QUAY ĐẦU CHẲNG THẤY BỜ

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng


Sau sự việc cậu bé nhảy cầu tự tử ở Trung Quốc, mình có nghe được một ca khúc tên là "Nói với con", trong bài hát có một đoạn lời rất đau lòng: "Nếu một mai con trưởng thành, mẹ sẽ cảm thấy lạc lõng lắm, rồi con sẽ không muốn mẹ cầm tay con nữa... và con cũng sẽ vì một người mà trả giá rất nhiều, đồng thời cũng sẽ có những bí mật không nói cho mẹ biết... mẹ rất muốn thay con cản gió cản mưa cản cả mê muội, chỉ để con trông thấy cầu vồng trên trời cao, mãi đến khi con trở thành (người lớn như) mẹ".

Trong đời sẽ có vô số biệt ly và tương phùng, song ai cũng cho rằng tháng ngày rất dài và thời điểm chia tay vẫn còn rất xa. Thế nhưng đời người như kịch, chẳng ai dự liệu được trước những chuyện ngoài ý muốn.

Không biết các bạn có biết vụ này không nhưng hồi trước từng xảy ra một sự việc cũng tương tự, ở Tứ Xuyên Trung Quốc cũng từng có một học sinh cấp ba tự sát. Lý do mà cậu bé lựa chọn phương thức tiêu cực này ấy chính là do cậu bé không chịu đựng áp lực nổi nữa, dù cậu bé có thi 98/100 điểm thì cũng bị bố mẹ mắng, thậm chí tư thế đi đứng ăn uống mà sai cũng bị mắng. Học kỳ một lớp Chín, cậu bé đứng thứ năm toàn trường với điểm toán, chính trị và địa lý đều đạt tuyệt đối, chỉ riêng tiếng Anh là 99 điểm, thế nhưng bố cậu bé lại hỏi rằng: "Con học tiếng Anh không hiểu gì à?". Tới khi cậu bé lên cấp ba, xung quanh đều là học sinh ưu tú, cạnh tranh mỗi lúc mỗi kịch liệt. Tháng đầu tiên cậu bé thi đứng thứ 73 toàn trường, cậu bé vui mừng gọi điện báo cho mẹ biết, song mẹ cậu lại nói rằng: "Chỉ đứng thứ 73 thôi à?". Nghe xong câu đó, cậu bé bật khóc, ngay cả bạn cùng lớp đứng thứ 600 mà cũng được ngợi khen, nhưng cậu thì không. Dưới sự chèn ép về ngôn ngữ của bố mẹ mà cậu bé dần phủ định chính mình và chọn cách tự tử để kết liễu mọi đớn đau mà mình phải chịu đựng.

Trong tâm lý học có một hiệu ứng tên là Pygmalion, hiệu ứng này thường được xem như một hành động khích lệ và hy vọng bằng việc gán cho họ những đặc điểm tốt, từ đó tạo động lực giúp họ phát triển, song đây cũng là hiệu ứng dùng để ám chỉ việc con người bị đánh giá thấp năng lực, bị người khác cho rằng bản thân không cầu tiến, kém cỏi khiến người bị đánh giá ức chế đến mức làm ra những hành động như phủ định chính mình, hãm hại hoặc tự sát. Cả cậu bé trong ví dụ trên và cậu bé nhảy cầu tự sát là hai minh chứng cho hiệu ứng này. Một người thì bị ép buộc phải ưu tú toàn diện, còn một người thì bị phủ nhận bản ngã.

Nghe nói nguyên nhân khiến cậu bé nhảy cầu là vì cậu là LGBT. Khoảnh khắc cậu bé rời khỏi xe, quệt nước mắt và nhảy xuống cầu một cách dứt khoát, đủ để thấy áp lực mà cậu gánh trên vai suốt khoảng thời gian qua là to lớn đến nhường nào, và lúc này đây một giọt nước cũng đủ để làm tràn ly hay nói đúng hơn là làm tràn cái tôi của một đứa trẻ đương độ tuổi nhạy cảm nhất.

Trong show "Hướng về cuộc sống", Hoàng Lỗi từng tâm sự về việc giáo dục con cái: "Tôi chưa bao giờ xem con là con nít, con bé là một người có tư tưởng, nó có bí mật, có suy nghĩ và cuộc đời của riêng nó. Con bé không thuộc về tôi mà là một cá thể độc lập giữa chúng ta. Tôi không áp đặt suy nghĩ của mình lên người con bé mà chúng tôi giống như bạn bè". Sự giáo dục tốt nhất chính là làm bạn với con, nhưng không phải ông bố bà mẹ nào cũng nguyện lòng làm một người bạn biết thấu hiểu.

Hồi còn học năm nhất hay năm hai đại học gì đấy, An từng đọc được một cuốn sách liên quan đến giáo dục, tác giả là Vasyl Sukhomlynsky, trong đó có đoạn mà An tâm đắc đến nỗi nhớ mãi tới tận giờ, đại ý là có sáu phương diện gây ảnh hướng đến sự hình thành nhân cách và con người của một đứa trẻ độ tuổi thanh thiếu niên: một là gia đình, hai là trường học, ba là tập thể, bốn là giáo dục từ phía gia đình, năm là sách vở và sáu là hoàn cảnh xã hội. Câu nói mà các ông bố bà mẹ hay dùng nhất chính là "vì tốt cho con", nhưng trên đời có một chân lý gồm bốn chữ "vật cực tất phản" - cái gì quá cũng không tốt.

Tới mãi sau này An mới biết, ở Trung Quốc từng có một tin tức khiến không ít người chấn động: bố mẹ lo lắng con cái ở nhà một mình không học hành nên đã lắp một chiếc camera ngay trong nhà để quản lý con. Một bà mẹ lắp camera đã nói rằng: "Con trai sắp lên cấp Hai rồi nên tôi mua một chiếc camera lắp trong thư phòng, chủ yếu là để dọa rằng bố mẹ đang nhìn chằm chằm vào mọi nhất cử nhất động của nó, để cho nó biết sợ". Thậm chí còn có người đăng video quay cảnh con mình đang học bài ngay trong chính ngôi nhà mà đứa con của họ đang ở mỗi ngày với những lời kêu gọi và khoe mẽ là "rất tốt và thực dụng". Mình không biết "tốt và thực dụng" ở đâu, chỉ biết rằng họ đang lạm quyền cha mẹ để xâm phạm đời tư của con mình và thậm chí còn rêu rao cho cả thiên hạ biết được điều đó.

Trung Quốc cũng giống như Việt Nam thôi, nếu khác chỉ khác mỗi ngôn ngữ và địa lý chứ nhìn chung từ hệ thống giáo dục đến tư tưởng văn hóa đều có nét tương đồng. Con thú bị ép tới đường cùng còn chết hà huống gì con người, đã vậy còn là một đứa trẻ mang trong mình bí mật về giới tính và nhạy cảm trước xã hội. Mỗi độ tuổi đều có áp lực riêng, người lớn có thì con trẻ cũng có, chỉ có điều người lớn nhìn thấy áp lực của con trẻ chỉ nhỏ bằng một hạt cát, nhưng con trẻ thì lại cảm thấy như cả một sa mạc Sahara.

Trên thế giới này mười người thì đã có tới hai mươi tính cách, bạn vượt qua được không có nghĩa là người khác cũng phải vượt qua được. Có thể việc chúng ta ngày xưa bị bố mẹ mắng rồi quở trách là chuyện bình thường nhưng chưa chắc trẻ con bây giờ lại thấy thế, mỗi thời đại lại có cách giáo dục khác nhau bởi môi trường của mỗi một đứa trẻ đang sinh sống cũng khác nhau. Muốn nuôi một đứa trẻ thành người đâu phải dễ dàng gì, nào chỉ cung cấp vật chất là đủ mà còn phải bồi dưỡng cả về mặt tinh thần. Dẫu một đứa trẻ hiểu chuyện đến mức nào nhưng bố mẹ nó "không cảm thấy thế" thì thể nào trong lòng con cũng hình thành một vết thương.

Chúng ta bàng hoàng và xót xa khi nhìn thấy cậu bé nhảy xuống và dứt khoát kết liễu mạng sống, đến khi biết được tiền căn hậu quả thì lại càng sững sờ hơn. Cái sững sờ ấy chẳng phải vì chúng ta đang bất bình hay phẫn nộ mà là đang trông thấy chính mình của những tháng năm nào đó cũng đã từng bất lực như vậy song rồi đã vượt qua. Không phải chuyện gì cũng đổ lỗi được cho con cái mà cũng phải nên nhìn vào các đấng sinh thành. Con cái không hoàn toàn sai và bố mẹ cũng không hoàn toàn đúng, nếu chịu bình tâm ngồi lại thấu hiểu lẫn nhau thì nút thắt trong lòng sớm muộn gì cũng sẽ được tháo gỡ, còn nếu không thì chí ít cũng tránh được một cái kết thương tâm.

Mong em kiếp sau có thể sống một cuộc đời mà ở đó em có thể là chính em.

(An viết)
FB: Qing An

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro