truyện cười

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Chả giấu gì bác

Có một ông lâu ngày đến nhà ông bạn thân chơi. Khách chủ gặp nhau chuyện trò rôm rả. Chủ kiếm trầu mời khách nhưng giữa cơi trầu chỉ có mỗi một miếng. Chủ khẩn khoản mời mãi, khách đành phải ăn.

Cách một thời gian sau, ông này nhớ bạn lại đánh đường sang thăm trả.

Thấy bạn đến, ông kia mừng lắm, mời lên nhà ngồi. Chuyện trò lại rôm rả.

Ông này cũng bày ra giữa cơi chỉ có mỗi một miếng trầu và khẩn khoản mời.

Ông khách khen cơi trầu đẹp và nể lời cầm miếng trầu lên tay ngắm nghía:

- Thứ cau của nhà bác chắc bổ vào dịp trời mưa nên nó lắm xơ nhỉ?

- Không đâu ạ, đó chính là miếng trầu bác mời dạo nọ đấy ạ. Tôi ngậm nên nó hơi bị giập ra.

/

Ba trọc

Một người đi chợ, mua được con lợn. Dọc đường về, trời nắng, đang định vào quán bên đường uống nước thì gặp một chú lính lệ. Chú lính lệ hỏi:

- Anh kia, con lợn giá bao nhiêu?

Anh ta thấy thầy quyền cũng chú ý đến mình và con lợn, liền lễ phép trả lời:

- Dạ, hơn quan đấy ạ.

Tên lính liền cho anh ta một bạt tai, rồi mắng:

- Mày láo! Dám nói lợn hơn quan à?

- Dạ, tôi lỡ lời!

Anh van lạy mãi, chú lính mới tha cho. Đi một đoạn lại gặp chú khách. Chú khách lại hỏi giá con lợn. Đang ấm ức trong lòng, anh ta liền bảo:

- Mới bị một vố trắng răng ra rồi, tôi không nói.

Cho là anh ta hỗn xược, chú khách đánh cho một gậy bảo:

- Mày lại chế nhạo ta trắng răng à?

Anh ta bỏ chạy thục mạng, nghĩ rằng chơi với những chú khách thế này, chỉ có thiệt thân. Về gần đến đầu làng, anh ta gặp hai ông sư và một chú tiểu đang từ chùa đi ra. Chú tiểu hỏi giá lợn, anh ta càu nhàu:

- Trọc này là ba trọc (ba lượt) rồi, tôi không nói nữa.

Chú tiểu đỏ mặt, đấm anh ta, cho là anh ta nhạo sư. Nhưng anh ta cãi: “Chứ không ba trọc à?” rồi đi thẳng vào làng.///

/

Thi ngũ quả

Là người cưỡi đầu cưỡi cổ thiên hạ, chúa Trịnh tha hồ bày ra những trò du hí để được chơi bời thỏa thích. Một trong những thú chơi đó là trò thi “mâm ngũ quả” hàng năm vào dịp rằm trung thu.

Nhà chúa đặt giải thưởng cho ai có được mâm ngũ quả đẹp nhất, quí nhất, ngon lành nhất và lạ nhất. Các gia đình quyền quí và giàu có trong thành Thăng Long đua nhau sắm những mâm ngũ quả cực kỳ đắt tiền để mong đoạt giải, khoe sang với thiên hạ.

Trạng Quỳnh thấy thiên hạ náo nức dự thi, cũng tuyên bố với mọi người:

- Năm nay tôi sẽ dự thi cho mà coi! Tôi đã trượt kỳ thi Hội, nhưng nhất định thi ngũ quả thì tôi sẽ chiếm giải, cho thiên hạ lác mắt một phen!

Trong khi ai nấy đều kỳ công sắm những thứ trái cây quí nhất trong nước như đào mận Lạng Sơn, hồng Hạc Trì, nhãn lồng Sơn Nam (Hưng Yên), vải thiều Hải Dương, cam Nghệ An... thì Trạng Quỳnh lại mang thi bằng một bức tranh thiếu nữ khỏa thân.

Chúa và bà chính cung cùng xem bức tranh lạ lùng và chất vấn:

- Bức tranh này mà trạng dám bảo là mâm ngũ quả ư? 

Trạng Quỳnh gật gù mỉm cười:

- Chúa thượng không nhận ra mâm ngũ quả thật sao? Này nhé: (Chỉ vào đầu thiếu nữ) đây không phải là một trái bưởi đẹp vào bậc nhất hay sao? (Lại chỉ vào đôi mắt) Đây không phải một chùm gồm hai quả nhãn lồng Sơn Nam hay sao? (Lại chỉ vào bộ ngực trần nõn nà) Đây không phải là một cặp đào tơ Lạng Sơn thứ thượng thặng hay sao? (Chỉ vào đôi bàn tay búp măng) Còn đây chẳng phải hai trái phật thủ cực quí hay sao? (Rồi chỉ vào chỗ hấp dẫn nhất mà nhà Chúa nãy giờ cứ nhìn chằm chằm vào đó) Còn đây không phải là một múi mít thơm ngon nhất trần đời hay sao?

Vừa nghe trạng giảng giải, nhà chúa vừa say mắt ngắm đủ “ngũ quả” và ngài cứ nuốt nước miếng ừng ực, lòng ngài rạo rực, y như thể ngài bị 5 thứ quả kỳ diệu kia hớp mất hồn vía. Bà chính cung đứng bên cạnh đưa mắt lườm ngài mấy lần, ngài cũng thây kệ. Đoạn ngài phán:

- Giá mâm ngũ quả của khanh mà là thật thì ta chấm giải nhất cho khanh, không còn phải đắn đo gì nữa!

Quỳnh can ngay:

- Ấy, khải chúa thượng! Sở dĩ mâm ngũ quả này được thần chọn dự thi là vì nó không bao giờ tàn úa lạt phai. Chứ nếu nó là thật thì bất quá chúa thượng chỉ thích nó được 2 ngày là cùng!

Chúa chợt nhớ lại những thứ “ngũ quả” mà ngài đã được nếm và nếm rồi thì chán, ngài liền so chúng với người thiếu nữ mơn mởn xuân xanh trong tranh và quả thật ngài cảm thấy nàng thiếu nữ này có sức hấp dẫn hơn hẳn. Nàng nằm phơi tấm thân nõn nường ở đó, nhưng ngay cả chúa nữa cũng không tài nào chiếm đoạt nổi nàng, mà chỉ có thể chiêm ngưỡng bằng mắt để tưởng tượng và mơ ước mà thôi! Chúa cả cười, vỗ đùi kêu lên:

- Ta chịu khanh nói chí lý! Chí lý!

Ý chúa là ý Trời, năm ấy mâm ngũ quả của Trạng Quỳnh chiếm giải nhất. Bàn dân thiên hạ biết chuyện đều bái phục trí tuệ siêu quần của trạng và lấy làm xấu hổ cho cái đầu óc bã đậu thô thiển của mình.////

//

Trạng Lợn xem bói

Chung Nhi đến kinh, mở một ngôi hàng xem bói. Thế nào lại gặp hai ông bạn đồng hành khi trước vào nhờ xem một quẻ. Ba người gặp nhau vui mừng khôn xiết. Hai người bạn kia liền bảo Chung Nhi gieo cho một quẻ xem phận rồng mây phen này thế nào. Chung Nhi khấn khứa, xem quẻ rồi đoán: 

- Trong quẻ này Thánh dạy: “Quần long vô chủ” tất kỳ thi năm nay hoãn. 

Thì ra mấy hôm trước, có hai vị quan đến xem bói nói chuyện riêng với nhau để lộ ra. Chung Nhi nghe lỏm được nên mới dám đoán già như thế. Hai người bạn, tuy biết tài Chung Nhi nhưng trong lòng thì chưa tin lắm, còn những người xem bói khác thì hoàn toàn bảo lão thầy bói nói láo. Khi sắp đến kỳ thi, quả nhiên có giấy niêm yết báo hoãn. Ai nấy giật mình, cho Chung Nhi là bậc tiên tri. Từ đó tiếng đồn gần xa, khắp kinh kỳ rủ nhau đến xem bói đông nghìn nghịt... 

Một hôm, quan Thượng thư bộ Binh lạc mất con thiên lý mã. Quan tiếc lắm, vì là con ngựa rất quý. Nghe đồn có thầy bói giỏi, quan sai cho gọi Chung Nhi vào dinh. Nằm trong dinh quan Thượng, được cung phụng đầy đủ mọi thứ, nhưng Chung Nhi lo lắm, ăn không ngon, ngủ không yên giấc, trằn trọc suốt đêm, bụng luôn nghĩ đến chuyện mất ngựa. Bất giác Chung Nhi nhớ đến mấy câu trong “Tam tự kinh” học hồi còn nhỏ, liền ngâm to lên cho khuây khỏa: “Mã ngưu dương, thử lục súc, nhân sở tự...”. 

Chẳng dè tên lính hầu trong dinh đúng là tên trộm ngựa. Khi mới nghe tin quan Thượng mời Chung Nhi vào, hắn đã lo, nên ngày đêm lai vãng gần đó để nghe ngóng. Đêm hôm ấy, hắn chui xuống gầm giường Chung Nhi nằm, xem động tĩnh ra sao, đương hồi hộp đợi chờ, bỗng nghe thấy Chung Nhi đọc vanh vách nào là “mã” với “tự”. “Mã” là ngựa, còn “tự” thì đúng là tên hắn. Hắn sợ quá, cho là Chung Nhi đã hô đích danh mình rồi, bèn lóp ngóp bò ra khỏi gầm giường, vừa vái vừa kêu, xin khai hết sự thật, nhưng xin Chung Nhi đừng nói rõ tên với quan Thượng. Chung Nhi được thể, thét bảo: 

- Ừ, mày lấy trộm ngựa ngày nào, giờ nào, bây giờ giấu ngựa ở đâu? Muốn sống khai ra ngay, không tao hô lên tất cả đến đây thì khó mà cứu vãn đó! 

Tên ăn trộm khai hết đầu đuôi. Hôm sau, Chung Nhi vào hầu quan Thượng, giả cách khấn khứa gieo quẻ, rồi cứ lời tên kẻ trộm khai mà nói ra vanh vách. Quan cho người đến tận nơi, quả thấy ngựa quý, mừng lắm, thưởng cho Chung Nhi rất nhiều vàng bạc. Từ đó, tiếng tăm Chung Nhi càng lừng lẫy, ai ai cũng gọi chàng là Trạng.. bói!!!///

///

Mày để cho nó một chút

Xưa, có một anh học trò nghèo rất thông minh, thuê một căn nhà ở trọ trong phố. Đối diện với nhà anh là nhà một bà cụ chuyên nghề quay tơ, có một cô con gái út rất nết na thùy mị, chăm việc bếp núc.

Bà cụ thường đe bọn thanh niên hàng xóm: - Có già ở đây, bọn bây đừng hòng léng phéng đến con út.

Một ngày kia. Lúc bà cụ đang quay tơ, cô út nấu ăn dưới bếp, anh học trò cầm một cái chén nhỏ xíu sang nhà bà cụ: - Thưa bác, hôm nay cháu nấu ăn quên mua nước mắm, bác cho cháu xin một muỗng.

Thấy anh học trò ăn nói dễ thương nên bà cụ cũng dễ dãi: - Ừ con cứ xuống bếp nói con út đưa cho.

Anh học trò đi xuống bếp, giấu cái chén tỉnh bơ: - Cô út, bác nói cô cho tôi... nắm tay cô một chút.

Cô út sợ quá la toáng lên: - Má ơi! Anh này ảnh kêu...

- Thì mày để cho nó một chút. Có mất cái gì đâu!

Cô Út đành đứng im cho anh nắm tay. 3 bữa sau, anh học trò lại sang: - Thưa bác, cho con xin một củ hành nhỏ.

- Con cứ xuống bếp nói con Út đưa cho.

Anh ta lại xuống bếp: - Cô Út, bác nói cô cho tui hun cô một cái.

Cô Út la lớn: - Má ơi! Anh này ảnh đòi...

- Thì mày cứ để cho nó một chút...

Cô Út đành để cho anh ta hun. Cứ thế khi thì hạt tiêu, trái ớt, khi thì muỗng muối, hạt đường, cô Út cứ đành phải “cho một chút...". Một thời gian sau, anh ta đã được ở... rể nhà bà cụ.////

///

Nước mắm hâm

Một anh nọ có tính sợ vợ vô cùng và ngu hết chỗ nói, bởi thế suốt đời cứ bị ăn hiếp mà không làm sao được. Anh ta biết thế là nhục, mắc cỡ với anh em, song cứ phải cắm cúi phục tùng theo lệnh bà.

Một lần, có bạn ở xa tới thăm, anh ta đến năn nỉ với vợ:

- Bữa nay tui có khách, vậy mẹ mày để tôi làm chồng một hôm, bao giờ có mặt khách đến thì mẹ mày để cho tôi cự nự la lối gì thì la. Chớ không khách khứa bảo vợ ăn hiếp chồng thì nhục cả.

Chị vợ thấy chồng nói thế cũng ưng thuận để đẹp mặt cả đôi và được tiếng với anh em. Anh ta được như ý nên tự tung tự tác quát nạt om sòm, chị vợ không hé răng nửa lời. Bạn bè thấy thế cũng khâm phục. Bữa ăn, mâm cơm được dọn lên một cách ngon lành đầy đủ, tuy thế anh ta vẫn:

- Nào, tô canh này sao mẹ nó nấu mặn quá thế này?!

- Chao ôi! Món xào gì mà lại thế này?!

- Đĩa thịt làm sao mà nấu như vậy?!

Thấy chồng chê bai đủ thứ, chị vợ vẫn vui vẻ lễ phép với chồng. Được nước, anh chồng như chim sổ lồng quên cả phận mình, nên lên mặt quá. Ngó đi ngó lại không còn gì để chê được nữa, khi thấy vợ bưng thêm nước mắm lên, anh ta nhận lấy rồi nói:

- Này mẹ nó, sao chén nước mắm này không hâm lên?

Nghe nói vậy, mọi người bò lăn ra cười. Chị vợ mắc cỡ không nhịn được cái ngốc của chồng mới bước lại túm tóc anh ta tẩn cho một trận.////

Điếc... cả làng

Hai ông bà điếc sanh đặng một đứa con gái cũng điếc, rầu mình vô phước, phần mình già cả chẳng nói làm gì, còn con mình tật nguyền điếc lác biết gởi cho ai để gởi thân cho nó nhờ? Mà nghĩ lại mình cũng lớn ruộng nhiều trâu thế cũng có khi có rể. 

Vậy, thấy có một đứa con trai lịch sự cách xa vài làng, năng vô ra tới lui trong làng thì kêu nó mà gả, chẳng ngờ nó cũng điếc. Cưới hỏi xong xạ, nó về ở với cha mẹ vợ, cha biểu đứa con gái nói nó ra coi cày bừa đám ruộng ở bên lề đường. Nó nghe liền vác cày ra cày. Có ông quan đi ngang qua đó, mà là quan kinh mới nhậm đứng lại hỏi thăm nó đường đi vô dinh quan phủ. Nó chẳng lành thì chớ, điếc nghe không rõ, tưởng ông quở nó cày sao cày bậy ruộng ông chăng ; nên vọt miệng mắng: “Ruộng tôi tôi cày, sao ông nói ruộng của ông? Ông này ngang quá ghẹ đi cà!”.

Ông quan thấy nó dễ ngươi thì biểu quân rượt đánh nó. Nó đâm đầu chạy về nhà, vợ nó đang ngồi nấu cơm trong bếp, nó đạp cho 2 - 3 đạp chúi vào trong bếp: “Ruộng nào, ở đâu mà mày chỉ bậy cho tao cày làm người ta đánh tao cờ bơ cờ bất, cũng là tại mày lếu”

Con vợ kia nói: “Dữ không? Đợi một phút chờ người ta nấu dọn cho mà ăn không được à, làm gì bất nhơn làm vậy?”

Kế thấy mẹ nó đi chợ leng teng bưng rổ về; con gái ra méc, nói sao chồng độc dữ quá đạp nó làm vậy. Bả thấy bộ nó giận quạu quọ thì ngờ nó nói sao mình đi chợ 5 tiền mà... ăn bánh ăn hàng đi hết đó. May đâu ổng đi tát đìa quảy vịt về, bả liền chạy ra nói: “Tôi ăn bánh ăn hàng ở đâu mà con nó nói thêm nói thừa cho tôi!”

Ông nghe không rõ, tưởng bả nói sao mình bắt cá cho ai, thì mới nói: “Nào tôi có bắt cá cho ai đâu, đặng con nào bỏ vịt con nấy đem về mà nói cho ai? Có chứng lão cày một đó. Bà ra hỏi lão mà coi!”.

Nắm tay bả dắt ra ngoài đồng lại hỏi lão cày: “Chớ lão thấy tôi bắt cá mà cho ai không?”.

Chẳng may lão cày cũng lảng tai, tưởng là nói lão có khuấy chơi lấy quần giấu đi chăng (thấy ông đóng khố thì hiểu làm vậy) cho nên mới nói: “Nào! Tôi sớm mai tới giờ cứ cày hoài tôi có qua chi bển mà biết quần ông để đâu mà giấu? Ông già khéo nghi bậy không!”.///

////

Phóng sinh

Một con chim sẻ bị chim ưng truy bắt, sợ hãi bay loạn, chui vào tay áo của một thầy tu. Thầy tu nắn nắn nó qua tay áo, nói:

- A Di Đà Phật, hôm nay đệ tử được xơi thịt đây!

Chim sẻ nhắm nghiền hai mắt nằm im. Thầy tu tưởng nó đã chết, vén tay áo xem, chim sẻ thừa cơ bay mất. Thầy tu liền nói:

- A Di Đà Phật, ta phóng sinh cho mày đó.

o O o

Sư cụ: "Làm người không được sát sinh, nếu kiếp này con giết trâu, kiếp sau con phải hóa thành trâu đền tội, kiếp này giết heo thì kiếp sau là heo, giết ruồi giết gián cũng thế!"

Đồ đệ: "Chà, hiểu rồi. Nếu con muốn kiếp sau làm người nữa, kiếp này con phải... giết người!"////

///

Câu đối có chí khí

Ông huyện đi dọc đường, gặp thằng con nít đi học về, mới kêu mà ra câu hỏi rằng :

- Tự là chữ, cất dằn đầu, chữ tử là con, con nhà ai đó?

Ðứa học trò chí khí đối lại liền:

- Vu là chưng, cất ngang lưng, chữ đinh là đứa, đứa hỏi ta chi?

Ông huyện nghe biết đứa có chí khí, tức lắm mà không làm gì được.

o O o

Ở hạt nọ, có một tên nghị viên họ Lại, xây một cái sinh phần đẹp. Tên này giàu có vì làm nghề lái lợn và rất hống hách. Nhiều người ghét hắn. Một đêm, không rõ ai đã đề đôi câu đối sau ở sinh phần hắn:

- Rực rỡ mé đường Tây, kẻ lại người qua, ca tụng sinh phần quan lớn Lại (quan lái lợn).

- Vang lừng trong thân Bắc, trên kinh dưới rái, một lòng tôn trọng cụ trong dân (rận trong cu).///

///

Sáng kiến

Nhà văn Nga Giliropxki rất buồn mỗi khi có bạn mượn sách của ông không chịu trả. Ông cho khắc một con dấu đóng trên mỗi cuốn sách dòng chữ: "Sách này lấy cắp ở tủ sách của Giliropxki".

Bằng cách đó người mược trả sách đúng hẹn.

o O o

Kinh nghiệm

A. Dumas con chuẩn bị viết vở kịch đầu tiên Trà hoa nữ đã đến xin gặp cha mình hỏi kinh nghiệm viết kịch bản sân khấu. Ông bố vui lòng chỉ dẫn:

- Rất đơn giản. Hồi 1 sáng sủa hơn một chút. Hồi 3 ngắn hơn một chút và toàn bộ vở thông minh hơn một chút, thế là được.

o O o

Cũng tùy

Có người hỏi nghệ sĩ Nga M. Sepkin:

- Ngài thích đóng các vai nào hơn, lớn hay nhỏ?

- Cũng tùy thuộc nội dung vở kịch. Nếu vở kịch tốt thì vai lớn, vở kịch xấu thì vai nhỏ.

o O o

Đàn thuộc về ngài

Nghệ sĩ Tây Ban Nha A. Xegovia muốn có cuộc trình diễn guitar cổ điển ở Madrid, rất cần một chiếc đàn cực tốt mà không đủ tiền mua. Anh đến hiệu đàn Mamirexin để thuê.

Sau hơn 90 phút thử và đàn tất cả các bản nhạc Xegovia định biểu diễn, anh đã được ông chủ hiệu khâm phục tài nghệ điêu luyện:

- Từ giờ phút này, cây đàn guitar đã thuộc về ngài!

o O o

Xin chữa thơ

Sau khi viết bài thơ Trường ca về cuộc sống, nhà thơ Anh Tennixon (1809-1892) nhận được thư phê bình của nhà toán học Repbec:

- Bài thơ của ngài rất hay nhưng có một câu: "Mỗi khoảnh khắc một con người sinh ra/cũng khoảnh khắc ấy lại một con người chết đi". Vậy thì ngài lý giải thế nào về chuyện dân số ngày càng tăng? Tôi xin được chữa lại: "Mỗi khoảnh khắc mỗi con người sinh ra/cũng khoảnh khắc ấy 1/6 con người chết đi". Lẽ ra không phải là 1/6 mà là con số lẻ phức tạp hơn rất nhiều, nhưng thôi hãy tạm như vậy để ngài dễ gieo vần/////

///

Giá trị của lời từ chối

Hội phụ nữ Luân Đôn yêu cầu Bơcna Sô tặng hội một cuốn sách của ông nhan đề "Người chỉ đường cho trí thức đến với xã hội chủ nghĩa".

Nhà văn đã từ chối và viết thư trả lời:

"Mong quý hội thông cảm vì cuốn sách tặng, người ta thường ít đọc..."

Hội phụ nữ bèn đem bán bức thư đó với giá 30 đồng, đủ mua ba cuốn sách của Bơcna Sô.

Người mua bức thư đó đem bán lại cho một người chuyên sưu tầm các bút tích của nhà văn và nhận được số tiền đủ để mua toàn bộ các tác phẩm của nhà văn.////

///

Một điều đơn giản

Trên chuyến tàu từ Châu Âu sang Mỹ, mọi người đều mệt mỏi vì bị sóng biển nhồi lắc. Riêng có một người gương mặt thật bình thản ngồi hút thuốc, nghe nhạc. Mọi người thêm thán phục khi biết được đó chính là Albert Einstein (1879 - 1955). Một người mạnh dạn hỏi:

- Thưa ngài, trong thuyết tương đối, nhiều và ít được hiểu như thế nào ạ?

- Ồ, có gì đâu. Đơn giản thế này nhé: mấy trăm cọng tóc trên đầu là ít. Nhưng trong một chén nước uống mà chỉ có vài ba cái tóc cũng là nhiều.////

///

Không hiểu được Plăng đâu

Đến Berlin, thủ đô nước Đức, Plăng, nhà vật lý học về lý thuyết trường lượng tử quên khuấy mất là mình sẽ phải thuyết trình ở giảng đường nào. Ông vào văn phòng trường Đại học tổng hợp để hỏi. Tại đây, ông gặp một giáo sư

- Xin bác cho biết, hôm nay giáo sư Plăng sẽ thuyết trình ở đâu ạ?

Vị giáo sư nhìn Plăng từ đầu tới chân rồi nhún vai:

- Này anh bạn trẻ, đừng đến đấy làm gì. Anh còn ít tuổi thế, làm sao mà hiểu nổi giáo sư Plăng!////

Tính đãng trí của Ampe

Một hôm, ông có việc phải ra khỏi nhà vào buổi sáng. Lúc đi, ông khoá cửa và viết mấy chữ hẹn ở cánh cửa: "Ampe đi vắng, 16 giờ mới có mặt ở nhà."

Ông đi công chuyện, 14 giờ đã xong, ông trở về nhà mình. Đến nơi thấy dòng chữ nói trên, đang mãi suy nghĩ, ông quên khuấy mình chính la Ampe, ông thở dài, xem đồng hồ và lẩm bẩm:

-Vậy là mất đứt gần hai giờ chờ đợi.////

Để lại danh thiếp

Vua Phổ Fêdêrich đệ nhị mời Vonte đến thăm cung điện. Rất nhiều quan trong triều đình thèm muốn sự ưu đãi này của vua Phổ đối với nhà văn. Một vị cận thần đặc biệt rất ghen tị với Vonte. Một hôm gã viết trên cửa ra vào của nhà văn một dòng chữ rất to "Chó đểu".

Vonte quen và hiểu biết rất nhiều người, đặc biệt ông biết rất rõ những người không ưa ông, ông đoán ngay kẻ muốn lăng mạ mình. Ngay lập tức, ông trở lại nhà gã cận thần nọ và nói rất lịch sự với gã:

- Thưa ngài, tôi xin lại thăm đáp lễ ngài. Tôi đã được đọc "Danh thiếp tên ngài" trên cửa nhà tôi. Tôi vô cùng tiếc là đã không ở nhà khi ngài đến thăm!////

Bài giảng của Đemosten

Đemosten là một triết gia cổ Hy Lạp, có tài hùng biện. Một hôm, đang giảng bài, thấy học trò lơ đãng, ông bèn kể một câu chuyện như sau:

"Một người kia phải đi qua sa mạc. Người ấy vào chợ, đến chỗ mướn lừa. Hắn mướn một con lừa, trả tiền trước và giao hẹn với kẻ cho thuê:

-Tôi mướn lừa của anh, anh dắt lừa, tôi ngồi trên lưng lừa qua sa mạc.

Đường xa, trưa, càng nắng. Người cưỡi lừa bị nóng bức, chịu hết nổi. Giữa sa mạc, chỉ có một bóng mát duy nhất là bóng con lừa. Hắn bèn nhảy xuống, núp bóng lừa mà đi.

Gã cho mướn lừa thấy vậy, liền dừng lại, không đi nữa.

Người mướn lừa hỏi: - Sao không đi tiếp?

Gã kia đáp: - Phải trả thêm tiền.

- Tiền gì?

- Tiền thuê bóng con lừa. Vì ông chỉ mướn con lừa, chớ ông có trả tiền mướn cái bóng của nó đâu.

Anh mướn lừa giận quá, đang tìm chữ xứng đáng để nói với đứa cho mướn lừa..."

Nghe nói, cả lớp xôn xao chờ đợi.

Đemosten mới nói:

- Thưa các bạn, cái chính là bài tôi giảng thì các bạn chả chú ý, lại đi chú ý đến câu chuyện cù lần của thằng cho mướn lừa!////

Luôn luôn phải đứng

Một lần Mark Twain đến một thành phố nhỏ, ông có buổi nói chuyện ở đây. Tối đến, ông vào một tiệm ăn, chủ hiệu hỏi:

- Ngài mới đến thành phố này phải không ạ?

- Vâng, tôi vừa mới đến đây.

- Ngài thật là may mắn, tối nay có buổi nói chuyện của Mark Twain, ngài đi nghe chứ?

- Chắc chắn là có.

- Thế ngài đã có vé vào chưa?

- Ồ! Chưa, chưa.

- Thế thì có khi ngài phải đứng đấy.

- Vâng, thật đáng tiếc, tôi luôn luôn phải đứng trong các buổi nói chuyện của Mark Twain.////

Trí thông minh của người mạnh khoẻ

Albert Einstein nói về thuyết tương đối của mình, có một anh chàng hay nghi ngờ hỏi:

- Trí thông minh của người mạnh khỏe như tôi không thể chấp nhận những cái mà nó không nhìn thấy.

Einstein đứng yên lặng một lúc rồi trả lời:

- Được, điều đó có vẻ có lý lắm. Giờ ông đặt trí thông minh của ông lên bàn đây, và tôi có thể tin rằng ông có một bộ óc thông minh.///

Một lần đại văn hào Pháp Victor Hugo (1802- 1885) đi thăm nước Phổ. Khi đến biên giới Pháp-Phổ. Một nhân viên hải quan nước Phổ hỏi:

- Xin ông cho biết ông làm nghề gì?

- Tôi viết.

- Tôi muốn hỏi ông sinh sống bằng nghề gì?

Lần này Hugo đáp gọn:

- Bằng ngòi bút.

Nhân viên hải quan nọ gật đầu ra vẻ thông hiểu. Sao đó anh ta ghi vào tờ thị thực nhập cảnh: "Hugo, nhà kinh doanh ngòi bút".////

Ban-dăc và kẻ trộm

Một đêm Ban-dăc quên không đóng cửa, ông đã vào nằm nhưng chưa ngủ. Một tên ăn trộm vào không thấy ai, bèn đi đến cái tủ, khẽ mở ra và lục tìm tiền. Bỗng tên trộm nghe nhà văn cười nói:

- Anh bạn ơi, mắc sai lầm lớn rồi. Anh đã đến vào đêm tối như bưng để tìm tiền ở nơi chính tôi, giữa ban ngày chói chang tôi cũng không bao giờ tìm thấy!

Thời gian và vô tận

Có một lần, một nữ phóng viên Mỹ hỏi Albert Einstein:

- Giữa thời gian và vô tận có sự khác biệt nào?

- Cô gái ơi! - Nhà bác học với giọng đôn hậu trả lời - Nếu bác có thì giờ để giải thích cho cháu sự khác biệt đó thì sẽ là sự vô tận trước khi cháu hiểu điều đó!///

Đánh thế còn nhẹ

Có một anh nông dân về nhà ăn cơm trưa, thấy món rau xào hôm nay rất ngon, liền hỏi vợ:

- Rau xào hôm nay sao ngon thế?

Vợ đắc ý khoe:

- Hôm nay có hai người mua chung một miếng mỡ lợn, trên đường đi qua nhà mình đã mượn dao để chia, em đã rửa con dao dính mỡ lợn vào chảo, nên rau mới ngon như thế đấy!

Anh chồng nghe xong, tiện tay tát cho vợ một cái, mắng:

- Tại sao không rửa vào vại nước để mà ăn mấy ngày?

Vợ rất uất ức chạy sang bên cạnh mách tội của chồng với ông chú. Chú nghe xong quát tướng lên:

- Đánh thế hãy còn nhẹ, sao không rửa dao dưới ao, để chúng tao cũng được ăn?//

Sân quạ

Ở Phong Lưu, Cạnh Đền có một sân chim, mỗi lần người ta bắt hàng vạn con còng cọc, cò long bong, cò quắm, vạc, diệc mốc... chở ra chợ bán. Sau hậu đất tui thì có "sân quạ", chuyện mới lạ đời! 

Số là mùa hạn năm đó, nắng khô hết đìa bàu. ao vũng xứ này. Trâu bò phải đi kiếm nước uống ở những cái giếng giữa đồng xa.

Tui có bầy trâu tất cả là tám con. Nhưng chiều bữa đó, chúng đi ăn về lại lạc mất con đực pháo. Sau đó mấy tháng lăng xăng chạy kiếm đủ chỗ, tui mới gặp nó đứng chổng khu uống nước ở một cái giếng trong đầu ngàn hậu đất.

Gần đi tới, tui thấy con đực pháo rùng mình lúc lắc, mặc dù bốn cái chân nó còn lún sâu dưới thềm đìa. Tới thêm chút nữa, tui thấy con trâu như nghe được tiếng động, nó cựa mình vùng lên. Gần lại nữa, tui thấy nó run run, giật giật. Lấy làm lạ, tui đi gần lại xem. Con trâu làm như hoảng hồn, lúc lắc nhổ bốn cái chân lên, nhưng bốn chân nó ngay đơ không làm sao nhúc nhích được. Con trâu lại cất tiếng kêu "ọa ọa". Rồi nó trân mình đứng dựng tại chỗ, run rẩy. Thấy đít con trâu lủng một lỗ, tui vội quơ nùi rơm nhét nó lại, rồi đưa tay với sợi dây định dẫn nó về. Nhưng con trâu cố giãy giụa, mà vẫn đứng tại chỗ. Cuối cùng tui phải về, kêu bả ra lôi tiếp con trâu về nhà.

Sau đó, tui với bả bàn mài dao xẻ con trâu. Nào ngờ phèo phổi, ruột gan, thịt thà bên trong con trâu đều bị lũ quạ khoét đít chui vô hồi nào mà ăn sạch trọi. Tui với bả bắt ra được ba trăm hai mươi sáu con quạ vừa lớn vừa nhỏ. Hông tin hả? Hỏi bả thử coi!///

Xin chịu

Có anh chàng kia, vốn ngốc đại là ngốc, mà lại phải đi làm rể nên trong bụng rất lo. Biết tính con, nên trước khi đi bố mẹ gọi vào dặn dò:

- Ở rể thì khó gì mà ngại. Chỉ cần bố vợ làm gì thì mình làm nấy, cho khỏi mất lòng ông là được.

Anh ta nghe nói vững dạ vội khăn gói đi sang nhà vợ. Hôm ấy cũng ngồi ăn cơm với bố vợ, thấy bố vợ gắp thịt, anh cũng gắp thịt; bố vợ chấm rau cũng chấm rau, bố bợ cầm đũa tay trái anh cũng đổi đũa sang tay trái. Bố vợ vô ý đánh vãi mấy hạt cơm ra chiếu, anh cũng bỏ mấy hạt cơm ra chỗ mình ngồi. Bố vợ đang ăn canh miến thấy thế không nhịn cười được, bật phì cười, nào ngờ bị sặc. Một sợi miếng lòng thòng thò ra ngoài lỗ mũi. Anh ta nhìn bố vợ, ngẩn người ra, rồi đứng dậy chắp tay vái dài:

- Thưa thầy, mấy trò khác thì con còn cố được, chứ trò này thì con xin chịu!///

Sĩ diện

Một anh đồ kiết đi tìm nơi dạy học. Ðường xa, người mệt, còn trong túi vài đồng, thầy vào quán ăn vài củ khoai cho đỡ đói. Thầy vừa ăn vừa uống nước ra vẻ ung dung lắm. Ăn hết củ thứ nhất, rồi củ thứ hai, thầy muốn chén củ nữa nhưng lại sợ hết mất tiền. Cái miệng vẫn thòm thèm. Nhân lúc cô hàng vào bếp, thầy vội vơ nắm khoai vắt lại bỏ vào mồm. Không ngờ, cô hàng quay ra, nhìn thấy. Thầy cố ra vẻ thản nhiên bảo:

- Ta ăn thêm vắt xôi đậu.

Cô hàng thừa hiểu, nhưng tảng lờ như không biết gì, bảo thầy:

- Vậy xin thầy giả tiền cả vắt xôi đậu.

Thầy bấm bụng đưa nốt đồng cuối cùng.///

Lộ tẩy

Trong lễ kỷ niệm tròn 30 nãm ngày cha xứ nọ về với xứ đạo, một chính khách hàng đầu của địa phương được mời tới để đọc diễn văn. Thế nhưng, vì ông ta đến muộn nên linh mục quyết định nói đôi lời với các giáo dân để kéo dài thời gian.

- Các con sẽ hiểu, – ông nói – ta có ấn tượng đầu tiên về xứ đạo này kể từ khi ta nghe lần thú tội đầu tiên ở đây. Khi ta tới đây vào 30 năm trước, ta đã nghĩ rằng mình được bổ nhiệm đến một nơi cực kỳ tệ hại. Người đầu tiên tới phòng xưng tội kể cho ta nghe anh ta đã lấy cắp một cái tivi, và khi cảnh sát tới anh ta đã giết người cảnh sát. Hơn thế nữa, anh ta thụt két từ nơi làm của mình và chim chuột với vợ của ông chủ. Các con có thể tưởng tượng là ta cảm thấy thế nào. Nhưng ngày tháng trôi qua, ta dần hiểu rằng không phải tất cả mọi người đều như vậy, và ta có một giáo xứ tốt với toàn những người đáng yêu và dễ thông cảm

Ngay khi linh mục vừa dứt lời thì chính trị gia tới, xin lỗi vì đã đến muộn. Ông ta ngay lập tức thực hiện bài nói chuyện của mình.

- Tôi sẽ không bao giờ quên ngày đầu tiên vị linh mục đã tới giáo xứ này. – chính trị gia nói. – Bởi vì, tôi có vinh dự là người đầu tiên được ngài rửa tội.//

Không chịu xuống...

Cô giáo gọi một học sinh lên bảng:

- Con hãy miêu tả một chú gà trống ở khu vườn...

Chú bé bắt đầu hồn nhiên:

- Buổi sáng, ông mặt trời thức dậy, toả những tia nắng ấm áp xuống vườn nhà em...

- Hay, hay... – có tiếng xuýt xoa ở dưới, cô giáo cười tươi.

- Chú gà trống đĩnh đạc ra giữa vườn, vươn cổ cất tiếng gáy vang động khắp nơi...

- Tuyệt vời..., thật tuyệt... – lại tiếng xuýt xoa.

- Sau đó chú nhảy lên lưng chị gà mái...

- Thôi, thôi, được rồi, xuống ngay, xuống ngay... – cô giáo hoảng hốt.

- Nhưng chú gà trống nhà con đâu có chịu xuống ngay, thưa cô...? – chú bé vẫn hồn nhiên trả lời.///

Sự cố bất ngờ trên máy bay

Trên một chuyến bay, sau khi kiểm tra tình hình ổn thoả, phi công trưởng bắt đầu đọc thông báo trên loa.

- Thưa quý khách, đây là phi công trưởng đang nói cùng các bạn. Chào mừng đến với chuyến bay 293 từ New York đến Los Angeles. Thời tiết rất tốt, vì thế chúng ta sẽ có một chuyến bay êm đềm và thoải mái. Xin mời ngồi xuống và thư giãn... ÔI TRỜI ƠI, KHÔNG!... THÔI CHẾT RỒI!...

Sau vài giây im lặng, phi công trưởng lại nói tiếp trên loa:

- Thưa quý khách, tôi thành thật xin lỗi nếu tôi có lỡ làm quý vị sợ. Nhưng trong lúc tôi đang nói thì cô tiếp viên mang cho tôi ly cà phê và vô tình làm đổ lên người tôi. Quý vị mà thấy phía trước quần tôi thì biết...

Một hành khách gào lên:

- Thấy cái gì mà thấy, có giỏi thì xuống đây nhìn sau quần tôi nè!...////

Bệnh nghề nghiệp

Các nhà khoa học tổ chức một thí nghiệm để chứng minh về ảnh hưởng của nghề nghiệp đến hành vi ứng xử. Họ đưa một kỹ sư, một nhà vật lý và một nhà toán học vào các phòng riêng biệt trong đó có một hộp thức ăn nhưng lại không có cái mở hộp.

Một ngày sau, các căn phòng được mở ra lần lượt.

Trong phòng thứ nhất, anh kỹ sư đang ngáy khò khò, với một cái hộp méo mó trống rỗng vì đã được mở ra. Khi được hỏi, anh ta giải thích rằng khi đói, anh ta đập cái hộp cho đến vỡ ra thì thôi.

Trong căn phòng thứ hai, nhà vật lý đang đọc các đẳng thức với cái hộp được mở ra từ phía đáy. Khi được hỏi, anh ta giải thích rằng vì quá đói đã nghiên cứu những điểm chịu áp lực của hộp và tác dụng lực lên, và thế là bụp.

Trong căn phòng thứ ba, nhà toán học đang toát mồ hôi, mồm lẩm bẩm:

- Giả định rằng cái hộp đang mở, giả định rằng cái hộp đang mở…////

Siêu chậm

Một bà béo nặng tạ rưỡi đến vườn bách thú Luân Đôn xin làm việc. Ông giám đốc hỏi:

- Tại sao bà lại đến đây xin việc?

- Dạ, thưa ông, tôi mới bị công ty X sa thải.

- Vì sao?

- Chẳng giấu gì ông. Tôi vốn là người rất chậm.

- Ôồ không sao. Tôi hiểu. Tôi hiểu. Bà có việc đây. Tôi phân công bà đến trông coi chuồng rùa. Được chứ?

- Cám ơn ông.

Hôm sau, giám đốc đi kiểm tra, đến khu chuồng nuôi rùa thì thấy không còn một con nào cả. Giám đốc ngạc nhiên thì bà béo trả lời:

- Dạ, thưa giám đốc, sáng này tôi vừa mở cửa chuồng thì lũ rùa thi nhau bò ra, tôi cố gắng hết sức nhưng không đuổi kịp con nào ạ./////

Kính áp tròng

Giám đốc cần tuyển nhân viên, vừa vặn có 3 cô tóc vàng hoe đến ứng cử.

Để thử trí thông minh của các cô, giám đốc đưa ra một bức ảnh nhìn nghiêng của một người đàn ông và bảo từng cô cho biết họ nhìn thấy gì ở đó.

Một cô nói: Tôi thấy anh ta chỉ có một mắt.

Giám đốc cáu lắm: - Nhìn nghiêng thì tất nhiên anh ta có một mắt rồi. Và cô này bị loại.

Cô thứ hai: Tôi thấy anh ta có một tai.

Giám đốc càng ngán ngẩm hơn, và hỏi đến cô thứ ba. Cô này nghĩ một lúc rồi nói: Tôi nghĩ anh ta mang kính áp tròng.

Giám đốc rất ngạc nhiên và cho kiểm tra lại thì quả nhiên người trong ảnh mang kính áp tròng. Ông bèn hỏi cô thứ ba vì sao biết được điều đó.

- Thì anh ta làm sao mà đeo kính có gọng được, khi chỉ có một tai?

o O o

Đã bảo là điên

Cú điện thoại gọi đến đồn cảnh sát: Alô, có một người điên trốn khỏi trại tâm thần!

- Ông có thể tả hình dáng của người ấy không?

- Trạc 40 tuổi, đầu hói, quần áo sọc, tóc tai bù xù!

- Ông ta bị hói?

- Đúng vậy.

- Thế thì làm sao mà tóc tai bù xù được?

- Thì tôi đã bảo là hắn bị điên mà!///

Vi phạm luật

19 giờ tối, tại một ngã tư.

- Hoét... hoét…! Chào cô. Vui lòng cho xem giấy tờ xe.

- Dạ đây ạ. Anh ơi, em phạm luật gì thế?

- Tôi nghi ngờ cô vi phạm luật an toàn giao thông.

- Ơ... vi phạm gì ạ?

- Bước vào đây tôi xem nào. Giơ hai tay lên. Qua khỏi đầu. Thế...

- Ui, anh làm gì vậy???

- Tôi đo. Tôi nghi ngờ cô vi phạm điều luật "ngực lép".

- Trời! Trông em... thế này làm sao vi phạm được ạ?

- Cái cô này! "Trông" là "trông" thế nào? Cái gì cũng phải có bằng chứng cụ thể. Đứng yên nào. Uhm... thế... xem nào.. uhm... Cô chỉ có 71cm. Vi phạm rồi.

- Trời, sao thế được ạ? Em mới đo may cái áo đầm hôm kia, 82cm cơ mà?

- Thì kết quả rõ ràng đây nè. Tôi đo.///

Đừng hi vọng vào điều đó

Một sĩ quan cảnh sát bắt một người lái xe dừng lại vì anh ta đang phóng quá tốc độ trên đường, anh ta phân giải: 

- Nhưng thưa ông, tôi có thể giải thích? 

- Im lặng, tôi sẽ nhốt anh vào nhà giam cho đến khi thủ trưởng quay lại.

- Nhưng, thưa ông, tôi chỉ muốn nói... 

- Tôi đã nói là yên lặng, anh sẽ phải vào trại giam. - Một vài giờ sau, sĩ quan cảnh sát nhìn phạm nhân và nói: 

- Rất may mắn cho anh, thủ trưởng đang ở tiệc cưới con gái của mình, nên ông ấy sẽ rất vui khi quay lại. 

- Đừng hi vọng vào điều đó, tôi là chú rể đây!///

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro

#gdrghd