TRÒ CHƠI 1: CỤC ĐẤT (P2)

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Hôm nay,

Sài Gòn, lại một ngày cuối đông. Lâu lắm rồi kể từ lúc tôi bỏ phố ra đi. Bôn ba nhiều, những tưởng sẽ tìm được một chân lý vu vơ nào đó. Nhưng có lẽ, người ta nói đúng, đã ôm cái nghiệp“xếp xó” thì muôn đời vẫn sẽ “xếp xó”. Nghề văn ngày một khó viết, nhà văn ngày càng khó sống.

Tôi trở lại Pastuer, rồi rẽ vội qua Nguyễn Đình Chiểu. Tôi không đi xe đạp, tôi đi bộ… Nhưng tôi không lạc đường. Tôi đi chính xác con đường lúc trước, con đường mà ngày đó phải mất hơn ba tiếng đồng hồ tôi mới về đến nhà. Trong suy nghĩ trào lên một hy vọng bâng quơ. Nhà cũ có còn ở đó? Và người cũ bây giờ ra sao? Mọi thứ thật sự quá mơ hồ…

Trời cũng tạnh mưa, cũng những vũng nước đọng, cũng ánh đèn leo lét, cũng cái miệng cống, cũng mặt đường nham nhở, cũng những chiếc xe hơi, cũng lại cơn gió rít… Nhưng đêm nay thiếu chiếc lá vàng… Tôi chợt thấy trống vắng, một nỗi trống vắng kỳ lạ, trống vắng mơ hồ mà sâu thẳm… Mười năm… dài hay ngắn? sao giờ đây tôi mới nhận ra những cảm giác này?

Tôi trở lại ngôi nhà cũ. Nó đã biến thành một tòa cao ốc to lớn. Tôi không ngạc nhiên. Cao ốc văn phòng, tôi đoán thế. Thời buổi kinh tế thị trường, xây cao ốc là hái ra tiền… Lại tiền… lận đận vì nó!

- Anh…

- Cô…

- Em nè! Em là em gái anh Tuấn!

Tôi ngớ người chẳng biết phải nói sao. Có phải ông trời đã xếp đặt chuyện này. Như một vở cải lương có kết thúc đẹp? Ngày xưa, trăm ngàn cuộc chia ly đều có kết thúc như thế. Dù là kẻ chiến binh xông pha trận mạc, dù là gã thư sinh nghèo trẩy kinh ứng thí… sau lưng luôn có một bóng hồng chờ đợi. Tôi không là kẻ chiến binh nọ, càng không là gã thư sinh kia, tôi là người lạc lối. Lẽ nào ông trời cũng mở đường sống cho tôi? Hay ông đang trêu tôi bằng cách vẽ ra một giấc mơ nhuốm màu trần lụy?

- Cô làm gì ở đây?

- Trời! Em làm việc ở đây mà.

- Hả?

- Sau khi anh đi một thời gian, cũng vừa lúc em tốt nghiệp. Ông Tuấn xin tiền ba mẹ để mua lại ngôi nhà cũ. Sau đó thì đầu tư, bây giờ là vầy nè…

- Vậy giờ Tuấn?

- Ổng bò nghề văn lâu rồi. Cũng không hẳn là bỏ, lâu lâu lại viết, nhưng tập trung kinh doanh là chính.

- Vậy còn…

- Dạ lập gia đình rồi. Có một bé trai. Trông yêu lắm.

Vậy là em đã lập gia đình rồi sao? Vở cải lương vui đang dần biến thành một vở bi kịch trước mắt tôi. Tuấn đã lựa chọn đi theo con đường mới, đưa cái đam mê một thời sống chết trở thành nghề tay trái. Em đã yên ấm, một gia đình, một đứa con ngoan. Còn tôi… tôi là kẻ lang bạt… lang bạt trong sự nghiệp lẫn tình người. Tôi muốn cười hay đang muốn khóc? Tôi thật sự thấm thía cái nghĩa của “cục đất”, nó vô tri thật mà, đã vô tri thì sao lại phải đau khổ? Huống hồ, tôi có là gì của em đâu? Chỉ một lần tâm sự mấy câu, chỉ một đêm với vài giây ánh mắt vô ý gặp nhau, một vài tiếng đồng hồ xa mù trong quá khứ… thì sao mà “mơ”, làm sao mà “giữ”?

- Sao anh đến đây giờ này?

Câu hỏi nghe quen quen. Hình như ngày đó, tôi cũng đã hỏi em một câu tương tự đến như thế.

- À… tôi bị lạc đường…

Đúng. Tôi đang bị lạc đường thật sự, bị lạc trong tất cả mọi con đường mà tôi đã đi. Đôi khi, ta đi trên một con đường đúng, con đường đó dẫn ta về nhà, nhưng nhà đó lại không phải là nhà của ta. Tôi thừa nhận mình bị lạc, tôi không giấu em như ngày trước, không sợ em cười… Vì có còn gì để giữ, để lưu, để sợ nữa đâu chứ!

- Bây giờ đường mới mở tùm lum hết trơn à, không như ngày trước. Anh đi lạc cũng phải. Nhưng vẫn tìm về đến đây được là giỏi lắm đó nghen!

Tôi nhớ ngày đó em khen tôi, nhưng là khen chuyện học, chuyện viết. Giờ em lại khen, nhưng em khen chuyện khác. Một chuyện mà thật sự tôi không muốn giỏi, không muốn nhận được lời khen. Nhất lại là khi lời khen đó xuất phát từ em. Tôi biết, em đang nghĩ tôi nói thật, em nào hiểu cái nghĩa xa xôi của hai chữ “lạc đường”. Em đâu có hiểu, chỉ có tôi là “khờ”, tôi trách mình “khờ” đến “dại dột”…

- Khuya rồi sao cô còn ở đây?

- Em quay lại lấy tài liệu, em về từ sớm rồi, nhưng quên nên phải quay lại.

- Còn anh. Giờ định đi đâu?

Đi đâu đây? Có còn chỗ nào để đi? Tôi đưa mắt nhìn về xa xăm. Ánh đèn đường hắt sáng những vệt dài.

- À.. ờ… hì… hì… hì…

- Cái giọng cười đó đầy vô duyên luôn à nghen! Hì… hì… hì… Hay là anh về nhà ông Tuấn đi. Gặp lại anh chắc ổng mừng lắm á.

Tôi chưa kịp nói gì nữa, chưa kịp lắc đầu, cũng chưa gật đầu. Từ xa, một chiếc BMW trờ tới. Tài xế nhảy xuống xe. Cửa mở. Em đẩy tôi lên…

- Xe của em đó. Đẹp không?

- Ừ! Đẹp!

- Em thích đi xe máy hơn, đi xe đạp cũng được nữa. Nhưng ông Tuấn cứ bắt đi xe này… chán òm…

Tôi im lặng trên suốt đường đi, cũng không dám nhìn em thêm một lần nào nữa. Tôi sợ em phát hiện ra sự bất thường ở tôi. Rất nhanh sau đó, xe đã dừng trước cổng một căn biệt thự. Tôi kịp đọc hai chữ “Him Lam”. Ngày trước, tôi qua đây mấy lần, cũng từng đó lần nhìn thấy người ta xây dựng, nhưng tôi không dám nghĩ đến ngày mình sẽ có cơ hội bước chân vào, dù chỉ với tư cách là… khách.

Qua cửa kính, tôi nhìn thấy một đứa bé đang vẫy tay, có lẽ nó đang mừng, chắc là con của em đây mà. Cửa nhà mở, Tuấn bế thằng bé bước ra.

- Trời! Ông đó sao?

- Không tôi thì là ai?

- Dạo này ông khác dữ hén. Mà tui vẫn nhận ra… khà… khà…

- Đổi kiểu cười đó cho tao nhờ đi mầy. Mầy cười làm tao nhớ ngày xưa quá!

Không hiểu sao tôi lại chuyển sang gọi Tuấn là mầy và xưng tao? Có lẽ tại kiểu cười quen thuộc của Tuấn. Nó khiến tôi nhớ lại những ngày xưa, những ngày mầy – tao chia đôi gói mì, cắt đôi cái bánh… Nhưng giờ…

- Mầy tao thì mầy tao… Lớn cả rồi, tính gọi “lễ phép” hơn nhưng “chơi” luôn kiểu cũ cho nó dân dã… khà… khà…

Tuấn đặt đứa bé xuống để ôm ghì lấy tôi. Cũng vừa lúc em bước đến.

- Trời! Hai ông anh dzui mừng quá hén. Thả thằng nhỏ ngồi bệt luôn kìa!

Nói xong, em vội đưa tay bế thằng bé lên, hôn vào má nó và nói thầm gì đó.

- Hai anh nói chuyện đi hen! Em vào nhà chuẩn bị cơm tối!

Giờ chỉ còn lại tôi và Tuấn, Tuấn kéo tôi vào nhà nhưng tôi lại muốn ở thêm bên ngoài một chút nữa. Nói thật, tôi không biết mình sẽ ra sao nếu bước vào bên trong. Em đã có một gia đình, nhìn thì biết em đang sống chung với Tuấn, và còn chồng em nữa… Tôi sợ phải đối mặt với hoàn cảnh đó.

- Dạo này mầy sao rồi? – Tuấn hỏi tôi.

- Ờ! Lang bạt tứ phương, đầu đường xó chợ thôi!

- Nghe bộ mầy đang “trách” tao đó hử?

- Gì mà trách, mầy khùng à? Có sao tao nói vậy thôi. Thấy mầy được vầy tao cũng mừng lắm.

- Cũng chật vật lắm mầy ơi. Chuyện gì cũng khó. Trước sống với văn thì “no lòng” mà “đói bụng”. Giờ “no bụng” nhưng lại “đói lòng” mầy à!

- Là sao?

- Thì đó… Nãy mầy thấy rồi!

- Thấy gì?

- Đừng nói với tao là mầy trên trời mới xuống nha. Thấy thằng nhỏ chứ thấy gì.

- À… thì thấy…

- Ừ! Tao biết mầy hiểu tao mà…

Tôi gật gật đầu. Có lẽ Tuấn cũng giống như tôi chăng? Cũng đang bị lạc lối. Một kẻ lạc giữa bần hàn, một lẻ lạc chốn giàu sang? Vậy mới biết, đôi khi, người giàu và kẻ nghèo cũng giống nhau. Giữa “no bụng” và “đói lòng” dường như không có khoảng cách.

Bữa cơm tối. Không như suy nghĩ của tôi. Chỉ có 3 người. À không, 4 người: Tuấn, tôi, em và đứa bé. Tôi muốn hỏi chuyện, nhưng lại sợ mình đang tò mò thọc mạch, với lại cũng chẳng biết phải bắt đầu ra sao.

Bữa cơm trôi mau giữa những câu chuyện “cũ rích”, chúng tôi ôn lại như một bản trường ca “bi đát” về cái thời sinh viên “nếm sắn nằm khoai”. Giờ thì tôi mới biết, biết Tuấn là đứa trọng tình thật sự. Ngày đó, Tuấn đã từ chối sự “viện trợ” của ba mẹ để cũng “nằm chung chiến hào” với tôi. Nếu lúc đó tôi biết, chắc chắn tôi đã đánh vào mặt nó rồi, có ai đời lại muốn đi khổ chung với người khác như nó. Đúng là thằng “điên”.

Có lẽ đứa bé đã ngủ, chỉ còn lại tôi, Tuấn và em. Những câu chuyện xưa vẫn cứ tiếp diễn cho đến khuya. Tuấn xin phép đi ngủ vì sáng mai có cuộc họp gì đó. Vậy là còn tôi và em… một người hạnh phúc với một kẻ lạc đường.

- Có vẻ như anh không thoải mái lắm nhỉ?

- À không! Có gì đâu…

- Em thấy anh không thoải mái thật đó. Nếu anh mệt thì đi ngủ sớm đi.

- Còn…

- Em hả… phải nghiên cứu tài liệu. Chiều mai em cũng có cuộc họp mà.

Tôi định hỏi gì đó, nhưng lại quên mất. Nhưng thật sự, cũng chẳng biết phải hỏi sao và hỏi gì nữa.

- Vậy tôi ngồi đây được không? Tôi không buồn ngủ?

- Dạ được! Vậy em để đèn sáng luôn ha!

Ngày xưa, tôi cũng đã nói với em câu này. Lúc đó, và lúc này, sao lại trái ngược nhau đến thế? Tôi thấy mắt mình rỉ nước… Tôi khẽ quay đi:

- Tôi muốn uống café.

- Vậy để em đi pha cho.

- Cô chỉ chỗ để tôi pha được rồi.

- Không sao mà. Anh đợi em chút xíu.

- Hì… hì… hì…

Tôi đáp lời em bằng một giọng cười thật sự vô duyên. Giọng cười như ngày trước, nhưng giờ sao nghe gượng gạo quá!

- Trước giờ anh vẫn thích café nhỉ? Lâu lắm rồi em không uống.

- Ừ!

- Anh đi lâu vậy, không biết cuộc sống của anh thế nào ha?

- Tôi hả. Vẫn như trước thôi, chẳng thay đổi gì hết.

- Dạ. Còn ông Tuấn và em thì bận rộn tối ngày, từ lúc có thằng bé thì càng bận hơn.

- Vậy…

- Sao anh?

- Vậy ba thằng nhỏ đâu?

- Ơ!

- Tôi vô duyên quá hả? Xin lỗi! Xin lỗi!

- Đúng là vô duyên chúa luôn đó. Ba thằng nhỏ là anh Tuấn đó. Không lẽ ba nó là em?

- Vậy…

Tôi ngớ người trong tiếng “vậy” để rồi treo lơ lửng nó giữa không trung. Chuyện gì đang diễn ra, tôi đã nghĩ gì trong suốt những giờ qua? và giờ tôi đang nghĩ gì đây?

- Ý anh là chị hai hả. Chị ấy đi công tác hoài à. Từ lúc có em bé, cứ tưởng sẽ rảnh rỗi hơn, ai dè… Ông Tuấn bảo chị ấy về bên công ty ổng làm để có nhiều thời gian chăm sóc thằng nhỏ. Chị ấy cũng tính vậy, chắc sau đợt đi Ý lần này là sẽ chuyển về bên này luôn. Lúc đó em cũng đỡ lo… hì hì…

Tôi kịp nhận ra sự thật, kịp hoàn hồn để cảm nhận những gì đang diễn ra.

- Vậy còn cô thì sao?

Tự nhiên tôi lại bạo miệng hỏi một câu trực diện đến như thế. Nhưng tôi biết mình đang hỏi đúng. Hỏi để khỏi bị lạc một lần nữa, để thoát khỏi cái thân phận của “cục đất” vô tri.

- Em thì vậy chứ sao. Em mới dọn qua đây để trông chừng thằng nhỏ giúp ông Tuấn, chứ em đâu có ở đây.

- Không! Ý tôi là…

Em đỏ mặt quay đi. Lần đầu tiên tôi thấy em ngại ngùng như thế. Cái dáng quay đi của em, tôi đã bắt gặp gần mười năm về trước. Nhưng lần này, có lẽ em đã hiểu tôi muốn nói điều gì… Bất chợt, em quay lại và nhìn thẳng vào mắt tôi.

- Anh có nghĩ giống như những gì em đang nghĩ không?

Tôi gật đầu theo bản năng.

- Vậy gần mười năm nay anh có nghĩ giống như những gì em nghĩ không?

Tôi lại gật đầu.

- Vậy sao anh lại bỏ đi?

Tôi sựng người. Câu hỏi của em khiến tôi chết lặng. Tôi không thể suy nghĩ được gì, một dòng cảm xúc trào lên và chạy ngang sống mũi…

- Tôi… tôi xin lỗi! Cô… cô…

- Anh thích “tôi-cô” lắm sao?

Bất chợt, em ôm chầm lấy tôi. Tôi khẽ đưa hai bàn tay đang run run lên để cố giữ chặt lấy em. Giữ chặt để em khỏi chạy mất một lần nữa. Ngực tôi nóng ran, tôi cảm nhận những cảm xúc bấy lâu nay đang dần dần trào ra. Và em, em đang khóc… Tôi cố giữ để nước mắt mình đừng rơi, nhưng… một giọt, hai giọt… rồi nhiều giọt lăn dài, nhòe dần sau mái tóc của em.

- Em nghĩ “cục đất” vô tri mà!

- Em vẫn nghĩ anh là “cục đất” sao?

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro

#knorr