truyen la vn

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Chùm MƯỜI MỘT bài-Hoảng vía kinh hồn với căn bệnh lạ: đã biến cô gái 26 tuổi “bỗng dưng” thành bà cụ già trên 70 tuổi ở tỉnh Bình Phước-nhìn đôi vợ chồng này như 2 bà cháu- Thêm 2 người bệnh lạ ở miền Tây- Bệnh viện Hoàn Mỹ giúp chị Phượng điều trị miễn phí “bệnh già”- Các bác sĩ thăm khám cho chị Phượng tại quê nhà Bến Tre, tạm thời KL là do bệnh ‘tế bào vón’ – Cô gái hóa bà lão sẽ được điều trị bệnh ở đâu- Cô gái bị lão hóa có thể trẻ lại mức nào- Cô gái bị biến thành bà lão đang chọn bệnh viện- Xét nghiệm để tìm bệnh- Lòng chung tình của chồng cô gái hóa thành bà lão- Video clip về hành trình biến đổi gương mặt cô gái hóa bà lão

Chùm MƯỜI MỘT bài: Video clip về: Hành trình biến đổi gương mặt cô gái hóa bà lão (bài mười một- ở cuối cùng)

Thông tin một cô gái 26 tuổi, sau một thời gian tự dùng thuốc chữa dị ứng đã “biến” thành một “bà cụ trên 70 tuổi”, thu hút sự quan tâm đặc biệt của giới y khoa. Dù còn nhiều nhận định khác nhau, nhưng có điểm khá chung là hầu hết các bác sĩ (BS), chuyên gia đều xác định trường hợp này rất lạ và không phải do hội chứng lão hóa sớm!

BÀI MỘT: Căn bệnh lạ đã biến cô gái 26 tuổi “bỗng dưng” thành bà cụ già trên 70 tuổi. 

Chị Phượng (26 tuổi), với da bàn tay căng như da phụ nữ cùng trang lứa, bên người chồng (33 tuổi) Ảnh: Xuân Bình. “Chỉ mặt và từ phần bụng trở lên da cứ chảy xệ xuống, nhăn nheo như một phụ nữ đã có nhiều con, mặc dù em chưa có con”-chị P nói.

Hay tin chị Phượng đến Bình Phước mưu sinh, chiều 2.10, PV Thanh Niên đến Bù Đốp gặp vợ chồng chị. Trong CMND, thông tin đầy đủ của chị là: Nguyễn Thị Phượng, sinh ngày 2.1.1985 tại Giồng Trôm, Bến Tre. Chồng chị là Nguyễn Thanh Tuyển, sinh ngày 9.1.1978, tại Mỏ Cày (Bến Tre).

Theo lời chị Phượng, vào năm 2007, trong một lần ăn hải sản, chị bị nổi nhiều mụn nhỏ ngứa ngáy khắp người. Do không có nhiều tiền nên vợ chồng chị không dám đến bệnh viện (BV) khám, mà chỉ vào nhiều tiệm thuốc Tây mô tả lại những triệu chứng bệnh rồi nói họ bán thuốc đem về nhà uống. “Uống thuốc Tây được một tháng thì bệnh có bớt ngứa nhưng mề đay vẫn nổi trên cơ thể. Thấy vậy, tôi chuyển qua khám và mua thuốcNamvề uống. Uống được 7 tháng thì ngứa và mề đay không còn, nhưng da chảy xệ xuống và nhăn nheo”, chị Phượng nhớ lại. Nghe nhiều người mách bảo, vợ chồng chị Phượng chuyển sang uống thuốc Bắc để chữa da, nhưng uống cả tháng bệnh vẫn không thuyên giảm. Từ đó đến năm 2009, chị không uống thêm bất cứ loại thuốc nào nữa. Hỏi chị uống loại thuốc gì, mua ở đâu thì cả hai vợ chồng đều lắc đầu không nhớ.

Chị Phượng năm 15 tuổi (chụp từ CMND) Ảnh: Xuân Bình

Tuy vậy, chị Phượng cho biết chân và bàn tay chị da dẻ vẫn bình thường, hồng hào và căng như một phụ nữ ngoài đôi mươi. “Chỉ mặt và từ phần bụng trở lên da cứ chảy xệ xuống, nhăn nheo như một phụ nữ đã có nhiều con, mặc dù em chưa có con”, chị Phượng nói và cho biết tóc vẫn đen, mượt như con gái, răng còn rất tốt và chưa rụng cái nào, mắt sáng rõ, trí não vẫn nhớ bình thường, không có bất kỳ biểu hiện nào bệnh lý của người già…Tại Bến Tre, PV Thanh Niên gặp ông Lý Văn Hồng, cậu chị Phượng, sống ở tổ 2, ấp 6, thị trấn Giồng Trôm. Ông Hồng khẳng định chị Phượng sinh đúng năm 1985 và biểu hiện già lão khác thường của chị gia đình biết từ năm 2009, nhưng người ngoài không biết do chị luôn bịt mặt khi tiếp xúc. Còn ông Lê Văn Thiệm, Trưởng ấp 6, xác nhận có biết Phượng khi là thiếu nữ rất xinh xắn. Cách nay 3 năm, khi gặp ông vẫn nhận ra chị dù có thấy biểu hiện bệnh trên người chị khá rõ như da sần sùi, mặt sưng sưng…

Chị Phượng còn nói thêm: “Kinh nguyệt của em vẫn bình thường như bao người phụ nữ ngoài hai mươi khác”.

“Thủ phạm” có thể là corticoid!

BS Võ Thị Bạch Sương, bộ môn Da liễu trường Đại học Y Dược TP.HCM, nói: “Có thể đây là một trong những ca hiếm hoi, không phải hội chứng lão hóa sớm (hội chứng này xuất hiện từ lúc nhỏ, chứ không phải đến tuổi trưởng thành rồi “già” đột ngột như trường hợp của Phượng) mà tác nhân là do tác dụng phụ của thuốc. Bệnh nhân có thể đã dùng corticoid một thời gian dài không đúng, từ Tây y đến Đông y, vì rất nhiều trường hợp cơ sở Đông y trộn tân dược corticoid và trong thuốc tễ, dẫn đến biến chứng do corticoid. Đó là mặt sưng to, làm tăng thể tích da đột ngột, làm rạn da vùng bụng”. BS Bạch Sương nói thêm, khi tăng thể tích da một cách đột ngột, da bị giãn ra làm đứt các thớ đàn hồi dưới da, tạo ra những vết rạn và làm cho da bị chùn, nhão, từ đó hình thành nên những nếp nhăn sớm, chảy xệ, trông mặt người trẻ rất đỗi già nua…

Tương tự, PGS-TS Nguyễn HoàiNam, giảng viên trường Đại học Y Dược TP.HCM, cũng nhận định: “Trường hợp của Phượng có thể là hậu quả của việc dùng thuốc corticoid, hoặc sản phẩm có chứa corticoid không đúng. Theo bệnh trạng như lời Phượng kể, chắc chắn thuốc người ta cho Phượng uống có corticoid. Nếu sử dụng corticoid lâu dài sẽ dẫn đến hội chứng Cushing – mặt to tròn, căng ra y như mặt trăng. Việc ngưng dùng thuốc corticoid đột ngột rất nguy hiểm. Với thuốc này, tùy trường hợp, nếu đã dùng một thời gian dài BS sẽ cho giảm liều từ từ, rồi mới ngưng hẳn. Việc dùng không đúng, sau hội chứng Cushing là hậu quả suy tuyến thượng thận. Corticoid làm cho da căng mỏng, rồi teo, da chùn lại, nhăn nheo, đưa đến các rối loạn sắc tố”, ôngNamnói.

BS Tăng Hà Nam Anh, Trưởng khoa Chấn thương – chỉnh hình, BV Nguyễn Tri Phương (TP.HCM) cũng phân tích: “Chắc chắn đây không phải là hội chứng lão hóa sớm. Nếu là hội chứng lão hóa sớm thì các cơ quan nội tạng khác cũng lão hóa. Ở Phượng, tóc hãy còn đen và chắc chắn chụp X-quang sẽ cho thấy hệ xương khớp không bị lão hóa. Trường hợp này rất có thể là do biến chứng bởi corticoid, tổn thương chính ở vùng da, khiến da nhăn nheo”.

Mong có tiền chữa bệnh cho vợNăm 2010, vợ chồng chị Phượng đến ấp 1, xã Thanh Hòa, huyện Bù Đốp (Bình Phước) mưu sinh, hiện đang thuê một căn nhà gỗ làm nơi tá túc. Hằng ngày, anh Tuyển làm thợ trong xưởng mộc, còn chị làm công nhân lựa hạt điều, thu nhập mỗi tháng hai vợ chồng khoảng 3 triệu đồng. “Cuộc sống còn khó khăn, vợ chồng tôi chưa dám sinh con. Mong muốn của chúng tôi hiện nay là có nhà hảo tâm hoặc bác sĩ nào giúp chữa khuôn mặt vợ tôi được bình thường lại thì tốt biết mấy”, anh Tuyển tâm sự. (Xuân Bình)

Cần được đánh giá tổng thểBS Huỳnh Huy Hoàng, BV Da liễu TP.HCM cho rằng: “Trường hợp của Phượng rất lạ, diễn tiến lão hóa rất nhanh ở một người đã trưởng thành là lần đầu tiên tôi nghe. Đây không phải là hội chứng lão hóa sớm. Lâu nay có nhiều trường hợp bị biến chứng, bị hội chứng Cushing bởi corticoid vào viện nhưng chưa thấy ai bị già như trường hợp này”.TS-BS Đỗ Trung Quân, chuyên gia về nội tiết – chuyển hóa của BV Bạch Mai (Hà Nội), lưu ý: “Cần xác định xem trường hợp này có bị dị ứng thuốc, dị ứng các chất lạ nào hay không. Vì dị ứng đôi khi cũng gây nên những tác động rất xấu lên da, khiến da sần sùi, khô, nhăn nheo làm cho hình thức bên ngoài bị già đi. Để biết được nguyên nhân, bệnh nhân cần được khám, xác định có bị nhiễm độc hay không, do chất nào”.Theo BS Yên Lâm Phúc, Học viện Quân y, dị ứng thuốc khó có thể gây tốc độ già hóa nhanh chóng như chị Phượng. Bác sĩ Phúc cho rằng có thể chị Phượng mắc một căn bệnh rối loạn nội tiết hay gien nào đó, nhưng cũng có thể do một căn bệnh mới mà chưa từng được ghi nhận. “Trường hợp này cần được đánh giá tổng thể và cẩn thận trước khi đưa ra bất kỳ một quyết định can thiệp y học nào”, bác sĩ Phúc nói.

Thanh Niên

 BÀI HAI. Cô gái 26 tuổi bỗng hóa bà lão

Ngứa da mặt, chỉ sau 4 năm, cô gái từng làm xiêu lòng bao chàng trai ở Bến Tre bỗng biến dạng với gương mặt nhăn nheo trông như bà lão. Các bác sĩ chưa xác định nguyên nhân bệnh, song thế giới đã từng biết vài trường hợp người bị lão hóa sớm.

Các bác sĩ chuyên khoa da liễu và y học cổ truyền tại TP HCM nói vớiVnExpress.net rằng chưa thể xác định “bà lão” Nguyễn Thị Phượng, 26 tuổi mắc bệnh gì, song chắc chắn đây là hiện tượng chưa từng thấy tại ViệtNam.

Phượng kể lấy chồng năm 2006, một năm sau cô bắt đầu xuất hiện triệu chứng ngứa da mặt và da tay.

“Có sẵn bệnh dị ứng khi ăn hải sản nên khi ngứa da mặt da tay, tôi mua thuốc chống dị ứng uống nhưng vẫn không khỏi, uống thuốc đông y cũng không hết bệnh”, Phượng nói. Chỉ khoảng sau 2 tháng phát bệnh, cô từ một cô gái xinh đẹp duyên dáng đã thay đổi rất nhiều ở gương mặt và đôi cánh tay, càng uống thuốc thì mặt và tay càng đỏ, nổi sần nhiều hơn.

4 năm sau khi những triệu chứng ban đầu xuất hiện, Phượng đã không thể nhận ra được chính mình bởi da mặt chảy xệ, nhăn nheo như bà lão 80. Tình trạng lão hóa chỉ xảy ra ở gương mặt và cổ, các vùng khác trên cơ thể vẫn bình thường, kinh nguyệt đều đặn.

“Tôi không dám soi gương, ra đường phải mang khẩu trang vì tôi còn già hơn cả những người tôi gọi bằng bà. Bà con họ hàng lo nhưng ai cũng nghèo nên không có tiền giúp chữa trị. May mà ông xã chung tình vẫn luôn yêu thương”, Phượng nói bằng chất giọng trong trẻo của một cô gái trẻ.

Mặc cảm và cuộc sống ở Bến Tre cũng chỉ làm mướn làm thuê, giữa năm 2010, vợ chồng chuyển về Bù Đốp, tỉnh Bình Phước lập nghiệp. Chồng làm thuê, vợ bóc vỏ hạt điều kiếm sống qua ngày. Câu chuyện về người con gái xinh đẹp ở Giồng Trôm bỗng hóa thành bà lão tưởng như chỉ bà con hàng xóm mới biết thì những ngày gần đây, Phượng đi khám dạ dày và được một bác sĩ phát hiện bệnh cảnh.

Sáng nay, cô gái từ Bình Phước trở về Giồng Trôm để chuẩn bị đến TP HCM tìm cách chữa trị.



Trao đổi với VnExpress.net, bác sĩ Lê Hoàng Sơn, Giám đốc Bệnh viện Y học Cổ truyền TP HCM cho biết, đây là lần đầu tiên ông biết trường hợp như bệnh nhân Phượng. Các bác sĩ phải thực hiện nhiều kiểm tra, xét nghiệm thì mới biết được bệnh nhân mắc bệnh gì.

“Có thể cô ấy mắc một chứng bệnh lạ và ngứa da chỉ là giai đoạn đầu của bệnh chứ không phải uống thuốc trị dị ứng da rồi bị lão hóa”, ông Sơn nói. Hầu hết các loại thảo dược hiện nay đều không gây kích ứng và biến chứng lão hóa.

Cùng khẳng định chưa nghe trường hợp biến dạng da trong thời gian ngắn như vậy, bác sĩ Vũ Hồng Thái, Giám đốc Bệnh viện Da liễu TP HCM cho biết phải thăm khám mới biết chắc chắn bệnh nhân có bệnh liên quan đến da liễu hay không.

Qua miêu tả của bệnh nhân, hầu hết các bác sĩ chuyên khoa nội tiết, da liễu, lão khoa tại TP HCM đều nghĩ rằng đây không phải là bệnh lão hóa như thế giới từng có trường hợp xảy ra, bởi lẽ những ca trẻ hóa thường có độ tuổi rất nhỏ.

Năm 2004, các nhà khoa học Anh đã giải mã được căn bệnh lão hóa ở trẻ, còn gọi là Progeria hay còn gọi là Hội chứng già trước tuổi Hutchinson-Gilford. Thủ phạm là một đột biến ở gene Lamin A.

Bệnh nhân không phát bệnh vào lúc mới sinh mà phải 18 tháng sau đó mới có các triệu chứng của tuổi già, như còi cọc, da nhăn nheo, mặt nhỏ, quai hàm to gần bằng đầu, bị hói vào lúc 4 tuổi, cơ quan nội tạng rệu rã và thường tử vong ở tuổi 13-14 vì những bệnh của người già như bệnh tim và đột quỵ.

Chiều cao của trẻ không quá 1m và chỉ nặng khoảng 13-15 cân. Tuy nhiên, trẻ mắc căn bệnh này thường có trí thông minh trên mức bình thường. Trên thế giới, cứ khoảng 4 triệu người thì có một người mắc phải chứng Progeria. Khoảng 40 trường hợp như vậy đã được ghi nhận.



Harry Crowther, người Anh, 11 tuổi bị chứng lão hóa sớm không điển hình (Atypical Progeria Syndrome), khiến cơ thể già đi nhanh hơn bình thường gấp 5 lần. Từ năm lên một, da Harry bắt đầu trở nên nhăn nheo và khuôn mặt thay đổi. đến khi Harry lên 7 tuổi, các bác sĩ mới xác nhận chính xác đây là bệnh gì. Cậu thường xuyên bị những cơn đau do viêm khớp hành hạ, da Harry bắt đầu mỏng lại, các xương ở ngón tay và xương đòn thì mòn đi vì quá trình lão hóa diễn ra sớm hơn bình thường. Người lớn tuổi nhất mắc thể bệnh này sống được đến 26 tuổi.



Trường hợp điển hình mắc bệnh là một bé gái 7 tháng tuổi trông đã như cụ già, đó là bé Zoey Penny ởNew Jersey, Mỹ, được coi là người trẻ nhất trên thế mới mắc chứng lão hóa sớm.

Theo Foxnews, trên thế giới, 65 triệu người mới có một người mắc căn bệnh này. Những trẻ mắc bệnh này có tốc độ lão hóa nhanh gấp 7-10 lần so với những đứa trẻ bình thường và phần lớn đều chết trước khi bước vào tuổi vị thành niên.



Nguyễn Đình Sinh, Hội viên Hội VHNT Bình Định, giảng viên Đại học Qui Nhơn xin tặng các bạn bài thơ THIÊN THẦN BÉ NHỎ để cùng thưởng thức, chúc cho chị Phượng sớm chữa khỏi bệnh và 2 anh chị Tuyển- Phượng sẽ mãi hạnh phúc bên nhau:

 Nguyễn Đình Sinh. THIÊN THẦN BÉ NHỎ

 Anh mãi là biển biếc

Cho thuyền em rong khơi

 Có khi nào đơn côi

Nơi phương trời xa lạ

Em hãy nhớ đến ta

Dõi theo từng ngọn sóng.

 Em là ánh hoàng hôn

Lấp lánh trên đại dương

Thoảng lời ru tình ái

Để anh say giấc nồng.

 Em là vầng trăng tỏ

In sóng nước long lanh

Là thiên thần bé nhỏ

Thắp sáng tâm hồn anh.

NĐS

BÀI BA. Thêm 2 người bệnh lạ ở miền Tây

Báo Thanh Niên ra ngày 3.10 có thông tin về trường hợp người phụ nữ 26 tuổi, quê tỉnh Bến Tre, bị lão hóa như một bà già. Ngoài trường hợp trên, ở miền Tây cũng còn vài trường hợp mắc bệnh lạ: một người đàn ông hóa trẻ và một thanh niên hóa già.

+ Tuổi 50 mang gương mặt trẻ thơ

Nếu nhìn vóc dáng trẻ thơ của ông Đỗ Quí Dân, cao khoảng 90 cm, ngụ ấp Phú Đa, xã Vĩnh Bình, H.Chợ Lách (Bến Tre), khó ai tin đấy là người đã 50 tuổi. Nhà ông Dân đông anh em, vóc dáng, sức khỏe mọi người đều bình thường, duy chỉ có ông Dân đã từng ấy tuổi vẫn mang khuôn mặt trẻ thơ. Tới nay, gia đình cũng không hiểu được ông bị bệnh gì. Lúc chào đời, Dân cân nặng 2,5 kg phát triển, sinh hoạt như bao trẻ bình thường khác. Nhưng tới năm 12 tuổi, Dân ăn gì, uống gì cũng không lớn được, gương mặt theo năm tháng vẫn “trẻ mãi không già”. Lúc Dân 15 tuổi, lên công an huyện làm CMND, nhân viên đọc tên, thấy đứa trẻ bước vào, ai cũng ngỡ ngàng, tưởng nhầm nên gọi tên Dân nhiều lần.



Dân được gia đình đưa đi khám ở nhiều nơi. Các bác sĩ khẳng định anh không phải bị nhiễm chất độc da cam, cũng không giống những người bị bệnh lùn hay trẻ mang bệnh down. Sau đó, do cuộc sống khó khăn nên gia đình đành chấp nhận “bệnh lạ” của Dân. Từ ngày mang bệnh, gương mặt Dân luôn lơ ngơ như người thiếu ngủ. Dân rất nhút nhát, mặc cảm, thấy người lạ thì tránh xa. Quanh năm ông chỉ chơi đùa với trẻ em cùng xóm. Khi lũ trẻ lớn lên ông lại chơi cùng tốp trẻ khác.

Chị Nguyễn Thị Ngọc Mai – Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã Vĩnh Bình cho biết, nhiều đoàn từ thiện về khám bệnh, gia đình đưa ông đến, họ cũng không rõ ông bệnh gì. Theo chị Mai xác nhận, gia đình ông Dân nghèo, ông không làm được việc nặng được nên cuộc sống phụ thuộc vào mẹ già đã bước sang tuổi 70.

++ Lão hóa sớm

Trước đó, Báo Thanh Niên cũng từng thông tin về trường hợp Nguyễn Thanh Hiền (ngụ ấp Hòa Hưng 1, xã Thạnh Quới, H.Long Hồ, Vĩnh Long), mới 17 tuổi nhưng nhìn hom hem như cụ già 80. Hiền rất yếu, đi vài bước đã té ngã. Năm anh 15 tuổi, đi làm giấy CMND, công an huyện lúng túng vì đây là lần đầu gặp trường hợp quá lạ.



Cha ruột Hiền là ông Nguyễn Văn Hai nói, lúc sinh ra, Hiền bụ bẫm, cân nặng 3,2 kg. Gần 1 tuổi, Hiền phát bệnh, gương mặt nhanh chóng già đi, tay chân nhăn nheo như một ông lão. Lo lắng, hoảng sợ, ông Hai đưa con đi khám và điều trị, tốn kém không kể xiết nhưng bệnh Hiền không giảm. Các bác sĩ tại TP.HCM chẩn đoán Hiền bị hội chứng “già trước tuổi”. Những đứa trẻ bị bệnh này đều đi đứng, nói được, nhưng hầu hết đều mất ở tuổi 13. So với những người cùng cảnh ngộ, trường hợp của Hiền bất hạnh hơn vì Hiền không nói được, không đi đứng được nhưng lại sống thọ hơn.

       Bài BỐN: Bệnh viện Hoàn Mỹ giúp chị Phượng điều trị miễn phí “bệnh già”Sau khi đọc bài Giới y học nói về căn bệnh “bỗng dưng già” của người phụ nữ 26 tuổi đăng trên Báo Thanh Niên ngày 3.10, bác sĩ (BS) Nguyễn Hữu Tùng – Tổng giám đốc hệ thống Bệnh viện (BV) Hoàn Mỹ đã liên hệ với PV và cho biết, thông qua BáoThanh Niên, BV Hoàn Mỹ sẽ tiếp nhận chị Nguyễn Thị Phượng về BV tại TP.HCM, từ đó, Hoàn Mỹ sẽ làm đầu mối tập trung các nhà chuyên môn đầu ngành thuộc nhiều lĩnh vực cùng nhau hội chẩn để có hướng tìm ra nguyên nhân, cách điều trị cho chị Phượng. Tất cả những chi phí về xét nghiệm, chụp chiếu làm cho bệnh nhân, cũng như tiền giường… phía BV Hoàn Mỹ sẽ hỗ trợ. Theo BS Tùng, có thể trường hợp của chị Phượng không “lạ”, nhưng do lâu nay chị chưa đến một BV chuyên khoa nào để được khám, chẩn đoán, điều trị, mà chủ yếu là tự mua thuốc chữa trị cho mình.Tại Bình Phước, sáng qua Thanh Niên cũng đã theo chân chị Phượng đến chỗ làm ở Cơ sở chế biến hạt điều Kim Chi để tìm hiểu thêm về cuộc sống hiện tại của chị. Ông Nguyễn Văn Trắng, chủ cơ sở cho biết: “Ban đầu tôi cũng không tin vào mắt mình, trông Phượng cứ như bà già 70 tuổi. Ở tuổi 45 của tôi nếu ra đường không biết nhau, chắc chắn tôi gọi Phượng bằng… bác”. Theo ông Trắng, thu nhập từ tiền công lao động của chị Phượng hiện nay khoảng 700.000 đồng/tháng.

Về phía chính quyền địa phương, ông Nguyễn Công Thành – Chủ tịch UBND xã Thanh Hòa, H.Bù Đốp (Bình Phước) nói: “Trước mắt chính quyền địa phương sẽ giới thiệu cho chị Phượng vào một DN nào đó làm việc để có thu nhập ổn định. Đồng thời tạo điều kiện cho chị Phượng nhập hộ khẩu ở địa phương. Sau đó, đưa gia đình chị vào diện nghèo để hàng tháng có tiền hỗ trợ”.

Chị Phượng (bên trái) đang lựa hạt điều tại Cơ sở chế biến hạt điều Kim Chi – Ảnh: Xuân Bình

Xuân Bình – Thanh Tùng- Thanh Dũng

 BÀI NĂM. Cô gái biến thành bà lão: Có thể trẻ lại. Bác sĩ Hoàng Văn Minh đã khám bệnh chị Nguyễn Thị Phượng (cô gái 26 tuổi biến thành bà lão) và chẩn đoán chị mắc bệnh tế bào vón, khả năng phục hồi 50-70% gương mặt lão hóa.



Vợ chồng chị Phượng trở về quê Giồng Trôm (Bến Tre) chiều 4-10 thăm bà con, hàng xóm trước khi đi trị bệnh – Ảnh: Viễn Sự

Đây là chẩn đoán ban đầu của các bác sĩ chuyên khoa da liễu sau khi cùng PV Tuổi Trẻ đến tận nhà bệnh nhân ở Bến Tre thăm khám trực tiếp chiều 4-10.

Hơn 15g ngày 4-10, bác sĩ Hoàng Văn Minh – trưởng phòng khám da liễu Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM, và bác sĩ Nguyễn Thanh Sơn – phụ trách phòng khám da liễu Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bến Tre – cùng các PV Tuổi Trẻ có mặt tại nhà chị Nguyễn Thị Phượng ở Giồng Trôm, Bến Tre.

1. Đó là bệnh tế bào vón. Tại đây, bác sĩ Hoàng Văn Minh đã hỏi kỹ từng vấn đề liên quan đến bệnh tình của chị Phượng. Tiếp đó, bác sĩ Minh đã thực hiện nghiệm pháp Darrier bằng cách dùng bút bi khều hơi mạnh lên một số vùng da trên gương mặt. Ngay lập tức, vùng da bị khều đỏ lên và sưng ra, sau đó mờ dần và xuất hiện cục sưng nề trên mặt da. Điều này thể hiện dấu hiệu dương tính của bệnh Mastocytose, hay còn gọi là bệnh tế bào vón. Sau đó, chị Phượng được đưa vào buồng riêng để các bác sĩ thăm khám và xem xét kỹ các vùng da ở chân, nách, bụng, bẹn, lưng… Qua thăm khám thực tế cho thấy khởi đầu chị Phượng có nổi mề đay với biểu hiện là những nốt đỏ, ngứa trên da. Những nốt đỏ, ngứa này xuất hiện nhiều khi ăn hải sản. Chị Phượng tự đi chữa, uống thuốc được một thời gian thì bớt, rồi tái phát nhiều lần. Sau đó mới chuyển qua uống thuốc đông y thì trên mặt và một số vị trí trong cơ thể bị sưng phù lên, căng tròn và sau đó xuất hiện các đường nứt ở tay, chân, nách, bẹn. Sau một thời gian da của chị Phượng mới từ từ nhão ra và mặt bị già đi.

Theo bác sĩ Minh, khi khám ông thấy mặt chị Phượng có biểu hiện bị sưng, nếp nhăn da thấy rất rõ, nổi hẳn lên và vẫn còn ngứa. Ngoài ra, trước đây cứ khoảng một tháng chị Phượng còn có những đợt bị tiêu chảy. Mỗi khi bị tiêu chảy mặt và tay bị đỏ lên. Từ những dấu hiệu lâm sàng này, bác sĩ Minh chẩn đoán bệnh nhân có đầy đủ dấu hiệu của bệnh tế bào vón. Về vấn đề da bị nhão, chùng, các đường nứt da ở chân, bụng, bẹn, nách…, theo bác sĩ Minh, có thể do tác dụng phụ của loại thuốc bệnh nhân uống có chứa corticoide trước đây. Những biểu hiện này thật ra chỉ là những dấu hiệu đi kèm, còn bệnh chính vẫn là tế bào vón.



2. Có thể phục hồi 50-70% gương mặt lão hóa. Bác sĩ Minh cho biết bệnh tế bào vón thường gặp ở trẻ em và rất hiếm gặp ở người lớn. Tế bào vón có hai dạng bệnh là: dạng da đơn thuần và dạng bệnh hệ thống. Nếu là dạng bệnh hệ thống thì bệnh thường là ác tính, có thể làm ảnh hưởng đến tủy xương và bệnh nhân có thể chết sớm. Chị Phượng thuộc bệnh dạng da đơn thuần nên có tiên lượng điều trị tốt, nếu được giải quyết sớm sẽ bớt bệnh và trong một số trường hợp còn có thể thoái bệnh tự nhiên. Theo bác sĩ Minh, với bệnh tế bào vón ở người lớn cách đây 7-8 năm ông có gặp một trường hợp ở Bệnh viện Da liễu TP.HCM. Tuy nhiên, bệnh nhân này rơi vào trường hợp dạng bệnh ác tính nên sau đó tử vong.

Bác sĩ Hoàng Văn Minh là bác sĩ chuyên khoa 1, có nhiều công trình nghiên cứu, báo cáo khoa học về nhiều bệnh lý khó liên quan đến bệnh da liễu được đăng tải trên các tạp chí y khoa trong và ngoài nước. Ông là thầy của nhiều bác sĩ trẻ.

Bệnh tế bào vón tuy hơi khó điều trị nhưng vẫn còn có thể đáp ứng được và giúp bệnh nhân dễ chịu lại. Ngay cả bệnh bao tử, bệnh đường tiêu hóa của chị Phượng cũng nằm trong bệnh cảnh tế bào vón. Vì tế bào vón tiết ra chất kháng histamine. Trong đó histamine thuộc nhóm 1 sẽ gây ra ngứa ngáy, phù nề, sẩn phù, nổi mề đay ngoài da; histamine thuộc nhóm 2 sẽ gây ra bệnh đường tiêu hóa. Chị Phượng có biểu hiện lâm sàng đầy đủ của histamine nhóm 1 và 2, nếu sử dụng thuốc cho cả kháng histamine nhóm 1 và 2 sẽ giải quyết phần nào sự phù nề giống như lão hóa da trên gương mặt. Trao đổi với Tuổi Trẻ về mong muốn của chị Phượng được điều trị khỏi bệnh và giúp làm trẻ lại gương mặt như độ tuổi thật, bác sĩ Minh cho biết việc đầu tiên là phải giải quyết vấn đề dị ứng vì hiện nay chị vẫn còn biểu hiện dị ứng. Dấu hiệu của bệnh tế bào vón thể hiện qua những vùng mặc đồ chật da vẫn còn bị nổi đỏ, một số nơi trên da vẫn còn những nốt sẩn phù. Ở những vùng da bị rạn nứt, chùng giãn sẽ hơi khó điều trị và chỉ làm ảnh hưởng đến thẩm mỹ. Khả năng điều trị chỉ có thể giải quyết được 50-70% gương mặt lão hóa của chị. Trong tương lai nếu có những laser tốt có thể bắn điều trị những vết nhăn đó bớt được.  Việc phẫu thuật căng da mặt, cắt bỏ da thừa do bị sưng phù có thể giúp làm trẻ lại gương mặt của chị Phượng? Bác sĩ Minh khẳng định việc này không cần thiết vì đây là bệnh có thể chữa bằng phương pháp nội khoa. Nếu có áp dụng thì áp dụng ở những vùng da nhăn dưới chân, tay. Còn với mặt của chị Phượng thì không cần thiết vì bệnh lý vẫn còn đỏ, sưng khi khều. Qua khám lâm sàng, bác sĩ Minh khẳng định hơn 90% chị Phượng bị bệnh tế bào vón. Tuy nhiên ông còn băn khoăn chưa biết ngoài bệnh này, chị Phượng còn bị kèm thêm bệnh gì khác nữa không. Vì vậy để có chẩn đoán xác định, chị Phượng cần phải làm thêm các xét nghiệm chuyên sâu và sinh thiết da tìm kiếm thêm bệnh khác có thể đi kèm để xử lý điều trị tốt hơn. LÊ THANH HÀ

“Tôi chỉ mong khỏi bệnh, sống bình thường”. Chiều 4-10, hàng trăm người dân hiếu kỳ đã tập trung trước ngôi nhà lá của chị Nguyễn Thị Phượng ở thị trấn Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre để nhìn rõ hơn khuôn mặt chị.Chị Cẩm Hồng, hàng xóm của chị Phượng, cho biết dân ở đây nghèo, bình thường bỏ ra 3.000 đồng mua báo đã xót, nhưng hôm nay ai cũng tranh nhau mua báo đọc. Chị Hồng kể hồi trước chị Phượng đẹp nhất nhì thị trấn. Nhưng nhiều người thấy chị Phượng khác trước quá còn nghi ngờ không phải là Phượng. “Tụi tui là hàng xóm của nó mấy chục năm, giờ ai tới nó cũng gọi tên rành mạch từng người thì sao nó là Phượng giả được” – chị Hồng nói tiếp.Mẹ mất từ khi Phượng mới 6 tuổi, ba lập gia đình riêng, Phượng ở với bà ngoại từ nhỏ trong ngôi nhà mướn ở thị trấn Giồng Trôm. Hai bà cháu làm đủ thứ nghề để kiếm sống. Cách đây ba tháng bà ngoại mất, Phượng từ Bình Phước về đưa tang bà, chị khóc ngất để rơi khẩu trang nên nhiều người mới biết bệnh tình của chị. “Chứ trước đó nó về thăm ngoại suốt nhưng toàn bịt khẩu trang nên không ai biết. Ba tháng trở lại đây tui thấy mặt Phượng có thêm nhiều nếp nhăn và có vẻ già thêm”- chị Hồng cho biết.Chiều 4-10, một số cán bộ của Công an huyện Giồng Trôm cũng đã đến nhà chị Phượng, yêu cầu chị làm bản tường trình về tình trạng sức khỏe của mình. Trung tá Đinh Xuân Thắng – phó đội phụ trách công an xã, Công an Giồng Trôm – cho biết công an huyện muốn nắm rõ tình hình nhằm trấn an, dẹp bỏ những thông tin sai lệch hoặc những tin đồn nhảm nhí, mê tín nếu có. Vì hiện tại lượng người hiếu kỳ tập trung quanh nhà chị Phượng khá đông khi hay tin chị trở về và báo chí đăng suốt mấy ngày qua.Hay tin có bác sĩ từ TP.HCM xuống thăm khám, vợ chồng chị Phượng rất mừng. Chị Phượng nói: “Tôi rất vui vì không ngờ mình nghèo khổ vầy mà lại được mọi người quan tâm nhiều vậy. Nhưng thú thực lúc này tinh thần tôi không được ổn định. Đông người tới nhà dòm ngó quá cứ như mình là người ngoài hành tinh làm tôi thấy hơi mặc cảm. Giờ tôi chỉ cầu mong sao chữa khỏi bệnh để sống cuộc đời bình thường như tất cả mọi người”. TÂM LỤA – VIỄN SỰ

BÀI 6. Cô gái hóa bà lão nghi bị bệnh ‘tế bào vón’

Nguyễn Thị Phượng – cô gái 26 tuổi có gương mặt bỗng hóa bà lão, được bác sĩ trưởng phòng khám da liễu Bệnh viện Đại học Y dược TP HCM Hoàng Văn Minh đến tận nhà trực tiếp khám, chẩn đoán mắc chứng tế bào vón.

Theo bác sĩ Minh, bệnh tế bào vón rất hiếm gặp ở người lớn. Có hai dạng bệnh tế bào vón gồm da đơn thuần và dạng hệ thống. Ở dạng hệ thống, bệnh có thể làm tổn thương tủy xương, người bệnh tử vong sớm.Đây là bệnh khó điều trị. Trường hợp chị Phượng, theo bác sĩ Minh nếu đúng là bệnh da đơn thuần thì cơ hội điều trị vẫn có thể.

Hôm 4/10, bác sĩ Minh đã trực tiếp đến nhà chị Phượng ở huyện Giồng Trôm, Bến Tre, ở thăm khám ban đầu.

Trao đổi với VnExpress.net, bác sĩ Hoàng Văn Minh cho biết: “Bước đầu khám cho cô ấy, tôi nghi ngờ bệnh nhân bị chứng tế bào vón, tuy nhiên cần có các xét nghiệm cụ thể mới xác định chính xác và xem liệu Phượng có thêm bệnh gì khác hay không”, bác sĩ Minh nói.

Bệnh viện Đại học Y dược TP HCM sẽ là nơi tiếp nhận bệnh nhân Nguyễn Thị Phượng. Bác sĩ Minh chính là người phụ trách việc điều trị.

Cũng theo bác sĩ Minh, bước đầu, chị Phượng sẽ được ưu tiên thực hiện các xét nghiệm chẩn đoán để tìm nguyên nhân gây bệnh, trước khi tính đến các biện pháp tạo hình khắc phục gương mặt lão.

Sáng nay cô gái có gương mặt bà lão này đã quyết định chiều nay hoặc sáng mai sẽ từ quê nhà là Giồng Trôm, Bến Tre, lên TP HCM để khám tại Bệnh viện ĐH Y Dược TP HCM.

“Mấy hôm nay sức khỏe tôi không tốt lắm, nhưng vui vì nhận được sự quan tâm của nhiều người. Phượng mong các bác sĩ sẽ tìm được nguyên nhân bệnh và chữa trị”, cô nói.

Xung quanh ca bệnh hiếm gặp khiến bệnh nhân bị già hóa gương mặt này, một số bác sĩ, dược sĩ phỏng đoán rằng nguyên nhân có thể do bệnh nhân đã dùng nhiều Corticoid. Song cũng có nhiều ý kiến khác thận trọng cho rằng cần có các xét nghiệm chuyên sâu mới khẳng định bệnh.

Tiến sĩ Tạ Văn Bình, Viện trưởng Viện Nghiên cứu các rối loạn chuyển hóa – đái tháo đường cho rằng để chẩn đoán bệnh cần có sự kết hợp đánh giá của nhiều chuyên ngành. Việc phỏng đoán nguyên nhân theo ông cũng phải hết sức thận trọng.

Chị Phượng bắt đầu có triệu chứng ngứa da mặt và nổi sẩn đỏ từ 4 năm trước, uống thuốc đông y một thời gian gương mặt chị Phượng dày lên và già dần. Đến năm nay, gương mặt từ cổ trở lên trông như một bà lão còn cơ thể vẫn bình thường ở tuổi 26. Chị đã lập gia đình, vợ chồng đưa nhau từ Bến Tre lên Bình Phước lập nghiệp. Cao Lâm

BÀI BẢY. Cô gái bị lão hóa có thể trẻ lại

Các chuyên gia da liễu tại Hà Nội cho rằng bệnh già lão gương mặt của chị Nguyễn Thị Phượng, 26 tuổi ở Bến Tre, có thể chữa trẻ lại được. Song da sẽ không được mịn màng như cũ, có thể tái phát và phải chăm sóc kỹ.

Hiện chị Phượng chỉ mới được bác sĩ Hoàng Văn Minh, trưởng phòng khám da liễu bệnh viện Đại học y dược TP HCM thăm khám, chẩn đoán ban đầu mắc bệnh tế bào vón. Dự kiến chị Phượng chiều nay hoặc sáng mai sẽ từ quê nhà lên TP HCM để chữa trị tại bệnh viện Đại học y dược.

Năm 2007, chị Phượng thấy ngứa da mặt và tay. Vốn hay bị dị ứng khi ăn hải sản, chị mua thuốc chống dị ứng về uống nhưng không khỏi. Hai tháng sau, gương mặt và hai cánh tay bỗng ngày càng đỏ, nổi sẩn. Đến nay, cô gái 26 tuổi này trông như bà lão 80 bởi da mặt chảy xệ, nhăn nheo.

Xung quanh ca bệnh khiến nhiều người tò mò này, các bác sĩ cũng có thêm những nhận định khác.

Bác sĩ Nguyễn Hữu Trường, Trung tâm dị ứng – miễn dịch lâm sàng, Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội, cho biết trường hợp của chị Phượng rất lạ và hiếm gặp. Tuy nhiên, ông từng khám và chữa cho một số bệnh nhân có hiện tượng bị lão hóa một vùng da (chủ yếu là da tay, chân hay vùng khác trên cơ thể chứ không phải mặt) với biểu hiện như: trông qua thì da nhăn nheo, già nua, khi sờ thấy da vùng này không mềm mại mà cứng, dày sừng, có vết lõm sâu (như da xác ướp). Đây thường được gọi là hiện tượng lằn cổ trâu, là hậu quả của bệnh dị ứng mãn tính và việc bệnh nhân chà xát, gãi quá nhiều.

Ông Trường cho rằng, chắc chắn trường hợp của chị Phượng không phải là lão hóa sớm hay tác dụng phụ của việc lạm dụng corticoit. “Lão hóa sớm sẽ phải kèm nhiều triệu chứng khác. Còn nếu do dùng nhiều corticoit thì sẽ phải có biểu hiện toàn thân chứ không chỉ một vùng cơ thể”, ông nói. Tuy nhiên, theo ông, việc lạm dụng thuốc chứa corticorit trong trường hợp này có thể là một nguyên nhân khiến bệnh cảnh nặng thêm.

Bác sĩ cho biết thêm, trong trường hợp nếu đúng việc lão hóa da mặt, cổ của chị Phượng là do chị bị dị ứng mãn tính; thì bệnh nhân có thể hồi phục nếu được điều trị đúng phác đồ, loại bỏ nguyên nhân gây dị ứng.

“Tất nhiên, khi không được thăm khám trực tiếp thì chưa thể đưa ra bất cứ kết luận gì về trường hợp hiếm gặp này”, ông Trường nói.

Nói về hiện tượng lão hóa bất thường, tiến sĩ Nguyễn Viết Lượng, Trưởng phòng kế hoạch tổng hợp, Viện Bỏng quốc gia tại Hà Nội cho biết, về y văn có 2 dạng. Một là lão hóa sớm, già trước tuổi do gene di truyền. Ở dạng này, người bệnh có biểu hiện ngay từ khi còn nhỏ, 5 tuổi nhưng trông như người 20-30 tuổi, đến khi họ thực sự bước vào tuổi 20-30 thì đã trông như người già. Thường những người này không sống quá 30 tuổi vì tuổi thọ bị rút ngắn.

Dạng thứ 2 như trường hợp của chị Phượng ở Bến Tre là do bệnh lý. Từ bé bệnh nhân hoàn toàn bình thường, gần đây da mặt mới nhăn nheo chảy xệ.

“Chưa được khám trực tiếp nên tôi chỉ có thể phỏng đoán, khả năng lớn là bệnh nhân bị bệnh lý tế bào vón. Có thể cơ thể tăng tiết histamin quá nhiều để chống lại dị ứng mới gây phù nề, cộng thêm có sẵn bệnh dị ứng khi ăn hải sản. Ngoài ra cũng không loại trừ đó có thể là hậu quả do loại thuốc mà bệnh nhân đã uống”, tiến sĩ Lượng nói.

Cũng theo ông, bệnh này chẩn đoán bệnh không khó, dựa vào biểu hiện lâm sàng, cộng thêm làm một vài xét nghiệm. Bệnh có thể chữa được. Tuy nhiên để có thể trở lại hoàn toàn bình thường như trước đây là điều rất khó, vì kể cả khi chữa cho hết phù thì da cũng không được mịn màng. Như vậy sẽ phải mất thời gian để chăm sóc da về sau.

Theo tiến sĩ Trần Thiết Sơn, Trưởng khoa Phẫu thuật tạo hình, Bệnh viện Xanh Pôn (Hà Nội), với trường hợp này, các bác sĩ có thể can thiệp được về mặt thẩm mỹ, căng da mặt toàn bộ giúp bệnh nhân loại bỏ các vết nhăn, chảy xệ. Tuy nhiên, việc này chỉ hiệu quả khoảng 60% và tình trạng “lão hóa” da của bệnh nhân có thể tái phát sớm bởi chưa chữa được tận gốc bệnh.

“Việc phẫu thuật tạo hình chỉ là giải quyết cái ngọn, điều cần làm là tìm căn nguyên gây ra tình trạng trên để tìm cách hữu hiệu và lâu dài hơn”, bác sĩ Sơn nói. Minh Thùy – Nam Phương

Bài 8. Cô gái bị biến thành bà lão đang chọn bệnh viện

Sau khi liên lạc với chị Nguyễn Thị Phượng qua điện thoại, phóng viên VietNamNet biết được hiện tại chị vẫn chưa quyết định chính xác sẽ lên TP.HCM chữa bệnh vào ngày nào.

Ngay bản thân chị Phượng cũng còn đang đắn đo, lựa chọn bệnh viện để được điều trị một cách tốt và hiệu quả nhất.

Chưa đưa ra con số cụ thể về chi phí cho việc điều trị bệnh của chị Phượng, nhưng theo bác sĩ Hoàng Văn Minh, Trưởng khoa Da Liễu – Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM, sẽ phải tốn rất nhiều tiền bạc và bệnh nhân cũng như bác sĩ cần kiên trì trong một thời gian dài.

Bác sỹ Hoàng Văn Minh là người đã trực tiếp xuống Bến Tre khám cho nữ bệnh nhân trên.

Khẳng định với Báo điện tử VietNamNet sáng 6/10, bác sỹ Minh cho hay, cô gái 26 tuổi không phải bị lão hóa do uống thuốc dị ứng mà có tiền căn bị bệnh vón tế bào trước đó.

Sau khi liên lạc với chị Nguyễn Thị Phượng qua điện thoại, phóng viên VietNamNet biết được hiện tại chị vẫn chưa quyết định chính xác sẽ lên TP.HCM chữa bệnh vào ngày nào - Ảnh: Tuổi Trẻ

Ngay chính bản thân bác sĩ Minh trong suốt mấy chục năm công tác cũng chỉ mới gặp phải một trường hợp như vậy nhưng đã cách đây tới 8 năm.

Bệnh nhân đó cũng bị bệnh vón tế bào nhưng ở thể ác tính và đã tử vong ngay khi ấy.

Theo thông tin mới nhất từ bác sĩ Minh, chị Phượng sẽ chính thức được ông điều trị trực tiếp tại Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM.

Ngay khi chị nhập viện, bác sĩ Minh dự tính sẽ cho làm các cận lâm sàng, giải phẫu bệnh để tìm rõ nguyên nhân gây bệnh.

Tiên lượng về khả năng phục hồi của bệnh nhân, bác sĩ Minh nói: “Sau khi điều trị nội khoa mặt của bệnh nhân sẽ được cải thiện sưng phù. Những phần cơ, da nhăn nheo trên cơ thể người bệnh sẽ được dùng laser trị liệu, nhưng hồi phục rất khó. Đối với trường hợp này, phẫu thuật thẩm mỹ không có tác dụng”.

Trả lời câu hỏi của phóng viên VietNamNet về việc dùng thuốc dị ứng của chị Phượng trước đó có phải là nhân tố gây bệnh không, bác sĩ Minh trả lời: “Thuốc có chứa corticoide có thể gây ra tác dụng phụ như rạn da mà thôi, chứ không phải là nguyên nhân khiến chị Phượng trở nên như vậy”.

Như báo chí đã thông tin về chị Nguyễn Thị Phượng, 26 tuổi, ngụ tại thị trấn Giồng Trôm, huyện Giồng Trôm (Bến Tre), cách đây 4 năm đang là một cô gái trẻ đẹp bỗng dưng mắc bệnh lạ khiến bề ngoài trông như một bà lão.

Theo chị Phượng, chị bắt đầu xuất hiện triệu chứng nói trên kể từ sau khi mua thuốc điều trị bệnh dị ứng về dùng.

Tuy nhiên, cách đây vài ngày, sau khi tận mắt thăm khám, bác sĩ Minh cho rằng chị Phượng mắc phải một căn bệnh xưa nay hiếm.

Được biết, bệnh vón tế bào là bệnh vô cùng hiếm gặp, nếu mắc thì cũng thường thấy ở trẻ em nhiều hơn. Tế bào vón có hai dạng bệnh là đơn thuần và dạng bệnh hệ thống. Nếu là dạng hệ thống thì bệnh thường là ác tính, có thể làm ảnh hưởng đến tủy xương gây tử vong.

Dấu hiệu của bệnh tế bào vón thể hiện qua những vùng mặc đồ chật da vẫn còn bị nổi đỏ, một số nơi trên da vẫn còn những nốt sẩn phù. Bệnh gây ra các vùng thâm nhiễm dưới da…

Chị Phượng bị bệnh tế bào vón nhưng ở thể đơn thuần nên tiên lượng tốt và khả quan hơn.

Thanh Huyền

BÀI 9. Xét nghiệm để truy bệnh cô gái hóa thành bà lão

Vừa đến TP HCM trưa nay, Nguyễn Thị Phượng – cô gái 26 tuổi có gương mặt bỗng hóa bà lão đã được các bác sĩ Bệnh viện ĐH Y dược tiến hành lấy mẫu máu và da để thực hiện xét nghiệm tìm nguyên nhân gây bệnh.

Bác sĩ Hoàng Văn Minh, Trưởng phòng Khám Da liễu Bệnh viện ĐH Y Dược TP HCM cho biết, bệnh nhân đã các bác sĩ lấy mẫu máu, mẫu da để thực hiện những xét nghiệm.

“Kết quả xét nghiệm hy vọng sẽ có vào đầu tuần sau. Ngay khi có kết quả, chúng tôi sẽ tiến hành hội chẩn gồm các chuyên khoa nội tiết, dị ứng, tiêu hóa và da liễu. Hội đồng sẽ kết luận nguyên nhân gây bệnh và đưa ra hướng điều trị cụ thể cho bệnh nhân”, bác sĩ Minh nói.

Bác sĩ Minh một lần nữa cho rằng căn cứ vào phản ứng da và chứng tiêu chảy của bệnh nhân, ông nghĩ đến 90% chị Phượng mắc chứng tế bào vón.

Bệnh tế bào vón hiếm gặp ở người lớn. Có hai dạng gồm dạng biểu hiện trên da đơn thuần và dạng hệ thống. Ở dạng hệ thống, bệnh có thể làm tổn thương tủy xương gây tử vong nhanh. Trường hợp chị Phượng, có thể là dạng da đơn thuần, theo bác sĩ Minh.

Ngoài bệnh tế bào vón, ông Minh cũng cho rằng, nguyên nhân khác khiến da mặt chị Phượng trông như bà lão có thể do biến chứng của corticoid – bởi chị này có dùng corticoid trong quá trình tự điều trị.

Khá mệt vì vừa đi xe từ Giồng Trôm, Bến Tre về TP HCM đã vào khám ngay, vừa phải “trốn” những người hiếu kỳ luôn muốn xem mặt, song chị Phượng cho hay mình thực sự xúc động khi được các bác sĩ và nhiều người quan tâm giúp đỡ.

“Em hy vọng lần này các bác sĩ sẽ giúp em tìm được bệnh và điều trị thành công”, bệnh nhân này nói.

Để đảm bảo sức khỏe cho bệnh nhân, trong thời gian chờ đợi kết quả xét nghiệm, chị Phượng được đưa đến khu điều trị nội trú của bệnh viện và có thể lưu lại đây cho đến khi chữa xong.

Lấy chồng năm 2006, một năm sau Nguyễn Thị Phượng từ một cô gái xinh xắn bắt đầu thấy ngứa da mặt sau mỗi lần ăn hải sản. Gương mặt sưng nề, nổi sần nhiều hơn sau khi chị dùng thuốc đông y để chữa vì nghĩ mình bị nóng gan. Năm 2010, sau 3 năm bịt mặt bằng khẩu trang, ngại hàng xóm biết chuyện gương mặt mình biến dạng, chị Phượng cùng ông xã đến Bình Phước sinh sống cho đến nay.

Thiên Chương

BÀI MƯỜI. Lòng chung tình của chồng cô gái hóa thành bà lão

Nghe vợ gọi “ông xã ơi vào phòng khám cùng em, một mình em sợ”, người đàn ông 34 tuổi đặt vội hành lý xuống ghế chờ chạy vào trong. Nắm bàn tay Phượng, anh nhìn sâu vào gương mặt nhăn nheo của vợ rồi bảo: “Có anh đây, em cứ yên tâm”.

Cử chỉ của đôi vợ chồng tại phòng khám Da liễu, Bệnh viện ĐH Y dược chiều 7/10, khiến những người chứng kiến phải xúc động. Một người không kiềm được cảm xúc đã thốt lên: “Tuyển ơi, anh đúng là người chồng tốt”.

Trở lại băng ghế chờ, thấy nhiều người nhìn mình, Nguyễn Thành Tuyển – chồng của cô Nguyễn Thị Phượng, 26 tuổi có gương mặt một bà lão – cười và nói: “Vợ yêu của tôi là vậy đấy, rất hay làm nũng, lúc nào cũng muốn có chồng một bên”.

Câu chuyện từ những ngày đầu quen nhau đến khi Phượng mắc bệnh rồi biến dạng gương mặt đã được anh Tuyển tâm sự cùng VnExpress.net.



Mối lương duyên bắt đầu từ những ngày giữa tháng 4 năm 2006, khi chàng thanh niên 28 tuổi, nhân viên tiếp thị cho một hãng nước rửa chén, thi thoảng ghé qua một quán nước tại Mỏ Cày, Bến Tre, nghỉ trưa. Ở đó anh quen Phượng, cô phục vụ quán 21 tuổi, được trai làng đồn nhau là “hoa khôi của huyện”.

“Lúc bấy giờ ngoài tôi, Phượng còn được rất nhiều chàng trai theo đuổi tán tỉnh, thế nhưng gần một năm tìm hiểu, cuối cùng cô ấy đã chọn tôi. Nghe em đồng ý làm vợ, tôi mừng còn hơn trúng số. Không có tiền làm đám cưới, Phượng vẫn chấp nhận về nhà tôi làm vợ hiền dâu ngoan. Nào ngờ chỉ một năm sau, cô ấy lâm bệnh”, Tuyển kể.

Nghe vợ nói bị ngứa da mặt, thường nổi mề đay mỗi khi ăn đồ biển, không có còn đi Sài Gòn chữa trị, gom tiền lương còm, Tuyển chạy mọi nơi tìm thuốc. Tiền không nhiều, nghe đồn có một thầy đông y rất giỏi, anh mua thuốc về sắc cho vợ uống. Tuy nhiên bệnh tình không giảm mà còn nặng hơn.

“Thấy vợ như vậy, tôi lo và thương lắm. Nhất là mỗi sáng Phượng nhìn vào gương than da mặt mình ngày càng xấu. Còn bao nhiêu tiền, tôi dốc hết vào mua thuốc, song cũng chỉ một năm thì không thể cố gắng được nữa bởi hãng kẹo mà cô ấy làm ế hàng, bản thân tôi cũng không kiếm được bao nhiêu. Khi ấy, tôi chỉ còn biết ôm vợ và tỏ rõ lòng mình, rằng ‘dù em thế nào anh cũng yêu em’”, người chồng rưng rưng kể.

Từ ngày ngừng uống thuốc, da mặt Phượng già đi nhanh chóng, thấy vợ quanh năm suốt tháng trùm kín mặt, gặp ai cũng không dám nói chuyện vì ngại, Tuyển bàn với bà xã về Bình Phước sinh sống.

“Quyết định xa quê của vợ chồng Phượng khi con bé bị bệnh và lại không có tiền khiến mọi người trong nhà ai cũng lo lắng nhưng Tuyển đã thuyết phục rằng, nó muốn đi xa là vì thương vợ mặc cảm nên cuối cùng người lớn cũng phải chịu theo”, một người cậu của Phượng kể chen vào.

Cuộc sống ở Bình Phước không khá hơn về vật chất bởi chồng đi làm mộc, vợ bóc vỏ hạt điều, mỗi tháng tổng thu nhập chưa đến 2 triệu đồng lại phải ở nhà mướn, nhưng nó lại giúp hai vợ chồng nghèo thoải mái hơn về mặt tinh thần. Bởi lẽ, hàng xóm, những người chưa từng biết Phượng trước đây, không tò mò dè bỉu về gương mặt bệnh tật của cô.

“Không ít người thắc mắc tại sao tôi lại sống và yêu thương một người có gương mặt bà già. Nhưng ai nói gì thì nói, tôi vẫn yêu Phượng như lúc cô ấy còn xinh đẹp. Tình cảm này không bao giờ thay đổi. Với Phượng, tôi chỉ thấy thương vì cô ấy bệnh chứ chưa bao giờ chê chán hay nghĩ rằng mình sẽ bỏ để lấy người khác”, Tuyển tâm sự.

Nói về ông xã, cô gái trẻ với gương mặt bà lão nghi do bệnh tế bào vón, bẽn lẽn thổ lộ: “Với em, anh ấy là số một. Anh ấy rất dễ thương, lúc nào cũng động viên an ủi em. Tuyển chính là niềm lạc quan của em để chống lại bệnh tật”.

Phượng cho biết, ngày xưa cô có rất nhiều người đàn ông đẹp trai giàu có theo đuổi, nhưng lý do cô chọn Tuyển là vì anh trầm tính, hiền từ và nghiêm túc. Cô cho rằng lần ấy mình đã lựa chọn không sai.

“Em có tính hay ghen, khi thấy gương mặt mình ngày càng già, cái ghen lại càng nổi lên bởi mặc cảm. Em rất sợ chồng bỏ mình để quen người khác. Nhưng Tuyển đã khóc. Anh ấy lo cho em từng li từng tí. Gương mặt của em khiến người khác khó biết được cảm xúc, nhưng anh ấy biết ngay. Hễ thấy em buồn là lập tức tìm cách chọc em cười”, Phượng nói.

Khi được hỏi “trong lúc này đây, khi nằm viện chờ được chữa bệnh, Phượng ước ao gì”, cô gái 26 tuổi mang gương mặt bà lão trả lời ngay mà không suy nghĩ: “Em ước mặt mình trẻ không phải vì muốn mình xinh đẹp mà để bù đắp cho chồng. Dù biết anh ấy không bỏ nhưng em vẫn muốn chồng hạnh phúc hơn”.

Còn Tuyển, ngoài việc đắn đo không biết vợ chữa trị trong bao lâu, thời gian ấy lấy gì mà ăn, điều anh mong muốn lớn nhất là vợ khỏi đau nhức vì phù nề. “Nhan sắc phục hồi hay không, không quá quan trọng. Tôi chỉ muốn vợ mình bình an. Sau khi chữa lành, chúng tôi muốn làm đám cưới. Tôi muốn vợ mình cũng được một lần mặc áo cô dâu như những người vợ khác”, chồng Phượng khẳng định.

Vợ chồng anh Tuyển đang chờ điều trị ở Bệnh viện 30/4, số 9, Nguyễn Chí Thanh, quận 5. Các bác sĩ đang xét nghiệm để xác định bệnh trước khi đưa ra hướng điều trị. Độc giả muốn giúp đỡ có thể gửi đến tài khoản của Bệnh viện Đại học Y dược TP HCM: Ngân hàng TMCP ngoại thương VN – chi nhánh 5 – TP HCM, số tài khoản 0071000577701. Khi chuyển tiền, xin ghi rõ trong phần nội dung: “Ủng hộ bệnh nhân Nguyễn Thị Phượng”. Thiên Chương

BÀI MƯỜI MỘT. Hành trình biến đổi gương mặt cô gái hóa bà lão

Nguyễn Thị Phượng – cô gái 26 tuổi có gương mặt bà lão nghi do bệnh tế bào vón, thuở 16 vốn rất xinh xắn dịu dàng. Gương mặt rạng rỡ của thanh nữ tuổi 21 bắt đầu có triệu chứng ngứa, thay đổi dần, da chảy xệ nhăn nheo già lão. 

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro

#pro