Chương 2 - Tài xế

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

"Mặt cứng đơ vậy? Cười lên!"

Hoài Bảo tay cầm thước gỗ vỗ vỗ vào lưng tôi. Tôi gượng gạo nở một nụ cười cho vừa ý nó. Nhưng Hoài Bảo vẫn không hài lòng, nó chau mày, ánh mắt dán vào người tôi, dò xét.

"Cái mặt của mày cứ đăm đăm như vậy thế nào cũng bị loại!"

"Nhưng tao đã cười rồi còn gì?"

"Ca sĩ thì ánh mắt phải có hồn. Nhìn nè!"

Hoài Bảo kêu tôi nhìn nó, rồi nó bắt đầu thị phạm. Nó mở mắt một cách "hờ hững" (theo lời nó nói là thế), phóng ánh nhìn xa xăm. Miệng nó thao thao bất tuyệt về cách hút hồn giám khảo bằng đôi mắt trong khi tôi thấy nó chẳng khác nào một thằng đang trong cơn nghiện thuốc (!) Tôi nhìn nó một cách đầy "khinh bỉ" và dặn lòng có chết cũng không thể bắt chước theo nó được.

"Tởm chết đi được!"

Thụy Vy ném một cái cùi bắp vào người Hoài Bảo để ngăn chặn sự phấn khởi của thằng con trai có máu phụ nữ này. Hoài Bảo bị ném trúng, nó la oai oái mấy tiếng "Dơ, Dơ!" rồi ngoan ngoãn nhặt cái cùi bắp đang nằm lăn lóc dưới đất cho vào thùng rác. Tuy là một thằng đành hanh, nhưng ý thức bảo vệ môi trường chung của Bảo rất đáng tuyên dương và mang ra làm tấm gương sáng cho mọi người.

"Thế bồ tính hát bài gì?"

Bách Hợp kéo câu chuyện trở về đúng với mục đích ban đầu của "cuộc họp khẩn cấp" này. Từ lúc tôi nhận được tin nhắn thông báo được tham gia vào vòng tuyển chọn đầu tiên của ROME, ba đứa bạn tôi là những người hào hứng hơn cả. ROME là đại diện, là bộ mặt của trường. Câu lạc bộ này có "máu mặt" nhất trường tôi là bởi vì những thành tích mà các thành viên của ROME đã đạt được. Không những trong khuôn viên nhà trường, mà những cuộc thi âm nhạc của thành phố, thậm chí thuộc cấp độ quốc gia cũng có mặt ít nhất một người của ROME. Và đa phần những người khi có bước đi ổn định từ ROME, sau này đều thành danh ở lĩnh vực âm nhạc.

Có lẽ đám bạn tôi đang trong đà định hướng tương lai cho tôi. Bọn nó đã đúng một phần, tôi thích hát và thích những gì liên quan đến nhạc. Tôi có đôi tai cảm âm tốt nhưng lại chẳng có điều kiện để phát triển. Cơ bản là gia đình tôi không ủng hộ chuyện tôi theo đuổi thứ âm nhạc mà họ luôn cho là phí công hoài sức. Nhưng gia đình cũng đúng, không phải ai theo đuổi đam mê đều thành công. Thứ mà những người trẻ chúng tôi nhìn thấy là bề nổi của tảng băng chìm, ví như chúng tôi thấy đam mê là thứ cần thực hiện, còn người lớn lại nghĩ tốt nhất là nên nuôi được bản thân mình trước đã.

"Hay hát Cây vĩ cầm đi?"

Thụy Vy gợi ý khi thấy tôi nghĩ ngợi rất lâu sau câu hỏi của Bách Hợp, chắc nó đoán được tôi vẫn chưa chọn được bài. Trước khi Thụy Vy nhắc đến Cây vĩ cầm, tôi cũng đã có ý định sẽ hát bài đấy vào vòng tuyển chọn. Cuộc thi hát vào năm lớp bảy tôi từng đề cập đến cũng là lần đầu tiên tôi hát bài này. Lần đấy tôi không tập dợt gì nhiều, chỉ đơn giản đứng trước mặt ban giám khảo rồi hát bằng bản năng. Cây vĩ cầm là bài hát rất khó với quãng rộng trải dài từ trầm đến cao. Nếu chọn bài này, chắc chắn kết quả sẽ là được ăn cả ngã về không. Bởi vì nếu hát tốt thì sẽ là một phần trình diễn hay, còn nếu lỡ xảy ra sơ suất thì ắt hẳn tôi sẽ không còn một cơ hội nào nữa.

"Cũng được."

Tôi đáp bằng giọng điệu chỉ có một nửa phần tự tin. Tôi không chắc mình có thể chinh phục được quãng cao của bài này vì giọng tôi vốn dĩ không khỏe để ngân nốt. Tôi cũng không có kỹ thuật thanh nhạc, nói chung tôi chỉ là một tay mơ biết hát mà thôi.

***

Ngày "thứ bảy tuần sau" của dòng tin nhắn trôi đến nhanh hơn tôi tưởng tượng.

Trước hôm thi tuyển một ngày, Bách Hợp kéo tôi vào một cửa tiệm quần áo và bắt tôi chọn một bộ thật oách. Gu thời trang của tôi từ trước đến nay đều đề cao tính đơn giản, thế nên tôi chẳng biết mặc gì thì gọi là "oách" cả. Bách Hợp đứng nghĩ ngợi hồi lâu, sau đó bắt đầu lựa chọn. Nó chọn đồ rất nhanh, nhưng nghiễm nhiên lúc tôi mặc vào lại rất phù hợp. Áo cánh tiên nhưng không hề lỗi mốt, chân váy xòe che chắn chiếc đùi chẳng mấy thon thả của tôi. Tôi ngắm mình trong gương một hồi lâu, sau đó hài lòng với vẻ ngoài hiện tại. Cô bạn của tôi cười một cái, vô cùng xán lạn.

Hội trường của trường tôi rất "xịn", nhìn sơ qua chẳng khác nào thính phòng thu nhỏ của nhà hát thành phố. Có đèn sân khấu, máy chiếu, và cả điều hòa. Chẳng gì sung sướng bằng việc nghĩ đến nếu tôi được chọn vào ROME, tôi sẽ biểu diễn ở nơi sang chảnh này thường xuyên. Ý nghĩ trong mơ đó thôi thúc tôi tự tin hơn một chút.

Tôi đến sớm hơn giờ quy định nửa tiếng, chỉ có lác đác vài người. Nhưng càng ngồi lâu, khán phòng bắt đầu trở nên náo nhiệt vì lượng thí sinh đông đảo. Và sau một hồi ngó nghiêng theo thói quen, tôi nhận ra có gần khoảng một trăm người sẽ thi tuyển ngày hôm nay. Tôi nhận ra tình hình, khẽ nuốt nước bọt "Lần này sẽ chẳng có một phần trăm cơ hội nào cho mình", tôi trộm nghĩ.

Tôi xoay người đủ kiểu, tay chân bắt đầu trở nên lạnh đi, mỗi lần hồi hộp đều như thế. Tôi xoa xoa hai lòng bàn tay vào nhau tìm chút hơi ấm, xung quanh tôi nhộn nhịp tiếng nói của mọi người. Từ lúc bắt đầu những ngày ở trung học phổ thông, tôi chẳng còn dạn dĩ giao tiếp như hồi cấp một, cấp hai nữa. Tôi trở nên khép kín, ít nói, và chẳng còn là đứa con gái ưa đấu võ mồm. Càng lớn tôi càng nhận ra mình như rơi vào một khoảng không trầm lặng, mà ở đó chỉ có một mình tôi riêng một góc trời.

Tôi cứ ngồi xoa tay như thế cho đến khi đôi bàn tay bị bao bọc bởi đôi bàn tay khác. Lớp da tay của người đó thô ráp nhưng lại ấm hơn hẳn tay tôi. Tôi ngước lên, khuôn mặt quen thuộc đập vào mắt.

"Lạnh thì để tui sưởi ấm cho nè!"

Tôi không biết Minh Quang cũng học trường này. Cơ bản là tôi chẳng chú ý xung quanh mình như thế nào cả, thứ tôi chú trọng bây giờ chỉ là làm thế nào để đỗ vào ROME thôi. Mà không biết thành ra tôi bị khớp, cứ im lặng không biết nói gì với người bạn cũ cùng lớp. Mà bị khớp nên hành động tôi cũng trở nên ngờ nghệch hơn, đến khi phát hiện ra thì tay tôi vẫn nằm gọn trong lòng bàn tay của cậu ấy.

"Buông, buông ra coi!" Tôi lí nhí trong miệng.

Thật lòng thì, tôi cũng có chút thinh thích Minh Quang. Cậu ấy không hẳn là đẹp trai xuất chúng, nhưng nhan sắc dễ gây thiện cảm. Hồi cấp hai tôi chẳng có cảm giác gì với chuyện yêu đương gà bông. Lúc làm lễ trưởng thành lớp chín, bọn bạn tôi giấu mấy lon bia trong cặp, nhân lúc thầy cô không để ý liền tráo với bình trà lớn để trên bàn. Thế là cả lớp tôi thay vì uống trà đá, thành ra cả bọn đều uống bia. Mà con nít ranh, biết bia rượu quái gì đâu, cuối cùng cả bọn say bí tỉ. Tôi chỉ nhấp môi có một chút thôi cũng thấy mặt mình nóng hừng hực, cơ thể trở nên mẫn cảm hơn bao giờ hết.

Tôi còn nhớ khi ấy Minh Quang không uống, cậu ấy thông minh đến mức vờ chuốc say cả bọn rồi thì giả vờ say theo. Tôi thấy hết, chỉ tưng tức trong bụng chứ không công khai vạch mặt cậu ấy. Dù sao thì Minh Quang không muốn uống mà cả bọn cứ ép nên bất đắc dĩ mới phải làm thế.

Ngặt nỗi, tôi uống bia xong thì không dám gọi cho ba mẹ. Chẳng hiểu sao lúc đó lại sợ nhị vị phụ huynh sẽ cho mình một trận đòn nhừ tử ngay ở cổng trường nên chẳng dám gọi họ đến rước. Mà hai đồng chí ba mẹ không rước thì tôi cũng chẳng còn cách nào để về nhà, thế là đành đi bộ. Nhà tôi cách trường hẳn mười lăm phút chạy xe máy nên đi bộ là cả quãng đường rất dài đối với cô học sinh lớp chín như tôi. Nhưng trong trạng thái ngà ngà say, tôi cũng chẳng để ý mình đã đi bộ trong bao lâu nữa. Chỉ biết là lúc tôi mở mắt sau một cơn ngủ mê, mẹ tôi mới bảo là bạn con chở về nhà.

Mà bạn tôi ấy - cả bọn đều say xỉn cả mà. Tôi cố lục trí nhớ, phát hiện ra chỉ có Minh Quang là đủ điều kiện và khả năng đưa tôi về. Tôi có hỏi và câu trả lời của cậu ấy là "Phương đi ra khỏi cổng trường được mấy bước thì lăn ra ngủ."

Khỏi phải nói, tôi xấu hổ chỉ muốn độn thổ. Đám bạn tôi thì không cần nhắc đến, tụi nó chọc tôi đến mức đỏ mặt tía tai, khóc không ra nước mắt mới tha cho. Còn cậu bạn đưa tôi về thì cười rất khoái trá.

Vì kỷ niệm kỳ quặc đó nên giữa tôi và Minh Quang luôn có một khoảng cách vô hình. Mà khoảng cách đó là từ phía tôi tạo ra. Chẳng hiểu sao mỗi lần nhìn thấy cậu ấy là tôi lại nhớ đến câu chuyện say xỉn chỉ vừa diễn ra vài tháng trước thôi. Chỉ là nghĩ đến thôi cũng khiến tôi rất ngại ngùng rồi.

"Phương bị bệnh à?" Hình như tôi lại đỏ mặt nên cậu ấy mới dò hỏi như thế. Tôi đúng là có bệnh.

"Ờ, tui bị bệnh thấy Quang là tim đập chân run." Nửa phần là đùa, nửa phần là thật. Tôi ngồi ngay ngắn lại, sau đó lấy ra trong cái túi nhỏ một chiếc kẹo mút. "Cho nè, ăn đi."

Minh Quang ngờ vực nhìn tôi. Chắc cậu cũng ngạc nhiên khi tôi làm thế. Nhưng rất nhanh thôi, cậu ấy đã đưa tay lấy chiếc kẹo và ngồi xuống bên cạnh tôi. Đoạn, Minh Quang bỏ cái kẹo vào túi áo, rồi nói "Casting xong tui ăn, ăn đồ ngọt trước khi hát làm mất giọng đó."

Câu nói của Minh Quang khéo léo đưa tôi về hiện thực. Tôi không nghĩ là cậu ấy có hứng thú với việc hát hò. Tôi cũng chưa từng thấy cậu ấy tham gia vào hoạt động văn nghệ nào của lớp hồi cấp hai. Tò mò nhiều hơn, tôi đánh liều thắc mắc.

"Quang cũng thích hát hả?"

Minh Quang nhướn mày nhìn tôi, độ chừng mấy giây sau mới trả lời.

"Không thích lắm. Mà tại nhỏ bạn cùng lớp lỡ nộp đơn đăng ký rồi. Không hiểu sao lại được chọn vào vòng audition đấy chứ."

Câu trả lời của cậu ấy nhanh chóng đưa tôi đến một mối quan tâm khác hấp dẫn hơn. Chứng tò mò cứ thôi thúc tôi không ngừng, rồi không chịu được nữa, tôi lại hỏi tiếp.

"Ai mà quan trọng thế?" Tôi bỏ lửng câu hỏi, nhưng không hiểu sao lại bồi thêm vào, "Bạn gái à?"

Tôi cũng chẳng rõ tại sao mình lại thắc mắc như thế. Chắc là vì chuyện gán ghép của lũ bạn hồi cấp hai khiến có một suy nghĩ vô hình luôn đeo bám tôi: Minh Quang và tôi là thật sự là một đôi. Tôi tỏ ra tò mò vì người "bạn trai" của mình thật sự nghe lời một cô bạn cùng lớp. Đó không phải là ghen tị, chỉ là tôi cảm thấy một chút mất mát. Dù cơ bản giữa tôi và cậu ấy chẳng có gì với nhau.

"Không hẳn." Minh Quang đáp, sau đó xoay người hướng về sân khấu hội trường, tỏ ý không muốn tiếp tục cuộc hội thoại với tôi.

Tôi cũng không gây khó dễ cho cậu ấy. Hai đứa tôi ngồi cạnh nhau, bất giác không gian trở nên mơ hồ xa cách. Tôi lấy điện thoại từ trong túi, đoạn gửi đi một tin nhắn.

[Thi tốt nha!]

Điện thoại của cậu bạn ngồi cạnh rung lên một tiếng, cậu ấy đọc tin nhắn, rồi ngước lên nhìn tôi. Lúc này Minh Quang mới có thể nở một nụ cười thân thuộc như cái ngày cậu ấy trêu tôi về chuyện say xỉn ấy.

"Phương cũng thi tốt."

***

Đúng như lời chúc của Minh Quang, tôi dự thi vòng tuyển chọn vô cùng trơn tru và trót lọt.

Không biết có phải tôi đã quá tự tin vào bản thân mình hay không, nhưng hình ảnh các anh chị thành viên của ROME lúc nghe tôi hát khiến tôi cảm thấy như được truyền động lực. Và cả cái cách giáo viên phụ trách nhìn tôi nữa. Tôi không biết diễn tả đôi mắt ấy như thế nào, chỉ biết là cô ấy đã khiến tôi thật sự muốn hát, thật sự muốn là chính mình.

Tôi bước ra khỏi hội trường cũng độ quá trưa, mặt trời đứng bóng khiến cái nắng trên cao càng thêm gay gắt. Ban sáng Thụy Vy là người hộ tống tôi đi, còn cẩn thận dặn tôi khi nào thi xong phải gọi nó đến rước. Nhưng bây giờ trưa nắng, chắc chắn cô bạn chí cốt của tôi đang say giấc nồng, tôi không nỡ làm gián đoạn giấc ngủ ngon lành của nó. Mà nếu không gọi nó, tôi cũng chẳng biết nhờ ai. Bách Hợp thì đi học vẽ, Hoài Bảo thì họp câu lạc bộ nhiếp ảnh, thành ra tôi cứ đứng ngơ ngác ở gốc cây trước cổng trường.

"Ê!" Cậu bạn chạy một chiếc xe đạp điện, vừa chạy đến đã ngoác mồm gọi tôi.

"Hả?"

"Lên xe tui chở về."

Đó là lần đầu tiên trong suốt mấy năm quen biết, Minh Quang tỏ ra tử tế với tôi. Điều đó khiến tôi cảm thấy vui vẻ hơn một chút. Nhưng nghĩ thế nào, cuối cùng tôi lại từ chối.

"Thôi, nhà tui với Quang ngược đường mà. Giờ trưa nắng lắm, Quang chạy vòng vòng ngoài đường là da cháy đen luôn đó."

Lời nói của tôi hoàn toàn xuất phát từ tâm, không hề có ý "cà khịa" cậu ấy. Nhưng mặt Minh Quang đen đi vài phần, sau đó nắm lấy cổ tay tôi kéo tới.

"Da tui đen sẵn rồi, đen thêm chút nữa có sao đâu."

Ban nãy tôi từ chối là thế, nhưng nghĩ đến viễn cảnh đi bộ về nhà giữa trời trưa nắng khiến tôi có chút ái ngại. Thật lòng thì tôi chỉ nói ngoài miệng thế thôi chứ được đưa về như vậy, ai mà không thích. Tôi mỉm cười leo lên yên sau, vui vẻ cài mũ bảo hiểm, tôi lên tiếng trêu.

"Quang đi học một mình mà đem hai cái mũ bảo hiểm à? Hay chở nhờ nhiều đứa lắm hả?"

Cậu ấy không trả lời ngay. Minh Quang cho xe chạy đi một quãng, sau đó mời đáp lời tôi.

"Bọn đực rựa thì nhiều. Còn Phương là người con gái đầu tiên."

Một câu trả lời hết sức bình thường nhưng khi được truyền vào tai tôi thì hơi "bất thường" một chút. Ý tứ câu nói của cậu ấy như thể tôi là một người vô cùng đặc biệt, là người "đầu tiên" được cậu ấy chở về nhà. Nghĩ đến đấy, tự nhiên tôi cảm nhận được sức nóng đang lan tỏa khắp người. Hẳn là tôi đang đỏ mặt rồi, tôi đoán là thế.

Minh Quang chạy xe rất cừ. Cậu ấy luôn để chiếc xe chạy ở vận tốc không quá nhanh cũng chẳng quá chậm. Mỗi khi sắp gặp phải đoạn đường đông đúc, cậu luôn tìm cách vòng sang đường khác. Vì lẽ đó, suốt quãng đường từ trường về nhà tôi luôn thoáng đãng và rợp bóng cây xanh chứ không náo nhiệt người là người. Tôi tận hưởng quãng thời gian ngồi sau lưng của cậu một cách đầy hứng khởi. Tôi như sống lại thời điểm mình còn nhỏ xíu lúc bé, vô lo vô nghĩ, cứ thế mà tiến về phía trước.

Chẳng mấy chốc, khung cảnh quen thuộc dần hiện ra trước mắt. Càng gần đến nhà tôi, chiếc xe càng đi chậm lại. Chậm đến mức tính kiên nhẫn trong tôi như dần mất đi. Tôi vỗ vào lưng Minh Quang, lên tiếng giục.

"Quang chạy chậm như rùa thế? Sắp tới nhà tui rồi kìa."

Thấy tôi cứ giục, Minh Quang đành chạy nhanh hơn một chút. Nhà tôi nằm sâu trong một con hẻm nhỏ. Vì ở cuối đường nên khoảng sân trước nhà chẳng có ai thèm ngó ngàng. Thành ra chỗ trống đấy nghiễm nhiên thành sân chơi của tôi lúc nhỏ. Mấy năm nay ba tôi kê một cái bàn và mấy cái ghế nhựa để vừa sẵn ngồi nhìn hàng xóm, vừa có chỗ để tôi rủ bạn đến học nhóm. Thật ra thì tôi chỉ có nhiều bạn cũ cấp hai. Từ ngày lên trung học phổ thông, chẳng hiểu sao tôi rất lười kết thêm bạn mới. Nên chỗ sân trước nhà đợt này trống trơn, chẳng còn nhộn nhịp như hồi mấy năm trước nữa.

Thường thường, Thụy Vy lúc đón tôi đi hay đưa tôi về đều dừng xe trước đầu hẻm để tôi tự đi bộ vào. Nhưng Minh Quang siêng hơn thế. Cậu ấy chạy đến đầu hẻm thì rẽ luôn vào, tôi đã chuẩn bị sẵn sàng để nhảy xuống xe thì đột ngột bất ngờ. Tôi đập nhẹ mấy cái vào lưng cậu, chỉ chỉ ra sau lưng.

"Quang chạy vào làm gì? Để tui ở đầu hẻm được rồi."

"Gì?" Minh Quang ngoảnh mặt lại "Giúp thì giúp cho trót chứ."

Đoạn đường từ đầu hẻm vào đến nhà tôi ngắn thôi, đi vài chục bước đã tới. Thế nên cũng chỉ sau câu nói của Minh Quang, chiếc xe đã dừng ngay ngắn trước khoảng sân trống trước nhà. Tôi leo xuống xe, cởi mũ bảo hiểm, rồi vui vẻ cảm ơn cậu bạn tốt.

"Có gì mà cảm ơn." Minh Quang đưa tay nhận lại mũ, còn tặc lưỡi bảo tôi khách sáo.

Tôi kéo nhẹ vành tai, lại nói "Thì Quang đưa tui về tận nhà luôn nè. Phải cảm ơn chứ!"

Lần này thì cậu ấy im lặng chừng mấy giây, hình như tính nói gì đó, sau lại thôi. Điệu bộ ngập ngừng của Minh Quang khiến tôi tò mò, tôi đánh nhẹ vào cánh tay cậu ấy, rồi dí mặt gần cậu ấy chút nữa, ra chiều nguy hiểm.

"Sao hả? Muốn tỏ tình với tui nên ngại à?"

Tôi trêu là thế, ấy vậy mà bộ dạng của Minh Quang trở nên lúng túng. Cậu ấy ngập ngừng, tay đưa lên như muốn gãi đầu, nhưng trên đó vẫn là cái mũ bảo hiểm. Tôi phì cười vì điệu bộ ngốc nghếch đó, rồi phủi tay.

"Diễn tuồng gì vậy?" Tôi bật cười "Không nói thì về nhanh đi để tui còn vô nhà."

Tui xoay lưng, giả vờ bước đi. Nhưng cánh tay đột ngột bị kéo lại, tôi quay đầu, bàn tay của Minh Quang đang nắm chặt lấy cổ tay tôi.

"Ừm, tui, Phương..." Minh Quang ấp úng "Phương nói ba khỏi cần chở Phương đi học nữa."

"Hả?"

"Từ giờ tui làm tài xế cho Phương."

"Gì... Gì cơ?" Tôi hốt hoảng.

"Kể từ thứ hai, tui sẽ làm tài xế cho Phương!"

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro