1

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Tôi là Trâm. Giáng sinh đêm nay tôi được một bạn nam cùng lớp tỏ tình. Trong suốt 21 nồi bánh chưng, đây là lần thứ 2 có người tỏ tình tôi và cũng là lần thứ hai tôi từ chối họ. Lí do không nằm ở hai anh chàng kia, mà đó là do sự tự ti của tôi. 

Gia đình tôi không giàu. Tôi không mong cầu một cuộc sống nhung lụa đuề huề, chỉ cần bình an thanh thản trong suốt quãng đời còn lại. Tất nhiên là cho đến hiện tại tôi không có được điều đó, thế nên tôi mới tự ti. 

Gia đình nhỏ 3 người chúng tôi chưa bao giờ có một căn nhà "chính chủ" đúng nghĩa, đã trải qua 3 lần chuyển nhà và có lẽ sẽ còn tăng trong tương lai. Hồi nhỏ, tôi ở nhà ông bà nội chung với gia đình chú út (bố tôi là con thứ 4 trong nhà). Sau đó vì thương chú út nên bố tôi đã quyết định chuyển đi. Khi ấy ông bà ngoại cho chúng tôi một căn nhà ở tạm, xây trên khu đất quy hoạch của Nhà nước gì đó tôi không nhớ rõ. Suốt những năm tháng ấy, mẹ và tôi luôn sống trong lo sợ, thấp thỏm rằng một lúc nào đó sẽ bị đòi lại đất, lại nhà. Bố tôi, một người  bất cần, làm giám sát công trình, công việc và thời gian đều tự do. Cái tính bất cần và có phần "vô tâm" ấy được hình thành từ sau khi ông đi lính về. Bốn năm trên mặt trận sinh tử, từng trúng đạn, từng giết người, từng nhìn đồng đội hy sinh, từng ăn ngủ với xác chết, trải qua cái đói cái khổ, bố tôi giờ chẳng còn sợ gì ngoài những việc khiến cô con gái rượu và vợ ông phải tổn thương. Ông yêu vợ, thương con vô bờ bến. Nhưng ông cũng quá tự do và "vô tâm". Với ông, "ở đâu mà chằng được, thế nào mà chẳng xong, quan trọng gì!". Mỗi lần mẹ tức mình mắng mỏ, chửi rủa, trút bầu tâm sự với tôi, tôi đều phải giấu nước mắt vào trong: "Không biết đến bao giờ mẹ con mình mới có một cái nhà để ở. Chỉ cần có chỗ chui ra chui vào thôi nhưng miễn là của mình, không phải đi mượn đi ở nhờ của ai cả con ạ". Mẹ làm công nhân đóng gói hàng hóa ở bưu điện chuyển phát, một công việc ca kíp thất thường và nặng nhọc vất vả. Một tuần có 3 ca đêm, còn lại là ca ngày, mỗi ca từ 10-12 tiếng. Mẹ tích cóp từng đồng với mong muốn một ngày nào đó sẽ có được một chỗ che nắng che mưa của riêng mình. Trong khi đó bố tôi làm giám sát công trình tự do, đi vắng cả ngày, một năm đưa lương cho mẹ tôi được 1-2 lần, mỗi lần 15-20 triệu. Thậm chí có năm còn không đưa một đồng nào. Chưa nói đến việc chừng đó không nổi mức lương cơ bản tối thiểu, bố tôi còn hay mang tiền hoặc đồ dùng trong nhà đi lo chuyện thiên hạ. Những lần bố tôi mang tiền đi mua đồ cho công nhân trong khi việc đó thuộc trách nhiệm của chủ đầu tư hoặc nhà thầu, những lần bố tôi mang tiền đi mua tủ lạnh và máy giặt cho chú út trong khi gia đình chú có thể tự lo được vì khá giả. Chưa kể đến những lần bố mang máy bút bụi, nồi cơm, ấm nước,... ở nhà đi cho công nhân mượn rồi bị họ cuỗm mất. Có lẽ nếu gia đình tôi thuộc dạng khá giả, mẹ tôi cũng sẽ chẳng nề hà gì. Vì mẹ tôi là một người tốt, chắc chắn là vậy. Nhưng, "Vợ tôi không ác nhưng thị khổ quá rồi . Một người đau chân có lúc nào quên được cái chân đau của mình để nghĩ đến một cái gì khác đâu?". Đúng vậy, vấn đề là ở đó. Nhà tôi nghèo, tất cả các thể loại chi phí từ tiền sinh hoạt, tiền học, tiền đám ma, tiền đám cưới, tiền viện phí,....cần lo, cần đóng, cần nộp bố chưa hề phải đụng tay một lần nào. Tất cả áp lực cuộc sống, mẹ tôi gồng gánh hết. Với sức ép này, việc bố tôi "lo chuyện bao đồng" không khác gì một can xăng. Nhà thiếu cái gì cũng không biết, hết cái gì cũng không hay, đến rồi đi như một người khách trọ. Bố đã khiến mẹ và tôi gần như stress phát điên và mơ ước về căn nhà của riêng mình thì ngày một cháy thành tro. 

Từ đây, sự tự ti đã bắt đầu manh nha trong tôi. Bạn bè tôi, dù giàu hay nghèo cũng đều có một căn nhà "chính chủ". Tôi chưa bao giờ dám mời bạn về nhà mình chơi. Nhà tôi gồm 2 gian trong- ngoài, 1 căn gác xép tối tăm bụi bặm để đựng đồ và 1 căn bếp cùng với nhà vệ sinh ở dưới hầm. Nhà thấp, ẩm, mùa hè ngộp và nóng như một cái hầm. Dưới bếp luôn có cóc hoặc rắn bò hẳn vào trong. Gian ngoài là phòng khách, gian trong là phòng ngủ với duy nhất 1 chiếc giường. Bố mẹ tôi trải đệm ngủ ngoài phòng khách, chờ đến đêm khi tôi ngủ say thì bắt đầu "sinh hoạt". Với một đứa trẻ cấp 1 như tôi thì việc thỉnh thoảng chợt tỉnh giấc giữa những tiếng thở gấp và rên rỉ  là một điều đáng ghê tởm nhất trong cuộc đời này. Ít nhất là vào lúc đó. 

Cuối năm cấp 1, bác tôi (bên ngoại) mua một căn chung cư và dọn vào đó ở nên bác cho gia đình tôi chuyển vào nhà cũ của bác. Đó chắc chắn là khoảng thời gian tuyệt vời nhất của tôi. Lần đầu tiên trong cuộc đời tôi được ở trong một ngôi nhà "đàng hoàng". Không cần quá đẹp, quá giàu hay quá lộng lẫy hào nhoáng nhưng là đủ đối với một đứa như tôi. Mọi thứ đều cơ bản, 1 phòng khách, 2 phòng ngủ, 1 gian bếp/ vệ sinh, 1 mảnh vườn nhỏ và 1 bể cá. Ấy vậy mà bây giờ tôi mới được trải qua. Thời điểm đó tôi tự tin hơn một chút. Tôi đã dám mời bạn về nhà chơi, họ khen nhà tôi nhiều gian thật đẹp, lần đầu tiên có cảm giác nở mày nở mặt. Nhưng rồi khoảng thời gian tươi đẹp ấy chẳng kéo dài được lâu, năm lớp 12 khi tôi sắp sửa thi đại học, bác tôi muốn lấy lại nhà để xây dựng văn phòng công ty mới thành lập. Ông ngoại định cho chúng tôi 1 gian phòng nhỏ trong nhà của ông nhưng bác nói sau này muốn phá gian đó đi để xây sửa lại, tiện cho việc thờ tự. Bác nói bên nhà mẹ vợ bác có một căn nhà cũ hiện nay chưa dùng đến và muốn cho chúng tôi qua đó ở tạm, coi như là đổi lấy phần diện tích bằng với gian phòng của ông ngoại rồi sau này sẽ tính tiếp. Vậy là chúng tôi chuyển nhà lần thứ 3.  Căn nhà này cũng chật hẹp và sơ sài không khác gì căn nhà xây trên khu đất quy hoạch trước đó là mấy. Vẫn là kiểu cách xây để ở tạm bợ, trần nhà dột khắp nơi, tường nứt và ngấm nước mưa, thỉnh thoảng có rết bò ra từ khe nứt trong phòng hoặc giun mảnh như sợi chỉ ở trong nhà tắm. Ông ngoại tôi nói rằng mẹ vợ của bác tôi là một người ghê gớm, ông khuyên chúng tôi nên tính chuyện nhà cửa sau này để đỡ bị rắc rối. Và từ đó đến nay, mẹ và tôi lại sống trong nỗi lo bị đòi lại nhà và tôi lại chìm ngập trong sự tự ti.

Thực ra thì như tôi và mẹ đã nói, nhà như thế nào không quan trọng, mẹ và tôi chỉ muốn căn nhà đó là của riêng mình, thuộc sở hữu của riêng chúng tôi chứ không phải đi ở nhờ ở cậy của ai. Dù nhà có xấu có nghèo, miễn là của mình. Chỉ cần đó là chỗ che mưa che nắng, chui ra chui vào của riêng mình mà thôi. Cả đời mẹ đã nói với tôi như vậy, đó là mơ ước. Tôi thương mẹ, thương cả chính bản thân tôi. Nhiều lúc tôi nghĩ mẹ có phải đã chọn nhầm người không. Một người "sao cũng được", ở đâu cũng được, ăn uống đơn giản, sống không vướng bận và luôn tự hào về điều này. Nhưng nếu định sống như thế thì sao không ở một mình suốt đời đi, để khỏi phải lo cho vợ cho con. Lối sống đó chỉ hợp khi một mình, muốn ra sao thì ra không ảnh hưởng đến người khác. Còn đây đã lấy vợ sinh con, vẫn lối sống ấy và mặc định là vợ con mình cũng vậy. Sau này vợ con không có nhà cửa thì cũng kệ, sống sao chả được. Tôi và mẹ không hề muốn một cuộc sống bấp bênh, lang bạt như vậy. Nhiều khi ông bà ngoại tôi sang nói chuyện với mẹ, tôi chỉ dám nấp  vào một bên để nghe. 

- Con ơi con nói chuyện với chồng đi. Sao mà nó chẳng lo lắng gì về nhà cửa sau này thế. Rồi còn cái Trâm, sau này cái Trâm nó ở đâu, ít nhất cũng phải lo cho nó chứ. 

Mẹ tôi khóc nấc lên, nói lắp bắp: 

- Con khổ lắm, đến bây giờ con vẫn chẳng có gì. Con chẳng có gì. Giờ cha mẹ đã yếu mà con cũng chưa lo được. Sau này con không biết thế nào.

Tôi chỉ nấp một chỗ mà bưng mặt khóc.

Gia cảnh này đã gián tiếp khiến tôi tự ti và xa cách. Nói là gián tiếp vì nếu tôi đủ mạnh mẽ để vượt qua thì mọi chuyện sẽ khác. Nguyên nhận trực tiếp chỉ có thể là do mình, do sự hèn nhát của bản thân. Tôi biết. Nhưng mỗi người mỗi tính, mỗi giới hạn chịu đựng và mỗi suy nghĩ - cảm xúc khác nhau nên xin hãy hiểu rằng dù bạn có mạnh mẽ, tự tin hơn và đang chỉ trích tôi rằng vì sao không cố mà vượt qua, thì tôi xin nói rằng vì tôi khác bạn, dù tôi và bạn có chấp nhận hay không thì sự thật vẫn vậy. Tôi không thể làm được vì bản thân tôi không thể. 

Vì tích cóp cho gia cảnh, tôi không dám xin bất cứ đồng nào ngoài tiền học chính. Tôi lấy lí do từ chối tất cả những cuộc hẹn của bạn bè từ hồi nhỏ đến hết năm cấp 3, đơn giản vì tôi không có tiền để đi ăn, đi chơi cùng họ. Không lẽ bắt họ bao tôi suốt chăng ? Tôi không mua quần áo mới, không đồ chơi, không gì cả. Tôi chỉ ru rú ở nhà vì cũng chẳng có xe đạp mà đi đâu, hơn nữa, không có tiền thì ra đường để ???. Tôi chẳng dám xin tiền học thêm cái này cái kia, tham gia khóa học hoặc câu lạc bộ và từ đó tôi lại càng trở nên mờ nhạt, xa cách trong mắt bạn bè, chẳng một ai nhớ đến tôi, chẳng một ai thân với tôi. Thời cấp 3 mà ai cũng coi là những năm tháng đẹp nhất của tuồi học trò, với tôi chỉ là con đường từ trường về nhà, từ nhà đến trường. Mờ nhạt và buồn tẻ. Đối với họ hàng cũng chẳng khá hơn. Họ đều là gia đình khá giả hoặc giàu có, khiến tôi mỗi lần tiếp xúc đều cảm thấy ngại ngùng, câm như hến vì những chuyện họ nói đều nằm ngoài tầm với của tôi. Hồi bé tôi chơi với anh chị em họ khá thân, tuy nhiên khi dần trưởng thành, nhận biết được khoảng cách giàu - nghèo thì tự bản thân chúng tôi đã xa nhau hơn. Không phải vì khinh ghét mà đơn giản là vì thế giới của họ tôi không thể với tới, thế giới của tôi thì chẳng có gì để họ khám phá. Chúng tôi không có điểm chung ngoài hai chữ họ hàng. Chúng tôi tự nhận thấy nếu quá cố gắng thì chỉ đem lại sự gượng gạo cho cả hai mà thôi. Có một lần, tôi tình cờ nghe được bác và thím (bên nội) nói rằng tôi "đúng là một con nhà quê, nhìn nó phát chán", thậm chí khi tôi ngồi cạnh đứa con gái xinh đẹp của thím ấy, thím nói rằng hai chị em giống nhau quá, rằng tôi xinh hơn em nó nhiều. Tôi biết rõ nhan sắc của cô em họ đó đẹp ra sao, còn tôi thì vốn dĩ đã không có nhan sắc. Bác bên ngoại của tôi thì luôn khoe giàu một cách tưởng là khéo léo nhưng thực ra lại vô cùng lộ liễu trước mặt chúng tôi. Họ hàng cũng chỉ quan tâm, mời mọc đến những người giàu như bác, còn gia đình tôi thì họ chỉ chào hỏi cho đủ phép xã giao mà thôi. 

Không có tiền, không có gia thế đồng nghĩa với việc không có tiếng nói. Dù là trong gia tộc cũng vậy. Mẹ tôi là con út, bố tôi ở rể vì không lo được nhà riêng cho vợ con, gia đình tôi nghèo. Tất cả những điều này khiến tiếng nói của chúng tôi không hề có trọng lượng. Những việc to nhỏ chẳng bao giờ đến lượt nhà tôi bàn, vì có bàn cũng đâu giúp được gì. Luôn phải nghe theo sự sắp đặt của người khác, nên chúng tôi mới phải chuyển nhà tới 3 lần. Chúng tôi không thể tự quyết định.

Và thế là gia cảnh chính là thứ đầu tiên "góp phần" làm nên sự tự ti bền vững của tôi - 1 trong những nguyên nhân khiến tôi từ chối hai anh chàng kia.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro

#tinhcam