Epilogue - Giã từ Verdun

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Vậy là, trận Verdun kết thúc với tổn thất tầm một triệu lính hai phe trong mười tháng, là trận đánh kéo dài nhất và đẫm máu thứ hai sau trận Somme. Verdun thành bình địa, Douaumont hoang tàn với những ngôi mộ đắp vội của cả lính Đức và Pháp; đồi cao điểm Le Mort Homme và 304 cảnh như địa ngục: pháo kích trơ trọi cả một vùng, hào ngập những nước mưa, bùn và ai đó đã gục trên tay súng từ khi nào... Anh túc lưa thưa bị pháo kích giày nát, thanh cúc lẻ loi bị gót giày bốt giẫm lên; thử hỏi rằng có ai không thấy tang thương?

Paul đã về Reims trước, còn chuẩn tướng de Beaudelaire nán lại Somme một hồi nữa. Nghĩa địa buồn lắm, và những ngôi mộ mãi lặng thinh nằm chen chúc nhau. Để lấy lại Alsace và Lorraine, phe Hiệp ước đã trả một cái giá quá đắt. "Giá như..." - ai cũng muốn ước như vậy, nhưng ở đời làm gì có "giá như..."? Chỉ có nước mắt rơi trên mồ xanh cỏ và máu đổ xuống dưới chiến hào sâu.

Định mệnh đưa ba bông hồng ấy đến cùng một chiến tuyến, cùng một trận đánh và định mệnh cũng chia cắt họ khi chỉ vừa mới thân. Ai biết sau này họ sẽ lại còn gặp nhau? Có thể chỉ thoáng bóng trên bầu trời, vọng tiếng vó ngựa đằng xa hoặc nghe đâu đó tiếng trọng pháo dập dồn... vậy thôi.
Tuyết rơi thưa hẳn. Vài bông tuyết lưa thưa đậu trên những cây thập giá. Chuẩn tướng dạo quanh khu nghĩa địa, điểm tên những người từng quen đã nằm xuống. Có cả chuyên án Scotland Yard, đồng nghiệp một thời: Henry, anh thanh tra mờ nhạt đến nỗi mỗi khi anh ta đến sở là bà thanh tra trưởng Claramenthe Lestrade cứ tự hỏi có phải anh ta là thuộc cấp của mình không; và Wilson, bạn của anh, không phải thanh tra chuyên án nhưng cũng là đồng nghiệp ở Scotland Yard. Ngày còn là thanh tra vốn đã vô danh, nay thành tử sĩ, hỏi có ai nhớ đến nữa không? Dưới mồ lạnh lẽo lắm. Không kể những người lính kỵ binh nằm dưới đống bình địa của thành Verdun kia, thuộc cấp của chính chuẩn tướng de Beaudelaire. Và bà chuẩn tướng lại thầm nghĩ, quả thật đời chẳng có gì gọi là công bằng. Nằm dưới mồ kia có những cậu trai trẻ ra đi vẫn mang đầy những tiếc nuối vì chưa làm được gì cho cuộc đời; trong khi đó cũng trên chiến trường, có những người may mắn đã sống quá lâu, thậm chí họ đã từng sống qua chiến tranh Crimea, rồi chiến tranh Pháp-Phổ... Tuy nhiên, chính sự bất công đó, những mặt tối đó lại làm nên cuộc đời; nếu vốn dĩ đời đã công bằng, thì có lẽ đã chẳng có những cuộc chiến tranh, và cũng có lẽ đã chẳng có mặt những người ấy ở đây... Tất cả, rồi cũng chỉ là trò chơi của tạo hoá, trò đùa của số mệnh, vậy thôi.
Rời khỏi nghĩa trang, chuẩn tướng không về lại pháo đài Vaux ngay mà nán lại với lính Anh một lúc nữa. Sau cùng thì đó cũng là cuộc sống thứ hai của chuẩn tướng, và với cộng sự cũ ở Scotland Yard thì bà chuẩn tướng có rất nhiều chuyện để kể. Bác sĩ Watson dường như cũng hiểu, nên đã khuyên thiếu tá Almstedt chờ đến trưa.

- Chuẩn tướng bảo là sáng sẽ về mà, muộn rồi, và chúng tôi vẫn chưa uống cốc rượu chia tay. Tôi định đến gặp rồi tiễn Đại tá, mà giờ này...

- Chị ta đi thăm mộ chính mình đấy. Chốc nữa về thôi. Em quá quen với điều này rồi.

- Thăm mộ chính mình? - Thiếu tá Almstedt ngỡ ngàng.

- Đúng vậy, cái sự may mắn của chị ta rõ là không tưởng được! Nếu Thần chết không đứng về phe chị ta thì chắc gì giờ này còn "bông hồng đen Aryan" đó, chắc gì có cái danh "Sherline Holmes bất tử"? - Bác sĩ Watson nói, nghe có vẻ thấu hết - Có vẻ giờ này đang cãi nhau với Harriette... thì phải?

- Đâu có. Cũng chỉ cạnh khoé nhau như mọi lần thôi.

Bác sĩ Watson giật mình nhìn ra phía cửa. Chuẩn tướng de Beaudelaire đang đứng đó, vẫn quàng khăn nguyệt quế, đội mũ xanh, quân phục, giờ thêm chiếc áo khoác dài bằng vải tuýt nâu, tựa vào khung cửa và cười rất tươi, trên tay là một chai rượu.

- Buổi sáng tốt lành.

- Sao cậu về sớm vậy? Paul và Henri đâu? - Thiếu tá ngạc nhiên nhìn ra cửa rồi nhìn chiếc đồng hồ bạc trên bàn. Kim ngắn mới chỉ chín giờ sáng.

- Đang ăn sáng với bố mẹ họ. Tôi vừa tạt về một lúc rồi lại đi.

- Phũ phàng với người nhà vậy sao? - Bác sĩ Watson cười.

- Tôi chỉ nghĩ là... đi mà nói tạ từ thì sau này tôi có thể sẽ không nhìn thấy họ nữa. - Chuẩn tướng de Beaudelaire đáp.

- À, phải. Và đây không phải lần đầu, Sherline.

- Tôi đi sớm thì tôi về sớm. - Chuẩn tướng de Beaudelaire cười trừ và giơ chai rượu trên tay lên - Tôi mang rượu về này. Pinot noir 1812, ở dưới hầm đến nay chưa ai động vào.

- Chị không mang rượu thường về được à? - Bác sĩ Watson nói, ra chiều ngán ngẩm - Rum hay whiskey gì đó?

- Nếu có tôi đã mang theo rồi. Uống đỡ loại này vậy.

- Pinot noir à? Tôi cũng không từ chối được chỗ nào nữa, nói gì đến chê. - Thiếu tá nói, rồi nhỏ giọng lại chỉ để đủ một mình nghe - Rốt cuộc là trong trang viên nhà cậu không có cái gì gọi là "thường" hết à?

Chuẩn tướng bước vào phòng, để chai rượu lên bàn và cầm lấy chiếc đồng hồ bạc, xem giờ và bỏ lại vào túi áo khoác, hỏi:

- Chừng nào cậu đi?

- Ai? Tôi? - Thiếu tá và bác sĩ Watson cùng nhìn quanh, thắc mắc.

- Chừng nào cậu đi? - Chuẩn tướng de Beaudelaire lặp lại câu hỏi - ... Thiếu tá?

- À, tôi... - Thiếu tá Almstedt thoáng có chút ngập ngừng, nhưng lại cố không tỏ ra như vậy - Ngày mai tôi đi.

Chuẩn tướng thò tay vào túi trong áo khoác và lấy ra thứ gì như tờ giấy đã được gấp làm tư, hé mở ra và lầm bầm.

- Ngày mai... Artois không gần Ypres đâu...

Rồi dừng lại và quay sang thiếu tá Almstedt, giục:

- Chúng ta đi ngay!

- Đi đâu?

- Gặp Trung tá Heartfilique.

Vừa dứt lời, chuẩn tướng cầm theo chai rượu, cất lại tờ giấy vào túi áo và vội rời khỏi phòng liên lạc. Bác sĩ Watson vẫn im lặng không nói gì dù thấy thái độ kỳ lạ đột ngột của chuẩn tướng de Beaudelaire. Bác sĩ hình như đã biết điều gì đó, nhưng lại không nói ra...

Thiếu ta thấy vậy cũng vội vàng quàng thêm chiếc khăn, mặc thêm áo khoác và đi theo chuẩn tướng ra nơi để ngựa. Có hai con ngựa chờ sẵn, một con chuẩn tướng đang cưỡi có mang cặp túi da; con kia màu xám, có dây cương được buộc vào con ngựa thứ nhất. Chuẩn tướng de Beaudelaire thắng cương giục thiếu tá đi nhanh, nhưng thiếu tá lại ngần ngại.

- Tôi có biết cưỡi ngựa đâu!

- Cậu cứ lên. - Chuẩn tướng de Beaudelaire gật đầu đảm bảo.

- Cậu chắc chứ hả? - Thiếu tá ngần ngại nắm lấy dây cương con ngựa màu xám.

Chuẩn tướng gật đầu thêm một cái. Thấy vậy thiếu tá đưa một chân lên bàn đạp yên ngựa, rồi lại chần chừ.

- Mà, lên yên làm sao? - Thiếu tá quay sang hỏi.

- Để một chân lên bàn đạp, một tay nắm dây cương, tay kia bám chặt yên, rồi...

- ... Phóng lên?

- Ừ.

- Tôi không làm được.

- Giống kiểu cậu leo lên máy bay.

- Tôi thấy chả giống gì...

Sau một phút vất vả, cuối cùng thì thiếu tá Almstedt cũng lên được ngựa. Sau khi chắc chắn thiếu tá đã cầm chặt dây cương, chuẩn tướng quất roi đánh ngựa phi nước đại. Con ngựa màu xám thiếu tá cưỡi luôn chạy song song với ngựa của chuẩn tướng de Beaudelaire, thể như nó không phải đang bị kéo đi mà là như nó đang chạy trên con đường cũ đã quen. Hai con ngựa phóng trên con đường đầy bùn và lởm chởm đất đá vì pháo kích, hai bên đường trước đây vốn còn thảm cỏ và cây xanh, xa xa là thị trấn, thỉnh thoảng có chỗ dừng chân, nhưng bây giờ, bao cảnh chỉ phủ một màu xám xịt thê lương; thảm cỏ, cây xanh, thị trấn nay đã thành bình địa. Giữa đường có thể thấy những đồi cao điểm xác xơ vương tuyết và vài ba khẩu pháo chỏng chơ. Đâu đó có nấm mồ đắp vội của anh nào, đánh dấu bởi mũ sắt treo trên thập tự đóng bằng miếng gỗ nhặt trên đường. Và, sông Meuse dần hiện lên trong tầm mắt. Sông Meuse vương đắng mùi thuốc súng và máu tử sĩ. Sông Meuse đong đầy nước mắt goá phụ, người thương của các anh còn ở lại. Chúa có thấy không hỡi Người? Thành Verdun thấm máu một triệu lính của cả hai phe trong mười tháng ròng rã, nhưng vẫn chưa đau thương bằng Somme ngày đó. Nếu hai bến có thể ngừng bắn để khóc, thì nước mắt có lẽ đã tràn cả sông Somme.

Bên kia sông là bệnh viện, nơi trung đoàn số 43 của giờ-là-đại-tá Heartfilique đang nghỉ. Nhưng khi cầm chai rượu vào trong định uống chia tay với trung đoàn pháo binh, chuẩn tướng lẫn thiếu tá lại chẳng thấy bóng anh pháo binh quen nào ở phòng đó.

- Trung tá Heartfilique với trung đoàn pháo binh đâu rồi, các anh? - Thiếu tá hỏi quanh các phòng khác.

- Madame Lumière Heartfilique, người hôm qua nhận được lệnh thăng hàm hả? - Một cô y tá đi ngang đáp lời.

- Cô biết trung đoàn của bà ấy đâu rồi?

- Họ vừa đi sáng nay. Nghe đâu là tới Flanders hay Cambrai gì đó...

Vừa lúc đó, con chim bồ câu Hortense theo chân chuẩn tướng đã tới bên cửa, như thường, mang theo tin. Một cô y tá thấy nó đã mang vào trong giúp. Lúc thiếu tá hỏi thăm về trung tá Heartfilique, chuẩn tướng mở tin ra đọc.

- Chúng ta tới trễ rồi, Chuẩn tướng... À...

Thiếu tá quay lại thì thấy chuẩn tướng de Beaudelaire, mắt nhìn ngỡ ngàng và sâu thẳm trong tờ tin.

- Cậu không sao chứ?

- Tôi ổn. - Chuẩn tướng không nhìn lại mà chỉ đáp.

- Vậy... tôi uống thay ly của Trung tá nhé?

- Ừ...

Thiếu tá Almstedt mời trung đội bộ binh cùng phòng đó chung một ly chia tay, nhưng khi chuẩn bị rót rượu ra, chuẩn tướng de Beaudelaire đã không còn ở đó, kể cả con bồ câu đưa tin. Chỉ còn chai rượu để lại. Hai con ngựa lúc đến trước cửa giờ còn lại con màu xám. Không cần ai phải nói, thiếu tá cũng biết chuẩn tướng đã rời Verdun.

Ra đi mà không để lại một lời từ biệt.

Cũng như trung tá Heartfilique.

Thiếu tá Almstedt ra đứng ở hành lang khui chai rượu và cạnh vách tường bên này, có ai đó nghe thiếu tá nói những câu thoáng giận dỗi, rồi đổi giọng nửa buồn. Những câu có người nói nhưng không người đáp.

- Hai người kia, đi rồi bỏ Thiếu tá tôi lại, vậy cũng được sao? Nhất là cậu, Chuẩn tướng. Tại sao cậu không nói cho tôi biết hôm nay cậu đi!

Rồi dừng lại một lúc, giọng thiếu tá đổi, nghe trong đó có gì như một chút buồn và một chút tiếc.

- Trung tá Heartfilique. Chuẩn tướng de Beaudelaire. Hai người bỏ Thiếu tá Almstedt... Không vui tẹo nào...

Bất chợt, có tiếng lao xao rục rịch ngoài cửa, và một đám lính không quân Pháp ùa vào.

- Thiếu tá Almstedt!

Mấy phòng khác bị quấy rầy vì sự ồn ào không dự tính đó liền thò ra mắng:

- Đây là bệnh viện, các ông có đi thăm ai thì im. Im cho người ta nghỉ!

Các anh không quân cúi đầu xin lỗi, và lại đi tìm tư lệnh. Cuối cùng, họ tìm thấy phòng cũ của trung đoàn 43 pháo binh, nơi thiếu tá Almstedt đang uống ly rượu chia tay cùng với trung đội bộ binh mới quen.

- Lính của Madame à? - Một anh hỏi.

- Tiểu đội phi công xuất sắc của Verdun đó. - Thiếu tá cười, ngoảnh lại nhìn những người mới đến - Vào uống một ly rồi ngày mai chúng ta đi, anh em!

Được mời uống rượu, đương nhiên ai cũng mừng, lại được quen chiến hữu mới, ai dám từ chối? Các anh nhào vào tìm chỗ ngồi giữa trung đội bộ binh, đợi được chia phần rượu. Nói gì thì nói, cũng không thiếu mặt Henri Moutin con, anh chàng vừa vội về từ Reims.

- Mấy anh em pháo binh đi hết rồi hả? Pháo binh của Madame Heartfilique á. - André Seigore hỏi anh bạn ngồi kế.

- Họ vừa đi lúc sáng sớm.

- Kỵ binh của Madame de Beaudelaire cũng đi cả rồi. Lúc nãy tôi thấy họ trên đường.

Thiếu tá Almstedt không nói gì về điều đó, chỉ im lặng. Rượu được rót đều ra cho năm mươi mấy cái cốc, chỉ vừa lưng đáy chứ không tới một phần năm, nhưng vậy cũng đủ.

- Rồi tôi, và tiểu đoàn này sẽ vào tay gã tư lệnh nào nếu không phải là các cậu?

Thiếu tá Almstedt tự hỏi mình vậy. Chưa có trung tá pháo binh nào lại thân thiết với một thiếu uý không quân, và chắc chắn là chưa có chuẩn tướng tham mưu nào dám cầm kiếm ra giữa chiến trường, và nhận làm bắn tỉa trên máy bay trinh sát thay cho tiêm kích. Từ đống đổ nát địa ngục của thị trấn Douaumont rồi cuộc phòng thủ hai cao điểm trọng pháo, thiếu tá Almstedt có hai người chiến hữu. Và bây giờ, họ đều đi cả. Họ sao đi nhanh quá, thiếu tá còn chưa kịp nói giã từ. Nhưng rồi cũng tự an ủi mình rằng, là phi công tung hoành cả bầu trời Bắc Pháp, thể nào ở đâu đó nhìn xuống cũng nghe tiếng trọng pháo hay thấy dấu vó ngựa quen thuộc của đồng đội. Ai nói ra chiến trường là vui? Chiến trường vui khi bên cạnh có chiến hữu, đời lính xa nhà chỉ tìm vui trong cốc rượu và trong lá thư thân thương. Và cũng có người bảo chiến trường vui, khi mà đã không còn gì để tiếc.

Lúc đó, trên đại lộ hướng về phía Paris, có đoàn kỵ binh thuộc sư đoàn 7, dẫn bởi chuẩn tướng de Beaudelaire. Tin báo rằng họ đi Artois, nhưng mà...

- Madame, đường này đâu phải đi Artois... nhỉ?

Paul Vignon đi thấy lạ đường thì chạy lên trước hỏi. Và cái anh nhận được là nụ cười trừ của bà chuẩn tướng.

- Madame dẫn cả sư đoàn đi lạc đường hả?

- Đương nhiên không.

Phía sau có tiếng than vãn đầy tiếc nuối chen vào.

- Nếu được uống ly rum với mấy anh em không quân rồi đi thì hay.

- Nán lại một tí không được sao Tư lệnh? Sao lại đi đột ngột vậy? Chẳng phải Tư lệnh cũng muốn uống ly rượu với Madame Almstedt và Madame Heartfilique?

Nụ cười của chuẩn tướng de Beaudelaire thoáng tắt khi nghe anh nào nói thế, nhưng rồi cũng thôi. Trái Đất này tròn, chuẩn tướng nhủ vậy, rồi một ngày tôi cũng thấy chiếc máy bay với vòng xanh-trắng-đỏ và chiếc khăn màu xanh ngọc của thiếu tá trên trời; hay tiếng trọng pháo của trung đoàn 43 văng vẳng đâu đó xa xa.

- Vậy, nếu không phải đi Artois, thì Bộ Tổng chỉ huy lệnh Madame dẫn bọn tôi đi đâu?

Chuẩn tướng de Beaudelaire chỉ mỉm cười, câu đáp gọn trong hai chữ:

- Về nhà.


___________________________
Truyện này được kết thúc vào tháng Sáu 2016, tức một trăm năm sau khi pháo đài Vaux thất thủ.
Trước hết tác giả xin được cảm ơn hai người bằng hữu, chiến hữu phương xa: ladyofthewoods, nguyên mẫu của "thiên thần Douaumont" thiếu tá không quân Evalina Sophia Almstedt; cùng với nguyên mẫu của đại tá pháo binh Lumière Heartfilique, angelveined. Mong có ngày tái ngộ.
Xin được cảm ơn bà Riyoko Ikeda, tác giả của bộ manga Versailles no Bara và nữ tư lệnh vệ binh Oscar de Jarjayes, là nguồn cảm hứng đầu cho tác giả viết nên những câu chuyện thế chiến. Cảm ơn những chiến công của Thánh nữ Jeanne d'Arc và câu chuyện về Charlotte d'Éon de Beaumont, là ngọn đèn đi trước cho tác giả viết nên huyền thoại những bông hồng chiến hào.
Cuối cùng, xin gửi một bông thanh cúc tưởng nhớ đến một triệu lính các binh chủng cả hai bên Pháp và Đức, những người đã ngày đó vĩnh viễn nằm lại pháo đài Douaumont, các đồi cao điểm, đồi Le Mort Homme và đồi 304; pháo đài Vaux, phòng tuyến Fleury,... Xin gửi một bông anh túc cho những lính Anh đã tử trận tại Somme từ ngày 1 tháng Bảy tới 18 tháng Mười một. Và xin gửi một bông thanh cúc tưởng nhớ trung tá Émile Augustin Cyprien Driant và hai trung đoàn kỵ binh đã hy sinh tại Bois des Caures ngày 22 tháng Hai năm 1916.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro