(CP) bi kịch bị cự tuyệt làm người

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Bị cự tuyệt quyền làm người - Bi kịch lớn nhất của Chí Phèo - Ngữ Văn 12
Loigiaihay.com
Có ý kiến cho rằng: Nếu không viết: "Chí Phèo", Nam Cao đã để lại cho Văn học Việt Nam một khoảng trống lớn.
BÀI LÀM
   Có ý kiến cho rằng: Nếu không viết: "Chí Phèo", Nam Cao đã để lại cho Văn học Việt Nam một khoảng trống lớn. Chí Phèo là tác phẩm đầu tay của Nam Cao trình làng với bạn đọc, ngay từ khi xuất hiện nó đã trở thành một vấn đề, một kiệt tác của trào lưu văn học hiện thực. Đây là tác phẩm tiêu biểu viết về người nông dân bởi đến đây người đọc mới hiểu thế nào là tận cùng nỗi khổ của người nông dân Việt Nam trong xã hội phong kiến.Nếu như ở những tác phẩm của các nhà văn hiện thực khác: Ngô Tất Tố, Nguyễn Công Hoan... hình ảnh người nông dân chỉ hiện lên với những áp bức bất công, bị dồn đến bước đường cùng, nhưng họ vẫn còn giữ được con người mình, nhưng đến với Nam Cao thì đã có những khám phá phát hiện mới mẻ, ông không chỉ phát hiện ra bi kịch bị bần cùng hóa mà còn khám phá phát hiện ra bi kịch bị lưu manh tha hóa bị cự tuyệt quyền làm người của người nông dân.
   Mở đầu trang văn, Nam Cao đã để cho Chí Phèo xuất hiện bằng một hình ảnh hết sức sống động độc đáo: Chí Phèo khật khưỡng vừa đi vừa chửi: tiếng chửi của Chí Phèo ngay lập tức cho người đọc hình dung về một sự việc bất bình thường. Vì lẽ gì mà một con người phải cất lên những tiếng chửi như vậy? Tại sao những tiếng chửi đó lại không được đáp trả...? Nhưng chúng ta sẽ thấy tiếng chửi này không phải là bâng quơ, không đơn giản mà nó rất logic, rất có dụng ý. Ban đầu hắn chửi trời đến chửi đời rồi chửi ngay tất cả làng Vũ Đại... nhưng đối tượng của những tiếng chửi này là mơ hồ không xác định đến khi hắn chửi không biết đứa nào đẻ ra thân hắn cho hắn khổ thế này... thì đối tượng đã được xác định. Chí Phèo chửi để nhận thức nguyên nhân dẫn đến bi kịch của bản thân. Nhưng ngay lập tức hắn hiểu rằng tiếng chửi của hắn là vô vọng, hắn thấy thấm thía nỗi khốn khổ của số phận, hắn đã phải cất tiếng chửi để thèm mong có ai đó chửi lại hắn, để hắn có thể được giao tiếp với đời, với người. Vậy mà không người nào chịu chửi lại hắn, có nghĩa là tất cả mọi người đã dứt khoái không coi hắn là người. Chửi lại hắn nghĩa là còn thừa nhận hắn là người, còn bằng lòng giao tiếp đối thoại với hắn. Chí chửi cả làng Vũ Đại với hy vọng sẽ có ai đó chửi lại. Nhưng hắn chỉ nhận lại một sự im lặng đáng sợ, và Chí vẫn còn lại một mình Chí trong sa mạc cô đơn: hắn cứ chửi rồi lại nghe, chỉ có ba con chó dữ với một thằng say rượu.

   Bằng cách mở đầu truyện độc đáo thế này, tác giả không chỉ giới thiệu mà còn bắt đầu hé mở cho người đọc thấy tình trạng bi đát của một số phận, đó là số phận người nông dân bị xã hội tàn phá về tâm hồn, hủy diệt cả nhân tính, do đó bị phủ nhận giá trị, tư cách làm người. Nỗi thống khổ của Chí Phèo ban đầu tất cả là con số không: không nhà, không cửa, không cha mẹ, không họ hàng thân thích, không một tấc đất cắm dùi... Nhưng đó mới chỉ là mở đầu, nỗi khổ đau đớn nhất của Chí Phèo là bị cả xã hội quay lưng lại, bị cướp mất linh hồn người, bị loại ra khỏi xã hội loài người, phải sống kiếp sống tối tăm của thú vật. Từ quá khứ đến hiện tại, từ bản chất đến hiện tượng Chí Phèo đã biến đổi. Trong quá khứ Chí Phèo là một con người hiền như cục đất, có bản chất lương thiện, từ khi vào làm canh điền cho nhà Bá Kiến, rồi bị Bá Kiến đẩy vào tù, sau 7-8 năm ở tù ra, Chí Phèo đã rơi vào vô thức và bị lưu manh tha hóa, tất cả mọi hành động của Chí Phèo đều phải thông qua rượu, đều diễn ra trong vô thức : đâm thuê, chém mướn, cướp bóc, rạch mặt ăn vạ... Những tội ác của Chí cứ đầy lên trong con mắt người dân làng Vũ Đại.

   Tưởng như số phận cuộc đời của Chí Phèo sẽ mãi mãi trượt dài trên cái dốc lưu manh tha hóa và rơi vào vực sâu của kiếp sống tội lỗi; nhưng sự xuất hiện Thị Nở đã đưa Chí Phèo từ vực sâu của kiếp sống lưu manh tha hóa đến bến bờ của cõi đời lương thiện. Đây có thể xem là một sự kiện trọng đại, một biến cố mở ra một bước ngoặt của cuộc đời Chí Phèo, đưa Chí Phèo trở lại với kiếp người. Sự xuất hiện của Thị Nở cùng bát cháo hành đã biểu hiện cho sự đồng cảm và tình người nhân hậu. Người đàn bà xấu đến ma chê quỷ hờn kia lại là người duy nhất ở làng Vũ Đại biết được sao có lúc nó hiền đến thế. Hơi ấm của bát cháo hành chính là hơi ấm của tình người nhân hậu đã làm cho con người lương thiện bấy lâu chìm khuất trong hình ảnh của con quỷ dữ, thằng đầu bò đã phục sinh, giờ đây sức sống tâm hồn đã trỗi đậy trong Chí Phèo.

   Sau khi con người lương thiện phục sinh, tính cách tâm hồn con người Chí Phèo đã tỉnh dậy lắng nghe những âm thanh bình dị mộc mạc hàng ngày mà lâu nay Chí quên lãng. Chí bỗng hồi tưởng về những kỉ niệm của thời êm đẹp :Ao ước có một gia đình nho nhỏ, chồng cuốc mướn cày thuê, vợ dệt vải, chúng lại bỏ một con lợn để làm vốn liếng, khá giả thì mua dăm ba sào ruộng làm....Đáng lẽ ra hắn cũng sẽ có được một cuộc sống bình thường như bao người khác nhưng giờ đây khi hắn tỉnh dậy hắn mới thấy hắn đã già mà vẫn còn cô độc hắn vẫn đang sống bên lề cuộc đời một cách khốn nạn, hắn cảm thấy buồn, cảm thấy tủi nhục. Hơn lúc nào hết, lúc này hắn mong ước được làm người, được trò truyện...
Nhưng những giây phút được yêu của cuộc sống lứa đôi Chí Phèo - Thị Nở thật ngắn ngủi, hạnh phúc vừa hé mở đã khép lại. Chí Phèo và Thị Nở đã dắt tay nhau tới ngưỡng cửa cuộc đời nhưng bị từ chối phũ phàng bởi định kiến xã hội mà bà cô Thị Nở là đại diện. Khi tỉnh dậy và đối diện với hiện thực, Chí Phèo mới giật mình và nhận thức một cách sâu sắc hơn, rằng hắn đã bị từ chối khỏi cộng đồng và không thể trở thành người lương thiện trong con mắt mọi người được nữa.

   Khi con người lương thiện trong Chí Phèo đã phục sinh thì hắn lại càng khao khát được làm người hơn bao giờ hết. Nhưng khao khát vẫn chỉ là khao khát, như ánh cầu vồng vụt tắt sau cơn mưa, như ngọn lửa nhỏ bị dập tắt khi mới vừa được nhen nhóm khát vọng làm người của hắn đã bị cự tuyệt hoàn toàn. Chí lại trở về với sự cô độc, và đau đớn, xót xa khi nhận ra mình đã không còn đường về quay trở lại: Không được! Ai cho tao lương thiện? Làm thế nào để mất những hết mảnh chai trên mặt này? Đây chính là sự tự ý thức cao độ của Chí Phèo về bi kịch của bản thân mình. Hình ảnh những vết mảnh chai trên mặt chính là dấu vết của những năm tháng tội đồ. Hình ảnh này đã hằn sâu trong tâm trí của người dân làng Vũ Đại và trở thành nỗi ám ảnh kinh hoàng đối với họ. Trong con mắt của mọi người, Chí Phèo là con quỷ dữ. Thằng đầu bò và hình ảnh này không thể tẩy xóa đi được nữa. Chính định kiến đã ngăn cản bước chân của Chí Phèo tìm về với cõi đời lương thiện.

   Hơn ai hết, Thị Nở là người đem lại cho Chí Phèo sự đồng cảm về tình người nhân hậu, nhưng chính Thị Nở cũng là người đẩy Chí Phèo đến bờ vực của cái chết. Thị vừa là phương tiện, là công cụ lại vừa là nạn nhân của định kiến.
   Đến đây, Chí Phèo rơi vào bi kịch của sự lựa chọn giữa sự sống và nhân cách cái Và cuối cùng, Chí Phèo đã tìm đến cái chết để khẳng định nhân cách của mình Chí Phèo cầm dao đâm chết Bá Kiến - kẻ thù lớn nhất của đời mình rồi tự sát. Chí Phèo đã lựa chọn - một sự lựa chọn nghiệt ngã, nhưng đó là cách duy nhất để con người lương thiện trong Chí được sống, để nhân cách con người của hắn được tồn lại.
   Hành động tự sát của Chí Phèo là cuộc chiến đấu mạnh mẽ nhất, dữ đội nhất và là cuộc chiến đấu cuối cùng giữa con người hiền như cục đất và con quỷ dữ thằng đầu bò. Trong cuộc quyết đấu này, Chí Phèo đã chết, nhưng nhân cách lương thiện đã trỗi dậy và tỏa sáng, đó cũng chính là chiến thắng tất yếu của cái thiện đối với cái ác, đồng thời cũng là sự thể hiện rõ ràng nhất của tư tưởng nhân đạo và tinh thần nhân văn của ngòi bút Nam Cao.

Đề bài: Phân tích bi kịch bị cự tuyệt quyền làm người của Chí Phèo trong tác phẩm cùng tên của Nam Cao
BÀI LÀM
Nếu như Thúy Kiều của Nguyễn Du gặp phải bị kịch đớn đau về tình yêu và Hộ gặp phải bi kịch éo le về nghệ thuật đương thời thì Chí Phèo của Nam Cao lại gặp một loại bi kịch vô cùng lạ lùng. Đó là bi kịch bị cự tuyệt quyền làm người.
>> Xem thêm: Phân tích tình yêu của Chí Phèo và Thị Nở

>> Xem thêm: Phân Tích Diễn Biến Tâm Lý Chí Phèo Sau Khi Gặp Thị Nở
>> Xem thêm: Phân tích chi tiết Chí Phèo bị Thị Nở cự tuyệt trong truyện ngắn Chí Phèo của Nam Cao
>> Xem thêm: Phân tích tấm lòng lương thiện của Thị Nở trong tác phẩm Chí Phèo của Nam Cao
>> Xem thêm: Phân tích tiếng chửi của Chí Phèo trong truyện ngắn cùng tên của Nam Cao
>> Xem thêm: Đọc Chí phèo của Nam Cao, có ý kiến cho rằng: "Bi kịch của Chí phèo là bi kịch bị cự tuyệt quyền làm người", lại có ý kiến khẳng định: "Bi kịch của Chí Phèo, hơn thế, còn là  bi kịch con người tự từ chối quyền làm người". Hãy viết một bài luận bày tỏ quan điểm cá nhân về bi kịch của nhân vật Chí Phèo
Chí Phèo bước ra từng tác phẩm cùng tên của nhà văn Nam Cao với một loạt những khổ đau, những bất hạnh. Và cũng không phải vô tình mà Nam Cao lại dành hết những gì là đớn đau nhất cho "đứa con đẻ" của mình. Ngòi bút sắc sảo và tấm lòng giàu yêu thương của ông đã gửi gắm biết bao nhiêu tình cảm cùng với sự cảm thông sâu sắc tới những con người cùng khổ như Chí. Chí chỉ là một đứa trẻ mồ côi chưa một lần được biết đến hơi mẹ.
Chí ở cho nhà Bá Kiến nhưng lại bị bà ba dâm dục hãm hại khiến Bá Kiến ghen tuông đẩy Chí vào tù. Năm tháng của tù đày đã cùng Chí nuôi lòng thù hận ngày một lớn dần lên. Cho đến khi ra tù Chí trở thành một con quỷ dữ khiến cả làng Vũ Đại khiếp sợ. Còn Nam Cao chỉ tả chỉ với hai từ ngắn gọn "ghê tởm". Nhưng khi gặp được Thị Nở – cuộc đời Chí ít nhất cũng đã được biết đến bàn tay chăm sóc của một người đàn bà thực sự. Nhưng thị lại nghe lời bà cô cự tuyệt mối tình ấy, khiến Chí một lần nữa trở thành con quỷ dữ. Trong cơn uất hận, Chí đến giết Bá Kiến và tự vẫn để đòi quyền làm người lương thiện.

Câu chuyện kết thúc nhưng bi kịch về cuộc đời Chí vẫn làm người đọc không khỏi xót xa. Được sinh ra làm người nhưng lại bị chính những con người xung quanh mình cự tuyệt quyền làm người. Hay nói đúng hơn là không ai nhìn nhận Chí là một con người nữa. Thay vào đó là một con quỷ dữ không hơn không kém. Con quỷ ấy trước đây đã từng là một con người lương thiện, hiền lành chịu khó. Nhưng giờ đây lại ôm hận trở về làng với những cơn say triền miên. Say lại chửi. Chửi cho quên đời, cho bõ tức, cho hả lòng hả dạ. Nhưng càng chửi, càng bực. Bởi ai cũng "chừa mình ra" thì Chí chửi ai bây giờ? Đến ngay cả tiếng chửi xúc phạm đến người khác Chí cũng chẳng được ai để ý. Bởi nếu là một người bình thường khi tung ra những lời lẽ chua ngoa ấy kiểu gì cũng bị dân làng xúm vào chửi lại, thậm chí là đánh đập. Nhưng Chí thì lại khác. Chỉ có lũ chó chạy theo sủa ầm ĩ. Chẳng ai hiểu rằng đằng sau những tiếng chửi ấy là một nỗi niềm khát khao đến cháy bỏng được quay trở về làm người. Chỉ cần có ai đó chửi lại thôi cũng đủ để Chí thấy rằng mình vẫn được công nhận làm người. Nếu sống một cách bình thường, có thể không ai để ý đến Chí. Có lẽ Chí nghĩ rằng phải chửi thật xúc phạm, thật nhiều để xem có ai chửi lại không, để Chí biết rằng mình vẫn còn được nhìn nhận. Nhưng buồn thay, tiếng chửi của Chí chỉ có tiếng chó sủa đáp lại.
Cho tới khi gặp được Thị Nở, cuộc đời Chí bước sang một trang mới. Chí ý thức được bản thân mình. Lần đầu tiên Chí tỉnh, tỉnh rượu và tỉnh cả những dòng suy nghĩ đau đáu về lòng thù hận. Không ngờ sự chăm sóc ân cần của một người đàn bà dở hơi lại có sức mạnh tác động lớn đến Chí như vậy. Tỉnh táo, Chí cũng chẳng mảy may nghĩ rằng thị chỉ là một người dở hơi, xấu xí. Vì rằng điều mà Chí khát khao bấy lâu nay là được nhìn nhận là người đã đạt được. Thậm chí thị còn dành cho Chí những hành động, cử chỉ của một "người yêu" thực sự. Chính thị – một con người chỉ hơn Chí ở cái là được mọi người nhìn nhận là người – đã đánh thức phần người trong Chí. Có lẽ cũng vì thị dở hơi nên thị không ý thức được về hiện trạng của Chí lúc này nên thị mới ngã vào lòng Chí. Nhưng dù sao điều đó cũng đã là một ân huệ lớn lao cho cuộc đời Chí.
Lần đầu tiên Chí tỉnh rượu sau những cơn say. Chí bắt đầu cảm nhận hương vị của cuộc sống từ những điều bình dị nhất, giản đơn nhất: tiếng mái chèo, tiếng chim hót, tiếng người đi chợ qua lại... Và rồi, ước mơ trong sáng đến thánh thiện ngày nào trở về trong Chí. Chí ước có một gia đình nhỏ, chồng cày thuê cuốc mướn kiếm tiền, vợ thêu thùa chăm lo việc gia đình. Hạnh phúc nhỏ nhưng cuộc sống êm đềm ý nghĩa biết bao. Nghĩ vậy, Chí càng quyết tâm quay trở lại làm người lương thiện. Sẽ bỏ rượu. Sẽ không đi rạch mặt ăn vạ nữa. Từ nay sẽ thay đổi. Nhưng. Than ôi! Hạnh phúc đang phất lên thì lại bị hất văng ra khỏi bàn tay yếu ớt của Chí khi thị trở về nghe lời bà cô cự tuyệt Chí. Như vậy, đến ngay cả con người cuối cùng của xã hội này mà Chí đặt niềm tin vào cũng không thể kéo Chí dậy được. Thậm Chí còn đẩy Chí vào bờ vực thẳm sâu hơn, đớn đau hơn. Lúc này đây, hương cháo hành lại làm Chí xôn xao trong người. Niềm khát khao được làm người chưa bao giờ cháy bỏng và mạnh mẽ đến thế. Nhưng ai sẽ cho Chí được làm người đây? Và lại là một người lương thiện thì càng khó. Ước mơ giản đơn ngày nào của Chí chẳng lẽ bị vùi dập nhanh chóng như thế này sao? Hạnh phúc tưởng chừng như đã ở trong tầm tay nhưng lại bỗng dưng vụt mất. Chí hụt hẫng, khổ đau.
Như vậy, tất cả mọi người, không một ai còn nhìn nhận Chí là một con người nữa. Có thể sẽ có người nói rằng: Chí hoàn toàn có thể tự mình làm người lương thiện bằng cách sống tốt hơn, không chửi bới, không say xỉn và xin đi làm thuê làm mướn kiếm sống qua ngày. Rồi dần dần mọi người sẽ lại quý mến Chí, cho Chí những cơ hội tốt hơn để tiến thân. Nhưng cuộc sống đâu phải dễ dàng đến vậy. Nhất là trong xã hội ấy, giai cấp cầm quyền là đại diện cho những điều gian ác nhất, bất nhân nhất. Liệu rằng Bá Kiến có để cho Chí được sống một cuộc sống êm đềm không khi hắn đã từng có thù hằn với Chí? Hơn nữa, khi đã mang trong mình lòng thù hận quá sâu sắc, liệu rằng ai có thể bình thản mà sống được. Có thể do Chí chưa mạnh mẽ, chưa đi đúng hướng nên đã để xảy ra những bi kịch đớn đau trong cuộc đời mình. Nhưng khi nhìn bằng cái nhìn khách quan, Chí chính là kết quả của một xã hội phong kiến thối nát, tàn nhẫn. Chí là đại diện cho những người nông dân bần cùng bị xã hội dồn ép đến mức đánh mất cả nhân tính, để đến khi muốn quay trở lại làm một con người bình thường cũng chẳng được nữa. Đây là một loại bi kịch lạ lùng nhất trong nền văn học Việt Nam nói chung và văn học hiện thực nói riêng.
Qua tấn bi kịch ấy, nhà văn đã chĩa thẳng ngòi bút của mình đến thế lực phong kiến độc ác đã lấy đi nhân tính của biết bao nhiêu người nông dân lương thiện. Đồng thời ông cũng bênh vực và cổ vũ mọi người hãy cùng nhau đứng lên dành lấy quyền sống, quyền tự do cho chính mình để không ai phải tìm đến cái chết một cách thương tâm giống như Chí Phèo ở cuối tác phẩm.

Đề Bài: Đọc Chí phèo của Nam Cao, có ý kiến cho rằng: "Bi kịch của Chí phèo là bi kịch bị cự tuyệt quyền làm người", lại có ý kiến khẳng định: "Bi kịch của Chí Phèo, hơn thế, còn là  bi kịch con người tự từ chối quyền làm người". Hãy viết một bài luận bày tỏ quan điểm cá nhân về bi kịch của nhân vật Chí Phèo.
BÀI LÀM
Đọc Chí phèo của Nam Cao, có ý kiến cho rằng: "Bi kịch của Chí Phèo là bi kịch bị cự tuyệt quyền làm người", lại có ý kiến khẳng định: "Bi kịch của Chí Phèo, hơn thế, còn là  bi kịch con người tự từ chối quyền làm người". Hai ý kiến mang hai quan điểm từ cái nhìn khách quan và chủ quan. Nhưng dù là gì đi nữa cũng đều nói lên nỗi đau tận cùng của Chí Phèo – đại diện tiêu biểu cho những người nông dân cùng khổ trong xã hội cũ. Mà ở đó nhà văn Nam Cao – nhà văn của người nông dân – đã dành hết tâm tư, tình cảm của mình cho họ.
>> Xem thêm: Phân tích tình yêu của Chí Phèo và Thị Nở

>> Xem thêm: Phân tích bi kịch bị cự tuyệt quyền làm người của Chí Phèo
>> Xem thêm: Phân tích chi tiết Chí Phèo bị Thị Nở cự tuyệt trong truyện ngắn Chí Phèo của Nam Cao
>> Xem thêm: Phân tích tấm lòng lương thiện của Thị Nở trong tác phẩm Chí Phèo của Nam Cao
>> Xem thêm: Phân tích tiếng chửi của Chí Phèo trong truyện ngắn cùng tên của Nam Cao
>> Xem thêm: Phân Tích Diễn Biến Tâm Lý Chí Phèo Sau Khi Gặp Thị Nở
Chí Phèo là một trong những tác phẩm đặc sắc viết về người nông dân với cuộc sống nghèo khổ, cùng cực đến nỗi đánh mất cả nhân tính của mình. Câu chuyện xoay quanh những bước ngoặt, những bi kịch liên tiếp xảy ra trong cuộc đời của Chí – một đứa trẻ mồ côi tội nghiệp. Những bước ngoặt ấy chẳng khác nào một chiếc bản đồ khi lên lúc lại xuống, khi ngoằn nghèo lúc lại trầm xuống như một thung lũng sâu hoắm chứa đầy khổ đau và nước mắt. Ngay từ khi sinh ra, Chí đã bị bỏ rơi bên chiếc lò gạch cũ hoang tàn. Dân làng thay nhau nuôi Chí. Chí lớn lên và đi ở cho nhà Bá Kiến. Nhưng rồi cuộc đời làm nô bộc cũng chẳng yên. Chí bị bà ba dâm đãng của Bá Kiến bắt hầu hạ, phục vụ mình. Bá Kiến ghen tuông đẩy Chí vào tù. Những ngày tháng tối tăm trong tù đã biến Chí từ một chàng thanh niên lương thiện trở thành một con quỷ dữ khi trở về làng. Nam Cao chỉ gói gọn cả thân hình và nhân cách của Chí lúc này trong hai chữ "ghê tởm". Chí say triền miên. Men rượu cùng với những bài chửi của Chí khiến dân làng khiếp sợ và nhìn nhận Chí đúng như một con quỷ dữ không hơn không kém. Đã thế, Chí còn bị cha con nhà Bá Kiến lợi dụng sai đi đòi nợ thuê. Nghiễm nhiên Chí trở thành một tay sai đắc lực cho bọn chúng. Rồi một đêm nọ, Chí gặp Thị Nở – một cuộc tình sét đánh đã làm nên một bước ngoặt lớn nữa cho cuộc đời Chí. Chí thèm được trở về làm người lương thiện, thèm được sống một cuộc sống bình dị, giản đơn như Chí đã từng khát khao. Nhưng hạnh phúc chẳng được bao lâu, Thị nghe lời người bà cô của mình và chối từ tình cảm của Chí. Thêm một lần nữa Chí rơi vào vực thẳm của tuyệt vọng. Trong cơn say, Chí tìm đến nhà Bá Kiến, đòi quyền làm người lương thiện bằng cách giết chết hắn rồi tự tử.

Như vậy, nếu xét theo cái nhìn khách quan, bi kịch của Chí đúng là "bi kịch bị cự tuyệt quyền làm người". Đến ngay cả tiếng chửi của Chí dù có chua ngoa đến mức nào cũng bị người làng cho rằng "chắc nó chừa mình ra". Chí có lũ chó chạy theo Chí sủa om sòm. Có nghĩa là lúc này không một ai nhìn nhận Chí là một con người nữa. Bởi nếu là người khi bị chửi như vậy, hẳn không ai chấp nhận nổi. Nhưng Chí thì khác, Chí đâu phải là người nữa, nên chẳng ai thèm để ý đến Chí. Thấy vậy, Chí càng bực bội hơn, càng chửi nhiều hơn. Đâu có ai hiểu rằng trong những tiếng chửi rủa chua ngoa ấy là một nỗi niềm đau đớn xót xa đến tận cùng. Chí khát khao được làm người, nhưng cái cách làm hòa của Chí bằng tiếng chửi khiến mọi người ghét bỏ và không thể nhìn nhận được. Cho đến khi gặp được Thị Nở, Chí như con diều đã đuối sắp chạm đất gặp được gió liền phất lên. Không ai có thể nghĩ rằng Chí đã từng có một ước mơ giản dị và đơn sơ đến mức thánh thiện như thế. Chí ước có một gia đình nho nhỏ, chồng làm thuê cuốc mướn, vợ dệt vải thêu thùa. Một gia đình kiểu mẫu đúng như xã hội truyền thống của Việt Nam. Gặp được thị, cuộc đời Chí bước sang những ngày tươi đẹp đầy hi vọng. Chí ý thức về tuổi tác, về sự đời... Có thể Chí cũng biết thị là người dở hơi, nhưng điều đó với Chí không quan trọng. Miễn sao có người chịu nói chuyện với Chí, chịu nhìn nhận Chí vẫn còn là một con người. Và đúng là khi gặp được người, Chí đã trở lại làm người thật. Nhưng bi kịch vẫn chưa hết, thị chợt nhớ lại người bà cô của mình. Chí nghe lời bà, cự tuyệt Chí. Hạnh phúc chưa được bao lâu, Chí lại bị rơi vào tuyệt vọng, vào hố sâu của nước mắt, của khổ đau lòng thù hận lại một lần nữa nổi dậy trong con người vốn tính hiền lành của Chí. Đến ngay cả một người đàn bà dở hơi còn không nhìn nhận Chí làm người, thì ai có thể nhìn nhận Chí được đây? Chí không quan tâm đến điều đó nữa. Ngay lúc này, trong đầu Chí chỉ còn một niềm khát khao duy nhất là được làm người lương thiện. Chí muốn làm hòa với mọi người, muốn có được cuộc sống hạnh phúc, giản dị và đơn sơ như mấy ngày qua được ở với thị. Chí chẳng mưu cầu giàu sang sung túc, chỉ cần được sống, được bình yên, được yêu thương thì dù người đó là ai đi chăng nữa Chí cũng vui cũng hạnh phúc. Nhưng cuộc đời và xã hội phong kiến đầy bất nhân lúc ấy đã không cho Chí có được niềm may mắn ấy. Người bà cô của thị chỉ là một trong những người có cùng quan điểm về thành kiến với Chí. Chi tiết ấy dù nhỏ nhưng lại chính là ngòi châm cho ngọn lửa bùng cháy trong con người Chí, đưa Chí đến một quyết định táo bạo và liều lĩnh là giết chết Bá Kiến rồi tự tử. Chí xác định kẻ thù của mình chính là tên Bá Kiến gian ác kia. Chính hắn đã đẩy cuộc đời Chí đến nông nỗi này. Vì vậy hắn phải chết. Nhưng sau khi hắn chết, chắc chắn Chí sẽ lại phải bị đẩy vào tù, bị chịu đựng những ngày cay nghiệt nhất. Bởi thế Chí thà chết luôn còn hơn. Và Chí đã chết thật.
Như vậy, quyền làm người của Chí không những bị Thị Nở cự tuyệt mà còn bị cả làng Vũ Đại, cả xã hội và giai cấp đầy nhẫn tâm lúc bấy giờ cự tuyệt. Khiến Chí phải tìm đến cái chết để kết liễu cuộc đời đằng đẵng những khổ đau của mình. Nhưng ít nhất, đến cuối đời, nhà văn cũng đã dành cho "đứa con đẻ" của mình một ân huệ lớn lao là được nếm trải niềm hạnh phúc của tình yêu. Dù tình yêu ấy bắt nguồn từ một người đàn bà dở hơi. Dở hơi những cứ miễn là "người" là được. Chỉ tiếc rằng, sau tất cả, Chí vẫn bị mọi người cự tuyệt quyền làm quyền, dẫn Chí đến với cái chết đầy thương tâm.
Nhưng một mặt khác, khi xét theo cái nhìn chủ quan của chính con người Chí, thì bi kịch của Chí còn là "bi kịch con người tự từ chối quyền làm người". Tại sao lại là "tự từ chối"? Việc bị đẩy vào tù, Chí không thể chống cự lại được. Nhưng sau khi ra tù, Chí hoàn toàn có thể lựa chọn cách sống của mình. Chí có thể đi làm thuê làm mướn kiếm sống nuôi thân. Nhưng Chí lại không làm vậy. Lòng thù hận trong Chí quá lớn. Và cả những năm tháng tù đày cũng đã in hằn trong Chí quá mạnh mẽ. Tất cả khiến Chí không còn làm chủ được bản thân mình nữa. Lại công thêm việc Chí suốt ngày say xỉn. Thế nên Chí có tỉnh lúc nào đâu để mà làm người. Vì vậy, bi kịch của Chí một phần là do chính Chí tạo nên. Nếu như Chí cứ hiền lành như trước kia, liệu rằng dân làng Vũ Đại có ghét có sợ Chí không. Và những tiếng chửi chua chát của Chí được thay bằng những lời ăn tiếng nói tử tế đàng hoàng thì cuộc đời Chí sẽ không phải rơi vào cảnh thê lương. Nhưng Chí đã không làm vậy. Thương cho Chí, nhưng cũng thật trách hắn vì đã không giữ được bản tính của mình. Thế nên, không thể đổ hết lỗi cho hoàn cảnh, cho xã hội được. Đành rằng xã hội bất nhân, chế độ cường quyền gian ác, nhưng nếu Chí mạnh mẽ hơn, kiên quyết hơn thì cuộc đời Chí đã khác. Tuy nhiên, ta cũng chỉ là người ngoài cuộc, không thể nào thấu hiểu được hết những uẩn khúc, những nỗi niềm của người trong cuộc. Bởi trong chính tiếng chửi của Chí đã ẩn chứa niềm khát khao được làm người, được mọi người đáp lại dù là tiếng chửi. Nhưng thay vào đó là sự lặng im khiến Chí càng tuyệt vọng hơn. Rồi đến ngay cả một người đàn bà dở hơi, cũng chỉ cao hơn Chí một chút là còn được nhìn nhận là người cũng cự tuyệt Chí. Chí đau khổ nhưng sau cơn đau ấy, Chí vẫn có thể đứng lên làm lại từ đầu. Có lẽ Chí quá tuyệt vọng, và cũng vì lòng quyết tâm của Chí chưa đủ lớn nên Chí đã không chọn đi theo hướng tích cực. Chí tự kết liễu cuộc đời mình sau khi giết Bá Kiến.
Như vậy, cả hai quan điểm trên đều đúng, đều nói lên bi kịch đớn đau của cuộc đời Chí. Xã hội đẩy đưa, không chấp nhận Chí. Còn Chí có khát khao được làm lại người lương thiện nhưng cách làm của Chí lại chính là một trong những tác nhân đẩy Chí vào bước đường cùng. Đó cũng chính là những nỗi đau của người nông dân khốn khổ trong xã hội cũ. Họ sống lay lắt, sống mỏi mòn, khát khao một ngày mai tươi sáng nhưng lại không đủ can đảm để vươn lên, để tự giải thoát chính mình. Giống như cái vòng luẩn quẩn mà nhà văn Nam Cao đã đặt trong tác phẩm về hình ảnh của chiếc lò gạch: Chí bị bỏ rơi trong lò gạch. Đến cuối tác phẩm, Chí chết, còn thị nhìn xuống bụng mình và nghĩ đến cái lò gạch bỏ hoang ở phía xa xa. Chỉ cần đọc đến đó, người đọc cũng mường tượng được rằng sẽ có một Chí Phèo con nữa được sinh ra ở cái lò gạch ấy. Chỉ mong rằng bi kịch sẽ không đến với nó giống như cha nó đã chết đi.
Bi kịch của cuộc đời Chí vừa là bị xã hội cự tuyệt quyền làm người vừa là tự bản thân Chí cự tuyệt quyền sống của mình. Như vậy, nhà văn Nam Cao vừa tố cáo sự tàn ác, thối nát của chế độ phong kiến, vừa cổ vũ, thúc đẩy mọi người hãy can đảm đứng lên giành lại quyền sống, quyền tự do cho chính bản thân mình để không phải tự tìm đến cái chết như Chí Phèo. Bằng những câu văn đầy cảm xúc và những kịch tính diễn ra trong tác phẩm, Nam Cao đã để lại cho đời một thước phim quay chậm về xã hội cũ, về nỗi khổ cùng cực của người nông dân xưa. Qua đó ông cũng bày tỏ niềm xót thương của mình đối với những số phận bất hạnh, khổ đau.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro