Review #10

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Anh có thích nước Mỹ không? đây tựa hồ như câu hỏi của nữ chính, mang ý thăm dò. Cũng đúng thôi, sau 2 cuộc chia tay, Trịnh Vi bắt đầu 'dè chừng' nước Mỹ hơn. Nhưng sự thật là suốt mạch truyện, cô không hề hỏi đối phương mà dường như cô tự vấn mình "Nước Mỹ có gì hay ho mà từ Lâm Tĩnh đến Trần Hiếu Chính đều sang đó"

Trịnh Vi không quá xinh đẹp nhưng đủ thông minh, sắc sảo. Lâm Tĩnh tài năng xuất chúng, tướng mạo hơn người. Từ bé, cô đã bám lấy anh, hứa chắc nịch sau này sẽ cưới anh làm chồng. Ngày đặt chân đến nơi anh học, Trịnh Vi đã muốn hét thật to với lòng mình "Cuối cùng thì em đã đến, Lâm Tĩnh!". Thế nhưng chàng trai sau này là Viện phó viện kiểm sát lại bặt vô âm tính! Nhập học được một tuần, gọi điện đến lần thứ 3 nhưng Lâm Tĩnh vẫn chưa xuất đầu lộ diện, để Diệp Tiểu Phi Long cô buồn bã như hoa sắp tàn. Lời hứa "Anh sẽ đợi em" của Lâm Tĩnh đã biến Trịnh Vi thành đứa ngốc trong mắt bạn bè; ngồi cạnh điện thoại mong tin tức, luôn mồm nhắc đến chàng trai đã gắn bó với mình suốt 17 năm rồi nhận lại ánh nhìn như muốn hỏi "Chàng trai cậu nói ấy, rốt cuộc có tồn tại hay không?".

Như tiếng súng nổ, mẹ cô báo tin "Bố mẹ sắp ly hôn". Giữa bao thắc mắc vì sao Lâm Tĩnh tránh mặt mình, Trịnh Vi nhanh chóng trở về nhà. Thế là cô biết nguyên nhân vì sao chàng bạch mã hoàng tử của mình bỗng như bong bóng xà phòng tan vào không khí. Chuyện người lớn đã ảnh hưởng đến con trẻ, hoặc có hoặc không. Biết đâu vì không chấp nhận được việc mẹ của Trịnh Vi qua lại với bố mình mà Lâm Tĩnh mới đi Mỹ học, cũng biết đâu được đó là quyết định ban đầu của anh. Nhưng phần nhiều có lẽ, khi bắt gặp nụ cười trên môi của mẹ Trịnh Vi lúc đi chung với bố mình, tuổi thanh xuân của Lâm Tĩnh đã dừng lại ở đó; anh ra đi để khởi chạy lại thời tươi trẻ của mình... Bẵng một thời gian Vi Vi cũng quên được phần nào bóng dáng Lâm Tĩnh; đó là khi tình yêu mới bắt đầu – với Trần Hiếu Chính.

Có rất nhiều chuyện đã xảy ra trong suốt thời gian Hiếu Chính ở bên cạnh Trịnh Vi. Người đã xoá tan đêm đen của cô là anh. Người mang lại cho cô hạnh phúc là anh. Người thay thế Lâm Tĩnh trong lòng cô là anh... Nhưng chính anh là người một lần nữa sát muối vào trái tim cô, cùng một lí do – Nước Mỹ! Có lẽ, giữa Trịnh Vi và nước Mỹ có nghiệt duyên, đất nước ấy lần lượt 'bắt cóc' hai người đàn ông cô yêu. Trớ trêu thật!

Điều tôi chú ý nhất về nhân vật Trần Hiếu Chính là ở sự cương trực và nghiêm túc của anh. Dường như Tân Di Ổ đã xây thành đắp luỹ cho anh ta, hoặc đã trang bị cho anh ta một môi trường cực lạnh xung quanh để không ai quấy rầy. Gia đình nề nếp, Trần Hiếu Chính tuân thủ thời gian biểu một cách đáng sợ. Sáng học, trưa học, chiều cũng học [hãy giúp Đậu Hũ chăm học như vậy đi T~T]. Giữa bộn bề bài vở, Trần Hiếu Chính vẫn nhận công việc làm thêm, làm mô hình kiến trúc. Đây không hẳn là một công việc, nó mang lại một khoản thu nhập nhưng phần nhiều giúp cho tài năng của anh thêm toả sáng – một kiến trúc sư tài năng. Rồi cuộc sống bình yên ấy cũng bị phá vỡ, khi Trịnh Vi xuất hiện. Không nói chắc bạn cũng đoán được, Trần Hiếu Chính quyết sống quyết chết không dây dưa với cô nàng. Nhưng quả quýt dày ắt có móng tay nhọn, Vi Vi gan lì hơn cả anh. Đeo bám suốt một thời gian, họ trở thành người yêu. Nồng thắm một thời gian, Hiếu Chính nhận học bổng sang Mỹ.

Khi bên cạnh không có tình yêu (nam nữ), Trịnh Vi vẫn còn bạn bè! Nguyễn Quản ở chung phòng kí túc với Trịnh Vi là một đoá sen thanh khiết, toả hương thơm ngát. Từ lúc Vi Vi mới nhập học đau khổ vì chuyện của Lâm Tĩnh đến khi bắt đầu quen Hiếu Chính rồi lúc anh đi Mỹ mà bắt-cô-chờ, Nguyễn Nguyễn vẫn lặng lẽ quan sát. Đôi lúc họ có giận dỗi nhưng là đời sinh viên, ai chẳng một hai lần cãi vặt. Nhăng xị lên rồi quên ngay. Những lúc Vi Vi suy sụp, Nguyễn Nguyễn đã an ủi và vực dậy tinh thần cho cô bạn. Lúc Nguyễn Nguyễn cần người tâm sự, Vi Vi là người ngồi bên lắng nghe... Nhờ đám cưới của Nguyễn Nguyễn mà Trịnh Vi gặp lại Lâm Tĩnh, hoặc đó chỉ là một màn kịch do người đàn ông kia tạo ra. Tân Di Ổ đã đưa những triết lí sống của mình vào nhân vật Nguyễn Quản, những lời cô nói, những sự việc liên quan đến cô và cả cái chết đáng thương ấy! Nguyễn Nguyễn như bắt người đọc phải nhìn ra một sự thật, đôi khi mong muốn một cuộc đời bình yên không hề đơn giản.

Cái chết của Nguyễn Quản mang rất nhiều giá trị đối với người đọc. Đó là sự yếu mềm của người phụ nữ trước tình yêu, là sự nhu nhược của một tên đàn ông bám váy mẹ hay là sự an bài của số phận. Nếu không vì chuyến đi đó, cô gái này sẽ không chết. Bù lại, tuổi thanh xuân của cô sẽ trẻ mãi, nó dừng lại ở đó, không tiến không lùi.

Lại quay lại với cốt truyện, Anh có thích nước Mỹ không? là ngôn tình nhưng không lãng mạn quá! Tình yêu sẽ có trắc trở, con người sẽ lừa dối nhau, tình đầu chẳng phải tình cuối... Cái thành công của Tân Di Ổ là tạo được không khí trầm ổn bao lấy cả truyện. Vẫn có cao trào, có giải quyết... nhưng không làm người ta phải dựng tóc gáy hay mùi mẫn sướt mướt đến trào nước mắt.

Anh có thích nước Mỹ không? được Triệu Vi chuyển thể thành phim, vừa công chiếu cách đây không lâu. Nói là chuyển thể nhưng thực chất rất nhiều tình tiết bị thay đổi hoặc cắt bỏ. Việc không thể dựng lại hoàn toàn từ nguyên bản là đương nhiên nhưng "Gửi thời thanh xuân" đã biến tấu khác hẳn truyện ta được đọc. Vì thế nên dùng từ "base on" thì hợp và đúng hơn. Dù sao cũng đáng để xem đấy!

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro