[Bản mới] Chương 1: Ngày thu

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

[Truyện dã sử] VẠN DẶM XUÂN

Tác giả: Đồng Lạc (BiButBong)

Chương 1: Ngày thu

"Hoa tại trung đình, nhân tại lâu
Phần hương độc toạ tự vong ưu
Chủ nhân dữ vật hồn vô cạnh
Hoa hướng quần phương xuất nhất đầu."

Trời vừa hửng sáng, mùi khói cay nồng tỏa ra từ căn bếp nhỏ quyện với mùi hoa còn đẫm hơi sương đã tràn qua song cửa, lãng đãng len vào lớp chăn bông. Thân hình nhỏ bé dưới tấm chăn ấm áp lười nhác xoay ngang xoay dọc hồi lâu, mãi một lúc mới ngồi dậy hẳn, đôi mắt mơ màng dần thanh tỉnh, nương theo song cửa quan sát một vòng cảnh vật bên ngoài, cuối cùng dừng lại nơi vừa cất lên thanh âm lanh lảnh nọ.

Dưới mái hiên, bên những cành hoa cúc vừa chớm nở, đứa bé độ chín, mười tuổi bước từng bước nhỏ, vừa ung dung tưới hoa, vừa nhẩn nha đọc mấy câu thơ của vị thiền sư nổi tiếng tiền triều, âm điệu khi trầm khi bổng như đang hát.

"Thằng ranh kia, mới sáng tinh mơ đã ầm ĩ khắp nhà, định không cho người ta ngủ à?" Tiếng quát chói tai của người đàn bà từ căn phòng phía đông bất chợt vang lên.

Thằng bé ngoài sân không đáp lại, chỉ mỉm cười rồi càng lớn tiếng đọc thơ, đọc thơ xong lại đến hát đồng dao, sau đó nghiêng đầu nhìn về phía người đàn bà ấy, vung tay tạt một gàu nước thật xa.

"Phường mất dạy! Mày tưởng tao không đánh được mày chắc?"

Vừa dứt câu, người nọ đã mang theo thân thể nặng nề lao ra sân, giơ tay nhắm thẳng vào gương mặt đang cười khinh khỉnh kia mà giáng xuống.

Cuối cùng đánh lại không đánh được, chỉ có thể tức tối ôm lấy thân cây vì chới với: "Mày... Mày dám?"

"Ơ, vâng ạ..." Đứng tránh đi cách đấy mấy bước chân, lúc này thằng bé mới cất giọng vờ ngoan ngoãn đáp.

"Mày chờ đấy, con trai tao mà ra đời là phường con rơi con vãi đầu đường xó chợ như mày chỉ có cuốn gói khỏi nhà này thôi, cả thứ cây độc không trái như mẹ mày nữa, đến lúc ấy cái chăn rách cũng đừng mơ mang ra khỏi nhà này con ạ."

Thằng bé lặng im nhìn chăm chăm chỗ áo phồng lên trên thân người đàn bà ấy. Ánh mắt của một đứa trẻ còn nhỏ như thế, lúc này nhìn vào lại chẳng thể đoán ra cảm xúc.

"Chị chuẩn bị xong bữa sáng rồi, em vào ăn sớm đi kẻo nguội." Từ trong nhà, người đàn bà áo nâu khoan thai bước đến chỗ hai người kia đang đứng, nhẹ nhàng lên tiếng.

"Mày xem, phải biết học khôn như mẹ mày kìa, may ra tao mủi lòng mà cho mày ở lại." Người đàn bà nọ liếc sang thằng bé, sau đấy chậm rãi bước vào căn phòng lớn, tiến đến chỗ chiếc ghế có lót đệm duy nhất trong phòng.

Lúc này, người đàn bà áo nâu mới quay sang đứa con, giọng nói mềm mỏng nhưng nghiêm khắc. "Thầy mẹ cho con ăn học bấy lâu nay là để con vô lễ với bề trên như thế à?"

"Cái ngữ ăn cháo đá bát, lấy oán báo ơn như bà ta không xứng làm bề trên của con."

"Là lỗi của mẹ, là mẹ vô dụng không sinh được người nối dõi tông đường cho thầy con. Nếu đứa bé trong bụng cô ta là con trai, thậm chí là con gái thôi cũng được, thầy con nơi chín suối ít nhiều gì cũng có người lo hương khói."

"Con cũng có thể lo mà..."

"Con chả là gì cả." Giọng người đàn bà chợt trở nên sắc lạnh.

Thằng bé quay đi, rảo bước một mạch ra khỏi cổng rồi mất hút, để lại chiếc gàu nước chỏng chơ bên giậu cúc.

Phía sau song cửa, thân hình nhỏ bé gầy gò nọ hết trò vui để xem, chán nản vùi mình vào chăn ngủ tiếp.

...

Đó là một gia đình nhỏ ở Tây Kinh, giữa một ngôi làng thanh bình yên ả, cách vùng Lam Sơn nơi năm ấy đức kim thượng cùng các khai quốc công thần dựng cờ khởi nghĩa không xa.

Người chồng từng là một thầy lang có tiếng, vừa mất ít lâu, trong nhà chỉ còn lại đàn bà trẻ nhỏ.

Người vợ cả lặng lẽ như chiếc bóng, dịu dàng tao nhã, nhưng nhiều lúc lại thành hiền lành nhu nhược.

Người vợ lẽ kiêu ngạo đanh đá, lúc nào cũng ỷ mình mang thai đứa con duy nhất của chồng mà hiếp đáp người vợ cả, muốn trở thành chủ nhân duy nhất của cả ngôi nhà.

Bà vú già mắt mờ tay yếu, suốt ngày mở miệng ra là Phật dạy thế này thế nọ, làm lụng không được bao nhiêu, nhưng lại luôn than mình rất bận.

Và một thằng bé, khi ít nói, khi lại nói quá nhiều.

Tên là Phương thì phải?

Một ngôi nhà không có đàn ông, chỉ có ba người đàn bà và một đứa bé nhưng không ngày nào không có chuyện. Bên giậu cúc, dưới tán cau, nơi khoảng sân phủ đầy rêu nhỏ bé, tất cả đều diễn ra ở đây. Đối với một người xa lạ suốt mấy ngày liền chỉ có thể nhìn thấy thế giới bên ngoài qua khung cửa sổ, như đứa trẻ đang nằm trong căn phòng đầy mùi thuốc nọ, vòm trời này chỉ vỏn vẹn bấy nhiêu.

Lại một sớm mai, người vợ cả cùng bà vú già lên chùa cầu phúc, thằng bé kia cùng đám bạn đi xem hội. Trong nhà chỉ còn người vợ lẽ, êm đềm ngủ một giấc đến lúc mặt trời đứng bóng.

Bà ta đẩy cửa đi ra cổng, áo nhàu tóc rối, vừa đi cau có, lầm bầm. Đòi xong mấy xâu tiền nợ từ nhà đối diện, bà ta tiện tay vặt mấy quả chanh, sau đó vui vẻ trở về ăn. Đôi mắt đen lay láy sau song cửa âm thầm dõi theo từng bước chân bà ta trên con đường quen thuộc từ ngoài sân vào căn phòng lớn, nơi có chiếc đệm thêu đẹp đẽ và bữa cơm tươm tất luôn chờ đợi. Từng viên gạch, từng bậc thềm bà ta bước lên đều giống hệt hôm qua, hôm kia, và hôm kia nữa, như một thói quen.

Người đàn bà ngã sấp xuống sàn, cách chiếc đệm quen thuộc của mình chỉ mấy bước chân. Vũng máu dưới sàn càng lan rộng, đôi môi run rẫy kia càng trắng bệch, chỉ có thể phát ra tiếng rên la đứt quãng, nhỏ dần rồi lại nhỏ dần.

Người làng đều đã đi xem hội.

Trong nhà lại chẳng có ai ở đấy.

Chỉ có một đứa trẻ, người ngoài, vốn bị thương nên quanh quẩn suốt trong phòng, hờ hững chống cằm nhìn người đàn bà kia lịm dần, lịm dần rồi gục xuống.

Khi kịch hay đến lúc hạ màn, nó lại tiếp tục trùm chăn ngủ.

...

Lúc đứa trẻ người ngoài kia tỉnh dậy, ngôi nhà nhỏ ấy lại lao xao.

Cô bé láng giềng giúp bạn về nhà lấy giấy bút rồi phát hiện cảnh tượng chết chóc kia hồi lâu vẫn còn chưa hết sợ, ôm chặt mẹ khóc đến quên trời quên đất. Thầy lang già thất thểu ra khỏi cổng, bà mụ vườn cũng tặc lưỡi rời đi. Người vợ cả lau nước mắt, bà vú già đứng lặng thinh.

Thằng bé nọ đứng ngoài sân, thẫn thờ nhìn vào căn phòng tanh nồng mùi máu, đôi môi run run, hai tay nắm chặt. Ánh mắt nó lúc này không còn là thứ ánh mắt người ta không đoán được cảm xúc như ngày ấy, mà ẩn chứa quá nhiều cảm xúc hỗn độn, khiến người ta có thể nhìn thấu, nhưng lại như không nhìn thấy được gì.

Lúc nó phát hiện ra bàn tay lạnh ngắt run rẩy của mình đang được một bàn tay nóng hổi bao bọc lấy, đứa trẻ ốm yếu khoác chiếc áo gấm hoa lệ kia đã đứng cạnh nó tự lúc nào.

"Buồn à?"

Thằng bé nhìn đứa trẻ đang nắm tay mình, ngần ngừ một lúc, cuối cùng khẽ gật đầu.

"Nếu không phải hôm nay ngươi tốt bụng giúp ta đi dán thông báo tìm người nhà, dì của ngươi có lẽ đã được cứu chữa kịp thời." Giọng đứa trẻ ấy rất nhỏ, chỉ đủ để người bên cạnh mình nghe. "Nên nếu có lỗi thì đó là lỗi của ta, còn ngươi chỉ là làm việc tốt không đúng lúc thôi."

Thằng bé nọ im lặng hồi lâu, như đang chìm vào một thế giới hư vô nào đấy.

Sau cùng, khoé môi nó hiện lên một nụ cười kín đáo. Tay đã không còn lạnh, môi đã chẳng còn run.

Hai hôm sau, ngay trong tang lễ của người vợ lẽ, gia đình người chồng quá cố kéo sang chửi mắng, đòi đuổi đôi mẹ góa con côi người vợ cả ra khỏi căn nhà ấy. Người vợ cả quỳ dưới chân mẹ chồng, cúi đầu cam chịu tất cả những lời nhục mạ, đến nửa câu cũng không phản kháng. Còn thằng bé kia, bình thường luôn cố đứng ra bảo vệ mẹ lúc này chẳng rõ biến đi đâu mất.

Không lâu sau, một toán lính giáo gươm oai vệ bất ngờ ập vào nhà trong sự sửng sốt của tất cả mọi người. Phía sau toán lính là quan phủ, người mà phường dân đen như những kẻ trong nhà chả bao giờ thấy mặt. Đứng hầu bên cạnh ông ta là quan huyện, khúm núm đứng sau quan huyện là gã chuyên thảo công văn trong phủ quan, cũng là chồng người đàn bà đang mạt sát người vợ cả.

Họ sợ hãi khoanh tay nghe răn dạy, cuối cùng tim đập chân run kéo nhau về. Thằng bé đứng tựa vào cánh cửa, cúi đầu làm động tác như đưa tiễn.

Muốn chống lại những kẻ cường quyền đoạt lý chỉ có thể dùng cường quyền đoạt lý.

"Trở vào từ biệt mẹ ngươi đi, sáng mai ta sẽ lên đường." Đứa trẻ kia giọng nhẹ như mây, xa cách nhưng từ tốn.

Thằng bé khẽ gật đầu, xoay người đi, đôi mắt hạnh bất chợt long lanh nước.

Gió thổi đến, lá thu lướt qua mái tóc tơ mềm, rơi phớt qua bàn tay người ở lại.

Sau này, rất nhiều lần thằng bé từng hỏi đứa trẻ kia: "Tại sao lại chọn tôi?", nhưng câu trả lời nó nhận được lúc nào cũng chỉ có một, như có như không: "Vui thôi."

Trong căn nhà ấy, vũng máu hai hôm trước thấm xuống vẫn còn chưa phai hết, nhưng vệt dầu dừa óng ánh hòa vào máu trên sàn đã bị lau dọn sạch sẽ không còn chút vết tích nào.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro