TỔNG QUAN VỀ PHÂN LOẠI ĐỘNG VẬT

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

TỔNG QUAN VỀ PHÂN LOẠI ĐỘNG VẬT

I. Con người và động vật

Con người từ lúc được hình thành hoàn toàn phụ thuộc vào thiên nhiên. Loài vượn người, do sử dụng thịt thú rừng chín mà bộ não ngày càng phát triển, dần dần tách khỏi thú hoang dại mà trở thành con người. Con người đã sử dụng các phương tiện săn bắt còn thô sơ như đuổi, vây, dồn động vật vào hang hố hay hồ nước rồi tìm cách bắt và giết chết. Về sau khoảng ba vạn năm trước Công nguyên, loài người mới biết dùng lao, cung tên và một vài cạm bẫy thô sơ để bắt thú - Con người thời đại đồ đá đã biết rõ những loài động vật như ngựa, bò rừng. tê giác, voi, trâu rừng là nhưng thú ăn thịt mà họ săn bắt, cũng như họ đã biết các loài chim như Gà rừng, Trĩ, Công, Vịt, Ngỗng... là những loài chim cho thịt ngon.

Nhiều dấu tích khảo cổ học đã chứng minh là con người đã săn bắt chim thú rừng để lấy thịt từ những thời đại xa xưa... Trong quá trình tăng trưởng về số lượng, mối cân bằng giữa con người và động vật đã không còn giữ vững được như trước - Con người đã dùng mọi hình thức có thể từ đơn giản đến phức tạp, từ thô sơ đến hiện đại để săn bắt các loài động vật trên cạn ở rừng cao cũng như ở đồi núi và đông bằng, cho tới các động vật ở nước, từ suối, sông, ao, hồ đến biển sâu..

Chính vì tác động của con người như vậy mà số lượng động vật đã thay đổi hằng năm. Có những loài trở thành hiếm, có loài đang có nguy cơ bị tiêu diệt trên toàn thế giới. Nhưng con người cũng đã chủ động thuần hoá để chăn nuôi từ những loài thú đầu tiên như chó, mèo, ngựa, lợn, bò, thỏ... cho đến các loài chim như Bồ câu, Gà, Vịt... Rồi khi biết được lợi ích của nhiều loài động vật khác, người ta đã bắt để nuôi như Ong, Hươu, Nai, Khỉ, Tắc kè, Trăn, Rắn. Cóc...  

II. Sự phân loại thế giới động vật

Loài người đã có nhu cầu sắp xếp các loài động vật được quan sát từ rất lâu. Đó là sự phân loại; sự phân loại này đã được chỉnh lý dần dưới ánh sáng của khoa học hiện đại để có hệ thống phân loại mà ngày nay chúng ta đã biết.

Thông thường, người ta chia giới động vật, nghĩa là tổng hợp tất cả các loài động vật thành có xương sống và không xương sống. Các động vật có xương sống đều có một bộ xương bao gồm một cột sống do các đốt sống tạo thành, còn các động vật không xương sống không có một cột sống như vậy. Thực tế lại rất phức tạp, bởi giữa các loài động vật có xương sống bao gồm cả cá, lưỡng cư, bò sát, chim và thú chỉ chiếm phần rất ít của giới động vật, khoảng 40.000 loài trên tổng số khoảng 1.100.000 loài (hay hơn nữa).

Các ngành:

Trong hệ thống phân loại, người ta chia ra các ngành. Ví dụ ngành Có dây sống gồm nhưng động vật có một dây sống (ít nhất cũng là ở trạng thái thai), một loại que mềm dịu, tiền thân của cột sống. Do các loài động vật có dây sống không nhiều nên người ta xếp chúng vào một ngành. Ngành là một đơn vị lớn của thế giới động vật. Mỗi ngành được đặc trưng bởi một cấu trúc giải phẫu xác định. Các ngành khác thuộc về động vật không xương sống. Các ngành quan trọng là ngành Thân mềm (thường có một vỏ cứng bao bọc), ngành Da gai (trong đó có Sao biển), ngành Chân khớp (với thân có giáp: côn trùng, giáp xác, nhện...) và ngành Ruột khoang (trong đó có San hô, Sứa)...

Có những sự sai khác lớn trong cấu tạo giải phẫu của dại diện các ngành này. Ví như, phần lớn các động vật có cấu tạo đối xứng hai bên, thì Da gai, Ruột khoang có đối xứng toả tròn, nghĩa là sắp xếp quanh một trục. Các loài Chân khớp và cả Giun đốt (như Giun đất, đỉa...) có cấu trúc chia đốt; cơ thể của chúng gồm một số đốt liên tiếp, chứa hầu như các cơ quan giống nhau.

Các lớp, bộ, họ, chi, loài, giống:

Mỗi ngành lại được chia ra các lớp, bao gồm các bộ và cứ tiếp tục như thế. Ví dụ các loài chim Bồ câu có tên chữ Latinh (có giá trị quốc tế) là Columba doLinné (Carl Linnaeus) , nhà sinh vật học Thụy Điển, đặt ra năm 1758, gồm có Bồ câu rừng (Gầm ghì đá) - Columba livia Gmelin , Bồ câu nhà - Columba livia domestica Gmelin và Bồ câu nâu - Columba punicea (Blyth). Trong mỗi tên các loài, thì chữ đầu là tên chi (Genus)chữ thứ hai là tên loài (Species)được xác định, còn tên thứ ba là tên nhà động vật học đã mô tả loài đó, có khi người ta thêm cả năm mô tả để tiện việc xác định và tra cứu. Như trên, chiColumba bao gồm các loài Bồ câu rừng, Bồ câu nhà, Bồ câu nâu. Chi Columba và một số chi khác lân cận như Streptopelia , Treron... họp thành họ Bồ câu Columbidae. Họ này nằm trong bộ Bồ câu Columbiformes thuộc lớp Chim Aves

Tên khoa học của sinh vật được viết bằng tiếng Latin được khởi sướng bởi Carl Linnaeus, nhà thực vật học Thụy Điển. Cũng giống như tiếng Việt nó gợi cho chúng ta hình dáng của loài vật, ví dụ Columbia punicea tên gọi chim Bồ câu nâu (từ chữ puniceus có nghĩa là nâu), hoặc nơi sinh sống và tập quán, ví dụ Bồ câu nhà - Columbia livia domestica (domestica là nuôi trong nhà), hoặc là vị trí địa lý: Gấu chó - Ursus malayanus (có xuất xứ từ Malaixia); có khi người ta dùng tên nhà tự nhiên học đã khám phá ra nó hoặc tên người. Có khi các tên gọi cũng không hoàn toàn chính xác, ví dụ như Gấu chó không phải chỉ có ở Malaixia mà còn phân bố ở nhiều nước khác nữa. Cách viết tên một loài động vật cũng giống như tên một loài thực vật chúng ta phải tuân theo luật danh pháp quốc tế đã qui định. Có thể lấy ví dụ về loài cá Anh vũ (loài này nằm trong sách đỏ Việt Nam) như sau:

Semilabeo notabilis Peter, 1880

Tên chi (genus) Thường được viết in nghiêng và viết hoa chữ cái đầu

Tên loài (species) Thường được viết in nghiêng và không viết hoa chữ cái đầu và nếu có Tên đồng danh (synonym) Thường được viết in nghiêng và không viết hoa chữ cái đầu

Tên tác giả (người có công phát hiện hoặc định danh) Thường được viết in đứng và viết hoa chữ cái đầu. Trường hợp tên tác giả được đóng ngoặc là để ghi tên người đầu tiên phát hiện và đặt tên cho loài đó.

Cũng có khi người ta nhầm lẫn loài với giống (nòi). Nòi là bậc phân loại dưới loài. Có thể là nòi (hoặc phân loài) địa lý chỉ khác nhau bởi một số ít chi tiết và sinh sống ở những vùng khác nhau, hoặc là những nòi xuất xứ từ sự chọn lọc nhân tạo do con người thực hiện, ví dụ các nòi chó khác nhau đều có xuất xứ từ một loài chó nhà Canis familiaris Linnaeus.

Rất khó có thể xác định hiện nay có con số chính thức là bao nhiêu loài động vật hiện còn sống trên trái đất của chúng ta. Vì lẽ các phân loài có khi được xem như loài... lại có nhưng loài mới còn tiếp tục được khám phá và mô tả. Thế còn bạn đã biết được tên bao nhiêu loài động vật ?

Bảng tóm tắt về phân loại thế giới động vật:

Bảng tóm tắt sau đây trình bày sự phân loại của giới động vật đã được sử dụng lâu nay. Có người nêu 14 ngành, có người nêu đến 21 ngành. Sau đây chỉ nêu một số ngành chính; còn có một số ngành có rất ít loài chỉ có những người chuyên sâu nghiên cứu mới thực sự quan tâm. Mặt khác giữa các ngành và lớp cũng có tầm quan trọng không giống nhau, ví dụ Côn trùng có số lượng gấp đến khoảng mười lần nhiều hơn động vật có xương sống.

Ngành Động vật nguyên sinh - Protozoa (có 6 lớp)

Ngành Thân lỗ - Porfera

Ngành ruột khoang - Coelenterata

- Lớp Thuỷ tức Hydrozoa

- Lớp Sứa - Scyphozoa

- Lớp San hô - Anthozoa

Ngành Sứa lược - Ctenophora

Ngành Giun dẹp - Plathelminthes (5 lớp)

Ngành Giun vòi - Nemertini

Ngành Giun tròn - Nemathelminthes (6 lớp)

Ngành Thân mềm - Mollusca

- Lớp Song kính có vỏ Loricata

- Lớp Song kính không vỏ Aplacophora

- Lớp Vỏ một tấm Monoplacophora

- Lớp Chân bụng - Gastropoda

- Lớp Chân thuỳ - Scaphopoda

- Lớp Chân rìu - Pelecypoda

- Lớp Chân đầu - Cephalopoda

Ngành Giun đốt - Annelida

- Lớp Giun nhiều tơ Polychaeta

- Lớp Giun ít tơ - Oligochaeta

- Lớp Đỉa Hirudinea

- Lớp Sá sùng - Sipunculida

- Lớp Eciurida

Ngành có móc - Onichophora

Ngành Chân đốt - Arthropoda

- Lớp Trùng ba thùy - Trilobita

- Lớp Giáp cổ - Merotomata

- Lớp Hình nhện Arachnida

- Lớp Nhện chân trứng - Pantopoda

- Lớp Giáp xác - Crustacea

- Lớp Nhiều chân - Myriopoda

- Lớp Sâu bọ - Insecta

Ngành Động vật hình rêu - Bryozoa

Ngành Tay cuốn - Brachiopoda

Ngành Da gai - Echinodennata

- Lớp Huệ biển - Crinoidea

- Lớp Sao biển - Asteroidea

- Lớp Đuôi rắn - Ophiuroidea

- Lớp Cầu gai - Echinoidea

- Lớp Hải sâm - Holothuroidea

Ngành mang râu (có rãnh) - Pogonophora

Ngành Hàm tơ - Chaetognatha

Ngành Nửa dây sống - Hemichordata

- Lớp Mang ruột - Enteropneusta

- Lớp Mang lông - Pterobranchia

Ngành Có dây sống Chordata

Phân ngành Có đuôi sống - Urochordata

- Lớp Hải tiêu - Ascidiacea

- Lớp Có cuống - Larvacea

- Lớp Sanpơ - Salpae

Phân ngành Đầu sống - Cephalochordata

Phân ngành có xương sống - Vertebrata

- Lớp Cá - Pisces

- Lớp Lưỡng cư - Amphibia

- Lớp Bò sát - Reptilia

- Lớp Chim - Aves

- Lớp Thú - Mammalia

 MORE EXPLANATION

Trong phân loại sinh học, một giới (kingdom hay regnum) là một đơn vị phân loại hoặc là ở cấp cao nhất (theo lịch sử), hoặc là cấp ngay dưới lãnh giới (trong hệ thống ba lãnh giới mới). Mỗi giới được chia thành các nhóm nhỏ hơn, gọi là ngành (nói chung là "phylum" nhưng đối với thực vật thì hay dùng "division"). Hiện tại, các tài liệu về phân loại tại Hoa Kỳ sử dụng hệ thống 6 giới (Animalia, Plantae, Fungi, Protoctista, Archaea và Monera), trong khi các tài liệu tương tự tại Anh và Australia lại sử dụng hệ thống 5 giới (Animalia, Plantae, Fungi, Protista, Bacteria).

Carolus Linnaeus đã phân biệt hai giới của sự sống: Animalia cho động vật và Vegetabilia cho thực vật (Linnaeus cũng xem xét các khoáng vật và đặt chúng trong giới thứ ba, gọi là Mineralia). Linnaeus phân chia mỗi giới thành các lớp, sau này được gộp lại thành các phylum cho động vật và division cho thực vật. Khi các sinh vật đơn bào lần đầu tiên được phát hiện, chúng được phân chia giữa hai giới: dạng có thể vận động trong ngành động vật Protozoa, còn các dạng tảo màu và vi khuẩn thuộc về ngành thực vật gọi là Thallophyta hay Protophyta. Tuy nhiên, một lượng lớn các dạng rất khó để xếp đặt, hoặc được các tác giả khác nhau đặt vào các giới khác nhau: ví dụ, chi tảo có thể vận động như Euglena và niêm khuẩn dạng giống như trùng biến hình. Kết quả là Ernst Haeckel đã đề xuất việc tạo ra giới thứ ba, gọi là Protista cho chúng.

Hai siêu giới, bốn giới

Việc phát hiện ra vi khuẩn có cấu trúc tế bào khác biệt cơ bản với các sinh vật khác — tế bào vi khuẩn có 1 hay 2 lớp màng nằm tại hay gần với bề mặt của nó, trong khi các sinh vật khác có cấu trúc phức tạp hơn với nhân và các cơ quan tử khác được phân chia bằng các màng nội tế bào — đã dẫn tới việc nhà vi sinh vật học Edouard Chatton đề xuất việc phân chia sự sống thành các sinh vật có nhân vào Eukaryota và các sinh vật không nhân vào Prokaryota.

Đề xuất của Chatton đã không được chọn ngay; hệ thống điển hình hơn là của Herbert Copeland, trong đó ông xếp các sinh vật nhân sơ (Prokaryota) vào một giới riêng, ban đầu gọi là Mychota nhưng sau đó được gọi là Monera hay Bacteria.[4] Hệ thống bốn giới của Copeland đặt tắt cả các sinh vật nhân chuẩn mà không là động vật hay thực vật vào giới Protista.

Dần dần, một điều trở nên rõ ràng là các khác biệt giữ sinh vật nhân chuẩn/sinh vật nhân sơ có tầm quan trọng như thế nào, và Stanier cùng van Niel đã truyền bá đề xuất của Chatton trong thập niên 1960.

Mô hình trình diễn hệ thống ba giới của Ernst Haeckel (Plantae, Protista, Animalia) trong cuốnGenerelle Morphologie der Organismen của ông năm 1866.

Năm giới

Robert Whittaker đã công nhận một giới bổ sung cho nấm là Fungi. Kết quả là Hệ thống năm giới, được đề xuất năm 1968, đã trở thành tiêu chuẩn phổ biến và với một số cải tiến vẫn còn được sử dụng trong rất nhiều tác phẩm về sinh học, hoặc tạo thành nền tảng cho các hệ thống nhiều giới mới hơn. Nó dựa chủ yếu vào các khác biệt trong cách thức lấy các chất dinh dưỡng: Plantae của ông chủ yếu là sinh vật đa bào tự dưỡng, Animalia là sinh vật đa bào dị dưỡng, Fungi là sinh vật đa bào hoại sinh. Hai giới còn lại, Protista và Monera, bao gồm các quần thể đơn bào và tế bào đơn giản.

Sáu giới

Trong những năm khoảng 1980 nổi lên tầm quan trọng của phát sinh loài học và việc định nghĩa lại các giới như là các nhóm đơn ngành, là các nhóm hợp thành từ các sinh vật có mối quan hệ tương đối gần gũi nhau. Animalia, Plantae, Fungi nói chung đã được quy về các nhóm cốt lõi của các dạng có quan hệ gần gũi, còn các dạng khác được đặt trong Protista. Dựa trên các nghiên cứu rARN, Carl Woese đã phân chia Prokaryota (giới Monera) thành hai giới, gọi là Eubacteria (vi khuẩn thật sự) và Archaebacteria (vi khuẩn cổ). Carl Woese đã cố gắng thiết lập hệ thống Ba Giới Chính (Urkingdom) trong đó Thực vật, Động vật, Sinh vật nguyên sinh, Nấm được gộp lại trong một giới chính của tất cả các dạng sinh vật nhân chuẩn. Eubacteria và Archaebacteria tạoh thành hai urkingdom khác. Việc sử dụng ban đầu của các "hệ thống sáu giới" là sự hòa trộn hệ thống năm giới kinh điển và hệ thống ba giới của Woese. Những hệ thống sáu giới như vậy đã trở thành tiêu chuẩn trong nhiều tác phẩm.

Một loạt các giới sinh vật nhân chuẩn mới cũng được đề xuất, nhưng phần lớn hoặc là nhanh chóng bị coi là không hợp lệ, bị hạ xuống cấp ngành hay lớp, hoặc bị hủy bỏ. Giới duy nhất vẫn còn được sử dụng khá rộng rãi là giới Chromista do Cavalier-Smith đề xuất, bao gồm các sinh vật như tảo bẹ (Laminariales), tảo cát (Bacillariophyceae), thủy khuẩn (Oomycetes). Vì thế sinh vật nhân chuẩn được phân chia thành 3 nhóm chủ yếu là dị dưỡng (AnimaliaFungiProtozoa) và 2 nhóm chủ yếu là quang hợp, (Plantae, bao gồm cả tảo đỏ và tảo lục và Chromista. Tuy nhiên, nó không được sử dụng rộng rãi do sự không chắc chắn về tính đơn ngành của hai giới cuối cùng này.

Woese nhấn mạnh sự giống nhau về gen so với biểu hiện và hành vi ra ngoài, dựa trên so sánh các gen của ARN ribosome ở mức phân tử để xếp loại các thể loại phân loại. Thực vật trông không giống như động vật, nhưng ở mức tế bào thì cả hai nhóm đều là sinh vật nhân chuẩn, có cơ cấu tổ chức hạ tế bào tương tự, bao gồm nhân tế bào, cái mà Eubacteria và Archaebacteria không có. Quan trọng hơn, thực vật, động vật, nấm, sinh vật nguyên sinh là tương tự nhau trong cấu trúc gen của chúng ở mức phân tử, dựa trên các nghiên cứu rARN, hơn là giống với Eubacteria hay Archaebacteria. Woese cũng phát hiện ra rằng tất cả các sinh vật nhân chuẩn, gộp lại với nhau như là một nhóm, về mặt di truyền là có quan hệ họ hàng gần gũi với Archaebacteria hơn là quan hệ của nhóm này với Eubacteria. Điều này có nghĩa là Eubacteria và Archaebacteria là các nhóm tách rời ngay cả khi so sánh với Eukaryota. Vì thế, Woese đã thiết lập hệ thống ba vực, cho rằng tất cả các dạng Eukaryota là có quan hệ di truyền gần gũi hơn khi so sánh với mối quan hệ di truyền với Eubacteria hay Archaebacteria, mà không có sự thay thế các "hệ thống sáu giới" với hệ thống ba giới. Hệ thống ba vực là "hệ thống sáu giới" trong đó hợp nhất các giới của Eukaryota thành vực Eukarya, dựa trên sự tương tự gen tương đối của chúng khi so sánh với vực Bacteria và vực Archaea. Woese cũng công nhận rằng giới Protista không là nhóm đơn ngành và có thể phân chia tiếp ở mức giới. Ví dụ, một số tác giả chia giới Protista ra thành Protozoa và Chromista.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro