truyen ma

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

1. Gia đình ông Tám

Ông Tám lấy cái điếu cày, nhét vào đó ít thuốc rồi châm lửa. Ngoài trời mưa lắc rắc. Đám con ông ngồi quanh bên ông đòi kể chuyện ma. Những câu chuyện của thời khai hoang, mở đất.

Vợ ông gốc Tây Ninh, là người theo đạo Cao Đài chính tông. Ông làm tài xế ở Sài Gòn, hai người gặp nhau, cưới xin đàng hoàng, giặc giã nên phải lưu lạc về cái xứ Ngọc Chúc khỉ ho cò gáy này. Bây giờ họ đã có với nhau 9 mặt con. Nhờ trời cũng đủ ăn, đủ mặc.

Câu chuyện ông kể lúc nào cũng bắt đầu bằng hai chữ “Hồi đó…”

“Hồi đó xóm này chưa đông đúc như bây giờ, có vài nhà hà. Vườn tược rậm rạp lắm. Tía với má bây hay đi cắm câu ban đêm, có bữa lạc vô trỏng không ra được. Ngồi nghe nhóc nhen kêu mà lạnh cả người. Bửa đó má bây bị bệnh, lúc đó có bầu thằng 2. Tao mới kêu thằng Đèo con cô 5 đi với tao. Tao lom khom đi trước, gỡ được cá thì quăng lên mé bờ cho nó lụm. Đi một hồi nó mất tiêu. Tao đi kiếm suốt đêm mà không thấy. Đành ngồi hút thuốc chờ sáng, tới hừng đông, tao thấy nó ngồi trong lùm chuối ngay trước mặt tao. Miệng ngậm đầy đất, còn cái bầu cá… Trời đất ơi! Còn toàn là đầu với cái xương tòng teng đầy máu.”

Đám con ông ồ lên í ẹ. Út chín đang ngồi sát mép giường, tự nhiên nhảy vào lòng ông Tám ngồi. Cả nhà cười ồ khi thấy con nhóc nhát gan không dám cả đi tiểu.

Sáng nay cô Xuân, con gái thứ 3 của ông Tám đi chợ sớm. Thức dậy bắt mớ cá cha rộng hồi hôm bỏ vô thao, bưng xuống xuồng. Trời khuya se se lạnh, cô cắm cây đuốc ở mũi xuồng, chèo ra khỏi xẻo.

Cô vừa chèo, vừa cất tiếng ca nho nhỏ cho bớt lạnh lẽo, thằng Thìn là em thứ 5 của cô, cũng bè với chị cho vui. Trời sắp sáng, có người kêu cô ghé lại mua cá. Người đó sộp lắm, mua toàn mấy con cá to, lại không kì kèo. Tiền lúc nào cũng thẳng băng, mới cứng. Mà bà ấy cũng sang lắm, mặt trắng hồng, tóc dài đen mướt, mặc áo bà ba bông hường thiệt đẹp. Cô Xuân xếp tiền cẩn thận, cất vào cái túi nhỏ, số tiền này cô cất kỹ để dành may đồ đám cưới. Cô nghĩ bụng: mình cũng sẽ may một cái áo bà ba bông hường thiệt đẹp như vậy. Cô Sáu (Tên người đàn bà đó) cũng vui vẻ, hay hỏi thăm này nọ, nhứt là gia cảnh của Xuân, nên Xuân thấy thân thiện lắm.

Số cá còn lại, Xuân và Thìn đem ra chợ bán cũng khá, mua ít đồ dùng, còn lại cũng đủ quà bánh cho em và thuốc lào cho ông Tám."

Tối nay Thiện đến nhà Xuân chơi. Anh được lòng cả nhà nên ai cũng quý mến. Chỉ còn hơn tháng nữa là họ cưới nhau. Thiện yêu Xuân lắm, anh hay mang cho cô thứ này, thứ kia. Gần ngày đi hỏi, anh đem đến cho cô một xấp vải bông hường thiệt đẹp, đẹp hơn cả của Cô Sáu. Xuân thích lắm, cô cắt may một chiếc áo bâu xây tròn và một chiếc bà ba thiệt khéo.

Chỉ còn ba ngày nữa là đến ngày hai gia đình gặp nhau. Thiện rủ Xuân về nhà anh chơi. Xuân ủi đồ cẩn thận, xức một ít dầu dừa lên tóc rồi đi với người yêu.

Cả nhà Thiện chỉ có ba người, anh là con trai một nên ba má anh rất thương anh. Thấy Xuân lễ phép ngoan ngoãn họ cũng vừa lòng lắm. Thiện xin phép đưa Xuân về nhà. Trời khuya lạnh, họ nắm tay nhau bước nhanh trên con đường mòn. Lúc ngang qua nhà Cô Sáu, cửa đóng nhưng đèn Măng-sông vẫn còn sáng ánh, Xuân muốn ghé thăm nhưng Thiện cản lại, cô giận dỗi quẩy tay người yêu, bước vào hàng ba. Xuân nhòm qua cửa sổ định gọi Cô Sáu thì thấy một người phụ nữ mặc áo bông hường đang chảy tóc cho chiếc đầu đặt trên bàn. Xuân sợ quá ngất xỉu, đến khi tỉnh dậy đã tờ mờ sáng, cô thấy mình đang nằm trên một gò mả thiệt cao, không thấy Thiện đâu. Xuân sợ hãi chạy như bay về nhà, kể lại cho ông Tám nghe.

- Có lẽ thằng Thiện bị ma dấu rồi.

Ông Tám kêu hết mấy đứa con lại, cùng vài người hàng xóm túa ra đi kiếm ở khu vực gò mả đó suốt ngày mà cũng không thấy đâu. Ông bèn kêu Xuân dẫn ông đến nhà Thiện để cho ba má anh hay, vì ông sợ họ nghĩ Thiện ngủ lại nhà ông.

Hai cha con đi hơn 5 cây số mà vẫn chưa đến nơi, ông sốt ruột và mỏi chân. Còn Xuân thì không thể tìm ra nhà Thiện. Cô nhớ rõ trước nhà anh có một cây Da thiệt cao, mà đi hoài vẫn không thấy. Hai cha con đành quay về, ông Tám bực bội la Xuân:

- Con thiệt là hời hợt. Hồi tối đi không chịu nhớ đường, để bây giờ đi lạc thấy chưa?

Xuân im lặng bước sau cha. Đi khoảng 2 cây số cô bỗng thấy cây Da hồi tối. Cô kêu lên:

- Ở đằng trước kìa ba, đúng là cây Da đó đó!

Hai cha con rảo bước thiệt mau, đến nơi không thấy nhà cửa gì, chỉ có ba cái gò lạn lạn trên đất. Ông Tám lắc đầu, không nói gì. Còn Xuân biết mình lầm nên lầm lũi đi trước.

Về tới nhà, ông Tám kêu bà Tám cùng thằng hai đi rước ngay ông sáu Bé, thầy cúng nổi tiếng khắp vùng về. Lúc này ông mới dám nói thiệt với Xuân là Xuân không hề lạc đường. Chỉ vì cả nhà thằng Thiện đều là ma hết. Lúc này cả nhà mới té ngửa. Út chín chỉ nói một câu:

- Hèn gì ảnh tới nhà mình chơi toàn buổi tối không hà…

2. Câu chuyện 3 cái mả

Hôm nay ông hai Bồi đến chơi, ông Tám kêu con Thắm, con gái thứ sáu của ông làm con gà nấu cháo đãi khách. Ông với ông hai ngồi hút thuốc lào, nói hết chuyện này tới chuyện khác.

- Ủa, sao tui không thấy con Xuân vậy cà?

- Nó bịnh nằm trong buồng.

- Mèn đéc ơi! Rồi có thuốc men gì chưa?

- Má nó đăm một mớ cỏ mực cho uống rồi. Tội nghiệp con nhỏ, tại buồn quá đó mà…

- Cái thằng mà anh nói bữa trước bỏ nó rồi hả?

- Hổng có, chẳng là…

Ông Tám kể hết sự tình cho ông hai nghe. Nghe xong ông thở dài:

- Thiệt tội nghiệp con nhỏ! Mà hồi đó ở xứ này tui có nghe ông nội tui kể, có ông đó đem xác vợ con về chôn, rồi ổng chết cũng chôn ở đây, mà lúc đó tui nhỏ quá nên hổng có hỏi chôn ở đâu!

- Anh kể cho tui nghe đi…

- Hồi đó ông nội tui kể là hai vợ chồng ông đó thứ 3, làm nghề cào lưới, vợ ổng có bầu hơn 7 tháng rồi, bữa đó…

“ Hai vợ chồng anh ba Du cào lưới trên một khúc sông vắng, dự định là xuôi theo con nước gặp chợ nào thì ghé chợ đó. Nhưng con nước tự nhiên rút đột ngột, hai vợ chồng bèn tấp vào một mé kinh còn nhiều nước, cột nghe. Trời vừa xẩm tối thì nghe tiếng sột soạt trên bờ, anh ba nhìn lên thì thấy có một con cọp thiệt bự đang ngồi trên bờ nhìn xuống ghe. Anh hết hồn, nhổ sào đẩy ghe ra mé kinh xâm xấp nước, ra sức chống đi. Trên bờ cọp chạy theo cả đám, cất tiếng gầm ghê rợn.

Vợ anh do quá sợ nên đột nhiên đau bụng, anh ba càng cuống cuồng tìm Trạm xá. Từ xa xa anh thấy ánh điện sáng choang, rồi bắt đầu là những tiếng ồn ào, tiếng người nhộn nhịp. Một cái bệnh viện lớn, người ra vào tấp nập. Anh ba vội cắm sào, bế vợ lội sình lên bờ. Y tá, bác sĩ đem băng ca ra đón tận cửa. Anh thở phào, may quá, không khéo vợ mình sinh non chết mất. Anh ngồi khoảng 10 phút thì có một nữ y tá đi ra, đưa cho anh một toa thuốc và bảo:

- Anh chèo ghe xuống chợ cách đây khoảng 800m, mua toa thuốc này, rồi trở về đây. Ở đây vừa hết thuốc!

Anh cầm lấy toa thuốc, xuống xuồng chèo thiệt lẹ, xa xa đằng kia cũng là anh đèn chợ sáng choang. Nước lớn, anh chèo hơn một tiếng đồng hồ mà vẫn chưa tới, ánh điện lúc nào cũng ở đằng xa. Đến gà gáy thì ánh điện tắt hẳn. Anh nản, quay trở lại bệnh viện. Chỗ bụi cây anh cắm sào hồi đêm trống hoác, không hề có gì cả, anh lo lắng, lao lên bờ tìm vợ con. Thì hỡi ôi! Vợ anh nằm đó, bụng vỡ toang, trên một cái mả trắng hếu. Con anh thì bị móc sạch ruột và mắt, nằm trên một cái mả khác. Ruồi nhặng đang bu ì xèo. Cả bệnh viện thực chất là một nghĩa địa, đầy những nấm mồ nứt nẻ xanh cỏ.

Anh ôm lấy xác con và vợ, xuống xuồng và chèo đi. Trưa đứng bóng lại thấy một nghĩa địa nữa, anh chua chát nghĩ: “Chắc đây là cái chợ hồi hôm”…

Bây giờ đối với anh mọi thứ đã không còn ý nghĩa, vợ con anh nằm đó, họ không oán trách anh nhưng luôn nhắc nhở rằng anh là một thằng chồng ngu muội. Anh bỏ cho xuồng trôi xuôi, nằm xuống cạnh xác vợ…”

- Ông sáu Bé xóm dưới là người kéo xuồng của ổng vô xóm này đó, tội nghiệp, lúc đó ổng xanh lét, hình như nhịn đói 3, 4 ngày gì đó. Ông sáu khuyên can hết lời ổng mới chịu ăn uống rồi đem xác vợ con đi chôn. Từ đó ổng ở lại xóm mình, sống thui thủi, mấy năm gì đó rồi chết. Ổng dặn mọi người chôn ổng bên cạnh vợ con… Mà cũng lạ thiệt, mấy chục năm rồi không thấy phá làng phá xóm, sao tự nhiên…

Ông Tám thở dài:

- Chắc tại con Xuân chèo xuồng đi chợ buổi tối hay hát hò, làm cho nó thương, nên nó mới tìm tới đây. Mà tui cũng thấy nó thiệt dễ thương, lần đầu tiên tui gặp nó là lúc tui đi cắm câu một mình, đi đường về thấy ớn ớn, tự nhiên gặp nó cũng đi cắm câu về, nói chuyện rồi quen, tui rủ nó về nhà chơi mấy lần. Rồi từ từ nó nói với tui là nó thích con Xuân, xin cho nó tới lui. Tui thấy nó cũng sáng láng, giỏi giang nên cũng chịu. Ai dè…

- Rồi từ bữa anh phát hiện ra 3 cái mả tới giờ có thấy nó phá gì nữa hôn?

- Bữa đó về tui mời thầy Sáu xuống cúng, thấy ổng khấn vái gì đó, rồi cho con Xuân lá bùa đeo, treo cái Bát quái trước cửa. Từ đó tới nay hổng thấy gì nữa, mà tui cũng ngại không cho con Xuân ra ngoài ban đêm…

Câu chuyện tới đó thì cháo chín, Thắm dọn chén, mời cả nhà xuống ăn. Ông hai nhìn thấy Xuân thất sắc, xanh mét mà chắc lưỡi tội nghiệp…

3. Chuyện về Cô sáu

Đám giỗ anh hai ông Tám, anh em ông đều tụ họp đông đủ tại nhà ông. Xuân đã khỏe, nhưng nhìn cô thâm trầm hơn, ít nói cười. Có nhắc chuyện Thiện thì mọi người cũng nói nhỏ nhỏ, sợ cô nghe thấy. Cô Năm của Xuân, là người gan dạ nhất trong số mấy anh em ông Tám ngồi phì phèo thuốc rê (bà không ăn trầu, chỉ hút thuốc như đàn ông), nhả xong mấy hơi thuốc, chờ Xuân khuất bóng dưới bếp bà mới nói:

- Chầy ơi! Cái xóm này hồi đó qua rành nhứt. Mới 7 tuổi đã đi giữ trâu, thấy ma trơi bay cả bầy. Qua thì nghĩ mình không hại nó, làm gì nó hại mình, nên cứ đi. Nhiều đêm nó bay sát bên qua, qua cũng coi là bạn. Thằng Tám từ nhỏ đã lên Sài Gòn ở với chú Út, nên không biết. Chứ cái khu vực này hồi đó giặc càn quét, chết nhiều lắm. Mà tụi đó ác lắm, giết người, cưỡng hiếp, cướp của, con chó mà mập mập một tí là cũng lôi về bót làm thịt lai rai…

Út chín nghe kể chuyện, ngồi chăm chú nghe, tự nhiên nó nói:

- Hèn gì, có mấy đêm con nằm mơ thấy chó chạy cả đàn, thè lưỡi thấy ghê!!!

Cô Năm kể tiếp:

- Ở xóm trên, có Út Hoa, con ông Tư Ngọt, đẹp gái nhứt xóm, bị tụi nó lôi ra sau hè, cưỡng hiếp mười mấy thằng, con nhỏ chết đi sống lại, la hét om sòm, gia đình ông tư đi ruộng về tới, chạy vô thì tụi nó rút súng bắn chết tại chỗ… Cả nhà luôn! Tới chừng tụi nó về, hàng xóm nghe tiếng súng chạy lại thì thấy cảnh tượng hết sức thảm thương, xác nằm la liệt, cả 7 mạng người. Thương nhứt là chị Hoa, cái áo bà ba bông hường rách nát, trên người không một mảnh vải che thân!... Cái khúc đó ít ai dám qua lại, vì nghe đồn chị Hoa thành quỷ, hay nhát người ta. Mà chỉ cũng linh lắm, mấy thằng cưỡng hiếp, thằng nào cũng chết, lạc đạn, trúng mìn, bị bắn,…

- Ghê quá! Phải kêu chị Xuân bỏ hai cái áo bông hường thôi! Con sợ ma lắm…

- Ủa, mà cô nói út Hoa thành quỷ nhát người ta, mà nhát làm sao hả cô?

- Nói chi xa, lúc đó qua độ 15, 16 tuổi, bữa đó chăn trâu, trời trưa nắng nên qua chạy vô vườn cho mát. Thấy có cây ổi chín thiệt là ngon, qua trèo lên hái. Mà cây ổi thiệt kì, gần trên ngọn có một cái cháng ba láng lứt, như có ai ngồi thường xuyên, qua vừa leo tới đó, tính ngồi bẻ ổi thì té xuống. Bẻ vòng vòng ở dưới thì không sao. Mà cả chục ngày, bữa nào cũng vậy, có khi bất tỉnh nhân sự biết bao lâu. Qua giận quá, ngày sau lận theo con dao, ý nghĩ: “Bữa nay mà té nữa tao đốn bỏ mày luôn!”… Mà té thiệt, qua tức quá, đốn luôn cả gốc. Ổi bẻ cả mấy nón lá. Tự nhiên tối đó qua nằm mơ thấy một cô gái mặc áo bông hường, nước da trắng tươi thiệt đẹp, đứng trên đầu giường qua, trách: “Ổi của tui, tui cho ăn, sao còn phá nhà tui nữa?”. Qua ngồi dậy, hỏi: “Tui phá nhà chị hồi nào?”. Cổ nói: “Đi theo tui, phá rồi còn chối!”. Qua đi theo cổ, thì cổ dẫn tới cái vườn mọi khi, tới gốc ổi, cổ chỉ: “Nè, còn chối nữa thôi? Tui ở đây mười mấy năm rồi, có ai phá đâu, mà cô gan thiệt, tui đẩy cô té hoài mà không sợ!”. Nói xong, qua thấy cổ bay lên cây gáo đối diện, ngồi chiễm chệ, xong giơ tay lên ngắt cái đầu để lên đầu gối, giơ tay vuốt tóc, miệng nhoẻn cười… Lúc đó qua sợ quá, té xỉu. Tới chừng thấy rát rát trên mặt, mới hay trời nắng lên, chiếu ngay mặt. Nhìn quanh quất, thấy mình nằm ngay gốc cây ổi thiệt. Qua lồm cồm ngồi dậy, chạy một mạch về nhà, té xỉu, sốt mê man 5, 6 ngày liền. Mà ngày nào cũng thấy cổ tới đứng trên đầu giường trách móc…

Nói xong, cô Năm rùn mình, móc túi, châm một điếu thuốc. Út chín hiếu kì, hỏi:

- Rồi sao nữa cô?

- Ông nội, bà nội bây mắc làm cặp vịt, đem tới đó đốt nhang, cúng vái. Hứa nếu để qua hết bệnh, thì kêu qua đem một cây ổi khác tới trồng trả lại. Mấy ngày sau, khỏe, qua tới đó trồng ổi thì thấy cặp vịt còn nguyên, chỉ mất hai bộ đồ lòng…

4. Câu chuyện về anh Hai ông Tám.

Nghe Út chín lắc đầu lè lưỡi nhắc tới hai cái áo bông hường, thêm chuyện cô Năm kể ma ám, làm bà Tám ớn lạnh. Bà đi nhanh vô buồng, lôi hai cái áo ra đem đốt. Cô Năm châm lửa, lầm rầm khấn vái:

- Anh hai có sống khôn, thác thiêng, anh ăn ở nhà thằng Tám thì coi dòm chừng sắp nhỏ tiếp nó. Lóng rày ma quỷ dữ quá, anh ráng phù hộ độ trì cho nhà nó…

Hai cái áo bắt lửa cháy ngùn ngụt, ngọn lửa đỏ lòm, nhưng không có mùi khét của vải, mà thơm một mùi lá cây. Cô Năm nhìn đống tàn, nhíu mày một lát:

- Bác Hai mấy đứa bây linh lắm đó, chắc cũng nhờ ổng đưa đường, dẫn lối để tụi bây tỉnh ra, chứ không thôi làm sui với ma, cả họ đều khổ… Mà nhắc tới anh Hai, qua thương ảnh quá!

Út chín vừa lấy cây khều khều đống tro, vừa xoe mắt hỏi:

- Bác Hai làm sao chết vậy cô Năm?

- Bây còn nhỏ, nên không biết! Hồi đó bác Hai bây là Việt Cộng ngoài thành, hoạt động bí mật dưới danh nghĩa làm việc cho Tây. Xóm này ai cũng ghét ảnh, thấy ảnh ăn mặc bảnh chọe, đi xe hơi, về tới là bọn lính xã xum xoe… mà có ai biết ảnh cực khổ biết chừng nào… Lần đó ảnh về đây liên lạc với Việt Cộng địa phương, tin tức bị lộ, ảnh bị tụi nó bắn trúng vai, nhắm thoát không được, ảnh tự rạch nát mặt, chạy về tới hè thì bị tụi nó bắn chết. Tụi nó đuổi theo, lôi xác ảnh vô nhà, hỏi có quen không? Tội nghiệp tía má, thấy con mình chết thảm mà không dám nhìn, sợ liên lụy cả nhà, với các đồng chí của ảnh. Tụi nó lôi xác ảnh quăng xuống sông Cái Đuốc, rồi kéo nhau đi lùng sục khắp vùng…

- Rồi mình có vớt được xác bác Hai không cô?

- Tối đó qua với tía má, con Sáu, con Bảy… xúm nhau đi kiếm, nước lớn, trời tối, mà cái xác thì bị quăng hồi trưa nên không thấy đâu. Qua nghĩ chắc nó trôi mất rồi. Khoảng 2, 3 giờ đêm gì đó, sương xuống lạnh, qua thấy run run, lội trở về nhà. Vừa lội qua vừa lầm rầm khấn vái: “Anh Hai sống khôn thác thiêng, cho em kiếm được xác anh đem về chôn, chứ ở dưới sông lạnh lẽo lắm!”. Vừa vái xong, lội ngang khúc sông cách nhà độ 2, 3 trăm thước, cái xác phịt lên cái ào, sát bên đống chà, cách qua độ hai sải tay. Qua vừa sợ, vừa mừng, lôi cái xác về. Đêm đó cả nhà làm gà cúng vái, liệm anh trong một cái chiếu đem chôn sau vườn. Bây giờ mỗi bận nhớ tới bữa tối đó, qua thấy ớn ớn. Lúc lội thì chỉ nghĩ tới kiếm cái xác, có sợ ma da, hà bá hay cá sấu gì đâu. Gặp nó chắc qua đi theo anh hai luôn rồi…

Bà Tám, Xuân, Thắm dọn mâm bàn xong, mời mọi người đốt nhang rồi nhập tiệc. Xuân đi ngang, liếc nhìn đống tro của hai cái áo, mắt rưng rưng…

5. Cô Sáu, cô Bảy kể chuyện

Cô Sáu, cô Bảy của Xuân đều đã có gia đình, mỗi người ba mặt con, nhưng vẫn khắng khít như thời con gái. Xuân nghe nói hồi trẻ họ đẹp lắm, lại tháo vát, buôn bán lanh lẹ ít ai bì…

Đám giỗ xong ai về nhà nấy, chỉ có cô Sáu, cô Bảy là ở lại chơi, chờ đến ngày mai có đò mới về huyện được. Tối đó cả nhà ngồi ăn bánh tét, bánh ít, uống nước trà nói chuyện rôm rả. Út chín mới 7 tuổi, lí lắc, lúc nào cũng đòi kể chuyện ma. Cô Bảy cười:

- Tưởng gì chớ chuyện ma tao cả bụng, muốn nghe chuyện gì?

- Chuyện gì cũng được, mà cô Bảy có gặp ma giống cô Năm hôn?

- Hồi tháng trước, tao mua vé xe đò đi từ Rạch Giá về Giồng Riềng, mà hổng có, đành phải lội bộ. Độ 3 giờ sáng tao thức dậy, đi từ từ, độ khoảng được chục cây số gì đó thì thấy đằng trước có bóng người, trời khuya lạnh, sương xuống nhiều, mà đường xa đi một mình cũng ớn nên tao lên tiếng gọi: “Ai ở đằng trước chờ tui đi chung cho vui”… tao thấy quay lại, ngoắc tao đi lẹ, tao cũng ráng đi, tự nhiên hổng biết sao còn chừng 10 thước nữa, tao phát rùn mình, bắt ấn tý liền. Tự nhiên, người đằng trước biến thành một đám khói, bay lơ lửng, tao niệm kinh lầm rầm, mà chưng thì muốn khụy. Cũng may, lúc đó gà gáy, dọc đường người ta cũng thức đi ruộng, lúc đó mới hết sợ…

- Chớ mày không nhớ hồi hai chị em mình đi bán ghe hàng hả? Cái bữa xém chìm ghe đó…

- Vụ gì vậy cô Sáu? – Út chín vừa nhảy vô lòng ông Tám ngồi, vừa hỏi.

- Lúc đó tụi cô đi bán ghe hàng, chiều bữa đó hai chị em nấu cơm ăn. Đậu ghe cũng gần cái Nghĩa trang Liệt sĩ, thấy vậy hai chị em bới dư hai chén cơm, gát đũa cúng. Vừa vái: “Ngay linh hồn các chiến sĩ xuôi mồ lạc mả, về đây ăn với chị em tụi tui chén cơm, rồi phù hộ cho tụi tui mua may bán đắt, đi đường bình an”, thì tự nhiên thấy chiếc ghe khẳm dần, khẳm dần. Cô Bảy bây sợ quá la lớn: “Có gì từ từ, khéo chìm ghe!”, thì cái ghe từ từ nổi lên lại, tối đó nghe tiếng thịch thịch đi trên bờ, tiếng cười nói rôm rả, hai chị em tụi cô dưới ghe quíu hết trơn!!!…

Cả nhà bật cười, chỉ có Út chín là ngồi sâu trong lòng ông Tám thêm. Ông Tám chọc:

- Vậy chớ hai chị đi có gặp ma da hay cá sấu gì hôn, kể cho nó nghe, để không thôi bửa nào nó cũng tắm sông tới mọc râu nó mới nghỉ hết…

- Ba cái thứ đó thì hổng có gặp, mà có nghe kể. Hồi đó dưới sông Cái Đuốc mình có con cá sấu bự lắm, mà khôn nữa. Xuồng nhỏ đi ngang thì nó lấy đuôi đập chìm rồi ăn thịt, còn ghe bự thì nó chờ tối, ai mà ngủ sau lái là nó đưa đuôi lên khều rớt xuống nước… Chết biết bao nhiêu người, ai cũng sợ hết trơn. Bữa đó có hai anh em đi ghe qua đó, nghe đồn có cá sấu, người anh sợ quá, định lên bờ trốn. Người em thì sợ người ta giả bộ dụ mình để ăn cắp ghe, nên ở lại. Nhưng ảnh cũng khôn, mài cây mác bén ngót. Tối đó ảnh không dám ngủ, nằm im nghe ngóng. Độ khoảng nửa đêm, nó mò tới thiệt. Vừa đưa đuôi lên rà rà, người em vội nằm xích vô, giơ tay lấy cây mác, xắn mạnh một cái. Cá sấu đứt cái đuôi, rống o o, bỏ chạy, máu đỏ hết một khúc sông. Từ đó về sau không thấy nó hoành hành nữa. Người thì nói chắc nó bỏ ra biển, người thì nói nó chui vô hang chết rồi…

- Vậy sông mình bây giờ còn cá sấu hông cô?

- Còn, con của con cá sấu đó đó. Chắc nó chưa bự nên hổm rày nó tha bây. Đợi nó bự rồi biết.

Út chín sợ quá, le lưỡi:

- Anh hai mai xách nước vô cầu tắm cho em tắm luôn nghe, em sợ quá hà…

6. Chuyện mấy lá Da

Sáng sớm nay ông bà Tám cùng Xuân đi chợ Tết. Ngồi dưới xuồng Xuân cẩn thận giở xấp tiền để dành chuẩn bị cho đám cưới ra điếm. Cô giật mình khi quá nửa là lá cây với giấy tiền vàng bạc. Ông bà Tám cũng hết hồn, chèo mau ghé nhà ông Sáu Bé. Ông Sáu cầm sấp “tiền”:

- Chà, lá da! Quý đa! Hồi đó tao cũng có mấy tấm, xài nhiều nên hư hết rồi. Thôi, bây vô nhà, uống chén trà sáng, rồi cho bác Sáu gái bây quá giang đi chợ luôn!

Mọi người vào nhà, ngồi quanh quần trên cái đi-văng đen. Ông Tám vừa nhìn Xuân rót trà, vừa hỏi ông Sáu:

- Hồi nãy bác nói nó quý, mà sao lại quý?

- Cái thứ tiền lá của ma này vào tay thầy cúng là hên lắm. Vuốt nó qua mắt là có thể nhìn thấy ma dù nó có trốn đi nữa. Hồi tao mới cưới bác Sáu bây, tao có tật mê đánh bài. Nghe người ta nói giắt theo một miếng nhau mèo, hay bọc điều khô là đánh tới đâu ăn tới đó. Mà thiệt! Tao bữa nào cũng thắng. Lúc đó có thằng nhỏ, thường chơi dưới gốc cây me gần chợ. Gặp tao nó hay nói: “Tía ơi! Bữa nay tía thắng nhớ mua bánh cho con nghe!”… Tao thấy mặt mũi nó sáng láng, nên cũng thương, chơi xong hay mua cho nó mấy cái bánh bò, bánh ú gì đó rồi xách về. Mà có khuya cỡ nào nó cũng chờ tao ở đó. Tao hỏi nhà nó đâu, thì nó chỉ vô xóm, tao cũng không biết con nhà nào.

Bữa đó tao về sớm, không thấy nó đâu, đứng chờ một hồi buồn, tao lấy hai lá da giắt trong người ra quẹt ngang mắt, nhìn vòng vòng chơi. Vừa lúc đó, tao nghe tiếng ru con trên ngọn me, nhìn lên đó, trời đất ơi! Ba bốn con ma vú dài nằm trên cái võng tóc đưa con kẽo kẹt. Tao bắt ấn tí, lùi ra xa. Nhưng rồi tao nghĩ chắc nó không muốn hại gì mình, nên giả bộ như không thấy. Lát gì đó, thằng nhỏ từ trong xóm chạy ra, nó hỏi tao: “Tía còn đợi con hả tía? Vậy mà con sợ không gặp được tía lần cuối!”. Tao nhìn nó ăn bánh, hỏi: “Sao mà lần cuối?”. Nó không nói gì hết, ăn hết mấy cái bánh rồi đứng dậy nhìn tao: “Ngày mai nhà con bị dỡ rồi, con không còn chỗ ở nữa. Mà từ mai, tía cũng đừng đi đánh bài nữa, không có con tía không thắng được đâu…” Rồi nó nắm tay tao: “Con thương tía lắm, con biết tía hồi lúc tía chưa có vợ tới giờ, vậy mà bây giờ phải đi, con buồn quá!”

Tao cũng thương nó, nhưng lúc đó tao đã biết nó là ma, nên không dám kêu nó ở lại. Nó đứng nhìn theo tao, đợi đi khuất rồi mới biến mất.

Hôm sau tao thấy người ta tới đốn bỏ cây me lấy chỗ xây đình. Thì cái đình bây thấy đó, đằng trước chỗ mái hiên có gốc me thiệt bự. Tao vẫn đi đánh bài, ghiền mà, nhưng cứ thua hoài, riết nản rồi cũng bỏ…

Vừa lúc đó Bà Sáu sửa soạn xong, kêu Xuân xách giỏ xuống xuồng giùm bà. Ông Sáu vô buồng đưa cho bà Sáu thêm ít tiền:

- Bà coi mua gì thêm cho sấp nhỏ nhà thằng Tám, tội nghiệp, toàn là tiền ma không làm sao xài? Tui được nó cho mấy cái này, còn quý hơn vàng…

Đoạn quay ra, ông hỏi:

- Từ hôm bữa đó tới giờ có thấy thằng Thiện phá phách gì nữa hôn?

- Dạ không!

- Tao tính nếu bây thấy không ổn, thì coi dọn chỗ khác. Có cần thì nói với tao, tao làm mai cho mua đất trên xóm Lộ Mới, sau này ngon a! Mà rẻ nữa…

- Dạ, để về tụi con tính…

7. Đầu năm gặp ma

Cả nhà náo nức đón Tết, Út chín vui vẻ mặc áo mới dù chỉ lẩn quẩn trong nhà. Xuân cùng Thắm quét tước nhà cửa, kho thịt, gói bánh… Mọi thứ đã xong, Thắm gắp than trong đống lửa nồi bánh tét bỏ vào chiếc bàn ủi “con gà” để ủi bộ đồ mới mà hôm trước bà Sáu mua cho, còn Xuân ngồi chụm lửa. Ánh lửa nhảy nhót trong mắt cô đỏ rực. Xa xa tiếng pháo lẻ tẻ lại nổ lên, ông Tám coi lại cây Nêu để đến Giao Thừa thì đem dựng. Út chín chốc chốc lại chạy lại gần Xuân:

- Bánh chín chưa chị ba?

- Chưa đâu cưng, thôi, vô ngủ đi, mai chị dắt lên chợ chơi hé!

Nôn nóng được khoe áo đẹp, Út chín đi ngủ liền, Xuân ngồi dựa đầu lên gối, nhìn nồi bánh bốc hơi rồi ngủ quên lúc nào không hay. Có người lắc vai Xuân, cô dụi mắt, đứng dậy. Thiện đứng sát bên cô, đưa cho cô một giỏ cá lóc đầy:

- Nói với tía má anh gởi cho cả nhà ăn Tết. Em đừng sợ, anh không hại gia đình em đâu. Anh thương em thiệt lòng, chỉ tiếc mình âm dương cách biệt.

Xuân hơi lùi lại, nhìn vào nhà. Ông bà Tám đang loay hoay sắp dĩa trái cây chuẩn bị cúng Giao Thừa. Xuân nói nhỏ:

- Anh đi đi, đừng để tía má thấy. Em không làm vợ anh được đâu...

Thiện nhìn Xuân một lúc rồi quay lưng bỏ ra gốc cây còng sát mé sông, đứng đó nhìn Xuân, còn Xuân thong thả ngồi xuống, tựa đầu như tư thế cũ…

- Xuân! Vớt thử coi bánh chín chưa con – Bà Tám vừa lay Xuân, vừa nói.

Xuân giật mình, thì ra chỉ là một giấc chiêm bao, cô giở nắp nồi bánh. Hơi nóng phả vào mặt khiến cô phải ngoảnh mặt đi chỗ khác. Trong hơi nước, nhạt nhòa, cô thấy bóng Thiện dần mờ đi rồi biến hẳn vào khoảng không, giỏ cá lóc dưới chân cô giãy đành đạch làm bà Tám giật mình…

Chợ Tết đông đúc người, Út chín len lỏi đến những chỗ Bầu cua cá cọp và Sòng bài cào để xem. Quân khều Xuân:

- Mấy chị em đi chơi Tết vui hé!

- A! Anh Quân, anh về hồi nào vậy?

- Anh về bữa sáng 29. Lu bu dọn dẹp nhà cửa nên không đi đâu.

- Ai vậy chị ba? – Út chín vừa liếm cây cà rem mới mua, vừa nhìn Quân.

- Con bác Tư Bình đó em, ảnh học trên An Giang, lâu lâu mới về.

- Chà, Út chín lớn bộn rồi hén! Ủa, mà hai chị em ra đây bằng gì? Có đi xuồng một hồi cho anh quá giang về!

- Dạ, đi xuồng, tụi em cũng tính về, đi hồi sáng tới giờ, chắc tía má cũng trông!

Quân giành chèo xuồng, nhìn anh chèo rất thạo. Út chín thì cứ hỏi này, hỏi kia, nói những chuyện khiến ai cũng phì cười. Đến nhà, Quân ghé thăm ông bà Tám, rồi mới lội bộ về nhà, bà Tám coi bộ thích Quân lắm.

Hôm sau bác tư Bình tới chơi, người sống ở quê là vậy, xóm giềng thân thiết lắm. Quân cũng tới, cả nhà làm gà nấu cháo ăn rôm rả.

Tối hôm đó Xuân đang ngủ thì nghe tiếng cót két. Mở mắt ra đã thấy Thiện đứng sát mép giường.

- Thằng Quân coi bộ khoái em, mà anh thấy tía má cũng thích nó, hay em đi theo anh? – Thiện vừa nói, vừa nắm tay Xuân lôi đi.

Xuân vùng vẫy, cố gỡ tay Thiện, cô ý thức được Thiện là ma và đang muốn bắt cô đi. Út chín giật mình, thét lên:

- Ma, cứu, tía má ơi!

Cả nhà choàng tỉnh, phút chốc Thiện biến mất, chỉ còn Xuân hổn hển thở, người toát đầy mồ hôi.

- Con thấy rõ ràng, anh Thiện đứng đây, đang lôi chị ba. Chỉ giẫy dữ lắm, con sợ quá, la đại!

Mùng 2 Tết đã gặp ma, ông bà Tám coi đó là điềm xui rủi, chong đèn tới sáng, không ai dám đi ngủ nữa. Mới sáng sớm ông, bà, Xuân cùng Út chín tới ngay nhà ông sáu Bé. Tới nơi đã thấy bác tư Bình và Quân ngồi đó tự lúc nào. Ông Sáu rót nước cho ông Tám, than:

- Chu choa ơi! Bây giờ nó mới bắt đầu phá đa! Thằng Quân hồi hôm bị nó bóp cổ gần chết! Anh Tư bây không vô kịp là tắt thở rồi…

- Nó nói cấm con lại gần Xuân, không là nó giết. Con nói: “Anh đâu là gì của cổ!” thì nó bóp cổ con. Nói nó là chồng sắp cưới của Xuân…

- Thì thiệt vậy đa! Nhưng lúc trước hổng ai biết nó là ma, nên mới hứa. Bây giờ biết rồi thì phải tránh. Thôi, bây ngồi đây, tao lấy cho mỗi người một lá bùa, đeo vô thì khỏi lo.

Ông Sáu đưa cho mỗi người một lá, thêm một mớ nữa về phát cho mỗi người trong gia đình. Xong, ông kêu Quân coi sắp xếp lên trường sớm cho an toàn. Đoạn, quay sang nói với ông Tám:

- Cái đà này tụi bây phải dọn thôi, chứ ở đây hoài không được đâu…

- Con chỉ sợ nó là ma, đi tới đâu nó theo tới đó!

- Bây nói vậy là không biết, chứ ở đâu cũng có đất đai dương trạch, thành hoàng, thổ địa,… không phải muốn tới là tới, muốn đi là đi. Mả nó ở đây, thì thành hoàng, thổ địa ở đây chấp nhận, chứ đi chỗ khác ai dung? Mà ba má nó cũng ở đây, làm sao nó bỏ được!

- Vậy để con về tính lại…

- Ừ! Lẹ đa, để lâu không nên!

Ông Tư và Quân chia tay gia đình ông Tám để về nhà. Ngồi uống nước một tí ông tám cũng xin phép về. Ông Sáu nhìn theo bóng Xuân, ngậm ngùi:

- Thiệt tội con nhỏ! Mới đầu năm đầu tháng đã bị ám…!

( Hi Hi, Lâu nay không có thời gian rảnh để viết, hôm nay mới viết được một ít, mong mọi người tiếp tục ủng hộ!!! )

8. Chuyển nhà

Thấm thoát mà gia đình ông tám dọn lên xóm Lộ mới cũng đã hơn 2 tháng. Nhà cửa cũng gọn gàng. Ông bắt đầu cải thiện đất đai, trồng cây, trồng rau. Bầy vịt hơn chục con đem từ dưới nhà cũ lên cũng lớn trộng. Thằng Minh con thứ 8 của ông chăm bầy vịt kỹ lắm, ngày nào cũng lùa ra đồng cho ăn chét, chiều chiều mới lùa về nhốt. Nó còn cẩn thận rào hai ba lớp, sợ rắn hoặc chồn vào bắt vịt.

Mùa lúa này ngoài việc đi cắt lúa mướn, bà Tám, Xuân, Thắm còn đi giũ rơm, mót lúa nên lúa để đầy nhà, tình hình coi bộ khá hơn lúc còn dưới vườn.

Tối nay, sau một vụ mùa vất vả, ông Tám ngồi hút thuốc lào, ăn khoai luộc, coi bộ thảnh thơi lắm. Đám con ông xúm xít quanh ông, nói chuyện rôm rả. Chỉ có Xuân là vô ngủ sớm để mai còn đi chợ huyện.

Sương khuya lạnh làm cho Út Chín cứ chui rúc vào lòng ông Tám, nhõng nhẽo cuộn tròn.

- Anh Hai, kể chuyện nghe đi anh!

- Chuyện gì?

- Chuyện nào có ma đó!

- Nhát như cheo mà tối ngày đòi nghe chuyện ma. Tao mà kể một hồi đừng có kêu tao dắt đi đâu đó nghe!

“Hồi đó, có ba anh chàng lên kinh ứng thí, thi rớt, trên đường về hết tiền, lại đói. Ba chàng đang thất tha thất thểu đi trên đường thì thấy một căn nhà hoang, vội ghé vào nghỉ chân. Cái chạn bếp để đấy nồi nêu soong chảo, ba chàng nghĩ chắc căn nhà này có người sống. Thật vậy, độ khoảng sụp tối, hai cha con một cô gái bước vào nhà, thấy ba chàng thì chưng hửng, không biết ai. Một chàng vội bước ra thưa xin ngủ nhờ một đêm. Cô gái thấy có ba người con trai lạ thì bẽn lẽn, lí nhí xin vào bếp nấu cơm.

Ông lão cũng hỏi thăm qua loa rồi mời mấy chàng ăn cơm. Đoạn, ông bước vào bếp để chuẩn bị phụ con gái.

Ba chàng trai ngồi trước cửa ngắm cây dong lớn trước cửa. Cành lá xum xuê của nó chỉa thẳng vào mái nhà như muốn nhấc tung cả mái lên. Thân cây to, lá rậm rạp chuyển sắc đỏ. Đặc biệt, rễ của nó như những cánh tay ôm cả căn nhà. Tiếng xèo xèo trong bếp phát ra làm ba chàng bụng đói cồn cào, chắc mẩm phen này được một bữa no nê. Nhưng đợi mãi, đợi mãi, trời càng ngày càng tối mà không thấy cơm nước gì, cũng chẳng có ai đốt đèn, một chàng đánh bạo bước lại nhìn vào kẹt cửa thì không thấy hai cha con cô gái đâu, chỉ thấy một bóng trắng lờ lờ trên mặt đất, đầu tóc thì rũ rượi, đang le cái lưỡi dài thòng lếm qua lếm lại cái chảo nghe xèo xèo. Phát hoảng, anh ta vừa bò, vừa lê ra chỗ hai người bạn, vừa la lên một tiếng: “Ma!”, đã thấy hai cha con ông lão đứng kế bên. Ông lão quắc mắt: “Ma ở đâu?”. Như cứng họng, chàng ta chỉ vô bếp, cả đám rúm ró lại. Ba chàng hỏi nãy giờ hai cha con ông đâu, thì ông nói đi bắt cá. Cả đám đành nhịn đói ngồi co cụm lại với nhau, cô gái bây giờ đã dạn dĩ hơn, ngồi xích lại anh lúc nãy thấy ma để bắt chuyện. Trời càng ngày càng khuya, gió xạc xào làm run mái nhà khiến lá mục rơi lả tả.

- Hồi nãy anh thấy ma, mà con ma ra làm sao vậy anh?

- Nó cao nhòng, trắng toát, tay xương xẩu, đặc biệt là cái lưỡi, dài lắm, anh thấy nó đang lếm qua lếm lại cái chảo nghe xèo xèo, ghê lắm, em không hình dung ra đâu…

- Phải nó giống vầy không anh…- Vừa nói, cô gái vừa le cái lưỡi dài thòng, đỏ lòm lếm qua lếm lại trên mặt chàng trai.

Cả đám hét lên, bỏ chạy ra ngoài, nhưng vừa đến cửa thì cây dong bắt đầu chuyển động. Nó đưa những cành lá gân guốc bịt chặt cửa, vươn những cái rễ xù xì tóm chặt chân những kẻ trốn chạy. Ở phần gần gốc, một cái lỗ hổng to tướng, đen ngòm đang há sẵn để nuốt trửng kẻ nào xấu số nào sẽ bị tóm lấy. Ba chàng lâm vào tình huống tiến thoái lưỡng nan, hai con ma phía sau còn cái cây ăn thịt người thì đón phía trước.

Căn nhà trở nên chật chội vì bị cái cây xiết chặt dần, hai con ma dường như cũng sợ cái cây, nó thoát ra, bay lơ lửng phía ngoài căn nhà. Ba chàng trai bắt đầu quờ quạng lung tung vì ánh trăng đã bị tàn cây che phủ hết, một trong ba chàng vớ được cái rìu, bắt đầu chặt chém lung tung, mở đường máu để thoát ra. Một nhánh cây bị chặt, ứa ra chất dịch màu đỏ bầm như máu, cái cây bị đau, từ từ rút lại trạng thái ban đầu. Cái nhà ọp ẹp nứt toác ra, ngã rạp xuống bỏ lại ba chàng đứng như trời trồng.

Hai con ma lại bắt đầu cuộc rượt đuổi, ba anh bắt đầu chạy, họ chạy mãi, chạy mãi, cho đến khi thấy được ánh đèn của một xóm nhỏ. Trời cũng vừa tản sáng, cả ba chàng kiệt sức, khụy xuống xỉu giữa đường.

Khi tỉnh dậy, họ thấy mình đang nằm trong một căn nhà ấm cúng, xung quanh là một đám người đang nói chuyện rôm rả. Thấy ba chàng đã tỉnh, họ bắt đầu hỏi thăm, cuối cùng mới biết được thì ra chuyện hai con ma và cái cây dong đó lại là cả một câu chuyện dài…”

- Rồi sao nữa anh hai? – Út chín vừa nhai khoai vừa hỏi.

- Rồi tới giờ đi ngủ chứ sao! Mai kể tiếp, anh phải đi ngủ để mai chở má đi xay lúa.

Ma Vòng

Mới nửa đêm trời đổ mưa như trút nước. Bà tám nằm rầu rầu, sợ không đi xay lúa sớm được, đợi sáng mới đi thì biết khi nào mới đến lượt mình xay.

Còn Xuân thì rục rịch trong buồn, soạn đồ để tạnh mưa là đi chợ Huyện. Thằng Thìn đang loay hoay bắt mấy con vịt cột lại cho chị. Từ trước đến giờ, hễ Xuân đi chợ là nó đều đi cùng chị, nhưng nó chỉ đi để chèo ghe phụ, còn mua bán gì thì nó không biết, chỉ để cho Xuân lo.

Ông tám vừa quấn thuốc rê, vừa dặn:

- Con coi mua cho anh hai bây chục cái lưỡi câu để kiếm thêm ít cá, hôm qua đi ra ruộng ba thấy cá ục quá trời.

Độ hơn nửa tiếng nữa thì mưa tạnh, bà Tám mừng húm, kêu thằng hai vác lúa xuống xuồng để đi cho kịp chuyến xay đầu tiên. Xuân cũng giục Thìn xuống xuồng đi cho mau.

Từ dạo xảy ra chuyện giữa cô và Thiện, cô bỏ hẳn thói quen ca hát nghêu ngao, chỉ còn thằng Thìn lâu lâu lại ngân lên cái gì đó ư ử trong họng. Hai chị em cũng không bao giờ buôn bán dọc đường nữa, sợ gặp phải ma.

Chợ sớm nhưng cũng đông đúc, ai cũng mong muốn bán buôn chóng vánh để về nhà. Hai chị em Xuân kiếm một chỗ để bán vịt, nhờ vừa hết mùa lúa, mấy con vịt mập mạp bán được giá và nhanh chóng. Cô xách giỏ đi kiếm chỗ mua lưỡi câu cho anh hai.

- Xuân!

- A! Anh Quân, anh làm gì ở đây?

- Anh tốt nghiệp rồi, đang làm ở Thương nghiệp Huyện nè!

- Ghê vậy ta!

- Ủa! Em đi đâu đây?

- Em định kiếm chỗ mua cho anh hai một mớ lưỡi câu.

- Thôi, em vô đây, anh có quen mua dễ và nhanh lắm, em không biết, mua “chợ đen” giá cao gấp mấy chục lần!

Xuân cười tủm tỉm:

- May mà có anh!

Quân dáng người cao ráo, hơi ốm nhưng khá đẹp trai. Xuân biết Quân thích mình nhưng vì chuyện của Thiện vừa xảy ra nên cô cũng không dám tỏ ý gì với anh. Mua bán xong, Xuân rủ Quân về nhà mình chơi, Quân nhận lời vì anh được nghỉ, thằng Thìn nháy mắt tinh quái nhìn chị, huýt sáo vang suốt chặng đường về.

Ba tháng đã trôi qua, Quân cứ tới lui, bác Tư Bình cũng ngỏ lời xin ông bà Tám cưới Xuân cho Quân. Hai nhà vui vẻ, đám cưới cũng rình rang vì Quân làm việc cũng có nhiều tiền, đám cưới xong hai vợ chồng chuyển hẳn về huyện sống.

Căn nhà tập thể mà hai vợ chồng Quân sống cũng rộng rãi, lại là căn ngoài cùng nên xem như được thêm một khoảng sân. Dạo này Xuân có bầu nên khó ngủ, lại hay đi tiểu ban đêm, mấy đêm liền cô đều thấy có bóng người đi qua đi lại cuối dãy nhà. Xuân than với Quân là nghe tiếng khóc thút thít suốt đêm trong khi Quân cố gắng mấy cũng không nghe thấy. Cô ngày càng ốm, buộc lòng Quân phải gửi cô về nhà ông bà Tám để tịnh dưỡng. Cơ quan anh cũng sửa sang lại, nới rộng diện tích mấy căn nhà cán bộ nên anh cũng tạm dời đi. Trong quá trình đào bới, người ta phát hiện dưới nền nhà một bộ quan tài bằng gỗ khá dày, bóng láng, trong đó có một bộ xương khô. Mọi người kháo nhau:

- Đục một mẩu gỗ tiện tròn như đồng xu để cầu cơ thì linh lắm.

Và Hinh, một cậu trẻ tuổi cùng cơ quan quân xung phong làm ngay việc ấy. Bộ quan tài và hài cốt chuyển đi, Quân mới ớn lạnh khi nghĩ đến những tiếng khóc than mà vợ mình nghe được.

Tối ấy mọi người trong cơ quan Quân mua kẹo bánh và kéo nhau đến chỗ “lỗ huyệt” vừa đào để cầu cơ. Dưới ánh đèn cầy leo lét, một dĩa bánh, ba cốc nước và một tấm ván lớn viết chi chít những chữ cái, con số được bày ra. Hơn 10 người túm tụm lại để lầm rầm khấn bài cầu cơ, Quân đứng phía ngoài, khẽ rùn mình khi nghe lỏm bỏm mấy câu:

“Dù hồn là kiếp trai tân

Hay là phận gái muôn phần xin tươi

Khi chết kẻ khóc người cười

Nhập vào đồng bạc đôi lời hỏi thăm…”

Tiếng lách cách của đồng xu bằng ván quan tài va vào dĩa bánh và cốc nước làm mọi người phát sợ, hai người ngồi cơ sợ quá nhắm tịt mắt để mặc cho đồng xu chạy tới chạy lui ráp chữ trả lời cho câu hỏi của mọi người chầu rìa.

Con ma là một cô gái, tên Lài, trước đây cũng làm ở thương nghiệp huyện, nhưng vì bạn trai phản bội, không chịu nhận cái thai là con hắn ta nên cô đã thắt cổ tự vẫn vì sợ nhục nhã.

Quân đứng phía ngoài, thấy vậy liền hỏi:

- Có phải cô nhát vợ tôi mấy bữa trước không?

Cái đồng xu chạy vòng quanh, dừng lại ở chữ “Phải”, cả đám rú lên.

Đồng xu vẫn chạy vòng quanh để ráp chữ: “Tao không sinh được con thì cũng không ai sinh được con trong cái thương nghiệp này! Tao sẽ phá hết, giết hết tụi bây, đồ đàn ông khốn nạn!”

Lần này thì hoảng loạn thật sự, ai đó giật lưng một người cầm cơ, sợ họ đẩy đồng xu để chọc phá mọi người, nhưng họ lạnh ngắt, cứng đờ, tay chân tím ngắt. Ai đó lầm rầm cầu kinh, quăng một tràng hạt để tụng kinh vào giữa bàn cơ, đèn phụt tắt. Mấy người nữ gào lên hoảng sợ, Quân vội rút hột quẹt, bật lên. Hinh mắt trợn trừng, đang gục lên bàn cơ. Mọi người xúm lại vực anh ta dậy, khiêng vào nhà, còn Lam-người ngồi cơ còn lại thì hơi xanh xao mất hồn một tí. Cô đứng lên, đi lảo đảo về phía cuối dãy nhà, cả đám lao theo, kẻ kéo, người đánh, vì khu ấy bây giờ chẳng có gì nữa, chỉ là con đường đi thẳng ra nhà xác của nhà thương. Đánh đá tùi bụi khoảng 3 phút Lam giật mình ngơ ngác, kêu đau:

- Mấy người làm gì đánh tui dữ vậy?

- Mày tính đi đâu?

- Thì về nhà…

- Nhà mày ở đâu hướng đó?

Lúc này Lam mới tỉnh hồn, cô nhảy vào giữa đám người, run cầm cập!

Hinh vẫn nằm mê man, lạnh ngắt, mọi người vội đưa anh vào trạm xá, cắt cử người trông chừng rồi giải tán.

Quân có thói quen uống cà phê sáng, ngày nào anh cũng ngồi uống cùng thủ trưởng của mình, hôm nay nhân lúc vui vẻ anh gợi chuyện:

- Anh ba, ngày xưa Thương nghiệp mình có ai tên Lài không anh?

- Ủa, sao chú biết? Con nhỏ đó đẹp lắm, nghe nói chửa hoang gì đó, nên tự tử. Nó ở phòng của thằng Hinh bây giờ đó!

- Thiệt hả anh? Anh có thấy cổ phá phách gì không?

- Hồi mới mỗi đêm nó rên rỉ thấy sợ, tao đi tiểu cũng thấy nó thắt cổ tòng teng trên mấy đọt cây, le cái lưỡi dài òn. Hồi đó có rước thầy cúng về, rồi nó cũng đi. Mà tao nghe bà xã tao nói nó nhát con Xuân hả?

- Ừ thì nó cũng khóc lóc, rên rỉ, xẹt qua xẹt lại vậy mà!

- Coi chừng nha mậy, cái tụi thắt cổ chết người ta kêu là “ma vòng”, nó phải hại cho ai thắt cổ như nó thì nó mới đi đầu thai được đó!

- Em gửi Xuân về nhà ba má cổ rồi.

- Ừ! Vậy thì được!

Vừa dứt lời, cả đám đã nghe tiếng rú lên thảm thiết,mọi người chạy về nơi tiếng hét phát ra thì thấy Hinh đang treo tòng teng trên cột nhà, mặt tím ngắt vì dồn máu, cái lưỡi le dài, Lam sợ quá, xỉu tại chỗ, anh Ba hít hà:

- Đúng chỗ con Lài chết! Tụi công trình này tao đã nói rồi, vậy mà ham chừa cái phòng này lại để chất vật liệu làm chi!

10. Sống chết có nhau

Từ khi Hinh chết cả Thương nghiệp trở nên nhốn nháo, người thì lo sợ, kẻ lại xem đó là dịp để đỏ đen, riêng Quân thì lòng thấp thỏm, sợ Xuân biết được chuyện Hinh chết thì sốc.

Hinh rất tốt, tuy hơi “mèo mả gà đồng” một tí nhưng là người biết cư xử và vui tính, có cái gì anh cũng đem cho vợ chồng Quân. Trước đây Hinh và Quân học cùng Đại học, lại may mắn về làm chung một chỗ nên cả hai rất thân. Xuân cũng rất quý Hinh, cái chết của Hinh làm Quân rất buồn, ngày nào anh cũng đem thuốc lá ra cắm bên mộ bạn. Một đêm, Quân nằm mơ thấy Hinh, anh ta buồn rười rượi, than cô đơn quá, trước khi biến mất còn nói một câu khiến Quân rùn mình: “Chắc tao phải kiếm ai đó bầu bạn quá!”.

Bây giờ đi đâu trong chợ thì cũng nghe người ta bàn tán về cái chết của Hinh, còn Lam-người cùng ngồi cơ với Hinh thì xin nghỉ việc về nhà, cô hoảng loạn thật sự, thỉnh thoảng còn nói lảm nhảm khiến ai cũng phải sợ.

Sáng nay vẫn như mọi khi, Quân và anh Ba thủ trưởng ngồi uống cà phê sáng.

- Mấy bữa rày mày có đánh số không? Tao đánh mấy bữa, thua quá trời!

- Em không có đánh, không ham hố mấy cái vụ đó anh ơi!

- Tao thua cháy túi, con sư tử Hà Đông nhà tao cằn nhằn tối ngày!

Quân phì cười, anh ba có cái tật sợ vợ, cả cơ quan ai cũng biết.

- Mày biết con Cúc người yêu thằng Hinh không?

- Con ông ba Chung ở chợ dưới hả anh?

- Ừ, con nhỏ đẹp mà tiểu thư lắm, muốn gì được đó. Hồi trước nó đòi cưới hoài mà thằng Hinh không chịu!

- Em thấy phe đó giàu, chắc khinh người!

- Thì đó! Con đó đòi bỏ theo thằng Hinh mấy lần, ba má nó lên tận đây chửi thằng Hinh, nó bực quá nên đòi chia tay.

- Ủa, hồi nào vậy anh?

- Trước khi nó chết mấy ngày, nó còn tâm sự với tao!

- Hay tại nó buồn chuyện đó nên tự vẫn anh?

- Không biết, chỉ biết hồi nãy đi ngang nhà, tao nghe con Cúc cự cãi gì với ba má nó om sòm, thoáng nghe hình như nó nói ba má nó ngăn cấm nên thằng Hinh mới chết!

Quân thoáng buồn, chẳng lẽ Hinh lại suy nghĩ nông cạn như vậy? Hai anh em đứng dậy đi vào cơ quan, lại một ngày nữa ảm đạm quá, phải chi có Xuân ở đây thì hay biết bao nhiêu!

Độ khoảng 3 giờ chiều, Quân thấy Cúc bước vào cửa hàng, hỏi Linh cái Ti vi bao nhiêu tiền. Quân nghĩ thầm: “con nhà giàu có khác, nhà đã có Ti vi mà còn hỏi mua thêm”. Thấy Linh trả lời gì đó, rồi Cúc ra về.

Độ khoảng 5 giờ chiều, mưa tầm tã, chợ huyện nhốn nháo, người ta túa ra đầy đường, kéo nhau về chợ dưới khi nghe tin Cúc chết. Cô uống thuốc ngủ tự vẫn.

Mẹ Cúc khóc lóc, kể trong nước mắt: “Nó đòi tui mua cái Ti vi, ba nó la nhà có rồi mua thêm làm chi, nó lột hết vòng vàng, kêu tui bán mua cho nó, nó than nó ngủ không được vì cứ nhắm mắt lại là thấy thằng Hinh về trách tui với ba nó nên tui mua cho nó ít thuốc ngủ, tui hứa chừng nào có tiền sắm cho nó cái Ti vi, cũng tại ba nó, cứ chửi hoài làm chi. Hồi trưa nó bỏ cơm, ông kêu để cho nó chết…hức…ông vừa lòng vừa dạ ông chưa???”

Tuy không thích Cúc, nhưng mọi người ai cũng mủi lòng. Cúc nằm đó, rũ rượi. Mọi người xúm xít vây quanh, những người bạn gái của Cúc trang điểm cho cô thật đẹp. Nhìn Cúc cứ như đang ngủ.

Đám ma Cúc xong Quân về thăm Xuân, nhìn Xuân đã khá hơn, hình như cô cũng nghe chuyện của Hinh và Cúc rồi nên hỏi anh, thấy vậy nên anh cũng kể hết cho cô nghe, cả chuyện giấc mơ nữa. Xuân thở dài, buồn buồn:

- Chắc anh Hinh thương chị Cúc quá đó mà! Thôi anh để em ở đây với ba má, về ngoài kia em sợ lắm!

- Ừ! Anh cũng tính vậy, chứ nhà cũng chưa sửa xong.

Hai hôm sau Quân về huyện, lại nghe nhốn nháo chuyện Cúc thành ma, Linh vừa kể cho Quân nghe vừa nổi da gà:

- Mấy bữa nay Ti vi trong thương nghiệp mình tự nhiên hát, em sợ quá trời. Còn mấy người ở chợ dưới thì người ta nói thấy Cúc tóc dài mặc áo trắng xóa ngồi trên mộ đọc tiểu thuyết mỗi đêm, ghê quá anh ơi!

Quân cũng thấy rờn rợn, chiều đó anh xuống thắp nhang cho Cúc thì thấy cả nhà Cúc đang mướn thầy cúng về, ngồi một tí, anh nghe họ bàn tán dỡ mộ Cúc lên để phong ấn, vì Cúc không chỉ nhát người khác mà còn nhát cả nhà cô nữa. Cái Ti vi nhà cô không tắt được, mà lúc nào cũng bật ngay kênh mà Cúc thích.

Hôm sau, độ 11h trưa, Quân thả bộ tà tà xuống nhà Cúc, từ xa anh đã thấy một đám đông đang vây quanh mộ cô. Cái quan tài đã được bốc lên, mở toang hoác. Xác của Cúc trắng bệch, một vài chỗ đã lở loét, mắt mở trợn trừng, móng tay đỏ chói lúc chết bây giờ dài thêm, tóc được cài gọn gàng cũng sổ ra nhìn kinh khủng. Mọi người càng bàn tán tơn khi cái môi thoa son vẫn đỏ chót như ngày nào…

Thầy cúng lấy môt cái rế nồi, úp lên mặt Cúc rồi bảo người đậy nắp quan tài lại, đoạn lấy một xâu xích nhỏ quấn quanh, thêm vài tấm bùa dán phía trên, hạ huyệt.

Từ đó, người ta không thấy bóng ma ngồi trên mộ nữa nhưng thỉnh thoảng người ta vẫn nghe thấy tiếng Cúc lầm rầm đọc tiểu thuyết đêm khuya hòa với tiếng xích kêu loảng xoảng.

Gia đình Cúc vì quá sợ nên cũng bán nhà dọn đi nơi khác.

11. Ma Xoài

Xuân có bầu đã hơn 7 tháng, Út chín suốt ngày quấn quýt bên chị để “nói chuyện” với em bé. Quân vừa bị điều chuyển sang Phú Quốc, một huyện Đảo của Kiên Giang, vì thế Xuân vẫn ở với ông bà Tám.

Sáng nay, bà Tám và Thắm đi giũ rơm sớm. Hai mẹ con đứng ở đầu kênh đợi bà năm Khởi cùng đi. Mặt trời cũng bắt đầu ló dạng, sương dần tan, chợt Thắm khều bà Tám:

- Ai như bác năm Khởi, bả đi trước rồi má ơi!

Bà Tám nhìn ra xa ngoài ruộng, bóng một phụ nữ mặc áo màu cau khô, cắp một cái thúng, đội nón lá đi chấp chới trên bờ mẫu. Bà Tám nghĩ bụng: “Bà này thiệt kỳ, hẹn mình xong rồi đi trước, chắc bả tính ra kiếm chỗ tốt trước đây mà!”. Thấy vậy bà cũng giục Thắm: “Đi!”

Hai má con ra đến nơi thì sương tan hẳn, đống rơm không một bóng người. Bà Tám và Thắm nhìn quanh:

- Ủa, bà năm Khởi đâu cà?

- Chắc bác Năm đi ra ngoài đống bên kia rồi má. Thôi, má con mình giũ đi, hơi sức đâu mà lo!

Hai má con bắt đầu trải bao ra để làm việc. Giũ được một tí thì bà năm Khởi xuất hiện:

- Sao hai má con không chờ tui? Chơi xấu vậy!

- Ủa, tui thấy chị đi trước mà!

- Tui mới tới cái rột nè…

- Hồi hừng đông tui thấy ai mặc áo màu cau khô, cắp thúng đi ra ruộng mà!

Bà Năm ậm ừ cho qua chuyện rồi ngồi xuống giũ rơm, trưa đứng bóng, thằng Thìn đem cơm ra, cả đám xúm lại ăn cơm bà Năm mới nói:

- Hồi sáng tui tính không nói, nhưng thôi, chị mới chuyển về đây, tui nói cho chị biết. Cái xóm này đi đêm phải coi chừng, hồi đó có bà tư Minh chết oan đó. Lúc đó bả có bầu độ 4 tháng, nhà năm sáu đứa con gì rồi, bữa đó ngay mùa mưa, nhà có cây xoài lớn trái chín đầy. Độ 4 giờ chiều, giông lớn, xoài rụng đầy đất, bả cắp cái thúng ra lụm, loay hoay dưới gốc, giông cái ào, một nhánh xoài bự gãy đè ngang người, mà thằng chồng cũng ác, vợ có bầu mà không để ý gì hết, tới chừng hay chạy ra thì huyết chảy thành vũng, chết mà mắt trợn trừng, người xanh lè như không còn hột máu nào vậy! …Thằng cha đó mới chôn vợ đã dắt bà khác về nhà, ngày mở cửa mả uống rượu làm sao mà trúng gió chết luôn, người ta đồn là con vợ nó bắt, chứ không phải trúng gió gì đâu! Cái cây xoài đó bây giờ đã đốn, hồi lúc đầu thì ngày nào người ta cũng nghe tiếng rào rào, tiếng cây gãy, rồi thấy bóng người lui cui dưới gốc. Lúc mới bả phá dữ lắm, xóm này ai có bầu độ bốn năm tháng là hư thai hết, xoài trong xóm tới mùa là rụng, không đậu trái nào, bởi vậy người ta đành rước thầy về cúng mới êm.

- Rồi mấy đứa con của ổng bả thì sao hả bác?

- Thì đứa về bên nội, đứa về bên ngoại, mà coi bộ cũng bất hạnh, bị đối xử không ra gì, tội nghiệp tụi nhỏ! Mà bữa bả chết là mặc cái áo màu cau khô, bởi vậy hồi sáng chị nói là tui biết liền!

Mọi người lại tiếp tục công việc, mới 4 giờ chiều Thắm đã đòi về, bà Tám cũng ủng hộ, sợ trời sụp tối gặp phải cảnh hồi sáng chắc đứng tim mà chết!

Tối đó bà Tám kể cho ông Tám nghe, ông vừa vấn thuốc vừa cười ha hả:

- Tưởng gì, hồi mới về là tui thấy rồi, nhưng sợ bà với sấp nhỏ sợ nên không nói. Mà mấy tháng nay tui không thấy nó lai vãng nữa nên cũng thôi. Sức mấy mà nó dám hại bà!

- Ông nói hay dữ!

- Bà nhớ hồi mới về đây, bữa bà đau bụng đòi đi cầu ban đêm không? Chưa có cầu tiêu, tui dắt bà ra vườn ỉa đó. Tui cho bà ngồi trên mả nó đó, lúc đó tui còn nói: “Tao cho vợ tao ỉa trên đầu mày coi mày còn dám nhát nữa không?! Phá nữa coi chừng tao dỡ mả!”. Từ đó tới sau tui thấy nó biệt tăm mà!

- Hồi sáng tui với con Thắm thấy bả đi chấp chới thiệt mà!

- Thì người ta cũng đi kiếm ăn như bà thôi, để ý làm gì. – Vừa nói ông vừa cười ha hả.

- Bộ nhà bà Tư sát bên mình hả ba?

- Ừ! Thôi, nếu mấy má con sợ để mai tao kêu ông Sáu lên đây chơi, sẵn tiện coi chòm đất này luôn!

12. Ma heo

Quân sang đảo đã được mấy tuần, anh nhớ Xuân quá, chiều nào sau giờ làm việc anh cũng ra bờ biển nhìn mông lung vào đất liền. Anh chín Kha làm chung cơ quan thấy tội quá, nên chiều nay anh rủ Quân qua Dương Đông chơi. Nhà bạn anh bán quán cà phê, phía trong người ta tập trung đánh bài nhiều lắm, Quân đi uống cà phê là chính, chứ anh không ham đỏ đen.

Mấy ngày liền Quân để ý thấy có một người phụ nữ mặc áo bà ba trắng độ khoảng 35, đi cùng một cô gái trẻ mặc áo bông đen đến đánh bài. Họ lúc nào cũng thắng lớn, anh chín Kha đã 38 tuổi mà vẫn chưa vợ nên xem ra khoái cô gái đó lắm, đêm nào cũng rủ Quân về khi hai người kia ra về. Cốt yếu là để biết nhà, nhưng họ đi nhanh lắm, hôm nào cũng mất dấu hết…

Đã hai hôm Quân uống cà phê một mình, anh cũng không thấy hai người phụ nữ đó đi đánh bài nữa, tối về anh cứ trằn trọc, dường như anh cũng thấy thiếu thiếu một cái gì đó. Anh nhớ Xuân quá chừng, thắp một điếu thuốc, thả bộ dài ra xóm, anh dự định đi về phía trại heo của thương nghiệp... Bỗng anh nghe tiếng ai đó la:

- Cứu tôi với, nó cắt cổ tui nè! Cứu… cứu…

Quân chạy nhanh về phía tiếng la, nhưng càng ngày nó càng nhỏ dần rồi mất hẳn. Quân xông vào trại heo, gọi mọi người ra tìm giúp, hơn chục người túa ra, tìm dọc các bụi rậm, hốc cây,… nhưng vẫn không thấy. Mọi người mệt mỏi trở vào tiếp tục công việc, con heo đang cắt cổ nằm dang dở trên sàn. Một anh mổ heo vừa quệt mồ hôi vừa cười:

- Không thấy cô gái nào hết, chỉ thấy có con heo nái này thôi! Có nó kêu cứu nãy giờ điếc cả tai nè…

Quân không nói gì, anh nhả một hơi thuốc, nhìn lên mái nhà, nghĩ: “Chẳng lẽ mình bị lãng tai? Hay mình bị ảo giác?”. Bước dọc theo chuồng heo, anh dừng lại ở một ngăn có hơn chục con heo con, anh năm Sửu, phụ trách ở đó bước đến cạnh Quân:

- Con của con heo nái đó đó! Tội nghiệp, làm như nó biết nó sẽ chết vậy đó, hịch hịch suốt hai đêm nay, thấy tội ghê!

Quân không nói gì, anh chào mọi người rồi thả bộ về nhà. Trời khuya lạnh, bỗng anh nghe tiếng cười nói vọng lại từ phía nhà của anh chín Kha. Quân tạt vào, ghé mắt nhìn qua cửa, anh chín đang nói chuyện với cô gái mặc áo bông đen, Quân nghĩ bụng: “Ông này ghê thiệt, mới mấy ngày nay mà đã gù được cô nàng rồi!”

Gần một tuần Quân thấy cô đơn ghê, đi đâu cũng một mình, anh chín Kha thì biệt tăm với cô người yêu, vừa hết giờ làm việc là chạy ngay về nhà…

Hôm nay chủ nhật, Quân lại thả bộ xuống trại heo, ngồi nói chuyện một tí thì anh chín Kha tới, Quân cười:

- Dạo này vui duyên mới bỏ bạn cũ nghe!

- Mầy cứ chọc tao hoài!

- Ủa, nàng đâu mà bữa nay đi lang thang vậy?

- Đi đâu mất tiêu không biết nữa, mấy bữa nay ban ngày đi làm, ban đêm có người hủ hỉ cũng đỡ, tự nhiên bữa nay ở nhà ban ngày ở nhà không có ai buồn quá!

- Tụi tui còn buồn hơn ông nữa nè, cả tuần nay ông thì vui, còn tụi tui mệt muốn chết, mất hết một con heo, chuyến này lo mà báo cáo!

- Ủa, sao vậy?

- Thì bữa thằng Quân xuống đây đó, không biết về nó có bắt không mà mất tiêu! – Anh năm Sửu vừa cười ha hả vừa nói.

Mấy anh em rủ nhau nhậu, trà dư tửu lậu một lát anh chín Kha cười khà khà nói:

- Tội nghiệp Hoa lắm, ba má cổ chết, để lại hai chị em, mà người chị bị người ta giết chết bỏ lại mấy đứa con nhỏ, cổ phải chăm sóc lo lắng, khổ lắm!

- Rồi cái người mặc áo trắng đi với cổ là ai anh chín? – Quân hỏi.

- Tao có hỏi mà cổ không trả lời, cổ nói đừng nhắc nữa, nên tao cũng không hỏi.

Mọi người chọc ghẹo anh chín một tí thì có ai đó đi ngang báo là thấy con heo sổng chuồng. Quân cũng tháp tùng đi đuổi bắt. Con heo bị bắt về, ngước cặp mắt vang xin nhìn mọi người, anh năm đá cho nó một cái:

- Mai làm thịt mầy, cho mầy chết, hại tụi tao kiếm quá trời!

Tối đó Quân đến nhà định rủ anh chín Kha đi uống cà phê thì thấy anh đang ngồi cùng Hoa, hai người ngoắc Quân vào. Hoa có một vết bầm trên mặt, thấy Quân nhìn, Hoa ngại ngùng bào chữa:

- Em bất cẩn bị va phải tường.

Thấy mình đang làm “kỳ đà cản mũi” nên Quân đứng dậy định rút lui.

- Anh không cần phải về đâu! Em sắp về rồi…

- Sao vậy?

- Ưhm, em sắp đi xa…

- Thôi! Anh về, em với anh chín nói chuyện đi!

Quân đi uống cà phê một mình, khuya đó anh xuống trại heo, con heo bị bắt hôm qua đang bị làm thịt. Trên mặt nó có một vết bầm tím. Chợt Quân có một liên tưởng lạ kỳ với Hoa, thấy nổi da gà.

Anh chín Kha thấy buồn buồn, anh nói dạo này hay nằm mơ thấy Hoa, cổ đầy máu đến khóc lóc với anh, anh không biết Hoa có bị gì không nữa…

Lứa heo con rồi cũng xuất chuồng, khi quét dọn chuồng heo để thả lứa mới người ta phát hiện có nhiều tiền mệnh giá lớn nhét vào các khe gạch, người ta đồn nhau là có ma ở đó. Anh năm Sửu tặc lưỡi:

- Tại mấy người không biết, chứ hồi trước trại heo này có con heo nái, chuyên biến thành người vô xóm đánh bài, về nó còn mua bánh trái cho con nó ăn, sáng nào quét chuồng người ta cũng thấy hết. Lúc giết nó người ta cũng phát hiện tiền trong mấy bọng gạch ống như bây giờ vậy, chắc con heo nái trắng này cũng là ma, thảo nào khi mình đâm họng nó thằng Quân nghe người kêu cứu!

Quân thấy gai ốc nổi dọc sống lưng, thảo nào có lần anh thấy hai người phụ nữ khuất dạng khi đi đến khúc trại heo này, và nhớ cả vết bầm trên mặt Hoa. Hai người phụ nữa, áo trắng và bông đen, vừa đúng với hai con heo cái trắng và bông!

13. Ma trong đồn lính.

Gần một tháng trời cả vùng huyện đảo lao xao cái vụ ma heo. Sáng nay một đám người tụ tập lại kể chuyện ma:

“Hồi đó má tao kể chỗ trại heo bây giờ là một cái nhà hoang. Tụi Mỹ - Ngụy đóng đồn ở đó, chuyên môn bắt con gái về đó cưỡng hiếp. Lần đó nó bắt Cô Thúy con ông mười Ngót về bót, cưỡng hiếp tới chết, con nhỏ đó đẹp lắm, người ta có chồng rồi mà cũng không tha, thằng chồng nó đi du kích, tới chừng hay thì vợ chết cả tuần rồi, nó buồn quá cũng bỏ đi biệt xứ. Mà kể từ đó cái khu đó không ai dám đi ngang ban đêm nữa. Mọi người đồn nhau khu đó có ma, mấy thằng lính thì không sợ, tụi nó nghĩ Việt Minh đánh đòn tâm lý hù tụi nó bỏ bót…

Bữa đó trời vừa sụp tối, thằng đại tá Huy đang nằm thì thấy có một cô gái mặc áo bà ba xanh bước vào, ghé ngồi lên mép giường, tự xưng là em của thằng hai Hổ, lính trong trại. Thằng Huy thấy cô nàng đẹp là mê ngay, từ đó ngày nào hai người cũng hú hí với nhau.

Càng ngày người ta thấy nó càng xanh xao, hết sinh khí, mắt thì thâm quầng, có khi nó còn nói chuyện lảm nhảm một mình. Tụi lính trong đồn bữa đó xúm nhau lại rình, thằng Huy nằm đó, quay mặt vào vách, đang tranh thủ ngủ trước khi thức nguyên đêm với người đẹp, thì từ nóc nhà, từng mảng, từng mảng thịt rơi xuống, mới đầu là bàn chân, rồi bắp chân, đùi, mông, mình, tay, cổ, đầu,… nó ráp lại thành người nguyên vẹn rồi bắt đầu mặc quần áo, trở thành một cô gái đẹp, mấy thằng rình thằng nào cũng cứng họng, có thằng đái ra quần mà không nhúc nhích cục cựa gì được.

Con ma từ từ tiến lại ngồi lên giường, đưa tay vuốt mặt thằng Huy, nó choàng dậy, ôm chầm lấy con ma. Tụi nó bắt đầu làm tình, cứ vài phút thì một miếng thịt trên người con ma lại rơi ra, dường như thằng Huy không cảm nhận được điều ấy, nó vẫn nhắm nghiền mắt hôn lên cả những chỗ lở loét. Suốt đêm đó, cả trại lính chết cứng vì một con ma, thằng Huy thì say mê âu yếm, còn bọn lính thì khiếp sợ đứng chết cứng như trời trồng. Gà gáy sáng, con ma từ từ đứng dậy, nó nhoẻn miệng cười:

- Mày cưỡng hiếp người ta đến chết thì tao sẽ cho mày chết theo cách mày muốn! cả tụi lính ở đây nữa…

Sáng đó, cả trại lính xôn xao, vài thằng lính lấy hết can đảm hỏi thằng Đại tá Huy:

- Cô gái đẹp đêm nào cũng tới với anh là ai vậy?

- Em thằng hai Cọp chớ ai! Ê, của tao nha mậy, cấm léng phéng!

- Dạ, em không dám. Ủa, anh hai Cọp còn em gái sao ta? Chắc không phải đâu sếp ơi!

- Mầy kêu nó lên đây coi!

Hai Cọp lò dò lên gặp Huy, thằng Huy hỏi về cô em gái, hai Cọp lí nhí trả lời không.

Đại tá Huy thấy rơn rơn trong người, mà nó cũng chưa tin lắm khi nghe tụi lính kể. Đêm đó nó rắp tâm tìm sự thật.

Trời khuya lạnh, nó uống mấy li rượu rồi nằm chờ người yêu, lần này nó nằm quay vô vách để, một cái kiếng trước mặt, như vậy là nó có thể nhìn thấy rõ phía sau.

Trời khuya bắt đầu lạnh, Đại tá Huy thấy lạnh lạnh, nổi da gà, ngoài hiên tiếng mưa rơi xào xạc, trong xóm vẳng lại tiếng mèo cắn nhau càng làm cho trại lính trở nên im lìm một cách đáng sợ. Men rượu bốc lên đầu khiến thằng Huy buồn ngủ, nó cố nhường mắt để theo dõi nhưng có một sức mạnh nào đó trì xuống làm đôi mắt nó díp lại. Bỗng nó nghe tiếng bịch, bịch, bịch liên hồi như có cái gì đó rớt xuống, rồi một bàn tay lạnh lạnh sờ vào má nó. Nó nắm lấy bàn tay. Nàng đẹp lắm, làn da mịn màng, trắng trẻo, làm gì có chuyện lở loét như bọn lính nói?!

Nó ôm lấy nàng, đặt những chiếc hôn bỏng rát lên làn da tai tái, men rượu làm cho nó càng hứng thú hơn. Độ khoảng 15 phút sau, men rượu vơi dần, nó thấy có gì đó vướng vào tay, tóc, tóc quện thành từng mảng, rối nùi, quấn vào tay, bốc một mùi thối rữa, nó nhìn lên đầu nàng, từng mảng tóc rớt ra, khuôn mặt biến hình dị dạng.

Bàn tay xương xẩu đang nắm vào ngực nó, cào chặt đến rỉ máu. Nó phát hoảng, nhảy xuống giường, chộp lấy súng chỉa vào cô gái.

- Mày sợ sao? Cả tháng nay mày mê tao lắm mà?!

Thằng Huy run run, toát cả mồ hôi, bắn loạn xạ vào con ma, đám lính nghe tiếng súng chạy đến cũng bị trúng đạn, máu nhuộm cả bót.

Tụi Mỹ đến kiểm tra tình hình, bọn nó nói tụi thằng Huy chỉ lo nhậu nhẹt, không biết canh chừng gì hết, chết là đáng, rồi giải tán luôn đồn. Cái đồn trở nên bỏ hoang, thỉnh thoảng ban đêm người ta vẫn thấy có mấy bóng ma ngồi trên tường ngoắc người qua lại…”

Đi đêm gặp ma

14. Đi đêm gặp ma

Xuân có bầu đã hơn bảy tháng, ông bà Tám cưng lắm, không cho làm gì hết. Chiều nào Thắm giặt đồ Xuân cũng xuống mé sông ngồi chơi với em. Hồi đó sông rạch còn âm u, ít ghe xuồng qua lại, dừa nước mọc đầy hai bên mé sông, cá lội đầy nước. Tối nào thằng Thìn với anh hai cũng đi cắm câu, bắt được rất nhiều cá. Đêm đó hai anh em đi gỡ câu, mỗi người chia một hướng, thằng Thìn gỡ hết 20 cần câu kiếm đường đi ra mà cứ xà quần mãi không thoát ra được, nó lấy dao đốn hết mấy cây chuối trong vườn để làm lối đi, nhưng đốn mãi, đốn mãi vẫn trở về chỗ cũ. Tức mình, nó ngồi xuống, gom lá chuối đốt một đống lửa nướng cá ăn. Trời khuya lạnh, tiếng gió xạc xào trong cây, tạo thành những tiếng u u nghe ớn lạnh. Nó ngồi co ro, nghĩ tới mấy câu chuyện ma anh hai hay kể mà nổi da gà. Tiếng sột soạt phía sau làm nó giật mình quay lại, một bóng trắng lướt theo một làn gió thổi thẳng vào ót làm nó dựng cả tóc. Nó đứng dậy, tìm đường chạy, không hiểu sao hai chân tự nhiên cứng ngắc, không nhấc nổi. Một cơn gió lại ào qua, bóng trắng lại lướt về một lần nữa. Trong ánh trăng nhờ nhờ, nó nhìn thấy một tàu chuốt khô rủ từ trên đọt xuống bị gió đưa đẩy. Hú vía! Làm nó cứ tưởng ma. Nó ngồi gục đầu xuống gối nghĩ ngơi, tim vẫn đập loạn xạ. Thiếp đi một lát thì tiếng gà gáy làm nó giật mình thức dậy. Loay hoay tìm giỏ cá thì cái giỏ trống trơn, từ mé giỏ máu vạch dài những vệt trên đất. Nó hết hồn, chụp lấy cái giỏ, nhìn thẳng hướng ánh sáng mặt trời vừa lên mà chạy. Chỉ độ 15 bước là nó thoát khỏi khu vườn, vậy mà cả buổi tối nó không tìm được đường ra.

Thìn cắm cổ chạy về nhà, mồ hôi nhễ nhại. Xuân đang ngồi rửa mặt, thấy em thì đứng dậy:

- Ủa, đi đâu mà giờ này mới về?

- Hả? Em bị lạc, anh hai đâu?

- Ảnh đang ngủ ở trỏng kìa! Mới về trước cưng tí xíu!

Thằng Thìn bước vô nhà, lấy đồ đi tắm, nó thề từ đây tới sau không đi vô khu vực vườn cây đó nữa. Cả nhà ngồi ăn sáng, thằng Thìn vừa nhai cơm nhuồm nhoàm vừa kể chuyện hồi tối, ông Tám tặc lưỡi:

- Không phải ma cỏ gì đâu, coi chừng bây ngủ quên nên chồn tha hết cá đó!

Nó ngồi im không nói, trước giờ mấy đứa con ít dám cãi lời ông Tám, nhưng nó chắc là nó gặp ma, tại nó có đeo bùa nên ma mới sợ thôi. Nó nghe nói ngày xưa xóm này ít ai dám đi cắm câu ban đêm vì lúc nào ma cũng bay là đã sát bên ghe câu của họ.

Mấy hôm nay Xuân thấy anh hai là lạ, đêm nào cũng đi cắm câu đến mờ sáng mới về. Mà lần nào cũng mệt mỏi hết. Xuân hỏi thằng Thìn thì nó nói không biết, để nó để ý coi.

Đêm nay hai anh em nó lại đi cắm câu, cứ tới khu vườn đó là anh hai lại kêu nó rẽ ra, mỗi người đi một hướng. Nó ừ hử, rồi lò dò đi theo sau. Nó thấy anh hai nó rẽ vô vườn, chỗ gốc cây sầu riêng già, ngồi đó. Một lát gì đó thì có một cô gái mặc áo bà ba đỏ đi đến, ngồi nói chuyện suốt đêm, tới mờ sáng họ mới chia tay, rồi thằng hai tranh thủ đi gỡ câu trước khi về nhà.

Hôm sau, hôm sau nữa cũng vậy, nó chưa dám nói cho ai nghe, tới ngày thứ 5, nó quyết tâm theo dõi cô gái chứ không phải anh hai nữa. Đêm đó nó gỡ câu sớm, bẻ đầu hết mấy con cá vì sợ tụi cá giẫy đành đạch thì cô ta phát hiện. Đến gần gốc sầu riêng ngồi rình. Gà vừa gáy thì hai người chia tay, cô gái đi thiệt mau vô xóm. Trời khuya lạnh, gió lại thổi từng hồi khiến thằng Thìn lạnh xương sống. Nó cố gắng bám theo sát nút nhưng đi như chạy mà vẫn không theo kịp, đến rặng bình bát cuối xóm thì cô gái khuất bóng.

Thằng Thìn tức lắm, nó về kể cho Xuân nghe, hai chị em dường như đã bị dị ứng với những gì bí ẩn, nên Xuân tặc lưỡi:

- Không khéo lại giống anh Thiện!

Thìn im lặng, đoạn suy nghĩ một hồi nó nói:

- Để coi, khoan hãy nói gì với anh hai hết!

Đêm đó nó lại tiếp tục theo dõi, nhưng vẫn mất dấu, nó lao luôn vào lùm bình bát tìm kiếm, mà chẳng thấy gì. Tức quá, nó chạy thẳng một mạch về nói với ông bà Tám. Bà Tám hoảng hốt:

- Hết con em tới thằng anh, chắc tui chết!

- Bà cứ vậy! Chắc gì đã đúng?! Thôi, để ba hỏi thằng hai, rồi mời bác sáu lên đây chơi một bữa coi…

Bữa cơm đó thằng hai không ăn, ông bà Tám cũng không đánh thức làm gì, ông Tám thấy bứt rứt khó chịu, không biết tính sao, đành kêu thằng Minh chèo ghe xuống vườn mời ông sáu Bé lên chơi.

Chiều đó, trong bữa cơm, ông Sáu, ông bà Tám hỏi thằng hai về cô gái, nó gạt ngang:

- Con biết mà!

- Má chỉ sợ…

- Không có gì đâu, ba má đừng lo!

- Thôi, hai vợ chồng bây bỏ đi, nó nói không sao chắc là không có gì đâu!

Đêm đó ông Sáu ngủ lại nhà ông Tám, thằng hai thức suốt đêm để nói chuyện với ông Sáu, hai người thì thầm chuyện gì đó xem ra rất quan trọng.

Sáng sớm ông Sáu quá giang ghe cào về nhà, thằng hai suốt ngày lui cui trong buồng, không biết làm gì. Đêm đó, thằng hai xách giỏ câu đi trước, không nói tiếng nào với Thìn, nó thấy vậy, cũng lật đật xách giỏ chạy theo sau anh. Tới bụi cây thường ngồi rình, nó im lặng cố nghe thử xem anh hai nó đang nói gì.

- Em uống cái này đi!

- Cái gì vậy anh?

- Uống đi rồi anh nói!

Cô gái cầm lấy bình nước, uống một hơi, rồi trả bình lại cho anh nó. Chợt mặt cô gái biến sắc, đổi sang một màu xanh xám, từ miệng nước dãi ứa ra, từ từ, từ từ, rồi răng rụng hết xuống, cái lưỡi le dài ra khỏi miệng, trễ xuống khóe môi nứt nẻ… Một dòng máu tuôn ra từ đôi mắt, và như thể có chất bôi trơn, hai mắt cũng rơi dần ra, chỉ dính tòng teng lại bởi một cọng gân mỏng manh…

Thằng Thìn phát hoảng, nó nhìn khuôn mặt tỉnh bơ của anh hai nó mà kinh khủng. Anh hai nó đang móc từ trong túi ra một gói bột, rắc lên đầu con ma, miệng lầm bầm gì đó…

Năm phút sau, con ma chỉ còn là một đống nước xỉn màu trên đất, thằng Thìn từ bụi cây chạy ra ngồi bệt bên anh nó:

- Ghê quá! Ủa, sao anh hai khóc?

- Linh ơi! Anh xin lỗi em, anh đã không cho em biết sự thật. Em hãy đi đầu thai để có một cuộc sống khác tốt hơn, đừng làm ma vất vưởng nữa…

Thằng Thìn không dám hỏi gì, nó nắm tay thằng hai kéo dậy, dẫn về nhà, suốt đêm đó thằng hai cứ ú ớ suốt đêm. Ông bà Tám chỉ biết thở dài ngao ngán.

Hôm sau, ông bà Tám kêu thằng hai ra ngồi bàn giữa để hỏi chuyện:

- Kể cho ba má nghe coi chuyện gì?

- Không có gì đâu ba má, con biết cổ là ma ngay từ đầu, sức mấy mà hại được con!

15. ĐI TÌM HÀI CỐT

Chiều nay cơn mưa nặng hạt, ông tám rít một hơi thuốc rê rồi nhìn ra sân. Mấy con cua và đám cá rô lóc đầy lên khỏi mé ao, chúng đang làm một cuộc di cư từ ao này sang ao khác, một vòng lẩn quẩn, nơi nào cũng thế thôi, có khác gì đâu, chỗ nào cũng chỉ là nước và quanh năm tù hãm mà thôi…

Ông Tám ngồi trầm tư suy nghĩ…

Thằng Hai dạo này cứ như bị thất tình, hay nó bị con ma hôm trước ám nặng quá? Ông Sáu sao cứ làm thinh hoài, để mọi việc cứ chập chờn khó hiểu… Còn thằng Quân nữa, hứa về rước vợ ra ngoài đó ở cùng mà sao cả tháng nay vẫn chưa về?...

Thằng Hai trong buồng đi ra, kéo ghế ngồi cạnh ông Tám. Trông anh có vẻ buồn. Ông Tám muốn hỏi chuyện anh nhưng không biết bắt đầu từ đâu. Vừa lúc đó thì có xuồng ghé dưới sông, ông Sáu cắp giỏ cá đội mưa đi lên nhà. Ông chào ông Tám rồi quay sang hỏi thằng Hai:

- Cái vụ hôm trước sao rồi Hai?

- Vẫn chưa được ông Sáu à, con kiếm mấy ngày nay mà không thấy!

- Sao vậy? Đứa nào ra cất giỏ cá giùm ông. Biểu con Thắm nấu cơm cho ông ăn với!

Rồi quay sang thằng Hai, ông nói tiếp:

- Chắc chắn là ở khu vực đó, con kiếm kỹ chưa?

- Con tìm kỹ lắm, hổng lẽ đốn hết đám cây rồi đào thử?

- Không biết chừng phải làm thiệt đa! Để không thôi tội nghiệp nó!

Ông Tám ngồi ngơ ngác, ông không hiểu hai ông cháu đang nói gì, ông Sáu quay sang:

- Để mọi chuyện giải quyết xong rồi tao nói cho bây nghe.

- Thôi, bây giờ thằng Hai chuẩn bị, tạnh mưa hai ông cháu đi liền.

Ngoài trời mưa đã nhẹ hạt nhưng sấm vẫn vang rền, một tia sét đánh phía cuối xóm làm cả nhà giật thót. Sau cơn mưa, ông Sáu và thằng Hai cầm leng, cuốc xuống xuồng, bơi về phía cuối xóm.

Trời nhá nhem tối hai ông cháu mới về, trên tay ôm một cái gói ni-lông. Xuân đang đứng rửa mặt, hỏi ông Sáu:

- Ủa, ông Sáu với anh Hai đi đâu từ sớm mơi tới giờ?

- Đi tìm hài cốt!

- Hài cốt ở đâu mà ông tìm?

- Thủng thẳng vô nhà rồi ông kể cho nghe.

Thắm châm một bình trà đem lên bàn giữa cho cả nhà, mọi người ngồi quây quần nghe ông Sáu kể chuyện:

- Hôm trước thằng Hai có kể với ông về chuyện về con Linh. Tội nghiệp con nhỏ, hồi trước là con nhà nghèo, ba nó ép gả cho thằng đội phó, tưởng được nhờ cậy, ai dè thằng đó vũ phu đánh đập vợ dã man. Con Linh buồn quá bỏ trốn, nó bắt được, đem trói căng con Linh ra giữa đồng, bỏ đói, bỏ khát, không ai dám tới cứu. Tới khi con nhỏ tàn tạ, nó đem về nhốt trong nhà, con Linh có bầu hai tháng bị hư thai, cái thai sình lên trong bụng, không ra được. Hai mẹ con đều chết. Nó đem xác con Linh chôn ở cuối xóm, cạnh gốc bình bát. Bây giờ lùm bình bát đó lớn tới nổi hai ông cháu đào gốc hồi sáng tới giờ mới lấy được xương cốt. Cũng may hồi sớm sét đánh, lùm bình bát cháy rụi, chớ không thôi hai ngày chưa chắc đã xong.

Bà Tám thở dài:

- Ác nhơn dữ hôn, rồi thằng quỷ đó có bị trả báo gì hôn bác?

- Ủa, chứ bây không biết thằng đội phó Tần ở vàm sông Cái sao? Thằng đó sau khi vợ chết thì điên điên khùng khùng, cuối cùng nhảy xuống sông chết. Mấy người gần xóm nói nó cứ thấy con Linh về nép bên góc nhà nhìn nó trừng trừng, có khi vô nhà trộn thuốc sâu cho nó uống. Nó sợ tới nổi không dám ăn uống gì suốt một tháng.

- Đúng là quả báo mà!

- Thôi, mình ăn ở nhơn đức, đã giúp nó đi đầu thai rồi, bây giờ mình chôn cất hài cốt nó cho đàng hoàng cho trọn nghĩa. Cũng nhờ nó mà thằng Hai mới thoát khỏi mấy con ma khác trong xóm này đó đa. Còn thằng Hai, mai mốt có đi đâu thì đi hai anh em, nhớ đeo bùa vô nghe không con!

- Dạ!

Cả nhà ông Tám thở phào, bàn tính kiếm một chỗ tốt để chôn cất Linh cho phải đạo. Thắm xuống bếp dọn cơm cho mọi người ăn. Chuẩn bị ngày mai đi đào huyệt sớm.

16. Ma mê hát

Quân rước Xuân ra đảo đã được 05 ngày, dạo này Xuân sắp sinh nên hơi nặng nhọc, Quân cũng ít dám rời vợ. Chiều nay đẹp trời, hai vợ chồng tản bộ dài vào xóm. Dọc con đường vào xóm cỏ mọc xanh rì, những hòn đá lởm chởm của đất đảo khiến chân Xuân đau nhói. Gần đây vợ chồng anh Năm Sửu cứ năn nỉ Quân đem Xuân về dưới này, để có chị Năm chăm sóc, vả lại nếu anh Năm và Quân đi làm việc thì cũng có chị có em bên nhau. Xuân cũng đồng ý nên hôm nay hai vợ chồng xuống đó để bàn tính việc dọn đồ.

Đồ đạc của Quân khá nhiều vì anh đã mua nhiều thứ cho em bé, dọn từ sáng tới 7 giờ tối mới xong, trong chuyến đi cuối từ nhà anh xuống nhà anh chị Năm, Quân đi ngang khu đất thuộc nhà ông ba Sao cũ, ở đó có hai cái mả chôn song song, tự nhiên anh thấy rờn rợn người. Đó là hai cái mả bằng đá trắng, được cẩn nhiều vỏ sò, vỏ ốc và có hai nhánh san-hô thật lớn phía trước. Ban ngày đi qua đây thì anh thấy bình thường, nhưng sau tối nay anh thấy ớn lạnh, cái cảm giác có ai nhìn chằm chằm vào lưng, vào gáy khiến cho Quân muốn bỏ chạy. Lấy hết bình tĩnh để đẩy chiếc xe cây đi ngang đó, bỗng Quân nghe tiếng hát văng vẳng từ xa xăm, giọng hát ngọt ngào, lúc trầm, lúc bổng, giọng này vừa dứt thì có giọng khác bè theo có vần có điệu...

Anh dáo dác nhìn quanh, ngừng tay đẩy xe để nghe xem giọng hát phát ra từ đâu thì giọng hát im bặt, nhưng hễ anh đẩy xe là tiếng hát lại cất lên. Quân sờ sợ, đẩy nhanh chiếc xe về phía cuối xóm…

Vợ chồng Xuân dọn xuống nhà anh chị Năm Sửu đã được bốn hôm, tối đó có Đoàn gánh hát về diễn, cả cơ quan ai cũng náo nức, đã lâu lắm rồi mọi người mới lại được nghe cải lương, ít Đoàn nào chịu xa đất liền mà lưu diễn ra đảo. Vợ chồng Xuân và anh chị Năm ăn cơm sớm, kéo nhau đi trước để kiếm chỗ ngồi phía trên, chỉ tiếc là ai cũng nghĩ vậy, nên rạp đông nghịt. Cả bốn người đành phải chịu lép về ngồi phía cuối rạp, cũng may là Quân tìm được 4 cái ngế ngồi, nếu không chắc cũng khỏi coi vì Xuân không thể đứng lâu được.

Gánh hát bắt đầu khoảng 30 phút thì Quân cảm giác có một luồng gió lạnh thổi vào gáy, anh thấy Xuân bấu chặt tay mình, dường như cô đang hoảng sợ gì đó. Cái cảm giác rờn rợn hôm nào chợt lướt qua người anh. Anh nhìn dáo dác, nhưng chẳng thấy gì. Hôm nay gánh hát hát tuồng “Chiêu Quân cống Hồ”, đến đoạn nàng Vương Chiêu Quân sắp gieo mình xuống sông tự vẫn thì Xuân lại bấu chặt tay Quân một lần nữa. Lúc này gió bắt đầu nổi lớn, từng đợt gió biển mang theo vị mặn đắng tạt vào cái rạp được cất tạm bợ. Một vài người lao nhao, nhìn dáo dác, bất chợt có ai đó kêu lên:

- Nghe như có ai đang khóc, nghe thảm thiết quá.

- Bà nghe làm sao ấy, tui nghe hình như chỉ là tiếng gió biển luồn vào mấy hang đá thôi!

- Tui nghe như có tiếng hát nữa…

Quân nhìn lên sân khấu, cô đào chính đóng vai Tây phi Chiêu Quân đã lui vào cánh gà, chẳng còn ai hát hò gì nữa. Anh lắng tai nghe, rõ ràng là có tiếng hát và lại đúng là giọng hát anh đã từng nghe. Xuân kéo tay Quân:

- Về thôi anh, em thấy rợn rợn hay sao ấy!

Quân nắm tay Xuân, cùng anh chị Năm về nhà. Khi đi ngang khu đất nhà ông Ba Sao, chỗ hai cái mả chôn song song thì anh thấy có bóng người lấp loáng. Tiếng hát càng ngày càng rõ hơn. Anh Năm bấm tay Quân, kéo đi nhanh hơn. Về đến nhà, mồ hôi của Quân và Xuân vả ra như tắm. Anh Năm rửa mặt rồi châm bình nước trà, anh kêu hai vợ chồng Quân ra ngồi nói chuyện. Tiếng hát vẫn văng vẳng từ xa, vọng vào vách đá, hòa với tiếng rì rào của gió biển tạo nên một âm thanh lạ lùng, ma quái.

- Hồi nãy mày nhìn cái gì chỗ chòm mả vậy Quân?

- Thì em thấy có người nên nhìn thôi. Hôm bữa dọn đồ cũng thấy nữa, giọng hát y hệt hôm nay, hổng hiểu ai rảnh mà đi ra chòm mả ngồi hát nữa, thấy ớn!

- Tao lạy mày! Ở đó mà mày rảnh với không rảnh, gặp ma rồi đó em!

- Là sao anh?

- Thì chỗ đó là mả của hai đứa bị chết chìm con ông ba Sao đó! Tội nghiệp hai đứa nhỏ, tụi nó mê gánh hát lắm, hồi đó nó hay theo ổng đi ghe biển, khi nghe có Đoàn gánh hát về hát, tụi nó chèo xuồng vào Đảo để coi, chẳng may lật xuồng, hai đứa chết hết. Hai ngày sau mới vớt được xác đem về chôn. Đoàn gánh hát đợt đó nghe nói có người bị điên vì bị tụi nó phá. Từ đó tới giờ cứ mỗi tối là người ta nghe hát, đặc biệt là mỗi khi có Đoàn hát về là càng quậy dữ nữa.

- Sao không ai cúng kiếng gì à?

- Ông ba Sao bỏ đi mất biệt từ hồi hai đứa con gái chết, tội nghiệp ổng, vợ cũng chết lúc đẻ hai đứa nhỏ, rồi con lại chết. Tao sợ ổng chán quá không về xứ này nữa…

- Vậy thì thôi, ngày mai anh em mình cùng với bà con coi rước thầy về siêu độ cho họ đi, để tình trạng này hoài sợ lắm…

- Mày tính vậy cũng được, coi như tích đức!

Xuân và chị Năm cũng tán đồng ý kiến của chồng, cả nhà tắt đèn đi ngủ. Trong gió tiếng hát não nùng khi trầm khi bổng lan xa. Tiếng khóc của nàng Chiêu Quân Cống Hồ khiến cho mọi người càng thêm đau xót…

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro

#fsgvsgs