II.

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Lúc quay trở về, trời cũng vừa vặn tối. Đò của hai người là chiếc về muộn nhất nên ở bãi đã chẳng còn một bóng người nào nữa. Ái Nông cũng không trách cứ gì, nhưng nhìn cũng thấy được anh có chút vội vã muốn về nhà, Tâm áy náy không thôi. Anh trả tiền đò, cũng đưa nhiều hơn, Ái Nông thấy vậy thì mày kiếm cau lại, đem chỗ tiền thừa dứt khoát đút vào tay anh.

- Coi như là trả cả tiền bữa cơm trưa nay nữa.

Tâm lấy vội một cái cớ, nhưng Ái Nông vẫn đưa trả lại tiền cho anh, nói rằng: "Bữa cơm không đáng bao nhiêu..", rồi cầm cái giỏ ban nãy còn để dưới đất vội vàng đi mất, như sợ bị anh giữ lại. Tâm cười khổ, đem chỗ tiền kia nhét lại vào trong túi, quyết định trưa mai ra chợ mua chút gì ngon đem sang cho cha con nhà Ái Nông. Người ta không nhận tiền, thật khiến anh khó xử.

Chỗ Tâm trọ qua đêm thực ra cũng là nhà dân, cái làng nhỏ ven sông này kiếm đâu ra một cái nhà nghỉ xa hoa như ở Sài Gòn được. Trong nhà chỉ có hai ông bà cụ, con trai cả cùng con gái út đều đã lên thành phố kiếm việc làm, một năm về thăm cha mẹ tổng cộng năm lần. Lúc Tâm về, hai ông bà cơm nước đã xong, ở quê người ta hay ăn sớm như vậy, anh cũng không thấy  lạ. Ngoan ngoãn chào hỏi đôi lời rồi ngồi xuống ăn cơm. Một đĩa rau muống luộc, một bát cà cùng một bát canh cá trạch. Tâm qua loa ăn một bát, tự dưng lại tự hỏi không biết tối nay Ái Nông ăn gì. Tự sỉ vả bản thân lo chuyện bao đồng, anh đem bát đũa ra sau sân rửa, lại vừa lúc gặp bà cụ đang đứng xem vườn rau. Anh liền bắt chuyện.

Bà cụ đã một đoạn thời gian chưa được gặp các con, lại thấy anh lớn lên sáng sủa, khôi ngô, còn chạc tuổi con cả nên rất mến. Ngồi xuống bên cạnh định rửa bát cùng anh thì anh ngăn lại, "Nước lạnh, cụ ơi.", cụ lại càng cười vui vẻ hơn.

- Hôm nay con đi đò làm gì vậy?

Đối với việc này, Tâm cũng thoải mái trả lời.

- Dạ, con đi vẽ tranh ạ.

- Vẽ tranh? Cụ nhìn con cũng nghĩ con là dân nghệ sĩ. Hoá ra là chuyên vẽ tranh nha. 

Bà cụ nhìn anh đầy vẻ kinh ngạc, câu sau lại càng tỏ rõ sự tò mò. Tâm ngượng ngùng, hơi cúi mặt xuống. Hôm nay anh đã vẽ được gì đâu...

Hơi đỏ mặt nói mình chưa có vẽ được gì, tranh vẽ cũng chẳng đáng xem, Tâm chuyển chủ đề. Bà cụ rất thích nói chuyện với anh nên chuyển đến gần hết chuyện, cuối cùng lại dừng lại ở Ái Nông.

Trước kia, nhà Ái Nông cũng đủ ăn, đủ mặc. Không dư giả nhưng cũng chẳng nghèo túng như bây giờ. Tía anh lái đò, má anh dệt vải. Nhà có hai người con trai, Ái Nông và anh trai anh, Ái Giang, hai người đều thay phiên tía anh đưa đò trở khách, chăm sóc mảnh ruộng nhỏ của gia đình. Cuộc sống êm ả qua ngày. Cho đến một ngày bão đánh tới, Ái Giang vì cố đưa hết những người còn kẹt lại đến cái hang nhỏ tránh bão mà bị cây đè chết.

Lúc đó, mọi người bị kẹt trong hang đá mất ba ngày. Có lẽ nếu ra sớm, vẫn sẽ có hy vọng cứu Ái Giang. Nhưng đến khi thoát ra được, má anh chỉ còn có thể ôm đứa con trai nuôi nấng hai mươi mấy năm trời mà khóc ngất đi. Rồi má anh cũng vì đau thương mà đổ bệnh.

Khoảng thời gian má anh bệnh, tía anh cùng anh ra sức làm việc, kiếm tiền mua thuốc chữa bệnh. Đến mức bán cả mảnh ruộng kia đi. Đến mức tía anh càng ngày càng yếu theo má anh. Rồi má cũng qua đời. Tía anh ốm liệt giường từ đoạn đấy.

- Đứa trẻ ngoan như vậy, tiếc là mệnh khổ. Nhưng ở hiền gặp lành, có lẽ một ngày nào đó sẽ khá lên.

Bà cụ thở dài, rồi lại kể tiếp:

- Ái Nông á? Nó khoẻ như trâu vậy. Cái hồi đấy bị kẹt trong hang, thanh niên trong làng ra sức đào đá tìm chỗ ra mất ba ngày. Đồ ăn không có, một hớp nước cũng nào kiếm đâu ra? Qua hai ngày là nhiều người đã vật ra không còn sức rồi. Vậy mà thằng bé vẫn gồng mình, nó là người cứu cả làng ra đấy. Tưởng ra ngoài là hết sức rồi, cuối cùng nó còn kéo được anh nó ra, bế về rồi mới ốm lì trong nhà. Mấy đứa con gái trong làng cũng đùa nhau, cưới nó về là có một con trâu trong nhà, chả mấy chốc là giàu lên.

Lúc đấy bà cười, lộ ra hàm răng nhuộm đen, rồi nụ cười lại tắt dần, chỉ còn thương xót cùng bất lực.

- Nhưng ruộng nhà Ái Nông bán đi rồi, trong nhà tiền bạc lúc nào cũng thiếu, ai dám gả vào? Mà thằng bé cũng chẳng thể cưới được ai. Nghe nói đợt đấy ốm dậy, nó cũng mắc bệnh luôn.

Tâm nghe chăm chú, bát đĩa trên tay cũng sớm bị anh lãng quên. Đến đêm đi ngủ, anh cũng không yên ổn, thức trắng đến tận khi gà gáy mới nhắm mắt nghỉ ngơi một lúc.

Sáng hôm sau bước ra bến, hiển nhiên đã không còn thấy con đò của Ái Nông đâu nữa. Tâm cũng không vội tìm, đi đến mấy cái thuyền nhỏ vừa trở về sáng nay, đang chuẩn bị hàng đưa lên tỉnh. Anh chọn được một con cá lóc. Nhìn con cá còn gắng vùng vẫy trong cái túi, anh vô thức nuốt nước miếng. Bà anh làm cháo cá lóc ngon lắm.

Anh lại mua thêm ít vật liệu, một miếng đậu. Trong thôn vừa vặn có người hôm trước giết một con lợn, anh cũng mua luôn một ít thịt ba chỉ cùng lòng.

Mua xong hết thảy rồi, Tâm lại đứng chôn chân trước con đường nhỏ dẫn vào nhà Ái Nông. Anh chắc còn một lúc lâu mới về, Tâm cũng không thể tuỳ tiện vào nhà người ta nấu một bữa cơm như vậy. Ban đầu, anh cũng chỉ định đem tặng một ít thức ăn, ai ngờ từ lúc nhìn thấy con cá lóc lại đi quá đà, sắp bày ra một bàn tiệc được rồi.

Chưa kể, anh cũng không biết nấu ăn...

Bận rộn đứng bần thần ở đấy một lúc, liền có một bé trai tầm sáu tuổi chạy đến, quần áo trên người em giặt đến bạc phếch, nhưng rất sạch sẽ. Khuôn mặt nhỏ nhắn hơi gầy lại đen sạm ngước lên nhìn anh, nhe cái hàm răng còn thiếu mấy cái ra cười vui vẻ, nói:

- Tóc chú đẹp quá! Có phải hôm qua anh Nông trở chú không?

Tâm gật một cái, lại không kìm được xoa lên cái mái đầu xù của em. Đứa bé cười khúc khích, nắm lấy tay anh trên đầu em nghịch nghịch, đòi bế. Tâm cũng cúi xuống bế em lên, quặp nách một bên, bên kia xách túi thức ăn.

Hỏi một cái là biết em tên là Hà, nhà ở cuối thôn. Bố em thường xuyên lên tỉnh thành bán hoa quả, cũng kéo em theo, nên em khác mấy đứa trẻ trong thôn. Đối với người lạ, em cởi mở hơn rất nhiều. Lại nói, em ở đây là vì mẹ em đã căn dặn ông lão nhà anh Nông ở một mình sẽ rất buồn, tính em hoạt bát lại ngoan ngoãn, muốn em đến chơi với ông lão. Ái Nông cũng rất quý em, hay cho em ăn mấy quả ngọt sau vườn, nên em cũng thích lui tới chỗ này. Hầu như sáng nào mẹ em ra đồng, em cũng ở đây cả.

- Ở đâu ra con cá to vậy chú?

Hà chớp mắt hỏi. Đối với việc Ái Nông có lẽ hơn anh vài tuổi nhưng được gọi là anh, còn anh thì càng nói đứa bé lại càng thích gọi anh là chú, Tâm chỉ có thể dở khóc dở cười. Việc này cũng không khó hiểu, lúc lên tỉnh, bố Hà thường xuyên dặn phải chào cô chú đến mua đồ hẳn hoi nên em dần tạo thành thói quen. Gặp người lạ sẽ gọi vậy. Còn đối với người trong thôn, là em quen từ bé nên gọi anh, gọi chị mới thuận miệng.

- Là nấu cho anh Nông và ông sao?

Hà lại hỏi tiếp. Tâm gật đầu, thuận mồm hỏi em có biết Ái Nông khi nào về không. Bé Hà còn chưa kịp trả lời, đã kêu lên một tiếng rồi ngọ nguậy đòi xuống. Tâm cũng bất đắc dĩ thả em ra.

- Anh Nông!

Em kêu lên một tiếng rồi bổ nhào vào ôm lấy ống quần vẫn còn ướt nước của Ái Nông, khiến anh vội vàng buông đồ trên tay xuống rồi bế bé lên.

Ái Nông nhìn anh, khuôn mặt cương nghị không giấu được vẻ ngạc nhiên. Tâm cười cười, có chút ngại ngùng đưa tay lên vẫy chào, tay xách túi thức ăn hơi giơ lên, lời ít mà ý nhiều.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro