TRUNG TƯỚNG NGUYỄN BÌNH VỊ TƯỚNG HẢO HỚN

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

TRUNG TƯỚNG NGUYỄN BÌNH VỊ TƯỚNG HẢO HỚN




Nguyễn Bình là người miền Bắc, quê Bần Yên Nhân, Kẻ Sặt, Hưng Yên, nhưng nhân dân miền Nam đều công nhận anh Ba là đồng hương, vì lúc còn thanh niên anh Ba đã lưu lạc giang hồ vô Sài Gòn, làm quen với nhà văn - tướng cướp Sơn Vương, kết thân với nhà báo Trần Huy Liệu, gia nhập Việt Nam Quốc Dân đảng, bị đày ra Côn Đảo đến năm 1936, khi Mặt trận Bình dân lên cầm quyền ở Pháp mới được thực dân trả về nguyên quán. Rồi anh vô Nam theo lệnh của Bác Hồ. Anh thường được nhắc đến như một nhân vật huyền thoại của Nam Bộ.

Tôi may mắn được gặp Nguyễn Bình hai lần trong Đồng Tháp Mười, trong thời gian dự khóa đào tạo nhà báo đầu tiên của Nam Bộ do anh Thu râu (Nguyễn Văn Thu) đảm trách đầu năm 1948.

Một chiều đi dạo trên con kinh Dương Văn Dương, một con kinh tuyệt đẹp nước trong xanh với hai hàng ô môi chạy dài thẳng tắp, mùa hoa nở đỏ rực trên nền trời xanh vương mây trắng, bỗng tôi thấy một người to cao, khoác pardessus sậm từ ven kinh Huyện bước ra. Bấy giờ là mùa khô nên con kênh Huyện cạn, hai bên lau sậy mọc cao khỏi đầu. Đến gần, tôi thấy người ấy mặc bà ba đen có đeo "sắc-cốt" ở bên hông và mang cặp kính đen gọng sừng. Tôi về hỏi, mới biết đó là Nguyễn Bình. Cảm tưởng của tôi khi mới thấy lần đầu người mà bọn thực dân Pháp gọi là "Lưu Bá Thừa Việt Nam" kể ra có hơi phạm thượng. Tự nhiên tôi nghĩ tới con heo rừng độc chiếc cũng gọi là "heo lăn chai" đến chúa sơn lâm cũng phải nể. Chiều sau, tôi lại đi dạo mát dọc bờ kinh hy vọng gặp lại nhân vật khét tiếng này. Nhưng tới con kênh Huyện cạn khô thì tứ bề vắng lặng. Đứng lại nhìn kỹ hơn thì xa xa trong sâu có một mái lều con con. Đó là nơi vị trung tướng nghỉ ngơi. Điều này cũng khác thường. Các cơ quan thường đóng ở bờ kinh để tiện việc ghe xuồng đi lại. Còn nhà quân sự này không theo quy luật đó.

Lần gặp thứ hai, trong lễ truy điệu Tiểu đoàn trưởng Đỗ Huy Rừa, vị chỉ huy Tiểu đoàn 307 anh hùng đã tử trận khi chỉ huy chống trận Tây nhảy dù, chụp các cơ quan đầu não Nam Bộ đồng thời cũng là tạo chiến công đưa Bảo Đại về chấp chính. Cũng trong dịp này, Nam Bộ làm lễ truy điệu luật gia Lê Đình Chi, Trưởng phòng quân pháp. Tôi nhớ rõ ngày ấy là lễ sinh nhật Hồ Chủ tịch 19.5.1949 hay 1950, tôi có dịp đứng gần vị Tư lệnh Nam Bộ khá lâu trong hai lần mặc niệm hai vị liệt sĩ và khi xem triển lãm hội họa của nghệ sĩ Diệp Minh Châu. Lần này, tôi nghĩ về anh Ba trân trọng hơn. Tôi chợt nhớ hai câu thơ của thi tướng Huỳnh Văn Nghệ:"Từ thuở mang gươm đi mở cõi, Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long", đồng thời nhớ bài báo viết về Nguyễn Bình trên tờ Việt Bút ở Sài Gòn, một mình một ngựa Nam tiến.

Đang là Tư lệnh Chiến khu Đông Triều, còn gọi là chiến khu Trần Hưng Đạo hay Đệ tứ chiến khu, anh Ba Bình theo lệnh Bác Hồ đơn thương độc mã vào Nam. Bấy giờ Nam Bộ đang đứng trước nguy cơ bi giặc Pháp xâm chiếm, lại lâm vào cảnh "thập nhị sứ quân" cá lớn nuốt cá bé, mỗi nhóm bộ đội là một anh hùng nhất khoảnh. Phải là tay hảo hớn mới lãnh đạo các bộ đội giang hồ như Ba Dương, Bảy Viễn, Mười Trí. Bác Hồ đã chọn đúng người để giao đúng việc. Lịch sử kháng chiến Nam Bộ đã chứng minh điều đó.

Trọng tâm công tác, hay nói cách khác - sứ mạng mà Bác Hồ giao cho Nguyễn Bình khi vào Nam là thống nhất các lực lượng vũ trang ở miền Đông Nam Bộ. Đây là một nhiệm vụ quan trọng vì ai cũng biết lúc cách mạng mới nổ ra thì các tay giang hồ lật đật chiêu binh mãi mã. Ba Dương, Bảy Viễn, Mười Trí, Tư Thược, Ba Nhỏ, Hoàng Thọ... mạnh ai nấy xưng hùng một khoảnh không ai phục ai, còn tệ hơn thế nữa, cá lớn nuốt cá bé. Biết bao chuyện bộ đội này tước súng bộ đội kia. Giống y như thập nhị sứ quân trong lịch sử nước nhà. Phải có một Đinh Bộ Lĩnh phất cờ lau thống nhất các lực lượng giang hồ mà chủ tướng đều mang mộng Từ Hải: "Triều đình riêng một góc trời, gồm hai văn võ rạch đôi sơn hà". Tại sao Bác lại phái vị Tư lệnh chiến khu Đông Triều vô Nam làm công việc ít người kham nổi? Bởi Bác biết dân anh chị trong Nam chỉ phục những kẻ hảo hớn hơn mình mà thôi. Mà Nguyễn Bình thì đã lưu lạc giang hồ vô Nam, đã giao du thân mật với Sơn Vương là trùm đám thảo khấu kiểu Lương Sơn Sài Gòn và vùng lân cận. Khi giao nhiệm vụ, Bác đã ôm hôn và nói: "Bác giao Nam Bộ cho chú đó". Thống nhất lực lượng các tay trời gầm trong Nam, ai làm được? Vậy mà Ba Bình làm được. Nhờ đâu? Tài, đức? Cố nhiên phải có hai yếu tố đó, nhưng quan trọng hơn hết là nhờ tác phong anh hùng mã thượng, phải "hợp jeu" (hợp gu) và phải "trên queue" (trên cơ) thì mới thu phục được nhóm Bình Xuyên của Ba Dương, Tám Mạnh, Bảy Viễn, Mười Trí, Mười Lực, Bảy Môn. Không chỉ có dân giang hồ còn dân trí thức nữa chớ. Phải là người thế nào mới thu phục dưới trướng các giáo sư Phạm Thiều, Đặng Minh Trứ, luật gia Lê Đình Chi, các chi đội trưởng trí thức như Huỳnh Kim Trương chi đội I, Huỳnh Văn Nghệ chi đội 10, các bác sĩ Võ Cương, Trần Nam Hưng...

Hãy nghe anh Hai Trọng (Lương Văn Trọng) phái viên của anh Ba Bình ra Bắc báo cáo công tác thống nhất các lực lượng võ trang miền Đông của Khu trưởng Nguyễn Bình.

Lúc đó là tháng 5.1948, trưởng phái đoàn là anh Trần Văn Trà, Tư lệnh Khu 8. Anh Trà báo cáo với Trung ương tình hình quân sự toàn Nam Bộ, riêng anh Trọng báo cáo về tình hình Bình Xuyên. Anh Trọng là dân cùng quê với anh Ba Bình, cũng lưu lạc giang hồ vô Nam, tham gia kháng chiến từ đầu và sớm được anh Ba thu dụng làm đại diện của mình bên cạnh Bình Xuyên.

Đường đi muôn dặm sơn khê, nay chỉ nói về cuộc hội kiến giữa Đại tướng Võ Nguyên Giáp và đại diện của anh Ba. Sau khi nghe Hai Trọng báo cáo, Đại tướng nói : "Đồng chí về làm cho tôi một luận án Nghệ thuật lãnh đạo các bộ đội giang hồ". Quan trọng lắm ! Nhiều nước làm cách mạng giải phóng dân tộc như ta đang cần để thu hút các giới chọc trời khuấy nước, sống ngoài vòng pháp luật".

Hai Trọng giật mình, đáp: "Thưa đại tướng, điều đại tướng vừa nói quá mới đối với tôi. Tôi chưa đủ sức đúc kết". 

Tướng Giáp cười: "Anh cứ viết như báo cáo, nhưng đi sâu vô chi tiết. Trên báo cáo đó, tôi sẽ làm đúc kết. Cứ làm đi, rồi sẽ có trình độ lý luận".

Đêm đó, Hai Trọng về cặm cụi viết báo cáo chi tiết và càng đi sâu vô mối liên hệ Nguyễn Bình - Ba Dương, anh càng thấy nghệ thuật lãnh đạo giới giang hồ của anh Ba. Điều này cũng không có gì mới so với túi khôn Đông Tây kim cổ. Thấy rõ qua các cuộc quân sự ở An Phú xã, lực lượng Bình Xuyên mạnh nhất ở miền Đông, Nguyễn Bình liên kết ngay, và cách hay nhất là phong Ba Dương khu phó rồi đến thăm xã giao Liên chi 2 - 3. Sau đó, đưa Ba Dương đi viễn chinh Bến Tre, vừa giải vây chiến khu An Hóa - Giao Hòa theo lời yêu cầu, đồng thời quy tụ thêm các lực lượng địa phương. Rất tiếc, Ba Dương tử trận ngày 17.2.1946 (nhằm 16 tháng giêng Bính Tuất), nếu không thì cặp hổ tướng Nguyễn Bình - Ba Dương sẽ ảnh hưởng nhiều đến thời sự miền Nam.

Xin nói về nét hảo hớn của anh Ba. Nhiều người chê chuyến về thành Sài Gòn lần thứ hai của anh Ba vào năm 1947, giả làm xính xáng (tiếng Hoa, chỉ các phú thương) mặc áo xá xẩu, đi xích lô, trên đùi có một á xẩm mặt hoa da phấn, xích lô chạy qua nhà thờ Đức Bà rồi dọc theo bến tàu, ung dung lướt qua bót Catinat của tên cò mật thám Bazin ác ôn. Chuyến đi này anh Ba xuất phát từ Vườn Thơm. Không rõ Phòng Nhì Pháp có biết hay không, ngày trở ra, máy bay giặc lên bắn ác liệt vùng này. Anh Tư Lái (Hồ Văn Lái), phụ trách thông tin tuyên truyền Sài Gòn-Chợ Lớn kể lại là anh Ba chỉ đứng trên bờ rạch chớ không nhảy xuống đám dừa nước khi máy bay quần bắn trên đầu. Anh Ba bị truy kích trên đường về, khúc ấp 4 xã Vĩnh Lộc, địch chỉ cách hai cái đìa. Rất may là cậu Ly (Huỳnh Công Thức) mới 15 tuổi, con trai đầu lòng của anh Mười Trí dùng FM bắn cản hậu để giải vây. Đêm đó, anh Ba ghé Chi đội 4 khen anh Mười có thằng con xứng đáng và thưởng 200 đồng để trung đội của cậu liên hoan.

Không chỉ về thành mà ngày thường anh Ba cũng thích mặc xá xẩu. Liên lạc của anh Ba là chị Thanh (Hoàng Thị Thanh) quen biết nhau từ quê nhà, cũng mặc áo xẩm để đi lại từ Khu về thành. Địch nhận ra anh ở tướng to con, mang kính đen, đeo "sắc-cốt" to.

Chuyện xử Ba Nhỏ mới làm nổi bật nét hảo hớn của anh Ba. Ai cũng biết Ba Nhỏ có ít nhiều liên hệ với Bình Xuyên.

Khi chánh án Nguyễn Bình kể tội và tuyên án tử hình, Ba Nhỏ bình tĩnh nói: "Tội tôi làm, tôi chịu. Xin anh Ba một ân huệ cuối cùng, cho tôi mượn cây súng của anh để tôi tự xử”.

Hàng trăm cặp mắt chiếu về phía Nguyễn Bình hồi hộp chờ xem thái độ của anh Ba trước đề nghị bất ngờ đó. Kinh ngạc làm sao, anh Ba móc súng đặt lên bàn và một người lính đưa xuống vành móng ngựa cho Ba Nhỏ. Nếu Ba Nhỏ trong lúc tuyệt vọng dùng khẩu súng đó khác hơn là tự xử thì mục tiêu đầu tiên sẽ là ông chánh án. Nhưng đó là suy luận của những kẻ giàu trí tưởng tượng thích chuyện "ngựa về ngược". Ba Nhỏ là hảo hớn càng kính phục một tay hảo hớn, gan mật hơn mình, nên nếu có một chút ý nghĩ nổi loạn bên trong, anh cũng đủ sáng suốt để chế ngự và xử sự đúng luật giang hồ. Hai nhân vật chính: ông chánh án và tên tử tội đều hiên ngang, đầy đủ khí phách như nhau trước cái chết, và trước cái còn mạnh hơn cái chết: Danh dự.

Sài Gòn dưới thời Pháp và Mỹ có nhiều sách viết về vị Tư lệnh Nam Bộ mà Pháp ngán sợ, trong số này có hai quyển "Ai giết Nguyễn Bình?" và "Tôi giết Nguyễn Bình". Cả hai tác giả là người có một thời tham gia kháng chiến, nhưng sau dinh tê. Nội dung có chi tiết đúng và sai, nhưng ý đồ rõ ràng là xuyên tạc, nói xấu kháng chiến. Vụ ám sát này chỉ xin vắn tắt như sau:

Đám Vũ Tam Anh, Bùi Hữu Phiệt là dân cơ hội tá túc Chi đội 4 của anh Mười Trí. Do tác phong Mạnh thường quân, anh Mười giao du rộng rãi, nhà anh trở thành Tụ nghĩa đường của đủ nhóm dân kháng chiến. Bọn Anh - Phiệt chủ trương giết Nguyễn Bình rồi gieo tiếng ác cho Mười Trí, một độc kế kiểu "một mũi tên bắn hai con chim". Muốn thực hiện thâm ý đó chúng liên kết với tên Sáu Xít-xong (lính mã tà thuộc đơn vị đàn áp nổi loạn) "Section de lutte", dân mình gọi là Section là Xít-xong. Tên Sáu cùng tham gia kháng chiến từ đầu trong bộ đội Bà Quẹo của Mười Trí, do vậy mà được anh Mười tín nhiệm. Sáu Xít-xong bị đám Phòng Nhì lôi kéo nên trở mặt phản thầy, giả chữ ký của anh Mười, viết thiệp mời Nguyễn Bình qua Chi đội 4 dự tiệc để bàn chuyện cơ mật. Lúc đó, hai cơ quan đóng gần nhau ở Bình Hòa, gần sông Vàm Cỏ Đông. Bọn Anh- Phiệt đã bố trí thiện xạ ở gần miếu sát bờ sông. Nhận được thiệp mời, anh Ba một mình bơi xuồng qua Chi đội 4, không đem theo một vệ sĩ nào. Đại đội trưởng Hứa Văn Yến cảnh giác khuyên anh Ba nên cẩn thận, nhưng anh Ba chỉ cười và nhảy xuống xuồng nhổ sào tách bến. Gần tới nhà Mười Trí, ngang ngôi miếu bỗng có tiếng súng nổ, anh Ba ngồi thụp xuống nhưng không kịp. Đạn đã trúng cánh tay mặt. Anh dùng tay trái rút súng bắn trả. Trên bờ nổ thêm vài phát nhưng không trúng, tình thế thật hiểm nghèo. Nếu kéo dài thì có nguy cơ anh bị trúng đạn. Rất may từ xa có tiếng súng giải vây. Bọn mưu sát rút nhanh. Tiếng súng cứu nguy đó của anh Hai Yến. Anh Ba Bình chống xuồng vài phút, anh Hai Yến đưa một bán đội theo phòng hờ bất trắc. Lập tức, anh đưa anh Ba về băng bó, vết thương nơi cánh tay mặt chỉ phớt qua phần mềm. Sáng hôm sau, anh Ba lại sang nhà anh Mười Trí để tìm hiểu về chuyện đáng tiếc ngày hôm qua. Mười Trí hoàn toàn không hay biết gì. Nghe Ba Bình kể, anh liền cho tập hợp điểm quân: thiếu ba người, Sáu Xít- xong, Bùi Hữu Phiệt và Vũ Tam Anh. Chính vào lúc đó anh Ba mới nhẹ nhàng nói với anh Mười Trí: "Anh Mười nên cẩn thận trong giao du. Tôi biết anh Mười có máu giang hồ kỳ hiệp, tứ hải giai huynh đệ. Nhưng cũng nên phân biệt người tốt với kẻ xấu, người ngay với kẻ gian. Đây là kinh nghiệm cho anh Mười xử thế".

Anh Mười rất xúc động trước thái độ hảo hớn của anh Ba. Anh đinh ninh vị tướng sẽ nổi cơn thịnh nộ đập bàn quát mắng về chuyện để bọn Phòng Nhì tá túc dưới trướng, mưu sát Khu trưởng, không ngờ anh Ba lại ôn tồn nhã nhặn đến như thế. Anh lật đật xin lỗi, nhưng anh Ba chỉ cười: "Lúc nào tôi cũng tin anh Mười. Tôi còn nợ thằng con anh đã cứu mạng tại ấp số 4 Vĩnh Lộc trước đây, lúc tôi bí mật về thành".

Anh hùng lại gặp anh hùng. Mười Trí rất chịu Ba Bình nhờ tác phong hảo hớn như vậy đó.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro