chương 5

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Chương 5

Bao nhiêu năm dài xa xứ , giờ trở lại nơi chôn nhao cắt rún sao Phùng Thời cảm thấy ngỡ ngàng hết sức . Cái gì cũng lạ , cũng mới . Mảnh vườn con sau nhà , cái ao nuôi cá , hàng cau ven lộ … . tất cả đã biến mất , tất cả đã đổi thay . Ôi , ba mươi lăm năm vật đổi sao vời , ba mươi lăm năm trở về đi lại giữa lòng quê hương mà cứ ngỡ mình là tên khách lạ . Bà con xa gần thì ngoài người chú ruột đang thừa hưởng miếng đất hương hỏa ra , còn lại lèo tèo có mấy ông mấy bà mà dây mơ rể má ra sao chính Phùng Thời cũng quên mất đất , chẳng biết xưng hô là gì cho đúng . Nhắc đi nhắc lại mãi họ mới nhớ ra là thằng Út Thời đã bỏ đi biệt xứ đâu từ hồi mười mấy tuổi . Tuy là vậy nhưng nhờ vào cái mã Việt kiều nên dù bà con xa cũng hóa ra gần xịch , hết người này mời tới nhà cho tá túc tới kẻ nọ bày tiệc đãi đằng .

  Phùng Thời nán lại nơi chôn nhao cắt rún khoảng hơn tuần để lo sửa sang tu bổ phần mộ của song thân . Gia sản mà người con Út như ông đáng lẽ được kế thừa thì do người anh của ông làm chủ . Ông anh này cũng đang có mặt ở Canada do Phùng Thời tìm cách này cách nọ bão lãnh hết các anh sang bên ấy . Trước khi ra đi , ông anh này để lại cho người chú ruột . Chết cha còn chú , người chú nghèo khó quá nên miếng đất coi như hương hỏa này ông đáng được thừa hưởng  . Từ đó ông Năm bé , chú của Phùng Thời coi luôn việc khói hương giỗ quảy và phần mộ của song thân .

  Về lại với cái làng quê hẻo lánh xa ánh đô thành này ngày tối Thời chỉ biết có hai việc : nằm nhà hoặc đi lanh quanh xóm . Bửa nay tạt vào nhà người này uống trà chuyện vãn dăm câu , ngày mai ghé vô nhà nọ ba sợi lai rai cà kê tán dóc . Người ta thì ai có chuyện nấy , chỉ có một mình ông là nhàn rỗi . Nhàn quá thét rồi cũng chán . Trà nước rượu bia hoài cũng nhàm và chuyện nói vài hôm rồi cũng hết . Sang đến tuần thứ hai thì Phùng Thời dợm trong bụng tính làm một chuyến đi chơi xa cho biết sự tình . Đi đâu thì tạm thời chưa biết nhưng phải đi vài ngày . Mang tiếng là về Việt Nam chơi mà không đi một hai tour du lịch thì quê lắm .

  Trong câu chuyện nhàn đàm buổi chiều ngày hôm ấy , bỗng người chú , ông Năm Bé hỏi Phùng Tài :

  - Thằng cháu mày đi lâu như vậy hổng biết còn nhớ cái con nhỏ mà mày đã lẹo tẹo dưới Bảy giá hông ta .

  Nghe chú hỏi , Thời giật mình :

  - Chú biểu con nhỏ nào mà tôi lẹo tẹo hả chú Năm ?

  - Thì con Sáu Vạn , con gái của ông Mười Hanh , nhà ở ngay cái đập đó . Con nhỏ mà mày dẫn về khoe với tao , còn biểu nó kêu tao bằng chú Năm đó mày .

  Phùng Thời vỗ trán như chợt nhớ ra . Ông ta gật gật cái đầu rồi mới hỏi :

  - Chú nhắc tôi mới nhớ . Con Vạn hồi đó có duyên hết biết hén chú Năm . Ờ , mà sau ngày tôi đi rồi nó ra làm sao hén chú . Bây giờ chắc chồng con đề huề , thành bà nội bà ngoại rồi cũng nên .

  Ông Năm Bé đang lúc lắt trên vỏng chợt ngồi dậy , dòm thẳng vào mắt thằng cháu Việt kiều :

  - Bộ mày hổng biết gì hết hả Thời . Ừ , mà mày đi vượt biên mất đất rồi nên đâu có biết chuyện gì đâu nè . Ứ hự . Con nhỏ thiệt là tội nghiệp hết sức . Tao hồi đó nghèo quá cho nên muốn giúp nó mà giúp hổng có được .

  Nói xong ông ta chắc lưỡi tuồng như hối tiếc một chuyện gì buồn lắm trong quá khứ .

  Dĩ vảng trôi đi hơn ba mươi năm chợt tuần tự kéo về trong đầu Phùng Thời . Ông nhìn ra xa xa , nơi khóm hoa vạn thọ . Ánh nắng ban mai dìu dịu trãi mềm trên những đài hoa óng ánh khiến màu vàng của chúng trở nên rực rở vô cùng . Hoa vạn thọ , tên của nàng , màu vàng vạn thọ , màu của Vạn ngày xưa yêu thích . Có lần Phùng Thời nói đùa , biểu ai thích màu vàng là người ấy chẳng thủy chung . Sáu Vạn nguýt yêu Thời rồi nói :

  - Ừ để coi ai thủy chung ai phản bội . Anh á , hai cái chân te rẹt có bao giờ trụ lại một chỗ đâu . Anh mới là người hổng thủy chung chớ hông phải em à nghen .

  Tiếng của ông Năm Bé kể lể , giọng buồn buồn thương cảm đưa Phùng Thời trở về hiện tại  :

  - Tội nghiệp con nhỏ . Mày đi chưa bao lâu thì nó mang cái bụng thè lè tới kiếm tao . Nó biểu là nó có mang với mày . Tao thì có biết trời trăng mây nước gì đâu nà . Nó thưa lại với tao là tía má nó đánh đuổi ra khỏi nhà vì mang cái bào thai oan nghiệt , ổng bả sợ thiên hạ chê cười nên nhứt quyết đuổi con nhỏ đi . Nó tới gặp tao , trước là để hỏi thăm tin tức của mày và sau là chào từ giã mà đi .

  Thời nhăn mặt , hỏi liền :

  - Con Sáu có mang với con ?

  Năm Bé lắc lắc cái đầu :

  - Chuyện của tụi bây làm thì tụi bây biết chớ tao với thím mày có biết ất giáp chi đâu . Nghe nó biểu vậy thì biết vậy thôi . Rồi từ đó nó biệt tăm biệt tích . Tao có hỏi hàng xóm chung quanh thì ai cũng lắc đầu hổng biết hết ráo . Mà mày cũng tệ thiệt . Làm ba cái chuyện bất nhơn , báo hại con người ta bị đuổi ra khỏi nhà , mang cái bụng bầu rồi làm cái gì mà sống đây . Mấy chục năm qua rồi , mỗi lần nhớ tới cái cảnh của nó tao thiếu điều rơi nước mắt .

  Thời chẳng nói gì thêm . Ông thừ người đắm mình trong sự đau khổ nhức nhối . Câu chuyện tình của hơn ba mươi năm về trước mà ông đã đành đoạn bỏ lại sau lưng , sau chuyến hải hành một đi không trở lại ấy .

  Ngược thời gian trở về cuối thập niên 70 , thuở Phùng Thời còn là một anh thanh niên xốc vác . Mang chí lớn là phải làm một cái gì đó để thoát ra khỏi cảnh nghèo nàn , sáng cầm cày chiều vác cuốc . Phải thoát ra khỏi vùng quê nghèo bốn mùa lam lũ mà bao nhiêu thế hệ đã trãi qua . Thật là một cuộc đời nhàm chán cơ cực , nhỏ chăn trâu lớn lên thì cưới vợ sanh con rồi lại chết già cũng ở một xó . Là một thanh niên có chí tự lập nên sau năm 75 , sau khi song thân không hẹn mà rũ nhau vĩnh viễn ra đi thì chàng cũng từ giã làng quê cất bước giang hồ . Mộng lập thân của Phùng Thời không to lớn lắm , chỉ muốn lao vào cuộc đua chen bằng sức lực của một tráng niên kiếm tiền độ nhật rồi từ từ , theo cuộc nổi trôi để tìm cơ hội ngoi lên . Bởi vậy anh ta mới xuống tận Bảy giá , ở nhờ nhà của chú Năm Bé .

  Năm Bé trước 75 vốn là một quân nhân , chỉ biết cầm súng xông trận chớ có biết mần ăn là gì . Sau khi giã từ vũ khí , đổi đời rồi thì bỏ súng cầm cày . Chỉ biết đưa lưng đi làm mướn , ai biểu gì làm nấy . Nhà nghèo con đông nên cực khổ trăm bề . Nhờ bên vợ của ông ở vùng biển , có ghe đánh cá đồng ra đồng vô nên ông già vợ biểu hai vợ chồng Năm Bé dọn về đây coi có cái gì làm được thì làm , đùm bọc nhau mà sống .

  Thời điểm này trên toàn miền Nam nói chung , ở đâu cũng khó sống hết trọi . Thời bao cấp mà . Ruộng đất vườn tược thì hợp tác hóa , nông hội ; còn các cơ sở buôn bán làm ăn , ghe tàu đánh cá thì quốc doanh , nhà nước quản lý nhân dân làm chủ . Tuy nhiên , bên cạnh ông quản lý nhà nước ấy cũng có một số ngư dân bất tuân luật lệ , thỉnh thoảng làm một vài cú ra khơi trái phép để kiếm thêm chút đỉnh . Nhờ vậy mà nó đẻ ra thêm những đường giây chuyên chở lậu khác điển hình như dầu cặn và hải sản . Phùng Thời xin được một chân đi ghe đánh cá mướn , loại ghe có đăng ký nhưng một tháng đôi ba lần ra khơi không giấy phép . Đó là một chiếc ghe đánh cá lậu . Gọi theo mấy ông ty hải sản là đánh cá bất hợp pháp .

  Hễ ra khơi bất hợp pháp rồi thì khi về , cá tôm đánh bắt được cũng đi theo đường dây bất hợp pháp để phân phối cho các nơi , gần nhất là chở lên chợ Sóc Trăng . Phùng Thời khi thì theo ghe khi thì nhập vào nhóm chuyên chở , tức là bạn hàng , chuyển cá tôm lên chợ Sóc trăng bỏ mối . Lúc bấy giờ hai mặt hàng thuộc loại “quốc cấm” là cua biển và tôm khô bị ông nhà nước quản lý chặc chẻ lắm . Bất cứ thứ gì hễ thuộc loại quốc cấm thì ngoài thị trường coi như kiếm đỏ con mắt , khan hiếm vô cùng . Nhờ vậy mà Phùng Thời có cơ hội hốt bạc và làm quen được Sáu Vạn , một em bạn hàng chung đường giây chuyên chở hàng lậu .

  Sáu Vạn người nhỏ thó nhưng lanh lẹ giàn trời , nàng và Phùng Thời dự định làm ăn thêm vài mùa tôm khô nữa , kiếm vốn kha khá rồi mới đám cưới . Nhưng chuyến ra khơi bất ngờ ấy Phùng Thời đã một đi và không bao giờ trở lại . Hình ảnh cô bạn hàng Sáu Vạn tan biến nhanh như bọt biển . Trên chuyến hải hành ba ngày ba đêm Thời vô tình quen được Ngọc , cháu của ông chủ ghe . Ngọc là một cô gái yếu ớt không quen đi biển nên khi ghe ra khơi bị sóng dồi gió dập dử quá , nàng ói mửa chết đi sống lại mấy lần , nhưng nhờ có được anh thanh niên khỏe mạnh ngay bên cạnh tận tình giúp đỡ nên cũng không đến nỗi nào . Ngọc cám cái nghĩa đở đần khi hoạn nạn nên “người dưng khác họ lại đem lòng nhớ thương” . Sang tới đảo Bidong , hai người hoan hỉ ráp chung lô ca rồi sang Canada . Từ đó , mối tình “buôn lậu” bên kia bờ đại dương với em Sáu Vạn , Phùng Thời để cho nó chìm tận đáy biển đời sâu vạn dặm .

   Cô bạn hàng Sáu Vạn hụt hẫng trước sự ra đi thình lình của người tình , rồi sau đó không lâu nàng chết lặng khi biết người đã đi xa nhưng giọt máu của hắn còn để lại , biến thành một phần trong thân thể của mình .

  Tiếng của ông Năm Bé vẫn vang vang bên tai :

  - Tao thì cũng đâu có ở dưới đó bao lâu . Hồi ông bà già vợ tao chết thì mấy ông anh bà chị của thiếm mày xúm lại , nói nặng nói nhẹ hoài thét rồi tao buồn tao bỏ chỗ ấy dẫn mấy mẹ con tụi nó về lại đây . Thành ra chuyện của con Vạn con Ngàn gì đó ra mần sao , tao thiệt tình là hổng biết được .

  Sau cái bửa nghe được tin Sáu Vạn , Phùng Thời chẳng còn tha thiết nghĩ đến chuyện du lịch . Ông biết dù có xuống tận dưới Bảy giá để tìm Vạn cũng chẳng gặp , vì theo như chú Năm nói , là nàng đã biệt xứ kể từ ngày Phùng Thời vượt biển . Tuy biết tìm nàng như mò kim đáy biển nhưng Thời vẫn cứ đi xuống dưới ấy một chuyến . Chuyện đã cũ mèm sau bao nhiêu năm dài trôi qua , có thể chú Năm không biết tung tích của Vạn nhưng thân bằng quyến thuộc của nàng thì sao .

  Nghĩ như thế cho nên sáng hôm sau Phùng Thời gọi một chiếc honda ôm , bao trọn cả ngày để làm một chuyến phiêu lưu tận miền biển . Thằng nhỏ lái xe honda ôm được ông Việt kiều thuê bao trả giá gấp đôi thì khoái quá gật đầu cái rụp . Từ Song Phụng đi tới Bảy Giá nếu ngày xưa vì cả một vấn đề , nhưng từ khi có con lộ mang tên Nam Sông Hậu chạy xuyên suốt dọc theo bờ con sông Hậu thì việc đi lại rất dễ dàng và nhanh chóng . Xe Honda chỉ chạy một lèo là tới .

  Nhưng thiệt là hoài công . Chiều hôm ấy Phùng Thời mặt mày buồn so lủi thủi trở về lại nhà chú Năm . Anh em bà con của Vạn ngày xưa thì cất nhà ở chùm nhum ngay gần bên cái đập nước . Bảy Giá là vùng đất giáp biển nên nước mặn quanh năm . Để có nước ngọt trồng trọt canh tác người ta phải đấp đê ngăn nước mặn . Chỗ cái đập nước là nơi con rạch ăn thông ra biển . Nơi đây ngày xưa ghe đánh cá đậu san sát và nhà cửa cũng chen chúc nhau mọc lên như nấm . Hồi đó là thế nhưng bây giờ thì khu cư dân họ đã dời đi chỗ khác để nhường lại cho các cơ sở chế biến nước mắm , nhà máy đông lạnh thuộc ty hải sản của tỉnh .

  Phùng Thời tới nơi thì ngỡ ngàng hết sức . Người xưa trở về cảnh cũ lòng bàng hoàng xúc động trước những đổi thay . Chiếc cầu cao vòi vọi ngay cái đập nước hơn ba mươi năm về trước vẫn còn đây . Chợ Bảy giá vẫn còn đây . Chỗ nầy , vào những buổi hoàng hôn , lúc vầng dương đỏ ửng chìm dần vào lòng biển tím , Thời và Vạn thường hay đứng trên cầu nhìn ráng vàng lảng đảng tận cuối chân trời mà mơ ước đến tương lai hai đứa . Sáu Vạn vốn thích màu vàng nên nàng thường hay rũ Thời lên cầu đứng nhìn ráng vẽ chân mây trong những buổi chiều tà . Coi mặt trời lặn xong thì đôi tình nhân thả rề xuống phiên chợ đêm tìm tô cháo đồ biển lót lòng . Cháo đồ biển Bảy giá nấu theo gia vị đặc thù của người Triều châu thì phải nói , ăn một tô là nhớ đời .

  Nhìn cảnh cũ nhớ người xưa , Phùng Thời thất vọng cứ tưởng nhớ đến bóng hình của ba mươi lăm năm về trước . Thà là không nghe không biết thì thôi , cứ để như ngày xưa mà nhẹ lòng không vương vấn . Chớ khi biết em Vạn vì mình mà ra nông nổi ấy thì thử hỏi lòng dạ nào không đau không xót .

  Lần trở lại Việt Nam này ngoài chuyến đi Bảy Giá tìm tin tức của Vạn ra thì Phùng Thời chỉ quanh quẩn nơi chôn nao cắt rún , với mảnh vườn xưa căn nhà cũ và mồ mã của song thân cho đến ngày lên Sài gòn trở lại Canada .

   Chiếc boeing 747 Air Eva thuộc hảng hàng không Đài loan vừa cất cánh rời khỏi phi đạo Tân sơn nhất mang theo hơn ba trăm hành khách trong đó có Phùng Thời . Ông đi theo lộ trình Đài bắc rồi từ đó , chuyển phi cơ về Toronto .  

  Khi phi cơ vừa đạt cao độ bình phi thì hành khách bắt đầu nhộn nhịp vì họ được phép đi lại bình thường . Phùng Thời ngồi ngay cửa sổ cho nên cứ biết có mỗi một việc là nhìn trời nhìn biển . Trời xanh mà biển cũng xanh , lác đác vào áng mây mỏng giăng giăng che mờ , dăm ba chiếc tàu hàng khi ẩn khi hiện nơi phía dưới . Nhưng lúc phi cơ lên cao độ và ra khỏi không phận của Việt Nam rồi thì bên ngoài ô cửa sổ chỉ còn trời và nước , chẳng có gì hấp dẫn nữa .  Thời có mòi chán nên ông định nhắm mắt một lúc . Chuyến bay chỉ có hơn bốn tiếng đồng hồ nhưng bởi chuyến về , chẳng có gì nôn nao trong bụng nên thấy nó dài ra như vô tận . Vừa mới thiu thiu chưa ngủ thì các cô tiếp viên hàng không đẩy cà phê , nước giải khát ra mời mọc bà con . Mùi thơm cà phê xông vào mũi làm Phùng Thời tỉnh ra , ông xin một ly ngồi nhâm nhi , mắt lơ đảng nhìn vào màn hình tốc độ .

  - Chú là người Việt Nam ở nước ngoài dìa thăm nhà hả chú ?

  Cô gái ngồi bên cạnh Phùng Thời mà nãy giờ ông cứ tưởng là người Tàu nên chẳng để ý , giờ nghe cô ta nói tiếng Việt thì mới biết là mình lầm , ông cười trả lời cô ta :

  - Cô là người Việt , vậy mà nãy giờ tôi cứ tưởng cô là người Hoa chớ .

  Cô gái lắc đầu :

  - Cháu là Việt Nam mà . Ủa , tại mần sao chú lại tưởng cháu là người Hoa .

  Phùng Thời chẳng biết trả lời sao cho suông . Nhìn cô ả tóc nhuộm vàng , ăn mặc thời trang và nói tiếng Hoa với các cô nhân viên phi hành thì chắc mẽm là người Hoa rồi còn gì . Ông mới cười giả lã :

  - Thì nghe cô dùng tiếng Tàu để nói chuyện với mấy cô phi hành đoàn lúc nãy đó .

  - Cháu đâu có nói tiếng Tàu , cháu nói tiếng Đài mà chú .

  Thời nhăn trán suy nghĩ rồi hỏi :

  - Ừ , tiếng Đài là gì vậy ? Có phải ý cô nói đó là tiếng Đài loan phải không ?

  Cô ta gật đầu thay cho câu trả lời . Phùng Thời cắt nghĩa :

  - Thì người Đài Loan nói chung họ cũng dùng tiếng phổ thông như bên Trung quốc . Có điều ở Đài loan họ phát âm nhẹ hơn vì giọng nói của phương Nam , hơi khác giọng Bắc kinh . Tỉ như ở Việt nam mình , người Bắc người Nam cùng một chữ nhưng phát âm hơi khác nhau đó mà

  Cô gái tròn mặt ngạc nhiên hỏi :

  - Bộ chú cũng là người Hoa sao mà “gành” quá vậy chú ?

  Phùng Thời lắc đầu cười ngất :

  - Tôi là người Việt Nam trăm phần trăm mà cô . Ủa , cô là người Việt mà nói tiếng Hoa giỏi quá . Tôi có hơi tò mò , theo như tôi đoán thì cô là người vùng bốn . Mà người ở vùng bốn nếu cha Hoa mẹ Việt thì đa số họ chỉ biết nói tiếng Tiều chớ đâu phải tiếng phổ thông Phúc kiến .

  Cô gái nhíu mày chẳng hiểu Phùng Thời nói cái giống gì :

  - Vùng bốn là ở đâu vậy hả chú . Mà tiếng Tiều là tiếng gì . Sao chú nói tùm lum cháu thiệt hổng hiểu cái gì hết “chọi” hè .

  Thời chịu thua cô bé . Té ra nãy giờ mình giải thích chắc cô ta cũng chẳng hiểu gì . Mèn ơi , người Việt với người Việt mà dùng tiếng Việt để nói chuyện , cuối cùng cũng chẳng hiểu gì hết . Thế là Phùng Thời cạn ly cà phê hồi nào chẳng hay , bởi lẽ ông phải vòng vo giải thích cho cô gái ấy biết , nào là vì sao có tên gọi vùng bốn , vì sao ở đó Hoa kiều đa số chỉ có người Triều châu . Ngôn ngữ của họ người mình gọi là tiếng Tiều khác với tiếng Quãng đông ở Hồng Kong và tiếng Phổ thông , Phúc kiến ở Trung Hoa và Đài loan .

  Qua câu chuyện trao đổi trên chuyến bay hơn bốn tiếng đồng hồ , Phùng Thời biết ra cô gái ấy tên Lài , sinh trưởng ở làng Đại Ngãi và lấy chồng Đài loan .

  Qua vài mẫu tin đăng tãi trên những tuần báo tại Toronto mà Phùng Thời vẫn hay đọc , thỉnh thoảng có một vài tin tức đề cập đến nhiều thãm cảnh của các cô dâu Đài Loan hoặc Nam Hàn . Do đó , ông chỉ biết đại khái , các cô gái Việt vì hoàn cảnh gia đình nên phải chấp nhận lấy chồng ngoại quốc qua sự giới thiệu của các dịch vụ trung gian , gọi nôm na là những tay môi giới . Biết thì chỉ để biết mà thôi , vì hoàn cảnh mỗi người mỗi khác , duyên ai nấy gặp trong nhờ đục chịu mà . Có điều khi đọc những bản tin kèm theo hình ảnh mấy anh chàng ngoại quốc vào Việt Nam chọn vợ thì Phùng Thời ngứa con mắt lắm . Coi , cái thằng già chẳng ra gì mà như ông vua , ngồi nghênh nghênh cái mặt để các em thoát y đi qua đi lại cho hắn ngắm nghía lựa chọn . Hừ , giai nhân xứ Việt dù hèn cũng thể , đâu dễ hạ thấp nhân phẩm và quốc thể như thế chớ . Tất cả cũng do sự nghèo khó , do hoàn cảnh mà ra  . Từ đó , Thời chán nãn không thèm để ý tới những bài phóng sự hoặc tin tức có liên quan tới những mỹ nữ quê nhà lấy chồng xa xứ nữa .

  Hôm nay sẳn ngồi trên máy bay hàng mấy tiếng đồng hồ , sẳn có Lài ngay bên cạnh , hỏi người trong cuộc đương nhiên là chính xác hơn rồi . Thêm vào đó , cô Lài này coi như hàng xóm với nhau , Song Phụng và Đại Ngãi chỉ cách nhau vài ba cây số thôi mà . Là hàng xóm , đúng hơn là cùng quê với nhau thì dù lạ cũng coi như quen . Tha hương đôi kẻ đồng hành , một ông già tuổi ngoại ngũ tuần ngồi bên cạnh thiếu phụ tuổi chỉ quá ba mươi , hai người như đã quen nhau từ lâu lắm . Chuyện vào lời ra nói hoài không biết chán . Qua câu chuyện trao đổi trên chuyến bay ngắn ngủi , Thời biết ra Lài trở về Việt nam thăm gia đình . Nàng lấy chồng Đài loan hơn mười năm và hiện tại đã ly dị . Kết quả của cuộc hôn nhân vội vàng đã không mang lại cho nàng hạnh phúc nhưng ngược lại thì Lài có cuộc sống tốt hơn , nếu so với những cô bạn cùng trang lứa vẫn còn ở lại Việt nam .

  Kẻ thì đang ly dị còn người đang sống độc thân , một gã đàn ông chán đời ngồi bên một thiếu phụ cô đơn . Họ cảm thông với nhau qua hai tâm hồn trống rổng , từ chỗ xa lạ tiến tới thân quen chỉ với bốn tiếng đồng hồ . Bốn tiếng đồng thay đổi cuộc đời của gã Việt kiều đang hồi xuống dốc .

  Lúc chia tay nhau ở phi trường Đài bắc , Thời và Lài bùi ngùi như không nở dứt . Họ trao nhau số điện thoại và hứa hẹn sẽ liên lạc nhau sau . Phùng Thời thở dài cảm thấy tiếc nuối khi nhìn theo Lài . Tới bây giờ thì ông mới để ý . Chà , cô dâu xứ Đài ăn mặc diêm dúa quá . Về quê thăm nhà trở lại mà sao giống như người ta đi dạ tiệc quá vậy hổng biết , giầy đế cao , vái màu ngắn ngũn . Đôi mông tròn lẳng lắc lư theo từng bước đi ỏng ẹo của nàng .

  Chẳng hiểu Thời đã nghĩ gì mà chỉ thấy đôi mắt của ông ta lim dim cái đầu thì gật gật . Và hình như trong cổ họng của ông ta vừa đánh ực một tiếng . Đúng rồi , lão Thời vừa nuốt nước miếng !  

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro