Chương 1 : Hồi Ức

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

1. Hồi Ức

Năm tôi 5 tuổi, tôi sống cùng với mẫu phi ở Đình Uyển viện. Bọn cung nhân đều gọi tôi là quận chúa, tôi không rõ cái danh xưng này lắm. Dẫu sao bọn họ gọi tôi là gì thì tôi cũng chả để tâm.

Thế nhân đều cho rằng, nam nữ 5 tuổi nên tách biệt phụ mẫu, 7 tuổi không nên gặp riêng, muốn gặp cũng phải có trưởng bối hay nha hoàn tùy thân bên cạnh.

Đó là thế nhân nói thôi chứ tôi 3 tuổi đã phải ở một viện riêng rồi.

Am Hỉ cô cô là người của mẫu phi tôi, chăm sóc tôi từ khi tôi mới lọt lòng, bà thường hay thay phiên mẫu phi kể chuyện cho tôi nghe.

Am Hỉ nói với tôi rằng mẫu phi là người Thành Nam - Đông Thục, được đưa đi ngàn dặm gả cho phụ vương tôi. Mặc dù tôi không biết Thành Nam ở đâu, nhưng tôi chắc chắn một điều là nơi đó rất rất xa, thúc ngựa 3 ngày chạy đến đó là điều viễn vông đừng mơ nghĩ tới.

Mẫu phi rất hay kể mấy câu chuyện dân gian Lý Quốc cho tôi nghe.

Có một ngày tôi nghe bọn tỳ nữ luyên thuyên về cái gì mà Ngưu lang, cái gì mà Chức nữ, rồi cầu ô thước gì đó.

Thân là một quận chúa, mặc dù tò mò nhưng tôi không thể đi hỏi bọn họ được, mặt mũi rất quan trọng. Thế là tôi chạy đi hỏi mẫu phi.

Người chỉ cười nói tôi còn nhỏ nên không nên nghe mấy chuyện này, đợi lớn lên mẫu phi sẽ kể cho tôi nghe.

Tôi hừ khẽ một tiếng, má phúng phính phùng lên. Tôi đâu còn nhỏ nữa, tôi đã 5 tuổi rồi đó.

Nếu mẫu phi không chịu kể cho tôi nghe, tôi liền đi hỏi Am Hỉ cô cô vậy.  Một hai lôi kéo cô cô cho bằng được, Am Hỉ bất đắc dĩ phải đi theo tôi.

Bà kể với tôi là :
" Ngày xưa có chàng Ngưu lang làm nghề chăn bò, phụ mẫu mất sớm phải ở chung với đại ca và đại tẩu. Đại tẩu rất hay ức hiếp Ngưu lang. Chức nữ là một nàng tiên trên trời. Nàng lén xuống trần gian chơi. Hai người Ngưu lang và Chức nữ gặp gỡ rồi yêu nhau. Nàng trở thành vợ của chàng. Nàng dạy dân làng nuôi tằm, dệt vải. Hai người sinh được một trai một gái, cuộc sống của họ rất hạnh phúc."

Am Hỉ cô cô kể một nửa liền dừng lại. Tôi đang chăm chú lắng nghe thì không nghe thấy bà kể nữa.

Tôi bất giác nhăn mày, mồm thì liên tục cầu xin Am Hỉ kể tiếp. Cô cô chỉ cười nhìn tôi. Tôi thở dài một hơi, trách mình sao lại ngốc như thế.

Tôi chạy đi bưng tách trà trên chiếc tròn bên trong ra, với tính tình và dáng vẻ hấp ta hấp tấp của tôi thì chút xíu nữa thôi đã làm đỗ tách trà rồi.

Am Hỉ cô cô húp vài ngụm trà tôi mang tới, bà cười nhìn tôi lần nữa rồi kể tiếp, đôi mắt tôi sáng rực mang theo sự tò mò của một đứa trẻ.

" Nhưng Ngọc hoàng đại đế biết chuyện, ngăn cản bọn họ, bắt Chức nữ về Thiên đình, hai người hai ngã, người đầu sông bên này, kẻ bên kia lại cuối sông. Chỉ là dù có thế nào hai người vẫn yêu nhau say đắm. Ngọc hoàng thương cho tình cảm của bọn họ, liền quyết định Thất tịch ngày 7 tháng 7 âm lịch sẽ cho một câu cầu Ô thước bắt ngang qua để hai người gặp nhau. Nước mắt của bọn họ rơi xuống trở thành mưa. Về sau người đời gọi đó là mưa ngâu "

Tôi nghe xong câu chuyện của Am Hỉ cô cô kể, nói thật tôi cũng có cái hiểu cái không, não tôi không lớn lắm, mấy cái tôi hiểu chỉ đơn giản là kẻ phàm người tiên, rồi yêu nhau lại không đến được với nhau.

Điều này làm tôi liên tưởng đến mẫu phi. Mẫu phi xinh đẹp như một vị thiên tiên, tóc vàng óng ánh, đôi mắt xanh lam của hoàng tộc Đông Thục, người chính là người phụ nữ đẹp nhất lòng tôi.

Am Hỉ cô cô có hỏi tôi có cảm nhận gì về câu chuyện này không? Tôi liền thành thật đáp:
"Thật ra con cảm thấy tình yêu của bọn họ ngay từ đầu đã không đến được với nhau, một người là tiên trên trời, còn người kia cũng chỉ là kẻ phàm phu tục tử, môn không đăng, hộ không đối. Yêu nhau đã là một sai lầm "

Am Hỉ cô cô nghe tôi nói xong liền bật cười, lại nhẹ nhàng xoa đầu tôi. Bà lại bảo:" Con còn nhỏ lắm. Chưa hiểu rõ được đâu "

Quả thật tôi đúng là không hiểu ý của bà là thế nào. Trong đầu tôi lại liên tưởng tới một việc. Nếu so sánh giữa phụ vương với mẫu phi. Tôi lại cảm thấy bọn họ như hai nhân vật chính bộ truyện vừa rồi. Tôi không biết tình cảm của phụ vương dành cho mẫu phi như thế nào, nhưng tôi chắc nó cũng giống như tình cảm mà mẫu phi dành cho phụ vương vậy. Bởi vậy tôi luôn nhìn thấy bộ dạng ngóng trông chờ đợi của mẫu phi.

Vào ngày 1 và 15 mỗi tháng phụ vương sẽ đến thăm tôi và mẫu phi, ông xoa đầu tôi, lại cho tôi mấy cái vật chơi thú vị. 

Năm tôi 7 tuổi, mẫu phi hỏi tôi là: " Nếu được chọn giữa võ công và vẽ tranh, A Dung sẽ chọn cái nào ? "

Đây quả thật là một vấn đề khó đối với tôi. Nếu tôi chọn võ thì tay sẽ không được mềm mại để vẽ tranh, còn nếu chọn tranh thì việc cầm kiếm coi như tên bù nhìn.

Tôi nói lên quyết định của mình: " Con chọn cả hai "

Mẫu phi sững sờ trước quyết định của tôi, người khuyên tôi: " A Dung học cả hai thứ sẽ rất vất vả "

Tôi lắc đầu quả quyết : " Không vất vả, chỉ cần mẫu phi dạy, con sẽ không cảm thấy vất vả "

Nói đùa, tôi được tiên nữ nương nương chính tay dạy dỗ sao có thể nói là vất vả.

Mẫu phi rất vui nhìn tôi, sau đó người lại nói :" Con không thể học cả hai thứ một lúc trên cùng một tay được. "

Tôi kiên quyết trả lời

" Tay phải cầm kiếm tay trái cầm cọ không gì khó khăn vất vả "

Từ xưa đến nay, tay phải viết chữ, cầm kiếm chính là thiên trường địa cửu, đa phần người đời đều thuận tay phải cả. Người xưa rất ít cho phép con cháu cầm tay trái làm việc, vì như vậy rất khác người. Tôi lại quyết định như vậy thì quả thật rất khác người.

Hồi lâu mẫu phi cũng gật đầu cho phép tôi làm như vậy. Tôi cảm thấy người là nàng tiên tốt bụng nhất trần ai.

Mẫu phi bảo một tên thị vệ giỏi võ nhất trong đám người, hắn ta cao to lực lưỡng, nhưng quả thật võ công lại rất mạnh. Tôi quyết định bái hắn ta làm sư.

Năm tôi 10 tuổi, mẫu phi đổ bệnh. Tôi ngày đêm tháo hóc chạy tới chạy lui chăm sóc cho người.

Người nói người rất thích vẽ tranh, chỉ là từ ngày làm Vương phi đến nay cũng không có cơ hội hoàn thành một bức tranh. Mẫu phi giao nó lại cho tôi, muốn tôi giúp người hoàn thành nó.

Lần đầu tiên tôi nghe người kể chuyện ở Đông Thục.

Đông Thục rất xa Lý Quốc, nơi này đa phần là bán hoang mạc và đồng cỏ, rất khó trồng cây lương thực.

Vương Đông Thục phải thường xuyên cho người mua bán vận chuyển lương thực từ Lý Quốc về Đông Thục, mà người cũng chính là công chúa kinh thành Thành Nam ở Đông Thục  - Mễ Hỉ Tan.

Người từ nhỏ đã là một con chim sẻ, thích bay nơi này chạy đến nơi khác. Dù là Vương Đông Thục cũng khó quản người.

Năm Mễ Hỉ Tan 16 tuổi, lén theo đoàn thương nhân đi đến Lý Quốc xa xôi vận chuyển lương thực. Lúc đầu ai nhìn thấy người đi theo cũng kiên quyết phản đối. Nhưng về sau họ bỏ qua định kiến dẫn người đi.

Lý Quốc quả nhiên là một trời một vực với Đông Thục. Đất đai màu mỡ, mỗi tất đất đều không phải là bán hoang mạc khô nóng. Khí hậu ôn hòa khiến ai cũng yêu thích.

Mà người dân hay phong tục cũng cực kì khác biệt. Tóc họ đen nhúng, đôi mắt cũng sâu thẳm. Y phục lại kín cổng cao tường, cổ tay không lộ. Mấy quý nữ ra ngoài mang theo đấu Lạp hoặc mạng che mặt, cực kì kỉ cương, nghề nghiệp đa dạng phong phú vô cùng.

Hết nhìn bọn họ lại nhìn mình. Tóc vàng sáng rực, mắt xanh biếc như viên pha lê, eo hở tay đầy vòng, chân mang theo lục lạc kêu râm rang vui tai bắt mắt. Đừng nói là nữ nhân ngay cả nam nhân cũng cực kì khác biệt. 

Đoàn nguời bắt mắt chạy vào kinh thành. Mễ Hỉ Tan rất thích cảnh vật nơi đây.

Tình cờ người gặp tiểu Tuyên Vương - Lý Kiệt. Hai người như Ngưu lang Chức nữ, đầu tiên quen biết, sau này nảy sinh tình cảm rồi yêu nhau. Đến ngày vận chuyển lương thực về Đông Thục, Mễ Hỉ Tan rất không muốn trở về nhưng không còn cách nào khác.

Mễ Hỉ Tan về Đông Thục, liền chạy đi cầu xin Vương Đông Thục cho nàng gả đến Lý Quốc. Vương nghe xong xém tức đánh nàng một trận.

Còn chuyện sau đó thì mẫu phi tôi đã ngủ mất rồi, tôi muốn nghe người kể tiếp cũng không được đành đứng dậy ra về.

Số lần tôi gặp phụ vương không tính là nhiều, nhưng cũng nhớ rõ khuôn mặt người. Mày kiếm môi mỏng mũi cao, cả nguời cường tráng khỏe mạnh. Mang theo một loại khí chất uy nghiêm, chỉ cần đứng gần không bất giác làm run rẩy. Dòng máu Lý gia quả thật rất tốt, ngay cả tôi cũng hưởng ké một phần.

Mẫu phi bệnh càng ngày càng nặng, tôi muốn ngày ngày ở bên người chăm sóc, nhưng mỗi lần tới là mẫu phi lại đuổi tôi đi. Bắt tôi phải chuyên luyện kiếm và vẽ tranh, tôi quả thật muốn nói. Hai thứ đó sao lại quan trọng bằng người chứ.

Chỉ là nếu tôi không nghe lời, mẫu phi sẽ tức giận. Tôi quả thật không còn cách nào khác.

Năm tôi 11 tuổi. Mẫu phi bệnh nặng chỉ còn da bọc xương. Phụ vương tôi một năm nay kể từ lúc mẫu phi bệnh đã không còn tới thăm chúng tôi nữa. Mà mẫu phi nước mắt cũng đã cạn không rơi thêm giọt nào.

Tôi càng lớn thì tâm càng bình tĩnh, tôi không khóc lóc như ngày xưa khi nhìn mẫu phi nằm đó nữa.

Người đàn bà má hóp, ốm nhom nằm heo hóc ở trên gường, chỉ vì tình mà khiến mình lâm vào cảnh như thế. Có đáng không?

Quả thật tôi không hiểu tình là gì, mà càng không hiểu tình yêu mà mẫu phi dành hơn 12 năm cho một người không có trái tim như phụ vương là gì.

Ngưu lang và Chức nữ, ngay từ đầu tôi đã hiểu bọn họ sinh ra là đã không dành cho nhau.

Đêm Thất tịch, tôi vẫn còn nhớ đêm nay là ngày Ngưu lang Chức nữ gặp lại nhau. Am Hỉ cô cô đỡ mẫu phi ra ngoài sân ngoài, tôi đứng trước cửa viện nhìn người. Người ngồi trên ghế cô đơn, đôi mắt u buồn của mẫu phi nhìn lên trời cao. Người cầm trên tay một bức tranh, dùng bàn tay trái khô gầy vuốt ve khuôn mặt trên tranh.

Tôi đứng từ xa nhìn người. Mẫu phi nhìn trời sao, người ta hay nói thất tịch không mưa. Nhưng thế nhân ai cũng sẽ phạm sai lầm, đêm nay thất tịch mưa rồi, là cơn mưa ngâu giá lạnh nhưng lại ấm lòng.

Vì phụ vương đã đứng cạnh bên che dù cho mẫu phi.

Tôi dường như đã hiểu, thì ra người mẫu phi đợi là chàng tiểu Tuyên Vương ngày ấy đến che dù cho người vào ngày mưa.

Trong lòng tôi phụ vương của hôm đó chính là anh hùng thật sự trong 11 năm qua. Cũng chính ngày đó, không rõ nước mắt hay nước mưa hòa quyện thắm đẫm lên gương mặt tôi, nhưng điều tôi chắc rằng, sau hôm nay tôi sẽ không còn được nghe hai tiếng
" A Dung " dịu dàng như thế nữa

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro