Truyền kỳ về Gia Cát Lượng

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

[Chanhkien.org] Gia Cát Lượng là một nhà quân sự nổi tiếng phò tá Lưu Bị của nhà Thục Hán thời Tam Quốc (220-280 SCN). Ông thường được mô tả là mặc một chiếc áo choàng dài và tay phe phẩy chiếc quạt bằng lông hạc.

Hồi nhỏ, khi Gia Cát Lượng lên 8, 9 tuổi vẫn chưa biết nói, gia cảnh lại nghèo, do đó phụ thân ông đã để ông chăn cừu trên một ngọn núi ở gần đó.

Trên núi có một đạo quán, trong đạo quán có một lão đạo sĩ tóc bạc. Lão đạo sĩ mỗi ngày đều ra ngoài đi du ngoạn. Một ngày nọ, ông trông thấy Gia Cát Lượng và thử trêu đùa cậu bé, thì cậu bé cũng đùa lại với ông. Từ đó Gia Cát Lượng và lão đạo sĩ thường trò chuyện với nhau bằng cách ra dấu tay. Lão đạo sĩ thấy Gia Cát Lượng thông minh khả ái nên đã tiện thể trị bệnh cho cậu. Không lâu sau, bệnh câm của Gia Cát Lượng đã được chữa khỏi.

Khi có thể nói được, Gia Cát Lượng vô cùng cao hứng; cậu hướng về lão đạo sĩ để bái tạ. Lão đạo sĩ nói: “Hãy về nhà nói với cha mẹ rằng ta sẽ thu con làm đồ đệ, dạy con biết đọc biết viết, học thiên văn địa lý, và phép dùng binh bằng Âm Dương Bát Quái. Nếu cha mẹ con đồng ý, thì hằng ngày con hãy đến đây học, không được bỏ buổi nào.”

Kể từ đó, Gia Cát Lượng bái lão đạo sĩ làm sư phụ. Bất chấp gió mưa, hàng ngày Gia Cát Lượng đều lên núi nghe giảng. Cậu thông minh hiếu học, chuyên tâm ghi nhớ, sách chỉ xem qua là đã hiểu, nghe giảng xong là đã nhớ. Vì thế lão đạo sĩ ngày càng thêm quý mến cậu.

Nháy mắt đã bảy, tám năm trôi qua.

Một ngày nọ, khi Gia Cát Lượng đang xuống núi và đi qua một cái “am” bỏ hoang, thì bất ngờ một trận cuồng phong thổi tới, kèm theo mưa gió rợp trời dậy đất. Gia Cát Lượng vội lánh vào trong am để trú mưa, thì bỗng nhiên, một người con gái cậu chưa từng trông thấy tới nghênh đón cậu vào trong nhà. Chỉ thấy cô gái này mày nhỏ mắt to, mảnh mai kiều diễm, tựa như tiên nữ hạ phàm. Gia Cát Lượng cảm thấy bị cuốn hút bởi cô gái. Khi trời tạnh mưa, cô gái tiễn cậu ra cửa, cười nói: “Hôm nay chúng ta coi như đã biết nhau. Từ nay về sau khi lên núi xuống núi thì xin hãy qua đây nghỉ ngơi và dùng trà.” Lúc Gia Cát Lượng từ trong “am” đi ra ngoài thì thấy có hơi chút kỳ quái, làm sao nơi chưa từng đến này lại có người ở.

Từ đó về sau, mỗi lần Gia Cát Lượng tới am, người con gái không chỉ ân cần tiếp đãi, mà còn có thịnh tình muốn giữ lại dùng cơm. Ăn cơm xong hai người không chỉ cười nói mà còn đánh cờ giải khuây. So với đạo quán, nơi đây quả thực là một thế giới khác hẳn. Gia Cát Lượng bắt đầu mê muội mà không tự nhận ra.

Tâm trí Gia Cát Lượng trở nên bị ảnh hưởng, và cậu cảm thấy chán nản khi học tập. Sư phụ giảng đến đâu thì quên đến đó, lời giảng đi vào tai này rồi xuất ra tai kia, không thể ghi nhớ, lúc đọc sách thì không biết là nói về cái gì, càng xem càng không nhớ.

Lão đạo sĩ biết có vấn đề, bèn gọi Gia Cát Lượng đến, thở dài một tiếng rồi nói: “Hủy cây thì dễ, trồng cây thì khó. Ta đã tốn quá nhiều công sức vì ngươi rồi.”

Gia Cát Lượng nghe sư phụ nói biết có chuyện, vội cúi đầu nói: “Sư phụ! Con sẽ không cô phụ một phen khổ tâm của ngài.”

“Lời này hiện tại ta không thể tin”, lão đạo sĩ nhìn Gia Cát Lượng và nói. “Ta thấy ngươi là đứa trẻ thông minh, định dạy ngươi thành tài, nên mới trị bệnh cho ngươi, thu ngươi làm đồ đệ. Mấy năm trước ngươi thông minh cần mẫn, sư phụ ta khổ tâm dạy ngươi cũng không cảm thấy khổ; nào ngờ giờ đây ngươi từ cần mẫn thành lười nhác, tuy thông minh mà cũng uổng công, lại còn nói sẽ không cô phụ một phen khổ tâm của ta, ta tin sao được?”

Lão đạo sĩ lại nói: “Gió không thổi, cây không động, thuyền không đảo, nước không đục.” Nói rồi chỉ vào cây cổ thụ bị rất nhiều dây mây cuốn vào ở trong sân cho Gia Cát Lượng xem. “Ngươi xem, cái cây kia tại sao sống dở chết dở, không thể tăng trưởng lên được?”

“Bởi vì dây mây cuốn rất chặt vào nó khiến nó không lớn được”, Gia Cát Lượng đáp.

“Đúng rồi, cái cây này ở trên núi, nơi đất đá khô cằn, rất cực khổ nhưng vẫn sống tốt vì nó quyết chí mọc rễ xuống dưới, đâm cành lên trên, không sợ nóng, không sợ lạnh, nên càng ngày càng cao lớn. Thế nhưng cái dây mây chỉ cuốn một lúc mà nó đã không lớn lên được, đây gọi là ‘lạt mềm buộc chặt’ đấy!”

Vốn thông minh nhanh trí, Gia Cát Lượng không giấu giếm mà hỏi ngay sư phụ: “Sư phụ, sao ngài biết chuyện?”

Lão đạo sĩ nói: “Gần nước biết tính cá, gần núi rõ tiếng chim. Ta xem thần sắc ngươi, quan sát hành động của ngươi, còn không biết tâm sự của ngươi hay sao?” Lão đạo sĩ ngừng lại một lúc rồi nghiêm sắc mặt, nói: “Nói thật cho ngươi rõ, đứa con gái mà ngươi thích kia chẳng phải là người, nó nguyên là một con tiên hạc trên Thiên Cung, chỉ vì ăn vụng hội bàn đào của Vương Mẫu mà bị Thiên Cung đánh hạ xuống để chịu khổ. Tới nhân gian, nó hóa thành mỹ nữ, văn võ thì không, cày bừa chẳng biết, chỉ biết tầm hoan tác nhạc. Ngươi thấy tướng mạo nó đẹp, nhưng nó chỉ biết có ăn ngủ thôi. Ngươi cứ thần hồn điên đảo thế này, cuối cùng chẳng làm nên trò trống gì đâu. Nếu không theo nó chiều ý nó, nó còn làm hại ngươi.”

Gia Cát Lượng nghe xong sợ quá, vội hỏi xem phải làm sao.

Lão đạo sĩ nói: “Con tiên hạc này có thói quen, là mỗi khi đêm đến thì nó hiện nguyên hình, bay lên thiên hà tắm rửa. Lúc ấy, ngươi tiến vào phòng nó, lấy y phục nó đem đốt đi, y phục nó là mang từ trên Thiên Cung xuống. Bị đốt rồi thì nó không thể hóa thành mỹ nữ được nữa.”

Gia Cát Lượng nghe lời sư phụ dặn dò và rời đi. Trước khi đi, lão đạo sĩ đưa cậu một cây gậy đầu rồng và nói: “Con hạc này khi phát hiện trong am phát hỏa, sẽ lập tức từ thiên hà phi trở xuống, gặp ngươi đang đốt xiêm y của nó, tất không chịu thua. Nếu nó làm hại ngươi, hãy dùng quải trượng này đánh nó, nhớ đấy!”

Giờ Tý đêm hôm đó, Gia Cát Lượng nhẹ nhàng vào trong am, mở cửa phòng, quả nhiên thấy trên giường có một bộ xiêm y, nhưng không thấy người đâu. Cậu lập tức nhóm lửa đốt cháy bộ xiêm y.

Tiên hạc đang lúc tắm rửa trên thiên hà, đột nhiên thấy trong lòng bất an, vội vàng đi xuống nhìn quanh thì thấy trong am có lửa, vội vàng hét to rồi phi trở xuống. Khi thấy Gia Cát Lượng đang đốt xiêm y, nó nhào tới và dùng mỏ mổ vào mắt Gia Cát Lượng. Gia Cát Lượng nhanh mắt nhanh tay, cầm lấy quải trượng, lập tức đánh con hạc rớt xuống đất. Cậu vội chìa tay ra chộp nhưng chỉ nắm được cái đuôi. Tiên hạc liều mạng vùng vẫy thoát ra, vỗ cánh thật mạnh rồi bay vọt lên không trung, nhưng đám lông đuôi thì bị Gia Cát Lượng giứt đứt hết.

Tiên hạc bị cụt đuôi, không còn giống những tiên hạc khác trên Thiên Cung nữa nên vô cùng xấu hổ. Từ đó nó không dám lên thiên hà tắm rửa nữa, cũng không thể biến lại thành mỹ nữ vì đã bị đốt mất xiêm y, đành vĩnh viễn ở tại nhân gian, chui vào lẫn lộn với bầy bạch hạc.

Từ đó Gia Cát Lượng không quên bài học này, đem đám lông đuôi tiên hạc đi cất giữ cẩn thận, lấy đó làm tấm gương để răn mình.

Từ đó về sau Gia Cát Lượng ngày càng cần mẫn, phàm sư phụ giảng gì, đọc sách gì thì đều ghi nhớ, tâm lĩnh thần hội, biến chúng thành thứ của bản thân mình. Lại qua một năm nữa, đúng vào ngày Gia Cát Lượng đốt họa bì của mỹ nữ, lão đạo nhân cười nói với Gia Cát Lượng: “Đồ đệ này, ngươi theo ta đã chín năm rồi, sách gì cần đọc thì đã đọc rồi, điều gì cần truyền thụ thì đã nghe rồi. Có câu nói ‘sư phụ lĩnh tiến môn, tu hành tại cá nhân’, ngươi nay đã 18 tuổi rồi, còn cần lập gia đình, ngươi hãy tự mình xử lý mọi việc.”

Gia Cát Lượng thấy sư phụ nói đã “học xong”, bèn vội vàng khẩn cầu, nói: “Sư phụ, đồ đệ càng học càng thấy học thức nông cạn, con nguyện ở lại với ngài học thêm bản lĩnh.”

“Bản lĩnh chân chính cần phải trong khi thực hành mới có thể đạt được. Sách đã học rồi, còn cần xem Trời Đất thiên biến vạn hóa thế nào, tùy thời mà chuyển, tùy cơ ứng biến, mới có thể hữu dụng được! Hãy lấy con tiên hạc kia làm bài học giáo huấn, từ nay chớ lại để tình sắc làm mê đắm nữa, đây là giáo huấn trực tiếp; hết thảy sự việc trên đời đều không được để giả tướng mê hoặc, nhất định phải xử lý cẩn thận, phải thấy rõ bản chất mới được. Đây coi như lời dặn dò lúc chia tay! Hôm nay ta phải đi đây!”

“Sư phụ, ngài định đi đâu?” Gia Cát Lượng kinh ngạc hỏi. “Từ nay con biết đến đâu tìm ngài?”

“Vân du bốn biển, không có định hướng”, lão đạo sĩ đáp.

Nhất thời không biết làm sao, Gia Cát Lượng nước mắt tuôn rơi, nói: “Sư phụ nhất định phải đi, thì xin nhận đồ đệ một bái, gọi là cảm tạ đại ân dưỡng dục.”

Gia Cát Lượng cúi mình làm lễ, lễ xong ngẩng đầu lên thì đã không thấy sư phụ đâu nữa. Từ đó cũng không nghe nói tung tích của lão đạo sĩ nữa.

Lão đạo sĩ trước khi đi đã đưa cho Gia Cát Lượng một vật, chính là bộ y phục Bát Quái mà sau này ông thường xuyên mặc.

Gia Cát Lượng hoài niệm sư phụ, thường mang chiếc áo Bát Quái trên người, coi như vĩnh viễn cõng sư phụ trên lưng. Gia Cát Lượng không quên giáo huấn của sư phụ, nhất là lời dặn dò lúc chia tay, đặc biệt thường mang theo mình chiếc quạt bằng lông vũ, không rời khỏi tay, để tự răn mình phải hành sự thận trọng. Đây chính là lai lịch chiếc quạt lông vũ trên tay Gia Cát Lượng.

Nghệ thuật thuyết phục của Gia Cát Lượng

—Từ liên minh Tôn-Lưu kháng Tào thấy nghệ thuật thuyết phục của Gia Cát Lượng

[Chanhkien.org] «Tam quốc diễn nghĩa» nổi bật ở một chữ “nghĩa”: Ba anh em Lưu, Quan, Trương kết nghĩa vườn đào; Quan Công ba lần giữ Thổ Sơn, một ngựa vượt năm ải chém sáu tướng; Quan Vân Trường vì nghĩa tha Tào Tháo; Quan Vân Trường vì nghĩa tha Hoàng Hán Thăng; Trương Dực Đức vì nghĩa tha Nghiêm Nhan, v.v. Ngoài nổi bật một chữ “nghĩa” ra, «Tam quốc diễn nghĩa» cũng miêu tả thế nào là “trí tuệ”. Trong rất nhiều tình tiết đấu trí trong «Tam quốc diễn nghĩa», xuất sắc nhất là đoạn Tôn-Lưu liên hợp kháng Tào, hỏa thiêu Xích Bích. Từ câu chuyện Tôn-Lưu liên hợp kháng Tào, chúng ta có thể thấy nghệ thuật thuyết phục của Gia Cát Lượng.

Tào Tháo đốt lương tại Ô Sào phá Viên Thiệu, sau lại uy bức Giang Nam, Kinh Châu đã đầu hàng Tào Tháo, bởi vậy kẻ địch ngăn Tào Tháo bình định Giang Nam chỉ còn có Lưu Bị và Tôn Quyền. Tháo bèn phát hịch cho Tôn Quyền ở Đông Ngô: “Ta phụng mệnh vua, đánh kẻ có tội. Cờ trỏ về nam, Lưu Tôn phải bó tay, dân Kinh Tương nghe thấy tin, răm rắp hàng phục. Nay thống lĩnh trăm vạn hùng binh, nghìn viên thượng tướng, muốn cùng với tướng quân họp săn ở Giang Hạ, để đánh Lưu Bị, cùng chia đất đai, giao hảo với nhau mãi mãi. Xin đừng ngờ vực, trả lời ngay cho”. Đây chính là kế “mượn đường diệt Quắc” [1], trước diệt Lưu Bị, sau diệt Đông Ngô.

Trước sự truy bức của Tào Tháo, Lưu Bị chỉ còn cách liên minh với Đông Ngô để kháng Tào, hình thành thế chân vạc. Tuy nhiên khi ấy Đông Ngô vẫn đang lưỡng lự là nên đánh hay là hàng. Cũng bởi Tào Tháo một mặt mượn danh thiên tử để hiệu lệnh chư hầu, mặt khác lấy trăm vạn hùng binh uy hiếp Giang Nam, do đó nếu kháng Tào không thành, cơ nghiệp ba đời của Giang Đông sẽ không cánh mà bay, bởi thế rất nhiều mưu sĩ Đông Ngô đều chủ trương “hàng thì dễ yên, đánh thì khó thắng“. Trước vấn đề kháng Tào, Tôn Quyền vẫn còn do dự: vừa không muốn chịu áp chế của Tào Tháo, lại sợ không đánh nổi quân giặc đông. Vì thế để hình thành liên minh Tôn-Lưu, điều cốt yếu nhất là phải thuyết phục Tôn Quyền kháng Tào.

Thuyết phục Tôn Quyền không phải là dễ, mưu sĩ tâm phúc của Tôn Quyền là Lỗ Túc khuyên Tôn Quyền rằng: “Mọi người, ai cũng có thể hàng Tào Tháo được, duy có tướng quân thì không hàng được. Như Lỗ Túc này mà hàng, thì Tháo phong cho làm quan, áo gấm về làng, mà cũng không phải mất đất đai gì cả. Tướng quân mà hàng Tào thì về đâu? Chức tước bất quá phong hầu là cùng, xe một cỗ, ngựa một con, đầy tớ vài ba người, muốn ngồi ngoảnh mặt về nam mà xưng cô [2] có còn được nữa không?” Lời của Lỗ Túc mặc dù đã động đến chỗ tự ái và khiến Tôn Quyền rất xúc động, nhưng vẫn chưa đánh tan được sự lưỡng lự của Tôn Quyền.

Khi Tôn Quyền nghe có Ngọa Long tiên sinh đến Đông Ngô, liền nghĩ ngay đến hỏi kế Gia Cát Lượng. Nhưng trong cuộc hội kiến, Tôn Quyền lại dẫn một đám mưu thần Đông Ngô tới, vừa cho Gia Cát Lượng thấy Giang Đông cũng có người tài, lại xem Gia Cát Lượng có thể thuyết phục những người chủ trương đầu hàng hay không. Từ đó dẫn tới cuộc khẩu chiến giữa Gia Cát Lượng và đám quần Nho. Trong cuộc đấu trí này, Gia Cát Lượng mạnh mẽ biện giải khi bị căn vặn, hoặc dẫn ra điển cố, hoặc mượn cổ dụ kim, hoặc lấy ví dụ Lưu Bị thắng Tào Tháo, khiến những người căn vặn hoặc cứng họng, hoặc chỉ biết ngồi im và cảm thấy xấu hổ.

Thuyết phục của Gia Cát Lượng với Tôn Quyền là trước thì nói khích, sau mới khuyên nhủ. Tôn Quyền sợ quân Tào nhiều, Khổng Minh càng phóng đại Tào Tháo binh nhiều tướng giỏi, lại khuyên Tôn Quyền đừng đánh mà hãy sớm ngoảnh mặt về phương Bắc mà hàng. Tôn Quyền nói: “Nếu quả như lời ông, thì sao Lưu Dự Châu không hàng Tào đi?” Khổng Minh đáp: “Ngày xưa Điền Hoành [3] là một tráng sĩ nước Tề còn biết giữ nghĩa không chịu nhục, huống chi Lưu Dự Châu là tôn thân nhà Hán, anh hùng lừng lẫy trên đời, kẻ sĩ thảy đều trông mong. Việc không xong là bởi trời, có đâu lại chịu luồn cúi người ta?” Tôn Quyền nghe Khổng Minh nói xong, nét mặt hầm hầm, rũ áo đứng dậy, lui vào nhà sau. Các quan cùng tủm tỉm cười và giải tán. Họ đâu biết Khổng Minh đang khích ý chí đế vương của Tôn Quyền, nên khi Tôn Quyền nghe Lỗ Túc nói Khổng Minh có diệu kế phá Tào, Tôn Quyền vội đổi giận làm vui và đi hỏi ngay. Tôn Quyền hỏi: “Tào Tháo vốn chỉ ghét Lã Bố, Lưu Biểu, Viên Thiệu, Viên Thuật, Lưu Dự Châu với tôi mà thôi. Nay đã trừ được cả, duy chỉ còn Dự Châu với tôi. Tôi không thể đem cả nước Ngô dâng cho người ta được. Kế của tôi đã quyết, nhưng khi Lưu Dự Châu giúp cho thì cũng không ai đương nổi được Tào Tháo bây giờ. Mà Dự Châu lại vừa mới thua trận, làm thế nào mà chống được nạn này“. Khổng Minh đáp: “Dự Châu tuy mới thua, nhưng Quan Vân Trường còn thống lĩnh hàng vạn tinh binh; Lưu Kỳ ở Giang Hạ cũng có chừng vạn quân sĩ. Quân Tào Tháo từ xa đến, tất cũng mỏi mệt; mới đây, lại đuổi Dự Châu, quân khinh kỵ đi ba trăm dặm một ngày, khác nào nỏ cứng giương lên đã đuối sức, chưa chắc bắn thủng được mảnh lụa mỏng. Vả lại người phương bắc không quen đánh thuỷ; quân dân ở Kinh Châu gặp thế bí phải phục Tào, chớ không phải là tự nguyện. Nay tướng quân thật muốn đồng tâm hiệp lực với Dự Châu, thì làm gì không phá được Tào Tháo? Quân Tào mà bị phá, tất phải kéo về bắc, thì thế Kinh, Ngô lại mạnh, mà hình thành thế chân vạc được. Cơ hội được thua, chỉ trong lúc này, xin tướng quân hãy nghĩ cho kỹ mà quyết đi!” Quyền mừng lắm, nói: “Mấy lời của tiên sinh, thật đã làm sáng mắt tôi. Ý tôi đã quyết, không còn hồ nghi gì nữa“. Ngay hôm ấy, Tôn Quyền bàn bạc cất quân để cùng đi phá Tào Tháo. Đây chính là cơ sở ban đầu cho liên minh Tôn-Lưu sau này.

Khổng Minh biết rằng Tôn Quyền tuy đã đưa ra quyết định, nhưng cơ sở liên minh Tôn-Lưu vẫn chưa ổn định, và còn một nhân vật đứng ngăn ở giữa là Chu Du. Chu Du chủ trương kháng Tào, Chu Du và Lỗ Túc thân với nhau nhất, nhưng Chu Du lại nói với Lỗ Túc trước mặt Khổng Minh: “Tào Tháo mượn tiếng thiên tử, thì không nên kháng cự; vả lại thế Tào to lắm, chưa dễ địch nổi. Đánh thì tất thua, mà hàng thì dễ yên. Ý ta đã quyết, ngày mai ta vào hầu chúa công xin sai sứ đi hàng Tào“. Mục đích Chu Du là để phía Lưu Bị phải cầu Đông Ngô, từ đó đưa ra yêu sách. Hai người Chu Du và Lỗ Túc cùng tranh luận, Khổng Minh chỉ ngồi thu tay cười mát. Khi được hỏi tại sao cười, Khổng Minh nói cười Lỗ Túc không thức thời. Khổng Minh nói: “Tháo rất giỏi việc dùng binh, thiên hạ không ai địch nổi. Trước chỉ có Lã Bố, Viên Thiệu, Viên Thuật, Lưu Biểu là dám chống cự. Mấy người ấy đều bị Tháo giết cả rồi, thiên hạ không còn ai nữa! Chỉ có Lưu Dự Châu là không thức thời, mới dám gượng gạo chống lại, nay thân cô thế cô ở đất Giang Hạ, mất còn chưa biết ra sao? Tướng quân quyết kế hàng Tào, để bảo toàn vợ con, phú quý; còn như vận nước đổi thay, phó mặc trời, có chi đáng tiếc!” Đây là lời nói khích của Khổng Minh, rằng Chu Du tham sống sợ chết mà không dám báo nước.

Khổng Minh tiến thêm một bước, nói có một kế, đó là chỉ cần dâng hai nàng Kiều ở Giang Nam thì lập tức trăm vạn quân Tào cũng cởi giáp, cuốn cờ rút lui ngay. Chu Du hỏi có gì làm chứng về việc Tào Tháo muốn được hai nàng Kiều không, Khổng Minh bèn ứng khẩu đọc luôn bài phú đài Đồng Tước của Tào Thực rằng: “… Lập song đài ư tả hữu hề! Hữu Ngọc long dữ Kim phụng; lãm nhị kiều ư Đông Nam hề! Lạc chiêu tịch chí dữ cộng”. (Nghĩa là: … Dựng hai đài ở bên tả bên hữu, có đài Ngọc long, có đài Kim phụng. Nhốt hai nàng Kiều bên Đông Nam; để sớm chiều cùng vui vầy) [4]. Chu Du nghe xong mấy câu ấy, đỏ mặt tía tai, đứng phắt dậy trỏ tay về phương Bắc mà mắng rằng: “Thằng giặc Tào này khinh ta quá chừng!” Khổng Minh vội ngăn lại, nói: “Ngày xưa chúa rợ Hung Nô hay xâm lấn bờ cõi, thiên tử nhà Hán còn phải đem công chúa gả cho nó, để cầu hoà, nay tướng quân tiếc làm chi hai người con gái thường dân ấy?” Chu Du nói: “Ông chưa rõ Đại Kiều là vợ Tôn Bá Phù, Tiểu Kiều là vợ Du đó”. Khổng Minh giả vờ sợ sệt nói: “Tôi thật vô tình, nói năng lỗ mỗ, tội đáng chết, đáng chết!” Chu Du nói: “Ta thề cùng thằng giặc già một còn một mất!” Khổng Minh nói: “Tướng quân nên nghĩ cho chín, kẻo hối về sau“. Chu Du nói: “Ta đã vâng lời Tôn Bá Phù uỷ thác, lẽ đâu hạ mình hàng Tào. Vừa rồi ta nói thế, là thử lòng nhau đó thôi. Ta từ khi ở Phiên Dương về đây, vẫn có chủ trương đánh miền Bắc; dù dao búa kề đầu cũng không lay được. Xin Khổng Minh giúp ta một tay, cùng phá giặc Tào“. Đây chính là nghệ thuật nói khích Chu Du của Khổng Minh.

Ý muốn kháng Tào của Chu Du đã thúc đẩy một bước nữa liên minh Tôn-Lưu. Hôm sau, để biểu đạt quyết tâm kháng Tào, Tôn Quyền rút ngay thanh gươm đeo ở mình, chặt xuống góc bàn trước mặt, nói rằng: “Các quan các tướng, ai còn nói hàng Tào, sẽ như cái góc bàn này“. Nói xong, tặng luôn thanh gươm cho Chu Du, phong Chu Du làm đại đô đốc. Trình Phổ làm phó đô đốc; Lỗ Túc làm tân quân hiệu uý. Nếu văn quan võ tướng, ai không tuân lệnh, dùng thanh gươm ấy chém đi.

Khổng Minh biết rằng Tôn Quyền mặc dù đã biểu đạt quyết tâm, nhưng vẫn chưa hoàn toàn trừ bỏ hết nghi hoặc, và cũng biết rằng mình là quân sư của Lưu Bị thì hiệu quả thuyết phục khác với Chu Du là người thân tín và phụ trách quân đội của Tôn Quyền. Bởi vậy khi Chu Du về hỏi Khổng Minh kế hay phá giặc Tào, Khổng Minh nói: “Bụng Tôn tướng quân chưa thật ổn, không thể định kế được vội. Vẫn còn có ý sợ quân Tào nhiều, quân mình ít không địch nổi. Tướng quân nên nói rõ quân số để Tôn tướng quân vững dạ thì việc lớn ắt xong“.

Khi vào thăm Tôn Quyền, Chu Du hỏi: “Ngày mai cất quân, chúa công còn nghi hoặc chút nào không?” Quả nhiên Tôn Quyền đáp: “Ta chỉ còn lo quân Tào nhiều lắm, sợ không địch nổi thôi“. Chu Du nói: “Tôi chỉ vì việc ấy mà đến đây, nói rõ để chúa công biết. Chúa công thấy hịch Tào Tháo nói dối có trăm vạn quân, nên sinh lòng nghi sợ, không xét rõ hư thực thế nào. Nay xét ra, hắn huy động quân mã trong nước chẳng qua được mười lăm, mười sáu vạn, mà đã mệt mỏi cả rồi; số quân thu được của họ Viên cũng độ bảy tám vạn, nhưng đa số vẫn còn nghi ngờ chưa phục. Quân số tuy nhiều cũng không đáng sợ. Tôi chỉ xin năm vạn quân là đủ phá nổi. Chúa công chớ nên áy náy nữa“. Quyền vỗ vào lưng Chu Du mà nói rằng: “Công Cẩn nói đến điều ấy, thật gỡ được mối hoài nghi cho ta. Tử Bố không biết gì, ta mất tin cậy. Chỉ có ngươi với Tử Kính là hợp bụng với ta thôi“.

Từ đó liên minh Tôn-Lưu mới hoàn toàn được hình thành. Từ nhãn quan lịch sử mà xét, liên minh Tôn-Lưu tuy có cơ sở, nhưng đều xuất phát từ lợi ích của hai bên; nếu như không có chuyến du thuyết của Khổng Minh, thì e rằng liên minh khó mà thực hiện, cũng chẳng có trận hỏa thiêu Xích Bích, hình thành thế chân vạc nữa. Tất nhiên lịch sử là có an bài, nhưng Khổng Minh là nhân vật thúc đẩy sự việc này. Từ chuyến làm thuyết khách của Khổng Minh, chúng ta có được gợi ý gì cho việc dùng trí huệ giảng chân tướng? Bề mặt là Gia Cát Lượng có tài ăn nói, biết người biết mình, tùy cơ ứng biến, nhưng chuyến du thuyết cũng cho thấy Khổng Minh có đầy đủ trí tuệ và hiểu biết về lịch sử, thế thái, nhân vật, địa lý, khả năng nhận định tình hình và quan sát nét mặt, cũng như vận dụng các nghệ thuật như khuyến, khích, biện, giải, v.v. khiến mỗi lần thuyết phục đều là một bước chắc chắn thúc đẩy thành công.

Chú thích:

[1] Đời Xuân thu, nước Tấn mượn đường của nước Ngu để đi qua cướp nước Quắc, cướp xong nước Quắc liền quay lại cướp luôn nước Ngu.

[2] Vương tự xưng là “cô” cũng như hoàng đế tự xưng là “trẫm”.

[3] Điền Hoành người nước Tề thời cuối Tần. Khi vua Tề bị bắt, Điền Hoành tự xưng là vua Tề. Hán Cao tổ sai người đến dụ hàng, Điền Hoành cùng bộ hạ không chịu khuất phục, tự sát.

[4] Chính trong bài phú đài Đồng Tước thì vế sau là: “Liên nhị kiều ư đông tây hề, nhược trang không chi chuế đống”, nghĩa là “Liền hai cái cầu ở bên đông bên tây, như cầu vồng ở trên không”. Khổng Minh đổi chữ kiều là cầu ra chữ Kiều là nàng Kiều, đông tây ra đông nam để khích Chu Du, vì Đại Kiều là vợ Tôn Sách, Tiểu Kiều là vợ Chu Du.

Giải tiên tri «Mã Tiền Khóa» của Gia Cát Lượng

[Chanhkien.org] “Dương phục nhi trị, Hối cực sinh minh”, ngày 21 tháng 12 năm 2012 (ngày Đông chí), nghênh đón vạn vật canh tân, bắt đầu kỷ nguyên mới.

Giới thiệu: Dự ngôn «Mã Tiền Khóa» (马前课) là do Thừa tướng Gia Cát Lượng nhà Thục Hán thời Tam Quốc sáng tác. Nhắc đến Gia Cát Lượng, có thể nói là nhà nhà đều biết, nhưng không nhiều người biết về «Mã Tiền Khóa». Tương truyền Gia Cát Lượng vào lúc nhàn hạ trong quân đã sáng tác «Mã Tiền Khóa» (tên «Mã Tiền Khóa» có nghĩa là “quẻ bói gieo trước ngựa”). «Mã Tiền Khóa» ngắn gọn súc tích phi thường, chỉ có 14 khóa, mỗi khóa dự ngôn một thời đại lịch sử, mà mỗi một khóa lại tuân theo một trật tự sắp xếp. Khi mỗi thời đại lịch sử qua đi rồi, người ta quay lại xem mới thấy Gia Cát Lượng dự ngôn chuẩn xác đến phi thường.

*  *  *

Sau đây là phần giải nghĩa:

Khóa 1 ○●●●●○ Trung Hạ

Vô lực hồi thiên

Cúc cung tận tụy

Âm cư Dương phất

Bát thiên nữ quỷ

Tạm dịch:

Không sức đổi Trời

Còng mình gắng sức

Âm tồn Dương phất

Tám ngàn nữ quỷ

Giải: “Vô lực hồi thiên, Cúc cung tận tụy” là nói bản thân Gia Cát Lượng, như ông viết trong «Xuất sư biểu»: “Thần cúc cung tận tụy, đến chết mới thôi“. “Âm cư Dương phất” chỉ hoạn quan Hoàng Hạo loạn quyền, Khương Duy chỉ có thể duy trì tàn cục chứ không thể làm gì được. “Bát thiên nữ quỷ” (八千女鬼) chính là chữ “Ngụy” (魏), chỉ nước Ngụy diệt Thục Hán.

Khóa 2 ○●○○●○ Trung Hạ

Hỏa thượng hữu hỏa

Quang chúc Trung Thổ

Xưng danh bất chính

Giang Đông hữu hổ

Tạm dịch:

Trên lửa có lửa

Rọi sáng Trung Thổ

Xưng danh bất chính

Giang Đông có hổ

Giải: “Hỏa thượng hữu hỏa”, trên “hỏa” (火) có “hỏa” (火) chính là chữ “Viêm” (炎). Chỉ Tư Mã Viêm lập nên triều Tấn. “Xưng danh bất chính” chỉ triều Tấn của Tư Mã Viêm thực chất là soán ngôi Tào Ngụy mà kiến lập, mà Tào Ngụy lại là soán ngôi triều Hán mà kiến lập, danh không chính ngôn không thuận. “Giang Đông hữu hổ” chỉ Đông Tấn thành lập, đóng đô tại Kiến Khang thuộc Giang Đông. “Hổ” chỉ Tư Mã Duệ.

Khóa 3 ○●●●●● Hạ Hạ

Nhiễu nhiễu Trung Nguyên

Sơn hà vô chủ

Nhị tam kỳ vị

Dương chung mã thủy

Tạm dịch:

Nhiễu loạn Trung Nguyên

Non sông không chủ

Hai ba vị ấy

Dê cùng ngựa chạy

Giải: “Nhiễu nhiễu Trung Nguyên, Sơn hà vô chủ” miêu tả Trung Quốc vào thời loạn bát vương, ngũ hồ thập lục quốc và thời đại Nam-Bắc triều. “Nhị tam kỳ vị” (Hai ba vị ấy) chỉ một số Đế vương chỉ tại vị trong một thời gian rất ngắn. “Dương chung mã thủy” (Dê cùng ngựa chạy) chỉ đại loạn khởi từ gia tộc nhà Tư “Mã” {ngựa}, kết thúc là “Dương” Kiên kiến lập triều Tùy. Họ “Dương” (杨) với chữ “dương” {dê} (羊) là đồng âm.

Khóa 4 ●●○●○● Trung Thượng

Thập bát nam nhi

Khởi vu Thái Nguyên

Động tắc đắc giải

Nhật nguyệt lệ thiên

Tạm dịch:

Mười tám nam nhi

Khởi từ Thái Nguyên

Động ắt được giải

Nhật nguyệt tươi đẹp

Giải: “Thập bát nam nhi” là “thập bát tử”, “thập bát tử” (十八子) hợp thành chữ “Lý” (李). Chỉ thời Tùy mạt, Lý Uyên khởi binh từ Thái Nguyên. “Động tắc đắc giải” ý nói Lý Uyên khởi binh là đường sinh, không phải đường tử. “Nhật nguyệt tươi đẹp” chỉ văn minh Đại Đường sáng lạn.

Khóa 5 ○○○●●● Hạ Trung

Ngũ thập niên trung

Kỳ số hữu bát

Tiểu nhân đạo trường

Sinh linh đồ độc

Tạm dịch:

Trong năm thập niên

Số ấy có tám

Tiểu nhân đường dài

Sinh linh tàn hại

Giải: 53 năm sau triều Đại Đường, Hậu Lương, Hậu Đường, Hậu Tấn, Hậu Hán, Hậu Chu cùng xưng là “Ngũ Đại”. Thời “Ngũ Đại” tổng cộng có 8 họ người được xưng là Hoàng đế, ứng với “Số ấy có tám”. Thạch Kính Đường tự xưng là Hoàng đế với Khiết Đan, ứng với câu “Tiểu nhân đường dài”.

Khóa 6 ●○○●○○ Thượng Trung

Duy thiên sinh Thủy

Thuận thiên ứng nhân

Cương trung nhu ngoại

Thổ nãi sinh Kim

Tạm dịch:

Chỉ Trời sinh Thủy

Thuận Trời hợp người

Trong cứng ngoài mềm

Thổ ấy sinh Kim

Giải: Triều Tống thực hành nền chính trị nhân từ, thuộc tính “Thủy”. Thổ khắc Thủy, như vậy triều Kim sinh ra từ Thổ chính là khắc tinh của triều Tống. “Thổ nãi sinh Kim”, “Kim” chỉ nước Kim, kẻ thù không đội trời chung của triều Tống. Chính sách nội ngoại của triều Tống có thể dùng “trong cứng ngoài mềm” để hình dung.

Khóa 7 ●○●○○● Trung Trung

Nhất nguyên phục thủy

Dĩ cương xử trung

Ngũ ngũ tương truyền

Nhĩ Tây ngã Đông

Tạm dịch:

Một nguyên về đầu

Lấy cứng đặt giữa

Năm năm tương truyền

Ngươi Tây ta Đông

Giải: “Nhất nguyên phục thủy” (Một nguyên về đầu) chỉ triều Nguyên kiến lập. “Dĩ cương xử trung” (Lấy cứng đặt giữa) chỉ người Mông Cổ thống trị cực kỳ hà khắc với người Hán. “Ngũ ngũ tương truyền” là chỉ triều Nguyên tổng cộng có 10 (=5+5) vị Hoàng đế. “Nhĩ Tây ngã Đông” chính là nói người Mông Cổ phân thành các Hãn quốc.

Khóa 8 ○○●●●○ Thượng Thượng

Nhật nguyệt lệ thiên

Kỳ sắc nhược xích

Miên miên diên diên

Phàm thập lục diệp

Tạm dịch:

Nhật nguyệt tươi đẹp

Sắc ấy như đỏ

Kéo dài liên miên

Gồm mười sáu lá

Giải: “Nhật nguyệt tươi đẹp”, chữ “nhật” (日) ghép với chữ “nguyệt” (月) chính là chữ “Minh” (明), chỉ triều Minh. “Sắc ấy như đỏ”, đỏ là “chu”, chỉ họ “Chu” (朱). “Kéo dài liên miên, Gồm mười sáu lá”, ý nói triều Minh có tổng cộng 16 đời Hoàng đế.

Khóa 9 ○●○●●● Trung Thượng

Thủy nguyệt hữu chủ

Cổ nguyệt vi quân

Thập truyền tuyệt thống

Tương kính nhược tân

Tạm dịch:

Nước trăng có chủ

Trăng cổ làm vua

Truyền mười tuyệt sạch

Kính nhau như khách

Giải: “Thủy nguyệt hữu chủ”, ba điểm Thủy (氵) cộng thêm “nguyệt” (月) rồi thêm “chủ” (主) hợp thành một chữ “Thanh” (清). “Cổ nguyệt vi quân”, “cổ nguyệt” (古月) chính là chữ “Hồ” (胡), chỉ triều Thanh do người dân tộc thiểu số (Hồ nhân) kiến lập. “Thập truyền tuyệt thống” ý nói triều Thanh từ khi nhập quan truyền được 10 đời Hoàng đế, cuối cùng là Tuyên Thống. “Tương kính nhược tân” (Kính nhau như khách) là chính phủ Quốc Dân ưu đãi các thành viên vương tộc nhà Thanh.

Khóa 10 ●○●○●● Trung Hạ

Thỉ hậu ngưu tiền

Thiên nhân nhất khẩu

Ngũ nhị đảo trí

Bằng lai vô cữu

Tạm dịch:

Lợn sau trâu trước

Nghìn người một miệng

Năm hai đảo ngược

Bạn đến không trách

Giải: “Lợn sau trâu trước” là năm Tý 1912 (sau Hợi trước Sửu), Trung Hoa Dân Quốc thành lập. “Thiên nhân khẩu” (千人口) chính là chữ “hòa” (和), chỉ thực hành cộng hòa chế. “Ngũ nhị đảo trí”, “ngũ” là ngôi Vua (có câu “cửu ngũ chí tôn”), như vậy “Năm hai đảo ngược” ý là “dân chủ”. “Bằng lai vô cữu” là quái từ, chỉ tuy có xâm nhiễu mà cũng không ngại lắm (bị Nhật Bản xâm lược nhưng không ngại).

Khóa 11 ○●○○●○ Trung Hạ

Tứ môn sạ tích

Đột như kỳ lai

Thần kê nhất thanh

Kỳ đạo đại suy

Tạm dịch:

Bốn cửa mở toang

Thình lình đột ngột

Tiếng gà gáy sớm

Đạo này đại suy

Giải: “Bốn cửa mở toang” chính là chữ “cộng” (共), chỉ đảng cộng sản bất ngờ được thiên hạ, văn hóa truyền thống 5.000 năm bị phá hoại. “Tiếng gà gáy sớm, Đạo này đại suy”, chỉ năm Dậu {gà} 2005, «Cửu bình cộng sản đảng» phát hành, dân chúng đua nhau thoái đảng, thế đảng bắt đầu suy bại.

Khóa 12 ●○○○○● Thượng Trung

Chửng hoạn cứu nạn

Thị duy Thánh nhân

Dương phục nhi trị

Hối cực sinh minh

Tạm dịch:

Cứu họa cứu nạn

Duy có Thánh nhân

Dương phục mà trị

Đêm hết ngày rạng

Giải: “Cứu họa cứu nạn, Duy có Thánh nhân”, giữa thời loạn thế, Pháp Luân Đại Pháp hồng truyền cứu người. “Dương phục mà trị, Đêm hết ngày rạng”, chỉ ngày 21 tháng 12 năm 2012 (ngày Đông chí), nghênh đón vạn vật canh tân, bắt đầu kỷ nguyên mới. Theo sách «Hoàng Cực kinh thế» của Thiệu Ung tiên sinh triều Tống, năm 2012 là quẻ “Phục” (Địa Lôi Phục). Còn “Hối cực sinh minh” (Đêm hết ngày rạng) chính là Đông chí trong 24 tiết khí, là ngày Âm cực đỉnh Dương mới sinh, vừa trùng khớp với ngày trong tiên tri của người Maya.

Khóa 13 ○●●○○○ Thượng Trung

Hiền bất di dã

Thiên hạ nhất gia

Vô danh vô đức

Quang diệu Trung Hoa

Tạm dịch:

Hiền không rơi mất

Thiên hạ một nhà

Không danh không đức

Chói lọi Trung Hoa

Giải: Pháp Luân Đại Pháp hồng truyền toàn thế giới, chỉnh thể đạo đức nhân loại hồi thăng, là tượng thế giới đại đồng. Giống với Tượng 59 «Thôi Bối Đồ» (“Vô thành vô phủ, Vô nhĩ vô ngã, Thiên hạ nhất gia, Trị trăn đại hóa”).

Khóa 14 ○●○●○● Trung Hạ

Chiêm đắc thử khóa

Dịch số nãi chung

Tiền cổ hậu kim

Kỳ Đạo vô cùng

Tạm dịch:

Bói được quẻ này

Dịch số đã hết

Trước cũ sau mới

Đạo ấy vô cùng

Giải: Văn minh lần này kết thúc, kỷ nguyên mới bắt đầu. Giống với Tượng 60 «Thôi Bối Đồ» (“Nhất Âm nhất Dương, Vô chung vô thủy, Chung giả nhật chung, Thủy giả tự thủy”).

Ghi chú: Các dự ngôn khác cũng nói về quẻ “Phục” năm 2012.

«Mai Hoa Thi»: “Dục tướng Bác Phục vấn tiền nhân”: năm 2011 là quẻ “Bác”, năm 2012 chính là quẻ “Phục”.

«Bộ Hư Đại Sư dự ngôn thi»: “Thế vũ tam phân, Hữu Thánh nhân xuất, Huyền sắc kỳ quan, Long trương kỳ phục, Thiên địa phục minh, Xử trị vạn vật, Tứ hải âu ca, Ấm thụ kỳ phúc”.

«Thôi Bối Đồ», Tượng 1: “Chu nhi phục thủy”; «Thôi Bối Đồ» tổng cộng 60 Tượng, tuần hoàn một vòng theo lục thập giáp tử.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro