NÚI ĐẠI BÌNH

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Vậy là hành trình dài 200km từ thành phố nhộn nhịp về thăm quê nội yêu dấu của tôi sắp kết thúc. Nhưng lúc này đón tôi bên ngoài cửa xe chỉ có 1 cơn mưa tầm tã tạo thành một bức màn trắng xóa. Ở bên kia mặt kính xe nước mưa chảy xối xả như một con thác và ở xa hơn chúng tụ thành từng đợt sóng hình vòng cung trong không trung, từng đợt quật xuống những lùm cây rậm rạp làm những chiếc lá bắn tung lên trời. Ngay cả khi ngồi trong chiếc xe đò loại lớn vẫn cảm thấy hơi chao đảo, rùng mình mỗi khi một đợt mưa kèm gió dữ đổ đến. Tôi cố dõi mắt nhìn xuyên qua màn mưa ấy mà chẳng thấy gì, không thể thấy những triền đồi xanh có những hàng chè thẳng tắp hay những ngọn núi hùng vĩ thường án ngữ chân trời phía xa, hay là những ngôi nhà bé nhỏ khiêm tốn núp trong những lùm cây cối xanh tươi.

Đi được một lúc, tôi nhìn sang phía Đông, một vật màu đen thẫm đột ngột hiện ra, to lớn và kỳ vĩ bao phủ hầu hết chân trời. Đó chính là núi Đại Bình. Nó chỉ lộ ra 1 phần, từ những đám mây trên cao mưa đổ xuống tạo thành những vệt trắng xám như một mái tóc dài ảm đạm che khuất phần núi còn lại. Khi thấy ngọn núi này cũng có nghĩa là tôi đã về đến gần nhà lắm rồi. Tôi tự hỏi bà nội và ông chú, hoặc đứa em họ có nhớ giờ tôi đến để ra đón hay không ?

Tôi gom hành lý và đi lên phía trước hành lang chỗ gần tài xế. Mưa đã ngớt đi một chút nhưng vẫn đủ để làm người ta ướt sũng nếu không có gì che chắn chỉ sau một phút. Từng dòng nước mưa đang cuồn cuộn chảy bên vệ đường mang một màu cam đỏ đặc trưng của màu đất nơi đây. Vừa sau khi qua khúc quanh, ở nơi tôi xuống đã thấy có 2 người cùng 1 chiếc dù màu đen lớn đang đứng bên vệ đường. Không nhìn rõ ai nhưng tôi thầm cảm ơn họ, lần nào về quê tôi cũng được đón tiếp 1 cách chu đáo như vậy.

Khi xuống xe tôi mới nhận ra rõ ràng 2 người đón mình là ai, một người là bà nội tôi, còn người kia là đứa em con ông chú út. Bà tôi thì không có gì thay đổi cho lắm dù đã 3 năm rồi tôi mới gặp lại. Tôi không biết là mọi người nhìn bà tôi thì sẽ thấy thế nào, nhưng tôi nhìn bà chỉ thấy những gì tốt đẹp nhất, ấm êm và dễ chịu nhất tỏa ra một cách dồi dào. Bà luôn là suối nguồn yêu thương không bao giờ cạn với con cháu bất kể bà năm nay đã già và cũng không còn khỏe mạnh nữa. Bà đón tôi bằng một nụ cười tươi tắn nhất, nụ cười mà tôi đã quen thuộc từ lâu. Còn thằng em họ tên là Phong thì khiến tôi ngạc nhiên, nó cao lớn lên nhiều và trông rất khỏe mạnh đầy nhựa sống chứ không như tôi dù có cao nhưng ốm tong teo, khô héo vì hay thức khuya. Nó chào tôi bằng 1 thái độ tôn trọng hơi quá như thể tôi là bậc cha chú vậy, dù tôi và nó chỉ cách nhau khoảng 3 tuổi. Nó vội cầm lấy mớ hành lý giúp tôi.

Sau màn chào hỏi, tôi xắn quần, cùng mọi người đi trên con đường đất đỏ dẫn vào nhà. Hai bên chúng tôi là vườn cà phê xanh mướt. Mỗi cây chỉ cao khoảng hơn đầu người một chút. Những cành cà phê dài mọc ra từ thân chính như những cánh tay, bị oằn xuống bởi sức nặng từ những chùm quả nặng trĩu. Hẳn là chúng được chăm sóc tốt. Nhà bà nội tôi nhỏ nhắn, một nữa bằng gỗ, một nửa được xây nằm giữa khu vườn, ẩn trong tán lá của những cây ăn trái. Trời mưa gió thê lương làm những tia sáng đèn hắt ra từ gian bếp phía sau trông thật ấm áp. Đó cũng là những tia sáng rực rỡ nhất của một ngày sắp tắt mà tôi có thể thấy, khi ánh hoàng hôn đã bị những cơn mưa hè ở phía xa che khuất.

Lúc này trong nhà chú tôi đang chuẩn bị bữa tối. Chú còn trẻ nhưng do công việc vườn đất cực nhọc, phơi nắng phơi mưa nhiều nên nhìn ông già đi nhiều so với tuổi. Da ngăm đen, cánh tay, bắp chân nổi gồ lên nhiều những đường gân xanh, chân tay nứt nẻ. Dù vậy chú dường như rất khỏe, tôi chưa bao giờ nghe thấy chú bị bệnh bao giờ, trong khi đó bố tôi xa quê hơn 10 năm nay đi buôn bán dưới thành phố thì gần đây đã bắt đầu có nhiều chứng bệnh nan giải của tuổi già.

Gian bếp nhà bà nội không thay đổi nhiều kể từ khi nhà tôi rời đi. Vẫn là chiếc bàn ăn hình tròn và những chiếc ghế đẩu bằng gỗ mà tôi thuộc lòng từng câu chuyện cho mỗi cái, thậm chí còn nhớ những vệt xước, hình vẽ nguệch ngoạc mà hồi bé tôi khắc lên 1 số chiếc. Thường thì mọi người luôn tập hợp ở gian nhà này dù nó đã cũ và chỉ làm bằng những tấm ván mốc meo, còn gian nhà trên xây cất đàng hoàng sạch sẽ thường dùng cho việc tiếp khách và xem TV. Hơi bếp củi với mùi khói khét tràn qua làm tôi cảm thấy ấm áp dễ chịu làm sao, nhất là khi nó mang lại cảm giác trở về thời thơ ấu trong chốc lát.

Tôi đi để mớ hành lý ở căn gác trên gian nhà trên, đi tắm sơ qua rồi quay lại. Trên chiếc bàn tròn giữa gian bếp đồ ăn đang được dọn ra với những món quen thuộc : thịt kho, canh rau cải thịt bằm, thêm dưa và cà pháo. Bà tôi còn loay hoay múc thêm đồ ăn từ những cái nồi đen thui dưới bếp. Chú tôi cầm một bó đũa rồi chia cho mọi người. Thằng Phong vẫn ở nhà trên. Khi 3 người ngồi vào bàn thì chú tôi phải gọi nó mới xuống.

Câu chuyện diễn ra thường thì lúc nào cũng khá quen thuộc, và tôi thì cũng khá quen rồi nên nhiều khi chả nhớ mình đã bắt đầu trò chuyện những gì. Đại loại là chú tôi hoặc bà nội sẽ hỏi thăm sức khỏe bố mẹ tôi ở dưới thành phố, tôi cũng hỏi thăm lại như vậy. Chú tôi thường khá quan tâm chuyện tôi học hành dưới đó như thế nào, tôi trả lời qua loa vì tôi biết chú không thể hiểu rõ ngành học của tôi ở thành phố để kể những chuyện sâu xa hơn được, chú dường như là 1 người nông dân thuần khiết từ khi sinh ra, cho nên không hiểu cuộc sống sinh viên ở thành phố cũng là lẽ thường. Vả lại chuyện học hành đối với tôi cũng chả vui thú gì để mà phải nhắc đến. Chú nói :

- Này cháu, cháu có biết ngành học gì đó phù hợp cho thằng em của cháu không. Mấy bữa nay cứ nghĩ đến việc này là chú mất ăn mất ngủ cháu ạ.

- Dạ, còn tùy vào điểm số của nó nữa, vậy thì nó được bao nhiêu điểm thi tốt nghiệp ạ ?

Chợt tôi thấy thằng Phong cúi gầm mặt, giật mình nhẹ 1 cái như mắc nghẹn. Chú tôi trả lời :

- Khổ lắm cháu ạ, nó thi rớt tốt nghiệp rồi, vậy nên chú mới lo nghĩ chứ.

Lúc đó tôi đang cầm chiếc muôi chợt dừng lại làm canh rớt ào xuống văng cả ra bàn. Tôi kinh ngạc :

- Sao có thể như thế ? Làm sao mà rớt được ở cái kì thi mà người ta đậu trên 90% chứ ? Trời ạ !

Bà tôi lúc này mới lên tiếng :

- Thôi, chúng mày ăn đi, nhắc đến chuyện đó làm gì, để lúc khác đi.

Chú tôi cáu kỉnh nói :

- Mẹ à con đang hỏi cháu xem cách giải quyết chuyện tương lai cho thằng Phong, xấu hổ làm gì ? Xấu hổ có mài ra ăn được không ?

Câu nói của chú tôi không hề né trách hàm ý trách móc khiến cho thằng Phong càng xa sầm mặt mũi, trông đến tội. Tôi thấy thế bèn tìm cách nói giảm đi :

- Cái đó để cháu nghiên cứu thêm. Nhưng mà em nó ở nhà làm việc phụ chú cũng tốt, đâu phải cứ nhất định phải đi học. Nhiều đứa học xong ra trường còn thất nghiệp be bét ra, bố mẹ còn phải nuôi mà tiền học tốn kém thì có thu hồi lại được đâu.

Chú tôi tỏ ra kiên quyết :

- Không được đâu cháu, cà phê, chè rớt giá mấy năm nay rồi mà nhà mình vườn đất đâu có nhiều, chưa đủ 1 mẫu nên chỉ đủ ăn thôi. Mai này nó còn lấy vợ đẻ con nữa thì lấy gì mà lo.

Chợt tôi nhớ ra nên hỏi :

- Ủa sao lại ít vậy ạ ? Bố cháu vẫn bảo là nhà ta còn 3 mẫu ở quê cơ mà.

Chú tôi liền nói :

- Hả ? Chắc là bố cháu tính cả cái vườn dốc vào chứ gì ?

Tôi ngẩn ra, không biết cái vườn đó là gì, chú tôi giải thích :

- Chắc là cháu quên rồi, cái vườn chỗ đồi đất đỏ, đi vào bằng con đường đằng sau nhà ông Tám ấy. Cái vườn dốc ngược đất xấu đó thì trồng cấy được gì. Chỉ được cái dạo gần đây con đường phía trước mới mở rộng ra, trải bê tông nên nó lên giá được chút đỉnh. Chú và bà đang tính bán đi đấy.

Tôi lờ mờ nhớ ra. Đó là 1 cái vườn nằm trên vùng đất rất dốc, dốc đến nỗi không thể trồng cấy được gì. Hồi còn ở đây bố tôi đã nhiều lần cố gắng trồng cà phê hoặc trà lên đó nhưng thất bại, phân bón dễ dàng bị nước mưa rửa trôi và cỏ thì cực kì khó diệt. Cây trồng lúc nào cũng còi cọc, không bõ công sức bỏ ra cho nên cuối cùng bố tôi từ bỏ ý định cải tạo khu vườn đó. Những chỗ chưa có sự tác động của con người vẫn giữ được vẻ hoang sơ như một mảnh rừng già còn sót lại. Thảm cỏ tranh dày phủ khắp nơi, có thể ngồi lên trượt xuống một cách êm ái. Bên dưới con dốc là những tảng đá bàn lổm ngổm như một bầy trâu nước nằm phục im ắng cả ngàn năm, xen kẽ với những cây rừng cổ thụ có lẽ đã mọc từ khi vùng đất này còn chưa có người ở. Bên dưới cùng có 1 con suối nhỏ róc rách chảy quanh năm cũng là biên giới tự nhiên, bốn mùa trong vắt. Vô số loài cây cỏ kì lạ sinh sống mà chẳng ai có thể biết tên chúng là gì, chỉ gọi chung là "cây rừng". Có thể nói đó là 1 chốn « kỳ hoa dị thảo », chim chóc, thú vật rất nhiều, quy tụ đông đủ về vì đó là nơi trú chân hiếm hoi giữa 1 vùng toàn là vườn tược của người dân. Có thể bây giờ áp dụng công nghệ mới thì vẫn có thể canh tác được khu vườn này, nhưng chi phí đầu tư bỏ ra ban đầu sẽ rất lớn nên chú và bà tôi không thể kham nổi. Vì vậy họ muốn bán đi thì cũng là điều dễ hiểu.

Khu vườn đối với người lớn chỉ là mảnh đất bỏ đi, không tạo ra giá trị gì nhưng đối với tôi và thằng Phong khi còn bé nơi đó quả là thiên đường để vui chơi, khám phá. Dường như trẻ con cũng cảm nhận được vẻ đẹp tự nhiên hoang sơ đó thú vị hơn nhiều những khu vườn đơn điệu chỉ có 1 vài loại cây và được trồng đều tăm tắp. Chỉ nhớ vài hình ảnh thôi cũng khiến tôi bồi hồi cảm thấy những cảm xúc tuổi thơ ùa về.

Tôi nói :

- Phải rồi, cháu nhớ rồi, không ngờ bây giờ cũng có người mua khu vườn đó à ?

Chú tôi trả lời :

- Có người môi giới nói chuyện với chú tháng trước, mà chưa thấy khách quay lại cháu ạ. Hi vọng là năm nay chú bán được sớm, có tiền để làm nhiều việc. Vườn chè của bà già cỗi quá rồi nên chú vừa bứng hết lên trồng lại giống mới. Muốn đợi cho có ăn cũng phải vài năm. Thành ra bây giờ phải bán vườn dốc đi để trang trải trong khi chưa có nguồn thu từ vườn chè và cũng bù 1 phần chi phí cải tạo nó cháu ạ. Chú vẫn còn 1 số khoản nợ chưa trả.

Đột nhiên thằng Phong lên tiếng, làm tôi ngạc nhiên quay qua nhìn nó. Tôi đã tưởng là tối nay nó sẽ không nói thêm câu nào nữa.

- Không ! Con đã nói là đang cải tạo nó, bố đừng có bán nó cho đám người đó.

Chú tôi cáu gắt đáp lại :

- Bán đi để lấy tiền lo cho mày đó đồ ngang bướng. Mấy cái việc cải tạo của mày có chả có tích sự gì hết. Tao đã nói là đàng nào cũng bán đi mày còn ra đó cải tạo làm cái gì ?

Thế rồi 2 bố con cãi nhau. Thằng Phong kiên quyết muốn bố nó giữ lại cái vườn, còn đe là ai mà đến xem mua cái vườn đó là nó sẽ đuổi đi. Chỉ đến khi bà tôi vừa can vừa khóc thì cả 2 mới nguôi. Thằng Phong nói đã ăn xong dù vẫn còn nửa chén cơm, nó cầm hất phần thừa đó vào 1 cái nồi để dưới đất cho chó rồi đi lên nhà. Chú tôi vẫn ngồi lại, nhưng không tỏ ra tức giận mà nhìn tôi than thở.

- Thứ của nợ đó ! Ước gì nó được phân nửa của cháu thì chú đã an tâm biết chừng nào. Con cái nhà người ta học hành thành đạt ra đời vẻ vang còn nó thì chỉ thích ru rú ở xó vườn. Chú cũng tính bán cái vườn đó đi lấy tiền mua 1 cái xe tải nhỏ cho thằng khốn ấy chạy, học nghề ông cậu bên ngoại mà nó nhất định không chịu. Khổ thế chứ !

Bà tôi vừa lau nước mắt vừa nói rất khẽ :

- Thôi, cái chuyện buôn bán ấy đừng có cho nó biết là được. Nó vẫn còn nhỏ sao hiểu những chuyện lớn ấy. Đợi đến khi mấy người kia quay lại mày cứ dẫn tao ra quán nào kí giấy là xong. Giờ đừng nhắc đến chuyện đó nữa.

Bữa cơm tối hôm đó kết thúc trong bầu không khí nặng nề, ăn xong ai theo việc nấy, người thu dọn, người rửa chén, người thì đi cất đồ ăn thừa vào tủ lạnh, không còn nói với nhau câu nào đáng kể. Đến tối muộn hôm đó tôi mới trèo lên gác. Chả là tôi và thằng Phong ngủ chung với nhau trên này, nhà của bà không đủ rộng để có cho tôi 1 phòng riêng mỗi khi về chơi. Mọi khi 2 anh em khá thoải mái khi ở với nhau mà lần này thấy ngại ngần như 2 người không quen. Nó vẫn còn thức nhưng khi vừa thấy tôi leo lên liền quay mặt vào vách tường, đắp chăn cao lên giả vờ như đã ngủ rồi.

Tôi mở ba lô ra, tôi có quà cho cả ba người nhưng hôm nay không được vui nên chưa tính trao cho ai cả. Tôi ngẫm nghĩ 1 lát rồi cầm gói quà cho thằng Phong lôi ra. Đó là 1 cái áo thun mới hàng hiệu tôi mua cho nó dưới thành phố. Trước khi mua tôi đã nhắn cho nó hỏi cỡ, nhưng nói thật là khi về nhà nhìn thấy nó thế này trong lòng lại thấy hơi lo là chẳng biết cỡ tôi mua liệu nó có mặc vừa hay không. Mà thôi thì đằng nào cũng mua rồi nên tôi khẽ lay nó dậy, nói :

- Này, anh có mua quà cho mày.

Nó không quay lại, nói khẽ :

- Anh cứ để đó đi. Em cám ơn nhưng giờ em đang buồn ngủ quá nên cứ để đó mai em xem ạ.

Nghe chất giọng thì không có vẻ gì là giọng nói của một người ngái ngủ cả. Nhưng tôi mặc kệ cứ để bên cạnh chỗ nó, coi như xong 1 thủ tục. Tôi nằm xuống, lấy cái chăn mà bà nội đã chuẩn bị sẵn đắp lên, đăm chiêu suy nghĩ. Có lẽ nó cho rằng tôi đang cùng phe với ông chú nên mới có thái độ lạnh lùng đó. Mà nghĩ lại tôi cũng chả biết là mình theo phe ai, phe bán hay phe giữ cái vườn đó ? Dù sao thì tôi cũng cần phải ra xem như thế nào. Quá lâu rồi tôi không ra đó, không biết là đã có bao nhiêu thay đổi rồi.

****

Nhưng kế hoạch đi thăm khu vườn đó của tôi đã phải hoãn đi nhiều ngày vì sự ngăn cản của những cơn mưa dai dẳng của miền cao nguyên. Mưa kéo dài từ sáng đến tối, từ ngày này qua ngày khác, kéo dài có khi vài tuần. Nếu không mưa thì bầu trời cũng bị bao phủ bởi 1 lớp mây dày, cuồn cuộn bay từ tây sang đông và chỉ chực chờ trút nước xuống bất cứ lúc nào. Vào mùa này những con đường đất đã phủ 1 lớp bùn đỏ dày, có khi đến nửa mét hoặc nếu không có bùn thì bóng nhẫy như bôi sáp, hoàn toàn không thân thiện với những người thành thị như tôi. Tôi từng nghe người miền quê phải quấn xích quanh bánh xe thì mới có thể chinh phục những con đường này. Họ có thể đánh giá chính xác vị trí phù hợp để len bánh xe vào sao cho không bị mắc lầy, hoặc có khả năng thăng bằng tuyệt hảo khi xe chới với đi trên những đoạn trơn trượt. Và dù có kĩ năng nào đi nữa thì lần nào chú và em họ tôi từ vườn trở về cũng thấy người bê bết một màu bùn đỏ.

Còn tôi thì cũng chả hề nhàn tản gì trong thời gian đó. Tôi cố gắng hoàn thành 1 số bài luận văn, ôn luyện để chuẩn bị quay lại thi lần 2 một số môn. Năm học này đối với tôi không suôn sẻ gì, tôi thi rớt đến 4 môn và phải vắt chân lên cổ ôn tập để thi lại. Thời gian rảnh tôi lại mang cái bảng vẽ và bộ màu bột ra để luyện vẽ như một cách giải trí cũng như nâng cao óc thẩm mỹ, điều đó rất quan trọng vì tôi đang học 1 ngành liên quan nhiều đến chuyện vẽ vời.

Thuở nhỏ tôi thường thích vẽ, thích cầm phấn vẽ đầy ra nền nhà, rồi lấy dao khắc lung tung lên bàn ghế, tường, cột nhà. Đến khi chọn trường đại học, bố bảo là tôi có vẻ có năng khiếu vẽ nên hãy ôn luyện 1 năm rồi chọn ngành cần thi môn vẽ mà đăng kí. Tôi liền nghe theo, quả nhiên sau đó thì tôi cũng đậu, sức học của tôi khá tốt nên thi đậu không khó khăn gì, dù vậy cũng phải nhờ các môn văn hóa điểm cao bù cho nhiều vì môn vẽ tôi chỉ đạt mức điểm tối thiểu để đậu mà thôi. Cho đến khi học sâu thêm tôi mới phát hiện ra mọi chuyện thật không đơn giản như mình tưởng tượng khi còn nhỏ, tôi đã cảm nhận thấy giới hạn của bản thân 1 cách rõ rệt và phải vất vả mới đạt được yêu cầu của giảng đường.

Ngày hôm đó trời vẫn mưa, âm u và ủ dột, nhìn ra xa chỉ có 1 màu xám đục bao phủ. Trong nhà chỉ có tôi và bà nội, 2 người kia đã đi làm vườn từ sớm. Tôi lên nhà trên bày ra nào màu, khung, giấy, bảng bồi rồi vẽ một bức tranh phong cảnh. Tôi đã chuẩn bị sẵn đồ đạc để tranh thủ lần này về quê sẽ kiếm 1 cảnh đẹp nào đó để vẽ lại, nhưng tiếc rằng trời mưa gió ủ dột quá lâu vì vậy tôi quyết định là sẽ vẽ theo trí tưởng tượng. Khi đang tập trung vào bức tranh thì bà nội đi từ sau nhà lên, mang cho tôi một ly nước chanh, bà nhìn thoáng bức tranh rồi nói :

- Cháu vẽ đẹp quá nhỉ !

Tôi vẫn tập trung phết màu trắng lên một đỉnh núi :

- Dạ, thế này là thường so với đám bạn của cháu bà ạ, chả có gì đáng kể cả nên cháu phải luyện thêm nhiều.

- Ồ, ngọn núi cháu đang vẽ, ở đâu vậy nhỉ ?

Tôi ngừng lại, chợt cảm thấy lúng túng trước câu hỏi này. Khi chuẩn bị ý tưởng vẽ bức tranh phong cảnh này tôi mặc nhiên nghĩ đến 1 khung cảnh kiểu như : một ngọn núi phủ tuyết kết hợp với một hồ nước trong xanh phẳng lặng, thêm vài cái cây ở tiền cảnh, có khi là vài căn nhà xinh xinh, rồi thêm vài đám mây ở hậu cảnh. Như thế thì đâu thể nói được rằng ngọn núi đó tên là gì, ở đâu. Tuy vậy tôi trả lời bà:

- Dạ, cháu vẽ ngọn núi tuyết trong 1 vườn quốc gia ở nước ngoài ạ.

- Vậy à. – Bà tôi đáp. – Chỉ tưởng tượng trong đầu mà vẽ được như thế thì giỏi thật. Thôi cháu cứ vẽ đi, bà mới mang lên cho cháu 1 ly nước chanh khi nào khát thì uống nhé. Bà đi làm bếp tiếp đây.

Vài ngày sau tôi cũng vẫn chưa vẽ xong bức tranh, chả hiểu sao cứ thấy không ổn. Có những chỗ dày cộp lên vì quá nhiều lớp màu đè lên nhau, thế là trong lúc đang ở tâm trạng chán nản thì trời hửng sáng lên. Cơn mưa dài ngày đã có dấu hiệu kết thúc, những đám mây đang trở nên mỏng dần và hiền hòa hơn. Những tia nắng hiếm hoi bắt đầu quay trở lại, làm mọi vật như bừng tỉnh sau những ngày âm u xám xịt. Tôi ra phía trước nhà, mở toang cửa chính để đón những tia nắng dịu dàng lướt vào xua tan bớt cái không khí ẩm thấp nặng nề bên trong.

Tôi thấy ngay trước mặt là núi Đại Bình, sau những cơn mưa không khí trở nên trong vắt và vì vậy ngọn núi hiện ra uy nghi to lớn, là một khối khổng lồ che khuất chân trời trước mặt. Khi còn sống ở đây, ngọn núi đối với tôi như là 1 phần cuộc sống, bất kể tôi có đi học, đi chơi thì vẫn luôn thấy sự hiện diện của nó. Có khi tôi còn nghĩ rằng phía sau ngọn núi này thế giới sẽ kết thúc, không có gì tồn tại ở sau đó cả. Và bởi vì lúc nào cũng nhìn thấy nó, nên tôi gần như thuộc lòng từng chút thay đổi trên triền núi. Tôi nhớ lúc từng mảnh vườn xuất hiện, từng ngôi nhà nhỏ được xây cất lên, từng con đường đất len lỏi được định hình.

Khi tôi còn thơ ấu, ngọn núi trong ký ức dường như chỉ có 1 màu xanh thẫm của rừng nguyên sinh. Thế rồi màu xanh đó từ từ mất dần đi. Vào mùa nắng, từng đám cháy khốc liệt diễn ra bốc khói cuồn cuộn lên trời, ban đêm chúng hiện hình thành những đốm sáng rực, có khi trải rộng thành một chuỗi dài, nổi bật trên tấm nền đen thẳm của màn đêm và rừng rậm. Những khu rừng vì vậy cứ thưa thớt dần rồi rút lên đỉnh núi và được thay thế bằng những vườn cây, trang trại được trồng cấy đều tăm tắp, ngay hàng thẳng lối. Cho đến ngày hôm nay rừng chỉ còn 1 khoảng nhỏ ở trên đỉnh, như mái tóc ngắn của 1 người đàn ông. Trên mảnh rừng ấy vẫn còn có thể thấy 1 số cây cao vụt lên, tuy nhìn từ xa như một cọng rêu, nhưng có lẽ nếu ở gần thì chúng phải là những cây cổ thụ khổng lồ. Hình dạng của chúng không khác gì với những gì còn lưu trong đầu tôi từ nhỏ. Tôi tự hỏi những sinh linh đã chứng kiến hàng trăm năm thay đổi của đất trời như chúng bao giờ sẽ biến mất, chắc chắn rồi chúng cũng không thể chịu được sự xâm lấn khốc liệt của con người bên dưới. Dù vậy cũng không thể phủ nhận rằng những mảnh vườn xanh tươi trên triền núi cũng đóng góp 1 phần giúp cuộc sống của thị trấn quê hương tôi ngày càng đi lên.

Tôi phải thăm vườn dốc trước khi kỳ nghỉ kết thúc. Tôi đợi 1 vài ngày trôi qua để những con đường quê kịp khô ráo rồi mới xách xe đi được. Sau khi đi qua một khúc quanh, tôi nhận ra ngay nơi cần đến dù chỗ đó chỉ có cây cối và bụi rậm. Đó chính là cây lá trắng – một loài cây lá có mặt dưới màu trắng, mỗi khi gió thổi qua những chiếc lá lật lên thì mới nhìn thấy màu trắng đặc trưng đó. Không biết loài cây này có tên cụ thể là gì, còn tên lá trắng chỉ là tên mà khi nhỏ tôi đặt cho nó mà thôi. Loài cây này phổ biến nhưng chỉ là 1 loài cây dại không có giá trị, vì vậy mỗi khi cần phát quang là chúng sẽ bị chặt đi ngay. May sao cây này vẫn còn, nó đã to lớn hơn nhiều so với những gì mà tôi biết. Tôi lần mò lại gần, ngạc nhiên thay những chữ khắc nguệch ngoạc của tôi vẫn còn trên thân cây, dù có vẻ như đang chìm sâu vào, nhưng vẫn còn có thể đọc được là gì. Đó chính là tên của tôi.

Con đường tiếp cận vườn nằm trên cao, còn khu vườn là một triền dốc rất gắt từ đó trải xuống cho đến dưới cùng là 1 dòng suối nhỏ chảy róc rách qua nhiều tảng đá. Thời ngày xưa đi xuống rất khó khăn. Về sau tôi và thằng Phong cùng đám bạn quê nghĩ ra 1 cách, đó là lấy cái mo tre lót vào mông rồi trượt lên lớp cỏ tranh dày là trượt xuống được ngay. Bây giờ nhìn xuống thì lớp cỏ tranh vẫn là 1 thảm dày, um tùm. Tôi để xe ở 1 góc đường rồi đi lại kiếm 1 lối đi phù hợp. Tôi tưởng rằng mình sẽ phải lội đất, lội cỏ mà tuột xuống, tuy nhiên giữa đám cỏ tranh tôi phát hiện ra 1 lối đi bậc thang bằng đá xếp rất xinh xắn, lại có tay vịn đóng bằng những thân cà phê. Một lối đi khiêm nhường, không phá đi cái hoang dã của cảnh trí, mà vẫn đủ tiện nghi để phục vụ con người.

Tôi cứ thế bước xuống, đi một mạch xuống bên dưới. Phía trước chợt hiện ra một đám cây cao ngang đầu rậm rạp, xanh tươi có điểm những bông hoa màu tím. Đó chính là những cây sim rừng mọc trộn với mua rừng. Những gốc sim rất lớn, lâu năm và tốt um. Không thể không nghĩ đến những cây rừng này đã được chăm sóc nên mới tốt tươi được như thế, nếu không thì sẽ có vô vàn những loại dây leo mọc phủ lên và khiến chúng trở nên còi cọc, sẽ có vô số những loài cây dại hung hãn khác sẽ tranh chấp từng phân vuông đất. Tôi ngước nhìn lên triền dốc, không chỉ chỗ tôi đứng mà cả vạt dốc toàn là sim và mua, và bởi vì sim cũng chính là 1 loài cây dại mọc tự nhiên ở vùng đất này, cho nên cái triền dốc ấy mang một nét đẹp của hoang dại bản địa đặc sắc mà những công viên, sân vườn của con người không thể có.

Tôi bước xuống thêm nữa thì bắt gặp con suối, 1 con suối đá bàn đặc trưng của vùng tây nguyên. Mùa này nước chảy rất dữ dội nhưng do đã nhiều ngày tạnh mưa nên đã khá trong. Dòng nước cuồn cuộn len lỏi qua những khe đá, từ xa nhìn thấy lúc ẩn lúc hiện, có những chỗ lại xù bọt nước trắng xóa lên. Vang khắp không gian một âm thanh ồn ào róc rách nhưng lại dịu ngọt dễ chịu, một thứ âm thanh to, đều mà lại nghe như lời ru, tưởng chừng như chỉ cần ngả người ra là có thể ngủ được ngay, hoàn toàn khác với loại âm thanh ồn ào của con người. Hai bên bờ suối quang đãng, chỉ có 1 số cây lớn có tán xòe vĩ đại tạo ra những khoảng bóng mát dễ chịu, trên thân mọc lác đác những bụi hoa lan hay dương xỉ. Có 1 số cây trổ những bông hoa kì lạ màu trắng pha vàng, rụng xuống dòng nước và mắc kẹt vào những khe đá, chúng tỏa ra hương thơm nhẹ nhàng quyện với mùi lá cây mục và mùi rêu. Trong kí ức của tôi dòng suối này cũng đẹp như bây giờ nhưng thường có rất nhiều bụi rậm. Đó là những bụi mây đầy gai nhọn hay mâm xôi lá phủ đầy một loại lông tơ gây ngứa ngáy. Tự nhiên luôn gai góc và thách thức nỗ lực chinh phục của con người, nhưng giờ đây những thứ ấy đã không còn. Bây giờ khung cảnh rất quang đãng, 2 bên bờ suối có 1 số bụi riềng, một số bụi dong và gừng rừng đang trổ hoa, lại có những khóm ráy lùn lúp xúp dưới đất cũng trổ những ngọn hoa trắng, chúng thật hiền hòa và xinh đẹp 1 cách nhã nhặn, khiêm nhường rất hợp với quang cảnh xung quanh.

Tôi tháo đôi dép, ngồi lên 1 tảng đá rồi ngâm chân vào dòng nước mát lạnh, những con nhện nước thấy động lướt lạo xạo cả lên. Vừa khi chân chạm vào nước trước mắt tôi liền hiện ra quanh cảnh vui chơi thời bé, chả khác nào chạm vào 1 công tắc mở ra kho dữ liệu cũ kĩ trong đầu đã bị bỏ xó từ lâu. Tôi thấy rõ hình ảnh mình là 1 cậu nhóc đang leo trên những tảng đá và nhảy ùm xuống những vũng nước mát lạnh này. Có khi tắm chán thì lại câu cá, hoặc lấy những chiếc rá tre đuổi bắt chúng. Con suối này thường chỉ có những con cá lòng tong bé tý bơi cực kỳ nhanh, không bõ dính răng nhưng ở miền núi những thứ cá tép, cua tôm trong nước luôn làm trẻ con thích thú. Thi thoảng lại có thêm 1 vài loại cá bống có vằn như vằn hổ thường chui rúc dưới những viên sỏi và lá cây mục dưới đáy nước. Có những mùa tép về rất đông, lại có những mùa cua đá sinh sôi nảy nở ở khắp các kẽ đá hay bụi rậm mọc trong lòng suối.

Tôi nhìn quanh, cảm nhận thấy rõ 1 điều là mọi thứ vừa lạ lại vừa quen. Những ký ức đẹp nhất của tôi đối với khu vườn vẫn vẫn còn hiện diện ở đây, những tảng đá bàn, những vũng nước trong, những thác nước nhỏ, những cây cổ thụ tỏa bóng và một số bụi hoa rừng đặc trưng. Lạ là chúng đều như được sắp xếp lại, giữ lại những gì đẹp nhất.

Dường như có 1 bàn tay con người sắp xếp, điều phối lại. Nếu không có bàn tay con người thiên nhiên có thể đẹp nhưng lại thường luôn hiểm ác, đáng sợ, có thể gây thương tích cho con người một cách bất ngờ. Đôi khi trên thảm cỏ lại có những hố sụt, những mảng đất lở dễ khiến người ta trượt té. Bên trong bụi rậm có sa số những loài cây có gai góc sắc nhọn và vô số rắn rết, kiến lửa, ong vò vẽ và nhiều loài trùng độc khác làm tổ.

Đây không khác gì khu vườn dốc mà tôi ước ao lúc nhỏ, thiên nhiên vẫn hiện diện một cách nguyên vẹn nhưng sự nguy hiểm đã được xóa bỏ. Khi đó tôi và thằng Phong chỉ là những đứa trẻ không đủ sức cải tạo khu vườn. Phải rồi ! Tôi chợt nghĩ chả có bàn tay ai khác làm những việc này ngoài thằng Phong. Đó cũng chính là lý do mà nó nhất định không muốn cho ai bán khu vườn chăng ?

Chợt 1 bụi cây hoa mua mọc gần bờ suối khẽ rung động, và thằng Phong từ đó bước ra. Thấy tôi nó ngạc nhiên hỏi :

- Anh ra đây làm gì ?

Tôi lúng túng đáp :

- À, anh muốn thăm lại khu vườn này trước khi nó bị bán đi.

- Anh thấy có gì thay đổi không ?

Gần như đó là 1 câu hỏi có tính chất thăm dò. Tôi đáp lại :

- Có, anh thấy mọi thứ thay đổi, nhưng có vẻ tốt và đẹp lên, có phải mày làm không ?

Nó tiến đến rồi ngồi lại gần tôi, lại ngắt 1 cọng cỏ đưa vào miệng nhai, vừa nói :

- Đúng vậy. Em đã làm khu vườn đẹp lên và gọn gàng hơn nhiều so với lúc còn bé, lúc anh còn ở đây. Cho nên em không muốn bà và bố bán khu vườn này. Anh có ủng hộ họ bán vườn không ?

Đây là 1 câu hỏi rất khó, tôi quay nhìn lơ đãng ra suối, ngẫm nghĩ 1 lát rồi trả lời :

- Anh sẽ không có ý kiến gì cả ? Quyền quyết định của bà và chú Phong ạ.

Nó đứng dậy, tôi tưởng là nó thất vọng và bỏ đi khi tôi nói như vậy, nhưng không, nó nói :

- Này, đi theo em, em sẽ cho anh xem cái này !

Thế là tôi đi theo nó. Khá ngạc nhiên vì không ngờ rằng vẫn còn có nơi mình chưa khám phá. Nhưng nhớ ra là khu vườn dốc này rất rộng mà tôi mới chỉ đi được 1 đoạn ngắn.

Qua 1 bụi sim, không gian đột ngột mở rộng ra khỏi tầm mắt, những luồng gió thốc ngược lại, tôi cảm nhận thấy mùi gió quyện với mùi hoa lan thơm mát. Thật kinh ngạc phía trước tôi là 1 mặt nước rộng thênh thang, khoảng hai trăm mét vuông nằm dưới những tán cây cao lớn. Nó được tạo thành khi có một con đập xinh xắn nằm ở cuối dòng được đắp bằng nhiều tảng đá nhỏ, lá cây, cành cây dồn lại lâu ngày tạo thành 1 lớp bùn không thấm nước hoàn hảo để chặn dòng suối thành một cái hồ như thế này. Trong hồ nước chỉ sâu tối đa 1m, trong hơn hẳn ở dòng chính, có thể thấy đáy hồ rõ ràng từng viên sỏi chỉ to bằng ngón tay và từng đàn cá lao xao bơi lội. Xung quanh hồ những thân cây cao mọc rải rác, che bóng râm mát

Chưa hết ngạc nhiên với hồ nước này, tôi chợt nhìn thấy một vật gì đó mang một màu hồng rực rỡ soi bóng xuống. Thằng Phong đi thẳng đến đó và tôi đi theo. Đó chính là cây mụn cóc, 1 loài cây có thân sần sùi tạo ra những đốm mụn lồi ra mụn cóc. Nhưng giờ đây toàn bộ phần thân từ dưới lên đến khoảng 3m là những bụi hoa lan hè chi chít đang bung nở.

Đây là những loại hoa lan đặc trưng của núi rừng, không thể thấy trong cửa tiệm bán hoa nào, khi không nở hoa trông chúng như những cây dương xỉ với những chiếc lá xanh và cứng, nhưng mỗi khi hè đến là chúng bung nở và hoa giữ được rất lâu. Mỗi bông hoa to chừng đầu ngón tay mang màu hồng chủ đạo và điểm thêm 1 vài màu nữa như trắng và vàng, trông khá khiêm tốn nhưng bù lại thì số lượng rất nhiều. Hàng trăm bông tụ trên mỗi chiếc cành khẳng khiu uốn cong như hoa lúa.

Có hàng ngàn nhánh như thế này cùng nở 1 lúc vì vậy làm cho thân cây mụn cóc chuyển thành màu hồng như 1 chiếc váy hoa sang trọng. Tôi không thể không nhiều lần thốt lên rằng nó quá đẹp. Thằng Phong nói :

- Em đã gom hàng trăm bụi lan trong khu vườn này vào đây và chăm sóc nên những cây này sung mãn hơn hẳn những cây khác.

- Không thể tưởng tượng nổi ! – Tôi thốt lên, - Mất bao nhiêu thời gian để em làm xong chừng này.

- Không mất nhiều thời gian, lâu lâu em ra gắn 1 cây rồi chúng tự lớn lên.

Tôi đi vòng quanh gốc cây, vừa đưa tay sờ vào từng nhánh hoa phong lan. Tôi hỏi :

- Nhưng trong thời gian rất dài đúng không ?

- Từ hồi anh rời đi, anh không nhớ gì hết sao ? Đây là ý tưởng mà anh nghĩ ra.

Thằng Phong chỉ 1 nhánh lan trông già cỗi ở ngang ngực. Tôi liền nhớ lại chính mình cũng từng bó 1 nhánh lên cái cây này, chả lẽ chính là nó. Chính tôi đã bó cây lan đầu tiên lên đây, khi sưu tầm chúng từ chính khu vườn này. Sau đó tôi đã nảy ra ý tưởng gom tất cả những bụi lan dại trong vườn trồng lên một nơi duy nhất là cây mụn cóc để tiện chăm sóc. Khi tôi còn ở đây, chúng nhỏ bé và chưa có hoa, và cũng chỉ lác đác vài cây, còn bây giờ chúng bao kín cả thân, xanh um, những nhánh hoa tua tủa vươn ra từ những kẽ lá dày, khỏe khoắn để khoe sắc rực rỡ cả một vùng. Có đến cả chục loại hoa khác nhau, và đều rất lạ mắt, chắc chắn một điều là không ai có thể thấy những cây lan như thế trong bất kì vườn ươm nào. Chúng là tinh túy mà vườn dốc ban thưởng cho riêng chúng tôi và nhất là thằng Phong, người đã kiên trì chăm sóc và yêu thương chúng. Chúng cũng là ước mơ lớn nhất mà hai anh em tôi muốn thực hiện cho khu vườn.

Tôi nhìn quanh, chả phải là hồ nước, những bậc thang lát đá, khu vườn sim, những bụi dong, ráy cũng là ý tưởng của tôi, hoặc là hai anh em cùng nghĩ ra sao ? 1 thân cây mụn cóc mọc chi chít lan rừng cùng với hồ nước rộng rãi để bơi lội này chưa hề hiện diện trước đây. Nó là 1 giấc mơ của những đứa trẻ về 1 khu vườn dốc sẽ được cải tạo để trở nên đẹp hơn cả những gì mà thiên nhiên ban tặng. Lan rừng nếu mọc rải rác trên từng thân cây sẽ rất khó chăm sóc và vì thế sẽ luôn còi cọc chứ không thể sum suê như thế này. Con suối nhỏ cũng không thể tự nhiên mở rộng ra thành 1 hồ nước nếu như không ai đắp đập ngăn dòng chặn lại. Tất cả là để cải tạo cho khu vườn trở nên kỳ diệu hơn, để trở thành 1 nơi như là khu vườn cổ tích của riêng mình, rồi cùng mong 1 ngày nào đó khi đủ khôn lớn khỏe mạnh để thực hiện.

Tự nhiên tôi lặng người xúc động, khẽ ngồi xuống 1 tảng đá trong trạng thái u buồn. Tôi nghĩ về hai số phận và hai lối đi đã do thời gian tạo tác thành. Tôi đến nơi thị thành học hành, mong trở thành một con người thành đạt theo quy chuẩn nhưng những ước mơ thơ ngây tự nhiên vẫn còn đây, vẫn tồn tại và phát triển. Chính thằng Phong còn ở lại tiếp tục thực hiện ước mơ thơ bé của tôi đối với khu vườn này cũng như của nó. Không ngờ có 1 hành trình khác mà tôi đã quên vẫn tồn tại song song. 1 hành trình tự nhiên như những cây rừng và những khóm lan rừng lớn lên rồi nở hoa, không một chút tính toán so kè, không một chút tham lam ảo vọng.

Tôi chợt nhìn nó, giật mình cảm thấy như nhìn thấy một phiên bản của chính mình. Phải chăng nếu tôi vẫn mãi ở đây, vẫn mắc kẹt trong những giấc mơ từ thơ bé thì cũng thế chăng. Ôi Phong ! Sao nó lại có thể cứ mắc kẹt trong khu vườn này như thế ! Bao nhiêu công sức tạo ra những điều này để làm gì ? Có tác dụng gì đâu nếu chúng không thể kiếm ra một lợi nhuận cụ thể nào. Làm sao có thể cân kí vẻ đẹp của những bông hoa lan trên thân cây mụn cóc để quy ra tiền? Ôi ước mơ thơ bé tội nghiệp của tôi, tôi làm sao có thể cứu nó bởi vì tôi biết rằng nó sẽ trở nên vô nghĩa nếu đặt trên bàn cân của người lớn, mà tôi và thằng Phong đều đã lớn! Sự trưởng thành sao có thể chấp nhận những mơ ước thơ ngây đó. Khu vườn dốc, một mảng rừng cổ tích sẽ lâm vào số phận vô định sau khi bị bán đi và sẽ suy tàn là điều tất yếu, cũng như không ai còn có thể nghĩ mình tiếp tục làm phi hành gia, làm công chúa, hoàng tử, siêu nhân khi trưởng thành ! Sự trưởng thành là kết thúc mộng mơ của tuổi thơ, không thể khác !

Thấy vẻ xúc động của tôi, thằng Phong nói :

- Anh ủng hộ giữ lại khu vườn này nhé, em đã bỏ nhiều công sức cải tạo nó, chắc anh cũng thấy. Em còn tính bó hoa lan thêm vài cây khác và làm 1 chòi canh để có thể ở đây được nhiều ngày liền.

Tôi chợt bừng tỉnh. Đương nhiên khi nhìn thấy cây mụn cóc này trong lòng tôi trào dâng 1 cảm giác sẽ chống lại việc bán vườn. Tôi rất có tiếng nói với bà và chú, có lẽ tôi có thể khuyên họ giữ lại là được. Nhưng thằng Phong thì sao ? Tôi nhìn nó và nhận thấy đó là 1 người đàn ông đã trưởng thành. Tôi ngồi im 1 lúc rồi nói :

- Nhưng em cần nhìn thẳng vào vấn đề Phong ạ, em không thể cứ ở đây chăm sóc khu vườn này mãi. Nó không tạo ra lợi ích gì cả dù em có nỗ lực thế nào đi nữa. Trong khi đó thì tình hình của bà và bố em thì đang khó khăn.

Tôi những tưởng nó sẽ nổi giận, nhưng không, nó ngồi thụp xuống đất, buồn phiền nói :

- Anh cũng nói y như bà và bố em, em tưởng rằng anh sẽ nhớ lại hồi xưa mà ngăn vụ bán vườn. Có lẽ em không còn chỗ nào để hi vọng nữa. Tiếc rằng anh cũng thay đổi rồi.

Tôi ngạc nhiên, phải chăng ngay từ đầu thằng Phong đã hi vọng tôi sẽ ủng hộ nên cố gắng ngăn chặn bố nó và đợi 1 ngày tôi đến thăm khu vườn này.

Tôi đành nói khẽ :

- Ai cũng cần phải thay đổi hết Phong ạ.

Thằng Phong chợt đưa 2 tay lên che mặt, tôi không thấy được nhiều gương mặt của nó, chỉ thấy 1 thoáng ánh mắt long lanh. Tôi và nó ngồi trong 1 lúc lâu rồi tôi vỗ vai nó nói :

- Thôi chúng ta đi về thôi, chiều muộn rồi.

Dù rất buồn sầu nhưng thằng Phong cũng chịu đứng lên ra về, nó đi theo tôi. Trời đã dần về chiều, mặt trời dọi những tia nắng xiên qua những tán lá tạo thành một khung cảnh tuyệt diệu, nhưng tôi không nhận thấy cái đẹp của cảnh vật nữa, chỉ thấy buồn. Có lẽ đây là lần cuối cùng tôi còn nhìn thấy khu vườn như thế này. Nếu nó được bán đi, chả biết những người tiếp quản có nhìn thấy vẻ đẹp của nó không hay đối với họ đây chỉ là 1 mảng rừng vô dụng. Những cây mụn cóc sẽ bị đốn đi thay vào đó là những loài cây sinh ra hoa lợi và có thể cân kí bán được, nếu không phải cà phê hay chè thì có thể là những dàn su su, chanh leo, bí xanh ... Tôi từng thấy người ta trồng những loại cây đó trên những mảnh vườn dốc ngược. Những tảng đá khổng lồ nằm yên lặng hàng vạn năm ven suối sẽ bị đập thành những viên nhỏ, vuông vức làm móng nhà hay tường rào.

Đi ra khỏi chỗ hồ nước cùng với cây mụn cóc tôi chợt nghe thấy âm thanh ríu rít của con người, những con người đang hết sức phấn khích thích thú nên tiếng nói và tiếng cười của họ lẫn vào nhau, từ xa nghe như tiếng hót vui vẻ của một bầy chim. Có 1 cặp vợ chồng cùng 1 đứa con nhỏ đang đứng ở bờ suối nhìn ngó xung quanh. Trông họ còn trẻ ăn mặc lịch sự, người chồng có 1 chiếc đồng hồ mạ vàng hay bằng vàng thật mà tôi biết là rất đắt tiền. Họ đang giơ điện thoại quét xung quanh, chụp hình lia lịa và còn chụp cho nhau, say xưa đóng khung bản thân mình vào khung cảnh ở đây.

Người vợ thấy 2 anh em tôi đi lên liền gọi :

- Chào em, cho chị hỏi đây có phải vườn nhà bà Lan không.

Chợt nhớ ra Lan chính là tên của bà nội tôi, tôi gật đầu, đoán ngay ra họ đến đây làm gì. Tôi nhìn sang thằng Phong và thấy nó dường như khó chịu, nhưng không đến mức kích động. Tôi đáp lại đơn giản :

- Dạ đúng rồi ạ.

Thằng Phong hỏi ngay với vẻ cảnh giác:

- Anh chị có phải là người đi coi vườn để mua không ? Anh chị tính mua khu vườn này làm gì ?

Người chồng trả lời :

- Anh chị ở thành phố chứ không phải ở đây. 1 lần đi ngang qua đây thấy có nhiều cây rừng rất lạ và đẹp, mảnh đất rộng mà giá cũng không cao, anh chị tính mua để làm chỗ nghỉ ngơi cuối tuần cho con anh được tiếp xúc với thiên nhiên. Vừa rồi mấy bạn môi giới ngại mưa không dẫn anh chị xuống xem được, tiện thể hôm nay khô ráo anh chị muốn tự mò xuống xem vì nghe nói là có 1 con suối rất đẹp ở dưới.

Người vợ ở tuổi trung niên, có lẽ ngoài 30 nhưng giờ đây trông chị ta chả khác gì một cô gái mới lớn, vừa tự chụp hình mình vừa biểu cảm rất nhí nhảnh, ríu rít cười nói với đứa con và chỉ trỏ khắp nơi. Chỉ có niềm hứng thú thực sự mới làm cho con người ta trẻ ra như vậy. Đứa bé liên tục hỏi tên của những loài hoa, loài cây ở đây và mẹ nó trả lời hầu hết đều sai, hoặc là trả lời đại y như cách tôi tự đặt tên cho cây mụn cóc vậy. Dường như mọi thứ ở đây đối với họ đều kì diệu và thú vị cả.

Tôi cảm thấy rất mừng. Nếu họ mua với mục đích ấy thì có thể vườn dốc sẽ được giữ ! Tôi liền nói :

- Nó còn đẹp hơn nhiều so với ở đây, anh chị có thể ra phía sau xem, trời vẫn còn sáng vẫn còn xem kịp.

Tôi chỉ vào hướng đi đến chỗ cây mụn cóc và quay qua nói thằng Phong dẫn họ vào xem.

Thế là cả gia đình cùng con nhỏ đi theo thằng Phong, tôi thì vẫn ở lại. Đứa bé rất háo hức trố mắt nhìn mọi thứ xung quanh, thỉnh thoảng thốt lên thích thú. Tôi nhìn nhóm người dần khuất dưới những tán cây rồi lại quay qua nhìn vầng mặt trời đã hạ rất gần những dãy núi phía xa, vẫn rực rỡ cùng những đám mây hồng phía chân trời. Tôi chợt cảm thấy mình thật nhỏ bé giữa khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ của miền đất này và cảm thấy có gì đó ghen tỵ. Chưa ai khen ngợi những bức tranh của tôi một cách nhiệt tình như những người này khen ngợi khu vườn dốc.

Bất chấp sự bi quan của tôi, vẫn có người nhìn ra vẻ đẹp của vườn dốc, nó không hề vô nghĩa, nỗ lực của thằng Phong hay ước mơ thời bé của tôi với mảnh vườn này không hề vô giá trị. Vẫn tràn trề hi vọng rằng khu vườn này rồi sẽ được những người này yêu thích và mua, và họ rồi sẽ chăm sóc nó, nâng niu vẻ đẹp đã được thiết lập sẵn hoặc thậm chí bổ sung thêm.

Thế giới vẫn thật rộng lớn và khó đoán nên có lẽ những ước mơ tưởng chừng vô ích thời thơ bé vẫn có thể kiếm được 1 vị trí trong thế giới này, chờ đợi 1 ngày để phát huy, 1 ngày đó nhận được sự đồng cảm và công nhận hay chăng? Có thể nỗ lực của tâm hồn, sự nhiệt huyết sẽ được nhận ra muộn hơn 1 chút so với sự tính toán, xếp đặt. Có thể sự trưởng thành vẫn có thể khai thác những chất liệu hồn nhiên thời thơ bé, nhưng ở một góc độ khác.

Tôi lại nghĩ về bản thân mình, liệu có điều gì đó mà tôi vẫn còn nông cạn, chưa nhìn ra thấu suốt? Có lẽ tôi sẽ phải về nhà bà nội để nhớ và hoài niệm lại, liệu có điều gì mà tôi đã bỏ qua trong nhiều năm tháng, có điều gì mà bản thân đã quên lãng vì nghĩ rằng chúng không còn giá trị?

****

Khu vườn được bán cực kì nhanh, chỉ 2 ngày sau là phía mua đã chồng tiền, công việc còn lại chỉ là thủ tục sang nhượng. Họ hứa với thằng Phong là sẽ giữ gìn và làm tiếp những điều mà nó dự định làm, họ chỉ làm 1 ngôi nhà nhỏ ở phía trên nên không ảnh hưởng nhiều. Họ còn muốn nhờ thằng Phong tiếp tục chăm sóc, cải tạo khu vườn nhưng nó từ chối. Phần tiền bán vườn tôi cũng nói chú khoan mua xe tải mà nên để thằng Phong đi làm 1 thời gian xem liệu nó thực sự muốn làm nghề gì rồi hãy đầu tư.

Cũng đã đến ngày tôi phải rời miền quê này. Chú tôi rối rít cám ơn, không hiểu tôi đã khuyên thế nào mà thằng Phong lại chấp nhận nhanh như thế. Bà tôi thì tỏ ra rất buồn phiền vì tôi chuẩn bị chia tay, và thằng Phong thì cũng thế nhưng sau vài ngày nữa.

Lần lên xe này tâm trạng của tôi cũng nặng nề như bao lần trước. Những buổi chia tay không bao giờ là dễ dàng. Buồn thay khi nghĩ rằng ở lần quay về sau mọi thứ sẽ ngày càng đổi khác, thậm chí không còn có thể nhận ra. Tôi cảm thấy nôn nao và lo lắng nghĩ liệu có điều gì mà từ thơ ấu của tôi còn sót lại đây sẽ tiếp tục bị chôn vùi và lãng quên? Trời lại mưa nhưng không lớn lắm. Tôi nhìn sang núi Đại Bình 1 lần nữa. Lạ thay sườn núi lại không mưa, ngọn núi nằm trong vùng thủng của đám mây, đang đón những tia nắng rực rỡ.

Bao năm đi xa, tôi đã mơ ước mình chinh phục nhiều đỉnh cao, và như 1 cách mặc định tôi đã muốn mình có thể chinh phục những địa điểm nổi tiếng như núi Phú Sĩ hay núi Everest. Nhưng chúng đều là những giấc mơ xa lạ, những giấc mơ được lập trình sẵn 1 cách vô thức và có lẽ là vô nghĩa đối với tôi. Nhớ lại thì khi bé tôi đã từng mơ chinh phục núi Đại Bình. Đó mới chính là ngọn núi tôi ước mơ chinh phục đầu tiên, bởi vì khi ở trên đỉnh núi tôi sẽ có thể quay lại nhìn toàn cảnh vùng đất mà mình đã sinh ra, lớn lên, cũng như khám phá liệu phía sau ngọn núi này có phải là nơi thế giới kết thúc không, hay là 1 chân trời mới.

Cùng với sự tăng tốc của chuyến xe, núi Đại Bình càng rời xa, tôi đưa mắt chào nó lần cuối, lòng tự nhủ một ngày nào đó sẽ quay trở lại để chinh phục Đại Bình, ngọn núi vĩ đại của tuổi thơ tôi, của chính tôi, của những ước mơ xa xưa một ngày nào đó trở lại một cách kỳ diệu.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro

#truyen