Thịt luộc

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Tác giả: Đồng Tử/Chiết Nhất Mai Châm

Chuyển ngữ: Trần

Phúc Hỉ cầm tấm khăn trắng, ngồi xuống trước chiếc bàn gỗ tử đàn lá chét y vừa đóng xong. Nắng từ khung cửa sổ lớn đằng Đông chiếu vào, rọi giấy dán cửa nóng rẫy. Trên bàn đặt hai sấp tấu chương, trái một sấp, phải một sấp. Cậu thái giám Hỉ Thước dâng trà lên hầu, chốc chốc lại bê chồng tấu chương bên trái mỗi lúc một cao kia lên, khẽ giọng hỏi: "Bẩm ông, tiểu nhân đem vứt những quyển này đi chứ ạ?"

Ông là tôn xưng mà bề dưới gọi y, Trương Phúc Hỉ, thái giám chưởng quản cung Càn Thanh, năm nay mới ngoài ba nhăm, mặt mũi trắng trẻo nhẵn nhụi, không có tí râu nào, diện mạo tựa gái nhà lành.

Mí mắt mỏng xanh xao của y chẳng buồn nhấc lên, chỉ chớp mắt ngầm xem như chấp thuận.

Hỉ Thước đem vứt tấu chương rồi lại lấy từ hộp gỗ chạm sơn đỏ ra một quyển tấu mới. Trên lụa gấm đề tên người trình tấu, là Ma Lặc Cát nhà họ Nữu Cỗ Lộc. Y nhìn cái tên này bần thần một hồi. Hỉ Thước đã quay lại, gương mặt búp măng mười hai mười ba tuổi tròn xoe, trông thấy dòng chữ khải nhỏ tin hin ấy thì hồn nhiên nói: "Ôi chao, là ông ta à."

"Hửm?" Phúc Hỉ khẽ phát ra một tiếng mũi.

"Con trai ông ta đi gây sự ở phố đèn đỏ, bị cậu em vợ của Dụ Kỳ đánh cho, hai hôm trước còn nhờ người hối lộ bạc cho chúng ta, xin đệ trình tấu chương nữa kìa."

Phúc Hỉ chẳng nói chẳng rằng, đôi tay nhỏ được cung phụng trong nhung lụa thong thả lật mở tấu chương, tựa như lật lại một câu chuyện xưa năm cũ.

Chuyện từ hai mươi năm trước, lúc đó y hãy còn là một cậu thái giám trực đêm ở cung Càn Thanh. Đêm nào trong cung cũng thỉnh thần, đêm nào y cũng cùng Tát Mãn cô cô hát thần ca rồi chia thịt cúng. Thịt cúng chia dôi ra ăn không hết, y cẩn thận từng tí một đem đựng vào chén, ôm vào lòng, vội vã đem bưng đến cửa Càn Thanh.

Cửa Càn Thanh là chỗ phân cách giữa ngoại đình và nội cung, lính gác ở đó là một tốp con cháu nhà tôn thất ý chí dào dạt. Y men theo con đường tuyết vừa phủ đầy chạy tới, đằng trước đã có một thị vệ đeo đao nghênh đón từ xa, đón lấy y giữa những cơn gió rét.

"Anh ơi," Y đưa thịt trong lòng ra cho gã: "thịt luộc này!"

Một tay Ma Lặc Cát nhận lấy thịt, một tay nắm lấy bàn tay bên thì nóng rát bên lại lạnh cóng của y, kéo y tới dưới mái hiên buồng trực khuất gió, cùng nhau ngồi xổm xuống. Ma Lặc Cát năm nay vừa mười tám, mặt rộng đoan chính, đôi mắt hẹp dài đặc trưng của người Mãn Châu, tròng mắt vừa đen vừa lớn, có vẻ tuấn tú rất khí khái. Gã cười với Phúc Hỉ, vừa cười vừa mở nắp chén ra, bên trong là một miếng thịt ba chỉ được luộc chín với nước sôi.

Phúc Hỉ bị gã nhìn chăm chăm, thấy hơi thẹn: "Kìa anh, ăn mau đi kẻo nguội mất."

Ma Lặc Cát không có đũa, đành lấy tay bốc ăn, vừa ăn lại vừa cười với y, hai bàn tay cứ nắm chặt lấy nhau mãi không dứt. Ngày nào hai người họ cũng gặp nhau lấy một lần như thế, từ lúc được chia thịt cúng đến lúc ăn hết thịt, sau đó lại vội vàng chia xa.

Hôm mồng hai tháng hai là ngày Rồng ngẩng đầu*, sớm bảnh mắt thái giám quản sự đã lôi Phúc Hỉ từ trong chăn ra, xách tai y lên chửi: "Thằng ranh con! Ông cụ tổ thưởng thịt luộc cho mày, thế mà mày lại mặt dày đem giấu cho người khác ăn, đê tiện quá thể!"

(*Tên một lễ hội truyền thống của Trung Quốc được tổ chức vào ngày thứ hai của tháng thứ hai theo lịch Trung Quốc, hoạt động xoay quanh tín ngưỡng thờ thần rồng vì rồng được coi là vị thần chịu trách nhiệm về mưa, một yếu tố quan trọng trong nông nghiệp cổ đại. Theo wikipedia.)

Y bị lôi lên sảnh đường của quản sự, mấy cậu thái giám chạc tuổi đều tới vây xem, thái giám già lấy roi trúc vụt y: "Nói, mày bưng thịt đem cho ai rồi!"

Phúc Hỉ chịu đòn, nước mắt lưng tròng: "Người cáo trạng biết rằng con bưng thịt cho người khác, lại chẳng biết bưng cho ai chăng?"

"Ranh con ngang tàng, mày cãi bướng cho ai xem!" Thái giám già bắt y quỳ thẳng, chìa hai tay ra, lấy roi trúc vụt vào lòng bàn tay búp măng: "Tao vụt nát cái móng giặc của mày, xem mày còn ăn táo rào sung kiểu gì!"

Roi trúc quật ra tiếng gió vun vút, hễ vụt xuống là ra một vệt máu. Phúc Hỉ cắn răng chịu đựng, toạc cả da cũng chẳng hề hé răng, sứt cả thịt cũng chẳng chịu nhượng bộ. Thái giám già đánh mệt ngồi phịch xuống sập gỗ la hán thở hồng hộc, tức đến độ quẳng luôn roi trúc xuống đất: "Ngày thường ông có thương mày không, mày nói xem!"

Phúc Hỉ chợt òa lên khóc: "Bẩm, thương!"

Thái giám quản sự cũng rấm rứt mấy giọt nước mắt: "Đứa nhỏ ngốc nghếch này! Ông có thiếu cho nó miếng thịt ấy không, ông là đang dạy mày, sợ ngày sau mày sẽ hối hận đấy!"

Buối tối Phúc Hỉ không được chia thịt cho, tay giấu trong ống tay áo đi gặp Ma Lặc Cát. Ma Lặc Cát từ rõ xa đã không trông thấy chén, lại gần hỏi: "Xảy ra chuyện gì à?"

Phúc Hỉ toét miệng cười với gã: "Không có chuyện gì, nay lợn nhỏ, thịt chia hết cả rồi."

Ma Lặc Cát biết y nói dối, thấy hai tay y giấu trong tay áo, bèn nắm lấy ống tay áo của y, dắt y ra khỏi cửa Càn Thanh. Rẽ trái rẽ phải, rẽ vào một con ngõ nhỏ phía Tây, Phúc Hỉ chưa kịp phản ứng lại đã bị gã đè lên tường cung.

"Anh ơi?" Phúc Hỉ bị dọa giật mình, ngây ngốc quay mặt lại. Nhoáng một cái, bờ môi nóng bỏng của Ma Lặc Cát đã dán lên khóe mắt y. Phúc Hỉ không nhúc nhích, cả hai người đều lặng thinh, nơi ngõ tối chỉ có tiếng thở dốc khe khẽ. Ma Lặc Cát vụng về ôm lấy y, môi cọ lung tung trên mặt và trên cổ y. Phúc Hỉ đón nhận, dịu ngoan như một pho tượng đất.

Gió là là rít qua những viên ngói xanh của Tử Cấm Thành, vang lên tiếng ong ong. Giữa tiếng rung tựa như tiếng tỉ tê nức nở ấy, Ma Lặc Cát gỡ nút áo của Phúc Hỉ, thò bàn tay lạnh cóng vào trong. Người Phúc Hỉ run lên, cánh tay co lại rúc vào trong vòng ôm nóng cháy. Da thịt Ma Lặc Cát cận kề cùng y, khàn giọng hỏi: "Có lạnh không?"

Phúc Hỉ lắc đầu, Ma Lặc Cát lại kéo dây quần y, Phúc Hỉ hoảng hốt nhìn gã: "Anh ơi?"

Y chẳng trông rõ được gì, gương mặt của Ma Lặc Cát hòa vào bóng trăng, đôi bàn tay lớn mạnh mẽ kiên định kéo sợi thừng vải bông ra. Phúc Hỉ không cản gã, sợ gã phát hiện vết thương trên tay, sợ gã xót mình.

Thành thử người bị thương lại là y. Miệng vết thương bỏng rát như kim châm muối xát, y không biết làm sao mà quay về được chỗ ngủ, không biết làm sao chống chọi qua đợt sốt cao sau đó. Ba ngày ba đêm, thái giám quản sự tưởng rằng đánh hỏng cả người y, tốt bụng hiếm thấy đi tìm cao thuốc về cho. Đến lúc y loạng quạng xuống được giường đã là bảy tám hôm sau. Ngày đầu tiên trực đêm đã được chia thịt, y bưng chén đưa tới cửa Càn Thanh, nhưng con đường xa xăm lại chẳng có ai nghênh đón. Lê chân tới tận dưới cổng, cũng chẳng thấy cái người khoác đao kia đâu.

"Đại ca ơi," Y tìm được một gương mặt quen thuộc, nhẹ giọng khẽ hỏi: "Ma Lặc Cát đâu rồi ạ?"

Người ta liếc xéo y một cái, chẳng buồn đáp. Y suy tính, nhét chén thịt vào tay người kia: "Ma Lặc Cát đeo dây lưng đỏ* ấy ạ, ngày nào cũng đứng gác ở đây, anh ấy đâu rồi ạ?"

(*Gốc Hồng đái tử; 红带子 tức Giác La (觉罗), chỉ những người đeo dây lưng đỏ "Hồng thinh đái", là con cháu chi thứ, dòng dõi xa của Hoàng thất thời Thanh.)

Người kia nhận lấy chén, bực bội trả lời cậu thái giám nọ: "Thành gia, thăng quan rồi, không làm việc này nữa!"

Thành gia rồi ư? Phúc Hỉ thẫn thờ đứng đó, mãi nửa ngày mới nuốt trôi. Đúng vậy, Ma Lặc Cát khác y nhiều lắm, trên đầu y chỉ có một mảnh trời Tử Cấm Thành, mà gã thì còn có tiền đồ rộng mở để xông pha, trăng hoa bạt ngàn để tiêu khiển.

Tay lính ăn hết thịt, trả lại chén cho y, quẹt miệng một cái: "Ngon đấy!"

Ngon ư? Bản thân Phúc Hỉ cũng chẳng biết, thịt cúng được chia cho ba năm nay, y chưa từng nếm miếng nào.

Một giọt nước mắt rơi xuống đánh tách trên tập sớ, làm nhòe đi nét chữ Ma Lặc Cát rất đẹp kia. Hỉ Thước trông thấy, mắt láo liên một vòng, vội vàng nói: "Bẩm ông, sao lại hoa cả mắt thế!"

Phúc Hỉ ngơ ngẩn nhìn vết mực bị loang ra: "Ôi chao, bẩn rồi."

"Bẩn rồi thôi đừng đưa ngài vạn tuế xem." Hỉ Thước chìa tay ra, định vứt tấu chương sang sấp bên trái.

Phúc Hỉ hất tay nó ra, nhẹ nhàng gập tấu chương lại, đặt lên trên cùng sấp bên phải. Lúc này mặt trời đã chiếu về Nam, nắng trên cửa sổ đã nhạt dần đi, chỉ còn giấy dán cửa vẫn còn vương lại hơi ấm.

Hết.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro

#đammỹ