Bản dịch toàn văn

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng


Nếu bàn luận về vấn đề giáo dục, thay vì xem Tiểu Xá Đắc, hãy xem Sơn Hà Lệnh

___

Người dịch: JunSaki | Bài dịch thuộc quyền sở hữu của dịch giả và chỉ được đăng tải trên Universe 宇宙 và Wattpad JunSaki. Vui lòng không reup/repost

___

Gần đây, có nhiều người bàn luận về phương pháp giáo dục huấn luyện "gà con" trong Tiểu Xá Đắc, nỗi lo lắng trong việc dạy dỗ con trẻ đi kèm với những bài phân tích công khai giải thích về việc nuôi dạy chúng. Không chỉ một người hi vọng tôi viết một bài cảm nghĩ về Tiểu Xá Đắc và bàn luận vấn đề giải quyết những mâu thuẫn trong việc giáo dục con cái.

Tuy nhiên, thay vì xem Tiểu Xá Đắc, tôi lại thấy rằng những lời giải đáp cho lo lắng của các bậc cha mẹ về việc nuôi dạy con cái đều có trong Sơn Hà Lệnh.

Giới giáo dục cũng có "tham, sân, si" của võ lâm

Trong Sơn Hà Lệnh, chúng ta đã quá quen thuộc với mô típ "tranh đoạt" của võ lâm: các môn phái đều hướng đến mục đích là võ công thượng thừa, vì vậy chắc chắn sẽ có mưu mô và tranh chấp quyền lực giữa các môn phái. Trong cuộc chiến này, các môn phái đều tranh cướp "Lưu Ly Giáp" – chìa khóa mở được võ khố, chứa toàn bộ tri thức độc nhất vô nhị của võ lâm, trong đó có "Lục Hợp thần công", bộ tâm pháp có thể khiến người luyện đứng đầu thiên hạ.

Khung cảnh này khiến chúng ta liên tưởng đến nhiều tác phẩm nổi tiếng của Kim Dung, trong đó có "Tiếu Ngạo Giang Hồ", vì bí kíp võ lâm "Tịch Tà Kiếm Pháp" mà các môn phái tranh giành cấu xé lẫn nhau bằng mọi thủ đoạn họ có thể nghĩ ra được.

Tìm được kho bí kíp võ lâm, tranh đoạt chúng, là những khuôn mẫu đã quá quen thuộc với mọi người trong thế giới võ hiệp

Thế nhưng, trong Sơn Hà Lệnh, việc tranh đoạt lưu ly giáp lại không phải là trọng tâm, mà nó lại tập trung chủ yếu vào việc hai nhân vật không có tâm tư tranh đoạt, đứng ngoài nhìn các môn phái "sứt đầu mẻ trán" tranh đoạt lưu ly giáp.

Xét toàn diện, nếu coi nhân vật chính là một phần của ván cờ, chắc chắn người xem sẽ thấy được tất cả các cung bậc cảm xúc "hỉ, nộ, ái, ố" của nhân vật. Nhưng nếu bản thân nhân vật chính lại không nằm trong ván cờ này, vậy thì hiển nhiên sẽ có những chuyện "trong nhà chưa tỏ, ngoài ngõ đã tường".

Vì tranh đoạt lưu ly giáp, rất nhiều cao thủ võ lâm tư xưng là danh chính môn phái không ngần ngại chém giết lẫn nhau, giang hồ mưa gió máu tanh không ngừng, kẻ chết nhiều vô số kể. Lại cũng có kẻ giả nhân giả nghĩa, thận trọng tính toán từng bước, thầm nghĩ rằng có thể trở thành minh chủ võ lâm, không tiếc hi sinh tính mạng người khác. Tất cả những điều này, người ngoài cuộc nhìn vào, vừa buồn bã nhưng cũng nực cười không kém. Người bị cuốn vào cuộc tranh đấu này, đều hành động theo sự sắp đặt khôn khéo của kẻ khác và hi sinh vô ích vì lưu ly giáp giả. Tham vọng che mắt, không ai có thể nhận ra âm mưu thật sự ẩn giấu phía sau.

Chốn võ lâm giang hồ ở Sơn Hà Lệnh, và giới giáo dục của chúng ta, không khác nhau là mấy.

Trong giang hồ,

Tại sao lại muốn có lưu ly giáp? Bởi vì có lưu ly giáp là có được kho bí kíp võ công.

Tại sao lại muốn có bí kíp võ công? Bởi vì có bí kíp sẽ trở thành kẻ đứng đầu võ lâm.

Tại sao lại muốn trở thành kẻ đứng đầu võ lâm? Bởi vì tất cả mọi người, ai cũng muốn làm.

Đây là thứ đáng để hi sinh sao? Tất nhiên, mọi người đều bị cuốn vào vòng xoáy đó, nào còn ai giữ lại được lí trí.

Trong giáo dục,

Tại sao lại có nhiều lớp học thêm? Để giúp học sinh thi đỗ điểm cao.

Tại sao cần đạt điểm cao? Vì muốn trở thành người đứng đầu.

Tại sao lại muốn đứng đầu? Không có lí do gì cả, chỉ vì tất cả mọi người ai cũng muốn đạt được.

Hy sinh tình cảm của bản thân cho nó? Đương nhiên, trong vòng quay điên cuồng này, nào ai thể hiện ra được cảm xúc chân thật của bản thân.

Nếu hỏi một người đang trong cuộc chiến đó rằng, việc đi học thêm nhiều lớp, ôn luyện nhiều bài tập, có đáng giá không? Đương sự chắc chắn sẽ trả lời rằng: "Đáng giá chứ"! Đây chính là hiện tượng "Hiệu ứng nhà hát kịch" (tham khảo:). Nếu như mình không học, người khác học, thành tích học tập của người khác cao hơn, kết quả người khác vượt xa mình, mình lại không thể không học.

Tương tự, nếu hỏi một người trong giang hồ rằng: Liệu lưu ly giáp có đáng để liều mạng như thế không? Đương sự chắc chắn sẽ trả lời rằng: "Đương nhiên rồi! Nếu mình không giành lấy, môn phái khác giành được và đánh bại mình, vậy thì mình chắc chắn phải giành lấy".

Đây chính là cục diện của ván cờ này.

Trong ván cờ này, chúng ta thấy vì lưu ly giáp mà huynh đệ trở mặt, cha con hận thù lẫn nhau, vợ chồng ly tán, đêm khuya bất an, bất tri bất giác phải than thở một tiếng "tham, sân, si, lòng người đều là quỷ".

Nhưng thật ra trong cuộc sống, chúng ta cũng đã từng thấy việc tranh giành các khu trọ và chỗ học thêm khiến chị em trở mặt, mẹ con thành thù, gia đình xích mích. Nhiều gia đình lâm vào cảnh gà bay chó sủa, giống như "Tiểu Xá Đắc" - thể hiện một phần sự thật con người trong thế giới này.

Con đường trở thành 1 cao thủ

Sơn Hà Lệnh hay ở chỗ, thiết lập hai nhân vật chính dưới tâm thế "kẻ đứng ngoài cuộc" có phần nhỉnh hơn so với Dương Quá, Lệnh Hồ Xung, Trương Vô Kỵ và Lý Tầm Hoan.

Hai người này, một người một lòng muốn chết, một kẻ thì chỉ sợ giang hồ không đủ loạn. Một người từng giữ chức vụ cao trong triều đình, tự cảm thấy mình có tội, nội tâm dày vò, cam tâm nhận hình phạt tổn hại đến thân thể, một lòng muốn lấy cái chết để tạ tội, do đó không hề có hứng thú với việc tranh đoạt lưu ly giáp. Kẻ còn lại mang trong lòng mối thâm cừu đại hận của gia đình với giới võ lâm, cố tình phá rối toàn cục của cuộc chiến tranh đoạt lưu ly giáp chỉ để ngắm nhìn các môn phái chém giết lẫn nhau. Bản thân hắn không hề có ý định tranh đoạt lưu ly giáp, chỉ muốn người trong thiên hạ vì tranh đoạt mà đồng quy vu tận.

Hai người này, dưới góc nhìn của kẻ đứng ngoài cuộc, lại càng làm nổi bật lên những ám ảnh của người trong cuộc. Họ không tham gia vào cuộc chiến này, mà đứng nhìn những kẻ khác vì tranh đoạt mà bị cuốn vào vòng xoáy hỗn độn, hắc hóa, đầu rơi máu chảy.

Dưới góc nhìn của người đứng ngoài cuộc, chúng ta mới nhìn ra được trong cục diện tranh đoạt người sống ta chết này, việc vì lưu ly giáp mà trả giá bằng sinh mạng của mình có bao nhiêu không đáng. Trong phim, nhân vật chính Chu Tử Thư đã nói: "Nói trắng ra là, cuộc tranh cướp này, chẳng qua là muốn tìm cách không phải cố gắng mà vẫn có được thôi".

Những lời này quá là rõ ràng rồi.

Trên thực tế, việc cố gắng tìm kiếm các bộ đề ôn luyện thi cử, so với việc tìm kiếm bí kíp võ lâm, cùng với lối suy nghĩ không cần cố mà vẫn có được có gì khác nhau đâu? Tất cả các loại đề thi kèm lời giải chẳng qua cũng chỉ là những "lối tắt" do các bậc đàn anh đàn chị đi trước để lại sau khi vất vả tìm cách giải đề bài, nhưng kiểu "ngồi mát ăn bát vàng" này, căn bản không có cách nào hiểu được bản chất thật sự của vấn đề, cuối cùng vẫn để bản thân tự ảo tưởng trong một giấc mộng mà thôi.

Nếu bạn nỗ lực, bạn thực sự có thể nắm bắt được những bí kíp để xưng bá võ lâm, vậy thôi; nhưng chung quy lại, trong quá trình này, ai cũng là vật hi sinh, có tính kế thế nào đi nữa thì cuối cùng cũng vẫn là hoa trong gương, trăng trong nước mà thôi.

Vậy thì, đâu là cách để bồi dưỡng ra được cao thủ/học bá?

Sơn Hà Lệnh chỉ ra cho chúng ta hai phương pháp:

Phương pháp 1: Nắm thật chắc chắn các kiến thức cơ bản.

Nhân vật chính Chu Tử Thư và Ôn Khách Hành, trong phim là hai đại cao thủ, chẳng cần đến "Lục hợp thần công", chỉ nghe theo sự chỉ bảo của sự phụ, cùng với sự chăm chỉ và nghiêm khắc của bản thân mà luyện các kĩ năng cơ bản đến mức cao nhất. Nếu bạn có thể làm được bước này, bạn có thể đứng đầu thiên hạ. Chu Tử Thư nói với học trò của mình rằng: "Nếu con có thể luyện được công phu của gia môn đến hai ba phần mười, con có thể trở thành một cao thủ võ lâm". Chu Tử Thư dạy đồ đệ theo cách như vậy, bắt đầu từ việc luyện tập với bao cát, mỗi một bước đều suy xét thấu đáo, chầm chậm tiến bộ. Trên thực tế, các "học bá" tám chín phần mười đều luyện như thế này.

Đừng có chạy theo việc tìm kiếm cái gọi là bí kíp, kho báu tuyệt mật, đừng chạy theo người khác một cách mù quáng, và cũng đừng có tìm kiếm đường tắt mà bỏ qua những vấn đề cốt lõi. Hãy tập trung vào những kĩ năng cơ bản và xây dựng nền móng vững chắc.

Trên đời này, làm gì có "bí kíp võ công" nào khiến chúng ta một đêm thành danh? Cái lớp ôn thi đó có cái gì mà các bạn nhất định phải đi học? Tôi nhiều lần nói với các bạn sinh viên rằng, chỉ cần các em nắm vững các kiến thức trong sách giáo khoa, các em có thể đạt điểm cao trong bài kiểm tra, nhưng ít ai tin tôi.

Thật ra, chỉ cần các bạn dành thời gian kiên trì tìm hiểu kỹ từng khái niệm trong sách giáo khoa, tự mình suy luận ra công thức từ trong sách giáo khoa, nếu chỗ nào không hiểu, tự bản thân động não suy nghĩ, không đi đường tắt, và đừng tự ý tìm kiếm "bí kíp" để rồi "luyện đến tẩu hỏa nhập ma", cũng đừng nhẹ dạ mà tin lời giang hồ đồn thổi, như thế thì thành tích của bạn trong mọi kỳ thi lớn nhỏ đều không thành vấn đề.

Học bá, chính là người có thể nắm chắc và hiểu rõ về các khái niệm cơ bản. Học bá không sử dụng bí kíp nào cả, nhưng họ lại đem những điều căn bản, luyện "công phu" đến mức thành thục.

Phương pháp tốt nhất, chính là âm thầm hỗ trợ nhau

Sơn Hà Lệnh cho chúng ta biết phương pháp bồi dưỡng thứ hai:

Phương pháp thứ hai: Âm thầm hỗ trợ hoàn thiện nhau

Phương pháp này đến từ hai nhân vật chính của bộ phim là Chu Tử Thư và Ôn Khách Hành, Trương Triết Hạn và Cung Tuấn. Theo cốt truyện, hai nhân vật chính là hai cao thủ, võ công ngang tài ngang sức. Tuy nhiên, trong thực tế, Trương Triết Hạn tốt nghiệp Học viện âm nhạc hí kịch Thượng Hải và đã ra mắt hơn mười năm. Anh ấy có kỹ năng diễn xuất vững chắc và trình độ ca hát chuyên nghiệp. Về phía Cung Tuấn, ngoài gương mặt nổi bật, vóc dáng không chê vào đâu được, thì năng lực diễn xuất và các kỹ năng khác chưa thật sự nổi bật, dù là hát, nhảy, diễn xuất hay năng lực đi show giải trí. Trong giới showbiz, Cung Tuấn không được tính là nổi và cũng không có tác phẩm nào nổi bật trong những năm qua.

Khi hai diễn viên gặp nhau, sự chênh lệch về năng lực được thể hiện rõ. Trương Triết Hạn, người tốt nghiệp từ trường nằm trong tam đại học viện ở Trung Quốc với kinh nghiệm diễn xuất phong phú, đối lập với Cung Tuấn là một người ít kinh nghiệm diễn xuất ở cả mảng điện ảnh lẫn truyền hình, nếu muốn đối diễn thật tốt, cần sự kiên nhẫn và bồi dưỡng từ từ để phát triển năng lực diễn xuất. Ở khía cạnh ca hát và đi show, sự chênh lệch càng lớn khiến Cung Tuấn cần nỗ lực hơn nhiều.

Ở đây, điều Trương Triết Hạn đã làm được chính là gọt giũa những kĩ năng đó một cách thầm lặng. Sau đây là vài điểm mà tôi cho là quan trọng:

Thứ nhất: Trương Triết Hạn hướng dẫn cho Cung Tuấn thể hiện cảm xúc thông qua việc thị phạm thay vì thuyết giảng.

Có một chi tiết khiến tôi cảm động, đó là khi Cung Tuấn và Trương Triết Hạn có một cảnh đối diễn với nhau, đạo diễn cùng quay phim không biết được rằng liệu diễn viên đã điều chỉnh tốt trạng thái của mình hay chưa. Trương Triết Hạn đã có ý bảo đạo diễn từ từ đừng quay vội, sau đó dùng cảm xúc và ánh mắt của mình để nói với Cung Tuấn. Khi Cung Tuấn đã nhập vai nhân vật, tiến vào trạng thái buồn bã đau khổ, Trương Triết Hạn đã có hành động rất nhỏ ý bảo đạo diễn có thể bắt đầu quay.

Lúc khác, Trương Triết Hạn lại nhẹ nhàng trêu chọc đối phương, giúp Cung Tuấn cảm thấy thoải mái, cũng nói với Cung Tuấn rằng cậu có thể căn cứ vào cảm xúc của bản thân mà thêm lời diễn, hoàn toàn có thể không cần phải đọc theo kịch bản. Cuối cùng, không ít lời thoại gây ấn tượng mạnh đều là do hai người ngẫu hứng trong khi diễn. Dưới sự ảnh hưởng của Trương Triết Hạn, diễn xuất của Cung Tuấn đã tiến bộ lên rất nhiều.

Thứ hai: Nhìn nhận những ưu điểm độc đáo của Cung Tuấn, dùng thái độ chân thành khẳng định điều này.

Năng lực bẩm sinh của Cung Tuấn thật ra không được coi là xuất chúng, nhìn bằng mắt thường cũng có thể thấy khuyết điểm của Cung Tuấn là ca hát và sự phối hợp chân tay không tốt. Nhưng, Trương Triết Hạn nhận ra được trên người Cung Tuấn có những đức tính mà người khác không có, đó là sự chân thành, nghiêm túc, chăm chỉ, luôn vui vẻ và quan tâm đến người khác. Vì thế, chỉ cần có cơ hội ở một số sự kiện công khai, Trương Triết Hạn đều sẽ khen và tán dương những đức tính này của cậu ấy. Nhận được sự công nhận của người khác, đây chính là một phương thức giúp củng cố sự tự tin. Trương Triết Hạn nhìn thấy được những ưu điểm của Cung Tuấn, những thứ mà người khác có thể sẽ bỏ qua. Cũng vì thế mà ở những môi trường khác, Cung Tuấn càng ngày càng trở nên tự tin hơn và thể hiện phong thái chuyên nghiệp hơn.

Thứ ba: Lùi về phía sau và nâng đỡ Cung Tuấn lên.

Trương Triết Hạn không phải lúc nào cũng thể hiện điểm mạnh của mình ra, trong nhiều tình huống, anh lui về phía sau làm nền cho Cung Tuấn, lấy tinh thần/trạng thái thoải mái làm phương pháp giúp Cung Tuấn rèn luyện năng lực bản thân. Ví dụ như trong một show hát đệm cho Cung Tuấn, trêu chọc cậu, mục đích là giúp Cung Tuấn biểu hiện tự nhiên hơn khi biểu diễn; hơn nữa trong concert mới đây, khi hai người hát chung điệp khúc, Trương Triết Hạn biết được Cung Tuấn không hát được nếu ca khúc giữ tông giọng (key) gốc. Vì thế Trương Triết Hạn đã chủ động đề nghị giảm hai âm. Mặc dù điều này khiến Trương Triết Hạn gặp khó khăn trong phần biểu diễn, suýt chút nữa không tìm được tông giọng (key) phù hợp để vào nhạc, nhưng Cung Tuấn đã phát huy năng lực của mình nắm bắt được tình hình lúc đó, cuối cùng màn diễn cũng kết thúc thành công.

Sau đó, Trương Triết Hạn nói rằng sai lầm của bản thân không quan trọng. Trong bài song ca này, thông qua việc điều chỉnh tông giọng có thể làm cho Cung Tuấn phát huy năng lực xuất sắc, ca hát vui vẻ, xây dựng sự tự tin, đó mới là điều quan trọng nhất.

Những điều trên tóm gọn lại thành quyển cẩm nang hoàn mỹ mang tên "Hoàn thiện một người" - đem lại cảm giác vừa dịu dàng nhưng cũng vừa mạnh mẽ.

Trong tập thể công ty, nếu chúng ta muốn bồi dưỡng cấp dưới, khiến họ cảm nhận được rằng, chúng ta có thể phát hiện những ưu điểm của đối phương, sau đó dùng thái độ chân thành để khẳng định những ưu điểm tốt đẹp đó; nếu chúng ta có thể lùi về phía sau và nâng đỡ đối phương lên, để đối phương cảm nhận được cảm giác thành tựu của bản thân, như vậy chắc chắn cấp dưới sẽ cảm nhận được sự hỗ trợ mạnh mẽ từ chúng ta, qua đó bản thân bọn họ cũng sẽ tiến bộ nhiều hơn.

Trong quá trình dạy dỗ con cái ở nhà, nếu chúng ta muốn bồi dưỡng một đứa trẻ, phải đồng cảm và đồng hành cùng đứa trẻ giải quyết vấn đề, phát hiện ra những ưu điểm độc đáo của nó và dùng sự chân thành để khẳng định và khen ngợi; trở thành chỗ dựa vững chắc, hỗ trợ để giúp đứa trẻ cảm thấy tự tin vào bản thân, chắc chắn đứa trẻ sẽ cảm nhận được chúng đang nhận được sự hỗ trợ tốt nhất, qua đó bản thân chúng cũng sẽ tiến bộ vượt bậc.

Sơn Hà Lệnh, điều khiến tôi cảm động

Nếu như ở bên trên tôi có nhắc đến "Âm thầm hỗ trợ hoàn thiện nhau", nghe thì có vẻ rất đẹp, cũng đúng với nguyên lý tâm lý học, nhưng thật ra trong cuộc sống này, việc thực hành nó sẽ khó khăn thế nào?

Khó ở chỗ, chúng ta không thể xác định được, liệu đối phương có xứng đáng để chúng ta làm như thế không.

Trong tập thể công ty, chúng ta không thể xác định được một cấp dưới có đáng hay không để chúng ta dụng tâm hỗ trợ họ đạt thành tựu riêng cho bản thân mình. Liệu vị cấp dưới này có rời bỏ công ty không? Có hay không cảm động hay biết ơn? Có hay không mưu cầu danh lợi? Chúng ta đương nhiên không thể xác định được, vì thế sẽ rất khó để hỗ trợ cho con đường phát triển của cấp dưới. Trong cuộc sống cũng như vậy, chúng ta không thể xác định được liệu bạn bè của chúng ta có thật lòng với chúng ta, hiểu chúng ta và không làm chúng ta thất vọng hay không.

Điều khiến tôi cảm động trong Sơn Hà Lệnh chính là: hai người thành tựu lẫn nhau. Thành tựu này không phải đến từ một phía mà nó là sự nỗ lực đến từ cả hai phía.

Dưới góc nhìn của nhân vật trong bộ phim này, hai nhân vật chính thay đổi và chữa lành cho nhau. Một người ban đầu không còn mong muốn được sống, nhưng bởi vì gặp đối phương, hắn cảm thấy thế gian này vẫn còn thứ khiến hắn lấy đó làm động lực để sống. Một người ban đầu nhìn nhận tất cả mọi người trên thế gian này đều đáng chết, hắn ghê tởm thế giới này, nhưng bởi vì gặp đối phương, hắn nhận ra rằng không phải tất cả đều là kẻ địch.

Có thể nói rằng, bởi vì gặp được đối phương, một người giữ lấy, một người buông bỏ. Mối quan hệ chân thành như vậy có thể khiến tất cả mọi người cảm động. Một người khiến đối phương cảm nhận được rằng thế gian này vẫn đáng để lưu luyến. Một người lại khiến cho bản thân cảm thấy sự cố chấp của anh ta không đáng để giữ lại. Chính sự công nhận đối phương và biến chuyển trong suy nghĩ như vậy tạo nên mối liên kết sâu sắc nhất giữa hai người. Hai người họ trở thành tri kỷ, và những nỗ lực của họ trở nên đáng để trân trọng.

Thông qua bộ phim, sự hiểu biết và công nhận lẫn nhau cũng được phát triển ở cả bản thân hai diễn viên và những người đang xem bộ phim này. Nhiều người đã bất ngờ cảm động trước mối quan hệ chân thành và thấu hiểu lẫn nhau này. Nó cũng đánh thức mong muốn nằm sâu trong trái tim mỗi người là có thể tìn thấy cho mình một tri kỷ giống như vậy.

Về phía hai diễn viên, sự tin tưởng và hỗ trợ lẫn nhau cũng dần được hình thành. Trương Triết Hạn vốn dĩ là một người rất nhạy cảm và có phần lạnh lùng xa cách, vì thế, bản thân anh sẽ bị cảm động trước sự thẳng thắn, vui vẻ lạc quan của Cung Tuấn. Còn Cung Tuấn, vốn dĩ cảm thấy mệt mỏi, kiệt sức đối với những công việc mà mình không có quyền lựa chọn, nhưng anh trở nên thận trọng hơn nhờ có sự giúp đỡ của Trương Triết Hạn. "Xuất thế giả nhập thế, nhập thế giả xuất thế" (出世者入世,入世者出世).

Sự giúp đỡ vô hình của Trương Triết Hạn đối với Cung Tuấn dựa trên sự chân thành và thuần khiết của Cung Tuấn - thứ mà Trương Triết Hạn cảm nhận được. Trong xã hội ngày nay, việc một người tin tưởng một người khác vô điều kiện, và người đó cũng tin tưởng chính bản thân mình vô điều kiện, là một điều vô cùng hiếm gặp.

Sự thấu hiểu tường tận và sự tin tưởng vô điều kiện là điều mà mỗi người chúng ta ai cũng cần.

Trong Frozen 2, đội ngũ sáng tạo có nói rằng, Elsa có tố chất của "người gánh vác" (achiever), là một vị anh hùng thời cổ đại, có năng lực siêu nhiên, gánh vác thế giới trên đôi vai của mình và phải chịu đựng nhiều khó khăn gian khổ. Trong khi đó Anna lại thuộc kiểu người không ngừng nỗ lực cố gắng (transcender), một kiểu anh hùng trong thế giới cổ tích, một người bình thường nhờ sự lạc quan của bản thân mà đạt được những thành công trong thế giới cổ tích ấy. Đây là chính là sự yêu thương và hoàn thiện lẫn nhau của hai người.

Trong và ngoài Sơn Hà Lệnh, chúng ta cũng có thể nhìn thấy mối quan hệ giữa kiểu anh hùng trong cổ đại và kiểu anh hùng trong cổ tích, giữa "người gánh vác" và "người nỗ lực". Nhờ đối phương mà họ nhìn thấy sự công nhận bản thân, và từ đó họ trở thành tri kỷ.

Trẻ con là cây cầu gắn kết chúng ta với thế giới này

Điều khiến tôi có nhiều cảm xúc về bộ phim Sơn Hà Lệnh này sở dĩ là vì tôi cảm thấy đồng cảm với nhân vật Chu Tử Thư. Tôi đã từng có một quãng thời gian dài rơi vào trạng thái "sinh không thể luyến" (生无可恋: chỉ cuộc sống không còn người nào hay ai khiến bản thân mình lưu luyến thế giới này, việc sống không còn ý nghĩa gì)

Quãng thời gian mười năm sau đại học, tôi cảm thấy "vạn vật đều vô vị". Tôi không chỉ cảm thấy rằng có quá nhiều việc vô nghĩa, mà kể cả những cảm xúc vui vẻ, hạnh phúc, buồn bã, giận hờn cũng ít khi xuất hiện. Đại đa số thời gian, tôi tự cảm thấy linh hồn của mình không hoà nhập vào đám đông náo nhiệt đó, kể cả khi tôi tham gia vào các hoạt động sôi nổi hay những buổi tụ họp, tôi cũng không thấy thật sự hào hứng. Trong quãng thời gian đó, tôi không thể tìm ra được điều gì hay việc gì khiến tôi cảm thấy cuộc sống có ý nghĩa. Tôi luôn cảm thấy rằng những phiền não cứ đến rồi đi liên tục trong cõi hồng trần thế tục này. Mọi người điều đang mải miết theo đuổi hư danh một cách ngớ ngẩn, nhưng đến cuối cùng lại chẳng có việc gì đáng để lưu luyến trong thế giới này.

Không dưới vài lần, trong những ngày lễ, tôi đều bị thôi thúc bởi suy nghĩ "hay là biến mất khỏi thế giới này đi"

Lý do dẫn đến suy nghĩ này thì có rất nhiều, nhưng tôi không muốn đề cập ở đây, ngược lại chúng ta có thể bàn luận một chút đến quá trình giải phóng tư tưởng này.

Trong thực tế, việc đào sâu tìm hiểu về thế giới không thể bao quát hết được từ "ý nghĩa" này.

Nếu bạn suy nghĩ cẩn thận, hầu hết những gì mà chúng ta làm đều là những việc tự rước lấy phiền phức và cuối cùng chẳng có ý nghĩa gì.

Khi cắm đầu chạy trên con đường này, tôi chỉ cảm thấy mình cần phải vào một trường học tốt, đi làm ở một công ty tốt, có vị trí tốt trong công ty, quán xuyến việc gia đình tốt hơn, và đạt được nhiều thành tích tốt hơn.

Nhưng đến khi bản thân có năng lực để đạt được những điều trên, bạn chợt nhận ra rằng những điều trên không thể trả lời được cho câu hỏi: "Nếu ta có những thứ này rồi, sau đó chúng ta sẽ làm gì tiếp?" Thế thì sao? Đây chính là những thứ có ý nghĩa, khiến con người ta phải bận rộn trong cả cuộc đời? Đặc biệt là khi bản thân chúng ta cầu không được, cũng không muốn cầu, cuối cùng rơi vào cảnh tiến thoái lưỡng nan, đến một câu trả lời cũng không có.

Đến khi tôi rơi vào bế tắc đến cùng cực và cảm thấy mọi thứ đều không còn ý nghĩa gì nữa, thì một ngày nọ, tôi tìm lại được ý nghĩa của cuộc sống khi đặt cảm xúc của bản thân trở về tuổi thơ dưới hình hài một đứa trẻ con.

Tuổi thơ là giai đoạn mà những cảm xúc của bản thân được thể hiện một cách chân thật nhất, niềm vui nỗi buồn của những đứa trẻ hoàn toàn là cảm xúc thực, và những cảm xúc hạnh phúc đó đang toả sáng rực rỡ. Đây chính là sự chữa lành tốt nhất đối với tôi. Kể từ lúc đó, tôi dần dần tìm kiếm và khám phá cảm xúc của bản thân ở mỗi một thời điểm, và từng chút một, điều này đã cứu rỗi những cảm xúc tiêu cực của tôi. Tôi nhận ra rằng, tinh thần và sự cảm nhận về cuộc sống, cũng như nhận thức và ý thức về cuộc sống, vốn dĩ chính là ý nghĩa.

Đây chính là nhận thức về sinh mệnh và tình yêu.

Tôi cho rằng, chính đứa trẻ đã giúp tôi chữa lành, đánh thức được những cảm xúc tích cực của tôi về cuộc sống này. Từ ngày đó, tôi gần như trút bỏ được những cảm xúc tiêu cực và những nỗi sợ hãi từ chính bản thân mình, và dần dần những cảm xúc tích cực, hạnh phúc đã quay trở lại cuộc sống của tôi.

Trong cuộc sống của người trưởng thành, có thể cả đời này chúng ta cũng không thể tìm thấy được tri kỷ của mình, để thấu hiểu và hỗ trợ giúp nhau cùng hoàn thiện bản thân như trong phim. Cũng không chắc có thể nhận được sự hỗ trợ thầm lặng như cách Trương Triết Hạn và Cung Tuấn làm ở ngoài phim, nhưng chúng ta là cha mẹ, có thể cùng con cái của mình tạo nên mối quan hệ lý tưởng đó. Mọi đứa trẻ đều xứng đáng có được sự công nhận và tin tưởng từ gia đình mình. Con cái giúp chúng ta cảm thấy được tin tưởng, giúp chúng ta cảm nhận được yêu thương. Chúng ta nhìn thấy ánh sáng từ chúng, con cái cho chúng ta sức mạnh để chữa lành bản thân. Chúng ta ở phía sau trao cho con cái sự ủng hộ, âm thầm hỗ trợ giúp con cái hoàn thiện bản thân mà không phải lo sợ rằng con cái phụ lòng cha mẹ hay con cái chúng ta không xứng đáng. Chúng ta sẽ trở thành "người gánh vác", giúp con cái chúng ta trở thành những "người nỗ lực" trong cuộc sống này.

Có những "người gánh vác" ở phía sau hỗ trợ, những đứa trẻ như có thêm pháp lực để sống tốt trong thế giới hỗn độn này. Chúng không cần phải truy đuổi tìm kiếm lưu ly giáp, vì chúng ta chính là lưu lý giáp của chúng.

Khi tôi còn trẻ, lúc viết tiểu thuyết, tôi rất thích viết theo kiểu "sự thật không được ghi chép lại". Tôi có xu hướng yêu thích sự việc dưới góc nhìn của người ngoài cuộc, viết về hiện thực không hoàn hảo trong thế giới quanh mình. Tôi viết về những sự đổ vỡ và đau khổ, sự cô độc mong manh ẩn dấu dưới những từ ngữ hoa mỹ.

Cảm giác về sự lạnh lùng, bàng quan dưới góc nhìn người ngoài cuộc này được đẩy lên đỉnh điểm trong tác phẩm "Tháp trường sinh" (tác phẩm ghi lại những chuyện nhân tình thế thái trong nhiều năm). Tuy nhiên, hai năm trở lại đây, tôi đột nhiên không muốn viết theo cách này nữa.

Tôi bắt đầu phát hiện ra được ý nghĩa của việc viết theo thể loại "văn học lãng mạn", thể loại mà trước đây tôi hoàn toàn không để tâm đến.

Trong văn học, nếu như chủ nghĩa hiện thực phản ánh sự thật lạnh lùng của thế giới thực, thì chủ nghĩa lãng mạn lại hướng đến những giấc mơ tươi sáng nhưng không tồn tại. Tôi đã từng cho rằng viết tiểu thuyết theo chủ nghĩa hiện thực mới được coi là sâu sắc, nhưng khi lớn tuổi rồi, tôi mới thấy việc cố ý sâu sắc này hoàn toàn không cần thiết. Có ai mà không biết thế gian này đầy những đấu đá, thờ ơ lạnh nhạt, hoang mang lo sợ chứ. Trong văn học, tất cả những gì mà chúng ta muốn đôi khi chỉ là một chút ánh sáng để mơ mộng. Đôi khi chính những ánh sáng le lói đó, mới là đỉnh cao của hiện thực.

Vì thế, tôi bắt đầu viết truyện cổ tích. Tôi viết truyện cổ tích cho thiếu nhi, truyện cổ tích cho người lớn (Các bạn hãy chờ truyện tranh và tiểu thuyết mà tôi đang viết nhé).

Tôi đặt tên con mình là Vũ Tình và Vũ Kiếm. Tôi chỉ mong rằng các con của tôi, trong thế giới hỗn độn này, có thể sống một cuộc đời tự do thoải mái, cầm kiếm cưỡi ngựa, làm những gì mình muốn làm, đi con đường mình muốn đi, gặp được tri kỷ cả đời của mình, uống rượu, phơi nắng.

______

Đôi lời người dịch: Cảm ơn các bạn đã đi tận cuối bài dịch này. Vì tác giả đứng dưới góc nhìn giáo dục phân tích phim và cả cuộc sống, vậy nên chúng ta cũng nên dùng tâm thái người ngoài cuộc để nhìn nhận và thấu hiểu bài viết này. Mình cảm thấy chị Phương hoàn toàn không có ý nâng anh Hạn và dìm anh Tuấn, mà chị lấy dẫn chứng để chúng ta hiểu được, tri kỷ khó kiếm, và hai anh may mắn tìm thấy nhau - giống như Ôn Khách Hành và Chu Tử Thư tìm thấy nhau vậy. Lời cuối, hãy cùng nhau bảo vệ Tuấn Triết thật tốt.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro