Trả bài thi Làng Già: Tết của con

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Tiểu đội chúng tôi nghỉ chân tại một ngôi làng nhỏ của buổi sớm mai. Một điều gì đó thân thuộc như chợt hiện ra. A, mùi kiệu! Đúng rồi! Cái mùi kiệu cay cay này mà bất giác tôi chép miệng:

-Mèn ơi! Lại đến Tết rồi!

Tết đang về đây trên khắp mọi nẻo đường. Người ta có câu:

"Đông qua, Xuân đến, Tết về
Mua trà bánh mứt tình quê ấm lòng."

Thế mà gia đình tôi lại không được như thế. Từ nhỏ tôi có biết cái bánh mứt, cái hạt dưa là gì đâu? Thấy đám con Na, thằng Mít trong xóm có bánh mứt, có quà kẹo tôi cũng chỉ biết thòm thèm nhìn theo. Hương Tết của tôi là cái hương cay nồng của củ kiệu. Tết nhứt mà gia đình tôi cũng chẳng sắm nổi cành mai vàng. Muốn xem thì ra ngoài đầu chợ hoa ngó. Ba tôi bị liệt cả hai chân, má thì rong ruổi bán bánh tiêu nuôi gia đình. Ngày thường đã thiếu thốn cái ăn thì đâu ra tiền mà sắm Tết? Ba tôi bảo ba là người tàn tật, ăn ít lắm! Mỗi bữa chỉ ăn đến lưng chén. Chị hai biết ý, bao giờ múc cơm cho ba cũng múc thật chặt. Gia đình tôi không có nhiều họ hàng. Đón một cái Tết no đủ thôi cũng là cả niềm mơ ước. Có hôm, tôi hỏi má:

-Má ơi! Sao nhà người ta có nhiều đồ đón Tết mà nhà mình không có vậy?

Lúc đó, má tủi thân, cũng thương con quá nên không nói gì. Mắt má tôi cứ đượm buồn. Chị hai mắng:

-Má lo mày ăn học đầy đủ, lớn tướng như hôm nay đã là phúc! Tết với chả nhứt! Vẽ chuyện!

Gọi là Tết nhưng cái Tết của gia đình tôi cũng thật đơn sơ, chẳng khác ngày thường là bao. Má tôi hay đi hong củ kiệu làm mấy món cho ba ăn bữa Tết. Ba tôi ăn chung với mấy cái thứ rượu cần, rượu nếp rồi vỗ tay khen khí thế. Tôi thì lại chẳng hiểu cái thứ củ ấy có gì ngon lành. Tôi thử bỏ một củ vào miệng: cay xè mà còn mặn chát. Cái thứ củ ấy đã gắn liền với ngày Tết gia đình tôi như thế đấy!

Mà nói đến Tết thì còn phải kể đến chợ. Tôi chạy ra đầu làng thì cơ man là những sạp đông đúc. Những trái dưa hấu to nằm cạnh mấy quả bưởi xanh xanh. Sạp hoa rung rinh màu nắng phương Nam vàng hoe. Khắp chợ chất đầy hoa quả tươi mà đám trẻ nít chúng tôi chỉ chờ thời cơ đánh xoáy mấy quả.

Tôi cũng nhớ mấy đêm trời quang, ba tôi hay kêu má bắc cái chõng ra ngoài nằm ngắm sao. Tôi chẳng biết có gì hay! Chỉ biết nằm ngoài ấy muỗi đốt ngứa chân. Cái thứ muỗi cái cứ vo ve bên tai, bực tay, tôi đập loạn xạ. Thế mà chẳng có con nào trúng. Ba tôi hay kể những chuyện từ thời của ba là những ngày chống Pháp căng thẳng. Đôi khi có vệt sáng xẹt qua bầu trời, ba bảo đó là máy bay. Máy bay thì nhiều loại: Máy bay trực thăng, máy bay thương mại hay máy bay phản lực. Nếu lên thành phố sẽ thấy còn nhiều ánh đèn nhấp nháy đủ thứ màu. Thế mà nên câu:

"Đèn Sài Gòn ngọn xanh ngọn đỏ
Đèn Mỹ Tho ngọn tỏ ngọn lu
Anh về anh học chữ nhu
Chín trăng em đợi mười thu em chờ."

Ba tôi nói câu đó cũng dùng để phản đối chữ Tây ngày trước của Pháp. Tôi nghe say xưa, chẳng biết trời trăng mây đất gì rồi lăn ra ngủ luôn. Chỉ tội công má phải bế tôi lên giường. Trong giấc mơ của tôi về cái nơi gọi là "thành phố" (đối với tôi như một thế giới khác qua lời kể của ba). Tôi mơ về mấy ngọn đèn xanh đỏ nhấp nháy cùng với những chiếc máy bay xẹt ngang qua bầu trời cao vợi. Nghe hay như cả niềm ước ao của tôi gói gọn trong đó.

Ba tôi đặc biệt mê người Quảng Nam. Ba nói người Quảng Nam dễ thương cực kì. Cái giọng họ lanh lảnh mà đôi lúc nghe vào lại chẳng hiểu họ nói gì! Nói xe đạp thành "xe độp", gọi Quảng Nam thành "Quảng Nôm",... hồi trẻ ở chỗ ba sống có nhiều người Quảng Nam. Có khi đói xanh mặt mà hết tiền ăn thì qua vay mấy người Quảng Nam, họ hào phóng, cho mượn cả. Đi xe ôm cũng nhứt quyết đi xe người Quảng Nam chứ xe người miền khác thì ông không chịu.

Má tôi thì không kể tôi nghe về đèn, xe thành phố, càng không kể về thời con gái mà kể về trẻ con trên ấy. Đám trẻ nít trạc tuổi tôi nhưng sạch sẽ và chỉn chu hơn. Lúc nào cũng gọn gàng, tươm tất, đầu tóc chải chuốt hẳn hoi. Con trai thì có cả mấy món đồ chơi nghe thích vô cùng: Cái xe hơi, rôbốt, súng bắn nước,... làm từ nhựa Mỹ, cao su Pháp. Con gái thì áo đầm, váy trắng xinh như búp bê. Đứa nào đứa nấy đều đi những chiếc xe sang trọng trên đường phố. Mẹ thường nói: "Mốt lớn lên học giỏi rồi ra đó mà ganh đua với tụi dân thành phố!" Tôi chẳng biết mấy cậu ấm cô chiêu đó mặt mũi ra sao, có giống trẻ thôn quê chúng tôi không? Nhưng đã là dân thành phố thì hẳn nó phải đẹp hơn chúng tôi gấp trăm lần.

Trẻ con cũng thật vô tư. Những ngày ấy tôi không có nỗi lo về cơm áo gạo tiền. Nỗi lo duy nhất của tôi là sợ tụi trong xóm sẽ soán cái ngôi đá bóng hạng nhất của mình. Một khoảng sân, một trái bóng tết bằng lá dứa với năm, sáu thằng nhóc nhem nhuốc, thò lò mũi xanh như chúng tôi là đã có hẳn một trận bóng. Có khi tôi đòi mẹ mua mấy túi kẹo về làm cúp bóng. Tất nhiên là dễ gì mà mẹ mua cho! Đã thế về nhà còn bị chị mắng cho méo xị cả mặt. Những lúc như vậy, bố thường cười khà khà, bảo:

-Con nhà tông, không giống lông cũng giống cánh! Mày giống ba! Hồi đó toàn trốn ngủ trưa tụ tập đá banh. Về má biết xách roi đánh nát mông.

Một tuổi thơ hồng của tôi trôi qua như vậy! Một cách bình thường như bao đứa trẻ khác cùng trang lứa. Rồi thời gian theo bước tôi cho đến năm tôi được trúng vào Đại học Bách Khoa. Tôi lúc đó cũng chỉ là một chàng thư sinh nơi đất quê nghèo chứa đầy mộng mơ và khát vọng của tuổi mới lớn. Chị tôi chỉ học đến lớp Tám rồi nghỉ, giờ cũng đã lấy chồng. Cả nhà gửi gắm thằng con quý báu bước chân lên Sài Thành hoa lệ như gửi gắm tất cả niềm hi vọng vào tôi. Cũng giống bao người, tôi đã ấp ủ những nguyện vọng cho riêng bản thân. Tôi theo nghiệp cầm phấn nên chọn vào Bách Khoa. Nhưng có lẽ cuộc đời đã đẩy đưa buộc tôi phải cầm cây súng. Đó là một hôm, gia đình tôi nhận được giấy báo nhập ngũ. Lòng ba má tôi đau như cắt. Ai cũng hiểu ra chiến trường thì coi như là chẳng biết ngày nào trở về, mà về có nguyên vẹn không. Ba tôi thao thức suốt cái đêm trước ngày tôi đi nhập ngũ. Má tôi khóc, từ nhỏ đến lớn chưa bao giờ tôi thấy má khóc nhiều như vậy.

Tôi chia tay cảnh nhà xơ xác để lên đường. Má khóc như sắp đưa tiễn người thân đi xử bắn. Tôi nghĩ số phận mình thế là lênh đênh từ đây. Viễn cảnh tương lai mịt mù vô bờ bến cứ hiện ngay trước mắt. Chia tay làng xóm, chia tay góc nhà ba gian, chia tay tất cả những gì thân thuộc nhất.

Trong đội có một anh người Quảng Nam. Giống như lời ba tôi hay kể. Giọng Quảng Nam cứ lanh lảnh, dễ thương hết biết. Mà kể từ ngày xa nhà, tôi đâm ra nhớ gia đình vô cùng. Chẳng biết giờ ba má thế nào, có khỏe không? Tôi nhớ đến bát mì tôm má ăn vội mỗi sáng. Nhớ cái xe bánh tiêu má đẩy nặng nhọc trên lối về. Nhớ mấy hôm má chạy mưa xuôi ngược khắp quãng đường quanh co. Còn ba tôi thì sao? Không có tôi, nhà lại thêm khó khăn. Má đi làm từ sáng sớm thì ai ở nhà trông ba bây giờ? Ba có còn hay nằm chõng ở ngoài hay không? Còn hay hi vọng bao nhiêu điều xa vời vợi hay không? Nhớ lại bao nhiêu hoài bão mà gia đình tôi phải trải qua, tôi thương ba má vô cùng. Tôi ở đây vẫn là một may mắn. Tôi có anh em, có đồng đội để mà nhờ cậy. Tôi chưa bao giờ cảm thấy cô đơn nhưng cớ sao bây giờ tôi lại thấy lòng nặng nề, trống vắng quá. Vắng tôi, cảnh nhà trơ trọi, vắng cả tiếng cười. Bao nhiêu mùa Xuân qua, bao nhiêu mùa Đông về, bốn năm trời dài đằng đẳng, cứ tưởng như cả chục năm trôi qua mà tôi thì lại chưa có dịp viết thư về nhà. Tôi vô tâm, quên mất rằng hằng ngày vẫn còn ai đó luôn ngóng chờ thư tôi về. Ba má chẳng biết thằng con mấy năm nay nó ra sao, còn sống hay chết bờ chết bụi ở cái xó nào rồi! Mà đã ở trên chiến trường thì sinh tử là việc không thể tránh khỏi. Điều đó càng làm ba má lo lắng, trăn trở hơn. Muốn viết thư mà cũng chẳng biết tôi đang chinh chiến nơi nào.

Để rồi một hôm, vài đứa trong đội nhận được thư gia đình, mừng khốn xiết. Tôi mới chợt giật mình: Tôi đã không liên lạc gì về kể từ ngày ra trận. Thế là tôi quyết định viết một bức thư. Bức thư mở đầu bằng vài dòng hết sức đơn giản:

"Stung Treng, Campuchia

Ngày X tháng X năm....


Ba má kính yêu của con...."

Bức thư tương đối dài, những dòng đầu để hỏi thăm sức khỏe ba má, chị Hai. Hỏi thăm làng xóm, kinh tế gia đình, tình hình trong nước. Tôi kể về những cuộc hành quân bên đất khách quê người, kể về những gian nan vất vả, nhưng chiến dịch đẫm máu và cả những lần tôi có thể cảm nhận rõ rệt thần chết lướt qua. Cuối thư, tôi gửi hết tất cả cảm xúc, những nỗi nhớ mong vào trang giấy.

Má tôi nhận được thư, tôi cũng tưởng tượng má đã xúc động đến mức nào khi nhận được bức thư đầu tiên đó. Má cũng viết thư, kể rất nhiều, dặn tôi rất nhiều. Chị tôi đã sinh con đầu lòng, đặt tên là Khải theo tên của tôi vì tôi còn bặt vô âm tín, mà nếu như tôi đã mất thật rồi thì còn có thằng Khải này cho má đỡ nhớ nhung. Tình hình sức khỏe ba tôi thì đang chuyển biến xấu đi. Má phải lo chạy chữa suốt. Đọc thư của má, tôi thương quá! Chỉ muốn khóc nấc lên. Mặc dù hoàn cảnh đang khó khăn nhưng tôi lại chẳng thể san sẻ gánh nặng cho ba má.

-Phải. Tôi điên! Điên thật nên muốn dồn hết mọi gánh nặng về mình. Điên thật nên mới muốn sống một cuộc đời lam lũ!- Tôi tự cười bản thân mình thế đấy.

Bầu trời sẽ trong xanh trở lại sau cơn mưa lớn. Má à! Con đã có thể ganh đua với tụi dân thành phố như một thời má từng mong ước. Và hơn thế nữa, những gì tụi con chiến đấu hôm nay là vì lòng yêu tổ quốc, vì nhân dân nước bạn. Không có ba má, Tết với con sao thật xa mà cũng thật gần.

Xuân này, mùa xuân thứ năm tôi lại chẳng thể đón Tết cùng gia đình. Bước một bước, nghĩ về quê nhà mà lòng tôi tự hào đến lạ, tôi vững tin mình có thể cầm chắc cây súng nơi chiến trường hiểm trở, tôi sẽ chiến đấu cho đến viên đạn cuối cùng, để ai đó có thể hãnh diện về tôi.

"Ba má ơi! Khi nào thắng trận con sẽ về!"

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro

#test