Phần 1: Tự tình

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Hồ Xuân Hương là một trong nhiều nhà thơ lớn của dân tộc và được mệnh danh là "Bà chúa thơ Nôm". Bà là người đa tình, đa tài, tính cách phóng khoáng, giao thiệp nhiều nhưng tiếc thay đường tình duyên lại lận đận, trắc trở. Từ những cảm xúc đau buồn, phẫn uất về chuyện tình cảm không mấy thuận lợi ấy, chùm thơ "Tự tình" đã ra đời. Nổi bật trong chùm thơ là bài thơ "Tự tình" (bài II). Ta cảm nhận được ở đó nhiều nét tâm trạng của Hồ Xuân Hương, có cô đơn buồn tủi, gắng gượng trước duyên phận éo le và khát vọng sống, khát vọng hạnh phúc, bình yên.

Hồ Xuân Hương là một hiện tượng rất độc đáo trong lịch sử văn học Việt Nam: nhà thơ phụ nữ viết về phụ nữ, trào phúng mà trữ tình, đậm đà chất văn học dân gian từ đề tài, cảm hứng đến ngôn ngữ, hình tượng. Hồ Xuân Hương đã để lại cả một kho tàng cho đời sau với khoảng trên dưới 40 tác phẩm viết bằng cả chữ Hán và chữ Nôm. "Tự tình" (bài II) là một trong nhiều những tác phẩm xuất sắc của bà, được viết theo thể thất ngôn bát cú Đường luật, thể hiện một tài năng văn chương hiếm có và độc đáo.

Bốn câu thơ mở đầu tác phẩm là hình ảnh người phụ nữ đang đối diện với cái yên ắng, lạnh lùng của đêm khuya rồi tự đau xót cho cảnh ngộ trắc trở, éo le của chính mình:

"Đêm khuya văng vẳng trống canh dồn,
Trơ cái hồng nhan với nước non.
Chén rượu hương đưa say lại tỉnh,
Vầng trăng bóng xế khuyết chưa tròn."

"Tình là gì ai biết không? Tình là vầng dương, tình là ngàn sao hay tình chỉ là vầng trăng khuyết?", câu hát vang lên bằng một câu hỏi tu từ hỏi đời rằng trên thế gian còn gì hạnh phúc bằng tình yêu hay có gì làm lòng người đau khổ bằng thất bại trong tình cảm, nỗi đau khổ đó không chỉ làm bão giông trong bao trái tim người đời mà trong đó có cả trái tim Hồ Xuân Hương, nỗi cô đơn đã dằn vặt làm thao thức tác giả trong cái yên ắng và lạnh lùng của đêm khuya. Tiếng trống canh văng vẳng từ một chòi canh xa vọng đến báo hiệu nửa đêm, và mỗi lúc một dồn dập hơn từ xa đến gần. Đây là nghệ thuật lấy động tả tĩnh, thể hiện cái bước đi liên tục, gấp gáp, vội vã của thời gian, con người cảm nhận như thời gian đang hối thúc mình. Tiếng trống canh làm tâm trạng của con người rối bời, chất chứa nỗi niềm bất an, để rồi nhờ nó con người đối diện được với chính mình, được là chính mình với niềm cảm xúc chân thực nhất.

Trong cái tĩnh mịch u buồn của đêm giá lạnh, tiếng trống canh như làm thời gian trôi nhanh hơn theo từng khoảnh khắc và rút ngắn tuổi đời của một người phụ nữ "hồng nhan" nhưng "trơ" đi trước cuộc đời, trước cảnh vật tựa như gỗ đá mất hết cảm giác vì bao nỗi phiền muộn đợi chờ một thứ hạnh phúc mong manh. Giọng thơ trĩu xuống tăng thêm nỗi chán chường đang bủa vây nhân vật. Cách sử dụng đảo ngữ "trơ" giúp nhấn mạnh thêm cảm xúc bẽ bàng, tủi hổ của nhân vật trữ tình. Ngoài ra khi được đặt trong thời gian đêm khuya, "trơ" còn có ý nghĩa giống như sự cô độc, trơ trọi và lẻ loi cùng cực. Nhưng không có nghĩa là tác giả đã gục ngã. Từ "trơ" còn thể hiện đầy ẩn ý sự bền gan, ngang tàng, thách thức của người phụ nữ đã chai sạn giữa sóng gió cuộc đời.

Dù "cái" đi với "hồng nhan" gợi nên sự rẻ rúng, coi thường, và có gì đó như chua xót về thân phận hồng nhan nhưng Hồ Xuân Hương vẫn không ngần ngại nâng cao vị thế của người phụ nữ khi "cái hồng nhan" được đặt trong mối tương quan với "nước non" một cách táo bạo. Khi nhắc đến "nước non", người ta thường nghĩ đến những gì cao cả, lớn lao và phi thường. Nên khi đặt "cái hồng nhan" với "nước non", tác giả muốn khẳng định, tôn vinh tầm vóc của người phụ nữ, khao khát được bứt phá khỏi cái lồng chật hẹp đang giam cầm, ngăn cản phụ nữ được thể hiện bản lĩnh của mình.

Tiếng thở dài ngao ngán và ý nguyện muốn thoát khỏi nỗi sầu muộn dấy lên trong lòng nhưng cuối cùng cũng rơi vào bế tắc, dường như nghịch cảnh không buông tha cho người phụ nữ ấy, cảm xúc bi thương lại bị đẩy cao lên hơn nữa. Tác giả mượn rượu để quên đi nhưng lại càng nhớ:

"Chén rượu hương đưa say lại tỉnh,"

"Chén rượu hương đưa" chỉ việc tác giả cầm chén rượu hững hờ trên tay mặc cho hương nồng của rượu phả vào mặt, xộc vào mũi. Tác giả mong rượu có thể giải tỏa hộ nỗi lòng của mình, mong cơn say mau tìm đến để đưa người đến một nơi yên bình, dù trong thời gian ngắn ngủi cũng đỡ hơn khi phải một mình đối diện nỗi cô đơn đang giày xéo tâm can. Nhưng chẳng hiểu sao cứ "say lại tỉnh", cứ chập chờn chập chờn, mơ hồ trong cái vòng lẩn quẩn. Thời gian thì cứ trôi, tác giả lúc tỉnh thì nhận ra cái éo le của cuộc đời, lúc say thì chìm vào cơn mê để quên đi bao tuyệt vọng. Mong mỏi phút giây có thể gạt tất cả qua một bên để sống với những khao khát của chính mình, nhưng mong ước bé nhỏ ấy cũng bị cuốn phăng đi vô tình. Nỗi buồn tủi xâm chiếm, bao đêm dài thao thức đợi chờ nhưng vô vọng, chờ nhiều đợi nhiều mà hạnh phúc chẳng bao nhiêu trong khi cái xuân thì ngày càng rời xa.

"Vầng trăng bóng xế khuyết chưa tròn."

Vầng trăng đã từng xuất hiện để làm chứng nhân cho bao cuộc tình, mà sao khi tác giả thấy trăng thì lại không được tròn đầy mà lại là hình ảnh khuyết đối lập? Phải chăng cuộc tình này cũng thế, chẳng bao giờ có một cái kết trọn vẹn? Bên cạnh việc miêu tả thiên nhiên, "vầng trăng" có ý nghĩa chỉ duyên phận của người phụ nữ, "bóng xế" là muộn màng, là đã qua thời kì viên mãn, mà sao vầng trăng ấy vẫn khuyết, vẫn chưa được trọn vẹn, tròn đầy? Đến khi nào thì hạnh phúc mới trong tầm tay. Và bao lâu nữa thì nỗi cô đơn này thôi xuất hiện làm xót lòng? Tác giả khao khát và mong chờ tình duyên được trọn vẹn dù đã không còn trẻ, nỗi niềm đó nhân lên theo ngày tháng, nhưng càng hi vọng thì càng đau khổ, bi kịch có bao giờ kết thúc cho những người phụ nữ đã quá lứa lỡ thì. Bằng những biện pháp tu từ đặc sắc cùng tiếng thở dài ngao ngán về bi kịch trong tình yêu, bốn câu thơ mở đầu khiến không chỉ nhân vật mà độc giả cũng phải chua xót thay cho số phận người phụ nữ tài hoa, bạc phận, trước bi kịch của số phận, người phụ nữ ấy cũng tự chua xót cho chính mình, chịu đựng bao vùi dập của cái xã hội đầy bất công thị phi ngang trái.

Nỗi buồn dâng đầy trong lòng rồi lan tỏa ra không gian khắp bốn bề, khẽ đưa mắt nhìn ra khoảng trống trước mặt, những hình ảnh thiên nhiên đập vào mắt và như hòa vào tâm trạng nhuốm nỗi buồn phiền của tác giả. Mượn ngoại cảnh, tác giả đã nói lên được ý chí, khát vọng của mình:

"Xiên ngang mặt đất, rêu từng đám,
Đâm toạc chân mây, đá mấy hòn."

Câu thơ tả cảnh với cấu trúc tương phản, hình ảnh những đám "rêu" bé nhỏ yếu ớt với sức mạnh "xiên ngang" cả lớp đất dày để vươn lên với sức sống mãnh liệt, hay "đá mấy hòn" nhưng lại có khả năng "đâm toạc" chân mây trước mắt. Thái độ phản ứng mạnh mẽ trước duyên tình lận đận thể hiện qua cả giọng thơ ngang ngạnh phản kháng và ấm ức. Thiên nhiên trong mắt nhà thơ tiềm ẩn một sức sống bị đè nén và đang vươn lên mãnh liệt. Ta thấy rõ được tác dụng của nghệ thuật tả cảnh ngụ tình ở hai câu thơ này, dường như có một điểm giống nhau giữa tâm hồn thơ và những hình ảnh thiên nhiên ấy. Rêu và đá bé nhỏ là thế nhưng chúng giống nhau ở sức sống mạnh mẽ vô cùng, và nhà thơ cũng vậy. Dù trong hoàn cảnh xót xa nhưng tâm hồn lúc nào cũng tràn đầy một niềm hy vọng, bi kịch dẫu đắng cay nhưng bằng cả nghị lực tác giả vẫn cố gắng mong chờ vượt được qua để đến bến bờ bình yên cho mình. Hai câu thơ ẩn dụ khát vọng rất lớn không chỉ của riêng Hồ Xuân Hương mà là tiếng lòng chung của bao số phận hồng nhan hẩm hiu về một cuộc đời hạnh phúc hơn, dâng tràn trong họ là tất cả hy vọng, mong chờ bằng cả niềm tin dù bao nghịch cảnh.

Nhưng đáng buồn thay vòng xoay cuộc đời một lần nữa làm người rơi vào bế tắc, dù có cố gắng đến thế nào, thực tế luôn phủ nhận con người. Hai câu thơ cuối là tâm trạng chán chường, buồn tủi, bất lực tột cùng:

"Ngán nỗi xuân đi xuân lại lại,
Mảnh tình san sẻ tí con con."

Từ "ngán" gợi tả tâm trạng chán nản, ngán ngẩm, không muốn làm gì hơn nữa. Từ "xuân" mang hai nghĩa, vùa là "mùa xuân" vừa là "tuổi xuân". Từ "lại lại" là hai từ đồng âm nhưng khác nghĩa. Từ "lại" thứ nhất nghĩa là thêm lần nữa, từ "lại" thứ hai nghĩa là trở lại. Mùa xuân của đất trời đi qua rồi trở lại với nguồn sống mới, sắc màu mới. Còn mùa xuân đời người một lần đi qua thì mãi mãi không bao giờ trở lại. Nhận ra nghịch lí ấy, nữ sĩ buồn đến tan nát tâm can. Cũng có thể hiểu ý thơ theo một nghĩa khác. Biết bao mùa xuân đã đi qua, nhưng cuộc đời không có gì đổi mới. Hồ Xuân Hương vẫn thân phận ấy, vẫn nỗi buồn ấy kéo dài hết mùa xuân này đến mùa xuân khác. Ẩn sâu trong những dòng thơ này là tiếng nói lên khao hạnh phúc tình yêu - một tình yêu nồng thắm, một hạnh phúc trọn vẹn, đủ đầy, là tiếng nói phản kháng lại cái chế độ phong kiến với những ràng buộc bất công, khắt khe đối với thân phận người phụ nữ mà Hồ Xuân Hương đã âm thầm gửi gắm trong những vần thơ tự thán này.

Bài thơ đã thành công với những nghệ thuật đặc sắc: Sử dụng từ ngữ, hình ảnh giàu sức tạo hình, giàu giá trị biểu cảm, đa nghĩa: "vầng trăng", "cái hồng nhan", "rêu", "đá"; đảo ngữ và các động từ mạnh: "trơ", "xiên ngang", "đâm toạc"; nghệ thuật đối tài tình, lấy động tả tĩnh, tả cảnh ngụ tình. Qua đó, bài thơ đã thể hiện được diễn biến tâm trạng của nhân vật trữ tình, cho độc giả cảm nhận được khát vọng sống và khát vọng tình yêu đôi lứa trọn vẹn, đủ đầy của người phụ nữ trong xã hội phong kiến, chính điều đó đã tạo nên được giá trị nhân đạo sâu sắc cho tác phẩm.

Đọc "Tự tình" là thấu hiểu được tâm sự ẩn chứa bi kịch của Hồ Xuân Hương. Một nhân cách luôn khao khát hạnh phúc, là một tâm hồn tràn đầy sức sống, yêu đời lại bắt gặp toàn những dở dang, bất hạnh, điều đó tạo nên trong thơ bà có khi là một tiếng thở dài. Một tiếng thở dài đáng quý của một người có hoài bão nhưng không thể thực hiện được, trách nhiệm là ở phía xã hội phong kiến, một xã hội mà hạnh phúc riêng đã đối lập thật gay gắt với cơ cấu xã hội chung. Trong chiều hướng ấy, "Tự tình" là một bài thơ đòi quyền hạnh phúc, một lời phản kháng độc đáo chứa chan tiếng nói bênh vực của người phụ nữ, tạo được sự thấu hiểu, đồng cảm với những cảnh ngộ éo le, trắc trở.
...

Bài này chuẩn thì phải có bốn luận điểm cho bốn phần Đề - Thực - Luận - Kết. 4 câu đầu mình thấy na ná nhau mà tách ra thì đau đầu quá nên thôi, he.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro