trao duyen

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Nhan đề đoạn trích là Trao duyên nhưng trớ trêu thay đây không phải là cảnh trao duyên thơ mộng của những đôi nam nữ mà ta thường gặp trong ca dao xưa. Có đọc mới hiểu được, "Trao duyên", ở đây là gửi duyên, gửi tình của mình cho người khác, nhờ người khác chắp nối mối tình dang dở của mình. Thúy Kiều trước phút dấn thân vào quãng đời lưu lạc, bán mình cứu cha, nghĩ mình không giữ trọn lời đính ước với người yêu, đã nhờ cậy em là Thúy Vân thay mình gắn bó với chàng Kim. Đoạn thơ không chỉ có chuyện trao duyên mà còn chất chứa bao tâm tư trĩu nặng của Thúy Kiều.

Mở đầu đoạn thơ là 8 câu tâm sự của Thúy Kiều, về mối tình của mình với chàng Kim. Kể ra, với người xưa, một mối tình thiêng liêng như Thúy Kiều - Kim Trọng thường được giấu kín trong lòng ít khi người ta thổ lộ với người thứ ba. Vậy mà, ở đây, Thúy Kiều phải bộc lộ tất cả với Thúy Vân. Hơn thế nữa, nàng phải lạy em như lạy một ân nhân, một bậc bề trên, phải nói với em bằng những lời lẽ nhún nhường gần như van vỉ:

Cậy em, em có chịu lời,

Ngồi lên cho chị lạy rồi sẽ thưa.

Không phải nhờ mà là cậy, chị nhờ em giúp chị với tất cả lòng tin của chị. Nhờ em nhưng cũng là gửi gắm vào em. Bao nhiêu tin tưởng bao nhiêu thiêng liêng đặt cả vào từ cậy ấy! Cũng không phải chỉ nói mà là thưa, kèm với lạy. Phải thiêng liêng đến mức nào mới có sự "thay bậc đổi ngôi" giữa hai chị em như thế. Nguyễn Du thật tài tình, như đọc thấu tất cả nỗi lòng nhân vật. Nỗi đau khổ vì không giữ trọn lời đính ước với chàng Kim đã buộc Thúy Kiều phải nói thật, nói hết với em, phải giãi bày tất cả. Bởi vì không có cách nào khác là phải nhờ em. Gánh tương tư đâu có nhẹ nhàng gì, thế mà vì mình giờ đây bỗng giữa đường đứt gánh, ai mà không đau khổ. Nhưng, gánh nặng vật chất thì san sẻ được, nhờ người khác giúp đỡ được, còn gánh tương tư mà nhờ người khác giúp đỡ cũng là điều hiếm thấy xưa nay. Vì vậy, Kiều mới phải cậy em, mới phải lạy, phải thưa, vì nàng hiểu nỗi khó khăn, sự tế nhị của gánh nặng này. Rõ ràng, Thúy Vân cũng phải hi sinh tình yêu của mình để giúp chị. Trong hoàn cảnh bi thương của mình, Thúy Kiều không chỉ trao duyên mà còn trao cả nỗi đau của mình cho em gái. Tuy nhiên, Thúy Vân vốn là cô gái vô tư, thơ ngây trong gia đình họ Vương lúc vạ gió tai bay, Thúy Kiều phải giành cho mình phần hi sinh lớn hơn; không chỉ hi sinh tình yêu mà hi sinh cả cuộc đời để cứu cha, cứu em.

Trao duyên cho em nhưng nào đã dễ trút đi gánh nặng? Bao nhiêu kỉ niệm ngày xưa của mối tình đầu, kỉ niệm đẹp đẽ của một thời ào ạt trở về. Những kỉ vật thiêng liêng nàng vẫn giữ, minh chứng cho tình yêu của nàng với chàng Kim, dễ gì trong phút chốc lại phải trao sang tay người khác, cho dù người đó chính là em gái mình? Tình yêu đôi lứa vốn có chút ít ích kỉ bên trong, đó cũng là lẽ thường tình. Chiếc thoa với bức tờ mây, Phím đàn với mảnh hương nguyền... vốn là kỉ vật riêng của Thúy Kiều, kỉ vật ấy có ý nghĩa tượng trưng cho hạnh phúc của nàng. Bây giờ, những kỉ vật thiêng liêng ấy, nàng phải trao cho em, không còn là của riêng của nàng nữa mà đã trở thành của chung của cả ba người. Đau xót làm sao khi buộc phải cắt đứt tình riêng của mình ra thành của chung! Biết vậy nhưng Thúy Kiều cũng đã trao cho em với tất cả tấm lòng tin cậy của tình ruột thịt, với tất cả sự thiêng liêng của tình yêu với chàng Kim. Nàng thuyết phục em mới khéo làm sao:

Ngày xuân em hãy còn dài,

Xót tình máu mủ, thay lời nước non.

Chị dù thịt nát xương mòn,

Ngậm cười chín suối hãy còn thơm lây.

Trên hết giữa chị với em là tình máu mủ; vì tình máu mủ ai nỡ chối nhau? Vì vậy, suốt từ đầu đến cuối đoạn thơ không hề thấy lời nói của Thúy Vân. Thúy Kiều như người đang dốc bầu tâm sự, nàng phải dốc cạn với em mới có thể thanh thản ra đi. Nàng tưởng tượng đến lúc mình đã chết, oan hồn trở về lẩn quất bên chàng Kim. Khi đó, âm dương cách biệt, chỉ có chén nước mới giải được mối oan tình. Lời tâm sự sao mà thương!

Lời tạ ơn ở hai câu thơ sau nghe thật đau đớn.Thúy Kiều lại còn viện cả cái chết của mình ra để cho thấy sự vui lòng toại nguyện,thanh thản biết bao nếu được Thúy Vân nhận lời "giúp đỡ",thay mình chắp nối duyên cùng Kim Trọng.Không chỉ gợi đến sự bạc mệnh của mình,Thúy Kiều còn khéo đề cao nghĩa cử của Thúy Vân.Ơn ấy,đến chết chị vẫn còn ghi tạc : "Ngậm cười chín suối hãy còn thơm lây".Đủ thấy nàng Kiều của Nguyễn Du đúng là "sắc sảo mặn mà" như chính nhà thơ đã giới thiệu.

Khi Thúy Vân đã cảm thông,Thúy Kiều đem từng kỉ vật trao lại cho em mình :

Chiếc thoa với bức tờ mây

Duyên này thì giữ vật này của chung

Dầu em nên vợ nên chồng

Xót người bạc mệnh ắt lòng chẳng quên

Mất người còn chút của tin

Phím đàn với mảnh hương quyền ngày xưa

Không đưa cùng một lúc tất cả các kỉ vật của tình yêu mà Thúy Kiều đưa từng món vật.Mỗi món vật đều gắn với một kỉ niệm của mối tình nồng nàn.Mỗi món đều gắn với một ý nghĩa,một gửi trao đầy ý nghĩa...Người đọc tưởng như Thúy Kiều vừa trao vừa ngập ngừng để ngắm nghía lại từng kỉ vật,nhớ lại từng kỉ niệm xôn xao của ngày nào với chút lòng nuối tiếc khôn nguôi cho một mối tình tươi thắm nồng nàn mà mình đã có.Do vậy,khi trao cho em "Chiếc thoa với bức tờ mây" nàng nhỏ nhẹ căn dặn:"Duyên này thì giữ,vật này của chung"."Duyên này" chính là tình duyên mà Thúy Vân sẽ thay chị mình lấy Kim Trọng để đáp đền tình cảm của chàng."Vật này của chung" là kỉ vật mà chị cho em có một phần của chị trong đó.Đúng là cảnh ngộ bắt buộc Thúy Kiều phải "lỗi thề" nhưng trong đáy lòng nàng đâu dễ chi nguôi được lời thề xưa và đoạn tuyệt tình cũ được.Đầy xót xa sầu tủi,trong đau đớn tận cùng,Thúy Kiều phải chăng vẫn cố gắng giữ lấy một chút an ủi nhỏ nhoi đó :"Duyên này thì giữ,vật này của chung".Câu thơ là một tiếng nấc chứa đầy tâm trạng của nàng khi ấy.

Quá đắng cay cho số phận bạc bẽo của mình,Thúy Kiều nghĩ đến một "mai sau" mù mịt,đau thương khi mình đã chết.Hơn lúc nào hết,ý nghĩ về cái chết cứ hiện ra và rõ nét dần :

Mai sau dù có bao giờ,

Đốt lò hương ấy,so tơ phím này.

Trông ra ngọn cỏ lá cây,

Thấy hiu hiu gió thì hay chị về.

Hồn còn mang nặng lời thề,

Nát thân bồ liễu đền nghì trúc mai.

Dạ đài cách mặt,khuất lời,

Rảy xin chén nước cho người thác oan.

Đoạn thơ như một lời chiên hồn buồn thảm.Đây vẫn là những lời tâm sự cần khẩn của Thúy Kiều với Thúy Vân mà sao lời lẽ ngữ ngôn chợt trở nên xa vắng,mù mịt,tưởng như từ thế giới bên kia vẳng lại.Nhưng dù có "xương trắng quê người",linh hồn Thúy Kiều vẫn "mang nặng lời thề",vẫn khát khao mong muốn được nương theo những làn gió nhẹ "hiu hiu" trên "ngọn cỏ lá cây" để trở về cõi thế gặp lại những người thương yêu.Linh hồn Thúy Kiều vẫn khao khát nhận được sự cảm thông tưởng nhớ của những người thương yêu nên chỉ xin chàng một "chén nước" để giải tỏa mốn oan tình.Đang tâm sự với Thúy Vân,Thúy Kiều bỗng hướng về Kim Trọng và bày tỏ với chàng nguyện vọng tha thiết cuối cùng,vừa nói :

Dạ đài cách mặt,khuất lời,

Rảy xin chén nước cho người thác oan.

Thì ra "Dẫu lìa ngõ ý còn vương tơ lòng".Trong cảnh ngộ "Dạ đài cách mặt,khuất lời",Thúy Kiều vẫn khao khát được trở về cõi thể để chứng minh cho tình yêu bất diệt của mình.

Trong tâm trạng đau đớn tột đỉnh,Thúy Kiều lại quay về với chính mình.Các câu thơ sau đây là lời độc thoại nội tâm của nàng :

Bây giờ trâm gẫy bình tan

Kể làm sao xiết muôn vàn ái ân !

Trăm nghìn gởi lạy tình quân,

Tơ duyên ngắn ngủi có ngần ấy thôi.

Phận sao phận bạc như vôi ?

Đã đành nước chảy hoa trôi lỡ làng.

Trở lại với chính mình,Thúy Kiều bị giằng xé giữ một bên là nỗi đau với sự đổ vỡ mất mát không thể vãn hồi : "Trâm gẫy bình tan,tơ duyên ngắn ngủi..." và một bên là kỉ niệm tình yêu tràn dâng cuộn xiết "kể làm sao xiết muôn vàn ái ân".

Những lời độc thoại trên được phát ra từ một tâm hồn khổ đau cùng cực.Những câu thiw như những tiếng nấc nghẹn ngào.Có gì như oán trách thân phận.Có gì như đau tủi ngậm ngùi.Chữ "phận" hai lần gặp nhau khiến sự giận hờn như được nhân lên.Hai chữ "đã đành" gợi lên sự buông xuôi,cam chịu liên tưởng đến hình ảnh nước chảy hoa trôi thật tự nhiên và gợi cảm.

Càng khóc than cho số phận,nỗi đau của Thúy Kiều càng chồng chất thêm.Cuối cùng hình ảnh người tình hiện ra trong tư tưởng và choáng ngợp cả tâm hồn của cô gái đau đớn vì lỡ mất tình yêu này.Nàng chết ngất đi trong tiếng kêu thương tưởng thấu đến trời :

Ôi Kim lang ? Hỡi Kim lang !

Thôi thôi thiếp đã phụ chàng từ đây.

Tên chàng Kim vang lên hai lần trong một câu thơ vừa nồng nàn vừa trang trọng biết bao : Kim lang.Câu thơ cuối cùng là lời than mà cũng là lời tự trách mình.Là một con người giàu lòng vị tha,Thúy Kiều lúc nào cũng ân cần và chu đáo đối với chàng Kim.Nàng yêu chàng Kim hơn cả bản thân mình.Bởi vậy,có người cho rằng : "chỉ một chữ "phụ" thôi mà đã làm sáng lên vẻ đẹp nhân cách cao thượng giàu lòng vị tha của Thúy Kiều".

Đoạn trích "Trao duyên" đã khắc họa sinh động,sâu sắc và đầy xúc cảm tâm trạng của Thúy Kiều khi tình yêu tan vỡ.Nỗi đau đớn của cô gái bất hạnh này và những lời lẽ của nàng khi trao duyên thật đúng với lời giới thiệu của nhà thơ trước đó :

Kiều càng sắc sảo mặn mà

........................................

Thông minh vốn sẵn tính trời.

Dưới ngòi bút tài hoa sắc sảo của Nguyễn Du,chúng ta thấy hiện lên rõ mồn một hình ảnh một Thúy Kiều nhạy cảm,giàu lòng yêu thương,rất vị tha và chu tất,một Thúy Kiều khổ đau và cao quý.Thành công ấy của nhà thơ cho ta thấy "sức cảm thông lạ lùng" (Hoài Thanh) của ông đối với những đau khổ và khát vọng hạnh phúc tình yêu của con người.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro