tra sua tam hon9

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Đứng bên ban công ngóng sang nhà Giang bên kia đường là sở thích bí mật của tôi, từ hồi nhỏ xíu. Dễ hiểu thôi, nhà nhỏ bạn học cùng lớp là một tiệm bánh ngọt nổi tiếng. Các tủ kiếng choán kín vách tường trước cửa luôn đầy ắp đủ loại bánh thơm phức mà bất kỳ thằng oắt nào đi ngang cũng chảy nước miếng. Tuy nhiên, đặc biệt nhất trong tủ phải kể đến ổ bánh năm tầng, được trang trí tinh xảo, xếp trên cái giá hình bậc thang, chỉ dành cho đám cưới.

Cứ vài tuần, những người thợ trong nhà Giang lại thay thế một mẫu bánh cưới mới, với các hoạ tiết trang trí bằng kem bơ tinh xảo hơn, cầu kỳ hơn. Chỉ có điều, hai nhân vật chính trên nóc ổ bánh - cô dâu mặc váy xoè trắng và chú rể đóng bộ lễ phục choàng tay cạnh bên - thì lúc nào cũng vậy mà thôi.

Cặp đôi chán phèo này chẳng làm tôi ưa thích chút nào. Cô dâu bánh kem giống hệt nhỏ Giang rụt rè khép nép, đi học mà cũng diện váy tay phồng viền gấu đăng-ten. Gã chú rể thì bộ mặt vênh váo khiếp. Có lúc, tôi nghĩ giá như thó được cái gã ăn mặc đen kịt kia, lủm luôn vào miệng thì tốt. Sau này, theo lời Giang kể yếu xìu, tôi được biết gã chú rể được đổ khuôn từ bột chocolate nguyên chất đấy nhé.

Thỉnh thoảng sáng chủ nhật, tôi cũng có chút tiền để chạy sang đường, đàng hoàng đứng trước tủ kiếng và chọn một chiếc bánh ưng ý. Ba của Giang, ông chủ tiệm bánh, thường gắp thêm cho tôi một cái bánh vòng rắc đường, mỉm cười bằng đôi mắt buồn buồn: "Ăn nhiều cho mau lớn, chú nhóc!".

Tôi hơi cau mày. Bánh vòng rắc đường thì thích đấy, nhưng tôi chẳng thích bị coi là tên nhóc thộn. Một hôm, ông chủ tiệm không gắp bánh vào túi giấy mà lại mời tôi vào hẳn phòng khách sang trọng.

Kể hết công việc quan trọng cần nhờ tôi, ông nói khẽ: "Chỉ có con làm được thôi, Hiếu à. Gia đình bác chẳng biết cách nào nữa!". Tôi ngồi im, chưa hết bàng hoàng. Làm sao mà tin được nhỏ Giang bên ngoài xinh xắn vậy mà lại bị bệnh về xương. Đã vậy, giờ đây lên lớp sáu, nó còn không chịu để người nhà đưa rước, khăng khăng đòi tự đi học một mình. Giang là một cô bé đáng yêu nhưng lại ốm yếu từ nhỏ...

Tôi gãi tai, nhăn nhó: "Nếu con đi chung với con gái, mấy thằng bạn trong lớp ngó thấy sẽ cười con, nghỉ chơi ra luôn". Ông chủ tiệm bánh buồn thiu: "Chỉ cần con để mắt canh chừng Giang chút xíu thôi mà. Nó dễ bị té lắm. Lỡ mà như vậy, chữa trị càng thêm khó khăn!".

Tôi còn đang phân vân, ông chủ tiệm nói thêm: "Con qua nhà bác chơi thường xuyên đi, cho Giang nó quen. Con thích ăn thứ bánh nào, cứ chọn thoải mái, đừng có ngại gì hết, nghe!". Tôi liếc mắt ra tủ bánh, "dạ" khẽ. Ba Giang đặt tay lên vai tôi: "Con hứa nhé?". "Dạ, con hứa!" - Tôi nói còn nhỏ hơn. Đúng như tôi đoán trước, đến trường chung với nhỏ Giang quả là tai họa. Ngay lập tức, trên cửa sổ có hình vẽ nguệch ngoạc tôi và nhỏ bạn nắm tay nhau, dắt theo một bầy con lít nhít. Đứng xếp hàng dưới sân, bất cứ lúc nào tôi cũng có thể giật bắn, vì đứa nào đó hét toáng "Hiếu yêu Giang" thật lớn vào tai. Đám bạn thân tẩy chay tôi dữ dội. Hết đá banh và chơi đánh nhau. Hết trao đổi truyện tranh. Hết luôn cả vụ chung tiền đi chơi games điện tử...

Vấn đề là tôi đã hứa với ba Giang. Tôi phải thực hiện lời hứa. Không còn lựa chọn nào khác. Tuy nhiên, người làm tôi ngán nhất lại chính là nhỏ Giang. Nó là một đống rắc rối chưa bao giờ làm tôi hết sửng sốt. Mặc dù tay chân lẻo khoẻo, leo cầu thang một chút đã phải dựa lưng vào tường thở hổn hển, nhưng nó bướng bỉnh, nhất định không chịu để tôi xách cặp giùm.

Đến ngày lớp lao động ở vườn trường, Giang được miễn. Vậy mà nó vẫn khăng khăng đòi tới, hăm hở bới đất trồng cây cả buổi chiều như mọi người, dẫu rằng sau đó trời nóng bức làm nó chóng mặt, ngã lăn ra. Hôm đó, tôi phải cõng nó về tới cửa tiệm bánh, cũng mệt xỉu luôn.

Lên lớp tám, tôi được sắm xe đạp để đến trường. Bao nhiêu mẫu xe thể thao, xe leo núi nhìn thích mê, cuối cùng tôi đành chọn kiểu xe bình thường nhất. Chỉ với chiếc xe như thế, cái yên phía sau mới đủ rộng, đủ êm và đủ an toàn để tôi chở nhỏ Giang. Dù muốn hay không, thì tôi và nó vẫn thân nhau, hiểu nhau nhất. Buổi chiều, tôi ôm tập vở chạy qua nhà nó, cùng học bài, làm bài tập. Ba của Giang đặt trên bàn học một đĩa bánh trái cây, đủ loại. Nhỏ bạn đẩy qua tôi:

- Của Hiếu hết đó!

- Sao Giang không ăn? Ngon mà!

- Các nghệ sĩ múa không được ăn bánh ngọt đâu!

- Nghệ sĩ múa? - Tôi trợn mắt - Ai vậy?

- Giang... - Mặt nhỏ bạn đỏ ửng - nếu như được đi học múa!

- Ngớ ngẩn! - Tôi cười toáng lên.

Vừa làm toán, tôi vừa đánh chén lần lượt từng chiếc bánh, thật ngon lành. Nói chung là nhỏ Giang ngốc hết biết. Xương cốt nó mỏng mảnh yếu ớt, một tháng hai lần, ba của Giang phải đưa nó vào bệnh viện làm trị liệu. Mới đây, nó phải nghỉ học hai tuần vì các cơn đau buốt liên tiếp phát ra từ trong xương. Ai cũng mong nó mạnh khoẻ bằng nửa người khác thôi là tốt rồi. Thế mà nó còn mơ mộng hão huyền làm nghệ sĩ múa kia đấy. Ban đầu vì bánh ngọt, nhưng rồi vì yêu mến tôi đã ở cạnh cô bé ấy suốt thời ấu thơ...

Buổi tối, tôi đứng trên ban-công hóng gió trước khi đi ngủ. Tiệm bánh đã đóng cửa nhưng các ngọn đèn vẫn bật sáng. Những bộ bàn ghế nhỏ đã dẹp gọn. Qua cửa sổ kính, bỗng hiện ra một bóng người mặc váy xoè trắng bắt đầu lướt trên sàn gạch. Tất cả con người của Giang toát ra điều gì đó vô cùng say mê, từ cái cổ còm nhom, đôi chân gầy trơ đầu gối, cho đến đôi vai hơi co rút. Hai tay vươn cao, nó cứ xoay tròn mãi. Chỉ đến khi mệt lử, nó mới loạng choạng đến gần chiếc ghế, ngồi im, gục đầu nhìn xuống sàn. Lên lớp mười, chúng tôi vẫn học chung. Sau mùa hè, tôi bỗng cao vọt lên. Giang chỉ đứng chớm đến vai tôi mà thôi. Không còn say mê món bánh ngọt nữa, nhưng tôi vẫn thích sang nhà Giang, học bài, rủ rỉ trò chuyện. Tôi siêng đọc báo, lướt web, để ý các chương trình biểu diễn của các nghệ sĩ múa nổi tiếng, rồi mua vé đưa Giang đến xem.

Tôi phát hiện một tiệm băng đĩa có bán đĩa ghi hình các vở ballet cổ điển lẫn hiện đại. Cầm mấy chiếc đĩa tôi mua cho, Giang thích điên. Nó cười to, đến mức tôi không thể tin rằng một cô gái gầy nhom ốm yếu lại có thể cười to đến thế.

Năm ấy, ở thành phố có liên hoan phim châu Âu. Tôi gửi thư đến Hội đồng Anh, đăng ký xin hai chiếc vé xem bộ phim Billy Eliot của đạo diễn Stephen Daldry.

Trong rạp, Giang say mê theo dõi hành trình trở thành diễn viên múa của chú bé Billy 11 tuổi. Mặc dù chỉ thích thú đôi chút với chi tiết cậu bé con trai người thợ mỏ đổi chiếc găng tay đấm bốc lấy đôi giày diễn viên ballet, nhưng tôi vẫn xin ông soát vé, để cùng Giang ở lại trong rạp xem bộ phim thêm một lần nữa.

Lúc hai đứa ra khỏi rạp phim, mặt Giang tái xanh, vì xúc động và cả vì cơn đau thình lình ập đến. Ngồi sau xe đạp, cái đầu hốc hác của nó gục vào lưng tôi. Mai này lớn lên, dù có ra sao đi nữa, thì tôi cũng lấy nó làm vợ. Nó sẽ là cô dâu của tôi. Đừng hòng có gã vênh váo áo đen nào xen vào. Chỉ có như thế, thì tôi mới che chắn, chăm sóc cho nó suốt đời được. Trên quãng đường về nhà, tôi chỉ nghĩ về duy nhất điều ấy mà thôi.

Trong câu chuyện quan trọng mà ông chủ tiệm bánh nói với tôi ngày tôi còn bé xíu, có một chi tiết mà tôi rất sợ: Bác sĩ chẩn đoán căn bệnh tuỷ sống của Giang sẽ biến thành ung thư xương. Và điều đó đã xảy ra. Các khối u xuất hiện, làm nó không thể nào đi lại được nữa.

Cho đến ngày cuối cùng, nằm im co rút trong giường, thì nó vẫn nói với tôi về các bước nhảy trong không trung, làm sao thực hiện các cú xoay vòng liên tiếp mà không bị chóng mặt. Nó cố gắng cười to. Nhưng tôi thì chóng mặt khủng khiếp. Nhiều người quanh tôi thường băn khoăn tự hỏi, với năm tháng, họ đang trưởng thành hơn hay chỉ già đi?

Những khi ấy, tôi lại nhớ Giang tha thiết. Nhớ đến gương mặt nhìn nghiêng gầy nhom của nó sáng lờ mờ trong rạp phim. Nhớ đến đôi tay mảnh khảnh vươn cao của nó khi xoay tròn trên sàn gạch tiệm bánh ngọt. Tôi chợt hiểu, ngay cả khi biết rằng chẳng bao giờ chạm được vào ước mơ, mà vẫn nuôi dưỡng ước mơ, thì đó chính là một điều kỳ diệu.

Và vì thế, tôi vẫn có Giang ở bên cạnh, lớn lên cùng nhau.

Đêm gió mùa chợt lạnh, trời bỗng đổ cơn mưa. Mưa như trút nước tràn ngập trên phố phường. Có một đôi tình nhân tấp vội vào một mái hiên ven đường. Vội vàng trú... Vội vàng tránh... Mưa...

Họ nép vào nhau dưới mái hiên, người con trai đứng lên phía trước như chắn che bụi mưa, không cho ướt bạn mình, nhẹ nhàng vòng tay ra đằng sau ôm chặt lưng cô gái.

Mr Lee

Ngoài trời, mưa vẫn mưa... như trút...

Có hai bố con nhà nọ, người ướt nhẹp từ đầu đến chân đang đội mưa chạy đến. Mái hiên trở nên đông vui, mái hiên chợt như chật chội. Đôi tình nhân đứng lui lại, ông bố đẩy đứa con gái vào phía trong. Còn mình đứng phía ngoài, nửa bị mưa rơi ướt, nửa bị bụi mưa rơi.

Ngoài trời, mưa vẫn mưa... không ngớt...

Trên phố, có một người đàn bà nhỏ bé mặc áo mưa ướt sũng, lững thững đội thúng đi trong mưa. Khuôn mặt già nua ướt nhèm vì mưa hắt, người đàn bà tay như run lập cập, tiến lại gần cất tiếng run hỏi khẽ: - Anh, chị ăn bánh mì không? Anh thanh niên đưa mắt liếc nhìn, cô gái khẽ gật đầu. - Bán cho cháu một cái. Còn bé gái, bé có ăn không? - Dạ em không! Con bé cười nheo mắt. "Chú cũng không!" Ông bố khẽ gật đầu cười nói thay lời cám ơn.

Người con trai rút tờ 10.000 đồng: "Thôi, cô khỏi trả lại". Tay nhận cái bánh bẻ làm đôi chia cho cô bạn mỗi người cầm một nửa. Bà bán bánh mì đưa mắt nhìn, rồi cúi xuống, lặng im không nói, cặm cụi cất tiền.

Ngoài trời, mưa vẫn mưa... rả rích...

- Này bà có cái áo mưa nào khác không? - Có mỗi cái đang mặc thôi! - Bán lại cho tôi. Tôi cho con bé mặc về không đứng đây nó ốm mất. - Bán thì lấy gì mà đi. Mà mua thì trả bao nhiêu? - Bán nhiêu thì bán. - Lấy bảy nghìn nhé? - Cái áo rách thế mà bán bảy nghìn à? - Thôi mua thì năm nghìn. Không thì thôi vậy, tôi cũng chẳng muốn bán đâu.

Ông bố rút tờ 5000 đổi lấy chiếc áo mưa nhăn nheo, rách tả tơi lỗ chỗ mặc vội cho đứa con gái. Hai bố con lên xe, đứa bé núp đầu vào sau lưng bố tay vẫy chào đôi tình nhân nọ. Ông bố gồng mình phóng xe đi trong mưa gió. Bà bán bánh mì lấy tấm nilon đang bọc chiếc thúng trùm lên mình rồi đội mưa đi tiếp. Tiếng rao như nhỏ lại, cái bóng nhỏ khuất dần sau màn đêm mưa bão.

Gió ngày càng thổi mạnh, ngoài trời mưa vẫn mưa.. trắng xóa...

- Mưa như này biết bao giờ mới ngớt anh nhỉ? - Chắc phải một lúc nữa em ạ. - Mưa to quá! - Ừ! - Hay là anh gọi taxi cho em về trước đi. Đứng đợi như này biết đến bao giờ mới về được đến nhà. - ...

Người con trai như khựng lại đôi chút rồi cúi xuống đất tay nhặt tờ báo che vội lên đầu chạy ra đường đợi bắt xe cho cô gái. Mưa càng lúc càng to, đường phố như không còn bóng xe qua lại. Mưa càng lúc càng lớn, tờ báo nhỏ như không còn đủ khoẻ khoắn để che chắn những hạt mưa nặng trĩu đang rơi rớt trên đầu.

Anh chạy lên phía đầu phố. Cuối cùng thì cũng có ánh đèn xe xuất hiện. Taxi đến, cô gái bước lên xe ra về còn một mình người con trai ở lại. Mưa như to hơn và gió càng thổi mạnh. Anh đút tay vào túi quần lần tìm bao thuốc rút một điếu ra châm. Ánh lửa bừng loé lên nhưng rồi lại tắt lịm bởi mưa ướt tạt vào. Ném điếu thuốc xuống đất, anh đứng khựng người bồi hồi ngắm mưa rơi.

Ngoài trời, mưa vẫn mưa day dứt...

- Em về đến nhà rồi, anh cũng về sớm đi nhé. Về cẩn thận không ốm...

Xóa cái tin nhắn, dắt chiếc xe xuống vệ đường, người con trai phóng xe đi về "cẩn thận" trong màn mưa đêm trắng xóa. Gió thổi mạnh, những hạt mưa như đang òa vỡ và trở nên nặng trĩu, như trở nên bỏng rát và mưa như ngày càng nặng hạt... Mưa vô tình, hay gió... gió vô tâm...

Ngoài trời, mưa vẫn mưa như trút... Và mưa, mưa vẫn mưa không ngớt... Ngoài trời, mưa vẫn mưa trắng xóa... Và mưa, mưa vẫn rơi tầm tã...

Hai người đi bên nhau đôi bàn tay nắm lấy nhau môi mỉm cười cùng nhau...

ánh mắt người con gái nhìn vào cặp đôi khác mơ một hạnh phúc

ánh mắt người con trai nhìn vào cặp đôi khác mơ một hạnh phúc

đôi bàn tay khẽ rời bờ môi tắt nụ cười em - anh chúng ta không là một

1. Người khách tình cờ

Tôi biết đến quán cà phê này do một người bạn giới thiệu. Đó là một nơi khá yên tĩnh, với những bản nhạc nhẹ nhàng và êm ái, nơi tôi cảm thấy yên bình cũng như thanh thản trong tâm hồn vốn mệt mỏi với công việc từ lúc bình minh chào ngày mới.

Tôi bắt đầu để ý đến cô gái trẻ ngồi ở bàn đối diện khi cô ta đi một mình vào quán nhưng anh nhân viên lại đem ra hai ly nước. Một ly cà phê sữa cho cô và một ly đen đá ít đường cho người- nào- đấy sẽ ngồi ở chiếc ghế đối diện. Có lẽ, cô ấy đang chờ một người bạn nào đó, là bạn trai chăng? Phải rồi, vì hôm nay là cuối tuần mà! Các cặp tình nhân trẻ thì thường hay hẹn hò ở các quán cà phê lãng mạn vào dịp cuối tuần. Bỗng nhiên tôi phì cười, không hiểu sao tôi lại bắt đầu có sở thích để ý chuyện người khác. Phải chăng vì đôi mắt buồn trên gương mặt lạnh lùng của cô gái trẻ có một sức hút mãnh liệt với tôi?

Anh nhân viên trong quán tiến đến gần chỗ ngồi của cô , mỉm cười nhìn cô rồi hỏi:

- Tuần này của hai anh chị thế nào?

+ Vẫn thế anh ạ! Hạnh phúc và bình yên.

Cô gái trẻ vẫn chắp tay vào nhau, mỉm cười rồi nhẹ nhàng đáp trả. Vậy ra, tôi đã đoán đúng. Cô ấy đang chờ người yêu. Và hai người họ là khách quen của quán cà phê này

Một tiếng đồng hồ trôi qua, tôi nóng lòng muốn xem mặt anh chàng người yêu tốt số ấy là ai, nhưng vẫn không thấy anh ta đến. Đàn ông con trai mà lại để người yêu mình chờ đợi mỏi mòn như thế, thật không lịch sự chút nào.

Cô gái trẻ từ nãy giờ vẫn chăm chú nhìn vào màn hình di động trên tay, lâu lâu lại khẽ cười, nhưng đôi mắt vẫn đượm một chút gì đấy buồn và day dứt. Thỉnh thoảng cô liếc nhìn ly cà phê đen như màu mắt đang từ từ nhạt màu đi khi đá dần tan ra. Thời gian làm nhạt phai mọi thứ...?

Rồi tôi bỡ ngỡ khi cô gái trẻ gọi tính tiền và bước ra cửa, anh nhân viên buông một câu chào khó hiểu :

- Cám ơn hai anh chị và chúc một buổi tối cuối tuần hạnh phúc. Hẹn gặp cả hai vào tối thứ bảy tuần sau..

Tôi vẫn tròn xoe đôi mắt và cố gắng hiểu những gì đang diễn ra. Cô gái bỗng quay lại nhìn vào mắt tôi rồi mỉm cười. Có lẽ cô ấy đã biết có một kẻ tò mò đã trộm nhìn mình từ nãy đến giờ.

2. Nhân viên lâu năm

Tôi làm part-time cho quán cà phê này từ khi là sinh viên năm nhất. Tôi thích làm vào buổi tối, nhất là cuối tuần, khi những cặp tình nhân chọn nơi đây làm điểm hẹn hò, tôi đã chứng kiến được những chuyện tình lãng mạn, hài hước, và cả đau đớn nữa..

Vẫn như mọi buổi tối thứ bảy, cô gái ấy đến cùng với người yêu của mình. Tôi lập tức pha nước cho cả hai, như thường lệ, anh- cà phê đen và cô- cà phê sữa. Đã lâu rồi tôi không được nói chuyện với anh. Anh ấy là một người vui tính, nhưng rất điềm đạm và cư xử lịch thiệp, cũng như chiều chuộng người yêu mình hết lòng.

Tôi đặt ly cà phê sữa cho cô, và ly cà phê đá cho anh. Tôi vẫn pha cho anh nhiều cà phê hơn những người khách khác - vì anh là một người khách đặc biệt của quán chúng tôi.

- Tuần này của hai anh chị thế nào? - Tôi hỏi một câu quen thuộc như thường lệ. Thường thì anh sẽ là người trả lời. Nhưng bây giờ thì không.

+ Vẫn thế anh ạ! Hạnh phúc và bình yên - Cố ấy mỉm cười nhìn tôi và đáp trả.

Một tiếng đồng hồ trôi qua, tôi để ý có một vị khách ngồi gần cửa sổ suốt từ nãy đến giờ vẫn nhìn chăm chăm vào hai người họ. À không, chính xác là vào cô ấy. Cô đang mở điện thoại di động và xem lại hình ảnh hoặc tin nhắn gì đấy - tôi đoán thế - có lẽ là những tin nhắn của anh và hình hai người chụp bằng máy di động.

Khi ly cà phê đen của anh đã tan hết đá. Cô gọi tính tiền và bước ra cửa. Tôi mỉm cười chào hai người :

- Cám ơn hai anh chị và chúc một buổi tối cuối tuần hạnh phúc. Hẹn gặp cả hai vào tối thứ bảy tuần sau..

Cô nhìn về phía cửa sổ, mỉm cười với vị khách đang tròn xoe đôi mắt vì câu chào của tôi. Tôi không mấy ngạc nhiên, vì luôn có những vị khách tò mò về câu chuyện tình yêu của hai người họ.

3. Cô gái trẻ

Tôi và anh là bạn thân từ nhỏ. Đến hết năm cấp 3, chúng tôi quen nhau và hạnh phúc đến tận bây giờ. Nửa năm trước, anh dắt tôi vào một quán cà phê khá yên tĩnh, với những bản nhạc nhẹ nhàng và êm ái, làm thanh thản và dịu mát tâm hồn tôi. Khi tôi và anh cãi nhau, chúng tôi thường đến quán cà phê này, và sau đó thì lại làm lành với nhau, rất dễ dàng.

Sau một thời gian lui tới quán cà phê này vào mỗi tối cuối tuần thì chúng tôi đã trở thành khách quen của quán. Anh bắt chuyện với một nhân viên trạc tuổi chúng tôi, cậu ấy có vẻ thích cách nói chuyện của anh, và sau đó thì ba chúng tôi quen nhau.

Hôm nay, tôi lại đến đây cùng với anh. Tôi không cần gọi nước vì khi thấy chúng tôi, cậu nhân viên ấy sẽ biết mình nên pha nước gì. Ly cà phê đen cho anh lúc nào cũng được pha với rất nhiều cà phê, và chỉ bỏ một ít đường, vì anh thích uống như thế, cậu nhân viên cũng biết như thế.

- Tuần này của hai anh chị thế nào?- Cậu ấy hỏi chúng tôi một câu hỏi quen thuộc như thường lệ. Nếu như mọi khi, tôi sẽ để anh trả lời. Nhưng bây giờ thì không.

+ Vẫn thế anh ạ! Hạnh phúc và bình yên... - Tôi trả lời cậu ấy thật tự nhiên...

Một tiếng đồng hồ trôi qua, vị khách ở bàn đối diện gần cửa sổ vẫn nhìn vào tôi chăm chăm từ nãy giờ. Tôi cười nhạt, chẳng để tâm nữa, rồi lại mở di động và đọc những tin nhắn của anh từ nửa năm trước. Bây giờ, anh không còn nhắn tin cho tôi nữa, nhưng đọc lại những tin nhắn của anh, tôi vẫn cảm thấy hanh phúc. Mỗi khi chúng tôi giận nhau, anh luôn nhắn tin làm lành trước, và khi kết thúc một tin nhắn, anh thường để câu này vào cuối tin. "Hãy yêu anh như thể hôm nay là ngày cuối cùng ta bên nhau, em nhé..!"

Tôi nhìn ly cà phê đen đang dần đổi màu, với lớp đá đã tan thành nước ở phía trên, anh vẫn không uống dù chỉ một ít cùng tôi. Tôi thấy đắng ở cổ, nhưng vẫn cố kìm nén để nước mắt không rơi, vì tôi không muốn anh nhìn thấy tôi khóc.

Vị khách ở gần cửa sổ vẫn cứ nhìn hai chúng tôi. Tôi mỉm cười với ông ta rồi bước ra khỏi quán, hoà vào dòng người tấp nập ngoài kia, với những tiếng xe cộ réo lên inh ỏi, những ngọn đèn đường làm mắt tôi nhạt nhoà đẫm lệ...

Cuối cùng thì, tôi vẫn phải khóc, vì nhớ anh... Một người đã ra đi vĩnh viễn từ nửa năm trước.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro

#duy