Chuyện những ngày đã qua - Trang Hạ

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Chuyện những ngày đã qua - Trang Hạ

Huệ lên trên khoa lĩnh giấy và nộp hồ sơ thi. Cô gặp Luận đang đứng đọc tờ thông báo dán sau cánh cửa phòng giáo vụ. Anh cười cười, khều Huệ lại:

- Sao vội thế?

- Anh nộp giấy chưa?

- Chưa, chờ Huệ mà!

- Trời đất!

Huệ kêu lên rồi đỏ mặt quay đi, bước thẳng một mạch vào văn phòng, vẫn còn nghe sau lưng tiếng cười của Luận. Sao mà đáng ghét!

Huệ dò sổ tên, thấy mình là người cuối cùng nộp hồ sơ. Thế là xong, bốn năm đại học, những buổi vui tiếp với những ngày buồn, như đi hết một con đường thì đến ngả rẽ. Những ngày tháng ấy sẽ chẳng bao giờ trở lại. Cái nơ Kiều tết cho Huệ ngày nào, giờ đây sắp thành kỷ niệm. Ngày bão, nước mưa hắt qua cửa sổ đọng lênh láng trong lớp, một mình Luận đánh vật với cái xô nhựa, tát nước giữa hai hàng ghế còn Huệ và bạn bè ngồi co chân trên bàn vừa cười đùa vừa trêu chọc. Bây giờ, sao thấy buồn vào nhớ quá... Khỏi phòng giáo vụ, nhìn quanh, Luận không còn ở đấy với tiếng cười trêu chọc nữa, Huệ thơ thẩn đi dọc theo dãi hành lang dài.

Kiều gửi xe ở cổng đi bộ vào trường. Nhìn thấy Kiều, Huệ cười hỏi:

- Sao mọi hôm thì phóng xe vào tận đây cơ mà?

- Ờ, bây giờ thì khác. Sắp đi rồi mới biết mình yêu cái trường này!

- Thì ra bốn năm qua vì bà phóng xe nhanh quá nên "yêu" không kịp, hả?

Kiều nghịch ngợm giữ lấy cái đuôi tóc của Huệ, bảo:

- Thế còn Luận thì cô để đâu?

Huệ ngạc nhiên, thấy Kiều nói một câu vui mà mặt thật buồn.

Kiều xưa nay bạt mạng, nhưng kín đáo. Cư xử như kẻ đã trải đời. Nếu nó vui buồn chỉ có Huệ biết. Có buổi học trên giảng đường nó đập bàn hát ầm ĩ, rồi thay băng nhạc ở cassette, vặn hết cỡ volume, ai cũng kêu. Buổi tối mò lên ký túc xá ngủ cùng Huệ, Kiều lại ôm lấy Huệ mà khóc, kể rằng sáng nay anh nó về nhà đòi tiền, ăn nói với cha không ra gì. Kiều đau lòng lắm. Một lúc, Kiều quay mặt vào tường ngủ rồi, Huệ vẫn còn trằn trọc...

o0o

Luận xách xô nước đá vào lớp, đi dọc theo dãy bàn dài trong tiếng nói cười ồn ào. Không có vẻ gì của một ngày chia tay. Huệ va vào anh ở góc lớp. Luận định đùa. Nhưng nhìn vào đôi mắt Huệ, anh lại quay đi.

Kiều ngồi tỉa hoa phía bên kia bàn, vây quanh cô là một nửa con gái của lớp.

- Rồi sao nữa?

- Chẳng sao cả, tớ bỏ về nhà. Ấy kìa, lượn mềm con dao đi! Hoa gì mà cứng thế này! Tớ nói thật đấy, anh ta còn đón ở cổng trường mấy lần, nhưng ai mà thèm...

Kiều chợt nhìn lên Luận, cái nhìn của cô xốn xang. Câu chuyện ngắt giữa chừng làm tụi con gái nghi ngờ và quay ra trêu chọc. Có đứa vừa bỏ đi vừa hét lên:

- Mày bịa!

- Tao không...

Thế là om sòm cả lên.

Chỉ có Huệ im lặng.

Huệ đi sang lớp bên cạnh, cố nghĩ đến cái gì đó để nước mắt khỏi trào ra. Lớp bên này trống không, bàn ghế xếp ngay ngắn như thể mọi người mới chỉ vừa rời khỏi đây trong chốc lát, sẽ quay lại ngay và hỏi Huệ một câu.

Giá như Huệ có thể trả lời được tất cả một cách dễ dàng. Huệ thấy mình lại như cái ngày của nhiều năm về trước. Cái ngày Huệ trốn xuống cái hầm trong Bách Thảo để khóc một mình. Cây lan trước sân nhà bà chặt đi, khoảng trời xanh chống chếch. Hồi ấy bà đang ốm, bố Huệ bảo chặt cây lan đi, đằng nào cũng phải chặt, sau này sẽ cất lên một căn nhà khác, kiên cố hơn, vững chắc hơn. Nói xong bố xoa tay nhìn mẹ hể hả cười, còn Huệ thì khóc, bảo bố ơi con yêu nó. Mẹ nhíu mày, bảo Huệ là đa mang và lẩn thẩn hệt như bà.

...Ngày xưa bà ngoại ngồi trong căn gác với cánh cửa mở ra cầu thang cọt kẹt có chiếc tay nắm được gọt đẽo vụng về. Nhà cũ và luôn giữ mùi cũ kỹ như mùi lá cây hoặc cỏ khô ủ trong chiếc gối của bà. Bà ngoại hay kêu mỏi lưng mỗi lúc có gió mùa. Những buổi sáng thời ấy Huệ hay tha thẩn dưới sân, ngước nhìn lên vòm cây lá xanh và lấp lánh ánh sáng, hoặc nhìn lên lan can chỗ cửa nhà bà. Lưng bà hơi còng, tóc bạc, bà nhỏ nhắn và ưa sạch sẽ như các bà cụ trong phố. Bà ngoại kể chuyện cho Huệ còn Huệ đem lời bà kể lại cho cây hoa lan mỗi lúc sang mùa. Khi bà ngoại có khách, thường là một ông cụ đội cái mũ xam xám rất buồn cười, thì Huệ đi chơi, dắt theo con Gấu sang nhà hàng xóm. Em vỗ vỗ lên đầu con Gấu rồi quay về, Huệ ẩn ra sau lưng bộ ghế nhựa ngồi nghe bà nói chuyện.

Bà ngoại mất sau đó vài năm. Khi ấy Huệ đã học đến lớp sáu. Trong đám tang, ông cụ có cái mũ xám trông buồn cười ấy run rẩy chống gậy đi sau cùng. Ông ấy đã từng là một người yêu, rồi người bạn thân thiết suốt đời bà. Huệ không chịu nổi khi nhìn thấy nước mắt của ông cứ rưng rưng mà không trào ra được. Hóa ra không phải bằng những tính toán vun vén như của bố, mà người ta sống với nhau lại bằng cái tình âm thầm mà bền chặt. Dù có khi cái tình ấy chỉ làm người ta nuối tiếc cả đời, mà chẳng bao giờ dám nói ra. Chỉ có thể rủ rỉ như bà kể cho Huệ nghe, thanh thản tựa như kể một câu chuyện của người khác chứ không phải là kể chuyện của mình. Những điều ấy mãi về sau này Huệ mới lờ mờ hiểu ra. Em có ý chờ, nhưng sau này không còn thấy ông cụ ấy quay lại nhà bà lần nào nữa.

Huệ nhớ cái cười của Kiều khi dò sổ điểm, nhớ những buổi tốc học trên thư viện, nửa chừng trốn ra ngoài, để lại chui vào một quán cà phê nào đó ngồi nhìn ánh đèn mơ màng, nghe mỗi một lời của người bạn thân thiết như cái gì đó thật cảm động. Rồi buổi học nào vắng Luận, Kiều với Huệ ngồi xịu mặt ra trách móc cái anh chàng hay cười ấy... Luận vẫn rất tốt với cả hai cô gái, nhưng rồi cũng phải khác. Huệ thấy sao bây giờ mình nghĩ khác trước đến thế. Chẳng mong ước gì, chẳng cầu xin gì.

Luận lo cho Huệ, bảo:

- Em chẳng nên lo gì nhiều. Hay là từ tuần sau mình ôn thi chung với nhau!

Luận hiền lành, tính tự tin và mạnh mẽ. Vậy mà cũng có lúc Huệ thầm hỏi liệu có đi đến đâu không, cái cảm tình dịu dàng và ngọt ngào ấy...

Kỷ vật của bà ngoại để lại là mấy thứ đồ lặt vặt cùng vài lá thư mực nhoè nhoẹt, giấy đã sờn và mục ra vì thời gian, không ai đọc được. Theo thời gian mọi thứ đều thế, cũ kỹ đi và không thể nào được như xưa. Tự nhiên Huệ muốn nói với Luận. Cô chợt muốn nói với anh một lâu, chỉ cần một câu thôi trước lúc chia tay...

o0o

Từ Sài Gòn Luật viết thư ra cho Huệ, kể về chỗ làm việc mới, kể là công việc bận rộn và trời nắng kinh khủng. "Huệ biết không ở đây trái cây nhiều ơi là nhiều!". Và hỏi thăm về Kiều, về Lanh, về lớp cũ. Chẳng có dòng nào nhắc về buổi liên hoan chia tay. Hôm ấy con trai cả lớp đều hát, rồi mới con gái ra nhảy, từng đôi va vào nhau trong cái hành lang lớp dài và đầy nắng. Nhưng hôm ấy Huệ đã không nói gì với Luận, không nói gì cả. Cô đã bắt gặp cái nhình khắc khoải buồn bã của Kiều. Nó là cô gái có bản lĩnh, nhưng khi chia tay thì chắc không ai giấu được nữa. Mà cũng có thể là Huệ đã nhầm.

Huệ đang làm cho một công ty trong thành phố. Công viếc hầu như chẳng có gì, quanh quẩn với cắt phòng lắp toàn kính, càng ngày càng thấy ngại phải bon chen. Có lúc lại nghĩ sao mình già nua đến thế, việc phải làm thì không làm được. Giá mình được vô tư như Luận hay cứng cỏi hơn một chút. Kiều đang ở một tỉnh xa, hôm đi Huệ ngăn thế nào cũng không được. Kiều dứt khoát, như thể nó đang tìm kiếm điều gì đó, tìm lấy ý nghĩa nào đó cho cuộc sống ở cái thị xã xa xôi đầy bụi và nắng kia.

Bây giờ là mùa đông. Huệ vẫn ngày ngày đến chỗ làm việc, ngồi vào bàn và mệt mỏi mong ngày chóng hết. Thảng hoặc cũng có lúc Huệ nhìn qua cửa kính, qua mấy cành phượng xanh um lá mà nhớ một ngày vui đã qua, nhớ những bạn bè đã lâu không còn gặp. Mà cũng chẳng biết đến bao giờ mới gặp lại.

Đến ngày đó, biết đâu cả Huệ và Kiều và Luận với bạn bè vẫn không đủ can đảm để nói rằng...

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro