CÂY CHỔI DÃ QUỲ

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Tôi đứng trên một mô đất nhìn xuống phía thung lũng. Mười mấy năm trước biết bao lần tôi đã nhìn thấy quang cảnh này, ngay phía dưới kia, giữa triền dốc là ngôi trường đầu tiên của tôi, ngôi trường gắn với cả 1 thời thơ ấu.

Trường cấp một của tôi là trường tiểu học lớn nhất xã hồi ấy, có số lượng học sinh và thành tích nhiều hơn cả. Trường của một xã nghèo nên trông cũng tèm tuộc, cũ kĩ, không quá đơn sơ như kiểu tranh tre nứa lá nhưng cũng đủ để các thế hệ học trò bây giờ khó hình dung ra được. Các dãy lớp cũ nham nhở tường gạch quây thành hình chữ U trên một khuôn viên khá rộng. Mái ngói loang lổ những chỗ thủng và vá víu, sàn nhà cán vữa nhưng cũng thủng lỗ chỗ, khoét sâu thành những cái ổ hệt như ổ gà mái đẻ. Ở giữa những dãy lớp học là khoảng sân khô khan như hoang mạc, vào mùa nắng nó trở thành nơi cho những cơn lốc bụi đỏ rực nhảy múa, mùa mưa lại thành 1 bể bùn đỏ dính dẻo quẹo. Phía sau có 1 vườn chè um tùm cỏ rậm, rồi tiếp đến là khu tập thể giáo viên, cuối cùng là hàng rào dã quỳ bao bọc.

Có thể một khách phương xa sẽ thấy một hàng rào dã quỳ vào mùa nở hoa rất đẹp và lãng mạn nhưng bọn học trò chúng chúng tôi thì coi thường nó lắm. Thời đó học trò thường phải hái hoa quanh nhà đi trang trí ở bàn giáo viên vào đầu tuần nhưng không bao giờ được xài hoa dã quỳ. Nếu lọ hoa trên bàn giáo viên mà cắm hoa dã quỳ thì đó hẳn là một hành động trêu trọc, xúc phạm. Tất cả các bài văn miêu tả hoa lá cũng không được tả hoa dã quỳ, nếu dám cả gan thì bất kể rằng có văn hay chữ đẹp đến thế nào, kết quả nhận được sẽ là 1 cái gạch chéo phê là lạc đề hay vô lễ và nhận điểm không là chắc chắn. Bọn học trò tôi cũng hiểu tại sao dã quỳ lại bị coi thường như vậy. Hoa có mùi hôi, lại mọc tràn lan khắp vùng nên trở thành tầm thường. Cây rất dễ trồng, tán lá rậm rạp nên người lớn chỉ sử dụng dã quỳ làm hàng rào chứ không ai nghĩ chúng là thứ hoa đẹp để trang trí. Đối với bọn trẻ con chúng tôi thì cây dã quỳ cũng có vài tác dụng, như quả cây cứng như 1 hòn sỏi dùng để cốc đầu đứa khác, cành cây có thể góp lại để làm chổi quét lớp.

Trong suốt những năm tiểu học tôi đã vài lần dùng những cây chổi bằng dã quỳ vì những lí do rất trẻ con, vì quên đến lượt trực của mình và không đủ thời gian quay trở lại nhà để lấy chổi, vì sợ mang chổi ở nhà đi lũ bạn sẽ phá (chổi là vũ khí đánh nhau hay đùa giỡn rất được ưa chuộng của lũ học trò náo động chúng tôi), vì lười cầm theo cây chổi đi bộ vài cây số đến trường, vì bị cô giáo phạt trực nhật mà không muốn bố mẹ biết... và nhiều lí do khác nữa. Nhưng có một lần dùng chổi dã quỳ làm tôi nhớ mãi, một kí ức buồn thời tiểu học mặc dù là tôi đã xài nó cho một việc tốt chứ không phải những lí do có phần xấu xa kia.

****

Hồi đó cũng gần cuối năm học lớp bốn của tôi, lũ học trò nghĩ ra trò lấy những cuốn vở cũ ghi chép những thứ không cần thiết, hay nói đúng hơn là những thứ không có trong kì thi học kì ra gấp máy bay. Mỗi khi giờ chơi kết thúc là lớp học như một bãi chiến trường, nhiều lần như vậy trôi qua, cho đến khi mọi chuyện đã đến giới hạn của nó. Đám sao đỏ, được biết đến như là những thanh tra vệ sinh thường lượn lờ ở hành lang 15 phút đầu giờ, phê lớp tôi một điểm xấu về lỗi vệ sinh. Cô chủ nhiệm rất tức giận. Giờ sinh hoạt tuần đó cô yêu cầu những ai đã chơi trò máy bay tự giác nhận tội. Cô làm rất dữ tuy nhiên không có đứa học trò nào đứng lên, thay vào đó chúng tôi ngồi lì cố thủ mong đợi một đứa thành thật, dũng cảm hay ngốc nghếch nào đó sẽ gánh vác hết tội lỗi cho mình. Cô giáo tôi lại càng giận hơn, biết là không thể kêu gọi sự tự giác, cô bắt đầu đi dò hộc bàn từng đứa một. Đó là điều tôi không ngờ tới, tôi vẫn còn giữ trong hộc bàn hai cái máy bay mới gấp chưa kịp chơi, không chỉ có tôi mà còn một đứa khác tên là Dương.

Dương là một thằng bé lầm lầm lì lì khó hiểu, chỗ ngồi của nó ngay góc dưới cùng của lớp học, nó ít nghịch ngợm cũng không học giỏi, lúc nào cũng tỏ vẻ nhút nhát, hiện hữu một cách mờ nhạt, bình thường không mấy ai để ý đến. Với vật chứng không thể chối cãi ấy hai đứa tôi đành đứng lên nhận tội, chấp nhận làm chủ nhân của những cơn mưa máy bay suốt các buổi đầu giờ học và ra chơi trong những tháng gần đây. Hình phạt được đưa ra, tôi và Dương phải trực nhật hai tuần, mỗi đứa một tuần.

Hồi đó việc trực nhật do học trò đảm nhận và diễn ra trong hoàn cảnh hết sức thiếu thốn, khó khăn. Đầu năm cả lớp cũng góp vào mua 1 cây chổi và 1 cái hốt rác nhưng thường mấy thứ của công ấy tồn tại không quá 1 tháng, kiểu gì thì chúng cũng bị lũ học trò mang ra nghịch phá, làm vũ khí đánh nhau rồi hư nát ngay sau đó. Cuối cùng thì lũ học trò vẫn phải cầm chổi ở nhà đi để trực nhật, đứa nào không có thì phải canh me chạy qua các lớp khác để mượn. Đó đã thành cái thông lệ, bất kể nhà xa, mưa gió hay vướng víu thế nào chúng tôi cũng phải cầm cây chổi cao ngang đầu đi quét lớp và việc ấy đôi khi là công trạng lớn đến nỗi nếu có trực chung thì nếu 1 đứa mang chổi, đứa còn lại phải quét rác.

Chúng tôi không được trực chung với nhau mà chia ra tôi trực trước, nó trực sau. Tôi về nói thật với bố mẹ, bị mắng một chút nhưng được cái bố mẹ tôi cho lấy cây chổi ở nhà mang đi trực nhật suốt tuần phạt ấy. Đó là điều rất đáng mừng, vì cây chổi quét nhà theo kí ức của tôi cũng là một dụng cụ có giá trị đối với những gia đình ở quê tôi hồi ấy. Mỗi ngày tôi mang cây chổi cao gần bằng mình đi bộ chừng hai cây số lên lớp học rồi lại mang về. Để bọn bạn không phá tôi giữ nó dưới gầm bàn, canh phòng cẩn thận, giờ ra chơi cũng không dám đi đâu. Một tuần bị phạt nặng nề trôi qua, cây chổi tả tơi đi nhiều vì nó phải chạy với thời gian quét một đống rác to sụ cùng cả kí lô bụi đất, đá sỏi, sau đó thì mặt hông của nó trở thành cái hốt rác. Có lẽ hơi khó hình dung nhưng chúng tôi vẫn thường phải trực nhật trong hoàn cảnh không có cái hốt rác bằng nhựa như vậy: bốc rác bỏ lên một mặt chổi, lấy tay giữ chặt một cách cẩn thận cho rác không rơi xuống trên đường mang ra đống rác lớn phía sau trường gần nhà xí rồi đổ.

Tuần trực của tôi trôi qua một cách bình an, cả năm ngày trong tuần lớp đều sạch sẽ ở mức tạm chấp nhận còn tuần trực của thằng Dương thì không được như vậy.

Chiều thứ 7, sau tiết sinh hoạt nó đến gần tôi, vẻ ngượng ngùng nói muốn mượn cây chổi của tôi cho tuần trực, nó muốn giấu bố mẹ chuyện bị cô phạt. Ngay lúc đầu câu trả lời của tôi là không, tôi đã thực hiện xong hình phạt và muốn dứt hẳn mọi thứ liên quan đến nó cho nhẹ người, đơn giản là vậy. Tôi dùng dằng ra về, khi đi được một đoạn tôi tò mò ngoái đầu lại, thấy thằng Dương đang mò mẫm gì đó ở đống rác. Một hành động kì lạ. Rồi tôi thấy nó cầm lên một cây chổi tả tơi, nạn nhân của những cuộc đùa nghịch vô hạn của tụi học trò. Tôi chạy lại gần nó hỏi:

- Mày đang làm gì thế?

Nó trả lời:

- Kiếm một cây chổi để tuần sau trực nhật.

Thê thảm đến vậy sao? Tôi lấy cây chổi từ tay thằng bạn, lại hỏi:

- Làm sao mày trực được với thứ này?

Tôi cầm cái vật từng là chổi ấy đưa qua đưa lại như hành động quét rác, và mỗi lần như thế cây chổi ấy lại rụng ra thành nhiều phần nhỏ hơn là những cọng đót tả tơi.

Tôi không chơi thân với Dương, không hề biết rõ nhà nó ở đâu hay gia cảnh thế nào, nhưng có lẽ rất nghèo, bố mẹ lại thường dạy con bằng roi vọt làm nó trở nên rất sợ họ hay là vì nó quá nhút nhát tôi cũng không hiểu nổi. Rồi tôi đưa cây chổi cho nó giữ, ra điều kiện:

- Thôi, tao cho mày mượn, nhưng phải giữ gìn y nguyên như thế đến hết tuần sau để trả lại tao.

Ngày đầu Dương đi học rất sớm, nó quét xong trước khi tôi đến lớp, sạch sẽ hơn nhiều so với những ngày tôi quét, nó cam chịu và chăm chỉ hơn.

Đến ngày thứ ba của tuần, thằng Dương gặp tôi với khuôn mặt tái mét, một thái độ như kẻ phạm tội ra đầu thú làm tôi đoán ngay được điều gì đã xảy ra. Cây chổi mà tôi cho nó mượn đã mất, nhưng tại sao, cũng như tôi nó luôn trong phòng học bảo vệ vật ấy một cách an toàn trước những đứa nghịch ngợm mặc cho những trò chơi đùa hấp dẫn đang tràn ngập níu gọi phía bên ngoài. Nhưng nó khác tôi một điều duy nhất đó là không mang cây chổi về nhà, hay nói đúng hơn là không dám, nó cố giấu ba mẹ nó đến cùng việc mình bị phạt nên mỗi khi tan học nó nán lại thật lâu, chờ tới khi mọi người về hết rồi đem cây chổi giấu vào một bụi rậm phía sau trường, hôm sau lại lên thật sớm lấy lại. Có lẽ ai đó tình cờ thấy được và lấy đi mất.

Tôi đã nổi nóng, chửi bới cái sự giấu giếm hèn hạ, ngoan cố của nó và bắt đền một cây chổi khác. Rồi thì nó cũng đền cho tôi. Hôm sau nó mang lên cho tôi cây chổi của nhà nó có rách nát hơn cây chổi cũ một chút, nhưng thế cũng được. Vậy là tình thế ngặt nghèo đã buộc nó phải nói mọi sự với bố mẹ mình, tôi không biết nó đã bị sao, tôi khi ấy không quan tâm hỏi han làm gì vì mối giận hôm qua vẫn còn. Tôi cũng không quan tâm nó lấy gì trực nhật tiếp, tôi chỉ cần một cây chổi để mang về cất ở nhà.

Những ngày sau đó khi đến lớp thì vẫn thấy bừa bộn rác rến do những học sinh trái buổi cùng chung phòng học để lại. Thằng Dương đã đến rất sớm, tôi luôn thấy chiếc cặp của nó tại chỗ ngồi còn nó thì biến đi đâu mất. Rất lâu sau mới hấp tấp cầm theo một cây chổi quay về, rồi lao vào những mẩu giấy, gói bánh, vỏ kẹo, trái cây la liệt dưới sàn như người lính lao vào chiến trường. Nó hùng hục quét, căn phòng trở nên mù mịt bụi bặm làm đứa nào cũng cáu kỉnh, khó chịu. Nó len qua mỗi dãy bàn hất rác ra lối đi rồi từ lối đi dồn lên bục giảng, dồn thành đống, sau đó dùng cái cách hốt rác chúng tôi vẫn làm, nhưng nó không đi thong thả mà chạy, những thứ nhẹ như những mẩu giấy, bọc kẹo cũng vì thế mà bay tứ tung trên quãng đường nó qua. Hầu như khi nào nó quét xong thì trống cũng vừa vang lên báo hiệu giờ học bắt đầu.

Nếu mang chổi đi đến lớp để trực là vất vả một thì có lẽ mượn chổi của lớp khác để trực sẽ cực gấp vài lần, mà có lẽ thằng Dương đang xài cách đó. Phải đến sớm đi khắp các lớp canh me tụi học sinh một lớp nào đó trực xong để mượn chổi. Dĩ nhiên mượn cũng rất khó vì bản thân chúng tôi còn phải giữ chổi khư khư không cho đứa khác lấy làm trò nghịch và cũng phải cạnh tranh với nhiều đứa cùng hoàn cảnh. Nhiều khi phải đóng vai 1 kẻ ăn mày trầu trực trước cửa lớp tụi nó 1 cách lì lợm, đến nỗi đứa có chổi phát bực lên mà cho mượn.

Đối tượng cho mượn chổi thường là các bé lớp một còn ngây ngô hay có quen biết, hàng xóm láng giềng, hay một đứa tốt bụng xa lạ hiếm hoi nào đó. Khi mang được cây chổi quý báu về lớp thì thời gian không còn nhiều, phải gồng hết sức trong bụi bặm để trực thật nhanh trước khi trống đánh. Đã có một vài lần tôi quên phiên trực của mình và cũng phải đi mượn nên thấm thía nỗi cực nhọc ấy như thế nào.

Mọi chuyện thế rồi vẫn không suôn sẻ dù thằng Dương đã cố gắng hết sức lực của một học sinh tiểu học để có một lớp học sạch sẽ ở một mức chấp nhận được trước khi cô đến. Vì công việc hốt rác mang đi đổ tốn khá nhiều thời gian, phải chạy đi chạy về nhiều lần mà quãng đường từ lớp học đến bãi rác ở xa mãi bên kia khu vườn chè, nên để hoàn thành nó phải dùng đến một trò tiểu xảo đó là chỉ mang rác đi đổ 1 phần, phần còn lại nhét giấu trong hộc bàn của mình. Nó đã làm vậy trong một ngày mượn được chổi quá muộn. Chỗ ngồi của nó ở góc lớp vốn ít khi cô bước chân đến nhưng rồi chỉ giấu được vài hôm. 1 ngày xui xẻo thay cô lại đi ngang qua để phát hiện ra trò giấu rác tội lỗi tày đình ấy. Hình phạt nghiêm khắc được đưa ra: thằng Dương sẽ phải trực nhật vô thời hạn, cho đến khi nào nó lập được công trạng gì đó khiến cô nguôi giận mới được tha.

Bẵng đi một vài ngày cũng là số ngày mà Dương có thể cầm cự được, hôm đó tôi không thấy cái dáng trực quen thuộc của nó trong lớp, nó không nghỉ học vì cặp sách của nó vẫn nằm ở chỗ ngồi. Cho đến lúc trống đánh đầu giờ, cả khi tụi sao đỏ đi ngang qua vẫn không thấy nó về mà rác vẫn còn nguyên trong phòng. Nó đã thất bại trong việc kiếm chổi hay còn chuyện gì khác xảy ra? Tôi linh cảm thấy một điều gì đó thật tồi tệ. Tôi chạy ra khỏi phòng, hướng ra khu vườn chè phía sau, ở đó tôi bắt gặp nó đang ngồi trên một tảng đá giữa những hàng chè ngập cỏ lúc này đang rất hiu quạnh, vắng vẻ, mặt quay về hướng ngược với hướng tôi chạy đến, cũng là hướng trường học.

Tôi lên tiếng:

- Dương, sao mày không trực? Mày muốn bị phạt thêm nữa hả?

Nó quay lại nhìn tôi, không nói gì rồi lại quay đi, tôi còn muốn nói thêm một vài câu, nhưng không thốt ra được nữa vì dáng điệu của nó, như một con người mất hết tất cả đang ngồi một chỗ trong tuyệt vọng mà không biết phải làm gì hơn. Nó lúc ấy không cần sự chia sẻ của tôi, thậm chí nó còn muốn đứng lên lánh đến chỗ khác khi tôi đến gần, nó muốn buông xuôi tất cả.

Tôi bối rối đứng nhìn nó trong vài giây rồi như một phản xạ tự nhiên, tôi vội vã nắm cổ tay nó kéo ra hàng rào cây dã quỳ cách đó không xa và liên tục thúc giục "Nhanh lên!". Ban đầu thằng Dương ú ớ ngạc nhiên với hành động của tôi. Nhưng rồi nó bắt đầu hiểu và làm theo, cũng không nói lời nào. Hai đứa bẻ thật nhiều cành cây dã quỳ, tôi vẫn còn nhớ tiếng cành lá răng rắc kêu và mùi hôi từ nhựa cây nồng nặc tỏa ra. Loài cây này có cành lá rậm rạp với những chiếc lá to như bàn tay. Chỉ cần gộp nhiều cành lại là chúng tôi sẽ có những cây chổi. Hiển nhiên đó là một loại chổi xài rất khó, quét rất cực, dễ rơi rụng tả tơi. Thật sự là một giải pháp tệ hại trong tình huống này nhưng chúng tôi thì không còn lựa chọn nào khác. Hai đứa tôi cầm hai cây chổi xanh ngắt chạy thật nhanh về lớp.

May sao cô vẫn chưa đến. Chúng tôi đuổi từng đứa ra khỏi bàn một cách thô bạo biến quang cảnh lớp học lúc đó thành một trận địa đầy khói bụi với vô số kẻ đứng ngồi lộn xộn cùng tiếng la hét om sòm, bụi sộc vào họng rát bỏng tôi cũng không kịp cảm thấy khó chịu mà chỉ cố làm sao quét cho thật nhanh, giờ đó không hẳn là sự cố gắng để hoàn thành công việc, mà như sự cố gắng trong một cuộc đào thoát của những tên tù nhân.

Nhưng đã quá muộn, cô giáo đến đúng lúc chúng tôi đang đẩy rác lên khỏi dãy bàn học. Cô trợn mắt nhìn vào đống rác to đùng rõ ràng ngay gần bục giảng lúc này trở nên khiêu khích như một sự thách thức, xúc phạm. Ánh mắt cô từ từ leo lên người hai chúng tôi lúc này đang đứng khựng lại trong sợ hãi. Khuôn mặt cô đỏ bừng giận dữ đối diện khuôn mặt thằng Dương trắng bệch trong ít giây, cả hai cùng run run trong một trạng thái mà mọi thứ đang bị kéo căng tột độ, rồi tôi thấy nó từ từ cúi gầm che giấu khuôn mặt của mình đi để tránh ánh nhìn của cô, nhìn chằm chằm vào nền lớp học bằng xi măng loang lổ những khoảng vỡ to nhỏ, còn ngập trong rác và những lá cây dã quỳ rách nát do hai cây chổi của chúng tôi để lại. Tôi không dám nghĩ tới những điều sắp xảy ra cho thằng Dương, đồng thời lại cảm thấy mừng khi tôi không phải là tôi mấy ngày trước, khi vẫn còn chịu hình phạt.

Thế rồi không nói một lời, cô giáo bước thẳng đi mất. Hành động nhẹ nhàng đó đủ để hiểu mọi tội lỗi, tức giận và phẫn nộ đã đạt đến cực điểm. Không còn lời lẽ nào để mắng chửi, không còn hình phạt nào để áp dụng, không theo cách thông thường nữa mà theo một cách nghiêm trọng nhất, cô không thèm vào lớp dạy chúng tôi nữa.

Sau đó là khoảng thời gian cả lớp im lặng như tờ, mọi người chỉ trao nhau những ánh nhìn căng thẳng. Một sự im lặng bất thường đáng sợ. Mãi một lúc sau mới có đứa lên tiếng:

- Cô bỏ đi rồi, tại sao hai đứa mày không chịu trực nhật sớm hơn hả?

Câu nói vừa dứt tụi học trò nhao nhao, tất cả đều đồng tình với kẻ vừa nói. Vô số tiếng chửi bới tuôn ra, có tiếng cười cợt chế giễu, có tiếng lên án gay gắt. Ban đầu chúng chửi cả tôi, nhưng rồi biết tôi chỉ giúp thằng Dương nên chúng tập trung hết vào thằng bạn đáng thương ấy. Một thằng to con vốn hay bắt nạt bạn bè xấn tới xách cổ áo nó đe doạ:

- Mày phải đi xin lỗi rồi xin cô xuống dạy, không thì chết với tao. Đồ lười biếng!

Đám còn lại lập tức lao xao ủng hộ:

- Đánh nó đi, đánh thằng lười biếng đi!

Thằng Dương vùng vẫy thoát ra. Từng giọt nước mắt từ từ chảy xuống khỏi khoé mắt nó. Vẻ khốn khổ tức tưởi của nó lúc này ngay cả lũ trẻ con cũng cảm nhận được 1 cách rõ ràng. Lớp học lại hơi im lặng một chút, không còn to tiếng chửi rủa mà thay vào đó tụi nó nhìn Dương với ánh mắt ái ngại. Dương oà khóc, chạy một mạch xuống chỗ ngồi, lấy hết cặp sách, mũ nón ra khỏi ngăn bàn rồi vẹt những đứa đứng trước mặt, nó chạy ào khỏi lớp. Khi ra khỏi lớp học xuống sân trường nó quay trở lại dáng đi lặng lẽ và khắc khổ, bước thẳng ra khỏi cổng trường lúc này đang vắng tanh. Không ai chạy theo níu nó lại hay nói với theo một điều gì, kể cả tôi.

Từ đó trở đi thằng Dương không trở lại, và cái lớp học náo động hôm đó mau chóng quên mình có một thành viên tên là Dương. Dù sao thì việc một học sinh bỏ học ở một ngôi trường giữa vùng quê nghèo như quê tôi là một sự kiện hết sức bình thường và thời gian có thể dễ dàng vùi lấp dù nó đã diễn ra như thế nào.

Những năm tháng cuối cùng ở trường tôi vẫn thường hay để ý khối lớp nhỏ hơn để tìm Dương nhưng không thể gặp nó một lần nào nữa cho đến bây giờ. Dù vậy nếu một lúc nào đó tôi nhìn thấy nó, nhỏ bé trong quá khứ hay trưởng thành ở hiện tại, thì tôi cũng sẽ lặng lẽ bỏ đi để che dấu bản thân mình và quá khứ trong im lặng. Liệu có lời nào có thể thỏa đáng với những gì mà nó phải chịu đựng và thỏa đáng với nỗi ám ảnh không thể diễn tả khi tôi nhìn thấy cái dáng lúp xúp nhỏ bé của nó bước đi trong cái nắng thiêu đốt trên sân trường đầy bụi hôm ấy?

****

Nhiều năm trở lại, ngôi trường cũ của tôi vẫn yên ở đó, vẫn là trường cấp một với những đứa trẻ bé bỏng và yếu ớt. Một dãy mới khang trang cao ba tầng được dựng lên trên nền những dãy lớp cũ kĩ ngày xưa. Sân trường lát xi măng với những hàng hoa phượng và cây bàng thẳng tắp thay thế cho khu vườn chè già có nhiều tảng đá lớn cùng bụi rậm.

Giữa bao nhiêu đổi thay, hàng rào dã quỳ vẫn còn đó, lấm tấm những bông hoa vàng như ánh nắng chiều rơi rớt lại. Tôi vừa đi về vừa tự hỏi rằng suốt bao nhiêu năm nay, nó còn bị đứa học trò nào bẻ cành để làm chổi hay không?

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro