Tra tấn - Unknow

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Tra tấn - Unknown

Lần đầu tiên gặp người đó, tôi đã cảm thấy y có vẻ khác thường.

Nói chung, ta hay thấy lạ về một người bởi vẻ ngoài đặc biệt hoặc hành động trái thói của y. Nhưng người này khác thường không phải vì hai điểm trên, mà vì nguyên nhân khác.

Nguyên nhân gì?

Có lẽ tôi nên bắt đầu bằng cách kể lại thời gian và địa điểm tôi gặp y lần thứ nhất: thời gian là hoàng hôn, địa điểm là một phòng triển lãm tượng sáp.

Tượng sáp là thứ tượng làm theo kích thước người thật với phục sức các thứ y như thật, bày ra cho thiên hạ tham quan. Chẳng biết ai phát minh ra kiểu làm tượng ấy, chỉ biết tượng sáp trông thường khá giống người thật, vì vậy một phòng triển lãm tượng sáp cũng có thể khiến người ta ngẫu nhiên liên tưởng đến nhiều chuyện quái gở.

Vài năm về trước có một bộ phim kinh dị, kể chuyện chủ nhân một phòng tượng sáp đã đem xác người thật ra, đổ sáp lên để làm thành tượng cho giống thật, thoạt đầu chẳng qua hắn chỉ tận dụng tử thi, về sau hắn bắt cóc luôn người sống đem dầm vào nước sáp, thật quá tàn bạo.

Cũng có một thiên tiểu thuyết nổi tiếng, kể về một anh chàng tự nhận to gan, đánh cược với bạn bè rằng mình có thể ngủ qua đêm tại phòng triển lãm tượng các tên sát nhân khét tiếng của mọi thời đại, kết quả đến đêm vắng người, con người tự xưng anh dõng đó sinh ảo giác, cảm thấy bọn tượng sống cả lại, chàng ta không thể nào ngủ yên được, sợ đến chết cứng trong phòng tượng luôn.

Chuyện liên quan đến tượng sáp thì nhiều lắm, kể ra một ngày không hết được.

Thông thường, tượng sáp trưng bày đều có phân loại, có phòng tượng chuyên về danh nhân, có phòng chuyên về đế vương danh tướng, có phòng lại chuyên về tài tử điện ảnh, cũng có phòng bày tượng những nhân vật còn sống sờ sờ, hoặc có phòng đặt tượng theo nhóm để tái tạo lại một sự kiện hay giai thoại, ví dụ như Kinh Kha thích Tần, Lưu Bang trảm xà; có cả những phòng tượng chuyên về bọn cùng hung cực ác.

Cái phòng tượng sáp mà tôi đến thăm ngày hôm ấy, chủ đề của nó hết sức đặc biệt, đó là trưng bày tượng sáp của những danh nhân chết bất đắc kỳ tử, chết tàn khốc trong lịch sử.

Những người bị xử tội ấy đều có công danh hiển hách, thành tích lẫy lừng, dù đã chết bao nhiêu năm vẫn được công chúng và các sử gia đánh giá là khí tiết vô song, anh hùng cái thế, nhưng vào cái thời bị xử tử, họ chỉ là những xác phàm - những xác phàm bị đem ra giày xéo bằng những thủ đoạn dã man tàn bạo khiến hậu thế động phách kinh tâm.

Chủ nhân của phòng triển lãm đặc biệt này chính là con người khác thường mà tôi nhắc tới ở trên.

.

Vốn dĩ tôi không có hứng thú gì với tượng sáp, tôi vào thăm chỉ bởi Ong Mập cứ sốt sắng thúc giục tôi đi.

Gã tham quan phòng tượng này về, hầu như mỗi bận gặp tôi đều lặp lại câu nói cũ:

- Huynh đi xem xem, rất đáng xem đấy. Mỗi pho tượng đều khiến người ta chấn động sâu xa, bảo miêu tả ra thì đệ không sao miêu tả được, nhưng đệ chắc chắn là huynh nên đi xem.

Thoạt tiên tôi chỉ ậm ờ cho qua, đôi lúc muốn thoát khỏi sự giới thiệu rắc rối của gã, tôi bảo:

- Tượng sáp chẳng có tí giá trị nghệ thuật nào, đệ cảm thấy chấn động là do đệ mẫn cảm quá đấy thôi.

Ong Mập liền phản đối:

- Huynh chưa đi xem, làm sao dám khẳng định là không có giá trị nghệ thuật?

Tôi cười ruồi:

- Nếu cái gì cũng phải đích thân đi xem mới kết luận được thì phiền phức lắm, vô khối thứ trên đời đều xác định bằng phán đoán hoặc tưởng tượng mà.

Ong Mập vẫn lắc đầu lia lịa. Những cuộc tranh luận tương tự còn diễn ra rất nhiều lần giữa tôi với gã, chẳng cần thuật lại, tuy nhiên cách gã tả tay chủ phòng tượng lại khiến tôi chú ý:

- Đó là một người hết sức thú vị, mỗi ngày hắn chỉ để khách tham quan từ sáu đến tám giờ tối chứ không phải bất cứ thời gian nào trong ngày. Người đến xem cũng phải tuân theo các quy định của hắn nữa.

Tôi phì cười:

- Quy định gì?

- Qua khỏi cửa chính là đến sảnh lớn. Mỗi ngày vào lúc sáu giờ chiều, hắn ta đều đứng đó đón khách. Trước khi tham quan, khách phải nghe hắn diễn thuyết, nghe hắn giải thích mục đích mở phòng triển lãm này. Nếu không nghe hắn nói thì đừng hòng vào xem tượng.

Tôi nhún vai lơ đãng. Chả cho xem thì đừng, mặc kệ tay chủ lập dị cùng là mớ quy định của hắn.

oOo

Nhưng một chiều kia, chừng hơn sáu giờ một chút, tôi ngẫu nhiên có việc đi ngang qua phòng triển lãm tượng sáp nọ. Trông thấy tấm biển bên ngoài, nghĩ chẳng mấy khi rỗi rãi đến thế, lại bị kích thích tò mò bởi những lời giới thiệu ráo riết của Ong Mập, tôi bèn thong thả bước vào.

Lúc ấy ước chừng đã có hai mươi người khách, nam phụ lão ấu đủ cả. Tới sảnh tôi đứng gọn vào một góc, lưng tựa cây cột nhà, định bụng nếu tay chủ nói chuyện nhạt quá thì tôi sẽ tếch luôn, chẳng hơi đâu để lãng phí thời gian của mình.

Lúc đó, người chủ đang kể với các khách tham quan nguyên nhân lập phòng tượng. Giọng y mạch lạc, phong thái đường bệ vô cùng, lại thêm những điều y nói khá thú vị, nghe một chốc tôi quyết định lưu lại. Y đang nói đến đoạn:

- Chỉ ai bị tra tấn mới thấm thía được những đau đớn mà xác thân phải chịu, còn kẻ thi hành hình phạt không bao giờ cảm nhận nổi, chính vì vậy chúng thích làm gì thì làm, thích trút xuống người chịu án bao nhiêu loại khảo đả tàn khốc thì trút. Trong các sinh vật trên trái đất này, chỉ loài người mới có hành vi ngược đãi đồng loại mình gớm ghê đến thế và cũng đa dạng đến thế. Tôi đã dành rất nhiều năm nghiên cứu, phát hiện ra trên đời có quá nhiều thể loại tra tấn, và kẻ phát minh ra những hình phạt đó quả tình hiểu biết rất sâu sắc về cấu trúc cơ thể người, biết phải làm thế nào thì tội nhân mới cảm nhận được nỗi đau đớn cao độ nhất.

Diễn giả nói với vẻ kích động sâu xa, tay huơ mạnh, trán lấm tấm mồ hôi.

Y tương đối cao, dễ phải 1m80, vóc người mạnh mẽ rắn rỏi, tóc cứng như rễ tre. Nghe nói y đã dành thời gian để nghiên cứu các loại hình phạt, tự nhiên tôi thấy tò mò. Khi chuyên tâm vào đề tài ấy, chứng kiến nhân loại đối xử với nhau kinh tởm như thế, trong lòng y có cảm tưởng gì? Chán ghét đến mức không muốn xem tiếp, hay là nhâm nhi khoan khoái và hứng thú mỗi khi phát hiện ra một loại cực hình mới?

Thoạt tiên tôi đứng cách tay chủ phòng tượng tương đối xa, lúc này vì muốn nghe được rõ ràng hơn nên tôi nhích thêm vài bước về phía y. Thực tế thì không chỉ có tôi bị câu chuyện của y thu hút, lúc này quanh y đã có ít nhất là ba mươi người xúm xúm xít xít, tôi đứng xa nhất.

Người chủ tiếp tục nói, đồng thời dùng những động tác tay mạnh mẽ để bổ sung sức nặng cho bài phát biểu của mình.

- Tra tấn, không chỉ đơn giản nhằm làm cho người thụ hình bị đau đớn, mà trước khi đạt mục đích tối hậu là tước đoạt sinh mệnh của kẻ bất hạnh, nó còn bắt người ấy phải quằn quại, phải giãy giụa tuyệt vọng. Chết là một bí ẩn vĩnh hằng, tuy không tránh né được nhưng cũng không đến nỗi đáng sợ lắm. Song chết là một việc, còn nhìn vào mặt cái chết lại là việc khác.

Một thanh niên trong số những người đang bu kín quanh y bỗng xen vào:

- Chặt đầu là dã man nhất!

Tay thanh niên vừa buột miệng, đã có vài người lao xao tán đồng anh ta, nhưng chủ phòng tượng bật cười:

- Chặt đầu mà dã man? Tôi lại nghĩ ngược lại, chặt đầu có thể nói là hình phạt văn minh nhất trong các hình phạt...

Nói tới đây y tạm ngưng. Người này thực có tài diễn thuyết. Y ngưng nửa chừng để lôi cuốn thêm sự chú ý của cử tọa, sau đó mới tiếp tục:

- Tước đoạt sinh mệnh của người ta... chỉ là tử hình, còn khiến người ta chịu đựng nỗi đau thể xác và tinh thần trước khi chết... đó mới là cực hình. Hình phạt chặt đầu như anh vừa nói, đầu lìa thân thì hồn cũng lìa xác rồi, còn ý thức gì nữa.

Một thanh niên khác lầm bầm:

- Ai mà biết đầu rơi xuống phải bao lâu nữa mới mất tri giác, và bao lâu nữa cái chết mới đến cơ chứ?

Người diễn thuyết phác một cử chỉ:

- Cố nhiên không ai biết cả, những người bị chặt đầu trong quá khứ chẳng hề nói cho chúng ta hay họ vật vã tới mức nào. Nhưng căn cứ vào các luận cứ khoa học, có thể phỏng đoán rằng sau khi đầu lìa khỏi xác, nỗi đau đớn không kéo dài lâu.

Y bắt đầu phân tích sâu hơn về việc chặt đầu. Tôi nhận thấy có mấy phụ nữ lộ vẻ bất an, tôi cũng hơi nôn nao.

Nhưng tay chủ hiển nhiên mới chỉ vào phần mở bài, y cao giọng hơn:

- Vận dụng căn cứ tương tự để phán đoán, có thể suy ra chém ngang người còn gây đau đớn hơn chặt đầu nhiều.

Y nhìn một thiếu nữ. Cô ta ngơ ngác nhìn lại, rõ ràng còn chưa hiểu chém ngang người là thế nào, người chủ bèn dùng tay vạch ngang qua thắt lưng làm động tác minh họa, miệng nói:

- Dùng một thanh đao to và sắc chém thân thành hai khúc lìa nhau. Do giác quan của con người tập trung chủ yếu vào thân trên, nên bị chém đứt ngang người xong, họ vẫn chưa chết ngay được...

Đến đây, có mấy cô gái bật rên, bưng miệng xô cửa chạy ra, đương nhiên họ không định tham quan phòng tượng nữa.

Người chủ xem chừng đã quá quen với cảnh ấy, thậm chí y cũng chẳng buồn ngừng lời, vẫn đều đều tiếp tục:

- Muốn chém đứt người ta chỉ bằng một nhát đao thì phải chú ý cao độ đến vị trí xuất thủ, chỗ thích hợp nhất là ngay trên xương sườn, bởi ở đó, cơ thể con người chỉ có đúng cột sống, chặt chính xác là đứt ngay...

Đến đây, lại có bảy tám khách nữa bỏ đi, gồm toàn phụ nữ và người cao tuổi. Tay chủ nhà vẫn nói:

- Chém thắt lưng ghê gớm thế ấy, nhưng so với lăng trì thì vẫn chưa là gì cả.

Lúc này, ngay cả mấy thanh niên cũng không chịu nổi nữa, một gã giục:

- Ông cho chúng tôi vào tham quan đi.

Người chủ sa sầm nét mặt:

- Nếu đến cả lời giải thích trước khi tham quan mà còn không chịu nổi, thì tôi khuyên anh là không nên tham quan nữa, những tượng sáp bày trong phòng này được chế tác với sự tinh xảo cao độ, chỉ e thần kinh anh không chịu đựng nổi thôi.

Người thanh niên im lặng, hiển nhiên không thừa nhận tinh thần mình yếu nên vẫn đứng đấy.

Tôi hơi sốt ruột, cố nhiên tôi có thể bỏ đi, nhưng câu chuyện của tay chủ phòng tượng ít nhiều cũng hấp dẫn, huống hồ đã mất ngần ấy thời gian nên tôi không muốn tay trắng ra về, bèn trầm giọng bảo:

- Vậy ông nói ngăn ngắn thôi.

Tay chủ ngước mắt nhìn tôi.

Lúc tôi vào, y đang bắt đầu diễn thuyết, tôi đứng hơi xa nên y không chú ý thấy, nếu không phải vì tôi lên tiếng thì chẳng đời nào y ngó ra chỗ tôi cả.

Lại nói y đưa mắt về phía tôi, đột nhiên tỏ vẻ sửng sốt, thái độ ấy rõ ràng đến nỗi mấy người khách đứng trước mặt y cũng phải ngoảnh đầu trông theo.

Tôi nhìn người chủ, y trân trối nhìn tôi phải đến mười mấy giây mới thu ánh mắt lại, sau đó ngẫm nghĩ một lát rồi gật đầu:

- Được, tôi nói vắn tắt thôi, có điều, tôi phải nói hết những điều muốn nói.

Tôi khẽ vỗ tay, tỏ ý không phản đối. Người chủ gật gật đầu:

- Những lời dông dài vừa xong, đại ý nhấn mạnh rằng nỗi đau thể xác là của ai thì chỉ người ấy biết và chịu mà thôi. Nhưng trong nhiều trường hợp, nỗi dằn vặt về tinh thần của con người còn vượt xa cơn giày vò thể xác. Chẳng hạn một vị anh hùng dân tộc có lý tưởng, có trách nhiệm nhưng lại bị đổ oan là kẻ bán nước cầu vinh và phải chịu cực hình, thì lúc bị tra tấn, trạng thái tinh thần của họ tê tái tới mức nào?

Một thanh niên lẩm nhẩm:

- Chẳng ai biết được.

Người chủ cao giọng:

- Không, biết đấy, có thể không biết tới nỗi đau thể xác, nhưng không thoát được sức lây lan của nỗi đau tinh thần đâu.

Nói tới đây, y đưa mắt nhìn tôi. Những lời y nói càng lúc càng mơ hồ, và tôi vô phương đoán hiểu rốt cục y đang hướng tới điều gì. Vẻ mặt y càng lúc càng kích động:

- Chính vì nỗi đau tinh thần có sức lây lan, vì thế mới sản sinh ra nghệ thuật. Từ xưa đến nay, loài người đã tạo ra vô vàn kiệt tác, đem lại cảm xúc mạnh yếu khác nhau ở mỗi khán thính giả. Phòng trưng bày tượng sáp mà các vị sắp xem tập trung vào những người đã phải chịu đựng nỗi sỉ nhục giày xéo ghê gớm về tinh thần trước khi chết. Tôi hi vọng quý vị có thể cảm nhận và chia sẻ được nỗi đau ấy qua những đường nét và hình khối.

Một thanh niên lộ vẻ nghi hoặc:

- Thường thì tượng sáp không được đánh giá cao về chất lượng nghệ thuật.

Tay chủ phòng tượng bỗng nổi giận:

- Nhi đồng, xem rồi hãy nói!

Từ đầu tới giờ tôi bị thu hút bởi phong thái của người chủ, chứ hoàn toàn không lưu ý đến tuổi tác của y. Nay nghe y gọi người khách nọ là "nhi đồng", tôi mới để tâm quan sát.

Người này rốt cục bao nhiêu tuổi? Khó lòng phán đoán chính xác, có lẽ vào tầm bốn mươi đến năm mươi. Lúc này ít nhiều tôi đã hiểu dụng ý của y, xem ra bài phát biểu gây chấn động nọ chỉ để nhắm đến cái đích là nhấn mạnh độ giống và giá trị nghệ thuật của các pho tượng sáp trong nhà.

Y vẫn tiếp tục:

- Cố nhiên, sức lây lan mà ta cảm nhận được, dù có mãnh liệt đến thế nào cũng không bằng một phần vạn hoặc một phần nghìn của chính người thụ hình, trừ phi có một người mà hoàn cảnh cho chí tư tưởng của người đó cũng giống hệt người bị xử tội kia, thì mới mong cảm nhận được thấu đáo.

Nói tới đây, y hít một hơi thật sâu rồi ngừng nói, vẫn không tỏ vẻ gì là muốn mời mọi người vào phòng tranh ngay, ngược lại y dùng ánh mắt dò xét từng vị khách một, như thể chờ xem có ai muốn hỏi gì không.

Lúc này, số khách đợi tham quan chỉ còn chừng mười lăm mười sáu mạng, hầu hết là thanh niên, trong đó có ba người là nữ. Một cô hỏi:

- Theo ông, Giê-xu bị đóng trên cây thập ác có điểm chung nào với những bức tượng ông trưng bày trong nhà không? Vì muốn cứu thế nhân, Giê-xu cam chịu bỏ mình trong cơn hành xác thảm khốc, các tác phẩm nghệ thuật mô tả cảnh người tử vì đạo trên thập giá cũng có thể đem lại sức truyền cảm với mức độ khác nhau cho người xem.

Chủ nhân hừm một tiếng:

- Hỏi hay lắm, có thể nói là có điểm chung đấy, nhưng những bức tượng cô xem trong nhà sắp tới đây trông gần gũi và thật hơn nhiều, - đoạn y trỏ ngón tay ra sau lưng. - Mời vào!

Đám thanh niên đã nôn nóng lắm rồi, vừa được hiệu lệnh là lập tức lố nhố bước. Lúc ấy ngoài cổng có hai người khách đi vào, nhưng chủ nhân thô bạo cản lại:

- Ngày mai hẵng đến. Sáu giờ! Không được muộn quá năm phút.

Hai người kia lộ vẻ căm ghét, quay mình đi ra luôn. Người chủ đến gần tôi, chìa tay ra:

- Vui mừng được gặp ông, Phúc Vũ tiên sinh!

Lúc đầu khi nhìn thấy tôi, y đã có vẻ ngỡ ngàng. Tôi biết y đã nhận ra tôi là ai, vì thế nay nghe y gọi tên, tôi cũng chẳng lấy làm lạ, bèn bắt tay lại. Y tự giới thiệu:

- Tôi họ A, đơn danh Lỏn, chữ "lỏn" trong "tà lỏn".

Tôi không có chút ấn tượng nào với cái tên này, chỉ đáp gọn:

- A tiên sinh, những điều ông vừa nói rất thú vị.

A Lỏn cười buồn, vẻ mặt chứa đựng một nét gì cay đắng, y nói:

- Mời ông vào tham quan, tôi tin rằng cảm giác của ông sẽ mạnh mẽ hơn những người khác.

Tôi vừa tiến lên trước vừa nói:

- Mong là tôi có quen biết ít nhiều nguyên mẫu cho các tượng sáp được trưng bày ở đây, như thế may ra tôi mới cảm nhận được điều gì đó thông qua nghệ thuật tạo hình.

A Lỏn quả quyết:

- Quen chứ, nhất định là ông quen hết!

Tôi đẩy một cánh cửa, hình như A Lỏn cũng đi theo. Tôi nói là "hình như", bởi vì vừa đẩy cửa là bao nhiêu sự chú ý của tôi bị hút hết vào cảnh tượng bày ra trước mắt rồi.

.

Cái đập vào mắt tôi đầu tiên là vẻ mặt sửng sốt đến khiếp đảm của mười mấy người khách tham quan. Phải cảnh tượng gớm ghê lắm mới khiến ngần ấy mạng cùng kinh hãi.

Tôi ngoảnh đầu tìm xem đâu là nguyên nhân làm đám khách gớm sợ.

Trước đây tôi cũng đã từng tham quan một số triển lãm tượng sáp nổi tiếng, tuy rằng nghệ nhân chế tác rất tinh xảo, nhưng không đến mức khiến khách xem tưởng rằng đó là người thật.

Nhưng lúc này, đừng nói là nhìn thoáng qua, mà cho dù là nhìn chằm chằm, săm soi thật kỹ, người ta vẫn không tin nổi vật trưng bày ở đây chỉ là tượng.

Gian phòng đầu tiên rộng chừng ba mươi mét vuông, bày hai pho tượng sáp.

Một pho bị trói gô vào cột, thân thể hầu như lõa lồ, quanh mình ràng lưới đánh cá, ràng chặt đến nỗi cơ thịt phòi ra thành từng múi ở khắp các mắt lưới. Không kể cái lưới thì tấm thân đó cũng đã đủ thảm hại rồi, vì vết thương chi chít khắp mọi chỗ, máu vẫn liên tục ứa ra - ứa ra thật sự - đây cũng là nguyên nhân lý giải tại sao trông cảnh tượng y như thật, có thể là do người ta cài đặt một cơ chế ngầm nào đó khiến tượng sáp chảy ra một thứ dịch lỏng đỏ lòm, tuôn dọc thân xuống tới một cái vũng bên dưới thì lại được bơm ngược lên, vòng đi vòng lại tuần hoàn như thế.

Thân mình người này chi chít những vết thương. Có vết, nhất thời không hiểu nổi là do nguyên nhân gì, nó lầy nhầy nát bét, máu rướm đầy dần lên bề mặt rồi theo nhau tràn xuống. Nhưng có vết rất nét, trông thoáng qua cũng đủ biết là do dùng dao sắc xẻo đi, da thịt trần trụi tựa hồ vẫn còn run bần bật vì đau đớn.

Bên cạnh người chịu khổ hình còn có một người nữa. Người này ăn vận tương đối đặc biệt, tay cầm một con dao cong vừa mỏng vừa sắc, hình thù lạ lùng, dao này là dao thật hẳn hòi, liếc mắt qua đủ biết sắc nhường nào.

Nửa trên lưỡi dao đang ăn sâu vào da thịt người bị ràng lưới sắt, máu tươi đặc sệt rịn ra, chảy ròng ròng xuống cán dao.

Vẻ mặt đao thủ phủ cực kỳ chuyên chú, chuyên chú đến mức khiến tôi ớn lạnh, trông bộ dạng hắn y như thể đang dùng mũi dao đẽo gọt trên khối chất liệu vô giác vô tri chứ không phải đang xẻo từng miếng thịt da trên cơ thể người sống.

Nhưng điều khiến tôi chấn động nhất là vẻ mặt của người chịu tội, tôi chưa từng gặp vẻ mặt nào lồ lộ oan khuất bất bình đến thế, cũng chưa từng tưởng nổi chỉ có tai mắt mũi mồm và da thịt như bao nhiêu người khác mà mặt y biểu cảm tới vậy, tựa hồ bao nhiêu nỗi thống khổ trong tim đều đẩy dồn lên nét mặt. Hai mắt y mở lớn, toát ra một luồng sức mạnh đủ sức thiêu cháy mọi thứ trên đời. Miệng y mím chặt, nhưng vẫn khiến người ta cảm thấy, không, thậm chí là nghe thấy tiếng kêu đau đớn và sôi sục phẫn nộ phát ra từ đáy tim y.

Phòng trưng bày đông người là vậy mà im ắng đến cực điểm, không ai thốt nổi một lời. Trong khung cảnh lặng như tờ đó, tôi thoáng nghe thấy tiếng máu giọt tí tách xuống nền nhà, rõ là thứ âm thanh của địa ngục, nó khẽ khàng tới mức không đủ khả năng kích thích thính giác, nhưng nặng nề đến độ thừa sức đánh động và kéo căng từng dây thần kinh trong cơ thể người ta.

Tôi đứng đờ ra. Người chịu hình phạt kia chừng như không hề bận tâm đến sự hành hạ thể xác, tuy rằng biểu tình của y chồng chất nỗi đớn đau khôn tả. Tôi cảm thấy nỗi đau đó không đơn thuần xuất phát từ những rẻo thịt da đang bị tước xuống, mà bắt nguồn từ sâu trong trái tim. Sâu trong trái tim y có nỗi bi ai cao độ, sự phẫn nộ cực cùng, chúng đang sôi sục, đang nện vào cân não y bằng những tiếng gào thét gớm ghê.

Không phải y đang kêu đau, mà là đang thét lên nỗi bi phẫn ấy, thét lên mối thắc mắc từ tâm can, thét lên sự tố cáo của y đối với số phận, thét lên tất cả những điều y vẫn nung nấu trong lòng.

Gần như ngay lập tức tôi nhận ra người chịu khổ hình này là ai. Tuy rằng không có lấy một dòng thuyết minh, nhưng kinh qua và bi kịch của y đang tái hiện quá rõ ràng. Cũng chính vì vậy, tất cả những ký ức có liên quan đến nhân vật này trong khoảnh khắc đều ùn ùn xô lên ý thức tôi, khiến tôi càng thêm chấn động.

Đúng như A Lỏn nói, nỗi đau đớn về tinh thần quả có sức lây lan, tuy rằng cảm giác của người chứng kiến và người trong cuộc hoàn toàn không giống nhau, song nhờ biết được hoàn cảnh của người bị nạn, cảm nhận của tôi thấm thía và sâu sắc lên nhiều. Tôi không còn rảnh trí đâu mà chú ý đến phản ứng của người khác nữa, chỉ biết máu mình chảy mau hơn, thậm chí đầu óc còn hơi váng vất.

Không lạ gì khi trên mặt người thụ hình lại có thứ biểu tình khiến tôi choáng váng đến thế, bởi vì y chính là Viên Sùng Hoán. Tuy rằng trong lịch sử, có rất nhiều người bị lăng trì xử tử, trong số đó cũng có đến mấy chục người nổi danh, nhưng tôi chắc chắn người chịu hình phạt này nhất định là Viên Sùng Hoán chứ không ai khác được. Người anh hùng dân tộc ấy đã đem hết tài năng của mình ra cống hiến cho cuộc đấu tranh chống lại kẻ thù mà kết quả lại bị gánh tội danh Hán gian phản quốc, thông đồng với địch.

Anh hùng không sợ chết, anh hùng chẳng sợ xử tử lăng trì.

Thông thường, đao phủ lăng trì phải xẻo ít nhất một ngàn nhát, nhiều phải đến hai ngàn nhát, nếu trước nhát thứ một ngàn mà người thụ hình chết thì đao phủ có tội. Mục đích của kẻ phát minh ra hình phạt này cố nhiên là muốn phạm nhân phải chịu nhiều thật nhiều đau đớn, nhưng anh hùng chân chính thực ra hoàn toàn không gườm sợ nỗi đau thể xác. Kẻ nghĩ ra cực hình này hiển nhiên là không hiểu gì về diện mạo tinh thần của anh hùng.

Lịch sử chép rằng, trước khi Viên Sùng Hoán bị tùng xẻo, dân chúng đã mù quáng tưởng rằng ông là Hán gian thông đồng với địch nên sấn sổ lao vào cắn ông, rứt từng miếng thịt trên người ông xuống. Khắp pho tượng sáp này có rất nhiều vết thương nát bét bầy nhầy, cố nhiên không phải do dao xẻo, nhưng đến bây giờ tôi mới nhận ra là do răng người nhay cắn.

Khi Viên Sùng Hoán bị hành hình, cảm giác của ông không phải là sự đau đớn về thể xác mà là sự đau đớn về tinh thần: hết cay đắng chất chồng vì oan khuất thất bại, vì vận mệnh cợt đùa, lại tuyệt vọng vì muốn kêu oan mà không ai thụ án, vì sẵn sàng hi sinh thân mình để thực hiện lí tưởng mà không ai ngó ngàng...

Mọi nỗi thống khổ tinh thần đó tập trung hết trên nét mặt pho tượng, khiến người ta sửng sốt ghê gớm, khiến người ta không nhịn nổi, phải phát run lên.

Căn phòng yên tĩnh rất lâu, rồi dần dần có tiếng động. Đó là tiếng thở. Trông thấy cảnh tượng này, thoạt tiên mọi người đều nín thở, nhưng dần dần ai nấy lại thở gấp thở rút, thở hổn hển, nhịp thở càng lúc càng dồn dập cho đến khi mất hết tự chủ, đồng biến thành tràng thở hồng hộc. Tôi cũng chẳng phải ngoại lệ.

Sau đó, lại có tiếng khóc thút thít, mấy cô con gái cầm lòng không đậu đã nức nở sa lệ. Có người rơi nước mắt, mấy cậu choai choai còn siết chặt nắm đấm khiến các khớp ngón tay răng rắc kêu.

Tôi gắng gượng trấn tĩnh, đột nhiên trong trí nảy ra một câu hỏi: ai đã chế tác những pho tượng sáp này? Đây là một tác phẩm nghệ thuật quá sức vĩ đại, tôi muốn gặp nghệ nhân có khả năng thẩm thấu ghê gớm và lồng được khả năng ấy vào những tác phẩm của mình thế kia.

Tôi vừa nghĩ vừa hơi ngoảnh đầu nhìn quanh, cũng nhờ ngoảnh đầu, tôi mới phát hiện cổ mình đã cứng đơ, vì bất động lâu quá.

Qua khóe mắt, tôi trông thấy A Lỏn đang đứng thẳng đuỗn nơi góc phòng, mắt đang chằm chằm nhìn cảnh tượng ghê gớm nọ.

Tôi định hỏi y: ai là nghệ nhân vĩ đại đó?

Câu hỏi, căn bản không cần hỏi, vì câu trả lời đã lập tức bật ra không cân nhắc: Cố nhiên đây chính là tác phẩm của A Lỏn. Người tạo ra những pho tượng này chẳng là ai khác ngoài y.

A Lỏn trấn tĩnh lại, dùng một giọng trầm thấp nói với những khách tham quan đang bàng hoàng choáng váng:

- Thưa các vị, có thể tiếp tục sang thăm phòng thứ hai được rồi.

Ba cô gái nhìn y, mặt đầm đìa nước mắt, rồi một người hỏi:

- Các phòng khác trưng bày...

Giọng A Lỏn hết sức điềm tĩnh:

- Đại đồng tiểu dị. Mỗi anh hùng một bi kịch, một hoàn cảnh lịch sử khác nhau, nhưng về bản chất là đồng nhất. Trong phòng trưng bày tới đây, tôi muốn mời mọi người chứng kiến cơn phẫn nộ vì oan khuất và nỗi tuyệt vọng không nơi cầu cứu.

Ba cô gái nhìn nhau, một người nuốt nước bọt thì thào:

- Đủ rồi, chúng tôi... không muốn xem nữa... đủ rồi.

Họ vừa nói vừa chạy như ma đuổi ra khỏi cửa, A Lỏn không hề tỏ ý muốn lưu họ lại, chỉ nói với:

- Nếu các cô muốn hiểu thêm về hoàn cảnh của Viên Sùng Hoán, tôi gợi ý các cô hãy đọc Viên Sùng Hoán bình truyện của Kim Dung.

Ba cô gái vừa máy móc gật đầu vừa rảo chân chạy. Tới ngưỡng cửa, không ai bảo ai, họ bỗng ngoảnh đầu lại nhìn hai pho tượng lần nữa, chợt cùng chết sững trong hai phút, rồi mới xô cửa lao ra ngoài.

Bấy giờ tôi mới nhận thấy tất cả bọn tôi đã chôn chân trong phòng trưng bày đến gần nửa tiếng đồng hồ rồi

Về cảm giác, nửa tiếng này sao mà nhanh chóng thế, tưởng chừng chỉ một hai phút là cùng. Bởi chưng toàn bộ tinh thần của chúng tôi đều bị hút vào cảnh tượng ở đây, căn bản là không biết thời gian trôi qua như thế nào nữa.

A Lỏn đẩy một cánh cửa khác, ngoài cửa là một hành lang, tôi là người đầu tiên đi theo y, những người khác nặng nề nối gót.

Hành lang rất hẹp, chỉ vừa một người qua, A Lỏn đi trước dẫn đường, bước chân rề rà, mà hoàn toàn không có ý định từ bỏ vị trí dẫn đầu, thành thử chúng tôi cũng phải bước dềnh dàng theo y.

Chắc hắn cố ý, tôi nghĩ. Đi chậm cốt cho người tham quan có thời gian trấn tĩnh, đủ sức tiếp nhận cú sốc mới khi sang phòng tiếp theo.

.

Hành lang không dài lắm, nhưng chúng tôi đi mất gần năm phút, chẳng ai nói năng gì cả.

A Lỏn cuối cùng cũng mở một cánh cửa, y dừng lại một chốc bên ngoài, hít một hơi thật sâu rồi bước vào. Tôi đi liền đằng sau. Phòng này cũng bày hai pho tượng sáp, nhưng cả hai đều là tội nhân, không thấy đao phủ đâu.

Một trong hai người vẫn còn khá trẻ, xem chừng chưa quá đôi mươi, đầu đã lìa khỏi cổ, hai mắt nhắm nghiền, máu nhểu đầm đìa ở cổ và khắp dọc tấm thân gã.

Cảnh tượng sống động đến nỗi tôi tưởng như ngửi thấy cả mùi máu tanh nồng.

Người chịu cực hình thứ hai ở vào tuổi tráng niên. Y ngoảnh mặt sang bên nhìn người trẻ tuổi, một thanh đao sắc lẻm đang ăn ngập trong cổ, nhưng y chỉ chăm chăm nhìn gã thanh niên, đôi mắt đong đầy nỗi bi ai sâu thẳm, cơ miệng căng cứng đến mức hầu khiến người ta cảm thấy y phải gắng sức lắm mới kiềm chế nổi những nhịp run run của đôi môi - cố nhiên, môi y cũng không thể run rẩy được bao lâu nữa, vì sự sống sắp lìa bỏ y rồi. Niềm bi thống của con người này không thể cân đong, tuy rằng tính chất tương đồng Viên Sùng Hoán, nhưng mức độ thì thê thảm và mãnh liệt hơn nhiều. Chừng như thái độ chai đá trước hoàn cảnh vô hình trung khắc sâu thêm mức độ bi thảm về tinh thần nội tâm của y.

Đám khách tham quan cứ há hốc miệng, đặng hít thêm chút không khí. Chắc hẳn họ đều đã nhận ra bi kịch Mạc tu hữu[1] nổi tiếng cuối thời Nam Tống: đó là cảnh ngộ hại của hai cha con anh hùng kháng chiến chống Kim: Nhạc Phi và Nhạc Vân.

Hai pho tượng kia đang tái hiện cảnh Nhạc Phi tan nát cõi lòng chứng kiến cái chết thê thảm của con trai trong lúc đao sắc đang ăn dần vào cổ mình. Tần Cối để con trai rơi đầu trước cha, có thể cũng nhằm mục đích khoét sâu thêm nỗi đau và sự éo le trong tấn bi kịch nhân sinh của vị tướng quân họ Nhạc.

Cảnh ngộ năm xưa có như thế này thật chăng? Và có lý do gì để không thể như thế này? Nếu thật, thì khi cậu con trai hai mươi tuổi trải qua mười năm chinh chiến sa trường không hề mất mạng, cuối cùng lại đầu lìa khỏi xác dưới lưỡi đao của chính người bên mình, trong tim Nhạc Phi sẽ có cảm giác gì?

Bi thống! Đương nhiên là nỗi bi thống không bờ bến.

Có lẽ vào khoảnh khắc rơi đầu, ngay trước khi sinh mệnh và ý tức phụt tắt, Nhạc Phi cũng tự hỏi vì sao cớ sự thế này? Công bình, chính nghĩa, chính trực, dũng cảm, tất cả những từ ngữ đẹp đẽ kia rốt cục đại diện cho cái gì? Hay là trong hành vi của loài người, căn bản không có hành vi nào xứng đáng được biểu đạt bằng những chữ ấy? Và nếu cứ kiên trì muốn thực hiện chúng, nhất định con người ta sẽ hứng phải hậu quả gớm ghê?

Cương đao đã chém vào cổ, thời gian minh mẫn không còn nhiều. Máu tươi đã trào lên, sinh mệnh bốn mươi năm kết thúc, ông thậm chí không biết mình chết vì tội gì. Chỉ biết mình luôn luôn làm những việc cần làm, không thể lý giải ra sao ngoài sự thừa nhận: đây là số phận, số phận vốn nhiều bất công.

Vẻ mặt đau đớn đến câm lặng của pho tượng ấy hẳn khiến người ta nảy ra rất nhiều câu hỏi, mấy người trẻ tuổi bật rên lên, bản thân tôi cũng mất ít nhất hai mươi phút để trấn tĩnh lại, gắng rứt mắt ra khỏi pho tượng, nhìn về phía A Lỏn.

Vẫn như lần trước, người chủ vẫn đứng trong một góc phòng, hoàn toàn bất động.

Tôi cất tiếng gọi, y xoay mình ra, gắng giữ vẻ mặt bình thường:

- Chuyện về phụ tử Nhạc Phi, ắt hẳn các vị đều đã biết, phòng thứ ba là...

Năm sáu người trẻ tuổi hấp tấp ngắt lời:

- Chúng tôi... chưa sẵn sàng... tham quan tiếp...

A Lỏn giơ tay làm động tác "xin cứ tự nhiên", mấy người thanh niên lê bước đi ra. Tôi vốn rất muốn giữ họ lại, hỏi xem họ có cảm giác gì khi chứng kiến cảnh tượng này, nhưng thấy bước chân họ nặng nề quá đỗi, tôi lại không nỡ làm phiền. Vả chăng vẫn còn ba người khách nữa nán lại, tôi tự nhủ đợi lát nữa hỏi cũng chẳng muộn nào.

Ai ngờ, khi A Lỏn dẫn chúng tôi đi qua một hành lang khác và sắp sửa đẩy cửa căn phòng kế tiếp, thì ba thanh niên đó nhất loạt bật thốt lên ghê sợ, bưng mặt xoay người, loạng choạng chạy biến ra ngoài.

Ý nghĩ rời ngay khỏi đây cũng tức thời nảy ra trong trí tôi, nhưng tôi bắt mình ở lại, cho dù trong người váng vất, không kiềm được phải thốt lên một tiếng khô khốc.

.

Cửa phòng thứ ba vừa mở, một mùi máu tanh xộc lên. Chắc chắn có thứ mùi đó thật chứ không phải ảo giác. Và cảnh tượng trước mắt cũng quá đủ để người ta nôn nao.

Một người, ngã lăn dưới đất - nhưng không phải là một người hoàn chỉnh, mà là một người bị chặt làm đôi.

Bị chém ngang hông.

Máu tươi đỏ lòm đang ồng ộc trào ra khỏi vết thương, lổn nhổn giữa bãi máu là một mớ nội tạng xổ tung. Phần thân dưới đã bất động, nhưng sao tôi vẫn cảm thấy nó còn run rẩy, còn quằn quại trong cơn đau đớn cực cùng.

Phần thân trên, nhất là cơ mặt của người bất hạnh ấy, có vẻ như giật đùng đùng, xem chừng mọi dây thần kinh đều bị chấn động dữ dội. Tay y càng giống như đang động đậy lắm. Đúng, tay y, gân trên mu bàn tay nổi lên thật cao, do mất máu nhiều quá, da dẻ đương khô xác dần. Tay trái y cố gắng tỳ đất để chống lên, giúp đầu và nửa thân trên dướn cao hơn, tay phải nhuốm đầy máu, nhưng là do y tự chấm vào vũng máu đang chảy ra dưới mình, chấm để viết chữ. Lúc tôi vào y đã viết được một chữ, bây giờ đang viết chữ thứ hai.

Chữ y đã viết là "soán (chiếm đoạt)", xem ra, chữ thứ hai y định viết, vẫn là chữ "soán".

Bàn tay viết chữ run bần bật, hai mắt kẻ tội nhân giương to, trân trối nhìn những con chữ mình viết, cơ hồ muốn trút hết sức tàn ra đầu ngón tay, dồn vào những con chữ.

Cơ mặt của chính tôi bắt đầu co giật theo một cách vô thức. Ôi, có cuốn sách chép lại rằng trước khi tắt thở, y viết tổng cộng mười hai chữ "soán" rưỡi, nhưng bây giờ y mới viết tới chữ thứ hai.

Lúc này y nghĩ gì nhỉ? Y có biết rằng hành động của mình đã dẫn đến hình phạt tru di thập tộc, khiến ít nhất mấy trăm người nữa sẽ phải chết theo y không? Nào phải chỉ họ hàng cửu tộc thôi đâu, mà cả học trò, bạn bè cũng không thoát nạn.

Lúc bị xử tội, con người này cũng không lường nổi sẽ có bao nhiêu người chịu liên đới vì mình, nhưng theo các ghi chép thì số người bị hành hình theo vào khoảng tám trăm sáu mươi mạng, bất luận nam hay nữ, già hay trẻ, bất luận là trẻ mới lọt lòng hay phụ nữ mang thai đều không tránh khỏi. Họ hoàn toàn vô tội, trừ rủi ro duy nhất là có quan hệ với kẻ tử tội này.

Còn y, biết rõ rằng việc không chịu viết chiếu thư đăng cơ cho vị hoàng đế mới sẽ dẫn mình đến mồ chôn mà y cứ khăng khăng lựa chọn kết cục ấy, vì sao? Niềm tin nào giúp y kiên trì với hành động của mình? Trông vẻ mặt y bây giờ, tôi đọc thấy trong sự phẫn nộ lẫn nhiều nét khinh thường, mà sự khinh thường đó, có thể tìm thấy ở mắt y, ở khóe miệng y, thậm chí ở đường nhíu mày của y nữa.

Tại sao y tự rước vạ vào thân? Thúc phụ hay cháu trai làm hoàng đế, có ảnh hưởng gì đến y đâu?

Vậy mà y vẫn cố chấp, vẫn kiên gan bền chí đến tận thời khắc sau cuối của sinh mệnh mình, vẫn bướng bỉnh cho rằng hành vi của vị hoàng đế mới là sai trái, là đáng bị lên án. Thúc phụ cướp ngôi từ tay cháu trai: đó là soán đoạt!

Soán đoạt tức là dùng những thủ đoạn không chính đáng để giành lấy cái của kẻ khác về mình, nó là kết quả của ham muốn chiếm hữu xấu xa vẫn tiềm ẩn trong mỗi con người.

Phương Hiếu Nhu bị chặt làm đôi mà vẫn gắng dùng chút hơi tàn để viết ra mười hai chữ "soán" rưỡi, phải chăng y không chỉ trách móc vị hoàng đế mới, mà còn tố cáo thói quen giành giật đáng phê phán của cả nhân gian?

Từ vẻ mặt khinh bỉ đầy đau đớn của y, tôi biết y không còn niềm tôn kính nào với đồng loại nữa.

Lần này, tôi nghĩ ngợi nhiều hơn, đứng cũng lâu hơn. Cuối cùng tôi hít vào một hơi thật sâu, nhìn sang A Lỏn. Y cũng hít một hơi thật sâu, rồi lên tiếng trước:

- Đến nay mới có ba người dám tham quan đến phòng thứ tư, hi vọng ông có thể trở thành người kế tiếp.

Giọng tôi là lạ:

- Vẫn còn một phòng nữa à?

A Lỏn gật đầu, đoạn đi ra ngoài. Tôi nghĩ đã xem đến phòng thứ ba rồi, phòng thứ tư nhiều lắm cũng chỉ kinh rợn đến thế mà thôi, vì vậy tôi lập tức theo sau A Lỏn. Chúng tôi di chuyển qua một hành lang rất hẹp, A Lỏn vẫn bước chậm rì, chỉ khác là lần này y vừa đi vừa nói:

- Trước khi vào phòng thứ tư, theo lệ tôi thường hỏi xem ý khách thế nào, có thực là họ muốn tham quan không...

Tôi hít một hơi:

- Tôi không tìm thấy lý do nào để từ chối tham quan. Tuy các tác phẩm nghệ thuật do ông tạo ra đem lại một sự bàng hoàng ghê gớm cho mắt nhìn - và tôi chưa biết cảm giác đó còn đeo đẳng mình bao lâu nữa - nhưng tôi vẫn muốn tham quan tiếp.

Gã chủ hơi dừng bước, chừng như giật mình, nhưng không xoay lại:

- Ông biết các tượng đó là tác phẩm của tôi à?

- Tôi đoán thôi.

A Lỏn nín bặt bước tiếp, tôi theo sau y, không thể nhìn thấy nét mặt người đối thoại, cũng không đoán nổi y đang nghĩ ngợi gì trong lúc câm lặng ấy.

Rồi y đột ngột lên tiếng:

- Những cảnh tượng mà ông vừa xem thực ra vẫn chưa thể coi là cảnh tượng bi thảm nhất của đời người đâu.

Tôi ngạc nhiên, nhất thời không phản ứng gì được, chỉ a một tiếng.

A Lỏn nói:

- Những cực hình mà họ phải chịu chỉ đem lại đau đớn tạm thời, ngay cả lăng trì cũng không kéo dài quá ba giờ đồng hồ.

Tôi buột ra một âm thanh như tiếng rên, tỏ vẻ bất bình với gã:

- Ba giờ! Một phần mười giây cũng đủ khiến người ta thấm thía tận cùng cơn đau đứt ruột đó, mà còn nói là chỉ ba giờ!

A Lỏn hừ mũi:

- Vậy mà có cực hình kéo dài hơn kia, chẳng hạn ba ngày, ba tháng, ba năm, thậm chí ba mươi năm...

Tôi hỏi:

- Ông định nói đến sự giày vò và tàn hại về tinh thần phải không?

A Lỏn đáp:

- Không, tàn khốc gấp đôi, cả thể xác và tinh thần.

Tôi hít một hơi:

- Thế tức là... tử hình? Chặt chân chặt tay cho đến chết cũng là một thứ cực hình.

A Lỏn hơi rùng mình, giọng y run run:

- Chưa chắc, bất luận phương pháp xử tử có tàn khốc đến thế nào thì nỗi đau đớn cũng không dai dẳng.

Nói đến đây, y lại im bặt.

Tôi điểm nhanh qua óc mấy vụ hành hình nổi tiếng trong lịch sử Trung Quốc, không khỏi gớm thay cho cái việc ngược đãi con người, rồi bỗng la lên thất đảm:

- Người trong phòng thứ tư... là một người đàn bà phải không?

A Lỏn vội phủ nhận:

- Không, không phải bà ấy, tôi biết ông đang nói đến ai, nhưng không phải bà ấy đâu.

Tôi nhăn mặt. Người tôi nghĩ đến bị chặt hết chân tay, bị chọc thủng tai, bị đâm mù mắt, bị đổ thuốc cho câm, bà ta chịu đủ thứ khốc hình mà đầu óc còn tỉnh táo, lúc bị vứt vào nhà xí cũng vẫn tiếp tục sống, ý thức hoạt động vẹn nguyên, không biết bà nghĩ gì? Tưởng tượng mà thấy thảm.

Tôi càng thêm căng thẳng:

- Ai mà có cảnh ngộ còn bất hạnh hơn bà ấy?

Bấy giờ đã tới cửa phòng thứ tư, tôi đột nhiên kêu lên:

- Để tôi đoán xem mình sẽ trông thấy ai đây!

A Lỏn ngoảnh ngay lại nhìn tôi:

- Ai nào?

Rõ ràng là y muốn tôi đoán thật. Tôi hơi ngẩng đầu lên, bỗng thấy nan giải. Trong lịch sử Trung Quốc, những người có thể làm nhân vật chính cho phòng thứ tư quả thật rất nhiều, cứ điểm một lượt cũng lấy ra được mấy trăm người, thậm chí mấy ngàn người. Họ đã từng chịu đủ mọi khốc hình khác nhau, mà tội lỗi của họ tuyệt nhiên không đến nỗi phải chịu cực hình ghê gớm ấy, thậm chí họ còn vô can, mà chính kẻ gia hình mới có tội.

Cái sự thật trái ngược ấy vẫn kéo dài suốt từ xa xưa cho tới tận ngày nay.

Phải, tự cổ chí kim: đừng tưởng đủ mọi loại khốc hình chỉ có cổ đại mới có, mà ngay mười mấy năm trước đây thôi, người bị khảo đả đến chết đến tàn phế cũng có tới mấy triệu người rồi. Các vị đã nghe nói đến vụ "đầu đồng dây da" chưa? Người ta dùng dải dây da vừa dày vừa rộng, một đầu xỏ cái khóa bằng đồng rất dày và nặng để quật lên thân thể người già sáu mươi tuổi, cứ thế quật thẳng tay cho đến khi họ chết.

Giữa vô vàn số phận thảm khốc đó, tôi quả thực không sao xác định nổi một ai, tôi chìm đắm trong suy tư, bất giác cảm thấy run rẩy, thậm chí bị sỉ nhục, bởi hành vi và tính cách của loài người mới gớm ghiếc làm sao!

Cổ họng khô ran, tôi thở dài nghĩ bụng, có lẽ cần ai đó ngồi ghi chép lại những thủ đoạn ngược đãi đồng loại của loài người.

Vừa nghĩ đến đây, đột nhiên tôi nhớ ra một nhân vật nổi tiếng trong lịch sử. Ông ấy, nhất định ông ấy chính là đối tượng của phòng thứ tư này. Nhất định thế.

Tôi thở một hơi dài, rồi kích động thốt lên:

- Tư Mã Thiên!

A Lỏn vừa gật đầu vừa nói:

- Ông là người đầu tiên đoán trúng nhân vật ngay từ ngoài cửa.

Cái tin đó chẳng làm tôi phấn khởi chút nào. Ngược lại, tôi thấy lòng càng thêm nặng nề khó chịu, đến nỗi giọng nói phát ra khàn hẳn đi:

- Chỉ hình dung ra những gì ông ấy phải hứng chịu cũng đủ thấy bi kịch dai dẳng bất tận đến nhường nào.

Phản ứng của A Lỏn khác hẳn với tôi tưởng tượng.

Bất kỳ ai biết cảnh ngộ của sử học gia vĩ đại Tư Mã Thiên, khi nhắc đến số phận bất hạnh của ông ấy, tự nhiên đều thở dài thương cảm. Nhưng phản ứng của A Lỏn thì mạnh mẽ hơn hẳn bình thường.

Vừa nghe thấy tôi nói vậy, trên mặt y bỗng xuất hiện một nỗi đau khổ kỳ cục, dường như y bị lăng nhục, bị tổn thương, dường như người chịu cực hình không phải là Tư Mã Thiên mà chính là y vậy.

Nhất thời, tôi chỉ biết trơ mắt nhìn y. Mau chóng nhận ra mình đã phản ứng hơi quá mạnh mẽ, A Lỏn vội vàng xoay mình đi, sau đó thở mạnh mấy hơi, tự trấn tĩnh lại:

- Ông vào xem đi!

A Lỏn đẩy cửa. Tầm nhìn chiếu thẳng vào pho tượng. Tôi không có gì để miêu tả cả, cảnh trong đó ghi nhận lại thời điểm sau khi hình phạt được thực thi. Đầu pho tượng hơi ngửa ra sau, đôi mắt hoàn toàn không nhìn xuống vết thương của mình, mà nhìn đến một nơi xa xăm nào ấy.

Cố nhiên, Tư Mã Thiên chẳng thể nhìn đi đâu xa quá trong một phòng hành hình chật hẹp như vậy. Nhiều nhất cũng chỉ nhìn tới được bức tường vấy đầy máu trước mặt mà thôi. Nhưng trong hai mắt ông, sự trống rỗng và nỗi tuyệt vọng dâng đầy đến mức khiến người ta tưởng ông đang nhìn về một nơi rất xa, vượt qua mọi trở ngại về không gian để chạm tới nơi cực viễn của vũ trụ.

Trong lúc bị lăng nhục về cả tinh thần và thể xác như thế, Tư Mã Thiên nghĩ gì? Trông dáng vẻ ông, nhất định là có suy nghĩ. Ông đang tự hỏi sau này sẽ sống tiếp thế nào chăng? Ông có định chấm dứt cuộc sống khổ sở của mình không?

Nếu sống tiếp thì sống thế nào? Một ngày mười hai canh giờ, mỗi canh giờ hai mươi tư khắc đều bị giày vò khốn khổ, cuộc sống như thế có đáng gìn giữ nữa không?

Có phải ông nghĩ rằng: ta phạm tội gì mà phải chịu hình phạt tàn khốc này? Đúng, ông đã làm gì? Biện hộ cho một người bạn tốt vài câu, làm hoàng đế nổi giận, và thế là tai họa giáng xuống đầu ông. Có một thứ người mang danh "hoàng đế", nhất cử nhất động của người đó đều có thể quyết định sự sống hoặc cái chết của một người, mười người, trăm người, ngàn vạn người thậm chí là hàng triệu hàng tỷ người khác, người đó thích gì làm nấy, đem đủ thứ khốc hình gia hại lên thân thể kẻ khác. Hễ cái người được gọi là hoàng đế ấy còn tồn tại thì sự thật này vẫn còn tiếp diễn mãi, lúc đó không thể coi loài người là sinh vật bậc cao được.

Cảm giác bị lăng nhục của pho tượng là do cảm thấy riêng việc làm một con người cũng đủ là một sự ô nhục rồi, có phải không?

Tôi chằm chằm nhìn pho tượng, nhìn rất lâu mới đờ đẫn quay đầu đi, chậm rãi lắc đầu:

- Đủ rồi, đúng là quá đủ rồi, tôi không hi vọng là còn có phòng thứ năm nữa.

A Lỏn chua chát nói:

- Ai đọc Thư gửi Nhậm Thiếu Khanh của ông, đều biết việc ông bị cung hình, lời văn không bộc lộ nỗi thống khổ cực độ của ông, có lẽ ông cố ý che giấu nỗi đau đớn mà thể xác và tinh thần phải chịu đựng, nhưng việc che giấu đó lại khiến nỗi đau khổ càng thêm sâu sắc.

Tôi gật đầu biểu đồng tình với quan điểm của A Lỏn, rồi nói:

- Tôi muốn... đi hít thở không khí đôi chút.

A Lỏn trỏ một cánh cửa ngách:

- Qua khỏi cánh cửa đó, ông sẽ thấy một khoảnh sân, băng ngang sân sẽ ra một con đường khác.

.

Ra đến bên ngoài, tôi hít một hơi thật sâu.

Trời đã tối hẳn, đèn thành phố nhấp nháy trong mông lung. Trời đang độ cuối thu, gió thổi đã mang hơi lạnh, xua nhạt cảm giác nột nực trong người.

Hai tiếng đồng hồ trong phòng tượng quả thực là bốn cơn ác mộng ghê gớm trần đời.

Tôi đứng trong sân một lát thì A Lỏn cũng đẩy cửa bên chậm rãi đi ra.

Tôi phẩy tay:

- Nghệ thuật tạo hình của ông trác việt đến vậy mà chỉ nặn tượng sáp thì khí phí, tôi đảm bảo phòng trưng bày này là kho tàng vô giá của nghệ thuật loài người.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro