Dì ghẻ

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Tấm còn quá nhỏ để hiểu được cuộc sống phức tạp biết chừng nào. Nó chỉ biết giận cha sao lại vô tình mẹ vừa qua đời đã mau chóng tái hôn, tìm đến một hạnh phúc mới. Cái bản tính nhân hậu, thật thà thừa hưởng từ người mẹ quá cố khiến nó chẳng mảy may suy nghĩ gì về cái đêm cha vắng nhà, cái đêm nó sợ hãi thức trắng, khép mình trong bóng tối kinh hoàng và lạnh lẽo. Sau đêm đó, rồi vài ngày sau đó bỗng dưng một người mẹ mới xuất hiện cũng chẳng khiến nó nhận thấy sự bất ổn. Xóm giềng ai cũng biết, chỉ mình nó là không. Nhưng có lẽ nỗi đau khi mà nó biết được sự thật ấy sẽ còn đáng sợ hơn là khi nó cứ ôm ấp trong lòng một nỗi ấm ức nhen nhóm. Ít nhất thì người cha kia cũng chỉ khiến nó giận hờn chứ không khiến nó phải ghét bỏ, ruồng rẫy.
Tấm là đứa trẻ hay nghĩ ngợi, hệt như mẹ nó. Nó hiền khô như hạt gạo và lòng thương người thì vô hạn và dạt dào như những con sóng bất tử ngoài biển khơi. Nó nâng niu vô cùng những sinh vật bé nhỏ, tội nghiệp. Ngày mẹ nó còn ở trên đời, hai mẹ con như một cặp thần tiên giáng thế, cứu độ chúng sinh. Gia cảnh chẳng giàu có nhưng chẳng khi nào mẹ dạy nó ích kỉ và phải luôn giữ cuộc sống cho riêng mình. Và cũng chính bởi đức tính hay nhẫn nhịn, hi sinh ấy mà trong lòng Tấm lúc nào cũng chất chứa từng khối tâm sự. Nó chẳng bao giờ chia sẻ hay bộc lộ suy nghĩ của mình với bất kể một ai vì không muốn làm phiền người khác. Nó nhỏ tuổi mà sức chịu đựng dai dẳng hơn cả người lớn. Chẳng biết rồi dòng đời sẽ xô đẩy cô Tấm trưởng thành sau này đến đâu, chứ xóm giềng đều phải thừa nhận chưa bao giờ nghe tiếng con bé kêu ca, than vãn mỗi khi nhìn thấy việc. Dường như với nó, lao động là hạnh phúc, là cuộc sống của nó cũng như cha mẹ nó. Mà quả thực làm nông mà không cấy cày thì tồn tại bằng cách nào được. Tấm nhỏ người nên không bị bắt phải làm việc nặng. Nhưng mỗi lần loanh quanh chỗ mẹ cấy lúa ngoài đồng, nó cũng lụi cụi mò cua bắt ốc kiếm cái thức mặn cho bữa cơm.
Nó còn đặc biệt hay giúp đỡ mọi người. Với người già cả, nó hay xin cha mẹ cho đỡ việc nhà mà không lấy tiền công. Trẻ con trong làng thì đứa nào cũng luôn hiện hữu trong đầu hình ảnh đẹp về một chị Tấm vui vẻ, hiền từ luôn nhường nhịn các em phần hơn. Tấm chỉ giữ cho mình nỗi buồn và những cảm giác khó chịu từa tựa như thế để nó gửi vào trong cuộc sống mọi niềm vui, mọi nguồn hạnh phúc.
...
Lại nói chuyện về người mẹ kế đột nhiên xuất hiện sau một buổi tối Tấm đợi chờ cha trong thấp thỏm, lo âu. Nó sợ bóng đêm thì ít mà lo lắng cho cha thì nhiều. Người đàn bà ấy từ ngày bước chân vào gia đình nó lúc nào cũng tỏ ra khó chịu với mọi thứ đến khó hiểu. Bà ta thực ra cũng là chỉ là một thiếu phụ trẻ tầm ngoài hai mươi. Cái chau mày hằng ngày hiện hữu trên gương mặt gần như áp đảo nhan sắc tuyệt trần vốn có của bà ta. Tấm chẳng thể nào hiểu nổi ánh nhìn miệt thị của bà ta mỗi khi hướng vào con bé. Nó càng không thể hiểu nổi những lời lẽ xúc phạm của bà ta tới mảnh vườn nhỏ mẹ và nó sớm hôm chăm chỉ săn sóc để cho ra đời bao nhiêu là rau quả hằng ngày. Mẹ nó còn thật tinh tế khi bày sắp những chậu hoa nhỏ với những bông hoa bé nhỏ, mỏng manh mà sức sống vô cùng mạnh mẽ. Ong bướm từ khắp nơi rủ nhau về đây ghé thăm khu vườn của hai mẹ con, ríu rít và rộn ràng như ngày hội làng vẫn thường tổ chức hàng năm. Tấm không hiểu tại sao niềm tự hào của mẹ và mình lại không thể tìm được sự đồng điệu ở người mẹ kế kia. Bà ta không thay mẹ giúp Tấm chăm vườn đã đành lại còn lúc nào cũng lên tiếng chê bai, tỏ ý coi thường.

Phải rồi, riêng nói về sự coi thường và thiếu tôn trọng thì người đàn bà đó không phải chỉ thể hiện qua lời nói không mà nó còn thể hiện qua cử chỉ và hành động của bà ta mỗi khi cư xử với cha con Tấm. Tối nào cũng vậy, nếu cha và mẹ kế không to tiếng thì Tấm cũng lại được chứng kiến cảnh gia đình chiến tranh lạnh. Tấm đương nhiên bênh vực cha và tỏ ra không hài lòng chút nào mỗi khi nghe dì đụng chạm tới nghề nông của cha là thấp hèn hay cách bà ta xem thường gia tài chẳng mấy đủ đầy của hai cha con. Còn cha Tấm chỉ biết trấn áp bằng thứ ngôn ngữ chưa từng thấy thấy xuất hiện trên bất kể quốc gia nào. Mỗi lần như thế Tấm lại thấy nhớ mẹ vô cùng. Những tháng ngày bình yên trong quá khứ sao mà trôi qua đột ngột và nhanh đến chóng mặt. Tấm nhớ làm sao nụ cười hiền từ của mẹ và ánh mắt long lanh tràn ngập niềm vui của cha trên mâm cơm đạm bạc.
Mẹ kế của Tấm chẳng bao giờ động tay vào việc gì. Có nhiều lắm cũng đến biết bóc mấy củ hành hộ Tấm làm bếp. Tấm chẳng dám nhờ vả gì người dì ấy, chỉ là bà ta thích loanh quanh chỗ bếp núc cho xóm giềng đi qua đỡ lời qua tiếng lại. Cha Tấm thương con nhưng chỉ biết làm bạn với bầu rượu, có việc nào cần sức vóc đàn ông thì mới rời rượu mà giúp con. Mọi việc lớn nhỏ trong nhà đều đổ dồn hết lên đôi vai bé nhỏ của cô bé mồ côi mẹ.
Tấm bây giờ ít được ra ngoài chơi với các bạn hơn. Ngày trước còn mẹ, Tấm hay được mẹ dẫn ra bờ con sông nhỏ uốn lượn quanh rặng tre đầu làng. Trong lúc mẹ giặt giũ cùng những người phụ nữ trong làng, Tấm được phép ra chơi cùng những đứa trẻ khác. Lũ con gái với nhau thường túm tụm chơi nấu ăn, chơi ô ăn quan hay lò mò mấy thứ hay ho dưới đáy sông men bờ. Chúng không được ra xa như lũ con trai vì người ta đồn dưới sông có hà bá chuyên bắt những đứa bé gái xinh đẹp. Tấm vốn ngoan ngoãn lại nhút nhát nên cũng chẳng dám cãi lời mẹ dặn, chỉ quanh quẩn ở trên bờ. Đám con gái còn lại thì có vẻ rất mong muốn được một lần thử lội chân xuống dòng sông. Duy có một đứa cũng là đứa khiến Tấm vô cùng ấn tượng, nó xuống sông ít nhất là hai lần rồi. Đó là còn chưa kể nó là một đứa con gái khá xinh đẹp với đôi mắt sáng như vì sao toát lên sự thông minh, nhanh nhẹn, hoạt bát. Mà đúng là cái ngoại hình đấy khá ăn khớp với tích cách ngang ngược, bướng bỉnh của con bé. Nó cầm đầu bọn con gái, luật lệ của làng nó chẳng bao giờ coi ra gì. Những người phụ nữ trong làng đều không mấy ưa gì nó bởi cái tính cách nổi loạn không đi theo sự chuẩn mực xã hội đa định ra. Nhưng mẹ Tấm lại khác, bà rất yêu mến sự gan dạ, lém lỉnh, cứng đầu của cô bé đó. Bà luôn khuyến khích việc con gái làm bạn với đứa trẻ mà trong mắt mọi người được coi là không ngoan ấy. Và bởi vậy mà Tấm và cô bé cá tính trở nên rất thân thiết. Chỉ có khoản ra sông chơi thì tới giờ Tấm vẫn không dám theo gương người bạn nhỏ đó.
Dì kế của Tấm thì khác. Bà ta chẳng những không ưa người bạn của Tấm mà còn buông lời hắt hủi cô bé đó. Nếu không có bố mở lời thì bà ta kiên quyết phản đối hay dùng từ đúng hơn là ngăn cấm không cho Tấm đi chơi với bạn bè. Bà ta còn chuyên vơ đũa cả nắm, cho rằng mọi bạn bè của Tấm đều bướng bỉnh, khó bảo rồi cứ vin vào cái định kiến tự áp đặt ấy mà cấm đoán Tấm. Tấm sợ cha mẹ hay to tiếng nên con bé cũng chịu hi sinh đi những buổi dạo chơi bên bờ sông lặng lẽ hững hờ trôi như một dải lụa nhiệm màu của thần tiên. Tấm nhớ lắm những buổi chơi bời vô tư ấy. Đó như là sự cứu rỗi cho tuổi thơ của những đứa trẻ. Không được chơi thì còn gì là cuộc sống nữa chứ, nhất là những trò chơi hái ra thành quả như mò mấy thứ đồ chơi dưới sông lên, biến chúng thành thứ đồ ăn nhanh hay đồ chơi. Với trẻ con thì đó mới thực sự là điều ý nghĩa đáng để chúng sinh ra trên cõi đời. Nhưng điều đó không khả thi chút nào với hoàn cảnh sống lúc này của Tấm. Không biết con đường dài rộng kia sẽ dù sao cái chính vẫn là phải đối mặt với những chướng ngại vật khó khăn trước mắt. Tấm chắc chắn sẽ phải đối mặt với một tương lai không mấy hứa hẹn với người mẹ mới.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro