truyen ma

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Chơi Với Lửa

Font Size: Tác Giả: Sir Arthur Conan Doyle

Tìm Kiếm bằng Tựa Đề:

Tôi không có ý định nói về những gì đã xảy ra một cách chính xác ngày mười bốn tháng tư vừa qua tại số nhà 17 đường Badderly Gardens. Khi viết ra trên giấy trắng mực đen, các giả thiết của tôi có vẻ quá lố bịch để được mọi người coi là truyện đứng đắn. Tuy vậy đúng là có truyện gì đó đã xảy ra: một truyện quá lạ lùng khiến chúng tôi phải nhớ tới cho tới khi chết; câu chuyện này chắc chắn đáng tin cũng như có sự chứng nhận của năm người. Tôi sẽ không để mình bị lôi kéo vào những cuộc tranh luận hay những sự suy diễn. Tôi chỉ xin đưa ra một kiểu lời khai mà tôi đã đưa cho John Moire, cho Harver Deacon và bà De la Mer xem qua; tôi chỉ công bố lời khai này sau khi được họ công nhận từng chi tiết trong đó. Tôi buộc phải bỏ qua sự chấp nhận của Paul Le Duc vì ông đã rời khỏi nước Anh.

Chính John Moire, hội viên thứ nhất của công ty Moire, Moire và Sanderson là người đầu tiên đã lôi kéo sự chú ý của chúng tôi tới các vấn đề của khoa học huyền bí. Giống như nhiều thương gia rất cương quyết và thực tế, ông có một khía cạnh huyền bí, chính khía cạnh này đã đưa ông tới sự khảo sát và chấp nhận, khi có cơ hội, các hiện tượng huyền

hoặc mà người ta đã gói ghém lại cùng với nhiều điều ngu xuẩn và giả trá dưới nhãn hiệu thông linh học. Ông đã bắt đầu các cuộc nghiên cứu với một tinh thần tự do, chẳng mấy chốc những nghiên cứu đó đã mang bộ mặt của các giáo điều; lúc đó ông cũng trở nên tích cực và cuồng tín như một người sùng đạo mù quáng. Trong nhóm người nhỏ bé của

chúng tôi, ông tiêu biểu cho những người huyền bí đã tạo lập một tôn giáo mới dựa theo các hiện tượng lạ lùng này.

Bà De la mer, bà đồng của chúng tôi, là em gái ông và cũng là vợ của nhà điêu khắc De la mer. Kinh nghiệm đã cho chúng tôi thấy rằng đụng tới những vấn đề này mà không có người ngồi đồng thì chỉ uổng công, cũng như một nhà thiên văn muốn tiến hành quan sát mà lại không có kính viễn vọng vậy. Mặt khác không bào giờ chúng tôi muốn đưa vào

nhóm chúng tôi một bà đồng chuyên nghiệp; các bà này rõ ràng chỉ cốt moi tiền chúng tôi nên mới làm việc đó và dễ quay ra lừa bịp; làm sao chúng tôi có thể tin được những hiện tượng được tạo ra với giá biểu một đồng bạc một giờ?

May mắn thay, Moire đã khám phá ra rằng cô em gái ông có khả năng lên đồng, nói theo cách khác bà ta là một cục pin của năng lượng nhân điện, hình thức năng lượng duy nhất khá tế nhị để có thể vận dụng hữu hiệu trên bình diện tinh thần cũng như trên bình diện vật chất của chúng ta. Tất nhiên khi nói đến điều này tôi tuyệt đối không có ý khẳng định

những gì liên hệ tới vấn đề là xác thực: tôi chỉ nhắc tới các lý thuyết nhờ vào đó chúng tôi đã giải thích, có thể là sai mà cũng có thể là đúng, những điều chúng tôi đã nhìn thấy. Bà đồng này đã tới, tuy không hoàn toàn được ông chồng đồng ý. Dù không bao giờ bà cho ta có cảm tưởng bà có một sức mạnh rất lớn về tâm linh, chúng tôi vẫn thấy những kiểu thần giao cách cảm theo thói quen vừa ngây thơ ấu trĩ vừa không thể giải thích được. Chiều chủ nhật nào cũng vậy, chúng tôi gặp nhau tại phòng làm việc của Harver Deacon ở Bedderly Gardens trong căn nhà ở góc đường Merton Park. Đầu óc giàu tưởng tượng của Harver Deacon đã phung phí trong nghệ thuật của ông làm bất cứ ai nhìn thấy cũng

phải coi ông là một tay chơi tài tử rất hăng say về tất cả những gì kỳ quái và dễ gây xúc động. Chắc chắn sự ngoạn mục trong việc nghiên cứu các khoa học huyền bí đã lôi cuốn ông lúc khởi đầu; nhưng rồi sự chú tâm của ông đã nhanh chóng chuyển sang một vài hiện tượng mà tôi vừa nói tới, và ông đã đi tới kết luận rằng những điều ông từng coi là một cuộc mạo hiểm lãng mạn để chơi đủa, như một sự giải trí trong lúc trà dư tửu hậu, thật ra là một sự thực rất đáng sợ. Vốn có bộ óc thông minh và duy lý nổi tiếng, trong cái thế giới nhỏ bé của chúng tôi ông là hình ảnh của một phần tử hay phê phán, một người không có thành kiến lúc nào cũng sẵn sàng theo dõi các sự việc đúng như ông nhìn thấy chúng và luôn khước từ việc đưa ra trước một lý thuyết về những thông tin của ông. Sự khôn ngoan của ông đi ngược lại ý của Moire, giống hệt như chuyện đức tin mạnh mẽ của ông này làm trò cười cho Deacon. Nhưng theo cách của họ, cả hai đều là những kẻ loạn trí.

Còn tôi? Tôi có thể tự coi mình là người thế nào đây? Tôi không phải là người mộ đạo. Tôi cũng không phải là một người phê bình theo lối khoa học. Cứ cho rằng tôi là một anh thị dân có tính tài tử, thích được thấy mình trong một trào lưu thời thượng, biết ơn tất cả những cảm xúc mới làm tôi say mê và mở cho tôi những hướng đi mới về đời sống. Bản

thân tôi không phải là người có nhiệt huyết, nhưng tôi thích giao du với những người có nhiệt huyết. Những ý kiến của Moire cho tôi cảm tưởng chúng tôi đã có một giấy thông hành đặc biệt để mở cánh cửa của cõi chết, và làm tôi hoàn toàn mãn nguyện. Tôi thấy rất thoải mái với bầu không khí ấm cúng của buổi họp mặt dưới ánh sáng mờ ảo. Nói tóm lại, chuyện này làm tôi thích thú. Đó là lý do tại sao tôi đã có mặt tại đó ngày 14 - 4, để chứng kiến một cảnh rất kỳ lạ mà tôi sẽ thuật lại ngay bây giờ.

Trong số đàn ông thì tôi là người tới trước nhất, nhưng bà De la mer đã có mặt trong phòng làm việc của Deacon rồi, vì bà đã uống trà với bà Deacon. Hai bà và ông Deacon đang đứng trước một bức hoạchưa hoàn tất đặt trên giá. Tôi không phải là người sành sỏi về hội hoạ và không bao giờ dám nói là hiểu ý nghĩa các bức hoạ của Deacon. Tuy nhiên

trong trường hợp nay, tôi thấy bức hoạ tuyệt đẹp, rất kỳ ảo, thấm đượm vẻ thần tiên, chứa đầy các loài vật và những hình ảnh tượng trưng đủ loại. Các bà ngợi khen ông hết lời, hiệu lực của màu sắc quả là tuyệt mỹ.

- Ông nghĩ thế nào, ông Markham? Ông ta hỏi tôi.

- Thú thật điều này vượt quá mức hiểu biết của tôi! Tôi đáp lại. Những con thú này... Đó là những con gì vậy?

- Những con quái vật trong thần thoại, những con vật tưởng tượng, các kiểu huy chương. Một đám rước kỳ dị, bí ẩn.

- Với một con ngựa trắng đi đầu!

- Đó không phải là một con ngựa!

Ông đã phản đối lại với một giọng nghiêm nghị, điều làm tôi kinh ngạc vì ông vốn có tính tình rất tốt và không bao giờ tỏ ra quá trang nghiêm.

-Vậy đó là cái gì?

-Ông không trông thấy cái sừng trên trán nó à? Đó là một con kỳ lân. Tôi đã nói với ông đó là những con thú tưởng tượng. Ông không thể nhận ra con nào cả sao?

-Tôi thấy thất vọng, ông Deacon ạ!

Có vẻ như ông đã bị xúc phạm dữ dội, nhưng ông bật cười lớn.

-Hãy tha thứ cho tôi, ông Markham ạ! Ông nói với tôi. Thật ra tôi đã làm một công việc điên rồ với con thú này. Suốt cả ngày tôi vẽ nó, vẽ đi vẽ lại, cố tưởng tượng xem nếu như có một con kỳ lân sống thì nó giống cái gì. Sau cùng tôi tin rằng tôi đã thành công. Ít nhất tôi cũng đã hy vọng vậy, nhưng khi ông không nhận ra nó, tôi thấy bị chạm tự ái dữ dội.

-Chắc chắn đó là một con kỳ lân! Tôi kêu lên với vẻ tin tưởng, vì tôi thấy ông bực bội bởi sự mù tịt của tôi. Tôi phân biệt rất rõ cái sừng, nhưng chưa bao giờ tôi nhìn thấy kỳ lân cả, ngoài những thứ được vẽ trên các huy hiệu hoàng gia, và tôi tuyệt đối không tin là có con thú này. Những con thú khác là những con quái vật đầu sư tử, những con mãng xà và

rồng đủ loại, có phải thế không?

-Vâng, với những con này tôi không gặp một khó khăn nào. Chỉ có con kỳ lân này là làm cho tôi bực mình. Thôi, thế cũng tạm đủ cho tới ngày mai.

Ông quay lật bức hoạ lại ở trên giá và chúng tôi chuyển câu chuyện sang đề tài khác.

Chiều hôm đó ông Moire tới trễ. Chúng tôi ngạc nhiên khi thấy ông đi cùng một người Pháp thấp nhỏ và khoẻ mạnh, mà ông giới thiệu với chúng tôi dưới cái tên là Paul Le Duc. Tôi nói rằng chúng tôi ngạc nhiên, vì chúng tôi giữ quy luật là một sự xâm nhập vào nhóm thông linh học của chúng tôi sẽ làm xáo trộn tình thế và đưa vào một phần tử khả nghi.

Chúng tôi biết có thể tin cậy lẫn nhau, nhưng tất cả kết quả của chúng tôi sẽ có nguy cơ bị hoài nghi bởi sự hiện diện của một người ngoài cuộc. Tuy nhiên, ông Moire đã mau lẽ trấn an chúng tôi. Ông Paul Le Duc là một môn đồ danh tiếng của khoa thần bí học. Ông du lịch tới nước Anh mang theo một thư giới thiệu của ông chủ tịch hội Huynh đệ những người dân Paris của giáo phái Rose-Croix gửi cho ông Moire. Như vậy thật hoàn toàn bình thường khi ông được mời tới dự cuộc ngồi đồng của chúng tôi; chúng tôi còn thấy vinh dự về sự có mặt của ông.

