8. Chính tôi

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Người ta thường nói con người sinh ra trên cõi đời này đều có một sứ mệnh nào đó mà chúa trời ban cho. Dù là sống trăm tuổi hay chưa được nhìn thấy mặt trời đã phải về với cõi chết thì đều để lại những thứ tác động đến thế giới ngoài kia và tròn bổn phận của một đời người. Và có người còn tin rằng mỗi sứ mệnh đó đều góp phần làm cho thế giới này tươi đẹp, phồn vinh và hạnh phúc hơn. Còn bạn, bạn nghĩ sứ mạng thiêng liêng của mình đó là gì?

Tôi vẫn không hiểu vì sao Chúa cho phép tôi có mặt trên cõi đời này. Một người chẳng màng đến những thứ gì xung quanh, chỉ biết thu mình trong cái u tối của cuộc sống, không thèm cống hiến thứ gì cho đời, ích kỷ giữ cho mình hạnh phúc riêng. Tôi không thích giao tiếp, thường xuyên cau có và không thành công, hẳn là dạng người như tôi sẵn đã được xếp vào những thứ làm trì trệ sự tiến bộ của xã hội. Nhưng mà mặc kệ, tôi không quan tâm, không cố gắng, và cứ là tôi.

Chắc sứ mệnh của tôi là làm nhân vật phụ, à không, nhân vật phản diện cũng có thể lắm chứ, cho ai đó có nhiệm vụ cao cả là thay đổi thế giới này được tốt đẹp hơn.

Tôi không biết, không rõ và cũng chẳng muốn tìm hiểu hay cố gắng làm người khác.

Chỉ cần biết rằng tôi cất tiếng khóc chào đời vào một đêm đông lạnh giá, làm đứa con gái út của một cặp vợ chồng khao khát có một đứa con trai. Vậy đấy, đôi khi tôi lại cảm thấy mình sinh ra như là một sự cố hy hữu, một đứa con ngoài mong muốn.

Tuy nhiên, bố mẹ cũng yêu thương tôi như với hai chị. Họ dành hết tâm huyết và sức trẻ của mình để nuôi dạy ba đứa con gái, mong muốn rằng chúng tôi sẽ tung cánh bay ra bầu trời kia một cách vững vàng, không thua thiệt bất cứ ai; cho chúng tôi ăn no mặc ấm, cho chúng tôi được đi học, cho chúng tôi tình thương bao la vô bờ bến và không điều kiện.

Nói một cách khác, tôi là một con người may mắn, may mắn hơn hàng trăm nghìn những con người đói khổ, tàn tật, mồ côi kia. Tôi chưa bị bỏ đói bữa nào, chưa một lần phải mặc quần áo rách rưới, chưa một lần phải nghỉ học vì không đủ tiền nộp học, vẫn có đầy đủ chân tay và khả năng như người bình thường mặc dù chẳng nổi trội.

Chưa một lần tôi than vãn về cuộc sống này. Không dám và cũng chẳng đủ tư cách.

*

* *

- Ê!

Một tiếng gọi cộc lốc pha chút ngập ngừng vang lên giữa lớp học vắng tanh. Tôi đang nằm dài trên bàn học trong giờ ra chơi giật mình ngẩng đầu dậy.

Tôi có thể nhận ra đây là giọng ai mà và cũng thừa biết nó dùng để gọi tôi.

Nheo mắt nhìn cô bé đang nhăn nhó đứng trước mặt tôi, tôi hơi nhếch miệng cười. Nó quả là rất xinh, mặt tròn trĩnh bụ bẫm nhìn chỉ muốn nhéo một phát vào má, làn da trắng mịn màng cùng đôi mắt to tròn với sống mũi cân đối tô điểm cho khuôn mặt thêm đáng yêu. Nó còn buộc hai búi tóc nhìn đúng chất một cô bé dễ thương chín tuổi. Nó khác hẳn tôi - một đứa trẻ luộm thuộm, mặt mũi đen nhẻm đã thế lúc nào cũng cau có. Chỉ riêng cái gia thế thôi tôi với nó cũng đã là một trời một vực rồi, nó là con của thầy hiệu trưởng trường Trung học phổ thông nào đấy cơ mà. Cũng chính vì thế mà thầy cô luôn quan tâm, chú ý đến nó, bạn bè khi nào cũng quấn quýt xung quanh hỏi han ríu rít. Dĩ nhiên, nó học rất giỏi và cũng tự tin, hòa đồng nữa. Nhiều khi nhìn nó tôi cảm thấy ông trời thật bất công làm sao nhưng nghĩ lại nếu tôi là nó thì được cái gì trong khi tôi chỉ muốn yên tĩnh. Thôi thì kệ nó, cứ để nó tỏa sáng còn tôi sẽ ở trong một xó xỉnh tối tăm nào đó mà ngủ ngon lành.

- Sắp đến 20/11 rồi đấy. Chúng ta sẽ đóng kịch. - Nó nói.

Tôi không trả lời, dương bộ mặt như thể tạt vào mặt nó câu: "Chuyện đó liên quan tới mình sao?".

Nó nhíu chặt mày, rất khó chịu. Cái bộ mặt nó là luôn tươi cười mà sao khi nói chuyện với tôi cũng như thể sắp đại chiến thế này?

- Không phải bạn cũng được cô phân vào đội văn nghệ sao. Bạn không chịu tập tành gì thì làm ơn viết một cái kịch bản đi.

Không chịu tập tành? Hay tôi không thể vì cả bọn trù dập?

Dĩ nhiên nó không biết những chuyện này. Những đứa được tập văn nghệ khác rất ghét tôi và tôi nghĩ mình biết lý do. Lý do rắc rối liên quan cả tới đứa ngây thơ hồn nhiên như nó.

Đôi khi tôi cũng tự hỏi vì sao Chúa có thể tạo nên một sinh vật phức tạp, mưu mô và ích kỷ như con người.

Nó là một đứa hoàn hảo, đúng vậy, nhưng nó không có thứ gọi là bạn thân. Luôn đối xử với những người bạn như nhau, ân cần, tốt bụng nhưng không thân thiết rõ ràng với bất cứ ai. Có lẽ bố nó dạy như vậy chăng? Để tránh những kẻ lợi dụng nó? Ôi thôi, chắc tôi nghĩ xa vời quá rồi. Chắc nó chưa tìm ra ai hợp tính thôi. Cũng chính vì vậy mà đám bạn xung quanh luôn muốn mình là đứa bạn thân nhất của nó, luôn vồ vập, hồ hởi quá mức cần thiết và sẵn sàng dìm chìm nghỉm những đứa còn lại.

Mặt khác, nó cũng là đứa có tinh thần trách nhiệm cao. Mọi thứ nó đều có thể bỏ qua trừ việc làm trì hoãn công việc tập thể. Rất có tố chất lãnh đạo đấy chứ? Rồi khi nghe tôi cũng được phân vào đội văn nghệ thì nó luôn lân la đến làm quen, nói chuyện nhằm mục đích làm tôi phối hợp ăn ý với mọi người hơn. Vì tôi là một đứa khá kỳ quặc và ít nói chuyện nên nó khá lo sợ. Ấy vậy mà đám bạn xung quanh nó nhằm vào tôi mà công kích, hết nói xấu hết lời về tôi rồi còn ra sức trù dập tôi.

Tôi cũng muốn làm bạn với nó lắm. Một đứa xinh xắn, biết lắng nghe như nó mà ai chẳng thích. Nhưng vì nó quá cao xa, nó ở một thế giới khác tôi nên tôi cũng chẳng cố gắng, nhất là lúc đám bạn ra sức xỉa xói tôi thì tôi đã quyết định thờ ơ, lạnh nhạt với nó. Cứ nghĩ như vậy mọi chuyện sẽ trở về guồng quay cũ ai ngờ đâu tôi lại bị nói là một đứa sang chảnh, làm cao. Ôi thôi, đời mà, làm sao chúng ta có thể làm hài lòng tất cả mọi người. Vậy nên tôi giữ luôn cái vẻ bất cần đời đáng ghét đó của mình.

- Mình không biết đâu nhé! Hai tuần nữa là diễn rồi, bạn viết kịch bản đi. Không là mình méc cô đấy.

Cái thứ lợi hại nhất ở Tiểu học là câu cuối này. Dĩ nhiên tôi không phải một đứa bé không biết sợ, vẫn biết xấu hổ khi cô nghiêm khắc răn đe và phạt mà. Nhưng cái chính khiến tôi run sợ hơn tất thảy là thái độ bố mẹ, thử nghĩ xem, họ mà biết tôi không nghe lời cô chắc là đánh sưng mông tôi luôn.

Vậy là tối đó tôi viết.

Tuy nhiên, đâu có dễ dàng như vậy. Đầu tôi hoàn toàn trống rỗng kèm theo cơn buồn ngủ ve vãn, tôi chỉ biết thộn mặt ra trước bàn học, siết chặt lấy cây bút và nghe tiếng đồng hồ tích tắc hòa lẫn với tiếng côn trùng ngoài cánh đồng xa xa kia. Nhà tôi đã đi ngủ hết, nhà hàng xóm cũng đã tắt đèn, vùng quê thì họ thường ngủ sớm vậy đó. Thành ra không gian xung quanh tôi tĩnh lặng đến kỳ dị rất phù hợp để... ngủ. Tôi đã gà gật mấy lần rồi quyết định đi rửa mặt cho tỉnh.

Nghĩ nào, nghĩ nào, đây là kịch bản cho ngày Nhà giáo Việt Nam nhằm tôn vinh, biết ơn những người đã đem nguồn sáng cho con em gì gì đấy. Tôi nghĩ đến cô giáo chủ nhiệm của mình, cô rất xinh đẹp và là sinh viên mới ra trường, cô luôn ân cần với từng học sinh, từ ngỗ ngược nhất đến chăm ngoan nhất. Tôi không sợ cô đâu, chính xác là kính trọng và không muốn làm cô thất vọng. Nụ cười thường trực và tà áo dài trắng tinh quen thuộc lởn vởn trong đầu tôi.

Đột nhiên ý tưởng xuất hiện thình lình.

Tôi mở tròn mắt rồi vội ngồi cho tử tế lại, cầm bút lên và viết một cách nhanh lẹ nhất. Cứ thế từng dòng chữ nghiêng ngả, chữ nọ xọ chữ kia hiện ra sau bàn tay nhỏ nhắn. Bình thường tôi viết đẹp lắm cơ, được chọn đi thi Vở sạch chữ đẹp nữa kia mà. Nhưng hôm đó chẳng hiểu sao lại viết cực kỳ xấu, lúc đó, tôi cũng chẳng quan tâm đến mình viết như thế nào đâu chỉ viết, viết và viết để kịp ghi hết ra những gì đang nghĩ. Tôi sợ chỉ cần chậm trễ một giây là ý tưởng đó bay đi mất, tôi sẽ quên mất nó và cứ như vậy mà viết ra từng dòng ngộ nghĩnh và nghuệch ngoạc.

Đến khi thở phào vì đã có thể kết thúc kịch bản thì tay tôi đã mỏi nhừ, quyển vở nháp cũng đã nhàu nhò. Tôi quẳng cái bút lên bàn, ra sức xoa nắn cái tay phải mỏi gần rụng rời, khẽ liếc cái đồng hồ nhỏ xinh. Đã mười giờ.

Tôi chớp mắt, mình đã thực sự thức đến mười giờ đêm sao? Trời, đó là kỳ tích của tôi đấy. Bình thường tám giờ tôi đã lăn quay ra ngủ như lợn rồi. Chà, đúng là đáng ngạc nhiên thật.

Nhưng mà thực ra nó chẳng tốt đẹp gì đâu, sớm hôm sau tôi muộn học vì cái tội ngủ nướng, mẹ gọi thế nào cũng không chịu dậy.

Sáng đó, tranh thủ giờ ra chời thường nằm bẹp trên bàn, tôi chép lại kịch bản sạch đẹp và đưa cho nó. Không kể tiếp chắc bạn cũng biết đội văn nghệ dưới sự chỉ huy của nó đã diễn theo kịch bản của tôi và được giải Nhất toàn trường.

Đại khái là kể về một cậu học sinh ngỗ ngược học kém, chỉ thích chơi game, luôn bỏ học được một cô giáo quan tâm, thương yêu hết mực rồi cậu thay đổi, cố gắng làm một người tốt hơn. Cảnh cuối là lúc cậu bé cũng trở thành một thầy giáo giỏi về trường làng dạy với cô giáo đã sắp nghỉ hưu của mình.

Lãng xẹt!

Ừ, chả có cái gì đặc biệt, vẫn theo cái motif quen thuộc của các kịch diễn ở ngày Nhà giáo Việt Nam khác. Nhưng điều đáng tuyên dương chúng tôi ở đây là biết liều lĩnh thoát ra khỏi những bài múa và tự biên tự diễn toàn bộ mà không cần cô chủ nhiệm nhúng tay vào.

Giữa đám đông học sinh chen chúc để được lại khán đài gần hơn, tôi đứng yên, nở một nụ cười hạnh phúc khi thầy hiệu trưởng tặng thưởng cho nó - đại diện của lớp, lớp phó văn nghệ. Chẳng có lấy một lời khen, một lời trầm trồ nhưng khoảnh khắc ấy, tôi biết có cái gì đó đang nhen nhóm trong tôi.

*

* *

- Cái gì? Nhà tiểu thuyết?

- Mày đùa à? Ha ha.

- Điểm Văn mày bao nhiêu mà mơ hão thế? Tao nhớ không nhầm là 2,5 phải không?

- Mà dù mày có giỏi đến đâu chăng nữa thì nghề đó bán bản thảo cho sắt vụn còn nhiều tiền hơn đấy.

Tiếp theo đó là những tràng cười giòn giã chế giễu tôi.

Đó là lần đầu tiên tôi dám nói lên ước mơ của mình với đám bạn thân. Năm đó tôi mười hai tuổi.

Lên Trung học cơ sở, tôi tự hứa với bản thân mình sẽ cố hòa đồng hơn vì tôi... khao khát có bạn. Mặc dụ tính tôi trầm lặng, không thích nói chuyện thật đấy nhưng tôi vẫn muốn có một người bạn hiểu mình, một người bạn có thể lắng nghe tôi, hiểu tôi. Ai mà chẳng muốn vậy cơ chứ?

Thế là tôi bắt đầu tập cười, nụ cười méo xềnh xệch mà chẳng ai nhận, tập nói, những câu nói vô nghĩa mà ai cũng vui vẻ đáp lại. Ồ, đời là vậy sao? Cứ giả dối thế này thì tôi sẽ hòa đồng, sẽ trở thành người không bị lập dị nữa sao? Chà, tôi quá ngốc nghếch mười hai năm qua rồi sao?

Nhưng dĩ nhiên, đó là những thứ khởi điểm cho một mối quan hệ thôi, còn để nó tồn tại lâu dài thì cần phải tránh những cuộc cãi cọ, xích mích. Làm sao tránh? Không thể đâu, dù tôi đã cố gắng làm cho quan điểm của mình mập mờ, không rõ ràng, luôn gật đầu tán đồng với những ý kiến của bọn bạn. Rồi khi xảy ra chuyện to tiếng, tôi luôn nhẫn nhịn, nhận phần sai về phía mình, đi xin lỗi mặc dù đó không phải lỗi của tôi. Để cố gắng chiều "những người bạn" tôi đã trở nên nhu nhược và yếu đuối như vậy đấy. Tôi cũng chẳng ngờ mình lại có thể chịu đựng lâu được đến thế, để mặc họ xem tôi như là thứ thêm vào cũng chẳng sao mà bớt đi cũng không liên quan.

Cho đến ngày họ chế nhạo ước mơ của tôi.

Tôi đã tức giận bỏ đi ngay sau đó, không thèm ngoái mặt lại nhìn. Họ đồn tôi là đứa viển vông, đứa làm cao, đứa điên khùng và chúng tôi ghét nhau thậm tệ. Tôi thay đổi, trở nên cứng đầu hơn, biết cách bảo vệ quan điểm mình và trầm lặng, không thích nói chuyện với bất kỳ ai. À, không, có lẽ là tôi quay trở lại đúng chính bản thân mình. Tôi từ bỏ họ vì thừa biết chưa một lần tôi được xem như là một người bạn. Nhưng họ không từ bỏ tôi, họ ra sức hoạnh họe, bắt nạt, đồn thổi tin xấu về tôi. Đúng, tôi chỉ là một con hươu đơn độc còn họ là bầy sư tử hung dữ, họ có quyền, có tiếng nói hơn tôi gấp vạn lần. Không lạ với việc tôi bị tẩy chay gần như sau đó.

Nhưng ít nhất thì tôi đã hiểu ra rằng tình bạn không hời hợt như vậy. Và tôi sẽ không bao giờ cố gắng trở thành người khác, dù tốt hơn. Không bao giờ nữa. Chắc chắn thế!

*

* *

- Câu chuyện hay quá!

Tôi đang hầm hầm ôm tập nháp mà mình đã viết một câu chuyện nhăng cuội lên đó thì nghe tiếng nói trong veo, thật lòng đó vang lên đằng sau mình, lòng tôi như mát lạnh lại.

Tôi quay lại nhìn. Là nó. Vẫn là nó, cái con bé xinh xắn, học giỏi, nhiều bạn và tự tin đó.

Năm đó, tôi mười bốn tuổi.

Cuộc sống hai năm bị tẩy chay quả là chẳng dễ dàng chút nào nhưng tôi cô đơn quen rồi. Năm năm tiểu học tôi vẫn có thể sống tốt khi chẳng có người bạn nào cơ mà, hai năm này, có nghĩa lý gì? Bạn bè? Thật may tôi chưa bao giờ có một người bạn thực sự nên thấy nó cũng chẳng mất mát là bao. Guồng quay của cuộc đời cứ cuốn tôi theo, lộ trình từ trường về nhà chưa một lần thay đổi. Không tham gia câu lạc bộ, không hoạt động ngoài giờ, có thời gian rảnh là lại hí hoáy, căm cụi với đống giấy nháp, viết nên những câu chuyện không khi nào có hồi kết. Bản thảo trong hộc bàn riêng của tôi ngày một nhiều thêm, lặng lẽ ở đó không mong có ngày được ra ngoài.

Hôm đó chẳng hiểu vì lý do gì mà tôi lại mang nó đến trường và cũng chẳng hiểu vì sao nó lại đọc được. Chỉ biết tôi đã phát quạu lên khi nhìn thấy tập bản thảo tinh tươm của mình trên tay nó, không thương hoa tiếc ngọc mà giật phăng tệp nháp rồi quay đi, chẳng buồn quẳng lại một câu.

Ấy thế mà nó khen truyện tôi hay. Chắc nó chẳng để ý đâu nhưng nó luôn là độc giả đầu tiên của tôi.

Bây giờ nó đã khác xưa rồi, không còn phúng phính, đáng yêu mà thay vào đó là khuôn mặt trái xoan cùng mái tóc dài buộc cao lên, vẫn đẹp nhưng chỉ thay đổi theo kiểu thiếu nữ thôi. Lên cấp hai nó vẫn học với tôi, chứng kiến hết chuyện tôi có bạn bè tíu tít đến chuyện tôi bị tẩy chay nhưng nó chả có vẻ gì là quan tâm. Nó vẫn là đứa tỏa sáng rực rỡ, thầy cô cưng như con lại thêm tính cách dễ gần nên dĩ nhiên bạn bè cũng chả kém hồi tiểu học là bao. Tuy nhiên lên cấp hai thì nó đã có người ghét, đã có người ghen tị rồi. Chẳng hiểu sao tôi có cảm giác nó muốn làm bạn với tôi mặc dù nó chẳng cố gắng bắt chuyện. Chỉ là cảm giác thôi...

- Bạn viết hay thật đấy!

Nó nói tiếp khi thấy đã lâu mà tôi chưa trả lời. Chắc hẳn mặt tôi khi đó đỏ lên, tôi chẳng nhớ mình đã nói gì, nó đã bắt chuyện tiếp như thế nào nhưng có một điều chắc chắn là, từ câu khen bâng quơ đó chúng tôi trở thành bạn rất rất thân...

Cho đến mãi về sau...

*

* *

- Mày nói cái gì cơ? Tao cho mày ăn học như vậy để rồi mày hư đốn như vậy sao? Tao hết nói nổi mày rồi. Sao mày không học hai chị hay con bé bạn thân mày? Từ này không bố bố con con gì nữa hết.

Rồi bố tôi bỏ ra khỏi căn phòng, mặt ông đỏ phừng vì tức giận và quát mắng không ngừng nhưng tôi nhìn ra vai ông đang run rẩy khi quay người đi. Tôi vẫn ngồi dưới đất, tựa đầu lên thành giường, nước mắt nóng hổi rơi xuống xoa dịu đi cơn đau ở má đang lằn năm ngón tay bố tôi, cứ thế nhìn ông bước từng bước giận dữ ra khỏi phòng. Tôi biết ông thương tôi lắm.

Đó là lần thứ ba trong đời tôi nói với người khác giấc mơ đó, với bố của mình. Năm đó tôi mười tám tuổi.

Tất nhiên trong một trường hợp không được vui vẻ và thuận lợi cho lắm, tôi mới trượt đại học, một số điểm không thể vớt vát gì thêm. Tôi quá tàn nhẫn với bậc sinh thành mình rồi chăng? Ông thương tôi lắm, dù thế nào cũng không để tôi thua bạn thua bè, gồng đôi vai nhỏ bé gầy gò của mình để nuôi tôi ăn học, ấy vậy mà kết quả tôi đem lại cho ông quá phũ phàng. Sau đó lại còn nói với ông ước mơ quá xa xỉ này.

Ừ, nếu tôi theo khối C và học tốt Văn chắc ông sẽ cổ vũ cả hai tay luôn ấy chứ, nhưng tôi học khối A gồm Toán Lý Hóa, chẳng dính chút tí liên quan gì đến thứ tôi đang điên cuồng theo đuổi và nhất là tôi học rất kém Văn. Chẳng hiểu tại sao lại vậy, tôi đã cố gắng nhưng điểm Văn vẫn cứ lẹt đẹt khiến tôi không thể theo khối C mà ngậm ngùi học khối A theo ý bố mẹ. Họ nói khối đó dễ kiếm việc...

Nhưng có nghĩa lý gì khi tôi trật đại học một cách đau đớn thế này kia chứ? Thật buồn khi tôi có hai người chị thành công rực rỡ, học ở một đại học chính quy và đã có công việc ổn định. Lại buồn hơn khi nó cũng đã đậu một trường đại học danh tiếng nào đó bên Úc và chuẩn bị du học, bỏ rơi tôi...

Tôi hoàn toàn rơi xuống đáy vực thất vọng, tôi đang làm gì thế này, tôi đang đi đâu thế này? Tôi có đam mê nhưng không có khả năng chăng? Dù cố gắng đến mấy tôi vẫn không thể thành công?

Tôi đang lạc hướng sao?

*

* *

- Ổn chứ? - Nó vừa hỏi vừa tống đống thức ăn vào tủ lạnh trong căn hộ tồi tàn của tôi.

- Chưa chết. - Tôi nhún vai, không buồn phi ra chỗ chăn ấm áp để rào đón nó mặc dù nó mới chân ướt chân ráo về Việt Nam.

- Hừ, tao mua thức ăn rồi đó, ăn đi trước khi mày chết. - Nó cau có, chống tay ngang hông.

- Mày không phải lo! - Tôi vẫy tay - Bố mẹ tao vẫn cho tao tiền.

- Ớ? Thật à? Tao tưởng hai ông bà ấy từ mặt mày rồi?

Nó vui vẻ phi lại chỗ giường nơi tôi ngồi, hóng chuyện vui.

- Thì lần nào gần chết đói cũng thấy bố mẹ tao đến, đem một đống thức ăn và cả bài thuyết trình dài dằng dặc. Chắc nhờ bà chủ nhà trông chừng tao. - Tôi nhún vai.

- Mày... mày có bị sao không thế? Thiếu tiền ăn thì gọi cho tao, nhịn làm cái... - Nó tức lên, tôi hiểu tính nó, luôn muốn giúp người khác và không tha thứ nếu tôi gặp khó khăn mà không nói với nó.

- Tao không muốn làm phiền bất cứ ai, mày hiểu tính tao mà? - Tôi ngắt lời nó, kiên định nói - Bố mẹ tao cũng tự nguyện đưa đồ ăn đến chứ tao chưa bao giờ mở miệng xin xỏ nữa là mày! Với lại ông chồng mày thì tính sao? Ông có ưa tao đâu...

Đúng vậy, chúng tôi đã khôn lớn, đã tách khỏi ngôi nhà tuổi thơ để bước ra vùng trời rồng lớn, nó thậm chí đã lập một gia đình. Dĩ nhiên nó thành công sáng chói, đi du học, làm việc ở nước ngoài và hình như cũng lấy một tên chồng giàu có. Cũng vì vậy mà nó luôn đóng vai "con nhà người ta" trong mấy câu phàn nàn muôn thuở của mẹ tôi.

Nhiều người đã từng hỏi tôi tại sao có thể thân với nó như vậy? Chưa một lần tôi cảm thấy ghen tị sao? Chính tôi cũng cảm thấy kỳ lạ. Bên cạnh tôi là một cô gái hoàn hảo vậy mà tôi chưa một lần cảm thấy lép vế vì điều đó, tôi biết, cái vỏ bọc mỹ miều đó che giấu cho một tâm hồn bị tổn thương. Bố mẹ nó không yêu nhau không ly hôn nhưng đã ly thân mấy năm trời.

Nó là một con người tội nghiệp khi từ nhỏ đã phải chứng kiến cảnh bố mẹ cãi vã, vậy thì tôi có tư cách ghen ghét nó không?

Bây giờ, nó đã trưởng thành hơn, trở thành mẫu phụ nữ thành công, tự tin mà phái đẹp nào cũng mong muốn như vậy. Vẫn tỏa sáng, vẫn mỉm cười, vẫn hết mình cho công việc. Nhiều khi tôi tự hỏi có ai nhận ra nụ cười đó là cố hữu, trong ánh mắt trong veo kia là u uẩn, là đau khổ, những thành công chói lòa là để trêu ngươi những kẻ làm nó tổn thương?

Khuôn mặt nó đã khắc khổ rồi, đã chứng tỏ một con người đã và đang lăn lộn với đời rồi.

Tôi thì sao? Mặt mũi tôi không xinh đẹp, không sắc sảo nhưng vẫn giữ cái nét ngô ngố, ngông nghênh của tuổi hai mươi. Tôi không thèm bôi son trát phấn vì có ai ngoài bố mẹ, nó nhìn tôi đâu vậy vì sao phải tấp cả đống thứ hóa chất đó lên mặt? Lại còn ăn mặc luộm thuộm, cả tủ quần áo chỉ có sơ mi và quần jean, đầu tóc khi nào cũng như ổ gà. Cũng chẳng phải ngạc nhiên khi tôi chưa một mảnh tình vắt vai.

Nói thật, đôi khi tôi cảm thấy nó là phiên bản thứ hai của mẹ tôi, luôn càm ràm về gu ăn mặc, phong cách sống vô âu vô lo này, luôn thúc giục tôi làm một công việc tử tế. Tôi cũng tìm rồi đấy chứ? Nhưng với một đứa không có lấy một bằng đại học này thì tôi chỉ có thể xin làm ở các xí nghiệp, mà ở đó chẳng khác gì ở tù! Cái gì mà làm việc mười mấy tiếng một ngày, đi muộn một buổi là trừ lương, ngày ba mươi âm lịch mới được nghỉ Tết,... Từ nhỏ tôi đã là một đứa trẻ không thích ra ngoài, luôn thu lu ở nhà nên về công việc chân tay rất yếu, chưa kể nếu làm việc quần quật như thế thì tôi lấy thời gian đâu mà viết nữa?

Nhiều lúc bị họ hàng, láng giềng chế nhạo, đói cho quặn ruột lên tôi cũng tự hứa với bản thân sẽ chỉ viết để giải trí, thời gian còn lại sẽ cố gắng làm công việc quan trọng hơn. Nhưng mãi mà tôi cũng chưa tìm ra được một công việc quan trọng hơn...

Vậy là để kiếm sống tôi đành làm mấy công việc như của sinh viên, bán hàng rong, nhận tiền nhuận bút hiếm hoi từ trang web trên mạng hoặc tờ báo nào đó. Khổ thì khổ thật đấy, bị khinh thì cũng tủi nữa nhưng đến khi ngồi trước laptop gõ ra những dòng chữ, tôi lại cảm thấy tràn trề sinh lực, không biết mệt mỏi là gì.

Kể ra thì tôi còn hạnh phúc chán so với nó đi đấy, tôi nghe phong phanh đâu đó, nhà nó có chuyện...

- Cái gã đó thì là cái thá gì chứ? - Nó quát lên, kéo tôi trở lại câu chuyện vừa nãy - Gã không ưa mày thì kệ gã, chúng ta vẫn cứ là bạn tốt, tao vẫn đến thăm mày đấy!

Tôi lặng lẽ gập chiếc laptop, tạm ngừng những dòng chữ còn đang dang dở, xoay người ngồi đối diện nó. Đôi mắt nó đã hoe đỏ, vằn những tia máu, giọng khàn khàn và nghẹn lại, tay siết chặt chiếc chăn, trắng bệch ra.

Nó đã là cô gái hai mươi sáu tuổi rồi, không còn là cô bé mười bốn tuổi hồn nhiên khen truyện tôi hay nữa rồi...

- Kể tao nghe. - Tôi thay cái giọng hay cười đùa của mình bằng chất giọng nghiêm túc, chau mày cố nhìn vào đôi mắt đầy nước của nó.

- Chẳng có cái gì mà kể cả. Tao... - Nó mạnh miệng quát lên, cố nuốt nước mắt đang lưng tròng vào trong.

- Kể. - Tôi lặp lại, như ra lệnh, nó tương đương với câu: "Mày nghĩ mày lừa được tao chắc?". Đúng, nó nghĩ tôi là con ngốc chắc? Nó nghĩ hơn mười năm tình bạn này là cái gì thế không biết?

Tuy nhiên, nó không kể. Mà òa ra khóc nức nở.

Một con người thành công, một con người tự tin, một con người luôn được người khác ngưỡng mộ đang đau đớn rỉ những giọt nước mắt trước mặt tôi. Tôi yên lặng nhìn, không lên tiếng an ủi mặc dù tôi có biết chuyện, chỉ đơn giản cầm bàn tay thon dài của nó, mặc cho nó siết chặt đau điếng.

Trong tiếng nấc nghẹn ngào cùng hàng nước mắt ngắn dài, nó nói với tôi rằng chồng nó muốn ly hôn. Tôi biết, nó chả thương tiếc gì tên khốn ấy mà lo sợ cho đứa con mình. Tôi cũng mới gặp thằng bé cách đây không lâu, còn đỏ hỏn trong nôi.

Khốn nạn! Tôi thầm chửi thề. Đời đúng là quá công bằng rồi!

Nó ngừng khóc thì mặt trời cũng đã ngả về phía Tây, nằm dài trên giường tôi, nó vuốt ve cái laptop cùi cũi đã đồng hành với tôi năm năm ròng rã.

- Đúng là chẳng hiểu sao mày có thể cứng đầu đến mức ấy?

Tôi chỉ khẽ cười, tôi biết nó đang nói đến cái khát vọng đó. Cái chủ đề này giữa tôi và nó chưa khi nào nguôi ngoai.

Ánh mặt trời yếu ớt chiếu qua rèm cửa, căn phòng tôi vẫn không bớt cái sự ảm đạm và u tối.

- Mày... - Nó ngập ngừng sau một lúc suy nghĩ gì đấy - Mày tin rằng sẽ thành công đến thế sao?

- Không.

Tôi nói, ngắn gọn mà khiến nó ngay lập tức ngồi dậy. Haiz, tôi lại chuẩn bị được nghe giáo huấn miễn phí rồi.

- Thế sao mày còn...?

Để tránh nó nói dông nói dài, tôi cướp lời trước.

- Tao làm việc này chưa bao giờ nghĩ đến thành công. Kể cũng lạ mày ạ, tao viết như thể đó là bản năng tao vậy. Và tao vui vì mình đã làm hết sức, chỉ vậy thôi. Nhiều người nói tao điên, có lẽ vậy, ước mơ của tao chỉ là được viết, ghi lại những suy nghĩ, tình cảm của mình. Tao đã thực hiện được nó hơn mười năm qua rồi. Có thể tao sẽ không thành công và mãi mãi ở cái xó xỉnh này nhưng tao đang hạnh phúc, thế là đủ!

Nó im lặng nhìn tôi, bình thường nó sẽ vò đầu tôi, nhéo má tôi bắt tôi nôn ra cái lý tưởng quái gở này. Nhưng lần này chỉ lặng thinh nhìn làm tôi hơi sờ sợ đó nha.

Gió từ cánh đồng nào đó gần đây thổi đến, tung rèm cửa màu vàng nhạt của tôi lên, ánh nắng tràn vào sưởi ấm tâm hồn của cả hai đứa. Nắng không còn gay gắt như ban trưa mà nhàn nhạt một cách dịu dàng và man mác buồn. Một ngày nữa lại trôi qua, tôi chẳng lấy làm nuối tiếc, vì tôi đã sống hết mình cho ngày hôm nay rồi.

- Quả là hạnh phúc!

Nó mỉm cười trong gió và nắng chiều, nói.

Tôi cũng toe toét cười lại.

Trong ánh tịch dương, hai con ngốc cười với nhau nhưng tôi biết tôi đã tìm được lý do mình có thể theo đuổi cái nghiệp khó khăn này suốt hơn mười năm và sẽ còn tiếp tục gắn bó.

Đúng, chả cần biết tôi sẽ như thế nào, thành công rực rỡ hay chìm nghỉm trong cuộc sống mưu mô, toan tính này thì tôi vẫn mỉm cười. Tôi đã làm hết sức mình và đã hạnh phúc.

Vì tôi tin chính bản thân tôi.

Tin vào đam mêm này.

-Hết -

Thanh Chương, Nghệ An

11:15 PM 26/1/2017

Phương from BIY


Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro