BÍ MẬT XỨ HOA VÀNG 7

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng


Hồi 12: MIẾU CÁO ÂM U

Vậy là ít nhất chúng tôi cũng có một chút thông tin. Nhưng thông tin đó có phải là manh mối của toàn bộ sự việc không thì không ai dám chắc. Thống trầm ngâm như thế đang đánh giá lại toàn bộ câu chuyện, rồi cậu ta cất giọng:
- Nếu nhưng thông tin của Kèo cung cấp cho chúng ta là đúng thì ông Khang hẳn là hậu duệ của các chúa Nguyễn. Sau khi dẹp được Tây Sơn thống nhất đất nước các chúa Nguyễn cho định đô ở Phú Xuân, chính là Huế ngày nay. Từ đó về sau Huế được coi là quê hương của vương triều Nguyễn. Con cháu nhà Nguyễn sau này cũng đều lấy Huế làm quê. Và còn điều nữa dễ nhận ra đó là tên của họ thường bắt đầu bởi hai chữ Nguyễn Phúc.

Không có ai phản đối lập luận của Thống. Điều này nhiều người cũng đều biết. Rất có thể ông ta là hậu duệ xa xôi của vương triều phong kiến cuối cùng trong lịch sử Việt Nam. Lịch sử đã thay đổi. Cùng với bao thăng trầm của đất nước, triều Nguyễn nay đã không còn. Ông ta cũng sẽ chỉ là một công dân bình thường của nước Việt Nam. Nếu vi phạm Pháp luật cũng sẽ phải chịu xử lý như bao người khác. Vấn đề là liệu ông ta có vi phạm Pháp luật không ?

- Cho dù ông đúng là con cháu của các chúa Nguyễn, thì chúng ta cũng đâu có thế nói rằng ông ta liên quan đến nhưng câu chuyện kỳ bí này. Lại càng không thể nói là ông ta vi phạm Pháp luật. – Tôi nói.
- Đúng vậy. – Thống trả lời. – Chuyện này không nên nói cho ông Ba Nha hay Kèo biết, để mấy anh em trong đội quan sát, dò hỏi một thời gian nữa xem sao. Ông ta hiện giờ cũng không có mặt ở đây. Đợi ông ta về nhà có lẽ chúng ta sẽ biết thêm nhiều tin tức hơn. 

Tôi đồng ý với ý kiến của Thống. Cậu ta luôn là người biết suy nghĩ thấu đáo nhất trong đội. Khi mọi sự vẫn chưa rõ ràng thì quyết không thể manh động, tránh "bứt dây động rừng". Dù sao thì ở tình thế hiện tại chúng tôi vẫn còn đang ở ngoài ánh sáng còn đối phương ở trong tối. Đó là điểm bất lợi đối với cả đội. Cách tốt nhất vào thời điểm này là bề ngoài vẫn phải làm việc bình thường, nhưng bên trong thì ngấm ngầm điều tra, truy xét chân tướng sự việc. Đó chính là vận dụng kế sách "Minh tu san đạo. ám độ Trần Thương" của người xưa.

Trầm ngâm suy tư một lúc, bất chợt Thống cất tiếng:
- Còn một điểm nghi hoặc cuối cùng nữa chúng ta vẫn cần phải tra xét. Chúng ta đã bỏ xót nơi này. Đáng lẽ ra phải nghĩ đến nơi đó đầu tiên.
- Còn chỗ nào cần phải xem xét nữa vậy? – Bằng tò mò hỏi.
- Chính là ngôi miếu Cáo nằm sâu trên núi mà ông trưởng thôn đã nhắc đến. – Thống vừa nói vừa chỉ vào ngọn núi ẩn trong cánh rừng rậm phía xa xa.
- Liệu có gì bí ẩn ở trong ngôi miếu đó hay sao? – Tôi hỏi. – Nghe ông trưởng thôn nói là ngôi miếu đã bị hư hỏng và trở thành hoang phế. Từ rất lâu rồi đã không có ai lên đó thắp hương nữa.
- Nhưng mọi người thử ngẫm lại xem. – Thống đáp lời tôi. – Mọi chuyện xảy ra với chúng ta dường như đều có liên quan đến con Hồ Ly tinh đó. Liệu có ngôi miếu thật không? Nếu có ngôi miếu thì có đúng là miếu thờ con Hồ ly đó không ? Chúng ta mới chỉ nghe nói chứ không biết chính xác chân tướng ngôi miếu. Hơn nữa, con Hồ ly đó đã mấy phen mò đến tận nhà chúng ta, giờ đã đến phải phản công. Đã đến lúc chúng ta phải đến nhà của nó. Cần phải chủ động để xoay chuyển cuộc thế, "phản khách vi chủ".
- Vậy ngay ngày mai chúng ta sẽ xuất kích lên ngôi miếu hoang đó. – Bằng nói với một giọng cương quyết.
- ĐƯỢC !. – Gần như không ai bảo ai, cả đội chúng tôi cùng thốt lên câu đó.

Sáng sớm ngày hôm sau, cả đội nam chúng tôi dậy sớm hơn thường lệ. Trời vẫn còn chưa sáng hẳn. Cái lạnh đặc trưng của ban đêm trên cao nguyên vẫn len lỏi trong da thịt. Tôi khoác một chiếc áo thể thao rồi nhẹ nhàng xuống dưới nhà Rông ngồi cùng đội. Đội nữ vẫn đang chìm trong giấc ngủ. Chúng tôi cũng không muốn đánh thức họ sớm. Xuống đến nhà dưới tôi đã thấy những tô mỳ tôm thơm phức đã được bưng lên. Thì ra là Hiệp và Tùng dậy sớm nhất nên đã chủ động nấu mỳ cho các anh em. Còn gì thú vị bằng được thưởng thức một tô mỳ nóng trong một buổi sớm tinh mơ se lạnh trên bản làng Tây Nguyên hùng vĩ.

Ngồi quây lại một góc, chúng tôi vừa ăn vừa bàn chuyện cần phải làm trong ngày hôm nay. Vẫn như mọi khi, chúng tôi im lặng để chờ đội trưởng Thống lên tiếng trước.

- Ngày hôm nay chúng ta sẽ đi thăm dò ngôi miếu Hồ ly trên núi. Nhưng để tránh làm to chuyện chúng ta vẫn phải duy trì hoạt động như mọi ngày. Đội nữ vẫn đi dạy học. Còn đội Nam vẫn phải để hai người ở lại đi làm phụ đám thanh niên trong bản sửa nhà cho mấy hộ nghèo. Vậy Tùng, Hiệp và Bằng sẽ ở lại. Còn em và thầy sẽ đi lên núi.

Ngừng lại một chút đợi xem có ai có ý kiến gì không, rồi Thống lại tiếp:
- Nếu có ai hỏi thì các cậu cứ nói là tôi phải đưa thầy xuống thị trấn có chút việc. Các cậu đi làm nhưng nhớ để ý điện thoại, nếu có sự tình gì quan trọng tôi sẽ liên lạc ngay.
- Được, vậy cứ làm như thế đi. – Bằng trả lời, rồi cậu ta quay sang tôi và Thống. – Giờ này vẫn còn sớm, chưa có nhiều người đi lại. Vậy nên thầy và Thống cũng nên đi sớm để tránh mọi người nhìn thấy hai người đi lên rừng. 

Thống gật đầu, rồi lấy cho tôi một đôi găng tay đi rừng và một con dao quắm. Tôi hiểu rằng chuyến đi này chúng tôi sẽ phải tiến sâu vào rừng. Con dao quắm này vừa dùng để phạt cây rừng mở lối, vừa có thể làm vũ khí tự vệ khi cần thiết. Tùng cũng đã chuẩn bị cho hai chúng tôi một chiếc balo trong có đựng vài chai nước, hai cái đèn pin, một ít bánh và lương khô.
- Hôm nay tiến vào sâu trong rừng nên có thể sẽ phải ở đó cả ngày. Thầy và Thống cầm ít đồ ăn và nước uống này đi. Nước suối trên rừng có nhiều lá cây rụng xuống, có một vài loại cây có độc nên không thể tùy tiện uống được.

Trời vẫn còn nhá nhem tối. Sương mù của buổi sáng sớm vẫn còn dày, bay là là trong không trung. Tôi và Thống chia tay đội rồi một mạch rảo bước thẳng vào khu rừng trước mặt. Tôi vội liếc nhìn đồng hồ. Lúc đó đã hơn 4h30' sáng.

Theo lời của ông Ba Nha kể, ngôi miếu nằm ở trên đỉnh của ngọn núi, phía thượng nguồn của con suối. Chúng tôi chỉ cần bám theo con suối đi ngược lên phía trên, hy vọng là có thể tìm được dấu vết của ngôi miếu. Tranh thủ trời vẫn còn chưa sáng hẳn, tôi và Thống đi thẳng lên hướng con suối. Men theo bờ suối, chúng tôi ngược lên phía thượng nguồn.

Càng đi sâu và khu rừng, cây cối càng trở nên rậm rạp. Con đường càng trở nên khó đi hơn. Thỉnh thoảng tôi và Thống phải dừng lại dùng dao phát quang cây cối để lấy đường đi. Hướng về phía thượng nguồn con suối, gió thổi từng cơn mang theo hơi lạnh và ẩm ướt của khu rừng. Thi thoảng có những trận gió to thổi qua. Cả cánh rừng chợt trở nên lay động, lá cây xào xạc. Từng tán lá, cành cây trên đầu chúng tôi như những cánh tay đen trũi, ma mị vẫy vẫy trước gió. Tiếng nước suối chảy vẫn róc rách bên tai. Có lẽ chỉ có những người đi rừng mới có thể cảm nhận hết được sự âm u và huyền bí của cánh rừng đại ngàn. Đứng trước mẹ thiên nhiên hùng vĩ, con người sẽ cảm nhận được rằng mình bé nhỏ như thế nào.

Đi khoảng hơn ba tiếng đồng hồ chúng tôi đã lên được đến phía thượng nguồn. Nơi này là đỉnh của ngọn núi nên địa hình bằng phẳng hơn. Cây cối cũng không còn rậm rạp. Không gian trở nên quang đãng và bao la. Nhưng gió núi thổi ngày càng mạnh, ù ù từng cơn như muốn bốc con người ta lên mà quăng vào không trung. Lúc này trời đã sáng tỏ, tôi phóng tầm mắt nhìn ra phía xung quanh. Cảnh vật ở đây thật hùng vĩ. Đứng trên đỉnh núi nhìn ra phía xa xa chỉ thấy một dải núi rừng trùng điệp một màu xanh ngắt.

Giữa mùa hè nhưng đứng ở nơi đây tôi cảm thấy hơi lạnh. Lạnh vì gió núi hay lạnh người trước sự hùng tráng và kỳ bí của núi rừng nơi đây, chính bản thân tôi cũng không rõ. Thống vẫn đi trước tôi, phần là để mở đường và phần cũng là để xác định được phương hướng. Cậu ta vốn sinh trưởng trên mảnh đất Tây Nguyên nên cũng đã từng đi lại nhiều lần trong rừng núi. Nên việc xác định phương hướng, cậu ta nắm rõ hơn tôi. Còn với tôi đây mới chỉ là lần đâu tiên mò mẫm trong một khu rừng nguyên sinh rậm rạp.

Những người đi rừng có kinh nghiệm vốn không cần dùng đến la bàn để định vị. Khi đi ban ngày người ta có thể dùng mặt trời để định vị. Vào buổi tối họ thường quan sát sao trời để xác định phương hướng. Nhưng những người kinh nghiệm nhất còn có thể căn cứ vào thời gian trong năm để xác định hướng gió. Mỗi một thời điểm khác nhau trong năm sẽ có những đợt gió khác nhau, giống như là mùa đông ngoài bắc có gió mùa Đông Bắc, mùa hè ở duyên hải có gió Đông, còn ở miền trung thì đón gió Lào thổi từ phía tây tới. Thống cũng là một người như vậy. Cậu ta có được một cảm nhận rất nhạy bén về không gian và thời gian. Cậu ta luôn mẫn cảm với môi trường tự nhiên. Chỉ cần một sự thay đổi nhỏ như nhiệt độ, độ ẩm, hướng gió ... cậu ta cũng có thể biết được. Thống có một biệt tài khá lạ. Cậu ta không bao giờ đeo đồng hồ nhưng vào bất kỳ thời điểm nào trong ngày cậu ta cũng có thể nói được chính xác mấy giờ, sai lệch chỉ trong vài ba phút. Khi bước ra khỏi nhà đi đâu, cậu ta luôn xác định được chính xác hướng đi của mình. Nếu một lúc nào đó chúng ta bước chân ra khỏi nhà và đến một địa điểm nào đó. Liệu chúng ta có thể nói được nơi đó nằm ở hướng Đông Bắc hay Tây Nam so với ngôi nhà của chúng ta ?

Chúng tôi chọn một phiến đá lớn trên đỉnh núi để ngồi nghỉ. Ba giờ đi bộ đối với Thống là điều bình thường, nhưng đối với tôi lại là cả một kỳ tích. Nhân lúc nghỉ ngơi tôi mới có dịp quan sát địa thế khu vực xung quanh. Đỉnh ngọn núi này rộng lớn hơn tôi nghĩ rất nhiều. Xung quanh đỉnh núi bao phủ bởi những loài cây bụi nhỏ chỉ cao tầm đến ngực, nhưng mọc rất dày đặc. Đó hẳn là những khóm cây bụi. Giống cây này thường mọc trên đỉnh núi, nơi phải đón nhiều nắng và gió. Chúng tuy không cao lớn như những cây thân gỗ mọc ở chân và sườn núi nhưng lại có một sức sống rất mãnh liệt và dẻo dai .

Ngồi nghỉ một lúc, dường như đã lấy lại được sức lực, Thống đứng dậy quay sang nói với tôi:
- Thầy ngồi nghỉ ngơi một chút. Em đi tìm kiếm xung quanh xem có dấu vết gì của ngôi miếu không. Theo như những gì chúng ta được thuật lại thì có lẽ ngôi miếu đó chỉ lẩn khuất đâu đây trên đỉnh núi này thôi. Nhưng miếu bỏ hoang đã lâu, cây bụi, cỏ dại mọc um tùm che lấp đường đi nên chúng ta không thể nhìn thấy.
- Được! Vậy phải cẩn thận. – Tôi đáp lời.
- Thầy nhớ phải đợi em ở đây, dù có chuyện gì xảy ra cũng không được đi xa. Trên này địa hình hiểm trở rất dễ lạc. Hơn nữa, giờ đã ở trên đỉnh núi, điện thoại của chúng ta chỉ dùng để nghe nhạc được thôi, không liên lạc được đâu. Trên này không có sóng thầy ạ!

Nghe Thống nói tôi hơi thoáng bất ngờ, rút điện thoại ra nhìn quả nhiên không còn vạch sóng nào. Tôi gật đầu rồi nói với Thống cứ yên tâm. Tôi sẽ ngồi đây đợi cậu ta ở đây. Rồi thoắt một cái đã thấy Thống len lõi giữa những đám cây bụi rậm rạp. Chẳng mấy chốc đã không thấy bóng dáng của cậu ta đâu nữa.
Trời về trưa nắng gay gắt, tôi tìm một đám cây bụi to vừa kín gió vừa có bóng râm để ngồi. Đợi Thống một lúc không thấy cậu ta trở lại tôi cũng hơi sốt ruột. Đã quá trưa, thấy hơi đói bụng tôi lấy một ít lương khô ra ăn. Uống xong một chai nước, tôi thấy bụng mình đã no căng. Các cụ vẫn có câu: "Căng da bụng, trùng da mắt". Cơn buồn ngủ ập đến với tôi lúc nào không biết. Đúng là "Buồn nào rồi cũng sẽ qua, chỉ có buồn ngủ không tha ngày nào", "Phàm việc đại sự trong thiên hạ cũng phải đi ngủ xong mới tính". Chỗ này tuy trên là cây dưới là cỏ nhưng không bẩn. Có lẽ phải leo núi một quãng đường dài tôi đã thấm mệt, vừa ngả lưng xuống thảm cỏ tôi đã chìm vào trong giấc ngủ ...

Một cơn gió lạnh ấp đến thốc vào da thịt. Tôi bừng tỉnh, giật mình nhìn xung quanh. Cảnh vật vẫn hoang vu, vắng lặng. Thống vẫn chưa về. Đưa đồng hồ lên xem, hơn 2h chiều. Vậy là đã ba tiếng kể từ khi chúng tôi chia tay. Tôi bắt đầu thấy sốt ruột, không hiểu cậu ta đi đâu? Liệu có chuyện gì xảy ra với Thống không? Điện thoại đã không thể liên lạc được. Tôi thầm tính, nếu tự lần theo con đường lúc nãy chúng tôi lên thì nhanh cũng mất khoảng hơn hai tiếng để xuống đến bản. Nếu giờ này xuống thì còn kịp mặt trời chưa tắt nắng. Nếu để muộn hơn mới xuống thì rất có thể chưa xuống đến nơi thì trời đã tối. Buổi tối trong khu rừng âm u nếu không gặp ma quỷ thì cũng đụng phải rắn rết. Hơn nữa lại chỉ có một mình, thân cô thế cô biết xoay sở ra sao ? ...

Đang đắn đo không biết đi hay ở thì chợt thấy một bóng người thoăn thoắt len lỏi trong bụi cây. Cái bóng đó loáng một cái đã tiến về phía tôi. Cuối cùng thì Thống cũng đã quay trở về, đúng là cậu ta. Tôi thở phào nhẹ nhõm và hỏi ngay:
- Em đi đâu mà lâu vậy Thống? Làm thầy lo quá, cứ nghĩ đã có chuyện gì xảy ra với em rồi. Mà em đi đâu vậy ? Tìm được ngôi miếu cổ chứ ? có phát hiện được ra điều gì lạ không?

Thống nhìn tôi mỉm cười rồi đáp:
- Đã tìm thấy ngôi miếu thầy ạ! Để thầy đợi lâu là do em đã xuống núi, quay dưới bản và khu nhà Rông. Thầy đi theo em đến chỗ ngôi miếu.

Tôi rất ngạc nhiên và hỏi cậu ta rằng tại sao lại phải quay về nhà Rông. Vừa đi Thống vừa kể cho tôi về sự việc đó. Cậu ta đã tìm ra được ngôi miếu đó. Trong lúc đi tìm hiểu về ngôi miếu Thống đã phát hiện ra dấu vết của một con đường mòn nhỏ dẫn thẳng lên chỗ ngôi miếu. Thống lần mò theo con đường đó. Con đường mòn rất nhỏ, dẫn xuyên qua khu rừng hướng về phía chân núi. Gần xuống đến chân núi, con đường đi cắt qua mấy bãi nương ngô, nương sắn của người dân rồi dẫn xuống bản. Thống quay sang cười, ánh mắt chợt ánh lên một tia sáng. Rồi cậu ta hỏi tôi:
- Thầy có biết cuối con đường mòn đó là chỗ nào không? – Rồi không đợi tôi trả lời, cậu ta tiếp tục nói. – Con đường đó dẫn thẳng qua đám nương dãy của ông Khang. Chính là con đường nhỏ ở phía sau lưng ngôi nhà của ông ta. Nhưng ngoài ra em còn phát hiện ra một vài điều đặc biệt nữa của ngôi miếu. Thầy cứ đi theo em rồi sẽ rõ.

Ngôi miếu cũng không xa chỗ tôi nghỉ. Len qua các đám cây bụi rậm rạp, chúng tôi tiến về sát mép vực của ngọn núi. Ở đấy có một tảng đá rất to che khuất tầm nhìn của chúng tôi. Nhưng khi đi sát đến tảng đá Thống chỉ cho tôi một con đường nhỏ vòng qua dưới chân tảng đá. Con  đường đó dốc xuống, vòng qua tảng đá sang phía mặt bên kia. Lúc đó tôi mới nhận ra rằng chúng tôi đã tiến đến sát mép bờ vực của ngọn núi. Phía dưới chỉ toàn là cây cối xen lẫn đá tảng nhấp nhô sâu hun hút. Tuy là mép vực nhưng chỗ này không quá dốc nên cũng dễ đi. Dường như chúng tôi đang đi vòng sang mặt kia của đỉnh núi. Trượt xuống được một đoạn thì trước mắt tôi lại xuất hiện một dải đất bằng phẳng, trống trải. Có lẽ đây là một mỏm đá lớn nhô ra khỏi đỉnh núi.

Vừa đặt chân xuống khu đất đó, tôi đã nhìn thấy ba dáng người quen thuộc đang đứng như đang đợi sẵn chúng tôi. Ba gương mặt thân thiết đang nhìn tôi mỉm cười. Đó chính là Bằng, Tùng và Hiệp. Vậy cả đội nam của chúng tôi đã có mặt ở nơi đây. Chỉ cần nhìn thấy những chàng trai này là tôi đã vững tin lên nhiều. Tôi hoàn toàn yên tâm để gửi chọn niềm tin vào họ. Có họ ở bên cạnh cho dù phải ngủ đêm ở trong rừng thì tôi vẫn có thể ngủ ngon giấc.

Như hiểu được khúc mắc của tôi, Thống quay sang chỉ vào bọn Bằng và nói:
- Xuống đến bản em quay về nhà Rông luôn. Lúc đó Bằng, Tùng và Hiệp cũng đã đi làm về nên cùng em lên đây luôn. Hơn nữa có một số việc cũng phải cần đến sức lực của nhiều người.

Lúc đó tôi mới chợt để ý thấy một đống đồ nghề nằm lăn lóc dưới đất, có cuốc, có xẻng, xà beng, dao rựa ... Hẳn là đội Bằng, Tùng đã cầm theo lên đây. Thấy hơi lạ tôi quay sang hỏi Thống:
- Cầm theo mấy thứ này lên làm gì vậy Thống? Không phải là để đào trộm mộ nữa chứ ? Đào phải một cái xác khô, rồi xảy ra bao nhiêu chuyện vẫn không đủ hay sao?
- Đúng là để đào thầy ạ! Nhưng lần này có đào được xác nữa hay không thì còn phải xem ý trời. – Thống cười tủm tỉm rồi trả lời tôi.

Rồi Thống ra hiệu cho tôi và cả đội đi cùng cậu ta. Phía trước mặt chúng tôi có một lùm cây to, rậm rạp. Cậu ta chỉ về phía đó rồi nói:
- Vết tích của ngôi miếu cổ nằm sau đám cây này.

Cả đội chúng tôi tiến đến sát đám cây. Thống và Bằng đi trước dùng rựa rẽ đám cây để lấy đường đi. Mấy ngọn cây bụi um tùm vừa được hạ xuống thì ngôi miếu đã xuất hiện trước mắt tôi. Đúng ra ở đó chỉ còn dấu vết của ngôi miếu, nằm ở trên một khoanh đất nhỏ nhô cao được bao vây bốn phía bởi đám cây dại. Tôi chỉ còn thấy trên mặt đất vương vãi nhưng đám gạch vữa, ngói nát ngổn ngang. Vài cây cột gỗ nhỏ đã mục nát nằm lẫn với đám tường đổ nát.

Nhìn đống phế tích đổ nát của ngôi miếu tôi quay sang hỏi Thống:
- Chỗ này có gì đặc biệt không vậy? sao thầy thấy nơi này cũng có gì khác lạ đâu?
- Nếu chỉ nhìn thoáng qua mà không tinh ý sẽ không thể thấy được sự đặc biệt của ngôi cổ miếu này. – Thống trả lời giọng chắc nịch. – Lúc đến đây em đã xem xét cẩn thận chỗ này rồi mới dám quyết gọi đội Bằng cùng lên đây. Điều đặc biệt đầu tiên chính là vị trí của ngôi miếu.

Rồi Thống quay sang giải thích cho chúng tôi. Ngày trước, các cụ của chúng ta thời phong kiến do chịu ảnh hưởng của văn hóa Trung Quốc nên mỗi khi xây dựng một công trình kiến trúc đều rất xem trọng vấn đề Phong Thủy.

Phong Thủy là gì ? Có thể nói nôm na đó là một môn khoa học về xây dựng, thiết kế kiến trúc để cho có thể tránh Hung (điều xấu) mà đón Cát (điều tốt). Phong nghĩ là gió, Thủy nghĩa là nước. Điểm quyết yếu trong phong thủy chính là phải tìm được một nơi "Tàng phong, tụ khí". Đó chính là nơi thuận lợi để xây dựng các công trình kiến trúc, khi đó tài lộc, quan tước mới đến, mọi việc mới hanh thông. Trong xây dựng theo phong thủy thì phải chú ý đến hai yếu tố căn bản đó là Vị trí và Hướng. Thế nên mới có câu: "Nhất vị, nhị hướng". Vị trí ở đây chính là để chỉ nơi xây dựng, còn hướng là chỉ hướng của công trình đó quay về đâu ? Đông, Tây, Nam hay Bắc ...

- Ngôi miếu này không được cả về cả hai yếu tố đó thầy ạ! Vị và Hướng đều rất xấu. – Thống nhận xét.

Rồi Thống nói cho tôi rằng gốc gác nhà cậu ta vốn cũng ngoài Bắc nên cậu ta cũng biết được đôi chút về phong thủy từ ông nội truyền lại. Thống nói với chúng tôi rằng: Ngôi miếu này có vị trí rất xấu vì không thể "Tàng phong" mà thậm chí còn "Nghênh Phong", tức là đón gió. Ngôi miếu nằm trơ trọi trên một khoảnh đất như một mỏm núi nhô ra. Vì nằm trên đỉnh núi nên xung quanh bốn bề không có gì che chắn, cây cối cũng chỉ thấp lè tè. Thường thì các chùa chiền, miếu mạo đều nằm ở dưới chân núi hay sườn núi, hoặc nằm trong những hốc, hang động kín gió chứ ít khi phơi mình ra trước tuế nguyệt như thế này. Về mặt khoa học việc phơi ra trước gió mưa thế này cũng đã làm cho việc hương khói trở nên khó khăn hơn nhiều.

Hơn nữa hường của ngôi miếu cũng rất xấu. Thống đã xem xét cẩn thận vết tích nền của ngôi miếu. Cậu ta nhận ra rằng cửa của miếu nhìn thẳng là bờ vực của ngọn núi, đón trực tiếp gió cá thổi vào. Rồi cậu ta lấy la bàn ra đo, kết hợp nhẩm tính bằng kinh nghiệm rồi xác định được hướng của miếu. Thống nói hướng của ngôi miếu này rất xấu, là vì nó quay về phía Đông Bắc. Trong Phong Thủy phía Đông Bắc được coi là hướng Quỷ Môn (cửa của Ma quỷ). Rất ít những công trình kiến trúc tâm linh như đền, chùa, miếu, phủ ... lại xây quay về hướng này. Chẳng lẽ người xây dựng ngôi miếu hồi đó lại tùy tiện đặt vị trí và hướng xấu để làm ?

Một nơi tâm linh như miếu, đền mà đặt phải vị trí xấu, phương hướng xấu thì sớm muộn gì hương hỏa cũng suy tàn. Người đến thắp hương, thăm viếng cũng sẽ ngày càng ít đi. Lâu ngày rồi cũng sẽ trở thành miếu hoang lạnh lẽo.

- Không những hướng xấu, vị trí xấu mà còn có một điều nữa rất quan trọng. – Thống nói.

Cậu ta tiến lại gần ngôi miếu, bới trong đống phế tích ra một viên ngói và đưa lên cho chúng tôi xem rồi giải thích:
- Nhìn hoa văn và chất liệu làm ngói và tường em đoán rằng ít nhất ngôi miếu cũng được xây dựng từ cách đây 200 năm. Đó là thời phong kiến nhà Nguyễn. Nhưng thời đó ở trên vùng núi non hiểm trở, ma thiêng nước độc này là gì có mấy người Kinh. Theo sử sách, khi đó sống ở đây hầu hết chỉ có người Thượng, tức là những người dân tộc Ê đê, Ba Na, Chăm ...
- Những người dân tộc đó thì có gì liên quan đến ngôi miếu này chứ ?. – Bằng hỏi.
- Không liên quan mà lại thành rất liên quan đấy. – Thống đáp lời. – Không liên quan vì những người dân tộc này không hề có tục lệ tín ngưỡng thờ cúng giống như chúng ta. Tất nhiên họ cũng có thần thánh của họ nhưng chắc chắn không phải là thờ Cáo. Thần linh của họ thường được thờ trong những ngôi nhà Rông, một số nơi xây hẳn tháp để thờ như tháp Nhạn, tháp Chàm ... Nhưng kiến trúc những nơi đó khác hẳn ngôi miếu này. Cứ nhìn lối kiến trúc thì có thể suy đoán ra đây là lối xây dựng của người Kinh. Những người sống dưới triều đại nhà Nguyễn.

Trầm ngâm im lặng một lát như để suy nghĩ, Thống quay sang hỏi chúng tôi:
- Vậy chúng ta phải tự hỏi ngôi miếu này xây dựng để làm gì ? mục đích gì ? miếu này để phục vụ hoạt động tín ngưỡng của ai ? khi mà hồi đó sinh sống xung quanh đều là những người Thượng có hệ thống tâm linh – tín ngưỡng khác hẳn.
- Đó là vì lý do gì vậy ?. – Tôi tò mò hỏi. – Thầy cũng không thể nghĩ ra được một lý do gì hợp lý cho việc đặt ngôi miếu ở đây cả.
- Theo em ngôi miếu được xây ở đây vốn không phải là để thờ cúng, mà có mục đích khác. Có lẽ miếu được người ta cố tình dựng lên nhằm để che dấu một bí mật! Nó chính là nơi để đánh dấu, để xác định một vị trí nào đó! – Thống khẳng định chắc nịch.

(Còn tiếp)
Hồi 13: Bí mật giữa đại ngàn

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro