Chương 1: Khởi phát

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng


Chương 1: Khởi phát

Ở cái xứ Định Tường, không ai không biết danh ông bà Cả Lợi giàu có, nhân đức được mọi người kính trọng. Ruộng vườn thì không ai rõ ông bà có bao nhiêu, chỉ biết là đi đến đâu hỏi thì cũng được trả lời là "Đất này tui làm cho ông bà Cả Lợi." Ấy vậy mà với khối gia tài đồ sộ đó, ông bà lại không có nỗi một mụn con trai để nối nghiệp, coi sóc trong ngoài. Cây ngọt sinh trái đắng. Nếu ông bà ăn ở hiền lành, được mọi người quý mến bao nhiêu thì đứa con gái duy nhất lại trái tính trái nết bấy nhiêu, mười sáu tuổi đã nổi tiếng khắp vùng vì thói ăn xài hoang phí, kiêu ngạo ngất trời. Dân chơi tuốt trên Sài Thành nghe danh cô Hai Linh dưới này cũng phải nể mặt mấy phần. Thói thường tiếng lành đồn xa, tiếng dữ còn xa hơn. Biết con gái như vậy, sau này có muốn gả cũng khó, cực chẳng đã, ông Cả Lợi mới bấm bụng đưa con đi du học, hy vọng nó qua bên Tây học được ít nhiều chữ nghĩa cũng hơn ở nhà phá của để gia đình mang nhiều điều tiếng.

Ngày cô Hai Linh đi du học, bà Cả khóc cạn nước mắt. Dù gì thì cũng là đứa con do bà rách bụng sinh ra. Ai chê cười nó sao cũng được nhưng với bà, nó vẫn là đứa con gái khờ dại, chưa hiểu sự đời nên mới vậy. Cô Hai dường như cũng hiểu được lòng cha mẹ. Cái vẻ nghênh ngang, hống hách thường ngày được thay bằng nét mặt ưu sầu, không muốn rời xa. Đúng, chính là không muốn rời xa. Lòng cô Hai dâng lên một nỗi sầu khó tả. Đâu ai biết rằng những cuộc ăn chơi vô độ, đổ tiền như nước của cô chính là lời phản kháng với tía má mình, với cái xã hội thiếu công bằng, thiếu tôn trọng nữ giới này. Tại sao tía cô lại buồn rầu vì không người kế nghiệp khi cô là con gái? Tại sao má cô lại bắt cô học nấu ăn, thêu thùa, may vá để sau này phục vụ bên chồng? Tại sao cô phải ngoan ngoãn, thùy mị, nết na để chờ người ta đến nhà coi mắt, hỏi cưới? Cô khinh! Khinh tất cả những thứ cô coi là hủ tục, là rác rưởi. Không dưới chục lần cô thẳng thắn bày tỏ ý kiến của mình nhưng tất cả đều bị ông bà Cả phớt lờ. Cái tội của cô lớn lắm, nó là cái tội suy nghĩ đi trước thời đại và không ai chấp nhận điều đó. Ông Cả mắng cô ngỗ nghịch. Bà Cả chấm nước mắt, lắc đầu ngao ngán. Còn cô thì ôm trong lòng nỗi u uất, chỉ biết trút vào những cuộc vui thâu đêm suốt sáng. Cô muốn nên người mà tía má không cho, vậy thì cô sẽ là đứa con phá của. Dù gì thì ruộng đất, vàng bạc có tiêu mấy đời cũng không hết, cứ phá đi cho thỏa nỗi uất ức trong lòng. Để rồi cho đến cái ngày cô phải xách hành lý lưu lạc xứ người. Mang danh du học oai lắm nhưng thực chất là cô đi cho tía má rảnh nợ, khỏi phải nặng nề bởi những lời gièm pha.


- Hai à, qua bên đó ráng tu tâm dưỡng tính nghen con. Đừng có chơi bời lêu lổng nữa. Má đợi bây dìa - Bà Cả rơm rớm nước mắt.


Cô Hai thấy cổ họng mình nghẹn đắng, hít một hơi dài để cố dằn những giọt nước mắt sắp rơi:


- Má yên tâm. Tới ngày con dìa, con sẽ là niềm tự hào của tía má.


Một lời hứa từ sâu thẳm trong lòng của đứa con ngỗ nghịch. Một bước quay đi cắt đứt bao niềm vương vấn. Có ai ngờ buổi sinh ly đó cũng là ngày tử biệt..


Năm năm dài đăng đẳng trôi qua, cô đã tốt nghiệp ngành Nhân học. Dự định trở lại quê hương thì nhận điện tín báo hung tin: Ông bà Cả đột ngột qua đời, cô về gấp lo hậu sự cùng cai quản gia tài để lại. Đất trời như sụp đổ, cứ ngỡ chỉ là cơn ác mộng thôi, cô cố gắng cho mình tỉnh thức để trở về thực tại nhưng cái sự thật phũ phàng ấy chính là thực tại. Lòng cô trộn lẫn đau đớn và căm hờn. Đau đớn khi mất đi song thân và căm hờn cho ai gây ra điều đó. Linh cảm cho cô biết ắt có nội tình. Dằn lại nỗi bi thương, cô trở về quê nhà để làm bổn phận của đứa con bất hiếu. Từ đó, không ai thấy cô rơi nước mắt. Mấy người ở trong nhà rỉ tai nhau về cô chủ máu lạnh, ngang tàn, ngay cả cha mẹ mất mà cũng không khóc một lần nào, thiệt đúng là gia môn bất hạnh. Hậu sự xong xuôi, cô lao đầu vào công việc, chấn chỉnh lại trong ngoài. Kẻ ăn người ở trong nhà, cô chọn con Thơm làm tâm phúc vì nó nhanh nhẹn, lại hiểu ý cô, rất được việc.


Hôm nọ, Thằng Dậu vốn phụ trách canh giữ nhà kho lại âm mưu vào kho trộm lúa. Cô Hai biết được cũng chưa vội bắt tội, cho người dò hỏi xem hoàn cảnh nó thế nào. Con Thơm cứ theo xin tội dùm vì thấy nhà thằng Dậu còn bà mẹ già bệnh nặng, nằm thoi thóp chờ ngày. Cô Hai cười khẩy, sai người bắt thằng Dậu về, giải trước nhà.


- Chuyện hôm kia trong kho mất năm giạ lúa, mày còn gì để nói?


Thằng Dậu biết không thể chối tội, bèn xin tha:


- Dạ, con lỡ dại, mong cô Hai tha tội cho con. Chỉ tại nhà quá nghèo, mẹ con đang bệnh, con phải trộm lúa để bán lấy tiền mua thuốc cho mẹ con. Xin cô Hai tha cho con lần này!


- Vậy à, vậy mẹ của mày là bọn thằng Sáu Lơ chuyên lắc tài xỉu, còn thuốc uống chính là mấy ván mày đặt bị thua đó chứ gì?


Thằng Dậu tái mặt, không hiểu sao cô Hai lại biết hết sự tình. Ngay cả nó chơi ở sòng nào, với ai cũng bị cô phát hiện. Không còn gì để nói, nó im lặng cúi đầu.


Bị đuổi việc cũng không phải là hình phạt quá nặng, chỉ là nó mắc cỡ với bà con xóm giềng. Nhưng cũng may cô Hai còn chút thương tình, cử người đi mời thầy về trị bệnh cho mẹ nó, còn cho cả tiền thuốc thang, coi như là hết nghĩa hết tình. Sau chuyện đó, kẻ ăn người ở trong nhà cũng thôi bàn tán về cô chủ nữa. Họ đủ khôn để biết được rằng chỉ cần chăm chỉ lo tốt việc của mình, cô chủ sẽ không bạc đãi họ.


Năm dài tháng rộng lại trôi qua, dẫu bận rộn tứ bề nhưng cô vẫn canh cánh trong lòng nghi vấn cái chết của tía má mình. Nhìn bên ngoài ai cũng nói ông bà Cả đang đêm trúng gió mà chết. Nhưng không thể có sự trùng hợp như vậy được. Linh tính mách bảo chuyện không lành. Ngồi hàng giờ trước cái rương mà tía cô để lại, cô không biết rốt cuộc đây là thứ xúc cảm gì. Bấy lâu nay lo chuyện ruộng đất mà quên bẵng đi cái rương này. Có nên mở ra không? Cô muốn mở nhưng có điều gì đó cứ như ngăn lại. Đã hàng giờ trôi qua, cô ngồi im và không nghĩ được gì. Đối lập với vẽ tĩnh lặng của không gian là những cơn sóng ngầm trong lòng cô trỗi dậy. Mở. Không mở. Mở. Không mở. Chỉ có vậy thôi mà đấu tranh hàng giờ, cuộc tranh đấu trong nội tâm cô nhưng lại không xuất phát từ bản thân cô. Mông lung. Khó hiểu. Cuối cùng.. "tạch", nắp rương mở ra, bên trong vỏn vẹn một tấm vải nhỏ màu vàng chứa những nét mực đỏ ngoằn ngoèo khó hiểu.


- Ôi trời, tưởng gì quý giá lắm! Vậy mà tía cất kĩ dữ! Ba lớp khóa. Mấy rương vàng mà tía còn chưa giấu kĩ đến như vậy.


Cô Hai nghĩ thầm rồi tự cười cho ông tía lẩm cẩm của mình. Đặt tấm vải trở lại trong rương, cô trở về giường để ngủ. Cả ngày đi thăm ruộng làm cơ thể cô mệt mỏi rã rời. Đặt lưng nằm xuống, chẳng mấy chốc cô đã ngủ say, cô đâu biết rằng một cơn gió lạnh bất thường vừa thổi tung cánh cửa sổ, luồn vào khiến căn phòng trở nên lạnh giá...

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro