đất nước

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Nhân dịp chấm xong bài văn thi THPTQG về trích đoạn "Đất nước"_ nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm mình sẽ giới thiệu cho mọi người một số cách mở bài mới hơn và làm cho bài viết thú vị hơn chút với tác phẩm này nhé🏖🐝

1.. "Chúng tôi làm thơ ghi lấy cuộc đời mình
       Mỗi câu thơ như sợi tơ dài
       Rút ra từ tháng ngày bom đạn."
Suốt hành trình giữ nước, không có thời nào thiếu vắng những dũng sĩ cầm thanh gươm nghìn cân ra trận, âm vang trận mạc đã làm nên dòng chủ lưu của thơ chống Mỹ. Mang nhiệt huyết viết những dòng thơ rút ra từ những tháng ngày sục sôi của dân tộc như thế, nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm đã viết nên trường ca "Mặt trường khát vọng". Tiêu biểu trong đó là chương V "Đất nước" đã định nghĩa, cảm nhận ngợi ca vẻ đẹp nhiều mặt của đất nước, trình bày ý thức trách nhiệm đối với vận mệnh dân tộc giữa cơn thử thách lớn của lịch sử.

2. Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm từng tâm sự về cuộc chiến chống Mỹ đã sinh ra ông-một nhà thơ vĩ đại của dân tộc: “không có cuộc chiến đấu này chưa chắc tôi đã làm thơ và trở thành nhà thơ". Mặt trận lửa đạn đã hun đúc lên cho ông niềm nhiệt huyết thi ca. “Mặt đường khát vọng” (1971) là minh chứng rõ nét cho mạch nguồn nhiệt hứng ấy. Tác phẩm là tiếng vọng tâm tình của một hồn thơ hòa cùng mạch cảm xúc của dân tộc đứng trước dòng thác lũ thời đại, trong đó chương V “Đất nước” đã gói ghém trọn vẹn tâm tình đó.

3. "Tuổi trẻ ơi trong sương gió tháng năm
      Ta đã lớn rồi, chín đầy hy vọng
      Hãy ngã xuống tay Nhân dân, hỡi sắc vàng của nắng
      Hỡi hương thơm của nồng mặn mồ hôi"
6Đó là những vần thơ ca ngợi nhân dân đất nước thiết tha mà Nguyễn Khoa Điềm đã viết trong trường ca "Mặt đường khát vọng".Thơ Nguyễn Khoa Điềm không chỉ là sản phẩm của một trí tuệ giàu có, một tư duy sắc sảo mà đó còn là sản phẩm của một tấm lòng, một trái tim nên có sức lay động ở tận đáy sâu tâm hồn người đọc. Tiêu biểu cho điều này chính là trích đoạn “ Đất Nước” nằm trong tác phẩm “ Mặt đường khát vọng”

4. "Thơ là chữ nghĩa cũng không phải là chữ nghĩa, là ý thức mà không phải ý thức, là vô thức mà không hẳn vô thức. Thơ đúng nghĩa là sự bộc lộ tận cùng của nhà thơ". Và "sự bộc lộ" ấy, qua Nguyễn Khoa Điềm, hình thành nên trường ca "Mặt đường khát vọng" mà tiêu biểu là chương V "Đất nước". Đoạn trích là cái nhìn tin yêu của Nguyễn Khoa Điềm về đất nước được nhìn theo nhiều khía cạnh, thăng trầm và biến đổi của lịch sử. “Đất nước” là tên gọi thiêng liêng, bình dị nhưng chứa đựng bao cảm xúc đặc biệt của nhà thơ.

5.            " Khi ta ở chỉ là nơi đất ở
             Khi ta đi đất đã hóa tâm hồn"
Câu thơ của Chế Lan Viên là sự đúc kết một quy luật nhân sinh, một sự kì diệu của tâm hồn: Sự gắn bó với mỗi miền đất sẽ trở thành chính ta, một phần đời ta, là hành trang tinh thần không thể thiếu. Và phải chăng vì lí do này mà những vần thơ viết về quê hương đất nước luôn lấy đi được những rung động thường trực? Đi ra từ "Đất nước" cơn nắng cơn mưa đời mình, Nguyễn Khoa Điềm chắp bút nên trường ca "Mặt trường khát vọng" mà chương V "Đất nước" là tiêu biểu. Đoạn trích đã định nghĩa, cảm nhận ngợi ca vẻ đẹp nhiều mặt của đất nước trong ý nghĩa "Đất đã hóa tâm hồn" kì diệu và đẹp đẽ như thế !

Cre: Văn ôn võ luyện NTL
Đề 1 ĐỀ BÀI (RA ĐỀ VÀ VIẾT BÀI THAM KHẢO: Hoàng Khánh Duy)
Cảm nhận của anh (chị) về đoạn thơ sau trong bài “Đất Nước” (trích trường ca “Mặt đường khát vọng”) của Nguyễn Khoa Điềm:
Trong anh và em hôm nay
Đều có một phần Đất Nước
Khi hai đứa cầm tay
Đất Nước trong chúng ta hài hòa nồng thắm
Khi chúng ta cầm tay mọi người
Đất nước vẹn tròn to lớn
Mai này con ta lớn lên
Con sẽ mang Đất Nước đi xa
Đến những tháng ngày mơ mộng
Em ơi em Đất Nước là máu xương của mình
Phải biết gắn bó và san sẻ
Phải biết hóa thân cho dáng hình xứ sở
Làm nên Đất Nước muôn đời.
Từ đó, anh (chị) hãy trình bày suy nghĩ của mình về sự “gắn bó”, “san sẻ” của mỗi cá nhân trong đại dịch COVID 19.
Bài viết của Hoàng Khánh Duy
Qua cửa sổ con tàu là đất nước, là em
Dáng mẹ lưng còng những túp lều mái tranh
Những cánh đồng quanh năm nước nổi
Mặt trời lên, mặt trời chìm
Giọt mồ hôi của cha kết tinh thành muối
Giọt mồ hôi của em vở học trò bổi hổi…
Những câu thơ của Nam Hà gợi trong ta suy nghĩ về sự kế thừa, tiếp nối, hóa thân của mỗi người trong chiến tranh loạn li và trong cuộc sống đời thường đã làm nên hình hài Tổ quốc. Đất nước mình thiêng liêng thế đó, đồng bào mình hiền hòa vậy đó! Bàn tay nắm lấy bàn tay, thế hệ này vịn vai nhắn nhủ những lời tha thiết về trách nhiệm bổn phận đối với thế hệ khác. Xuyên suốt bốn nghìn năm đất nước, bao thế hệ đứng lên rồi ngã xuống, rồi lại đứng lên dang tay nhau bảo vệ từng tấc đất quê nhà để từ đó hai tiếng “Việt Nam” vang lên đầy kiêu hãnh trước bạn bè năm châu bốn bể. Cùng đi vào khai thác đề tài đất nước, song nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm lại có cách nhìn hoàn toàn khác so với những thi sĩ cùng thời và trước đó. Đất nước trong ánh nhìn của Nguyễn Khoa Điềm không hề trừu tượng xa xôi mà nằm ngay trong sự hóa thân của “anh và em hôm nay”, của “chúng ta” khi “cầm tay nhau” và “cầm tay mọi người”, của “con ta” khi đã nên vóc hình, giàu trí lực. Sự kết tinh, hóa thân đó được nhà thơ thể hiện đầy cảm xúc trong trích đoạn “Đất Nước” (trích trường ca: “Mặt đường khát vọng”), đặc biệt là đoạn thơ:
Trong anh và em hôm nay
Đều có một phần Đất Nước
Khi hai đứa cầm tay
Đất Nước trong chúng ta hài hòa nồng thắm
Khi chúng ta cầm tay mọi người
Đất nước vẹn tròn to lớn
Mai này con ta lớn lên
Con sẽ mang Đất Nước đi xa
Đến những tháng ngày mơ mộng
Em ơi em Đất Nước là máu xương của mình
Phải biết gắn bó và san sẻ
Phải biết hóa thân cho dáng hình xứ sở
Làm nên Đất Nước muôn đời.
Nguyễn Khoa Điềm là một trong số những nhà thơ trưởng thành trong khói lửa của cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước. Thơ ông giàu chất suy tư, xúc cảm dồn nén, thể hiện tâm tư của người trí thức tham gia tích cực vào cuộc chiến đấu của nhân dân. Trường ca “Mặt đường khát vọng” được Nguyễn Khoa Điềm hoàn thành ở chiến khu Trị - Thiên năm 1971. “Đất Nước” trích phần đầu chương V của trường ca, Nguyễn Khoa Điềm thể hiện những cảm nghiệm về đất nước qua nhiều phương diện nhưng vẫn quy về cốt lõi tư tưởng “Đất Nước này là Đất Nước của Nhân dân”, từ đó thức tỉnh nhận thức của tuổi trẻ đô thị vùng bị tạm chiếm miền Nam, cổ vũ họ xuống đường hòa cùng cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước.
Không cần ngược về văn học trung đại xa xôi, ngay trong thơ ca hiện đại mỗi thi sĩ đã có một cách nhìn nhận khác nhau về đất nước. Trong khúc ca đầy tự hào: “Tổ quốc bao giờ đẹp thế này chăng?”, nhà thơ Chế Lan Viên đã soi chiếu đất nước từ thời “Nguyễn Trãi làm thơ và đánh giặc”, khi “Nguyễn Du viết Kiều”, “Nguyễn Huệ cưỡi voi vào cửa Bắc” hay “Hưng Đạo Vương diệt quân Nguyên”… mà đồng bào ta đã viết lại bằng máu và nước mắt, bằng những trang sách sử vẻ vang hào hùng mãi vẫn không phai. Mỗi lần giai điệu hùng hồn được phổ từ lời thơ “Đất nước tôi” của Tạ Hữu Yên vang lên lòng người không khỏi dâng lên niềm xúc động, mỗi lời ca như gọi về những ngày thăng trầm, vất vả, gian lao mà hào hùng, kiêu dũng của Tổ quốc. Đất nước ngọt ngào trong “giọt đàn bầu”, đất nước đớn đau trong những lần “tiễn con đi”, “sáng chắn bão giông chiều ngăn nắng lửa”, và rồi đất nước êm ả thanh bình trong “những câu hò lắng trong tiếng sáo”, “hạt thóc chia đều” và “đắng ngọt cùng vui”. Từ thuở còn thơ có lần ta đã hỏi mẹ rằng Tổ quốc là gì? Khi ấy những đau thương gian khổ mà đất nước và nhân dân gánh chịu ta chưa thể nào hiểu hết, nên bài học đầu về đất nước quê hương chỉ là những hình ảnh quen thuộc quanh ta như “chùm khế ngọt” ta trèo hái, “con đò nhỏ” chòng chành sóng nước, “con diều biếc” ta thả trên đồng trong những buổi chiều hay “hồng tím giậu mồng tơi” bên rào giậu sau nhà bình yên thơ mộng trong thơ Đỗ Trung Quân. Chỉ bấy nhiêu thôi ta đã thấy cách nhìn về đất nước của mỗi nhà thơ một khác, với Chế Lan Viên là những danh nhân nổi tiếng trong lịch sử bốn ngàn năm, với Tạ Hữu Yên là những hy sinh, mất mát trong chiến chinh và khát vọng đời thường, với Đỗ Trung Quân lại là những hình ảnh gợi nhớ gợi thương về một miền quê hiền lành cổ tích.
Và với Nguyễn Khoa Điềm, đất nước được tạo thành từ sự kết tinh, hóa thân của những người vô danh trong cuộc sống đời thường. Sự hóa thân đó tuy âm thầm lặng lẽ nhưng đầy ý nghĩa, mỗi người góp phần tạo nên hình hài đất nước thiêng liêng: một đất nước nhân văn, một đất nước bền vững, trường tồn cùng năm tháng.
Ngay từ đầu thi sĩ đã nhận ra đất nước có trong mỗi người. Mỗi cá nhân gánh vác trong mình một phần của đất nước:
Trong anh và em hôm nay
Đều có một phần Đất Nước
Nhà thơ đã tự phân thân mình ra thành “anh” và “em”, biến sự tự tình thành cuộc chuyện trò, đối đáp giữa đôi lứa yêu nhau ngọt ngào tình tứ, khơi nhắc dặn dò về trách nhiệm đối với đất nước. Câu thơ “có một phần Đất Nước” vang lên đầy kiêu hãnh. Người con trai (“anh”) trong bài thơ nhận ra rằng sự sống của mỗi cá nhân không phải chỉ riêng của cá nhân mà còn là của Đất Nước. Mỗi cuộc đời đều được thừa hưởng rất nhiều từ những di sản văn hóa tinh thần và vật chất của dân tộc. Tận hưởng bao giờ cũng đi liền với tận hiến. Chúng ta đã thừa hưởng nhiều từ thế hệ đi trước, vì thế “hôm nay” chúng ta phải cống hiến sức lực, trí tuệ của mình cho quê hương đất nước. Sự tận hiến ấy chẳng những xuất phát từ đạo lí làm người, truyền thống “uống nước nhớ nguồn” cao quý của nhân dân mà còn là trách nhiệm mà mỗi người nên làm, là sứ mệnh được những người đi trước giao phó.
Nhà thơ tiếp tục đặt Đất Nước trong không gian của tình yêu lứa đôi nồng nàn, thiết tha, cháy bỏng. Hóa ra Đất Nước chính là sự kết tinh của tình đoàn kết và yêu thương, của những “cặp vợ chồng yêu nhau” làm nên những mối tình sóng đôi cùng năm tháng:
Khi hai đứa cầm tay
Đất Nước trong chúng ta hài hòa nồng thắm
Khi chúng ta cầm tay mọi người
Đất Nước vẹn tròn to lớn
Giữa muôn trùng “người người lớp lớp”, nhà thơ đã khung lại trong không gian riêng tư của “hai đứa”, “anh và em”. Đó là không gian diệu kì của tình yêu, mà tình yêu bao giờ cũng làm nên sức mạnh, khiến người ta trưởng thành hơn và sống có trách nhiệm hơn. Nguyễn Khoa Điềm đã dùng điệp từ “cầm tay” - biểu tượng của sự đoàn kết, gắn bó giữa mọi người. Nhưng đối tượng của cái “cầm tay” ấy lại hoàn toàn khác nhau. Trước hết là “cầm tay nhau” để nhận ra đất nước “hài hòa nồng thắm”. Sau đó là “cầm tay mọi người” để thấy rằng “Đất Nước vẹn tròn, to lớn”, mang tính thiêng liêng. “Cầm tay nhau” là tình yêu lứa đôi, sự đồng điệu của tâm hồn. “Cầm tay mọi người” là tình hữu ái, sự đoàn kết, chung sức chung lòng gánh vác non sông. Các tính từ được sử dụng liền nhau: “hài hòa”, “nồng thắm”, “vẹn tròn”, “to lớn” cho thấy ý thơ phát triển từ cá nhân đến cộng đồng, từ một phần đến trọn vẹn.
Trong bất kì hoàn cảnh nào tình yêu cũng làm nên sức mạnh to lớn giúp con người vượt qua tất cả. Nhà thơ Nguyễn Đình Thi đã từng viết:
Anh yêu em như anh yêu đất nước
Vất vả gian lao tươi thắm vô ngần
Bởi tình yêu chân chính có khả năng kì diệu, là không gian để con người cháy hết mình trong cảm xúc yêu đương, nó không mơ hồ viển vông xa xôi mà ngược lại giúp người ta tự nhận thức chính mình để từ đó sống có ích hơn, vì người khác, vì Tổ quốc. Cái “cầm tay” trong đoạn thơ trên gợi nhắc đến hình ảnh bàn tay trong bài thơ “Mặt đất và bầu trời” của Tiểu Quyên - nữ nhà thơ đương đại Việt Nam - cũng viết về hình hài đất nước:
Khi chúng mình yêu nhau
Bàn tay nắm lấy bàn tay
Nhớ lớp lớp người người đã từng hạnh phúc
đã từng mất mát
Lớp lớp người người
đã từng khóc và từng hát
Lớp lớp người người đi qua, gặp nhau
yêu nhau và ngã xuống
Cho lớp lớp người người lại đi tìm nhau…
Vẫn là những người đã từng ngã xuống, đã từng đứng dậy, đã từng đan lồng đôi bàn tay vào nhau để truyền nhau sức mạnh, hơi ấm, san sẻ cho nhau dựng xây đất nước muôn đời. Rõ ràng tư tưởng đó thật cao quý biết bao.
Từ hiện tại, nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm hướng tuổi trẻ vào tương lai đất nước. Nhìn về viễn cảnh xa xôi, trong suy ngẫm của đôi lứa là hình hài trẻ thơ hồn nhiên hiền lành. Rồi những đứa trẻ ấy sẽ lớn lên từng ngày, sẽ mạnh khỏe và trưởng thành, sẽ kế thừa những giá trị tốt đẹp của đất nước và tiếp tục gánh vác sứ mệnh đối với đất nước:
Mai này con ta lớn lên
Con sẽ mang Đất Nước đi xa
Đến những tháng ngày mơ mộng
Đất Nước mình rồi sẽ lớn lên, vươn xa, tươi đẹp vô cùng. Nhưng sự tươi đẹp ấy sẽ còn tiếp diễn nếu thế hệ sau biết tiếp nối mà bảo vệ, gìn giữ và xây đắp. “Mai này” là khoảng thời gian trong tương lai không xa. Kết quả của tình yêu “chúng ta” là sự ra đời của “con ta”. Đứa trẻ cũng sẽ lớn lên cùng đất nước, sẽ trở thành người thanh niên trung dũng, kiên cường, tiếp tục lao động, chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, cống hiến cho Đất Nước. Nhà thơ đã gợi ra ý thức về thế hệ trong lòng người đọc. Khoảnh khắc trao truyền trách nhiệm luôn là khoảnh khắc thiêng liêng trong cuộc đời mỗi người. “Những tháng ngày mơ mộng” nói như Chế Lan Viên đó là “những ngày đẹp hơn tất cả” của Tổ quốc mình, là ước vọng của mẹ cha chưa thực hiện được và đứa con sẽ đỡ đần gánh vác.
Nhà thơ đã khép lại phần đầu trích đoạn “Đất Nước” bằng bốn câu thơ mang tính triết lí. Chất suy tư triết lí vốn là phong cách nổi bật của Nguyễn Khoa Điềm. Với tâm huyết mãnh liệt, cảm xúc nồng nàn, Nguyễn Khoa Điềm đã nhắn nhủ thế hệ trẻ trách nhiệm của cá nhân đối với quê hương đất nước.
Em ơi em Đất Nước là máu xương của mình
Phải biết gắn bó và san sẻ
Phải biết hóa thân cho dáng hình xứ sở
Làm nên Đất Nước muôn đời
Tác giả sử dụng cấu trúc đoạn thơ theo kiểu suy luận, ban đầu đưa ra tiền đề “Đất Nước là máu xương”, từ đó chỉ ra mỗi cá nhân “phải biết…”, “phải biết…”, mục đích của nhận thức (“gắn bó”) và hành động cụ thể (“san sẻ”, “hóa thân”) là “Làm nên Đất Nước muôn đời”. Điều này xuất phát từ sự hy sinh vò đất nước, là gắn mỗi phần đời của mình vào dáng hình đất nước cho đất nước trường tồn.
“Đất Nước là máu xương của mình” vì đất nước được tạo thành từ máu xương và nước mắt của dân tộc trong những cuộc chiến chinh vệ quốc. Cách so sánh ấy đơn giản mà xúc động. “Gắn bó” là hành động nối kết, yêu thương, gắn cá nhân với cộng đồng, không tồn tại đơn lẻ. “San sẻ” là hành động phân chia trách nhiệm để cùng gánh vác, san sẻ niềm vui, niềm hạnh phúc cho nhau. Rộng lớn nhất là sự “hóa thân”, hiên dâng tuổi thanh xuân, sự sống (trong thời chiến), trí tuệ, sức lực (trong thời bình) để giữ gìn và phát triển Tổ quốc. Nếu không có sự “hóa thân” trong quá khứ thì chắc hẳn sẽ không có một đất nước bền vững và thanh bình của hôm nay. Nhà thơ Thanh Thảo đã từng viết: “ai cũng tiếc tuổi hai mươi thì còn chi Tổ quốc?”, quả không sai. Trong chiến tranh người Việt Nam ta đã bỏ qua sự ích kỉ, hẹp hòi, không nghĩ cho mình mà chỉ nghĩ cho Tổ quốc. Nhắc đến họ chúng ta chỉ còn biết cúi đầu cảm ơn và hành động tích cực sao cho xứng đáng với những người ngã xuống vì non sông.
Gần đây, trên mạng xã hội xuất hiện một bài thơ mang tên “Em đã làm gì cho Tổ quốc hay chưa?” của cô giáo Lê Thị Thúy, có đoạn:
Em đã làm gì cho Tổ quốc hay chưa
Mà đòi hỏi Tổ quốc cho mình nhiều đến thế
… Ôi yêu lắm trái tim Việt Nam to lớn
Mãi mãi mênh mang nhân hậu lại quật cường…
Bài thơ xuất hiện ngay khi đại dịch COVID 19 hoành hành khắp Tổ quốc, khiến Tổ quốc thét gào, quặn đau. Chống COVID 19 thực sự là một cuộc chiến. Tổ quốc ta đã bao dung nhân hậu dang rộng vòng tay cưu mang đồng bào mình từ xứ sở khác trở về quê hương, chữa bệnh miễn phí, chăm sóc tận tình, cách li chu đáo nhằm hạn chế lây lan cho cộng đồng. Những ngày nay nhân dân ta đã đồng sức đồng lòng chống lại đại dịch COVID 19, đẩy lùi đại dịch mong sao nước ta sớm thanh bình và an toàn trở lại. Trong gian nan mới hay tinh thần dân tộc của chúng ta ngời sáng và mạnh mẽ biết chừng nào. Đồng bào ta đã nghiêm túc khai báo y tế tình trạng sức khỏe của bản thân, tự cách ly tại nhà để giữ an toàn cho chính mình và cộng đồng. Những hành động ấy xuất phát từ tình yêu nước nồng nàn, sự đoàn kết chung lòng hóa thành tinh thần dân tộc mạnh mẽ và cao quý. Tuy nhiên vẫn còn đâu đó một bộ phận người sống vô trách nhiệm, sống vì mình mà không nghĩ đến cộng đồng, tự tách mình ra khỏi xã hội. Nếu cứ mãi như thế thì một lúc nào đó họ sẽ trở thành những kiếp “sống mòn”, những mảnh “đời thừa”. Sống cùng nhau trên mảnh đất hình chữ S xinh đẹp, cùng chung máu đỏ da vàng, chúng ta cần phải biết nghĩ cho nhau nhiều hơn, sống hòa hợp, nghĩa tình, chở che yêu thương nhau bằng tình hữu ái . Hãy cùng nắm tay nhau vượt qua những khó khăn trước mắt bởi đoàn kết hợp sức không bao giờ là thừa!
Đoạn thơ trên tiêu biểu cho phong cách nghệ thuật của Nguyễn Khoa Điềm. Từ đầu đến cuối đoạn trích “Đất Nước”, ta thấy nhà thơ luôn viết hoa hai tiếng “Đất Nước” thể hiện sự trân trọng, yêu quý, đồng thời “Đất” và “Nước” còn là hai thành tố được tác giả tách ra để khám phá, sau đó hợp lại nơi tư tưởng cốt lõi: Đất Nước của Nhân dân. Bên cạnh đó thi sĩ còn sử dụng chất liệu văn hóa dân gian: ngôn từ giản dị, hình ảnh đời thương, giàu sức gợi. Giọng điệu thơ linh hoạt, biến đổi. Sức truyền cảm lớn từ sự hòa quyện giữa chất chính luận và chất trữ tình, bộc lộ những nhắn nhủ của thi sĩ đối với thế hệ trẻ Việt Nam về bổn phận đối với Tổ quốc.
Ôi Việt Nam - hai tiếng ấy sao thiêng liêng và đẹp đẽ biết bao.
Khi Tổ quốc gọi tên từng thế hệ
Trong vinh quang con không phải cúi đầu
Ai biết mang niềm kiêu hãnh sâu xa
Sẽ biết sống làm người xứng đáng…
Thế nào là “sống làm người xứng đáng”? Với Nguyễn Khoa Điềm đó là “gắn bó”, “san sẻ”, “hóa thân” để tạo nên một đất nước hùng mạnh, văn minh. Đoạn thơ trên đã góp phần thể hiện cách nhìn mới mẻ, sáng tạo của Nguyễn Khoa Điềm về đất nước, từ đó khơi dậy ý thức trách nhiệm trong mỗi người. Thuở trước nhân dân ta đã từng “dàn hàng gánh đất nước trên vai” thì bây giờ cũng vậy, muôn đời vẫn thế!
HOÀNG KHÁNH DUY
09/04/2020
#Hoàng_Khánh_Duy
Bài viết mang tính chất tham khảo.
🇻🇳 Dẫn chứng liên hệ - mở rộng bài thơ "Đất Nước" (Nguyễn Khoa Điềm)

🌿Tôi yêu truyện cổ nước tôi
Vừa nhân hậu lại tuyệt vời sâu xa
Thương người rồi mới thương ta
Yêu nhau dù mấy cách xa cũng gần
(Lâm Thị Mỹ Dạ)

🌿Ta như thuở xưa thần Phù Đổng
Vụt lớn lên, đánh đuổi giặc Ân.
Sức nhân dân khoẻ như ngựa sắt
Chí căm thù rèn thép làm roi
Lửa chiến đấu ta phun vào mặt
Lũ sát nhân cướp nước hại nòi.
(Tố Hữu)

🌿   “… Điều may mắn với tôi là được sống trong những tháng năm hào hùng của dân tộc để hiểu nước, hiểu người và hiểu cả mình hơn…”
(Nguyễn Khoa Điềm)

🌿 “… Một Đất Nước như thế không thể có được bằng bút pháp miêu tả bên ngoài, cho nên tất yếu nhà thơ phải dùng hình thức suy ngẫm, liên tưởng, liệt kê, để dần dần đưa người đọc vào trí tưởng tượng củabhọ, vào kí ức của họ, nhìn Đất Nước trong chính tâm hồn họ..."
(Trần Đình Sử)

🌿 Mỗi sớm dậy nghe bốn bề thân thiết
Người qua đường chung tiếng Việt cùng tôi
Như vị muối chung lòng biển mặn
Như dòng sông thương mến chảy muôn đời.
(Lưu Quang Vũ)

🌿Xưa yêu quê hương vì có chim có bướm
Có những lần trốn học bị đòn roi
Nay yêu quê hương vì trong từng nắm đất
Có một phần xương thịt của em tôi
(Giang Nam)

🌿Anh chẳng để lại gì cho riêng Anh trước lúc lên đường
Chỉ để lại cái dáng-đứng-Việt-Nam tạc vào thế kỷ:
Anh là chiến sỹ Giải phóng quân.
Tên Anh đã thành tên đất nước
Ôi anh Giải phóng quân!
Từ dáng đứng của Anh giữa đường băng Tân Sơn Nhứt
Tổ quốc bay lên bát ngát mùa xuân
(Lê Anh Xuân)
---------------------
Học văn chị Hiên - Hơn cả một bài văn☘️☘️
Bài làm hoàn chỉnh phần làm văn NLVH đề thi TN-ĐH năm 2020 đợt 1.
----------
Phân tích tư tưởng Đất Nước của Nhân Dân trong đoạn thơ “Em ơi em hãy nhìn từ rất xa… Đất Nước của ca dao thần thoại.”
----------
“Đất nước tôi thon thả giọt đàn bầu. Nghe dịu nỗi đau của mẹ. Ba lần tiễn con đi, hai lần khóc thầm lặng lẽ. Các anh không về mình mẹ lặng im” (Tạ Hữu Yên). Cứ mỗi lần nghe lại bài hát này lòng ta xốn xanh da diết! Nhớ những ngày bé thơ đến lớp, cô giáo dạy tôi viết hai chữ “Việt Nam” và gọi đó là đất nước. Tôi mơ hồ chả hiểu, chỉ biết rằng đó là cái gì lớn lao và thật quý báu lắm! Thời gian trôi qua nhanh, mang tuổi thơ bé bỏng của tôi đi xa. Cho đến hôm nay, qua bao nhiêu vần thơ đọc được tôi đã thấm thía hai tiếng thiêng liêng “đất nước”. Nhưng rất buồn là tôi không thể viết thành thơ. Trong những vần thơ “đất nước” mến yêu dạt dào cảm hứng ấy, có tác phẩm “Đất Nước” của Nguyễn Khoa Điềm. Thành công của Nguyễn Khoa Điềm trong bài thơ này là nhà thơ đã thể hiện được tư tưởng đất nước của nhân dân mà tiêu biểu là đoạn thơ:

“Em ơi em hãy nhìn từ rất xa…
Đất Nước của ca dao thần thoại.”

Nguyễn Khoa Điềm thuộc lớp thi sĩ trưởng thành trong kháng chiến chống Mĩ. Những năm 1970, 1971,… ông sống và hoạt động tại chiến trường Trị – Thiên; trường ca “Mặt đường khát vọng” được ông sáng tác vào thời gian ấy. “Mặt đường khát vọng” là trường ca độc đáo của Nguyễn Khoa Điềm, ra đời trong chiến tranh ác liệt thời chống Mĩ, tại chiến trường Trị – Thiên – một điểm nóng – trên chiến trường miền Nam vào năm 1971. Bài thơ đã truyền đến người đọc bao xúc động, tự hào về đất nước và nhân dân. Trong bài “Có một thời đại mới trong thi ca”, Trần Mạnh Hảo viết: “Vào đêm giao thừa Tết âm lịch 1973 – 1974, dưới rừng Phước Long, chúng tôi xúc động nghe trích đoạn “Đất Nước” trích trong trường ca “Mặt đường khát vọng” của Nguyễn Khoa Điềm phát trên Đài phát thanh. Những suy nghĩ về đất nước, về dân tộc đã được nhà thơ hiện đại hoá bằng chất suy tư lắng đọng và cảm xúc mãnh liệt”

Trường ca “Mặt đường khát vọng” gồm chín chương.“Đất nước” là phần đầu chương V bản trường ca này. Đoạn trích là những suy nghĩ của tác giả về đất nước được nhìn trên nhiều góc độ với tư tưởng chủ đạo là “Đất Nước của Nhân Dân”. Đoạn trích có hai phần. Đoạn thơ trên thuộc phần thứ hai trong đoạn trích “Đất Nước”.

Trên phương diện lịch sử, tác giả nhấn mạnh đến sự góp phần của những con người bình dị, vô danh trong việc làm nên Đất Nước muôn đời. Nhà thơ chuyển sang giọng điệu tâm tình với “em” mà tìm sự đồng cảm ở hết thảy chúng ta :

“ Em ơi em
Hãy nhìn từ rất xa
Vào bốn nghìn năm Đất Nước”

“Em” là nhân vật trữ tình không xác định, nhưng cũng có thể là sự phân thân của tác giả để độc thoại với chính mình. Lời tỏ tình mang giọng điệu tâm tình mà trĩu nặng suy tư. Với lối tâm tình, trò chuyện, nhà thơ đưa ta trở về quá khứ lịch sử hào hùng của dân tộc, bốn nghìn năm dựng nước và giữ nước, bốn nghìn năm hầu như không bao giờ nguội tắt ngọn lửa đấu tranh chống giặc ngoại xâm.
Nghĩ về bốn ngàn năm của đất nước, nhà thơ đã nhận thức được một sự thật đó là : người làm nên lịch sử không chỉ là những anh hùng nổi tiếng mà còn là những con người vô danh bình dị:

"Năm tháng nào cũng người người lớp lớp
...
Ngày giặc đến nhà thì đàn bà cũng đánh"

Thật sự trong bề dày bốn ngàn năm dựng nước, giữ nước, có biết bao thế hệ cha anh dũng cảm, chiến đấu, hy sinh và trở thành anh hùng mà tên tuổi của họ “cả anh và em đều nhớ”. Nhưng cũng có hàng triệu, hàng triệu người cũng trong quá trình xây dựng và bảo vệ đất nước đã ngã xuống, họ đã “sống và chết, không ai nhớ mặt đặt tên”, nhưng tất cả, họ đều có công “ làm ra Đất Nước”. Có thể nói, đây là một quan niệm mới mẻ về đất nước của nhà thơ.Và từ quan niệm này, Nguyễn Khoa Điềm đã hết lời ca ngợi và tôn vinh lòng yêu nước của nhân dân. Những con người làm nên đất nước chính là những con người góp phần bảo vệ đất nước. Họ là những con người bình dị vô danh. Họ là những con người lao động cần cù chăm chỉ nhưng khi đất nước có giặc ngoại xâm thì chính họ trở thành những người anh hùng cứu nước. Khi có giặc người con trai ra trận/Người con gái trở về nuôi cái cùng con đã thể hiện sự chung sức, chung lòng để đánh giặc cứu nước, và khi cần thì giặc đến nhà đàn bà cũng đánh . Nhà thơ đã khẳng định truyền thống đánh giặc ngoại xâm của dân tộc Việt Nam : sức mạnh đoàn kết, nhất trí một lòng và có lòng căm thù gặc sâu sắc. Đó là truyền thống được phát huy từ đời này sang đời khác. Chính bằng sự đóng góp một cách tự nhiên đó mà họ đã làm nên lịch sử- truyền thống lâu đời của đất nước.

Nhìn vào lịch sử bốn nghìn năm Đất Nước, nhà thơ không nhắc lại các triều đại, kể tên các bậc vua chúa hay những vị anh hùng dân tộc đã từng rạng danh sử sách, văn chương, mà biểu dương sự cống hiến của muôn vàn những con người bình thường trong việc xây dựng, vun đắp và bảo vệ Đất Nước:

"Nhiều người đã trở thành anh hùng
...
Nhưng họ đã làm ra Đất Nước"

Hình ảnh “người người lớp lớp”, “bốn nghìn lớp người” chính là biểu tượng cho đông đảo tầng lớp nhân dân kế tiếp nhau. Họ đều mang những đức tính chung của con người lao động như sự cần cù, chất phác và khi có giặc ngoại xâm thì sẵn sàng tự nguyện đứng lên chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Người con trai ra trận, người con gái ở hậu phương cũng góp sức lực, đảm đang nuôi con để người chồng yên lòng đánh giặc, nhưng khi cần thì giặc đến nhà đàn bà cũng đánh, đó là hành động tất yếu để bảo vệ mái nhà và bảo vệ quê hương. Những con người anh hùng vô danh ấy có một cuộc sống thật giản dị, chết bình tâm, cống hiến và hy sinh một cách tự nguyện, vô tư, thầm lặng cho Đất Nước. Mặc dù không ai nhớ mặt đặt tên nhưng công lao của họ thật to lớn và đầy ý nghĩa, chính họ đã làm ra Đất Nước. Bằng những câu thơ tuy ngắn ngủi nhưng nhà thơ đã cho ta thấy một sự khẳng định chắc chắn và chặt chẽ về tư tưởng “Đất Nước” của nhân dân.

Với tư tưởng “Đất Nước của nhân dân”, tác giả đã khẳng định tất cả những gì do nhân dân làm ra, những gì thuộc về nhân dân như “hạt lúa, ngọn lửa, giọng nói, tên xã tên làng”…cũng như chính những con người vô danh bình dị đó đã góp phần giữ và truyền lại cho thế hệ sau mọi giá trị văn hóa, văn minh tinh thần và vật chất của đất nước. Chính họ đã tạo dựng nền móng sự sống cho đất nước, cho nhân dân.Không những vậy, họ còn luôn sẵn sàng vùng lên chống ngoại xâm, đánh nội thù để giữ gìn sự sống đó và bảo vệ đất nước thân yêu của mình.

Đoạn thơ sau khẳng định Nhân Dân làm nên bản sắc văn hoá, truyền thống dân tộc, giữ gìn những giá trị đó và truyền lại cho các thế hệ sau:

“Họ giữ và truyền cho ta hạt lúa ta trồng
Họ truyền lửa cho mỗi nhà từ hòn than qua con cúi
Họ truyền giọng điệu mình cho con tập nói
Họ gánh theo tên xã, tên làng trong mỗi chuyến di dân
Họ đắp đập be bờ cho người sau trông cây hái trái”

Mọi giá trị vật chất, văn hoá, tinh thần của dân tộc đều do nhân dân sáng tạo ra, quý trọng nó, gìn giữ, lưu truyền: hạt lúa, ngọn lửa, ngôn ngữ, tên xã tên làng, phong tục tập quán… Đại từ “họ” mang ý nghĩ khái quát về nhân dân, số đông, tập thể. Đó là sự hiện diện của nhân dân qua các thời kì lịch sử, thế hệ này nối tiếp thế hệ kia làm nên sức ống của dân tộc, truyền lại sức sống ấy cho các thế hệ sau.

Họ giữ và truyền cho ta hạt lúa thể hiện sự nâng niu, quý trọng, giữ gìn, truyền lại những thành tựu của nền văn minh lúa nước, gieo mầm sự sống cho con cháu muôn đời sau.

Ngọn lửa là biểu tượng thiêng liêng của đời sống tinh thần, được nhân dân tìm mọi cách để giữ gìn: “chuyền lửa qua mỗi nhà từ hòn than qua con cúi”, đem đến cho nhau ánh sáng, hơi ấm và sự sống, sức sống và sự yêu thương, chan hoà.

Giọng nói là sự biểu hiện và lưu giữ đời sống tinh thần thiêng liêng. “Họ truyền giọng điệu của mình cho con tập nói” là truyền lại ngôn ngữ dân tộc, của cải vô giá của dân tộc, truyền lại tính cách và vẻ đẹp con người Việt. Trong hoàn cảnh đất nước có chiến tranh, ngôn ngữ dân tộc là người bảo vệ quý báu nhất chủ quyền dân tộc. Gìn giữ và yêu quý tiếng nói dân tộc là một biểu hiện của tình yêu nước thiết tha.

Nhân dân là người làm nên ruộng đồng gò bãi, làm nên tên đất tên làng để mỗi không gian ấy vừa thân thuộc vừa rất thiêng liêng. Tên đất tên làng nhắc nhở mỗi người về nguồn cội, về quê hương, về phong tục tập quán, về bản sắc văn hoá và con người quê hương. Một ai đó dù đã chuyển dời, đã sống xa quê nhưng khi nhắc đến tên quê hương của mình thì bao tình cảm mến thương, bao yêu quý và niềm trân trọng, tự hào lại trở về rưng rưng. Chữ “gánh” gợi nhiệm vụ, trọng trách lớn lao – nhắc nhở con cháu về quê hương, bản quán.

Nhân dân là người đắp đập be bờ, xây dựng nền tảng sự sống, nền tảng vật chất và tinh thần cho người đời sau “trồng cây hái trái”, hưởng thụ thành quả và phát huy sức mạnh của những giá trị đó.

Sức mạnh tinh thần được thể hiện rất sâu sắc trong thái độ ứng xử với kẻ thù:

“Có ngoại xâm thì chống ngoại xâm
Có nội thù thì vùng lên đánh bại”

Nhân dân vô danh, bình dị ấy là những người “cần cù làm lụng”, yêu chuộng hoà bình, sống nhân ái, chan hoà nhưng kiên cường trong đấu tranh và quyết liệt trong căm thì. Bất cứ thế lực nào đe doạ đến sự yên bình của đất nước, đe doạ đến sự sống của dân tộc, nhân dân đều “vùng lên đánh bại”. Đó là tính cách Việt Nam được nhân dân ta đời đời gìn giữ và truyền lại cho các thế hệ sau.

Họ truyền cho nhau ngọn lửa mang tên sức sống của dân tộc Việt Nam. Họ bảo vệ đất đai xứ sở từ thời vua Hùng cầm gươm đi mở cõi. Họ đã gìn giữ và truyền lại cho các thế hệ sau mọi giá trị văn hóa, văn minh, tinh thần, vật chất và cả tình yêu đất nước của lớp lớp con người. Hạt lúa, ngọn lửa, tiếng nói, ngôn ngữ dân tộc, cả tên xã, tên làng và truyền thống chống thù trong giặc ngoài. Để rồi khi đọc đến đây, từ trong trái tim của mỗi người yêu văn chương vọng lại những vần thơ cùa Hoàng Trung Thông trong “Bài thơ báng súng”:

“Ta lại viết bài thơ trên báng súng

Con lớn lên đang viết tiếp thay cha

Người đứng dậy viết tiếp người ngã xuống

Người hôm nay viết tiếp người hôm qua.”

(Bài thơ báng súng – Hoàng Trung Thông)

Chính nhân dân đã viết lên những trang sử vẻ vang của dân tộc Việt Nam. Bởi vậy, để viết lên trang sử vẻ vang của dãn tộc Việt Nam thì đó là máu, là mồ hòi, là nước mắt của nhân dân. Cũng như vậy, ta lại nhớ đến hình ảnh anh giỏi phóng quân trong bàỉ thơ “Dáng đứng việt Nam” của Lê Anh Xuân:

“Anh ngã xuống đường băng Tân Sơn Nhứt
Nhưng Anh gượng đứng lên tì súng trên xác trực thăng
Và Anh chết trong khi đang đứng bắn
Máu Anh phun theo lửa đạn cầu vồng.
Chợt thấy anh, giặc hốt hoảng xin hàng
Có thằng sụp xuống chân Anh tránh đạn
Bởi Anh chết rồi nhưng lòng dũng cảm
Vẫn đứng đàng hoàng nổ súng tiến công”

(Dáng đứng Việt Nam – Lê Anh Xuân)

Người lính đã ngã xuống nhưng tư thế chiến đấu của anh mãi mãi đi vào lịch sử. Đó là dáng đứng Việt Nam, là biểu tượng của tinh thần bất khuất, kiên trung của dân tọc Việt Nam. kẻ thù có thể giết chết họ nhưng không thể nào hủy diệt được tinh thần và lòng yêu nước của họ. Chính họ đã làm nên đất nước thiêng liêng:

“Anh chẳng để lại gì cho riêng Anh trước lúc lên đường

Chỉ để lại cái dáng-đứng-Việt-Nam tạc vào thế kỷ:

Anh là chiến sỹ Giải phóng quân.
Tên Anh đã thành tên đất nước”

(Dáng đứng Việt Nam – Lê Anh Xuân)

Không một dòng địa chỉ cùng chẳng có một tấm hình trước lúc hy sinh nhưng những con người ấy vẫn nguyện ra đi để bảo vệ đất đai, xứ sở. Họ nguyện ngã xuống để “Tổ quốc bay lên bót ngớt mùa xuân” đến muôn đời. Để mặt đất không còn bóng giặc và trên bầu trời không còn khói lửa của chiến tranh. Chính máu, mồ hôi và nước mắt của biết bao con người đã kết tụ thành tinh anh đất nước.

Từ những cảm nhận sâu sắc, mới mẻ mà gần gũi về Đất Nước, về vai trò to lớn của nhân dân, tác giả khẳng định: Đất Nước của Nhân Dân. Đó là tư tưởng chủ đạo, là chiều sâu dòng cảm hứng trữ tình – chính luận của trang thơ này:

“Để Đất Nước này là Đất Nước Nhân Dân
Đất Nước của Nhân Dân, Đất Nước của ca dao thần thoại”

Nhà thơ đã vận dụng rất khéo léo những câu ca dao gắn liền với đời sống tinh thần, tâm hồn của nhân dân để khẳng định truyền thống của nhân dân ta: giàu lòng yêu thương, thuỷ chung son sắt, quý trọng nghĩa tình và kiên cường bất khuất. Nhân Dân đã làm nên Đất Nước, văn hoá bằng chính tính cách, lẽ sống, tâm hồn của mình. Từ sự nhận thức về Đất Nước, về Nhân Dân, tuổi trẻ thế hệ Nguyễn Khoa Điềm càng thêm tự hào và muốn ngân lên khúc hát dạt dào say mê ngợi ca về Đất Nước, Nhân Dân mình.

Vẫn biết rằng trường ca là một thể thơ dài, khó thuộc, khó nhớ và người viết trường ca dễ bị sa vào lối liệt kê, kể lể. Trích đoạn "Đất Nước" nói riêng, trường ca "Mặt đường khát vọng" nói chung tuy không tránh khỏi tì vết này nhưng với tất cả những gì Nguyễn Khoa Điềm đã mang lại cho bài thơ "Đất nước", với tư tưởng đất nước của Nhân dân, với những cảm nhận rất đời thường về đất nước, "Đất Nước" của Nguyễn Khoa Điềm xứng đáng là những vần thơ của năm tháng không thể nào quên.
-----------
nguồn: Tổng hợp

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro

#văn12