Như tôi đã nói, ông ta nhỏ bé và khoẻ mạnh, nom bề ngoài không có gì đặc biệt. Trên khuôn mặt lớn được cạo nhẵn của ông chỉ có đôi mắt to màu nâu là đáng kể mà thôi. Ông ăn mặc lịch sự, có điệu bộ của một người thượng lưu và nói tiếng Anh bằng một giọng khiến các bà tủm tỉm cười. Bà Deacon vốn không muốn tắt bớt đèn đi như thường lệ và

chúng tôi kéo nhích ghế lại gần chiếc bàn vuông bằng gỗ bạch đàn được kê ở giữa phòng. Ánh sáng yếu ớt nhưng cũng đủ để chúng tôi nhìn thấy nhau rất rõ ràng. Tôi nhớ là tôi còn có thể nhìn thấy rõ ông người Pháp có hai bàn tay nhỏ nhắn mũm mĩm với những ngón tay vuông.

-Thật vui nhỉ! Ông nói với chúng tôi. Đã từ nhiều năm nay tôi không ngồi dự theo lối này, tuy nhiên tôi rất thích việc này. Bà là bà đồng đúng không? Có phải bà hành nghề lên đồng không?

-Không hoàn toàn đúng, bà De la mer đáp lại. Nhưng bao giờ tôi cũng cảm thấy một sự chập chờn nửa thức nửa ngủ.

-Đó là giai đoạn đầu. Chỉ cần thúc đẩy thêm là nó tới chỗ đồng nhập. Khi đồng nhập rồi thì linh hồn bé nhỏ của bà bay đi và một linh hồn khác tới thế chỗ của nó, do đó mà bà đã có giọng nói và tuồng chữ tự động phát sinh. Bà đã để cho người khác nằm quyền điểu khiển cơ thể của bà, phải vậy không? Nhưng những con kỳ lân thì có gì dính líu tới chúng

ta?

Harver Deacon giật nảy người lên. Ông người Pháp từ từ quay đầu lại và chăm chú nhìn vão những bức màn tối sẫm che phủ các bức tường.

-Nom có vẻ ngồ ngộ! Ông ta lẩm bẩm. Luôn luôn là những con kỳ lân. Ai đã nghĩ tới một đề tài kỳ cục như vậy với một cường độ mạnh như thế?

-Thật là kỳ diệu! Deacon kêu lên. Suốt cả ngày tôi đã cố sức vẽ ra một con. Tại sao ông lại biết được?

-Ông đã nghĩ tới những con kỳ lân trong căn phòng này à?

-Chắc chắn là thế!

-Những tư tưởng là vật thể đó ông bạn ạ! Khi ông tưởng tượng tới một vật gì là ông đã tạo ra vật đó. Ông không biết như thế à? Nhưng tôi có thể nhìn thấy những con kỳ lân của ông và không phải chỉ có thể nhìn bằng mắt thôi đâu.

-Có phải ông muốn nói rằng tôi đã tạo ra một vật chưa bao giờ có thật cả chỉ bằng cách nghĩ đến nó thôi à?

-Rõ ràng là thế. Đó là một sự kiện nằm trong tất cả mọi sự kiện khắc. Đó là lý do tại sao một ý nghĩ xấu cũng là một sự nguy hiểm.

-Tôi lại nghĩ đó là trên bình diện siêu nhiên chứ? Ông Moire hỏi lại.

-À, đó chỉ là những từ thôi, ông bạn ạ! Những con vật đó ở kia kìa, tại một nơi nào đó, tại khắp mọi nơi, tôi không thể nói rõ được. Tôi nhìn thấy chúng. Tôi có thể sờ mó vào chúng.

-Ông không thể làm cho chúng tôi nhìn thấy chúng được à?

- Chỉ cần làm cho chúng trở thành hiện thực. Xin các ông chú ý lắng nghe, đây sẽ là cuộc thí nghiệm. Nhưng cần phải có quyền uy. Trước hết hãy đo lường quyền uy mà chúng ta có được, sau đó chúng ta sẽ thấy chúng ta có thể làm gì. Các vị có thể cho phép tôi được xếp cho ngồi cho quý vị theo ý muốn của tôi không?

-Chắc chắn ông là người thành thạo hơn chúng tôi, Deacon trả lời. Tôi mong rằng ông sẽ điều khiển mọi việc.

-Có thể các điều kiện không được hoàn hảo nhưng chúng ta sẽ làm những gì có thể làm. Xin bà cứ ngồi yên tại chỗ cũ, tôi sẽ ngồi cạnh bà ấy và quý ông đây sẽ ngồi bên tôi. Ông Moire sẽ ngồi cạnh bà, vì sự xen kẽ giữa màu nâu và vàng nâu là rất tốt. Vậy là được rồi. Và bây giờ xin quý vị cho phép tôi tắt hết đèn đi.

-Bóng tối thì có lợi ích gì? Tôi hỏi.

-Xung lực mà chúng ta liên hệ tới là một sự rung động của ête, giống hệt như ánh sáng vậy.Bây giờ chúng ta có những sợi dây liên lạc đặc biệt riêng của chúng ta, các vị hiểu không? Thưa bà, bà sẽ không thấy sợ hãi trong bóng tối chứ? Một buổi lên đồng như thế này thật rất vui!

Mới đầu chúng tôi thấy hoàn toàn tối mịt; nhưng sau một vài phút mắt chúng tôi quen dần với bóng tối: chúng tôi có thể nhận ra bóng của chúng tôi một cách rất mơ hồ và rất lộn xộn, tôi phải thừa nhận như vậy. Tôi không thể nhìn thấy những đồ vật khác trong phòng làm việc. Cả bọn chúng tôi đều trang nghiêm hơn rất nhiều so với những lần trước.

- Xin quý vị hãy đặt bàn tay ra trước mặt quý vị. Chúng ta không có cơ hội nào để đụng chạm vào nhau vì chúng ta quá ít người quanh một chiếc bàn kích thước lớn như vậy. Thưa bà, xin bà hãy chuẩn bị. Nếu cơn buồn ngủ kéo tới xin bà đừng cưỡng lại. Còn bây giờ chúng ta hãy ngồi yên lặng và chờ đợi.

Vậy là chúng tôi đều ngồi yên lặng chờ đợi trong khi phải nhìn xoi mói vào bóng tối trước mặt mình. Ngoài hành lang, tiếng đồng hồ kêu tích tắc. Xa xa một con chó sủa lên từng hồi. Hai hay ba lần có tiếng xe ngựa chạy lạo xạo ngoài phố, ánh sáng chập chờn từ những ngọn đèn của chúng lọt qua kẽ mành đã tạo nên một vài khoảng ấm cúng trong

buổi thức thâu đêm của chúng tôi. Tôi cảm thấy các triệu chứng về thể xác đã trở thành quen thuộc qua các buổi lên đồng trước đây: đôi bàn chân giá buốt, bàn tay như bị kiến bò, một cảm giác ấm áp dịu dàng ở lòng bàn tay và một luồng gió lạnh lẽo trên lưng, những cơn đau nhức nhỏ, kỳ lạ nhất là ở hai cánh tay (đặc biệt là ở cánh tay trái, cánh tay gần vị khách của chúng tôi nhất). Những cảm giác này chắc chắn là do sự lộn xộn của hệ thống thần kinh mạch, nhưng dù sao cũng đáng lưu ý. Đồng thời tôi cảm thấy một cảm giác căng thẳng của sự nôn nóng chờ đợi, một cảm giác gần như đau đớn vậy. Cứ xét qua sự im lặng nghiêm ngặt tuyệt đối của các bạn tôi thì đủ biết họ cũng có các dây thần kinh

căng thẳng như tôi.

Rồi đột nhiên một tiếng động nổi lên từ bóng tối: một tiếng rít trầm trầm. Đó là tiếng thở nhanh và nhẹ của một người đàn bà, càng lúc càng nhanh hơn, càng lúc càng nhẹ hơn, như thể hơi thở lọt qua hai hàm rằng nghiến chặt; rồi chúng tôi nghe thấy một tiếng nấc cụt khá mạnh, kèm theo một tiếng sột soạt của vải.

- Cái gì vậy? Có bình thường không? Một người hỏi trong bóng tối.

- Hoàn toàn bình thường, ông người Pháp trả lời. Đó là tiếng thở của bà ấy. Bà ấy đã nhập đồng. Thưa quý vị, bây giờ nếu quý vị vui lòng chờ đợi một cách bình thản, quý vị sẽ thấy một vật mà tôi tin sẽ làm quý vị vô cùng thích thú.

Vẫn còn tiếng tích tắc ngoài hành lang. Vẫn còn hơi thở, nhưng lúc này sâu hơn, dài hơn, của bà đồng. Vẫn còn những tia sáng chập chờn của những ngọn đèn xe ngựa, nhìn thấy rõ hơn bao giờ hết. Chúng tôi đang lấp đầy một cái vực thẳm gớm ghê ! Ở một bên là bức màn của sự vĩnh hằng đã hé lên một nửa, bên kia là những xe cộ của thành phố London. Chiếc bàn rung lên một nhịp thở mạnh mẽ. Nó lắc lư một cách đều đặn, nhịp nhàng, nó tự nâng lên, hạ xuống một cách nhẹ nhàng bên trong những thớ gỗ của nó; ta có thể nói đó là tiếng một bó củi đang nổ lách tách trong lò sưởi vào một đêm đông.

- Có rất nhiều quyền uy! Ông người Pháp lẩm bẩm. Các vị hãy nhìn trên bàn kìa!...

Tôi đã tưởng tôi là một kẻ làm trò cười cho ảo giác của riêng mình, nhưng tất cả mọi người đều nhìn thấy một thứ như tôi. Một thứ ánh sáng lân tinh màu vàng hơi xanh nhạt (có lẽ tôi nên gọi là một thứ hơi nước có ánh sáng hơn là một thứ ánh sáng!) trụ lại trên mặt bàn. Nó lăn đi, uốn éo, xoắn lại thành những nếp lập loè mờ ảo xoay quanh và tự xoay tròn như những đám mây khói. Qua ánh sáng kỳ diệu đó tôi có thể nhìn thấy hai bàn tay trắng trẻo và những ngón tay vuông của ông người Pháp.

- Tuyệt diệu! Ông ta kêu lên. Thật là thích thú.

- Ta có nên đòi các mẫu tự không? Ông Moire hỏi.

- Không! Chúng ta có thể đạt được những điều tốt hơn nhiều. Vị khách của chúng tôi đáp. Làm cho cái bàn lúc lắc ở mỗi chữ trong bảng chữ cái chỉ là trò trẻ con; với một bà đồng như quý bà đây, chúng ta phải làm được hơn thế.

- Vâng, các vị sẽ làm được nhiều hơn, một tiếng nói cất lên.

- Ai nói vậy? Có phải ông đấy không, ông Markham?

- Không, không phải tôi nói.

- Đó là bà đây đã nói.

- Nhưng không phải tiếng của bà ấy.

- Có phải bà không, thưa bà De la mer?

-Không phải là bà đồng đâu nhưng đó là quyền uy đã sử dụng cơ thể của bà đồng, tiếng nói trầm trầm xa lạ đáp lại.

-Bà De la mer đâu rồi? Tôi hy vọng rằng điều này sẽ không làm gì hại tới bà phải không?

- Bà đồng rất sung sướng trong một bình diện khác của đời sống. Bà đã ngồi vào chỗ của tôi, cũng như tôi đã ngồi vào chỗ của bà.

- Ông là ai?

- Điều đó không có gì quan trọng với ngài. Tôi là một người đã từng sống cũng như ông đang sống bây giờ và đã chết cũng như ông sẽ chết một ngày nào đó.

Chúng tôi nghe thấy tiếng ken két của bánh xe ngựa dừng lại trước cửa một ngôi nhà bên cạnh. Bên ngoài, người ta đang cãi nhau về giá cả chuyến xe, và vừa đánh xe đi bác đánh xe vừa càu nhàu một câu tục tĩu. Đám mây màu vàng xanh vẫn còn xoay tròn trên mặt chiếc bàn, lờ đờ trên toàn bộ bề mặt của nó, trừ một tia sáng yếu ớt; như thể nó dồn cả vào trước mặt bà đồng. Tim tôi như đóng băng vì lạnh và sợ hãi. Hình như chúng tôi đã khinh suất và dại dột đi tới gần sự thiêng liêng thực tại nhất và cao cả nhất; sự cảm thông với những người chết mà các cha của Giáo hội đã nói tới.

- Các ông không thấy rằng chúng ta đã đi quá xa à? Có lẽ chúng ta phải cắt đứt buổi lên đồng này đi thôi. Tôi kêu lên.

Nhưng những người khác rất muốn được coi tới phút chót. Sự áy náy của tôi làm họ bật cười.

- Tất cả mọi quyền uy đều được tạo ra cho người ta sử dụng, Harver Deacon trả lời tôi. Nếu chúng ta có thể sử dụng được thì chúng ta phải sử dụng. Tất cả những điểm xuất phát mới của tri thức đều đã bị coi là bất hợp pháp vào lúc khởi đầu. Đó là một điều đúng và hợp lý khi chúng ta tìm hiểu về bản chất của cái chết.

- Đó là đúng và hợp lý, tiếng nói tiếp lời.

- Đó! Ông còn muốn đòi hỏi gì hơn nữa? Ông Moire kêu lên, vẻ rất xúc động. Ta hãy làm một trắc nghiệm. Ông có vui lòng cho chúng tôi một bằng chứng rằng ông thật sự có mặt ở nơi đây không?

- Ông muốn thử nghiệm như thế nào?

- Đây này... Tôi có một ít tiền lẻ trong túi. Ông có thể nói cho tôi biết là bao nhiêu không?

- Chúng tôi tới đây với hy vọng là để giáo dục và giác ngộ, chứ không phải để giải đáp những câu đố trẻ con.

- A, a, ông Moire ơi, đó lả ông đã bị chỉnh rồi đó. Ông người Pháp kêu lên. Nhưng lời chỉ trích hoàn toàn đúng.

- Đây là một tôn giáo chứ không phải là một trò chơi, tiếng nói lạnh lùng và cứng rắn lại cất lên.

- Đúng thế. Tôi cũng có ý kiến như vậy. Ông Moire nói lớn. Tôi rất tiếc đã đặt ra một câu hỏi như vậy. Ông không thể vui lòng cho chúng tôi biết ông là ai à?

- Việc đó có liên quan gì tới ông?

- Chắc ông phải là một hồn ma từ lâu lắm rồi phải không?

- Vâng.

- Bao lâu rồi?

- Chúng tôi không tính thời gian như các ông. Hoàn cảnh đời sống của chúng tôi khác hẳn.

- Ông có sung sướng không?

- Có.

- Chắc ông không muốn trở lại trái đất nữa?

- Không. Chắc chắn là không.

- Ông có bận rộn lắm không?

- Chúng tôi sẽ không thể sung sướng được nếu chúng tôi không rất bận rộn.

- Ông làm việc gì?

- Tôi đã nói rằng hoàn cảnh của chúng tôi hoàn toàn khác biệt mà.

- Ông có thể cho chúng tôi một ý niệm về công việc của ông không?

- Chúng tôi làm việc cho sự tiến bộ của chính chúng tôi, cho sự thăng tiến của những người khác.

- Ông có thích tới đây chiều hôm nay không?

- Tôi thấy sung sướng được tới nếu sự tới thăm của tôi có thể làm được điều thiện.

- Vậy thì mục đích của ông là làm điều thiện à?

- Đó là mục đích của đời sống trên mọi bình diện.

- Ông Markham, ông thấy đó; đây là câu trả lời cho sự áy náy của ông.

- Đúng thật vậy. Những mối nghi ngờ của tôi đã tan biến: tôi đã thích thú một cách kỳ diệu.

- Ông có gặp những sự đau đớn trong cuộc sống của ông không? Tôi hỏi.

- Không. Sự đau đớn là một việc của thể xác.

- Ông có những điều đau khổ vè tinh thần không?

- Có. Bao giờ người ta cũng có thể buồn rầu hoặc lo lắng.

- Ông có gặp những bạn hữu mà ông đã bỏ lại trên trái đất không?

- Một vài người.

- Tại sao lại chỉ có một vài người?

- Chỉ gặp những người nào có cảm tình thôi.

- Những người chồng có gặp lại vợ họ không?

- Những ngưởi nào yêu họ một cách chân thực.

- Còn những người khác?

- Họ chẳng là cái gì đối với nhau cả.

- Liệu có một sợi dây liên hệ tinh thần không?

- Chắc chắn là có!

- Những điều chúng tôi làm có tốt không?

- Nếu các ngài làm điều đó với tinh thần thiện hảo.

- Vậy cái gì gọi là tinh thần xấu xa?

- Sự tò mò và sự khinh xuất.

- Như vậy có thể đưa tới điều gì tai hại không?

- Rất nhiều điều tai hại.

- Tai hại như thế nào?

- Các ông có thể làm nảy sinh những sức mạnh mà các ông không thể chế ngự được.

- Những sức mạnh tồi tệ à?

- Những sức mạnh không được khai hoá.

- Ông nói rằng chúng rất nguy hiểm. Nguy hiểm cho thể xác hay cho linh hồn?

- Đôi khi cho cả hai.

Một sự im lặng bao trùm. Bóng tối hình như sẫm hơn, trong khi đám sương mù màu xanh quay cuồng trên mặt bàn.

- Ông có muốn đưa ra câu hỏi nào nữa không, ông Moire? Harver Deacon hỏi.

- Một câu thôi: Trong thế giới của ông, ông có cầu nguyện không?

- Người ta phải cầu nguyện trong mọi thế giới.

- Tại sao vậy?

- Bởi vì đó là cách để biết những sức mạnh ở bên ngoài chúng ta.

- Ở đó các ông theo tôn giáo nào?

- Chúng tôi theo nhiều tôn giáo, giống như các vị vậy.

- Ông không có sự hiểu biết chắc chắn?

- Chúng tôi chỉ có đức tin thôi.

- Những vấn đề tôn giáo này sẽ được sự quan tâm của người Anh là những người trang nghiêm, nhưng chúng tôi không phải là thứ giải trí đâu. Tôi thấy rằng với quyền uy hiện hữu ở đây, ta có thể đạt được lợi ích từ một kinh nghiệm lớn, phải không? Về một điều gì đó mà ta có thể nói.

- Nhưng không có gì thích thú hơn điều đó! Moire chống lại.

- Nếu ông nghĩ được như vậy, được rồi, rất tốt. Ông người Pháp đáp lại với giọng bực bội. Về phần tôi, trước đây tôi đã nghe điều đó rồi và tôi tưởng chiều nay ta nên thử làm một việc khác, nhờ tất cả những quyền uy mà chúng ta được ban cho. Nhưng nếu ông có những câu hỏi khác, xin ông cứ đưa ra đi. Khi nào ông hỏi xong, chúng ta sẽ thử làm

chuyện khác.

Hỡi ôi, sự say mê đã bị đứt đoạn. Chúng tôi hỏi, hỏi mãi mà không có kết quả: bà đồng ngồi yên lặng trên ghế. Chỉ có nhịp thở sâu, đều đặn của bà chứng tỏ bà còn ngồi ở đó. Đám sương mù vẫn còn quay tròn trên mặt bàn.

- Ông đã huỷ diệt sự hoà điệu. Bà ấy không muốn trả lời.

- Nhưng chúng ta đã biết được tất cả những gì bà có thể nói với chúng ta, phải không? Về phần tôi, tôi muốn thấy một cái gì đó mà chưa bao giờ tôi được thấy.

- Cái gì vậy?

- Ông có vui lòng để tôi thử làm không?

- Ông muốn làm điều gì?

- Tôi đã nói với ông rằng những ý nghĩ là những sự việc, những vật thể. Bây giờ tôi muốn chứng tỏ điều đó với ông và chỉ cho ông thấy cái vật vốn chỉ là một ý nghĩ. Vâng, tôi có thể làm việc đó và các vị sẽ thấy. Bây giờ tôi xin các vị hãy giữ im lặng, không nói gì cả và cứ đặt bàn tay của quý vị lên mặt bàn.

Căn phòng càng tối tăm hơn, lặng lẽ hơn bao giờ hết. Cũng cái cảm giác lo sợ ấy đã đè nặng lên tôi lúc bắt đầu buổi lên đồng lúc này lại dằn vặt trái tim tôi. Tôi thấy rờn rợn ở các chân tóc như có kiến bò.

- Được rồi đó! Ông người Pháp nói lớn.

Đám sương mù có ánh sáng từ từ rời xa chiếc bàn; nó vẫn bay chập chờn uốn éo trong phòng làm việc. Nó bay tới một góc tối tăm nhát, nơi đó nó tụ lại và phát ra một tia sáng, rồi thì nó đông đặc lại thành một cái nhân sáng và rõ ràng thành một vệt tia sáng đang tìm đường lẩn trốn, không soi sáng và không phát các tia sáng vào bóng tối, màu sắc của

nó chuyển từ màu vàng xanh nhạt sang một màu đỏ lờ đờ hơi nâu đen nhạt. Chung quanh cái nhân này, một chất tối sẫm, mờ mờ như khói cuốn thành vòng và cứ dày đặc mãi lên, mỗi lúc một đặc thêm và đen kịt. Rồi ánh sáng tắt ngúm, như bị bóp nghẹt bởi cái vật mà nó bao quanh.

- Hắn đi rồi.

- Suỵt! Có một vật gì đó trong căn phòng.

Cái vật đó, chúng tôi nghe thấy nó ở góc phòng mà ánh sáng đã chuyển tới. Một vật gì thở phì phò và cựa quậy.

- Cái gì vậy? Ông Le Duc, ông đã làm gì vậy?

- Tốt đẹp cả. Sẽ không có gì tệ hại xảy ra đâu.

Tiếng nói của ông người Pháp run run vì xúc động.

- Trời đất ơi, ông Moire, có một con vật lớn kếch xù trong căn phòng. Nó đây này. Nó tựa vào ghế của tôi đây này. Cút đi! Cút đi!

Đó là tiếng nói của Harver Deacon; rồi thì chúng tôi nghe thấy một cái gì đó rơi trên một vật rắn. Rồi thì... Rồi thì... Biết nói thế nào với các bạn về những gì xảy ra! Một con vật kếch xù chạy xông lại chỗ chúng tôi trong bóng tối. Một con vật gì đó đứng chồm hai chân trước lên, nó dậm chân, nó nhảy, nó thở phì phì, nó có thể dẫm nát tất cả mọi thứ trên đường đi của nó. Chiếc bàn bay tung lên thành từng mảnh. Chúng tôi chạy tản mác ra mọi hướng. Con vật đó gầm lên một tiếng kinh hồn, xô đẩy chúng tôi, xông hết góc này tới góc khác của căn phòng với một sức mạnh tàn bạo. Tất cả chúng tôi gào lên vì hoảng sợ, chúng tôi quỳ rạp xuống bốn chân để cố né tránh sự tấn công của con vật đó. Tôi không rõ cái gì đó dẫm lên bàn tay tôi, tôi cảm thấy những đốt xương của tôi gãy rau ráu dưới sức nặng.

- Thắp đèn lên! Một người nào đó kêu.

- Ông Moire, ông có diêm đấy chứ? Diêm?

- Không, tôi không có diêm. Ông Deacon, diêm để ở đâu? Diêm, lạy chúa tôi!

- Tôi không thể tìm thấy chúng. Này, ông, ông người Pháp, hãy chặn nó lại!

- Điều này nằm ngoài quyền năng của tôi. Ôi, lạy chúa tôi, tôi không thể ngăn chặn được cái gì cả! Cửa ra vào! Cửa ra vào ở đâu?

Tình cờ tay tôi đụng phải nắm đấm của cửa ra vào trong khi tôi quờ quạng trong bóng tối. Con vật có hơi thở phì phò xông tới bên cạnh tôi và va đập vào bức vách gỗ với một tiếng động khủng khiếp. Tôi vặn nắm đấm và tất cả chúng tôi chạy ra ngoài, đóng cánh cửa lại phía sau chúng tôi. Ở bên trong sự ồn ào khủng khiếp cứ tiếp tục không ngừng.

- Con gì vậy? Lạy chúa tôi, con vật đó là con gì vậy?

- Một con ngựa. Tôi đã nhìn thấy nó khi cửa được mở ra. Nhưng còn bà De la mer?

- Chúng ta cần phải quay vào tìm bà ấy. Vào đi, Markham, chúng ta càng đợi lâu thì càng nguy hiểm.

Ông mở rộng cánh cửa và chúng tôi chạy xổ vào phòng làm việc. Bà De la Mer nằm lịm trên mặt đất giữa đống mảnh vụn của chiếc ghế của bà. Chúng tôi nắm lấy bà, nhanh chóng lôi bà ra ngoài. Sau khi đã bước tới ngưỡng cửa, tôi ngoái lại nhìn phía sau. Trong bóng tối hai con mắt kỳ lạ nảy lửa lên khi nhìn chúng tôi; tôi chỉ có đủ thì giờ đóng sập

cửa lại. Phía bên kia tiếng động khủng khiếp vang lên, cánh cửa bị chẻ đôi từ trên xuống dưới.

- Nó sắp đi qua cửa! Nó đây này!

- Chạy đi! Chạy đi nếu quý vị còn muốn sống! Ông người Pháp la lớn.

Một tiếng động khủng khiếp khác vang lên trước khi một vật gì đó lao xuyên qua khe nứt của cánh cửa. Đó là một chiếc sừng trắng, dài, long lanh dưới ánh sáng. Trong chốc lát, con vật đứng ngay trước mặt chúng tôi, rồi với một tiếng động khô khan nó biến mắt.

- Mau lên! Mau lên! Lại đây! Harver Deacon kêu lên. Khiêng bà ấy lại đây! Mau lên!

Chúng tôi ẩn náu trong phòng ăn và đóng chặt cánh cửa nặng nề bằng gỗ sến lại phía sau chúng tôi. Chúng tôi đặt người đàn bà bất tỉnh nằm dài trên ghế tràng kỷ. Moire, con người của công việc có sức khoẻ bền bỉ, ngã gục ngất xỉu đi trên tấm thảm trải nhà. Harver Deacon, trắng bệch như một xác chết, co rúm lại và nhảy lên như một kẻ động

kinh. Trong một tiếng đổ vỡ kinh hoàng, cánh cửa phòng làm việc bắn tung lên thành những mảnh vụn; chúng tôi nghe thấy tiếng dậm chân và tiếng hí ở hành lang, tiếng đi đi lại lại, căn nhà rung chuyển dưới cơn thịnh nộ đó. Ông người Pháp, hai tay ôm lây đầu, khóc nức nở như một đứa trẻ đang khiếp sợ.

- Ta phải làm gì? Tôi hỏi ông ta đồng thời lắc mạnh hai vai của ông. Trong trường hợp thế này, một khẩu súng có thể có ích không?

- Không! Nhưng quyền uy sẽ biến đi. Rồi sẽ hết.

- Ông là một người điên kỳ quái, suýt nữa ông đã giết chết tất cả chúng ta với những thử nghiệm ma quỷ của ông.

- Tôi không biết. Làm sao tôi có thể đoán trước được nó lại bị khiếp sợ như vậy? Nó đã điên cuồng vì kinh hoàng? Tất cả đều do lỗi của nó mà ra, nó đã đánh con vật ấy.

Harver Deacon nhảy cẫng người lên.

- Lạy chúa tôi!

Một tiếng gào lớn vang dội khắp căn nhà.

-... Đó là vợ tôi! Tôi đây này! Tôi ra đó! Dù ma quỷ hiện hình cũng không ngăn cản được tôi ra!

Ông mở cửa và chạy bổ ra hành lang. Ở chân cầu thang, bà Deacon nằm bất tỉnh, quá kinh khiếp vì những gì bà nhìn thấy. Nhưng ngoài ra không còn ai khác nữa. Với những con mắt đờ ra vì kinh hoàng, chúng tôi nhìn chung quanh, nhưng tất cả đều hoàn toàn yên tĩnh. Tôi đi tới gần ô vuông đen sì của khung cửa phòng làm việc; cứ từng bước một

tôi chờ đợi nhìn thấy một bóng mờ kinh khủng vọt ra. Nhưng không có gì vọt ra cả. Phía trong căn phòng hoàn toàn yên tĩnh. Với sự đề phòng, chúng tôi tiên tới phía ngưỡng cửa, chúng tôi lục tìm trong bóng tối. Hoàn toàn yên lặng; nhưng trong một góc ngoài bóng tối còn có một vật gì khác nữa, một đám mây có ánh sáng màu đỏ nhạt với một tấm diềm

sáng rực bập bềnh; các vành cạnh của nó lờ mờ không rõ rệt; hình thể của nó cứ mỏng dần và tan loãng; rồi thì ở tại góc đó chỉ còn có bóng tối dày đặc, êm mướt như nhung lan tràn khắp căn phòng. Khi tia sáng cuối cùng đã tắt, ông người Pháp thốt ra một tiếng kêu vui thích.

- Thích thú biết bao! Không ai bị nguy hại gì: chỉ có một cánh cửa bị phá huỷ và các bà bị sợ hãi. Nhưng các bạn ạ, chúng ta đã làm được điều từ trước tới nay chưa ai làm được bao giờ.

- Và trong quyền hạn của tôi, chúng ta sẽ không bao giờ tái diễn nó nữa, ông Harver Deacon nói.

Đó là những gì đã xảy ra ngày 14 tháng 4 tại số nhà 17 đường Badderly Gardens. Ở đoạn trên tôi đã nói thật là kệch cỡm khi ta cổ vũ cho những gì đã thực sự xảy ra. Nhưng tôi đã trình bày các cảm nghĩ của tôi, các cảm nghĩ của chúng tôi ( vì chúng tôi có những cảm nghĩ như vậy, Deacon, Moire và tôi), về những điều mà các cảm nghĩ ấy đáng được

trình bày. Nếu các bạn muốn, các bạn có thể tưởng tượng rằng chúng tôi đã là những nạn nhân của một sự huyền hoặc phức tạp và dị thường. Hoặc các bạn cũng có thể nghĩ như chúng tôi rằng chúng tôi đã trải qua một kinh nghiệm rất thực tế và rất kinh khủng. Nhưng có thể là các bạn còn biết về vấn đề này nhiều hơn chúng tôi và liệu các bạn có thể thông báo cho chúng tôi rõ về những cuộc mạo hiểm tương tự không? Trong trường hợp này một lá thư gửi cho William Markham, Albany, sẽ giúp chúng tôi thấy rõ thêm những gì còn rất tối tăm đối với chúng tôi.

KĐiếu Cày

Font Size: Tác Giả: Phạm Hải Văn

Tìm Kiếm bằng Tựa Đề:

"Nhớ ai như nhớ thuốc lào".

Đặng Vi Yên, ngụ lâu đời ở Nam Định. Tầm thước, khoẻ, thông minh, sống rất điều độ. Mỗi tội nghiện hút thuốc lào từ ít tuổi. Khi Yên lên Hà Nội học đại học, hành trang có chiếc điếu cày.

Chiếc điếu Yên tự tay làm bằng tre đốt, dáng thon đẹp, nỏ cũng bằng tre. Dùng lâu năm, điếu lên nước nâu bóng; tiếng giòn, khói đượm.

Nhân gia đình còn chút của cũ, Yên thuê một túp nhà nhỏ ngay gần trường. Bạn bè thấy Yên ở một mình, thường tụ tập chơi bời ở nhà Yên. Lại trữ sẵn rượu và thuốc lào, góp vài chiếc cả điếu cày, điếu bát. Trong nhà Yên, ngọn đèn dầu không tắt bao giờ.

Được độ hai năm, Yên sinh chứng ho, ngày càng nặng. Cổ họng đau rát, kém ăn mất ngủ, gầy rộc. Ngậm thuốc gì cũng không khỏi. Yên quyết định bỏ thuốc lào. Khốn nỗi ngồi nhìn người khác hút suốt ngày đêm, thèm không nhịn nổi. Yên bèn cất đèn, giấu điếu, cáo bệnh chối khách. Bạn bè thưa dần, bệnh Yên cũng thuyên giảm. Những điếu cũ mỗi bạn cắp đi một chiếc, riêng điếu đem từ Nam Định lên, Yên nhất định không cho ai. Chẳng phải đề phòng có ngày hút lại, chỉ vì đã gắn bó với nhau, không nỡ trao vào tay người khác.

Qua nửa năm, chẳng thuốc thang gì, bệnh Yên khỏi hẳn. Yên sống còn điều độ hơn trước, tập cả dưỡng sinh. Song, không hút thuốc, Yên lại sa vào đam mê mới. Đó là một người con gái gần nhà.

Người con gái này, Yên mới gặp vài bận gần đây. Khi thì rửa chân bên máy nước, khi thì hóng mát cạnh hồ, lúc nào cũng xinh xắn, đáng yêu. Rất trẻ, chỉ độ mười lăm, mười sáu, thon thả yểu điệu. Khuôn mặt lúc nào cũng phảng phất buồn. Chỉ riêng những lần gặp Yên, nàng đều nhìn âu yếm và hơi mỉm cười. Yên thì thấy như đã yêu nàng từ những ngày xưa rồi. Đêm trăng sáng ấy, gặp nàng ở con đường nhỏ trong xóm, Yên rủ vào nhà chơi, nàng nhận lời ngay. Từ khi hỏi chuyện làm quen đến lúc Yên bế lên giường, nàng đều giữ vẻ mặt u buồn cũ. Chỉ đến khi hai đứa sung sướng tột độ nàng mới bật cười rít lên. Yên trước đó chưa gần gũi con gái bao giờ, cũng không thấy lạ, cứ tái diễn vài lần cho thoả. Qua nửa đêm nàng đòi về, chỉ cho Yên đưa đến chỗ hồ nước sau nhà.

Từ đó, đêm nào cũng lại, chiều chuộng Yên rất thành thục, chỉ có điều không bao giờ chịu tắt hết đèn trong phòng, đòi phải để một ngọn đèn dầu leo lét bên giường. Yên nghĩ nàng sợ ma nên cũngchiều; hơn nữa được ngắm khuôn mặt xinh đẹp của nàng trong lúc đầu gối tay ấp, lại càng thoả mãn.

Được một thời gian, bạn bè thấy Yên gầy hẳn đi, sinh nghi, hỏi han, Yên giữ kín không nói. Nhưng cũng tự thấy mình xuống sức, nhất là cổ họng đau lại, tức ngực khó thở, Yên bỏ cả tập khí công. Bị ho còn nặng hơn trước, Yên đâm ngờ bệnh trước cũng không phải tại thuốc lào. Nhân một bữa ngồi quán nước trong trường, Yên nghiễm nhiên vê một điếu, châm lửa hút trước con mắt kinh ngạc của chúng bạn. Lạ ở chỗ Yên bỏ lâu không hút mà không hề bị sặc khói, lại thấy thuốc có phần nhẹ. Nhân thể, Yên hút liền ba bốn điếu. Bạn bè rất mừng, toan bàn chuyện tụ tập ở nhà Yên, Yên nhất định gạt đi.

Tối hôm ấy, Yên đợi mãi không thấy tình nhân tới. Qua mấy hôm sau mới lại, vẻ hờn giận in hằn khoé miệng, không chịu nói với Yên một lời. Gặng mãi thì nàng khóc, rồi trách Yên không chung tình, đòi cắt đứt quan hệ. Yên cuống cả người, kêu oan. Van xin mãi nàng mới nguôi.

Hôm sau, Yên tìm chiếc điếu cũ cất dưới giường, đem ra đánh rửa sạch sẽ để hút lại. Thấy nõ điếu đóng xao sái dày, Yên thảo hẳn ra, cạo sạch, rồi bỏ đi mua thuốc lào.

Đem thuốc về tới ngõ, Yên gặp ngay người anh cả ở quê lên thăm. Yên vốn hiếu đễ, gặp anh mừng lắm, dặn anh ở nhà tắm rửa nghỉ ngơi, mình chạy ra chợ mua thức ăn về làm cơm thết. Trong bữa ăn, Yên lựa lời xin lỗi anh, nói dối là đang kỳ thi, tối có bạn đến cùng học, không còn chỗ. Cơm nước xong, anh vào nhà bà con trong phố.

Anh Yên vừa đi khỏi, cô gái đến ngay. Trông tươi tỉnh hơn mọi ngày, nhưng lại có vẻ bứt rứt khó tả. Đến khi Yên thắp đèn dầu, tắt điện, kéo nàng vào giường, nàng một mực chống cự, không chịu. Lấy làm lạ, hỏi, nàng cáo rằng đang kỳ thấy tháng, phải kiêng. Yên đâm ngờ, bèn ra chiều lả lơi, bất chợt đưa tay rờ, lạnh người vì thấy dưới lớp vải chỉ là một lỗ hổng lớn. Bị lộ, nàng vùng ra toan chạy, Yên lôi lại xem cho rõ. Bỗng thấy tay tóm vào khoảng không, mất đà suýt ngã người con gái biến mất. Bật đèn ngó quanh, chỉ thấy điếu mới rửa lúc chiều, còn quên chưa tra nõ.

Từ đó không ai thấy Yên hút thuốc lào nữa. Chỉ nghe đến tiếng rít điếu cày, Yên đã bủn rủn chân tay.

Kết Thúc (END)

Linh Ứng

Font Size: Tác Giả: W.W. Jacobshenwit

Tìm Kiếm bằng Tựa Đề:

Ở ngoài trời, gió đêm lạnh lẽo và ẩm ướt, nhưng trong căn phòng có rèm che kín mít của biệt thự Lakesnam thì sáng lung linh ánh lửa. Hai cha con đang đánh cờ với nhau và có lối chơi riêng biệt, ông già vừa đi những nước sai cơ bản, làm hở thế cờ rất nguy hiểm đến nỗi bà vợ ngồi đan áo bên lò sưởi cũng cau mày.

Gió rít nghe ghê quá, ông White nhận ra sai lầm của mình trong nước cờ nên cố gợi chuyện để con trai mất tập trung.

Vâng, con cũng nghe thấy, tuy đáp nhưng hai mắt của người con vẫn dán chặt vào bàn cờ và đưa thẳng bàn tay ra - chiếu.

Tối nay trời lạnh quá, người cha tiếp tục nói.

Vâng, chiếu - cậu con trai đáp.

Thật tệ khi phải sống xa mọi người! Ông White chợt nói to. Trong tất cả những nơi hẻo lánh của xứ này thì đây là nơi khó chịu nhất. Lối đi ngoài vườn đầy các vũng nước, còn đường đi biến thành dòng nước chảy xiết. Tôi thật không hiểu người ta đang nghĩ gì. Chỉ có hai hộ ngụ cư nên chẳng ai thèm lo cái chốn này đâu.

Thôi, ông bình tĩnh lại đi, bà vợ dịu dàng động viên. Có thể ván sau ông sẽ thắng.

Ông White ngước nhìn lên và bắt gặp ánh mắt ra hiệu ngầm giữa hai mẹ con. Ông không nói nữa và mỉm cười khó hiểu.

Anh ta đến đấy, Herbert White nói khi nghe thấy tiếng mở cổng vườn và tiếng chân bước nặng nề về phía cửa nhà.

Ông già vội đứng lên mở cửa rồi chia buồn với người khách mới đến và nghe người ấy than phiền về tình cảnh của mình, đến nỗi bà White phải thì thầm: "Lạy chúa tôi!" rồi cất tiếng ho khẽ khi chồng bà trở vào phòng, theo sau là một chàng trai cao to mạnh khoẻ có đôi mắt tròn và gương mặt đỏ au.

Đây là thượng sĩ Morris, ông White giới thiệu.

Sau khi bắt tay bà chủ nhà cùng cậu Herbert, Morris ngồi xuống ghế bành bên lò sưởi và khoan khoái thấy chủ nhà bày lên bàn một chai whisky và mấy chiếc cốc.

Sau ba cốc rượu, đôi mắt của người khách long lanh hơn và anh ta bắt đầu kể cho mọi người nghe về những cảnh kỳ quái, những sự kiện hiển hách, về chiến tranh, bệnh dịch và những dân tộc lạ lùng.

Tất cả những điều đó đã diễn ra những hai mươi mốt năm đấy, ông White vừa nói vừa gật đầu về phía hai mẹ con. Lúc ra đi cậu ấy là một đứa bé gầy yếu như que củi và đang làm công tại kho hàng hoá. Thế mà bây giờ cậu ta cao to như thế này đây.

Cậu ta không có vẻ gì là phải chịu khổ quá nhiều, bà White lịch sự đáp.

Tôi muốn đi một chuyến sang Ấn Độ để xem cuộc sống bên ấy ra sao. Ông chồng nói.

Bác cứ ở nhà còn hơn làsang bên đó, người khách lắc đầu.

Rồi anh ta đặt chiếc cốc đã uống cạn xuống bàn, khẽ thở dài và lại lắc đầu.

Tôi thì thích xem những đền thờ cổ bên ấy, xem những vị đạo sĩ và những tay làm trò ma thuật, ông White tiếp. Lần trước hình như cậu đang kể cho tôi nghe về một bàn tay khỉ, phải không cậu Morris?

À, chẳng có gì đâu, bác. Anh lính vội đáp. Chẳng đáng để kể lại.

Một bàn tay khỉ à? Bà già tò mò hỏi.

Ồ, chỉ là trò ma thuật thôi, Morris đáp với vẻ tự mãn.

Mọi người tỏ ra chú ý lời nói của Morris. Vị khách lơ đãng đưa chiếc cốc không lên môi rồi đặt xuống. Chủ nhà liền rót tiếp cho anh.

Nhìn bề ngoài, Morris vừa nói vừa để bàn tay trong túi áo, - Nó chỉ là một bàn tay khỉ nhỏ bé, bình thường và khô héo như một xác ướp.

Morris rút trong túi ra một vật rồi đưa cho mọi người xem. Bà White nhăn mặt khựng lại, còn Herbert thì cầm lấy bàn tay khỉ lên quan sát một cách tò mò.

Nó đặc biệt ở chỗ nào? Ông White lấy bàn tay khỉ từ tay cậu con trai rồi xem xét một lát trước khi đặt nó xuống bàn.

Người ta bảo rằng nó đã được một ông đạo sĩ già làm phép. Ông ấy đúng là một vị thánh sống. Ông muốn thiên hạ thấy rằng con người thì phải có số mệnh và ai cãi lại thì phải gánh lấy hậu quả đau khổ. Đạo sĩ đã làm phép cho bàn tay khỉ này để nó giúp ba người khác nhau mỗi người được hưởng ba điều ước.

Morris nói bằng giọng xúc động đến nỗi người nghe có cảm giác như họ đã cười không đúng lúc.

Thế tại sao anh không ước cả ba điều đi? Herbert có vẻ châm biếm.

Người lính nhìn thẳng vào cậu con trai bằng ánh mắt mà người già cho là có vẻ tự phụ.

Tôi đã ước cả ba điều rồi, Morris bình tĩnh nói nhưng gương mặt đỏ au của anh tái dần.

Và cả ba điều đều đạt kết quả chứ? Bà chủ nhà hỏi.

Vâng, Morris đáp và nghiến hai hàm răng vào miệng cốc.

Còn ai dùng chiếc bùa này nữa không? Bà chủ hỏi.

Có, trước cháu có một người, anh ta cũng ước ba điều. Cháu không biết hai điều ước đầu tiên của anh ta là gì, song điều thứ ba thì anh ta ước được chết. Thế là bàn tay khỉ này rơi vào tay cháu.

Giọng Morris trở nên trang nghiêm đến nỗi cả nhà lặng im, không ai nói gì cả.

Nếu cháu đã ước đủ ba điều rồi, cuối cùng ông già lên tiếng, thì Morris này, cái bàn tay khỉ hết giúp cháu nữa rồi. Vậy cháu còn giữ nó làm gì.

Có lẽ tại cháu thích giữ thế thôi, người lính gật đầu đáp. Ban đầu cháu định bán nó, nhưng sau lại thôi, nó đã gây ra khá nhiều tội lỗi rồi. Vả lại, chẳng có ai muốn mua nó cả. Có người bảo rằng đấy chỉ là trò đùa, còn những người hơi tin một chút thì họ muốn thử trước rồi sau mới trả tiền.

Nếu còn ba điều ước nữa thì cháu có ước không? Ông già nhìn thẳng vào Morris.

Cháu không biết... quả thật... cháu không biết nữa, Morris đáp.

Anh cầm lấy bàn tay khỉ, mân mê trong tay một lát rồi bất ngờ quẳng nó vào bếp lửa. Ông White khẽ kêu lên rồi vội cúi người lôi nó ra. Bác cứ để cho nó cháy đi thì hơn, Morris nghiêm trang nói.

Nếu cháu không muốn giữ nó nữa, Morris ạ, thì cháu cho bác vậy, ông già bảo.

Không. Anh lính khăng khăng đáp. Cháu đã quăng nó vào lửa rồi. Nếu bác muốn giữ lại thì về sau có chuyện gì bác đừng trách cháu. Nếu bác là một người hiểu biết, thì bác nên quăng nó vào lò đi.

Ông già lắc đầu, chăm chú quan sát vật vừa chiếm được.

Cách dùng nó như thế nào? Ông hỏi.

Chỉ cần cầm nó trong bàn tay phải và nói to điều mình muốn ước... Cháu xin báo trước cho bác là nó có thể gây ra hậu quả chẳng tốt đẹp gì đâu.

Giống chuyện "Nghìn lẻ một đêm" quá, bà White nói rồi đứng lên dọn bàn. Ông có thể ước cho tôi có tám tay được không?

Ông chồng rút lá bùa ra khỏi túi, rồi cả ba cùng bật cười khi thấy Morris hốt hoảng giữ lấy cánh tay ông.

Nếu bác quyết định ước một điều - Anh nghiêm nghị bảo, thì ít nhất bác nên ước một điều tốt chứ.

Ông White đút bàn tay khỉ vào túi rồi dọn ghế mời khách ăn cơm. Trong bữa ăn mọi người hầu như quên câu chuyện bùa chú vừa rồi. Ăn xong, gia đình ông White thích thú ngồi nghe một câu chuyện mới về cuộc phiêu lưu của anh lính trẻ trên đất Ấn Độ.

Sau khi khách ra về, Herbert mới nói với ba mẹ:

Nếu chuyện về bàn tay khỉ thật như chuyện anh ấy vừa kể cho nhà mình nghe thì nó chẳng có lợi gì cho nhà ta đâu.

Hình như ông đã trả cho Morris cái gì rồi phải không? Bà White hỏi và soi mói nhìn chồng.

Ồ, có đáng gì đâu. Ông chồng đỏ mặt đáp. Cậu ấy không muốn nhận, nhưng tôi ép cậu ấy phải lấy. Rồi cậu ta van xin tôi vứt cái bàn tay khỉ ấy đi.

Xin đừng! - White vừa kêu lên vừa làm vẻ kinh ngạc. Này nhé, nhà mình sẽ giàu có, sẽ nổi tiếng và sống sung sướng. Trước tiên ba ước được làm vua đi. Và như thế ba sẽ không còn chịu sự lãnh đạo của mẹ nữa.

Rồi cậu ta chạy quanh bàn ăn để tránh đòn bà mẹ đuổi theo.

Ông White rút bàn tay khỉ ra rồi do dự ngắm nhìn.

Quả thực ba không biết nên ước cái gì, ông nói khẽ. Ba thấy chẳng thiếu gì cả.

Nếu ba trả hết tiền nhà ngay lúc này thì sướng quá phải không? Herbert đặt tay lên vai ông bảo. - Này nhé, nếu ước có hai trăm đồng bảng thì ba sẽ hết nợ.

Ông White mỉm cười ngượng ngùng, sau đó cầm lá bùa giơ lên trong lúc Herbert giả vờ trang nghiêm rồi nháy mắt ra hiệu cho bà mẹ với vẻ hơi khôi hài. Cậu ta ngồi vào ghế trước cây đàn piano, dạo vài hợp âm truyền cảm.

Tôi ước có hai trăm đồng bảng, ông già quyết định lên tiếng.

Câu nói hoà lẫn trong tiếng đàn piano rồi bất ngờ bị ngắt quãng bởi tiếng kêu sợ hãi của ông White. Vợ con ông vội chạy về phía ông.

Nó nhúc nhích! Ông White hét lên, sợ hãi liếc nhìn bàn tay khỉ đang nằm dưới đất. Lúc tôi nói điều ước thì nó quằn quại trong tay tôi như một con rắn.

Tuy nhiên không thấy tiền đâu cả, Herbert vừa tuyên bố vừa nhặt lá bùa đặt lên bàn. Và con xinh đánh cuộc là con sẽ không thấy tiền xuất hiện.

Này ông, trí tưởng tượng đã lừa ông rồi. Bà White lo lắng nhìn chồng.

Ông White lắc đầu bảo:

Không sao, chẳng có chuyện gì tồi tệ xảy ra cả. Nhưng nó đã làm tôi phát hoảng lên.

Cả nhà lại ngồi trước lò sưởi, hai cha con tiếp tục hút thuốc. Bên ngoài gió thổi ngày càng mạnh, còn ông White thì giật mình sợ hãi khi nghe thấy tiếng kẹt cửa ở tầng hai. Trong phòng bao trùm sự im lặng khác thường và buồn tẻ cho đến khi hai vợ chồng đứng lên đi ngủ.

Con tin là ba sẽ thấy tiền trong chiếc túi to đặt giữa giường, Herbert nói và chúc cha mẹ ngủ ngon.

Sáng hôm sau, lúc cả nhà ngồi ăn điểm tâm trong căn phòng ngập ánh nắng mai, Herbert chế giễu thái độ sợ hãi của người cha. Không khí trong phòng rất bình thường, khác hẳn với không khí đêm hôm trước. Bàn tay khỉ quắt queo dơ bẩn nằm lăn lóc trên một chiếc bàn nhỏ chứng tỏ mọi người đã mất hoàn toàn lòng tin vào khả năng phù phép của nó.

Tôi nghi là bọn lính đều giống nhau, - bà White nói. Tôi thật ngạc nhiên khi thấy cả nhà ta ngồi nghe những chuyện tào lao như thế. Thời nay làm sao ước được như vậy. Và nếu điều ước thành hiện thực thì hai trăm đồng liệu có thể gây tai hoạ gì chứ?

Chúng có thể rơi từ trên trời xuống trúng đầu ba đấy, Herbert nói châm biếm.

Morris khẳng định mọi việc sẽ xảy ra rất tự nhiên, đến nỗi ta tưởng nó là do trùng hợp ngẫu nhiên.

Dù sao ba cũng đừng động đến số tiền ấy trước khi con đi làm về, Herbert đứng lên - Con sợ rằng ba sẽ trở thành ông già keo kiệt để mẹ nhăn mặt nhăn mày thôi.

Bà mẹ mỉm cười tiễn con ra cửa. Sau đó bà quay vào bàn ăn và cười ngặt nghẽo vì tính cả tin của chồng. Sau đó bà vội chạy nhanh ra cửa khi nghe tiếng gõ cửa của ông đưa thư, rồi bà thấy rằng ông đưa thư chỉ gửi cho mình một tờ biên lai của bác thợ may, như vậy tay thượng sĩ nát rượu đã gạt ông bà rồi.

Chắc thằng Herbert sẽ không ngừng chế giễu chúng ta khi nó đi làm về. Bà nói khi cả hai ngồi vào bàn ăn sáng.

Tất nhiên, Ông White vừa đáp vừa rót bia. Nhưng điều đó không có nghĩa là bàn tay khỉ đã không nhúc nhích trong tay tôi. Tôi dám thề như vậy.

Đó chỉ là ảo giác thôi, Bà vợ tuyên bố.

Tôi nhắc lại là nó cựa quậy thật sự. Hoàn toàn không phải là ảo giác. Ơ... nhưng bà làm sao thế?

Bà White không đáp. Bà đang quan sát một người đàn ông đang lởn vởn một cách bí hiểm bên ngoài nhà bà, anh ta nhìn ngôi nhà và tỏ ra lưỡng lự không dám vào. Nghĩ tới câu chuyện hai trăm đồng bảng, bà thấy rằng người lạ ăn mặt rất chỉnh tề, đầu đội mũ trụ mới tinh. Anh ta dừng lại ba lần trước cổng rồi lại bỏ đi. Đến lần thứ tư anh ta đột ngột mở cổng rồi đi thẳng vào nhà. Đúng lúc đó bà White vội đưa tay ra sua lưng cởi bỏ tạp dề nhét xuống đệm ghế bành.

Bà dẫn người lạ vào phòng khách. Sau khi giới thiệu xong, bà White kiên nhẫn đợi người khách lạ cho biết lý do viếng thăm. Nhưng anh ta vẫn im lặng một cách khác thường.

Người ta nhờ tôi đến thăm ông bà, cuối cùng anh ta lên tiếng vừa cúi người nhặt một sợi chỉ vương trên quần. Tôi thay mặt hãng Mo và Meghin.

Bà già giật mình.

Có tai nạn gì xảy ra với Herbert ư? Xin anh làm ơn nói ngay chuyện gì đã xảy ra!

Thôi nào bà ơi, Ông chồng vội bảo, Bà ngồi xuống đi và đừng vội kết luận, sau đó ông quay sang người khách với vẻ trầm ngâm rồi hỏi tiếp:

Chắc anh không đem tin dữ đến cho chúng tôi chứ, có phải không?

Rất tiếc... anh kia đáp.

Nó bị thương à? Bà già hỏi.

Vị khách gật đầu.

Anh ấy bị thương nặng, anh ta bình tĩnh nói. Nhưng anh ấy không hề đau đớn.

Lạy Chúa tôi! bà già chắp hai tay kêu to. Người đã tránh cho con của con không phải đau đớn. Lạy Chúa,...

Bà bỗng ngưng bặt khi hiểu ra ý nghĩa câu nói an ủi xã giao của người khách và đọc thấy trên nét mặt anh ta lời xác nhận cho nỗi sợ hãi của mình. Bà nín thở quay sang ông chồng rồi đặt bàn tay già nua run rẩy lên bàn tay ông. Mọi người im lặng hồi lâu.

Anh ấy bị xe hơi đụng, cuối cùng người khách khẽ lên tiếng.

Xe đụng à - Ông White ngơ ngác.

Ông ngồi im trên ghế nhìn qua cửa sổ, mắt nhòe đi, ông nắm tay bà vợ và siết chặt như trong ngày lễ đính hôn của họ cách đây bốn mươi năm.

Chúng tôi chỉ có một mình nó, Ông nói và chậm rãi quay sang vị khách. Đúng là nghiệt ngã cho chúng tôi quá.

Người khách ho khẽ rồi đứng lên chậm rãi bước tới bên cửa sổ.

Hãng chúng tôi giao cho tôi nhiệm vụ đến chia buồn chân thành với ông bà vì sự mất mát đau đớn này, anh ta nói mà không quay đầu lại... Xin ông bà hiểu cho, tôi chỉ là một nhân viên thừa hành nhiệm vụ.

Không có tiếng đáp lại. Bà già tái mặt đi, nhìn trân trối vào người khách và thở ngắt quãng. Ông White cũng đứng chết lặng.

Tôi cũng được giao nhiệm vụ truyền đạt lại cho ông bà hay rằng hãng Mo và Meghin không chịu trách nhiệm về tai nạn này, vị khách nói tiếp, nhưng xét thấy công lao làm việc chăm chỉ của con trai ông bà cho hãng chúng tôi, nên hãng muốn biếu ông bà một khoản bồi thường.

Ông White buông tay vợ ra, đứng lên và hoảng hốt nhìn chằm chằm vào người khách. Sau đó ông chỉ cố nhếch mép nói được một từ:

Bao nhiêu?

Hai trăm đồng bảng.

Không nghe thấy tiếng kêu xé ruột của vợ, ông già khẽ mỉm cười đưa tay ra như một người mù rồi ngã khuỵu xuống!

Ông bà White chôn cất con trai tại nghĩa trang lớn cách nhà ba cây số, sau đó họ quay về căn nhà tối tăm và quạnh quẽ của họ. Mọi việc diễn ra nhanh đến nỗi ban đầu họ không hiểu nổi. Họ vẫn chờ đợi như có một chuyện gì đó nữa phải xảy ra, và nó có khả năng làm giảm nhẹ gánh nặng quá lớn đối với hai tâm hồn già nua. Nhưng ngày lại ngày trôi qua, mong ngóng của họ biến thành sự cam chịu, một sự cam chịu vô vọng của người già mà thiên hạ thừơng gọi nhầm là sự lãnh đạm. Đôi khi họ chỉ nói với nhau vài câu, bởi vì họ chẳng còn gì để nói nữa, đối với họ ngày tháng sao mà dài lê thê, chỉ còn là sự chán chường và mệt mỏi.

Khoảng một tuần sau khi chôn cất con trai xong, hôm nọ ông White giật mình thức dậy lúc nửa đêm, ông quờ tay sang và chẳng thấy vợ đâu. Căn phòng ngập đầy bóng tối. Bên cạnh cửa sổ có tiếng khóc nghẹn ngào. Ông White ngước cổ lên nghe ngóng.

Lên giường đi mình ơi, Ông nhẹ nhàng bảo vợ. Mình sẽ cảm lạnh mất.

Con trai tôi còn đang phải chịu lạnh hơn tôi nhiều, Bà đáp lại và càng khóc to hơn.

Rồi dần dần ông White không còn nghe tiếng khóc nữa. Chiếc giường ấm áp đã làm cơn buồn ngủ ập đến. Ông cuộn mình ngủ thiếp đi. Một tiếng kêu tuyệt vọng của vợ làm ông giật mình tỉnh giấc.

Bàn tay khỉ! Bà kêu lên như điên dại - Bàn tay khỉ.

Ông già rùng mình sợ hãi.

Nó đâu? Ông hỏi. Có chuyện gì vậy?

Bà vợ run rẩy bước lại giường.

Tôi đang cần nó, Bà nói. Ông chưa vứt nó đi đấy chứ?

Tôi để nó ở ngoài phòng khách ấy, Ông kinh ngạc đáp. - Nhưng sao vậy?

Vừa khóc vừa cười, bà White cúi xuống hôn lên má chồng.

Tôi vừa nhớ ra nó, Bà nói với giọng đứt quãng. Tại sao tôi không nghĩ đến nó sớm hơn nhỉ? Còn ông, tại sao ông cũng không nghĩ tới?

Nghĩ tới gì?

Nghĩ tới hai điều ước kia chứ còn nghĩ tới gì nữa. Chúng ta mới chỉ ước có một điều.

Thế bà không thấy như vậy là quá đủ hay sao? Ông gắt lên.

Không! Bà kêu lên đắc thắng. Chúng ta sẽ ước một điều nữa. Ông hãy đi lấy bàn tay khỉ ngay và ước cho con trai chúng ta sống lại.

Ông già ngồi bật dậy, quăng cả mền gối và run lên cầm cập.

Trời ơi, bà điên mất rồi! Ông kinh hoàng thốt lên.

Ông đi tìm bàn tay khỉ đi! Bà nghẹn ngào ra lệnh. -Tìm ngay và ước điều đó đi... Ôi, con trai của tôi!

Ông White bật diêm châm nến.

Bà đi nằm đi, ông bảo. Bà lẩm cẩm rồi đấy.

Nhưng nếu điều ước thứ nhất đã thành thì tại sao lại không thể ước điều thứ hai?

Đó chỉ là sự trùng hợp, Ông lắp bắp.

Ông đi tìm bàn tay khỉ ngay đi! Bà vừa kêu lên vừa đẩy ông ra cửa.

Sau khi bước xuống thang gác trong bóng tối, ông mò mẫm đi vào phòng khách. Vật bùa vẫn nằm ở chỗ cũ, và ông hoảng hốt khi nghĩ tới chuyện, nếu ước xong thì thằng con trai què cụt, mình mẩy đầy máu sẽ xuất hiện trước mặt ông trước khi ông kịp chạy ra khỏi căn phòng. Ông quính quáng nên không tìm ra cửa. Trán ông toát mồ hôi lạnh, ông vừa cầm chặt bàn tay khỉ vừa đi vòng qua một chiếc bàn, men theo tường và cuối cùng ra được tới hành lang. Khi trở về buồng ngủ thì ông thấy gương mặt vợ ông đã biến sắc, mặt bà tái đi một cách khác thường. Ông White bỗng nhiên thấy sợ.

Ông ước đi! Bà quát lên.

Làm thế không nên đâu bà, ông lắp bắp nói.

Ước đi! Bà nhắc lại.

Ông chồng giơ tay lên thì thầm:

Tôi muốn con trai tôi sống lại!

Vật bùa rơi xuống sàn. Ông già run rẩy nhìn theo rồi buông mình xuống ghế bành, trong khi vợ ông nhớn nhác bước tới cửa sổ và kéo rèm lên.

Ông vẫn ngồi im cho đến lúc cảm thấy lạnh, thỉnh thoảng ông liếc nhìn sang phía bà vợ đang trông ngóng cạnh cửa sổ. Ngọn nến cháy gần hết, nó hắt lên trần nhà và bốn bức tường xung quanh những cái bóng lung linh. Cuối cùng nó phả một ánh lửa sáng hơn rồi phụt tắt. Nghĩ là vật bùa, không còn tác dụng ông White cảm thấy hài lòng, thong thả lên giường nằm, và một lúc sau bà vợ ông cũng chẳng nói chẳng rằng lên nằm cạnh ông.

Cả hai im lặng lắng nghe tiếng tích tắc đồng hồ. Có tiếng cót két cầu thang. Một con chuột chạy bên tường kêu chít chít. Bóng đêm càng trở nên nặng nề. Lúc ấy, lấy hết can đảm, ông White cầm bao diêm bật một que và xuống nhà tìm nến.

Khi ông bước tới xuống chân cầu thang thì que diêm cháy hết. Đúng lúc đó ông nghe thấy tiếng gõ nhẹ ngoài cửa chính.

Ông già đánh rơi hộp diêm xuống đất và đứng như trời trồng, miệng không dám thở, cho đến khi có tiếng gõ cửa lần nữa vang lên. Thế là ông vội quay lui leo lên thang gác trở về phòng và đóng cửa lại.

Tiếng gõ cửa lần thứ ba vang lên khắp nhà.

Cái gì thế? Bà già giật mình kêu lên.

Một con chuột cống, Ông White run rẩy đáp - Nó chạy qua mặt tôi ngoài thang gác.

Bà White chồm dậy nghe ngóng. Tiếng gõ cửa lại vang lên mạnh hơn.

Herbert đấy! Bà reo to. Con trai của tôi!

Bà chạy ra cửa, nhưng ông chồng vượt lên và túm lấy tay bà.

Bà làm gì thế? Ông khản giọng hỏi.

Con trai tôi! thằng Herbert đấy! Bà kêu lên và vùng vẫy để thoát ra.

Tôi quên mất là nghĩa địa cách đây có ba cây số. Tại sao ông cản tôi? Buông tôi ra! Tôi phải ra mở cửa cho nó!

Lạy Chúa, không được mở cửa! Ông hét lên và run lập cập.

Ồ, thì ra ông sợ thằng con của ông à? Buông tôi ra!... Mẹ đây, Herbert, mẹ ra đây!

Tiếng gõ cửa vang lên từng chập. Bà vợ nhoài người thoát khỏi tay chồng và chạy ra khỏi phòng. Ông chồng chạy theo tới cầu thang, van xin bà quay trở lại, trong lúc đó bà nhảy ba bốn bậc một lúc chạy xuống dưới. Ông nghe thấy tiếng xích sắt kêu loảng xoảng và tiếng chốt dưới chân cửa lách cách. Sau đó ông nghe thấy tiếng hét lên của bà vợ.

Chốt cửa phía trên! Ông xuống mở giúp tôi với. Tôi không với tới.

Nhưng ngay lúc đó, ông White đang nằm bò ra sàn tuyệt vọng mò tìm bàn tay khỉ. Ông cầu mong tìm thấy nó trước khi con người ở ngoài kia bước vào nhà! Tiếng dập cửa ầm vang khắp nhà và ông nghe tiếng bà vợ kéo ghế kê sát cửa. Rồi tiếng chốt trên bắt đầu vang lên cót két. Đúng lúc đó ông già chộp được bàn tay khỉ, hốt hoảng lẩm nhẩm đọc điều ước cuối cùng.

Tiếng gõ cửa lập tức im bặt, mặc dù âm thanh của nó vẫn còn vang vọng trong nhà. Chiếc ghế được kéo lui và cánh cửa mở ra. Một luồng gió lạnh ùa vào cầu thang. Tiếng rên dài tuyệt vọng và đau khổ vang lên. Hai vợ chồng già chạy nhanh xuống thang gác rồi cùng lao ra cổng. Dưới ánh sáng lung linh của ngọn đèn trước nhà, con đường trải dài hun hút bóng đêm, nó vắng lặng, không một bóng người, chỉ có tiếng côn trùng rã rích thê lương.

Kết Thúc (END) Ngõ cụt

Font Size: Tác Giả: Lục Diệp ( Hellomy 9)

Tìm Kiếm bằng Tựa Đề:

Trời tờ mờ sáng.

Nó ăn vội vàng miếng cơm nguội trộn với hỗn hợp muối mè và đậu phộng rang xay nhuyễn. Ăn xong, nó hấp tấp nhét quả trứng vịt muối bà Hai mới luộc vào cái túi quần rộng thùng thình. Sợ bị rơi ra ngoài, nó còn cẩn thận cài nút. Nhưng dẫu nó có cẩn thận mấy, cái quần bạc phết đầy những mảng vá víu khác màu của nó cũng không bảo đảm được gì, có lẽ vải cũng đã mục cả rồi. Mặc kệ, nó chẳng thèm quan tâm. Ít nhất thì nó cũng có một bữa ăn ra trò, mấy hôm không có việc làm phải sống nhờ vào khoai, sắn, mì gói, thức ăn thừa của mấy chị bán hàng... nó đâu có no bụng gì. Có thể nói dân tỉnh lẻ lên Sàigòn như nó, không dễ gì kiếm được một việc làm ổn định. Người trí thức thì kẹt hộ khẩu, kẹt phương tiện đi lại. Người bán sức lao động thì kẹt quan hệ, phải có người giới thiệu dân thành phố mới thôi e dè mà tin tưởng đôi chút. Nói xa nói gần, nói luôn vào vấn đề chính, nơi nào mà chẳng có thổ cư. Dân thành phố cũng có nhiều loại người, người giàu có, người nghèo có. Quận nào, huyện nào cũng được dân ở đây chia địa bàn làm ăn cả rồi. Thời buổi kinh tế thị trường, đời sống khó khăn, thành thử cạnh tranh càng lắm vào. Cạnh tranh lành mạnh cũng có, cạnh tranh "cơ bắp" cũng có, không khéo chèo kéo lại sinh chuyện. Nó chân ướt chân ráo, chẳng quen biết ai, đành phải kiếm được việc gì thì làm việc nấy, kiếm sống qua ngày.

Công việc hôm nay nó phải làm là thu dọn xà bần của căn nhà đang được xây lại trong ngõ cụt. Sáng sớm trời lạnh, áo lại mỏng tang nên nó cứ run lên từng chập, nói không thành tiếng. Vừa cặm cụi làm việc, nó vừa để ý nhìn. Căn nhà này đẹp thật, nó tự nhủ. Nhà trong hẻm lớn, lại là ngõ cụt, yên ắng và thoải mái quá đi mất. Kiểu kiến trúc nhà một tầng, có khu vườn nhỏ ngoài ban công thật không gì bằng. Thế nào thì sau một tháng nữa, khi công trình hoàn tất, diện mạo căn nhà sẽ y như nó nghĩ cho xem! Tuy nhiên, có cái gì đó không bình thường lắm, nó mò mẫm, nó tìm hiểu, nhưng nó cũng chưa biết được.

Một chiều thứ bảy, ông Tám kỹ sư công trình bảo nó:

-Tối nay tôi đãi mọi người một bữa, ăn uống xong cậu ngủ lại đây nhé! Sợ bọn trẻ chạy nhảy, lại có chuyện không hay.

Nó vâng vâng dạ dạ, rồi khẽ gật đầu.

Chín giờ rưỡi tối, ăn uống xong nó lết bộ về căn nhà. Đi ngang nhà bà Hai đầu hẻm, nó còn kịp nghe giọng bà gọi giật lại:

-Cậu kia đi đâu thế? Tối rồi vẫn còn làm à? Làm gì thì làm nhanh rồi về sớm đi!

Nó lắng nghe nhưng không buồn hỏi, dù sao nó cũng mệt rồi, chẳng hơi đâu tán gẫu với bà Hai như mọi bữa. Vào đến nơi, nó mở cánh cửa vừa được sơn lớp sơn lót màu trắng ra, chính lúc đó nó cảm thấy ớn lạnh, gai nổi khắp người. Đằng sau cánh cửa, cách chỗ nó đứng vài phân, ngay vị trí giữa sân trước của căn nhà hình như có một lỗ tròn to dưới đất. Nó bước loạng choạng về phía đó, tay với lấy thanh sắt ngoài cửa thòng xuống cái lỗ tròn ấy. Nó ngạc nhiên quá, bây giờ thì không có lỗ tròn nào cả, thanh sắt của nó chạm phải một lớp xi măng dầy cui, gõ vào còn nghe tiếng. Nó bật cười, cười cho cái sự buồn cười của nó. Cười đã rồi nó bước chậm rãi vào trong. Tìm được cái đèn pin ông Tám cho mượn, nó mừng húm, loay hoay bật đèn lên. Tầng dưới đầy đất cát và đá, nó ngán ngẫm leo lên tầng trên. Gió ngoài sân lùa vào, mang theo mùi hương Ngọc Lan thơm ngát. Chợt nhớ hồi sáng người ta chuyển cây kiểng đến, nó đi ra vườn. Nó nhìn thấy một số loại cây có hoa rất thơm, nhưng nó chẳng biết đó là cây gì, hoa gì. Nó chỉ mang máng nghe người ta kể những gốc cây to, hoa có mùi thơm.. thường là có oan hồn trú ngụ nên mới sống đời như thế. Mà lúc ở dưới quê, nó còn nghe người ta nói ban đêm trơi trốn tìm ngoài vườn, sẽ bị ma giấu, không thể tìm ra. Nó tựa tay lên ban công, mơ màng nhìn xuống phía dưới..

Keng!!...

Nó làm rớt đèn pin, vội vã ngồi thụp xuống, nó mò mẫm tìm cái đèn. Tìm thấy cái đèn rồi nó đứng bật dậy, nó chiếu đèn thẳng xuống bên dưới, và nó... không thấy gì cả. Nó đổ mồ hôi hột, rõ ràng nó đã thấy một bóng trắng đứng bên cạnh.. cái lỗ tròn to dưới đất. Cái bóng của một cô gái tóc dài... cô gái nhìn lên, nhìn thẳng vào mặt nó.. Nó sợ. Chân nó bắt đầu run lập cập. Đầu nó bảo nó phải chạy, nhưng chân nó như bị hóa đá không nghe lệnh của cái đầu nữa. Nó thở dồn, nó ngừng thở.. rồi nó lại thở dồn.... mắt nó nhìn đăm đăm ra khoảng không, cái gì ám nó vậy nhỉ, nó không biết. Vừa sợ hãi, vừa mệt mỏi, nó không biết phải làm gì hơn là đi khỏi khu vườn. Nó nín thở đi nhanh vào trong, về phía cuối dãy phòng.

Căn phòng có vẻ ổn, ít có gió và cũng ít có đất cát. Nó cảm thấy bớt sợ, ngồi xuống tựa lưng vào tường, nó chậm rãi lấy tay phủi bụi bặm và nằm xuống. Tay đặt lên ngực, nó cố nhắm mắt điều hòa hơi thở. Sau một lúc nó thấy đầu óc mình giãn ra, cảm giác mệt mỏi bao lấy nó. Nó thiếp đi lúc nào không biết

-Tôi lạnh lắm.... Tôi lạnh lắm... nhiều nước quá......

Đầu nó cứ nghe boong... boong... từng tiếng. Nó nghe tiếng vọng của một cô gái từ nơi nào đó rất sâu... nó nghe cả tiếng vang.. tiếng cái gì đó đập vào tường thì phải... tiếng boong.. boong ngập trong đầu nó.. nó còn nghe thấy tiếng bọt nước..... lỗ tai nó lùng bùng... Nó giựt mình mở mắt.. Đèn pin của nó sắp hết pin rồi thì phải, ánh sáng của nó yếu ớt quá. Nó nhìn quanh quất. Đột nhiên toàn thân nó run bắn lên.. Nó thật sự nhìn thấy cô ta, cô ta đang đứng đó, ngay đầu cầu thang. Mồ hôi nó vã ra... nó sợ hãi ngồi bật dậy nép sát vào tường. Nó sợ đến nỗi tay chân cứ quíu lại, miệng nó không ngừng rên rỉ và cầu nguyện.. Nó lắp bắp cầu mong cô gái đó đừng đến gần nó, nó dùng hết sức bình sinh để lẩm nhẩm câu kinh mà bây giờ nó cũng không biết là kinh chúa hay kinh phật... May sao cô gái không đến gần nó thật, cô bước lên ngưỡng cầu thang, rồi đứng đó nhìn nó...... Tóc cô gái bay phất phơ, mặt cô trắng bệt... và toàn thân cô lạnh giá. Hơi lạnh tỏa ra khiến nó dần lạnh cứng, nó cảm thấy toàn thân như mất dần hơi ấm. Như có ma lực, ánh mắt nó không thể rời khỏi cô gái, miệng nó há hốc.... nó run lẩy bẩy. Đột nhiên có tiếng gà kêu sớm. Cô gái rùng mình biến mất. Người nó giật mạnh, nó ngất đi.

Sáng hôm sau, người ta tìm thấy nó nằm co ro, chân tay lạnh ngắt. Hỏi gì nó cũng không nói được, miệng lưỡi cứ ú ớ không ngừng. Khi người ta khiêng nó xuống lầu, ra đến trước sân nhà, nó hoảng hốt nhìn lại, tay không ngừng chỉ trỏ.

Đi thăm nó về, ông Tám bảo mọi người đào ở vị trí giữa sân. Trước mặt mọi người bây giờ là một miệng giếng sâu thăm thẳm. Ông Tám hơi lui lại, ông chần chừ... người tình nguyện trục vớt bắt đầu làm việc. Sau nửa giờ, người ta tìm được một xác người đã mục nát, trên xác còn có những lọn tóc chưa kịp phân hủy dài đến lưng. Đúng lúc này ở bệnh viện, nó đang ngủ mơ. Trong giấc ngủ chập chờn, nó nghe tiếng rít thật rát tai, có tiếng kêu thất thanh của cô gái đó... và rồi mọi thứ im bặt, mùi thơm hoa Ngọc Lan lại tràn ngập.

Ra viện, nó không về nơi ngõ cụt đó lần nào nữa. Nó được ông Tám giới thiệu cho làm việc tại một khu chế xuất, việc làm cũng ổn định. Bà Hai có tới thăm nó một lần, bà kể nó nghe con gà của thằng An vẫn thường hay kêu sớm...

Kết Thúc (END) Lục Diệp ( Hellomy 9)

» Ngõ cụt

» Mưa Đêm

Những Truyện Ma (Kinh Dị) Khác

» Nhà Xác!

» Người về từ đáy mộ

» Ma Quá Giang

» Mối Tình Âm Dương

» Hồn Ma Của Người Bạn Thân

» Hồn Ma Trong Biệt Thự

» Người đẹp đông phương

» Tiếng Cười Trong Đêm Khuya

» Giết Người Lấy Sọ Luyện \"Thiên Linh Cái\"

» Ma Nhập Vì Cầu Cơ

» Người Bạn Ma

» Ma Không Đầu

» Bí Ẩn Lời Nguyền

» Con Ma Áo Trắng

» Ma Nhập

» Ngôi Nhà Ma Ở Đà Lạt

» Lá Thư Từ Bên Kia Thế Giới

» Ngôi nhà ma ám ở San Diego....!

» Quỷ ám

» Bóng Ma Trên Gác Thượng

» Ma Trên Đất Mỹ

» Kẻ Báo Tin Dữ

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro