Chưởng môn phái Ngọc Điểm - Phanxipang

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Chưởng môn phái Ngọc Điểm - Phanxipang

Tết Nguyên tiêu.

Năm Nhâm Thân 1872.

Niên hiệu Tự Đức thứ XXIV.

Bắc thành sau một mùa đông ảm đạm và rét mướt với mưa phùn gió bấc, những chùm hoa nắng chớm đơm trổ long lanh.

Tại dinh Khâm sai, đại yến tân xuân sắp sửa khai mạc. Tổng đốc trọng thần kiêm Tiết chế quân vụ Hoàng Kế Viêm tổ chức buổi tiệc trọng thể này nhằm khoản đãi vị khách quý: Lưu Vĩnh Phúc - thủ lĩnh đảng Cờ Đen.

Tham dự buổi tiệc còn có một số quan lại Bắc Hà và các thuộc hạ thân tín của họ Lưu.

Đèn nến sáng trưng. Hương trầm thơm phức. Sau tràng pháo Bình Đà vang rền như sấm, quan Tổng đốc trịnh trọng trao chỉ dụ của Hoàng thượng tấn phong chức Đô đốc cho đảng trưởng Cờ Đen. Quan Khâm sai Bắc thành đứng lên, nói lời mừng chúc. Tân Đô đốc cung kính đọc đáp từ.

Viên đại thần triều Nguyễn phất tay áo thụng: đại yến bắt đầu.

Cao lương mỹ vị thức thức liên tiếp được bày ra. Bồ đào mỹ tửu ào ào chảy tràn như suối. Đoàn ca nương vũ nữ xuất hiện như tiên giáng, trình diễn những tiết mục đặc sắc của đất nước Nam. Lớp lớp mỹ nhân, cô nào cũng trẻ như mùa xuân và xinh như mộng, luân phiên hầu tiếp miếng ăn món uống cho thực khách.

Giữa không khí tưng bừng hoan hỷ ấy, với giọng nói mang nhiều âm sắc Nam Trung Bộ, quan Tổng đốc trao đổi chuyện quốc sự với tân Đô đốc:

- Ta càng nhượng bộ, bọn bạch quỷ càng lấn tới. Chiếm Gia Định, Định Tường, Biên Hoà xong, chúng lại vơ thêm Vĩnh Long, Châu Đốc, Hà Tiên.

- Lòng tham không đáy mà, bẩm đại quan.

- Ngài Binh Bộ Thượng thư (1) tài ba mà vẫn không đương cự nổi. Ngài buộc lòng phải quyên sinh để tỏ dạ bất khuất của một vị dũng tướng.

- Khí khái thật! Nhưng sao triều đình xem đấy như một sự đầu hàng, đến nỗi đục bỏ cả danh tính ngài trên bia tiến sĩ nhỉ?

Tiết chế quân vụ thở dài:

- Chính tôi cũng xót xa việc nọ! Hy vọng Hoàng thượng sẽ nghĩ lại, sẽ cứu xét thoả đáng, chẳng chóng thì chầy.

Chiêu một ngụm rượu, viên đại quan tiếp lời:

- Kể ra vận nước bây giờ khác nào dầu sôi lửa bỏng. Triều đình lo lắng trăm bề, tránh sao khỏi thiếu sót. Ngay mảnh đất mà chúng mình đang trú ngụ đây, đâu dễ chi yên!

- Sao lại không yên, thưa đại quan?

- Bọn mắt xanh mũi lõ vẫn dòm dỏ bấy nay, ngài tân Đô đốc ạ!

- Dòm dỏ?

- Đúng vậy. Thằng lái buôn Đồ Phổ Nghĩa (2) đang cậy suý phủ Bến Nghé (3) dùng áp lực độc chiếm Nhị Hà (4) đó!

Lưu Vĩnh Phúc nắm chặt quả đấm, nghiến chặt răng:

- Cha chả... Quá quắt! Quá quắt!

Quan Tổng đốc mời tân Đô đốc cạn chung mỹ tửu rồi khéo léo đặt vấn đề quan trọng: huy động tối đa lực lượng Cờ Đen phối hợp với quân đội triều đình nhằm trấn giữ Bắc Hà trước nguy cơ tấn công của giặc Pháp.

- Hố hố... hố hố hố...

Một giọng cười quái đản đột ngột vang lên.

Vô lễ chưa? Xấc xược chưa? Kẻ nào dám văng nụ cười phá bĩnh ngay giữa đại yến ở dinh Khâm sai, cả khi quan Tổng đốc đang bàn bạc?

Mọi người khó chịu hướng về thực khách đang phát dòng âm thanh vô phép tắc kia.

A, chú Xìn!

Chú Xìn, thuộc hạ tâm phúc nhất, cánh tay phải đắc lực nhất của thủ lĩnh đảng Cờ Đen. Ngồi ngửa cạnh chủ tướng, y vẫn nghếch mặt, nhíp mắt, ngoác miệng cười khả ố:

- Hố... hố... hố hố...

Cười mấy thôi mấy hồi, đoạn y ồm ồm cất tiếng:

- A lầy... Bẩm đại quan! Hẳn ngài chưa quên Bình Trang Nguyên tướng quân lớ?

Quái! Đến giờ này, thằng ngợm khách còn nhắc chuyện cũ, vì cơn cớ gì? Lẽ nào mấy tuần rượu mạnh đã khiến y chếnh choáng, hết giữ gìn ý tứ trong lời thưa tiếng gửi?

Nom kìa, cả người chú Xìn hầu như nhuộm ròng màu đỏ. Bộ mặt lưỡi cày đỏ phừng phừng như trui trong lò than nóng rực. Đôi mắt lươn liến láu hất dọc liếc ngang thì đỏ ngầu tợ phù sa nước lũ. Còn cái cần cổ to chắc và vồng lên những động mạch chủ mỗi lần y cười nói, lại đỏ tía khác gì con gà chọi.

Nửa nằm nửa ngồi trong chiếc ghế bành chạm trổ tứ linh (5), y quàng cánh tay hộ pháp qua vai giai nhân hầu rượu.

Người nữ hầu áng chừng mười bảy, mười tám tuổi. Vóc dáng nàng mảnh mai như cành dương liễu. Cành dương non tơ bị riết chặt đến ngạt thở, ngọn lả sát vào ngực gã phàm phu. Nom nàng tội nghiệp làm sao! Thiếu nữ cố giữ nụ cười hàm tiếu cùng những câu mời mọc thanh lịch trên môi. Nhưng, ai thật tinh mới phát hiện rằng từ cặp mắt lá răm của nàng thỉnh thoảng lại loé vài tia phản kháng.

- Chú Xìn!

Lưu Vĩnh Phúc tắc lưỡi kêu. Vốn biết tay đàn em này uống rượu hệt hũ chìm, bấy nhiêu chưa thấm tháp gì so với tửu lượng của y, song ngại y nhỡ mồm vụng miệng làm hỏng tiệc vui, tướng Cờ Đen bèn lừ mắt:

- Chú Xìn! Không được thất thố thế a!

Chú Xìn vừa vân vê nhúm râu quăn queo mọc từ nốt ruồi to đùng bên mang tai, vừa phát biểu:

- Trình chủ soái, ngu đệ nào có ý gì bất hảo đâu ạ. Chả là mừng chủ soái vừa được Hoàng ân thăng thưởng, ngu đệ muốn góp vui bằng chút tài hèn sức mọn cho tiệc xuân thêm phần hào hứng. Ngu đệ nhắc tới Bình Trang Nguyên để mào đầu thôi mà...

Y nhoài người, ghé sát tai thủ lĩnh, khẽ xì xầm mấy câu bằng ám ngữ. Lưu Vĩnh Phúc liền đứng dậy, xin phép được cùng chú Xìn ra ngoài dạo quanh hoa viên chốc lát.

(1) Phan Thanh Giản.

(2) Jean Dupuis.

(3) Tức Sài Gòn. Lúc bấy giờ, đứng đầu suý phủ Sài Gòn là Bourayne đảm chức Thống đốc Nam Kỳ.

(4) Tức sông Hồng.

(5) Tứ linh là bốn vật thiêng liêng: long, lân, quy, phụng. Những trường hợp buộc phải tránh dùng hình tượng rồng, lực lượng nghệ nhân linh hoạt tạo tứ linh thành: lân, ly, quy, phụng.

.

__________________________________________________________________________________________________________

.

Tác giả: Phanxipang

... Tiếp theo

Chủ với tớ song song rảo bước bên những chậu đào Nhật Tân thắm sắc. Cả hai dùng tiếng Quảng Đông nhằm thảo luận với nhau. Chú Xìn mở lời:

- Thưa đại ca! Ngu đệ thiết nghĩ rằng tuy chấp nhận thần phục triều đình Phú Xuân, song đảng ta luôn cần chứng tỏ hùng uy, dũng tài. Ví khiếm tài, khuyết tướng, thử hỏi đại ca và hàng loạt tuỳ tùng, trong đó có ngu đệ đây, ắt phải chịu chung số phận tương tự bọn Hoàng, Bàng, Lương (6) chứ gì?

Lưu Vĩnh Phúc buông thõng:

- Nói rõ hơn coi.

- Thưa, theo thiển ý của ngu đệ, lâu lâu xin đại ca chứng tỏ cho triều đình Phú Xuân biết rõ: đảng Cờ Đen thần phục với tư cách kẻ trên ngựa. Họ phải hằng trọng vọng đại ca theo ngôi thượng khách. Nhược bằng suy suyển thì... hà hà... chả xong với Lý này đâu á!

Lý là họ gốc của chú Xìn. Vòng hai tay sau lưng, Lưu Vĩnh Phúc thủng thỉnh:

- Đệ nghĩ gì, muốn gì?

Chú Xìn cúi xuống bứt một nụ đào, vò nát rồi ngửa lòng bàn tay và chu miệng thổi phù phù khiến những cánh hoa bị tổn thương bay lả tả. Y bình luận:

- Xứ này có câu tục ngữ: mềm nắn, rắn buông. Đấy, giả sử đại ca yếu thế, lá Cờ Đen tất đã bị nhổ phứt từ đời nảo đời nao! Với nước Nam, Cờ Đen là gì? Một cái gai! Cũng như gai Cờ Vàng, gai Cờ Trắng thôi mà! Không muốn nhổ gai, Phú Xuân hà tất phí công hoài của cầu viện Trường An (7) ư? E hèm... Khốn nỗi, gai Cờ Đen cứng quá, nhọn quá, gay mà nhổ đặng, nên được Phú Xuân tạm dùng.

Lưu chủ tướng trầm ngâm:

- Mưu sĩ Hắc Kỳ Quái Lão từng nhận định như thế, nay hiền đệ lại nói thế, cũng chính hợp suy nghĩ của ta. Song le, gắng đừng để xảy điều gì quá đáng khi ngài Tổng đốc đã rộng lượng tin dùng.

- Với tư cách thằng em sát cánh, ngu đệ mong đại ca hết sức cẩn tắc. Cẩn tắc vô áy náy, đại ca à. Và phải tri kỷ, tri bỉ.

- Nghĩa là...

- Ngu đệ xin hiến đại ca một mũi tên, hai đích nhắm.

Im lặng giây lát, rồi chú Xìn thưa:

- Từ theo đại ca dấn mình xuống Nam quốc, ngu đệ đã cố tâm tìm hiểu võ công của dân bản xứ đạt đến trình độ nào. Chưa thấy gì sất. Đại ca biết đấy, mấy phen lập võ đài nhưng có mống nào dám lên tỉ thí? Thoáng nghe ngu đệ xưng danh tính thì... hà hà hà... chúng sinh hồn xiêu phách lạc xác xơ!

Y lại bứt một nụ đào và quẳng mạnh vào cụm giả sơn gần đấy, đoạn tiếp:

- Đôi lần trộm phép đại ca, ngu đệ cải trang thành thầy địa, lẻn sâu vào các bản làng, cốt tìm hiểu mấy lò võ. Chả mùi mẽ gì! Quá kém! Vô cùng kém! Khoản nào khác chưa nói, chứ cái nghề võ ở đất này, thú thật, ngu đệ khinh!

Lưu hỏi:

- Và hôm nay, hiền đệ lại muốn thử tài?

Chú Xìn nhướng đôi mắt ti hí đỏ kè:

- Chính thế ạ. Một mũi tên, hai đích nhắm: vừa khéo léo chứng tỏ thực lực của đảng ta, vừa tìm hiểu sở năng thiên hạ. Đại ca đồng ý nhé?

Lưu gật:

- Được. Ta ưng thuận.

Hai người trở lại với yến tiệc.

Bấy giờ, ai nấy đều chú mục theo dõi mười bài Cổ bản (8) mà ban đào hát đang diễn xướng. Lưu Vĩnh Phúc khoan thai đến bên chiếc sập gụ khảm xà cừ bát bảo (9) đặt ở góc phòng, ra hiệu cho mỹ nữ tới phục vụ bàn đèn nha phiến. Còn chú Xìn thì ngồi chỗ cũ. Y tiếp tục nốc từng cốc rượu đầy sóng sánh, nhồm nhoàm nhai thức ăn và tha hồ bỡn cợt thiếu-nữ-cành-dương. Phong cách y cực kỳ sàm sỡ. Đúng là tửu trì nhục lâm (10) thô bỉ đệ nhất hạng!

Mười bài Cổ bản vừa ngưng, nhóm vũ công chuẩn bị màn múa thì chú Xìn đứng lên:

- Bẩm đại quan! Kính trình chư khách! Lúc nãy, kẻ hèn này nhắc Bình Trang Nguyên là chả có gì bất hảo cả. Chẳng qua, tại hạ chợt nhớ lời tướng quân ấy từng nói rằng nước Nam yêu cầu ngoại lực ủng hộ để dẹp giặc thì người Nam phải sẵn nhân tài trước đã...

Y đảo mắt dò xét thái độ của mọi người, rồi tiếp:

- Tại hạ nghe phong thanh quan Tổng đốc nuôi dưỡng một số võ sĩ hầu cận dưới trướng. Hẳn đấy là những kỳ tài tinh thông thập bát ban. Vậy xin đại quan cử vị nào xuất sắc nhất ra sân, quần vài hiệp với kẻ hèn này, gọi là góp thêm niềm vui cho bữa tiệc hôm nay.

Tiết chế quân vụ Hoàng Kế Viêm lúc lắc chiếc mũ cánh chuồn:

- Ồ, cần gì phải vậy? Khai xuân, thoải mái uống rượu và thưởng thức ca múa nhạc, tưởng cũng đủ lắm rồi. Võ vanh, thôi, dành dịp khác.

Quan Tổng đốc ngó về phía sập gụ:

- Phải thế không, hỡi ngài tân Đô đốc?

Lưu Vĩnh Phúc chưa kịp trả lời, chú Xìn liền văng tiếp kiểu cười khả ố:

- Hố hố... hố hố hố... Có văn có võ mới toàn bích chớ, mới trọn vui cho yến tiệc chớ. Bẩm đại quan, kẻ hèn này chỉ xin dùng một cây kích thôi, còn người của ngài muốn sử dụng bất kỳ khí giới gì thì cứ tuỳ nghi.

Y ngửa cổ đỏ tía, hắt cạn chung rượu vào khẩu khiếu, rồi tiếp tục ca bài cao ngạo:

- Khà... Thắng tại hạ quả là chuyện đội đá vá trời. E hèm... Chỉ cần chạm được chiếc lông bào trên đầu mũi kích của tại hạ thôi... hà hà... cũng đủ liệt vào hạng cự phách ở đây rồi a!

Trước giọng điệu mục hạ vô nhân ấy, quan Tổng đốc vẫn điềm tĩnh nhoẻn cười:

- Chí phải! Võ nghệ chú Xìn rền tiếng võ lâm, ai ai cũng biết. Còn lính hầu của tôi hả? Họ nào có tài cán bao lăm, hoàn toàn chẳng dám đấu với bậc cao nhân!

- Giao hữu dăm hiệp cho vui mà. Xin đại quan đừng ngại. Hố hố hố...

Oang oang cười thách thức, chú Xìn bước sang nhà Tả vu, đến giá cắm binh khí, rút cây kích và quay về bàn tiệc ngay. Y nói:

- Trong khi chờ người tỉ thí, á à... giao hữu, xin phép đại quan cho tại hạ mượn món này để điểm xuyết dăm nét. Kính mời ngài cùng chư vị thưởng thức chút tài mọn.

Chú Xìn ực thêm hai chung mỹ tửu, vuốt má người thiếu nữ hầu rượu, rồi nhơn nhơn cắp kích ra sân. Y sai lính dọn dẹp bồn hoa chậu cảnh cho thoáng. Y lại chọn bốn vệ binh của dinh Khâm sai, bảo gom đá cuội thành đống ở bốn góc sân. Y cao giọng:

- A lầy... Khi biểu diễn, tôi hô "ném" thì các cậu cứ nhặt đá tương vào tôi thoải mái, đến lúc tôi bảo "thôi" thì dừng. Nhắm thật đích và ném thật mạnh tay, nhé.

Mọi người đều đổ dồn ra tiền sảnh. Chỉ còn Lưu Vĩnh Phúc nằm lại với chiếc bàn đèn, ngây ngây với nàng tiên nâu.

Khệnh khạng sải chân vào giữa khoảnh sân lát gạch Bát Tràng, chú Xìn lập tấn, khép kích cạnh hông, chấp tay bái tổ:

- Nhân dịp Lưu chủ soái được vinh thăng, kẻ tôi tớ này xin được góp vui bằng một bài kích. Đây là bài Thân vi vạn thử đích (11) do Trương Cáp, tướng quân nhà Ngụy, khởi soạn từ thời Tam Quốc.

Dứt lời, nhoáng phát y chuyển bộ và vung món vũ khí bách chiến bách thắng của mình. Y tiến, thoái, tung, hoành. Y cuộn lăn, lộn nhào, đá đạp. Nhanh như sóc. Ào ạt như diều. Cương mãnh như sư tử. Đường kích nhuần nhuyễn và ảo diệu, xoáy lốc và hoa mỹ. Tiếng kích vun vút, vùn vụt, vừa chạm nền đánh xoẹt đã xoay chong chóng vù vù trên đầu, vừa xỉa thẳng mũi tới đã thọc chéo đốc lui, rồi nghiến rin rít hai bên trái lẫn phải. Một vũ khí sở trường của một công phu tuyệt luân!

Đột ngột, y hô:

- Ném!

Từ bốn góc sân, đá cuội được liệng tới tấp. Cây kích trong tay chú Xìn vờn chuyển liên tục, mau lẹ mạnh vững, lấp loáng bao bọc quanh y kín mít sánh tày lớp giáp bền chắc. Trận mưa đá cuội bị bật trả ra đôm đốp. Ngoạn mục lắm! Siêu đẳng lắm! Quả danh bất hư truyền!

- Thôi!

Y tung cây kích lên không, đoạn cắm ngược người, chống tay trồng cây chuối. Trong động tác đảo lập kiện thân pháp, hai chân y hứng kích và điều khiển món vũ khí khéo léo như diễn viên xiếc chuyên nghiệp. Y vụt bật ngay dậy. Thu bộ. Khép kích. Dứt quyền.

Ào ào loạt pháo tay vang rền tán thưởng.

Đá cuội vương vãi đầy sân. Không một viên nào chạm thân thể chú Xìn. Tài cao, quá cao, hèn gì y ngạo dữ! Với khoé cười đầy kiêu hãnh, y kẹp kích trong nách, đến diện kiến quan Tổng đốc và ngông nghênh hỏi:

- Ngài thấy tại hạ múa kích ra sao? Cũng tàm tạm chớ?

Rồi y hất đầu sang hai phía:

- Nào... Có ai chưa, hử?

Từ trong dinh, Lưu Vĩnh Phúc nói vọng ra:

- Quan Tổng đốc cử em nào thử sức với gia tướng của ngộ đi. Xin chớ nề hà!

Chú Xìn giương giương bộ mặt lưỡi cày đỏ gay đỏ gắt. Đỏ vì rượu, vì nắng, vì vận động. Cả đỏ vì tự phụ nữa. Giọng cười tự phụ tự đắc lại cất lên thách thức:

- Hố hố hố... Hố hố hố hố... Chẳng ai dám thi triển võ công cùng tại hạ cả ư? Nhát!

Tiếng "Nhát!" dường xoáy nghiến lòng người.

Đứng sau lưng Tiết chế quân vụ Hoàng Kế Viêm, hai vệ sĩ khoanh tay liếc mắt nhìn nhau. Cả đôi mím chặt môi, thúc cùi chỏ vào nhau như ngầm trao đổi ý kiến.

"Xin tướng quân cho phép thử vài chiêu chăng? Chạm ít hiệp để giữ thể diện chứ?".

"Gã này bợm quá, sợ ta không chịu nỗi đôi miếng sơ giao!".

"Cũng chơi! Thắng bại chưa lường, chứ thấy thằng chệch lộng giả thành chân thì ức, ức lắm!".

Đoán được ý nghĩ của quân mình, quan Tổng đốc ngoái lui, trừng mắt, khẽ lắc đầu.

"Hãy khiêm cung và khôn ngoan! Đừng vì chút sĩ khí nhỏ nhoi trước mắt mà gây tổn hại đến bài tính đại sự về lâu về dài!".

Viên đại thần triều Nguyễn muốn vậy.

Hốt nhiên, có bóng người phóng vút ra sân, thân hình tung bổng lên cao ước chừng mấy trượng. Đôi vòng nhào lộn mềm dẻo làm sao! Như cánh chim câu, người đó chụm chân đáp nhẹ xuống ngay trước mặt chú Xìn. Hoạt thân pháp đạt đến mức ấy rất đáng khen là thiện nghệ. Và cũng tương tự chim câu bé bỏng, một giọng nhẹ thanh phát ra:

- Xin được lĩnh giáo tôn huynh!

Ai?

Ai dám gan góc tỉ đấu với bậc võ công cao cường nhất đảng Cờ Đen?

Chú Xìn trương mắt lươn nhìn đối thủ. Y dẩu mồm thốt lên một tiếng tột đỉnh ngạc nhiên:

- Ủa!

Đối diện chú Xìn là một thiếu nữ.

Không ai xa lạ: chính cô bé vừa hầu rượu y.

Đó là người con gái xinh đẹp và mảnh mai như cành dương liễu.

(6) Hoàng Sùng Anh, Bàng Văn Nhị và Lương Văn Nhị là thủ lĩnh các đảng Cờ Vàng và Cờ Trắng.

(7) Tức Bắc Kinh, nơi triều đình Mãn Thanh đóng đô.

(8) Thực tế, Cổ bản là một bản nhạc nhiều xoang điệu. Còn gọi "mười bài Cổ bản" nhằm trỏ chục bản nhạc thường được thể hiện nối tiếp liền mạch, chẳng hạn: Xuân phong, Long hổ, Lưu thuỷ, Hành vân, Cổ bản, Nguyên tiêu, Kim tiền, Bình bán, Tẩu mã, Tứ đại cảnh.

(9) Bát bảo là hình ảnh tám vật quý thường dùng để trang trí vật dụng thuở xưa, gồm: bầu eo, tháp bút, quạt lá vả, ống tiêu, giỏ hoa, phất trần, cái khánh và thanh kiếm.

(10) Ao rượu và rừng thịt.

(11) Lấy thể hình làm bia cho muôn mũi tên bắn vào.

.

__________________________________________________________________________________________________________

.

Phần 2

Tác giả: Phanxipan

Trận thư hùng giữa nam Hán cao thủ và nữ Việt võ sinh diễn ra ngay giữa sân trước dinh Khâm sai Bắc thành vào rằm xuân Nhâm Thân 1872 đáng được khắc ghi vào võ học sử nước nhà. Tuy nhiên, vì lý do chiến lược của triều đình nhà Nguyễn lúc bấy giờ, thông tin về vụ việc này bị cấm ngặt truyền lưu. Chính sử, do đó cũng không có một dòng ghi chép.

Song, lời nói gió bay. Thế lực nào đủ sức ém nhẹm mãi mãi điều bí mật, nhất là bí mật kia chất chứa niềm tự hào dân tộc?

Sau luỹ tre xanh, giữa nương sắn đồi chè, bên bãi dâu bờ lúa, nơi này nơi nọ len lén những lời thì thầm về cuộc tỉ thí võ công vô tiền khoáng hậu. Dưới mái các võ đường, ngoài mé các sới vật, câu chuyện kín vẫn ngun ngút âm ỉ như hòn than hồng vùi ủ trong tro trấu. Bằng cách truyền khẩu, dân gian đã bảo lưu được những chi tiết sống động của quá khứ. Dĩ nhiên, với lối tường thuật bằng miệng, tam sao thất bản chắc chắn là điều không tránh khỏi.

Trước khi tiếp tục theo dõi câu chuyện, xin mời bạn đọc hãy cùng chúng tôi điểm qua đôi nét về bối cảnh lịch sử - xã hội thời bấy giờ.

Những ngày Mạnh xuân Nhâm Thân ấy mở ra một năm mới trập trùng khó khăn dưới triều Dực Tông Anh hoàng đế (12). Dân chúng khắp nơi oán thán vì bao nỗi khó khăn oằn trĩu thân mình: thuế khoá nặng nề, quan lại tham nhũng, thiên tai đe doạ, giặc giã hoành hành, nhân tình thế thái loạn lạc đảo điên.

Ở Đàng Trong, thực dân Pháp thôn tính ba tỉnh miền Đông năm Nhâm Tuất 1862 (13) rồi lấn đoạt thêm ba tỉnh miền Tây năm Đinh Mão 1867 (14). Chưa thoả, chúng còn rắp tâm Bắc tiến nhằm chiếm hữu sông Hồng - thuỷ lộ quan yếu và tiện lợi đối với việc thông thương sang Hoa Nam, Trung Quốc.

Ở Đàng Ngoài, vừa ngơi nạn thổ phỉ Tam Đường (15) quấy phá rẻo cao biên ải vào năm Tân Hợi 1851, lại ào ạt các dư đảng Thái Bình từ Trung Nguyên tràn sang nhũng nhiễu. Đảng Cờ Đen do Lưu Vĩnh Phúc làm thủ lĩnh. Đảng Cờ Vàng do Hoàng Sùng Anh làm chủ soái. Đảng Cờ Trắng do Bàng Văn Nhị và Lương Văn Nhị cầm đầu. Ba đảng, ba cờ, thi nhau tranh giành cát cứ miền thượng du lẫn trung du, tha hồ cướp bóc, đốt phá, chém giết, hãm hiếp.

Ngẫm mà buồn cười, cười trào nước mắt. Phía Nam, một bầy giặc hùng hùng hổ hổ phất lá cờ "tam tài" với ba màu xanh, trắng, đỏ. Phía Bắc, ba lũ giặc hung hãn giương ba mảnh cờ ba màu đen, trắng, vàng. Dân lành đã khốn khổ lầm than lại càng thêm thê lương thảm thiết dưới bao nhiêu sắc màu ngoại lai!

Trong thời khoảng ấy, ngay tại kinh đô Phú Xuân, cuộc khởi nghĩa Chày Vôi do anh em Đoàn Trưng và Đoàn Trực lãnh đạo nhằm phế truất ngôi thiên tử vào năm Bính Dần 1866 tuy thất bại nhưng hơi hưởng chưa dễ nguôi ngoai.

So với Cờ Vàng và Cờ Trắng, đảng Cờ Đen đã chứng tỏ sự trội vượt về nhiều mặt. Vốn là tay giang hồ quen thói vẫy vùng, Lưu chủ tướng quen máu cường sơn thảo khấu, song trong chừng mực nào đấy lại bộc lộ dũng lược, dám trọng nghĩa khinh tài. Lưu Vĩnh Phúc cũng khéo xử thế. Khi vua Tự Đức sai sứ sang Trung Hoa cầu đưa viện binh dẹp ba màu phỉ mạn Bắc, thì triều đình Mãn Thanh cử tướng Bình Trang Nguyên dẫn quân qua. Lưu liền tổ chức điều đình, mua chuộc. Chẳng mấy chốc, Bình Trang Nguyên a tòng đảng Cờ Đen. Quân của Lưu có thêm chỗ dựa vững chắc, càng thao túng gấp bội, mặc sức lộng hành. Chỉ trong một giai đoạn ngắn, bóng Cờ Đen đã phủ trùm địa bàn rộng lớn bao gồm bốn tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng, Thái Nguyên, Tuyên Quang và vài vùng khác, kể cả những phần đất cận kề Hà Nội. Lưu Vĩnh Phúc còn ra mặt xem nhờn, thậm chí khiêu khích Lê Tuấn là quan Khâm sai Bắc thành lúc ấy.

Phải tự mình cứu lấy mình thôi! Phải chọn lựa tướng lĩnh của chính bản triều cất công bình trị bọn cuồng tặc Đàng Ngoài để quốc gia khỏi vướng một mối lo. Được vậy mới dễ tập trung tâm sức đối phó vời lũ bạch quỷ Tây phương quá hùng cường nhờ sử dụng hàng loạt vũ khí tối tân. Ai là người có khả năng thi hành tốt nhất trọng trách này?

Sau nhiều đắn đo, cân nhắc, vua Tự Đức biệt phái Tổng đốc đại thần kiêm Tiết chế quân vụ Hoàng Kế Viêm.

Phụng mệnh Hoàng thượng, viên danh tướng xuất thân từ đất Khánh Hoà bắt đầu tung người thâm nhập các khấu đảng để nắm chắc nội tình. Rút kinh nghiệm của Kinh lược sứ Nguyễn Đăng Giai trước đây từng thành công đối với việc dẹp yên bọn thổ phỉ Tam Đường, lần này Tổng đốc họ Hoàng lại vận dụng kế sách cũ, chơi đồng thời hai quân bài: chiêu dụ kết hợp ly gián. Và yếu nhân hội đủ điều kiện hầu làm mục tiêu - điểm tựa cho thế "đòn bẫy phức" cũng dễ dàng xác định: Lưu Vĩnh Phúc.

Tính toán gần xa kỹ càng, hành xử khôn ngoan khéo léo, viên đại quan triều Nguyễn ngay bước đầu đã thu hái kết quả quá khả quan: Lưu chủ tướng chấp nhận thần phục triều đình Huế. Hệ quả: Cờ Đen thanh trừng Cờ Vàng lẫn Cờ Trắng.

Rất cơ mưu, quan Tổng đốc bèn đề bạt chức Đô đốc cho họ Lưu. Vua Tự Đức chuẩn y. Thế là ngay sau khi phu trạm phóng ngựa hoả tốc chuyển sắc phong từ miền Hương Ngự tới Hà thành, Hoàng tướng quân liền tổ chức đại yến khai xuân tại dinh Khâm sai với lý do khao mừng tân Đô đốc. Các thuộc hạ của Lưu Vĩnh Phúc cũng được quan đại thần mời đến khoản đãi, tất nhiên có chú Xìn.

Như đã nói, dưới bóng Cờ Đen hiện diện lắm tay khét tiếng côn đao. Đặc biệt cao cường là chú Xìn. Mục kích chú Xìn thi triển võ công dẫu chỉ một phen, những bậc dạn dày cung kiếm hẳn phải cúi đầu bái phục.

Chú Xìn là ai?

Chú Xìn họ Lý, tên thật Bá Tân. Tuy còn trẻ, Lý Bá Tân đã lẫy lừng về quyền cước lẫn binh khí. Món sở trường đệ nhất của y, như chúng ta đã rõ, chính là kích. Có lần y đơn kích độc mã lọt vào ổ mai phục của quân Cờ Vàng. Một mình Lý tả xung hữu đột, sát thương hai chục mạng. Rồi Lý vừa khơi khơi thả nước kiệu, vừa tì tì uống rượu, ung dung trở về đại bản doanh.

Từ tấm bé, Lý Bá Tân sớm được huấn luyện Cương quyền - một trong tám thể phái của Thiếu Lâm ngoại gia. Lý tỏ rõ năng khiếu bẩm sinh về võ nghệ: học đâu nhớ đấy, tiến bộ lẹ làng. Sau đó, cơ duyên run rủi thế nào, Bá Tân được một cao đồ Nga My thu nạp. Cao đồ kia đưa Lý lên tận ngọn Thảo Miên, một đỉnh núi thiên niên tuyết phủ, truyền dạy cho những tuyệt kỹ suốt nhiều năm ròng.

Cao đồ Nga My đột ngột mệnh vong. Lý tìm đến vị lão tăng chuyên thâm kích thuật trụ trì ngôi sơn tự gần đó để xin thọ giáo. Rồi Lý hạ san, không hiểu vì nguyên nhân gì.

Ngay sau khi xuống núi, Lý Bá Tân xuất hiện giang hồ với lắm chiêu thức đặc dị khiến nhiều danh thủ võ lâm xanh mắt, tím mặt. Tiếng tăm họ Lý vụt nổi như cồn. Lưu Vĩnh Phúc nghe danh, mến tài, chờ dịp thích hợp nhằm thu dụng Lý.

Bá Tân liều lĩnh, nát rượu, nát cả đàn bà. Hôm nọ, ngồi trong tửu điếm cạnh hồ Động Đình, phía Bắc tỉnh Hồ Nam, y nhìn qua cửa và nhác thấy mấy bóng hồng tha thướt. Y xồ ra, chực giở trò tục tử. Vô phúc cho Lý! Ấy là các tiểu thư "cành vàng lá ngọc", con cưng của quan tri phủ miền này. Ngay lập tức, y bị lính gông cổ tống giam ngục thất. Nhân cơ hội đó, Lưu Vĩnh Phúc sai em út đem kim ngân đến phủ đường xin chuộc Lý ra.

Lý cảm ân cứu mạng, theo Lưu từ đấy và trở thành thuộc hạ thân tín số 1 của thủ lĩnh Cờ Đen. Lưu đi đâu, Lý theo kề, vừa làm một gia tướng đắc dụng, vừa làm một vệ sĩ trung thành.

Sang càn quấy nước Nam, đảng Cờ Đen phô lực thị uy bằng muôn kiểu, trong đó có biện pháp lập võ đài cho Lý biểu diễn. Lắm lần, Bá Tân cao giọng thách đấu, song chưa thấy một ai ở xứ này đăng đài. Lý vốn kiêu ngạo, được trớn càng vênh váo coi đời chưa bằng nửa cọng rau má!

Người Việt gọi Bá Tân là "chú Xìn". Chưa rõ vì sao, nhưng gọi mãi thành quen. "Chú Xìn" trở thành cái tên thứ hai của Lý. Lưu chủ soái cũng gọi y là "chú Xìn" mỗi khi chuyện trò bằng tiếng Việt.

Lần này, tại nước Nam, đối thủ của chú Xìn đã xuất hiện. Ấy là cô gái trẻ trung, xinh xắn và mảnh dẻ, lại là người vừa hầu rượu y trong bữa tiệc. Điều đó khiến y giật mình kinh ngạc. Đưa tay dụi mắt lươn, y thốt lên:

- Ủa! Hoá ra cô em?

Thiếu nữ gật đầu, cười tươi:

- Vâng, em đây ạ.

Người nữ hầu của dinh Khâm sai đứng hơi nghiêng mình trong một tư thế rất hay. Hai bàn tay nàng xoè ra, bắt chéo, che ngang mặt. Tay trái áp trước tay phải, lòng bàn tay quay vào trong. Kiểu chào khí lạ!

Nhìn nàng, chẳng thấy toát vẻ gì chứng tỏ trang võ khách. Nom nàng vẫn duyên dáng, dịu dàng, lại còn chút gì đó có thể nói là ẻo lả nữa. Vẫn như cánh chim câu, như cành dương tơ non giữa tiết Nguyên tiêu.

Không riêng chú Xìn, tất cả mọi người ở dinh Khâm sai Bắc Hà đều bất ngờ. Tiết chế quân vụ Hoàng Kế Viêm nhíu mày, lẩm bẩm:

- Chẳng lường! Chẳng lường!

Lưu Vĩnh Phúc thấy không khí khác lạ, liền buông bàn đèn và rời sập gụ, chạy ra xem. Cũng như gã tuỳ tùng tâm phúc của mình, chủ tướng Cờ Đen nhăn mặt bật một tiếng rõ to:

- Ủa!

Sau phút ngỡ ngàng, chú Xìn định lại thần khí. Y quan sát đối phương từ đầu xuống chân, từ chân lên đầu, rồi tập trung nhãn lực chiếu thẳng vào đôi mắt lá răm của thiếu nữ:

- Ừm... Ừm... Cô em liều gan thử sức ta hử?

Luôn giữ nụ cười chúm chím trên môi, nàng đáp:

- Đâu dám, thưa tôn huynh. Chẳng qua, nghe tôn huynh khuyến khích đầy nhã ý, nên tiện nữ này dẫu biết mình tài hèn sức mọn vẫn gắng xin mạo muội... Trước, nhằm mua vui cho đại yến khai xuân. Kế tiếp lại được lĩnh hội dăm ba trong vạn ức sở học cao cường của bậc danh sư. Nếu có gì lỗi phép, những mong tôn huynh hải hà tha thứ và hoan hỷ chỉ giáo cho. Tiện nữ xin muôn phần đa tạ.

Chú Xìn đuỗn mặt trước lời thưa tiếng gửi khá "văn hoa" của cô bé hầu rượu. Y cộc lốc:

- Hảo lớ!

Tự nhận ra bộ tịch mình kệch cỡm, y bèn che đậy bằng cách ngước mắt lên rồi ngoác mồm cười:

- Hố hố... hố hố hố...

Chẳng đặng đừng, quan Tổng đốc lệnh cho quân tạp dịch quét dọn sân dinh.

Đấu trường hình thành.

Vân vê nhúm râu "quý tướng" bên mang tai, chú Xìn hỏi:

- A lầy... Cô em thích hợp khí cụ gì nhất? Kiếm? Đao? Thương? Chuỳ? Tam cổ xoa? Hãy tuỳ nghi chọn lựa.

Yểu điệu thục nữ vẫn lễ phép:

- Nghề cung kiếm, phận liễu đào nào am tường gì lắm. Thuở còn ở làng quê, thi thoảng tiện nữ có vác gậy vác sào nghịch đùa cùng chúng bạn. Vậy xin tôn huynh cho phép tiện nữ được sử dụng thanh côn.

- Trường côn?

- Vâng.

- Hảo lớ!

Tiết chế quân vụ họ Hoàng sai lính hầu cận đưa nàng một thanh trường côn. Lưu Vĩnh Phúc khoái chí, bước xuống tam cấp, trỗi giọng sang sảng:

- Hảo! Hảo a! Nữ nhi như cô nương xứng đáng liệt liệt oanh oanh. Can trường lắm. Khí phách lắm. Ta khá khen.

Đến đứng giữa hai đối thủ, thủ lĩnh đảng Cờ Đen gật gù:

- Hãy mạnh dạn giao đấu, nữ hiệp ạ. Nói thật, chú Xìn đây là mãnh tướng chưa chiến bại bao giờ. Nhưng chả sao, cô nương chớ e sợ. Lý quân sẽ nương tay với người đẹp ấy mà.

Quay sang Bá Tân, họ Lưu hấp háy mắt:

- Cốt để các em ở đây còn non nớt võ nghệ có cơ hội học thêm thôi, phải không hả chú Xìn?

Lính hầu khuân ra tiền sảnh một ít ghế cho quan Tổng đốc, tân Đô đốc và vài chức sắc ngồi. Những người còn lại đứng chen chúc dọc hàng hiên, nơi có các chậu hoa bày xen cách đều nhau trên dãy đôn sứ.

Tiết chế quân vụ Hoàng Kế Viêm phất tay: ba hồi chiêng trống đổ dồn.

Khán giả đang xì xầm bàn tán thì ngay tức khắc, không ai bảo ai, vội im bặt nhằm theo dõi từng cử động của hai đấu sĩ.

Một nam Hán cao thủ và một nữ Việt võ sinh đĩnh đạc bước ra giữa đấu trường. Cả hai chắp tay thi lễ quan khách rồi hướng vào nhau.

Chú Xìn hất hàm:

- Trước khi giao đấu, ta muốn biết đôi điều về cô em.

Thiếu nữ khẽ khàng:

- Điều gì, thưa tôn huynh?

- Chẳng hay cô em tên họ là chi? Quê quán ở đâu? Theo đòi võ nghệ đã bao lâu? Thuộc môn phái nào?

- Hai câu hỏi đầu, tiện nữ xin phép khất lại. Còn hai câu vấn sau, thưa tôn huynh, cũng hơi... hơi... khó đáp.

- Sao thế hử?

- Bởi tiện nữ đã thưa rằng bản thân chẳng am tường côn quyền mấy. Phận gái chỉ chú tâm trau dồi công, dung, ngôn, hạnh. Trước khi vào hầu trong dinh Khâm sai, tiện nữ có theo phụ thân học thêm Nam y Nam dược, chứ thời gian tập tành đòn thế nào được bao lăm. Còn môn phái ư? Quả tình nói ra cũng được, chỉ e tôn huynh chê rằng chưa có tiếng tăm gì trong làng võ.

- Cứ nói. Chả sao. Thế danh hiệu môn phái là gì?

- Thưa, Ngọc Điểm ạ.

Ngọc Điểm à? Lạ hoắc! Ngọc Điểm là cái gì nhỉ? Danh thủ Lý Bá Tân mới biết tên này lần đầu. Chỉ nghe đồn nước Nam có một số võ phái mang bản sắc địa phương rất đặc sắc, như Tây Sơn phái ở Bình Định, nhưng y chưa lần nào gặp môn đồ phái Tây Sơn. Y định bụng sẽ vào Đàng Trong để xem thực hư, song chưa gặp dịp. Còn Ngọc Điểm, phải chăng là một võ phái bí truyền của dân Giao Chỉ? Ừm... Để coi đường công nước thủ của nó ra sao!

Tổng đốc trọng thần phất tay áo thụng lần nữa.

Phèng! Pheèng! Phe...eèè... èèèng...

Ba tiếng chiêng đồng rền vang: trận đấu bắt đầu.

(12) Tức vua Tự Đức.

(13) Ngày 5-6-1862, tại Sài Gòn, phái đoàn triều đình Huế do Phan Thanh Giản làm chánh sứ cùng Lâm Duy Hiệp làm phó sứ đã ký "Hiệp ước hoà bình và hữu nghị" với Pháp do thiếu tướng hải quân Bonard đại diện và Tây Ban Nha do đại tá Guttierez đại diện. Đã được vua Napoléon III phê chuẩn tháng 3-1863 và vua Tự Đức phê chuẩn vào tháng 4-1863, hiệp ước đó quy định: ba tỉnh Gia Định, Định Tường, Biên Hoà và hải đảo Côn Lôn thuộc chủ quyền Pháp.

(14) Đây là loạt sự kiện xảy ra dồn dập vào hạ tuần tháng 6-1867. Ngày 20, Pháp đánh chiếm Vĩnh Long. Ngày 22, Pháp chiếm thành Châu Đốc thuộc tỉnh An Giang. Ngày 24, Pháp chiếm tỉnh thành Hà Tiên. Ngày 25, thiếu tướng hải quân Bonard làm Tổng chỉ huy quân đội viễn chinh Pháp tại Nam Kỳ tuyên bố: toàn bộ "Nam Kỳ lục tỉnh" do Pháp quản lý trực tiếp.

(15) Tam Đường gồm Quang Nghĩa Đường, Đức Thắng Đường và Lục Thắng Đường.

Chú Xìn huơ huơ kích, dẫm từng bước nặng trịch rảo tròn quanh người thục nữ. Cô gái vẫn bình thản chống trường côn song song với châu thân, kiểu đứng không giống bất kỳ bộ tấn nào thường gặp. Mắt nàng bám sát sự di chuyển của đối phương.

Khép một vòng bao, chú Xìn thình thịch quay ngược lại, vừa bước vừa nói ồm ồm:

- Bông đùa với cô em dăm hiệp, sau đó mời vài nam sinh ra chọi mới đã.

Chú Xìn dừng phắt lại, rùng chảo mã tấn, chĩa kích lăm lăm:

- Đỡ!

Cùng với tiếng thét, y nhoài người đâm thẳng mũi kích vào bầu ngực cô gái. Một động tác thăm dò khai cục. Thiếu nữ bình tĩnh thoái nửa bộ, nhẹ nhàng lách mình tránh đòn. Nụ cười hàm tiếu của nàng vẫn tươi thắm trên môi son.

Chú Xìn phóng tiếp những mũi kích, mũi sau nhanh hơn mũi trước. Cánh chim câu vừa thụt lùi vừa né tránh, chẳng chút khó khăn.

- Hảo lớ!

Chú Xìn buông lời khen, đoạn trở bộ. Cây kích trong tay y ngoáy tít tợ bướm vờn. Cánh bướm vụt biến thành mãng xà. Rắn dữ lồng lên, chồm tới, mổ vào yết hầu người con gái. Thiếu nữ buông côn. Hai tay nàng xếp chéo chữ thập. Gọng kìm thập tự thủ kẹp dính chặt cổ con rắn dữ, và giật lui thật mạnh. Suýt tí nữa chú Xìn bị tước mất vũ khí.

- Quái chiêu!

Chú Xìn giật mình, thốt lên thế. Trong lúc Lý cao thủ còn ngỡ ngàng vì phản thế "không thủ đoạt kích" khá lạ lẫm, cô gái đã dạt ra xa. Kết hợp với thoái bộ, tay nàng đón bắt một đầu côn khi nó chưa chạm nền gạch.

- Chiêu thức gì vậy, cô em?

- Đoạt sóc Chương Dương độ (16), thưa tôn huynh.

Ngọn kích của Lý Bá Tân chững giây lát rồi lại rít lên, lao vào đối thủ. Mãng xà phen này hoá ác điểu. Con chim hung tợn vần vũ trên cao, bất chợt bổ nhào xuống, táo tợn quắp ngay đôi mắt lá răm.

- Đoạt tiếp này!

Nhanh như cắt, thiếu nữ ngồi thụp xuống, nâng ngang thanh côn lên quá đầu. Cốp. Hai binh khí chạm nhau, nẩy âm thanh thật đanh.

Lợi dụng thế thượng phong, chú Xìn tung người nhảy vào, lia chéo mũi kích từ trên xuống.

Thiếu nữ thoắt gập người như con cuốn chiếu, lăn tròn sang một bên và bật ngồi ngay dậy, vung trường côn quét thấp một vòng. Vút. Nếu họ Lý không kịp co giò, cẳng chân y bị chấn thương là chắc chắn.

- Hảo lớ!

Chân chú Xìn vừa co liền duỗi bung ra. Y phóng cú đá này tiếp ngay cú đá khác. Nối theo những miếng cước liên hoàn là hàng loạt mũi kích xẹt kèm hỗ trợ.

Gã giang hồ thiện chiến liên tiếp mở các đợt tiến công. Đợt nào cũng rát. Y luôn thay đổi phương cách chiến đấu. Đòn thế cũng biến hoá theo rất ư nhuần nhuyễn và khốc liệt. Lan. Nã. Cung. Điểm. Băng. Khiêu. Bạt. Cây kích sở trường loang loáng trong nắng mới, khi là mảng xà, lúc là ác điểu, trước thành mãnh hổ, sau hoá cuồng long, ạt ào phong toả cành liễu gầy.

Thiếu nữ giao tranh với phong thái tự tin. Vô vàn khéo léo, nàng luồn tránh hoặc cản phá những mũi kích, những đường cước. Nàng xuất thủ nhanh nhạy, sắc bén, vững vàng. Nhưng sao nàng chọn đấu pháp thiên về phòng ngự? Mọi người đều nhận thấy rõ thiếu nữ chưa phát huy tối đa hiệu năng của món khí cụ trong tay. Nàng mới sử dụng thân pháp linh động, vi diệu, "sắc sắc không không", để liên tiếp vô hiệu hoá tất cả các đợt tấn công vũ bão của gã hộ pháp.

Kìa trông, cô gái trẻ trung dùng tay kẹp trường côn, đang dịch bên phải liền chuyển sang phía trái. Nàng chợt ngã oạch xuống, uốn trườn sát đất như con giun, rồi vo người lăn lông lốc hệt quả cầu, xong vụt búng người đứng phắt dậy tương tự châu chấu. Nàng múa, lượn, lướt, khêu, đánh bạt mấy nhát kích của chú Xìn. Vừa khoa vũ khí, nàng vừa phông phốc nhảy các bước theo đồ hình chữ chi, đoạn tung mình phóng cao vài trượng. Thân hình xinh xắn mảnh mai ấy cùng thanh trường côn vẽ nên những đường kỷ hà trên không, nhoáng sà xuống nhẹ tênh tợ cánh chim yến, đáp sau lưng đối thủ một quãng ngắn. Tuyệt diệu thay! Trình độ nhu cốt công, siêu cự công, khinh thân công đạt đến tầm cỡ như vậy phải nói là siêu phàm. Mềm khác chi bún. Nhẹ khác chi bấc. Uyển chuyển khác chi loan phượng. Mỹ lệ khác chi cẩm thượng thiêm hoa (17).

Lý Bá Tân bàng hoàng. Đôi mắt từng trải của y quả không tiên đoán nổi cành dương kia mảnh dẻ thế, đan thanh thế, lại tiềm ẩn một võ công trác tuyệt. Bao chiêu thức y xuất ra, quất vào nàng, quật xuống nàng, bổ ngang nàng, đều bị hoá giải khoẻ khoắn làm sao, dễ dàng làm sao. Tưởng chừng nàng ngắt đoá hướng dương. Tưởng chừng nàng nhai lê nhai táo.

Đòn thế Ngọc Điểm phái là thế chăng? Thoắt ẩn, thoắt hiện. Nửa thật, nửa đùa. Dường vọc nước giỡn trăng nhưng cực kỳ tinh xác, lợi hại, biến ảo khôn lường.

Chú Xìn thầm nghĩ: Ngọc Điểm có nét gì tương cận "Bát Tuý Tiên" của Trung Nguyên không? Ừm... Võ công thiên hạ xuất Thiếu Lâm. Ngọc Điểm phái phải chăng là một chi nhánh phát xuất từ Tung Sơn Tự? Hay đây thuần tuý là một biệt phái độc đáo độc lập khởi nguyên ngay tại nước Nam?

Bá Tân thử điểm những bài bản côn thuật mà y từng kinh qua ôn luyện để so sánh. Thiếu Lâm côn. Mai Hoa côn. Phong Hoả côn. Tề Mi côn. Bàng Long côn. Dạ Xoa côn. Lục Hợp côn. Dương - Âm Thủ côn. Ngũ Hổ Lạc Dương côn. Ồ! Khác nhiều lắm!

Vậy thực chất, Ngọc Điểm phái là gì? Tinh hoa tinh tuý của phái Ngọc Điểm sẽ còn như thế nào nữa?

Cao nhân tắc hữu cao nhân trị. Phen này, đệ nhất danh thủ của đảng Cờ Đen bẽ mặt mất thôi! Tiếng tăm lừng lẫy võ giới nhiều năm của y há lẽ bị bôi xoá chóng vánh bởi một ả hầu rượu An Nam? Nếu vậy thì, chao ôi, thảm thê quá, đê nhục quá! Chú Xìn lắc đầu, toát cả mồ hôi hột. Hừ... Không thể! Không thể thế được! Hạ gục Lý Bá Tân đâu phải chuyện đơn giản, cô bé dễ thương ơi!

Tức khí bắt đầu xông toả rần rần khắp người họ Lý. Y hít hơi thật đẫy, nén xuống đan điền, chuẩn bị trổ đòn ruột cực kỳ hiểm hóc nhằm kết thúc nhanh gọn cuộc chiến.

Chú Xìn gằn giọng:

- Tả!

Đường kích lại vun vút như tuyết sa hoa rụng. Mũi kích lại phóng tua tủa chẳng khác phi tiêu. Dương đông. Kích tây. Lật. Xoay. Đâm. Xỉa. Xẹt bên tả. Xả bên hữu. Những yếu huyệt trên hình hài thiếu nữ chính là loạt mục tiêu đột phá.

Thiếu-nữ-cành-dương thoáng phân vân trước các ngón đòn kết hợp nhiều yếu tố dị thường và ác nghiệt. Nàng lúng túng gạt đỡ. Cốp. Cốp. Cốp. Nữ đấu sĩ nao núng, lùi dần, lùi dần.

Xoẹ...oẹ...ẹt...

Thôi rồi! Nàng lãnh một nhát chí mạng?

Chưa. May quá, mũi kích chỉ xé toạc một mảnh áo, để lộ dưới nắng xuân bờ vai trắng muốt.

Thừa thắng, xông lên, gã lục lâm tăng đòn công hãm. Thiếu nữ bị dồn vào góc sân. Đôi chân Lý vận động liên tục, phóc qua trái, phóc qua phải, vây chặt đối phương. Nom chú Xìn bây giờ cứ như Tôn Ngộ Không. Y vận dụng Tề Thiên Đại Thánh hầu kích hả? Cây kích lợi hại bỗng trở thành thiết bản, nhằm người thiếu nữ mà liên tiếp phang ngang, phạng ngược, xốc xỉa, đâm chọc ngoáy.

Đang nhảy loi choi như khỉ, chú Xìn chợt đứng khựng lại, co hẳn một giò như gà. Trong tư thế "kim kê độc lập" ấy, y vờn nhử dăm mũi kích sắc lẻm ở tầm cao, rồi trườn nhanh vào sém nhập nội. Vụt hạ xà tấn sát nền gạch, y lẹ làng chuyển từ đòn hư qua đòn thật.

Ngọn kích hệt ánh chớp, thọc ngược từ dưới lên trên, đồng thời với tiếng hét vang rền như sét giáng:

- Sá... á... át!!!

Độc chiêu! Miếng hiểm cuối cùng của bậc cao thủ đã phóng thẳng vào chấn thuỷ của đối phương. Tất cả khí lực của y cũng tung ra theo tiếng hét. Tất cả tinh thần y cũng phóng chiếu vào một niềm tin đinh đóng: kết-liễu-địch-thủ-ngay-tức-khắc! Con nhãi ranh phải đổ kềnh! Tàn cục! Hố hố... hố hố hố...

Khán giả ai nấy đều nín thở gần muốn ngạt. Đến âm thanh vo ve của bầy ong bay lượn kiếm mật bên những chậu hoa, người ta cũng nghe rõ mồn một.

Đòn ruột của Lý phải chăng biến thể từ tinh tuý bảo truyền trong Phương Thiên Hoạ kích của Lữ Phụng Tiên, tục gọi Lã Bố, kẻ từng hí Điêu Thuyền làm bầm gan Đổng Trác?

- Gi... ế... ết!!!

Tiếng thét thứ hai vang lên bằng giọng kim lanh lãnh.

- Aááàaa...

Ai tinh mắt lắm cũng chỉ thấy một chiếc bóng vọt thẳng lên cao tợ pháo thăng thiên. Và trong nhấp nháy phi thân đó, thanh trường côn quật thẳng xuống bằng nội lực thâm hậu tương đương vạn cân búa bổ.

Lý Bá Tân buông kích.

Toàn thân y rơi phịch như sung rụng.

"Aááàaa..." chính là thanh âm tuyệt mệnh của y.

Trận đấu kết thúc, thua thắng phân minh, đúng vào chính ngọ.

Trên nền gạch Bát Tràng, chú Xìn nằm sóng sượt, xác còn giãy đành đạch. Đỉnh sọ y nẻ toang hoác một hốc lớn. Máu với óc của kẻ chiến bại phọt ra, hoà trộn vào nhau và tuôn lênh láng thành vũng bầy nhầy, trông gớm chết!

Quan đại thần triều Nguyễn hoảng kinh. Các chứng nhân khác cũng khiếp vía. Theo dõi cảnh quá ư ghê rợn, mấy tiểu thư khuê các lăn đùng ra ngất xỉu.

Riêng tân Đô đốc sau phút bàng hoàng liền gượng trấn tỉnh:

- Tử sinh khi giác đấu là điều bình thường. Võ đài mà. Công nhận nữ hiệp tài cao. Tài quá cao!

Nhanh trí, họ Lưu chữa thẹn:

- Vả, gia tướng của ngộ vừa sốt ngã nước mới dậy, đã kịp phục hồi đâu!

Lưu Vĩnh Phúc dằn lòng song không kìm nổi tiếng thở dài áo não:

- Chậc... Tội nghiệp chú Xìn!

Còn người đại thắng thì sao?

Nàng đứng đó, khép nép ở góc sân, một tay níu che vạt áo bị đâm rách, tay kia kẹp trường côn vào sát thân mình. Đôi mắt lá răm chơm chớp, vừa ngại ngần, vừa xót thương, vừa e lệ. Môi son vẫn chúm chím. Nụ cười hàm tiếu dường kém tươi sau trận cuồng phong.

(16) Câu đầu trong bài thơ Tụng giá hoàn kinh sư (Phò giá về kinh) của Trần Quang Khải, một tướng tài của vương triều Trần, được dùng làm lời "thiệu". Nghĩa: Đoạt giáo giặc ở bến Chương Dương.

(17) Cẩm thượng thiêm hoa: thêu thêm bông ba lên gấm vóc.

Còn nữa...

.

__________________________________________________________________________________________________________

.

Phần 3

Tác giả: Phanxipang

Trận huyết đấu quỷ khốc thần sầu vào đầu xuân Nhâm Tuất 1872 ngay tại dinh Khâm sai Bắc thành đích thực sự kiện nếu tiết lộ ắt làm chấn động lòng người, nhất là võ giới gần xa. Nhưng như vậy thì ảnh hưởng không tốt đối với mối giao hảo giữa triều đình Phú Xuân và đảng Cờ Đen, bất lợi cho kế hoạch nước ta tranh thủ tăng cường lực lượng bảo vệ Bắc Hà trước nguy cơ xâm lấn của bè lũ Phú Lãng Sa (18).

Tổng đốc đại thần Hoàng Kế Viêm đã khéo léo dàn xếp êm thắm nội vụ. Mật lệnh: nghiêm cấm tường thuật, phẩm bình và mọi hình thức thông báo khác về cuộc tỉ thí. Bất kỳ kẻ nào, trong dinh lẫn ngoài phố, nếu vi phạm nghiêm lệnh đều phải hứng chịu hình phạt khắt khe.

Thi thể chú Xìn được chôn cất tử tế và kín đáo. Gã lục lâm võ nghệ cao cường lại trở về rừng xanh núi thẳm mà nằm ngậm hận dưới mồ yên mả đẹp.

Thế số phận của cành dương đại thắng?

Chẳng ai hay biết gì cả.

Một cách vô cùng bí mật, nữ hiệp kỳ tài đột ngột biến khỏi dinh Khâm sai. Vì lý do quốc sự, ngay cả tên nàng cũng không người nào được phép nhắc nhở.

Rất lâu sau trận thư hùng đẫm máu ấy, sau cả nạn cố Thuận An lịch sử (19), có thiếu phụ vóc dáng hao gầy, một thân một mình lưu lạc đến xin tá túc tại làng Ngừ - ngôi làng chài hẻo lánh và thưa thớt cư dân ở ven biển miền Trung.

Hình như đó là một ngày thu ảm đạm, trời đã chuyển sang tiết Xử thử? Phải rồi. Hôm ấy, mưa Ngâu rắc hạt sụt sùi, sóng cồn bao đợt bạc đầu, bể động.

Ngư dân làng Ngừ vui lòng đón nhận người phụ nữ tứ cố vô thân nọ. Hơn nữa, bà ta biết nghề thuốc thang chữa bệnh, một nhu cầu thiết yếu mà vùng này rất cần.

Tuy sinh hoạt đạm bạc, song thiếu phụ vẫn toát phong thái cao sang mang cốt cách quý tộc. Một công chúa trong nội bị đày ra bách tính? Một cung phi bị thất sủng? Hay một kỳ nhân muốn dấu mình? Chẳng rõ. Cũng chẳng biết bà ta có tên họ là chi. Dân làng Ngừ lấy nghề nghiệp của thiếu phụ để gọi thành tên:

- Mệ Lang (20).

Tên này về sau nghe càng phù hợp.

Mệ Lang dựng liếp tranh nho nhỏ núp dưới bóng dừa, khuất sau dãy độộng (21) cát cuối làng Ngừ. Từ ấy, mệ trở thành lương y ở địa phương. Nghề bắt mạch bốc thuốc đủ giúp thiếu phụ sinh nhai trong sự kính mến của mọi người chung quanh.

Mệ Lang tính tình trầm lặng, đặc biệt yêu thích bông hoa. Sau những chuyến băng rừng lội thác để tìm dược liệu, mệ không quên gùi về nhiều giống hoa đẹp, lạ. Bên mái tranh nghèo, cạnh vườn cây thuốc, là các luống hoa. Còn trước sân, một giàn tre - dân ở đây quen gọi rạp - treo lủng lẳng bao nhiêu giò phong lan. Theo thời gian, lan ngày càng nhiều, rạp được cơi rộng thêm. Giò này tiếp giò kia gối nhau phơi sắc khoe hương suốt bốn mùa. Nào trắng. Nào vàng. Nào đỏ. Nào tím. Nào nhuốm xanh. Nào phơn phớt hồng. Bao nhiêu màu rực lên với nhiều sắc độ, trông thật thích. Dân làng muốn ngắm hoa, cứ đến. Mệ Lang đều đón tiếp ân cần và giới thiệu rành rọt với cách nói địa phương:

- Cây ni là lan Đuôi chồn.

- Giò nớ là lan Lọng.

- Lan Hoàng điệp đây nì. Ngó bông hoa, thấy in những cánh bướm vàng nhỏ xíu, hí?

Chà, phong lan sao mà lắm giống, lắm loài (22). Đại hồ điệp. Trung hồ điệp. Tiểu hồ điệp. Hàm long. Hổ bì. Hoàng thảo. Thanh đạm. Vân đa. Giáng hương. Ý thảo. Song thái. Song túc. Thạch hộc. Trân châu. Kim vinh. Khúc thần. Bạch câu. Bạch hạc. Tóc tiên. Nhì nhằng phức tạp quá, vậy mà mệ Lang rõ loại rành tên.

Ngoài việc y dược, hầu như mệ Lang dành đa số thời gian cho việc chăm sóc, tưới tắm và say mê tìm kiếm các giống lan mới. Mấy bô lão làng Ngừ kháo với nhau:

- Miềng chọn mặt đặt tên, nỏ trật. Kêu là mệ Lan, nghe hợp quá hè?

Trong các loại lan, Nghinh xuân được mệ Lang quý nhất. Ấy là giống phong lan thường trổ từng chuỗi hoa trăng trắng điểm tim tím và thoang thoảng hương thơm mỗi dịp xuân về, Tết tới.

Lan Nghinh xuân còn tên gọi khác: Ngọc điểm (23).

Bước vào bên trong chái tranh, mọi người sẽ thấy một khúc gốc lồ ô già có đôi đại tự lõm vào theo lối tiểu triện:

NGỌC ĐIỂM

Khúc lồ ô ấy do chính mệ Lang khắc trổ khá sắc sảo rồi treo lên tấm phên vách giữa nhà y hệt một bài vị. Mệ xông trầm, dâng hương, đơm cúng hoa quả thường xuyên.

Đời Tống, tại đất nước Trung Hoa, thi sĩ Lục Du say hoa hải đường. Chưa rõ họ Lục say như thế nào, chứ thấy mệ Lan trọng phong lan, đặc biệt là lan Ngọc điểm, đến độ này thì ai ai cũng phải tấm tắc:

- Cổ lai hy!

Thực ra, với mệ Lang, Ngọc điểm đâu chỉ là tên một loài phong lan. Và ngoài thuốc, ngoài hoa, mệ Lang còn say mê chuyện khác song chưa tiện công khai bộc lộ.

Vào một đêm rằm mùa hạ, mấy đứa trẻ con kéo nhau tới cuối làng để đùa nghịch. Chúng bất chợt trông thấy giữa trảng cát trắng phau đằng sau dãy độộng, một bóng đen nhảy nhót múa vờn dưới ánh trăng.

Một đứa khẽ thốt lên:

- Mệ Lang!

Lũ trẻ im lìm theo dõi. Mệ Lang vận tuyền huyền y, hai thanh kiếm trong tay vung chớp loang loáng. Tựa cánh bướm đen, thân hình mệ vờn bên này, lượn bên kia, bổng lên, sà xuống, mọi thao tác đều rất đỗi nhẹ nhàng. Song kiếm hoặc thay nhau hoặc đồng thời chém ngang, phạt dọc, bổ chéo, toả bao đạo quang chói ngời trong đêm nguyệt bạch. Hai phiến kim loại kia có khi như đôi ngòi bút lông thỏ mềm mại quệt nghiên-mực-trăng để viết lên không gian đôi dòng hoan hỷ thiếp rồng bay phượng múa, lại có khi rẽ xoè những vầng nan quạt như góp thêm dăm làn hơi mát vào gió biển khuya.

Mấy đứa bé lắng tai nghe mệ Lang ngâm nga:

... Kiếm hành: cá lội, én bay,

Kiếm đâm: đinh đóng vào cây gỗ rừng.

Kiếm ngưng: sóng lặng, gió ngừng,

Kiếm thu: hoa nở búp xuân dịu dàng...

Trong trảng cát còn hai bóng đen khác nữa. Cả đôi đều đứng vòng tay kính cẩn, chăm chú dõi theo từng động tác của mệ Lang. Ai thế?

Bọn trẻ nhận ra ngay: đó là hai thanh niên ở làng Ngừ bấy lâu nay được mệ Lang dạy nghề Nam y Nam dược.

- A! Hoá ra người thiếu phụ mình hạc xương mai ấy không chỉ là một bà lang chuyên bắt mạch, kê toa, bốc thuốc, mà còn là một nữ võ sư tài giỏi ẩn tích mai danh!

Nội nhật mai lại, cả làng Ngừ đều xôn xao.

Thì ra, lâu nay mệ Lang kín đáo rèn cặp cho hai đệ tử kia những bộ, những đòn, những thế, những bài thảo tay trần và binh khí. Và riêng bản thân mệ Lang thì hằng đêm đều tự luyện một cách công phu - trời quang mây tạnh thì trong trảng, trên độộng hoặc ngoài bãi bể; mưa gió thì ngay trong chái tranh. Thế mà chẳng ai hay biết gì sất!

Thì ra, khúc lồ ô với hai chữ triện mà mệ Lang tôn thờ còn mang ý nghĩa khác. Dân làng Ngừ hồi tưởng: hằng năm, cứ đến 30 tháng chạp, mệ đều trân trọng dán lên phên vách, ở hai bên bài vị, cặp giấy hồng điều song song như câu đối Tết.

Mảnh này ghi: Dĩ quả địch chúng.

Mảnh kia viết: Dĩ nhược thắng cường (24).

Có năm, chữ chạy lối chân. Ngay ngắn. Vuông vắn. Đĩnh đạc.

Có năm, chữ phóng kiểu thảo, mô phỏng bút thiếp Tô Đình. Bay bướm. Linh hoạt. Hoa mỹ.

Thảo hay chân, năm nào cũng đôi câu đó. Không hơn. Không kém.

Ấy là những dòng trích từ Bình Ngô đại cáo, áng thiên cổ hùng văn của Ức Trai đại phu.

Ấy cũng là yếu lĩnh võ học, nhất là các hệ phái Á Đông, xuất phát từ nguyên lý Đại Đạo: Dĩ nhu chế cương.

Ngư dân làng Ngừ còn nhớ thêm chi tiết này nữa. Cứ đúng dịp Nguyên tiêu, mệ Lang đều làm hai mâm cơm rượu. Một mâm đơm trong nhà, ngay bên bài vị. Một mâm cúng ngoài sân, phía trước giàn lan. Mệ thắp nhang, xông trầm, rồi trịnh trọng gỡ cặp giấy hồng điều đem xuống đốt. Nghi thức này đều đặn diễn ra vào trưa rằm tháng giêng hằng năm.

Trong khi dân làng Ngừ xì xầm bàn tán nhiều điều về mệ Lang thì mệ đã lẳng lặng ra đi. Mệ rời địa phương bất ngờ và nhẹ nhàng tương tự khi mệ đến. Lai vô ảnh. Khứ vô hình.

Hai đệ tử của mệ Lang cũng âm thầm biến khỏi làng Ngừ.

(18) Đảng Cờ Đen dần càng gắn bó chặt chẽ với quân đội triều Nguyễn trong công cuộc kháng Pháp. Năm 1873, Thống đốc Nam Kỳ Dupré cử đại uý hải quân Francis Garnier dẫn lính ra Bắc, mượn cớ giải quyết vụ Jean Dupuis nhằm thực hiện manh tâm xâm lược. Ngày 20-9, Pháp tấn công thành Hà Nội, bắt danh tướng Nguyễn Tri Phương. Tiếp đó, Pháp liên tục lấn chiếm nhiều tỉnh tại miền Bắc. Ngày 21-12, quân của Hoàng Kế Viêm kết hợp với quân của Lưu Vĩnh Phúc khiêu khích lính Pháp vào ô Cầu Giấy, giết chết Garnier. Thắng lợi này làm quân dân ra vô cùng phấn khởi.

(19) Ngày 20-8-1883, thực dân Pháp đánh chiếm hải cảng Thuận An, uy hiếp kinh đô Huế.

(20) "Các mệ" là từ xưng hô những người hoàng phái triều Nguyễn, bất kể trẻ hay già, nam hay nữ. "Lang" là thầy thuốc. Ngữ âm miền Trung, từ Thừa Thiên - Huế trở vào Nam, không phân biệt phụ âm cuối n với ng. Người dân khu vực này đọc "Lang" và "Lan" giống hệt nhau.

(21) Độộng là gò, đồi.

(22) Họ Phong lan (Orchidaceae) hiện đã được phân loại 750 chi với 25.000 loài trên toàn cầu. Riêng tại Việt Nam, phong lan nội địa có khoảng 140 chi với hơn 800 loài.

(23) Ngọc điểm, còn gọi Nghinh xuân, tên khoa học Rhynchostylis Blume. Đó là một chi phong lan phân bố tự nhiên từ Ấn Độ qua Malaysia đến Philippines. Chi lan Ngọc điểm tại nước ta có 3 loài: Ngọc điểm hải âu R. coelestis Rchb.f., Ngọc điểm tai trâu tức Ngọc điểm đại châu R. gigantea (Lindl.) Ridl., Ngọc điểm đuôi cáo R. retusa (L.) Blume. Nhắc đến lan Ngọc điểm, đông người thường nghĩ ngay tới loài Ngọc điểm đại châu với hoa màu trắng điểm nhiều chấm tím và toả mùi thơm dịu nhẹ.

(24) Dĩ quả địch chúng: lấy ít chống nhiều. Dĩ nhược thắng cường: đem yếu thắng mạnh.

Còn nữa...

._________________________________________________________________________________________________________

.

Hồi kết.

Tác giả: Phanxipang

111 năm sau trận sống mái nhất sinh nhất tử ở dinh Khâm sai Bắc thành.

Nục Chuối, một làng chài tại miền Đông Nam Bộ, cách làng Ngừ ở miền Trung chừng nghìn hải lý.

Thực hiện quyết định quy hoạch lại địa bàn, Uỷ ban Nhân dân địa phương ra lệnh cải táng toàn bộ khu nghĩa trang cuối làng Nục Chuối để lấy mặt bằng nhằm xây dựng xí nghiệp nuôi trồng và chế biến hải sản xuất khẩu.

Những ngôi mộ có thân quyến lo toan thì không nói làm gì. Còn những nấm mồ vô thừa nhận, hỏi phải làm thế nào? Một toán phu mai táng chuyên nghiệp được điều đến để giải quyết.

Trong những nấm mồ vô chủ ở nghĩa trang làng Nục Chuối, có một cái mà ngư dân ở đây thường gọi "mả mệ". Đó là nắm đất sè sè trong vòng tường thấp. Tường xây sơ sài bằng đá ong và vôi vữa, phơi mình qua bao tuế nguyệt nên đen xì rêu mốc.

Mả nhỏ bé nhường kia, sao lại gọi "mả mệ" kìa?

Chẳng rõ. Tên gọi này có tự đời nảo đời nao. Xưa bày, nay bắt chước, chứ chẳng ai chịu khó truy tìm xuất xứ.

Nằm ở vị trí khá riêng biệt, "mả mệ" luôn rợp mát dưới bóng râm của một cây cổ thụ. Trên cây, lắm loài thực vật tầm gửi bám đầy. Nhiều nhất là lan Nghinh xuân. Giống phong lan tuyệt diệu này do người trồng hay tự mọc nơi đây?

Cũng không biết. Chỉ biết rõ rằng mỗi độ Tết Nguyên đán, cả khối hoa khổng lồ long lanh trắng tím và thơm ngát cả vùng.

Nắm đất sè sè này ken dày cỏ lác. Phía trước có tấm bia nho nhỏ bằng đá hoa cương. Mặt bia được chạm nguệch ngoạc ba dòng, gồm chín chữ nho vẻn vẹn:

Đệ thất đại

Chưởng môn nhân

Ngọc Điểm phái.

Không khắc tục danh. Không chạm sinh quán lẫn trú quán. Chẳng ghi ngày và nơi tạ thế. Cũng chẳng đề người phụng lập.

Khi quật mả lên, người ta phát hiện quan tài chưa mục nát mà nguyên vẹn gần như mới. Lạ nhỉ? Kỳ lạ hơn là quan quách trống trơn. Xương tóc chẳng có, dẫu một mẩu bé tẹo. Đến cả chút tro tàn cũng không nốt.

Những phu mai táng kể:

- Vừa bẩy quách ra, ai nấy đều giật thót mình. Nhiều năm hành nghề nhưng chúng tôi chưa hề chứng kiến sự lạ lùng vậy bao giờ. Chả có gì trong quan tài cả. Chính xác hơn thì có một... cuộn khói. Vâng, chỉ một cuộn khói bay lên. Khói màu trắng lốm đốm tím và thoang thoảng thơm, y hệt màu với mùi lan Ngọc điểm!

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro