHÔNG với thuốc lá.

Sau đây là câu hỏi dành cho bạn:

·        Hãy thử đặt bạn vào tình huống của  Huy, bạn sẽ làm gì?

·        Bạn có cân nhắc kĩ trước khi đi đến quyết định của mình không?

·        Với mỗi phương án giải quyết (hút hoặc từ chối) bạn có cân nhắc và lường trước các kết quả và hậu quả của nó không?

·        Khi cảm thấy mình chưa tự tin trong quyết định của mình, bạn có cảm thấy thoải mái và tự tin khi tham khảo ý kiến từ những người khác không?

Nếu những câu hỏi trên trả lời là có thì bạn có thể yên tâm trong các quyết định của mình.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro