Phân tích

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Sưu tầm: gacsach.com

Nếu như ở ''Bài thơ tuổi nhỏ'' Xuân Diệu từng khẳng định rằng: ''Làm sao sống được mà không yêu / Không nhớ không thương một kẻ nào...'', để yêu trở thành một quy luật của cuộc sống này, một quy luật vô cùng lạ lùng, bởi duy chỉ mình nó chưa bao giờ có một định nghĩa chính xác và hoàn hảo nhất cả. Thì đến với ''Yêu'', ông hoàng thơ tình yêu lại cho chúng ta trải nghiệm sự rung động của quy luật ấy ''Yêu, là chết ở trong lòng một ít''.


Ngay ở tiêu đề chỉ vọn vẹn một chữ ''yêu'', và mở đầu bài thơ lại thêm một chữ ''yêu'' nữa, đây như sự tương tư, rối bời của Xuân Diệu khi tìm thấy tình yêu, và nó cũng như một câu hỏi không chỉ cuốn lấy nhà thơ, mà còn cuốn lấy bao kẻ đôi mươi trẻ người, mà nhất là trẻ lòng theo cách nói của ông, câu hỏi ấy chính là: ''Tình yêu là gì nhỉ?''. Và câu hỏi ấy cũng từng được Xuân Diệu trả lời rằng:

''Làm sao cắt nghĩa được tình yêu! Có nghĩa gì đâu, một buổi chiều Nó chiếm hồn ta bằng nắng nhạt, Bằng mây nhè nhẹ, gió hiu hiu...''{''Vì sao'' - Xuân Diệu}

Tôi từng viết rằng, Xuân Diệu là con người của cảm xúc dám: dám viết, dám thể hiện, dám bộc lộ, dám tận hưởng và dám khiêu khích cả cuộc đời... [1] thì đến với ''Yêu'' ông lại táo bạo hơn dám chết vì yêu:

''Yêu, là chết ở trong lòng một ít, Vì mấy khi yêu mà chắc được yêu? Cho rất nhiều, song nhận chẳng bao nhiêu: Người ta phụ, hoặc thờ ơ, chẳng biết.''

Yêu là sự trải nghiệm của những trái tim, để trao đi những hơi ấm, trao đi những yêu thương, trao cả một phần hơi thở sự sống của bản thân, nên thật sự không quá khi nói ''Yêu, là chết ở trong lòng một ít''. chết ờ đây chưa chắc được hiểu theo đúng nghĩa đen của nó, có thể đây là một cách nói duyên của ông hoàng thơ tình là chết ngất, chết ngây... trước sự quyến rũ của tình yêu, trước vẻ đẹp ngất ngây của nó, để ''Làm sao sống được mà không yêu''.

Mà cái chết ấy lại càng rõ ràng hơn ở tình yêu đơn phương - nút thắt đầu của tình yêu, vì mấy khi chúng ta trao con tim, tình cảm mà được chấp nhận, vì đâu phải khi nào ta cũng tìm được đúng một nửa trái tim của riêng ta. Quả thật một khi yêu chúng ta không được ích kỉ rằng đã cho đi tình cảm thì phải được nhận lại, bởi khi ta cho đi trong tình yêu luôn là một cuộc làm ăn nắm chắc sẽ lỗ vốn, như ''Người ta phụ, hoặc thờ ơ, chẳng biết''. Đây như một lời oán trách nhẹ nhàng dành cho tình yêu, của những con người lần đầu tìm đến nó, có chút gì đấy không lỡ, có chút gì đấy sợ sệt tình yêu ấy chăng?

Chỉ vỏn vẹn bốn câu thơ đầu tiên, bằng lời thơ nhẹ nhàng, Xuân Diệu như đang thì thầm với chúng ta về tình yêu của những trải nghiệm đầu đời, những thứ mà ta phải trao đi cho tình yêu, và những thứ chúng mang lại ta. Mặc dù là những thực tại chua xót của tình yêu, nhưng đoạn thơ không khiến con người sợ yêu, mà càng khiến ta muốn trải nghiệm nó, một một lần sống với nó, để biết cái thứ mà ''chết ở trong lòng một ít'' là như thế nào.

Đến đoạn tiếp theo, tôi lại thốt lên rằng: Cái chất riêng của Xuân Diệu đây rồi, cái chất mà để tôi gọi ông bốn chữ hồn thơ ''vội vàng''.

''Phút gần gũi cũng như giờ chia biệt. Tưởng trăng tàn, hoa tạ với hồn tiêu, Vì mấy khi yêu mà chắc được yêu! - Yêu, là chết ở trong lòng một ít.''

Nếu với ai thích và yêu thơ Xuân Diệu chắc cũng không lạ lẫm với một hồn thơ vội vàng, luôn lo lắng sẽ không kịp để yêu, không kịp để tận hưởng cuộc sống này, ông sợ vắng tính yêu, ông sợ cả ngày xuân qua đi, như câu thơ:

''Xuân đang tới, nghĩa là xuân đang qua, Xuân còn non, nghĩa là xuân sẽ già, Mà xuân hết, nghĩa là tôi cũng mất.''{Vội vàng - Xuân Diệu}

Với Xuân Diệu phút được gần gũi tình yêu, ông lại tưởng chừng như phải chia biệt nó, bởi ông sợ tình yêu không thể tồn tại mãi, tình yêu ấy sẽ chóng vánh trôi qua, và ông lòng mình sẽ lại chết một ít nữa. Qua cách nhìn lãng mạn của mình, giờ phút ấy tưởng chừng như ''trăng tàn, hoa tạ với hồn tiêu'', bởi ''Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ'' [2].

Hai câu sau lại là sự đảo ngược của hai câu đầu bài thơ, và lại xuất hiện thêm một dấu chấm cảm, nếu như ở hai câu đầu của bài thơ ta cảm nhận có chút gì đó hờn trách tình yêu, thì đến đây là lời cảm thán, Xuân Diệu như đã cam chịu quy luật của tình yêu này, ông như cố thay đổi bản thân để hòa vào với tình yêu, để đón nhận và cảm nhận nó một cách trọn vẹn nhất.

Đoạn cuối nhà thơ lại tiếp tục đưa ta tới tâm trạng và nỗi lòng của những kẻ đang tìm kiếm và say đắm trong tình yêu:

''Họ lạc lối giữa u sầu mù mịt, Những người si theo dõi dấu chân yêu; Và cảnh đời là sa mạc cô liêu. Và tình ái là sợi dây vấn vít''

Đến với tình yêu là đến với mê cung của trái tim, nên họ lạc lối giữa u sầu mù tịt, lại lối giữa những cảm xúc không tên, những hờn trách, ghen tuông vì yêu. Xuân Diệu tự gọi mình, và cũng gọi những kẻ tìm kiếm tình yêu là những người si, yêu đến si, yêu đến nhớ từng bước chân, quan sát từng ''dấu chân yêu'' - một hình ảnh khá duyên của Xuân Diệu đây chính là dấu chân của người mình yêu.

Có người nói rằng con người yêu nhau là do những sợ chỉ tơ hồng buộc nhau lại, và hình ảnh của nhà thơ là ''sợi dây vấn vít'' sợi dây cứ buộc chặt con người của ông mãi theo tình yêu, để cảnh đời chính là sa mạc cô liêu, và tình yêu chính là thứ nước ngọt mát, làm con người tìm thấy được sự sống, thấy được khát vọng được sống để thỏa sức yêu, thỏa sức tận hưởng niềm vui cuộc sống này.

''Yêu, là chết ở trong lòng một ít.'' ở đây dấu phẩy của ban đầu đã được thay bằng một dấu chấm kết, như một sự khẳng định cuối cùng cho quy luật của tình yêu mà Xuân Diệu đang vẽ lên trong tâm hồn người đọc. Đây cũng như một lời thách thức, hãy yêu, hãy chứng minh quy luật ấy, và hãy tận hưởng tình yêu đi.

''Yêu'' của Xuân Diệu là một sự thú vị của tình yêu, với nhiều cung bậc của cảm xúc, những khát khao và nỗi niễm của những con người đang yêu. Ông hoàng thơ tình quả là đã mang thêm một sắc màu mới, một cái nhìn mới dành cho tình yêu, thứ mang ông vẫn hăng say tìm kiếm, nhưng không chỉ mỗi ông mà mỗi chúng ta ai cũng đang tìm kiếm thứ dung dị, đậm đà sắc màu ấy của tình yêu.

- Nhật Hy

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro