Chương 3: Người Đại Kỳ cũng không xấu như thế.

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Thế Hưng ngoài học chữ nghĩa ra còn được học qua về y thuật, nói có chút khiêm tốn thì là biết chút ít, nói đúng thì cậu Hai đây có thể mở một nơi để chữa bệnh nhỏ thôi cũng sẽ người đời biết đến nhiều.

Người dân ở trong làng An, vỏn vẹn có hơn 20 hộ, mỗi nhà thì có được hai ba người, ai cũng khó khăn và nghèo túng đến nỗi việc học chữ chưa bao giờ được đặt trong tầm với.

Vậy mà từ khi cậu trai lạ mặt bước đến, mọi thứ đã thay đổi.

Ông trưởng làng thông báo đến mọi người, nhà ai có con trẻ hãy sang lớp thầy Hưng học, thầy Hưng là người có chữ nghĩa ở trên tỉnh về dạy, không có lấy tiền học, cho nên cứ qua học để mà có thêm con chữ lận lưng.

"Thầy Hưng, thầy dạy con học nha !!!"

Bé Hân hôm trước dẫn đường anh lên tiếng nhanh nhảu, đôi mắt sáng ngời của nó làm cho người khác cảm thấy thật là một đứa trẻ sáng dạ.

"Được."

Giọng nói chắc nịch của Thế Hưng khiến bậc làm cha mẹ nhẹ nhõm. Rồi dần cái nhà che mưa nắng của anh cũng được dựng nên giống một cái trường. Có thể nói, đây là căn đồ sộ nhất trong làng An.

Từ dạo đó, bọn trẻ trong làng thích thú lắm, cái thứ ao ước xa vời được cầm bút viết chữ của tụi nó được thực hiện, sao mà không vui cho được.

Nhưng mà, Thế Hưng vẫn cảm thấy thiếu thiếu.

Qua tuần học đầu tiên, ngày chủ nhật bọn trẻ trong làng lại cùng nhau thả diều trên mảnh đất trống ở Sao Mai. Cái Hân mới ngồi cạnh Vân My mà hỏi dò.

"Sao cậu không đi học ? Tôi thấy tất cả trẻ con trong làng đều đi học, tại sao cậu lại không đi ?"

"Tôi không thích, tôi không thích thầy Hưng."

Giọng nói không hề câu nệ của Vân My, Hân cảm thấy làm lạ vô cùng. Vốn dĩ thầy Hưng cũng đâu có đắc tội gì đến nó, mà thầy cũng rất điển trai cơ mà.

"Thầy dạy chữ hay lắm, tôi biết bảng chữ cái rồi. Chắc là sau này sẽ biết đọc thơ, đọc sách báo. Không còn ngốc nữa đúng không ?"

Thật ra Vân My cũng là một đứa trẻ ham học, có điều em biết được người thầy dạy chữ cho em lại sống ở Đại Kỳ, nơi mà người anh trai duy nhất của em bị bắt đi lính. Vốn hiểu cạn không sâu, em cảm thấy người ở Đại Kỳ không tốt đẹp.

Cho nên, em cũng không thích người ta.

Trời ngả nắng gay gắt, buổi trưa đã đến rồi. Mấy đứa trẻ thôi chơi đùa mà trở về nhà dùng bữa. Vân My phủi phần đất bẩn ở sau quần, đứng dậy lót tót về nhà.

Đi được nửa đoạn, em trông thấy người ở Đại Kỳ kia đeo một cái giỏ đan đi vào trong khu rừng nhỏ ở hướng Bắc. Có lẽ vì nổi hứng quậy phá, nên Vân My cũng lén lút theo sau.

Thấy anh ta cứ loay hoay xem cỏ cây rồi nhặt bỏ vào trong giỏ, làm cho em nhỏ thấy khó hiểu vô cùng: không lẽ mấy cái này xài được ??

Đi mãi đi mãi cho đến sâu hút vào trong, ánh sáng mặt trời dần le lói, lúc này Vân My lại nghe tiếng bước chân vang dội, như là của bọn cướp. Em thụt người lại, trong lúc không biết làm gì, có một ai đó nắm lấy tay và kéo em vào trốn ở trong góc.

"Suỵt."

Là giọng của thầy Hưng.

Vài phút trôi qua, dần thấy mọi chuyện ổn hơn, Vân My mới nói.

"Chú bỏ tôi ra được chưa ?"

Vì tình huống gấp gáp, Thế Hưng từ nãy đến giờ vẫn nắm lấy tay nhỏ của em mà không hề để ý.

Sau khi nhận thức được tình hình, anh liền vội buông tay.

"Em đi theo tôi ?"

Đương nhiên không thể người ta vừa hỏi đã nhận ngay được. 

"Không hề. Tôi không được đi vào đây à ?"

"Nhưng mà khoan đã, hình như em không có đến học ở lớp đúng không ? Em không muốn biết chữ à."

"Sao mà chú nói nhiều thế, tôi về đây."

Chẳng để ai bắt bẻ, Vân My nhanh chóng đi về nhà. Mấy năm qua không biết chữ vẫn sống tốt, vậy thì vẫn sẽ sống tốt thôi. Nhưng mà nghĩ lại thì, cũng không tốt lắm nhỉ..

Thế Hưng khó hiểu nhìn theo, chẳng biết con bé này bị làm sao.

Tối đó, cha của My là ông Ba đột nhiên bị đau bụng.

"My, lấy cho cha chai dầu."

Trải qua một thời gian, mà cái đau vẫn hiện diện trên gương mặt già nua cực khổ của ông.

"Cha, để con gọi mọi người."

Giọng con bé lạc đi, viễn cảnh mấy năm trước lại trở về. Năm My 6 tuổi, mẹ của em cũng vì đau bụng không dứt. Mà ở làng An làm gì có thuốc, muốn chữa bệnh của phải lên xã Hoà Bình thì may ra. Nhà em nghèo rớt mồng tơi, cho dù có lên đến Hoà Bình, tiền thuốc thang cũng không biết đào ở đâu mà ra. Thế là mẹ em cứ bảo không sao, thoa dầu vào phần bụng bị nhoi nhói. Nhưng mà cuối cùng, bà cũng không qua khỏi.

Năm em sáu tuổi, mẹ đã đi mất.

Nhìn lại người cha lại lần nữa rơi vào tình cảnh đó, My hoảng sợ chạy ra gọi mọi người giúp đỡ, dù có thế nào cũng phải đưa cha lên Hoà Bình chữa bệnh. Bán thân My cũng chịu.

Em gõ cửa từng nhà, giọng nói không còn bình tĩnh.

"Có ai không, giúp với...giúp cha con với."

Tiếng ồn ào nhanh chóng khiến mọi người tỉnh giấc.

"Có chuyện gì vậy con."

"Hức, cha con đau bụng không ngừng, con sợ."

Rồi cả làng xúm xụm lại nhà ông Ba. Nhìn ông đổ mồ hôi trộm ướt hết cả áo. Thế Hưng đến sau cùng, anh nhận thức được tình hình liền lấy một ít thuốc giảm đau đem sang.

"Để tôi. Rót cho tôi cốc nước."

My nhanh chóng làm theo. Thế Hưng loay hoay một lát với nắm thuốc nam trên tay, vò rồi nhét vào miệng ông Ba.

My thấy thế thì liền la lên. "Chú làm gì cha tôi."

Thế Hưng không bận tâm lời của người khác, tập trung làm việc của mình. Chẳng mấy chốc, người ta thấy sắc mặt ông Ba dịu lại, không còn khó chịu như trước.

Lúc này Thế Hưng mới bắt mạch, và xem phần bụng bị cứng lên của ông.

"Cha của em bị nhiễm khí, gây chướng bụng. Tôi vừa cho ông ấy uống một ít thuốc giảm cơn đau, nhưng mà bệnh này cần phải uống thuốc đầy đủ theo thang. Nếu uống đều đặn thì tầm một tháng là khỏi."

Người dân làng An lại được phen há hốc mồm về thầy Hưng. Có người không kiềm được tò mò liền hỏi ngay.

"Cả việc chữa bệnh mà thầy cũng biết nữa ạ."

"Con có học qua chút ít."

Thấy việc dần ổn, mọi người trở về nhà nghỉ ngơi để sáng mai còn làm việc. Căn nhà lúc này chỉ còn cha, em và Thế Hưng.

"Nhưng thuốc thang ở đâu mà có ?"

"Tôi có. Nhưng mà tôi không cho thuốc miễn phí đâu."

"Chú muốn sao ? Tôi sẽ cố gắng làm theo lời chú nói, chỉ cần chú giúp cha tôi là được."

"Vậy thì hãy sang học chữ ở lớp, em thấy đó, trong tình huống không ai có thể giải quyết, kiến thức chính là thứ sẽ vực dậy tất cả. Em muốn thoát khỏi cuộc sống như này, thì trước tiên phải có kiến thức. Hiểu không ?"

Vốn dĩ Thế Hưng đến đây là muốn người người cải thiện được cuộc sống, thoát khổ thoát nghèo, cho nên đứa trẻ nào là mầm mống của đất nước cũng nên được trau dồi về mặt trí thức.

Sau hôm nay, My thực sự có cái nhìn khác về người thầy từ Đại Kỳ.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro