truyen ngan

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Vàng mai

13/03/2011

Truyện ngắn của Phan Trang Hy

--------------------------------

Đưa chén trà lên môi, nhắp nhẹ, giọng từ tốn, tôi khẽ nói : “Bác có khi nào tìm về chốn cũ ấy chăng ?”. Lão già nước mắt lưng tròng, gượng cười : “Thầy giáo ạ ! Trước đây thì có, giờ thì chân chùn gối mỏi làm sao mà đến được. Âu cũng là phận cả ! Thế thầy có tin mỗi cuộc đời đều có phận của nó không ? Tôi thì tôi tin thầy ạ ! Càng già thì càng tin. Chả bù với thời trẻ”.

- Bác nói thế thì tôi tin thế. Mà đã có phận tất có duyên. Cũng nhờ có duyên mà tôi được làm quen với bác đấy.

Lão cười : “Thầy khéo nịnh ! Mà thôi ! Giờ thì tôi đưa thầy đi xem mai”.

Tôi cùng lão ra vườn. Gọi là vườn cho nó “khí thế”, chứ thực ra ở cái thành phố đang phát triển này làm gì có đất rộng để làm vườn.

Chả bù lúc ngồi nói chuyện. Giờ thì lão huyên thuyên khoe với tôi. Cả thảy 21 chậu mai. Nào là Hồng Diệp Mai tậu từ Sài Gòn ; nào là Thanh Mai ở tuốt Bình Định ; nào là Bạch Mai mua tận Thái Lan…Dẫu không có đất, thế mà lão có từng ấy chậu mai, quả thật là tuyệt ! Lão tỉ mỉ giới thiệu cho tôi cái thú chơi mai. Phải biết đợi chờ mai nở, đếm cánh mai nhiều hay ít để đoán tài lộc, may mắn trong năm. Phải cảm nhận được hương thơm của mai, hiểu được cốt cách - tinh thần của mai. Phải thở với hơi thở của mai, hít khí trời như mai… Lão cũng lên lớp với tôi : “Như anh biết đấy ! Tết đến mà thiếu mai thì mất cả hương vị của ngày xuân, mất cả tình xuân”. Con mắt của lão hóm lên ngời sáng như trêu tức tôi. Tôi chỉ còn biết : “Dạ vâng ! Dạ vâng ! Bác nói phải !”.

Lão chào hàng cả thảy 20 chậu mai. Chỉ còn một chậu là lão không đả động gì đến nó. Theo tôi biết, đây là chậu mai núi bình thường. Nhưng, thế của cây mai quả là chỉ có tay sành điệu mới tạo được dáng như thế. Thanh mảnh, dáng dấp con gái. Nhìn chậu mai, tôi nghe như có tiếng thì thào của đất, của trời. Và từ cây mai toát ra cả mùi của suối rừng và nắng mới. Dẫu là thứ mai núi, nhưng chậu mai đã cảm hóa được tôi. Tôi cảm thấy hồn mình như đẹp thêm ra. Quả là chậu mai núi đã thuyết phục được tôi trong chừng mực nào đó. Tôi bèn đề nghị lão :

- Bác để chậu này cho tôi !

- Cũng có nhiều người nài nỉ tôi. Nhưng có đựợc giá mấy đi nữa, tôi cũng không thể bán - giọng lão chợt buồn như khi ngồi uống trà với tôi trước đó - Nó là một phần hồn của tôi mà. Không có nó, tôi cần sống làm gì nữa. Xin thầy giáo thông cảm cho tôi !

- Bác nói thế thì tôi chẳng dám đâu. Nhưng tôi xin bác kể cho tôi biết sao nó cần thiết với bác đến như vậy ?

- Ta vô nhà nói chuyện.

Chúng tôi lại ngồi vào chỗ như trước khi xem mai. Vẫn không khí trầm lắng. Lão rót trà.

- Mời thầy giáo uống trà ! Tôi sẽ kể thầy nghe.

Tôi không dám đưa chén trà lên môi uống, chỉ chú mục vào lão. Giọng lão run run : “Chậu mai khi nãy, cả cô ấy nữa, cả chốn ấy nữa là một đấy, thầy giáo ạ ! Nhìn thấy nó là tôi nhìn thấy cô ấy, chốn ấy. Thử hỏi như thế thì làm sao tôi để mất nó được”.

Và lão kể…

Giọng lão trầm hẳn xuống. Tôi chơi vơi trong câu chuyện. Nguyên trước đây, lão là đại đội trưởng quân giải phóng. Xuân 1968, đơn vị lão được lệnh tấn công huyện lỵ Đại Lộc. Tham gia chiến dịch này, cấp trên đã phái xuống đơn vị lão một nữ chiến sĩ. Thực ra, người nữ chiến sĩ ấy là nhà thơ. Theo lão kể, cô tham gia trận đánh là để làm thơ.

Kể từ ngày cô về đơn vị, tâm hồn lão như sáng thêm ra. Cái duyên ít thấy ở người đàn ông, ở người lính, lúc ấy phát ra thứ ngôn ngữ của “thuở ban đầu lưu luyến ấy”. Cô ấy viết được câu thơ nào đều đưa lão đọc. Đôi khi cô ấy chép những vần ca dao về chuyện lứa đôi tặng lão. Dù không nói gì với nhau, nhưng mùa xuân tràn ngập trong mắt dịu dàng của họ. Họ như là của nhau.

Trận đánh năm ấy, quân ta gây được tiếng vang. Thế nhưng, nỗi mất mát trong lão là cô ấy đã hy sinh khi chưa viết xong bài thơ cho trận đánh.

Khi rút quân về hậu cứ, đơn vị lão đã an táng cô gái trong rừng mai. Mùa xuân vẫn còn rực vàng như chưa hề có sự đau buồn và mất mát ở đây. Lão đã khắc tên cô trên đá - đánh dấu nơi an nghỉ của một con người, của một đồng đội, của một trinh nữ, của một nhà thơ.

Đơn vị lão về hậu cứ an toàn. Đêm ấy, máy bay giặc Mỹ thả bom phía rừng mai. Mỗi tiếng bom nổ là vằm thêm trái tim lão. Lão trơ con mắt. Con mắt đỏ theo tiếng bom. Cả khu rừng mai phía ấy cũng đỏ lên…

Sáng hôm sau, khi trở lại rừng mai, lão không tin ở mắt mình. Không còn dấu tích của người con gái ấy ; không còn dấu tích của mùa xuân. Lão rưng rức cúi đầu…

Sau ngày miền Nam được hoàn toàn giải phóng, lão về lại chốn xưa, đúng cái ngày cô ấy hy sinh. Lão ngợp hồn trong sắc vàng của mai, lâng lâng chơi vơi trong hương mai. Lão thấy mình như trẻ lại trong tiếng réo gọi của mùa xuân. Lão nằm, nhìn lên đầy vàng mai. Lão ngồi xuống, mai vàng. Lão chạy trong vàng mai. Lão bay trong mai vàng. Bay trong mùa xuân của núi rừng. Trong màu vàng xuân lão thấy hình như cô ấy ẩn hiện đọc những vần thơ về mối tình đầu của họ.

Về lại thành phố, lão đem theo một cây mai rừng như là để tìm hình bóng cũ. Cả mùa xuân của đời lão được vun vén, chăm sóc, nuôi dưỡng ở trong chậu mai rừng…

…Lão đã khóc.Và cứ khóc. Lão nói trong tiếng khóc. Tôi nghe tiếng khóc của lão : “Tôi tìm hoài cô ấy mà không thấy. Chỉ có mai rừng, chỉ có sắc vàng của mai. Tôi già rồi làm sao về lại chốn ấy, làm sao tìm được cô ấy, làm sao đọc được bài thơ cô ấy chưa viết xong ?...”.

Một năm sau, tôi đến thăm lão. Lão không còn. Tôi tự trách mình sao quá vô tình không thắp được một nén hương cho ấm linh hồn lão khi lão ra đi. Xin lão tha thứ cho tôi !

Rời căn nhà trước đây lão đã ở, tôi hòa vào dòng người sắm Tết. Tôi vào chợ hoa ở Quảng trường 29-3. Tôi không thấy gì ngoài hoa. Những cành hoa đơm nụ. Người ta đang bán mùa xuân. Người ta đang mua mùa xuân. Người ta trao nhau mùa xuân. Tôi chọn mùa xuân cho mình : vàng mai.

Con heo gàn dở

13/03/2011

Truyện ngắn của Phan Trang Hy

--------------------------------

Thế là mọi sự bắt đầu từ chuyện con heo mà vợ tôi mua cách đây sáu tháng.

Những ngày đầu, chuyện con heo đối với vợ chồng tôi thật là hạnh phúc. Góp nhặt, bòn chắt, cả hai đứa tôi đều mơ ước sẽ nuôi heo để đến Tết giết thịt. Từ ngày hai đứa lấy nhau đến giờ, chưa có năm nào chúng tôi phải lo chuyện thịt bánh. Nhưng năm này trở đi phải khác chứ ! Không lẽ cứ bám riết ông bà già hai bên. Một lần thì được. Hai lần cũng cho là tàm tạm…Không lẽ đến lần thứ chín, thứ mười ! Nhất quyết phen này phải nuôi heo cho bằng được. Có heo, chúng tôi tính như thế này : giết thịt nó trong những ngày giáp Tết, chia bớt ba đùi, mình cũng còn lại một đùi, cái đầu, bộ lòng cúng tất niên. Thật là tuyệt !

Con heo lúc vợ tôi mới mua về nặng khoảng năm ký. Mới nhìn, bạn không chắc nó là heo đâu. Giống con chó con có lông thưa trắng thì đúng hơn. Nhiều anh bạn đến xem tôi khoe heo đã nói đùa : “Vợ chồng mày mua heo về để giữ nhà chắc ?”. Chuyện đùa của các anh bạn ấy, tôi ngẫm đi ngẫm lại thấy đúng thật. Không phải heo giữ nhà mà là tôi. Cứ ngày này qua ngày khác, bữa nọ qua bữa kia, những ngày lên lớp dạy thì khác, còn thời gian rảnh là tôi bám riết lấy con heo để mà tắm rửa, kỳ cọ, cho ăn. Lúc nào con mắt tôi cũng quan sát kỹ nó như thể mỗi lần tôi hướng dẫn học sinh lĩnh hội bài giảng khi tôi sử dụng đồ dùng dạy học. Tôi siêng nhìn ngắm nó vì các cụ bà khuyên tôi phải như vậy để heo mau lớn. Tôi ao ước có phép thần đun ống đu đủ thổi nó phồng to lên. Chứ cái kiểu nuôi heo như tôi chắc có ngày phải giải nghệ.

- Sao ? Suốt ngày tôi nghe anh lằm bằm chuyện heo. Bộ mình anh mệt chắc ? Ăn rồi suốt ngày cứ bám riết lấy mấy quyển sách thì được. Cho heo ăn ngày có bữa cũng cho thế này thế nọ. Nuôi nó cho mình tôi ăn chắc ! Sách, sách, ngày nào cũng sách !

Nghe vợ cằn nhằn, tôi cảm thấy sợ chuyện heo chi lạ ! Tôi mê sách thật đấy, nhưng cũng vừa thôi. Cũng phải mê vợ, mê con chứ, phải không các bạn ? Mà sách tôi đọc những ngày này đâu phải là những cuốn tiểu thuyết dày cộm, đồ sộ, nổi tiếng, cũng chẳng phải là những triết thuyết mới mẻ, hay ho, mà là tôi đọc phương pháp nuôi heo mau lớn. Và kể từ đó, tôi chạy lăng xăng, lưới xưới tìm thức ăn thức uống giàu dinh dưỡng cho heo. Nào là cám, rau xanh, đường, dầu, cá, vị tinh… đều tẩm bổ cho heo. Thế mà con heo ôn dịch vẫn trơ trơ không chịu lên cân.

- Không đọc sách một bữa ăn không ngon à ? Anh nhìn xem, khối người có thèm rờ tới sách đâu mà người ta vẫn sướng ! Sách đọc nhiều có no được bữa nào không ? Suốt ngày, sách với vở !

Thế là bùng nổ chiến tranh trong gia đình tôi. Bộ mặt hai vợ chồng tôi kéo những đám mây tích điện về trang điểm. Không khí nặng trình trịch. Từ miếng cơm nhai chẳng thấy ngon, tới lời nói chẳng thèm muốn nói. Cũng tại con heo ôn dịch. Tôi bắt đầu nghĩ miên man về chuyện heo quéo. Nếu không nuôi nó thì vợ chồng tôi đâu có cãi vả nhau. Nếu không nuôi nó thì chắc trong nhà tôi luôn vang lên điệu nhạc “anh anh em em” ?

Tôi lấy sách ra đọc, còn vợ tôi lên giường nằm. Chúng tôi chẳng tha thiết gì đến chuyện cho heo ăn thêm bữa như lệ thường.

Đến 9 giờ tối, tiếng heo bắt đầu kêu. Vợ tôi vẫn nằm, và tôi vẫn cứ đọc sách. Tiếng heo kêu mỗi lúc một to. Không còn réo gọi mà là tru tréo. Tiếng heo kêu như mũi kim nhọn chích vào màng nhĩ người ta, như cào xước mặt người ta. Tôi giả đò đọc sách, bỗng giật mình.

- Kêu này ! Kêu này !... Mỗi tiếng “kêu này, kêu này” vang lên là tôi nghe tiếng cây nện trên lưng con heo khốn kiếp.

Tôi vẫn cứ giả đò đọc sách. Những ngày đông chí lạnh. Và lạnh nhất là cuộc chiến tranh vì con heo.

Sáng dậy, vẫn còn giận, tôi đi dạy thật sớm, bỏ mặc con heo cho vợ…

Tiếng pháo giao thừa rộn nổ. Tôi châm lửa đốt dây pháo Nam Ô chính hiệu dài 2 mét. Đợi tan khói pháo, đợi dứt lễ Hành Khiển, vợ chồng tôi ngồi bên bàn trà cắn hạt dưa, ăn mứt… Tất cả các thứ sắm mừng Tết đều nhờ vào con heo.

- Anh thấy không ? Mình nuôi heo cũng lợi anh nhỉ ? - Vợ tôi nhìn tôi với đôi mắt sáng rực như cả mùa xuân đang tràn vào mắt cô - Năm mới, mình tiếp tục nuôi heo chứ anh ?

- Ờ.

Tôi ậm ờ trả lời.

Pháo mừng xuân mới vẫn còn rộn nổ.

Quà yêu

13/03/2011

Truyện ngắn của Phan Trang Hy

--------------------------------

Lệ thường, năm nào cũng vậy, khoảng 20 đến 25 tháng Chạp, tôi cúng tất niên giã từ năm cũ, chuẩn bị đón Xuân mới. Năm nào làm ăn kha khá, tôi thường mời dăm ba đứa bạn đến uống rượu mừng. Còn thì tôi làm trầm trà. Rồi cũng qua chuyện. Nhưng những năm gần đây, đời sống kinh tế ngày càng ổn định và phảt triển, cũng như bao người, gia đình tôi, cứ năm hết Tết đến sắm sửa chút đỉnh tất niên. Tất nhiên là phải mời bạn bè đến chung vui.

Điểm mặt, bạn bè của tôi hầu như đủ cả : thằng Hồng, thằng Anh, thằng Tấn, thằng Lễ, thằng Lê, thằng An. Chỉ vỏn vẹn chừng ấy đứa bạn. Tất cả có mặt. Tất cả đang nói chuyện. Và hầu như - qua tôi - mọi người cũng đã biết nhau.

Bia được rót ra. Chúng tôi nâng ly chúc tụng nhau. Đồ ăn được dọn sẵn. Vợ con tôi xuống nội dự tất niên ở dưới đó. Chỉ còn chúng tôi với nhau. Năm nào cũng vậy, mỗi khi có chút “sương sương”, vợ con tôi biết điều lắm, không bao giờ quấy nhiễu chúng tôi, để mặc chúng tôi ăn uống, nói chuyện.

Độ vài ba ly, đứa thì mặt tái, đứa thì mặt đỏ, nhưng tất cả hầu như đều muốn nói, đều muốn giơ ly chúc tụng nhau. Thằng Hồng, thằng Tấn đi đến đâu là có nụ cười ở đó, nâng ly, giọng oang oang đầy vẻ quan chức, đồng thanh cao hứng : “Xin chúc gia chủ tiền vô như nước, tài lộc dồi dào !”. Tất cả vỗ tay, vỗ tay…

Lời qua tiếng lại, nào là chuyện làm ăn, chuyện các bà xã, chuyện học hành con cái…Nói đi nói lại cũng chừng ấy chuyện…Cái được vui nhất của chúng tôi là cười. Hầu như cả năm làm ăn, không thời gian thăm hỏi nhau, không có chút rảnh để uống ly cà-phê tâm sự cùng nhau, giờ được cười là quá tuyệt vời. Chúng tôi cười xả láng, cười như thể trút tất cả phiền muộn để thành người cười.

Tự dưng lòng tôi có chút bâng khuâng. Cũng nụ cười của tôi nhưng giờ có khác mọi khi. Giờ, tôi cười thành tiếng, cười rũ rượi, cười không bị trói buộc bởi chuyện gì khác. Không phải là nụ cười xã giao, không phải là nụ cười gượng, cũng không phải là nụ cười khi được quà biếu - thi thoảng tôi cũng được quà biếu của phụ huynh, nhất là ngày 20-11, cũng không phải nụ cười buồn khi xa nhau của những kẻ hữu tình.

Không biết các bạn ra sao khi có người hiểu lòng mình, cùng mình uống đôi ly, cùng mình ngà ngà ? Riêng bọn chúng tôi như gần nhau hơn, như phơi lòng cho nhau. Và đến lúc này, chúng tôi không muốn nói gì nữa ngoài chuyện văn nghệ, văn gừng, vui vẻ cuối năm. Chuyện “sương sương” rồi hò hát, có khuấy động con phố nhỏ, trở thành chuyện bình thường với mọi người ở quanh đây. Chúng tôi hát những bài hát thời trai trẻ. Từ “Hát cho dân tôi nghe” đến “Bão nổi lên rồi”, từ “Lá đỏ” đến “Sáu mươi năm cuộc đời”…, ai thuộc đoạn nào thì hát đoạn đó. Không cần đúng nhịp, không cần đúng giai điệu ; miễn là có hát, có nghêu ngao cho đời vui, đời cười trong những ngày cuối năm.

Tôi chuếnh choáng, lấy đũa gõ chén đề nghị mọi người cho tôi hát bài “Cô hàng nước”, coi như một kỷ niệm đẹp của mình, như để nhớ một thời tôi sống thật với lòng mình. Hát xong, tôi yêu cầu An : “Nè An ! Bọn chúng tau muốn nghe mi đọc thơ !”. An là nhà thơ, chúng tôi gọi nó như thế vì thơ nó có lúc được đăng báo, nó cũng in một tập thơ tình ở thế kỷ trước. Mặt An tái. Nó lúng búng : “Ừ ! Thì đọc. Nhưng đợi mình chuẩn bị đã”. Nói xong, nó đứng lên xin phép vào phòng riêng của tôi.

Chúng tôi biết tỏng việc chuẩn bị của nó. Mỗi lần nó đọc thơ thì như thể lên đồng. Phải có quần áo đặc biệt và chỉnh tề, phải trịnh trọng như thể thổ lộ tình yêu với ai đó…Nói chung, nó đọc thơ như đọc kinh trong lễ nhà thờ bằng niềm thành kính tận đáy lòng của nó.

Chúng tôi vẫn cười, vẫn huyên thuyên chi xứ. Và rồi An xuất hiện. Lần này, trước mắt chúng tôi không phải là thằng An ngày thường. Nó mặc bộ quần áo đã cũ, nhưng sạch sẽ. Bộ y phục không còn hợp thời. Thật là buồn cười cho cách ăn mặc của nó ! Quần không ly ; áo như bó sát thân người. Chúng tôi vỗ tay chào mừng An, chào mừng thi sĩ.

An đằng hắng, rồi nâng ly uống một hớp bia. Chậm rãi, nó nói : “Sau đây, tôi xin đọc bài thơ “Quà yêu” mà tôi đã làm mới đây”. Chúng tôi vỗ tay.

Giọng thơ An trầm xuống. Chúng tôi như cuốn vào từng câu chữ, từng lời An đọc. Đại khái, qua bài thơ, chúng tôi hiểu được nỗi lòng riêng của nó. Mười lăm năm trước, nó yêu một cô gái. Biết cô ấy có chồng con mà nó vẫn cứ yêu. Nó làm thơ tặng cô ấy. Bọn chúng yêu nhau, quả là vậy. Nhưng tình yêu của chúng đẹp như những bài thơ làm đẹp cuộc đời. Kể cũng lạ, yêu gì mà cứ hiền khô như bồ tát. Bạn bè biết vậy nên ai cũng trân trọng mối tình “hi hữu” của chúng. Và rồi, mừng ngày nó được đi dạy, cô ấy may tặng nó bộ áo quần, gọi là chút quà.

Và từ đó, chỉ khi đọc thơ tình, An đều lấy bộ quần áo ngày xưa ra mặc như một thứ đồ lễ cho cuộc nguyện cầu thơ. Lời thơ của An cứ trào ra, trào ra như thể lửa cháy bùng trên bờ tình ái.

Tôi như cháy trong lời thơ của An. Giọng An dứt khi nào tôi chẳng rõ. Tôi nhìn lại chính tôi. Tôi đang mặc bộ quần áo mới may, món quà yêu của vợ tôi sắm cho tôi ngày Tết.

Khỏa thân

12/03/2011

Truyện ngắn của Phan Trang Hy

--------------------------------

Vứt cây cọ xuống nền, nhìn bức ảnh toàn thân vừa hoàn thành, hắn cười thích chí : “Ha ha !...Phen này, ngươi phải chết ! Ta sẽ trả được mối hận này !”.

Bức ảnh toàn thân của cô gái được thu gọn trong diện tích 40cm x 52cm. Cả thân hình cô gái trần truồng. Nước bọt trào trong miệng, hắn lườm lườm nhìn bức ảnh như muốn ăn tươi nuốt sống. Cô gái trong ảnh nhìn lại hắn cười như thách thức : “Ngươi có gan thì giết ta đi ! Xem ta chết hay ngươi chết ?”

- Ngươi phải chết ! - Hắn cười khẩy, thu cả hình ảnh cô gái vào tận não, mắt lim dim.

*

**

Mười năm trước, hắn là anh chàng sinh viên văn khoa điển trai, thông minh. Hắn thuộc lòng lời lẽ từ cổ chí kim về tình yêu trai gái, coi đó như thứ vũ khí lợi hại để tán tỉnh các cô gái. Nhiều nữ sinh viên đem lòng thích hắn. Điều đó làm cho hắn nghĩ chính hắn là trung tâm của thế giới đàn bà.

Dù được nhiều cô thích, nhưng hắn chỉ đem lòng yêu Kim Thị, hoa khôi Đại học Huế. Thế mà cô ta vẫn một mực trơ trơ trước lời lẽ đầy hoa mỹ của hắn. Hắn tức chết đi được. Rồi khi nhận bằng cử nhân, hắn thức một tháng tròn viết nhật ký. Đại để, hắn giới thiệu được một phần tiểu sử của chính hắn.

Tên thật của hắn là Trần Ai. Chả là khi sinh hắn, mẹ hắn rên la suốt ba ngày ba đêm mà không rặn hắn ra được. Cuối cùng, nhờ bà mụ làm phép, hắn cất tiếng cười lớn, trút được lớp vỏ hỗn mang để sống trong trời đất.

Cái tên cúng cơm, hắn cảm thấy thế nào ấy. Thế là hắn lục hết các từ điển ghi tên các danh nhân thế giới để tìm một biệt danh cho xứng với sự ra đời của một con người chỉ biết cất tiếng cười chào đời. Cuối cùng, hắn chọn một cái tên không trùng tên của bất cứ ai trong từ điển mà trọn vẹn được các mẫu tự la tinh. Hắn làm lễ đặt tên, có mời tất cả các bạn gái đến hỉ hả.

Khi nâng cốc chúc mừng, với nụ cười thiện cảm, hắn tự giới thiệu : “Thưa quý cô ! Hôm nay là lễ đặt tên mới của tôi. Xin quý cô từ nay gọi tôi là A Zét.”.

Có tiếng một cô gái : “Sao lại là A Zét ? Sao không là một tên khác ?”.

Hóm hỉnh cười, hắn thốt : “Thế mới gây được ấn tượng !”.

*

**

Rồi Kim Thị lấy chồng như một quy luật. Cậu cử A Zét thất tình. Trời đất như muốn sụp. Nhưng rồi, hắn phải thở, phải ăn, nên hắn cứ phây phây mà sống. Từ chỗ buồn, hắn đâm ra bực, rồi trở thành tức, thành giận, thành hận, thành thù cô Kim Thị. Hắn không lấy được cô thì phải trả thù. Hắn tìm cách giết cô ta mà không bị luật pháp trói buộc. Hắn tầm sư học đạo để thực hiện ý định đó cho kỳ được. Dạy cho hắn đủ các bậc thầy, nhưng cuối cùng hắn chọn thầy dạy vẽ làm minh sư trong ý đồ phục hận. Minh sư truyền cho A Zét một tuyệt chiêu trong hội hoạ, đó là vẽ hình khoả thân của kẻ thù theo trí nhớ, sau đó, dùng một con dao tẩm máu của chính mình, rồi đâm vào trái tim của kẻ thù trong bức vẽ, thế là kẻ thù phải chết.

*

**

Hắn mở tủ lấy con dao, chuẩn bị tẩm máu của chính hắn để đâm kẻ thù. Hắn cười thích thú, nhìn tác phẩm hoàn tất. Trước mắt hắn, Kim Thị như bằng xương bằng thịt. Cô ta cười tình với hắn. Hắn thấy từng làn da trên bản vẽ đang thở, đang rung lên từng luồng sinh khí. Vứt con dao xuống nền, hắn bỡn cười và đặt môi hôn khắp các bộ phận trên cơ thể bức vẽ.

Hắn khoả thân cùng bản vẽ. Hắn chúi đầu trên bản vẽ cười như bị thọc lét…

Quỳnh hoa

12/03/2011

Truyện ngắn của Phan Trang Hy

--------------------------------

Bày biện nào trà, nào thuốc, nào bánh ngọt… trên bàn, ông Bằng ngồi vào ghế, mắt chăm chú nhìn chậu quỳnh chuẩn bị khai hoa. Ông nhớ rõ khi ông bắt đầu yêu là ông yêu luôn sở thích của cô ấy. Và khi kết hôn với cô ấy, tình yêu hoa như càng tăng thêm trong lòng ông. Khi quỳnh chớm nụ là hai vợ chồng đều mong giờ hoa nở. Ông nhớ một lần vợ ông kiếm được chậu quỳnh chớm nụ về, cô ấy đã khoe:

-Anh Bằng ! Em tặng anh !

Mắt cô ấy sáng lên như muốn nói điều gì nữa nhưng lại thôi.

Từng đêm họ chờ hoa nở. Chờ hoài thì có lúc cũng toại nguyện nỗi chờ mong : quỳnh khai hoa. Nụ hoa từ từ mở ra. Hương êm êm ngọt lịm. Cánh hoa trắng muốt trong đêm. Màu trắng mềm mỏng manh, nhẹ tênh. Hương hoa dìu dịu như da con gái dậy mùa.

Tình yêu của họ đẹp theo ngày tháng. Cô ấy đã ngã vào ngực ông trong đêm chờ quỳnh khai hoa. Ông vuốt tóc vợ thầm thì : “Hoa ! Anh yêu em ! Em mãi mãi là của anh !”. Ông mơ màng trong hương tóc. Chợt vợ ông reo lên : “Ồ, thơm quá ! Quỳnh khai hoa.”. Mắt cô ấy sáng lên. Cả không gian đầy hương thơm. Đêm ngời sáng. Cả không gian như nín thở khi quỳnh khai hoa. Cả đất trời như nín thở khi mắt họ nhìn sâu vào nhau. Trong đôi mắt họ ánh ngời lên màu hoa quỳnh. Trong hơi thở của họ quyện hương quỳnh thanh khiết.

*

**

Cô ấy đã sinh cho ông một đứa con trai. Tình yêu của họ đã khai sinh một con người. Ông lấy làm hạnh phúc. Ông chạy khắp chốn tìm hoa tặng vợ. Cầm đóa quỳnh trên tay, vợ ông cười mừng : “Cảm ơn anh ! Cảm ơn anh đã hiểu lòng em”. Rồi một hôm, cơn bệnh hiểm nghèo đã đến với vợ ông. Cô ấy nắm tay ông, trăn trối : “Anh Bằng ! Kiếp này…em…lỗi hẹn…Xin anh…tha lỗi…cho…em…! Xin…”. Cô ấy vĩnh viễn bỏ cha con ông ra đi. Ông im lặng. Đôi mắt ông xa xăm như muốn nói cùng linh hồn vợ :“Hoa ơi !

Sao em nở bỏ anh ? Rồi ai cùng anh lo cho con ? Ai cùng anh ngắm quỳnh khai hoa, hở em ? Ai ? Ai ? Sao đôi ta chẳng cùng nhau đi suốt cuộc đời này? Sao vậy hở em ?”.

*

**

Một năm, đôi lần, đợi đêm về, đợi quỳnh nở hoa, ông đến thăm mộ vợ. Cả nghĩa trang chìm lắng trong đêm. Quỳnh, ông đem tặng vợ thơm cả nghĩa trang. Đặt quỳnh hoa trên mộ vợ, ông thầm khấn : “Hoa ơi ! Anh đem quỳnh đến tặng em đây. Một chút lòng thành của anh, xin em nhận lấy. Hoa ơi ! Em có biết không ? Có đêm, một mình nhìn hoa nở, anh lại như thấy em cười cùng anh, thấy em mãi mãi ở bên anh. Giờ, sao em bỏ anh đi mãi thế ? Hoa ơi !”.

Sương đêm bàng bạc cả nghĩa trang. Đóa quỳnh trên mộ chập chờn hình bóng vợ ông. Chập chờn hương thơm của cô ấy trong không gian. Chập chờn cả tiếng vọng mơ hồ : “Anh Bằng ! Xin cảm ơn anh ! Cảm ơn anh đã hiểu rõ lòng em. Kiếp này lỗi hẹn. Xin anh tha thứ cho em !”.

Ông ngồi bên mộ như thể hóa đá. Chợt có tiếng người phụ nữ bên tai : “Xin lỗi ! Xin ông làm ơn cho tôi chút lửa !”. Ông giật mình, chợt tỉnh : “Xin lỗi, bà là…”. Trong sương đêm, giọng người đàn bà nhẹ nhàng : “Dạ, tôi tên là Hồng. Tôi đến thắp nhang cho chồng. Chẳng may hộp quẹt của tôi hết gas lúc nào tôi chẳng hay. Thế ông có lửa không ?”.Ông lấy hộp quẹt từ trong túi của mình đưa cho người phụ nữ. Giọng người đàn bà vẫn nhẹ nhàng : “Xin ông làm ơn quẹt giùm tôi !”. Ông bật lửa lên. Trong ánh hồng chập chờn khuôn mặt dịu dàng của bà ấy…

Người đàn bà cắm nhang trên mộ chồng và những ngôi mộ bên cạnh. Hương nhang hòa với hương quỳnh lan tỏa cả nghĩa trang.

*

**

Ông cùng bà Hồng đem quỳnh trồng trên hai ngôi mộ trong nghĩa trang. Từ đó, khi quỳnh khai hoa, nghĩa trang không còn bóng đêm. Người ta thấy những khi quỳnh nở, thấp thoáng bóng dáng một người đàn ông và một người đàn bà thơm hương quỳnh hoa.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro