Truyen co tich

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Quận Gió

Ngày xưa vào đời vua Lê Thánh Tông, ở kinh thành Thăng Long có một tay đại bợm. Hắn đã định tâm lấy của ai là thế nào cũng có kết quả. Hắn từng làm cho bọn quan lại và bọn trọc phú mất ăn mất ngủ

Ngày xưa vào đời vua Lê Thánh Tông, ở kinh thành Thăng Long có một tay đại bợm. Hắn đã định tâm lấy của ai là thế nào cũng có kết quả. Hắn từng làm cho bọn quan lại và bọn trọc phú mất ăn mất ngủ. Ðã nhiều lần các quan Phủ Doãn cho dò bắt nhưng hắn ẩn hiện như thần, không tài nào tóm được. Vì hành tích của hắn nhanh như gió, chỗ nào cũng vào lọt, nên người ta gọi là Quận Gió.

Một hôm vào dịp gần Tết, nhà vua ăn mặc giả làm một người học trò nghèo đi dạo phía ngoài kinh thành để xem xét dân sự. Tình cờ vua đến gõ cửa nhà Quận Gió. Vua làm bộ túng bấn nói:

- Tôi ngồi dạy học ở phường Ðồng Xuân, năm hết Tết đến được ít tiền về quê, chẳng may bị kẻ trộm lấy mất đi hết cả, nay xin cho trú chân một đêm, mai lại đi.

Quận Gió thấy khách nói thế, bèn đáp:

- Tôi sẽ vì ông mà giúp đỡ ít nhiều để làm tiền ăn đường.

Vua thấy nhà y cột xiêu vách nát, hỏi:

- Chả giấu gì ông, tôi vốn là Quận Gió đây, nghe nói ông gặp vận đen, tôi thương tình, vậy để đêm nay tôi cố thu xếp cho ông một món. - Nói rồi đưa rượu mời khách uống và nói thêm: - Tôi chỉ lấy của nhà giàu giúp người nghèo thôi, mà phải là của bất nghĩa tôi mới lấy, còn như những người làm ăn lương thiện, tôi không bao giờ động đến. Bây giờ ông thử xét xem có nhà nào giàu mà gian ác bất lương, cứ cho tôi biết, tôi sẽ vì ông giúp đỡ. Lấy của chúng nó không có tội vạ gì hết.

Vua nghĩ một lát rồi nói:

- Có nhà ông Bá Vân ở phía đông thành đây, hắn có cửa hàng buôn bán to, giàu có cự vạn.

Quận Gió đáp:

- Nhà ấy cho vay một lớp vốn, năm bảy lớp lãi, lấy được. Nhưng ta cứ nuôi cho béo rồi sẽ lấy sau.

Vua lại nói:

- Tôi có thấy nhà ông gì gần đây, ruộng sâu, trâu nái, nhà ngói tường dắc, coi chừng thế nào?

- Không được! Nhà ấy trần lực làm ăn; trời chưa sáng đã dậy ra đồng, mặt trời lặn mới về thổi cơm, cần cù như thế, không nên lấy. Thôi! Có anh quan coi kho kia, hay ăn bớt của công, hôm nay nhân thể tôi đi lấy cho.

- Thực thế à?

- Tôi đã tra cứu kỹ. Hắn lấy của công mỗi ngày một ít, đưa về quê tậu vườn tậu ruộng, có đến hàng trăm mẫu.

Vua tò mò muốn xem tài nghề của Quận Gió, bèn đòi đi theo. Quận Gió trước ngần ngại nhưng sau cũng bằng lòng, và bảo:

- Trước khi lấy, tôi sẽ cho ông thấy đủ tang chứng là của phi nghĩa, nhưng ông phải giữ cho thật im lặng mới được.

Ðoạn bảo thấy đồ giả nai nịt gon ghẽ, cả hai cùng ra đi trong đêm khuya. Ðến nhà viên quan coi kho, Quận Gió bảo vua đứng chờ ở bụi, rồi cắt giậu tìm cách mở cửa vào nhà. Sau đó, chàng dắt vua vào buồng, mở hòm lấy năm nén bạc đưa cho vua xem và nói:

- Ðây là bạc hắn mới trộm của kho về để riêng chưa dùng đến. Thôi ông cầm lấy về quê ngay đi mà ăn Tết, đừng có la cà đâu để chúng bắt được. Tôi sẽ tìm cách làm cho hắn không biết là đêm nay có trộm.

Vua nhìn thấy trên mỗi nén bạc có mấy chữ "ngự khố bạch kim", tin lời Quận Gió là đúng và thầm khen hắn có tài. Vua đi luôn về cung, giấu bạc dưới chân thành. Sáng hôm sau là ngày nguyên đán, trăm quan vào chầu, chúc vua muôn tuổi. Vua cho gọi thủ kho đến hỏi:

- Nhà người đêm qua mất trộm phải không?

Thấy hắn không đáp, vua lập tức sai viên Trung sứ đến dưới chân thành lấy năm nén bạc về. Vua đưa cho hắn xem, hắn cứng lưỡi không trả lời được đành cúi đầu nhận tội.

Quận Gió sau đó được vua vời vào cung ban hiệu là "ăn trộm quân tử" và ban thưởng rất hậu

Liễu Hạnh công chúa

Ngày xưa, vào năm Thiêu Hựu, đời Hậu Lê (1557) ở thôn An Thái, làng Vân Cát, huyện Vụ Bản, thuộc tỉnh Nam Định ngày nay, có một gia đình nhà họ Lệ Phu nhân Lê Thái Công mang thai gần đến kỳ sinh nở, mắc phải bệnh suy nhược, chỉ thích ăn toàn là hoa quả, không có thuốc men nào chữa khỏi.

Một hôm, có một vị đạo sĩ đến ra mắt, xin chữa bệnh cho phu nhân. Trước bàn thờ, người đạo sĩ này đọc mấy câu thần chú, rồi vứt chiếc búa ngọc xuống đất. Ông Lê Thái Công bỗng ngã ra bất tỉnh, rồi thấy mình được đưa lên Thiên Đình. Tại đây, Thái Công thấy mình dự một bữa tiệc lớn, do Ngọc Hoàng khoản đãi. Ông thấy Công Chúa Quỳnh Nương lỡ tay làm rơi chén ngọc, bị đày ải xuống trần gian.

Khi Thái Công tỉnh dậy, thì hay tin là phu nhân vừa hạ sinh được một cô con gái. Thái Công sung sướng đặt tên con là Giáng Tiên.

Lớn lên, Giáng Tiên càng xinh đẹp thêm, giỏi văn thơ, đánh đàn thổi sáo và soạn nhiều bài hát rất hay. Năm 18 tuổi, nàng kết duyên cùng Đào Lang, là con nuôi của một vị quan trí sĩ ở cùng làng.

3 năm sau, vào ngày mồng 3 tháng 3, Giáng Tiên đột ngột từ trần. Người ta nói nàng là tiên trở về thượng giới. Tuy nhiên, Ngọc Hoàng thấy nàng chưa hết hạn đi đày, bắt nàng phải trở xuống thế gian. Lần này, nàng xuất hiện dưới lốt một vị nữ thần, đi theo là 2 ngọc nữ Quế Nương và Thị Nương. Theo lệnh thiên đình, 3 vị tiên nữ đã hiện xuống giữa ban ngày ở vùng Phố Cát, tỉnh Thanh Hóa.

Ba nàng tiên đã lập chỗ trú ngụ giữa một nơi phong cảnh kỳ tú của nước Việt. Chẳng mấy chốc, cả vùng đều biết tiếng các vị tiên nữ, vì những phép linh ứng của 2 nàng. Dân chúng tỏ lòng biết ơn, đã xây một ngôi đền thờ cạnh núi, để thờ phượng. Đền thờ này được gọi là đền thờ Công Chúa Liễu Hạnh.

Công Chuá Liễu Hạnh thường hiển hiện ban phúc lành cho dân gian. Triều đình nghe danh tiếng, đã phong tặng nàng làm Thượng Đẳng Phúc Thần.

Vào cuối đời Lê, có một vị lão quan 80 tuổi, một hôm nằm mộng thấy Công Chúa Liễu Hạnh đi giữa 2000 tiên nữ theo hầu, mang đến cho ông một chiếu sắc của Ngọc Hoàng. Trong giấc mơ, ông thấy Công Chúa Liễu Hạnh lên xe mây, có nhiều cờ xí lộng lẫy trùng điệp dẫn đường, và thấy có vô số nhạc công đi theo. Người ta đoán rằng Công Chúa đã mãn kỳ hạn ở trần gian, nay đã trở về trời.

Trong thời gian còn ở Thanh Hóa, Công Chuá Liễu Hạnh đã ngao du khắp nước Việt, nhất là ở Lạng Sơn. Nàng thường hay lui tới các thắng cảnh ở Kinh Đô. Có lần, nàng đã giả dạng làm một cô hàng bán rượu ở Hồ Tây, để họa thơ với danh sĩ Phùng Khắc Khoan cùng hai người bạn của ông họ Ngô và Lý.

Sau khi Liễu Hạnh về trời, hai tiên nữ Quế Nương và Thị Nương thường đứng ra làm trung gian cho dân chúng cầu xin đến Công Chúa. Dân gian tin tưởng Bà Chúa Liễu, lập đền thờ bà khá trọng thể ở Phủ Giầy, Nam Định, nơi nàng đầu thai. Dân cũng lập đền thờ Bà Chúa Liễu ở Phố Cát và Đền Sòng tại Thanh Hóa, nơi nàng xuống trần lần thứ hai.

Tại Hà Nội, có Đền Sùng Sơn ở đường Hàng Bột, thờ phượng bà Chúa Liễu. Hàng năm, đến ngày húy của Công Chúa Liễu Hạnh, người ta tưng bừng rước lễ, dân chúng đã đi trảy hội rất đông.

Com Chim Lửa

Ngày xưa có một ông vua sinh được ba người con trai: Người thứ nhất tên là Hoàng Di, người thứ hai là Hoàng Vi và người thứ ba là Y Văn. Nhà vua cai quản cả một giang sơn phồn thịnh nhất so với các nước chung quanh và lâu đài của nhà vua cũng là toà lâu đài đẹp nhất thời bấy giờ. Vua có một khu vườn đầy hoa thơm cỏ lạ nhưng đặc biệt ngài thích nhất một cây táo thường nảy sinh ra những quả táo bằng vàng.

Một buổi sáng, cũng như thường lệ vua đi dạo chơi trong vường và dừng lại ngắm cây táo yêu qúi. Ngài lẩm bấm:

"Lạ quá nhỉ! Ta có cảm tưởng như có ai vào trong vườn này trộm ăn táo vàng của ta".

Vua liền đếm số quả táo trên cây rồi sáng hôm sau ra đếm lại, quả nhiên thấy mất thực.

Ai là người dám vào vườn nhà vua ăn cắp trộm nhỉ ? Mà lại ăn trộm chính những quả táo mà vua yêu qúy nhất ?

Ngay tối hôm đó vua ra rình dưới gốc cây. Vào khoảng nửa đêm, ngày thấy một con chim lạ xuất hiện, một con chim có đôi cánh đỏ rực như lửa và đôi mắt long lanh như kim cương. Con chim lạ đó mổ một quả táo vàng rồi bay đi.

Vua ngạc nhiên sững sờ, không thốt ra được một lời nào. Sáng hôm sau, ngài cho vời ba cậu con trai lại và bảo:

- Đêm qua chính mắt ta thấy một con chim lửa ăn trộm táo vàng của ta. Các con phải làm sao bắt sống được con chim quái ác đó. Con nào bắt được ta sẽ chia cho một nửa giang sơn ngay lập tức và sau này khi ta chết sẽ được nối ngôi.

Ba vị hoàng tử đồng thanh đáp:

- Thưa phụ hoàng, chúng con sẽ cố gắng hết mình để bắt sống cho được con chim lửa.

Đêm đó Hoàng Di ngồi rình dưới gốc cây. Nhưng chỉ mới ngồi được một giờ đồng hồ đã ngủ quên mất vì quá mệt. Con chim lửa xuất hiện mổ hai quả táo vàng bay đi.

Sáng hôm sau vua đến và hỏi:

- Thế nào con, hôm qua con có thấy chim lửa không?

- Thưa phụ hoàng không.

Đêm sau đến lượt ông hoàng hai canh gác. Nhưng cũng như anh, Hoàng Vi mới canh được một giờ đồng hồ cũng ngủ quên vì quá mệt. Chim lửa lại đến và lại mổ táo vàng bay đi. Và sáng hôm sau, cũng như anh, ông hoàng hai cũng nói dối vua cha là không hề thấy chim lửa.

Đêm thứ ba đến lượt hoàng tử Y Văn. Y Văn ngồi dưới gốc cây cố chống lại giấc ngủ dù đôi mắt ríu lại. Một giờ trôi qua, rồi hai giờ, rồi ba giờ. Đột nhiên khu rừng bừng sáng như ban ngày. Chim lửa hiện ra và sắp mổ vào những quả táo vàng. Y Văn nhè nhẹ tiến đến gần và nắm lấy đuôi chim. Chim vụt bay đi chỉ để lại trong tay hoàng tử một cái lông đuôi, một cái lông đỏ rực như lửa. Khu vườn sáng rực như có ai đem một bó đuốc rất to chiếu sáng.

Sáng hôm sau nhà vua cho cất cái lông đuôi vào trong kho và rất hài lòng, không còn lo nghĩ gì nữa vì đêm đó và đêm sau nữa không thấy chim lửa trở lại.

Vài ngày trôi qua, ngày nào nhà vua cũng vào trong kho nhìn lông chim vẫn đỏ rực như buổi đầu. Nhưng chẳng bao lâu vua lại nghĩ ra ý muốn bắt cho được con chim lửa. Vua lại vời ba người con đến và bảo:

- Ta vẫn giữ nguyên lời đã hứa. Con nào bắt được chim lửa sẽ được ta chia ngay một nửa giang sơn và sau khi ta chết sẽ được nối ngôi.

Hoàng Di và Hoàng Vi ghét Y Văn vì hoàng tử này đã bắt được một cái lông chim, nên từ biệt vua cha đi tìm chim lửa. Hai anh em đi với nhau để lại hoàng tử Y Văn ở nhà. Y Văn từ biệt cha lên ngựa đi một mình.

Y Văn phi ngựa rất lâu, mãi rồi cũng đến một cánh đồng cỏ xanh rì, bên trên có một cái cọc có viết mấy chữ. Chàng tiến lên và đọc:

"Kẻ nào đi thẳng đằng trước sẽ bị đói và rét. Kẻ nào đi thẳng về phía tay phải sẽ chu toàn được đời sống của chính mình nhưng sẽ mất ngựa. Kẻ nào đi về phía tay trái sẽ chết nhưng ngựa sẽ sống như thường".

Y Văn không còn ngập ngừng gì nữa. Chàng tiến về phải. Chàng lẩm bẩm: "Tiếc quá thế là mình sẽ mất ngựa. Nhưng thôi thế nào chả tìm được một con ngựa khác".

Chàng cưỡi ngựa đi trong rừng ba ngày mà chả gặp một ai. Đến ngày thứ ba mới gặp một con chó sói. Sói bảo:

- Hoàng tử tại sao lại đến đây? Hoàng tử không đọc những chữ viết trên cọc sao?

Sói vừa nói xong là con ngựa gục xuống chết liền. Sói cũng biến mất trong bụi rậm.

Y Văn buồn quá vì mất một người bạn thân từ lâu đời. Nhưng Y Văn can đảm tiếp tục cuộc hành trình. Hoàng tử đi luôn trong ba ngày liền và đến ngày thứ ba lại thấy chó sói xuất hiện trước mặt. Sói bảo:

- Hoàng tử ơi ! Tôi tiếc là hoàng tử đã mất ngựa. Tôi muốn giúp ông. Ông hãy trèo lên lưng tôi đi. Tôi sẽ đưa ông đi đến nơi nào ông muốn đến.

Y Văn ngạc nhiên, giải thích:

- Sói ơi! Ta muốn tìm bắt con chim lửa đã đến vườn phụ hoàng ta để ăn trộm những quả táo vàng.

- Tôi biết. Thôi ông trèo lên lưng tôi đi. Đừng sợ gì cả.

Sói phi nhanh hơn ngựa, phi suốt ngày, đến chiều tối dừng lại trước một tòa thành có tường cao nghều nghệu. Sói bảo:

- Hoàng tử trèo lên tường đi. Hoàng tử sẽ thấy một khu vườn và con chim lửa đang bị nhốt trong một cái lông. Hoàng tử bắt chim nhưng nhớ đừng sờ vào lồng nghe chưa?

Y Văn trèo lên tường và tụt xuống khu vườn, quả nhiên trông thấy chim lửa bị nhốt trong lồng vì chung quanh chim ánh sáng đỏ rực như lửa. Chàng mở lồng bắt chim ra định trèo qua tường sang bên kia nhưng chợt nghĩ:

- Cái lồng bằng vàng đẹp quá. Vả lại không có lồng, mình biết nhốt chim vào đâu bây giờ ?

Y Văn tiến đến gần cái lồng và gỡ xuống. Nhưng vừa đụng vào lồng thì đột nhiên chuôn báo động vang lên, lính trong vườn chạy ra bắt Y Văn đưa vào nộp hoàng đế Đông Mai ngự trị trong khu đó. Hoàng đế Đông Mai hét lên hỏi Y Văn:

- Anh còn trẻ tuổi như thế mà đi ăn trộm, không biết xấu hổ sao? Anh là ai, từ đâu đến ?

- Thưa, tôi tên là Y Văn

- Y Văn nói

- Con chim lửa của ngài thường đến vườn của phụ hoàng tôi ăn trộm táo vàng nên phụ hoàng tôi mới cho tôi đến đây để bắt sống chim mang về.

- Dù sao anh cũng không nên làm như anh vừa làm xong. Nếu trước đây anh đến xin tôi con chim tôi sẽ cho anh ngay với tất cả các nghi lễ xứng đáng với một hoàng tử. Nhưng nay vì anh có lỗi anh phải làm điều này cho tôi. Đằng đầu kia thế giới có một ông vua tên là A Phông. Ông ta có một con ngựa bờm vàng. Nếu anh bắt được ngựa đem về đây, ta sẽ cho anh con chim lửa.

Hoàng tử Y Văn cúi đầu bước ra khỏi cung Đông Mai. Phải làm theo lậnh của Đông Mai nếu không thì cả nước sẽ biết mình là một tên ăn trộm. Y Văn buồn nản lắm.

Sói lại đứng đợi hoàng tử ở đầu tường.

- Sao hoàng tử lại trái lời tôi dặn ? - Sói hỏi. Hoàng tử buồn rầu trả lời:

- Sói nói đúng, chính là lỗi tại ta.

Rồi hoàng tử kể cho sói nghe câu truyện với hoàng đế Đông Mai. Sói bảo:

- Thôi hoàng tử lại trèo lên lưng tôi đi. Tôi sẽ đưa hoàng tử đến chỗ con ngựa bờm vàng.

Sói phi nhanh như tên suốt một ngày đường mới tới chuồng ngựa trắng đẹp của hoàng đế A Phông. Sói lại bảo:

- Hoàng tử hãy nghe tôi đây. Hoàng tử vào trong chuồng ngựa lấy con ngựa bờm vàng đi, nhưng hoàng tử đừng đụng vào yên cương đó. Nếu không sẽ có nhiều chuyện bực mình.

Y Văn rón rén vào trong chuồng ngựa. Những người chăn ngựa ngủ say như chết. Y Văn dắt con ngựa bờm vàng ra ngoài. Nhưng trước khi đi ra, anh ghé mắt nhìn bộ yên cương bằng vàng treo trên tường. Bộ yên cương đẹp quá, Y Văn cầm lòng không đậu, vội lấy xuống, nhưng chuông lại reo, bọn người chăn ngựa thức dậy và cũng như lần trước, bắt Y Văn đem về trình hoàng đế A Phông. Cũng như lần trước, hoàng đế A Phông giận đỏ mặt tía tai và doạ sẽ công bố cho toàn dân biết Y Văn là một tên trộm.

Rồi ngài bảo:

- Đằng đầu kia thế giới có nàng công chúa xinh đẹp Hê Len. Nếu hoàng tử đem được nàng về đây ta sẽ cho hoàng tử con ngựa bờm vàng và hoàng tử có thể quay về tổ quốc mình với mọi nghi lễ dành riêng cho hoàng tử. Y Văn đành chấp thuận điều kiện của A Phông, chàng đi ra, và lại gặp sói. Hoàng tử lại cúi đầu.

- Sói ơi! Sói nói đúng. Ta có lỗi quá nhiều.

Sói bảo:

- Đừng lôi thôi gì nữa. Hãy trèo lên lưng tôi, tôi sẽ đưa hoàng tử đến tận nơi.

Sói lại phi thật nhanh và đến một cánh cổng bằng vàng. Sói bảo:

- Đến nơi rồi. Bây giờ hoàng tử xuống đi, đứng đợi tôi ở gốc cây sến bên kia đi.

Y Văn nghe lời sói đến gốc cây sến ngồi chờ. Thời gian trôi qua dài lê thê cho tới khi trời tối. Lúc đó nàng công chúa Hê Len xinh đẹp từ trong nhà bước ra và đi qua cổng.

Sói lúc đó đang rình trước cổng, vội nhảy chồm lên, bắt lấy nàng công chúa, đặt lên lưng rồi chạy vội qua gốc cây sến và gọi Y Văn nhảy lên đằng sau nàng Hê Len xinh đẹp. Sói chạy hết tốc lực và chẳng bao lâu về tới kinh đô nhà vua A Phông. Tất nhiên những người hầu công chúa chạy về báo động nhưng khi mọi người chạy ra thì sói đã đi quá xa.

Trong lúc ngồi trên lưng sói, Y Văn tha thồ ngắm nghía nàng công chúa xinh đẹp, ngắm mãi và sau cùng đem lòng yêu nàng. Cho nên khi về đến kinh đô nhà vua A Phông, hoàng tử rất buồn khi thấy sắp phải xa người đẹp. Sói hỏi:

- Hoàng tử sao vậy ?

- Sói ơi! Làm sao không buồn rầu được khi phải đem đổi nàng Hê Len xinh đẹp nhường này lấy con ngựa bờm vàng. Nếu không đổi thì cả nước này đều sẽ biết tôi là một tên ăn trộm.

- Tôi đã giúp hoàng tử nhiều lắm rồi - Sói nói - Thôi hoàng tử hãy tin cậy nơi tôi đi. Hoàng tử sẽ được hài lòng.

Sói bày mưu cho hoàng tử và dặn phải làm đúng như lời mình dặn. Hoàng tử liền đem công chúa Hê Len giấu vào một bụi cây rồi cùng sói đi vào chầu vua A Phông. Đến cửa ngọ môn, sói biến thành một nàng công chúa xinh đẹp tuyệt trần trông giống Hê Len như đúc. Vua A Phông vui mừng tiếp đón hai người rất trọng thể. Vua bảo Y Văn:

- Hoàng tử rất xứng đáng được con ngựa bờm vàng và bộ yên cương bằng vàng lắm. Thôi hoàng tử cứ tự do đưa ngựa và yên cương đi. Chúc hoàng tử gặp mọi sự may mắn trên đường về.

Y Văn nhảy lên con ngựa phi nhanh như gió. Đến khu rừng nơi giấu Hê Len, Y Văn dừng lại đem nàng lên ngựa rồi phi nước đại. Đột nhiên hoàng tử kêu lên:

- Sói của ta đâu rồi nhỉ ? Nhớ sói quá, sói ơi!

Thế là lập tức sói hiện ra. Hoàng tử mừng quá, nhảy lên lưng sói nhường ngựa cho Hê Len rồi cả ba cùng đi như bay, cho đến khi về đến kinh đô hoàng đế Đông Mai. Nhưng mặt Y Văn lại sa sầm. Sói hỏi:

- Hoàng tử sao thế ?

- Sói ơi! Sói không thấy là công chúa Hê Len rất xứng đáng với con ngựa bờm vàng sao. Bây giờ mà đem con ngựa đổi lấy con chim lửa thì buồn quá.

- Thôi hoàng tử đừng buồn nữa. Tôi sẽ giúp hoàng tử một lần nữa. Nhưng hoàng tử phải theo đúng lời tôi mới được.

Nàng công chúa Hê Len và con ngựa bờm vàng lại được đem giấu vào trong một khu rừng gần đó rồi sói lại biến thành một con ngựa bờm vàng rất đẹp đi theo hoàng tử vào cung.

Hoàng đế Đông Mai hài lòng, cho Y Văn con chim lửa và cho luôn cả cái lồng bằng vàng.

Y Văn đem chim về đến khu rừng, đem Hê Len ngồi lên lưng ngựa rồi nắm chặt cái lồng và chim lửa, cả hai phi ngựa đi thật nhanh. Nhưng đột nhiên hoàng tử lại kêu lên:

- Sói của ta bây giờ đâu nhỉ ?

Lập tức sói hiện ra. Cũng như lần trước Y Văn nhường ngựa cho Hê Len còn mình lại trèo lên lưng sói và phi đi như gió. Đi thật lâu mới về đến chỗ con ngựa trước của Y Văn bị chết. Sói ngừng lại bảo:

- Đây là chỗ con ngựa của hoàng tử chết dạo nọ. Hoàng tử xuống đi. Hoàng tử đã có con ngựa bờm vàng rồi. Hoàng tử lên ngựa muốn đi đâu thì đi. Tôi không còn giúp hoàng tử được việc gì nữa đâu.

Nói xong sói chạy biến vào trong bụi rậm.

Hoàng tử rất buồn, thở dài buồn rầu rồi trèo lên ngồi đằng sau nàng công chúa Hê Len xinh đẹp rồi phi ngựa đi.

Họ đi rất lâu. Khi gần đến nhà chỉ còn cách chừng 20 dặm thôi, Y Văn xuống ngựa, cùng công chúa ngồi nghỉ ngơi dưới gốc cây. Bộ yên cương treo trên cây gần đó, lồng chim trong đó có con chim lửa để bên cạnh, hai người nằm dài trên cỏ nói chuyện với nhau rất vui.

Họ nói chuyện mải mê đến nỗi quên cả thời gian. Đột nhiên họ nghe tiếng chân ngựa dồn dập chạy đến và có hai chàng kỵ mã đứng dừng trước mặt họ. Đó là hai hoàng tử Hoàng Di và Hoàng Vi.

Ba anh em gặp nhau chào hỏi vui vẻ. Y Văn kể cho hai anh nghe câu chuyện kỳ lạ của mình. Hai người anh ghen tức liền nảy ra ý muốn cướp chim và ngựa cùng nàng công chúa Hê Len xinh đẹp nên nhảy đến bắt Y Văn trói vào gốc cây, rồi đem cả chim và nàng Hê Len nháy lên ngựa phi tuốt về thành.

Đi được một quãng hai anh em dừng lại và Hoàng Di nói:

- Thưa công chúa, hiện nay công chúa đang ở trong tay chúng tôi. Công chúa phải làm theo lời chúng tôi dặn. Chỉ ít phút nữa thôi chúng tôi sẽ về tới hoàng cung vào chầu phụ hoàng của chúng tôi. Công chúa phải nói cho ngài biết chính chúng tôi đã mạo hiểm đưa công chúa về đây, chính chúng tôi đã bắt được con chim lửa và ngựa bờm vàng.

Nhưng công chúa bưng mặt khóc. Hoàng Di rút gươm ra đe doạ.

- Nếu công chúa không làm theo lời chúng tôi, chúng tôi sẽ đâm chết công chúa ngay bây giờ.

Hai hoàng tử bàn nhau và thoả thuận là Hoàng Di sẽ lấy công chúa còn chim lửa và con ngựa bờm vàng sẽ thuộc về Hoàng Vi. Rồi họ lên ngựa thi nhau xem ai về thành trước.

Y Văn bị trói dưới gốc cây, đói và rét quá, chàng chịu đựng được trong bốn ngày rồi đến ngày thứ năm mệt và đói rét quá, đầu chàng gục trên ngực chỉ còn chờ chết. Quạ đã bắt đầu đến đậu đen trên cành cây trên đầu chàng, chỉ còn chờ chàng chết là sà xuống rỉa thịt.

Đến lúc đó tự nhiên sói từ trong bụi cây chạy ra và hét lên bảo con quạ đầu đàn:

- Hỡi quạ, các ngươi phải giúp ta mau cởi trói cho hoàng tử Y Văn chứ.

- Nhưng thưa ông sói, chúng tôi đang đợi hoàng tử chết để ăn một bữa tiệc thực to đây.

Sói giận điên lên, nói bằng một giọng run run:

- Ngươi phải giúp ta nếu không ta sẽ không để cho một con quạ nào sống sót trong khu rừng này.

- Xin vâng! Xin vâng!

Quạ đầu đàn ra lệnh cho các quạ con. Chúng xúm lại lấy mỏ mổ rất nhanh và liên tiếp vào sợi dây trói, chẳng bao lâu dây trói tuột ra và hoàng tử Y Văn ngã lăn xuống đất.

Sói ra lệnh cho quạ đi lấy nước đem về.

Dần dần nhơ sự săn sóc chu đáo của sói và quạ, Y Văn tỉnh lại, nhìn chung quanh ngạc nhiên vô cùng. Sói bảo:

- Nếu tôi không đến kịp và nếu các vị quạ ở đây không chịu giúp tôi thì hoàng tử đã chết từ lâu rồi. Hai anh hoàng tử tồi tệ quá, hoàng tử nhảy mau lên lưng tôi đi về thành cho kịp vì ông anh Hoàng Di của hoàng tử sắp làm lễ thành hôn với nàng công chúa xinh đẹp rồi.

Y Văn vội vã làm theo lời sói rồi chẳng bao lâu cả hai đã về tới cổng thành. Sói bảo:

- Thôi chúng ta chia tay nhau ở đây thôi. Tôi hy vọng rằng từ nay trở đi hoàng tử không cần đến sự giúp đỡ của tôi nữa. Thôi vĩnh biệt hoàng tử.

Y Văn vội vã chạy ngay vào hoàng cung trèo lên cầu thang bước vào phòng ăn trong hoàng cung lúc đó đang yến tiệc linh đình. Vua cha ngồi giữa, bên trái có công chúa Hê Len và bên phải có Hoàng Di. Hoàng Di ngồi bên trái công chúa. Vừa trông thấy Y Văn công chúa kêu lên:

- Thưa, đây mới là người đã mạo hiểm đưa tôi về đây.

Vua cha ôm hôn Y Văn rất âu yếm. Vua tưởng Y Văn đã chết, vì hoàng tử kia đã kể cho vua nghe là Y Văn đã chết. Vua muốn được nghe công chúa Hê Len kể lại đầu đuôi câu chuyện thực rõ ràng. Hê Lên nói hết cho vua nghe, nào chuyện bắt chim lửa, nào chuyện bắt con ngựa bờm vàng và chuyện bắt mình ra sao. Khi nghe Hê Len kể xong, vua tức giận quắc mắt nhìn hai ông con trai nhưng cả hai đã biến mất từ hồi nào.

Vua liền hạ lệnh cho bữa tiệc tiếp tục linh đình như cũ và cho Y Văn làm lễ thành hôn cùng công chúa.

Cặp vợ chồng đẹp đôi đó sống trong hạnh phúc tràn trề, trăm năm đầu bạc.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro